Chân Phước Rose Venerini

7 Tháng Năm
    Chân Phước Rose Venerini

    (1656 – 1728)

    Chân Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi cha cô từ trần.

    Lúc bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức “ở ngoài đời” hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy rất nổi tiếng và thành công.

    Cô Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu, cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng lập dòng và được phong thánh năm 1930.

    Cô Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713, cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen ngợi.

    Người giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952 ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di dân người Ý.

    Trích từ NguoiTinHuu.com

From: hnkimnga@yahoo.com
To: 
Sent: 5/6/2019 11:07:49 PM Central Standard Time
Subject: Truyền Giáo

  Truyền Giáo

    Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại… Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?”

    Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. “Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?”. Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm… Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.

    Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

    Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.

    Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?

    Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.

    Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện… Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội… Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.

    Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.

    Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình… vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.

    Trích sách Lẽ Sống

From: hnkimnga & NguyenNThu

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay