RÓT ÁNH SÁNG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”.

Nhìn xuống Paris – ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ – từ một nhà thờ trên đồi Montmartre chiều ngày 15/8/1534, Phanxicô Xaviê Giáo Hội mừng kính hôm nay đã quỳ gối cạnh Ignatiô Loyola và 5 sinh viên khác. Họ tuyên khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời Giáo Hoàng. Đó là ngày sinh của Dòng Tên! Từ ‘Kinh Thành Ánh Sáng’ này, Phanxicô Xaviê sẽ xuống tàu, đến tận Đông và Tây Á để rót ánh sáng Tin Mừng cho hàng vạn người, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như các tông đồ xưa đã thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu, sáu năm sau ngày khấn, linh mục trẻ Phanxicô Xaviê đã xuống tàu đi Ấn Độ, một chuyến đi không bao giờ trở về. Cuộc hải trình suốt 13 tháng trên một tàu buôn thật tàn khốc, vậy mà, Phanxicô – vẫn cứng cáp như một vỏ cây – sẽ đem ánh sáng, ‘rót ánh sáng’, không phải ánh sáng văn minh Âu Châu, nhưng là ánh sáng Chúa Kitô cho Ấn Độ, Nhật Bản và các nước.

Thế nhưng, độc đáo hơn cả, trước hết, Phanxicô đã ‘rót ánh sáng’ này cho những đồng hương Kitô hữu của mình. Đó là những người buôn bán nô lệ. Một tay họ quất ‘những con vật người’ bằng roi, và tay kia, đếm những lần quất bằng tràng chuỗi Mân Côi! Niềm tin vào Chúa Kitô và tình bác ái đối với đồng loại – những nô lệ và những con buôn nô lệ – đã thiêu đốt trái tim con người trẻ Phanxicô.

Trong hơn một thập kỷ, Phanxicô đã thành lập các cộng đoàn thuộc Malaysia; quần đảo Spice, thuộc Indonesia; Cochin và các vùng thuộc Ấn Độ ngày nay; tiếp đến là Sri Lanka. Năm 1548, Phanxicô lên đường đến Nhật Bản, trở thành nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Nhờ nỗ lực của Phanxicô, đã có hơn 300.000 người cải đạo trong vòng 65 năm tiếp theo tuy phải trải qua nhiều thập kỷ bị đàn áp dữ dội và hàng trăm nghìn cuộc tử đạo. Năm 1552, Phanxicô nhận lời mời đi Trung Quốc để mang Phúc Âm đến lục địa này lần đầu tiên. Trong chuyến đi, ngài ngã bệnh và qua đời trên đảo Shangchuan, ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc ở tuổi bốn mươi sáu.

Trong vòng mười năm, người ta ước tính Phanxicô Xaviê đã đi hơn 61.000 cây số trên bộ và trên biển, là người đầu tiên mang Tin Mừng đến các nước Châu Á, rửa tội khoảng 30.000 linh hồn. Phanxicô rời Âu Châu và gia đình ở tuổi 19 để không bao giờ gặp lại họ nữa. Cuộc đời Phanxicô là một lễ hy tế thực sự. Cuối cùng, thi thể ngài được đưa trở lại Goa, Ấn Độ, nơi nó được chôn cất và tôn kính cho đến ngày nay. Để tôn vinh ngài, cánh tay của Phanxicô đã được cắt khỏi cơ thể vào năm 1614 để đem về Rôma và được tôn kính tại nhà thờ Dòng Tên.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo!”. Phanxicô Xaviê thực sự là một ‘Phaolô khác’ đối với Châu Á. Khi chúng ta tôn vinh vị tông đồ vĩ đại, hãy suy ngẫm về tất cả những gì vị thánh trẻ đã hoàn thành trong mười năm ngắn ngủi. Khi làm vậy, bạn hãy cân nhắc đến mười năm tiếp theo của cuộc đời bạn và tái hiến mình cho sứ mệnh mà Chúa Kitô giao phó. Bạn có dám đi vào thế giới ngày nay – bắt đầu từ những người trong gia đình mình, cộng đoàn mình, môi trường mình – để ‘rót ánh sáng’ Tin Mừng Chúa Kitô trong những ngày đời còn lại?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ngay hôm nay và trong những năm ‘có thể rất vắn vỏi’ của đời con?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*****************************************

Ngày 03 tháng 12

THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê, LINH MỤC

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.


 

Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. (Hc 2:1-3)-Cha Vương

Chúc bạn và gia đình Mùa Vọng thánh thiện nhé.

Cha Vương

Thứ 2 T1.MV: 2/12/24 

TIN MỪNG: Khi Ðức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. (Mt 8:5-6)

SUY NIỆM: Tại sao một viên đại đội trưởng với nhiều quyền thế trong tay lại đến gặp Chúa Giê-su? Có lẽ ông đã nhận ra rằng tất cả quyền cao thế lực trong tay của ông ta không thể làm gì được cho người đầy tớ đó. Nói cách khác là ông đã bó tay! Một người ngoại bang mà dám thừa nhận thẩm quyền và quyền năng của Chúa là một điều táo bạo. Ông đã vượt qua bức tường của hoài nghi của giới hạn để bước vào một hành trình đức tin. Tin vào một Thiên Chúa có thể khi con người không thể. Sách Huấn Ca dạy rằng: Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự ĐỨC CHÚA, thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ. Hãy bám lấy Người chứ đừng lìa bỏ, để cuối đời, con được cất nhắc lên. (Hc 2:1-3)

Vậy khi đương đầu với giới hạn của con người như tài chính, mất việc, bệnh hoạn, cô đơn, cái chết của những người thân yêu bạn đừng mất lòng nhưng hãy đặt hết niềm tin vào Thiên Chúa có thể làm, như viên đại đội trưởng đã làm, vì không có gì là không thể đối với Chúa. Hãy kiên trì cầu nguyện và tin cậy nơi Chúa nhé.

LẮNG NGHE: Muôn dân hỡi! Lắng nghe lời CHÚA, loan truyền cho các miền đất xa xăm rằng: Đấng cứu độ chúng ta sắp đến, thôi đừng sợ hãi nữa làm chi! (Gr 31:10; Is 35:4

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin tăng thêm lòng tin cho con. Xin giúp con luôn biết dấn thân làm chứng cho Chúa trong Mùa Vọng này và sống đức tin cách can trường trong mọi hoàn.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Tin Cậy Mến.

From: Do Dzung

************************

DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN – Thanh Hoài

CHIỀU KÍCH VÔ CÙNG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi!”.

Trong “Cuộc Chiến” – “The Fight” – John White viết, “Một nhân chứng tốt khác hẳn một người bán hàng! Như một bảng chỉ đường – không quan trọng người ấy trẻ, già, nam, nữ, đẹp hay ít đẹp – chỉ cần chỉ đúng hướng, dễ hiểu. Là chứng nhân Chúa Kitô, bạn phải sống làm sao để chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ ơn Ngài cứu độ!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Bàn tiệc Lời Chúa trong suốt Mùa Vọng sẽ cống hiến cho chúng ta những sơn hào hải vị từ các bài đọc Cựu Ước, đặc biệt với Isaia, vốn được gọi là “Phúc Âm thứ năm”. Chẳng hạn hôm nay, Isaia nói đến “Núi Nhà Đức Chúa”, nơi “Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi!”. Qua đó, vị ngôn sứ tiên báo một ‘chiều kích vô cùng’ của ơn cứu độ!

Ở Cận Đông cổ đại, núi được coi là nơi ở của thần linh; Isaia ngước nhìn núi Nhà Đức Chúa Giêrusalem và tiên báo các cuộc hành hương của muôn dân mai ngày. Mùa Vọng, mùa ngước nhìn Đền Thờ Giêsu, nơi các dân với con số muôn vàn sẽ đổ về. Vào buổi đầu của Kitô giáo, nào ai có thể nghĩ một ngày nào đó, mối hiệp thông của nó sẽ lên tới con số ‘tỷ’, một con số không hề có trong bất kỳ từ vựng nào của các bút tích cùng thời!

Cũng từ Giêrusalem, rồi đây, với các môn đệ Giêsu, Tin Mừng cứu độ sẽ được loan đi tận chân trời góc biển, bất chấp mọi biên giới, vượt quá mọi lãnh thổ… đạt đến một ‘chiều kích vô cùng’ trong các tâm hồn, trong triệu con tim. Và Giêrusalem không cần – và không còn – là trung tâm thờ tự; vì ở đâu có Kitô hữu, ở đó có Đền Thờ và sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô. Thông điệp họ rao truyền là thông điệp hoà bình, yêu thương, “Họ đúc gươm đao thành cuốc thành cày”, một thông điệp không chỉ để rao giảng nhưng để sống trong bác ái, “Rèn giáo mác nên liềm nên hái!”.

Vậy mà, để có thể loan truyền sứ điệp đó, bạn và tôi cần được ‘lấp đầy’ bởi Giêsu; và cùng Ngài, đến với các tâm hồn, nói với họ như Isaia đã nói, “Hãy đến, ta cùng đi!”; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa!”.

Thật trùng hợp, Tin Mừng hôm nay nói đến sự lấp đầy đó. Chúa Giêsu không cần lấp đầy nhà viên đại đội trưởng ngoại giáo – “Tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” – nhưng Ngài cần lấp đầy lòng ông, một người đại diện cho thế giới ngoại giáo. Và quả vậy, “Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế!”.

Anh Chị em,

“Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi!”. Có biết bao anh chị em của thế giới ngoại giáo cần được chỉ đường. Mùa Vọng, mùa bạn và tôi nhìn lại bảng chỉ đường – ơn gọi – của mình. Tôi có chỉ đúng hướng Đền Giêsu? Mùa Vọng, mùa nhìn lại lòng mình, ở đó có sự lấp đầy của Giêsu? Vì thế, mùa Vọng, còn là mùa mời Giêsu vào nhà, nếu ở đó, vắng bóng Ngài. Hãy nhìn viên đại đội trưởng! Bằng cách tự coi mình ‘bất xứng’, vô tình, ông đã tỏ ra ‘rất xứng’ để Giêsu không chỉ vào nhà mà còn ‘vào lòng’ ông; vì vào nhà mà chẳng vào lòng cũng bằng không. Để một khi đầy Giêsu, bạn mới có thể là một bảng chỉ đường “đúng hướng, dễ hiểu” và chỉ được ‘chiều kích vô cùng’ ơn Ngài cứu độ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 “Lạy Chúa, đừng để con lơi lỏng! Thay vì chỉ Giêsu, con chỉ về con; thay vì chỉ về ‘chiều kích vô cùng’, con chỉ về ‘những chiều kích có cùng!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************

Thứ Hai Tuần I Mùa Vọng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6 “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” 7 Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: 8 “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi !’, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời.”


 

Chặng thứ mười bốn: Táng xác Ðức Chúa Giêsu trong hang đá-Cha Vương

Mùa Vọng tràn đầy ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 1/12/2024

Chặng thứ mười bốn: Táng xác Ðức Chúa Giêsu trong hang đá

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Các ông lãnh thi hài Ðức Giêsu, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà cuốn, theo tục lệ chôn cất của người Dothái. Nơi Ðức Giêsu bị đóng đinh có một thửa vườn, và trong vườn, có một ngôi mộ còn mới, chưa chôn cất ai. Vì hôm ấy là ngày áp lễ của người Dothái, mà ngôi mộ lại gần bên, nên các ông mai táng Đức Giêsu ở đó (Ga 19,40-42).

SUY NGẮM: Một con người đã làm biết bao chuyện phi thường, nào là: dẹp yên bão tố; hóa bánh ra nhiều; chữa lành bệnh tật; cho kẻ chết sống lại… Hơn nữa, chính con người ấy đã hứa cho những ai tin mình thì sẽ được sống đời đời…, giờ đây, chỉ còn nằm bất động như khúc gỗ, chẳng còn cứu nổi chính mình, thì làm sao cứu được người khác! Với bản án và cái chết như một tử tội, bị mai táng trong ngôi mồ lạnh lẽo thê lương đã làm cho biết bao người thất vọng!

Ôi một không gian tang tóc phủ đầy màu tím bao trùm lên cả nhân loại!

Tuy nhiên, với những ai tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, thì việc thân xác Chúa Giêsu bị an táng trong mồ cũng chính là dấu chỉ tội lỗi của nhân loại được Ngài vùi lấp vào quá khứ, để từ ngôi mộ ấy khơi lên một niềm tin mãnh liệt vào lời tiên báo của Chúa Giêsu: “Con Người phải chịu đau khổ, chịu chết, bị mai táng và ngày thứ ba sẽ sống lại”; đồng thời toát lên một sứ điệp: nếu “ai cùng chết với Chúa Kitô, cùng chịu mai táng với Ngài thì sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang”. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết chết đi cho con người cũ là những sự kiêu ngạo, hiềm khích, bảo thủ, ích kỷ, hẹp hòi, bất nhân, vô luân… và sống trong tinh thần mới theo chân lý Tin Mừng là: hiền lành, khiêm nhường, nhẫn nhịn, bao dung, tha thứ, liên đới và yêu thương… để nhờ lòng thương xót của Chúa, chúng con được hưởng ơn cứu độ mà Chúa đã hứa cho những ai tin vào Ngài. Amen.

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình. (Kinh Hoà Bình)

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From:Do Dzung

***************************

Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện

NHỮNG LẦN ĐẾN XEN KẼ- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”.

“Ở châu Phi, mỗi buổi sáng, một con linh dương thức dậy; nó biết, nó phải chạy nhanh hơn một con sư tử nhanh nhất – bằng không, nó sẽ bị giết. Cũng thế, một con sư tử biết, nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất – bằng không, nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương; khi mặt trời mọc, các bạn cần ‘thức nhau dậy’ để chạy!” – Herb Caen.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật I Mùa Vọng mời gọi chúng ta tỉnh thức và ‘thức nhau dậy’ khi khởi đầu một năm phụng vụ mới! “Vọng”, “Adventus”, có nghĩa là ‘đến’. Chúa Giêsu đến lần thứ nhất vào lễ Giáng Sinh mà chúng ta đang hướng về! Ngài đến lần thứ hai vào Ngày Quang Lâm. Nhưng đó không phải là toàn bộ! Ngài còn đến vào ‘những lần đến thứ ba’, ‘những lần đến xen kẽ!’.

Giêrêmia nói về một Đấng sẽ đến; Ngài là Vua, Đấng Cứu Độ, “Đã đến ngày Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít” – bài đọc một – ám chỉ sự ra đời của Hài Nhi Giêsu ở Bêlem. Tin Mừng nói đến ngày cánh chung của thế giới, của mỗi người “như một chiếc lưới bất thần chụp xuống”; “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.

Giữa hai lần đến đó, tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đến vào ‘những lần đến xen kẽ’, tạo thành một liên kết – không thể thiếu – giữa hai lần đến kia. Chúng mời gọi mỗi chúng ta chào đón Ngài vào cuộc sống của mình ‘ở đây và lúc này’; những cuộc gặp gỡ, chào đón Ngài đang diễn ra mỗi ngày khi chúng ta đón nhận nhau trong tình bác ái, “Xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người!” – bài đọc hai. Bằng việc thân ái đón nhận nhau, chúng ta thừa nhận sự ra đời của Chúa Giêsu tại Bêlem và chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Ngài.

Bạn và tôi sẽ làm gì suốt Mùa Vọng này? Chạy thật nhanh như những con linh dương hay sư tử châu Phi? Chạy đi đâu? Hay quan trọng hơn, tỉnh thức và ‘thức nhau dậy?’. Phải, chúng ta không để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa. “Say sưa” ở đây không chỉ nhắm đến đồ ăn thức uống, nhưng còn là những gì làm cho lòng người chếnh choáng, những đam mê tội lỗi và tính hư nết xấu khiến chúng ta ‘xa Chúa, xa người!’.

Anh Chị em,

“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”. Không chỉ tỉnh thức, chúng ta còn giúp nhau cầu nguyện, hiệp thông với Chúa Giêsu và với nhau trong yêu mến; siêng năng lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Hoà Giải và Thánh Thể; cùng nhau lắng nghe Lời Chúa, phân định những soi rọi của Thánh Thần. Không chỉ lắng nghe Chúa Thánh Thần, chúng ta còn lắng nghe nhau, cùng nhau tìm điều đẹp lòng Chúa để sống và làm theo ý Ngài. “Trong bốn tuần lễ, chúng ta được mời gọi ra khỏi lối sống cam chịu, ra khỏi những nuông chiều theo những tập quán thường ngày bằng cách nuôi dưỡng hy vọng, nuôi dưỡng mơ ước một tương lai mới mẻ. Đừng để lối sống ích kỷ hoặc nhịp sống căng thẳng ồ ạt đè nén! Những lời quyết liệt của Chúa Giêsu đang vang dội: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa”; “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!”” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích; dạy con cách thức đón Chúa trong ‘những lần đến xen kẽ’, và như thế, con sẽ có một lễ Giáng Sinh ý nghĩa nhất!”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************

Chúa Nhật Tuần I – Mùa Vọng

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

3 12 Thưa anh em, xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy. 13 Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giê-su, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người.

4 1 Vả lại, thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế ; vậy nhân danh Chúa Giê-su, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. 2 Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giê-su mà ra những chỉ thị nào cho anh em.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. 26 Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. 27 Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. 28 Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.

34 “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”


 

Chặng Đàng Thứ Mười Ba- Chúa Giêsu được tháo đanh xuống mà phó cho Mẹ Người-Cha Vương

Ngày Thứ 7 ấm á trong vòng tay yêu thương của Chúa. Mua sắm ít thôi nhé. Vật chất không sưởi ấm được lòng người chỉ có tình yêu thương đồng loại thôi.

Cha Vương

Thứ 7: 30/11/2024

Chặng Đàng Thứ Mười Ba- Chúa Giêsu được tháo đanh xuống mà phó cho Mẹ Người

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27: 54- 55)—Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.

SUY NGẮM: Chúa Giêsu sinh thì. Từ con tim người bị mũi đòng của quân lính Roma đâm thâu qua, máu và nước chảy ra: một hình ảnh nhiệm mầu của dòng suối các bí tích, Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể, theo đó Giáo Hội không ngừng tái sinh từ tâm hồn cởi mở của Thiên Chúa. Đôi chân của người bị gãy, giống như hai người cũng chịu đóng đinh với người. Như thế người mặc khải người là con chiên Vượt Qua thật, không một ống xương nào bị dập (…) Và giờ đây, cuối cùng của sự đau khổ của người, đối với tất cả tâm can con người bị mất tinh thần và đối với tất cả quyền thế hận thù và hèn nhát, thật tỏ tường cho thấy người không cô đơn một mình. Ở đó có những người trung tín còn lại với người. Dưới chân Thập Giá còn đứng đó là Đức Maria Mẹ người, người chị họ của Mẹ bà Mary Mađalen và tông đồ người yêu mến. Một người phú hộ, ông Giôxếp tại Arimathea cũng xuất hiện tại hiện trường: một người giàu sang có khả năng chui qua lỗ kim, vì Thiên Chúa đã ban ân sủng cho ông. Ông táng xác Chúa Giêsu trong chính ngôi mộ dành sẵn cho ông tại khu vườn. Trong cuộc táng xác Chúa Giêsu, nghĩa địa trở thành một khu vườn, khu vườn nơi mà Adam đã bị trục xuất khi ông từ bỏ cuộc sống viên mãn, từ bỏ Đấng Tạo Hóa. Khu mộ nơi khu vườn biểu tượng lên giấc ngủ của cái chết sẽ kết liễu. Một thành viên trong Thượng Hội Đồng Roma cũng đi theo là ông Nicodêmô, người đã đước Chúa Giêsu loan báo mầu nhiệm tái sinh bằng nước và Thánh Thần. Ngay cả trong Thượng Hội Đồng Roma đã tuyên án tử cho người, ở đó còn có một người tin, còn có một ai đó biết và nhận ra Chuá Giêsu sau khi người sinh thì. Trong giờ phúc khóc thương thống thiết, đen tối và tuyệt vọng này, ánh sáng niềm hy vọng được hiện lên một cách huyền diệu. Thiên Chúa bị đánh đòn là Thiên Chúa của sự sống đang đến gần. Ngay cả trong đêm tối sự chết, Thiên Chúa vẫn còn là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng ta. Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, gia đình mới của người, bắt đầu tỏ hiện.

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã đi vào bóng tối sự chết. Nhưng thân xác Chúa được trao về cho những bàn tay nhân từ và được liệm trong tấm vải gai trắng (x Mt 27:59).

Đức tin không hoàn toàn mất biến, mặt trời không hoàn toàn đi vào buổi hoàng hôn. Đã bao lần Chúa xuất hiện như đang ngủ? Thật dễ để chúng con chồn bước và tự thầm rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Trong giờ phút đen tối, xin giúp chúng con biết rằng Chúa vẫn còn ở đó. Xin đừng bỏ rơi khi chúng con bị cám dỗ mất tâm hồn. Xin giúp chúng con đừng để Chúa cô đơn một mình. Xin ban cho chúng con lòng trung tín để chịu đựng trong những lúc hoang mang và xin ban cho chúng con lòng trung tín để có một tình yêu sẵn sàng ôm ấp Chúa trong lúc Chúa hoàn toàn bất động, như Mẹ của Chúa là Đấng đã ôm Chúa vào lòng một lần nữa. Xin giúp chúng con, là người giàu có và kẻ cơ bần, là người ngu dốt và người có học, biết nhìn ra ngoài sự sợ hãi và thành kiến của chúng con, và biết cống hiến khả năng chúng con cho Chúa, biết cống hiến tâm hồn và thời gian của chúng con, để chuẩn bị khu vườn Phục Sinh.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

*****************************

Chỉ Một Tình Yêu – Giang Ân |Thanh Hoài 

XA TÍT TRÙNG KHƠI-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy đi theo tôi!”.

“Những người tự mãn thường đạt điểm thấp trong các bài kiểm tra đo lường hạnh phúc. Hãy tìm một điều gì đó cao cả hơn, ‘một Ai đó’ vĩ đại hơn! Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn của ao đầm! Hãy ra xa tít trùng khơi cho những gì vô biên!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, ý tưởng “Đừng chỉ hài lòng với những con cá quèn! Hãy ra ‘xa tít trùng khơi’ cho những gì vô biên!” được gặp lại qua Lời Chúa ngày lễ kính thánh Anrê tông đồ.

Trong cái nhìn của Thiên Chúa, bạn và tôi luôn được nhắm cho một điều gì đó cao cả hơn, vĩ đại hơn và cũng vĩnh cửu hơn. Không chỉ biển hồ Galilê, Chúa Giêsu muốn Anrê, và mỗi chúng ta chèo ra ‘xa tít trùng khơi’ để “lưới người như lưới cá”. Đó là một đại dương bao la hơn, mênh mông hơn và cũng thách thức hơn; một trùng khơi có tên “Thế Giới”. Nó đã vẫy gọi Anrê, vẫy gọi bao người, và nó cũng đang vẫy gọi bạn và tôi. Bởi lẽ, thế giới ngày nay vẫn là một thế giới còn khá xa lạ với Thiên Chúa, nếu không nói – thù nghịch với Ngài – đang cố loại trừ Ngài.

Thế nhưng, “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” – bài đọc một. Như Anrê đã được sai đi, từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được sai đi; để rồi, cùng Anrê và bao chứng nhân Tin Mừng mọi thời, chúng ta vươn ra ‘xa tít trùng khơi’ để buông chài. Thánh Vịnh đáp ca xác nhận sứ vụ lớn lao này, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu!”.

Và dẫu cho sứ vụ cao cả đến thế, ơn gọi đến với Anrê và các bạn chài của ông xem ra vẫn không mấy ấn tượng. Chúa Giêsu không tỏ mình cho họ cách đặc biệt; thay vào đó, Ngài gọi họ ngay trong nghề nghiệp của họ. Cũng thế, với chúng ta, chính giữa cuộc sống thường nhật của mình, bạn và tôi khám phá Ngài. Ở đó, Ngài tỏ mình, gọi và làm cho tình yêu Ngài được cảm nhận trong mỗi trái tim; cũng ở đó, Ngài biến đổi và giục giã.

Chúa Giêsu không nhìn các môn đệ về mặt thể chất nhưng về mặt tâm linh, không nhìn ngoại hình nhưng ‘thấy sâu hơn’ tấm lòng. Ngài chọn họ không vì họ xứng đáng là tông đồ nhưng vì họ có thể trở thành tông đồ; không vì con người thật của họ mà vì con người họ có thể trở thành. Ngài không từ chối những điều tốt đẹp chưa định hình, không chọn những gì họ có, họ là; Ngài chọn những trái tim! Ngài cũng chọn gọi bạn và tôi như thế.

Anh Chị em,

“Hãy đi theo tôi!”. “Trên bờ hồ Galilê, một vùng đất không thể tin được, cộng đồng môn đệ Kitô đầu tiên ra đời. Ước gì sự hiểu biết về sự khởi đầu này khơi dậy trong chúng ta ước muốn mang Lời, tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Kitô đến mọi vùng ngoại vi, trong mọi bối cảnh, ngay cả những vùng khó khăn và kháng cự nhất. Mọi không gian sinh hoạt của con người đều là những mảnh đất để gieo hạt Lời, chúng sẽ trổ sinh hoa trái cứu độ!” – Phanxicô. Bao linh hồn đang ở tận trùng khơi. Đừng hài lòng với những con cá quèn, bạn được gọi cho một điều gì đó cao cả hơn, một biển lớn mất hút cuối chân trời!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tự mãn với những gì trong ao đầm. Cho con dám ra khơi để có thể đánh bắt cho Chúa từ mẻ này đến mẻ khác, mẻ các linh hồn!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

********************************

Ngày 30 tháng 11

THÁNH AN-RÊ, TÔNG ĐỒ

lễ kính

Lập tức, các ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Mt 4,18-22

18 Khi ấy, Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 19 Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. 22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.


 

TRAO TẶNG CÁI CHẾT CỦA MÌNH-  Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 Richard Gaillardetz (1958-2023) 

Theo nhà thần nghiệm nổi tiếng Gioan Thánh giá, chúng ta có ba cuộc đấu tranh thiết yếu trong cuộc sống: nắm lại trong tay đời sống mình, trao tặng cuộc sống và trao tặng cái chết.  Những gì trong hai cuộc đấu tranh đầu tiên thì rõ ràng.  Nhưng trao tặng cái chết của mình có nghĩa gì?

Về bản chất, điều này có nghĩa: Cách chúng ta chết để lại di sản, một tinh thần cụ thể có thể nuôi dưỡng hoặc ám ảnh người ở lại.  Nếu chúng ta chết trong cay đắng và tức giận, không hòa thuận với người thân yêu, với chính mình và với Chúa, chúng ta để lại một tinh thần độc hại hơn là nuôi dưỡng.  Ngược lại, nếu chúng ta chết trong hòa giải và hòa bình với người thân yêu, với thế giới và với Chúa, thì như Chúa Giêsu, chúng ta để lại một tinh thần nuôi dưỡng, sưởi ấm, an ủi, giúp người thân được bình an thiêng liêng.  Cách chúng ta chết tô màu cho di sản chúng ta, di sản đó có thể là món quà hoặc gánh nặng cho người thân

Ngày 23 tháng 11 năm 2023, Richard (Rick) Gaillardetz, thần học gia nổi tiếng qua đời vì ung thư tuyến tụy khi đang ở tuổi sung sức nhất.  Ông là người chồng, người cha, người ông, diễn giả tài ba, người bạn, người cố vấn đáng mến của nhiều người, người đam mê thể thao, người có tinh thần hài hước sống động.  Ông cũng là người có đức tin vững chắc thử thách trong những tháng ngày mắc bệnh nan y.

Khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hơn một năm trước khi qua đời, các bác sĩ cho biết, đó là bệnh nan y và không có cách chữa trị; ông phải đối diện với sự thật tàn khốc: mình sẽ chết trong hai năm tới.  Ông đã đối diện với sự thật này.  Và khi làm như vậy, ông cố gắng (có những lúc rất đau đớn) để biến cái chết của mình thành món quà có ý nghĩa cho gia đình, cho thế giới.  Trong những tháng trước khi qua đời, ông viết blog chia sẻ về cảm giác khi biết mình sắp chết, với tình yêu và đức tin, dù đau đớn, ông chấp nhận buông bỏ cuộc sống, buông bỏ đấu tranh với những bản năng kháng cự mạnh mẽ nội tâm.

Những trang viết này được gom lại trong quyển sách Cho đến khi tôi còn thở, tôi hy vọng (While I Breathe I Hope – A Mystagogy of Dying, Grace Agolia biên tập).

Đây là một số cảm xúc và suy nghĩ của ông:

  • Không như nhiều thánh trong truyền thống của chúng ta, tôi không chọn sự suy yếu này; với tôi, tôi bị thúc đẩy, bị mời gọi, tôi không muốn.  Nhưng tôi thấy đây là lời mời gọi đến với một sự yếu đuối được ban ơn, lời kêu gọi từ bỏ sự tự tin sai chỗ vào sức mạnh và quyền tự chủ cơ thể tôi.
  • Tôi cầu nguyện cho cả hai, ơn cho sự suy yếu và ơn của sự suy yếu.

Một trong những con quỷ mà tôi phải đương đầu mỗi ngày là cái tôi quá mức, nó không ngừng kêu gào tôi phải được chú ý như một đứa trẻ than van, lấn át nhu cầu và mối quan tâm của người khác.  Một trong những ân sủng bất ngờ của sự suy yếu xuất hiện khi tôi ra khỏi bản ngã tự nhiên, để khám phá một nội tâm chứa lòng trắc ẩn bị lãng quên nhiều trước đau khổ của người khác.

  • Tôi phải thú nhận, đôi khi tôi quá lo cho tiến trình chết.  Nó sẽ như thế nào?  Tôi sẽ xử lý thế nào khi các cơ quan bắt đầu suy yếu và khi cái chết thực sự bắt đầu?  Liệu bình an tôi cảm thấy hiện tại có giúp tôi vượt qua thời gian “khác biệt” đó không?…  Qua tất cả những chuyện này, điều tôi giữ vững nhất trong lòng là tin Chúa đã bao bọc tôi sâu đậm trong tình yêu của Ngài kể từ khi tôi bị bệnh, chắc chắn Chúa sẽ không bỏ rơi tôi trong những ngày giờ cuối cùng này.  Bây giờ tôi thuộc về nhóm người già yếu và bất lực.  Họ là những người của tôi, gia đình cuối cùng của tôi.
  • Việc trao đi cái chết không chỉ là vấn đề chấp nhận sự ra đi không thể tránh khỏi về mặt thể xác; việc trao đi cái chết đòi hỏi tôi phải chấp nhận những kinh nghiệm thụ động khi chờ đợi, khi bị suy yếu, khi bị sống bên lề, như một giải thoát khỏi nô lệ cho thành tích cá nhân và khỏi tự phụ.  Nếu tôi dành không gian thích hợp cho những trải nghiệm này, chúng sẽ đưa tôi ra khỏi bản ngã ích kỷ, mở rộng tâm hồn tôi.

Chúng sẽ làm cho tôi đồng cảm hơn với nỗi đau của người khác, khuyến khích tôi cầu nguyện cho họ khi họ đau khổ, khi họ trải qua cái chết sắp tới.  Đó chính là cách giúp tôi nhẹ nhàng đi đến cái chết và sự phục sinh.

*“Nhiệm vụ cuối cùng của tôi là trả lại cho Chúa cuộc sống mà Chúa đã ban cho tôi.”

Khi nói lời từ giã các môn đệ, Chúa Giêsu hứa khi Ngài rời khỏi chúng ta, Ngài sẽ để lại Thần Khí hòa bình của Ngài cho chúng ta.  Khi chúng ta ra đi, tất cả chúng ta đều để lại đằng sau mình một tinh thần tuy không nói ra nhưng ảnh hưởng đến người thân ở lại của chúng ta.  Nếu chúng ta chết trong hòa bình với Chúa, với người khác và với chính mình, thì như Chúa Giêsu, người thân của chúng ta dù đang đau buồn vì mất mát, sẽ cảm nhận trong sâu thẳm tâm hồn họ, họ được nuôi dưỡng, sưởi ấm và an ủi khi nghĩ về chúng ta.

An nghỉ trong Chúa, Rick Gaillardetz, anh để lại cho chúng tôi, gia đình, bạn bè, thế giới món quà hòa bình.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

From: Langthangchieutim

Chặng Đàng Thứ Mười Hai- Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá-Cha Vương

Mến chào bình an! Nào ta tiếp tục tạ ơn Chúa vì Ngài đã hy sinh chịu chết cho nhân loại.

Cha Vương

Thứ 6: 29/11/2024

Chặng Đàng Thứ Mười Hai- Chúa Giêsu sinh thì trên Thập Giá

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Trích Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 19: 19-20)—Ông Phi-la-tô cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giê-su Na-da-rét, Vua dân Do-thái.” Trong dân Do-thái, có nhiều người đọc được bảng đó, vì nơi Đức Giê-su bị đóng đinh là một địa điểm ở gần thành. Tấm bảng này viết bằng các tiếng: Híp-ri, La-tinh và Hy-lạp.

Trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu (Mt 27:45-50, 54)—Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Hắn ta gọi ông Ê-li-a!” Lập tức, một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Còn những người khác lại bảo: “Khoan đã, để xem ông Ê-li-a có đến cứu hắn không!” Đức Giê-su lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn.Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” 

SUY NGẮM: Bằng tiếng Hy Lạp và Latin là 2 ngôn ngữ quốc tế lúc bấy giờ, và tiếng Hipri là ngôn ngữ Con Người Chọn, một tấm biển trên Thập Giá Chúa Giêsu, chỉ cho thấy người đó là ai: Là Vua dân Do Thái, người Con Vua Đa Vít được hứa hẹn. Philatô, quan tòa bất công, tự trở thành một ngôn sứ bị coi thường. Vương quyền của Chúa Giêsu được công bố cho toàn thế giới. Chính Chúa Giêsu đã không nhận chức tước “Messiah”, bởi vì nó sẽ đưa ra một sự hiểu lầm, theo tư tưởng quyền lực và giải thoát của con người. Rồi giờ đây tước hiệu vẫn còn công khai được trưng trên Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh. Người thật sự là vua của thế gìới. Giờ này Người đã thật sự “được nâng lên”. Khi chìm xuống dưới vực thẳm sâu Ngài trổi vượt lên đến tột đỉnh. Bây giờ người hoàn tất một cách triệt để giới răn yêu thương, ngài đã hoàn toàn tự hiến và giờ này đây bằng cách này người là sự mặc khải của Thiên Chúa thật, Thiên Chúa là tình yêu. Giờ này chúng ta biết Thiên Chúa là ai. Giờ này chúng ta biết vương quyền thật sự là gì. Chúa Giêsu đã cầu nguyện theo lời Thánh Vịnh 22, bắt đầu bằng những lời “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (22:2). Ngài mang cho mình tất cả sự đau khổ của dân Israel, tất cả sự đau khổ của nhân loại, bi kịch đen tối của Thiên Chúa, và người làm cho Thiên Chúa hiện diện trong mọi chốn nơi nơi mà dường như người bị đánh bại và vắng bóng. Thập Giá Chúa Giêsu là một biến cố hoàn vũ. Thế giới bị đen tối, khi Con Thiên Chúa bi ruồng bỏ cho đến chết. Trái đất rung động. Và trên Thập Giá, Giáo Hội giữa những người lương dân chào đời. Viên đội trưởng Roma hiểu biết điều này và nhận thức ra rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Từ trên Thánh Giá, lại một lần nữa người đã chiến thắng.

LỜI NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Kitô, trong giờ phút sinh thì của Chúa, mặt trời đã u ám. Chúa lại bị đóng đinh trên Thập Giá lần nữa. Trong giờ phút hiện tại của lịch sử, chúng con đang sống trong bóng tối của Thiên Chúa. Qua sự đau khổ cực độ của Chúa và sự độc ác của con người, dung mạo của Chúa, gương mặt của Chúa dường như bị che khuất, không còn nhận diện được. Và rồi, trên Thập Giá, Chúa đã tự tỏ mình ra. Chúa được tán dương, hoàn toàn là đấng chịu đau khổ và yêu thương. Từ trên Thập Giá trên cao, Chúa đã chiến thắng. Xin giúp chúng con nhận ra khuôn mặt của trong giờ phút đen tôi và khổ đau này. Xin giúp chúng con tin tưởng vào Chúa và bước theo Chúa trong giờ phút đen tối và cùng cực. Xin tỏ mình ra cho thế giới lần nữa trong giây phút này. Xin bộc lộ cho chúng con sự cứu chuộc của Chúa.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

**********************

TÌNH KHÚC TẠ ƠN || GIA ÂN OFFICIAL 

RẤT GẦN, RẤT XA-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”.

“Những gì chúng ta không thể hiểu bằng trí óc, sẽ được hiểu bằng trái tim. Kính sợ Lời Chúa là yếu tố quyết định; trong đó, tình yêu các giới răn mang lại một sự bình an lớn lao sâu thẳm. Giữa tôi với Ngài, khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!” – Charles Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng độc đáo của Spurgeon – “Giữa tôi với Ngài, khoảng cách chỉ là một lời cầu nguyện!” – được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay! Chúa Giêsu nói, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Nó ở ‘rất gần’ nhưng cũng ‘rất xa!’. Gần khi giữa nó và chúng ta là một lời cầu nguyện; xa khi chúng ta chưa hoàn toàn ước muốn điều đó!

Mỗi lần đọc Kinh Lạy Cha, chúng ta xin “Nước Cha trị đến!”. Nhưng bạn và tôi có thực sự mong ước điều đó khi cầu nguyện? “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!” nghĩa là nó đã có ở đó – ‘rất gần’ – chính Chúa Kitô; một khi nó ở gần, sẽ ở gần gấp đôi! Trước hết, Chúa Kitô sẽ trở lại trong vinh quang, Ngài làm cho mọi vật trở nên mới mẻ, gần gũi. Thứ đến, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”; vì lẽ, giữa Triều Đại đó và chúng ta chỉ là một lời cầu nguyện; miễn là chúng ta nói “Vâng” và cho phép Ngài đi vào, và Ngài sẽ lấp đầy Vương Quyền Ngài trong lòng chúng ta.

Thật không may, chúng ta thường không để Chúa Kitô toại nguyện! Bạn và tôi thường giữ Ngài ở một khoảng cách, để Ngài đi đi lại lại trong tâm trí, vì lẽ ý muốn của chúng ta chưa hoàn toàn hoà nhập với ý muốn của Chúa. Chúng ta thường do dự trong việc đón nhận Ngài trọn vẹn và cho phép Vương Quốc Ngài thiết lập trong lòng mình; vì thế, Ngài không vào được linh hồn. Như vậy, Triều Đại của Ngài vẫn trở nên ‘rất xa!’.

Thật trùng hợp, bài đọc Khải Huyền báo trước một “Trời mới đất mới”; “Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống”. Và “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại!” – Thánh Vịnh đáp ca. Những lời này nói lên điều gì nếu không phải là “Triều Đại Thiên Chúa” và vương quyền Ngài? “Triều Đại Thiên Chúa” là chính Chúa Kitô! Bạn có nhận ra Triều Đại Ngài ở gần đến mức nào không? Bạn có biết, chỉ một lời cầu nguyện và một hành động theo ý muốn của Ngài thì Chúa Kitô có thể đến, chiếm hữu cuộc sống chúng ta, biến chúng ta nên một “tạo vật mới”, một “trời mới đất mới”, và là “nhà tạm của Thiên Chúa”. Chỉ cần chúng ta nói một lời “Vâng” và Ngài sẽ đến!

Anh Chị em,

“Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần!”. Hãy suy ngẫm về khát khao cháy bỏng của trái tim Chúa Giêsu muốn đến với bạn và Ngài những mỏi mong thiết lập Vương Quốc của Ngài trong đời sống bạn! “Đặt nền tảng cuộc sống của mình trên Lời Chúa không phải là trốn tránh lịch sử, mà là đắm mình vào những thực tại trần thế để làm cho chúng trở nên vững chắc, biến đổi chúng bằng tình yêu, in dấu ấn của sự vĩnh cửu, in dấu ấn của Thiên Chúa lên chúng!” – Phanxicô. Nhưng phải bắt đầu từ đâu? Hãy dâng trí lòng và ước muốn cho Chúa Kitô; nói với Ngài rằng, bạn muốn có Ngài, cần Ngài, khát khao Ngài và quyết tâm thực thi Lời Ngài! Cụ thể trong việc kính mến Chúa và phục vụ anh chị em mình!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tự quyền kiểm soát cuộc sống mình như thể Chúa ở ‘rất xa’; dạy con giao hẳn nó cho Chúa, Đấng thực sự ở ‘rất gần!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)


 

Chặng thứ mười hai: Ðức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá-Cha Vương

Mừng Lễ Tạ Ơn đến bạn và gia đình nhé! Nào hãy tạ ơn Chúa, tạ ơn nhau, tạ ơn những người là điểm tựa trong những khó khăn và thử thách của cuộc đời…

Cha Vương

Thứ 5: 28/11/2024

Chặng thứ mười hai: Ðức Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá

* CĐTG do ĐGH Benedict XVI biên soạn, Lm. Gioan Trần Công Nghị dịch.

LỜI CHÚA: Sau đó, Giêsu Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát!” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Ðức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19,28-30).

SUY NGẮM: 

Thánh Giá được dựng lên, người bị treo trên đó lại là “Giêsu Nazaret—Vua dân Do Thái”. Với tấm bảng đó, chúng ta thấy rất rõ ý đồ độc ác của nhóm người lãnh đạo Dothái! Họ chụp mũ cho Chúa Giêsu với những cái mũ như: phạm thượng, lộng ngôn, sách động dân chúng, lật đổ chính quyền…, để rồi bình chân như vại giết đi một Chúa Giêsu hết lòng thương xót con người…

Ôi sự thật phũ phàng và bi đát biết bao! Người lương thiện thì bị dập vùi, tiêu diệt, còn kẻ bất lương, giả hình thì lại ngang nhiên lộng hành! Chúa Giêsu đã chết. Trái tim của Ngài cũng đã được mở ra, từ đó Máu và Nước tuôn trào như nguồn mạch thương xót, để tẩy rửa tội lỗi nhân loại, khai sinh Giáo Hội và đem lại sự sống đời đời cho những ai tin.

Ngày nay, trong xã hội đương thời, người ta vẫn thấy đây đó những cáo trạng bất công, được nhào nặn bằng những thứ tội không khác gì bản án mà người ta đã chụp lên đầu Chúa Giêsu khi xưa!

Trước thực trạng đó, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đứng về phía sự thật, bảo vệ công lý, xây dựng công bằng, nhằm làm cho xã hội này biết yêu thương, liên đới và trung thực hơn, ngõ hầu không còn những cái chết oan uổng, bất công diễn ra trong thời đại hôm nay.

LỜI NGUYỆN: Kính lạy Máu và Nước đã tuôn trào từ Trái Tim Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Amen.

Xướng: Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Đáp: Xin thương xót chúng con.

Xướng: Lạy Chúa, xin thương linh hồn các giáo hữu.

Đáp: Và cho họ được lên Thiên Ðàng.

Lạy Chúa, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa,  xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy. Amen.

From: Do Dzung

**************************

CẢM MẾN ÂN TÌNH || Sáng tác: Phùng Minh Mẫn || Trình bày: Kim Khánh – Phúc Em