Đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người – Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy bình an và sức mạnh của Chúa Hài Nhi nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 30/12/2024

TIN MỪNG: Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. (Lc 2:39-40)

SUY NIỆM: Trong Mùa Giáng Sinh bạn được nghe Kinh Thánh tiên báo Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và nay đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12,18).

Và Ngài cũng  còn là một con người thật. Phúc Âm Thánh Luca tóm lược ngắn gọn thời thơ ấu của Hài Nhi như sau: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Tuy rằng  Kinh Thánh không nêu rõ chi tiết nhưng bạn cũng có thể hiểu được sự vững mạnh của Ngài khi phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Đã là con Thiên Chúa thì Ngài phải kết hiệp mật thiết và vâng theo Đức Chúa Cha. “Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy.” (Ga 14:31).

“Nơi Thiên Chúa có cả khôn ngoan lẫn sức mạnh, mưu lược cũng như tài thông hiểu đều thuộc về Người.” (G 12:13) Lời mời gọi hôm nay là bạn hãy sống đúng với ơn gọi làm con của Chúa. Qua bí tích rửa tội bạn đã được thánh hiến cho Thiên Chúa và được thông phần chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế của Chúa Ki-tô. Đó chính là ơn gọi nên thánh của mọi Ki-tô hữu, dù là tu sĩ hay giáo dân, qua việc sống chứng nhân cho Chúa trong bậc sống và các bổn phận hằng ngày của mình.

LẮNG NGHE: Từ nguồn sung mãn của Đức Ki-tô, tất cả chúng ta đã nhận được hết ơn này đến ơn khác. (Ga 1:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Hài Nhi, xin giúp biết luôn tìm kiếm và học cùng Chúa để cùng với Chúa con được lớn lên trong khôn ngoan và ân nghĩa như Chúa vậy.

THỰC HÀNH: Phục vụ trong yêu thương và tha thứ.

From: Do Dzung

************************

Chúa Là Sức Mạnh – Ca Đoàn Sao Mai | Thánh Ca Hay Nhất 2021 Chọn Lọc – Nhạc sĩ Thế Thông


 

Nữ Khoa học gia theo đạo sau khi dạy tại trường Công giáo.

Thao Teresa

Ngày 10/12/2024, Đại Chủng viện thánh Giuse Hà Nội tổ chức buổi hội đàm “Lắng nghe tiếng vọng của vũ trụ” nhằm giúp các Chủng sinh có những hiểu biết cơ bản về lịch sử hình thành vũ trụ và cập nhật những phát kiến mới nhất theo khoa học hiện đại. Diễn giả thuyết trình là Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Lan, Giảng viên Vật lý Thiên văn tại Đại học Notre Dame (Indiana, Hoa Kỳ) đồng thời là Phó Giáo sư Vật lý của Trường Đại học Phenikaa Hà Nội.

Trong gần một giờ đồng hồ, Ts. Quỳnh Lan đã khái quát các giai đoạn phát triển của vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang đến sự hình thành các hành tinh. Bằng hình ảnh sinh động và kiến thức chuyên sâu, chị đã giúp các Chủng sinh cảm nhận được sự gần gũi và hấp dẫn của khoa học vũ trụ. Đặc biệt, qua lăng kính vũ trụ học, chị mời gọi quý thầy khám phá vẻ đẹp tuyệt vời và dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ.

Bất ngờ hơn, chị Lan là một Tân Tòng và chị chia sẻ điều này ngay từ đầu buổi nói chuyện. Chị cho biết mình lớn lên tại Việt Nam trong một gia đình Lương dân. Tuy nhiên, khi giảng dạy tại Đại học Notre Dame, chị chứng kiến bầu khí giáo dục đậm nét Công giáo ở ngôi trường danh tiếng này (Đại học Notre Dame hiện xếp hạng 18 ở Mỹ). Từ đó, chị nhận thấy những mâu thuẫn giữa Khoa Học và Đức Tin dần biến mất và cuối cùng chị quyết định làm con Chúa vào năm 2017.

(Make Christianity Great As Always)


 

CON ĐƯỜNG RIÊNG- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông bà không hiểu lời Người vừa nói!”.

“Gia đình bạn thuận buồm xuôi gió khi mọi thứ đâu vào đấy; hãy tạ ơn Chúa! Khi điều ngược lại xảy ra, hãy cầu nguyện, tôn trọng và chờ đợi! Con cái có con đường riêng của chúng!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật kính Thánh Gia hôm nay cho thấy, ngay cả trong gia đình thánh thiện nhất này, mọi thứ không luôn luôn diễn ra tốt đẹp. Ở đó cũng có những vấn đề. Chẳng hạn Maria và Giuse lạc mất con; họ lo lắng tìm Ngài, chỉ để tìm thấy Ngài sau ba ngày. Ngồi giữa các thầy dạy, Ngài cho biết, Ngài phải lo việc của Chúa Cha – ‘con đường riêng’ của Ngài, nhưng “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói!”.

Maria và Giuse cần thời gian để hiểu con mình và ‘con đường riêng’ của con. Với chúng ta cũng vậy. Mỗi ngày, các gia đình phải học cách lắng nghe và thấu hiểu nhau, cùng nhau bước đi, đối mặt với xung đột và khó khăn. Đó là một thách thức hàng ngày và nó phải được vượt qua bằng thái độ yêu thương đúng đắn, thông qua những hành động đơn giản, cử chỉ đơn giản, quan tâm đến từng chi tiết trong mối quan hệ của nhau. Thật không may, xung đột thường xuyên xảy ra trong các bức tường gia đình do ‘thời gian dài im lặng’ và ích kỷ không kiểm soát! Điều này làm tan vỡ sự hoà hợp và giết chết gia đình.

Đôi khi chúng ta cảm thấy cả khi những người chúng ta yêu thương gần gũi về mặt thể xác, chúng vẫn lạc lõng. Chúng ta cảm thấy con cái đang bồn chồn, tìm kiếm và có lẽ đang tìm kiếm ‘con đường riêng’ của chúng theo những ‘cách không có lợi’ cho chúng.

Maria và Giuse đã tìm thấy con, phát hiện con mình cũng đang tìm kiếm. Ngài tìm một điều gì đó sâu xa hơn về tinh thần. Ngài muốn biết ý muốn của Chúa Cha đối với Ngài; Ngài biết mối quan hệ của Ngài với Cha là quan hệ quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn mối quan hệ với cha mẹ mình. Điều đó thể hiện rất rõ, “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Maria và Giuse đã bắt đầu học được rằng, họ phải đầu hàng con mình cho một mục đích lớn hơn. Thật không dễ, nhưng “Maria mẹ Ngài đã hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng!”.

Anh Chị em,

“Ông bà không hiểu lời Người vừa nói!”. Tôi không thể nói như một người cha, nhưng tôi chắc rằng, các bậc cha mẹ thường bối rối về những gì đang diễn ra trong tâm trí và trái tim con cái mình, đặc biệt khi chúng bắt đầu hình thành những ‘con đường riêng’ của chúng trong cuộc sống. Như Chúa Giêsu, người trẻ ngày nay, không phải lúc nào cũng rõ ràng về con đường chúng cần đi, con đường Chúa muốn chúng đi. Chúng thường được rủ rê đi theo một số con đường nhất định bởi những người không quan tâm đến lợi ích tốt nhất của chúng. Vì thế, nếu con cái chúng ta có được mối quan hệ đúng đắn với Chúa và với chúng ta ngay từ khi còn nhỏ – như Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài – thì điều đó sẽ giúp ích cho chúng trong quãng đời còn lại. Càng có thể giúp đỡ con cái trở nên cởi mở với công việc tốt lành của Chúa trong chúng, chúng ta càng trở thành những con người mà Chúa mong muốn chúng ta trở thành.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, trong yêu thương, dạy con biết cầu nguyện, tôn trọng và chờ đợi con cái. Cho con đủ uy tín, đạo đức để dẫn chúng vào con đường đúng đắn Chúa muốn nhất!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***************************************************

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA, NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47 Ai nghe cậu nói cũng kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” 49 Người thưa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52 Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. 


 

Lễ Các Thánh Anh Hài Tử Đạo (28/12)- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Các Thánh Anh Hài Tử Đạo. Xin Bạn hãy làm một hy sinh nhỏ để cầu nguyện cho những thai nhi là nạn nhân của nạn phá thai dã man trên thế giới nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 28/12/2024

Mấy trăm năm trước Chúa Kitô ra đời, tiên tri Giêrêmia đã viết: “Thành Rama vang dội tiếng khóc than nức nở. Đó là tiếng của Rachel thương khóc con nàng. Nàng không muốn được an ủi vì các con nàng không còn nữa” (Gr 31: 15).

Lời ấy nay đã nên trọn. Vì xưa Hêrôđê, khi thấy mình bị các nhà bác học lừa, liền nổi cơn thịnh nộ và truyền giết hết các con trẻ thành Bêlem và vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, theo đúng ngày tháng mà vua đã hỏi các nhà bác học (x. Mt 2: 15-17).

Chính vì ghen tuông sợ mất địa vị mà vua Hêrôđê đã phạm tội nhơ nhớp hiếm có trong lịch sử đó. Vua đang tâm làm một việc dã man như thế với hy vọng sẽ thủ tiêu được con trẻ Giêsu. Nhưng vua đã nhầm! Vì Thiên Chúa định liệu công việc xảy ra khác hẳn: sứ thần đã báo mộng cho thánh Giuse và bảo: “Hãy dậy mau, mang Con trẻ và Mẹ Người trốn sang Ai Cập, ở đó cho đến khi ta báo tin lại. Vì Hêrôđê đang tìm giết Con trẻ”. Vâng lời sứ thần, đang đêm thánh Giuse chỗi dậy, đem Con trẻ và Mẹ Người sang Ai Cập. Người ở đấy cho đến khi Hêrôđê băng hà, hầu ứng nghiệm lời Chúa phán qua miệng tiên tri: “Ta đã gọi con ta ra khỏi nước Ai Cập” (Mt 2: 13-16). Thực ra Chúa đã muốn làm ngơ để cho xảy ra vụ tàn sát các trẻ con ở Bêlem để làm như của đầu mùa ơn cứu chuộc. Các thánh trẻ bị giết, nhưng thực ra, các ngài đã như đàn chim sổ lưới và thoát mưu kẻ thù; các ngài đã được phúc chết vì Chúa (ca tâm niệm); đã dùng cái chết để ca tụng Chúa ngay lúc sơ sinh, măng trẻ (kinh nhập lễ). Biến cố đau thương này cũng nhắc nhở cho Bạn về hàng triệu thai nhi đã bị giết trên thế giới. Theo tỉ lệ của 2019, ở Việt Nam cứ 1000 phụ nữ độ tuổi 15-44 thì có 34 người phá thai, ở Hoa Kỳ thì có 19 người (Abortion Rates By Country 2019) Đây là vấn nạn của một cuộc sống ích kỷ, hưởng thụ, phóng đãng, không tôn trọng chuẩn mực đạo đức của cộng đồng hay luật lệ của tôn giáo. Một cuộc sống tự hạ thấp nhân phẩm của mình, không coi trọng gia đình, cho dù biết hành động mình đang làm là sai trái với chuẩn mực cuộc sống nhưng vẫn cố tình bước vào. Bạn và mình không thể lặng thinh khi đứng trước sự vô cảm của Hêrôđê trong thời đại ngày nay. Vậy kể từ ngày hôm nay mời bạn hãy tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ sự sống: an táng các thai nhi bị bỏ; khuyên bảo, trợ giúp những người mẹ muốn phá thai từ bỏ ý định đó, v.v…

Lạy Chúa, vì lời bầu cử của các thánh Anh hài tử đạo, những vị ngay từ sơ sinh đã dùng cái chết để ca tụng sự vinh hiển Chúa, xin Chúa tiêu diệt tội lỗi và tính đam mê ích kỷ trong con, xin dạy con biết tôn trọng sự sống và nỗ lực cộng tác vào việc bảo vệ sự sống.

From: Do Dzung

*************************

Khóc hết nước mắt cùng bài hát Xin Đừng Bỏ Con Mẹ Ơi – Bé Bảo An

CHỨNG NHÂN THẦM LẶNG-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Hêrôđê sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem”.

Trong một bữa tiệc tại toà bạch ốc, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton hỏi một thực khách nhỏ thó đồng bàn, “Bà nghĩ sao, mãi đến hôm nay, Hoa Kỳ vẫn chưa có một nữ tổng thống?”. Bà ấy đáp, “Có lẽ nhi nữ ấy đã bị bóp chết ngay khi còn trong lòng mẹ!”. Đúng là câu trả lời của một vị thánh! Thực khách nhỏ thó ấy không ai khác ngoài Mẹ Têrêxa!

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ Các Thánh Anh Hài không nói đến các trẻ bị bóp chết khi còn trong lòng mẹ, nhưng nói đến các trẻ bị giết chết sau khi lọt lòng mẹ. Sẽ rất ngạc nhiên khi trước cả Têphanô, vị tử đạo tiên khởi, các trẻ sơ sinh cùng thời trẻ Giêsu đã là những chứng nhân tuẫn đạo đầu tiên vì danh Ngài. Hội Thánh tôn kính “Các Thánh Anh Hài” – những ‘chứng nhân thầm lặng’; và dẫu thầm lặng, các trẻ này vẫn nói lên nhiều điều.

Trước hết, chúng nói rằng, “Kìa, sự độc ác của con người xấu xa đến mức, khi ai đó muốn duy trì quyền lực, họ có thể cướp đi sinh mạng của người khác!”. Rằng, “Sẽ có một nơi mà các đế chế chuyên quyền không thể tồn tại; bởi lẽ, sẽ có một vị Vua trị vì bằng tình yêu; Vương Quốc Ngài không thể bị đánh bại bởi sự ác!”. Rằng, “Các trẻ này là sứ giả của Vương Quốc đó, Vương Quốc Ánh Sáng, Vương Quốc Tình Yêu, Vương Quốc Giêsu!”. Các em được gọi để trở nên những ‘chứng nhân thầm lặng’ khiêm tốn, nhưng mạnh mẽ về một cuộc chiến mà Vua Giêsu sẽ đích thân nghinh chiến. Mẹ các em sẽ gặp lại, ‘mải ẵm’ các em vào lòng một ngày kia trước vị Vua yêu thương này.

Việc các trẻ vô tội bị giết chết hiệu báo rồi đây, một Giêsu vô tội sẽ bị giết chết. Và Hêrôđê trở nên biểu tượng cho mọi quyền lực bạo tàn của vương quốc bóng tối trong suốt lịch sử thế giới. Các Thánh Anh Hài là những ngôn sứ tiên báo bi kịch lịch sử nhân loại với những cuộc chiến giữa vị Vua Ánh Sáng và Ác Thần bóng tối. Gioan thật sâu sắc, “Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có chút bóng tối nào!” – bài đọc một.

Sau cùng, tiếng khóc của các thơ nhi đó còn là một lời cầu mạnh mẽ được Chúa Cha đoái nhận. Tiếng nấc nỉ non của mẹ các em từ thời bà Rachel đến thời các bà mẹ Bêlem đã khơi dậy trong Hài Nhi Giêsu ước muốn hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. Thật tuyệt vời! Ngài sẽ hiến mình trên thập giá, trên các bàn thờ như quà tặng cho những trẻ này; cho vô số linh hồn già trẻ khác qua muôn thế hệ ‘trước và sau’ Ngài.

Anh Chị em,

“Hêrôđê sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem”. “Các trẻ Bêlem chết vì trẻ Giêsu; và Giêsu – Chiên Con vô tội – sẽ chết thay cho cả nhân loại, cho mỗi chúng ta. Chỉ cần nhìn vào tình yêu của Thiên Chúa, điều này đã chỉ ra một con đường an ủi nào đó! Trên thập giá, Giêsu, Người Con sắp chết, sẽ ban ‘khả năng sinh sản mới’ cho Maria, mẹ Ngài, phó thác cho mẹ môn đệ Gioan và biến mẹ thành Mẹ của Dân Mới. Cái chết đã bị khuất phục, và do đó, nước mắt của Maria thời Hêrôđê cũng như của Rachel thời Giêrêmia đã tạo ra một niềm hy vọng mới và một cuộc sống mới!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không cần để có những nam nữ tổng thống, cho con biết ra sức bảo vệ sự sống và quyền sống của những thiên thần – các sinh linh – chưa kịp thấy ánh sáng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************************

Ngày thứ tư trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh

CÁC THÁNH ANH HÀI, TỬ ĐẠO

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã nói: 18 Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa. 


 

Vui lòng chịu đau khổ để đền tội ở đời này

Niềm Vui Tin Mừng

Nếu ghi lại tất cả các phép lạ cha Gioan Vianney đã làm thì phải mất vài cuốn sách, vì trong ba mươi năm rất đông người tật bệnh đã đến xứ Ars. Có năm một ngàn, có năm hai ba ngàn người bệnh tật đến xin cha Gioan chữa. Nếu cha không chữa lành bệnh tật thì chẳng ai đem người bệnh đến với cha.

Những người bệnh đến xứ Ars, không phải tất cả mọi người đều khỏi cả, có người khỏi, có người thuyên giảm, có người không khỏi nhưng được sức mạnh vui lòng chấp nhận, vâng theo thánh ý Chúa, và hiểu biết rằng những đau khổ bệnh tật mình phải chịu là để giúp đền tội ở đời này và lập được nhiều công phúc ở đời sau.

Cha Gioan thăm viếng, an ủi tất cả những người bệnh tật đã đến xứ Ars. Ai nghèo thiếu thốn thì cha giúp tiền bạc và cầu nguyện cho, nhưng cha không hứa chữa lành bệnh tật bao giờ. Có người ở lại xứ Ars lâu ngày, kêu van cha chữa bệnh cho mình mà cha không chữa.

Khi cha thấy người nào đạo đức, bằng lòng chịu đau khổ thì cha không mấy khi chữa, vì người sẵn lòng chịu đau khổ thì lập được nhiều công phúc hơn người mạnh khỏe bằng yên. Có một người bị bệnh đau đớn quá sức, chịu hết nổi, kêu xin cha chữa lành hay giảm bớt đau đớn, nhưng cha bảo:

– Sự sống đời này chóng qua, con hãy chịu khó cho trọn ở thế gian, trên thiên đàng con sẽ được thanh nhàn vui vẻ đời đời.

Với người khác, cha bảo:

– Con chịu bệnh được thì ích lợi cho con hơn là khi con khỏe mạnh, do đó con phải vui lòng chấp nhận.

Một thày dòng mắc bệnh nặng đến xứ Ars xin cha Gioan chữa bệnh và ước ao được khỏi bệnh, nên thường kêu nài cha Gioan. Cha Gioan đã không chữa mà lại bảo:

– Thầy phải tuân theo thánh ý Chúa. Người đã định cho thầy phải chịu bệnh này cho tới chết, thầy hãy vui lòng chịu đau khổ. Đến giờ chết, thầy sẽ được vui mừng vì nhờ chịu đau khổ bệnh tật nên cứu được nhiều linh hồn hơn người mạnh khỏe, và đã chu toàn bổn phận mình.


 

LỰC HẤP DẪN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ nhất tề xông vào ông, lôi ông ra ngoài thành mà ném đá”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ngay sau ngày mừng kính Giêsu, Con Thiên Chúa hạ sinh cõi trần, Hội Thánh kính tôn Têphanô – môn đệ của Ngài – thượng sinh thiên quốc. Ngay sau ngày chiêm ngưỡng tình yêu Vua Trời giáng thế, Hội Thánh ngắm nhìn lửa mến yêu thượng tiến từ vị Phó Tế, thần dân Ngài. Một tương phản gây sốc! Phải chăng ở đây, một ký ức xuất hiện không đúng chỗ? Không! Đó là hậu kết tất yếu của ‘lực hấp dẫn!’.

Thoạt nghe, sự chết chóc này có vẻ làm suy giảm niềm vui của tuần Bát Nhật Giáng Sinh; nhưng với con mắt đức tin, ngày lễ hôm nay chỉ tăng thêm vẻ huy hoàng. Têphanô là chứng nhân hùng hồn về một niềm tin vĩ đại vào vị Vua Cứu Thế thơ bé mới sinh trong hang lừa. Sự ra đời của Đấng Kitô đòi hỏi triệt để những ai theo Ngài phải sắp xếp lại cuộc sống mình sao cho phù hợp và cam kết chọn Ngài trên hết, trước hết kể cả việc hiến dâng mạng sống. Nghĩa là người môn đệ Giêsu phải sẵn sàng hy sinh mọi sự; trung thành với ý muốn thánh khiết của Thầy; học nên giống Thầy, lại gần Thầy, được hút lấy bởi ‘lực hấp dẫn’ của Thầy. Nhờ đó, mặc lấy tâm hồn vị tha, tin tưởng và phó thác của Thầy.

Sắp trút hơi thở, Thầy nói, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”; sắp hắt hơi lần cuối, trò thưa, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con!”. Sắp bỏ đất, về trời, Thầy nói, “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!”; sắp về trời, rời đất, trò thưa, “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này!”. Như Thầy Giêsu, tâm hồn Têphanô rộng lượng, bình an, đáng được ra đi thanh thản như Thầy đã thanh thản ra đi; một sự thanh thản chỉ có nơi người môn đệ được cuốn hút đến nỗi nên giống Thầy mọi đàng, “Trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con” – Thánh Vịnh đáp ca. Như thế, Giáo Hội thật ‘có ý’ khi tôn kính vị tử đạo ngay sau ngày đại lễ hân hoan.

Một chi tiết đáng được dừng lại, “Các nhân chứng để áo của Têphanô dưới chân một thanh niên tên là Saolô”. ‘Lực’ hấp dẫn ‘lực!’. Rõ ràng, trong số những người được ‘lực hấp dẫn’ của Têphanô hút lấy, có Saolô, một người đã từng giết chóc Hội Thánh – rồi đây – sẽ trở thành vị Tông Đồ Dân Ngoại. Kể ra, giá một linh hồn khá đắt!

Một giáo sư Hà Lan đã nghiên cứu về chi phí cần thiết để có thể giết chết một binh sĩ của đối phương qua các thời đại. Ông ước tính, thời Julius Caesar, phải tốn ít hơn 1 dollar; thời Napoléon, chi phí tăng lên hơn 2,000$; cuối đệ nhất thế chiến, khoảng 17,000$; đệ nhị thế chiến, khoảng 40,000$. Và năm 1970, Hoa Kỳ phải tốn đến 200,000 dollars!

Anh Chị em,

“Giá một linh hồn khá đắt!”. Đúng thế! “Những cuộc bách hại dường như không có kết quả gì, nhưng trên thực tế, sự hy sinh của Têphanô đã gieo một hạt giống đi theo hướng ngược lại với hướng của những hòn đá, nó gieo một cách ẩn giấu vào lồng ngực của một trong những đối thủ tồi tệ nhất của ông – Saolô. Trên thực tế, ngày nay cũng như ngày xưa, hạt giống hy sinh của các Kitô hữu – dường như đã chết – nảy mầm và sinh hoa trái, bởi vì Thiên Chúa tiếp tục làm phép lạ, thông qua họ, thay đổi trái tim và cứu rỗi những người nam và người nữ!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cuốn hút con mỗi ngày, hầu con cũng có khả năng cuốn hút anh chị em con về Chúa, vào Chúa và cho Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*************************************************

KÍNH THÁNH TÊPHANÔ, TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI, 26/12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”


 

 PHÍA SAU HẬU TRƯỜNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”.

Walt Disney sẽ không nương tay cắt bỏ bất cứ thứ gì cản trở tiến độ của một chuyện phim! Khi cuốn phim cuộc đời bạn được trình chiếu, rất ‘nhiều điều tốt’ bạn cần cắt bỏ để nhường chỗ cho ‘những điều tốt hơn’. Điều quan trọng là phía sau hậu trường những gì có thể nhìn thấy, ý định của Thiên Chúa có được thực hiện không?

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa lễ Giáng Sinh mời gọi bạn và tôi lần theo những chiều kích sâu thẳm ‘phía sau hậu trường’ những gì có thể nhìn thấy qua câu chuyện Bêlem; từ đó, cung chiêm một điều gì đó sâu sắc hơn, trầm lắng hơn! Bởi lẽ, Tin Mừng hôm nay không nói đến thiên thần, mục đồng, bò lừa; và thậm chí cả Maria, Giuse! Tại sao nó được chọn đọc?

Câu chuyện Bêlem đã được kể trong Thánh Lễ tối hôm qua; hôm nay, chúng ta lần theo ‘phía sau hậu trường’ của nó. Rốt cuộc, đứa trẻ yếu đuối kia là ai? Tại sao thế giới lại làm ầm ĩ về sự ra đời của nó? Trẻ đó là Giêsu – Lời Thiên Chúa – “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa”. Hãy nghĩ đến những lời phi thường đó khi bạn nhìn vào hang lừa! Qua Giêsu, Thiên Chúa tỏ mình như chúng ta thường tỏ mình qua ‘cách’ chúng ta nói, ‘những gì’ chúng ta nói và cả ‘những gì chúng ta không nói!’. Nhưng Lời Giêsu không chỉ giao tiếp mà còn hành động; Lời tác thành, sản sinh và sáng tạo!

Để dễ hiểu, bạn hãy nghĩ đến ‘lời’ của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine; ‘lời’ của Shakespeare trong Hamlet; hay ‘lời’ của Beethoven trong Bản Giao Hưởng số 5! Tất cả những ‘lời’ này không chỉ thể hiện ý tưởng của tác giả mà còn tác động mạnh mẽ trong việc ‘biến đổi’ chúng ta. Vì thế, qua Lời Giêsu, mọi vật “hiện hữu, biến đổi và trở nên mới”. Chúng ta và toàn bộ thế giới của chúng ta mắc nợ Lời.

Lời đã đến, đi vào thế giới! Theo Gioan, “thế giới” trước hết là hành tinh của chúng ta và tất cả những gì trong đó; nó còn là ‘thế giới’ bên trong mỗi người, vốn bị lôi cuốn vào tất cả những gì xấu xa, tiêu cực, hạ cấp và mất nhân tính. Lời đã đi vào hai thế giới đó! Không sống ngoài rìa, nhưng ngay ở giữa; Lời bị đàm tiếu là “lui tới với các tội nhân và tệ hơn, ăn uống với họ”. Những điều này được nói trong câu chuyện Bêlem bằng ngôn ngữ hình tượng, “Vào thời sau hết này, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” – bài đọc hai. Thánh Tử là Lời, là Giêsu, bản sao hoàn hảo của chính Thiên Chúa.

Anh Chị em,

“Lời đã cư ngụ giữa chúng ta!”. Bạn đã hiểu được phần nào ‘phía sau hậu trường’ máng cỏ Bêlem. Thế nhưng, máng cỏ không chỉ dành cho sự chiêm nghiệm ngoan đạo – nó chứa đựng một thông điệp: Thiên Chúa đã làm người – Ngài đến để sống và hoạt động giữa chúng ta, bước vào thế giới của chúng ta để ban phước cho nó và giải phóng tất cả những ai bị nô lệ bởi áp bức của tội lỗi, nạn đói và vô gia cư; những ai bị nô lệ bởi thói quen và chất gây nghiện; những ai bị nô lệ bởi sợ hãi, tức giận, oán hờn, căm thù và cô đơn. Hãy cầu nguyện để có thể đến gần Hài Nhi Giêsu hầu được giải thoát khỏi sự nô lệ cụ thể của chính mình! Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều là nô lệ của một điều gì đó!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, có thể con đang là nô lệ của một điều gì đó ‘tưởng là tốt’, cho con dám cắt bỏ nó để nhường chỗ cho ‘những điều tốt hơn’ mà Lời Giêsu ngỏ với con mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***************************************

LỜI CHÚA LỄ GIÁNG SINH, LỄ BAN NGÀY, THỨ TƯ 25/12: 

Tin Mừng ngày hôm nay

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.       Ga 1,1-18

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.
Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa,
và Ngôi Lời là Thiên Chúa.
2Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa.
3Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người,
thì chẳng có gì được tạo thành.
Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
5Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.
6Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gio-an.
7Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng,
để mọi người nhờ ông mà tin.
8Ông không phải là ánh sáng,
nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
9Ngôi Lời là ánh sáng thật,
ánh sáng đến thế gian
và chiếu soi mọi người.
10Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có,
nhưng lại không nhận biết Người.
11Người đã đến nhà mình,
nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
12Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.
13Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,
cũng chẳng do ước muốn của nhục thể,
hoặc do ước muốn của người đàn ông,
nhưng do bởi Thiên Chúa.
14Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta.
Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,
là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.
15Ông Gio-an làm chứng về Người, ông tuyên bố :
“Đây là Đấng mà tôi đã nói :
Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.”
16Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
17Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê,
còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giê-su Ki-tô mà có.
18Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả ;
nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa
và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,
chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.


 

ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRÊN TOÀN CÕI ĐẤT- Đức Phanxicô

Đức Phanxicô

“Điều tra dân số trên toàn cõi đất” (Lc 2:1).  Đây là bối cảnh Chúa Giêsu sinh ra và là bối cảnh mà Tin Mừng tập trung vào.  Biến cố này có thể được cập đến một cách lướt qua, nhưng thay vào đó Tin Mừng thuật lại một cách cẩn thận.  Và với trình thuật này, Tin Mừng đưa ra một sự tương phản lớn: trong khi hoàng đế kiểm kê dân số trên toàn cõi đất, thì Thiên Chúa bước vào đó một cách ẩn mình; trong khi những người nắm quyền cố gắng vươn lên vị thế những người vĩ đại của lịch sử, thì vị Vua của lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé.  Không ai trong số những người có quyền lực chú ý đến Người, ngoại trừ một số người chăn cừu, những người bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.

Nhưng cuộc điều tra dân số nói lên điều gì đó hơn nữa.  Trong Kinh Thánh, việc điều tra dân số không để lại một dấu ấn đẹp.  Vua Đa-vít, chiều theo sự cám dỗ của số đông và yêu sách không lành mạnh cho rằng mình tự đủ, đã phạm một tội lỗi nghiêm trọng khi tiến hành một cuộc điều tra dân số.  Đa-vít muốn biết sức mạnh và sau khoảng chín tháng, vua đã có được số người có thể cầm được gươm (xem 2 Sm 24,1-9).  Chúa đã phẫn nộ và bất hạnh đã ập đến với người dân.  Tuy nhiên, vào đêm nay, “Con vua Đavít,” Chúa Giêsu, sau chín tháng trong lòng Đức Maria, đã hạ sinh tại Bêlem, thành phố của vua Đavít, và không trừng phạt cuộc điều tra dân số, nhưng khiêm nhường để mình được đếm.  Một giữa rất nhiều.  Chúng ta không thấy một Thiên Chúa giận dữ trừng phạt, nhưng là Thiên Chúa nhân hậu nhập thể, bước vào thế giới một cách yếu ớt, và trước đó là lời loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người” (Lc 2,14).  Và trái tim của chúng ta đêm nay hướng về Bêlem, nơi Hoàng Tử Hòa Bình vẫn bị khước từ bởi luận lý thắng thua của chiến tranh, với tiếng gầm vang của vũ khí mà ngay cả ngày nay cũng ngăn cản Người tìm một nơi trú ngụ trong thế giới (xem Lc 2,7).

Nói tóm lại, cuộc điều tra dân số trên toàn cõi đất một mặt thể hiện âm mưu quá con người xuyên suốt lịch sử: âm mưu của một thế giới tìm kiếm quyền lực và sức mạnh, danh tiếng và vinh quang, nơi mọi thứ đều được đo lường bằng những thành công và kết quả, bằng những chỉ số và con số.  Đó là nỗi ám ảnh về hiệu suất.  Nhưng đồng thời, trong cuộc điều tra dân số, con đường của Chúa Giêsu, Đấng đến tìm kiếm chúng ta qua việc nhập thể, trở nên nổi bật.  Người không phải là vị thần biểu diễn mà là Thiên Chúa nhập thể.  Người không lật đổ những bất công từ trên xuống bằng vũ lực, nhưng từ dưới lên bằng tình yêu thương; Người không bẻ gãy với sức mạnh vô hạn nhưng đi vào giới hạn của chúng ta; Người không tránh né sự mong manh của chúng ta nhưng chấp nhận những giới hạn đó.

Anh chị em thân mến, tối nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta tin vào Thiên Chúa nào?  Vào Thiên Chúa nhập thể hay vào sự biểu diễn?  Đúng, bởi vì chúng ta có nguy cơ mừng Lễ Giáng Sinh với ý tưởng ngoại giáo về Thiên Chúa, như thể Người là một ông chủ quyền năng trên trời; một vị thần gắn với quyền lực, thành công trần thế và sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ.  Hình ảnh giả dối về một vị thần xa cách và cảm tính, đối xử tốt với người tốt và nổi giận với người xấu; về một vị thần được tạo ra theo hình ảnh của chúng ta, chỉ hữu ích để giải quyết cho chúng ta các vấn đề và xóa bỏ nơi chúng ta những điều chẳng lành.  Tuy nhiên, Người không sử dụng cây đũa thần, Người không phải là vị thần thương mại “tất cả và ngay lập tức;” Người không cứu chúng ta bằng cách nhấn nút, nhưng Người đến gần để thay đổi thực tế từ bên trong.  Tuy nhiên, ý tưởng trần tục về một Thiên Chúa xa cách và kiểm soát, cứng rắn và quyền thế, giúp dân chiến thắng kẻ khác, thật đã ăn sâu nơi tâm thức chúng ta!  Nhiều lần hình ảnh này bén rễ sâu trong chúng ta.  Nhưng Người không phải như vậy: Người được sinh ra cho tất cả, trong cuộc điều tra dân số trên toàn cõi đất.

This may contain: a painting of a man leaning against a tree with his hands on the ground and looking down

Do đó, chúng ta hãy nhìn lên “Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1 Ts 1,9): nhìn vào Người, Đấng vượt trên mọi tính toán của con người nhưng lại để cho mình được đếm vào số dân của chúng ta; nhìn vào Người, Đấng biến đổi lịch sử bằng cách sống trong đó; nhìn vào Người, Đấng tôn trọng chúng ta đến mức cho phép chúng ta khước từ Người; nhìn vào Người, Đấng xóa bỏ tội lỗi bằng cách chịu trách nhiệm về nó, Đấng không cất đi nỗi đau nhưng biến đổi nó, Đấng không cất đi những vấn đề khỏi cuộc sống của chúng ta, nhưng ban cho cuộc sống của chúng ta một niềm hy vọng lớn lao hơn những vấn đề.  Người muốn ôm lấy sự hiện hữu của chúng ta, đến mức từ vô hạn, Người trở nên hữu hạn vì chúng ta; từ lớn lao, đã trở nên nhỏ bé; người công chính, đã chịu những bất công của chúng ta.  Đây là điều kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh: không phải sự pha trộn giữa những tình cảm kiểu cách và những tiện nghi trần thế, nhưng là sự dịu dàng chưa từng có của Thiên Chúa, Đấng cứu thế giới bằng cách nhập thể.  Chúng ta nhìn Hài Nhi, chúng ta nhìn vào máng cỏ của Người, chúng ta nhìn vào hang đá Giáng Sinh, mà các thiên thần gọi là “dấu lạ” (Lc 2,12): thực ra đó là dấu chỉ mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng trắc ẩn và thương xót, toàn năng chỉ và chỉ trong Tình Yêu.  Người trở nên gần gũi, dịu dàng, thương cảm.  Đây là cách của Thiên Chúa: gần gũi, dịu dàng và thương cảm.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ngạc nhiên vì “Người đã trở nên xác phàm” (x. Ga 1,14).  Xác thịt: một từ gợi nhớ sự mỏng manh của chúng ta và được Tin Mừng dùng để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã đi sâu vào thân phận con người của chúng ta.  Tại sao Người lại đi đến mức này?  Bởi vì Người quan tâm đến mọi thứ của chúng ta, bởi vì Người yêu thương chúng ta đến mức coi chúng ta là quý giá hơn bất cứ thứ gì khác.  Anh em, chị em, nhờ Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong cuộc điều tra dân số, anh em chị em không phải là một con số, nhưng là một gương mặt; tên của mỗi người được viết trong trái tim của Người.

Nhưng bạn, khi nhìn vào trái tim mình, nhìn vào những màn trình diễn vượt tầm với của mình, nhìn vào thế giới phán xét và không tha thứ, có lẽ bạn thấy mình đang sống tệ trong Giáng sinh này, nghĩ rằng mình sống không tốt, nuôi dưỡng cảm giác thiếu thốn và không hài lòng về sự mong manh của bạn, về những vấp ngã và những vấn đề của bạn.  Nhưng hôm nay, xin hãy để quyền chủ động cho Chúa Giêsu, Đấng đã nói với bạn: “Vì con, Ta đã trở nên xác thịt, vì con, Ta đã trở nên giống như con.”  Tại sao bạn vẫn ở trong nhà tù của nỗi buồn?  Như những mục đồng đã rời xa đàn chiên của mình, bạn hãy rời khỏi vòng vây u sầu của mình và đón nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa Hài Nhi.  Không mặt nạ và không áo giáp, hãy trao mọi lo lắng của bạn cho Người và Người sẽ chăm sóc bạn (xem Tv 55,23): Người, Đấng đã trở nên xác thịt, không chờ đợi những màn trình diễn thành công của bạn, mà là trái tim rộng mở và tự tin của bạn.  Và trong Người, bạn sẽ tái khám phá bạn là ai: là con yêu dấu của Chúa, con được Chúa yêu thương.  Bây giờ bạn có thể tin điều đó, bởi vì đêm nay Chúa đã đến với ánh sáng để soi sáng cuộc đời bạn và đôi mắt Người chiếu sáng tình yêu dành cho bạn.  Và chúng ta khó tin vào điều này, rằng đôi mắt của Thiên Chúa chiếu sáng tình yêu dành cho chúng ta.

Jesus, Our Savior Baby Doll

Đúng vậy, Chúa Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt.  Tuy nhiên, ai nhìn đến Người, giữa vô số sự vật và cuộc đua điên rồ của một thế giới luôn bận rộn và thờ ơ?  Tại Bêlem, trong khi nhiều người bị cuốn vào cuộc điều tra dân số sôi động, đến rồi đi, chật kín các nhà trọ, nói chuyện này chuyện nọ, nhưng một số người gần gũi với Chúa Giêsu: họ là Đức Maria và Thánh Giuse, những mục đồng, rồi đến các đạo sĩ.  Hãy học hỏi từ họ.  Họ nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu, với tâm hồn hướng về Người, họ không nói nhưng họ thờ lạy.

Thờ lạy là cách đón nhận sự nhập thể.  Bởi vì chính trong thinh lặng mà Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, trở nên xác thịt trong đời sống chúng ta.  Chúng ta cũng làm như ở Bêlem, cái tên nghĩa là “nhà bánh”: chúng ta đứng trước mặt Người, Bánh sự sống.  Chúng ta hãy khám phá lại sự thờ lạy, bởi vì sự thờ lạy không phải là lãng phí thời gian mà là để Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta.  Đó là làm cho hạt giống nhập thể nảy nở trong chúng ta, đó là cộng tác vào công trình của Chúa, Đấng như men làm thay đổi thế giới.  Đó là sự cầu thay, sửa chữa, để Thiên Chúa làm thẳng lại lịch sử.  Một người kể chuyện vĩ đại về những hành động sử thi đã viết cho con trai mình: “Cha cho con điều tuyệt vời duy nhất để yêu mến trên trái đất: Bí tích Thánh Thể.  Ở đó con sẽ tìm thấy sự quyến rũ, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và con đường đích thực của tất cả tình yêu của con trên trái đất” (J.R.R. TOLKIEN, Thư 43, tháng 3 năm 1941).

Anh chị em thân mến, đêm nay tình yêu thay đổi lịch sử.

30,000+ Free Baby Jesus & Baby Images - Pixabay

Lạy Chúa, xin làm cho chúng con tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, rất khác với sức mạnh của thế gian.  Lạy Chúa, xin làm cho chúng con, giống như Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các vị đạo sĩ, tụ họp quanh Ngài để tôn thờ Ngài.  Được tạo dựng bởi Ngài và giống với Ngài hơn, chúng con sẽ có thể chứng minh cho thế giới thấy vẻ đẹp diện mạo của Ngài.

Đức Phanxicô, Lễ đêm Giáng sinh năm 2023


 

KHOẢNG LẶNG CẦN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel!”.

Richard Wurmbrand – sau 14 năm chịu giam cầm – chia sẻ trong “Ở Tù Với Chúa”, “Mes Prisons Avec Dieu”. Có lúc quá tuyệt vọng, ông suýt mất đức tin đến nỗi chỉ muốn tự tử, vì xem ra Chúa đã bỏ ông! Cho đến một ngày kia, qua khe hở của trần nhà, ông thấy một tổ chim. Kìa, chim mẹ đang bón mồi cho mấy chú chim con! Ông chợt bừng tỉnh, Chúa không bao giờ bỏ rơi ông; nhà tù là ‘khoảng lặng cần’  để ông hiểu biết Chúa hơn!

Kính thưa Anh Chị em,

Như Wurmbrand, cha của Gioan – Zacharia – cũng có một trải nghiệm tương tự. Lời Chúa sáng 24/12 tiết lộ, chín tuần trăng bị câm của Zacharia là một trong những ‘khoảng lặng cần’ đã đem người cha tội nghiệp này đến gần Thiên Chúa và hiểu biết Ngài hơn!

Trong thời gian buộc phải lặng thinh, có lẽ, thoạt đầu Zacharia cảm thấy bức bối, khó chịu; nhưng dần dần, nhờ kiên trì đón nhận sự cô tịch, ông đã bắt đầu yêu thích nó và cảm nhận được sự thử thách cần thiết mà Chúa muốn ông trải qua. Cũng thế, đau khổ của chúng ta chỉ có thể có một ý nghĩa tích cực – một giá trị cứu rỗi – khi chúng ta dám ôm lấy nó, tháp nó vào thập giá Chúa Kitô! Chính lời cầu nguyện và sự im lặng đã đưa và sẽ đưa con người đến gần Thiên Chúa và hiểu biết Ngài sâu sắc hơn. Đó là những ‘khoảng lặng cần’ để con người đạt được sự thân mật với Ngài khi nó khám phá ra cách thức Ngài giáo dục!

Và cuối cùng, sự im lặng ‘thánh thiện’ cần thiết này đã bùng lên những gì phải bùng lên! Zacharia hẳn đã nhớ lại lời thiên sứ, “Này đây, ông sẽ bị câm cho đến ngày các điều ấy xảy ra!”. Và “ngày các điều ấy” đã đến! Zacharia đã có chín tháng chuẩn bị cho bài ca Benedictus bất hủ của mình. Lời đầu tiên ông thốt ra khi lưỡi được buông lỏng không phải là một lời ta thán Đấng khiến ông khổ đau mà là một bài thánh ca ngợi khen lòng thương xót của Ngài; không chỉ với ông, gia đình ông, dân tộc ông nhưng với cả một nhân loại đáng thương, “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel!”. Lời ca đó ứng với những gì đã được hứa cho Đavít, “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững” – bài đọc một. Tâm tình của Zacharia, một lần nữa, hoà với tâm tình của Đavít qua Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, tình thương Chúa, đời đời con ca tụng!”.

Anh Chị em,

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel!”. Chín tháng nín thinh là ‘khoảng lặng cần’ của Zacharia; cũng thế, hang đá Bêlem là ‘khoảng lặng cần’ của Con Thiên Chúa. Tối hôm nay, chúng ta sẽ Mừng Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm Đấng Cứu Độ xuống thế ôm lấy những ‘khoảng lặng cần’ đầu tiên của Ngài. Không chỉ ẩn cư, lặng thinh, Ngài còn trở nên vô danh, rốt hết đến nỗi chấp nhận cái chết lặng lẽ trên thập giá. Tất cả chỉ vì tình yêu! Bao thử thách đã xảy ra với Wurmbrand, Zacharia và cả với Chúa Giêsu trong những những ‘khoảng lặng cần’ này. Chúa Giêsu đã vượt qua, Wurmbrand, Zacharia đã vượt qua; niềm hy vọng nơi họ lớn hơn những thử thách. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với chúng ta nếu chúng ta biết trông chờ vào lòng trung thành của Thiên Chúa, để khi “ngày các điều ấy” đến, bạn và tôi cũng sẽ cất lên ‘những bài ca Benedictus’ đẹp đẽ tương tự!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết tận dụng những ‘khoảng lặng cần’, biến chúng thành thời khắc sám hối, biến đổi, hầu con cũng có thể đến gần Chúa và hiểu biết Chúa hơn!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*************************************************

Thứ Ba, Sáng 24/12 Mùa Vọng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

67 Khi ấy, ông Da-ca-ri-a, cha của Gio-an, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng :

68“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

69Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

70như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa :

71sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét ;

72sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên và nhớ lại lời xưa giao ước ;

73Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

74và cho ta chẳng còn sợ hãi,

75để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

76Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao :

con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,

77bảo cho dân Chúa biết : Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên.

78Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.”


 

Ông [Da-ca-ri-a] xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an”-Cha Vương

Một ngày tràn đầy ân sủng và tình yêu của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 2 T4MV: 23/12/24

TIN MỪNG: Ông [Da-ca-ri-a ] xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. (Lc 1:63-64)

SUY NIỆM: Trong tiếng Anh có câu rất hay: “If you can’t say something nice, don’t say anything at all”, tạm dịch là “Nếu không thốt ra được những lời nào tốt đẹp, thì đừng nên nói gì hết.” Có lẽ việc ông Da-ca-ri-a bị câm (x. Lc 1:20) cũng không ngoài tầm nhìn của Thiên Chúa đâu. Ngài biết tất cả mọi sự! Vì đây là việc làm của Thiên Chúa cho nên Ngài luôn bênh đỡ và bảo vệ những người mà Ngài đã tuyển chọn. Ngài không muốn Da-ca-ri-a là nạn nhân của những lời bàn tán nơi bà con hàng xóm do đó cho Da-ca-ri-a bị câm cũng là một giải pháp tốt nhất để hướng tất cả mọi người đến việc làm của Chúa thay vì do sự lựa chọn của con người.

LẮNG NGHE: Lời lẽ phải lành mạnh, không ai bắt bẻ được, khiến đối phương phải bẽ mặt, vì không thể nói xấu chúng ta được điều gì. (Thư Titô 2:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, càng gần tới lễ Giáng Sinh, xin giúp con càng thêm lòng sùng mộ để sốt sắng mừng mầu nhiệm Con Chúa giáng trần cứu độ nhân loại.

THỰC HÀNH: Mùa Giáng Sinh bạn có nhiều cơ hội để gặp gỡ những người thân thích, mời bạn hãy tập trung vào những điều tốt để khen ngợi và khích lệ nhau nhé. Đừng đón Năm Mới mà cứ nói chuyện cũ…

From: Do Dzung

*****************************

Trời Cao Hãy Đổ Sương Xuống 

NÊN SỨ GIẢ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta!”.

Trong phòng của C. Spurgeon, một tấm bảng ghi, “Ta đã chọn con trong lò hoạn nạn!”. Ông giải thích, “Chúng ta được chọn, không phải trong cung điện, mà là trong hoả hào! Ở đó, sắc đẹp bị huỷ hoại, thời trang bị thiêu đốt, sức mạnh bị tan chảy và mọi vinh quang bị triệt tiêu. Nhưng cũng ở đó, tình yêu vĩnh cửu tiết lộ bí mật của nó; nó tuyên bố lý do lựa chọn của mình! Chúa chọn bạn trong lò hoạn nạn, để bạn nên sứ giả của Ngài!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúa chọn bạn trong lò hoạn nạn, để bạn ‘nên sứ giả’ của Ngài!”. Tin Mừng hôm nay nói đến Gioan, người sẽ ‘nên sứ giả’ dọn đường cho Đấng sẽ trải qua hoạn nạn để cứu rỗi một nhân loại hoạn nạn, cũng là Đấng sẽ nói, “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống!”.

Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy cách thức Thiên Chúa chọn một sứ giả không như cách nhìn, lối nghĩ của con người. Ngài nói, “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta!” – bài đọc một. Cần một tổ phụ cho một ‘Dân mới’, Ngài chọn Abraham, một cụ già; cần một người dắt dân đi vào ‘Đất mới’, Ngài chọn Môsê, một người cà lăm; cần một hoàng thân dọn đường cho vị ‘Vua mới’ của Israel, Ngài chọn Đavít, một vị vua yếu hèn; cần một trụ cột, chuẩn bị cho việc xây dựng ‘Vương Quốc mới’, Ngài chọn Phêrô, kẻ chối Thầy. Và cần một vị tiền hô dọn đường cho Đấng công bố ‘Hiến Chương mới’ – Hiến Chương Nước Trời – Ngài chọn Gioan, đứa con bòn bọt của một đôi bạn già.

Từ thế kỷ thứ tư, thánh Ephrem đã có những ý tưởng song đối tuyệt vời khi chiêm ngắm hai người mẹ và hai người con họ cưu mang. “Elisabeth, một phụ nữ đứng tuổi, sinh vị ngôn sứ cuối cùng; Maria, một thiếu nữ nhỏ tuổi, sinh Chúa các thiên thần. Elisabeth, con gái Aarôn, sinh tiếng kêu của sa mạc; Maria, nữ tử Đavít, sinh Lời quyền năng. Elisabeth, kẻ cằn cỗi sinh người kêu gọi dân từ bỏ tội lỗi; Maria, trinh nữ xuân thì sinh Chiên xoá tội. Elisabeth, phụ nữ tuổi tác thắp sáng ngọn đèn cho nhà Giacóp; Maria, trinh nữ xuân sắc đốt lên Mặt Trời Công Chính cho muôn dân!”.

Anh Chị em,

“Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta!”. Mọi ơn gọi Kitô hữu đều là ơn gọi ‘nên sứ giả’ dọn đường cho Chúa Kitô. Không dọn đường cho Ngài, mọi ơn gọi mất phương hướng và người được gọi không phải là sứ giả! Trong mọi đấng bậc, chúng ta được gọi, được chọn và được sai đi làm sứ giả cho Ngài; và thật thú vị, không ai mà không trải qua các ‘lò hoạn nạn!’. Sứ vụ càng cao, ‘hoạn nạn’ càng dày. Vậy bạn và tôi có ý thức vai trò sứ giả của mình? Bất kể tôi bao nhiêu tuổi, vẫn còn cuộc sống phía trước tôi, dù dài hay ngắn. Số phận của tôi là gì, hoạn nạn hay an bình? Chúa muốn gì ở tôi? Tôi có thể đóng góp gì cho cuộc sống của người khác? Thiên Chúa kỳ vọng ở tôi dựa trên những món quà mà Ngài đã ban cho tôi. Bạn và tôi hãy suy ngẫm về những gì mà các món quà này ‘có thể là’ và cách chúng ta có thể sử dụng chúng tốt nhất cho sứ vụ của một sứ giả của Chúa!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, việc ‘nên sứ giả’ của Chúa đòi con phải chịu thiêu đốt bởi mọi thứ ‘hoả hào’; giúp con vượt qua mỗi ngày. Có như thế, tình yêu của con mới thật tinh tuyền!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************

Thứ Hai ngày 23/12 Mùa Vọng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58 Nghe biết Chúa đã rộng lòng thương xót bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không được! Phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em là gì. 63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.