MỘT CÁN BỘ CAO CẤP VỀ HƯU TRỞ LẠI ĐẠO

MỘT CÁN BỘ CAO CẤP VỀ HƯU TRỞ LẠI ĐẠO

(Trích từ hồi ký “Một linh mục trong ngục tù cộng sản’’)

LỜI DẪN: Hồi cha Phêrô Đinh Ngọc Quế phụ trách Hội Legio Mariae Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, các hội viên hoạt động rất nhiệt thành. Các anh chị em này đã dẫn đưa được nhiều người trở lại đạo, trong đó có một số cán bộ lớn bé đã về hưu. Trong hồi ký của mình, Cha Quế kể một số trường hợp là cán bộ to.

Tôi cũng xin nói thêm, chính các thành viên Hội Legio này là những chiến sĩ tiên phong của Chúa Kitô trong việc truyền giáo ở An Thới Đông. Nhờ các anh chị em này cũng như nhờ Cha Chân Tín và các anh em DCCT, một vùng chiến khu của cộng sản trước 75, từ đầu năm 1990, đã dần dần trở nên một họ đạo đông đảo và sinh động của huyện Cần Giờ, ngoại thành Sài Gòn.

***

Một ông cán bộ cao cấp, tren 40 năm tuổi đảng, nhờ anh chị em Legio kiên trì làm việc, đã trở lại đạo. Chính tôi được diễm phúc đến tận nhà Rửa Tội và Thêm Sức cho ông, hợp thức hóa hôn nhân cho ông, dâng Thánh Lễ Tạ Ơn để cho ông cùng gia đình được rước Mình Thánh Chúa. Khi rửa tội cho ông tôi hỏi: Cụ xin gì cùng Hội Thánh Chúa? Cụ thưa:

-Thưa “Đức Cha” , “Đức Cha” rửa tội cho tôi để tôi có sức phục vụ Chúa, Đảng và Nhà Nước.

Mọi nghi lễ được tiến hành tuần tự. Trước khi chính thức đổ nước Rửa Tội cho cụ, tôi, một lẫn nữa, lại hỏi ý muốn của cụ:

-Thưa Cụ, cụ có muốn cho tôi Rửa tội cho cụ không?

Ông cụ rất chững chạc nói lớn:

-Thưa “Đức Cha”, xin “Đức Cha” rửa tội cho tôi để tôi thêm sức phục vụ Chúa, Đảng và Nhà Nước.

Tôi đã đổ nước trên đầu cụ và Thêm Sức cho cụ, đã hợp thức hóa hôn nhân và dâng lễ Tạ Ơn để cụ rước lễ.

Mọi sự diễn biến tốt đẹp. Anh em Legio cùng với gia đình dọn một bữa tiệc nhỏ để mừng ông cụ. Vì sợ đang đau và sợ cụ mệt, nên gia đình định dọn cơm trên giường cho cụ. Nhưng lạ thay, cụ nhất định phải ăn cơm chung, đòi ngồi bên “Đức Cha” để tiếp “Đức Cha” mới được. Cụ nói, cụ cười, cụ đã trở nên như con trẻ. Tinh thần của cụ lúc này thật thoải mái vì cụ đã làm con của Chúa. Cụ cứ lặp đi lặp lại hoài: “Đời tôi chưa bao giờ hạnh phúc như ngày hôm nay. Cám ơn “Đức Cha”, cám ơn anh chị em. Anh chị em nhớ đến thăm tôi luôn nghe.”

Sau này tôi được biết, Rửa tội cho cụ rồi, cụ đổi hẳn tính tình. Trước kia hay gắt gỏng, chửi bới vợ con. Bắt vợ con phải cung phụng, không được thì đập phá. Chửi cả Đảng và Nhà Nước, vì đã cướp công của cụ. Bao nhiêu năm theo cách mạng, rất nhiều thành tích, nhưng giờ đây về hưu, già cả, bệnh tật, hàng tháng Nhà Nước chỉ cấp dưỡng cho mấy chục ngàn (VN). Nhưng bây giờ rửa tội xong, cụ trở nên hiền hòa, gia đình vui hẳn lên. Ai cũng tỏ ra quí mến cụ. Cám ơn Chúa về công việc Chúa đã làm!

(Lm. Phêrô Đinh Ngọc Quế, Hồi ký Một linh mục trong ngục tù cộng sản, trang 33-35. Trích đăng với sự ban phép của Cha Phêrô Bùi Quang Tuấn, Bề Trên Giám Phụ Tỉnh DCCT Hải Ngoại.)

***

LỜI BÀN: Ông cán bộ mà cha Quế kể ở đây có lẽ thuộc thế hệ những người đầu tiên ở VN theo cộng sản và thuộc loại cộng sản “chân chính.” Lớp người này về hưu hồi những năm 80-đầu 90 của thế kỷ trước, khi chế độ cộng sản chưa thành “tư bản đỏ” như hiện nay. Lớp cán bộ này phần lớn thường khá nghèo khi đương chức cũng như khi về hưu, vì thế ở Hà Nội hồi thập niên 80 mới có câu: “Đầu đường đại tá vá xe/ Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen”.

Hồi tôi ở Hà Nội cuối những năm 80 tôi thường thấy khá đông các cán bộ này tụ tập ở bờ hồ Tây, khu vực cổng Đền Quan Thánh và nhất là cổng Chùa Trấn Quốc và hay được nghe họ kể chuyện xưa và chửi chế độ. Đây là câu vè tự thú tổng kết cuộc đời họ: “Ăn như tu. Ngủ như tù. Nói như lãnh tụ. Đến khi về già mới biết mình Ngu! Ngu! Ngu!”

Roma 08.07.2021

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT

KHÁNG CỰ TÌNH YÊU

KHÁNG CỰ TÌNH YÊU

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Làm người thật không hề đơn giản.  Chúng ta thường là một bí ẩn với ngay chính bản thân mình, thậm chí là kẻ thù tồi tệ nhất của mình.  Sự phức tạp nội tâm làm trì trệ, và còn cản trở chúng ta.  Và chúng ta thấy điều này thật nhất trong nỗ lực vì tình yêu và sự mật thiết.

Chúng ta khao khát sự mật thiết hơn bất kỳ điều gì, khao khát được chạm đến nơi dịu dàng nhất của mình, nơi chúng ta được là chính mình nhất, nơi chất chứa những gì quý giá nhất, mỏng manh nhất, và khắc khoải nhất của chúng ta.  Nhưng khi thực sự đối diện với sự mật thiết, những người nhạy cảm thường trở nên bất an và kháng cự.

Chúng ta thấy hai ví dụ rất rõ trong Phúc âm.  Thứ nhất là câu chuyện có cả trong bốn Phúc âm, kể về một người phụ nữ đi vào phòng nơi Chúa Giêsu đang dùng bữa, và đập vỡ một lọ dầu thơm đắt giá, đổ lên chân Chúa, rửa chân Ngài bằng nước mắt, rồi lấy tóc lau khô, và hôn chân Ngài.  Trừ Chúa Giêsu, những người trong phòng đã có phản ứng thế nào?  Khó chịu và phản đối.  Chuyện này không được xảy ra!  Mọi người ngoảnh mặt đi trước sự bày tỏ nguyên sơ của tình yêu, và Chúa Giêsu phải thách thức họ nhìn thẳng vào nguyên cớ gốc rễ của sự khó chịu đó.

Trong đó, Chúa chỉ ra rằng họ khó chịu với những gì nằm ở trọng tâm cuộc sống và trọng tâm những khát khao thâm sâu nhất của họ, chính là sự trao đi và đón nhận thuần túy trước tình yêu.  Chúa Giêsu xác nhận, đây chính là mục đích chúng ta sống và đây là cảm nghiệm chuẩn bị cho chúng ta đi đến cái chết.  Đây là mục đích sống của chúng ta.  Đây cũng là điều chúng ta mong mỏi nhất?  Vậy tại sao chúng ta lại quá khó chịu và kháng cự khi thật sự đối diện với nó trong đời?

Ví dụ thứ hai là trong Phúc âm theo thánh Gioan, khi Chúa Giêsu cố rửa chân cho các môn đệ.  Theo thánh Gioan kể lại, Chúa Giêsu đứng dậy khỏi bàn, thắt tà áo, lấy chậu và khăn, rồi bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.  Nhưng đáp lại là một sự khó chịu và kháng cự, thánh Phêrô nói rõ ràng rằng: “Không bao giờ!  Thầy không bao giờ rửa chân cho con!”

Tại sao lại thế?  Tại sao lại kháng cự?  Tại sao lại kháng cự khi đối diện với điều mà chắc chắn là Phêrô khao khát vô cùng, đối diện với sự mật thiết với Chúa Giêsu.

Trả lời cho câu hỏi về những đấu tranh với sự mật thiết trong hai bối cảnh này, cho chúng ta thấy ra lý do vì sao thỉnh thoảng chúng ta trở nên khó chịu và kháng cự khi thực sự đối diện với điều chúng ta khắc khoải mong mỏi.  Bàn chân của chúng ta là sự mật thiết quá mức, chúng là một phần thân thể dễ dơ bẩn và bốc mùi, không phải là phần chúng ta thấy thoải mái để người khác chạm đến.  Khi có ai đó chạm đến và rửa cho, chúng ta có cảm thấy một sự mỏng manh, khó khịu và hổ thẹn mơ hồ.  Mật thiết cần sự thả lỏng thanh thản, mà đôi khi tính mỏng manh của chúng ta không thể chấp nhận.

Nhưng sự kháng cự của Phêrô cũng nói lên một điều khác, dễ thấy hơn.  Nếu lành mạnh và nhạy cảm, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy một sự khó chịu và kháng cự trước một món quà quá thẳng thắn, một sự mật thiết quá thẳng thắn, và cả lòng biết ơn quá thẳng thắn nữa.  Và trong khi rõ ràng chúng ta phải cố gắng để vượt qua chuyện đó, nhưng đó không phải là một lỗi phạm, một sai sót tinh thần hay thể lý của chúng ta.  Ngược lại, nó là một biểu hiện bình thường, là dấu hiệu của sự nhạy cảm tinh thần và thể lý.

Tại sao tôi lại nói thế?

Tại sao khi có điều gì đó dường như ngăn chúng ta tiến tới điều căn bản của cuôc đời, lại không phải là chuyện gì sai trái trong chúng ta?  Tôi cho rằng nó không phải là một sai lỗi nhưng là một cơ chế lành mạnh trong chúng ta, bởi những người ái kỷ và vô cảm, thường miễn nhiễm với sự khó chịu và kháng cự này.  Sự ái kỷ khiến họ không còn biết xấu hổ, và sự vô tâm khiến họ dễ dàng thoải mái với sự mật thiết, cũng kiểu như một người đã quá chán tình dục nên chẳng thấy khó chịu gì khi xem phim khiêu dâm, hay như một người xem mật thiết như là chuyện mình dĩ nhiên phải có, dù là do ngẫu nhiên hay chiếm đoạt.  Trong trường hợp này, họ chẳng thấy hổ thẹn hay khó chịu gì, bởi họ không có sự mật thiết đích thực.

Ngược lại, những người nhạy cảm thì đấu tranh với sự thẳng thừng của mật thiết, bởi họ biết, sự mật thiết đích thực, cũng như thiên đàng, không phải là chuyện chóng qua hay thứ dễ đạt được.  Mà mật thiết là cuộc đấu tranh cả đời, một cuộc trao đi và nhận lãnh với nhiều biến cố, một cuộc trốn và tìm, mở ra và kháng cự, ngây ngất và cảm thấy mình không xứng đáng, chấp nhận và lại cố gắng không thực sự từ bỏ, một sự vị tha vẫn còn dư vị ích kỷ, một sự ấm áp đôi khi trở nên lạnh lẽo, một sự dấn thân vẫn có điều kiện, và một hy vọng nỗ lực để đứng vững.

Mật thiết không như thiên đàng.  Mà là sự cứu rỗi.  Là Nước Trời.  Do đó cũng như Nước Trời, con đường đến và cánh cửa vào thì nhỏ hẹp và không dễ tìm thấy.  Nên chúng ta hãy ân cần, nhẫn nại và tha thứ cho người khác và cho bản thân mình, khi trên đường đấu tranh tìm sự mật thiết.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

LẤY LÀM LẠ VÌ HỌ KHÔNG TIN

LẤY LÀM LẠ VÌ HỌ KHÔNG TIN

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Sau khi cho chúng ta chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu mạnh hơn cả cái chết, thánh Maccô đưa chúng ta đi theo Người về nơi quê quán là Nadarét.  Tiếng đồn về Đức Giêsu đã vang khắp nơi, lôi kéo người bốn phương tìm đến với Người (Mc 3, 7-8), nay về thăm quê, chúng ta tưởng rằng Đức Giêsu sẽ được dân làng đón tiếp linh đình, kèn trống râm ran, như cảnh “trạng về làng vinh quy bái tổ.”  Chuyện diễn ra không như chúng ta nghĩ.  Tuy về quê quán của mình, nhưng Người cũng chờ đến ngày Sabát mới vào hội đường rao giảng.  Phản ứng đầu tiên của dân làng là “rất đỗi ngạc nhiên.”  Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế?  Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao?  Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?”  Thế ra họ cũng đã nghe biết về những phép lạ Người làm ở khắp nơi.  Họ rất đỗi ngạc nhiên.  Nhưng họ bỗng như bị xối nước lạnh lên đầu, khi họ nhìn thấy thân nhân của Người ngồi chung quanh họ trong cùng một hội đường.  Thân nhân đã từng bị kích động vì dư luận, cho rằng Người đã mất trí và họ đã kéo nhau đi bắt Người về (Mc 3, 20-21.31-32), nhưng đã về tay không.  Nhìn mặt Người thì vẫn là mặt bác thợ con bà Maria, từng làm thuê cho họ.  Nhìn quanh, họ thấy anh em, chị em, bà con của Người, những người vẫn chen vai sát cánh với họ hàng ngày, trong cái làng quê nhỏ bé mà ai cũng biết mọi người, mọi nhà.  “Và họ vấp ngã vì Người.  Đức Giêsu phải ngao ngán nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.”  Quả như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh.  Kết cục: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay lên trên một bệnh nhân và chữa lành họ.”  Lại như một câu tục ngữ Việt Nam: “Bụt nhà không thiêng; “người phụ nữ” đã được Người tuyên dương: “Lòng tin của con đã cứu chữa con;” ông trưởng hội đường đã được Người khích lệ: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!” còn dân làng Nadaret thì Người cũng phải “lấy làm lạ vì họ không tin.”  Thế là chuyến thăm quê cũ chẳng có gì phấn khởi. (x. Tĩnh tâm với sách Tin mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan).

Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 13,53-58; Mc 6,1-6; Lc 4,14-39) đều thuật lại câu chuyện Đức Giêsu không được tiếp đón tại quê nhà và Ngài đều nói đến ý tưởng: “Ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình” (Ga 4,44).  Nhưng mỗi Tin Mừng thuật lại câu chuyện với các chi tiết khác nhau và đặt trong những bối cảnh văn chương khác nhau.  Tin Mừng Máccô đặt trình thuật “Đức Giêsu bị rẻ rúng tại quê hương mình” (Mc 6,1-6) sau trình thuật “Đức Giêsu chữa lành người đàn bà bị băng huyết và cho con gái ông Giaia sống lại” (Mc 5,21-43).

Quê hương Nadaret của Chúa Giêsu chẳng là trái ngọt nhưng là trái đắng với vị chát chối từ, và chua cay thành kiến.  Dẫu vậy Ngài không than van, không giận dữ hay oán trách quê nhà.  Ngài vẫn hiện diện thật hiền lành và khiêm hạ để đón nhận thực tế.  Quê hương là “chùm khế ngọt” của mỗi con người.  Nhìn về quê hương Nadaret của Chúa Giêsu, thật khác lạ.  Ngài trở về quê mà không được dân làng ủng hộ, trái lại họ đã xem thường Ngài và xúc phạm đến Ngài.  Tại sao?

Bởi lẽ, họ tìm về nguồn gốc thì chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon.”  Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nadaret này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, mấy ai quan tâm đâu!  Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, đi từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cày bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội.  Có bao giờ thấy ông ấy nói năng, làm được gì hay lạ đâu?  Ông ấy bỏ quê nhà đi một thời gian, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế nhỉ?  Một quá khứ và hiện tại như vậy đã khiến họ vấp phạm.  Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.

Dân làng Nadaret quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu.  Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài, họ lấy lý lịch để thẩm định về Ngài.  Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch.”  Chính Nathanael cũng còn mang nặng quan niệm thành kiến đó: “Nadaret có cái gì tốt đâu?” (Ga 1,46).  Những người Do thái cố chấp nhìn Đức Giêsu bằng lăng kính của thành kiến quê hương và họ đã đưa Ngài lên ngọn đồi và định xô xuống vực.

Đức Giêsu “ngạc nhiên vì sự không tin của họ.”  Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.  Dân làng Nadaret “vấp ngã vì Người,” họ không chấp nhận, họ không thể tin vào Đức Giêsu.  Ngài mạc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của mình qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ, nhưng họ lại chỉ bám lấy thành kiến cố hữu.  Chính thái độ bám ghì lấy, không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn nên họ không thể nhận biết Đấng Thiên Sai đang ở giữa họ.  Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin.

Dân làng Nadaret không tin vì thành kiến.  Họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo trong những định kiến hẹp hòi.  Vì thế, họ không thể thấy được những chân trời rộng lớn và mới mẻ mà Đức Giêsu mở ra cho họ.  Có ai ngờ Đấng Cứu Thế lại là người đơn sơ, khiêm hạ như thế.  Đức Giêsu không sống như một siêu nhân, Ngài sống bình dị như mọi người trong mọi thực tại hằng ngày của cuộc sống gia đình.

Những người đồng hương của Đức Giêsu thật “dại”, thay vì “một người làm quan cả họ được nhờ” nhưng họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng.”  Thành kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến người ta không ít lần rơi vào sai lầm khi nhìn đến tha nhân.

Thành kiến là ý kiến có sẵn từ lâu trong đầu óc, không thay đổi được.  Thành kiến có thể là của cá nhân hay của tập thể.  Nếu là của tập thể thì nó tích tụ từ lâu đời qua nhiều thế hệ và hầu như không thể thay đổi được.  Thành kiến là những nếp suy nghĩ, quan điểm, niềm tin chủ quan sẵn có, thường là tiêu cực đối với một người, một nhóm người dựa trên lối sống, nghề nghiệp, quan điểm chính trị, màu da, sắc tộc, quốc tịch, tôn giáo, giới tính…  Thành kiến thường được định hình trong con người theo thời gian, từ trải nghiệm của bản thân, do được tuyên truyền, do thế hệ trước truyền lại, do môi trường sống.  Thành kiến là một chứng bệnh di truyền kinh niên bất trị của con người, không ai thoát khỏi.

Thành kiến là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán mọi người mọi vật theo những quan niệm làm sẵn, có sẵn trong đầu óc, nhất là khi những tư tưởng có sẵn đó lại sai lạc, thì có thể đưa đến những hậu quả sai lầm hoặc nguy hại.  Ai đeo kính đen nhìn cái gì cũng tối tăm; lưỡi đắng ăn gì cũng đắng; lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ.  Yêu nên tốt, ghét nên xấu.  Yêu nhau yêu cả đường đi.  Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng.  Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác.

Thành kiến làm cho người ta mù quáng, không nhận định khách quan nên khó có thể đối thoại, cởi mở với người khác, không nhìn thấy cái hay cái tốt nơi tha nhân.

Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng sự kiện dân làng Nagiarét ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu rao giảng trong hội đường, và kết thúc bằng sự ngạc nhiên của Chúa khi Ngài thấy họ không tin.  Làm sao họ không ngạc nhiên được khi lời rao giảng và những dấu lạ Ngài làm tỏ rõ Ngài là Đấng đầy quyền năng và khôn ngoan?  Thế nhưng, sự ngạc nhiên ấy không đủ để thay đổi thành kiến của họ về Ngài.  Họ không thể chấp nhận một bác thợ bình thường, là người đồng hương họ quen biết, lại là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến.  Và càng không thể chấp nhận được một con người như Ngài lại cả dám tự xưng mình là Con Thiên Chúa, là Đấng Kitô.  Hạnh phúc được tin vào Đức Kitô, đáng lẽ họ nhận được lại bị mất vì một thành kiến.

ĐTC Phanxicô kêu gọi mọi thành phần trong Hội Thánh “không bao giờ đóng kín nơi chính mình, không bao giờ lui về nơi an toàn của mình, không bao giờ chọn thái độ cố chấp hay tự vệ.  Nó hiểu rằng nó phải gia tăng sự hiểu biết Tin Mừng và nhận ra các đường lối của Thần Khí, vì vậy nó luôn luôn làm bất cứ điều tốt lành nào có thể, dù trên đường đi, chân nó có thể bị lấm bùn” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 45).

Đức Maria được ca tụng là có phúc vì đã tin (Lc 1,45).  Chúng ta cũng thật có phúc vì đã tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và là Đấng Cứu Thế của nhân loại.  Đức tin là ân huệ quý giá nhất trong cuộc đời, nhờ đó, mọi việc, dù nhỏ bé, âm thầm đến đâu, vẫn có ý nghĩa và có thể đem lại niềm vui, bình an cho cuộc đời.

Mỗi ngày mới, chúng ta hãy bày tỏ lòng tri ân Chúa đã thương ban cho mình ơn đức tin qua đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ.

Lạy Chúa Giêsu, con cảm thấy hạnh phúc khi đi theo Chúa, khi làm môn đệ Ngài.  Xin Chúa giúp con sống tốt tư thế môn đệ ấy.  Xin giúp con luôn quảng đại và khiêm tốn trong lời nói, trong những nhận định về nhau và nhất là xin cho con nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi anh chị em con.  Amen!

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

From: Langthangchieutim

QUYỂN KINH THÁNH

QUYỂN KINH THÁNH

Bác sĩ giải phẫu Soren Edwards ở Erin, Tennessee, kể về một bệnh nhân của ông là bà Blanche Bennet. Chồng bà nghiện rượu và qua đời bỏ lại bà hai con với đủ mọi vấn đề, tài chính thiếu thốn, cuộc sống khó khăn. Bà không tin vào Thiên Chúa.

Một ngày kia, bà đến gặp bác sĩ Edwards vì một vài vấn đề trong cơ thể bà. Bác sĩ chuẩn đoán bà bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Vi khuẩn đã lan ra nhiều nội tạng. Bà rất cay đắng vì bác sĩ nói rằng không có cách nào để chữa bệnh cho bà. Là một trong nhóm cầu nguyện Cursilo . Bác sĩ Edwards muốn nói về Thiên Chúa với bà, nhưng bà không cho ông chia sẻ. Tuy nhiên, bà chấp nhận mang về một quyển Kinh Thánh Tân Ước .

Một vài tuần sau, khi biết tin bà qua đời thông qua cáo phó trên báo, bác sĩ gửi thiệp chia buồn tới gia đình bà và nói với họ rằng ông đã tặng cuốn Kinh Thánh Tân Ước để tưởng nhớ bà.

Con gái của bà gọi ông. “Bác sĩ có thể gửi cho tôi một quyển Kinh Thánh giống như những quyển mà ông tặng để tưởng nhớ mẹ tôi không?” Cô ta hỏi. “Nhà chúng tôi không có Kinh Thánh. Sáu ngày trước khi mẹ tôi mất, cuộc đời bà đã biến đổi hoàn toàn. Bà không cay đắng nữa, bà không sợ chết, và bà nói cái gì đó về việc nhận biết Chúa Giêsu Kitô . Nhưng vì bà dặn chúng tôi phải chôn quyển Kinh Thánh chung với bà, nên chúng tôi chẳng còn quyển sách nào để đọc cả. Bác sĩ có thể gửi cho chúng tôi một quyển Kinh Thánh để chúng tôi có thể tìm kiếm những gì mà mẹ đã tìm được từ quyển sách ấy không?” Bác sĩ Edwards gửi cho họ một quyển Kinh Thánh và kết quả là 2 người con của bà đã chịu phép Thanh Tẫy để trở thành con cái Thiên Chúa.

ST.

HAI CUỘC ĐỔI ĐỜI

HAI CUỘC ĐỔI ĐỜI

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Hôm nay chúng ta mừng kính thánh Phêrô và Phaolô tông đồ.  Các ngài là cột trụ của Hội Thánh.  Các ngài là những viên đá tảng, đá quý để xây dựng toà nhà Hội thánh vững chắc và toả rạng cho khắp năm châu.

Các ngài là cột trụ của niềm tin cho toàn thể Hội thánh.  Một niềm tin không gì có thể lay chuyển đến nỗi “ma quỷ cũng không thắng nổi.”  Một đức tin can trường đến nỗi dầu có chịu nhiều thiệt thòi, dầu có phải trải qua những gian truân cùng khốn: tù đầy, đói rét hay phải bôn ba rày đây mai đó, phải vượt qua biết bao phong ba bão tố, các ngài vẫn vui lòng chấp nhận vì được thông phần đau khổ với Thầy Giêsu.

Hai con người này tuy được sự giáo dục khác nhau, và hấp thụ hai nền văn hoá khác nhau, nhưng họ lại đi chung một đường, và cùng chung một lý tưởng.  Cuộc đời các ngài đều phải lội ngược dòng để làm lại cuộc đời, để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với niềm tin của mình.

Thực vậy, nhìn vào đời sống hai trụ cột của Hội thánh, chúng ta thấy: một Phêrô đã từng sa ngã.  Ông đã từng can ngăn không muốn cho Chúa nộp mình chịu chết.  Ông đã đi đến tận tùng của sa ngã là hành vi chối Chúa đến ba lần trong cùng một đêm.  Một Phaolô đã hăng say lùng bắt các môn đệ của Chúa.  Chính ông đã đồng loã với những người quá khích ném đá vị tử đạo đầu tiên là Stephano.  Thế nhưng, ý Chúa nhiệm mầu.  Tình yêu của Chúa đã thắng vượt những yếu đuối của Phêrô và Phaolô.  Chúa đã dùng muôn nghìn cách để đổi đời các ngài.  Chúa đã tạo cho các ngài cơ hội để chuộc lại lỗi lầm.  Chúa đã nói cùng Phêrô: “một khi con trở lại hãy củng cố đức tin của anh em con.”

Theo Thánh Kinh kể lại: Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô, Ngài biết hết!  Phêrô chột dạ.  Phêrô nhớ lại lời Thầy: “Nội trong đêm nay, trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần.”  Tức thì, Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn nặng trĩu, một cái gì đó đã chết trong ông.  Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức.  Còn lời nào biện mình cho hành động hèn nhát của ông.  Còn đâu lời khẳng khái: “mọi người có bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ.”  Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, hèn yếu và rất dễ sa ngã.  Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã “đổi mới” tâm hồn Phêrô.  Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Còn Phaolô thì sao?  Sau khi ngã ngựa đau đớn bởi một luồng sáng chói loà.  Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày.  Nhưng thật ra, tâm hồn ông lại sáng.  Ông đang thấy và thấy rất rõ.  Đó là Đức Giêsu, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.  Đó là sự thật mà ông phải chấp nhận.  Một sự thật mà từ nay ông phải làm chứng về những điều đã nghe, đã thấy, và đã biết.

Vâng, có thể nói, nhờ sự đổi mới cuộc đời của Phêrô và Phaolô mà cả thế giới được đổi mới.  Văn hoá Kitô giáo đã làm mới lại bộ mặt địa cầu.  Có thể nói ở đâu đó vẫn có những người chưa tin vào Chúa nhưng họ đã được thấm nhuần văn hoá Kitô giáo, vẫn còn có những người được đổi mới cuộc đời nhờ vào lời Chúa và sức mạnh của Tin Mừng.  Ở đâu đây vẫn còn những tâm hồn thất vọng, lầm than nhưng họ đã bừng lên niềm hy vọng nhờ những giá trị tin mừng mà Kitô giáo mang lại cho họ.

Mừng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp nối truyền thống của các tông đồ mang Tin Mừng đến khắp cùng trái đất.  Mỗi người chúng ta cũng là những viên đá sống động, góp phần xây dựng toà nhà Hội thánh.  Dù nhỏ bé, yếu hèn và bất lực, nhưng Chúa sẽ dùng tuỳ theo nhu cầu của Ngài.  Chính Ngài sẽ đổi mới cuộc đời chúng ta bằng ân sủng và tình thương của Ngài, để nhờ đó chúng ta cũng có khả năng đổi mới môi trường chúng ta đang sống.  Đồng thời chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn cho Đức Thánh Cha, cho các giám mục là những Đấng kế vị thánh Phêrô và các tông đồ.  Xin Chúa ban thêm sức mạnh, nghị lực và ơn khôn ngoan, để các ngài luôn là điểm tựa cho niềm tin của chúng ta. Amen!

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

THƯ CỦA MỘT LINH MỤC HẤP HỐI GỬI CHO CHÚA

THƯ CỦA MỘT LINH MỤC HẤP HỐI GỬI CHO CHÚA

“Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời.  Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con…”

Cha José Luis Martín Descalzo người Tây Ban Nha, một phóng viên, một nhà văn, cũng là con út trong một gia đình công giáo đạo đức gồm bốn anh chị em.  Ngài tốt nghiệp khoa Lịch Sử và Thần Học của Đại Học Giáo Hoàng Grêgôriô tại Rome, thụ phong linh mục năm 1953.  Ngài làm việc trong tư cách giáo sư và giám đốc tại một công ty kịch nghệ; và trong thời gian diễn ra Công Đồng Vaticano II, cha José Luis Martín Descalzo là một thông tín viên.

Là một nhà báo, cha José đã điều hành nhiều tạp chí khác nhau và một chương trình truyền hình.  Ngài đã viết nhiều tác phẩm văn chương, một số được biết đến nhiều nhất là “Cuộc Đời và Mầu Nhiệm Của Chúa Giêsu thành Nazareth”, “Những Lý Do Để Sống”, “Những Lý Do Để Hy Vọng”, “Những Lý Do Để Yêu Thương” và “Những Lý Do Cho Đời Sau”, vốn tích hợp nhiều đề mục liên quan đến các biến cố thực và cuộc sống thường ngày.

Cha José Luis Martín Descalzo đã dâng trọn đời mình cho thiên chức linh mục; ngài nguyện trung thành với ơn gọi một cách đơn sơ nhưng sâu lắng.  Từ lúc còn trẻ, trải qua những cơn đau tim và thận suy nghiêm trọng, ngài đã phải lọc máu nhiều năm.  Sống trọn vẹn những giờ khắc hiện tại Chúa ban, Ngài không ngừng toả lan niềm hy vọng cho đến lúc lìa đời tại Madrid ngày 11 tháng 6 năm 1991.  Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu bài viết cuối cùng của ngài trước khi ngài ra đi, đó là một lá thư gửi cho Thiên Chúa, chất chứa những tâm tình quý giá đáng cho chúng ta nghiền ngẫm và chia sẻ.

“‘Con cám ơn Chúa’, những lời này sẽ gói trọn tất cả những gì con muốn gửi đến Ngài, lạy Thiên Chúa, tình yêu của con; bởi lẽ, đó cũng là tất cả những gì con muốn thưa lên cùng Chúa, ‘Cám ơn Chúa’, ‘Cám ơn Chúa’.  Đứng từ chỏm núi cao nhất của 55năm đời mình, con nhìn lại và dường như không thấy gì khác ngoài những dãy núi trùng trùng điệp điệp bất tận của tình yêu Chúa.  Lịch sử đời con, chẳng chỗ nào lại không được rọi sáng bởi lòng thương xót Chúa dành cho con; ở đó, đã không một giây phút nào mà con đã không nghiệm ra một sự hiện diện yêu thương đầy tình phụ tử của Chúa đêm ngày chăm bẵm linh hồn con.

Ngay mới hôm qua, một người bạn vừa nghe biết vấn đề sức khoẻ của con gửi cho con một bưu thiếp; trong đó, đầy phẫn nộ, cô bạn viết cho con những lời này, “Một sự giận dữ lớn lao xâm chiếm toàn thân con, và con đã nổi loạn với Chúa vì đã để cho một người như cha phải khốn khổ.” Một điều gì đó thật đáng thương!  Cảm xúc nơi cô đã khiến cô mù loà để không trông thấy sự thật. Đó là đang khi con chẳng còn quan trọng gì so với bất cứ ai, thì trọn đời con đã là một chứng từ cho sự sống và niềm tin.  Suốt 55 năm đời con, con đã đau khổ hơn nhiều lần dưới bàn tay người đời; bao lời nộp rủa và sự vô ơn cũng như cô đơn và hiểu lầm.  Vậy mà, từ nơi Ngài, con đã không nhận được gì khác ngoài những cử chỉ âu yếm bất tận, kể cả cơn đau sau cùng của con.

Trước hết, Chúa cho con sự sống, kỳ diệu thay con được làm người, để con vui thoả cảm nhận sự mỹ miều của thế giới. Cho con niềm vui trở nên một phần của gia đình nhân loại; cho con vui sướng vì biết rằng, cuối cùng, khi con đặt mọi sự lên bàn cân thì những vết cắt, những thương tích luôn luôn ít hơn tình yêu lớn lao mà cũng chính những con người đó đã đặt lên đĩa cân bên kia của đời con. Dường như con khá may mắn hơn những người khác thì phải. Có thể.  Nhưng giờ đây, làm sao con có thể vờ vịt làm một kẻ bị đọa đày của nhân loại khi biết chắc một điều là, con đã được đỡ nâng và cảm thông nhiều hơn là những khó nhọc.

Hơn thế, cùng với quà tặng làm người, Chúa còn cho con quà tặng đức tin.  Ngay từ thời thơ ấu, con cảm nhận sự hiện diện của Ngài hằng bao bọc con; với con, xem ra Chúa thật dịu hiền.  Nghe đến danh Ngài, con chẳng hề sợ hãi bao giờ.  Linh hồn con, Chúa đã trồng vào đó những khả năng phi thường: khả năng nhận thức, con đang được thương yêu; khả năng cảm biết, mình đang được cưng chiều; khả năng trải nghiệm sự hiện diện mỗi ngày của Chúa trong từng giờ khắc lặng lẽ trôi.  Con biết, vẫn có một ít người nguyền rủa ngày họ chào đời, họ thét lên với Chúa rằng, họ không cầu xin để được sinh ra; con cũng chẳng cầu xin điều đó, vì trước đó làm gì có con.  Nhưng nếu con biết đời mình là gì, hẳn con vẫn sẽ van nài cho được hiện hữu, một sự hiện hữu như Ngài đang ban cho con.

Con thiết nghĩ, vẫn là tuyệt đối cần thiết để được sinh ra trong mái gia đình mà Chúa đã chọn cho con.  Hôm nay con sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì con sở hữu chỉ để được lại ba mẹ và anh chị em con như con đã được.  Tất cả họ là những chứng nhân sống động cho sự hiện diện của tình yêu Chúa; qua những người thân yêu đó, con dễ dàng học biết Chúa là ai.  Nhờ họ mà việc kính mến Chúa yêu thương người của con nên dễ dàng hơn rất nhiều.  Thật vô lý nếu không yêu mến Chúa cũng như không dễ gì để có thể sống đắng cay.  Hạnh phúc, niềm tin và lòng tín thác tựa hồ món bánh kem mà mẹ con luôn luôn dọn sẵn sau bữa cơm chiều, một món gì đó gần như chắc chắn không thể không có; hôm nào không có bánh kem thì thật đơn giản, chỉ vì không có trứng chứ không phải tình yêu đang thiếu đi. Con cũng học biết rằng, đau khổ là một phần của cuộc vui; đau khổ không phải là một lời nguyền rủa nhưng là một phần cho cái giá của sự sống, một điều gì đó vốn không bao giờ đủ để lấy mất niềm vui của chúng con.

Nhờ tất cả những điều ấy, giờ đây con cảm thấy thẹn thùng khi nói lên và rằng, cơn đau không làm con đau, đắng cay không làm con cay đắng.  Được như thế, không phải vì con can trường nhưng đơn giản chỉ vì ngay từ tấm bé, con đã học nhìn ngắm những khía cạnh tích cực của cuộc sống và tập bước đi trong những vùng tối tăm; để rồi khi chúng ập đến, chúng không quá tăm tối nhưng chỉ hơi xám một chút. Một người bạn khác vừa viết cho con trong mấy ngày qua rằng, con có thể chịu đựng được việc lọc máu cùng lúc khi “con say Chúa.”  Điều này, với con, xem ra hơi quá đáng và cường điệu.  Bởi vì ngay từ thuở nằm nôi, con đã ngất say với sự hiện diện tự nhiên của Ngài, lạy Chúa, và trong Ngài, con luôn cảm thấy cứng cáp để chịu đau đớn hoặc cũng có thể chỉ vì đau đớn thật sự Chúa đã không gửi đến cho con.

Đôi khi con nghĩ, con thật “quá đỗi may mắn.”  Các thánh đã dâng Chúa bao điều lớn lao, còn con, đã không bao giờ có gì đáng giá để dâng Ngài.  Con sợ rằng, vào giờ sau hết, con sẽ có chung một ý tưởng như mẹ con đã có khi bà lìa đời. Ý tưởng đó là, con chết mà thấy mình chẳng có công nghiệp gì, có thể nói là trắng tay, vì không gì Chúa gửi đến mà lại quá sức con; cũng không phải ngay cả sự cô đơn hay phiền muộn Chúa trao cho những ai thực sự thuộc về Ngài.  Tha lỗi cho con, nhưng con sẽ làm gì đây khi Chúa không bao giờ bỏ con? Đôi lúc con cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng, con sẽ chết mà không được ở bên Chúa trong vườn Ôliu, không được trải qua hấp hối của mình trong vườn cây dầu. Chỉ bởi Chúa, con không hiểu tại sao, không bao giờ để con vắng mặt trong các Chúa Nhật Lễ Lá dù con phải nằm bệnh viện triền miên.  Thi thoảng, trong những giấc mơ anh hùng của mình, con từng nghĩ táo bạo rằng, lẽ ra con cần trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin để tự chứng tỏ cho Chúa thấy.  Người ta nói, lòng tin đích thực được chứng tỏ nơi thập giá đang khi con chưa bao giờ gặp phải bất kỳ một thập giá nào ngoài đôi tay mơn trớn dịu hiền của Ngài.

Đó chẳng phải vì con tốt lành hơn những người khác.  Tội lỗi tiềm ẩn trong con, nó sâu sắc làm sao… Chúa với con cùng biết.  Sự thật là ngay cả vào những thời khắc tồi tệ nhất, con vẫn chưa trải nghiệm được cái nghiệt ngã của bóng tối sự dữ, bởi lẽ, ánh sáng Chúa đã đêm ngày chiếu soi con. Ngay trong khổ đau, con vẫn thuộc về Chúa; quả vậy, tình yêu Chúa dành cho con xem ra càng tăng thêm mỗi khi con lỗi tội nhiều hơn.

Con cũng đã tựa nương vào Chúa suốt những thời điểm bách hại và khó khăn.  Chúa biết, ngay cả trong những chuyện thế gian, thì ở đó, bên con, luôn luôn có nhiều người tốt hơn kẻ bội phản.  Vì lẽ, cứ mỗi lần hiểu lầm, con lại nhận được những mười nụ cười.  Con thật may mắn vì sự dữ không bao giờ phương hại được con; và quan trọng nhất, sự dữ không bao giờ có thể làm nội tâm con cay đắng.  Ngay đến cả những trải nghiệm tồi tệ cũng làm gia tăng trong con sự khát khao được nên trọn lành và kết quả là, con có những người bạn hết sức bất ngờ.

Rồi, Chúa đã gọi con, kỳ diệu thay!  Con là linh mục, một điều không thể, Chúa biết điều đó… nhưng với con, con biết, thật nhiệm mầu.  Hôm nay hẳn con không còn nhiệt huyết với mối tình trẻ như những thuở đầu; nhưng may thay, thánh lễ đã không bao giờ chỉ là một thói quen thường nhật và con vẫn run lên mỗi khi giải tội.  Con vẫn cảm nhận niềm vui vô bờ khi đang ở đây để có thể nâng đỡ người khác, cũng như niềm vui hiện diện để rao truyền danh Chúa cho anh em. Chúa biết, con vẫn sùi sụt khóc mỗi khi đọc lại dụ ngôn đứa con hoang đàng; nhờ ơn Chúa, con vẫn xúc động mỗi lần đọc Kinh Tin Kính ở phần nói đến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa.

Dĩ nhiên, quà tặng lớn nhất của Chúa là chính Con Một, Chúa Giêsu.  Ngay cả khi con là con người đáng thương nhất hoặc khi khổ đau vẫn cứ đeo bám con mọi ngày trong đời thì con biết rằng, con sẽ chỉ nhớ đến Chúa Giêsu mà vượt qua chúng. Việc ý thức Chúa đã nên một người như chúng con giúp con giao hòa với những thất bại và trống rỗng của mình.  Vậy tại sao lại có thể buồn một khi biết rằng, Chúa đã bước những bước trên hành tinh này. Còn gì dịu dàng hơn việc chiêm ngắm khuôn mặt sầu bi của Mẹ Maria?

Hẳn con đang hạnh phúc, sao mà không hạnh phúc được?  Con đang hạnh phúc ngay đây dẫu đang ở ngoài vinh quang thiên đàng.  Chúa hãy nhìn xem, con đâu sợ chết, nhưng con không vội đến đó.  Liệu con được gần Chúa hơn khi đến đó so với bây giờ không?  Thật là kỳ diệu, có thiên đàng ngay khi chúng con có thể yêu mến Chúa.  Cabodevilla, bạn con, nghĩ đến một điều gì đó khi nói, “Chúng ta sắp chết mà không biết đâu là quà tặng tuyệt vời nhất của Chúa, hoặc Chúa yêu mến chúng ta hoặc Chúa cho chúng ta mến yêu Ngài.”

Vì lý do này, con đau lòng biết bao khi ai đó coi thường cuộc sống của họ.  Quả thật, mỗi người chúng con đang làm một điều gì đó cao cả hơn vô vàn so với phận mình, phàm phu tục tử; đó là yêu mến Chúa và cộng tác với Chúa trong việc kiến tạo một toà nhà bát ngát bao la của tình yêu.

Con cảm thấy không ổn khi nói rằng, chúng con làm vinh quang Chúa ở thế gian này; nói thế thì thật quá đáng.  Con tin rằng, con sẽ vui thỏa khi con gối đầu vào tay Chúa để Chúa có cơ hội vỗ về con, thế thôi.  Việc nói rằng Chúa sẽ ban thiên đàng cho chúng con như một phần thưởng khiến con thầm cười.  Phần thưởng cho cái gì đây? Chúa thật đáo để khi vừa ban thiên đàng vừa cho chúng con cảm thấy mình xứng đáng với điều đó.  Chúa quá biết, chỉ tình yêu mới có thể đáp đền tình yêu.  Hạnh phúc không là kết quả cũng không là hoa trái của tình yêu; tình yêu tự nó là hạnh phúc.  Nhận biết Chúa là Cha của con, và đó là thiên đàng.  Dĩ nhiên, Chúa không cần cho con mọi điều, nguyên việc cho con yêu mến Chúa đã là quà tặng lớn lao cho con, Chúa không thể cho con nhiều hơn.

Vì tất cả điều này, lạy Chúa, Thiên Chúa của con, con đã muốn nói về Chúa và với Chúa ở trang cuối cuốn sách “Những Lý Do Để Yêu Thương” của con. Chúa là cùng đích và là lý do duy nhất cho tình yêu của con, con không còn lý do nào nữa.  Sẽ không có bất cứ hy vọng nào cho con nếu không có Chúa. Niềm vui của con sẽ được tìm thấy ở đâu, dựa trên cái gì, nếu vắng bóng Ngài. Rượu tình của con sẽ vô vị nhạt nhẽo biết bao nếu không được ủ ấp trong tình yêu Chúa.  Chúa cho con sức mạnh và cuộc đời để con biết rất rõ rằng, nhiệm vụ duy nhất của con là như một phát ngôn nhân lặp đi lặp lại danh Chúa mãi mãi.  Và như thế, con thanh thản ra đi.

Con, José Luis Martín Descalzo”

Luisa Restrepo – Lm. Minh Anh dịch từ catholic-link.org (tonggiaophanhue.org 28.04.2020)

 From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen