Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót – Cha Vương

 Ước mong lòng bạn tràn ngập tình yêu thương xót của Chúa trong ngày hôm nay nhé. 

Cha Vương

CN, 2PS: 27/04/2025

TIN MỪNG: Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta ! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. (1 Pr 1:3)

SUY NIỆM: Trọng tâm của ngày Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót được dựa trên sự việc Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại. Như thánh Phaolô nói rằng: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1 Cr 15:14) Là người đã được chịu phép rửa tội, Đức Ki-tô là niềm hy vọng sống động của bạn mà chính lòng thương xót của Ngài là biểu tượng rõ ràng nhất về tính hoàn hảo của tình yêu. Ngài muốn cho bạn được an khang và hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Như Chúa Giê-su yêu thương bạn thế nào thì Ngài cũng muốn bạn phải làm như thế. Đây là con đường tình yêu nhân hậu mà các tín hữu Kitô phải đi. Như người Cha đầy lòng thương xót, bạn cũng được mời gọi để xót thương nhau. Bạn đang sống trong một xã hội đa dạng, đa nhiệm (multitask), và đa năng. Trong xã hội này con người đang bị ngụp lặn trong một guồng máy hành chính quay rất đều. Nó biến con người trở nên như một cái máy và mất đi sự nhậy cảm của con tim. Bề ngoài ra vẻ “có giáo lý mà không có đức tin; có bí tích mà không gặp gỡ Thiên Chúa; dâng lễ mà không dâng mình; có đạo mà không có Chúa.” Đây là thời điểm, hơn bao giờ hết,  mà con người cần lòng thương xót hơn lòng thương hại, cần hành động bác ái hơn lời nói xuýt xoa, cần tha thứ hơn là được thứ tha, cần cho đi hơn là được lãnh nhận. Chỉ có lòng thương xót và niềm hy vọng mới phá vỡ được bức tường ngăn cách giữa lòng người mà thôi. 

LẮNG NGHE: Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót (Mt 5,7)

CẦU NGUYỆN: [Lạy Chúa] Ôi, Máu và Nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu để nên nguồn mạch Lòng Thương Xót cho chúng con, con tin cậy vào Chúa. (Kinh Lòng Thương Xót Chúa)

THỰC HÀNH: Đọc 10 lần: “Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.” 

From: Do Dzung

**************************

Lòng Thương Xót Chúa | Sáng tác: Sr Têrêxa – Bé Anh Khôi

Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. (Dt 11:1)-Cha Vương

Cuối tuần tràn ngập niềm tin yêu trong Chúa Phục sinh nhé. Hãy cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương

Thứ 7, BNPS: 26/4/2025

TIN MỪNG: Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (Mc 16:14-15)

SUY NIỆM: Vào sáng Thứ Bẩy 26/4/2025, hơn hai trăm ngàn người từ mọi tầng lớp đã đổ về Quảng trường Thánh Phê-rô và các khu vực lân cận để từ biệt Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Thánh Lễ an táng của ngài. Đó là chưa kể hàng tỉ người, qua mọi phương tiện truyền thông đang hướng tâm hồn lên cầu nguyện cho ngài. Trong khi tham dự Thánh Lễ an táng trực tuyến, mình dâng lời tạ ơn Chúa vì đã ban cho mình món quà đức tin. Nhờ có đức tin mình có thể khẳng định được 2 điều: 

Thứ nhất sự sống đời sau thực sự tồn tại. 

Thứ hai, sự sống đời sau có liên quan đến Thiên Chúa hằng sống. Hai điều này thực sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự sống đời đời của chúng ta liên quan đến Thiên Chúa hằng sống! Sự tồn tại của con người không kết thúc trong ngôi mộ nhưng mà là được ở trong nhà Chúa để được sống đời đời.

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa Giêsu hiện ra cho các bà, các môn đệ đã không tin. Các ông vẫn không tin khi nghe thêm hai môn đệ thuật lại cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục sinh. Chỉ mãi đến lúc Chúa đến thì các ông mới tin. Đức tin không do suy luận, không do có bằng chứng, nhưng đức tin là việc Chúa làm, do Chúa ban. Có bao giờ bạn cảm ơn Chúa vì Ngài đã ban đức tin cho bạn chưa?

    Có một bà nổi tiếng là đạo đức, nhân hậu và luôn bình tâm trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc.

Bà hỏi:

– Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?

– Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao.

LẮNG NGHE: Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. (Dt 11:1)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, con xin Chúa giữ gìn và củng cố đức tin nhỏ bé của con luôn mãi để được ở bên Chúa muôn đời.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Tin Kính. “Tôi tinh kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng…” 

From: Do Dzung

*************************

Tôi Tin – Nguyễn Hồng Ân

PHÊRÔ – MỘT CUỘC ĐỜI ĐƯỢC BIẾN ĐỔI – Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Từ xưa đến nay, những nhân vật được chọn để giữ một vai trò trọng yếu nơi một tổ chức thường là những người có những biệt tài nào đấy: thông minh, có tài quản trị, có khả năng ngoại giao tốt…  Thế nhưng, nhìn đến những con người mà Chúa đã chọn để thay Chúa phân phát ơn lành từ trời cho thế giới, ta lại thấy một điều hoàn toàn ngược lại.  Ngay từ thời điểm bắt đầu đời sống công khai, Đức Giêsu đã mời gọi một số người cùng đi với Ngài, ở lại với Ngài, để Ngài huấn luyện và sai đi.  Trong số nhóm người thân tín nhất với Đức Giêsu, Phêrô được chọn làm người đứng đầu, nhờ việc ông được Chúa Cha mặc khải cho biết về căn tính Kitô của Đức Giêsu.  Phêrô không phải là người xuất sắc nhất trong nhóm, cũng không phải là người thánh thiện nhất trong nhóm.  Ông lại còn là người chối Chúa khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn.  Đặt một ngư phủ vô học làm nền tảng cho Giáo Hội của mình, rõ ràng Đức Giêsu đã làm một chuyện thật ngược ngạo từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại.

 Lần đầu tiên Phêrô nghe nói về cái tên Giêsu là nhờ người anh em Anrê kể lại.  Sau khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là chiên Thiên Chúa, Anrê và Gioan đã đi theo Đức Giêsu và đã ở lại với Người ngày hôm ấy.  Không biết chuyện gì đã xảy vào khoảng thời gian định mệnh này, nhưng sau khi trở về, Anrê đã quả quyết với Phêrô là ông đã được nhìn thấy Đấng Mêsia.  Chắc hẳn là Phêrô cũng nóng lòng, mong chờ một dịp nào đấy thuận lợi để ông cũng có diễm phúc được gặp Đấng Thánh này.

 Chẳng biết là cơ duyên hay tình cờ, điều ông mong chờ đã xảy đến vào một buổi sáng đẹp trời, khi ông vừa trở về sau một đêm đánh cá chẳng thành công.  Cái nghề ngư phủ này lúc nào cũng phải tùy thuộc vào vận may như thế cả.  Đã không được con cá nào, người mỏi mệt vì một đêm thức trắng, ông và gia đình lại còn phải cặm cụi vá lại chiếc lưới rách tả tơi.  Nhưng có ai ngờ, vào cái ngày mà ông cho là ê chề thất bại, cuộc đời ông lại được mở sang trang nhờ một cuộc gặp gỡ không dự báo trước.  Đang khi ông làm việc, Giêsu từ đâu bước tới, theo sau là lũ lượt những con người.  Giêsu ngỏ lời mượn chiếc thuyền của ông làm bệ giảng, và xin ông chở Ngài ra xa một tí để có thể chia sẻ những bài học hay cho dân chúng đang đợi chờ lắng nghe.

 Niềm hạnh phúc dâng cao, Phêrô chưa kịp hiểu được điều gì đang xảy ra.  Giữa biết bao con thuyền đang đỗ bến, con thuyền của ông được chọn.  Giữa biết bao ngư phủ đang ở đây, ông là người được ngỏ lời.  Giờ đây, khi Đức Giêsu đang trao ban những lời vàng quý giá, ông là người ở gần Ngài nhất, nghe rõ những gì Ngài nói nhất.  Hàng ngàn hàng vạn người đang đua nhau để tiếp cận Đức Giêsu, trong số đó, chắc là có nhiều người danh giá và giàu có hơn ông.  Vậy mà một con người đức cao vọng trọng như Giêsu lại để ý đến thân phận nhỏ bé của ông.  Trong thoáng chốc, ông quên đi hết tất cả cái mệt mỏi của mình, kể cả thất bại vừa trải qua.  Ông đang hạnh phúc!

 Cứ ngỡ là sau khi mượn chỗ để giảng thuyết, Giêsu sẽ cảm ơn ông, rồi nhờ ông đưa vô bờ trở lại.  Sau đó, đường ai nấy đi, không còn gặp mặt nữa.  Nhưng thật bất ngờ, Giêsu tiếp tục trò chuyện với ông, mời gọi ông hãy chèo thuyền ra xa hơn một tí nữa, để đánh cá.  Phêrô chẳng muốn đi tí nào!  Giêsu đã khơi lại trong ông nỗi buồn của đêm trước.  Cái mệt mỏi và chán nản vừa được xua tan đi, bỗng dưng quay trở lại.  Kinh nghiệm đánh cá lâu năm của ông mách bảo ông rằng lời mời gọi ấy của Giêsu mới thật ngớ ngẩn biết bao.  Nhưng vì Thầy, vì để làm Thầy vui, ông cố gắng tận dụng chút sức lực còn lại thực hiện một cuộc mạo hiểm mới.  Ông vốn dĩ đã thần phục Đức Giêsu vì tiếng lành đồn xa của Ngài, và vì vừa được nghe những bài giảng sâu sắc của Ngài.  Nay, ông càng kinh khiếp hơn vì phép lạ mà ông vừa chứng kiến.  Ông như được dẫn vào trong một thế giới siêu nhiên, nơi đó, ông thấy mình nhỏ bé quá chừng.  Ông quỳ xuống, một cử chỉ thể hiện sự thấp kém của mình trước mặt Đấng Chí Tôn.

 Ngày hôm ấy và khoảnh khắc đáng ghi nhớ ấy, chắc có lẽ sẽ đọng mãi trong tâm hồn ông, vì đó là lúc mà ông nghe rõ bằng chính đôi tai mình lời mời gọi của Thiên Chúa, muốn ông bỏ hết mọi sự mà bước theo Ngài.  Có vẻ như chẳng phải ngẫu nhiên mà Giêsu đến nhờ ông, rồi giảng cho ông nghe, rồi mời ông đi thả lưới.  Chính tại nơi bờ biển hồ thân quen hàng ngày với ông đã trở thành nơi kỷ niệm và làm chứng cho cuộc tình gắn bó keo sơn giữa ông và thầy Giêsu chí thánh của mình.  Vài năm sau, khi cuộc tình ấy đã trải qua nhiều chông chênh thử thách, kể cả bội phản, ông sẽ nghe lại lời mời gọi này một lần nữa, cũng trên một bờ biển hồ này, vào lúc bình minh chan hòa khắp chốn.

 Ánh bình minh là dấu chỉ báo hiệu cái qua đi của một đêm dài âm u lạnh lẽo, của thất bại và chán chường.  Nó là khởi điểm cho một sự khởi đầu mới với những bất ngờ và niềm vui.  Lời mời gọi của Giêsu dành cho ông đã đến vào những lúc bình minh và cũng có tác dụng hệt như một ánh bình minh vậy.  Cuộc đời ông đã bắt đầu thay đổi khi nghe lời mời ấy lần đầu tiên.  Và cứ mỗi lần ông nghe lại lời ấy, một hành trình mới lại được mở ra.  Bước ngoặc cuối cùng là khi ông thấy Thầy mình vác thập giá quay trở lại thành Giêrusalem khi ông tìm cách bỏ trốn.  Nên đồng hình đồng dạng với Chúa, đó là niềm mơ ước của ông.  Ngày xưa, trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé của ông, đầu ông đã một lần cúi xuống bái thờ Ngài.  Giờ đây, trên thánh giá gỗ treo thân ở đây, một lần nữa ông lại xin phép cho đầu mình được hướng xuống đất.  Một cuộc tái ngộ giữa ông và Thầy Giêsu lại tiếp tục diễn ra.  Lần này, không phải nơi bờ hồ, hay trên chiếc thuyền đánh cá, nơi ông đã từng mê mẩn hứng lấy từng lời nói của Thầy, nhưng là trên Thiên Đàng, nơi ông có thể gắn kết với Thầy trọn vẹn, nơi đánh dấu cho sự nguyên tuyền và hoàn hảo của tình yêu mà ông và Thầy đã cố gắng dựng xây.

 Giêsu đã xuất hiện trong cuộc đời của Phêrô ngay trong những thất bại và ê chề ông đang nếm trải.  Chính điều đó càng làm cho ông càng thấy bất ngờ và hạnh phúc hơn.  Gắn kết cuộc đời mình với Giêsu, từ chỗ người ngư phủ lưới cá, Phêrô đã trở thành vị tông đồ lưới người.  Cùng với Chúa, ông không ngừng chèo chiếc thuyền Giáo Hội ra chỗ nước sâu, thu về cho Chúa biết bao linh hồn đang sa cơ lạc lối.  Có ai ngờ một con người tầm thường như Phêrô, sau khi đến với Giêsu, đã được trở nên một con người phi thường như thế?  Với Phêrô, Giêsu là khởi nguồn mang đến “bình minh” cho những ai luôn đặt Ngài làm điểm tựa của cuộc đời.

 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

From: Langthangchieutim

Sự Khiêm Nhường và Đơn Sơ tột cùng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (1936 – 2025)-Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã an nghỉ trong Chúa lúc 7 giờ 35 sáng (giờ Ý) tức 12 giờ 35 trưa (giờ Việt Nam) ngày thứ Hai Phục sinh 21 tháng 04 năm 2025 thọ 88 tuổi. Ngài qua đời vì “đột quỵ não, hôn mê, suy tim mạch không hồi phục” giấy chứng tử cho bìết (tin từ Vietcatholic.net)

1)Ngài làm việc cho đến phút chót:

Ngài đã ra đi một ngày sau khi tiếp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance

Vào tháng 09 năm 2024, Ngài đã thực hiện chuyến công du dài 12 ngày qua Đông Nam Á và Châu Đại Dương bao gồm các chuyến thăm tới Indonesia, Papua New Guinea và Singapore.

Nhà báo Hà Phan (không là người công giáo) viết: Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời ở tuổi 88! Lúc còn sống, Ngài từ chối nhận lương, từ chối ở tại khu biệt thự trong Điện Tông tòa, từ chối đi xe sang, không sử dụng trang phục và phục sức đắt tiền. Giáo hoàng sống cuộc đời giản dị cho đến khi về với Chúa!

Ngài cũng không nhận bất kỳ khoản tiền lương nào kể từ khi trở thành Giáo hoàng vào tháng 3-2013. Kể cả sau khi được tấn phong Hồng y vào năm 2001, Ngài vẫn sống trong một căn hộ nhỏ và sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt hay tàu điện ngầm thay vì những chiếc ô tô sang trọng có tài xế riêng hay có đội bảo vệ riêng dành cho các Hồng y để giữ gìn tinh thần khó nghèo, vâng phục lời khấn “khó nghèo” mà Ngài tuyên hứa với Dòng Tên. (Trích từ TT)

Trong ký ức của những người dân nghèo ở Buenos Aires, nhất là khu ổ chuột lớn nhất thủ đô Argentina, Giáo hoàng Francis, khi đó là linh mục Jorge Mario Bergoglio, mãi mãi là “linh mục của dân nghèo”, là người cha luôn yêu thương, giúp đỡ những người sống bên rìa xã hội.

 2)Hôn chân tù nhân: (báo Tiền Phong)

Ngày 14/4/1922, Giáo hoàng Francis đến thăm một nhà tù của Ý để thực hiện lễ rửa và hôn chân 12 tù nhân, nhằm tưởng nhớ cử chỉ khiêm nhường của Chúa Jesus với các tông đồ trong đêm trước khi qua đời.

 Giáo hoàng Francis hôn chân phạm nhân trong một nhà tù ở Ý. (Ảnh: Vatican)

 3)Đơn Sơ đến tận cùng, không hương hoa, không đèn nến.

Linh cữu Đức Thánh Cha Phanxicô lặng lẽ giữa đền thờ Thánh Phêrô – một cỗ quan tài gỗ trơn, mộc mạc, không một hoa văn.

Ngài đã chọn sống nghèo khó và khiêm hạ – và ra đi cũng như thế. Không vòng hoa như trong các đám tang thông thường hiện nay.

Mong sao các đám tang Công giáo cũng bày trí đơn sơ như thế này.

Tạm biệt Đức Thánh Cha Phanxicô, chứng nhân của Tin Mừng, người hành hương của hy vọng.

nguồn: Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp


Ngài là hiện thân của “Tình yêu bao la dành cho mọi người đặc biệt người nghèo khó và bị gạt bên lề xã hội”

Đức Thánh Cha Phanxicô là tấm gương phản diện cho con người hiện nay trong đời thường còn quá nhiều ham muốn trần tục, ham muốn danh vọng, nổi tiếng, ham muốn tiền bạc, giàu sang và nhiều thứ dục vọng ham muốn khác.

Xin cầu nguyện cho linh hồn Đức Thánh Cha Phanxicô sớm hưởng Nhan Thánh Chúa, hưởng vinh phúc muôn đời trên nước Thiên đàng Vĩnh Cửu. Amen

Ngày 25 tháng 04 năm 2025

Phùng Văn Phụng

Xem thêm:

1)ĐƠN SƠ ĐẾN TẬN CÙNG – MỘT CÁI CHẾT NÓI LÊN CẢ MỘT CUỘC ĐỜI – Lm. Anmai, CSsR

https://keditim.net/216028-2/

2)Tiểu sử của Đức Thánh Cha Phanxicô

https://keditim.net/216022-2/


 

GIỮ CHO NÓ NỒNG NÀN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

“Hãy để cuộc sống bạn toả sáng, không phải với những ánh chớp mà là với ngọn lửa nồng nàn! Chúa thích các vì sao hơn sao chổi, Ngài thích ngọn nến giữ cho lửa nồng nàn hơn là một pháo sáng!” – Vance Havner.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay chứng tỏ “Chúa thích ngọn nến nồng nàn hơn là một pháo sáng!”. Tóm tắt các sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu, Marcô tiếp tục gay gắt, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”. Tất nhiên, không chỉ lửa trong tim các tông đồ, nhưng còn là lửa trong bạn và tôi, làm sao ‘giữ cho nó nồng nàn!’.

Dù được báo trước về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Thầy, các tông đồ vẫn không tin Chúa Giêsu sống lại; hoặc có tin, cũng chỉ nửa vời! Maria, một nhân chứng rất đáng tin; hai môn đệ Emmaus hầu chắc đã nói tất cả sự thật. Phải chăng những gì xảy ra chiều thứ Sáu đã ‘bỏ tù’ các ông? Chúa Phục Sinh không cho phép điều đó. Ngài không muốn một ai để mình phải co cụm, sợ hãi; không cho phép một ai ‘tập làm quen’ với những giọt nước mắt của mình. Đúng hơn, Ngài muốn chúng ta gạt bỏ những oán hận và đau đớn của quá khứ để nhìn về tương lai – phía mặt trời mọc – tiến thẳng đến đó để nhận ra Ngài là ‘Vầng Dương’ rạng rỡ, xua tan bóng tối và sự chết; bởi lẽ, Ngài đã chiến thắng!

“Trong thời đại ngày nay, việc dạy giáo lý kém hoặc không còn tồn tại, một nền văn hoá thế tục tràn lan, sự thù nghịch đối với Công Giáo, tổn thương, mất mát, tai tiếng do tội lỗi của các tín hữu hoặc tội lỗi của mình… chính những điều đó có thể làm vẩn đục trí tuệ con người và cả chúng ta, khiến chúng ta mất đức tin. Đức tin như ngọn lửa trong tim mà mỗi người cần trau dồi trong cuộc sống bằng cách ‘giữ cho nó nồng nàn!’” – Bonagura.

Quà tặng đức tin chỉ như ngọn lửa nhỏ mà chúng ta thường bất cẩn ‘chường ra trước gió’ khiến nó bị dập tắt trước khi kịp bùng lên. Mục tiêu của việc theo Chúa là để lửa ấy rực cháy. Và nó có thể! Bạn có thể để nó cháy rực đến mức không gì có thể dập tắt. Điều cần nhớ, Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía chúng ta cho đến khi chúng ta mở mắt! Các tông đồ – từng từ chối tin – đã ‘mở mắt’, công bố sự Phục Sinh của Thầy với một lòng tin sắt đá, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra!” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Chúa thích ngọn nến nồng nàn hơn là một pháo sáng!”. Cách thức gìn giữ ánh nến bên trong liên quan đến cách thức chúng ta chăm sóc tia lửa vốn đã có ở đó, bắt đầu bằng các việc làm tốt lành. Tại một đại học Ba Lan, một bạn trẻ hỏi Đức Phanxicô, “Trường con có nhiều bạn vô thần, con sẽ nói gì để thuyết phục họ?”. Ngài trả lời, “Con chỉ nói một điều gì đó thôi sao? Không! Con hãy bắt đầu sống và họ sẽ hỏi con, ‘Tại sao bạn sống như vậy?’”. Đừng để mình bị đánh lừa bởi những tia chớp; hãy tập trung cao độ vào ngọn lửa bên trong bằng cầu nguyện, phục vụ. Nó sẽ bùng cháy, rồi bạn và tôi sẽ cảm nhận sự diệu kỳ của ơn thánh, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ bắt đầu với những hành vi yêu thương cỏn con nhất và lửa tim con sẽ mãi nồng nàn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

********************************************

Thứ Bảy trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. 10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. 11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. 13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

 14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. 15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”


 

Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.”- Cha Vương

Alleluia! Xin Chúa Phục sinh luôn ở với bạn trong mọi xao xuyến cuộc đời nhé.

Cha Vương

Thứ 6, BNPS: 25/4/2025

TIN MỪNG: Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga 21:6)

SUY NIỆM: Có bao giờ bạn cảm thấy Chúa đang bỏ quên, đang im lặng lánh mặt làm ngơ trước những lời cầu nguyện khẩn thiết của bạn chưa? Có lẽ đây cũng là tâm trạng của Phê-rô và các môn đệ. Bạn hãy nhớ rằng, trong mọi biến cố của cuộc đời, Thiên Chúa hằng lắng nghe lời cầu nguyện của bạn và can thiệp một cách kỳ diệu. Có thể bạn không nhận ra việc tay Chúa làm ngay bây giờ nhưng nếu bạn kiên nhẫn chịu đựng thêm một tí nữa thì bạn sẽ thấy việc Chúa làm rất là tinh vi và kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của con người. Điển hình như mảnh lưới đầy cá trong bài Tin Mừng hôm nay. Có lẽ bạn không nhận được những lời bạn ao ước van xin nhưng Chúa lại dùng cơ hội đó để mời gọi bạn làm những việc khác đẹp lòng Chúa hơn, hữu ích cho chính mình và cho những người chung quanh hơn. Do đó, thay vì bực bội, bạn hãy kiên nhẫn bình thản đặt mình vào sự quan phòng của Chúa, hãy hình dung rằng Chúa là người tài xế U-bờ giỏi sẽ đưa bạn tới đích. Đừng cho mình là người chỉ đạo “backseat driver” trong chuyến đi nhé. Nếu Chúa không kiên nhẫn với bạn thì bạn sẽ ra thế nào nhỉ? Bạn nên nhớ rằng Chúa kiên nhẫn chịu đựng là để giải thoát chứ không phải để dung túng và để bạn muốn làm gì thì làm. Ngài sẽ đưa bạn đến bến bình an. Cứ yên tâm và vững tin!

LẮNG NGHE: Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ, ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm, cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con bên bàn thờ của Chúa! (Tv 84:4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, xin ban cho con sự kiên nhẫn chịu đựng của Chúa để con lớn lên trong sự kiên nhẫn, trong niềm hy vọng và trong tình thương mến. 

THỰC HÀNH: Tập vui vẻ nói lời “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh .

From: Do Dzung

**************************

VÂNG LỜI THẦY CON THẢ LƯỚI – Lm. Thiên Ân ll Gia Ân – Thanh Sử – Trần Ngọc 

VƯỢT QUÁ TƯỞNG TƯỢNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế 

“Đến mà ăn!”.

“Điểm phân biệt lớn nhất về sự toàn năng của Thiên Chúa, là khi nghĩ về nó, trí tưởng tượng của con người triệt tiêu! Ngài luôn nhiều hơn những gì có thể tưởng tượng, luôn vượt quá tưởng tượng!” – Pascal.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay chứng tỏ rằng, với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể phục hồi – kể cả những đổ vỡ, phản bội. Ngài có khả năng làm mới lại mọi sự, và những gì Ngài làm sẽ ‘vượt quá tưởng tượng!’.

Với tâm trạng thất bại, người ta thường có xu hướng trở lại nếp cũ hầu khôi phục sự tự tin và giá trị bản thân. Với Phêrô, nếp cũ là đánh cá; vì vậy ông ra biển, rủ các bạn cùng đi. Là những người cảm thấy cũng có lỗi với Thầy nên họ dễ dàng nhập cuộc với Phêrô. Vậy mà nhóm bạn chài đáng thương ấy thật may mắn, Thầy Giêsu đi tìm họ, Ngài sẽ băng bó và chữa lành những trái tim thương tổn của họ, dẫu họ không nhận ra Thầy.

Chúa Giêsu hiện ra – nơi lần đầu tiên Ngài gọi họ – bảo họ buông chài ‘bên phải’ mạn thuyền và họ bắt được rất nhiều cá. Mẻ cá mang tính biểu tượng cao! Biểu tượng trọng tâm là Chúa Phục Sinh đang ở với họ giữa những thất bại, ‘nếp cũ’. Và nếu họ tự nỗ lực để làm điều này, họ sẽ trắng tay; nhưng làm theo ‘cách mới’, tức là theo lệnh, theo cách, ‘trong thời gian của Ngài’, nỗ lực của họ sẽ mang lại thành quả ‘vượt quá tưởng tượng!’.

Chưa hết, “Bước lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Với Phêrô, lại là một biểu tượng! Ánh lửa của đêm nào sống lại trong ông, lửa phản bội, lửa chối Thầy; nhưng nay, lửa xót thương, lửa tha thứ! Trong đêm đó, ông đã nói, “Tôi không biết người ấy!”; nhưng giờ đây, cũng bên bếp lửa hồng, ‘Người Ấy’ lại nói “Đến mà ăn!”. Quá đỗi thâm trầm, ‘vượt quá tưởng tượng’; bởi lẽ, nó gợi lên những lời của đêm Tiệc Ly, lời từ các phép lạ bánh cá hoá nhiều, lời của những bữa ăn thắm tình Thầy, đượm tình trò.

Với Chúa Phục Sinh, mọi sự có thể bắt đầu lại, có thể phục hồi – kể cả những đổ vỡ, phản bội. Trước thượng hội đồng, Phêrô – người chối Thầy – chẳng hề sợ hãi, “Đấng quý vị đã đóng đinh vào thập giá, Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường!” – bài đọc một và Thánh Vịnh đáp ca. 

Anh chị em,

“Đến mà ăn!”. “Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh biến đổi mọi sự: bóng tối trở thành ánh sáng, công việc phù phiếm trổ sinh hoa trái và đầy hứa hẹn, cảm giác mệt mỏi và bị bỏ rơi nhường chỗ cho một động lực mới và niềm tin chắc rằng, Chúa ở cùng chúng ta!”; “Khi lưới của chúng ta trống rỗng trong cuộc sống, thì đó không phải là lúc để cảm thấy thương hại cho bản thân, để quên đi mọi thứ, để quay lại với những trò tiêu khiển cũ. Nhưng đã đến lúc bắt đầu lại với Chúa Giêsu, đã đến lúc tìm lại lòng can đảm để bắt đầu lại, đã đến lúc ra khơi một lần nữa với Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, ân sủng phục sinh không chỉ kết thúc với việc con được tha thứ; hồi kết của nó ‘vượt quá tưởng tượng’ – con được biến đổi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************

Thứ Sáu trong tuần Bát Nhật Phục Sinh

Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ ; rồi cá, Người cũng làm như vậy.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.  Ga 21,1-14

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” 6 Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.


 

TÌM LẠI NIỀM TIN ĐÃ MẤT – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Cả ba năm A, B, C của Chúa nhật thứ hai Phục sinh đều có chung một bài Phúc âm.   Đó là trình thuật của tác giả Gio-an về việc Chúa Giê-su phục sinh hiện đến với các tông đồ, lần thứ nhất không có Tô-ma, và lần thứ hai, có Tô-ma ở đó (x. Ga 20,19-31).  Biến cố thập giá đã gây cho ông Tô-ma một cú sốc quá lớn.  Trước đó, khi Chúa Giê-su quyết định đến Bê-ta-ni-a để làm cho ông La-gia-rô đã chết được sống lại, bất chấp những nguy hiểm đe dọa, ông Tô-ma đã khẳng khái nói với các tông đồ khác rằng: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).  Điều này chứng tỏ ông là một người bạo dạn cương quyết trong việc theo Thầy mình.

 Trước biến cố thập giá, Tô-ma là người đã mất niềm tin.  Khi gặp Đấng Phục sinh bằng xương bằng thịt, ông tìm lại được niềm tin đã mất.  Trước cuộc thương khó của Thầy mình, Tô-ma cũng như các tông đồ khác đã cùng ăn uống với Người, nhưng bây giờ để tin, ông cần bằng chứng.  Cũng như biết bao người khác của mọi thời đại, Tô-ma cần có chứng cớ xác thực, làm nền tảng cho niềm tin của mình.  Ông đã thách thức: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”  Điều kiện của Tô-ma đưa ra cũng hợp lý.  Bởi lẽ để gửi gắm niềm tin nơi một người nào đó, người ta cần có chứng cớ cụ thể.  Ba động từ được ông dùng trong câu trích dẫn trên là thấy, xỏ ngón tay, đặt bàn tay.  Ông muốn khẳng định: để tin thì phải mắt thấy tai nghe và thân xác phải chạm tới.  Tuy vậy, tám ngày sau đó, khi Chúa Giê-su phục sinh hiện ra và chấp nhận những điều kiện của Tô-ma, thì ông lại “đứng hình” khiếp vía.  Ông không còn dám xỏ ngón tay và đặt bàn tay vào các vết thương của Người nữa.  Cuộc gặp gỡ Chúa Giê-su Phục sinh bằng xương bằng thịt đã làm cho Tô-ma hoàn toàn bị thuyết phục.  Điều đặc biệt ở đây là Tô-ma tuyên xưng đức tin bằng một công thức chưa hề có trước đó trong Tin Mừng thánh Gio-an: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”  Qua lời tuyên xưng này, ông Tô-ma đã diễn tả định nghĩa tín lý cốt lõi sau này của Ki-tô giáo.  Đối với Tô-ma và các tông đồ, từ nay Đức Giê-su không còn phải là Chúa, mà là Thiên Chúa, tức là Đấng quyền năng đã tỏ mình ra trong lịch sử của dân tộc Ít-ra-en.  Quyền năng ấy thể hiện ở việc cửa nhà đóng kín mà Người vẫn vào được.  Cũng vậy, dù các ông nhìn thấy Chúa bằng con mắt thể lý, nhưng vẫn chưa nhận ra Người vì chưa được Người soi sáng.  Đấng Phục sinh không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian.  Người là Thiên Chúa thật.  Niềm tin đã mất không chỉ được thấy lại, mà còn hoàn hảo và trọn vẹn sâu sắc hơn nhiều.

 “Phúc thay những người không thấy mà tin!”  Đây không phải chỉ là lời dành cho Tô-ma, mà còn là thông điệp cho mọi thế hệ.  Cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi lúc đó đâu có nhìn thấy Đức Giê-su bằng xương bằng thịt, vậy mà số tín hữu càng ngày càng đông.  Niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh đã giúp ông Phê-rô có thể chữa bệnh, thậm chí cái bóng của ông phủ lên bệnh nhân, cũng làm cho họ được chữa lành khỏi những bệnh hiểm nghèo.  Cũng chính từ niềm tin Chúa Giê-su là Thiên Chúa mà các Ki-tô hữu hội họp tại hành lang Sa-lô-môn, tức là một phần của Đền thờ Giê-ru-sa-lem, là nơi thờ phượng Thiên Chúa của người Do Thái để ôn lại giáo huấn của Người.  Từ nay, Thiên Chúa của các Tổ phụ cũng là Thiên Chúa của các Ki-tô hữu (Bài đọc II).

 Hai mươi thế kỷ sau sự kiện Phục sinh, hôm nay Giáo Hội vẫn tiếp tục rao giảng Đấng Phục sinh và khẳng định: Người đang hiện diện giữa chúng ta!  Chúa Ki-tô đang sống!  Các tín hữu hôm nay và chúng ta đang được Đấng Phục sinh chúc phúc, vì chúng ta là những người “tuy không nhìn thấy mà vẫn vững niềm tin.”

 Trong Bài đọc II, tông đồ Gio-an chia sẻ với chúng ta hạnh phúc thiên đàng, là tương lai và lý tưởng của Ki-tô hữu.  Đó là hình ảnh Con Người trong vinh quang thiên quốc.  Phúc cho những ai vững niềm xác tín vào sự hiện diện của Đấng Hằng Sống, người đã chiến thắng tử thần và âm phủ.  Người đang được tôn vinh nơi thiên quốc và đồng thời cũng đang hiện diện giữa chúng ta. 

Hôm nay cũng là Chúa nhật của lòng Chúa Thương Xót, do sáng kiến của Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô từ năm 2000.  Mục đích của ngày này giúp chúng ta cảm nhận lòng thương xót của Chúa Cha thể hiện qua cuộc đời Chúa Giê-su mà đỉnh cao là biến cố thập giá, từ đó chúng ta sẽ thực thi lòng thương xót đối với tha nhân.  Nếu Chúa Giê-su chúc phúc cho những người tin vào Chúa, thì Người cũng chúc phúc cho những ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa, Đấng Tối cao (x.Mt 5,7).  Thế giới hôm nay rất cần đến lòng thương xót, không chỉ là từ nhu cầu vật chất, mà còn thiếu tình thương, tình liên đới cảm thông và giúp nhau hướng về sự thiện.  Mỗi chúng ta cũng cần đến lòng thương xót của Chúa, như lá chắn che chở chúng ta giữa những xô đẩy của dòng đời.  Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa!

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

“Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức) – Cha Vương

Alleluia, Alleluia! Xin Chúa đồng hành với bạn luôn mãi nhé.

Cha Vương

Thứ 5, BNPS: 24/4/2025

TIN MỪNG: Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24:40-41)

SUY NIỆM: Thánh Bernadette, Lộ Đức nói: “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích!” (Thánh Bernadette, Lộ Đức) Một lối giải thích về đức tin hữu hiệu nhất là hãy sống đức tin. Chúa Giêsu sau khi phục sinh dường như vẫn luôn hiện diện đồng hành thật gần gũi với các môn đệ và với những người thân quen để nâng đỡ, cảm thông và khích lệ họ sống và làm chứng cho Chúa Phục sinh. Có khi Ngài đến với họ như một người làm vườn để thăm hỏi an ủi: “Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20:13). Bà tìm ai? Có khi ngài hiện diện như người đồng hành với hai môn đệ đi làng Emmau. “Các ông vừa đi vừa nói những chuyện gì vậy?” (Lc 24:17). Và rồi qua sự gần gũi ấy, Chúa Giêsu từng bước dùng Kinh Thánh để soi dẫn cho họ hiểu về những gì đang xảy ra trong mầu nhiệm ơn cứu độ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Vậy thì, Chúa Phục sinh có gần gũi hoặc đang hành động trong cuộc đời của bạn hay không?

LẮNG NGHE: Anh em là dân riêng của THIÊN CHÚA, hãy loan truyền những công trình vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. (1 Pr 2:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su Phục sinh, trong Chúa sự sự sống là tiếng nói cuối cùng trên sự chết, xin tăng thêm niềm tin cho con.

THỰC HÀNH: Đọc một Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng và một Kinh Vực Sâu cầu nguyện cho Linh Hồn Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

From: Do Dzung

***************************

Chúa Đồng Hành Cùng Con (Sáng tác: Đại Tài) – Th. Nguyễn Trí

ĐƠN SƠ ĐẾN TẬN CÙNG – MỘT CÁI CHẾT NÓI LÊN CẢ MỘT CUỘC ĐỜI-Lm. Anmai, CSsR

Thao Teresa

Lm. Anmai, CSsR

Không hương hoa.

Không đèn nến.

Không di ảnh lộng lẫy.

Linh cữu Đức Thánh Cha Phanxicô lặng lẽ nằm đó – giữa đền thờ Thánh Phêrô uy nghi, chỉ là một cỗ quan tài gỗ trơn, mộc mạc, không một hoa văn, không một điểm nhấn xa hoa.

Ngài đến với Hội Thánh bằng đôi chân trần của Tin Mừng.

Ngài sống giữa trần gian với trái tim của một người cha nghèo – gần gũi, đơn sơ, không ồn ào, không phô trương.

Và rồi, Ngài ra đi – cũng nhẹ nhàng như thế.

Đám tang của một Giáo Hoàng – người đứng đầu Giáo Hội hoàn vũ, nhưng lại được tổ chức giản dị đến ngỡ ngàng. Không vì thiếu tôn kính. Mà vì sự tôn kính cao cả nhất chính là tôn trọng nguyện ước cuối cùng của một con người – được trở về với Chúa trong tinh thần khó nghèo và khiêm hạ.

Người ta biện hộ cho việc có hoa, có di ảnh, có nến sáng chói lọi vì “đó là phong tục”, là “để tỏ lòng hiếu thảo”, là “cho trang trọng”. Nhưng phong tục nào cũng có thể đổi thay nếu chân lý nói lên điều gì đó đẹp hơn, sâu sắc hơn, đúng hơn với tinh thần Tin Mừng.

Chúng ta không phủ nhận nét đẹp văn hóa của từng vùng miền. Nhưng có những điều giản dị đến mức ta phải dừng lại để tự hỏi: có thật cần thiết không khi phải tổ chức một đám tang quá hoành tráng cho một người đã chọn sống cả đời đơn sơ?

Sự đơn sơ nơi Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ là phong cách – mà là chứng tá.

Là một tiếng nói mạnh mẽ giữa thời đại chuộng hình thức.

Là một cái tát nhẹ vào não trạng khoác áo đạo đức mà quên mất căn cốt Tin Mừng.

Là một bài học sống động cho tất cả chúng ta – những người đang sống trong thế giới quá nhiều ồn ào, quá nhiều “bề ngoài”.

Ngài từng nói: “Giáo Hội phải nghèo và vì người nghèo.”

Và rồi chính Ngài đã làm nghèo chính mình để Tin Mừng được sáng lên.

Không cần lời ca ngợi ồn ào.

Không cần những thước phim lộng lẫy.

Chỉ cần một cỗ quan tài mộc, nằm lặng lẽ như một lời tuyên xưng:

Tôi đã sống cho Chúa.

Tôi đã sống cho con người.

Giờ đây tôi về với Ngài, trong sự nhẹ nhàng của người hành hương.

Có những người thích lễ tang rộn ràng, nhiều người đưa tiễn, nhiều vòng hoa, nhiều nến, nhiều ảnh.

Nhưng cũng có những người chọn cho mình cái chết thầm lặng – bởi cuộc đời họ đã quá đủ tiếng nói bằng hành động.

Không cần thêm gì nữa.

Sự lặng thinh ấy – mới chính là âm vang mạnh mẽ nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy chúng ta một bài học bằng chính cái chết của mình:

Sự vĩ đại không cần tô vẽ.

Sự thánh thiện không cần chứng minh.

Và lòng tin – không cần phô trương.

Giáo Hội, cũng như từng người tín hữu, được mời gọi nhìn lại:

Chúng ta có đang sống quá nhiều cho hình thức?

Chúng ta có đang đánh đổi bản chất Tin Mừng để lấy sự hoành tráng bề ngoài?

Và rồi, đến khi lìa đời, ta sẽ để lại gì? Một di ảnh to? Một vòng hoa đắt tiền? Hay một trái tim từng sống thật, yêu thật, và chết đi trong bình an vì đã sống đúng?

Đơn sơ không có nghĩa là sơ sài.

Mà là chọn sống có chiều sâu – để đến cuối cùng, không còn gì để tiếc nuối.

Bởi vì, sống đẹp nhất không phải là được người ta nhớ lâu, mà là sống trọn vẹn từng phút giây theo cách mình tin là đúng.

Tạm biệt Đức Thánh Cha Phanxicô – vị Giáo hoàng của sự thật, của lòng thương xót, và của tinh thần nghèo khó Tin Mừng.

Cảm ơn Ngài, vì đã sống và chết như một người môn đệ đích thực.

Và xin cho tất cả chúng con – những người đang sống – biết học lấy sự đơn sơ ấy, để cuối cùng cũng được ra đi bình an như Ngài, trong bàn tay Thiên Chúa.

Lm. Anmai, CSsR


 

Tiểu sử Đức Thánh Cha Phanxicô (1936-2025)

-Dưới đây là tiểu sử chi tiết của Đức Giáo hoàng Phanxicô – vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rôma, người vừa qua đời ngày 21/4/2025. Bản tiểu sử này bao gồm các chặng đường chính trong cuộc đời, ơn gọi, hoạt động mục vụ, những cải cách lớn cũng như tầm ảnh hưởng toàn cầu của ngài.

* THỜI NIÊN THIẾU VÀ GIA ĐÌNH

Tên khai sinh: Jorge Mario Bergoglio

Sinh ngày: 17 tháng 12 năm 1936

Nơi sinh: Buenos Aires, Argentina

Cha: Mario José Bergoglio (nhân viên đường sắt, người Ý)

Mẹ: Regina María Sívori (nội trợ, người Argentina gốc Ý)

Là con cả trong một gia đình có 5 người con.

Ngay từ nhỏ, Jorge đã nổi bật bởi sự thông minh, tính kỷ luật và lòng đạo đức sâu sắc. Tuy mắc bệnh nặng thời niên thiếu (viêm phổi nặng dẫn đến phải cắt bỏ một phần phổi), Ngài vẫn kiên cường vượt qua và tiếp tục học tập.

* HỌC VẤN VÀ ƠN GỌI

Tốt nghiệp kỹ thuật viên hóa học tại Trường Kỹ thuật Công nghiệp.

Năm 1958, ở tuổi 21, Ngài gia nhập Dòng Tên (Jesuit).

Học triết học và thần học tại Colegio Máximo de San José.

Được thụ phong linh mục ngày 13 tháng 12 năm 1969.

Ngài nổi tiếng là một nhà giáo dục nghiêm túc và sống khắc khổ. Từng giảng dạy văn học, tâm lý học, thần học và triết học.

* TRONG DÒNG TÊN

1973 – 1979: Bề trên tỉnh Dòng Tên tại Argentina (ở tuổi 36).

Sau đó, giữ các vai trò linh hướng và giám đốc chủng viện.

Dưới thời độc tài quân sự tại Argentina, cha Bergoglio được cho là đã can đảm bảo vệ các tu sĩ, người nghèo và người bị đàn áp — một thời kỳ nhạy cảm mà sau này được nhìn lại với nhiều tranh cãi và suy ngẫm.

* GIÁM MỤC VÀ HỒNG Y

1992: Được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Buenos Aires.

1998: Trở thành Tổng Giám mục Buenos Aires.

2001: Được phong Hồng y.

Tại đây, Ngài nổi bật với lối sống giản dị: từ chối xe riêng, sống trong một căn hộ nhỏ, tự nấu ăn, đi làm bằng phương tiện công cộng. Ngài được người dân gọi thân thương là “Giám mục của người nghèo”.

* TRỞ THÀNH GIÁO HOÀNG

Ngày bầu chọn: 13/3/2013

Lúc ấy: 76 tuổi

Là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Nam Mỹ, đầu tiên từ Dòng Tên, và đầu tiên lấy danh hiệu “Phanxicô” – theo gương Thánh Phanxicô Assisi, biểu tượng của hòa bình, nghèo khó và khiêm nhu.

* PHONG CÁCH GIÁO HOÀNG ĐỘC ĐÁO

Ở Nhà Thánh Marta thay vì Dinh Tông Tòa.

Mặc áo chùng trắng đơn sơ, không đeo thánh giá vàng.

Luôn gần gũi người nghèo, tù nhân, người di cư, người vô gia cư.

Ngài thúc đẩy Giáo hội “đi ra” – nghĩa là hướng về vùng ngoại vi, đến với người bị bỏ rơi, không ở trong “tháp ngà”.

* CÁC CẢI CÁCH QUAN TRỌNG

  1. Cải tổ Giáo triều Vatican

Thành lập Hội đồng Hồng y cố vấn (C9) để tư vấn cải cách.

Tái cấu trúc bộ máy Giáo triều theo hướng phục vụ hiệu quả và minh bạch.

  1. Minh bạch tài chính

Cải cách Viện Giáo vụ (Vatican Bank).

Thành lập bộ Kinh tế Vatican, đưa chuyên gia giáo dân vào quản lý.

  1. Đồng hành mục vụ thay vì phán xét

Hướng mục vụ dành cho người đồng tính, người ly dị tái hôn, phụ nữ…

Chống lại thái độ “luật lệ khắt khe”, cổ vũ lòng thương xót và đồng hành thiêng liêng.

* ẢNH HƯỞNG TOÀN CẦU

Kêu gọi bảo vệ môi trường (Thông điệp Laudato Si’, 2015).

Nhấn mạnh công lý xã hội, lên án nền kinh tế loại trừ.

Tăng cường đối thoại liên tôn, gặp gỡ cả giáo sĩ Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo.

Gặp Thượng phụ Kirill của Chính Thống giáo Nga (2016) – lần đầu sau 1000 năm.

Nỗ lực hiện đại hóa và làm mới hình ảnh Giáo hội trong thế giới thế tục hóa.

* NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI VÀ QUA ĐỜI

Những năm cuối, Ngài bị viêm phổi mạn tính, thoái hóa khớp gối, phải ngồi xe lăn.

Vẫn giữ nhịp làm việc cao: tiếp khách, dâng lễ, viết Tông huấn.

Nhập viện lần cuối vào tháng 3/2025 tại Bệnh viện Gemelli, Rôma.

Qua đời vào sáng 21 tháng 4 năm 2025 (Thứ Hai Phục Sinh), tại Nhà Thánh Marta, thọ 88 tuổi.

* DI SẢN THIÊNG LIÊNG

Biểu tượng của Giáo hội gần gũi, khiêm nhường, cải cách và lòng thương xót.

Truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, kể cả ngoài Công giáo.

Được ca ngợi là “một vị thánh sống”, người thực thi Tin Mừng bằng hành động nhỏ bé mỗi ngày.

From: NguyenNThu