THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

Ít có ai chuộng người thu thuế.  Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối.  Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân.  Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội.  Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế.  Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

“Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: ‘Hãy theo Ta’ và ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1,16t).  Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113).  Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9,9t).  Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Mathêô có trong danh sách các tông đồ.  Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêô với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau.  (Chẳng hạn anh em Macabê, 1Mcb 2, 2-5).  Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6, 25t).  Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8,20).  Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô.  Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa.  Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (Ga 13, 29).

Sau khi được gọi, Matthêô biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị tông đồ.  Ngài đã ra thế nào?  Chúng ta có được một câu văn của giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của Ngài” (Eusebiô lịch sử Giáo hội III, 39).  Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aramêô cho người Do thái trở lại.  Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo thánh Matthêô.”

Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha, và có lẽ 7 mối phúc thật.  Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách.  Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mác-cô và Luca hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân…

Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng.  Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13, 52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo hội ưa chuộng.  Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một.  Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24, 265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau.  Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: Ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất.  Điều chắc chắn là Ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ.  Đối với chúng ta Ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

From: Langthangchieutim

CHIÊM NGẮM TÌNH YÊU

CHIÊM NGẮM TÌNH YÊU

J.B Lê Đình Nam

Đối với người đời, hình ảnh thập giá là một điều gì đó đau đớn tột cùng và một sự thất bại thê thảm.  Tuy nhiên, với người Công giáo thì khác, thập giá là biểu tượng của hy sinh, của tình yêu và vinh quang.

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta cùng nhau suy tôn Thánh giá, tức là chiêm ngắm tình yêu tự hủy của Thiên Chúa dành trọn cho con người.  Chính nơi thập giá ấy, ơn cứu chuộc đã đến với con người và cánh cửa trong thân phận làm con Thiên Chúa được rộng mở.

Chúa Giêsu đã không chỉ tự hạ mình để đến với nhân loại trong thân phận con người.  Nhưng hơn thế nữa, Ngài đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa được tuôn đổ trên con người.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự ô nhục và thất bại thì ngang qua cái chết của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự chiến thắng tội lỗi và đem lại vinh quang cho con người bằng một tình yêu vô vị lợi.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự đau khổ và vô cảm, thì ngang qua sự hiến thân của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của sự hòa giải và tình liên đới với Thiên Chúa bằng một tình yêu khiêm hạ.

Thay vì thập giá là biểu tượng của sự hận thù và chết chóc, thì ngang qua việc hy sinh mạng sống của Đức Giêsu, thập giá đã trở nên biểu tượng của một Đức tin tinh tuyền và một tình yêu son sắt mà Thiên Chúa dành tặng cho nhân loại.

Thật thế, mỗi một người Công giáo luôn xác tín rằng, thập giá không phải là một kết thúc, nhưng là một sự bắt đầu.  Thập giá không phải là sự yếu đuối nhưng là sức mạnh của tình yêu đến nỗi thí mạng sống cho người mình yêu.  Và thập giá không phải là sự chết, nhưng hơn thế đó chính là sự sống mới của con người trong tư cách làm con Thiên Chúa.

Suy tôn Thánh giá là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa – Người là cội nguồn của tình yêu.  Đây cũng là giây phút thiết thực để mỗi chúng ta nhìn lại hành trình sống chứng nhân tình yêu của mình đối với Chúa và tha nhân.

Trong một thế giới đang mải mê tìm kiếm vật chất như hôm nay, tình yêu dường như đang trở nên khan hiếm và rẻ mạt.  Khi mà mọi thứ xung quanh đang được cung cấp một cách đầy đủ và tiện nghi hơn, thì xem ra tình yêu lại đang bị thiếu hụt và xem thường một cách trầm trọng.

Tình người đang được cân đong đo đếm bằng những lợi lộc vật chất và địa vị.  Tình yêu nam nữ đang được xây dựng trên trên những quy chuẩn của tiền tài và dục vọng.  Do đó, sự khủng hoảng đời sống gia đình đang trở nên báo động hơn bao giờ hết.  Sự thờ ơ vô cảm trở nên lối sống chung của con người thời hiện đại.  Và xã hội trở nên như một chiến trường của sự tranh giành, đấu đá và chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những đổ vỡ đó chính là sự thiếu vắng tình yêu.  Và cốt lõi của đó chính là sự đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa – Đấng đầy tình yêu thương.

Lễ Suy tôn Thánh giá mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu vô tận của Thiên Chúa.  Một tình yêu tự hạ để đến và sẻ chia với thân phận con người.  Một tình yêu tự nguyện để đồng hành và thấu hiểu nỗi thống khổ của phận người.  Một tình yêu tự hiến để hàn gắn tình nghĩa phụ tử của Thiên Chúa với con người.

Suy tôn Thánh giá không chỉ dừng lại ở việc nhận ra tình yêu hải hà của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, mà còn mời gọi mỗi người chúng ta sống tình yêu đó một cách triệt để và cụ thể nơi cuộc sống hằng ngày.  Để ngang qua đời sống chứng nhân đó, hình ảnh một Thiên Chúa đầy tình yêu thương và giàu lòng thương xót đến được với nhân loại đang quặn mình trong đau khổ và tội lỗi.

Dẫu biết rằng dòng đời vẫn còn đó lắm vất vả gian truân, nhưng sẽ đẹp biết mấy nếu mỗi chúng ta biết dành tình thương cho nhau.  Xã hội sẽ trở nên giá trị và bình yên hơn nếu mỗi chúng ta biết tôn trọng phẩm giá con người bằng tình liên đới và sẻ chia trong cuộc sống.  Và tất cả điều đó sẽ được bắt đầu khi mỗi chúng ta biết nhìn lên Thập giá Đức Kitô, chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa và thực hành tình yêu đó mỗi ngày trong đời.

J.B Lê Đình Nam

From: Langthangchieutim

CỨU RỖI CÁC LINH HỒN

CỨU RỖI CÁC LINH HỒN

“Ai vả con má bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho, và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại!”.  

Cuối thế kỷ 18, Adoniram Judson đi truyền giáo ở Miến Điện; suốt 40 năm, Judson vùi mình ở đó, dịch Thánh Kinh ra tiếng Miến. Trong nhật ký của Judson, người ta đọc được những lời này, “Suốt 18 năm, tôi không có một ngày nghỉ; 6 năm đầu, không một người trở lại. Bù vào đó là giam cầm, tra tấn! Chưa bao giờ nhìn thấy một con tàu nào ra khơi mà tôi không muốn nhảy lên để về nhà! Nhưng lạy Chúa, cuộc sống thật ngắn ngủi. Hàng triệu người Miến đang diệt vong. Con gần như là người duy nhất trên trái đất biết tiếng của họ, để rao truyền một Tin Mừng ‘cứu rỗi các linh hồn!’.
Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay xem ra cũng trăn trở ‘cái trăn trở’ của Judson. Các giá trị Tin Mừng Chúa Giêsu đề cập xem ra cũng đang dấy lên ‘một trăn trở’; đúng hơn, một cuộc ‘cách mạng’, hay ít nữa, một ‘cuộc nội chiến’ vốn sẽ diễn ra trên chiến trường trái tim mỗi người! Với Ngài, dường như có một điều gì đó trong cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều, so với nỗi sỉ nhục bị ai đó đánh vào má hay đánh cắp tài sản của mình. Điều quan trọng hơn đó là gì? Phải chăng, là sự ‘cứu rỗi các linh hồn!’.

Giáo huấn của Chúa Giêsu hẳn đã gây sốc cho các môn đệ đầu tiên và cho cả chúng ta hôm nay. Chưa bao giờ, trong thực tế, lý tưởng tình yêu lại được đặt cao, đòi hỏi một nhân đức anh hùng như vậy! Bởi lẽ, nó khơi dậy một cuộc chiến giữa ‘con người cũ’ và ‘con người mới’ bên trong mỗi người, một ‘con người cũ’ luôn chống lại và không dễ chấp nhận những gì nghịch với lẽ thường. Thế nhưng, ai chấp nhận giáo huấn của Chúa Giêsu, trái tim người ấy sẽ vươn tới một trương độ mới; vói thấu một tầm cao mới, một tầm cao mang dáng dấp ‘Giêsu’. Vậy, câu hỏi đặt ra là, làm sao tôi có thể hoàn toàn chấp nhận những lời dạy mang tính cứu rỗi này, ‘cứu rỗi các linh hồn?’.

Nếu Kitô hữu cứ nằng nặc đòi công lý trần thế và sự trừng phạt của nó, chúng ta sẽ không tập trung vào điều quan trọng nhất, đó là cứu rỗi những người đã làm điều sai trái với mình. Thật dễ dàng để yêu những người tốt với mình; thế nhưng, tình yêu Chúa Kitô lại đòi hỏi chúng ta mở rộng đến mọi người; và đôi khi, yêu thương mà chúng ta trao tặng chính là chấp nhận vô điều kiện những bất công mà người khác gây ra cho mình. Quả là mạnh mẽ trong hành động yêu thương này! Và nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta là ‘cứu rỗi các linh hồn’, cứu đời đời, chúng ta chỉ có thể yêu theo cách này, cách ‘Giêsu yêu!’. Còn nếu tất cả những gì chúng ta muốn là công lý người đời và sự thoả đáng cho những sai trái, thật dễ, chúng ta sẽ đạt được nó; nhưng điều này có thể trả giá đắt, chính sự cứu rỗi của họ. Chúng ta có thể chiến thắng, nhưng họ thì mất linh hồn!

Trong thư Côlôssê hôm nay, thánh Phaolô kêu gọi, “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”, nghĩa là Kitô hữu phải nên giống Ngài; “Trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Ngài mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. Những lời Phaolô nói đây, thật phù hợp với tâm tình ngợi khen của Thánh Vịnh đáp ca, “Hỡi toàn thể chúng sinh, ca tụng Chúa đi nào!”.

Anh Chị em,

Nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, chúng ta có tất cả. Thánh giá và cái chết của Con Thiên Chúa mang lại ơn cứu độ đời đời, không chỉ ‘cứu rỗi các linh hồn’ những ai tin nhận Ngài, nhưng còn cứu rỗi cả những người đã đóng đinh Ngài; và ơn cứu độ ấy còn được ban tặng cho toàn thể nhân loại, trong đó có chúng ta. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa thật thâm trầm! Cũng thế, về phía chúng ta. Thiên Chúa biết rằng, một hành động thương xót và tha thứ sâu sắc chúng ta dành cho người khác, đặc biệt với những ai đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho chúng ta, là một trong những món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng trao. Và đó là một trong những hành động mang tính biến đổi lớn nhất mà chúng ta có thể làm trước hết cho chính linh hồn mình; tiếp đến, khi tha thứ cho người khác, hoàn toàn buông bỏ sự bất công, thì hành động yêu thương của chúng ta có một sức mạnh vĩ đại để thay đổi họ. Và nếu hành động yêu thương đó quả đã thay đổi được họ, thì đây sẽ là nguyên nhân đem lại cho chúng ta một niềm vui vĩnh viễn, niềm vui thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, nhờ ân sủng Chúa, xin biến đổi con; nhờ đó, con cũng trở nên công cụ ‘cứu rỗi các linh hồn’, cách riêng cứu rỗi những ai đã xúc phạm con, Giáo Hội của con”, Amen. 

From: KimBang Nguyen

TRÊN ÐƯỜNG VỀ

 TRÊN ÐƯỜNG VỀ

Lm.  Nguyễn Tầm Thường


Trên đường về với Chúa, tôi đã bao lần cất cánh bay lên, nhưng có mưa phùn làm đôi cánh lạnh giá.

Ðã bao lần tôi muốn đi tới, nhưng lối về có gai góc cản ngăn.
Ðã bao lần muốn giang tay ra, cho đi nhiều hơn, nhưng có nuối tiếc bảo đừng.

Vì thế, trong mơ ước có gian nan.  Và, trên đường về với Chúa vẫn là khúc đường xa xăm.

***

Trong cuộc sống, những giấc mơ chưa trọn vẹn là những giấc mơ buồn.  Vì không trọn vẹn nên mới buồn.  Nhưng đặc tính của những giấc mơ buồn lại thường là những giấc mơ lớn.  Vì lớn nên mới khó trọn vẹn.  Bởi đó, cái buồn của giấc mơ không trọn vẹn dường như vẫn là cái buồn giá trị, giá trị vì nó mang một hoài bão rất cao.

Cái không trọn vẹn đó thúc bách, mời gọi đi tới.  Con đường tình yêu không bao giờ có giới hạn thì giấc mơ tình yêu không bao giờ cùng.  Do đấy, sự chưa được trọn vẹn trong ước mơ đi về với Chúa là sự chưa trọn vẹn dễ hiểu trong thân phận làm người của tôi nơi trần thế này.  Ðường tình yêu càng dài thì giấc mơ tình yêu càng sâu.  Tình yêu càng sâu thì trên đường ấy, tôi cần miệt mài đi mãi.

Trên đường về với Chúa, tôi chỉ hỏi lòng tôi là tôi đã đi xa tới đâu, đã bay cao thế nào.  Chứ không thể có câu hỏi tôi đã yêu Chúa trọn vẹn chưa.  Từ ngàn xưa, Ngài đã biết hồn tôi là dang dở, những lời thề của tôi là những lời đoan hứa dập gẫy.  Bởi đấy, tôi không thể yêu Ngài trọn vẹn nhưng Ngài đòi tôi đi về trọn vẹn.

Trọn vẹn là một mơ ước.  Dang dở vì chưa trọn vẹn có chiều sâu của nó là nó làm cho mơ ước tiếp tục còn là ước mơ.  Tôi có thể cầu Chúa cho tôi đạt được mọi mơ ước không?  Khi đạt được mọi mơ ước rồi thì tôi không còn mơ ước nữa.  Không còn mơ ước thì còn gì để mà đi tới, còn gì để mà bay lên.  Trong ý nghĩ ấy, đường về với Chúa nếu còn dang dở chỉ là lời gọi tôi đi tới.  Mỗi lần sa ngã chỉ là bảo tôi nhìn lên cao.  Tôi không thất vọng vì chưa đạt được mơ ước.

Mơ ước đã được rồi là hạnh phúc đã được đóng khung trong một bến bờ.  Tôi muốn thứ hạnh phúc vô cùng.  Tôi muốn hoài hoài mơ ước.  Tôi muốn vào một không gian hạnh phúc mà càng bay cao thì càng bắt gặp trời thênh thang tự do.  Càng bắt gặp thì càng si mê, càng si mê thì càng nuôi mộng đi tới nữa.  Tôi tin rằng hạnh phúc ấy có thật.  Ðó là chính Chúa.  Bởi tôi biết, tôi không bao giờ uống cạn được ân sủng của trời cao.  Vì thế, tôi không xin cho tôi đạt được điều tôi mơ ước mà chỉ xin cho tôi được mãi mãi, hoài hoài đi về Ngài, sống trung thành với mơ ước đó thôi.

Và vì thế, linh hồn tôi có vì bất toàn mà lầm lỗi, thì đấy chẳng thể là lý do làm tôi thất vọng, xuôi lòng. Trên đường về nhà Cha, nếu vì yếu đuối mà dừng nghỉ.  Thì, đường về nhà Cha có xa xăm thật.  Xa xăm ấy vẫn là xa xăm có Chúa.  Nếu vì sa ngã mà làm cho giấc mơ gian nan.  Thì, đường về nhà Cha có gian nan thật, gian nan ấy vẫn là gian nan ấm lòng.

***

Lạy Cha,
Cha cầu xin cho con không thuộc về thế gian, nhưng Cha đã chẳng đem con ra khỏi thế gian.  Ngày nào con còn trong thế gian thì con còn nghe thấy tiếng dỗ dành của những rung cảm đam mê.  Từ trong bào thai của mẹ, con đã là lỗi phạm.  Con có thể vấp ngã vì bóng đêm, nhưng con có thể không thuộc về đêm tối.  Con không thất vọng vì những đám mưa phùn làm con ướt cánh.  Con không ủ dột vì bờ đá chênh vênh giữ chân con đi tới.  Vì con biết, khi Cha dìu con, thì tình trời sẽ sưởi ấm chiều mưa lạnh ảm đạm, và ân sủng sẽ gieo trên gai nhọn.  Khi Cha dìu con thì ước mơ sẽ nên tha thiết, và dù có vất vả cánh ong vẫn bay về được với mật ngọt của hoa.  Khi Cha dìu con thì con có thể trung thành. Khi Cha dìu con thì thánh giá sẽ là sức sống.

Lạy Cha,
Ðấy là mơ ước và cũng là lời cầu nguyện của con trên đường về.
Có giấc mơ nào đẹp mà không phải trả giá bằng thương đau?  Có giấc mơ nào lớn mà không phải trả giá bằng thử thách?  Có thập giá nào lên đồi Golgotha mà không quỵ ngã?  Có chiều nào trong vườn Giệtsimani mà không lo âu rướm máu.  Những áng mây trời chỉ bay trên đỉnh đồi.  Gió lộng chỉ ở ngoài biển khơi.  Tôi phải đi lên. Tôi phải miệt mài bước tới.  Và Ngài đã nói với tôi: “Cha ở cùng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28: 20).

Tiếng gọi của trời cao là bảo tôi trung thành với ước mơ.  Cho dù lầm lỗi có làm tôi đau khổ vì mất giá trị nhưng chẳng vì thế mà Người chê trái tim tôi nghèo nàn xấu xí.  Ðôi cánh con chim sẻ sẽ chẳng bay cao được như con phượng hoàng.  Nhưng một ly nước nhỏ mà đầy thì ý nghĩa hơn một ly nước lớn mà vơi.

Dù có yếu đuối cản đường.  Dù có lầm lẫn che lối.  Dù ngày tôi chết, tôi vẫn chưa leo được tới nửa đồi của thập giá, nhưng nếu tim tôi vẫn hồng lửa ước mơ, hồn tôi vẫn vất vả đi tìm cõi vô biên thì đấy là đường mở lối vào vườn hạnh phúc rồi.

Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một con chiên què mà cứ xiêu vẹo trèo lên.  Cha trên trời sẽ chạnh lòng khi thấy một đôi cánh đang lầm than vì gió lạnh, mưa ướt, mang thương tích vì gai rậm mà cứ nhất quyết tìm đường về.  Và vì đó, dù trong yếu đuối của tôi, tôi vẫn thấy biển rộng, trong dòng xót thương của Cha, tôi tới đồi cao.

Lm.  Nguyễn Tầm Thường

– Trích trong “Con Biết Con Cần Chúa”

From: Langthangchieutim

MẸ MARIA LÀ EVÀ MỚI

MẸ MARIA LÀ EVÀ MỚI

 Jos. Vinc. Ngọc Biển

Sự sống là điều quý giá mà Thiên Chúa ban tặng cho con người.  Việc tổ chức mừng sinh nhật cho chính mình cũng như cho người khác là dịp nhắc nhở ta về sự quý giá đó để tạ ơn Thiên Chúa qua sự hiện hữu của mình hay của người khác.

Hôm nay, cùng với toàn thể nhân loại, chúng ta mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria.  Ngài là Mẹ Đấng Cứu Chuộc và qua thiên chức cao cả đó, Mẹ cũng là mẹ các chi thể của Đức Kitô là chính chúng ta.  Mừng lễ sinh nhật Đức Mẹ, chúng ta hiệp cùng Giáo Hội ca tụng, tung hô Mẹ: “Lạy Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, nhờ việc Mẹ sinh ra mà thế gian được tràn ngập hoan lạc và khích lệ, vì bởi lòng Mẹ, mặt trời công chính là Đức Giêsu đã đến trong thế gian, chính Người sẽ kéo chúng con ra khỏi sự chết và đưa vào đời sống vĩnh cửu.”  Và cùng với chính Mẹ, chúng ta ca tụng Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 49-50).

Thật vậy, ngày Mẹ sinh ra, cả Triều Thần Thiên Quốc và mọi loài mọi vật dưới đất hân hoan, vui mừng, hy vọng.  Bởi vì Mẹ sinh ra báo hiệu thời cứu rỗi đã đến, là Rạng Đông đi trước Mặt Trời Công Chính là Đức Kitô.  Mẹ chính là Sao Mai soi sáng và dẫn đưa nhân loại đến với Đức Kitô.  Mẹ đến để phục hồi vai trò làm Mẹ Chúng Sinh mà Evà đã đánh mất do tội bất tuân.  Mẹ chính là Evà mới, nghĩa là sự sống và là Mẹ của các người sống.  Bởi vì như Evà đầu tiên đã được rút ra từ cạnh sườn của Ađam, để trở nên một con người sống động thế nào, thì cũng vậy, Đức Maria, với tất cả rạng ngời của sự sống và vô nhiễm nguyên tội, Mẹ bước ra từ trái tim của Ngôi Lời vĩnh cửu là chính Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch sự sống.

Mẹ Maria chính là ưu phẩm; là bảo vật mà Thiên Chúa đã giấu kín từ lâu; là hình ảnh đã được tiên báo trong Tiền Tin Mừng.  Mẹ cũng là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại.  Nơi Mẹ, Mẹ vừa là Nữ Tỳ của Thiên Chúa, vừa là Mẹ Ngôi Hai Nhập Thể, và Mẹ của toàn thể chúng sinh.  Việc tuyển chọn Mẹ để trở thành Mẹ Thiên Chúa là một mầu nhiệm cao cả, bởi vì liên hệ trực tiếp đến công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô.  Chính trong vai trò này, mà Mẹ đã góp phần của mình nhằm hoàn tất vai trò cứu độ loài người của chính Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta tôn kính Mẹ bởi vì Mẹ đã đón nhận thánh ý Thiên Chúa qua lời “xin vâng.  Khi Mẹ đón nhận thánh ý Chúa như thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đã Nhập Thể trong cung lòng Mẹ.  Đây chính là một vai trò trọng yếu trong công trình cứu độ của Thiên Chúa nơi nhiệm cục cứu độ của Người.

Nhưng khi tôn kính những ơn huệ của Mẹ không thôi thì chưa đủ, mà còn noi gương những nhân đức của Mẹ mới là những người con thảo hiếu của Mẹ trên trời.

Quả thật, Công đồng Vaticanô II đã nói: “Lòng sùng kính chân chính… phát sinh từ một đức tin chân thật.  Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Noi theo mẫu gương của Mẹ, chính là bắt chước những gương sáng của Mẹ để lại.  Những mẫu gương nổi trội nơi Mẹ chính là: đức tin, đức ái, lòng khiêm nhường, tinh thần ngoan ngùy với Thiên Chúa trong vai trò là Nữ Tỳ của Người.

Lạy Chúa, ngày sinh nhật của Đức Giêsu Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ nguyên cứu độ, thì hôm nay, ngày sinh nhật của Thánh Mẫu Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho chúng con hưởng bình an.  Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.  Amen! 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

From: Langthangchieutim

MỘT CON NGƯỜI HAI TƯ TƯỞNG

MỘT CON NGƯỜI HAI TƯ TƯỞNG

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Tin mừng hôm nay cho ta thấy ông thánh Phêrô tuy một nhưng hai tính cách: một Phêrô Kitô hữu và một Phêrô Satan.  Một Phêrô nói Thầy là Đấng Mêsia mà dân Israel đã cưu mang từng bao đời.  Một Kitô hữu Phêrô rất đẹp nhưng bên cạnh đó có một con quỷ Satan đội lốt Phêrô để can dặn Chúa Giêsu chớ có dại dột mà lên Giêrusalem, Chúa Giêsu quay lại mắng một lời rất nặng mà ít thấy trong Tin mừng.  Vâng, Phêrô cũng là hình ảnh của mỗi một người chúng ta đây và tất cả những ai mang danh Kitô hữu có một tính cách rất tốt mà cũng có những tính cách rất Satan.

Thử hỏi hôm nay có người Công giáo nào dám vỗ ngực và bảo rằng tôi đã hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và không có một Satan nào trong tôi cả.  Nhưng mỗi một con người đều pha lẫn ánh sáng và bóng tối, vừa pha lẫn tính chất Kitô hữu và lại có tính cách của quỷ Satan ở đấy.  Cho nên, trong bài đọc hai, Thánh Giacôbê nói: “Có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no,” nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15).

Vậy thì, vấn đề ta phải suy nghĩ với nhau đó là cái gì mà làm cho ta là Kitô hữu mà lại mang tính chất Satan đó?  Có thể là nhiều lý do nhưng mình có thể dựa vào Tin mừng hôm nay đó là chúng ta quen tính toán suy nghĩ và chọn lựa đường lối của loài người mà mình quên mất những suy nghĩ vào đường lối của Thiên Chúa.  Không có ai và không có cộng đoàn nào mà không đi tìm cho mình sự sống thật và con đường nào dẫn đến sự sống thật?  Nhiều khi mình đi tìm sự sống nhưng là một sự sống giả và là con đường tính toán với thế gian.  Chẳng hạn, khi hoàng đế Nêron muốn làm thơ về thành Turoa cho nên ông đốt cả thành Rôma, rồi ông đổ tội cho người Công giáo, thế là một cuộc bách hại tàn sát rất dã man đổ lên trên đầu Hội thánh Công giáo.  Phêrô tìm cách thoát ra khỏi thành Rôma.  Bởi vì Ngài sợ rằng nếu bây giờ mà vị lãnh đạo Giáo hội bị đế quốc Rôma giết chết thì còn ai lãnh đạo, và cả đoàn chiên của Chúa mất đầu, sẽ tan tác hết cho nên Ngài phải thoát ra khỏi thành để duy trì sự sống cho Hội thánh.  Nhưng không ngờ rằng trên đường đi ra khỏi thành lại gặp Chúa Giêsu đi ngược lại, và khi Phêrô lên tiếng hỏi Thầy đi đâu, Chúa Giêsu trả lời Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa.  Phêrô hiểu và quay trở lại Rôma.  Ngài hiểu ngay việc Ngài thoát ra khỏi thành Rôma là sự khôn ngoan, nhưng nó lại là sự khôn ngoan của loài người chứ không phải sự khôn ngoan của Chúa Giêsu chịu đóng đinh.

Chúa muốn cho con người được hạnh phúc.  Chính vì muốn con người được hạnh phúc mà Chúa đã phải xuống trần gian để cứu chuộc con người bằng cái chết trên thập giá và sống lại vinh quang.  Nhưng thứ hạnh phúc mà Chúa muốn ban tặng cho con người không phải là thứ hạnh phúc giả tạo dễ dàng, và mau qua theo kiểu thế gian hay Satan.  Chúa muốn cho con người được hạnh phúc vĩnh cửu, hạnh phúc đích thật, hạnh phúc không bao giờ tàn úa.  Muốn được hạnh phúc đó, con người phải kinh qua những vất vả, đau đớn.  Đau đớn nhất là phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình.  Đó là yêu thương, tha thứ nhất là từ bỏ xu hướng của Satan ham muốn xác thịt… để chỉ sống thanh cao phần tinh thần.

Đúng thế, người Kitô hữu qua lời nói, qua việc làm và nhất là qua cuộc sống của mình phải là một câu hỏi cho những người chung quanh.  Dù âm thầm nhỏ bé đến đâu chăng nữa, thì đời sống của người Kitô hữu phải làm cho những người chung quanh nhìn ra chúng ta là môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô.  Vì vậy, là Kitô hữu luôn mang một tính cách của Chúa là: chứng nhân giữa một xã hội đầy giành giật và bon chen, đầy bạo lực và bất công; thực thi tinh thần nghèo khó, chấp nhận thua thiệt mất mát hơn là bán đứng lương tâm của mình để chạy theo những lợi lộc bất chính, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù địch, và bước theo Chúa cho đến cùng, biết sống lạc quan, tin tưởng vào một Đấng có tình yêu thương trải dài trong suốt lịch sử con người, và sống tử tế, cư xử tốt đẹp với mọi người.  Vì vậy, kết thúc thông điệp “Hòa Bình Trên Thế Giới”, Đức Thánh Cha Gioan 23, đã viết như sau: “Mỗi người Kitô hữu trong thế giới là một mảnh sao băng, một tụ điểm của tình yêu, một thứ men sống động giữa những người anh em của mình.  Người Kitô hữu sẽ đóng trọn vai trò ấy hơn khi họ còn sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.”

Xin cho Lời Chúa hôm nay luôn thanh tẩy tư tưởng Satan trong trí lòng chúng ta để chỉ còn tư tưởng và đường lối của Chúa trong cung cách sống đạo của chúng ta hôm nay. Amen.

Lm. Joshepus Quang Nguyễn

From: Langthangchieutim

LỜI KHUYÊN CỦA THÁNH PADRE PIO.

May be an image of 1 person and sitting

KHI BẠN ĐANG TRONG THỜI ĐIỂM ĐEN TỐI CỦA ĐẠI DỊCH

MỜI BẠN THỬ ĐỌC XEM LỜI KHUYÊN CỦA THÁNH PADRE PIO.

Nếu cảm thấy mình đang ở trong thời điểm đen tối, hãy tìm đọc những lời khôn ngoan của Thánh Padre Pio.

Thánh Padre Pio thực hành những điều trên suốt cuộc đời của Cha, vì đời của cha nhiều nỗi gian truân, Ngài sống qua hai trận THẾ GIỚI ĐẠI CHIẾN và một trận ĐẠI DỊCH.

  1. KHI Ở TRONG THỜI ĐIỂM ĐEN TỐI

Con hãy cầm chặt CHUỖI TRÀNG HẠT MÂN CÔI giống như con đang cầm tay ĐỨC MẸ MARIA.

  1. CẦU NGUYỆN CHUỖI KINH MÂN CÔI hàng ngày.
  2. HÃY TỪ BỎ CHÍNH MÌNH và giao mình vào đôi tay TỪ MẪU CỦA ĐỨC MẸ MARIA, MẸ sẽ chăm sóc con.
  3. Đừng dùng năng lực của con vào những sự gì tạo ra lo lắng, âu sầu và khổ não.
  4. Chỉ có một điều cần thiết là:

HÃY NÂNG TINH THẦN LÊN và YÊU MẾN CHÚA HƠN.

  1. “CÁC CON ĐỪNG SỢ HÃI

HÃY ĐẶT MÌNH DƯỚI SỰ CHE CHỞ CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA.

ĐỪNG PHẠM TỘI và TRẬN ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ KHÔNG THẮNG ĐƯỢC CON .”

CÓ MỘT SỐ CON CÁI THIÊNG LIÊNG CỦA NGÀI BỊ BỆNH NHƯNG KHÔNG AI BỊ CHẾT VÌì ĐẠI DỊCH.

THÁNH PADRE PIÔ rất trân quý sự đau khổ và xem đó như một công cụ để đến gần Chúa.

Tuy nhiên, Ngài cũng nhận ra rằng nhiều người cần được xoa dịu sự đau khổ về thể xác để giúp họ nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc đời của họ.

  1. Những lời cầu nguyện ngắn, tự phát thì chúng giống như

“NHỮNG MŨI TÊN BẮN VÀO THÁNH TÂM CỦA CHÚA.”

  1. Những lời cầu nguyện như tên bắn đó có một sức mạnh đặc biệt để kín múc ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ xuống cho chúng ta.
  2. KHI CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC TIN

Thì CHUỖI MÂN CÔI có thể là một lời cầu nguyện đầy quyền năng làm cho chúng ta hiệp nhất với Chúa Giêsu và Mẹ của Ngài là Mẹ Maria.

  1. ĐỪNG COI THƯỜNG VIỆC CẦU NGUYỆN CHUỖI MÂN CÔI.
  2. THẾ GIỚI NGÀY NAY NẾU KHÔNG CẦU NGUYỆN.

Đó là lý do tại sao thế giới đang tan nát.

  1. TRÀNG HẠT MÂN CÔI là VŨ KHÍ CHO NHỮNG THỜI ĐẠI.
  2. NHỮNG AI CẦU NGUYỆN SẼ CÓ HY VỌNG.

NHỮNG AI CẦU NGUYỆN ÍT SẼ Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM LỚN LAO.

NHỮNG AI KHÔNG CẦU NGUYỆN THÌ SẼ MẤT LINH HỒN.

St.

KINH NGUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CAO NIÊN

KINH NGUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CAO NIÊN

Kinh gửi quý anh em

Tháng 10 năm 2016 (chính xác là ngày chủ nhật 9.10), trong thánh lễ tạ ơn của những người cao tuổi (trên 70) của một cộng đoàn VN, tại nhà thờ Thánh Marcô, Montreal, Québec, Canada. Tôi được dự cùng gia đình hai anh Lê Minh Đường và Lê Minh Tâm, tôi giữ lại được Kinh nguyện nầy. Xin chia sẻ với quý anh em nhân Ngày Những người Cao tuổi (25.7)

Thân mến.

HCH

KINH NGUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI CAO NIÊN

(được TGM Montréal chuẩn ấn, 2.1983)

Lạy Chúa, đã hơn bảy mươi năm nay, Chúa ban cho con ân huệ được sống ở đời; và từ khi con sinh ra, Chúa đã không ngừng ban cho con tràn đầy ơn lành và tình yêu vô cùng của Chúa. Bao nhiêu năm nay, cùng chung số phận với mọi người, đời con trôi đi trong hân hoan xen lẫn phiền sầu, thành công xen lẫn thất bại, với bao bệnh hoạn và gian khó. Nhờ ơn Chúa phù hộ giữ gìn, con đã lướt thắng được các trở ngại và tiến lại gần Chúa. Ngày hôm nay, con cảm thấy được vô cùng an ủi, vì được Chúa ban cho có nhiều kinh nghiệm phong phú, và được Chúa chiếu cố đoái thương. Vì thế, linh hồn con không ngừng ca tụng tri ân Chúa.

         Tuy nhiên, hằng ngày con gặp thấy quanh mình nhiều người cao niên mà Chúa đang thử thách nặng nề: Họ bị tê liệt, tàn tật, bất lực, và đôi khi không còn đủ sức cầu nguyện với Chúa; có những người mất hết mọi khả năng tinh thần, và trong một đời sống hư ảo vô thức, họ không còn thể tiếp xúc được với Chúa. Con nhìn ngắm họ và băn khoăn tự nhủ mình rằng: “Nếu tôi cũng bị như họ thì sao?”.

         Vì thế, lạy Chúa, ngày hôm nay, trong lúc còn được hưởng đủ mọi khả năng cử động và suy tư, con xin dâng lên trước việc sẽ chấp nhận vâng theo Thánh Ý Chúa; và ngay từ bây giờ con muốn rằng, sau này bất cứ gặp phải một thử thách nào như thế, con cũng xin dâng cho Chúa để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Và cũng ngay từ bây giờ, con xin Chúa ban ơn phù trợ cho những người lúc đó sẽ lấy trách nhiệm giúp đỡ con.

         Nếu một mai bệnh tình xâm phạm tới trí óc con, khiến con mất sự minh mẫn, thì ngay từ bây giờ, trước mặt Chúa đây, con xin hứa trước sẽ vâng chịu, và vâng chịu trong trạng thái yên lặng kính thờ. Nếu mai này con bị chìm đắm trong tình trạng hôn mê kéo dài, thì con mong rằng mỗi giờ phút còn lại của đời con sẽ đều là những thời gian liên tục chúc tụng tri ân Chúa, và chớ gì hơi thở sau hết của con cũng sẽ là một hơi thở của lòng mến yêu. Con ước ao cậy trông rằng, vào giờ đó, con sẽ được Đức Mẹ nắm tay dẫn dắt đến trình diện trước Thiên Nhan để ca tụng ngợi khen Chúa muôn đời.

Amen.