ĐẾN MỨC ANH HÙNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường!”.

Ngày kia, Paul Rader thăm đấu trường Colosseum, nơi các Kitô hữu đầu tiên bị thú dữ ăn thịt. Ông viết, “Tôi ngước mắt lên trời, nơi Chúa Cha đang ngồi chứng kiến các con cái Ngài vui mừng chờ đợi cái chết. Các Kitô hữu quỳ ngay trước ngưỡng thiên đàng, vừa bùi ngùi, vừa hớn hở khi biết rằng, họ sắp về nhà Cha! Không tài sản nào có thể níu chân họ. Tử đạo – hy sinh ‘đến mức anh hùng’ – nhất định là một phần không thể thiếu trong đời sống của một chứng nhân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Biết mình sắp về cùng Chúa Cha, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ những gì đang chờ đợi họ, “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường!”. Và còn hơn thế, những gì đòi họ phải hy sinh ‘đến mức anh hùng!’.

Rất có thể, khi nghe Chúa Giêsu nói về việc họ sẽ bị khai trừ khỏi hội đường và thậm chí bị giết, thì với các môn đệ, điều này có thể vào tai này, ra tai kia. Hoặc những lời này có thể khiến họ khó chịu đôi chút – cũng rất có thể – nhưng họ chỉ nghe mà không quá lo lắng! Nhưng vào chính thời điểm chịu bách hại thật sự, các môn đệ sẽ nhớ lại những gì Thầy đã nói và họ đã bình tĩnh, can đảm hơn. Chính lúc đó, lời hứa của Chúa Giêsu sẽ giúp họ thoát khỏi mọi cám dỗ tuyệt vọng vốn có thể dẫn đến chỗ mất đức tin.

Thế nhưng, điều thú vị ở đây là những gì Chúa Giêsu không nói! Ngài không nói, “Hãy chuẩn bị vũ trang, chống trả, bạo động!”. Thay vào đó, Ngài nói với họ về một điều gì đó tuyệt vời hơn – Chúa Thánh Thần, “Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy!”. “Thánh Thần” sẽ không đến để giải quyết các vấn đề của chúng ta; thay vào đó, sẽ dạy chúng ta hiểu chúng, do đó, dẫn chúng ta đến việc hiểu những gì thực sự phải ‘thay đổi bên trong’ mỗi người để duy trì và làm sống động chứng tá về cuộc sống của mình trong Chúa Kitô. Với chúng ta, cuộc chiến dành ưu tiên cho Thiên Chúa và các giá trị Tin Mừng không chỉ là bách hại, bắt bớ bên ngoài; nhưng còn là những gì diễn ra trong chính nội tâm mà bạn và tôi cũng phải trả giá ‘đến mức anh hùng’. Đó cũng là một phần không thể thiếu của người môn đệ mọi thời.

Anh Chị em,

“Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường!”. Chúa Giêsu đã bị khai trừ, bị giết chết, nhưng đó là cơ hội để Ngài chứng tỏ tình yêu và lòng vâng phục đối với Chúa Cha hầu cứu rỗi các linh hồn. Cũng vậy, bách hại, bắt bớ, thử thách bên ngoài lẫn bên trong của chúng ta là cơ hội để mỗi người chứng tỏ tình yêu và lòng trung thành với Thiên Chúa với những ước mong ơn cứu độ được ban cho thế giới! Chúa Giêsu đã vượt qua tất cả và Ngài đã chiến thắng. Với chúng ta, Chúa Thánh Thần ở trong và ở bên chúng ta, đang đồng hành để tiếp sức giúp chúng ta vượt qua như Chúa Giêsu. Được như thế, mỗi ngày, bạn và tôi khác nào các Kitô hữu sơ khai, mắt đăm đăm “nhìn ngưỡng thiên đàng, vừa bùi ngùi, vừa hớn hở” khi biết rằng, mình đang đi về nhà Cha và nhất là ‘đang ở’ trong nhà Cha.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh của Thánh Thần vì biết rằng, đường nên thánh của con không thể thiếu những hy sinh mà con phải trả giá ‘đến mức anh hùng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**************************************

 Thứ Hai Tuần VI Phục Sinh

Thần Khí sự thật sẽ làm chứng về Thầy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 15,26 – 16,4a

15 26 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27 Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

16 1 “Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4a Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.”


 

NHÂN LOẠI ĐANG RẤT CẦN BÌNH AN GIÊSU – Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 Trong suốt chiều dài của lịch sử nhân loại, bình an luôn là khát vọng thiêng liêng và bất tận của con người.  Đây không chỉ là trạng thái không có chiến tranh, mà còn là điều kiện tiên quyết để con người sống và yêu thương nhau.  Quả thật, con người ở mọi nơi mọi thời luôn khao khát bình an, muốn sống tự do, hạnh phúc, không có chiến tranh.  Thế giới hòa bình giúp con người ngồi lại với nhau, bắt tay nhau xây dựng địa cầu.

 Trải qua bao thăng trầm, nhất là trong thế kỷ XX đầy biến động với hai cuộc chiến tranh thế giới và hàng loạt cuộc xung đột khu vực, nhân loại đã rút ra một chân lý không thể chối cãi: chiến tranh chưa bao giờ là lối thoát, hòa bình mới là đích đến. 

Thực tế cho thấy, chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào, luôn đi kèm với những hệ lụy, không chỉ tàn phá cơ sở vật chất, chiến tranh còn để lại những vết thương tinh thần kéo dài qua nhiều thế hệ.  Từ những thành phố đổ nát ở Ukraine, Dải Gaza, Sudan đến Yemen, Lebanon, Myanma…, hàng chục triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành nạn nhân của các cuộc chiến mà họ không hề lựa chọn.

 Báo cáo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn cho biết, thế giới hiện có hơn 114 triệu người phải di tản, con số cao nhất trong lịch sử hiện đại.  Nạn nhân luôn là kẻ yếu người thua, dân thường, trẻ em và phụ nữ.

Giữa tiếng bom rơi và các loại máy bay tối tân gào rít trên bầu trời ở một số quốc gia, máu của người dân ở dải Gaza và ở Trung Đông cùng cuộc xung đột Nga – Ukraina kéo dài hơn 2 năm nay, đã và đang cướp đi hàng triệu người dân vô tội.

 Nền hòa bình của nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng.  Những người có lương tri trên thế giới luôn theo dõi sát sao và kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn để ngồi lại với nhau giải quyết thông qua đàm phán hòa bình. 

Trong bối cảnh đó, “bình an” càng trở nên có ý nghĩa.  Bởi lẽ, trong thế giới ngày nay, bình an không còn là điều hiển nhiên, mà là một lựa chọn có ý thức.  Bình an cần được nâng niu, trân trọng và gìn giữ Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con…” (Ga 14,27).  Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa. 

Bình an của Đức Ki-tô

 “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ ngày thứ nhất trong tuần. 

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là ‘bình an’ mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác?

 Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì.  “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi.  Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi.  “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết.  Thế nên, với nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò, đang lúc các môn đệ ưu sầu lo lắng.  Chúa Giêsu nói với các ông: “Anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1); “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.   Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.  Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).  Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. 

Tại sao bình an của Chúa Giêsu thế gian không thể ban tặng? 

Thưa, vì Chúa Giêsu chính là bình an; là nguồn bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con người.  Có bình an Giêsu, con người các ông hoàn toàn đổi mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửa đóng then cài, nay đi rao giảng Chúa Giêsu chết bị chôn trong mồ đã sống lại hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết. 

Bình An có tên là Giêsu

 Chúa Giêsu chính là bình an đích thực.  Có bình an của Chúa Giêsu đồng nghĩa với có chính Chúa, “Bình An Giêsu.”  Có được Bình An Giêsu người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lành mạnh, bình an cả xác hồn.  Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban bình an này.

 Bình an nội tâm của con tim, của con người với chính mình và với Thiên Chúa.  Đây là sự bình an nền tảng nhất.  Không có sự bình an này, thì không bình an nào khác có thể tồn tại.  Chúa Giêsu đã chào các môn đệ: “Bình an cho các con,” Người cũng truyền cho các ông: “Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này” (Lc 10, 5-6).

 Chúa Giêsu là chính sự bình an: “Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy.”  Các ông chỉ có được khi tuân giữ lệnh Chúa truyền là “yêu thương nhau” (Ga 13, 34).  Về vấn đề này, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Con đường của bình an chung cục phải đi qua trong tình thương và hướng tới việc tạo nên một nền văn minh tình thương.  Giáo hội chăm chú nhìn về Đấng là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con và bất chấp mọi đe dọa không ngớt gia tăng, Giáo hội không ngừng hy vọng, Giáo hội không ngừng kêu cầu và phục vụ hoà bình của nhân loại trên trái đất” (Dominum et Vivificantem đoạn 67).

 Không thể có bình an nếu không có sự tha thứ.  Hãy tuân giữ luật yêu thương, và tha thứ cho nhau, ngay cả kẻ thù của mình (Mt 5, 44), thay vì luật báo thù.  Bạo lực sẽ dẫn đến bạo lực.  Báo thù không dẫn đến hoà bình.  Chỉ có tình thương mới đem lại bình an thực sự, vì Thiên Chúa là Tình yêu là nguồn bình an (Ga 4, 8, 16; Rm 16, 20). 

Lạy Chúa, xin thương ban cho Hội Thánh được hiệp nhất và bình an.  Amen.

 Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

From: Langthangchieutim


 

Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (Ga 15:14)-Cha Vương

Xin Chúa đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi nhé. 

Cha Vương

Thứ 6, 5PS: 23/5/2025

TIN MỪNG: Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (Ga 15:14)

SUY NIỆM: Chuyện kể hồi đó thánh nữ Tê-rê-sa A-vi-la đang ở đan viện Tô-lê-đô. Ngày kia, đang khi đi trong đan viện, bỗng thánh nữ thấy một em bé khôi ngô. Thánh nữ ngạc nhiên dừng bước hỏi:

-Này em, em tên gì ?

Cậu bé không trả lời ngay, nhưng hỏi ngược lại:

-Thưa bà, vậy bà tên chi ?

Thánh nữ đáp :

-Tôi tên là Tê-rê-sa của Chúa Giê-su.

Cậu bé mỉm cười rất dễ thương nói :

-Còn tôi, tôi tên là…Giê-su của Tê-rê-sa!

Nói xong, cậu bé “Giê-su của Tê-rê-sa” biến mất.

    Nhân câu chuyện này, Đức Thánh Cha Gio-an XXIII ghi lại trong quyển nhật ký của Ngài mấy dòng tư  tưởng sau đây: “Tôi phải sống như thế nào để Chúa Giê-su cũng nói với tôi, như thuở xưa Ngài nói với thánh Tê-rê-sa thành A-vi-la : “Tôi là Giê-su của Tê-rê-sa”. Vậy tiên vàn, tôi phải là An-gê-lô của Chúa Giê-su trước đã…”

Nếu muốn trở thành những người bạn của Chúa Giê-su thì bạn phải sống thế nào đây? Hãy lắng nghe và thực hiện “lệnh truyền yêu thương” của Chúa.

LẮNG NGHE: Ai chuộng lòng thanh khiết và ăn nói dễ thương sẽ được vua nhận làm bạn hữu. (CN 22:11)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin đoái nhìn đến con người nhỏ bé yếu hèn của con và giúp con biết sống gắn bó mật thiết với Chúa trên mọi nẻo đường của cuộc sống.

THỰC HÀNH: Tập thì thầm, lặng lẽ trò chuyện với Chúa trong ngày nhưng người bạn thân nhất của bạn vậy. 

From: Do Dzung

TÌNH BẠN DIỆU KỲ – St: Nguyễn Hèn Mọn, CMF

PHẦN CÒN LẠI, NGÀI LO – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước!”.

“Một khi bị dồn vào đường cùng, rắn đuôi chuông sẽ tức giận tới mức tự cắn vào mình! Đó cũng là điều xảy ra nơi một người tích chứa sự căm ghét. Ôm chặt hận thù, người ấy nghĩ, họ đang ‘làm đau’ kẻ khác; nhưng tai hại lớn hơn là họ đang huỷ hoại chính mình. Tốt nhất, bạn đón nhận sự thù ghét, tìm dịp để yêu thương và phó thác cho Chúa. Phần còn lại, Ngài lo!” – E. Stanley Jones.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Phần còn lại, Ngài lo!’. Trước một nền văn hoá chống lại Thiên Chúa, Chúa Giêsu vẫn “tìm dịp để yêu thương và phó mình cho Chúa Cha”. Trong Tin Mừng hôm nay, Ngài nói, “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước!”.

Sứ vụ của càng mở ra, các thế lực chống đối Chúa Giêsu càng trở nên tồi tệ. Nhưng Ngài sẵn lòng ôm lấy thực tế nghiệt ngã đó. Ngài vẫn yêu thương giới biệt phái, yêu Giuđa, yêu Phêrô, yêu đến cùng cả những kẻ sẽ đóng đinh Ngài. Từ việc phó mình cho Cha – với tất cả sức mạnh – Ngài vượt qua tất cả. Ai trong chúng ta – ở một giai đoạn nào đó – cũng sẽ trải nghiệm gánh nặng này khi phải gặp những sự từ chối tương tự, cả khi chúng ta chỉ muốn làm điều tốt cho người khác. Đây là thời điểm bạn nên giống Chúa Giêsu nhất. Dĩ nhiên, thật không dễ, nhưng nếu được vậy, bình an và niềm vui sẽ ùa về; với điều kiện – như Chúa Giêsu – bạn phó thác tất cả cho Chúa; ‘phần còn lại, Ngài lo!’.

Và tình yêu luôn tìm kiếm giải pháp! Các tông đồ đã làm điều tương tự. Chỗ nào đón tiếp, các ngài lưu lại; chỗ nào tẩy chay, các ngài ra đi. Tại Đerbê, Lystra, được đón tiếp, Phaolô tiếp nhận Timôthê; sau đó, đi qua Phygia, Galat, Trôa và xuống Makêđônia – bài đọc một. Nhờ đó, Tin Mừng được rao giảng; tín hữu vui, dân ngoại mừng, “Hãy tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu!” – Thánh Vịnh đáp ca.

“Con đường của Kitô hữu là con đường của Chúa Kitô, không có con đường nào khác ngoài con đường Ngài đã chỉ ra với những hệ luỵ là bị thế gian căm ghét. Đó là lý do của những hận thù và khủng bố liên tục từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội – và cho đến ngày nay – nhiều cộng đoàn Kitô trên thế giới đang bị bách hại!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước!”. Họ ghét Chúa Giêsu hơn ghét một tên gian phi vì Ngài nói cho họ sự thật về Thiên Chúa, về chính Ngài và về chính họ. Ngài chấp nhận tất cả và chỉ tìm dịp để yêu thương. Và tình yêu mạnh hơn sự thù ghét, mạnh hơn sự chết của Ngài đã chiến thắng để trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Giữa một thế giới căm ghét Thiên Chúa; bạn cứ “tìm kiếm các giải pháp” để tiếp tục yêu thương, tiếp tục thứ tha. Và với sự trợ lực của Đấng Phục Sinh, sẽ không trở ngại nào là quá lớn; Ngài sẽ giúp bạn vượt qua tất cả. Điều quan trọng là tập trung vào việc mở mang Nước Chúa, tìm dịp để ‘xây cầu’, tín thác vào Chúa, ‘phần còn lại, Ngài lo!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để thế gian ghét con vì con dễ ghét; cứ để họ ghét con vì con dễ thương! Cho con cứ thương, dù bị ghét. Được thế, con khác nào Chúa mấy!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***************************************

Thứ Bảy Tuần V Phục Sinh

Anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn anh em khỏi thế gian.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 15,18-21

18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”


 

HẠNH PHÚC NÀO LỚN NHẤT-Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

(Suy niệm Tin mừng Gio-an (14, 23-29) Chúa nhật 6 Phục sinh năm C)

Sứ điệp: Được Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng là hồng phúc vô giá.                                                          ***

Cháu bé bất chợt thức dậy giữa đêm khuya, bóng tối dày đặc bao trùm… Cháu quơ tay tìm mẹ nhưng chẳng thấy đâu. Thế là cháu khóc thét lên, khóc trong sợ hãi, kinh hoàng, khóc mãi không ngừng… cho đến khi nghe tiếng mẹ à ơi vỗ về, cho đến khi có tay mẹ dịu dàng ôm ấp…

Được-mẹ-ở-cùng, bé cảm thấy an toàn và hạnh phúc trọn vẹn, không phải sợ hãi gì; hạnh phúc nầy không gì đánh đổi được. Dù là ngọc ngà, châu báu và tất cả mọi sự trên đời… không có gì bằng có mẹ ở kề bên!

Đứa con thơ được ở với người mẹ trần gian hèn kém, mỏng giòn và yếu đuối… mà còn được hạnh phúc đến thế, thì những ai được Thiên Chúa là Chúa tể trời đất, là Cha đầy quyền năng, là suối nguồn hoan lạc, là tình yêu vô bờ vô tận ở cùng… sẽ được hạnh phúc biết bao!

Thân phận chúng ta hôm nay cũng như thân phận đứa bé thơ cần có mẹ ở cùng. Sống trong đêm tối cuộc đời, đầy dẫy đau thương tang tóc mà sức người không thể vượt qua… chúng ta rất cần được Thiên Chúa ở cùng, để nâng đỡ, dìu dắt chúng ta vượt qua bão tố cuồng phong, gian nan chồng chất.

Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để được Thiên Chúa ở cùng?

Qua trích đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta bí quyết để đạt được hồng phúc nầy: Đó là YÊU MẾN VÀ TUÂN GIỮ LỜI NGÀI.

Ngài nói: “Ai YÊU MẾN THẦY, thì sẽ GIỮ LỜI THẦY, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. CHA THẦY VÀ THẦY SẼ ĐẾN VÀ Ở LẠI VỚI NGƯỜI ẤY” (Ga 14, 23).

Như vậy, hai điều kiện yêu mến và tuân giữ lời dạy của Chúa Giê-su là 2 ĐIỀU KIỆN TỐI CẦN THIẾT, nhờ đó, không những Chúa Giê-su, mà còn cả Chúa Cha, Chúa Thánh Thần đến ngự trị trong chúng ta. Thế là thân xác phàm hèn của chúng ta được trở thành cung điện của Thiên Chúa Ba Ngôi! Được hạnh phúc như thế quả là trên cả tuyệt vời!

Tiếc thay, còn rất nhiều người chưa khám phá được hồng phúc cao quý nầy, nên thay vì ra sức yêu mến và vâng lời Chúa dạy để được Chúa ở cùng, họ chỉ biết mơ ước và chiếm hữu những lợi lộc phù du mà lãng quên hồng phúc lớn lao là được ở cùng Ba Ngôi Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con cảm nghiệm rằng: được Chúa ở cùng là hạnh phúc tuyệt vời không gì trên dương gian có thể sánh được, để từ hôm nay, chúng con dốc lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự và ra công tuân giữ mọi lời Chúa truyền dạy để đạt được hồng ân cao quý nầy. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

******************************

Tin mừng Gio-an 14, 23-29

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: 23″Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.   25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.   26Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

27Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.   28Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.   29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.


 

TRÙNG KHỚP Ý CHÍ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!”.

“Cho tôi 100 người yêu mến Thiên Chúa hết lòng và không sợ hãi gì ngoài tội, tôi sẽ đem cả thế giới về cho Chúa Kitô! Đó là những con người yêu thương, phục vụ đến chết mà không cần tính toán, không cần phân biệt, không sợ mất mát!” – John Wesley.

Kính thưa Anh Chị em,

Nếu đem ý tưởng của Wesley áp dụng vào lời Chúa Giêsu hôm nay, một câu hỏi bất ngờ có thể nảy sinh, “Như vậy, tình yêu bị điều khiển?”. “Không! Tình yêu không đơn thuần là một tình cảm; nhưng là một hành động của ý chí. Khi ý chí con người hành động trùng khớp với ý chí Chúa Kitô – ‘trùng khớp ý chí’ – nó có thể yêu như Ngài yêu mà không cần tính toán, không cần phân biệt, không sợ mất mát!” – Bênêđictô XVI.

Trong “Thiên Chúa Là Tình Yêu”, ngài viết, “Thiên Chúa không đòi hỏi chúng ta một cảm giác mà bản thân chúng ta không có khả năng tạo ra!”. Chúng ta không thể được lệnh “phải thích” ai đó, hoặc “phải lòng” ai đó; nhưng bạn và tôi có thể “chọn yêu” ngay cả kẻ thù của mình! Quan trọng hơn, một khi cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, thì chính niềm vui “được yêu” đó sẽ cởi trói con tim chúng ta, khiến chúng ta muốn đáp lại tình yêu Ngài bằng cách yêu như Ngài yêu! “Nếu bạn tìm kiếm một mẫu gương của tình yêu: ‘Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình’ thì Chúa Kitô trên thập giá là một mẫu gương ngời sáng nhất. Và nếu Ngài đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì sẽ không khó để chúng ta chịu đựng bất kỳ khó khăn nào phát sinh vì Ngài!” – Tôma Aquinô.

Tình yêu thương dẫn đến một sự ‘trùng khớp ý chí’ – “một cộng đồng ý chí và suy nghĩ”; nghĩa là tôi muốn biết bạn tôi đang nghĩ gì và mong muốn gì để tôi có thể chia sẻ những suy nghĩ đó và thậm chí, thoả mãn chúng! Tình yêu thương đó đã thể hiện trong Hội Thánh sơ khai. Các tông đồ đã đồng tâm nhất trí, “không đặt thêm một gánh nặng nào khác” cho những người trở lại; nói cách khác, họ không cần phải “cắt bì”, ngoài “mấy điều cần kíp” phải giữ – bài đọc một. Nhờ đó, các tín hữu reo mừng, “Lạy Thiên Chúa, trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em!”. Chúa Kitô yêu thương từng người chúng ta trước bằng một tình yêu ‘không cần tính toán’; Ngài yêu mỗi người mà ‘không cần phân biệt’ chúng ta tốt hay xấu hoặc rồi sẽ xấu hơn; Ngài yêu chúng ta đến nỗi hiến trao cả thân mình mà ‘không sợ mất mát’ cho đến giọt máu cuối cùng. Xác tín được điều đó một cách sâu sắc, chúng ta mới có thể luôn mong ước cho mình có một ý chí trùng khớp với ý chí của Chúa Kitô, nên một với Ngài. Bấy giờ, con tim của chúng ta sẽ ‘cùng nhịp’ với con tim Ngài, thổn thức của Ngài sẽ là thổn thức của chúng ta. Và chính lúc đó, chúng ta mới có thể yêu như Ngài yêu, yêu cho đến cùng, cho đến dám chết cho người mình yêu.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì tim con trùng nhịp với tim Chúa, ý chí con trùng khớp với ý chí của Chúa. Và con không sợ hãi chi ngoài tội; nhờ đó, con đem thế giới về cho Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

************************************************************

Thứ Sáu Tuần V Phục Sinh

Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.   Ga 15,12-17

12 Khi ấy, đến giờ lìa bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.

16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17 Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.”


 

Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (Ga 15:1)- Cha Vương

Ngày Thứ 4 mạnh mẽ, tự do, vui vẻ, hài hước và vui đùa trong tình yêu của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 4, 5PS: 5/21/25

TIN MỪNG: Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (Ga 15:1)

SUY NIỆM: Câu chuyện ngụ ngôn về cây nho và các cành nho đóng vai trò lớn trong Kinh thánh. Đó là biểu tượng về việc Chúa chia sẻ sự sống của Người với dân Người. Cây và cành có cùng sự sống, luân lưu chung dòng nhựa cây.

Khi Chúa Giêsu tự gọi mình là cây nho thật, Người nói rõ rằng ngoài Chúa ra không có một sự sống thiêng liêng nào nữa. Chúa đã thông ban cuộc sống của Chúa cho bạn. Và Chúa thông ban liên lỉ, để cuộc sống của bạn đích thực là cuộc sống đón nhận từ nơi Chúa để sinh nhiều hoa trái. Thánh Thể là nguồn mạch sự sống, mỗi khi bạn rước Chúa vào lòng bạn được tràn đầy sự sống của cây nho đích thực. Thánh Cyrillô thành Alexandria mô tả nó tương tự như “khi sáp nóng chảy được kết hợp với một loại sáp khác.” Hành trình của người Kitô hữu là một cuộc hành trình để trở nên giống Chúa Kitô, để “ở lại trong Ngài” và Ngài ở trong bạn. Bí Tích Thánh Thể là nơi điều ấy xảy ra. Cầu mong cho mọi người Kitô hữu có một tấm lòng khao khát mãnh liệt được rước Chúa mỗi ngày để được sống trong Chúa luôn mãi.

LẮNG NGHE: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (Ga 6:56)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, nguồn gốc của mọi ân sủng và là kho tàng đích thực của tâm hồn con, con khao khát Chúa. Xin cho tình yêu của con dành cho Chúa ngày càng sâu đậm hơn, và xin củng cố đức tin của con.

THỰC HÀNH: Cố gắng sắp xếp thời giờ để đi tham dự Thánh Lễ thường xuyên hơn. 

From: Do Dzung

****************************

Tình Con Trong Tình Chúa – St : Huỳnh Tấn Dũng -Tb: Lm. Nguyễn Minh Tâm

NHƯNG CÒN LÀ GIÁO HỘI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy ở lại trong tình thương của Thầy!”.

“Để làm công việc của Chúa Kitô – đúng theo nghĩa đen – Giáo Hội là đôi tay; để lên đường rao truyền Chúa Kitô, Giáo Hội là đôi chân; để công bố Lời Chúa Kitô, Giáo Hội là tiếng nói. Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội; chống đối Chúa Kitô, thì không chỉ chống đối Ngài, nhưng còn là Giáo Hội của Ngài!” – William Barclay.

Kính thưa Anh Chị em,

Khi nói “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy”, Chúa Giêsu không chỉ nói đến tình yêu của chúng ta đối với Ngài; ‘nhưng còn là Giáo Hội’ của Ngài!

Như Eva hình thành từ cạnh sườn Ađam, Giáo Hội hình thành từ cạnh sườn Chúa Kitô. Bạn không thể nói, “Lạy Chúa, vâng! Và Giáo Hội, không!”. Chính nhờ Giáo Hội, chúng ta chào đời trong đức tin, lãnh nhận bao ân tứ đức tin và lớn lên trong đức tin.

Tình yêu của Chúa Kitô thể hiện rõ nét qua ‘tông sắc’ của ‘Công Đồng đầu tiên’ về việc “Cắt bì hay không cắt bì!”. Các tông đồ với sự trợ giúp của Thánh Thần đã tìm ra giải pháp tối ưu cho nan đề! Nhờ đó, Giáo Hội tránh được những thực hành không là trọng tâm của đức tin; cùng lúc loại bỏ những gì không thiết yếu – cho dẫu “cắt bì” là một truyền thống hàng ngàn tuổi. Nguyên tắc vàng ‘khoan dung’ và ‘hiệp nhất’ được tuân thủ từ cả hai phía ‘bảo thủ’ lẫn ‘tiến bộ’. Nhờ vậy, Tin Mừng tiếp tục toả lan, “Hãy kể cho muôn dân được biết những kỳ công Chúa làm!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Gần gũi chúng ta hơn, tình yêu của Chúa Kitô thể hiện tỏ tường qua mật nghị bầu chọn Đức Lêô XIV. Hồng y người Pháp Pierre nhận xét – bằng cách đảo ngược câu nói thời danh của nhà thơ Charles Péguy – theo đó, “Mọi thứ bắt đầu bằng thần bí và kết thúc bằng chính trị!”; “Trong mật nghị, tôi đã trải nghiệm rằng, mọi thứ bắt đầu bằng chính trị và kết thúc bằng thần bí!”. Thế giới bàng hoàng! Bạn có tin cơn lốc của Thánh Thần đã vần vũ một góc trời Rôma trong những ngày qua? Hãy tin và biết rằng, Chúa Kitô muốn chúng ta yêu thương các Giám mục, Linh mục; đặc biệt, Đức Thánh Cha. Chỉ cần một chút thời gian, bạn có thể tiếp cận ngài; biết các khó khăn của các mục tử, cả sự kiên trì của họ. Chính nhờ các ngài, Thánh Thể hiện diện khắp nơi. Hãy cám ơn Đức Thánh Cha, các Giám mục, Linh mục; cám ơn Giáo phận, Giáo xứ và cộng tác theo sức mình!

Anh Chị em,

“Yêu mến Chúa Kitô là yêu mến Giáo Hội!”. “Bạn không trở thành Kitô hữu từ phòng thí nghiệm; Giáo Hội sinh chúng ta như bà mẹ sinh con! Tại giếng Rửa Tội Latêranô, có một bản khắc Latin: “Nơi đây, sinh ra một dân tộc, dòng dõi Thiên Chúa, bởi Thánh Thần, Đấng làm nước này nên phong phú. Mẹ Giáo Hội sinh con cái trong sóng nước này!”. Đẹp không? Chúng ta không thuộc về Giáo Hội như thuộc về một hiệp hội; nhưng như ‘cuống rốn’ nối kết sinh tử với mẹ mình!”. Mọi bà mẹ đều thiếu sót. Khi ai nói tới các thiếu sót của mẹ mình, chúng ta che lại, chúng ta yêu chúng, thế thôi! Tôi có yêu Giáo Hội như yêu Mẹ tôi? Tôi có giúp Mẹ tôi đẹp hơn không?” – Phanxicô. Đừng quên, tôi càng thánh thiện, khuôn mặt Mẹ tôi càng xinh; tôi càng bất xứng, khuôn mặt Mẹ tôi càng khó nhìn! Mẹ tôi sáng láng hay lấm lem, tuỳ ở tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con không chỉ là con, ‘nhưng còn là Giáo Hội’ và Giáo Hội là Mẹ con. Đừng để con quên, khuôn mặt Mẹ con xinh đẹp hay lấm lem, tuỳ con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

****************************************

Thứ Năm Tuần V Phục Sinh

Hãy ở lại trong tình thương của Thầy, để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 15,9-11)

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10 Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”


 

NHIỀU HƠN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”.

“Một khu vườn không chăm sóc, cỏ dại sẽ sớm mọc; một trái tim không trau dồi chân lý sẽ sớm ‘hoang vu thần học’; một linh hồn không cắt tỉa sẽ không bao giờ là khí cụ của ân sủng vốn có khả năng sinh hoa trái nhiều hơn!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến cắt tỉa! Hội Thánh sơ khai cần được cắt tỉa; các môn đệ cần được cắt tỉa. Chúa Giêsu muốn dùng chúng ta như những khí cụ ân sủng; nhưng bạn và tôi chỉ có thể sinh hoa trái ‘nhiều hơn’ nếu – trước hết – dám sẵn sàng để Ngài cắt tỉa!

‘Công Đồng đầu tiên’ được triệu tập khi một vấn đề gai gốc nảy sinh: “Cắt bì hay không cắt bì?” – bài đọc một. Để Tin Mừng có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, Giáo Hội cần được cắt tỉa cả với những gì ‘được coi là truyền thống’ nhất. Đó có thể là những ‘nghi thức’, ‘tập tục’ lâu đời nhưng đã mai một theo thời gian. Sẽ luôn có những căng thẳng giữa hai xu hướng – vốn đều cần thiết – ‘bảo thủ’ và ‘tiến bộ’; tuy nhiên, một khi được xem xét, điều chỉnh, dưới sự dẫn dắt của Thánh Thần, kết quả sẽ là những hoa trái của hiệp nhất. Và đây là dấu hiệu của một Giáo Hội trưởng thành vốn có thể thích ứng với con người của mọi thời.

Việc cắt tỉa thúc đẩy sự tăng trưởng và sinh hoa trái ‘nhiều hơn’. Chúa Thánh Thần sẽ cắt tỉa, loại bỏ những ‘cỏ dại và lỗi lầm’ ra khỏi cuộc sống chúng ta; nhờ đó, các nhân đức được nuôi dưỡng để trái tim của chúng ta không ‘hoang vu thần học’. Công việc này có thể gây thương tổn, nhưng những ‘vết cắt’ tâm linh sẽ góp phần mở ra cánh cửa trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. “Ngày nay, trong những cuộc khủng hoảng về ý tưởng và phong tục khác nhau, đôi khi chúng ta cảm thấy thất vọng và thất bại; có thể cảm thấy như đây là giờ của Ghếtsêmani, giờ của thập giá. Nhưng đó cũng phải là giờ tin tưởng tuyệt đối vào “ân sủng” vốn hoạt động cách vô hình, không thể đoán trước và bí ẩn, thậm chí thông qua sự giày vò của những bất lực nơi con người!” – Gioan Phaolô II.

Vậy bạn và tôi cần cắt tỉa điều gì trong cuộc sống để phát triển trong sự hiệp nhất với Chúa và trở thành những môn đệ sinh hoa trái ‘nhiều hơn?’. Chớ gì chúng ta không kháng cự, nhưng tỉnh thức đủ, để đừng vì đau nhức mà bỏ cuộc. Hãy mềm mỏng với Thánh Thần, hầu có thể trở nên một công cụ tốt, sinh ích cho tha nhân và cho thế giới!

Anh Chị em,

“Cành nào sinh hoa trái, Người cắt tỉa cho nó sinh hoa trái nhiều hơn!”. Bản thân Chúa Giêsu, Ngài cũng chịu cắt tỉa; cái chết trên thập giá là cắt tỉa nghiệt ngã nhất của Ngài; nhưng cũng từ đó, Ngài trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho nhân loại! Với Chúa Giêsu, thập giá và khổ đau như là điều kiện không thể thiếu cho việc xây dựng Vương Quốc. Cũng thế, với chúng ta, Thiên Chúa – Chủ Vườn đại tài – biết cần cắt tỉa cành nào và cắt tỉa lúc nào, vì “một linh hồn không được cắt tỉa sẽ không bao giờ là một khí cụ của ân sủng vốn có thể sinh hoa trái ‘nhiều hơn!’”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không cuộc giải phẫu nào mà không chảy máu, xin cứ cắt tỉa con! Nhờ đó, con không là một khí cụ tồi, mà là một công cụ sắc bén trong tay Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************

Thứ Tư Tuần V Phục Sinh

Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. (Ga 15,1-8)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

5 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”


 

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN THẬT SỰ CÓ ÍCH KHÔNG? –  Lm Alain Bandelier

Nếu Thiên Chúa biết điều chúng ta cần trước khi chúng ta xin Người, vậy mục đích của lời cầu nguyện là gì?

Tất cả chúng ta đều biết lời cầu nguyện không phải là câu “thần chú” mà con người sử dụng đối với Thiên Chúa.  Hành vi cầu nguyện không phụ thuộc vào việc kể lể dài dòng hoặc phát minh ra một vài công thức phép thuật cho phép chúng ta điều khiển thời gian và những biến cố để giảm bớt nỗi sợ hãi, cũng như thỏa mãn mong muốn của mình.  Chúa Giêsu đã dạy rất rõ về điểm này: “Khi cầu nguyện anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời” (Mt 6, 7).  Điều lạ lùng là lời cầu nguyện không tác động nhiều trên Thiên Chúa, nhưng nó lại tác động nhiều trên chúng ta.

 Đó là lý do tại sao Thánh Tông đồ Phaolô kêu gọi chúng ta “cầu nguyện luôn” (1Tx 5, 17).  Chúng ta phải luôn cầu nguyện để: quay về với Thiên Chúa, mở lòng hướng về sự hiện diện của Người, lắng nghe điều Người nói với chúng ta, đặt Người vào trong cuộc sống chúng ta và trong anh chị em chúng ta, kết hiệp chúng ta với Thánh ý Người.  Đằng sau mỗi lời cầu xin cá nhân, cần có một điều cơ bản, đó là ước muốn của chúng ta phải vì Chúa.  Không có điều đó, chúng ta có nguy cơ rơi vào mâu thuẫn thiêng liêng, và đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ bị suy yếu.  Thật vậy, lời cầu xin vì Chúa bao gồm việc mong đợi tất cả mọi sự theo Chúa, nhưng sẽ là mâu thuẫn khi trong thực tế chúng ta không mong đợi gì theo Chúa.

 Thiên Chúa rất vui khi chúng ta cầu nguyện

 Thánh Gioan Thánh giá khuyến cáo chúng ta: chúng ta nên yêu mến Thiên Chúa là Đấng ban ơn, hơn là yêu thích ơn mà Người ban cho ta.  Trong cùng một logic như thế, chúng ta nên hiểu những lời đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng thứ tư: “Các anh tìm gì?”  Chúng ta đang háo hức tìm kiếm quá nhiều thứ!  Nhưng chính Đức Giêsu là Đấng cho chúng ta câu trả lời đúng đắn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6, 33).  Điều này cũng soi sáng cho chúng ta về “những ý nguyện” rõ ràng trong lời cầu nguyện của mình.

 Chúng ta có thể dễ dàng xin Thiên Chúa hàng ngàn điều liên quan đến những vấn đề toàn cầu trong đời sống chúng ta, cũng như đến những chi tiết nhỏ bé, dựa trên tình huống mà những điều này liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến vinh quang Thiên Chúa.  Như Thánh Augustinô đã viết ở phần kết trong lá thư gửi Proba về cầu nguyện: “Chúng ta không xin gì, nhưng những điều chúng ta xin đã thật sự chứa trong Kinh Lạy Cha.”  Lời Kinh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta cũng là lời nguyện của chính Ngài, đã trở thành lời nguyện của chính chúng ta: “Xin cho Ý Cha được thể hiện.”  Vì thế, lúc này chúng ta có thể trở lại với vấn đề ban đầu của chúng ta: Nếu Cha chúng ta ở trên Trời biết con cái Người cần gì ngay cả trước khi họ nói với Người, và nếu Người luôn mong muốn ban cho họ điều tốt nhất, thì tại sao chúng ta phải thưa với Người về những ước muốn của chúng ta?

 Chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa Cha không phải là người cha theo chủ nghĩa gia trưởng.  Người không muốn chống lại ý muốn của chúng ta, kể cả khi cứu chúng ta.  Vì thế, Thiên Chúa hạnh phúc khi chúng ta biết kết hợp và thêm tình yêu và sự dấn thân của chúng ta vào lời cầu nguyện mạnh mẽ, thuần khiết và hoàn hảo của Con Yêu Dấu của Ngài, một lời cầu nguyện vốn luôn được nhậm lời.  Và Thiên Chúa cũng hạnh phúc khi chúng ta cầu nguyện nhân Danh Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần – Đấng chuyển cầu cho chúng ta được theo như ý Thiên Chúa muốn.

 Lm Alain Bandelier – Dung Hạnh chuyển ngữ từ aleteia.org

From: Langthangchieutim


 

THÔI XAO XUYẾN- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng!”.

“Để có thể trải nghiệm niềm vui, chớ gì không một giây phút nào trong đời tôi nằm ngoài ánh sáng, tình yêu và sự hiện diện của Chúa! Như chiếc bình rỗng, tôi trao toàn thân cho Ngài, Đấng sẽ đổ đầy nó bằng tình yêu và Thánh Thần!” – Andrew Murray.

Kính thưa Anh Chị em,

Không ‘rỗng’ như Murray, bạn và tôi thường ‘đầy’; vì thế, chúng ta luôn thiếu bình an, mất tự do và ít niềm vui. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiết lộ một bí quyết để chúng ta ‘thôi xao xuyến’, tìm lại tự do, lòng đầy niềm vui: “Nếu anh em yêu mến Thầy!”.

Một trái tim sợ hãi và xao xuyến không phải là điều Chúa Giêsu muốn; nó không phải là của Ngài! Sợ hãi và xao xuyến là những gánh nặng tì đè đóng chặt cánh cửa tâm hồn. Chúa Giêsu muốn chúng ta thoát khỏi những gánh nặng không đáng có đó. Vậy đâu là gánh nặng ‘nặng nhất’ của bạn? Hoặc gánh nặng đó dẫu có thể không khiến bạn ngắc ngoải, nhưng nó thường xuyên đeo bám, dai dẳng, và có thể là một gánh nặng – khá khó khăn – khi nó cứ kéo dài từ năm này qua năm khác! Tại sao? Chúa Giêsu cho biết, vì chúng ta chưa yêu mến Ngài đủ!

Để tự do yêu mến Chúa Giêsu, bước đầu tiên không thể thiếu là bạn cần nhận ra gánh nặng đó là gì; xác định nó, gọi tên nó và tìm cách truy nguyên nó! Vậy nếu nguyên nhân của nó là một tội lỗi, bạn hãy ăn năn và đi xưng tội; đây là cách tốt nhất để tìm lại và trải nghiệm tự do nhanh nhất. Tuy nhiên, nếu gánh nặng của bạn là do người khác, hoặc do một số tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, bạn cứ yên tâm! Chỉ cần quy phục, tín thác vào Chúa, trao phó toàn thân cho Ngài; và rồi, tự do sẽ đến với bạn – ‘phần còn lại Ngài lo’ – dù hoàn cảnh có là gì!

Cho sự tín thác đó, câu chuyện của Phaolô là một minh hoạ. Phaolô đối mặt với một tình huống hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát. Bị ném đá, người ta tưởng ông đã chết; nhưng biết mình còn sống, Phaolô càng vững tin. Bởi thế, thay vì trốn chạy, Phaolô lập tức vào thành, đi đến các địa danh khác nhau để rao truyền Đấng ông yêu mến – bài đọc một. Nhờ đó, dân các thành nhận biết vinh quang Nước Chúa. Thánh Vịnh đáp ca báo trước, “Kẻ hiếu trung phải nói lên rằng: Triều đại Ngài vinh hiển!”.

Anh Chị em,

“Nếu anh em yêu mến Thầy!”. Đấng nói cho chúng ta biết điều kiện để ‘thôi xao xuyến’ cũng là Đấng đã từng xao xuyến, sợ hãi, lo lắng và buồn phiền đến chết. Ngài từng bị nhục mạ, giết chết và vùi trong lòng đất; nhưng vì luôn yêu mến Chúa Cha, Ngài đã có thể thưa lên, “Con phó thác linh hồn con trong tay Cha!”. Vì thế, Chúa Cha đã làm phần còn lại – phục sinh Chúa Con. Vậy, bao lâu chưa yêu mến đủ, nghĩa là bao lâu còn “nằm ngoài ánh sáng, tình yêu và sự hiện diện của Chúa”, chúng ta vẫn tiếp tục bất an! Để có niềm vui, bạn và tôi hãy trở nên những “chiếc bình rỗng”, cầu xin Thánh Thần đổ đầy yêu mến nhờ việc quen thân với Lời Chúa, Thánh Thể và các Bí tích; đặc biệt, Bí tích Hoà Giải, suối nguồn tha thứ và chữa lành!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, linh hồn con bất an vì còn đầy ‘các thứ tục luỵ’. Giúp con làm rỗng nó để có thể yêu mến Chúa ngày một hơn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************************************

Thứ Ba Tuần V Phục Sinh

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Ga 14,27-31a

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28 Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

30 “Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31a Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.”


 

 “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy (Ga 14:23)-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy hy vọng trong Chúa Phục Sinh nhé.

Cha Vương

Thứ 2, 5PS: 19/5/2025

TIN MỪNG: Đức Giê-su đáp: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. (Ga 14:23)

SUY NIỆM: Người Việt mình có tục lệ “đi thưa, về gửi” có nghĩa là lời chào khi đi ra và lời chào khi đi về, nó nói lên tính lễ độ và lễ phép của một người trẻ đối với lớn. Một lần mình đến thăm gia đình người bạn có bố mẹ già sống chung vơi họ. Mình quan sát mỗi lần rời khỏi nhà anh thường nói với ÔB “thưa Bố Mẹ con đi…” Mình nghĩ thầm rằng: “Đã lớn rồi mà con thưa với gửi gì nữa”. Nhưng nghĩ sâu thêm một tí đây cũng là một tập tục rất đẹp bạn ạ. Hẳn bố mẹ anh ta không cần anh xin phép, nhưng chắc chắn bố mẹ anh rất vui khi anh làm như vậy. Đúng là một người con ngoan. Mình nghĩ rằng chắc chắn Chúa cũng rất vui khi bạn để ý, thưa gửi, lắng nghe và tuân giữ lời Ngài. Lắng nghe để biết Chúa đang mời gọi bạn làm một điều gì đó tốt lành và tuyệt vời hơn mỗi ngày.

LẮNG NGHE: CHÚA nói: “Này tôi đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng tôi và mở cửa, tôi sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, (Kh 3:20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin cho con biết yêu mến và thực hành Lời Chúa để luôn được hiệp thông với Ngài. 

THỰC HÀNH: Tập chào Chúa mỗi khi thức dậy, đi ngủ, hoặc đi qua nhà thờ Công Giáo vì Chúa đang ngự trong nhà tạm. 

From: Do Dzung

**************************

Lắng Nghe Lời Chúa – Nguyễn Hồng Ân & Hiền Thục