NIỀM VUI TRẮC ẨN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phải chăng đó là cách ăn chay mà ta ưa chuộng?”.

“Là ‘những sinh vật’ nửa vời, chúng ta bị lừa dối bởi đồ uống, tình dục và tham vọng… đang khi niềm vui vô hạn được tặng ban thì bạn và tôi lại chối từ. Khác nào một đứa trẻ ngu ngốc chỉ muốn tiếp tục nướng những chiếc bánh bùn trong khu ổ chuột vì không hiểu được đề nghị của cha nó về một kỳ nghỉ ở một khu du lịch biển. Chúng ta dễ hài lòng với những gì mình có, để rồi, đánh mất một niềm vui lớn hơn!” – Clive Lewis.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng của Lewis được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay khi các đồ đệ của Gioan hỏi Chúa Giêsu tại sao các môn đệ của Ngài không ăn chay. Nói đến chay tịnh, chúng ta thường nghĩ đến việc ép xác, một điều gì đó đòi hỏi những cố gắng bên ngoài; nhưng nói đến chay tịnh, còn phải nói đến niềm vui – ‘niềm vui trắc ẩn’ – một niềm vui lớn hơn!

Isaia chỉ ra cách thức để có niềm vui đó. “Là mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức”; “Chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo; thấy ai mình trần thì cho áo che thân!”. Ai làm như thế sẽ cảm nhận sâu sắc một niềm vui lớn hơn – ‘niềm vui trắc ẩn’ – của Đấng Trắc Ẩn; và linh hồn họ có thể hoà nhập vào quỹ đạo xót thương của Ngài – bài đọc một. “Một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với câu chuyện Tin Mừng, Chúa Giêsu đưa ra lý do việc các môn đệ không cần ăn chay; ăn chay khi có Ngài là không bình thường! Ngài là Chú Rể và miễn là Ngài hiện diện, đó là thời gian ăn mừng. Và còn hơn thế! Bằng cách cư xử của Ngài, Chúa Giêsu đã chỉ ra một điều gì đó sâu sắc hơn, quan trọng hơn, cụ thể là vươn ra những người khác bằng lòng trắc ẩn; mang niềm vui, sự an ủi và chữa lành cuộc sống người khác. Việc ăn chay có thể rất ích kỷ, như trường hợp của những người biệt phái, ‘Xem tôi thánh thiện biết bao!’. Chúa Giêsu mong đợi nhiều hơn thế. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là vươn tới trong tình yêu thương đối với tha nhân. Không có điều đó, việc ăn chay không có giá trị!

Bạn và tôi được kêu gọi hướng đến ‘niềm vui trắc ẩn’ – niềm vui phục vụ. Vậy mà chính những mời mọc từ ‘những chiếc bánh bùn’ tưởng chừng như vô hại đó – ăn chay để chu toàn bổn phận, hài lòng đạo đức – lại thiêu rụi ước muốn quy hướng về Chúa. Mùa Chay, mùa điều chỉnh thái độ, không dễ dãi thoả lòng với những gì bên ngoài và quyết tâm tìm cho mình một niềm vui lớn hơn.

Anh Chị em,

“Phải chăng đó là cách ăn chay mà ta ưa chuộng?”. Tin Mừng mời chúng ta tự vấn, “Việc ăn chay của tôi có giúp ích cho người khác không? Nếu không thì đó là giả tạo, không nhất quán và nó đưa bạn vào con đường sống hai mặt, giả vờ là một Kitô hữu công chính – như những người Pharisêu hay người Sađốc – nhưng từ bên trong, tôi không phải vậy. Hãy cầu xin ơn nhất quán: nếu tôi không thể làm điều gì đó để yêu thương khi ăn chay, tôi sẽ không làm. Tôi sẽ chỉ làm những gì tôi có thể với sự nhất quán của một Kitô hữu đích thực!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết tìm cho mình một niềm vui lớn hơn – ‘niềm vui trắc ẩn’ – khi con cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái trong những ngày hồng phúc này!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyuen

****************************************************

Thứ Sáu sau Lễ Tro

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” 15 Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay.” 


 

CẢM NGHIỆM SA MẠC CỦA ĐỨC GIÊSU – Lm. Mark Link S.J.

 Lm. Mark Link S.J.

Khi mùa đông bắt đầu ở Nam Cực, các đêm thật dài bắt đầu.  Mặt trời biến dạng ở dưới chân trời và nó không lộ diện cho đến bốn tháng rưỡi sau đó.  Ngày nào cũng giống nhau: 24 giờ đồng hồ trong bóng tối.

Nhiều năm trước, nhà thám hiểm Richard Byrd sống một mình trong suốt mùa đông ở Nam Cực.  Trong bốn tháng rưỡi, ông hoàn toàn sống trong bóng tối, chôn vùi dưới tuyết trong một căn phòng nhỏ.  Nhiệt độ trong phòng đó xuống tới 50 độ dưới số không.

Mỗi ngày ba lần, ông Byrd leo cầu thang lên mái nhà của căn phòng, mở cánh cửa nhỏ và đẩy đống tuyết ra, rồi ông đi vào cái giá lạnh và tối tăm để ghi nhận sự thay đổi của thời tiết.

Tại sao ông Byrd lại chọn sống một mình trong những tháng hoàn toàn tối tăm?

Ông trả lời câu hỏi đó trong cuốn Alone của ông.  Ông nói ông làm như thế là vì ông muốn tránh xa mọi thứ.  Ông muốn thực hiện một số suy nghĩ nghiêm trọng.  Ông viết:

“Và điều đó đã xảy ra với tôi… ở đây là cơ hội….  Tôi có thể sống đúng như tôi muốn, không phải chiều theo sự tiện nghi nhưng phải chịu đựng những trận gió giá lạnh của đêm tối, và không phải tuân theo luật lệ của bất cứ ai ngoài chính mình.”

Sau một tháng đầu sống cô độc, ông Byrd ghi nhận một vài điều “tốt” đang xảy đến.  Ông khám phá thấy rằng ông có thể sống một cách thâm sâu hơn nếu ông giữ lối sống đơn giản và đừng vướng bận với nhiều thứ vật chất.

Ông Byrd ra khỏi căn phòng đó là một con người thay đổi.  Ông kết thúc cuốn sách với những lời này:

“Tất cả điều này đã xảy ra bốn năm trước.  Sự văn minh không làm thay đổi các ý định của tôi.  Bây giờ tôi sống đơn giản hơn, và bình an hơn.”

Richard Byrd thuộc về một chuỗi người đã sống cô độc trong một thời gian để kiểm điểm lại chính bản thân và đời sống của mình.

Ông Môsê đã làm như thế; ông Êligia đã làm như thế; ông Gioan Tẩy Giả đã làm như thế.

Và chúng ta không ngạc nhiên khi Đức Giêsu cũng đã làm như thế.  Nhưng điều làm chúng ta ngạc nhiên là những gì đã xảy ra khi Đức Giêsu đi vào sa mạc một mình để suy nghĩ và cầu nguyện.  Người bị quỷ cám dỗ.

Điều này khiến chúng ta tự hỏi, “Tại sao Thiên Chúa lại để Con mình bị cám dỗ bởi quỷ?  Mục đích của điều đó là gì?”

Trong nhiều thế kỷ, các văn sĩ đã đưa ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó.  Chúng ta hãy ngắn gọn nhìn đến hai câu trong các câu trả lời ấy.

Trước hết, sự cám dỗ trong sa mạc đem cho chúng ta một cái nhìn sáng suốt vào tâm trí của Đức Giêsu mà rất có thể chúng ta không để ý đến.

Hãy nghĩ đến sự cám dỗ.  Phúc Âm nói cho chúng ta biết sự cám dỗ xảy đến khi Đức Giêsu mệt và đói.  Thật dễ dàng chừng nào để Người dùng đến quyền năng biến các hòn đá thành cơm bánh và không còn đói nữa.  Nhưng Đức Giêsu đã từ chối dùng đến quyền năng của mình cho sự lợi lộc và thoải mái chính bản thân.

Điều này tiết lộ một vài điều mỹ miều về Đức Giêsu.  Nó cho chúng ta thấy Đức Giêsu là một con người không để thân xác điều khiển tinh thần.  Người không để cảm xúc ảnh hưởng đến hành động. Người hoàn toàn sống bởi thần khí.

Sau này chúng ta sẽ thấy điều này dữ dội hơn trong vườn Cây Dầu.  Ở đó, Đức Giêsu bị ngập tràn sự khổ não.  Mỗi một phần thân thể của Người đều nổi loạn chống với sự đau đớn và sự chết trước mắt.  Thánh sử Mátthêu nói rằng điều đó tệ hại đến độ Đức Giêsu “sấp mặt xuống đất và cầu nguyện, ‘Cha ơi, nếu có thể, xin lấy chén đau khổ này khỏi con!  Nhưng, không theo ý con, mà theo ý cha’.” (Mt 26:39)

Đức Giêsu là một con người không để thân xác điều khiển tinh thần.  Người đã không để cảm xúc ảnh hưởng đến hành động.

Một người như thế thật lôi cuốn.  Chúng ta không thể không thán phục những ai sống hoàn toàn bởi tinh thần.

Thật ngạc nhiên, chúng ta có thể tìm thấy loại quyết tâm này nơi người trẻ.  Tôi đang nghĩ về một học sinh trung học ở Chicago, em ở trong nhóm đấu vật.  Em thật nổi tiếng trong loại trọng lượng của em.

Tuy nhiên, vào năm lớp 12, điều nguy hiểm là em đang lên cân, không còn trong loại trọng lượng của mình.  Điều này đưa cả nhóm vào tình trạng bất lợi.  Vì thế em đã nhịn ăn suốt năm.  Thật vậy, em nhịn ăn đến nổi cha mẹ em sợ nguy hại đến sức khỏe của em.

Bất cứ bạn trẻ nào sau trận đấu thể thao thường dừng chân ở McDonald hay Burger King thì mới hiểu được sự hy sinh của học sinh này như thế nào.

Tôi cũng nhớ đến một nhạc sĩ vĩ đại là Arturo Toscanini.  Khi là một thanh niên, anh theo học Viện Âm Nhạc Hoàng Gia ở Parma, Ý Đại Lợi.

Vì xuất thân từ một gia đình nghèo, anh thường bán thịt trong bữa ăn tối cho các học sinh khác để lấy tiền mua bản nhạc.  Khi anh tốt nghiệp, anh nhớ đến hàng trăm bản nhạc.

Phải, một người sống hoàn toàn bởi tinh thần thì thật mỹ miều.

Chúng ta lại càng thán phục hơn nữa người sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho ước mơ của mình.

Đức Giêsu là một người như thế.  Người thuộc về nhóm người đặc biệt đó, họ đã làm cho thế giới cao quý hơn bởi tinh thần độ lượng của họ.  Không hy sinh nào được coi là quá lớn đối với họ.  Không thử thách nào được coi là quá đòi hỏi đối với họ.  Không ước mơ nào được coi là không thể đối với họ.

Điều này đem chúng ta đến câu trả lời thứ hai về sự cám dỗ của Đức Giêsu trong sa mạc.  Nó ngắn, nhưng rất quan trọng.

Vì chính Đức Giêsu cảm nghiệm sự cám dỗ, Người biết cách làm thế nào để vượt qua sự cám dỗ.  Người cũng biết thật dễ dàng chừng nào khi bị sự cám dỗ cuốn trôi.

Vì lý do này, Đức Giêsu có thể cảm thông với chúng ta khi bị cám dỗ.  Người hiểu khi chúng ta chiều theo sự cám dỗ.  Vì Người đã bị cám dỗ như chúng ta, Đức Giêsu là người mà chúng ta có thể tìm đến khi bị cám dỗ và ngay cả sau khi chúng ta chiều theo sự cám dỗ.

Và như thế các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy hai điều về Đức Giêsu.  Trước hết, chúng cho thấy một Giêsu mà chúng ta thán phục.  Chúng cho thấy một Giêsu không xa cách với chúng ta mà chúng ta không thể noi gương Người.  Thứ hai, chúng cho thấy một Giêsu là người cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta khi bị cám dỗ.

Chúng ta hãy kết thúc với những lời thích hợp trong Thư gửi Tín Hữu Do Thái:

Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.  Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa… để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.  (Dt 4:15-16)

Lm. Mark Link S.J.

From: Langthangchieutim

YÊU VÀ ÔM LẤY – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!”.

“Thập giá của Chúa Kitô tựa hồ một gánh nặng không thể thiếu như đôi cánh của một con chim, như cánh buồm của một con tàu. Ngài yêu và ôm lấy nó!” – Samuel Rutherford.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay tiết lộ ‘cánh buồm’ của con tàu Giêsu cũng như ‘đôi cánh’ của Ngài, gánh mà Ngài đã ‘yêu và ôm lấy’ để hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài muốn chúng ta – những kẻ theo Ngài – hãy làm như Ngài, “vác thập giá mình hằng ngày!”.

Thập giá và đau khổ có mặt ở mọi ngã rẽ cuộc đời, ai cũng muốn chạy trốn nó. Chúa Giêsu thì không! Dẫu thấy trước những khước từ, khổ đau và cái chết, Ngài không trốn chạy; trái lại, ‘yêu và ôm lấy’ nó như một cách thức biểu lộ tình yêu sâu sắc nhất. Với chúng ta, nhiều lần chúng ta ngắc ngoải, héo hon vì ‘cuộc chiến theo Chúa’ đòi hỏi chiến đấu liên lỉ, dai dẳng… và không ít lần chúng ta bải hoải. Con đường dẫn đến hoàn thiện hẳn có nhiều phần thưởng được hứa, nhưng nó cũng xói mòn, đục khoét. Thế nhưng, tuyệt vọng sẽ là điều xa lạ khi biết rằng, Chúa Kitô luôn đứng về phía chúng ta; nỗ lực giao chiến dằng dai của chúng ta có thể khiến Ngài vui lòng hơn là một chiến thắng dễ dàng. “Cuộc sống của người theo Chúa Kitô là một ‘nhiệm vụ quân sự’: chiến đấu chống lại tà thần, chống lại cái ác!” – Phanxicô.

Bài đọc Đệ Nhị Luật hôm nay cũng nói đến chiến đấu, chọn lựa. Môsê cho dân tự do chọn Chúa hay chọn thần ngoại, “Tôi đã đưa ra cho anh em chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh em hãy chọn sống để anh em và dòng dõi anh em được sống!”. Thánh Vịnh đáp ca cũng đồng tình, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!”.

“Vác thập giá trở thành việc tham gia với Chúa Kitô vào công cuộc cứu rỗi thế giới. Hãy bảo đảm rằng, thánh giá treo trên tường nhà, hoặc thánh giá nhỏ đeo quanh cổ, là dấu chỉ cho thấy chúng ta mong muốn hiệp nhất với Chúa Kitô trong việc yêu thương phục vụ anh chị em mình. Đó là dấu thánh của tình yêu Thiên Chúa, dấu hy sinh của Chúa Kitô, và không được giản lược thành một vật mê tín hay một chiếc vòng cổ trang trí!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo!”. “Không thể nghĩ đến một đời sống Kitô ngoài con đường thập giá. Hành trình của Kitô hữu là hành trình gắn liền thập giá, một hành trình mà Chúa Kitô đã thực hiện trước tiên. Đó là hành trình khiêm tốn, bỏ mình; và trỗi dậy! Không có thập giá, Kitô giáo không phải là Kitô giáo, và nếu thập giá không có Chúa Kitô thì đó càng không phải là Kitô giáo. Phong cách Kitô giáo là vác thập giá, ‘yêu và ôm lấy’ nó; quan trọng hơn, tiến về phía trước. Phong cách này sẽ cứu rỗi bạn và tôi, mang lại niềm vui và sản sinh hoa trái. Bởi lẽ, con đường từ bỏ chính mình mang lại sự sống, trái với con đường ích kỷ, bám víu cho bản thân… Con đường này – đường ban sự sống – còn mở ra cho những người khác nữa!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con coi nhẹ ‘cánh buồm’ con tàu đời con – vốn nhiều lúc, quá nặng. Cho con kiên định ‘yêu và ôm lấy’ nó đến cùng. Kìa, bến bờ bình yên không còn xa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*******************************************************8

Thứ Năm sau Lễ Tro

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

22 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”


 

Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Vị Tử Đạo Bà Rịa

Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam và các Vị Tử Đạo Bà Rịa

“Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người.” (Ga 1,9)

Và Người đã dạy tất cả chúng ta:

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; nếu chết đi thì nó mới sinh được nhiều bông hạt khác.” (Ga 12,24)

Đức Kitô là hạt lúa miến mà Chúa Cha đã gieo vào mảnh đất thế gian. Người đã tự hủy cách hoàn hảo, đơm hoa kết trái dồi dào. Người đích thực là vị tử đạo đầu tiên, trung kiên với sứ mạng được Thiên Chúa Cha trao phó. Người đã chết để bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ chân lý. Cuộc đời rao giảng, cuộc tử nạn và phục sinh của Người đã trở thành điểm khởi đầu và cùng đích cho đời sống đức tin của các Kitô hữu.

Khởi đi từ các tông đồ, trải qua lịch sử hơn 2000 năm của Giáo hội Công Giáo, các tín hữu ở khắp cùng trái đất đã vui mừng đón nhận vinh phúc tử đạo và coi đó là phương thế tuyệt vời để được chung phần với Đấng Phục Sinh. Các ngài đã sống và chết trong những bậc sống và hoàn cảnh khác nhau để làm chứng cho các giá trị Tin mừng.

Giáo hội Việt Nam hạnh phúc và tự hào khi được cùng chia sẻ vai trò chứng nhân cho con người trên quê hương Việt Nam này. Kể từ ngày các nhà thừa sai gieo mầm đức tin tại Việt Nam, hàng trăm ngàn tín hữu trên mảnh đất hình chữ S đã anh dũng tuyên xưng niềm tin của mình, dù phải chịu bắt bớ, tra tấn, tù đày và hy sinh mạng sống.

Gương sáng của các ngài đã được Giáo hội Hoàn Vũ ghi nhận và tôn vinh. Ngày 19 tháng 6 năm 1988 đã trở thành cột mốc trọng đại trong lịch sử Giáo hội Công Giáo Việt Nam, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng Hiển Thánh.

Trong số 117 vị, có 08 vị Giám mục đều là thừa sai ngoại quốc, 50 Linh mục với 13 vị người nước ngoài và 37 vị  người Việt Nam, 14 Thầy Giảng; 01 Chủng Sinh và 44 Giáo dân. Trong 117 cái chết anh dũng, có 01 vị chịu bá đao, 04 vị chịu lăng trì, 06 vị chịu thiêu sống, 75 vị chịu xử trảm, 22 vị bị xử giảo và 09 vị chết rũ tù.

Hướng về các bậc tiền bối với tâm tình ngưỡng mộ và biết ơn, cũng như để nhắc lại gương sáng của các ngài, hôm nay, Giáo hội Việt Nam đã công bố mở Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 30 năm biến cố lịch sử trọng đại này. Năm Thánh khai mạc vào ngày 19.6.2018 (ngày tuyên phong 117 vị Thánh Tử đạo Việt Nam) và Bế mạc vào ngày 24.11.2018, ngày Lễ kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam trong năm lịch phụng vụ. Trong Năm Thánh này, các tín hữu được hưởng Ơn Toàn xá khi tham dự lễ khai mạc và bế mạc Năm Thánh, cũng như khi hành hương đến các địa điểm được chỉ định.

Tại Giáo phận Bà Rịa, thánh lễ khai mạc Năm Thánh được cử hành lúc 09g30 ngày 19.6.2018 tại Nhà thờ Chánh Tòa; thánh lễ bế mạc vào lúc 09g30 ngày 18.11.2018 tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu.

Nhà thờ Mồ được chọn làm nơi hành hương cho các tín hữu trong năm thánh. Nhà thờ Mồ nằm cách Nhà thờ Chánh Toà hiện nay khoảng 300m, trên khu đất trước đây là nghĩa trang giáo xứ. Dù chỉ là một ngôi nguyện đường khiêm tốn, nhưng đây chính là nơi cất giữ cả một ký ức hào hùng của cộng đoàn tín hữu Bà Rịa. Nơi đây ghi danh 288 vị anh hùng đức tin, và ghi dấu nhiều tín hữu vô danh khác, đã đổ máu đào làm nên lịch sử hào hùng cho mảnh đất Bà Rịa.

Chúng ta cùng lần giở lại những trang sử hào hùng cách đây gần 150 năm, để nhìn thấy dòng máu đỏ đã tuôn trào, làm nảy sinh và tăng trưởng bao thế hệ tín hữu. Năm 1861 – 1862 được ghi dấu là 02 năm lửa máu của Phước Tuy, tên gọi trước kia của Bà Rịa. Chính quyền thời đó ngờ vực người Công giáo theo Tây, cụ thể là các nhà sừa sai ngoại quốc cùng các binh sĩ Pháp và Tây Ban Nha, nên đã ra sức lùng bắt các tín hữu. Có khoảng 700 tín hữu đã bị bắt và giam vào 04 ngục thất:

Ngục Chánh tại làng Phước Lễ, giam 300 nam tín hữu.

Ngục thứ Hai cách ngục Phước Lễ khoảng hơn 3000 thước, dọc theo con đường Bà Rịa –  Xuân Lộc. Nơi đây giam giữ 135 tín hữu.

Ngục thứ Ba cách Phước Lễ độ hơn 5000 thước, trên đường hướng về Đất Đỏ, Long Điền. Có 140 tín hữu đã bị giam giữ tại đây.

Ngục thứ Tư trong làng Phước Thọ, trung tâm Họ Đất Đỏ, là nơi giam giữ 125 nữ tín hữu và trẻ con.

Thế rồi ngày hạnh phúc của các tín hữu đã đến. Ngày 7 tháng Giêng dương lịch năm 1862, người Pháp dẫn binh chiếm Phước Tuy, chính quyền địa phương tưởng rằng họ tiến vào giải thoát các tín hữu nên đã phóng hỏa 4 ngục thất. Ngoài một số tín hữu thoát thân, có tất cả 444 vị đã bị chết trong cuộc thiêu sinh đó.

Sau vài tháng tạm yên ổn, cuối năm 1862, một cuộc bắt bớ khác lại tái diễn ở vùng Gò Sầm, Đất Đỏ. Một cuộc lùng sục, truy đuổi các tín hữu lại diễn ra, chủ yếu vùng Đất Đỏ và Họ Thôm (Long Tâm). Lần bách hại này tuy ngắn ngủi nhưng cũng gần 200 tín hữu đã bị sát hại.

Tuy vậy, đúng như lời Chúa nói: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, nếu chết đi thì nó mới sinh được nhiều bông hạt khác. Các tín hữu đã nằm xuống vì đức tin, giọt máu của các ngài đã thấm vào mảnh đất Bà Rịa, làm đâm chồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái là bao thế hệ Kitô hữu. Đạo Công giáo dần dần phục hưng và phát triển trên mảnh đất Bà Rịa.

Những năm sau đó, nhiều linh mục, trong đó có các Cha Cố người ngoại quốc, đã lần lượt đến để đồng hành, chăm sóc các tín hữu. Đặc biệt, Họ Bà Rịa vinh dự được Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (sau này là Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt Nam) coi sóc từ năm 1917 đến 1926. Nhiều họ đạo đã được thiết lập, nhiều nhà thờ và các cơ sở tôn giáo như trường học, đất thánh, lầu chuông, phòng thuốc,…cũng dần xuất hiện. Các cử hành phụng vụ, các sinh hoạt giáo hội tại các họ đạo cũng ngày càng phát triển về quy mô và số lượng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều anh chị em lương dân tìm đến với Giáo hội để được học giáo lý và lãnh nhận Bí tích Khai tâm Kitô giáo.

Nhìn lại hành trình đức tin trong những thế kỷ qua, nhìn thấy những thành quả tốt đẹp của Giáo hội hiện tại, mỗi người chúng ta càng được nhắc nhớ phải tỏ lòng tri ân các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các Vị Tử đạo tại Bà Rịa cùng hàng trăm ngàn Kitô hữu vô danh khác đã hy sinh tính mạng để bảo vệ đức tin. Chúng ta tri ân các ngài bằng chính cuộc đời nhân chứng của mình. Đó cũng là lúc chúng ta tiếp nối sứ mạng của các ngài, thi hành nhiệm vụ của mỗi người tín hữu đã được Chúa Phục sinh trao phó.

Về việc tổ chức mừng năm thánh, tại Giáo phận Bà Rịa, ngoài thánh lễ khai mạc và bế mạc Năm thánh, mỗi giáo xứ, giáo họ biệt lập, các dòng tu, các giới và các thành phần tông đồ cấp giáo phận sẽ thực hiện một ngày hành hương riêng kính viếng Nhà thờ Mồ. Ngoài ra, tại mỗi giáo hạt sẽ cử hành ngày sinh hoạt để học hỏi, tôn vinh và cầu nguyện cùng các Thánh tử Đạo Việt Nam cũng như các Vị Tử đạo Bà Rịa.

Sống tinh thần Năm Thánh, mỗi tín hữu được mời gọi chiêm ngắm và học hỏi gương sống đức tin của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Việc học hỏi này vừa giúp chúng ta hiểu biết hơn về lịch sử Hội Thánh và Các Thánh Tử Đạo, vừa thúc đẩy chúng ta noi theo gương sống của các ngài, tích cực sống tinh thần tử đạo trong cuộc sống hàng ngày hôm nay.

Ước gì, nhờ việc tham dự các cử hành Năm Thánh Tôn vinh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mỗi Kitô hữu chúng ta được hưởng trọn vẹn những ơn ích thiêng liêng mà Năm Thánh đem lại, biết dùng ơn Chúa ban để hăng hái phụng sự Chúa, và tích cực góp phần vào việc loan báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng ta.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin cầu cho dân tộc Việt Nam chúng con. Amen.

Lm. Antôn – Phước Tỉnh


 

THƯƠNG XÓT – TẤT CẢ CHỈ CÓ THẾ! – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài!”.

“Khi nói về thiên đàng, bạn hãy để khuôn mặt rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời! Khi nói về địa ngục, bạn cứ để tự nhiên, khuôn mặt bạn làm được điều đó! Còn khi nói về Chúa, bạn chỉ cần cúi xuống hầu biết phận mình, phận của những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng. Và Ngài, Đấng muôn đời xót thương – sẽ thương xót – tất cả chỉ có thế!” – Charles Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Mùa Chay, Mùa Thương Xót, tất cả cũng chỉ có thế! Lời Chúa thứ Tư Lễ Tro cũng chỉ ngần ấy! Vì thế, khi kêu lên, “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” – Thánh Vịnh đáp ca – bạn đang kéo ghì Thiên Chúa xuống, xin Ngài tiếp tục công việc không bao giờ mệt mỏi của Ngài, xót thương!

Nói đến Mùa Chay, chúng ta thường sợ hãi vì phải “từ bỏ một cái gì đó”. “Từ bỏ một cái gì đó?”. Đúng và không! Đúng, vì Chúa muốn! Chúa Giêsu nói đến thực hành khổ chế qua bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng với chỉ ngần ấy, xem ra không đủ, vì Mùa Chay còn là mùa mời gọi của ân sủng hơn là mùa ám ảnh của những gánh nặng!

“Từ bỏ một cái gì đó” chỉ thực sự mang ý nghĩa khi biết ‘chìm hẳn’ vào lòng thương xót Chúa ở một ‘mức độ sâu hơn!’. Đó là cởi bỏ những gì đang trói buộc, vướng víu hầu có thể trải nghiệm một cuộc sống mới, chiếc áo mới. “Từ bỏ” như nhịn ăn, nhịn uống vốn đòi hỏi một sự bỏ mình nhất định. Điều này là tốt! Bởi lẽ, nó tiếp sức cho tinh thần và ý chí để chúng ta quyết tâm hơn hầu có thể nói “Có” với Chúa ở ‘mức độ Chúa muốn’. Nhưng, “từ bỏ một điều gì đó” để được ‘một Ai đó’ thì đáng giá gấp bội! Bởi lẽ, khi từ bỏ, chúng ta rời địa ngục để hướng tới thiên đàng, “để khuôn mặt bạn rạng sáng, cho nó phản ánh mặt trời!”.

Vậy mà cảm xúc và ham muốn thường thao túng bạn và tôi; chúng dễ dàng điều khiển chúng ta! Vì thế, thực hành khổ chế sẽ giúp chúng ta củng cố và làm chủ các ‘khuynh hướng rối loạn’ hơn là để chúng điều khiển. Và điều này áp dụng cho nhiều thứ, không chỉ với đồ ăn thức uống, nhưng còn cho những gì tích cực hơn, tinh thần hơn. Nó bao gồm các nhân đức, đặc biệt là lòng bác ái – nói cách khác – sống xót thương. Trải nghiệm lòng thương xót Chúa, bạn trải nghiệm việc Ngài chờ đợi chúng ta xót thương nhau. Đó là ‘yêu’ như Chúa yêu và tình yêu tự do chấp cánh cho linh hồn. Bấy giờ, chúng ta “xé lòng”, trở về với Chúa – bài đọc một; “làm hoà với Ngài” – bài đọc hai. Được tình yêu chiếm hữu – lúc ấy – việc cầu nguyện, giữ chay và thương xót sẽ không còn quá khó!

Anh Chị em,

‘Thương xót – tất cả chỉ có thế!’. Đó là quà tặng miễn phí trao cho “những kẻ bị đuổi khỏi địa đàng”. “Thái độ của chúng ta trong Mùa Chay này phải là sống trong sự kín ẩn, nơi Chúa Cha nhìn thấy, yêu thương và chờ đợi chúng ta. Chắc chắn, những thứ bên ngoài cũng quan trọng, nhưng chúng ta phải luôn lựa chọn và trải nghiệm chúng trong sự hiện diện của Chúa!” – Phanxicô. Chớ gì lời khẩn xin “Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương!” không ngừng vang lên trong tâm hồn bạn và tôi, hầu khi cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương, chúng ta trải nghiệm một cuộc sống mới, cuộc sống nên thánh!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì ân sủng và lòng thương xót Chúa rửa sạch linh hồn con, khuôn mặt con… hầu nó rạng ánh thiên đàng, khi con tìm lại được những gì đã mất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*****************************************************

THỨ TƯ LỄ TRO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. 2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, 4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. 6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 “Rồi khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. 17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, 18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” 


 

CHẶNG THỨ 14: Đức Giêsu được chôn táng trong mộ – Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình! Xin Chúa luôn gìn giữ hồn xác bạn hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 7; 01/ 03/2025 

CHẶNG THỨ 14: Đức Giêsu được chôn táng trong mộ

TIN MỪNG: Khi đã nhận thi hài [Chúa Giê-su], ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. (Mt 27:59-60)

SUY NIỆM: Đi đâu và bất cứ nơi nào bạn cũng thấy các nghĩa trang những ngôi mộ có hoặc không tên tuổi; đó là hậu quả của chiến tranh, xung đột, ẩu đả, chém giết, bệnh tật, tai nạn và thiên tai. Còn cái chết của Chúa Giê-su thì sao? Cái chết của Chúa Giê-su không phải vì tội của Ngài nhưng Ngài chấp nhận cái chết để đem đến cho nhân loại sự cứu rỗi. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tuyên bố rằng Thánh giá chắc chắn trở thành biểu tượng của sự cứu rỗi, biểu tượng của sự sống. Qua Thập giá, chúng ta được hưởng sự cứu rỗi. Thánh giá trở thành dấu chỉ chiến thắng của Con Người. Qua dấu chỉ này, Chúa Giêsu đã đến như một người chiến thắng và bây giờ Ngài dẫn đường chúng ta đến với Thiên Chúa hằng sống. Do đó, Thập giá trở thành một dấu chỉ của sự cứu rỗi và thông qua Thập giá, chúng ta hợp nhất với Người. Việc Chúa Giê-su đã “yêu đến cùng” góp phần thanh tẩy chúng ta như câu thánh kinh: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh. 7:14). Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. (Rm 6:5)

XÉT MÌNH: Chết là hậu quả của tội lỗi, bởi vì mọi người đã phạm tội (x. Rm 5:12-21) Có bao giờ bạn làm cho người khác tai tiếng dẫn họ tới phạm tội không? Bạn có giận giữ hay phẫn uất, nuôi thù hận trong lòng với người khác, không tha thứ, từ chối tha thứ cho người khác, có âm mưu hay trả thù người chống đối bạn không? Có bao giờ bạn dính líu tới hay giết người, ước muốn cho người khác chết không? Có bao giờ bạn có ý định tự tử, hay trợ giúp người khác tự tử không? Có bao giờ bạn phá thái hay khuyến khích người khác bằng việc cổ võ hay buôn bán thuốc phá thai không? Bạn có cắt bỏ bộ phận thân thể nào để làm mất khả năng sinh sản không? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì tội lỗi của con mà Chúa đã phải chôn trong mồ huyệt nhưng Chúa đã biến nó thành ngôi mộ của tình yêu và sự sống; Chúa nói: Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12:24). Xin cho con biết chết cho chính mình, vâng theo thánh ý Chúa mỗi ngày và tin vào ơn cứu độ của tình yêu tự hiến để được sống muôn đời với Chúa. Amen.

Bạn thân mến, 14 ngày qua bạn đã cùng mình suy niệm những chặng đàng thánh giá và tự xét mình. Ước mong mỗi chặng là một tia sáng của Sự Thật soi vào lương tâm đang chết dần chết mòn vì tội. Mời bạn hãy dành thời gian đi xưng tội để đón nhận niềm vui đến từ ơn tha thứ của Chúa nhé.

From : Do Dzung

*****************************

Kiếp Tro Bụi – Phương Anh & Phương Ý

 

YẾU ĐUỐI, PHỤ THUỘC-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”.

“Người môn đệ không chỉ ‘phục vụ những người bé nhỏ’, mà còn phải ‘thừa nhận mình là một trẻ nhỏ’. Đó là bước đầu tiên để mở lòng ra với Chúa! Việc nhận ra mình nhỏ bé là điểm khởi đầu để trưởng thành! Chính trong sự yếu đuối, phụ thuộc của mình, chúng ta khám phá ra Chúa chăm sóc chúng ta nhiều như thế nào!” – Phanxicô.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ bảo vệ nhưng Ngài còn đề cao trẻ em – những sinh linh ‘yếu đuối, lệ thuộc!’. Ngài nói, “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào!”.

Là một môn đệ, tại sao chúng ta phải thừa nhận mình là một trẻ nhỏ? Thưa bởi lẽ, sự giản dị, lòng tin, ý định trong sáng, sự minh bạch và khả năng phục hồi là những phẩm chất mà trẻ em thường có. Trẻ em không cưu mang những ý định xấu; chúng chóng tha thứ và dễ hoà giải khi xảy ra xung đột. Và trẻ em có sự tin tưởng không lay chuyển vào sự chăm sóc của mẹ cha. Đây là những phẩm chất mà chúng ta – những môn đệ Giêsu – cần noi theo trong mối quan hệ của mình với Ngài.

Khi chúng ta già đi – khi lý trí phát triển – chúng ta có thể mất đi một số phẩm chất quan trọng đã có khi còn nhỏ. Nhưng khi nói đến mối quan hệ của chúng ta với Chúa, chúng ta không bao giờ được đánh mất những phẩm chất trẻ thơ khiến chúng ta hoàn toàn tin tưởng và phụ thuộc vào sự quan phòng chăm sóc của Ngài.

Trẻ em ‘yếu đuối, phụ thuộc’ theo nghĩa trẻ không thể tự chăm sóc nhưng hoàn toàn dựa vào người khác, đặc biệt là cha mẹ. Vì lý do đó, trẻ em là hình ảnh lý tưởng về cách chúng ta tiếp cận Chúa. Nhìn nhận sự bất lực của mình, chúng ta ý thức, tôi không có khả năng tự lo cho bản thân. Và dù có thể đạt được một số độc lập nhất định khi trưởng thành – có thể tự cung cấp về mặt vật chất – bạn và tôi vẫn sẽ không bao giờ có thể tự cung cấp các nhu cầu tâm linh bên trong. Đối với các nhu cầu này, chúng ta vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương xót của Chúa. Đừng quên, trong cốt lõi, chúng ta là những thực thể khao khát thoả mãn tâm linh vì sự thoả mãn vật chất hoặc xác thịt – có thể tự mình đạt được – sẽ không bao giờ đủ để thoả mãn ở cấp độ sâu sắc nhất. Chúa và chỉ có Chúa mới có khả năng thực hiện hình thức thoả mãn này.

Anh Chị em,

“Phải thừa nhận mình là một trẻ nhỏ!”. “Chúng ta thường quên mất điều này. Trong sự thịnh vượng, sung túc, chúng ta có ảo tưởng chúng ta tự đủ cho chính mình; chúng ta không cần Thiên Chúa. Đây là một lừa dối nghiêm trọng, vì mỗi người chúng ta đều là một người đang cần được giúp đỡ. Khi chúng ta cảm thấy nhỏ bé trước một vấn đề, nhỏ bé trước một cây thánh giá, một căn bệnh; khi chúng ta trải qua sự mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Hãy để chiếc mặt nạ hời hợt và sự mong manh triệt để của chúng ta rơi xuống! Thật vậy, chính trong sự ‘yếu đuối, phụ thuộc’ của mình, chúng ta mới khám phá ra Chúa chăm sóc chúng ta nhiều như thế nào!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết rằng, Chúa và chỉ có Chúa mới có khả năng giúp con nên thánh, giúp con trưởng thành nhân cách!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************************

Thứ Bảy Tuần VII Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.


 

CHẶNG THỨ 13: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá và được phó trong tay Đức Mẹ-Cha Vương

Chúc bạn và gia đình một ngày tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa nhé.

Cha Vương

Thư 6: 28/02/2025 24

CHẶNG THỨ 13: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá và được phó trong tay Đức Mẹ

TIN MỪNG: Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người… Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. (Mt 27:54-55, 57-58)

SUY NIỆM: Ôi thật là một nỗi đau xé lòng! Và đúng như lời ông Si-mê-ôn nói tiên tri, “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2:35b) “Lá vàng khô khóc lá xanh rơi. Chim chóc ngừng bay, đứng ngậm ngùi.” Bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội mời bạn dành thời gian thinh lặng không những để tưởng nhớ nỗi thống khổ của Đức Kitô, nhưng còn phải hướng tới việc cảm tạ hồng ân cứu độ Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, và thống hối về những lầm lỗi bạn đã phạm…

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn dửng dưng trước tình yêu cao cả của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình không? Mời bạn hãy nhận ra thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình mà sám hối, canh tân đời sống, để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, dưới chân thập giá Mẹ chứng kiến cái chết đau thương của Con mình nhưng Mẹ vẫn đứng vững không nản chí nản lòng, không ngã quỵ. Xin cho con biết noi gương Mẹ mỗi ngày luôn đứng vững để đi trọn hành trình ơn gọi và con đường thập giá đời con.

From Do Dzung

*********************

Mẹ dưới chân thập giá | St: Lm Văn Chi | Tb: Anh Dũng 

RẤT CẢM THÔNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”.

Nhà thơ Heinrich Heine để lại toàn bộ tài sản cho vợ mình với điều kiện bà phải tái hôn – “Để ít nhất một người đàn ông khác sẽ cảm thông và hối tiếc về cái chết của tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với một hôn nhân ‘không như của Heine’ nhưng bền vững và lâu dài, lời Chúa Giêsu hôm nay được thực hiện, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”. Nhưng nếu Chúa Giêsu sống đến ngày nay thì sao? Có lẽ Ngài sẽ ‘rất cảm thông!’.

Rõ ràng, đã có những người kết hôn hàng thập niên; họ yêu nhau sâu sắc – thực tế là còn hơn thế nữa – so với ngày mới cưới. Chỉ cần nhìn những người phối ngẫu đau buồn làm sao để nhận ra khoảng trống khủng khiếp còn lại khi người bạn đời của họ ra đi. Tuy nhiên, trong thời đại chúng ta, ly hôn lại rất phổ biến. Ở nhiều nước, tỷ lệ ly hôn chiếm gần một nửa và con số này ngày càng tăng. Hôn nhân Công Giáo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là một vấn đề phức tạp, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Trước hết, Chúa Giêsu chỉ trích tình huống mà một người đàn ông – khi đã chán vợ – tìm thấy một người khác thú vị hơn, chỉ cần viết một tờ giấy và đơn phương bỏ rơi vợ mình khiến cô ấy bơ vơ. Ngài lên án tình huống đó. Kết luận của Ngài chỉ ra một điều mới mẻ đối với người đương thời – càng không thể chấp nhận trong thời đại chúng ta – quyền lợi và trách nhiệm bình đẳng cho cả hai đối tác, “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly!”. Phụ nữ không phải là món hàng tuỳ tiện bỏ xuống nhặt lên!

Thứ hai, “ly hôn” ngày nay thường liên quan đến đổ vỡ thực sự trong quan hệ mà không ai mong muốn – cũng là nguyên nhân gây ra nỗi đau cho cả hai bên. Có thể do một số yếu tố ‘chưa trưởng thành’ trước kết hôn, hoặc đã ‘quá trưởng thành’ sau kết hôn. Dù lý do là gì, tình huống này khá khác so với tình huống Chúa Giêsu nói. Người ta cảm thấy có lẽ Ngài cũng sẽ ‘rất cảm thông’ với những đổ vỡ của hôn nhân ngày nay và – với tư cách Kitô hữu – chúng ta nên đồng cảm với những ai đang sống trong tình trạng này.

Anh Chị em,

“Không được phân ly!”. Giáo Hội biết hôn nhân có thể tan vỡ – và vì nhiều lý do – cặp đôi có thể ‘cần’ ly thân hợp pháp tại toà. Điều Giáo Hội cấm là tái hôn ‘trong Giáo Hội’ nếu không có tuyên bố huỷ hôn của toà án Bản quyền. Nhiều người vẫn ‘tái hôn dân sự’ thì sao? ‘Rất cảm thông’, chúng ta đối xử với họ bằng sự hiểu biết và yêu thương nhất là khi họ bày tỏ ước muốn tiếp tục là thành viên tích cực của cộng đồng Kitô. Lý tưởng Chúa Giêsu đề ra vẫn còn, nhưng xã hội đang thay đổi – phải chăng – cần có một cách tiếp cận khác đối với hôn nhân, nơi mà ‘mối quan hệ’ sẽ được nhấn mạnh nhiều hơn thay vì một ‘cam kết pháp lý’. Một Giáo Hội ‘thực sự mục vụ’ sẽ giúp mọi người sống Phúc Âm trong một hoàn cảnh xã hội học đang thay đổi. Giải pháp sẽ nằm ở việc trả lời câu hỏi: “Trong hoàn cảnh này, điều yêu thương cần làm cho những anh chị em này là gì?”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con đừng coi hôn nhân chỉ là sống chung ‘miễn là cảm thấy thoải mái’; nhưng tin rằng, sống hôn nhân là sống mối quan hệ lâu dài ‘lúc vui lúc buồn’ – và mọi thứ khác ở giữa – cùng với Chúa Kitô!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************************

Thứ Sáu Tuần VII Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo tha’nh Mác-cô.

1 Khi ấy, Đức Giê-su, đi tới miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. 2 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp: “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4 Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”


 

HÃY BIẾT MÌNH –  TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

“Hãy biết mình!”  Đó là một trong những luận đề quan trọng trong triết lý của Socrates, ông tổ của triết học Hy Lạp, sống ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên.  Bên Đông phương, cụ Khổng Tử cũng chung một quan điểm, khi chủ trương “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”  Bản thân một người chưa trưởng thành hoặc thiếu tài đức thì không thể làm gì cho gia đình và xã hội.  Chúa Giê-su đã dùng những hình ảnh đơn sơ dễ hiểu mà chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay, để giáo huấn chúng ta: Hãy xem lại mình trước khi góp ý người khác.  Thông thường, chúng ta có thói quen để ý, thậm chí soi mói lỗi lầm của người khác, trong khi mình còn nhiều khiếm khuyết thì không lưu ý sửa đổi.  Ông La Fontaine, một tác giả ngụ ngôn nổi tiếng của văn học Pháp, đã viết câu chuyện một người mang hai chiếc giỏ, một chiếc đằng trước và một chiếc đàng sau.  Những lỗi lầm của người khác thì bỏ vào giỏ đàng trước; và những lỗi lầm của mình thì bỏ vào giỏ phía sau.  Câu chuyện ngụ ngôn này thật đúng với tâm lý chung của chúng ta.  Biết mình là can đảm khiêm tốn nhận ra những thiếu sót để thiện chí sửa đổi, nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.  Trong cuộc sống, có nhiều người không biết bản thân, quá tự tin nên ảo tưởng về quyền lực, hậu quả là trở thành trò cười cho thiên hạ.

Con người sinh ra chưa biết gì.  Cần phải có thời gian học hành tập luyện.  Người khiêm tốn học hỏi sẽ biết đối nhân xử thế, kính trên nhường dưới và xây dựng một mối tương quan hài hòa với những người xung quanh.  Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chuyên tâm sửa mình để có con mắt sáng.  Một khi có tâm hồn trung thực và ngay thẳng, chúng ta mới có thể giúp đỡ người khác sống tốt.  Người mù không thể dắt người mù!  Điều đó đã quá rõ.  Để hướng dẫn người khác đi đúng đường, chúng ta phải quen biết con đường đó, nếu không tất cả sẽ mất hướng.  Không ai trên đời là hoàn hảo, vì vậy mọi người phải giúp đỡ nhau để cùng nên hoàn thiện.  Động viên khích lệ và sửa lỗi cho nhau, đó chính là đức Ái Ki-tô giáo.

Lời giáo huấn của Chúa Giê-su không chỉ nhằm tới cá nhân, mà cả cộng đoàn tín hữu.  Ngay từ thuở sơ khai, giữa các tín hữu đã có sự cạnh tranh ghen tỵ, phân biệt giữa những người đàn bà góa gốc Hy Lạp (x. Cv 6,1-7).  Những cộng đoàn xứ họ của chúng ta ngày nay cũng thế.  Có những cộng đoàn bị tổn thương nghiêm trọng do những cá nhân tự phụ hoặc thiếu hiểu biết, thiếu thiện chí.  Xem quả biết cây, một cộng đoàn chia rẽ và thường xuyên xảy ra xung đột, thì không thể là một cộng đoàn đạo đức và như thế không có khả năng diễn tả hình ảnh sống động của Giáo Hội Chúa Ki-tô.  Những mâu thuẫn bất hòa giữa các xứ họ là lực cản của công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội, là sứ vụ quan trọng nhất mà Chúa Giê-su đã trao phó.  Tình liên đới hài hòa và cộng đồng trách nhiệm chính là hoa trái của một cộng đoàn đức tin sinh động, có khả năng giới thiệu Chúa cho con người của thời đại hôm nay.

Bài đọc I trích sách Huấn Ca mang nội dung rất gần với những ca dao tục ngữ của người Việt Nam chúng ta.  Tác giả dạy mọi người phải thận trọng khi khen chê cũng như khi nhận định về một con người, một sự việc.  Ông bà ta dạy: người khôn ngoan uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.  Đó là lời dạy về sự thận trọng trong ngôn từ để tránh mất lòng và mất mát tình cảm.  Người xưa cũng nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” có nghĩa là một lời nói ra dù bốn ngựa khó đuổi.  Hãy nhớ rằng, một lời đã nói ra thì không thể lấy lại.  Khi nói ra những điều thiếu tế nhị có thể khiến cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ, và làm rạn nứt những mối quan hệ xung quanh.

Ki-tô hữu không chọn một nhân vật trần thế làm lý tưởng cho mình, nhưng là chọn Chúa Giê-su.  Nói cách khác, hành trình đức tin cũng là hành trình hoàn thiện bản thân để nên giống như Chúa Giê-su.  Trong hành trình này, cần phải kiên trì nhẫn nại và nhất là cần phải khiêm tốn, biết mình.  Thánh Phao-lô khích lệ giáo dân Cô-rin-tô hãy kiên tâm bền chí để đạt tới sự hoàn thiện.  Ngài khẳng định: “Trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (Bài đọc II).

“Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-ban.  Hình ảnh tươi đẹp tràn đầy sức sống của cây dừa và cây hương bá được tác giả Thánh vịnh dùng để diễn tả những ai sống tốt lành và luôn phó thác cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa.  Giữa cuộc sống còn đầy những âu lo trăn trở và bộn bề hôm nay, nguyện xin Chúa cho chúng ta vẫn ngẩng cao đầu, như đóa sen sống giữa bùn lầy mà vẫn tỏa hương thơm ngát cho những người xung quanh.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

CHẶNG THỨ 12: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá – Cha Vương

Ước mong bạn có một ngày đủ can đảm để nói “không” với những cám dỗ làm cho Chúa và mọi người thân yêu buồn. Nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 27/02/2025

CHẶNG THỨ 12: Chúa Giêsu chết trên Thánh giá

TIN MỪNG: Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15:34)

SUY NIỆM: Trong lúc đau đớn của Chúa Giê-su lên đến tột cùng, mặc dù tiếng kêu lớn tiếng này trông có vẻ là một dấu hiệu của sự tuyệt vọng nhưng thực sự nó bộc lộ ra mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa; đau khổ không còn là những phản kháng trần tục, nhưng là một phương tiện thần thiêng mà chính Chúa đã dùng để biểu lộ tình yêu tự hiến của Đấng đã yêu chúng ta, và cũng là một phương cách để tinh luyện và thánh hoá đời sống con người. Ngài phó thác hoàn toàn cho thánh ý Chúa Cha bằng lời kêu lớn—“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở. (Lc 23:46) Bạn có thể noi gương Chúa Ki-tô, hãy tập phó thác linh hồn và xác mình trong tay Chúa trước khi đi ngủ vì giấc ngủ tượng trưng cho cái chết của chính mình đó.

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn không tin tưởng Chúa hay tin Lòng thương xót của Ngài không? Bao nhiêu người chết bất thình lình trong lúc ngủ, có bao giờ bạn đi ngủ mà quên xét mình và dâng mình cho Chúa không? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su! Chúa đã bằng lòng vâng lời Chúa Cha để vác lấy thánh giá nặng và bằng lòng chịu chết trên thánh giá để cứu độ nhân loại. Con thật là kẻ tội lỗi! Xin Chúa ban ơn giúp sức để con biết lánh xa dịp tội, biết chu toàn bổn phận, và biết trung thành-can đảm vác thánh giá hàng ngày theo Chúa suốt cuộc đời con. Amen.

From: Do Dzung

******************************

Ngài Vẫn Thứ Tha (Phút Giây Tử Nạn) | St: Phạm Tôn Tẫn | Th: Phạm Tôn Tẫn – Kiều Oanh – Đăng Khoa

CỚ VẤP PHẠM – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chặt nó đi!”; “Móc nó đi!”.

“Những bộ óc vĩ đại thảo luận về các ý tưởng; những bộ óc trung bình thảo luận về các sự kiện; những bộ óc nhỏ bé thảo luận về con người!” – Eleanor Roosevelt. Trích dẫn này đề cập xu hướng mọi người thường tập trung vào các vụ tai tiếng, thay vì các chủ đề có ý nghĩa; phản ánh các vụ này có thể khiến xã hội mất tập trung vào những vấn đề lớn hơn. Vậy mà “Điều duy nhất chắc chắn là ‘không có gì chắc chắn!’. Và một vụ bê bối – bất kể đúng đến mức nào – luôn luôn không chắc chắn!” – Ben. Franklin.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay nói đến ‘cớ vấp phạm’. Thuật ngữ này được các phương tiện truyền thông gọi là ‘tai tiếng’ hoặc ‘bê bối’; tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng có chung ý nghĩa. Chúa Giêsu nói, những gì gây ‘cớ vấp phạm’, hãy “Chặt nó đi!”; “Móc nó đi!”.

Trong thời đại ngày nay, ‘tai tiếng’ có xu hướng ám chỉ những hành vi không được mong đợi. Chúng ta đọc các vụ ‘tai tiếng’ và nói, “Thật kinh khủng!”. Tuy nhiên, trong Tin Mừng, đó là những ‘cớ vấp phạm’ – ‘chướng ngại vật’ – cản trở hành trình của một người trên con đường họ đến với Chúa. Nếu một nguyên thủ cư xử không đúng với ai đó trong văn phòng của ông, điều đó có thể là ‘tai tiếng’ theo nghĩa truyền thông, nhưng không có khả năng ảnh hưởng đến việc sống đức tin Kitô giáo của một ai khác!

Con đường của Chúa Kitô là con đường yêu thương; ở đâu có yêu thương, hành vi này được ghi nhận và khen thưởng. Vì vậy, bất kỳ ai cho một người dù chỉ một ly nước, vì người đó là một môn đệ Chúa Kitô, họ không mất phần thưởng. Mặt khác, “bất kỳ ai” làm hỏng niềm tin của một tín đồ thì đáng chịu số phận tệ hơn cả cái chết. Và điều đó áp dụng chủ yếu cho những người có cùng đức tin, những ai mà bằng hành động của họ, có thể là rào cản cho một người theo Chúa Kitô hoặc đến với Ngài.

Trong cuộc sống, có thể có những thứ vốn có thể ngăn cản chúng ta sống sứ điệp Tin Mừng. Một bàn tay ‘vô tâm’ có thể làm tổn thương, ăn cắp, lạm dụng tình dục; thà cụt còn hơn để nó làm những điều ấy. Một bàn chân ‘vô định’ có thể đưa chúng ta đến những nơi mà chúng ta bị tha hoá hoặc tha hoá người khác; thà què còn hơn là dính líu vào những điều đó. Một đôi mắt ‘vô hướng’ có thể khiến chúng ta đối xử với người khác – dù xinh đẹp và hấp dẫn đến đâu – chỉ như những đối tượng ham muốn vốn có thể dẫn đến những điều tồi tệ; mù loà sẽ là một điều xấu ít hơn.

Anh Chị em,

“Chặt nó đi!”; “Móc nó đi!”. Yêu cầu của Chúa Giêsu thực sự là yêu cầu về tình yêu và sự trưởng thành! Thực hành lời Ngài, bạn sẽ không mất phần thưởng. Điều làm cho hành động của chúng ta có ý nghĩa phải luôn là tình yêu. Chúa Giêsu chỉ lên án nghiêm khắc những kẻ làm điều ác và gây ‘cớ vấp phạm’, những kẻ khiến ‘những người bé mọn’ không đến được với Ngài. Ngài không thúc giục chúng ta thực hiện những cuộc cắt cụt theo nghĩa đen, Ngài chỉ cảnh báo chúng ta về nhiều điều có thể là chướng ngại vật trong đời sống Kitô của mình. Hôm nay, bạn và tôi suy ngẫm và cố gắng liệt kê những điều cản trở chính mình và cản trở người khác đến với Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con “ỷ được tha thứ mà khinh nhờn!” – bài đọc một. Cho con biết sợ tội – sợ cho mình và sợ cho người khác!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen
*********************************************

Thứ Năm Tuần VII Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

41 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

42 “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. 43 Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. [44] 45 Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. [46] 47 Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, 48 nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt. 49 Quả thật, ai nấy sẽ được luyện bằng lửa như thể ướp bằng muối. 50 Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em, và sống hoà thuận với nhau.”