PHẢI CẦU NGUYỆN THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA?

PHẢI CẦU NGUYỆN THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA?

CẦU NGUYỆN LÀ GÌ VÀ
PHẢI CẦU NGUYỆN THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA
?

  • Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: xin cha giải thích cầu nguyện là gì ? Trong Phúc Âm Chúa Giêsu nói “Ai muốn theo Ta, phải bỏ mình và vác thập giá theo Ta.” Như vậy cầu xin Chúa cho khòi bệnh tật và mọi gian nan khốn khó ở đời thì có trái với lời dạy trên của Chúa và có tội hay không ?

Trả lời: Trước hết, xin giải thích cầu nguyện là gì.

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên với Chúa để tâm sự hay nói chuyện với Chúa trong thân tình Cha con khi vui cũng như lúc buồn, khi gặp gian nan khốn khó hay lúc được những điều vui thỏa vừa ý.

Thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê su cũng nói : “đối với tôi, cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng lên trời. Đó là tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui.”(St Therese of Licieux, Autobiography C. 25p)

Như thế cầu nguyện là tâm tình thân mật với Chúa trong niềm tin có Chúa là Cha nhân từ luôn lắng nghe mọi lời cầu nguyện, cầu xin của con cái loài người và hằng ban muôn ơn lành cho chúng ta, những người có đức tin và ngay cả cho những người chưa có đức tin, chưa biết Chúa và yêu mến Người, căn cứ vào chính lời Chúa Giêsu đã nói với các mộn đệ xưa như sau:

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5:44- 45)

Vậy chúng ta phải cầu nguyện cách nào cho đẹp lòng Chúa ?

Căn cứ vào kinh Lậy Cha mà Chúa Giêsu dạy các Tông Đồ xưa, chúng ta có thể rút ra được những chỉ dẫn sau đây:

Trước hết, Chúa nói cho chúng ta biết:

1- Chúng ta có một CHA ở trên trời

2- Vì thế, chúng ta phải nguyện xin trước hết cho danh CHA cả sáng, cho Vương Quốc của Cha được lan rộng và nhất là cho thánh Ý Cha được thực hiện dưới đât cũng như trên trời.

3- Sau cùng, chúng ta xin CHA ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn áo mặc, để sống, hạnh phúc ở đời này.

Như vậy, cầu xin cho được an vui, mạnh khỏe, có công ăn việc làm và khỏi bệnh tật là điều đẹp lòng Chúa, vì là con người, chúng ta phải cần những nhu cầu ấy bao lâu còn sống trên trần thế này.

Trong tinh thần cầu nguyện trên đây, chúng ta đọc thấy nhan nhản trong Kinh Thánh những lời cầu nguyện có nội dung ca ngợi, cảm tạ và cầu xin Chúa thương cứu giúp như sau:.

a- Cầu xin Ca ngợi (prayer of praises):

“Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa
Câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi
Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa
Xin các bạn nghèo hãy nghe tôi nói mà vui lên
Hãy cùng tôi ngượi khen ĐỨC CHÚA
Ta đồng thanh tán tụng danh Người.” (Tv 34 :2-4)

  1. Cầu nguyện tạ ơn (Prayer of Thanksgivíng)

Chúc tụng Chúa vì Người nghe tiếng tôi khẩn nguyện
Chúa là sức mạnh, là khiên mộc chở che tôi
Lòng tôi đặt tin tưởng nơi Người
Tôi đã được Người thương trợ giúp
Nên lòng tôi vui mừng hoan hỉ, cất cao tiếng hát tạ ơn Người” (Tv 28:6-7)

c- Cầu nguyện xin ơn (prayer of petitions)

Lậy Chúa, xin đoái thương, này con đang kiệt sức
Chữa lành cho con,vì gân cốt rã rời
Toàn thân con rã rời quá đỗi
Mà lậy Chúa, Chúa còn trì hoãn đến bao giờ ?
Lậy Chúa, xin trở lại mà giải thoát con
Cứu độ con, vì Ngài nhân hậu” (Tv 6:2-5)

Trong khi đi rao giảng Tin Mừng cứu độ, Chúa Giêsu cũng đã chữa lành cho biết bao người bệnh tật như đui, mù, què, câm điếc, phong cùi … cũng như làm phép lạ biến bánh ra nhiều để cho hàng ngàn người đói ăn no nê. Điều này cho thấy, Chúa đã quan tâm đến nhu cầu thể lý của con người, ngoài nhu cầu thiêng liêng là cần được cứu rỗi. Vầ để thỏa mãn những nhu cầu đó, Chúa Giếsu đã dạy câc Tông Đồ phải cầu xin với Chúa Cha nhân danh Người như sau:

“Thật, Thầy bảo thật anh em
Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em
Vỉ danh Thầy” (Ga 16:23)

Phải cầu xin Chúa CHA vì Người là nguồn ban phát mọi ơn lành và, phúc lộc tối cần cho con người sống vui và hạnh phúc ở đời này và nhất là được cứu rỗi để sống đời đời trên Thiên Quốc mai sau.

Như thế, cầu nguyện là một nhu cầu tối cần thiết cho những ai có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu tình thương và vô cùng nhân hậu. Phải cầu xin Người vì chúng ta thiều thốn mọi sự, và nhất là không có đủ sức để đứng vững trước mọi thù địch đe dọa niềm tin có Thiên Chúa và hy vọng được sống hạnh phúc với Người, ngay từ đời này trước khi được thực sự chiêm ngưỡng Thánh Nhan Người trên Nước trời mai sau.Cầu nguyện ví được như hơi thở của thân xác. Không có hơi thở thì không thân xác nào có thể sống được. Đó là lý do vì sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Không có Thầy, nghĩa là không có ơn Chúa phù giúp, thì ta không thể đứng vững và thăng tiến trong đời sống tin, cậy, mến, cũng như được an vui, mạnh khỏe khỏe và may lành trong trần thế. này.

Nhưng khi Chúa nói : “Ai muốn theo Thầy,phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16:24), chúng ta phải hiểu thế nào ?

Trước hết, nói đến thập giá là nói đến sự đau khổ mà bản chất con người không ai muốn chấp nhận. Nhưng đau khổ thập giá lại là phuơng tiện cứu độ hữu hiệu nhất mà Chúa Giêsu đã vui lòng chấp nhận để đền tội thay cho cả nhân loại trong chương trình cứu chuộc loài người của Thiên Chúa. Vì thế, muốn dự phần vinh quang phục sinh với Chúa Kitô, tức là được sống hạnh phúc đời đời với Chúa trên Thiên Quốc thì chúng ta cũng phải chia sẻ phần nào sự đau khổ của Người.

Tuy nhiên, nói chia sẻ đau khổ với Chúa, hay vác thập giá theo Người không có nghĩa là phải xin Chúa trao cho thập giá để vác, nhiều khốn khó để chịu. mà chủ yếu là phải vui lòng chấp nhận những thánh giá mà Chúa muốn gửi đến hay tha phép cho xảy ra trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nói rõ hơn, khi gặp phải những gian nan khốn khó mà mình không mong muốn, nhưng không tránh được như bệnh tật, nghèo khó, thất nghiệp, bất công v.v. thi phải coi đó như những khổ giá mà Chúa muốn chia sẻ để cho ta được dự phần đau khổ với Chúa hầu được thông phần vinh quang với Người. Nhưng cầu xin Chúa giúp cho có sức chịu đựng và vượt qua những khó khăn, đau khổ này lại là điều phải lẽ và đẹp lòng Chúa vì Người nhân nhậu và vui thích đuợc ban ơn cho ta. Nói khác đi. Chúa không cấm chúng ta cầu xin Chúa cho mình hay cho người thân được khòi bênh tật, được có công ăn việc làm tốt, đươc thành đạt trong học hành v.v. Mặt khác, Chúa cũng không mong muốn chúng ta “anh hùng” xin Người gửi những đau khổ tinh thần và thể xác cho ta chịu để lập công.

Chính Chúa Giê su cũng không tự nguyện vác thập giá xưa kia. Khi đối diện với đau khổ này trong đêm Người bị nộp vì Giuđa phẩn bội, Chúa Giêsu đã thống thiết cầu xin cùng Chúa Cha như sau: “Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo Ý Cha” (Lc 22:42)

Lời cầu nguyện trên đây của Chúa Giêsu chính là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta bắt chước mỗi khi chúng ta muốn xin Chúa bất cứ ơn gì cho mình và cho người khác.Và cách cầu nguyên này chắc chắn đẹp lòng Chúa nhất vì chúng ta không xin theo ý riêng mình mà xin theo ý CHA trên trời như Chúa Giêsu đã xin..

Tóm lại, cầu xin Chúa ban cho những nhu cầu cần thiết như cơm ăn, áo mặc, sức khóe và bình an là điều tự nhiên không có gì sai trái, hay thiếu đạo đức. Điều quan trọng là phải xin cho được vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự mà thôi.

 

 

MẠC KHẢI NÓI VỀ HỎA NGỤC:

MẠC KHẢI NÓI VỀ HỎA NGỤC:

41/ Với nữ tu Agreda:

“Nếu ở Thiên đàng, Mẹ còn có thể phải đau khổ, Mẹ đau đớn nhường nào khi thấy biết bao linh hồn phải hư mất! Trong khi cuộc đời qua đi quá mau chóng như vậy, mà con cái Giáo hội cứ tự vướng mắc vào dò bẫy ma quỉ, mê theo cuộc sống kiêu sa, ve vuốt dục vọng xác thịt, tự lên án phạt mình đời đời, mặc dầu được Chúa ban cho mọi thứ ân sủng. Có lẽ họ ngờ rằng được chết một cách tự nhiên, dứt bỏ được cuộc đời như loài thú là sung sướng rồi. Nhưng không đâu, còn hỏa ngục nữa, hỏa ngục đời đời sẽ ngốn nuốt họ. Tự lao mình vào đó thật ngu dại tội lỗi chừng nào!

Hỡi phàm nhân lầm lạc, các con cứ nghĩ đi đâu? Các con làm gì thế? Các con có biết thế nào là nhìn thấy Thiên Chúa nhãn tiền, là thông phần đời đời vào sự sống và vinh quang của Người không? Các con tìm gì để thay vào hạnh phúc vô cùng ấy được? Các con sẽ không thể tìm được một hạnh phúc nào khác đâu. Ai đã làm tâm trí các con mờ đục và mê loạn như thế? Các con cũng phải suy nghĩ cho kỹ rằng lao nhọc ngắn, mà hạnh phúc hay tai họa vĩnh cửu sẽ vô cùng”.

42/ Với 3 em nhỏ Fatima:

Ngày 13/7/1917 Đức Mẹ hiện ra với 3 em. Luxia tả:

“Sau khi đến đồi Cova da Iria gần chỗ cây sồi, nơi nhiều người đang lần hạt, chúng con lại thấy chớp sáng và sau đó Đức Mẹ hiện đến.

– Bà muốn con làm gì?

– Ta muốn các con tới đây ngày 13 tháng tới. Ta muốn các con tiếp tục lần hạt hằng ngày tôn kính Đức Mẹ Mân côi, để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh vì chỉ có Đức Mẹ có thể giúp.

– Hãy hi sinh cầu cho các tội nhân và lặp lại mỗi khi hi sinh: “Lạy Chúa Giêsu, vì yêu mến Chúa, để cầu cho tội nhân thống hối và đền tạ Trái Tim Vô nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ”.

Nói xong,  Đức Mẹ mở rộng tay ra như đã làm trong 2 lần trước. Những tia sáng thấu qua trái đất và chúng con thấy một biển lửa. Ma quỉ và các linh hồn dưới hình người bị dìm vào đó như những cục than hồng, cháy đen hay đỏ rực đang ngoi ngóp, phập phồng, có lúc bị tung lên với những ngọn khói đen kịt, rồi văng trở lại biển lửa kinh khiếp, rên siết, thống khổ và thất vọng. Điều đó làm chúng con kinh hãi và run sợ. (Chắc vì thế mà chúng con khóc thét lên, như những người chung quanh con sau này cho con biết). Quỉ dữ có thể phân biệt vì chúng coi hung dữ, tàn bạo như những quái vật khủng khiếp chưa từng thấy, cháy đen hay đỏ rực như than trong lò. Kinh sợ và hốt hoảng, chúng con ngước nhìn xin Đức Mẹ cứu giúp. Đức Mẹ nhân từ, buồn sầu nhắn nhủ:

– Các con vừa thấy hỏa ngục, nơi tội nhân khốn nạn phải rơi vào. Để cứu họ, Chúa muốn thiết lập trên thế giới sự tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ”.

– Đức Mẹ dạy sau kinh Sáng Danh của mỗi chục kinh Kính mừng, sẽ đọc thêm lời này: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội lỗi chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục. Xin đem các linh hồn lên Thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng thương xót (của) Chúa hơn”.

43/ Với nữ tu Giosepha:

Trong cuốn Tiếng Gọi Tình Yêu, Chúa cho chị xuống hỏa ngục, chị viết lại rằng:

“Tôi bị đẩy vào một cái hang có lửa đỏ rực, và dường như tôi bị ép giữa 2 khối lửa, và có dùi sắt nung đỏ xuyên thấu khắp mình tôi…một mùi hôi thối nồng nực khiến người ta phải ngột ngạt gớm ghê, nôn mửa, bay tỏa khắp nơi như mùi thịt thối đốt chung với sinh diêm và hắc ín. Tiếng gào thét inh ỏi…

Chị Giosepha ghi lại một phiên họp của quỉ. Quỉ chúa phán:

Theo ý tao:

Với hạng người này, tụi bay làm chúng ơ hờ, rồi cuối cùng hướng theo lòng ác.

Với hạng người kia, chúng bay cám dỗ chúng bằng tính tham lam, tích trữ bạc vàng, tiền của.

Với hạng khác, tụi bay cho chúng cái mồi dâm dục, để chúng mù quáng trong cái thú hư đốn nhảy nhót khêu gợi, phim ảnh đồi trụy, sách báo tục tĩu, nhậu nhẹt say sưa, chơi bời dâm đãng…”

44/ Với nữ tu Faustina:

Thánh nữ Faustina, tông đồ Lòng Thương xót Chúa, viết năm 1936: ” Tôi được Thiên thần dẫn vào một vực sâu thẳm trong hỏa ngục. Đó là nơi cực hình lớn lao. Nó mênh mông và đáng sợ chừng nào! Những thứ hình phạt tôi đã thấy trong hỏa ngục là:

1/ Hình phạt mất Chúa,

2/ Lương tâm cắn rứt đời đời,

3/ Tình trạng mỗi người không bao giờ thay đổi,

4/ Lửa đốt linh hồn, nhưng không diệt nó- đó là sự đau đớn kinh khủng, vì đó là lửa hoàn toàn thiêng liêng, bởi cơn giận của Chúa,

5/ Tối tăm triền miên và mùi khói ngạt thở dữ dằn, và mặc dù tối tăm, nhưng quỉ dữ và các linh hồn bị phạt vẫn nhìn thấy nhau và thấy các kẻ dữ, cả phía quỉ lẫn phía kẻ bị phạt,

6/ Lũ quỉ Satan còn mãi mãi,

 7/ Sự thất vọng kinh khủng, sự gớm ghét Chúa, những lời độc ác, tục tĩu, và  phạm thượng.

Trên đây là những hình khổ đau đớn mọi người bị phạt phải chịu.

Ngoài ra, còn có những hình khổ riêng cho mỗi thứ tội. Đó là những hình khổ về các giác quan. Mỗi linh hồn phải chịu những đau khổ dữ tợn, không thể tả, liên quan đến những cách mà họ đã phạm tội. Có những hang hầm  và những ngục tù khác nhau để giam phạt. Tôi chắc phải chết ngay khi nhìn thấy những nơi cực hình này, nếu Thiên Chúa Toàn năng không nâng đỡ tôi.

Hãy cho tội nhân biết, họ sẽ chịu cực hình đến muôn đời muôn kiếp, trong những giác quan họ đã dùng để phạm tội.

Tôi viết ra những điều này theo lệnh của Chúa, để không còn linh hồn nào chữa mình rằng không có hỏa ngục, hoặc không có ai ở trong hoả ngục bao giờ, và không có ai nói hỏa ngục là thế nào.

+Tôi, Sơ Faustina , theo lệnh Chúa, đã được thăm  các vực sâu hỏa ngục để tôi có thể nói lại cho các linh hồn, và làm chứng hỏa ngục có thật. Hiện nay, tôi không nói về hỏa ngục, nhưng tôi được lệnh của Chúa phải viết lại. Các quỉ dữ đầy lòng giận ghét tôi, nhưng chúng phải vâng nghe  tôi, khi tôi vâng lệnh Chúa . Những điều tôi đã viết chỉ là bóng mờ nhạt những gì tôi đã thấy. Nhưng tôi để ý một điều: Hầu hết những linh hồn phải sa hỏa ngục đã không tin có hỏa ngục.

Sau khi tôi đã ra khỏi  đó, tôi thấy khó quên những sợ hãi, vì tôi quá  kinh khiếp. Các linh hồn trong đó đau đớn ghê rợn chừng nào!

Do đó, tôi cầu nguyện sốt sắng hơn cho các tội nhân ăn năn cải thiện, tôi nài xin không ngừng Lòng Thương Xót Chúa xuống trên các linh hồn ấy. Ôi, Chúa Giêsu, con thà chịu đau khổ cho đến tận thế, giữa những đau khổ lớn lao nhất, hơn là xúc phạm đến Chúa dù một lỗi nhỏ mọn nhất”.

(Trích Diary Divine Mercy in my Soul, St. Faustina, Stockbridge, Ma, 2001, pp. 296-297)

Theo thánh nữ Faustina tả ở trên, Hỏa ngục có 2 hình khổ : Thất khổ và giác khổ. Thất khổ là “mất Chúa”, “giác khổ” là giác quan nào phạm tội thì giác quan ấy phải đau đớn. Cường độ đau đớn là  không thể tả. Trường độ là đời đời, đúng như Chúa Giêsu nói: dòi bọ không chết, vì tiếng lương tâm cắn rứt mãi, vì đã cứng lòng, không nghe theo ơn Chúa. Lửa đốt linh hồn linh thiêng trong quyền phép Thiên Chúa…

             45/ Với Linh mục người Ấn độ

27-11-2006 (Source: FOSS/web Phinomenon)

Chúa Nhật ngày 14.4.1985 là Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa?, Linh Mục Tom Maniyangat đang trên đường đi tới một Nhà Thờ truyền giáo ở phía Bắc của Kerala, nước India (Ấn) để dâng Thánh Lễ, và ngài đã bị chết vì tai nạn xe.  Xe của ngài đụng thẳng đầu một xe jeep.  Ngài được chở vội tới nhà thương cách chỗ xảy ra tai nạn khoảng 70 cây số, nhưng ngài đã qua đời trên đường chở tới nhà thương.

Linh Hồn cha Tom lìa khỏi xác, nên cha cảm nghiệm được là ngài đã chết.  Ngài nhìn thấy thi thể ngài, và người ta đang chở ngài tới nhà thương.  Cha nghe được tiếng người ta khóc lóc và đọc kinh cầu nguyện cho cha.

Rồi cha gặp Thiên Thần Bản Mệnh.  Thiên Thần nói với cha: “Tôi sẽ dẫn Linh Mục lên Trời.  Chúa muốn gặp và nói chuyện với Linh Mục”.  Thiên Thần cũng nói với cha rằng, trên đường đi, ngài cũng muốn cho cha thấy Hoả Ngục và Luyện Ngục nữa.  Dưới đây là những gì cha Tom Maniyangat kể về Hỏa Ngục và Luyện Ngục:

Hỏa Ngục

“Trước tiên, Thiên Thần dẫn tôi xuống chứng kiến Hoả Ngục.  Đó là một quang cảnh thật ghê sợ.  Tôi thấy Satan và các quỉ dữ, thấy những ngọn lửa không hề tắt với sức nóng 2,000 độ Fahrenheit, thấy dòi bọ lúc nhúc, thấy người ta rên la và đánh đập nhau, thấy những người khác đang bị bày quỉ dữ tra tấn hành hạ.

“Tôi được nói cho biết có bảy “cấp bậc” hoặc bảy tầng đau khổ trong Địa Ngục.  Những người “phạm hết tội trọng này đến tội trọng khác” khi sống trên dương thế, phải chịu sức nóng ghê gớm nhất.  Thân hình họ trông rất xấu xí và rất ghê rợn.  Họ là con người nhưng lại giống như những con quái vật: những thứ trông xấu xí và đáng sợ.  Thiên Thần cho tôi biết tất cả những đau khổ này là do các tội trọng không hối cải.

Cho nên, tôi hiểu có bảy cấp bậc đau khổ, căn cứ theo số tội trọng và loại tội trọng đã phạm trên dương thế.  Tôi được thấy một số người mà tôi quen biết, nhưng tôi không được phép tiết lộ danh tánh của họ.

Những tội khiến họ bị trầm luân phần lớn là do phá thai, dâm dục, thù hận, không tha thứ và tội phạm thánh.

Thiên Thần nói với tôi rằng, nếu họ sám hối, họ sẽ tránh được Hoả Ngục mà chỉ phải vào Luyện Ngục thôi.  Tôi cũng hiểu rằng, một số người sám hối tội lỗi có thể được thanh luyện trên trái đất qua những đau khổ họ phải chịu.  Bằng cách này, họ có thể tránh được Luyện Ngục và bay thẳng lên Thiên Đàng.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong Hoả Ngục gồm có cả Giám mục, Linh Mục, một vài người tôi không thể ngờ.  Nhiều người trong số họ ở trong Hoả Ngục, vì họ đã hướng dẫn lạc đường cho người khác bởi những lời dậy sai lầm và bởi gương xấu của họ.

……. 

Khi người ta di chuyển thi thể của tôi tới nhà xác, Linh Hồn tôi liền nhập vào xác tôi.  Tôi cảm thấy rất đau đớn vì nhiều thương tích và các xương bị gẫy.  Tôi bắt đầu rên, và rồi các người chung quanh tôi đã hết sức sợ hãi, họ hốt hoảng vừa chạy vừa la.

 Một người trong số họ đến gặp bác sĩ và nói: “Thi thể cha đang rên rỉ!” Bác sĩ vội chạy tới và khám nghiệm thân thể tôi.  Ông thấy tôi còn sống, cho nên ông nói: “Cha vẫn còn sống.  Đúng là một phép lạ! Hãy mau chở ngài tới nhà thương…”

NHỜ CHÚA CHÚNG TA SẼ GẶT HÁI TỐT TRONG LỜI NÓI

NHỜ CHÚA CHÚNG TA SẼ GẶT HÁI TỐT TRONG LỜI NÓI

(Sống Mùa Chay)

Tuyết Mai

Khi chúng ta có chủ đích là sống trong yêu thương, trong tình yêu Thiên Chúa thì mọi lời nói chúng ta thốt ra hẳn chúng phải được phát xuất từ trong trái tim nhân ái.   Chúng ta cần phải cẩn trọng nhất là những lời nói thô lỗ, cần được giảm ở mức tối thiểu hay không bao giờ nên thốt ra khi nói với con cái và người thân trong gia đình.

Chúng ta cần được hiểu rằng những lời nói thiếu suy nghĩ ấy chúng sau này sẽ trở lại với chúng ta không thiếu một chữ ấy là chưa kể đến những lời nói nặng đau theo thời gian sẽ làm chúng con cái trở nên nhát đảm hay ngược lại là chúng sẽ trở nên dữ giằn, ăn nói mất dạy, cục cằn thô lỗ và lòng thì đầy hận thù.

Thử tưởng tượng mà xem khi chúng ta mang danh nghĩa là con cái Chúa thế mà lại đi đối xử với nhau trong gia đình còn hơn là người mà chúng ta gây thù oán với.   Vả không ai trong chúng ta ngu dại gì mà lại đi dùng những lời lẽ thô tục mà nói với người ngoài bởi lẽ rất có thể nó lấy tánh mạng của chúng ta cách nhanh chóng mà không ai kịp có lời trăn trối.

Rốt cục thì chỉ trong gia đình là bị ảnh hưởng nặng nề, sâu đậm trên vợ trên con cái mà thôi.   Thử hỏi cha mẹ nào mà không muốn cho tương lai chúng con cái trở nên tốt lành, nhân hậu và là người dễ thương, dễ mến mà chúng ta cha mẹ lại không làm gương tốt lành và nhân hậu thì cho hỏi chúng con cái phải được học từ ai và từ đâu?.   Hoặc chúng ta cha mẹ cảm thấy bất lực khi con cái chúng khó dạy, ngang tàng xấc xược, là thành phần bất trị của xã hội thì chúng ta đổ thừa cho ai đây?.

Nhân Mùa Chay mong ước hết thảy chúng ta không là “Một con sâu làm rầu nồi canh” Mà là sự cố gắng của một con Én có thể làm nên mùa Xuân qua lời hót đẹp đẽ rộn ràng của nó.   Hay chỉ cần một cành Mai, cành Huệ, cành Lan hay cành Cúc tươi thắm … Thì cũng đủ, thưa có phải?.

Thưa nếu chỉ có một chút bấy nhiêu mà chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm cùng bổn phận được thì thử hỏi khi Thiên Chúa Người đòi hỏi ở chúng ta phải yêu thương nhau, chia sẻ cho người khổ nghèo có cùng một Cha chung trên Trời … Thì liệu chúng ta có thực thi được hay không?.

Ai trong chúng ta cũng học biết rằng Thiên Chúa Người rất chán ghét những con người sống đạo đức giả là vì chuyện gia đình của họ thì luôn rối beng, xào xáo, om xòm, tan vỡ vì họ luôn sống ích kỷ với nhau, không có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị trong căn nhà tâm hồn của họ.   Tuy nhà biệt thự của họ cũng có bàn thờ Chúa Mẹ thật to, thật đắt tiền nhưng Chúa Mẹ thì rất cô đơn và lạnh lẽo.   Những con người này chỉ vì họ muốn có tiếng tăm nên đã lợi dụng danh Chúa mà trục lợi của người.

Trong suốt Mùa Chay, Thiên Chúa Người mời gọi hết thảy con cái của Người hãy Trở Về sống bên Chúa để được Người băng bó cho vết thương lòng, thương yêu, đùm bọc và dạy dỗ để chúng ta ngày một nên giống Chúa hơn.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

18 tháng 2, 2016

ĐỨc Giêsu HIỂN DUNG

ĐỨc Giêsu HIỂN DUNG

(Luca 9,28b-36 – CN II MC – C)

 Lm FX Vũ Phan Long, OFM 

1.- Ngữ cảnh

Đây là biến cố cuối cùng trong thời gian Đức Giêsu hoạt động tại Galilê (Lc 3,1–9,50): Người đang ở tại một khúc quanh quan trọng trong sứ mạng; công việc rao giảng tại Galilê đã kết thúc; Phêrô mới đây đã tuyên xưng Người là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” (9,20) và nhân dịp đó, Người đã củng cố thêm hiểu biết của các môn đệ bằng cách loan báo cuộc Thương Khó (9,22). Cũng giống như ở Mc 9,2-8, truyện Hiển Dung của Đức Giêsu trong TM III (9,28-36) đi theo sát lời Đức Giêsu nói về đời môn đệ và dường như trả lời một loạt các câu hỏi về chân tính của Đức Giêsu (x. 9,7-9.18-22). Cuộc Hiển Dung cho các môn đệ được thấy trước vinh quang của Đấng Phục Sinh, vinh quang Nước Trời. Truyện giới thiệu tư cách thuộc thiên giới của Đức Giêsu đối lại với hai dung mạo Cựu Ước và thúc bách các Kitô hữu lắng nghe Người như lắng nghe Con Một của Thiên Chúa và Đấng được Thiên Chúa ưu tuyển.

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:

1) Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (9,28);

2) Cuộc Hiển Dung (9,29-35):

  1. a) Lý do (cc. 29-32),
  2. b) Cuộc đối thoại (cc. 33-35);

3) Kết thúc cuộc Hiển Dung (9,36).

3.- Vài điểm chú giải

– dung mạo Người đổi khác (29): Cụm từ này đã thay thế cho động từ “được biến hình” (metamorphôthê) trong Mc (9,2) và Mt (17,2) để tránh những truyện về hóa thân, hóa kiếp trong thần thoại ngoại giáo.

– có hai nhân vật (30): Vì được giới thiệu là “hai nhân vật, hai người đàn ông” (andres dyo), ta có thể nghĩ đến “hai người đàn ông y phục sáng chói” trong truyện Phục Sinh (Lc 24,4) hoặc “hai người đàn ông mặc áo trắng” trong truyện Thăng Thiên (Cv 1,10). Như thế, quả thật Môsê và Êlia là hai chứng nhân của Đức Giêsu, nhưng ở đây, hai vị có mặt trong tư cách là những nhân vật thuộc thiên giới, nhằm loan báo vinh quang tương lai của Đức Kitô. Và nếu vậy, quang cảnh này trước hết là một hình ảnh báo trước cuộc Lên Trời (x. Cv 1,9: đám mây).

– Xuất hành (31): Rất có thể tác giả Lc coi toàn bộ Thương Khó – Phục Sinh – Thăng Thiên là một cuộc Xuất Hành mới, đi từ Giêrusalem cứng tin (# Ai Cập) mà vào Vinh quang của Thiên Chúa (# Đất hứa).

– ngủ mê mệt (32): Dịch sát là “bị đè nặng trong giấc ngủ” (bebarêmenoi hypnô).

– vinh quang (32): Tác giả Lc là tác giả duy nhất sử dụng từ “vinh quang” ở đây. Kiểu ngài nối kết Khổ Nạn với Vinh quang ở đây rất gần với truyện Ga 12,27-28 (vẫn được coi như tương tự với truyện Hiển Dung trong các TMNL).

– thật là hay (33): Hay cho ai? Chúng ta không rõ. Dù sao, ta hiểu là Phêrô không hiểu rõ hoàn cảnh, nhưng cảm thấy vui, nên mơ ước kéo dài tình trạng này.  

– đám mây (34): Phải chăng đám mây bao phủ cả các môn đệ, nên các ông mới sợ (sợ chết?)? Có bao phủ ba nhân vật kia không? Nhưng bản văn lại nói là “từ đám mây có tiếng phán ra”. Vậy có lẽ các môn đệ ở ngoài đám mây. Nhưng dù thế nào, đám mây thường đi liền với cuộc thần hiển (x. Xh 16,10; 19,9.16; 24,15-16; Lv 16,2; Ds 11,25) và được coi như nơi ở (shơkinâh trong sách Talmud, có nghĩa là “sự hiện diện của Thiên Chúa”) của Thiên Chúa. Khi thấy đám mây xuất hiện và dường như còn bao trùm lấy mình, các môn đệ kinh hãi.

– Người được Ta tuyển chọn (35): Xem các “Bài ca về Người Tôi Trung” (Is 42,1; 49,7).

– trong những ngày ấy (36): nghĩa là trong thời gian Đức Giêsu đi hoạt động. Công thức này đối lại những gì được kể sau này, sau khi Đức Giêsu đã sống lại.

4.-Ý nghĩa của bản văn

Khung cảnh của bản văn này như sau: Ngay trước bài tường thuật này là các giáo huấn về đời môn đệ (Lc 9,23-27) và ngay sau bài, là truyện Đức Giêsu chữa lành một em bé bị quỷ ám (9,37-43). So với các Tin Mừng khác, ta thấy tác giả không kèm theo mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ trong khi các ngài xuống núi (x. Mc 9,9-10; Mt 17,9), cũng không có lời nói về ngôn sứ Êlia (x. Mc 9,11-13; Mt 17,10-13).

Độc giả đã thấy giáo huấn về đời môn đệ “vác thập giá” và thị kiến về “vinh quang” được nối kết chặt chẽ trong kinh nghiệm về cuộc Hiển Dung. Không thể hiểu được ý nghĩa của biến cố huyền nhiệm này nếu không đặt nó vào bên trong hai chiều tư tưởng thần học chủ đạo: sứ mạng cứu thế của Đức Giêsu, yêu cầu đi theo Người trên con đường thập giá, và ánh sáng vinh quang của sự phục sinh của Người.

* Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (28)

Chỉ tác giả Lc xác định biến cố xảy ra vào “khoảng tám ngày sau khi (Đức Giêsu) nói những lời ấy” (c. 28), tức là các giáo huấn về đời môn đệ (cc. 23-27). Cả ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê vừa chứng kiến Đức Giêsu làm cho con gái ông Gia-ia sống lại (Lc 8,51-56), nay Người đưa các ông đi ra khỏi tình trạng ồn áo huyên náo của cuộc sống thường ngày và đưa các ông lên núi (không được xác định), biểu tượng của thế giới Thiên Chúa. Mới trước đó, Người yêu cầu “vác thập giá mà theo” Người, bây giờ Đức Giêsu quyết định “đem theo” ba môn đệ và kết hợp các ông vào sứ mạng của Người, để các ông có thể chia sẻ kinh nghiệm vinh quang nhằm đi tới chỗ hoàn tất trong Ngày Phục Sinh.

Điều đáng ghi nhận: tác giả cho biết mục tiêu Đức Giêsu nhắm không phải là tỏ mình ra cho các môn đệ, nhưng là “cầu nguyện”. Việc cầu nguyện được đặc biệt nêu bật trong TM III.

* Cuộc Hiển Dung (29-35)

Đang khi Người cầu nguyện, thì “dung mạo Người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà” (c. 29): cuộc hiển dung xảy ra như là kết quả của việc cầu nguyện. Tác giả không dùng động từ metamorphousthai (= biến hình) có trong McMt (x. Mc 9,2; Mt 17,2). Theo một vài nhà chú giải, tác giả Lc muốn tránh làm cho độc giả hiểu đây giống như những cuộc hóa thân của thần thánh ngoại giáo; có những tác giả khác lại cho rằng đây là một gợi nhắc đến biến cố Môsê đã trải qua trên núi Sinai (Xh 24,29-30): trong bản văn này có nói rằng dung mạo Môsê phản ánh vinh quang của Đức Chúa. Tầm quan trọng được gán cho biến cố huyền nhiệm này đưa độc giả đến chỗ nghĩ rằng Đức Giêsu đang tự mạc khải ra như là Đấng sống lại và đang ở trong thế giới siêu việt và vinh quang của Thiên Chúa.

Vậy, vẻ rạng rỡ của dung mạo và nét trắng tinh chói lòa nơi y phục của Người cho biết Người thông dự vào đời sống của Thiên Chúa, Người có bản tính Thiên Chúa, và báo trước cuộc Phục Sinh. Các môn đệ nhận ra rằng dung mạo quen thuộc con người trần gian của Đức Giêsu lâu nay không diễn tả hết tất cả thực tại của Người; các ông hiểu rằng Người không bị khóa kín trong những giới hạn của thực tại trần gian. Đàng sau dung mạo phàm trần của Đức Giêsu, có ẩn giấu thực tại siêu phàm thần thiêng của Người.

Không những các giới hạn của thực tại trần thế bị vượt quá, các biên cương của thời gian cũng bị lướt qua. Bên cạnh Đức Giêsu, xuất hiện hai ông Môsê và Êlia, hai dung mạo nổi bật trong lịch sử dân Israel (cc. 30-31). Môsê nhà giải phóng Dân tộc, cũng là trung gian đón nhận Luật Sinai. Êlia là vị ngôn sứ đã bảo vệ tôn giáo độc thần và tái lập giao ước của Thiên Chúa với Dân. Các ngài đại diện cho mối quan tâm săn sóc của Thiên Chúa và cuộc chiến đấu của Người cho dân tộc này. Các ngài cũng chia sẻ kinh nghiệm bị từ khước và bị bách hại. Nay hai ngài đàm đạo với Đức Giêsu về “cuộc xuất hành” Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem (c. 31). Tác giả Lc coi toàn bộ Thương Khó–Phục Sinh–Thăng Thiên là một cuộc Xuất Hành mới, đi từ Giêrusalem cứng tin (# Ai Cập) mà vào Vinh quang (# Đất hứa). Nhưng toàn bộ cuộc Xuất Hành mới này liên hệ đến lịch sử Israel (đại diện bởi Môsê và Êlia); Đức Giêsu sẽ đưa lịch sử của những mối quan tâm săn sóc của Thiên Chúa đối với Dân Người đến chỗ hoàn tất.

Đáng tiếc là các môn đệ nặng nề trong giấc ngủ (c. 32). Khi Thầy làm phép lạ, hoặc khi đám đông hoan hô Người, các ông thức, nhưng khi Người bắt đầu nói đến chương trình của Thiên Chúa, việc hiến dâng mạng sống, phục vụ người nghèo, thì họ từ khước hiểu biết, họ nhắm mắt lại và ngủ. Sau này, tại núi Ôliu, các ông cũng ngủ (Lc 22,45), bởi vì các ông chờ đợi được vỗ tay hoan hô và tôn vinh, chứ không hiểu vai trò của thập giá mà Thầy đang đi tới. Tuy nhiên Phêrô còn tìm ra sức mà lên tiếng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều…” (c. 33). Ông mong muốn kéo dài mãi mãi kinh nghiệm về vinh quang này, tương quan đặc biệt này giữa thiên quốc và trần gian, một nếm cảm trước  sự viên mãn cánh chung, thiết lập tức khắc Triều Đại Thiên Chúa trên mặt đất (G. Rossé). Chi tiết “dựng ba cái lều” vừa có tính lịch sử (Nhà Tạm của Hòm Bia Chứng Ước trong cuộc xuất hành qua sa mạc) vừa mang tính phụng vụ (Lễ Lều: Lv 23,42; Dcr 14,16-19). Thật ra, ông không biết mình đang nói gì” (c. 33). Ông chỉ dừng lại với một khoảnh khắc sống ở bình diện cá nhân chứ không nghĩ đến được số phận cánh chung của toàn thể Dân Giao ước. Ông không hiểu giá trị của cuộc Hiển Dung trong chương trình cứu độ phổ quát.

Quang cảnh hiển vinh đột nhiên bị một đám mây che phủ. Khi đi vào trong hoàn cảnh mới này, các môn đệ hoảng sợ (c. 34), điều này cho hiểu là con người mỏng dòn đang tiếp cận với mầu nhiệm của sự thánh thiêng. Đám mây là sự chấm dứt kinh nghiệm về vinh quang, vừa là nơi phát ra tiếng nói thiên quốc. Đây là vai trò biểu tượng của đám mây (x. Xh 19,9.16; 24,15-18; 40,34t; 2 Mcb 2,8; Cv 1,9). Tiếng nói bảo: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (c. 35). Khẳng định được liên kết với mạc khải trong Phép rửa (Lc 3,22), nhưng khác biệt ở chỗ tại Phép rửa, tiếng nói ngỏ lời trực tiếp với Người Con, còn ở đây, mạc khải được gửi đến các môn đệ, với lệnh vâng nghe lời Người (autou akouete: lưu ý vị trí nhấn mạnh của đại từ. Diễn ra như sau: “Chính Người, anh em hãy nghe lời!”). Mạc khải từ trời đã tổng hợp hai trích dẫn Tv 2,7, nhằm nói về tư cách Con Thiên Chúa của Đức Kitô, và Is 42,1 nhắc đến sứ mạng ngôn sứ của Người Tôi Tớ Đức Chúa, phải chịu đau khổ khi loan báo Lời Chúa. Đức Giêsu vừa có tư cách vừa mang sứ mạng được hai bản văn này giới thiệu. Mạc khải kết thúc với lời kêu gọi rút từ Đnl 18,15 nhắc nghe lời ngôn sứ Môsê (x. Cv 7,37). Từ nay, không còn phải là Môsê hoặc các ngôn sứ mà các môn đệ phải vâng lời, nhưng là chính Con Thiên Chúa, Đấng có uy quyền vượt xa uy quyền của mọi người từ xưa cho đến tận thế.  Cách nào đó lời này phi bác ý muốn của Phêrô là thiết lập ngay từ bây giờ Nước Thiên Chúa trên mặt đất. Cần phải hiểu là sứ mạng Mêsia của Đức Giêsu vượt quá những nỗi niềm chờ mong Đấng Mêsia của dân Israel và những nguyện vọng trần tục của các môn đệ.

Thế rồi bản văn Lc kết thúc đơn giản, so với Mc (Mc 9,8). Tiếng nói đã ngưng, các nhân vật Môsê và Êlia không còn ở đó nữa, chỉ còn lại Đức Giêsu và các môn đệ (c. 36). Tác giả không nhắc đến lệnh im lặng Đức Giêsu truyền cho các môn đệ (x. Mc 9,9; Mt 17,9), nhưng ghi nhận rằng các ông “nín thinh”. Đây là hậu quả của một kinh nghiệm đã ghi dấu sâu sắc trong lòng ba chứng nhân, họ nội tâm hóa biến cố này, họ không để lộ ra bên ngoài bao lâu Đức Giêsu còn ở với họ (“Trong những ngày ấy”).

* Kết thúc cuộc Hiển Dung (36)

Sau đó, các môn đệ giữ thinh lặng, không tiết lộ gì về những chuyện đã xảy ra trên núi. Ghi nhận sự thinh lặng này đúng ra là một câu tóm truyện Mc (Mc 9,9-13). Các ông cứ giữ thinh lặng như thế cho đến khi Đức Giêsu đã sống lại.

+ Kết luận

Biến cố Hiển Dung là trạm trung chuyển giữa ánh sáng loé lên quá mau của Phép Rửa và ánh sáng chói lọi của sáng ngày Phục Sinh. Trong cuộc hành trình lên Giêrusalem, Đức Giêsu thấy mình được tiếng Chúa Cha chuẩn nhận trong sứ mạng Mêsia chịu đau khổ: Người sẽ thực hiện chương trình cứu độ qua thân phận bị sỉ nhục và thất bại. Nhưng qua lời giới thiệu của Chúa Cha, chúng ta biết Đức Giêsu là Lời mà ta phải lắng nghe, là vị hướng đạo chắc chắn trong cuộc Xuất Hành cuối cùng đưa đến cuộc sống viên mãn. Điều này được làm rõ ở cuối biến cố, khi tác giả nói là “chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu: Mục tiêu của Cựu Ước là dẫn chúng ta đến với Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vâng phục chương trình cứu độ của Chúa Cha. Sau Phục Sinh, biến cố Hiển Dung sẽ có một vị trí quan trọng trong truyền thống Hội Thánh, vì được coi là một trong những khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong kinh nghiệm Kitô hữu (x. 2 Pr 1,16-28).

5.- Gợi ý suy niệm

  1. Tác giả TM III cho biết vì sao Đức Giêsu lên núi: để “cầu nguyện” (c. 28). Người dành nhiều thì giờ mà cầu nguyện. Chỉ nhờ thế, Người mới dần dà hiểu được những gì sẽ xảy ra, đâu là nơi Cha Người đang dẫn Người đến. Giống như ba môn đệ ngày hôm ấy, chỉ khi để cho Đức Giêsu dẫn đưa vào nơi thanh vắng và đến gần Thiên Chúa, chúng ta mới ở trong hoàn cảnh thích hợp, thuận lợi, mà hiểu rõ hơn mầu nhiệm bản thân Đức Giêsu và chương trình của Thiên Chúa. Nhờ có Người làm trung gian, chúng ta biết mọi điều mà Thiên Chúa có ý làm cho chúng ta và chúng ta biết cách xử sự với Thiên Chúa.
  2. Trong khi cầu nguyện, dung mạo của Đức Giêsu “đổi khác” (c. 29). Tác giả không nói là “biến hình” như các Tin Mừng khác. Điều xảy ra trong truyện này không nhắm trước tiên cho Đức Giêsu, nhưng là cho ba môn đệ. Không phải Người là Đấng phải thực hiện một kinh nghiệm hoặc phải biết một điều gì mới, nhưng chính các ông mới phải tiến tới trong việc hiểu biết Người và tin tưởng vào Người. Ánh sáng trên dung nhan Đức Giêsu cho chúng ta hiểu, trong khi cầu nguyện, Người đã hiểu chương trình cứu độ của Cha Người và đã chấp nhận chương trình đó. Hy sinh của Người sẽ không phải là một thất bại, mà là một bước tiến tới sự phục sinh và vinh quang.
  3. Sự kiện Đức Giêsu xuất hiện giữa Môsê và Êlia và hai ông đàm đạo với Người cho các môn đệ một bằng chứng nữa để có thể nhận ra Đức Giêsu là ai: Người thuộc về thế giới Thiên Chúa. Nhưng Người cũng thuộc về lịch sử dân Chúa, một lịch sử được Thiên Chúa hướng dẫn. Người phải đưa sứ mạng của Môsê và Êlia đến chỗ hoàn tất; Người cũng đáng được trân trọng và nhận biết như hai người tôi tớ vĩ đại này. Đức Giêsu không xuất hiện bất ngờ như một sao băng không hề có liên hệ gì với quá khứ, nhưng Người tháp vào trong lịch sử dài gồm những săn sóc ân cần của Thiên Chúa đối với dân Ngài, và đưa lịch sử này đến chỗ hoàn tất.
  4. Quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa không phải là một vấn đề lý thuyết, không quan trọng gì bao nhiêu đối với đức tin và lối sống Kitô hữu. Phải nói là chính trong tương quan này mà bản chất của tương quan của Người đối với loài người chúng ta cũng được làm sáng tỏ, cả ý nghĩa của Người đối với chúng ta, những chờ đợi mà chúng ta có thể có nơi Người, những bổn phận phát xuất từ tương quan này đối với chúng ta.
  5. Cho tới nay, Israel đã nghe lời Môsê và Êlia, nay họ phải nghe lời Đức Giêsu. Tất cả Sách Thánh của Israel đều dẫn tới Đức Giêsu. Bằng bản thân, bằng Lời Chúaạt động và bằng lời nói của Người, Đức Giêsu đưa đến cho dân chúng sứ điệp chung kết của Thiên Chúa. Cựu Ước không có ý nghĩa nếu không có Đức Giêsu, còn chính Người, nếu không có Cựu Ước, thì chỉ là một mầu nhiệm đối với chúng ta. Vào ngày Phục Sinh, để cho các môn đệ có thể hiểu ý nghĩa của cái chết và sự sống lại của Người, Người sẽ phải giải thích Cựu Ước cho họ (x. Lời Chúa 24,17).

Lm FX Vũ Phan Long, OFM

Sự tha thứ khó khăn

Sự tha thứ khó khăn

Linh mục Paul O’Sullivan, O. P

Do thời thế chính trị biến động, một người kia không may đã giết chết một quan chức cấp cao, đối nghịch với ông ta.

Vì bị chính đồng đội trở mặt tố cáo, nên người ấy đã bị bắt giữ và bị kết án tử hình. Ông ta thành tâm sám hối tội lỗi của mình, nhưng nhất quyết không tha thứ cho kẻ tố cáo hèn hạ. Linh mục tuyên úy nhà tù ra sức khuyên giục ông xưng tội . Phạm nhân đáp lại: “Không thể được , bởi vì con hối hận về các tội lỗi của con, nhưng con không sao tha thứ được cho người bạn tráo trở kia. Như thế thì xưng tội chỉ tổ phạm sự thánh mà thôi.”

Một nữ tu tốt lành dòng Nữ Tử Bác Ái đã làm cho phạm nhân phải cảm động trước tấm lòng nhân ái và tế nhị của chị. Chị cũng ra sức khuyên giục ông xưng tội, nhưng luống công.

Chiều tối trước ngày tội nhân thụ án tử hình, nữ tu ấy lại hết sức cố gắng để thuyết phục ông.

Chị nữ tu hỏi:

– Ông có biết tôi là ai không ?

Phạm nhân đáp:

– Chị là thiên thần từ trời xuống.

Chị nữ tu lắc đầu:

Tôi không phải là thiên thần từ trời xuống, nhưng là em gái của nạn nhân đã bị ông giết hại. Tôi đã tha thứ cho ông, tôi đã ăn chay, đã cầu nguyện và đã làm tất cả những gì có thể làm được để cứu lấy linh hồn của ông.”

Hết sức ngạc nhiên, phạm nhân đáng thương ấy đã phục xuống, giàn giụa trong nước mắt và hôn kính bàn chân của chị dòng.

-Quả thật , quả thật chị là thiên thần của Chúa, thực sự là một thiên thần . Tận đáy lòng tôi, tôi xin tha thứ cho người bạn tráo trở của tôi và xin chị cũng hãy tha thứ cho tôi.

-Thật vậy hành vi tha thứ của nữ tu ấy là một hành vi thật anh hùng.

Như chúng tôi đã nói, nhiều khi chỉ một hành vi mà thôi đủ chứng minh sự thánh thiện, anh hùng.

Sự dâng cúng của bà góa nghèo đã được Chúa Giê-Su đánh giá cao. Chúa phán: “Bà ấy đã cho đi nhiều hơn tất cả những người khác.” Bà góa chỉ dâng cúng một đồng xèng, nhưng bà đã cho với tất cả tâm hồn.

Lời khẩn cầu của người trộm lành trên thập giá đã xin được ơn tha thứ cho toàn bộ tội lỗi của mình.

Lời cầu nguyện của người thu thuế thật ngắn gọn: “ Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tôi lỗi” nhưng đã làm cho linh hồn của ông trở nên tinh sạch như tuyết.

Linh mục Paul O’Sullivan, O. P

Trích sách: “ Con Đường Nên Thánh Dễ Dàng” của Linh mục Paul O’Sullivan, O. P

TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA SẼ CÓ ĐƯỢC CUỘC SỐNG DỒI DÀO

TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA SẼ CÓ ĐƯỢC CUỘC SỐNG DỒI DÀO

(CN I Mùa Chay)

Tuyết Mai

Thật thế khi chúng ta sống tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa thì chỉ có Người là đấng duy nhất đã tác tạo ra chúng ta sẽ luôn ban cho chúng ta cuộc sống thật dồi dào và thanh thản trong khả năng rất giới hạn của từng người nếu chúng ta đừng tham lam và đừng ích kỷ.

Bởi do đâu mà chúng ta ra tham lam và ích kỷ như thế? Thưa có phải vì chúng quỷ xúi biểu và dụ dỗ? Bằng chứng thật rõ ràng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã bị thử thách trong suốt 40 ngày đêm trong Sa Mạc và ai còn nhớ Chúa Giêsu đã phải trải qua những thử thách gì trong những ngày ấy?.

Khuyên để cho đừng bị chúng quỷ dụ dỗ thì chúng ta cần phải sống thật khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa cùng anh chị em và khi chúng ta càng khiêm nhường bao nhiêu thì chúng quỷ sẽ nhả chúng ta ra càng nhanh bấy nhiêu vì Khiêm Nhường là chất khử độc chúng và đọc Kinh Mân Côi là hai cách có hiệu quả nhất.

Bước vào 40 ngày Chay Thánh mong hết thảy chúng ta học hỏi gương của Chúa Giêsu, người Con tuyệt đối sống tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Cha Ngài cùng Chúa Thánh Thần là đấng luôn phù trợ cùng an ủi.   Người Việt chúng ta cũng có câu rất hay và rất đúng là “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư” và thường những người con này có tánh ngang tàng xấc xược, tự cao tự đại và tự dựa vào khả năng rất có giới hạn của mình!?.

Ngược lại thì thường những người con yếu đuối từ thể xác hay tinh thần thì cũng chẳng bao giờ dám sống rời xa cha mẹ của mình đâu.   Ấy thế mà cuộc đời của những người con này luôn được bình yên vô sự, dư đủ và thoải mái vì tất cả đều được cha mẹ chăm lo cho dù tuổi đời của các anh chị này có đến là bao nhiêu.

Mùa Chay là mùa nhắc nhở hết thảy con cái Chúa ai sống xa Người và xa Ràn thì đây là lúc cần nên Trở Về bên Chúa vì nếu chúng ta cứ đi xa mãi thì sợ rằng chúng ta sẽ chết trong nanh vuốt của thú dữ (quỷ dữ) cách không toàn thây.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

13 tháng 2, 2016

ĐỨC GIÊSU BỊ CÁM DỖ

ĐỨC GIÊSU BỊ CÁM DỖ

Đức Giêsu bị cám dỗ sau một thời gian dài không ăn trong hoang địa.  Có lẽ sau khi Ngài chịu phép rửa ở sông Jordan với Yoan Tẩy Giả, Đức Giêsu đã ăn chay cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì, và phải làm như thế nào trong những tháng ngày sắp tới.  Sau thời gian này, Đức Giêsu đã đi rao giảng, khởi đầu một giai đoạn mới trong đời Ngài.

Đức Giêsu là người.  Ngài không biết tất cả.  Ngài phải tìm ý Thiên Chúa liên lỉ qua cầu nguyện, bằng việc nhận định những gì xảy tới cho Ngài trong đời sống thường ngày (Lc.22, 42; Ga.4, 34).  Ngài cầu nguyện để biết phải làm gì, phải chọn ai (Lc.6, 12-13).  Trong cuộc sống, có lúc Ngài biết nhưng lúc khác Ngài lại xao xuyến dao động: Ngài đã loan báo cho các tông đồ rằng Ngài sẽ bị bắt bị giết và sau ba ngày Ngài sẽ sống lại (Lc.9, 22. 44-45; 18, 31-34) nhưng ở trên thập giá Ngài lại bị cám dỗ Thiên Chúa bỏ Ngài: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (Mc.15, 34).

Đức Giêsu là người.  Ngài còn bị cám dỗ như tất cả mọi người.  Tin Mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu bị cám dỗ biến đá thành bánh (Lc.4, 3), bị cám dỗ có quyền hành (Lc.4, 6-7), bị cám dỗ nghi ngờ tình yêu Thiên Chúa (Lc.4, 9-10). “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”  Ai đã có kinh nghiệm đói, mới biết những cám dỗ này mãnh liệt như thế nào.  Ai có kinh nghiệm về nghèo, mới thấy tiền bạc thu hút con người đến độ nào.  Khi đói, người ta mong có đủ cơm ăn; khi có đủ cơm ăn áo mặc, người ta mong muốn có nhiều để bảo đảm tương lai và còn muốn ăn ngon mặc đẹp.  Đây là những cám dỗ mà ai cũng gặp.  Đức Giêsu một khi đã chia sẻ thân phận con người nên Ngài cũng bị cám dỗ về ăn, tuy nhiên Ngài không thể biến đá thành bánh như Ngài muốn, nếu không, Ngài không còn là người trọn vẹn nữa.  Nhập thể, là chấp nhận giới hạn của con người.

Con người thấy mình có những khuynh chiều của thân xác và cũng có lý trí để nhận biết điều tốt và phải làm.  Con người có những khuynh chiều thân xác như thèm ăn, đòi thỏa mãn thân xác, muốn được đề cao và quy tất cả về mình.  Những khuynh chiều này cũng thuộc về tôi nhưng không hoàn toàn thuộc về tôi.  Tôi có những nhu cầu thân xác, có những khuynh chiều thân xác, nhưng cũng không phải chỉ có vậy.  Tôi còn cảm nhận nơi tôi có ao ước cái gì cao hơn, tươi đẹp hơn, tuyệt hơn.  Tôi là thực tại gồm cả khuynh chiều thân xác cũng như lý trí hướng thiện.  Khuynh chiều xấu có nơi tôi, nhưng nó chưa là tôi hoàn toàn; chỉ khi nào tôi đồng tình, chỉ khi nào tôi ưng thuận, nó mới hoàn toàn là tôi.  Có nhiều lúc tôi ưng thuận với những khuynh chiều bất chính nơi tôi, và như vậy, tôi làm tôi thành xấu qua chính hành vi ưng thuận của tôi.

Đức Giêsu, theo ngôn từ của thư gởi tín hữu Do Thái, không bao giờ ưng thuận những điều sai quấy cho dù Ngài bị cám dỗ như tất cả bao người khác: “Ngài nên giống chúng ta mọi đàng trừ tội” (Dt 4, 15; 2, 17).  Ngài bị cám dỗ như bao người, như mỗi người chúng ta, nhưng không bao giờ Ngài phạm tội, không bao giờ Ngài ưng thuận với những gì bất chính, với những khuynh chiều bất chính nơi thân xác Ngài.  Đức Giêsu là người hoàn toàn, Ngài chịu thử thách trăm bề, bị cám dỗ như bất cứ ai trên đời, nhưng Ngài có một điều khác con người: Ngài không phạm tội.  Đồng tình hay không đối với những khuynh chiều bất chính nơi mình, là hành vi tự do của mỗi người; đồng tình với những khuynh chiều xấu, là phạm tội.  Phạm tội hay không, là tùy tự do của mỗi người, là do con người xử dụng tự do Thiên Chúa ban cho như thế nào.  Phạm tội hay không, là tùy tự do con người, nó không thuộc bản chất con người.

Theo niềm tin Kitô hữu, có hai người không bao giờ dùng tự do Thiên Chúa ban để chống lại Thiên Chúa, không bao giờ hai vị này thuận theo những khuynh chiều bất chính nơi họ, đó là Đức Giêsu và Đức Maria.  Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và không phạm tội “riêng.”  Mẹ là người tuyệt vời, nên đã được Thiên Chúa cho hưởng hạnh phúc trọn vẹn và vĩnh cửu với Ngài.  Điều này được diễn tả qua tín điều: Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác.  Đức Giêsu đã không bao giờ thuận tình với bất cứ cám dỗ làm điều xấu nào.  Ngài thuộc trọn về Thiên Chúa đến độ người ta nói Ngài là con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Tin vào Đức Giêsu là tin vào Thiên Chúa.  Thiên Chúa đã sinh ra Đức Giêsu, đã làm Đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn.  Đức Giêsu đã thuộc về Thiên Chúa với thân xác của mình, cho dù người ta đã hủy hoại thân xác Ngài, nhưng không thể hủy hoại được Ngài.  Thân xác Đức Giêsu là thân xác thánh ngang qua chính cuộc sống của Ngài.  Mỗi con người đều được gọi để thành thánh, để thuộc về Thiên Chúa, trở nên người thành toàn, người tuyệt vời qua những chọn lựa sống của mình.  Hơn bất cứ thời điểm nào, mùa chay giúp các Kitô hữu nhìn lại con người của mình với những khuynh chiều thân xác và tinh thần, để rồi nhận ra lời mời gọi nên thánh trong tất cả mọi hành vi của đời sống mình.

LM Giuse Phạm Thanh Liêm

NGƯỜI LÀ BỤI TRO

NGƯỜI LÀ BỤI TRO

GM Giuse Vũ Văn Thiên

MUA CHAY

 

Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro”
(Thánh ca)

Bài thánh ca đã trở thành quen thuộc mỗi khi Mùa Chay về.  Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người.
Trong nghi thức khai mạc Mùa Chay, các tín hữu công giáo, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục đến giáo dân, mọi người đều khiêm hạ nhận lấy một chút tro trên đầu.  Người giàu cũng như người nghèo, người già cũng như người trẻ, hết thảy đều nhận mình là thân phận bụi đất, hư vô.  Nghi thức này thật cảm động, vừa diễn tả lòng sám hối, vừa nói lên nguồn gốc tro bụi của mình.  Bụi tro xem ra đơn giản là thế mà lại gợi ý suy tư với bao điều sâu sắc.

1- Bụi tro nhắc nhở chúng ta sự mỏng giòn của kiếp người
Tro là phần còn lại của một số chất liệu sau khi đã bị lửa thiêu rụi.  Tiền thân của tro có thể là những đồ vật một thời quý giá, sang trọng, có thể là những bông hoa một thời kiêu sa, rực rỡ.  Thế rồi, với tác động của ngọn lửa, những gì là rực rỡ không còn, những gì là kiêu sa đã mất, còn lại chỉ là nắm tro tàn vô dụng.  Phụng vụ khuyên đốt những cành lá sử dụng trong Chúa nhật lễ Lá năm trước để lấy tro dùng trong nghi thức làm phép và xức tro.  Những cành lá nhắc lại lời tung hô của người dân thành Giêrusalem khi Đức Giêsu tiến vào thành thánh.  Như những cành lá xanh tươi mau khô héo do tác động của thời gian, những lời ca tụng con người dành cho nhau sớm bị lãng quên vì chỉ nhất thời.  Nếu có rất nhiều người tung hô Đức Giêsu khi Người vào thành thánh ngày Chúa nhật lễ Lá, thì cũng có khá đông những cánh tay giơ lên chiều thứ Sáu để đòi lên án tử cho Người.  Khoảng cách cho một cành lá từ lúc xanh tươi đến lúc héo tàn mỏng manh là thế.
Khi tham dự nghi thức hỏa táng một người thân, chúng ta cảm nghiệm cách sâu xa sự mỏng giòn của thân phận con người.  Chỉ sau vài giờ đồng hồ, ngọn lửa đã biến thân xác con người trở thành tro bụi.  Vẻ đẹp đẽ xinh tươi sẽ không còn; giàu sang phú quý sẽ biến mất.  Những hộp hài cốt đặt để gần nhau trong ngôi “nhà tưởng niệm” cho thấy, sau khi chết, con người chẳng còn chi khác biệt.  Giàu sang, nghèo hèn có cùng một địa chỉ; yêu thương thù ghét cùng một chốn đi về.
Như một đoá hoa vô thường, cuộc đời mỏng manh, nay còn mai mất.  Mỗi ngày qua đi, thân xác con người thay đổi, rồi đến mùa thu cuộc đời, họ trở nên tàn tạ.
Vượt lên thân phận mỏng giòn chóng qua của kiếp con người, đức tin công giáo hướng chúng ta về những giá trị vĩnh cửu.  Quả vậy, nếu thân xác con người như đoá phù dung sớm nở tối tàn, thì linh hồn con người lại trường tồn bất tử.  Nếu cuộc sống thế gian dừng lại khi con người nhắm mắt xuôi tay, thì cuộc sống vĩnh cửu lại khởi đầu lúc con người giã biệt trần thế.  Phủ nhận linh hồn bất tử, con người sẽ bất hạnh, vì sau khi chết, họ trở về với hư vô.  Không tin Thiên Chúa hiện hữu, người ta sẽ sống trong vô vọng, vì không tìm đâu được lý tưởng cuộc đời.

2- Bụi tro nhắc nhở chúng ta nhận ra Thiên Chúa là Đấng Vĩnh cửu
Tác giả sách Sáng thế nói với chúng ta, thân xác con người được tạo thành từ bùn đất, rồi con người sẽ trở về với đất, vì từ đất mà ra.  “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật” (St 2, 7).  “Con người” chỉ khác với đất là có hơi thở.  Chính Thiên Chúa đã “thổi hồn” cho đất để đất trở nên người.  Đất với người từ đó mà có duyên nợ, luôn gắn liền với nhau.  Con người sống nhờ đất khi thọ hưởng biết bao hoa màu từ đó, rồi cũng chết vì đất khi đổ mồ hôi trán để tồn tại và mưu sinh.  Đất là chỗ đứng chắc chắn cho bước chân người khi họ còn sống; Đất mở rộng vòng tay đưa con người trở về an nghỉ khi họ từ giã cuộc đời.  Hành trình con người khởi đi từ đất, qua một chuỗi những tháng ngày vui tươi đau khổ, hân hoan, thất vọng, rồi con người lại trở về với… đất.  Cách trình bày của tác giả sách Sáng thế cho ta thấy tình thương bao la của Thiên Chúa.  Con người là một tác phẩm do chính Chúa tạo nên.  Ngài như một người thợ thủ công lành nghề, khéo léo nhào nắn đất để tạo nên hình dạng con người.  Với tình yêu thương, Ngài chăm sóc và ban cho con người hơi thở.  Hơi thở ấy chính là hơi thở của Ngài.  Thật kỳ diệu khi được biết sự sống của chúng ta chính là hơi thở của Thiên Chúa.  Nhờ hơi thở của Chúa mà con người trở nên cao cả, tuy được nắn từ bùn đất.  Sau cuộc đời lo toan giữa nhân tình thế thái, con người trước khi về với đất “trút linh hồn”, trả lại “hơi thở” cho Chúa, trong tâm tình biết ơn trìu mến, như người con phó thác trọn vẹn nơi Cha mình.

3- Bụi tro nhắc chúng ta sống tốt cuộc đời tạm này
Khi ý thức được sự mỏng giòn chóng qua của thân phận con người, chúng ta chọn lựa và gắn bó với những giá trị trường tồn vĩnh cửu.  Của cải vật chất chỉ là phương tiện Chúa ban để chúng ta sống xứng với phẩm giá con người và để giúp đỡ anh chị em.  Chúng ta không thể mang theo chúng khi giã biệt cõi đời.  Cánh tay buông thõng của người vừa trút hơi thở cuối cùng cho thấy, con người đến thế gian với hai bàn tay trắng, nay trở về với cát bụi cũng chỉ là tay không.  Thật bất hạnh cho những ai coi tiền bạc của cải như những chiếc “phao cứu hộ” vào lúc cuối đời.
Vì những lợi lộc trần gian mà không thiếu người dùng mọi mưu mô mánh lới.  Vì vinh quang nhất thời mà có người đã coi nhẹ lương tâm.  Bụi tro nhắc chúng ta những vinh quang trần thế cũng chỉ như đoá hoa rực rỡ hôm nay, ngày mai sẽ trở thành tro bụi.  Chỉ có tình Chúa tình người mới lâu bền tồn tại, mãi đến thiên thu.
Nếu bàn bay buông thõng của người vừa nằm xuống chẳng mang theo được gì khi tạm biệt cõi đời, thì những công phúc họ đã thực hiện ở đời này lại theo họ mãi mãi (x. Kh 14, 13).  Vì vậy, trong cuộc đời quá ngắn ngủi này, chúng ta được kêu gọi tận dụng thời gian để sống tình nhân ái với nhau. Hãy thôi những bon chen lừa lọc vì cuộc đời chẳng là mấy.  Hãy dừng những toan tính nhỏ nhen vì chẳng ai sống mãi trên đời.  Thấy rõ cuộc sống chóng qua giúp ta thiện chí sống bao dung quảng đại. “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”.  “Tiếng” đây là lòng nhân hậu, là đạo đức của con người.  Một người sống tốt lành, khi thân xác của họ đã an nghỉ trong lòng đất, cái đức của họ vẫn còn.  Họ vẫn được lưu danh với thời gian.
“Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro
Một mai người sẽ trở về bụi tro”

Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người, hướng chúng ta về với Đấng Vĩnh Cửu qua những thực hành cụ thể của cuộc sống hôm nay.

GM Giuse Vũ Văn Thiên

Đừng lo lắng gì cả (Thứ Hai – Mồng Một Tết Nguyên Đán, cầu bình an cho năm mới)

Đừng lo lắng gì cả (Thứ Hai – Mồng Một Tết Nguyên Đán, cầu bình an cho năm mới)

Dongten.net

Lời Chúa: Mt 6, 25-34

Khi ấy Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ rằng:“Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Suy nim:

Ngày Tết báo hiệu một năm cũ đã qua và một năm mới đang đến.
Chúng ta cần nhìn lại một năm qua với cái nhìn của Chúa
để thấy tất cả là hồng ân,
kể cả những gì người đời coi là xui xẻo, bất hạnh.
Chúa đã cho chúng ta sống thêm một thời gian, thêm một năm trên đời.
Chúng ta nhận ra thời gian một ngày nhờ mặt trời mọc lên rồi lặn xuống.
Nhà nông nhận ra thời gian một tháng nhờ mặt trăng tròn rồi lại khuyết.
Tạ ơn Chúa vì hai nguồn sáng quý báu như vậy trên bầu trời.
Thời gian theo Kitô giáo không đi theo đường xoắn ốc, nhưng theo đường thẳng.
Thời điểm nào cũng là duy nhất, đi rồi không trở lại, nên rất đáng quý.
Con Thiên Chúa làm người đã đằm mình trong dòng thời gian như ta.
Nhờ Ngài, dòng thời gian này sẽ đưa ta vào vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Ngày Tết người ta thường hay chúc nhau.
Chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát đạt, chúc mọi sự như ý…
Chúng ta có thể học được một cách chúc rất đẹp trong sách Dân Số (6, 22-27).
Đức Chúa chỉ dạy cho ông Môsê
để ông này chỉ lại cho ông tư tế Aaron biết cách chúc lành cho dân.
Có ba lời chúc, mỗi lời đều bắt đầu bằng chủ từ là Đức Chúa:
“Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em.
Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em.
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn anh em và ban bình an cho anh em.”
Ơn bình an là ơn bao gồm mọi ơn về sức khỏe, sống lâu, an ninh, thịnh vượng…
Rốt cuộc chính Đức Chúa mới là Đấng chúc lành cho dân Ítraen (c. 27).
Chính Đức Chúa đóng ấn Danh của Ngài trên họ để bảo trợ họ.
Và hôm nay chính Ngài cũng ban muôn ơn cho ta nhờ Danh Đức Giêsu.

Trước thềm Năm Mới, con người không tránh khỏi nỗi lo về tương lai.
Có nhiều nỗi lo rất hữu lý, vì khó khăn trước mắt là có thật.
Có nhiều nỗi lo âu chỉ vì con người thấy mình quá đỗi mong manh.
Nỗi lo quấn lấy con người và làm tâm con người không yên.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bốn lần nhắc chúng ta “Đừng lo.”
Nếu Kitô hữu không bị quay quắt vì lo âu
thì không phải vì họ là người vô lo, hay vì họ tự tin, giỏi giang hơn người khác.
Đơn giản chỉ vì họ có một Người Cha quan tâm đến mọi nhu cầu của họ.
Kitô hữu tận tụy hết mình cho công việc, nhưng lại không bất an, lo âu.
Tín thác như một đứa con ngồi trong lòng cha,
họ đặt vinh quang Thiên Chúa lên trên hết,
và tin mọi sự khác sẽ được Ngài lo liệu.

Cầu nguyn:

Lạy Cha,
Cha đã cho chúng con sống thêm một năm,
đi thêm một đoạn đường đời.

Nhìn lại đoạn đường đã qua,
chúng con chỉ biết nói lên lời tạ ơn chân thành,
vì Cha vẫn cho chúng con sống,
và sống trong tình yêu.

Mọi biến cố vui buồn của năm qua
đều là những lời mời gọi kín đáo của Cha
để thức tỉnh, nâng đỡ và đưa chúng con lên cao.

Tạ ơn Cha
vì những gì cuộc đời đã làm cho chúng con,
và những gì chúng con đã làm được cho cuộc đời.

Xin cho chúng con sống những ngày Tết dân tộc
trong tinh thần vui tươi, hòa nhã,
và không quên những ai nghèo khổ, cô đơn.

Ước gì những lời chúng con chúc cho nhau
là những lời chúc lành
xuất phát từ trái tim yêu thương.

Và lạy Cha, năm mới đã đến,
trái đất lại xoay một vòng mới quanh mặt trời,
chúng con cũng muốn
ở lại trong quỹ đạo của Cha,
nhận Cha là trung tâm cuộc sống,
và nhận mọi người là anh em. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

BÀI HỌC TỪ BỤI TRO

BÀI HỌC TỪ BỤI TRO

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Hoa và rác

Người giúp việc vừa lau chùi bàn ghế trong phòng khách vừa ngắm nghía bình hoa hồng tươi đẹp đang được trân trọng đặt trên mặt bàn bóng láng.

Thấy người giúp việc chăm chú nhìn mình với ánh mắt cảm phục, hoa hồng tỏ ra kiêu hãnh và nói:

– Anh xem trên đời nầy có hoa nào vừa đẹp, vừa sang, vừa thơm ngát như tôi không?

Người giúp việc đáp:

– Sớm muộn gì thì mầy cũng chỉ là rác!

Hoa hồng cảm thấy bị xúc phạm nặng nề trước lời nói đó, nên tỏ ra gay gắt:

– Ta xinh đẹp thế nầy, ta đang toả hương thơm ngát thế nầy, ai cũng quý mến ta; ta được tôn vinh trong phòng khách sang trọng thế nầy, vậy mà nhà ngươi dám xỉ nhục ta, dám gọi ta là rác ư! Nhà ngươi xúc phạm ta quá đáng.

Người giúp việc bồi thêm:

– Mầy sẽ là bụi tro!

Hoa hồng tức tối đáp lại :

– Nhà ngươi là kẻ ăn nói ngang ngược! Nhà ngươi có biết trong Ngày Tình Yêu, tất cả các đôi nam nữ trên thế giới đều chọn ta để đem tặng cho những người bạn tình yêu quý nhất đời của họ hay không? Nhà người có biết là trong ngày đó, ta được các hoàng tử, các công chúa, những chàng công tử tài hoa, các cô thiếu nữ cao sang đài các… nâng niu ta trên tay, ôm ấp ta vào lòng, quý trọng ta đến thế nào không? Thế mà nhà ngươi dám cho rằng ta là bụi tro ư! Thật không có lời nào xúc phạm đến phẩm giá của ta như những lời ngươi vừa nói.

Người giúp việc bồi tiếp :

– Mầy sẽ là phân bón!

Hoa hồng tỏ ra phẫn nộ :

– Ôi ! Trời ơi là Trời ! Có ai ăn nói hỗn hào như ngươi không! Ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa. Nhà ngươi xúc phạm đến ta là xúc phạm đến các chủng loại hoa hồng nói riêng, đồng thời xúc phạm cả mọi loài hoa trên đời, vì ta là Hoa Hồng, là Nữ Hoàng của các loài hoa.

Hoa Hồng giận quá! Cơn giận bốc lên ngùn ngụt khiến hoa hồng ngất đi một hồi lâu mới tỉnh.

Thế là từ lúc đó, cơn giận sôi sục trong lòng đoá hoa hồng khiến nó không ăn, không ngủ, không một phút giây bình an… Và thế là nó héo đi nhanh chóng.

Qua ngày hôm sau, chủ nhà thấy hoa hồng đã héo, vứt nó ra hố rác. Thế là hoa hồng kiêu sa, đẹp lộng lẫy, toả hương thơm ngát làm đắm đuối lòng người, bây giờ trở nên rác, đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.

Bởi vì rác hoa hồng nằm chung với các thứ rác khác nên bốc mùi hôi, do đó chủ nhà bảo người giúp việc đốt rác đi. Thế là hoa hồng bây giờ trở thành tro! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó.

Mấy ngày sau, chủ nhà lại sai người giúp việc hốt tro trong hố rác trộn chung với các thứ phân chuồng để đem đi bón ruộng. Thế là hoa hồng bây giờ đã trở thành phân bón! Đúng như lời người giúp việc đã nói về nó, mới ngày hôm kia.

Ôi, kiếp hoa hồng là thế, hôm nay là hoa đẹp lộng lẫy kiêu sa toả hương thơm ngát, ngự trị trong phòng khách xa hoa sang trọng, mai sẽ là rác thối, là tro bụi và cuối cùng là phân bón!

Xin ngẫm lại mà xem. Thân xác chúng ta rồi cũng như thế thôi. Dù hôm nay chúng ta rất xinh đẹp được nhiều người mê say quyến luyến; dù hôm nay chúng ta giàu có sang trọng được mọi người kính nể; dù hôm nay chúng ta thông minh, tài trí được người ta tôn trọng… thì mai đây thân xác chúng ta cũng chỉ là rác, là tro bụi và là phân bón thôi.

Nghi thức xức tro trong ngày thứ Tư Lễ Tro nầy nhắc nhở ta luôn nhớ rằng mai đây chúng ta chỉ là bụi tro.

Ý tưởng nầy được thánh vịnh hôm nay nhắc lại : “Hỡi người! Hãy nhớ mình là bụi tro. Mai sau người sẽ trở về bụi tro.”

Bài học bụi tro

Khi biết thân phận mình rồi chỉ là tro bụi, tôi rút được nhiều bài học hay:

Tôi sẽ không tự cao tự đại, không kiêu căng, vì phận mình là tro bụi, là thứ thấp hèn mà tự nâng mình lên, tự cho mình là lớn lao cao cả hơn người khác là chuyện nực cười.

Tôi sẽ không khinh dể, không xem thường người khác, vì mình là tro bụi thì có đáng xá gì mà dám khinh dể người ta!

Tôi sẽ không chê bai, phê phán, chỉ trích người khác vì mình là tro bụi mà dám lên mặt chê bai khích bác người khác thì thật phi lý và điên rồ.

Và khi bị người ta xem thường, khinh dể, tôi sẽ không hờn, không giận và vui lòng chịu đựng vì mai đây mình chỉ là bụi tro; vô số bụi tro vẫn thường bị chà đạp hằng ngày dưới chân con người cũng là chuyện bình thường thôi !

Hơn hết, một khi biết mai đây mình chỉ là bụi tro, tôi sẽ không dại dội đầu tư tất cả thời giờ, công sức, tài năng, trí tuệ… của tôi để chăm lo cho thân xác nầy, để rồi rốt cuộc, thân xác nầy trở thành bụi tro. Trái lại, tôi phải dành nhiều thời giờ hơn, nhiều công sức hơn, nhiều tiền bạc hơn… để đầu tư cho đời sống thiêng liêng của tôi, nhờ đó, một khi thân xác nầy trở về với bụi tro thì linh hồn tôi sẽ được chiếm hữu sự sống hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà