httpv://www.youtube.com/watch?v=qHaaiGe1orc
ĐAU KHỔ VÀ ĐỨC TIN – Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy
httpv://www.youtube.com/watch?v=JY5TQ2SNPjY
Về Công Giáo và Phật Giáo cùng các tôn giáo khác
httpv://www.youtube.com/watch?v=qHaaiGe1orc
ĐAU KHỔ VÀ ĐỨC TIN – Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy
httpv://www.youtube.com/watch?v=JY5TQ2SNPjY
SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Lễ Kính hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa Tađêô – October 28)
Đọc danh sách tên Nhóm Mười Hai mà Chúa Giêsu chọn trong số những người đi theo Người để đặt làm Tông đồ hẳn chúng ta kinh ngạc và khó tìm ra tiêu chí chọn tập thể cộng tác viên thân cận của Người. Dĩ nhiên Chúa Giêsu không chọn gọi cách ngẫu nhiên hay tùy hứng nhưng cách ý thức trong sự tự do và tinh thần trách nhiệm. Tin Mừng tường thuật: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm để cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13).
Dưới cái nhìn nhân loại, mười hai vị trong danh sách được liệt kê, hình như chẳng có một ai đáp ứng được nhiều tiêu chí để chọn vào hàng tu sĩ hay giáo sĩ của Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Về mặt học vấn thì xem ra chỉ một hai vị biết đọc, biết viết. Về mặt đạo đức thì có lẽ cả tập thể mười hai đều dưới trung bình: không biết ăn chay và cũng chẳng biết cách cầu nguyện. Tham lam chức quyền thì không sót một ai. Ba năm theo Thầy thường tranh giành với nhau về cái chức làm đầu trong tập thể (x. Lc 9, 46). Bên cạnh đó có nhiều vị lại có cá tính không mấy hay cách rõ nét.
Hai anh em nhà Giêbêđê là Giacôbê và Gioan đã từng được Chúa Giêsu đặt biệt hiệu là “thiên lôi con” (Mc 3,17). Và hôm nay, ngày 28 tháng 10 Giáo Hội kính nhớ hai vị là Simon và Giuđa Tađêô mà một trong hai có biệt danh là “quá khích.” Người ta suy đoán là cả hai đều thuộc nhóm Zêlốt thời bấy giờ. Nhóm Zêlốt được hình thành vào đầu thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Tôn chỉ của nhóm này là đánh đuổi đế quốc Rôma để giành lại độc lập tự do cho dân tộc Do Thái đang bị đô hộ. Họ dùng phương pháp “bạo lực cách mạng.” Biện pháp phổ biến là ám sát các yếu nhân của chính quyền Rôma đang cai trị và những ai cộng tác với chính quyền đế quốc bằng thanh trủy thủ là chiếc gươm ngắn giấu trong mình. Người ta đã từng xem nhóm này là “ông tổ” của chủ nghĩa khủng bố. Hai thanh gươm mà Phêrô nói trong đêm Tiệc Ly hầu chắc là của hai ngài Simon và Giuđa xuất thân từ nhóm quá khích (x. Lc 22, 38).
Đối với loài người thì có rất nhiều sự trong nhiều trường hợp thì như là không thể thành hiện thực, nhưng đối với Thiên Chúa mọi sự đều là có thể (x. Mt 19,26). Không chỉ bằng quyền năng trong lời nói và hành động, nhưng Chúa Giêsu còn đặc biệt dùng tình yêu của mình mà giáo hóa các tông đồ. Sức mạnh của tình yêu thật diệu kỳ. Chính tình yêu của Thầy chí thánh đã làm cho các tông đồ đổi thay. Hai vị “thiên lôi con” đã dần trở nên khiêm tốn và quảng đại. Giacôbê là vị tử đạo đầu tiên trong tập thể Tông Đồ (Cv12,1-3). Sau khi Chúa Giêsu về trời thì khi tháp tùng Phêrô đi rao giảng Tin Mừng, ngài Gioan, thiên lôi con lại rất khiêm nhu hiện diện như là người trợ lý đồng hành âm thầm (x. Cv 3-4). Các chàng ngư phủ xứ Galilê từ những người đánh cá kiếm tiền dần chuyển thành người chinh phục tha nhân cách vô vị lợi.
Hai vị tông đồ “quá khích” cũng có đổi thay nhiều mặt. Hai thanh gươm luôn kè kè bên mình, nhưng không còn thấy sử dụng phục vụ sự khủng bố hay điều gì sai trái. Có lẽ trong vườn cây dầu chính Phêrô đã nhất thời mượn tạm một thanh để bảo vệ Thầy nhưng đã bị Thầy dạy xỏ ngay gươm vào vỏ (x. Mt 26, 52). Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa khi gặp được sự khiêm nhu biết phục thiện của con người thì sẽ trổ sinh nhiều hoa trái ngọt ngào.
Với Thiên Chúa thì mọi sự đều là có thể. Tuy nhiên sức mạnh của tình yêu dường như lại thúc thủ (bó tay) trước sự gian dối cố tình. Không chỉ gian tham, ăn bớt tiền của quỹ chung mà Giuđa Iscariốt còn giả vờ tin vào Thầy để ở lại với tập thể. Khi có nhiều người thấy chói tai trước lời mạc khải mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống và họ đã bỏ đi, kể cả nhiều môn đệ thì Chúa Giêsu đã hỏi nhóm Mười Hai: “Còn các con, các con có bỏ Thầy mà đi không?” Phêrô đã tuyên xưng rằng “bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai vì Thầy có lời ban sự sống.” Dù không tin nhưng ông Giuđa vẫn giả vờ tin rồi tiếp tục ở lại để tìm dịp thực hiện mộng vương bá, kể cả việc phản bội, bán rẻ Thầy mình (Ga 6, 67-71).
Mừng kính hai thánh Tông đồ Simon và Giuđa Tađêô, xin cho Kitô hữu chúng ta luôn vững tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Dẫu cho còn đó nhiều vị trong tập thể nhóm tông đồ “chuyên biệt” còn nhiều sai lỗi và cả khuyết tật, nhưng với sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa thì sự tốt đẹp sẽ lại đến cho Giáo hội và nhân trần. Chỉ mong sao xin đừng để một ai quá gian tham cách hữu ý và kiên trì. Xin cho tất cả chúng ta trong mọi bậc sống, mọi nhiệm vụ đảm đương và mọi hoàn cảnh biết luôn khiêm nhu phục thiện để tình yêu và ân sủng của Chúa canh tân chúng ta mỗi ngày, biến chúng ta thành khí cụ loan báo Tin Mừng cứu độ.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Nguồn: http://www.vietcatholic.net
“XIN CHO CON ĐƯỢC THẤY!”
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Ai trong chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được những thiệt thòi của người mù. Họ không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Họ cũng không cảm nhận được niềm vui nỗi buồn nơi khuôn mặt những người thân. Thế giới đối với họ là đêm tối trường kỳ. Tin Mừng hôm nay nói đến một người mù đứng ăn xin tại cổng thành Giêricô. Trong lúc Chúa Giêsu và các môn đệ từ trong thành đi ra, Người đã trông thấy, và, trước lời van xin của anh, Chúa đã chữa cho anh để anh có thể nhìn thấy như bao người khác.
Nếu người mù thể lý đã thiệt thòi như thế, thì người mù thiêng liêng lại còn thiệt thòi hơn. Đức Thánh Cha Benêđitô XVI đã trả lời câu hỏi của nhà báo người Đức, ông Peter Seewald: “Ai chỉ biết tin vào những gì mắt trông thấy, thì người đó mù.” Vị Giáo Hoàng người Đức còn diễn giải thêm về khẳng định này: “bởi vì người đó đã tự hạn chế mình vào một khoảng chân trời hạn hẹp, và không còn nhìn ra được cái cơ bản nữa. Có ai thấy được trí khôn mình đâu. Chính những cái quan trọng nền tảng ta không thể thấy thuần bằng mắt” (Thiên Chúa và Trần thế, Tr 23).
Trở lại với bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mác-cô diễn tả anh mù như một người bị gạt ra bên lề xã hội: anh là một kẻ ăn xin, ngồi bên vệ đường. Khi anh cố gào lên để có ý cho vị Ngôn sứ có tên là Giêsu nghe thấy, thì bị người ta mắng át đi, bởi anh chẳng là gì trong một đám đông ồn ào náo nhiệt. Anh chỉ là một chấm nhỏ li ti trong bức tranh “chợ đời.” Tuy vậy, cũng dưới ngòi bút của thánh Mác-cô, anh mù này lại có một cái nhìn sáng suốt. Trong đám đông hỗn độn ấy, anh nhận ra vị Ngôn sứ đang đi ngang qua là con vua Đavít, điều mà không mấy người trong đám đông hỗn độn ấy nhận ra. “Con vua Đavít là một danh xưng mà truyền thống Do Thái vẫn sử dụng để diễn tả Đấng Messia.
Thì ra, những người có con mắt sáng trong đám đông hôm ấy ở cổng thành Giêricô lại không nhìn thấy sứ mạng của Đức Giêsu. Hơn thế nữa, họ còn đầy thành kiến và khinh thường đối với người mù ăn mày bên vệ đường. Một cách nào đó, họ là những “người mù,” vì họ chỉ công nhận những gì mà họ nhìn thấy bằng con mắt thể lý. Thánh Mác-cô kể lại hai phép lạ Chúa chữa người mù. Trường hợp thứ nhất ở chương 8, câu 22 đến câu 26. Người được chữa lành là người mù ở Bết-sai-đa. Phép lạ chữa người mù lần thứ nhất đi liền với những lời cảnh báo phải thận trọng đối với men Pharisiêu và men Hêrôđê. Chắc chắn thánh Mác-cô muốn khẳng định với chúng ta: quan niệm lầm lạc và ngây thơ trước những cám dỗ chính là một tình trạng mù thiêng liêng nguy hiểm. Nếu chúng ta đọc trình thuật Chúa Giêsu chữa người mù bẩm sinh trong Tin Mừng Thánh Gioan thì sẽ thấy ngoạn mục hơn nữa (x. Ga 9,1-41). Người này mù về thể lý, nhưng tinh thần lại hết sức tinh tường và khôn ngoan.
“Lòng tin của anh đã cứu anh!” Đức tin là điều kiện cần thiết để được hưởng phép lạ. Đức tin cũng mở mắt để chúng ta nhìn thấy những điều kỳ diệu Chúa đã và đang làm trong lịch sử cũng như trong đời sống cá nhân của mỗi chúng ta. Tác giả Thánh vịnh 125 mời chúng ta hãy nhận ra những điều kỳ diệu ấy trong biến cố Thiên Chúa giải phóng dân Israen khỏi ách nô lệ Babylon, đưa người Do Thái về với quê hương xứ sở. Đó cũng là sứ điệp hy vọng mà ngôn sứ Giêrêmia gửi đến cho người Do Thái lưu đày: “Này Ta sẽ đưa chúng từ đất Bắc trở về, quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã,” Lời của vị ngôn sứ như một tiếng thét vui mừng trước những điều kỳ diệu Thiên Chúa sẽ thực hiện vì yêu thương dân Ngài. Sau những năm tháng lưu đầy đau khổ nhục nhằn, Thiên Chúa sẽ giải phóng dân Ngài. Những người tha hương sẽ được về với quê cha đất tổ. Trong số đó, có cả những người đui mù, què quặt và bệnh tật (Bài đọc I).
Khi chiêm ngưỡng những kỳ công của Chúa, người tín hữu được mời gọi kể lại hay loan báo những điều tốt lành Chúa đã làm. Người mù ở thành Giêricô, sau khi được Chúa cho sáng mắt, đã đi theo Chúa. Cuộc đời anh từ nay đã sang trang. Trước đây, anh ước ao được sáng mắt để có cuộc sống như mọi người. Nay, khi mắt đã sáng, anh quyết tâm đi theo Chúa Giêsu. Anh nhận Người là lý tưởng của đời anh. Anh đã trở thành môn đệ của Người. Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, hay còn gọi là Khánh nhật truyền giáo. Chúng ta hãy ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng của người tín hữu. Truyền giáo là sứ mạng của Giáo Hội. Truyền giáo cũng là sứ mạng của mỗi người tín hữu. Truyền giáo không phải chỉ là những thừa sai lên đường đến những xứ sở xa xôi, cũng không chỉ là những nhà giảng thuyết uyên thâm lỗi lạc, mà còn là những nghĩa cử sẻ chia, những tâm tình thân ái mà chúng ta dành cho nhau trong cuộc sống thường ngày.
“Xin cho con được thấy!” Đó là lời van xin của anh mù, đang ngồi ăn xin bên vệ đường, lối vào thành Giêricô. Đó cũng là lời cầu xin của chúng ta để nhận ra tình thương của Ngài đang ấp ủ đồng hành chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ngài tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Chúa Giêsu là thày Thượng tế vĩnh viễn theo phẩm hàm Menkisêđê sẽ chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa Cha (Bài đọc II).
“Đời người giống như việc đi đường vậy, một bên là gian khổ, một bên là cảnh đẹp. Ánh mắt bạn phóng được đến đâu, đó chính là cảnh giới của cuộc đời bạn. Nếu thường xuyên nhìn thấy những người ưu tú hơn mình, điều đó cho thấy bạn đang trên đường lên dốc; Còn nếu thường xuyên nhìn thấy những người không bằng mình, điều đó cho thấy bạn đang xuống dốc và người khác đang phải cố gắng để lên dốc. Thay vì oán thán, thà thay đổi cách nghĩ, mọi chuyện sẽ bớt nặng nề đi rất nhiều!” (Sưu tầm)
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim
Hồng ân tuyệt vời
(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (Mc 10, 46-52) trích đọc vào Chúa nhật 30 thường niên)
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Người mù hành khất thành Giê-ri-khô có lòng khao khát thoát mù cách mãnh liệt. Vì thế, khi nghe biết có Chúa Giê-su đi ngang qua, anh liền van xin lớn tiếng: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi.” Dù người qua kẻ lại quát mắng anh im đi nhưng không gì có thể dập tắt được ngọn lửa khao khát bừng lên mãnh liệt trong lòng, nên anh càng van xin to hơn: “Lạy ông Giê-su, con vua Đa-vít, xin hãy thương xót tôi!”
Thế rồi, khi được biết Chúa Giê-su cho vời mình đến, anh vui mừng đến độ vứt cả áo choàng, vứt cả bị, gậy để đến với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mau mắn thưa ngay: “Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy.”
Cầu được ước thấy, ánh sáng đã bừng lên cho anh. Anh được thấy Chúa Giê-su, thấy mọi người chung quanh, thấy thế giới rực rỡ muôn màu. Hạnh phúc dâng ngập tâm hồn, anh vui mừng khôn xiết. Thiết tưởng trên đời không có hạnh phúc nào lớn hơn.
Hạnh phúc được khai mở con mắt tâm hồn
Sau một thời gian dài sống trong tăm tối, u buồn, lầm than, khốn khổ… thì người mù thành Giê-ri-khô mới có diễm phúc được Chúa Giê-su mở mắt cho thấy những sự vật trên đời.
Còn chúng ta, chúng ta được may mắn triệu lần hơn, vì ngay từ lúc ấu thơ, sau khi chào đời chẳng bao lâu, chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt thân yêu của cha mẹ anh chị em họ hàng, thấy được bầu trời huy hoàng rực rỡ, thấy được muôn kỳ quan rất tuyệt vời trong vũ trụ…
Bên cạnh hồng phúc nầy, chúng ta còn được hạnh phúc lớn hơn, đó là được Chúa khai mở con mắt tâm hồn để nhận biết có một người Cha đầy quyền năng và rất nhân từ hằng yêu thương ta là Thiên Chúa Cha; nhận biết Chúa Giê-su là Đấng yêu thương ta đến nỗi gánh lấy tội lỗi và nộp mình chịu chết thay cho ta, nhờ đó, chúng ta được thoát khỏi án phạt đời đời và được lên thiên đàng vinh hiển; nhận biết Chúa Thánh Thần là Thầy dạy tuyệt vời ban tặng cho chúng ta những điều khôn ngoan Ngài mang từ trời xuống; nhận biết mình có quê thật là thiên đàng mà Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta từ thuở tạo thiên lập địa…
Được Chúa Cha mở mắt cho thấy những sự thật tuyệt vời nầy là một hồng ân vô cùng lớn lao, không gì sánh được.
Chúa Giê-su cho rằng đây là hồng phúc rất cao quý mà ngay cả những vị ngôn sứ vĩ đại thời xưa như I-sai-a, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a… hay các vị vua danh tiếng như Đa-vít, Sa-lô-mon… cũng không nhận được. Ngài nói: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều các con xem thấy; vì chưng Ta bảo các con: có nhiều vị ngôn sứ và vua chúa đã muốn thấy những điều các con thấy, mà chẳng được thấy, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe” (Lc 10, 24).
Hồng ân nầy lớn lao đến nỗi Chúa Giê-su tỏ ra hân hoan vui sướng và cất lời tạ ơn Chúa Cha đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì
đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều nầy, nhưng đã tỏ cho những người bé mọn” (Lc 10, 21).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con đôi mắt phần xác để nhìn ngắm những điều kỳ diệu trên đời và nhất là Chúa đã rộng thương mở mắt tâm hồn để chúng con nhận biết những sự thật tuyệt vời về Thiên Chúa, về cuộc sống đời sau.
Xin cho chúng con sống xứng đáng với hồng ân Chúa ban và cố gắng dẫn đưa nhiều người đến với Chúa để họ cũng được Chúa ban cho diễm phúc nầy. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Muốn xem bài cũ hơn, xin mời click vào đây => https://nguonvui.net
Tin mừng Mác-cô 10, 46-52
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê.47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! “49 Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây! ” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! “50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.51 Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.”52 Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
From: ngocnga_12& NguyenNThu
LỢI ÍCH KHI BẠN ĐỌC KINH MÂN CÔI HẰNG NGÀY
Tác giả: Ruth Baker, Hv. Quốc Dũng s.j., dịch
Nếu bạn cảm thấy khó khi đọc kinh Mân Côi, hay không dễ dàng duy trì việc ấy hằng ngày, bảy điều bất ngờ dưới đây ắt hẳn sẽ là những động lực tích cực.
Rõ ràng là khi yêu ai đó hay một điều gì đó với trọn cả con tim, bạn cảm thấy rất say mê và biết phải tương tác thế nào với ‘kẻ ấy.’ Thế nhưng, đôi khi khỏa lấp trọn vẹn những đòi hỏi của tình yêu ấy quả là điều không hề dễ dàng. Đó là điều mà tôi cảm nhận được về việc đọc kinh Mân Côi. Tôi yêu kinh Mân Côi và nhận chân kinh Mân Côi như một món quà vốn được trao tặng nhưng không. Tôi thực sự tin tưởng vào sức mạnh của kinh Mân Côi. Nhưng dành thời gian cho việc cầu nguyện với kinh Mân Côi ư? Điều đó đòi hỏi tôi phải hy sinh và cho đi một khoảng thời gian, hay năng lượng vốn lẽ ra là dành để đầu tư cho chính mình. Bởi vậy, cầu nguyện với kinh Mân Côi giúp chúng ta tái quy hướng về Chúa Kitô, Đấng giải thoát chúng ta thoát khỏi tình trạng tội lỗi và lòng yêu mình, và là người thầy kiên nhẫn dạy chúng ta biết cách kiềm chế những đòi hỏi ích kỷ của bản thân.
Càng cầu nguyện với kinh Mân Côi, bạn càng muốn cầu nguyện nhiều hơn nữa. Ơn ban này có được hệ tại ở những lần bạn vật lộn để cho tâm trí mình hoàn toàn thinh lặng và tập trung; tuy cảm thấy mệt mỏi nhưng bạn vẫn cố gắng duy trì việc cầu nguyện, hoặc tắt điện thoại để lần hạt trước khi đi ngủ. Những hành vi kỷ luật như thế ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Kỷ luật cũng giống như tập thể dục, bạn không thể nào trở thành vận động viên marathon trong lần chạy đầu tiên. Nhưng bạn có thể xây dựng nó từng chút một theo thời gian. Kinh Mân Côi giúp bạn thực hiện những bước đi bé nhỏ đó để hướng đến việc chọn Chúa là ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời của bạn. Ngay cả những ngày khi tình cảm hay tinh thần của bạn đang xuống dốc, việc đọc Kinh Mân Côi sẽ giúp vực dậy tâm hồn đang sầu não ấy, và nó cũng là một cách tuyệt vời để giữ lòng trung thành, làm tròn bổn phận với Chúa và với Đức Mẹ, và tuân theo một “quy tắc nhỏ” trong ngày của bạn.
Chắc rằng lúc còn nhỏ người ta thường nói sơ sài về kinh Mân Côi, hay đôi lúc người trên ép buộc bạn phải cầu nguyện theo cách mà họ cảm thấy đó hẳn là cách thức thánh thiện nhất. Bạn cảm thấy chán nản, và chẳng thể hiểu nổi làm thế nào mà việc cầu nguyện bằng ‘chuỗi hạt’ ấy có thể mang lại điều gì tốt đẹp hoặc siêu việt, ngay cả khi bạn tin vào kết quả hiệu nghiệm đầy uy lực của nó. Nhưng thực ra, khi cầu nguyện với kinh Mân Côi thường xuyên và chân thành, những chiều sâu tiềm ẩn vốn có ấy sẽ được vén mở. Có lẽ, đó là một cái nhìn sâu sắc về một lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn đang gặp khó khăn. Đôi khi bạn cảm thấy mình đang hiện diện với Chúa Giêsu trong một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của Ngài. Đó cũng có thể là kinh nghiệm diễn ra thâm sâu trong lời cầu nguyện mà bạn cảm thấy mình thực sự ở đó trong khoảnh khắc của chính Mầu nhiệm. Ắt hẳn luôn có điều gì đó mới mẻ cần được khám phá và luôn có điều gì đó tốt đẹp cần được tiết lộ.
Khi bạn bắt đầu đặt trọn niềm tin tưởng, cuộc sống, thậm chí là cả con tim của mình vào tay Đức Mẹ qua chuỗi kinh Mân Côi, bạn sẽ bắt đầu hiểu Đức Mẹ là người thực tế, đơn giản và tuyệt vời như thế nào. Mẹ chỉ muốn dẫn chúng ta đến với Chúa Giê-su, Mẹ yêu chúng ta rất nhiều với sự dịu dàng thực sự của một người mẹ tuyệt hảo, đến nỗi Mẹ được vinh dự lớn lao khi chúng ta trao phó những vấn đề của chúng ta cho Mẹ. Những tâm hồn biết chạy đến với Mẹ để kêu xin Mẹ cứu giúp và tin tưởng rằng Mẹ sẽ nhận lời thì trong lòng họ sẽ cháy bùng ngọn lửa của lòng can đảm. Bạn sẽ có biết bao can đảm khi biết rằng Mẹ đang ở ngay bên! Thánh Maximilian Kolbe nói: “Tôi nhìn thấy Mẹ Maria ở khắp mọi nơi và tôi không thấy vấn đề khó khăn nào cả.”
Có người nói rằng: “Kinh Mân Côi làm cho cả ngày của tôi bình an hơn, giống như Đức Maria luôn sẵn sàng trợ giúp tôi khi phải đối diện với những điều tồi tệ. Mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa.” Cầu nguyện với kinh Mân Côi không làm đau khổ biến mất, nhưng nó cung cấp cho bạn một vũ khí mạnh mẽ hơn để chiến đấu.
Một trong 20 mầu nhiệm của kinh Mân Côi là: “tiêu diệt sự ác, giảm thiểu tội lỗi và đánh bại gian tà.” Theo kinh nghiệm của tôi, khi thường xuyên lần chuỗi mân côi, tôi nhận ra khoảnh khắc trước khi phạm tội chậm lại. Điều này muốn nói rằng, nếu tôi muốn trì hoãn hoặc buôn chuyện chẳng hạn, tôi không chủ động làm điều đó. Tôi nhận ra rằng những hành động đó bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện trong đầu. Tôi nhận thức rõ hơn về sự cám dỗ trước khi hành động, và có nhiều thời gian hơn để tôi cân nhắc xem liệu tôi có muốn thực sự làm điều đó hay không. Và khi lần hạt Mân Côi, tôi bắt đầu nhìn cuộc đời mình qua lăng kính được hiệp thông với Chúa, và tôi bắt đầu thấy những gì Ngài muốn cho tôi là tốt và tôi cũng muốn điều đó.
Sức mạnh của chuỗi hạt nằm ở sự đơn giản. Nó đơn giản đến mức có vẻ ngớ ngẩn đối với những con người thông thái. Vì vậy, chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta cần phải tìm ra các giải pháp phức tạp, thông minh, kiểu khoa học đột phá để giải quyết các vấn đề phức tạp, thông minh, tầm cỡ khoa học cao siêu của chúng ta. Chúng ta hãy nhìn sâu vào tới cùng tận của các vấn đề và tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho vết thương lớn như vậy. Chúng ta không cần những điều ấy. Thiên Chúa đến thế gian như một trẻ thơ bé nhỏ, yếu ớt và bơ vơ được sinh ra trong cảnh nghèo khó. Kinh Mân Côi, đơn giản đến mức có thể được cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh, là vũ khí cầu nguyện mạnh mẽ nhất mà chúng ta có.
“Không có vấn đề gì, dù khó khăn đến đâu, dù là trần thế hay trên hết là thiêng liêng, trong đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta, của gia đình chúng ta… mà Kinh Mân Côi không thể giải quyết được.” Nữ tu Lucia Fatima.
Đó là bảy ơn ban cho chúng ta đến từ việc thường xuyên đọc kinh Mân Côi, nhưng còn vô số ơn nữa! Ơn thứ tám của bạn là gì? Hãy chia sẻ với chúng tôi trong phần bình luận bên dưới nhé!
Nguyên tác: 7 Surprising Things That Happen When You Pray the Rosary More Often
Tác giả: Ruth Baker
Hv. Quốc Dũng s.j., dịch
Nguồn: https://dongten.net
From: Langthangchieutim
httpv://www.youtube.com/watch?v=D37szGi9Oxk
Bài giảng rất đáng bỏ thì giờ ra nghe và suy ngẫm
httpv://www.youtube.com/watch?v=vOWSUTq-92I
ĐEM YÊU THƯƠNG VÀO NƠI OÁN THÙ – Lm Phạm Tĩnh
httpv://www.youtube.com/watch?v=HCw5qAElwyc
Vì sao cuộc sống mãi hồi hộp? Cha Phạm Quang Hồng
httpv://www.youtube.com/watch?v=c-e285w3sXA
3 TẤC ĐẤT MỚI THẬT LÀ NHÀ-Lm Phạm Tĩnh
TÔI PHẢI LÀM GÌ?
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Một bạn trẻ đã đến với Chúa Giêsu và đặt câu hỏi: Thưa Thày, tôi phải làm gì? Bạn trẻ này là đại diện của số đông những người đang đi kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời. Quả vậy, cuộc sống là một hành trình liên lỉ kiếm tìm hạnh phúc. Có điều là quan niệm về hạnh phúc nơi mỗi người lại khác nhau. Chàng thanh niên trong Tin Mừng được kể là một người đạo hạnh. Từ thuở nhỏ, anh nghiêm túc tuân giữ những gì Chúa dạy trong luật Môisen: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ. Anh rất tự tin để khẳng định với Chúa Giêsu về những thực hành đạo đức của mình. Tuy vậy, Chúa muốn cho anh tiến xa hơn trên con đường trọn lành. Xem ra Chúa chưa hài lòng về những gì anh đã và đang làm. Người đặt ra một điều kiện: ai muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mọi sự. Khi Người yêu cầu người thanh niên bán hết mọi gia sản, tức là Người đòi hỏi anh phải từ bỏ những gì gắn bó, thậm chí từ bỏ chính bản thân để theo Chúa.
Tôi phải làm gì? Đó cũng là câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra thường xuyên, để lượng giá những việc mình đang làm, và mục đích mình đang hướng tới. Câu hỏi này cũng giúp chúng ta nhìn lại bản thân, để nhận ra sứ vụ mà Chúa muốn mình phải thực hiện trong cuộc sống. Sống trên đời, mỗi người có một sứ vụ phải hoàn thành. Tuy vậy, để nhận ra sứ vụ đích thực của cuộc đời là một vấn đề khó khăn. Có nhiều người long đong lận đận, ôm nhiều ảo mộng, nên đã ở tuổi xế chiều vẫn chưa xác định được sứ mạng cuộc đời của mình.
Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? Thưa cần có ơn khôn ngoan. Bài đọc I chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết của ơn khôn ngoan. Tác giả đã nói đến giá trị của sự khôn ngoan như sau: “Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không. Tôi cũng không so sánh nó với kim cương, vì mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó thì kể như đất bùn.” Theo giáo huấn của Giáo Hội, ơn khôn ngoan là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần. Ơn này giúp chúng ta nhìn rõ bản chất của sự việc hay của một con người, chứ không quan sát theo cảm tính hay theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Vì những gì bóng bẩy bên ngoài thì hay đánh lừa giác quan. Giống như cách tiếp thị của dịch vụ quảng cảo trên các phương tiện truyền thông. Trong số những quảng cáo này, có nhiều sản phẩm là hàng giả hoặc kém chất lượng, nhiều người đã bị lừa và tiền mất tật mang.
Cũng theo giáo huấn của Giáo Hội, sự khôn ngoan đích thực là Thiên Chúa. Sự khôn ngoan ấy được ngôi vị hoá nơi Ngôi Lời nhập thể là Chúa Giêsu Kitô. Người là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người là Đấng Cứu độ trần gian. Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống.” Qua lời tuyên bố này, Người khẳng định những ai tin vào Người sẽ được Người dẫn tới Chúa Cha, là nguồn mạch của mọi ơn phúc.
Tin vào Đức Giêsu Kitô, đó là bí quyết để đạt được khôn ngoan và cũng đạt được hạnh phúc đời này và đời sau. Khi nghe Chúa Giêsu so sánh việc vào nước trời khó khăn giống như con lạc đà chui qua lỗ kim, thánh Phêrô đã nói với Chúa: “Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.” Lời thánh Phêrô diễn tả mối băn khoăn của ông khi theo Chúa. Đó cũng là mối băn khoăn của chúng ta: theo Chúa thì được gì? biết bao nhiêu người không theo Chúa mà cũng hạnh phúc sung sướng. Chúa hứa với thánh Phêrô và các môn đệ: họ sẽ được gấp trăm những gì họ đã từ bỏ vì Chúa. Thực tế đã chứng minh: đối với linh mục và tu sĩ, là những người từ bỏ mọi sự trần gian để theo Chúa, Chúa ban cho họ gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần.
Cùng với tác giả Thánh Vịnh 89, chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con sớm được no phỉ ân tình của Chúa, để chúng con mừng rỡ hân hoan trọn đời sống chúng con.” Giữa thời buổi bất an và tràn ngập những ưu tư lo lắng, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan và nghị lực để chúng ta can đảm chọn lựa Chúa, với xác tín Chúa sẽ thưởng gấp trăm những gì chúng ta dám hy sinh vì Ngài.
TGM Giuse Vũ Văn Thiên
From: Langthangchieutim
KHI CHÚNG TA HOÀI NGHI SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
Chúng ta cần cầu nguyện kể cả khi đó là việc thiếu sức sống nhất để làm. Đó là lời khuyên của linh mục triết gia Dòng Tên Michael J. Buckley về những gì chúng ta cần thách thức bản thân mỗi ngày. Khi đối diện với đời sống thực tế, lời cầu nguyện thường là việc thiếu sức sống nhất để làm. Vậy lời cầu nguyện tạo nên được khác biệt gì?
Tôi sẽ cầu nguyện cho bạn! Xin nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện! Chúng ta luôn nói những câu này. Tôi cho là không ngày nào chúng ta không hứa cầu nguyện cho ai đó. Tuy nhiên, chúng ta có thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta tạo nên khác biệt không? Chúng ta thật sự tin lời cầu nguyện của chúng ta có thể chặn đứng được đại dịch, xoa dịu căng thẳng trong cộng đồng, xóa bỏ hàng thế kỷ hiểu lầm giữa các giáo phái, chữa lành căn bệnh nan y, đưa con em chúng ta trở lại với nhà thờ, hay làm cho ai đó tha thứ cho chúng ta không? Lời cầu nguyện có thể làm gì khi chúng ta bất lực trong một hoàn cảnh nào đó?
Chúa Giêsu nói rằng có những con quỷ chỉ có thể bị xua đuổi nhờ lời cầu nguyện và chay tịnh. Tôi cho rằng, chúng ta tin câu này theo nghĩa đen như việc trừ quỷ thì dễ hơn là tin lời cầu nguyện có thể xua trừ những con quỷ trần tục như hận thù, bất công, hiểu lầm, chia rẽ, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc, định kiến bất dung và những chứng bệnh thể xác cũng như tâm hồn. Đây là những con quỷ thật sự đang bủa vây cuộc sống chúng ta và dù chúng ta xin Thiên Chúa giúp đỡ trong lời cầu nguyện, nhưng thường chúng ta không mấy tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ tạo nên khác biệt. Sao có thể như thế?
Lịch sử lâu dài của Do Thái giáo và Kitô giáo dạy chúng ta, Thiên Chúa không có thói quen can thiệp trực tiếp vào đời sống tự nhiên và đời sống nhân loại, ít nhất không phải theo cách mà chúng ta thấy được. Các phép lạ có xảy ra, có thể theo hàng triệu cách mà chúng ta không nhận thức được. Nhưng nếu chúng ta không thể nhìn thấy phép lạ, thì chúng có thật không?
Hiện thực có những phương thức khác. Có kinh nghiệm và thần nghiệm. Cả hai đều có thật, dù chúng ta không xem cả hai như nhau về phương diện hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Nếu một xác chết đội mồ sống lại (Phục sinh), hay nếu cả một dân tộc bước đi khô ráo qua Biển Đỏ (Xuất hành) thì rõ ràng đó là sự can thiệp của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta, nhưng nếu một lãnh đạo thế giới hồi tâm chuyển ý và đột nhiên đồng cảm với người nghèo, làm sao chúng ta biết được điều gì dẫn đến chuyện này? Với mọi sự chúng ta cầu nguyện cũng vậy.
Điều gì thúc đẩy trí khôn dẫn đến việc tìm ra vắcxin cho đại dịch? Thuần túy là cơ may sao? Hay sự can thiệp từ trời cao? Ta cũng có thể đặt câu hỏi đó với hầu hết mọi điều chúng ta cầu nguyện, từ tình hình thế giới cho đến sức khỏe của mình. Nguồn nào đem lại hứng khởi, phục hồi sức khỏe, xóa tan cay đắng, biến đổi nhân tâm, giúp đem lại quyết định sáng suốt hay một cơ hội gặp ai đó khiến cả cuộc đời chúng ta tốt đẹp hơn? Cơ may thuần túy hay ngẫu nhiên tình cờ? Hay là ơn phúc và sự dẫn dắt của Chúa nhờ lời cầu nguyện, dù là của chính mình hay người khác cầu cho mình?
Tâm điểm của đức tin Kitô giáo là chúng ta đều thuộc về một thân thể nhiệm mầu, Nhiệm thể Chúa Kitô. Đây không phải là cách nói ẩn dụ. Cơ thể này là một cơ thể sống, cũng thật như một cơ thể vật chất. Bên trong cơ thể vật chất, mọi phần đều ảnh hưởng đến nhau, dù tốt hay xấu. Các enzym (chất xúc tác sinh học) lành mạnh giúp cơ thể duy trì sức khỏe, còn các vi-rút không lành mạnh thì làm suy yếu cả cơ thể. Nếu đúng là thế, mà đúng là thế thật, thì cái gọi là hành động thật sự cá nhân không tồn tại. Mọi việc chúng ta làm, dù là trong tư tưởng, có tác động đến người khác, và do đó tư tưởng và hành động của chúng ta hoặc enzym lành mạnh, hoặc vi-rút gây hại cho người khác. Lời cầu nguyện của chúng ta là enzym lành mạnh tác động đến toàn bộ cơ thể, nhất là đến những người, những sự việc mà chúng ta hướng tới. Đây là giáo lý đức tin, chứ không phải một ý nghĩ đơn thuần.
Bà Dorothy Day từng có thời không thích Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, nghĩ rằng tách mình vào một tu viện nhỏ và “con đường thần nghiệm nhỏ” là lòng mộ đạo ngây thơ. Về sau, khi bà Dorothy dốc sức làm những việc lớn lao cho công lý và hòa bình, nhưng bà thấy dường như chúng không thay đổi được đời sống thực tế bao nhiêu, bà đã nhận thánh Têrêxa làm quan thầy. Điều mà bà Dorothy Day nhận ra qua kinh nghiệm của mình là những hành động dường như nhỏ bé và vô ích về mặt thực dụng cho công lý và hòa bình, lại không vô ích chút nào. Dù nhỏ, nhưng chúng đã giúp mở ra một không gian, mới đầu thì nhỏ, nhưng dần dần mở rộng thành một thứ lớn hơn và có tác động hơn. Khi đưa một vài enzym bé xíu vào cơ thể của thế giới, cuối cùng Dorothy Day đã giúp thế giới lành mạnh hơn một chút.
Lời cầu nguyện là một chất kháng sinh kín đáo khó thấy, có khi dường như vô dụng, nhưng lại thật sự cần thiết.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
From: Langthangchieutim
BÁNH VÀ NƯỚC
Lm Mark Link
“Chúng ta phải bắt chước Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ người khác chứ không phải để được người khác phục vụ.”
Câu cuối cùng trong bài Phúc Âm ngày hôm nay là một trong những câu hỏi nổi bật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta hãy nghe lại câu ấy: “CON NGƯỜI không đến để được phục vụ, nhưng để Phục vụ và hiến thân cứu chuộc nhiều người.” Ít câu nào trong Kinh Thánh tóm tắt được cuộc đời Chúa Giêsu một cách hoàn hảo như thế.
Lần đầu tiên nghe nói về cuộc đời Chúa Giêsu, một Kitô hữu Nhật Bản nổi tiếng tên là Kagawa kêu lên: “Lạy Chúa, xin cho con nên giống Đức Kitô của Ngài.” Và để nên giống Đức Kitô hơn, Kagawa đã từ bỏ căn nhà tiện nghi để đến sống trong những khu tồi tàn vùng Tokyo. Ở đó, ông chia sẻ chính bản thân và của cải mình cho bất cứ ai cần sự giúp đỡ. Trong cuốn sách nhan đề “Quyết Định Nổi tiếng Về Cuộc Đời” (Famous Life Decision), Cecil North Cott viết: Kagawa đã cho đi hết áo quần của mình, và chỉ mặc trên người chiếc áo thụng rách nát tả tơi; vào một dịp khác, dù lâm bệnh rất nặng, ông vẫn tiếp tục thuyết giáo dưới cơn mưa, miệng lập đi lập lại không ngừng, “Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa là Tình yêu. Ở đâu có tình yêu ở đấy có Thiên Chúa.”
William Barclay cho chúng ta thấy tâm hồn và trí tuệ của Kagawa qua những lời của Kagawa mà ông trích dẫn như: “Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất, Ngài hiện diện giữa những kẻ ăn xin, Ngài nằm chung với những người bệnh hoạn, Ngài đứng về phía những người thất nghiệp. Vì thế, ai muốn gặp Thiên Chúa thì hãy đến thăm tù ngục trước khi đi tới đền thờ, hãy đến thăm bệnh viện trước khi đi dự lễ, hãy giúp đỡ kẻ nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh.
Khi đọc về một người như Kagawa, chúng ta nên tự vấn chính mình; chúng ta phải làm sao để có thể sống Phúc Âm một cách nghiêm chỉnh hơn trong đời sống mình? Phải làm sao để bắt chước đời sống phục vụ của Chúa Giêsu một cách thiết thực hơn? Phải làm sao để trở thành Kitô hữu đích thực hơn trong chính gia đình và trong môi trường làm việc của mình?
Dĩ nhiên không ai có thể trả lời dùm chúng ta, vì đây là những câu hỏi mà chúng ta phải tự trả lời lấy, nghĩa là mỗi người đang hiện diện ở đây sẽ phải trả lời những câu hỏi ấy theo cách thức của mình. Tuy nhiên, đừng bao giờ vịn cớ rằng: “Tôi không thể đến những khu tồi tàn ở Tokyo để sống giống như Kagawa đã làm,” để rồi chúng ta chẳng làm gì nữa cả; vì nếu chúng ta không thể làm được một điều thật can đảm, thật anh hùng, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn có thể làm được bất cứ việc gì khác.
Tất cả chúng ta đều có thể làm một điều gì đó dù rất là nhỏ bé và xem ra vô nghĩa, khởi đầu là cho chính những người thân trong gia đình chúng ta, rồi từ đó chúng ta sẽ có những may mắn mở rộng việc phụng sự ra môi trường xa hơn, còn nếu chúng ta không khởi sự ngay từ gia đình mình thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ khởi sự được ở bất cứ nơi nào khác.
Sau đây là một trong những ví dụ hấp dẫn nhất nói về việc phục vụ tha nhân khởi sự từ chính gia đình mình. Đó là câu chuyện được đăng trong tạp chí Leadership (Giới lãnh đạo) cách đây ít lâu:
Một cậu bé nọ cứ cố tình đi học về trễ hoài mà chẳng có lý do gì chính đáng cả, dù đã có biết bao lời khuyên nhủ răn bảo cậu. Cuối cùng, vì quá thất vọng, bố cậu bảo cậu ngồi xuống và nói; “Lần sau con còn về trễ nữa là con chỉ được ăn tối bằng bánh mì với nước lã thôi, ngoài ra không được ăn thứ gì khác nữa nhé. Con nghe rõ chưa?” Cậu bé nhìn thẳng vào mắt cha và gật đầu. Cậu đã hoàn toàn hiểu ý bố cậu.
Vài ngày sau, cậu bé về nhà còn trễ hơn bình thường nữa, Mẹ cậu gặp cậu ở cửa song chẳng nói một lời. Cha cậu gặp cậu trong phòng khách nhưng cũng vẫn chẳng nói lời nào với cậu. Tuy nhiên, tối hôm ấy, khi mọi người quây quần bên bàn ăn, trái tim cậu bé như muốn thót lại khi thấy đĩa cha cậu chất đầy thức ăn, đĩa của mẹ cũng thế, còn đĩa của cậu thì chỉ có một khúc bánh mì, bên cạnh có một ly nước lã, trông hiu quạnh làm sao! Đầu tiên cậu liếc nhìn miếng bánh, sau đó lại nhìn qua ly nước lã. Đây chính là hình phạt bố mẹ cậu đã nói trước với cậu, đáng buồn hơn nữa là tối nay cậu lại cảm thấy đói quá chừng.
Allan Peterson, tác giả câu chuyện đã mô tả diễn tiến sự việc như sau: “Người bố chờ cho bầu khí căng thẳng lắng xuống đoạn lặng lẽ cầm chiếc đĩa của cậu đặt trước mặt ông, rồi cầm chiếc đĩa của ông đặt trước mặt cậu bé…” Cậu bé chợt hiểu ngay điều bố cậu đang làm. Bố cậu đã nhận hình phạt mà lẽ ra chính cậu phải chịu vì hành vi bê bối của riêng cậu…. Mãi nhiều năm về sau, chính cậu bé ấy vẫn nhớ đến biến cố và nói: “Chính nhờ hành vi bố tôi đã làm tối hôm ấy, mà suốt cả đời, tôi đã hiểu được Thiên Chúa tốt lành biết bao!”
Câu chuyện trên giúp ta hiểu thật dễ dàng điều Chúa Giêsu muốn ám chỉ qua lời Ngài nói trong Phúc Âm hôm nay; “Con Người…. đến… để hiến mạng cứu chuộc nhiều người.” Đức Giêsu đã đến trong thế gian để làm cho chúng ta điều mà bố cậu bé đã làm cho cậu. Ngài đến để đền tội lỗi chúng ta bằng chính cái chết của Ngài trên thập giá.
Vậy, để kết thúc, chúng ta hãy nhớ rằng bài Phúc Âm hôm nay đưa ra cho chúng ta một thách thức; Đó là chúng ta phải hiến mạng sống mình để phụng sự tha nhân như Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta và nơi chốn tốt nhất để khởi sự việc này là chính gia đình ta và môi trường làm việc của ta. Nếu chúng ta khởi đầu từ những môi trường này, chúng ta sẽ mở rộng được lòng yêu thương phục vụ của chúng ta sang những môi trường khác nữa.
Biết đâu vào một thời gian nào đó, chúng ta sẽ có dịp phục vụ kẻ khác cũng quảng đại như Kagawa đã làm nơi những căn nhà tồi tàn vùng Tokyo. Chúng ta sẽ có thể có dịp phục vụ tha nhân cũng quảng đại như người bố trong câu chuyện đối với đứa con hư của mình. Tuy nhiên, trước khi chúng ta hy vọng có thể bay được thì chúng ta phải tập đi bộ đã. Và bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta bắt đầu tập đi bộ, mời gọi chúng ta bắt đầu phục vụ lẫn nhau, ngay từ trong gia đình và môi trường làm việc của chúng ta; đó chính là lời mời gọi chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu là Đấng đã phán:
“Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và hiến mạng sống cứu chuộc nhiều người.”
Lm Mark Link