Theo BBC, Bùi Thư
ngày 12-5-2023
Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được hộ tống bởi lực lượng tuần duyên và gần chục tàu thuyền ngày 10/5 đi vào một lô dầu khí đang được vận hành bởi các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam, một điểm nóng tiềm năng khác ở Biển Đông.
Tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai tàu tuần duyên và 11 tàu đánh cá đã vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam, dữ liệu từ hai tàu giám sát độc lập mà Reuters xem qua cho thấy.
Nhóm tàu Trung Quốc cũng ở gần các lô 05-1 B và 05-1 C, được vận hành bởi Idemitsu Oil & Gas, một đơn vị của Idemitsu Kosan của Nhật Bản.
Việc này xảy ra tiếp theo các động thái quyết đoán gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng, khi Bắc Kinh thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thử thách Mỹ và các đồng minh vào thời điểm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Động thái ngày 10/5, theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội là “Trung Quốc đang sử dụng lực lượng hải cảnh và các tàu đánh cá có vũ trang để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động năng lượng ngoài khơi Việt Nam (và Malaysia, Indonesia, Philippines), nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.”
Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, chiến thuật vùng xám trên biển Đông được Trung Quốc phối hợp các các hành động chiến thuật vùng xám khác như đối ngoại, thương mại – kinh tế, truyền thông, tình báo để làm nản lòng Việt Nam (và các nước khác có biển). Bắc Kinh mong đạt kết quả mà từ xưa, Tôn Tử đã viết “thắng trận mà không phải có chiến tranh”, ông Hợp nói. Chuyên gia nhấn mạnh rằng, khi Trung Quốc cho tàu hải cảnh và tàu hải quân tiến quá gần các khu khai thác dầu khí Việt – Nga, ranh giới giữa chiến thuật vùng xám và xung đột có sử dụng vũ khí sát thương sẽ bị “thu hẹp lại”. Nói cách khác có thể dẫn đến xung đột có vũ trang trên Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các hoạt động đó là “bình thường”:
“Các tàu nghiên cứu khoa học và đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc,” Bộ này nói.
Trước đó, hồi 27/3, tàu Việt Nam đã bám sát để theo dõi một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc khi tàu này tiến tới gần một mỏ khí đốt do Nga khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông của Việt Nam, theo Reuters.
Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 42 diên ra ở Indonesia, hôm 11/5, theo AFP, tại đó, các lãnh đạo ASEAN đã thảo luận về “những vụ việc nghiêm trọng” ở Biển Đông và mở các cuộc đàm phán giữa khối này và Trung Quốc về một bộ quy tắc ứng xử nhằm làm giảm nguy cơ xung đột.
Các quốc gia ASEAN Brunei, Malaysia và Việt Nam cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với các phần của tuyến đường thủy, vùng biển có khoảng 3 nghìn tỷ USD thương mại đi qua hàng năm.
Tổng thống Widodo thay mặt các nhà lãnh đạo ASEAN đưa ra, ASEAN nhắc lại lời kêu gọi tự kiềm chế ở Biển Đông đang tranh chấp để ngăn chặn những tính toán sai lầm và nguy cơ xung đột.
Trung Quốc tiến gần ranh giới hòa bình và xung đột
Theo quan sát của ông Hợp, cả hai lần tàu Trung Quốc tiến gần các lô dầu khí của Nga và Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đều có cùng một bản chất là “Trung Quốc dùng các hành động chiến thuật vùng xám ở các mức độ khác nhau để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc theo đường 9 đoạn trên biển Đông.”
Sự khác biệt là lần này, theo ông, các tàu Trung Quốc không vào quá gần các điểm khai thác của Zarubezhneft.
Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc dùng các tàu đánh cá – dân binh để hộ tống, với số lượng tàu hải cảnh nhiều hơn lần trước.
“Trung Quốc ngang nhiên quấy phá hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam, Nga và Nhật Bản, bằng chiến thuật vùng xám. Mục đích kỹ thuật của tàu nghiên cứu có thể là thu thập dữ liệu địa chấn (seismic), đo phóng xạ, khảo sát thủy văn…,” ông Hợp nhận định.
…Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã tiến thẳng tới các lô thăm dò dầu khí do các công ty Nga điều hành hoặc sở hữu, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoảng 40 lần kể từ tháng 12/2022, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền từ tổ chức phi chính phủ South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI), tức Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Hồi tháng 2, trong ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông, Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” và ủng hộ lẫn nhau, điều này dẫn đến những lo lắng rằng Việt Nam sẽ mất đi một đồng minh lâu năm trên Biển Đông là Nga.
Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp cho rằng, quan hệ “không giới hạn” giữa Nga và Trung Quốc chỉ tồn tại ở lời nói, cho dù Trung Quốc và Nga trở nên gần nhau hơn nhiều.
“Đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ từ bỏ lợi ích kinh tế và chiến lược của Nga trong quan hệ với Việt Nam. Việt Nam tuy nhiên được cho là luôn chủ động trong mọi tình huống, trong đó có các tình huống khó khăn nhất.”
Phản ứng của Việt Nam
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6/4 cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Việt Nam sau một thời gian hoạt động ở đây, đồng thời khẳng định mọi hoạt động khảo sát mà không có sự cho phép của Việt Nam là vô giá trị.
Ông Hợp nhận định rằng, Việt Nam đã và đang xử lý các hành động chiến thuật vùng xám của Trung Quốc bằng tất cả các khả năng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, trên cơ sở chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phản của Viêt Nam:
“Lần này, Việt Nam mới chỉ cần có một tàu kiểm ngư theo dõi sát hoạt động của tàu nghiên cứu Trung Quốc, đồng theo dõi các tàu hải cảnh và tàu cá dân binh Trung Quốc. Năm 2018, Việt Nam đã gửi công hàm đến Liên hợp quốc phản đối Trung Quốc gây sự ở vùng bãi Tư Chính. Bộ Ngoại giao cũng ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc, cũng với các hoạt động đối ngoại khác.
“Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa hải quân, phòng không – không quân, lực lượng cảnh sát biển, tác chiến mạng… để có đủ năng lực quốc phòng. Hợp tác quốc phòng với các nước, tương tác với ASEAN và cộng đồng quốc tế cũng là các bước đi quan trọng nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực,” ông Hợp nhận định.
Giáo sư Carl Thayer nói với BBC hồi cuối tháng Ba rằng, trước cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã chống lại sức ép của Trung Quốc để giới hạn các hoạt động khai thác dầu của Rosneft trong vùng gần Bãi Tư Chính.
“Tuy nhiên, áp lực từ Trung Quốc đã khiến Rosneft rút lui. Những quyền lợi của Rosneft đã được Zarubezhneft tiếp nhận. Hiện nay, còn phải chờ xem các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực này có dẫn đến việc Nga ngừng hoạt động hay không.
“Zarubezhneft, hoạt động tại lô Tuna ở vùng biển của Indonesia, muốn xây dựng một đường ống dẫn dầu đến Việt Nam. Khi mà Việt Nam và Indonesia hiện đã đạt được thỏa thuận về ranh giới biển của họ, Trung Quốc có khả năng sẽ hành động để khẳng định quyền chủ quyền của mình,” theo ông Carl Thayer.
Zokhri Idris từ Global Asia Consulting nói với Nikkei Asia rằng, Việt Nam có thể sẽ theo các động thái của Philippines trong việc áp dụng một thế mạnh mẽ hơn, dù ông nhấn mạnh rằng Hà Nội sẽ bước đi cẩn thận để tránh làm suy yếu sự trỗi dậy của mình với tư cách là một quốc gia thương mại.
Trong khoảng một tuần qua, Việt Nam đã cùng với Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore và Thái Lan tham gia các cuộc tập trận hàng hải với Ấn Độ ở Biển Đông, dưới sự giám sát của Bắc Kinh. Khối ASEAN trong nhiều năm đã cùng Trung Quốc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để giải quyết những căng thẳng.
Indonesia, nước chủ tịch ASEAN năm nay, có kế hoạch tăng cường các cuộc đàm phán đã vốn bị đình trệ do sự chia rẽ giữa các quốc gia có yêu sách trên Biển Đông và những quốc gia không tuyên bố chủ quyền – như Lào và Campuchia – lại phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Bà Bích Trần, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC vẫn hoài nghi về Bộ Quy tắc Ứng xử, theo trang Nikkei Asia.
“Tiến trình của Quy tắc ứng xử không có hiệu quả, bất kể những diễn biến gần đây vì Trung Quốc không muốn tự trói tay mình,” bà Bích nói.
Theo nhà nghiên cứu này, Bắc Kinh hoặc sẽ kéo dài cuộc đàm phán hoặc thúc đẩy một thỏa thuận theo ý của họ, điều mà các nước trong khối ASEAN có yêu sách trên Biển Đông sẽ không muốn.
Yêu sách của Trung Quốc có yêu sách trên Biển Đông với hơn 1.500 km ngoài khơi bờ biển và vào vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia ASEAN – Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia.
Tháng 1/2022, Mỹ công bố bản nghiên cứu Ranh Giới Trên Biển số 150, phản đối các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng” không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982″.
Một ngày sau đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân nhắc lại: “Trung Quốc được hưởng chủ quyền đối với vùng Nam Hải Chư Đảo bao gồm các quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa. Nam Hải Chư Đảo của Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.”
Đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Nam Hải Chư Đảo gồm “Đông Sa”, “Trung Sa”, “Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “Nam Sa” (quần đảo Trường Sa của Việt Nam) nói trên, Mỹ cũng đã bác bỏ yêu sách này mà không thay đổi lập trường là không đứng về bên nào trong tranh chấp.
Trong chuyến công du tháng 11/2022 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình khi ông Tập tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba, hai lãnh đạo đã có “đối thoại sâu sắc, chân thành và thẳng thắn” về các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Thỏa thuận của họ đã được ghi lại trong Điểm thứ 9 của Tuyên bố chung gồm 13 điểm dài 4 trang.
Theo đó, đoạn thứ nhất của Điểm thứ 9, đôi bên nhất trí “sử dụng hiệu quả cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới hai nước; thông qua hội đàm và đàm phán, thảo luận các giải pháp tạm thời, chuyển tiếp mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương mỗi bên; và tìm kiếm các giải pháp cơ bản dài hạn được hai phía chấp nhận.”
Đoạn thứ hai, lãnh đạo hai Đảng cũng nhất trí “thúc đẩy trao đổi về hợp tác cùng phát triển trên biển và phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đẩy nhanh hai vấn đề nêu trên để sớm đạt được tiến triển thực chất. Sẵn sàng tiếp tục triển khai hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển; trao đổi về việc mở rộng hợp tác trên biển ở Vịnh Bắc Bộ trên cơ sở đáp ứng lợi ích thiết thực của cả hai bên.”