GIUĐA PHẢN BỘI, PHÊRÔ CHỐI THẦY VÀ NGƯỜI TRỘM LÀNH DẠY CHO CHÚNG TA NHỮNG BÀI HỌC GÌ?-Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

Hỏi: Nhân Mùa Chay, xin cha giải thích ý nghĩa việc Giuđa phản bội, người trộm lành sám hối và Phêrô chối Chúa như được ghi lại trong trong các Tin Mừng.

 Trả lời: Mùa chay là thời điểm thuận lợi nhất để Giáo Hội mời gọi con cái mình suy niệm sâu xa hơn nữa về tình thương bao la của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô, Đấng đã vui lòng chịu mọi đau khổ, sỉ nhục và chết trên thập giá để cứu chuộc cho nhân loại khỏi chết vì tội và có hy vọng được sống hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa trên Nước Trời.

 Mùa chay cũng là mùa sám hối, thúc dục mọi tín hữu nhìn nhận tội lỗi đã phạm để xin Chúa nhân lành khoan dung thứ tha vì Người “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1Tm 2:4).  Thiên Chúa là Cha rất nhân lành Người “chậm giận và giầu tình thương.”  Vì thế, ai có lòng trông cậy và kêu xin thì dù cho tội lỗi đến đâu cũng sẽ được tha thứ.  Chỉ có sự tuyệt vọng, không còn muốn xin Chúa thương xót tha thứ nữa mới làm bế tắc tình thương bao la của Thiên Chúa cho con người mà thôi.  Sau đây là nhũng bài học ta có thể rút ra từ việc Phêrô chối Thầy, Giuđa bán Chúa và người trộm lành sám hối.

Tin Mừng Matthêu, Marcô, Luca và Gioan đều ghi lại sự kiên Phêrô chối Thầy, Giuđa Ít-ca-ri-ốt, một trong 12 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã phản bội Thầy, bán Thầy và tuyệt vọng đến mức treo cổ tự tử sau đó (Mt 27: 5).

 Riêng Tin Mừng Luca ghi lại sự kiện “Người gian phi sám hối và được vào Thiên Đàng với Chúa Giêsu”.

1.  Trường hợp của Giuda

 Giuđa tượng trưng cho lớp người quá say mê của cải vật chất ở đời này đến mức quên tình quên nghĩa để phản bội người khác, kể cả ân nhân.  Giuđa là một trong Nhóm 12 Tông Đồ nòng cốt mà Chúa Giêsu đã chọn lựa cho tham gia vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa từ lúc ban đầu.  Giuđa đã được diễm phúc sống bên Chúa suốt 3 năm, đã được trực tiếp nghe lời giảng dạy của Chúa về Nước Trời, về tinh thần khó nghèo cũng như chứng kiến tận mắt đời sống khó nghèo của Chúa ở mức “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8: 20).  Vậy mà Giuđa đã không được cảm hóa theo gương khó nghèo của Chúa.  Vì thế Giuda đã cam tâm bán Chúa lấy 30 đồng bạc.  Nhưng khi chứng kiến cảnh Thầy mình bị bắt và bị đánh đập tàn nhẫn, Giuđa đã hối hận đem tiền trả lại bọn thượng tế và kỳ mục Do Thái rồi đi thắt cổ chết.  Hắn tự tử vì quá tuyệt vọng, không còn tin tưởng gì vào lòng xót thương, tha thứ của Chúa nữa.  Đây là điều rất đáng buồn cho anh ta và là gương xấu cho người khác.

 Thật vậy, Giuđa đã trở thành gương xấu không những vì tham mê tiền của, phản bội mà nhất là tuyệt vọng về lòng xót thương của Chúa.  Đây là điều đáng nói nhất về người môn đệ phản bội này, vì y đã mất hết niềm tin vào Thiên Chúa nhân lành, sẵn lòng tha thứ hết mọi tội lỗi của con người trừ tội phạm đến Chúa Thánh Thần, tức tội tuyệt vọng không còn tin tưởng gì vào lòng xót thương tha thứ của Chúa nữa.  Giuđa đã phạm tội này khi tự tử chết.

 Chúa Giêsu đã than thở như sau về sự phản bội của Giuđa:

“… Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất trừ đứa con hư hỏng để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Ga 17: 12)

 lại nữa:

 “… đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26: 24; Mc 14: 21).

 Dầu vậy, Giáo Hội cũng không dám kết luận chắc chắn về số phận đời đời của Giuđa.  Việc này chỉ có một mình Thiên Chúa biết vì Người đã phán đoán Giuđa theo lượng từ bi và công bằng của Người. 

 Ngược lại, Giáo Hội chỉ lưu ý con cái mình về gương xấu của Giuđa mà thôi.  Gương xấu vì Giuđa đã mê tiền của hơn yêu mến Thầy, nên đã phản bội Thầy khi bán Người lấy 30 đồng bạc của các Thượng Tế và kỳ mục Do Thái.  Nhưng điều đáng nói nhất về Giuđa là sự tuyệt vọng của anh, khi không còn muốn sám hối để xin Chúa tha thứ nữa, để rồi đi treo cổ tự tử (cf. Mt 27:5).  Đây là gương xấu mà mọi tín hữu phải xa tránh vì thực chất của nó là mất hết hy vọng vào lòng thương xót của Chúa, là Cha nhân từ luôn sẵn lòng tha thứ cho kẻ có tội biết sám hối và xin tha thứ.

 2. Phêrô chối Chúa

 Ngược lại với Giuđa là kẻ nêu gương xấu về tham tiền và tuyệt vọng, Phêrô lại dạy cho chúng ta bài học quý giá về lòng ăn năn sám hối.

 Phêrô cũng có khuyết điểm là quá tự tin nơi mình khi tuyên bố lúc ban chiều trước khi Chúa Giêsu bị bắt: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (Mt 26:35).

 Nhưng đúng như lời Chúa đã nói trước là đêm đó gà chưa gáy sáng thì Phêrô đã chối Chúa ba lần.  Nhưng chối xong và nhớ lại lời Chúa đã nói trước, Phêrô “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (cf. Mt 26: 75; Lc 22: 62).  Ông khóc vì ăn năn hối hận đã hèn nhát chối Thầy trước những kẻ bắt bớ và hành hạ Người cách tàn nhẫn.  Chính vì thật sự thống hối ăn năn mà Chúa đã tha cho Phêrô tội công khai chối Chúa và còn tín nhiệm trao phó cho Phêrô sứ mệnh “chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy” (Ga 21: 15-16).

 Như thế đủ cho ta thấy là dù tội lỗi con người có nặng đến đâu, nhưng nếu biết sám hối và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Chúa thì chắc chắn sẽ được tha thứ và nối lại tình thân với Người, sau khi đã lỡ sa ngã vì yêu đuối của nhân tính do hậu quả của tội nguyên tổ còn để lại. 

  1. Người gian phi sám hối (Lc 23:40-42)

 Tin Mừng Luca kể rõ hai tên gian phi cùng chịu đóng đanh với Chúa Giêsu, một đứa bên phải, một đứa bên trái, trong khi Matthêu nói đó là hai tên cướp (Mt 27: 38).  Chúng bị đóng đinh vì tội trôm cướp, và một trong hai tên gian phi này đã nhận biết tội của mình nên xin cùng Chúa Giêsu rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của Ông xin nhớ đên tôi.  Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 42-43)

 Như thế, chỉ có lòng ăn năn sám hội thực sự là đáng kể vì là điều đẹp lòng Chúa, và Người sẽ tha hết mọi tội lỗi cho những ai nhận biết mình có tội và xin Chúa thứ tha.  Người gian phi sám hối hay còn được gọi là “kẻ trộm lành” đã vào Thiên Đàng bằng đường tắt nhanh chóng chỉ vì biết ăn năn sám hối và chạy đến với lòng thương xót vô biên của Chúa để xin tha thứ.

 Người trộm lành này đã từng đi đàng tội lỗi không biết là bao nhiêu năm, nên bị đóng đanh vì những trọng tội mà xã hội Do Thái phải trừng phạt bằng cực hình đóng đanh.  Nhưng Chúa đã tha thứ cho anh mọi tội, từ tội nguyên tổ cho đến mọi tội cá nhân anh đã phạm cho đến ngày bị đóng đanh chung với Chúa, là Người lành vô tội, nhưng đã cam lòng chiu khổ hình thập giá để đền thay cho nhân loại đáng phải phạt vì tội.

 Dĩ nhiên chúng ta không thể bắt chước “người trộm lành” bằng cách cứ sống tội lỗi rồi cuối cùng sám hối xin Chúa tha thứ để được vào Nước Trời.  Ta chỉ có thể noi gương tốt của anh về lòng sám hối và tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa để xin Người tha thứ mọi tội cho ta đã lỡ sa phạm vì yếu đuối của bản chất và vì ma quỉ cám dỗ.  Nhưng ta không thể bắt chước anh ta làm những việc sai trái hay đối nghịch với tình thương, sự thánh thiện và công bằng của Chúa để chờ xin tha thứ vào phút chót.  Không ai có thể biết ngày giờ nào mình phải ra đi, nên không thể liều mình sống trong tội chờ ngày sám hối được.  Cố ý sống như vậy là lợi dụng lòng thương xót, tha thứ của Chúa.  Và nếu ai cố ý liều lĩnh như vậy thì hãy nghe lời Chúa cảnh cáo nghiêm khắc sau đây:

 “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.  Phải chi ngươi lạnh hẳn đi, nhưng vì người hâm hâm, chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3: 15-16)

 Tóm lại, điều thiết yếu là ta phải cố gắng xa tránh mọi tội lỗi vì chỉ có tội là cản trở duy nhất cho ta sống đẹp lòng Chúa mỗi giây phút của đời mình trên trần thế này.  Tuy nhiên, vì bản chất yếu đuối do hậu quả của tội Nguyên tổ, nhất là vì ma quỉ luôn rình rập để lôi kéo ta vào vòng tội lỗi, nên cần thiết cho ta phải xin ơn Chúa giúp sức để có thể đứng vững, sống theo đường lỗi của Chúa để được an vui ngay trên đời này trước khi được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Trời mai sau.

 Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

(Nguồn danchuausa.net)

VỰC BẤT XỨNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ!”.

“Khiêm tốn là sợi dây liên kết con người với Chúa, là cây cầu bắc qua mọi vùng vịnh, đưa bạn vượt mọi thung lũng hiểm nguy! Chúa không cần những con người vĩ đại, Chúa cần những con người dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài. Vì thế, lời cầu mạnh nhất của linh hồn là lời cầu nguyện khởi đi từ vực bất xứng của nó!” – A. Simpson.

Kính thưa Anh Chị em,

Cao trào của Lời Chúa hôm nay là tính cách trơ trọi của ‘một vai phụ’ trong dụ ngôn – người thu thuế! Anh đã dâng một “lời cầu nguyện khởi đi từ vực bất xứng của linh hồn!”. Với những gì anh bộc lộ, Chúa Giêsu mách cho chúng ta điều Thiên Chúa yêu thích nơi con người – “tình yêu và chỉ tình yêu” – mà không cần bất cứ điều gì khác!

Thiên Chúa thấu suốt lòng dạ con người, “Tình yêu của các ngươi khác nào mây buổi sáng, mau tan tựa sương mai”; “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ” – bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca lặp lại cũng chỉ ngần ấy!

Trái với điều Thiên Chúa chờ đợi, người biệt phái trong dụ ngôn dâng Chúa một điều gì đó hoàn toàn khác! Lời cầu của ông khởi đi từ ‘vực kiêu hãnh’, bị bóp méo khi ông coi Thiên Chúa như ‘Con Nợ’; tệ hơn, coi ‘kỳ tích’ của mình là chiến công loè Chúa, loè người. Thực ra, đó không phải là cầu nguyện mà là ‘đọc diễn văn’. Tuy không phải là người xấu, nhưng lòng kiêu hãnh của ông đã khiến ông mù loà đến độ xúc phạm tình yêu khi ông sống tôn giáo của mình một cách tối thiểu; ông không biết rằng, Thiên Chúa không bao giờ thoả mãn với một ‘mức tối thiểu trần!’. Lời cầu của ông là ‘vô trùng’ khi ông quên rằng, Thiên Chúa chỉ muốn “tình yêu và chỉ tình yêu!”.

Nhân vật thứ hai cũng lên đền thờ cầu nguyện! ‘Vai phụ’ này “khi ra về thì được nên công chính”. Anh “nên công chính” – khỏi tội – không phải vì đã làm những điều đúng đắn, nhưng vì đã khiêm nhường nhận ra tội mình. Lời cầu của anh khởi đi từ vực bất xứng khi đứng trước Đấng Toàn Thánh. Và có lẽ, anh đã nghe những gì người Pharisêu nói và điều đó càng khiến anh đau đớn để chìm sâu hơn vào nỗi khốn cùng của mình, và anh chỉ đủ sức đấm ngực nài van, “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Lạ thay, điều này đẹp lòng Chúa và Ngài rất thích!

“Nơi nào có quá nhiều cái “tôi”, nơi đó rất ít Chúa. Ở nước tôi, người ta gọi những người này là “Tôi, chính tôi và tôi”, tên của những người đó. Người ta từng nói về một linh mục tự cho mình là trung tâm và thường bông đùa rằng: “Mỗi khi xông hương, thì ngài xông ngược; ngài xông chính mình!”; và điều đó khiến bạn buồn cười!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Ta muốn tình yêu, chứ không cần hy lễ!”. Mọi sự trên trần gian đều thuộc về Chúa, Ngài cần gì lễ dâng của ai! Ngài cần tình yêu từ tận trái tim mỗi người. Đừng quên, “Lời cầu mạnh mẽ nhất là lời cầu khởi đi từ ‘vực bất xứng’ của nó!”. Đây là điều làm cho kinh nguyện của chúng ta có kết quả! Chỉ những ai tự nhận mình ‘không có gì’ mới có thể ‘có tất cả’; những ai biết mình trống rỗng mới có thể được lấp đầy. Mùa Chay, mùa chìm vào ‘vực bất xứng’ để chỉ biết khấn xin lòng Chúa xót thương!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ‘xông hương ngược!’. Chúa không cần sự vĩ đại của con, Chúa cần con biết ‘con đáng thương’ ngần nào và dám chứng tỏ sự vĩ đại của Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

***********************************

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay

Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính, còn người Pha-ri-sêu thì không.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 18,9-14

9 Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác : 10 “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. 11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. 12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ 13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ 14 Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”


 

CHẶNG THỨ 4: Đức Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ – Cha Vương

Chúc bạn ngày thứ 5 Mùa Chay được nhiều phúc lành và ân sủng của Chúa, Mời bạn tiếp tục đồng hành vời Chúa Giêsu qua việc suy niệm chặng thứ 4 của Đàng Thánh Giá hôm nay nhé.

Cha Vương

Thư 5, 3MC: 27/03/2025

CHẶNG THỨ 4: Đức Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ

TIN MỪNG: Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà, để những tâm tư của nhiều người được tỏ lộ”. (Lc 2:35)

SUY NIỆM: Vì tội lỗi của nhân loại mà Chúa có thể làm tất cả! Vì Con mà Mẹ cũng có thể làm tất cả! Luật tự nhiên, không có cha mẹ nào chuẩn bị cho cái chết của con mình. Riêng đối với người mẹ thì chẳng nỗi mất mát nào lớn cho bằng mất đi đứa con yêu quý của mình, thế mà Mẹ Maria vẫn một lòng một dạ “xin vâng” nhìn con mình bị đối xử như kẻ gian ác và bị đưa đến nơi hành hình. Thật là một nỗi đau xé lòng!

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn thờ ơ lạnh nhạt với cha mẹ mình không? Trong đời sống gia đình, bạn có chu toàn bổn phận mà Thiên Chúa giao phó cho bậc làm cha mẹ: nuôi dưỡng và giáo dục con cái, đồng thời dạy cho chúng nên người Công Giáo, biết sống đạo tử tế và yêu thương tha nhân không? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trên đường thương khó Chúa bị cô đơn và bị bao nhiêu người bỏ rơi nhưng Mẹ của Chúa vẫn đứng đó để đồng cảm và đồng hành. Xin cho con biết nâng đỡ và an ủi các cha mẹ đang bị bỏ rơi vì tuổi già hoặc đang đau khổ vì con cái, và xin cho con biết chu toàn bổn phận làm cha mẹ, làm con để mang lại hạnh phúc cho gia đình và thế hệ mai sau. 

From: Do Dzung

**************************

MẸ ĐỨNG ĐÓ | LM KIM LONG | PHƯƠNG KÁT ft CHIRON TUẤN

TRỖI DẬY VÀ TRỞ VỀ – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên 

Chúa nhật thứ bốn Mùa Chay là điểm giữa của hành trình Mùa Chay, Phụng vụ khích lệ chúng ta: nếu có trải qua những khổ chế hy sinh của Mùa Chay, là vì chúng ta đang hướng về nhà mình, về với Cha, Đấng nhân hậu hằng yêu thương và chờ đợi chúng ta trở về.  Quả thực, hành trình Mùa Chay là hành trình trở về, dù phải trải qua hy sinh, nhưng luôn đong đầy niềm vui và hy vọng.  Cũng vì lẽ đó mà luật Phụng vụ cho phép các linh mục có thể mặc lễ phục màu hồng trong Chúa nhật này, vì màu hồng biểu thị cho niềm vui và hy vọng.  Lễ phục màu hồng như dấu hiệu của niềm vui đi kèm với lời hứa về lễ Phục sinh.  Truyền thống cũng gọi Chúa nhật thứ bốn Mùa Chay là Chúa nhật “Laetare,” tiếng La-tinh có nghĩa là “vui mừng.” 

Niềm vui trở về trước hết được diễn tả trong Bài đọc I trích sách Giô-suê.  Dân Do Thái sau bốn mươi năm lang thang trong sa mạc, nay đã trở về Ca-na-an, mảnh đất mà Thiên Chúa đã hứa cho các Tổ phụ.  Gọi là “trở về” vì đây chính là nơi ông Áp-ra-ham và vợ mình là bà Sa-ra đã sống và an nghỉ.  Trở về với Ca-na-an, người Do Thái về đất tổ của mình.  Chính Thiên Chúa ban cho họ đất này.  Họ không còn ăn những sản phẩm nhàm chán trong cuộc lữ hành, nhưng bắt đầu làm nhà định cư và được hưởng những thổ sản của địa phương.  Niềm vui của Dân Chúa thật tràn trề khi họ trở về đất hứa. 

Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” trong Tin Mừng theo thánh Lu-ca là một trong những tuyệt tác văn chương của Kinh Thánh.  Dụ ngôn ấy vừa nói về lòng nhân hậu bao dung của người cha, vừa nêu bật niềm vui hân hoan của người con đã có thời đi hoang.  Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mang ý nghĩa đặc biệt trong Năm Thánh Hy Vọng 2025 này.  Từng chi tiết của câu chuyện có thể tìm thấy trong hoàn cảnh cuộc đời của mỗi cá nhân chúng ta.  Nói cách khác, mỗi người chúng ta có thể nhận thấy chính mình trong câu chuyện này. 

Có thể chúng ta là người con thứ đã có thời lầm lỗi, nay cảm nhận được hậu quả của tội lỗi cũng như sự sa vắng tình thương, nên trỗi dậy để quyết tâm trở về với cha mình.  Câu nói của người con thứ: “Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha, và thưa với người rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha….”  Phạm tội trước hết là đắc tội với Trời, với Thiên Chúa.  Vì Ngài là Đấng dựng nên chúng ta, đồng thời dạy chúng ta sống tốt lành.  Phạm tội cũng là đắc tội với những người thân và anh chị em đồng loại, vì tội như một thứ bệnh truyền nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực nơi môi trường sống và tác hại đến những người xung quanh.  Câu tự nhủ của người con thứ nói lên tình liên đới của con người do những hành động tốt hoặc xấu của một thành viên trong gia đình và xã hội. 

Có thể chúng ta là người con cả.  Quanh năm ngày tháng anh vẫn ở với cha mình.  Anh được coi là người hiếu thảo, tận tâm chăm lo giúp đỡ cha trong lúc tuổi già.  Nhưng nếu anh hiếu thảo với cha, thì lại ghen tương và cố chấp đối với đứa em ruột thịt của mình.  Khi người em trở về, ai cũng vui mừng phấn khởi thì anh lại buồn.  Có thể anh buồn vì người em đã làm cho gia đình khốn khổ, đó là cái buồn do sự cố chấp.  Cũng có thể anh buồn vì người em trở về sẽ đòi chia gia tài, đó là nỗi buồn do tham lam.  Dù vì lý do nào, người cha cũng không chấp nhận.  Ông luôn yêu thương cả hai đứa, đứa vẫn chăm sóc ông bấy lâu nay cũng như đứa bỏ nhà ra đi rồi đến lúc phá sản, vì đơn giản ông là NGƯỜI CHA. 

Nhân vật chính của dụ ngôn là NGƯỜI CHA.  Ông là hình ảnh của Thiên Chúa.  Chúa Giê-su kể dụ ngôn này sau khi những người Pha-ri-siêu và kinh sư xầm xì bàn tán vì thấy những người thu thuế và tội lỗi đến với Chúa và được Người đón tiếp.  Đối lại, Chúa Giê-su giảng một chuỗi ba dụ ngôn, gồm dụ ngôn con chiên bị mất; dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất; và dụ ngôn người cha nhân hậu.  Thiên Chúa là Cha của những người Pha-ri-siêu, của những người kinh sư và cũng là Cha của những người thu thuế và người tội lỗi.  Người không nỡ bỏ một ai, như lời ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ta sẽ không nhớ lại mọi tội ác nó (kẻ gian ác) đã phạm: nó sẽ sống nhờ việc công chính mà nó đã thực hành!  Chúa là Thiên Chúa phán: Có phải Ta muốn kẻ gian ác phải chết, chớ không muốn nó bỏ đàng tội lỗi và được sống ư?” (Ed 18,22-23). 

Khi cảm nhận được lòng nhân hậu bao dung của Thiên Chúa, chúng ta hãy trỗi dậy và vững tâm trở về, dù tội lỗi đến đâu.  Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Ai ở trong Đức Ki-tô, đều là tụ tạo mới!”  Nếu chúng ta tự tin và can đảm trở về với Chúa, là vì chúng ta vừa xác tín vào lòng nhân hậu của Ngài, vừa cậy nhờ vào Đức Giê-su, vì “trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (Bài đọc II). 

Thiên Chúa là Cha, đang giang rộng cánh tay đón chờ các con cái trở về.  Xin cho chúng ta được hưởng niềm vui của sự trở về, để nhờ đó chúng ta được vững tin và phó thác, tiếp tục bước đi trong hành trình hy vọng.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

LỢI KHÍ CỦA LỜI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”.

McCheyne viết cho Edwards, một tân linh mục, “Xét về độ tinh khiết và sự hoàn hảo của một dụng cụ, bạn sẽ thành công! Tuy nhiên, điều đó không đến từ những tài năng Chúa ban cho bằng việc bạn ‘nên giống Chúa Giêsu’ mỗi ngày! Giống Ngài, bạn trở nên một vũ khí khủng khiếp trong tay Thiên Chúa; bởi lẽ, bạn đã là một lợi khí của Lời!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay tiết lộ, “Việc trở nên một vũ khí khủng khiếp trong tay Thiên Chúa” là điều mà người môn đệ mọi thời phải ao ước! Giêrêmia, thời Cựu Ước; bạn và tôi, thời Tân Ước, chúng ta cần ‘mở miệng’ – nên một ‘lợi khí của Lời’ – nói cho mọi người thông điệp của trời, “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa; Người phán, ‘Các ngươi chớ cứng lòng!’” – Thánh Vịnh đáp ca.

Giêrêmia được gọi, được chọn, được sai đi tường thuật cho dân những gì Chúa nói với ông, “Ngươi sẽ nói với chúng tất cả những điều ấy!”; “Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy!” – bài đọc một. Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu trừ một quỷ câm; trước khi được chữa, người câm dường như bị quỷ chiếm hữu hoàn toàn, đến nỗi anh mất khả năng nói; nhưng sau khi được lành, anh nói rành rọt!

Với sự kiện này, chúng ta tự hỏi, rất nhiều người đang rối bời trong cuộc sống; rất nhiều người đang thấy mình đi trên một con đường không lối ra, dẫn đến lầm lạc và huỷ hoại; không chỉ mất khả năng nói, họ còn mất khả năng nghe. Tắt một lời, rất nhiều người cần nghe Tin Mừng! Bạn và tôi vẫn thản nhiên nhìn họ bị trói buộc sao? Vậy điều gì cản trở bạn và tôi nói Lời của Chúa cách cởi mở, trung thực và rõ ràng?

Vậy phải chăng chính chúng ta ít nhiều cũng bị Quỷ Câm ám? Và dẫu không chịu tác động của quỷ ở mức tương tự, chúng ta vẫn thường bị nó cản trở cách này cách khác? Nó thường tìm cách tác động theo hướng khiến chúng ta sợ hãi loan báo Lời cách tự do, chân thành và tức thời; nó luôn áp lực, khiến chúng ta bối rối, do dự mỗi khi có cơ hội. Và dù hiếm khi rơi vào quyền lực của nó hoàn toàn, chúng ta vẫn thường bị nó tác động đến nỗi mất khả năng nói. Đang khi lẽ ra, chúng ta phải nói Lời bất cứ khi nào, với bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu!

Anh Chị em,

“Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!”, đó là sứ điệp chúng ta kêu mời; nhưng trước hết, là sứ điệp gửi cho chính bạn và tôi! Mỗi ngày Chúa Giêsu ban Lời, Ngài mong chúng ta trở thành những môn đệ tín trung biết lắng nghe Lời, được Lời biến đổi, hầu trở nên một ‘Lời Giêsu’ khác. Bấy giờ, trong tay Chúa, chúng ta là một vũ khí khủng khiếp, không phải để gieo tai rắc hoạ nhưng đem cho thế giới bình an và yêu thương! Điều này không tuỳ thuộc vào khả năng Chúa ban nhưng tuỳ thuộc hoàn toàn vào việc chúng ta có nên giống Chúa Giêsu không! Bị quỷ ám, chúng ta không có khả năng nói, không muốn nói; thậm chí, không dám nói… chỉ vì chưa nên giống Chúa Giêsu. Hãy để Ngài chữa lành, sử dụng bạn như một lợi khí thánh – ‘lợi khí của Lời’ – của sự thật và tình yêu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, đừng để con giống ‘một cán bộ’ hay bất cứ ai trừ một mình Chúa. Và như thế con sẽ là một vũ khí khủng khiếp trong tay Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

FRom: Kim Bang Nguyen

**************************************

Thứ Năm Tuần III Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

14 Khi ấy, Đức Giê-su trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Đám đông lấy làm ngạc nhiên. 15 Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ.” 16 Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. 17 Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. 18 Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?… bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ. 19 Nếu tôi dựa thế Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. 20 Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông. 21 Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. 22 Nhưng nếu có người mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.

23 “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”


 

Chính Người đã mang lấy những đau khổ, đau đớn của chúng ta. (Is 53:4)- Cha Vương

Chúc bạn một ngày tràn đầy nhiệt huyết để sống đúng với tinh thần của Mùa Chay thánh. Hãy nhớ nhau trong lời cầu nguyện nhé.

Cha Vương

Thứ 4, 3MC: 26/03/2025

CHẶNG THỨ 3: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất

TIN MỪNG: Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta”. (Is 53:4)

SUY NIỆM: Ngã quỵ là dấu chỉ của sự yếu đuối mong manh. Chúa Giêsu ngã xuống đất không phải vì tội của Ngài nhưng là để dìm mình trong cát bụi cuộc đời. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:21)

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn nghĩ đến những tác hại của tội đối với Chúa và anh chị em chung quanh bạn không? Thí dụ: Kêu tên Chúa cách vô cớ, xem thường hay dùng bất cẩn danh Chúa, chúc dữ cho người khác, chửi thề người khác, hay thề hứa gian dối với người khác, không giữ lời thề hứa làm ảnh hưởng đến người khác, không thành thật trong tư tưởng lời nói việc làm, mặc cảm xấu hổ về đạo hay là người Công giáo, hoặc xấu hổ làm dấu Thánh giá hay cầu nguyện ở nơi công cộng… Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì tội lỗi của con mà Chúa phải chịu nhiều sự khốn khó và bị ngã xuống đất, xin ban ơn cho con để con biết giữ mình trong sạch cho đến chết, và đừng để con phạm tội lỗi gì mất lòng Chúa.

From: Do Dzung

***************************

Thập Giá Nói Gì – Hồng Duy (Sáng tác: Phanxico)

ĐỈNH TOÀN THIỆN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn!”.

“Khi ngu khờ, bạn muốn chinh phục thế giới; khi khôn ngoan, bạn muốn chinh phục cái tôi! Cuộc sống không được đo bằng những gì giành được, nhưng bằng nỗ lực của toàn bộ xác hồn khi bạn biết yêu như Chúa yêu. Đó là đỉnh toàn thiện!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến lề luật, khuôn vàng thước ngọc Thiên Chúa ban cho dân Ngài qua Môsê. Với Chúa Giêsu – ‘Môsê mới’ – lề luật được kiện toàn nơi chính con người Ngài. Từ đó, Ngài trở nên mẫu mực cho tất cả những ai muốn mặc lấy ‘linh hồn mới’ của lề luật, “khi toàn bộ xác hồn họ biết yêu như Chúa yêu”. Và như thế, nên giống Ngài, họ là những con người đạt đến ‘đỉnh toàn thiện!’.

Thừa lệnh Chúa, Môsê truyền cho dân các thánh chỉ, ai tuân giữ thì “Được sống và được vào chiếm hữu phần đất Chúa hứa”; “Được các dân coi là khôn ngoan và thông minh” – bài đọc một. Chúa Giêsu đến, “Không để bãi bỏ nhưng để kiện toàn”. Với Ngài, lề luật nay không chỉ được khắc trên bia đá hay trên da thuộc, nhưng được viết trong tim, chạm trong hồn; được nâng lên một tầm cao mới từ luân lý cho đến những định hướng thờ phượng. Bấy giờ, còn hơn cả việc chiếm hữu Đất Hứa, nó trở nên hồng ân giải thoát con người; từ đó, hướng tới một tầm cao mới, ‘tầm cao Giêsu’. Nói cách khác, ai giữ luật theo tinh thần của Chúa Giêsu, sẽ nên giống Ngài, nghĩa là nên thánh; và được như thế, họ đạt đến ‘đỉnh toàn thiện!’.

Với Môsê, luật phát xuất từ những lý do nhân loại như “Ngươi không được giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối…”. Với Chúa Giêsu, Ngài đưa nó đi xa hơn, cao hơn và cũng sâu sắc hơn; xa tận cõi lòng Thiên Chúa, cao tận tầm mức ân sủng. Không chỉ kêu gọi chúng ta tiến sâu hơn trong việc giữ luật, Ngài ban ân sủng để chúng ta hoàn thành chúng. Từ đó, “Ngươi không được giết người” chìm sâu vào mệnh lệnh tha thứ triệt để và tiến tới mức “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại anh em!”. Và để đạt được tầm cao đó, tiến trình này phải là một tiến trình ‘được ân sủng nâng đỡ’ liên lỉ. Có lý trí, có ước muốn mà không có ân sủng, không ai có thể đạt đến tầm cao đó.

Anh Chị em,

“Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn!”. “Chúa Giêsu kiện toàn lề luật bằng cách yêu thương chúng ta như một người say mê – không phải ở mức tối thiểu mà ở mức tối đa! Ngài không nói: “Ta yêu con đến một mức độ nào đó”. Không, tình yêu đích thực không bao giờ đạt đến một mức độ nhất định và không bao giờ thoả mãn; nó luôn vượt ra ngoài và không thể làm khác được. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điều này bằng cách hiến mạng sống trên thập giá và tha thứ cho những kẻ bách hại mình. Và Ngài đã giao phó cho chúng ta điều răn quý nhất, là hãy yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. Đây là tình yêu kiện toàn lề luật, mang lại sự viên mãn cho lề luật, cho đức tin, cho sự sống đích thực bằng việc kiện toàn lề luật, chịu lề luật bức hại đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hài lòng với những gì đạt được ở tầm thấp khi giữ luật. Giúp con khôn ngoan chinh phục cái tôi mỗi ngày để có thể vươn tới ‘đỉnh toàn thiện’, ‘đỉnh Giêsu!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*************************************

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. 18 Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. 19 Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy. (Lc 9:23)- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Truyền Tin, mừng bổn mạng đến những ai chọn Mẹ làm gương mẫu mực nhé. Mình cũng ước mong vài dòng gợi ý suy niệm chặng thứ 2 của Đàng Thánh Giá hôm nay đưa bạn đến gần với Chúa và vơi nhau hơn.

Cha Vương

Thư 3: 25/03/2025

CHẶNG THỨ 2: Chúa Giêsu vác thánh giá

TIN MỪNG: Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày và theo Thầy. (Lc 9:23)

SUY NIỆM: Hằng ngày bạn gặp hai loại thánh giá. Một loại được trang trí lộng lẫy và được treo trên đỉnh hoặc trên tường của các nhà thờ nhà hội. Ngay cả chốn bạn cư ngụ, trong xe, và trên cổ trên tai của một số người cũng có cây thánh giá nữa. Còn một loại thánh giá khác thì bạn không dễ nhìn thấy, đôi khi lúc ẩn lúc hiện trên khuôn mặt đau khổ của những người chung quanh. Bạn phải có lòng thương cảm thì mới nhìn thấy được.

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn nghĩ rằng chính bạn là cây thánh giá đang đè nặng trên vai của những người chung quanh hay không? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, gánh nặng đang đè nặng trên vai của Chúa chính là con tim chai cứng đầy ích kỷ, tham vọng, và cố chấp của con; xin cho con biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, biết khiêm nhường, nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và tha lỗi cho nhau để làm giảm bớt đi những căng thẳng đang làm tổn thương đến hạnh phúc gia đình và làm con xa lìa Chúa. Amen. 

From: Do Dzung

**************************

Thánh Ca: Nếu Con Không Vác Thập Giá – Trình bày: Ca Sĩ Như Ý

LỜI “XIN VÂNG” TRONG LỄ TRUYỀN TIN – ĐGM GB. Bùi Tuần

 ĐGM GB. Bùi Tuần

Trong ngày lễ Truyền Tin, Hội Thánh kính nhớ một biến cố quan trọng.  Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Thiên Chúa muốn chọn Đức Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Tin đó quá bất ngờ, vượt mọi suy nghĩ, mọi tưởng tượng, mọi đợi chờ.  Phản ứng của Đức Mẹ bắt đầu là bỡ ngỡ bàng hoàng lo sợ, nhưng tiếp đó là xin vâng (Lc 1, 38).  Xin vâng là xin tuân phục ý Chúa.  Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, với sự từ bỏ mình, với sự tuyệt đối phó thác đời mình trong tay Chúa.  Lập tức sau lời “xin vâng” của Đức Mẹ, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng Đức Mẹ.  Tất cả đều diễn tiến một cách âm thầm, khiêm tốn.  Từ đó “xin vâng” đã được coi như một giao ước mới, một bài ca mới, một con đường mới, của con người mới.

 Khi nói xin vâng được coi như một giao ước mới, tôi nhớ lại việc Đức Mẹ vội vã lên đường đi thăm viếng bà Ê-li-da-bét (Lc 1, 39 – 45).  Đi thăm để chia sẻ, để phục vụ, để nâng đỡ khích lệ bà Ê-li-da-bét.  Theo Đức Mẹ, thì mình được Chúa thương, là để mình biết thương người khác.  Mình được Chúa chọn cộng tác với Chúa trong việc cứu độ, thì mình phải quyết tâm dấn thân góp phần cứu độ người khác.  Mình nhận ơn Chúa ban, thì mình sẽ cố gắng chia sẻ ơn đó cho người khác.

 Thiết tưởng đó là một giao ước mới về bác ái liên đới phát sinh từ lời xin vâng.

 Khi nói xin vâng được coi như một bài ca mới, tôi nhớ lại tâm tình Đức Mẹ trong kinh Tạ Ơn “Linh hồn tôi tung hô Chúa” (Lc 1, 46 – 55).  Tâm tình Đức Mẹ là lời nói chân thành của người con bé nhỏ, đầy khiêm tốn, ngỡ ngàng biết ơn và phó thác đối với Chúa.  Tâm tình Đức Mẹ là khát vọng cứu độ tỏa ra sức nóng của tình yêu thương xót, nhưng lại khiêm nhường tế nhị đối với đồng bào, nhân loại.  Tâm tình Đức Mẹ là cái nhìn tiên tri sâu sắc của trái tim khiêm nhường về tương lai dành cho những kẻ khiêm tốn.

 Thiết tưởng đó là một bài ca mới về khiêm tốn khởi đi từ lời xin vâng.

 Khi nói xin vâng được coi là một con đường mới, tôi nhớ lại biến cố Đức Mẹ sinh Chúa Giê-su tại hang đá Bê-lem (Lc 2, 1 – 7).  Đang khi hầu hết mọi người đều coi giàu sang chức quyền danh vọng là những bậc thang giới thiệu giá trị con người, thì Đức Mẹ đã không nghĩ như vậy, đã không vận động chút nào để được như vậy.  Trái lại, Đức Mẹ đã lặng lẽ đi vào con đường khó nghèo.  Con đường đó đã khởi đi từ hang đá Bê-lem và kéo dài từng ngày, từng tháng, từng năm, suốt cả cuộc đời Đức Mẹ.  Trên con đường đó, Đức Mẹ đã cầu nguyện, đã suy gẫm trong lòng, đã lắng nghe Chúa, đã thông hiệp với sự sống Chúa.

 Thiết tưởng đó là một con đường mới về sự nghèo khó được vạch ra từ lời xin vâng.  Con đường mới đó, bài ca mới đó, giao ước mới đó đều nói lên Đức Mẹ là con người mới.  Mới về nhiều phương diện, nhưng nhất là về phương diện Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Mẹ, để đổi mới con người của Mẹ (Lc 1, 35).

 Qua việc Ngôi Hai xuống thai trong lòng Đức Mẹ, Chúa Thánh Thần đã đưa tình yêu thương xót của Thiên Chúa vào nhân loại, đã mạc khải Thiên Chúa là tình yêu, đã khai mở một nguồn mạch ơn thánh cứu độ vô cùng phong phú cho mọi người thiện chí.

 Do đó, Đức Mẹ là con người mới, là tác phẩm tuyệt vời của Chúa Thánh Linh.  Với đặc điểm là Đức Mẹ có một trái tim giống trái tim Chúa Giêsu, trong sạch, hiền lành, khiêm nhường, cháy rực lửa tình yêu thương xót.

Những chia sẻ vắn tắt trên đây có thể giúp chúng ta phần nào, để chuẩn bị mừng Lễ Truyền Tin một cách sống động sát với thời sự.

 Thời sự hiện nay, nếu nhìn về góc độ xin vâng ý Chúa, thì đó là cả một vấn đề đáng phải lo ngại.  Bởi vì có những người coi trọng ý Chúa và xin vâng ý Chúa.  Cũng có những người coi thường ý Chúa và chống lại ý Chúa.  Có những người hiểu sai ý Chúa, vô tình hoặc cố tình.  Có những người gán cho ý Chúa những ý riêng của mình.  Có những người muốn ý Chúa hợp theo ý riêng mình, cho dù ý riêng mình là quái gở.  Thời sự hôm nay là Ít-ra-en, quê hương của Đức Mẹ, đang là mảnh đất diễn ra vòng xoáy hận thù và đổ máu.  Vòng xoáy kinh hoàng này càng ngày càng mở rộng trên đất, đồng thời càng xoáy sâu vào lòng dân.  Từ mảnh đất này hằng ngày truyền đi khắp năm châu những tin đau đớn, gây nên băn khoăn nặng nề cho hoà bình thế giới.  Thời sự này làm cho rất nhiều người phải khóc, phương chi Đức Mẹ.

 Nhưng theo tôi, thời sự hiện nay quan trọng nhất chính là chuyện của bản thân ta.  Ta có lắng nghe ý Chúa không?  Và ta có xin vâng ý Chúa thực không?  Đoạn Phúc Âm sau đây sẽ gợi ý cho ta thấy rõ ý Chúa về ta trong thời sự hôm nay:

 “Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng.  Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác, bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”  “Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-e đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?  Tôi nói cho các ông biết: Không phải thế đâu.  Nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13, 1 – 5). 

Suy gẫm đoạn Phúc Âm trên, tôi có cảm tưởng là Chúa muốn báo tin cho từng người chúng ta biết rõ ý Chúa.  Đó là đừng quá bận tâm xét đoán người khác, nhưng hãy ưu tiên lo phần rỗi của mình.  Lo bằng cách sám hối ăn năn, đổi mới chính mình.  Cách đó là cách tốt nhất để góp phần vào việc cứu độ người khác.

 Chúa báo tin cho chúng ta ý Chúa là như thế đó.  Rất rõ ràng.  Ở Fatima Đức Mẹ cũng báo cho chúng ta tin đó.  Cũng rất rõ ràng.  Chúng ta hãy đáp lại bằng lời xin vâng.

 Xin vâng của chúng ta là một hành trình dài đi về với Chúa.  Hãy bước đi với những bước nhỏ.  Như hằng ngày cầu nguyện bằng kinh Kính Mừng và chuỗi Mai Khôi.  Như hằng ngày đến bên trái tim Đức Mẹ, để xin trái tim Đức Mẹ chia sẻ cho ta bầu khí thinh lặng, chiêm niệm, lửa bác ái nồng nàn và sức mạnh lạ lùng của khiêm nhường nghèo khó.  Như hằng ngày thực hiện đôi ba việc bác ái, thương cảm liên đới với những người nghèo, bệnh tật, xa Tin Mừng, bị xã hội loại trừ.  Như hằng ngày tập nói và làm những gì mang tính cách phục vụ hoà bình hiệp nhất trong yêu thương và tế nhị.  Như hằng ngày dùng lòng tin mến biến những mệt mỏi khổ đau của mình thành của lễ đền tội tạ ơn, và xin ơn an bình cho gia đình quê hương và thế giới.

 Nếu lời xin vâng của chúng ta được hiệp thông sâu sắc với lời xin vâng của Đức Mẹ, thì đây sẽ là một hy vọng mới cho tương lai bản thân ta, cho Hội Thánh ta, cho quê hương Việt Nam chúng ta, và cho tất cả nhân loại.

 ĐGM GB. Bùi Tuần

From: Langthangchieutim 


 

THUỘC ĐẤNG TOÀN NĂNG  – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”.

“Khởi đầu của lo lắng là kết thúc của đức tin! Khởi đầu của đức tin là kết thúc của lo lắng! Trước những câu hỏi “Tại sao?”, “Tại sao lại là tôi?”, bạn đừng tìm câu trả lời. Nó ‘thuộc Đấng Toàn Năng’, hãy trao nó cho Ngài! Ngài có câu trả lời!” – George Mueller.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài có câu trả lời!”, đó cũng là trải nghiệm của Đức Maria qua biến cố Truyền Tin! Câu hỏi “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?” của Maria là một câu hỏi rất nhân bản; để cuối cùng, trong đức tin, cô đã nhận được một câu trả lời, nó ‘thuộc Đấng Toàn Năng!’.

“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà!”. Sứ thần đáp lại như thế – qua đó – mời gọi Maria đừng tin vào mình, hãy tin vào Chúa; một lời đáp ‘rất quy thần!’. Và Maria đã không đặt thêm một câu hỏi nào khác ngoài việc chờ đợi và lắng nghe! Cô được yêu cầu đảm nhận chức vụ làm Mẹ Con Chúa không bằng sức mình, nhưng bằng sức mạnh của Đấng trên cô rợp bóng! Với trấn an này, Maria đầu hàng, “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần!”. Maria dành phần ưu tiên cho Chúa; ‘không thể quy thần’ hơn!

Đang khi với chúng ta, “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?” có thể ức chế, kìm hãm, bức bối; bởi lẽ, chúng ta chưa ‘thuộc Đấng Toàn Năng’. Vì quên rằng, “Khởi đầu của lo lắng là kết thúc của đức tin!” nên chúng ta loay hoay tìm câu trả lời vốn không ‘quy thần’ mà chỉ ‘quy ngã’; bởi đó, luôn bế tắc. Hãy như Đức Mẹ, quy nó về Chúa – “Khởi đầu của đức tin là kết thúc của lo lắng!” – Ngài sẽ mở ra những chân trời của Thánh Linh!

Tin Mừng cũng bàng bạc câu hỏi này, “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”. Chúa Giêsu đến xin Gioan làm phép rửa, Gioan phản ứng tương tự; trước đoàn người đang đói, các môn đệ hỏi, “Nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh?”; chính Chúa Giêsu đã hỏi Philipphê, “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn?”. Thú vị thay! Chính Thiên Chúa nhiều lần tự hỏi, “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”. Vua Cả Đất Trời làm người? Tạo Hóa trở nên tạo vật? Đúng thế, chỉ vì quá yêu thương, Ngài giữ lời, “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai… và tên con trẻ là Emmanuel” – bài đọc một. Và Ngôi Lời đã làm người! “Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài!”, những lời ‘thuộc Đấng Toàn Năng’ – bài đọc hai và Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Việc ấy sẽ xảy ra thế nào?”. Trước bao nan đề về cuộc sống: tha nhân, công việc, kể cả cám dỗ, tội lỗi – không ít lần – chúng ta cảm thấy Thiên Chúa xa vắng! Bạn và tôi bất lực khi tự đi tìm câu trả lời. Bên cạnh đó, các vấn nạn của thế giới, vấn đề của Giáo Hội, Giáo Hội địa phương; hoặc thậm chí, những gì trực tiếp liên quan đến cộng đoàn, gia đình mình. Hãy đến trường học Maria, quy về Chúa, chờ đợi và lắng nghe! “Hãy nhìn lên thập giá, một Giêsu đang giãy giụa; một Thiên Chúa hạ mình đến mức tự gánh mọi khổ đau và tội lỗi nhân loại!”. Ngài yêu cầu bạn tìm cho mình câu trả lời – không ở đâu khác – chỉ trong mối quan hệ với Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Ở đó, sẽ có câu trả lời tốt nhất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để lo lắng kết thúc đức tin của con; như Đức Mẹ, cho con biết trao cho Chúa mọi uẩn khúc đời mình!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*********************************

LỄ TRUYỀN TIN,

THỨ BA TUẦN III MÙA CHAY

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” 29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.


 

CHẶNG THỨ 1: Chúa Giêsu bị kết án tử hình – Cha Vương

Nửa đường của Mùa Chay đã qua rồi bạn ơi! Chúc mọi sự an lành đến bạn và gia đình nhé. Thiên Chúa là tình yêu. (1 Ga 4:8) Ngài không thể lặng thinh trước những nỗi thống khổ của nhân loại. Do đó qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa xuống thế làm người, Ngài mang lấy thánh giá, và chia sẻ những đau khổ của bạn. Ngài muốn biến đổi trái tim chai đá của bạn thành một trái tim bằng thịt để bạn biết rung cảm và biết chia sẻ trước sự đau khổ của người khác. Vậy trong những ngày còn lại của Mùa Chay thánh này, mời bạn cùng với mình suy niệm 14 Chặng Đàng Thánh Giá mà Con Chúa đã đi qua. Ước mong bạn dành thời gian mỗi ngày để xét mình, xin ơn hoán cải, đi xưng tội và tiến đến nguồn tình yêu bất tận của Thiên Chúa.

Cha Vương

Thư 2, 3MC: 24/3/2025

CHẶNG THỨ 1: Chúa Giêsu bị kết án tử hình.

TIN MỪNG: Tổng trấn Phi-la-tô nói tiếp: “Thế còn ông Giê-su, cũng gọi là Ki-tô, ta sẽ làm gì đây?” Mọi người đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:22)

SUY NIỆM: Nhìn vào xã hội ngày nay chuyện bất công vẫn còn xảy ra dưới nhiều hình thức, người công chính thì bị cầm tù nhạo báng còn kẻ vô luân thì lại huênh hoang hoành hành. 

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn tham gia hoặc cổ võ cho những việc làm bất chính trong môi trường sống của bạn hay không? (Tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận và trong hành động.)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giê-su, vì yêu thương con Chúa đã chấp nhận chịu xét xử và bị kết án tử hình một cách bất công để cho con được sống dồi dào trong tình yêu của Chúa, xin cho con luôn mặc lấy trái tim của Chúa, để con biết rung động và thương xót trước nỗi cơ cực của anh chị em, ngõ hầu con biết đứng về phía sự thật để trở nên chứng nhân của lòng Chúa xót thương. Amen.

From: Do Dzung

*****************************

Con Đường Chúa Đã Đi Qua – Lệ Hằng

KHOM MÌNH –  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ!”.

“Cánh cửa cuộc đời thật nhiệm mầu; nó trở nên thấp hơn một chút so với người muốn đi qua. Chỉ ai biết khom mình, người ấy mới có thể bước qua ngưỡng của nó!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

 Lời Chúa hôm nay minh hoạ ý tưởng trên, “Chỉ ai biết khom mình, người ấy mới có thể bước qua ngưỡng cửa cuộc đời!”. Thái độ biết ‘khom mình’ của tướng quân Naaman ngược hẳn thái độ “đầy phẫn nộ” của người Do Thái cùng thời Chúa Giêsu.

Naaman, một dũng tướng của vua Aram; tuy nhiên, cùng với danh vọng và quyền lực, ông phải vật lộn với bệnh phung hủi! Mã giáp của ông, trên thực tế, chỉ để che đậy một con người yếu đuối, tổn thương và tật nguyền! Naaman phải làm theo một đứa trẻ, tìm gặp người của Chúa; và ông phải khiêm tốn đến hai lần. Nghĩa là ông buộc phải nghe lời một bé gái ‘khác thường’, đi gặp một người xem ra ‘tầm thường’, làm theo một cách thức ‘lạ thường’; thế nhưng, nhờ hạ mình, ông được một phép lạ ‘phi thường’. Cuối cùng, ông đã bật lên một lời tuyên xưng không có ở đâu khác trong toàn bộ Thánh Kinh, “Nay tôi biết rằng: trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel!”. Rõ ràng, biết ‘khom mình’ là một điều kiện để hứng nhận ân huệ của Thiên Chúa vậy!

Ngược lại, trong bài Tin Mừng, dân thành Nazareth không thể tin một chàng thanh niên – từng có tên là Giêsu – con của một bác thợ mộc nghèo hèn là vị Thiên Sai. Họ cay cú với Ngài, nhất là khi Ngài cho biết, trong lịch sử, Thiên Chúa từng tỏ ra ưu ái người ngoài chứ không chỉ với người Do Thái. Họ bất bình vì họ đặt sự bảo đảm vào di sản và lời hứa của Thiên Chúa qua các tổ phụ; họ nghĩ rằng, vì là Do Thái, nên cách nào đó, Thiên Chúa phải chiếu cố họ hơn những người khác. Thiếu khiêm tốn, họ đánh mất ân huệ Chúa Giêsu mang đến; tệ hơn, đầy phẫn nộ, họ những muốn xô Ngài xuống vực!

Như vậy, sẽ là một chướng ngại lớn cho những ai không biết ‘khom mình’. Đó cũng là cách thức Con Thiên Chúa cứu độ chúng ta! Vì thế, cần thiết biết bao, để bạn và tôi nhận ra rằng, khiêm tốn, một điều kiện để múc lấy ơn Chúa! Mùa Chay, mùa lắng đọng lòng mình để nghe Lời Chúa, ngắm nhìn cách thức hành động của Ngài, Đấng huỷ mình ra không để chuộc lại chúng ta. Mùa Chay, còn là mùa khát khao Chúa; “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống!” – Thánh Vịnh đáp ca – Đấng ước mong chúng ta biết ‘khom mình’ như Ngài; qua đó, nhờ ơn Ngài, bạn và tôi cứu lấy mình, và cứu lấy những ai Chúa trao!

Anh Chị em,

 “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ!”. Cả chúng ta vốn cũng có thể mắc những sai lầm của những người đương thời với Chúa Giêsu khi quên rằng, biết ‘khom mình’ là điều kiện tiên quyết trước mọi phước huệ của Chúa! Phước huệ lớn nhất của Chúa mà chúng ta có thể lãnh nhận – đặc biệt trong Mùa Chay này – là nhận ra lòng thương xót, luôn tha thứ của Ngài; nhận ra mình ‘cùi hủi’, tội lỗi, dễ phẫn nộ và hay cay đắng! Để từ đó, thật lòng sám hối trở về; và với ơn thánh, mỗi người chúng ta được biến đổi. Đó là tất cả những gì đáng mong đợi nhất cho một đại lễ  Phục Sinh vốn sẽ không hoài phí.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con coi thường một ai! Cho con biết cúi mình trước Chúa và ‘khom mình’ phục vụ Chúa trong anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************

Thứ Hai Tuần III Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

24 Khi đến Na-da-rét, Đức Giê-su nói với dân chúng trong hội đường rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.