CHÚA Ở QUANH TA

CHÚA Ở QUANH TA

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

nguồn:conggiaovietnam.net

Trong tất cả các trình thuật về biến cố Chúa Giêsu hiện ra sau khi đã phục sinh : Buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần (Ga 20, 11 – 18); buổi chiều với hai môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24, 12 – 35); buổi sáng nơi bờ biển với các môn đệ sau một đêm đánh cá (Ga 21,1 – 19). Không lần nào chúng ta thấy Chúa xuất hiện trong dáng vẻ của người cao sang quyền thế, trong y phục lộng lẫy sang trọng, bên những đoàn quân tiền hô hậu ủng. Ngược lại, buổi sáng hôm ấy nơi tha ma nghĩa địa, Chúa làm cho bà Maria Magdalena lầm tưởng là người làm vườn, ắt hẳn rằng Chúa đã mặc áo quần cũ kỹ, đã khoác lên người những mảnh vải bạc màu, đã giản đơn với đôi dép nhẹ, đã để lộ đôi bàn tay sần sùi chai cứng. Ắt hẳn buổi chiều hôm đó, cả một đoạn đường dài từ Giêrusalem về hơn 11 cây số, Chúa đã “thất thểu” trong bộ dáng người lữ khách, áo phong sương nhuốm bụi đường, bình thường đến độ quá tầm thường vì không di chuyển bằng xe, bằng lừa ngựa, nhưng làm người khách bộ hành nghèo đường xa. Sáng hôm đó nơi bờ biển vắng lặng, ắt hẳn Chúa đã đi lại trên bờ thế nào, dáng vẻ tềnh toàng kèm theo lời xin “có gì ăn không ?” (Ga 21, 5) để các đồ đệ của mình lầm tưởng “người ăn xin” lang thang nào đó !

Chúa Giêsu không chỉ làm người nghèo trong thời gian sinh sống làm người giữa nhân loại, nhưng ngay cả khi đã phục sinh vinh hiển, thì chất nghèo vẫn quyện lấy Con Thiên Chúa làm người dù đã vinh thắng. Chắc chắn chọn lựa này của Thiên Chúa không phải là một chọn lựa tình cờ, cũng chẳng phải là một chọn lựa nhất thời, nhưng là một chọn lựa mang tính dứt khoát và quyết liệt. Thiên Chúa quyết định hoá thân và định cư vĩnh viễn nơi người nghèo. Phải hiểu và xác tín như vậy, không còn cách nghĩ nào khác khi trong Mt 25 Thiên Chúa tuyên bố:

“ Khi xưa Ta đói ngươi đã cho ăn,

Ta khát ngươi đã cho uống….”

Càng không ngần ngại khẳng định : 

“Việc gì ngươi làm cho một người anh em bé mọn nhất ấy làm làm cho chính Ta”.

Ngay khi khởi đầu sứ vụ, Chúa dõng dạc lên tiếng :

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ”.(Mt 5)

Hình ảnh vị tân Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục làm thế giới rúng động, không chỉ là tin tức nhưng có cả hình ảnh kèm theo. Một đôi lần ngài đã không dùng xe riêng nhưng di chuyển cùng với đoàn tuỳ tùng bằng xe chung, vẫn tấm áo dài trắng nhưng ngồi chung với anh em, không cách biệt. Hàng ngày vẫn sống trong căn hộ dành cho khách của Toà Thánh nơi nhà trọ Thánh Mattha và chỉ chấp nhận dọn lên một căn hộ có hai phòng vì cần phải tiếp nhiều vị khách. Hàng ngày vẫn ăn cơm với các Hồng y, các nhân viên đang trú ngụ tại nhà trọ Thánh Mattha và vẫn dâng lễ mỗi sáng với mọi người cho các nhân viên đang phục vụ cùng tham dự. Với bằng đó thông tin trên các phương tiện truyền thông kể cả trên báo chí của nhà nước Việt Nam (báo Pháp Luật, Tuổi Trẻ, Người Lao động …) là những cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản vốn dĩ “xa lạ” với Giáo hội Công giáo Roma, chúng ta có thể nghĩ ngài như vẫn là một vị Hồng y đến sinh sống và làm việc ở Vatican chứ không phải là vị lãnh đạo tinh thần số một của Giáo hội Công giáo.

Thứ Năm Tuần Thánh vừa qua, hình ảnh truyền đi khi ngài đến thăm nhà tù dành cho các trẻ em vị thành niên ở Roma, không chỉ thăm, ngài cử hành Thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngài đã cúi xuống rửa và hôn chân mười hai phạm nhân, trong đó có hai phạm nhân nữ người Hồi giáo. Cái gì vậy ? Chúng ta có mơ ngủ không ? Nếu Đức Thánh Cha rửa chân cho phạm nhân vị thành niên, hôn chân phụ nữ Hồi giáo thì chúng ta sẽ phải làm gì ?

Khi tôi còn phụ trách một họ đạo, tôi đề nghị rửa chân cho những thanh niên “hư hỏng” trong cộng đoàn (chỉ thanh niên thôi không dám là phụ nữ), họ là những người rượu chè be bét, họ là những người vướng vào ma tuý, cờ bạc, tôi đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của những người đạo đức và gương mẫu trong cộng đoàn, khi tôi cương quyết thực hiện họ tìm cách đe doạ và gây áp lực cho những người được chọn không thể đến, đã có năm tôi chỉ có sáu người để rửa chân, ngày ấy tôi mang tiếng là ông cha cấp tiến, chướng ! Cũng may việc này đã làm cho một số anh em được rửa chân suy nghĩ lại và sửa chữa đời sống.

Đức Thánh Cha đã chọn lựa một cách hành động thể hiện tinh thần nghèo, khiêm tốn và thuộc về người nghèo. Qua lá thư nhận định và góp ý của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (01/03/2013), Hội Thánh Việt Nam cũng đã chọn lựa đứng về phía người nghèo, người bị bỏ rơi, người bị tước đoạt những quyền lợi căn bản.

Còn chúng ta, chúng ta đã dứt khoát đứng về một phía với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam chưa ? Chúng ta có dứt khoát chọn lựa như vị cha chung của chúng ta đã chọn lựa chưa, hay chúng ta chỉ đọc lá thư nhận định và góp ý cho có đọc, chỉ xem tin tức cho có xem, hoặc chỉ ca ngợi nhưng không hề chuyển biến, lương tâm người Kitô hữu tra vấn chúng ta.

Lm. Vĩnh Sang, dcct.

Phục Sinh 2013.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay