CHIỀU KÍCH VŨ TRỤ CỦA SỰ PHỤC SINH

CHIỀU KÍCH VŨ TRỤ CỦA SỰ PHỤC SINH

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Một nhà phê bình từng hỏi linh mục thần học gia Pierre Teilhard de Chardin như thế này: “Cha đang cố làm gì thế?  Sao cha lại nói về nguyên tử và phân tử lúc nói về Chúa Giêsu Kitô?”  Câu trả lời của ngài: Tôi đang cố diễn đạt một cách có hệ thống một Kitô học đủ rộng để có thể nói đến Đức Kitô, bởi Đức Kitô không chỉ là một sự kiện của nhân loại mà là một hiện tượng toàn vũ trụ.

Về căn bản, ý của cha là Đức Kitô không chỉ đến để cứu rỗi nhân loại, Ngài đến để cứu rỗi cả địa cầu nữa.

Thấu suốt này thật sự cần thiết để hiểu trọn những hàm ý trong sự phục sinh của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại.  Thân xác là một hữu thể vật chất, nên khi thân xác (chứ không chỉ linh hồn) sống lại, thì có gì đó cao hơn thuần tâm linh và tâm lý.  Có một điều gì đó cực kỳ vật chất trong chuyện này.  Khi xác chết sống lại, các phân tử và nguyên tử được sắp đặt lại.  Sự phục sinh không chỉ là sự thay đổi gì đó bên trong ý thức của con người.

Sự phục sinh là căn cứ cho niềm hy vọng của con người, không có nó, chúng ta không thể hy vọng vào một tương lai có gì đó vượt ngoài những giới hạn ngột ngạt của đời này.  Trong sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta được trao ban một tương lai mới, vượt quá cuộc đời này của chúng ta.  Tuy nhiên, sự phục sinh cũng đem lại một tương lai mới cho trái đất, cho hành tinh vật chất của chúng ta.  Đức Kitô đến để cứu rỗi địa cầu, chứ không chỉ những người sống trên địa cầu.  Sự phục sinh của Ngài bảo đảm một tương lai mới cho địa cầu cũng như những loài cư ngụ trên đó.

Cũng như chúng ta, địa cầu này cần được cứu rỗi.  Cứu rỗi khỏi cái gì?  Để hướng đến điều gì?

Theo nhận thức Kitô giáo đúng đắn, địa cầu không chỉ là sân khấu cho nhân loại, không chỉ là một thứ nếu không có chúng ta, nếu chỉ có nó, thì vô giá trị.  Như nhân loại, nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, là con của Thiên Chúa.  Thật vậy, trái đất vật chất là mẹ của chúng ta, là ma trận nảy sinh chúng ta.  Xét tận cùng, chúng ta không tách biệt với thế giới tự nhiên, nói đúng hơn, chúng ta là một phần của thế giới tự nhiên tự ý thức.  Chúng ta không tách biệt với địa cầu và nó không chỉ tồn tại vì lợi ích của chúng ta, không chỉ là sân khấu cho diễn viên con người rồi bị bỏ không khi vở kịch đã hết.  Thụ tạo vật chất có giá trị của nó, không phụ thuộc vào chúng ta.  Chúng ta cần phải công nhận điều này, và không phải chỉ để sống có đạo đức với thiên nhiên hơn hầu cho địa cầu có thể tiếp tục cung cấp không khí, nước và thức ăn cho các thế hệ con người mai sau.  Chúng ta cần công nhận giá trị cố hữu của địa cầu.  Nó cũng là tác phẩm của Thiên Chúa, nó là mẹ của chúng ta, và số mệnh của nó là chia sẻ sự vĩnh hằng cùng chúng ta.

Hơn nữa, như chúng ta, nó cũng là thứ sẽ bị mục rữa.  Nó cũng có giới hạn thời gian, cũng khả tử.  Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài, nó cũng không có tương lai.  Khoa học từ lâu đã dạy chúng ta về định luật biến thiên.  Nói đơn giản, định luật đó nói rằng năng lượng trong vũ trụ đang giảm dần, mặt trời đang ngày càng cạn lửa. T uổi đời còn lại của trái đất, cũng như tuổi đời của chúng ta là đếm được, là hữu hạn.  Có thể là cả tỷ tỷ năm, nhưng đếm được là hữu hạn.  Chúng ta biết rằng, cũng như cuộc đời chúng ta rồi sẽ đến lúc kết thúc, thì địa cầu cũng có hồi kết.  Nếu không có sự tái tạo từ bên ngoài, thì cả trái đất lẫn con người sống trên nó đều không có tương lai.

Thánh Phaolô đã nói rõ điều này trong thư gửi tín hữu Rôma, rằng thụ tạo, vũ trụ vật chất, là thứ phù du, và nó đang rên rỉ khát khao được giải phóng để tận hưởng sự tự do vinh quang của con cái Thiên Chúa.  Thánh Phaolô cam đoan với chúng ta rằng địa cầu sẽ hưởng cùng một tương lai như nhân loại, là sự phục sinh, sự biến đổi vượt quá hình dung hiện thời của chúng ta, một tương lai vô tận.

Địa cầu sẽ được biến đổi cách nào?  Nó sẽ biến đổi theo cùng một cách như chúng ta, qua sự phục sinh.  Sự phục sinh đem lại cho thế giới tâm linh và vật chất của chúng ta một sức mạnh mới, một sắp đặt mới cho vạn vật, một hy vọng mới, một thứ quá căn nguyên (và vật chất) đến nỗi chỉ có thể so sánh với sự tạo dựng ban đầu, khi các nguyên tử và phân tử của vũ trụ này được Thiên Chúa tạo ra từ hư không.  Trong sự tạo dựng khởi nguyên đó, tự nhiên được hình thành, và hiện thực cũng như những quy luật của nó hình thành mọi sự cho đến khi Chúa Giêsu phục sinh.

Tuy nhiên, trong sự phục sinh, có một chuyện mới xảy ra chạm đến mọi khía cạnh của vũ trụ, từ linh hồn và tâm thần trong mọi con người cho đến mọi lõi của mọi nguyên tử và phân tử.  Không phải tình cờ khi thế giới xác định thời gian theo mốc đó.  Chúng ta đang ở năm 2021 sau sự tái tạo tận căn đó.

Sự phục sinh không chỉ mang tính tâm linh.  Trong sự phục sinh, các nguyên tử vật chất của vũ trụ được sắp đặt lại.  Cha Teilhard đã đúng.  Chúng ta cần một tầm nhìn đủ rộng để thấy được chiều kích vũ trụ của Đức Kitô.  Sự phục sinh là cho con người và cho cả địa cầu.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: langthangchieutim & ThuNNguyen

PHÊRÔ, CÂU CHUYỆN TÌNH GHI NHỚ!

PHÊRÔ, CÂU CHUYỆN TÌNH GHI NHỚ!

Từ xưa đến nay, những nhân vật được chọn để giữ một vai trò trọng yếu nơi một tổ chức thường là những người có những biệt tài nào đấy: thông minh, có tài quản trị, có khả năng ngoại giao tốt…  Thế nhưng, nhìn đến những con người mà Chúa đã chọn để thay Chúa phân phát ơn lành từ trời cho thế giới, ta lại thấy một điều hoàn toàn ngược lại.  Ngay từ thời điểm bắt đầu đời sống công khai, Đức Giêsu đã mời gọi một số người cùng đi với Ngài, ở lại với Ngài, để Ngài huấn luyện và sai đi.  Trong số nhóm người thân tín nhất với Đức Giêsu, Phêrô được chọn làm người đứng đầu, nhờ việc ông được Chúa Cha mặc khải cho biết về căn tính Kitô của Đức Giêsu.  Phêrô không phải là người xuất sắc nhất trong nhóm, cũng không phải là người thánh thiện nhất trong nhóm.  Ông lại còn là người chối Chúa khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn.  Đặt một ngư phủ vô học làm nền tảng cho Giáo Hội của mình, rõ ràng Đức Giêsu đã làm một chuyện thật ngược ngạo từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại.

Lần đầu tiên Phêrô nghe nói về cái tên Giêsu là nhờ người anh em Anrê kể lại.  Sau khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giêsu là chiên Thiên Chúa, Anrê và Gioan đã đi theo Đức Giêsu và đã ở lại với Người ngày hôm ấy.  Không biết chuyện gì đã xảy vào khoảng thời gian định mệnh này, nhưng sau khi trở về, Anrê đã quả quyết với Phêrô là ông đã được nhìn thấy Đấng Mêsia.  Chắc hẳn là Phêrô cũng nóng lòng, mong chờ một dịp nào đấy thuận lợi để ông cũng có diễm phúc được gặp Đấng Thánh này.

Chẳng biết là cơ duyên hay tình cờ, điều ông mong chờ xảy đến vào một buổi sáng đẹp trời, khi ông vừa trở về sau một đêm đánh cá chẳng thành công như ông mong muốn.  Cái nghề ngư phủ này lúc nào cũng phải tùy thuộc vào vận may.  Đã không được con cá nào, người mỏi mệt vì một đêm thức trắng, ông và gia đình lại còn phải cặm cụi vá lại chiếc lưới rách tả tơi.  Nhưng có ai ngờ, vào cái ngày mà ông cho là ê chề thất bại, cuộc đời ông lại được mở sang trang, nhờ một cuộc gặp gỡ không dự báo trước.  Đang khi ông làm việc, Giêsu từ đâu bước tới, theo sau là lũ lượt những con người.  Giêsu ngỏ lời mượn chiếc thuyền của ông làm bệ giảng, và xin ông chở Ngài ra xa một tí để Ngài có thể chia sẻ những bài học hay cho dân chúng đang háo hức chờ đợi trên bờ.

Niềm hạnh phúc dâng cao, Phêrô chưa kịp hiểu được điều gì đang xảy ra.  Giữa biết bao con thuyền đang đỗ bến, con thuyền của ông được chọn.  Giữa biết bao ngư phủ đang ở đây, ông là người được ngỏ lời.  Giờ đây, khi Ngài đang trao ban những lời vàng quý giá, ông là người ở gần Ngài nhất, nghe rõ những gì Ngài nói nhất.  Hàng ngàn hàng vạn người đang đua nhau để tiếp cận, trong số đó, chắc là có nhiều người danh giá và giàu có hơn ông.  Vậy mà một con người đức cao vọng trọng như Giêsu, lại để ý đến thân phận nhỏ bé của ông.  Trong thoáng chốc, ông quên đi hết tất cả cái mệt mỏi của mình, kể cả cái thất bại vừa trải qua.  Ông đang hạnh phúc!

Cứ ngỡ là sau khi mượn chỗ để giảng thuyết, Giêsu sẽ cảm ơn ông, rồi nhờ ông đưa vô bờ trở lại.  Sau đó, đường ai nấy đi, không còn gặp mặt nữa.  Nhưng thật bất ngờ, Giêsu tiếp tục trò chuyện với ông, mời gọi ông hãy chèo thuyền ra xa hơn một tí nữa, để đánh cá.  Phêrô chẳng muốn đi tí nào!  Giêsu đã khơi lại trong ông nỗi buồn của đêm trước.  Cái mệt mỏi và chán nản vừa được xua tan đi, bỗng dưng quay trở lại.  Kinh nghiệm đánh cá lâu năm của ông mách bảo ông rằng lời mời gọi ấy của Giêsu mới thật ngớ ngẩn biết bao.  Nhưng vì Thầy, vì để làm Thầy vui, ông cố gắng tận dụng chút sức lực còn lại thực hiện một cuộc mạo hiểm mới.  Ông vốn dĩ đã thần phục Đức Giêsu vì tiếng lành đồn xa của Ngài, và vì vừa được nghe những bài giảng sâu sắc của Ngài, nay, ông càng kinh khiếp hơn vì phép lạ mà ông vừa chứng kiến.  Ông như được dẫn vào trong một thế giới siêu nhiên, nơi đó, ông thấy mình nhỏ bé quá chừng.  Ông quỳ xuống, một cử chỉ thể hiện sự thấp kém của mình trước mặt Đấng Chí Tôn.

Ngày hôm ấy và khoảnh khắc đáng ghi nhớ ấy, chắc có lẽ sẽ đọng mãi trong tâm hồn ông, vì đó là lúc mà ông nghe rõ bằng chính đôi tai mình lời mời gọi của Thiên Chúa, muốn ông bỏ hết mọi sự mà bước theo Ngài.  Có vẻ như chẳng phải ngẫu nhiên mà Giêsu đến nhờ ông, rồi giảng cho ông nghe, rồi mời ông đi thả lưới.  Chính tại nơi bờ biển hồ thân quen hàng ngày với ông đây, trở thành nơi kỷ niệm và làm chứng cho cuộc tình gắn bó keo sơn giữa ông và thầy Giêsu chí thánh của mình.  Vài năm sau, khi cuộc tình ấy đã trải qua nhiều chông chênh thử thách, kể cả bội phản, ông sẽ nghe lại lời mời gọi này một lần nữa, cũng tại nơi đây, trên bờ biển hồ này, vào lúc bình minh ngợp trời nắng.

Ánh bình minh là dấu chỉ báo hiệu cái qua đi của một đêm dài âm u lạnh lẽo của thất bại và chán chường.  Nó là khởi điểm cho một sự khởi đầu mới với những bất ngờ và niềm vui.  Lời mời gọi của Giêsu dành cho ông đã đến vào những lúc bình minh và cũng có tác dụng hệt như một ánh bình minh vậy.  Cuộc đời ông đã sang trang khi nghe lời mời ấy lần đầu tiên.  Và cứ mỗi lần ông nghe lại lời ấy, một hành trình mới lại được mở ra.  Lần sang trang cuối cùng là khi ông thấy Thầy mình vác thập giá quay trở lại thành Giêrusalem khi ông tìm cách bỏ trốn.  Nên đồng hình đồng dạng với Chúa, đó là niềm mơ ước của ông.  Ngày xưa, trên chiếc thuyền đánh cá nhỏ bé của ông, đầu ông đã một lần cúi xuống bái thờ Ngài.  Giờ đây, trên thánh giá gỗ treo thân ở đây, một lần nữa ông lại xin phép cho đầu mình được hướng xuống đất.  Một cuộc tái ngộ giữa ông và Thầy Giêsu lại tiếp tục diễn ra.  Lần này, không phải nơi bờ hồ, hay trên chiếc thuyền đánh cá, nơi ông đã từng mê mẩn hứng lấy từng lời nói của Thầy, nhưng là trên Thiên Đàng, nơi ông có thể gắn kết với Thầy trọn vẹn, nơi đánh dấu cho sự nguyên tuyền và hoàn hảo của tình yêu mà ông và Thầy đã cố gắng dựng xây.

Giêsu đã xuất hiện trong cuộc đời của Phêrô ngay trong những thất bại và ê chề ông đang nếm trải.  Chính điều đó càng làm cho ông càng thấy bất ngờ và hạnh phúc hơn.  Gắn kết cuộc đời mình với Giêsu, từ chỗ người ngư phủ lưới cá, Phêrô đã trở thành vị tông đồ lưới người.  Cùng với Chúa, ông không ngừng chèo chiếc thuyền Giáo Hội ra chỗ nước sâu, thu về cho Chúa biết bao linh hồn đang sa cơ lạc lối.  Có ai ngờ một con người tầm thường như Phêrô, sau khi đến với Giêsu, đã được trở nên một con người phi thường như thế?  Nhìn hình ảnh Phêrô, chúng ta có quyền nghĩ đến những điều tuyệt diệu mà Thiên Chúa sẽ thực hiện trên chúng ta nếu chúng ta luôn bám víu vào Người.  Ngay giữa đêm đen của cuộc sống, biết đâu Người sẽ đến với ta và trao ban cho ta lời gọi mời nào đó, làm biến đổi trọn vẹn con người ta.  Chiêm ngắm chuyện tình giữa Giêsu và Phêrô, chúng ta hãy tự hỏi mình xem: Giêsu đã đến bên đời tôi trong hoàn cảnh nào?  Đâu là khoảnh khắc tôi thấy Giêsu đụng chạm đến trái tim tôi?  Giữa tôi và Giêsu có một kiểu bình minh nào giống như Ngài đã có với Phêrô không?

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Nguồn: http://dongten.net

From: Langthangchieutim

THIÊN NHIÊN MINH CHỨNG: CÓ SỐNG LẠI

QUÀ TẶNG TIN MỪNG:

Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh

THIÊN NHIÊN MINH CHỨNG: CÓ SỐNG LẠI

Lm Anphong Nguyễn Công Minh,

Dòng Anh Em Hèn Mọn Việt Nam.

 Kính mời xem video tại đây:

https://bit.ly/3glny0X

 Khi một người đi du lịch ở nước ngoài về, họ kể cho chúng ta nghe tháp Eiffel cao thế nào, sắt sơn màu gì, dòng sông Seine nước chảy ra sao. Chúng ta tin có như vậy. Đó là tin bởi nghe. Rồi khi họ cho ta xem những tấm hình kỷ niệm họ đứng bên bảo tàng viện Louvre. Ta càng tin họ hơn về những gì đã nghe. Đó là tin bởi thấyTin bởi thấy (bằng mắt) thì dễ hơn tin bởi nghe (bằng tai). Trăm nghe không bằng một thấy.

Thường thì cho nghe trước, xem sau. Trình tự này cũng giống như bài Tin Mừng hôm nay.

Khởi đầu: 2 môn đệ đi Emmau về thuật lại họ đã gặp Chúa như thế nào lúc đi đường và bẻ bánh. Mọi người bàn tán. Đó là tin bởi nghe. Rồi Chúa hiện ra,  Ngài đưa tay chân (có vết thương) cho họ xem. Và đó là tin bởi thấy.

Các Tông đồ tin bởi thấy, nhưng truyền lại cho chúng ta thì chỉ bằng lời. Vì thế chúng ta chỉ còn một cách để tin: Tin bởi nghe. Các Tông đồ không có máy ảnh,  để ghi lại một bức hình khi Chúa hiện ra. Không có video để quay cảnh Chúa giơ tay chân, ăn bánh trước mặt các Tông đồ như thế nào. Iphone di động càng không có. Vì thế chúng ta không có cơ hội tin bởi thấy, mà hoàn toàn tin bởi nghe.

Nhưng không phải cứ nghe gì là tin cái đó. Không phải cứ thấy cái gì là tin liền ngay. Một con người chưa bước ra khỏi nhà mà ba hoa nói về những chuyện ở tận bên Tây bên Tàu, ta nghe đó nhưng đâu có tin.

Một con người đưa tấm hình rõ ràng họ chụp đứng trên toà nhà chọc trời Nữu Ước. Ta thấy đó – nhưng đâu có tin, nhất là gần đây, nhìn những Album, có cảnh cô dâu chú rể chui vào ly rượu, chui vào TV, chụp hình, ta thấy đó, nhưng đâu có tin thật như vậy. Vì ta biết rõ, chẳng qua là ghép hình, là photoshop.

Vậy từ nghe đến tin và từ thấy đến tin còn cần đến bộ óc phán đoán, nhận xét. Đó mới là cái chính. (ở đây, chúng ta tạm thời không bàn tới tin là ơn nhưng không Chúa ban).

Vậy nếu chúng ta, những kể hậu sinh của các Tông đồ, chúng ta chỉ được nghe mà không được thấy về Chúa sống lại, thì điều đó cũng không thiệt hại gì cho chúng ta, vì chúng ta còn bộ óc để suy xét nữa, và bộ óc sẽ cho chúng ta thấy nhiều khi cả những điều mà các Tông đồ thời xưa không thấy.

Nếu thiên nhiên mặc khải có Thiên Chúa, (như nhìn thiên nhiên, vũ trụ với trật tự lạ lùng, liền biết có Chúa là Đấng tạo thành), thì thiên nhiên cũng mặc khải – cho ta thấy- có sự sống lại. Ta sẽ điểm 4 hình ảnh thiên nhiên cũng minh chứng sự sống lại:

  1. Hạt lúa:nếu phơi khô – ướp lạnh – cất kỹ – vẫn là hạt lúa. Nhưng nếu ngâm nước, chôn dưới đất, sinh ra cây lúa.

Hình ảnh này chính Chúa đã dùng . Và thánh Phaolô đã nói tới khi trả lời cho dân Corinto. Họ hỏi Phaolô khi sống lại, lấy xác nào mà trở về ? Phaolô đã trả lời– Bạn gieo vật gì thì vật ấy phải chết đi mới sống lại được chứ. Vật bạn gieo không phải là thân cây tương lai, song chỉ là hạt. Từ hạt, Chúa làm nảy nở cây riêng biệt. Đó là hình ảnh kỳ diệu – cho chúng ta hiểu được phần nào việc sống lại – việc đi từ thế giới này chuyển qua thế giới bên kia.

  1. Con bướm:khi nhìn một con bướm ngày đẹp đẽ, có ai lại nghĩ rằng nó thoát xác từ một con sâu róm lông lá xấu xí, phải bò chui dưới lá cây đất đá. Sâu nào ra bướm đó. Có cái liên tục và có cái cách quãng. Nhìn vào đây, chúng ta có thể suy ra: từ thân xác hay chết, thuộc về cát bụi, sẽ trở thành thân xác vinh quang thuộc thần thiêng, đi từ trạng thái này sang trạng thái khác.
  2. Bảo tồn xác:Tại sao phải chôn cất con người đàng hoàng? Tại sao khi con người chết, khác hẳn với con vật. Tôn trọng, thì người ta làm lăng tẩm để giữ xác, hoặc chôn cất với quan tài gỗ quí để giữ xác được lâu; hoặc nữa, có hoả thiêu cũng giữ lại tro cốt. Tất  cả sự quí trọng đối với thân xác đó như muốn cho ta thấy, cho ta hiểu xác loài người sẽ có một ngày trở nên như thế nào đó chứ chẳng lẽ chết là hết?Đức tin Kitô giáo gọi là sống lại.
  3. Vật quí giá:Hình ảnh này tôi học được nơi một linh mục trong Dòng, nay đã chết. Điều chúng ta tưởng khó tin nhất là xác loài người sống lại, lại không khó tin lắm theo lý luận này.Trong một bữa ăn, linh mục này nói, chứng minh xác sống lại dễ lắm. Và cha lý luận: Nếu chúng ta có 1 radio cổ lỗ sĩ, dùng đèn, ta bỏ đi cũng không tiếc, nhưng nếu ta có Tivi video, đa hệ, tự động tối tân, ta bỏ đi ta có tiếc không? Nếu ta có máy vi tính thông minh, ta vất đi, ta có tiếc không. Thân xác chúng ta còn giá trị, qúi báu  gấp bội cái đầu video, cái máy vi tính cực kỳ tối tân. Đầu óc, con tim, cánh tay… bất cứ cái gì cũng vô giá. Đến nỗi lúc tạo dựng xong con người, Chúa nói “tốt quá sức”. Vậy lẽ nào Chúa lại để cho cái tốt đẹp quá sức đó phải hư nát?

Ngay cả khi thân xác ta già nua, bệnh hoạn, tật nguyền, thì thân xác đó vẫn mang hình ảnh của Chúa: Nào Ta dựng nên con người giống hình ảnh TaLàm sao Chúa Tạo Hoá lại để nó hư nát được?

Thánh Phêrô trong bài giảng chứng minh Chúa Giêsu sống lại, đã dùng đến Tv 15: “Chúa sẽ không để mạng tôi chôn vùi trong âm phủ”. Vậy là ta đã thử dùng 4 hình ảnh thiên nhiên cung cấp để minh chứng có sự sống lại của thân xác là: Hạt lúa, con bướm, tôn trọng xác người,  vật thể quí giá.

Tin Chúa Giêsu chết và sống lại thì dễ hơn là tin chúng ta sẽ sống lại. Ngài là Chúa, Ngài sống lại cũng dễ thôi, cũng như chúng ta dễ dàng tin Tổng Thống quyền lực vô song, Vua kia giàu có … nhưng từ cái giàu có, quyền lực của Tổng Thống, của vua kia mà chúng ta cũng được lây hưởng, đó mới là điều khó. Thì, Đức Kitô chết và sống lại, có mục tiêu là để chúng ta cũng được sống lại như Ngài. Đó chính là TIN MỪNG. Đúng là tin vui mừng thật.

Khi con người đón nhận cái Tin Mừng đó, thì cơ may không còn hiểm nghèo nữa, hy sinh không còn khó chịu nữa, già lão không phải là thảm hoạ, cuộc sống không là ngục tù và cái chết không phải là tử thù.

Xin cho mọi người Kitô hữu biết sống trọn Tin Mừng này bằng cách luôn hát Alleluia trong mọi lúc, luôn biết qúi trọng thân xác mình và tha nhân vì một ngày kia xác loài người sẽ sống lại.

Lm Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

Hẹn gặp lại

SAO CON LẠI KHÓC

SAO CON LẠI KHÓC

Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

Trong đời, ai cũng có lúc khóc.  Khóc thầm lặng.  Khóc cho vơi niềm đau.  Kinh cầu tuyệt vọng là kinh cầu trong nước mắt.  Kinh cầu mong hy vọng cũng là lời kinh khao khát đẫm lệ.

Vũ trụ dường như đã có dan díu với tiếng khóc trước khi hình thành hay sao mà bây giờ ở đâu cũng thấy có nước mắt.  Có tiếng thở dài trên đường, có tiếng thở muộn phiền lúc nghỉ ngơi.  Tiếng than bên đời là buồn nhiều hơn vui.

Những trang Kinh Thánh thưở xưa cũng đong dài nhiều dòng nước mắt.  Nhưng câu chuyện nước mắt của Mađalena thật đặc biệt.  Bà khóc hai lần, hai lần khác nhau.

Ngày đó, Mađalena khóc bên chân Chúa, nước mắt và hương thơm.  Trong buổi chiều ấy, Chúa không nói gì.  Chúa cứ để Mađalena khóc.  Chúa nhận nước mắt như nhận quà tặng ân tình.  Còn Mađalena muốn đem nước mắt hòa vào hạnh phúc dầu quý cho bay đi những cơn mưa phùn của linh hồn rêu phong năm xưa.  Chiều đó, người đàn bà ấy không nói gì.  Thinh lặng và nước mắt thôi.

Thế rồi, cũng người đàn bà ấy, một sáng nọ bà khóc, buổi sáng đến mộ đá tìm xác Chúa. Nhưng tiếng khóc lần này không như tiếng khóc thuở xưa.

“Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc.  Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt xác của Đức Giêsu, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.  Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!”  Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giêsu đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giêsu.  Đức Giêsu nói với bà: “Này bà, sao bà khóc?  Bà tìm ai?”  Bà Maria tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về” (Yn 20:11-15).

Một Mađalena, mà hai khung trời, hai dòng nước mắt khác nhau.  Một con tim mà hai nhịp đập, hai thổn thức khác biệt.

–   Ở nhà Biệt phái: Ngày ở nhà ông Simon Biệt Phái, nước mắt bà Mađalena rơi xuống chân Chúa, nhưng chảy ngược vào tâm hồn.  Mađalena khóc thầm lặng không tiếng nói.  Bên mộ đá: Hôm nay, bên mộ đá Mađalena oà vỡ khóc thành lời nói.  Bà thổn thức báo tin cho Phêrô và Yoan.  Bà vội vã hỏi “Người làm vườn.”  Bà quả quyết với thiên thần: “Người ta lấy mất Chúa tôi rồi” (Yn 20:13).

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Simon, Mađalena kín đáo tìm cách vào tận phòng tiệc cho nước mắt rơi trên sàn nhà.  Bên mộ đá:  Hôm nay, Mađalena đứng ở ngoài mộ mà thôi, tiếng khóc vang bên phía ngoài.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, nước mắt Mađalena rơi trước mọi người, rơi trên chân Chúa.  Bên mộ đá: Hôm nay, nước mắt rơi trong cát bụi.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa để Mađalena ngồi cạnh mình lấy tóc cùng nước mắt mà lau chân.  Bên mộ đá: Hôm nay, Chúa không cho nước mắt kia chạm tới Ngài.

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong tiếng khóc, Mađalena bị người ta kết án. Bên mộ đá: Hôm nay, Mađalena kết án người khác trong tiếng khóc của mình.  Không bằng chứng mà Mađalena dám báo tin cho Phêrô bằng cách đổ tội cho người khác rằng: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Yn 20:2).

–   Ở nhà Biệt Phái: Ngày ở nhà ông Biệt Phái, trong dòng nước mắt, Mađalena nhìn rõ Chúa.  Bên mộ đá: Hôm nay, cũng là nước mắt, Mađalena nhìn Chúa nhưng ngỡ là ông làm vườn. “Thưa ông, nếu ông đem Người đi thì cho tôi biết ông để Người ở đâu?” (Yn 20:15).

–   Ở nhà Biệt Phái:  Ngày ở nhà ông Biệt Phái, Chúa thương dòng nước mắt ấy thiết tha.  Bên mộ đá:  Hôm nay, Chúa chất vấn: “Bà kia, sao lại khóc?”

***

Lạy Chúa, cũng một con người được Chúa yêu, mà sao một lần khóc thì Chúa như bùi ngùi, một lần khóc thì Chúa nhìn dòng nước mắt mà hỏi: “Bà kia, sao bà lại khóc?”  Câu trả lời của Chúa như ngạc nhiên về dòng nước mắt ấy.  Câu hỏi như từ chối, như nói rằng dòng nước mắt ấy không cần thiết.  Tại sao vậy Chúa?

Tiếng khóc nào cũng có ý nghĩa.  Nước mắt nào mà không chứa đựng nghẹn ngào.  Càng nguyện vọng, nước mắt càng mặn cay, nước mắt ấy phải quý lắm chứ.  Vậy tại sao Chúa lại hỏi: “Bà kia, sao bà khóc?”

Chỉ có một lần Chúa khóc, đó là trước cái chết của Lazarô.  Cái chết nào mà không mất mát, nghẹn ngào, chính Chúa mà còn khóc.  Vậy tại sao hôm nay Chúa lại bảo Mađalena đừng khóc nữa.  Nhờ Chúa khóc trước cái chết của Lazarô, nên hôm nay, con phải suy nghĩ về nước mắt, tiếng khóc, nỗi đau của Mađalena trước mộ đá.

Khi Chúa khóc trước cái chết của Lazarô thì người chung quanh nói với nhau rằng: “Kìa, nhìn xem Ngài thương Lazarô dường bao” (Yn 11:36).  Như vậy, nước mắt của Chúa hôm Lazarô chết không phải là nước mắt tiêu điều.  Cái khóc của Chúa không là tuyệt vọng mà là tình thương.

Còn nước mắt của Mađalena bên mộ Chúa, có thương đó mà cũng có xót xa.  Chúa sống lại, nhưng Mađalena phao tin rằng người ta lấy xác Chúa.  Bà không nhìn thấy, nhưng bà nghi ngờ và đổ lỗi cho việc Chúa không còn trong mộ đá là xác Chúa đã bị đánh cắp!  Nước mắt chúng con trước cái chết của người thân yêu có lẽ cũng mang dáng dấp cả hai.  Có thương nhưng lại thương trong xót xa, và nỗi xót xa ấy nhuốm màu đau tuyệt vọng như của Mađalena.  Vì chưa hiểu niềm tin Phục Sinh, nên không thấy xác Chúa thì Mađalena cảm thấy ngày một mất mát lớn lao.  Nỗi mất mát ấy là của Mađalena, cho nên thương Chúa mà xót xa cho mình.  Xót xa và tuyệt vọng làm Mađalena nghi ngờ và đổ lỗi cho nhiều người.

Vì xót thương trước cái chết của người thương yêu, nhiều khi chúng con cũng không tránh khỏi những phàn nàn, trách nhiều nguyên nhân, có khi trách cả Chúa.  Xin Chúa cho chúng con hiểu hơn về mầu nhiệm Phục Sinh trong sự chết.

Nước mắt bên mộ đá đã đưa Mađalena vào những vùng mây mờ không chứng cớ.  Đấy là nước mắt thiếu ánh sáng Phục Sinh.  Trong nước mắt xúc cảm nhạt nhoà, bà không nhìn rõ Chúa đứng ngay bên cạnh.  Chính Chúa đó mà bà lại hỏi ông để xác Chúa tôi ở đâu.

Chúng con cũng thế thôi, vào những giờ đau đớn quá, chúng con không bình tâm nhìn thấy Chúa bên cạnh mình nữa.  Nước mắt đau đớn làm nhoà cái nhìn về sự sống đời sau.  Mađalena đã bừng tỉnh khi Chúa gọi tên bà.  Vậy con xin Chúa cũng gọi tên con trong những giờ chán nản tuyệt vọng để hồn con được an ủi.

Chúa khóc trước cái chết của Lazarô chỉ vì thương.  Xin cho nước mắt chúng con trước nỗi biệt ly cũng chỉ có một tình cảm ấy mà thôi, là chúng con hãy thương mến nhau.  Người chung quanh nhìn trước mắt Chúa mà nói: “kìa Ngài thương Lazarô biết bao.”  Chớ gì nước mắt chúng con hôm nay cũng như vậy, để một người ra đi là đem yêu thương về đầy giữa chúng con, những kẻ ở lại.

Tình thương thì đem chúng con gần lại, còn nỗi tuyệt vọng sẽ làm đời sống chúng con rã rời.  Con hiểu, cũng trước cái chết, Chúa đã khóc.  Mà cũng trước cái chết, Chúa không muốn Mađalena khóc.  Chúa muốn tiếng khóc của tình thương thôi chứ không muốn tiếng khóc tuyệt vọng.  Vì Chúa là Phục Sinh.

“Vì sao con lại khóc?”  Con mong lời Chúa hỏi Mađalena thưở xưa cũng là lời Chúa hỏi con hôm nay trong nỗi buồn này.  Con hiểu lời ấy như một an ủi nhắc con về niềm tin Phục Sinh đằng sau nỗi chia ly vĩnh biệt.  Con hiểu vì sao Chúa đặt câu hỏi ấy, vì trước giờ từ biệt Chúa đã căn dặn con: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Yn 14:3).  Chúa mong chúng con ở bên Chúa như vậy thì khi người thân yêu của chúng con ra đi là giây phút Chúa chờ đón.

Mađalena chỉ nhìn vào mộ đá, vì thế nước mắt chỉ là trời sương buồn nản phủ xuống hồn.  Chúa đã không muốn nước mắt ấy.  Xin cho nước mắt của chúng con hôm nay không bám víu vào nỗi mất mát cho vơi niềm đau.  Nhưng qua nước mắt, chúng con cho rơi đi những gì thiếu sót chúng con đã đối xử với nhau những ngày còn sống, để nước mắt hôm nay rửa tâm hồn chúng con cho đẹp hơn.

Xin Chúa cho nước mắt của chúng con hôm nay không kéo về những chiều hoàng hôn tuyệt vọng, mà rửa niềm tin chúng con sáng hơn để chúng con thấy người thân yêu đang ở bên Chúa và đang cầu bầu cho chính chúng con.  Amen.

Lm Nguyễn Tầm Thường, sj.

 From: Langthangchieutim

15 lời khuyên của các Thánh lớn để biến ngạo nghễ thành khiêm tốn

Nguyễn Hoàng Diễm

15 lời khuyên của các Thánh lớn để biến ngạo nghễ thành khiêm tốn

Đi ngược với kiêu căng, ích kỷ và ngạo nghễ, tính khiêm tốn giúp chúng ta nhìn thực tế đúng với thực tế, không ảo tưởng, không biến dạng theo tính ích kỷ. Khiêm tốn giúp chúng ta nhận biết giới hạn của mình và hành động có ý thức. Kiêu ngạo, huênh hoang và ngạo nghễ làm mù quáng, đến mức làm cho người kiêu ngạo nghĩ mình hoàn toàn có lý. Khi đó họ nghĩ họ cao hơn người khác. Vấn đề càng nặng thêm khi họ khép mình trong cô độc để tự bảo vệ mình với thế giới mà họ nghĩ là chống lại họ.

Làm thế nào để tính ngạo nghễ bị rơi rụng?

Chúng ta tìm ở đây 15 lời khuyên của các Thánh lớn giúp chúng ta trau dồi tính khiêm tốn trong đời sống hàng ngày của mình.

1-Khiêm tốn là con đường của sự thật.

Thánh Bernard de Clairvaux

2-Nếu trên quả đất này có một tâm hồn thật sự hạnh phúc, thì đích thực đó là tâm hồn của người khiêm tốn.

Thánh Faustina Kowalska

3-Có một cái gì trong sự khiêm tốn làm nâng tâm hồn lên một cách kỳ lạ.

Thánh Âugutinô

4-Lòng khiêm tốn phải đi theo tất cả các hành động của chúng ta, phải ở trong con người chúng ta, vì ngay lập tức khi chúng ta ca ngợi các việc tốt lành của mình thì chúng ta mất tất cả giá trị các tiến bộ trên con đường đức hạnh của mình.

Thánh Âugutinô

5-Với tầm mức các ân sủng lớn lên trong lòng các con, các con phải phát triển tính khiêm tốn làm sao để các con có thể xem đây là món quà mình mượn.

Cha Thánh Piô

6-Nếu con khiêm tốn thì không có gì đụng được đến con, lời khen cũng như sỉ nhục, vì con biết con người thật của mình. Nếu người ta nói con là vị thánh, thì con đừng leo lên bệ thờ ngồi.

Mẹ Têrêxa

7-Nhận biết mình sẽ làm cho chúng ta quỳ gối xuống, một tư thế cần thiết cho tình yêu. Vì nhận biết Thiên Chúa nảy sinh ra tình yêu, và nhận biết mình nảy sinh ra lòng khiêm tốn.

Mẹ Têrêxa

8-Sự dịu dàng và lòng khiêm tốn không có một nghĩa nào là yếu đuối.

Đức Gioan-Phaolô II

9-Chúng ta có được tất cả với lòng khiêm tốn, chúng ta không được gì với vũ lực.

Thánh Phanxicô Xaviê

10-Ơn của Chúa càng lớn thì chúng ta càng phải khiêm tốn: vì không có lòng khiêm tốn thì không có đức hạnh nào được Chúa chấp nhận. Thánh Phanxicô Xaviê

11-Khiêm tốn không phải chỉ nghĩ và nói các khiếm khuyết của chúng ta, nhưng còn là yêu mến những gì người khác nghĩ và nói.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

12-Khiêm tốn là đời sống được sống trong sự thật.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu

13-Lòng khiêm tốn dù lớn như thế nào thì cũng không làm cho tâm hồn lo lắng, khuấy động, chao đảo nhưng làm cho tâm hồn được bình an, vui vẻ và yên nghỉ.

Thánh Têrêxa Avila

14-Khiêm tốn là nguồn của mọi yên tỉnh. Thánh Gioan Bosco

15-Khiêm tốn là các đức hạnh như sợi dây của tràng chuỗi: bỏ khiêm tốn đi thì các đức tính khác sẽ biến mất.

Thánh Gioan-Vianê

Marta An Nguyễn dịch

Phanxicovn

May be an image of 1 person

ĐỊNH NGHĨA LÒNG THƯƠNG XÓT

ĐỊNH NGHĨA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

 Hôm nay lễ lòng thương xót Chúa.  Thiết tưởng chúng ta cần hiểu lòng thương xót nghĩa là gì?  Thương xót nghĩa là sự biểu lộ lòng xót xa đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn.  Lòng thương xót đối với Chúa còn là sự khao khát muốn làm vơi đi những nỗi đau khổ đó.  Như vậy, lòng thương xót của Chúa là sự biểu lộ tình thương trước những hoàn cảnh khó khăn của dân Chúa.

Lòng thương xót của Chúa không như con người.  Vì con người thương xót nhưng có chọn lựa, có tính toán.  Cùng hoàn cảnh nhưng chúng ta thương người này và có thể ghét người kia.  Thế nhưng, lòng thương xót của Chúa thì trải rộng cho mọi người.  Không toan tính.  Không chọn lựa.  Ngài yêu thương con người bất kể tình trạng luân lý của họ.  Bởi vì, Chúa vẫn yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân.

Thế nên, lòng thương xót của con người chúng ta thì giới hạn.  Chúng ta có thể xót thương kẻ cơ hàn.  Xót thương những người già yếu, bệnh tật bị bỏ rơi.  Xót thương những trẻ nhỏ bị lạm dụng, bị bóc lột nơi cha mẹ hay người nuôi dưỡng.  Và chắc chắn chúng ta sẽ chẳng bao giờ xót thương những phường tội lỗi như: trộm cắp, mại dâm, hay tham ô.  Chúng ta thường không thương xót họ mà có khi còn nguyền rủa họ.

Lòng thương xót Chúa thì không giới hạn.  Ngài yêu thương mà không cần nhìn xem họ là ai?  Ngài chỉ bận tâm đến nhu cầu của con người và ra tay nâng đỡ.  Thánh Kinh bảo rằng: Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được.  Thế nhưng, Chúa đã không chấp tội con người, Ngài cũng không giáng phạt theo như tội ta đã phạm.  Lòng thương xót của Chúa trải rộng trên con người.  Trên người lành cũng như người dữ.  Ngài luôn biểu lộ lòng thương xót cho bất cứ ai đến với Ngài.  Lòng thương xót ấy không dừng lại ở nơi kẻ yêu Ngài mà còn dành cho cả kẻ ghét Ngài, xỉ nhục và kết án Ngài.  Chính trong đau thương khổ nhục mà Ngài vẫn xót thương những kẻ đang hành hạ Ngài khi Ngài cầu nguyện cùng Cha: Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.

Có lẽ với bản tính con người, chúng ta sẽ thù hận kẻ giết hại chúng ta một cách oan uổng.  Có lẽ chúng ta cũng kinh tởm kẻ vô ơn, phản bội với chúng ta.  Thế mà, Chúa Giê-su dường như không còn nhớ đến tội lỗi của con dân thành Giê-ru-sa-lem.  Ngài đã tha thứ cho kẻ làm nhục Ngài.  Ngài cũng tha thứ cho những môn đệ đã bỏ Ngài trong tuần thương khó.

Vâng, khi Chúa sống lại Ngài không tìm ai để trách móc, kêu oan.  Và dường như Ngài cũng không bận tâm đến lỗi lầm của các môn sinh.  Ngài đã trao bình an cho các môn sinh mỗi khi hiện ra với họ.  Ngài biết trong lòng các ông còn một nỗi buồn vì phản bội, vì bỏ rơi Thầy trong gian nguy.  Ngài biết sau khi Chúa sống lại lòng các tông đồ còn rối bời hoang mang lo sợ, bất an vì mặc cảm tội lỗi, mặc cảm phản bội Thầy.  Chúa đã biết điều đó nên đã đi bước trước để ban bình an cho các ông.

Sứ điệp lễ lòng Chúa thương xót là sứ điệp của yêu thương.  Thiên Chúa vẫn tiếp tục xót thương dân Người.  Lòng thương xót của Chúa không bị tội lỗi của con người cản trở mà vẫn đong đầy cho những ai đến với Ngài.  Lòng thương xót Chúa vẫn xoa dịu những ai đang bất an vì tội lỗi.  Lòng thương ấy vẫn đang chữa lành cho những ai đang đau khổ bệnh tật tâm hồn hay thể xác.  Lòng thương xót ấy vẫn là căn tính của Thiên Chúa rất yêu thương và xót thương dân Người.

Ước gì mỗi người chúng ta biết tín thác vào lòng thương xót Chúa cho dẫu chúng ta còn mang đầy những vết thương của yếu đuối lỗi lầm.  Hãy để cho lòng thương xót Chúa chữa lành những tật nguyền của chúng ta.  Ước gì khi chúng ta đã hưởng nếm lòng thương xót vô bờ của Chúa thì cũng biết trao ban lòng thương xót ấy cho anh em.  Xin Chúa ban cho chúng ta cũng có một tấm lòng bao dung để gạt qua những thành kiến, những đố kỵ, ghen tương mà đón nhận nhau trong yêu thương chia sẻ.  Xin Chúa giúp chúng ta cũng trở thành một chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa bằng tình yêu hiến dâng phục vụ tha nhân. Amen.

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM

NHƯ CHA ĐÃ SAI THẦY, THẦY CŨNG SAI ANH EM

 Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Đức Giêsu đã phục sinh.  Nhưng điều này đâu có quan hệ gì đến tôi, nếu Đức Giêsu cũng tương tự như bao người khác, cũng chỉ là một người như bao người khác: họ được nhưng đâu có nghĩa rằng tôi được?  Đức Giêsu Phục Sinh chỉ ảnh hưởng tuyệt đối đến tôi, nếu Ngài là Thiên Chúa.

Qua các tông đồ Thiên Chúa của Đức Giêsu Phục Sinh hiện diện

 Sau khi Đức Giêsu phục sinh, với sự trợ giúp của Thánh Thần, các tông đồ đã nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa.  Và dưới tác động của Thánh Thần các tông đồ đã can đảm tuyên xưng, rao giảng Đức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại.  Và hôm nay sách tông đồ công vụ cho thấy những người tin vào Đức Giêsu đã trở thành một nhóm đặc biệt, trở thành dấu chỉ của Đức Giêsu Phục Sinh cho con người thời đó.

Thánh Phêrô trở thành khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho con người.  Bóng của Ngài ngả xuống trên bệnh nhân nào thì người đó được khoẻ lại.  Có người nghĩ: không chừng các tông đồ còn làm được những điều lớn lao hơn cả Đức Giêsu.  Chính Đức Giêsu cũng nói: “Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm người ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa, vì Ta về cùng Cha” (Ga.14, 12).

Ngày xưa khi Chúa về trời, các tông đồ đã thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện; và ngày nay qua Hội Thánh nơi các tín hữu, Thiên Chúa cũng hiện diện với con người hôm nay.

Đức Giêsu Phục Sinh là Thiên Chúa

 Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã nói những lời người Do Thái không thể chấp nhận được, như Ngài nhận Ngài có quyền tha tội (Mc.2,7), Ngài có trước Abraham (Ga.8, 58), Ngài là một với Thiên Chúa Cha (Ga.10, 30), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa Cha (Mc.14, 62).  Người Do Thái không thể chấp nhận những lời đó, nên đã lấy đá định ném chết Ngài.  Nếu Ngài không là Thiên Chúa, quả thật Ngài phạm tội “phạm thượng”: là người phàm mà dám nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Ngài đã sống lại, nghĩa là, những điều Ngài nói là thật, vì nếu Ngài nói dối, Thiên Chúa đâu có phục sinh Ngài!  Như vậy, Ngài có quyền tha tội (mà chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội), Ngài ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa thật.

Ngài là Thiên Chúa thật, nghĩa là Ngài là Thiên Chúa nhập thể.  Và do đó, người ta biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, vì nếu không yêu con người, tại sao Thiên Chúa nhập thể làm người?  Tại sao Ngài phải chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá?  Tại sao Ngài mãi mãi là người?  Chính vì tình yêu, vì yêu con người, mà Thiên Chúa trở thành một người như bao người.  Thiên Chúa làm tất cả cho con người.

Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con

 Khi hiện ra với các tông đồ vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu nói với các tông đồ: “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.”  Như vậy, các tông đồ, và sau đó là các Kitô hữu, có cùng sứ mạng với Đức Giêsu.

Sứ mạng của Đức Giêsu, của Ngôi Lời nhập thể, là làm sao để con người nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa!  Để làm được điều này, Lời Thiên Chúa đã nhập thể, đã sống như một người hoàn toàn, đã hiến mình làm của ăn cho con người, đã chấp nhận cái chết ô nhục trên thập giá vì yêu con người, đã yêu con người đến chết.

Sứ mạng của các tông đồ, của Hội Thánh ngày nay, của mỗi người tín hữu, là làm chứng cho tình yêu, làm cho thế gian biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ vô cùng.  Để làm được điều này, cũng đòi tín hữu phải hy sinh, phải yêu thương con người ngày nay đến độ quên mình như Đức Giêsu.  Thập giá minh chứng tình yêu.  Lửa thử vàng, gian nan thử tình yêu.  Tình yêu cải biến, chinh phục lòng người.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

From: Langthangchieutim

CON NGƯỜI BẤT TOÀN BẤT TRUNG SAO CHÚA YÊU CHÚNG CON LÀM CHI?

CON NGƯỜI BẤT TOÀN BẤT TRUNG SAO CHÚA YÊU CHÚNG CON LÀM CHI?

Tuyết Mai

Lạy Chúa Giêsu, Đấng từ bi nhân hậu! Tình yêu của Ngài trao ban cho toàn thế giới con người thật là bao la diệu vợi; yêu đến nỗi chết trên Thập Giá vì tội lỗi ngập ngụa của chúng con. Trái tim của Ngài to lớn có thể ôm cả vũ trụ vào lòng. Sao Chúa yêu nhân loại tội lỗi chúng con làm chi trong khi chúng con là những thành phần tội đồ bất xứng trước tôn nhan Chúa và tình yêu của Người?.

**

Chúng con đã cố tình chối bỏ tình yêu rất nhưng không của Thiên Chúa trao ban mà đi theo những cám dỗ, những đam mê gọi mời, cùng những thứ có thể giết chết dần mòn cả thân xác và linh hồn thật quý giá … mà Thiên Chúa đã nâng niu, nhào nắn, tác thành và thổi hơi ban cho chúng con có được sự sống thật tốt lành sung mãn – như từng tác phẩm trinh nguyên (original) được họa nên do bàn tay vô cùng quyền năng của Thiên Chúa; nên mỗi tác phẩm đều hoàn toàn khác nhau.

**

Ôi lạy Chúa Giêsu, Ngài đã chứng minh cho toàn nhân loại thấy và cảm nhận được tình yêu cao cả và vô biên của Ngài nên chúng con thấy mình luôn là vô dụng, bất phục tùng và bất trung!. Vì lề luật của Chúa thì quá khắt khe, quá bó buộc và không thể làm giàu cho được. Nên lẽ đương nhiên là chúng con phải chọn, tìm cho được con đường mang lại cho chúng con những cuộc sống ảo với những hào nhoáng bề ngoài, những xưng hô giả dối và những tòa nhà nhiều tầng (kín cổng cao tường).

Sau cùng là cố gắng tìm cho được danh vọng thì có chết chúng con cũng mãn nguyện Chúa ơi!. Còn chuyện lên Trời hay xuống Hỏa Ngục thiết nghĩ chúng con không có thời giờ để nghĩ tới hay cảm thấy không cần thiết để nghĩ tới bây giờ!?.

**

Chúa ơi, nào chúng con quyết tâm để trở về cùng Chúa khi tội lỗi của chúng con cứ phạm đi rồi phạm lại nên tội lỗi ngày càng chồng chất mà ý nghĩ bỏ tội thì hầu như chúng con không muốn; nhất là chúng con đã bị nghiện rồi thì không thể bỏ được …

Do đó, chúng con không ăn năn, sám hối hay quyết tâm để chừa tội thì quả thật linh hồn của chúng con giống như sợi chỉ treo mành nếu ngày hôm nay chúng con bị chết bất đắc kỳ tử … Thì linh hồn của chúng con chỉ còn nhờ vào tình yêu của Đức Mẹ Maria (nếu hằng ngày có thói quen đọc cho Mẹ 1 kinh Kính Mừng – cùng nhờ vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà thôi).

**

Tội nghiệp Chúa của chúng con quá Chúa ơi, vì Người quá hiền từ. Chúa buồn lắm phải không vì Nhà Cha ở trên Trời còn rất nhiều chỗ ở. Một Nơi mà hạnh phúc sẽ là muôn đời, nhưng chúng con cố tình làm ngơ như không muốn biết và không muốn tới đó.

**

Xin Thiên Chúa trợ giúp chúng con, ban cho chúng con áo giáp để phòng thân, để mọi sự dữ ở thật xa chúng con …. Giúp chúng con sớm nhận biết là con đường trở về Nhà Cha là vác Thập Giá đời mình bằng cách chu toàn trách nhiệm và bổn phận – trên bản thân, trên gia đình và trên anh chị em nghèo khổ luôn sống đầy dẫy ở chung quanh chúng con. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

6 tháng 4, 2021

***

Xin bấm vào mã số dưới đây để cùng hát:

https://www.youtube.com/watch?v=Cip7CRsmHOI

(Lời Nguyện Cầu)

TÌM PHỤC SINH Ở ĐÂU

TÌM PHỤC SINH Ở ĐÂU

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 Có những điều cần đến sự đóng đinh nhục hình. Tất cả mọi sự tốt đẹp, đến tận cùng đều bị đem ra thí tội và bị đóng đinh. Như thế nào? Bởi quy luật này, một quy luật lạ lùng ngược đời bẩm tại trong đời sống con người luôn có một ai đó hay một sự gì đó không thể ở yên, nhưng vì những lý lẽ của bản thân nó, phải đi truy lùng và tấn công những sự thiện tốt lành. Những gì tốt lành, những gì từ Thiên Chúa mà ra, luôn có lúc bị hiểu lầm, bị ganh tị, thù ghét, truy đuổi, buộc tội, và cuối cùng là treo lên thập giá. Mọi phần thân thể Chúa Kitô chắc chắn chịu cùng số phận như Ngài: chịu chết vì bị hiểu lầm, vì sự ngu dốt và ghen tỵ.

Nhưng còn có một mặt khác: Cuối cùng Phục Sinh luôn chiến thắng nhục hình. Những gì tốt lành chiến thắng. Do đó, dù Thiên Chúa không trốn tránh nhục hình, nhưng thân xác Chúa Kitô không ở trong mồ quá lâu. Thiên Chúa luôn lăn tảng đá mồ ra, và đủ sớm để cho sự sống mới trỗi dậy, qua đó chúng ta thấy được vì sao đời sống bình thường của mình phải chịu nhục hình. (Không phải là Chúa Kitô phải chịu đau khổ và phải chết hay sao?) Sau nhục hình, chắc chắn là Phục Sinh. Tất cả mọi thân xác chịu nhục hình sẽ trỗi dậy. Hy vọng của chúng ta phát xuất từ đó.

Nhưng là như thế nào? Chúng ta thấy được sự phục sinh này ở đâu? Làm sao chúng ta cảm nghiệm được phục sinh sau nhục hình?

Kinh thánh rất khéo léo, dù rất rõ ràng, về điều này. Chúng ta nghĩ là có thể cảm nghiệm phục sinh ở đâu? Tin mừng cho chúng ta biết, vào tảng sáng phục sinh, các phụ nữ theo Chúa Giêsu đã lên đường viếng mộ, mang theo dầu thơm để xức xác Ngài. Một ý định tốt nhưng lầm, những gì họ thấy không phải là xác chết, nhưng là ngôi mộ trống, và thiên thần đứng đó hỏi họ: “Tại sao các bà lại tìm người sống giữa cõi chết? Hãy lên đường đến Galilê và các bà sẽ thấy Ngài ở đó!”

Hãy đến Galilê. Tại sao là Galilê? Galilê nào đây? Và làm sao để đến đó?

Trong tin mừng, Galilê không đơn thuần là một địa điểm địa lý, một vị trí trên bản đồ. Mà trên hết, Galilê là một nơi trong lòng người. Cũng thế, Galilê là giấc mơ và con đường môn đệ mà các môn đệ của Chúa Giêsu từng đi với Ngài, và cũng là nơi chốn thời điểm khi lòng họ bừng bừng hy vọng và nhiệt tình. Giờ đây, sau khi Chúa chịu đóng đinh, khi họ thấy giấc mơ của mình đã chết, khi đức tin của họ chỉ còn là ảo tưởng, thì họ lại được bảo hãy đi về nơi tất cả mọi sự khởi đầu: “Hãy đi về Galilê. Ngài sẽ gặp các bạn ở đó!”

Và họ về lại Galilê, cả về mặt địa lý và cả về một nơi đặc biệt trong lòng họ từng một thời cháy bỏng giấc mơ môn đệ Chúa. Và như lời đã hứa, Chúa Giêsu hiện ra với họ. Ngài không giống y hệt như Ngài trước đây, hay như những gì họ muốn, nhưng Ngài hiện ra, Ngài không chỉ là một bóng ma hay một ký ức. Chúa Kitô hiện ra với họ sau phục sinh, theo một phương thức khác, nhưng Ngài đủ hữu hình thể lý để cùng ăn cá với họ, đủ thực để họ chạm đến, và đủ quyền năng để biến đổi cuộc đời họ mãi mãi. Đến tận cùng, đây chính là những gì mà sự phục sinh muốn ở chúng ta: Hãy về lại Galilê, về lại với giấc mơ, với hy vọng và tình môn đệ từng một thời thổi bừng chúng ta, nhưng giờ đã mất đi vì chúng ta vỡ mộng.

Điều này cũng tương đồng với câu chuyện trên đường Êmau, khi hai môn đệ với gương mặt buồn bã u ám rời Giêrusalem. Và từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra một linh đạo trọn vẹn: Theo thánh Luca, Giêrusalem là giấc mơ, là hy vọng và là trung tâm lòng đạo, nơi khởi đầu và cực điểm của mọi sự. Và các môn đệ đang “rời bỏ” nơi này, từ bỏ giấc mơ của mình, hướng về Enmau (một khu nghỉ dưỡng của người La Mã thời đó), hướng về một nơi tiện nghi phàm tục, một Las Vegas hay Monte Carlo. Do giấc mơ của họ đã bị đóng đinh nhục hình, nên cũng dễ hiểu khi các môn đệ nản lòng và rời xa giấc mơ đó, hướng đến một khuây khỏa phàm tục, trong sự tuyệt vọng: “Nhưng chúng ta đã từng hy vọng!”

Họ không bao giờ đến Enmau. Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường, từ sự vỡ mộng Ngài dựng lại hy vọng trong họ, và đưa họ về lại Giêrusalem.

Đây là một trong những thông điệp căn bản nhất của Phục Sinh: Bất kỳ lúc nào chúng ta nản lòng trong đức tin, bất kỳ lúc nào hy vọng dường như bị đóng đinh giết chết, thì chúng ta cần về lại Galilêvà Giêrusalem, nghĩa là về lại giấc mơ và con đường môn đệ mà chúng ta từng mang trong lòng trước khi mọi thứ tưởng như sụp đổ. Bất kỳ lúc nào chúng ta thấy dường như nước trời không có thực, tất nhiên sẽ có cám dỗ từ bỏ cương vị môn đệ để chạy đến sự khuây khỏa phàm tục, hướng đến Enmau, để được giải khuây nhờ Las Vegas hay Monte Carlo.

Nhưng, chúng ta biết, mình không bao giờ đến Las Vegas hay Monte Carlo. Bằng cách này hay cách khác, Chúa Kitô luôn gặp chúng ta khi chúng ta đang trên đường đến đó, Ngài đào sâu tâm hồn chúng ta, giải nghĩa những nhục hình cho chúng ta hiểu, và đưa chúng ta về lại cương vị môn đệ mà chúng ta đã từ bỏ. Một khi đến đó, tất cả mọi sự lại có ý nghĩa.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 From: Langthangchieutim