LU MỜ ĐI-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Schleiermacher – triết gia người Đức – nhân vật định hình sự tiến bộ của tư tưởng hiện đại. Một tối kia, ông lang thang một mình trong công viên; một cảnh sát đi tới, định đưa ông về đồn vì nghĩ rằng, ông là một gã say. Cảnh sát hỏi, “Ông là ai?”; Schleiermacher buồn buồn trả lời, “Ước gì tôi biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Schleiermacher, cũng thế, đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không biết mình là ai, làm việc cho ai và phải trở thành ai? Trong Tin Mừng hôm nay, các môn đệ của Gioan Tẩy Giả không biết mình là ai, thầy mình là ai, họ ghen tuông khi Chúa Giêsu cũng làm phép rửa. Gioan bảo họ, “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”.

Sự khiêm nhường của Gioan là một bài học tuyệt vời, đặc biệt đối với những ai đang tích cực tham gia vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Quá thường xuyên khi chúng ta tham gia vào một số hoạt động tông đồ; và cùng lúc đó, “sứ vụ” của những người khác lại dường như đang phát triển nhanh hơn chúng ta. Bấy giờ, sự ghen tị có thể xuất hiện. Vậy mà, vai trò của chúng ta trong sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội Chúa Kitô là phải tìm cách hoàn thành ‘vai trò của mình và chỉ vai trò của mình’. Không bao giờ chúng ta cho phép mình cạnh tranh với những người khác trong Giáo Hội. Chúng ta cần biết khi nào phải hành động theo ý muốn của Chúa, và khi nào phải lùi lại – ‘lu mờ đi’ – để những người khác hoàn thành ý định của Ngài. Chúng ta phải làm theo ý muốn của Chúa, không hơn, không kém và không gì khác!

Vậy mà rất nhiều lần, trong sứ vụ tông đồ, chúng ta làm điều ngược lại, ‘Cần tôi lớn lên, Chúa và anh em tôi cần nhỏ lại!’. Cám dỗ tìm kiếm chính mình trong việc tông đồ, trong việc phục vụ Giáo Hội là một cám dỗ triền miên ở mọi thời, nơi bất cứ ai, thuộc bất cứ đấng bậc nào! Một số người chỉ cống hiến khi công việc mang lại cho họ danh dự, trọng vọng, uy tín hoặc nâng cao tầm quan trọng của bản thân. Chúng ta tuyên bố phục vụ Chúa Kitô, nhưng nếu địa vị bị tổn hại, uy tín bị chỉ trích; hoặc thấy ai đó kém khả năng đứng trên chúng ta về thứ hạng, thì trái tim chúng ta vỡ vụn; cam kết của chúng ta suy tàn. Vào những thời điểm đó, chớ gì chúng ta có thể vượt qua thử thách khi biết ‘lu mờ đi’ để có thể tìm lại niềm vui cho chính mình như Gioan đã nêu gương.

Anh Chị em,

“Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi!”. Đề nghị của Gioan mời gọi mỗi người chúng ta ngày càng làm rỗng chính mình để Chúa Kitô có thể lớn lên, lấp đầy trái tim chúng ta bằng chính Ngài. Theo cách nói của Phaolô, “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”, “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi!”. Để đạt được điều này, chúng ta phải làm gì? Như Gioan, chúng ta ý thức mình chỉ là những “người bạn của chú rể, đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở”. Chỉ lúc đó, chúng ta mới có niềm vui, niềm vui đích thực. Tình yêu dành cho Chúa Kitô không phải là nỗ lực một sớm một chiều, nhưng như Gioan, nó là thành quả của nhiều năm cầu nguyện, chinh phục bản thân và trung thành với một cuộc sống hoán cải và biết ‘lu mờ đi’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 “Lạy Chúa, thật xấu xí khi con ‘hơn thua’ trong việc tông đồ. Cho con biết nhỏ lại, ‘lu mờ đi’ để Chúa và anh chị em con được lớn lên!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*******************************************

Thứ Bảy sau Lễ Hiển Linh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

 22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi tới miền Giu-đê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. 23 Còn ông Gio-an, ông cũng đang làm phép rửa tại Ê-nôn, gần Sa-lim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa. 24 Lúc ấy, ông Gio-an chưa bị tống giam.

         25 Bấy giờ, có một cuộc tranh luận xảy ra giữa các môn đệ của ông Gio-an và một người Do-thái về việc thanh tẩy. 26 Họ đến gặp ông Gio-an và nói: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Gio-đan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông.” 27 Ông Gio-an trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. 28 Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Ki-tô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người.’ 29 Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. 30 Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”


 

CHÚA CHIÊN CỦA TÔI – Lm Gioan Vũ Nghi

  Lm Gioan Vũ Nghi

Mấy năm trước đây, một bé gái 5 tuổi được đưa vào viện mồ côi.  Mấy ngày trước đó, bố mẹ của em đã cãi vã với nhau, rồi bố em đã bắn chết mẹ em, rồi quay súng lại mà tự vẫn.  Tất cả xảy ra trước sự chứng kiến của em.  Đến ngày Chúa Nhật sau đó, em được đưa đến Nhà thờ Công Giáo để tham dự thánh lễ và sau đó, dự lớp Giáo lý.  Vì sợ cô giáo không hiểu hoàn cảnh của em, người coi sóc viện mồ côi đã phải căn dặn cô giáo: Bố mẹ của em là người vô thần, nên chắc chưa bao giờ bé được nghe về Thiên Chúa, vì vậy, xin cô giáo nhẫn nại với em.  Trong buổi học đầu, cô giáo đã giơ cao một bức hình Chúa Giêsu và hỏi cả lớp: “Có em nào biết đây là ai không?”  Cô bé giơ tay trả lời: “Em biết, đó là người đã ôm em vào lòng sau khi ba má em chết.”

Câu chuyện của em bé trên đây chỉ là một trong ngàn vạn câu chuyện thương tâm khác đang xảy ra trong xã hội ngày nay.  Chồng giết vợ, mẹ giết con, con giết bố mẹ, bạn bè thanh toán nhau, nhân công ám hại nhau, là những mẩu tin chúng ta thường đọc thấy trong báo hằng ngày.  Trong những ngày tháng gần đây, nạn khủng bố đã gây tang tóc thương đau cho biết bao gia đình.  Những lá thư hăm dọa đã khiến cho con người sống trong lo sợ.  Quân khủng bố đã bất chấp thủ đoạn khi hành động.  Tháng Giêng vừa qua tại Do Thái, lần đầu tiên một phụ nữ đã nổ bom tự sát để giết người.  Sau đó, người ta tìm ra chị ta là một trong những nhân viên cứu thương của thành phố.  Hôm trước cứu người; hôm sau giết người.  Thật là khó hiểu.  Hơn nữa, họ còn coi đây là thánh chiến.  Lắm lúc nghĩ cũng thấy buồn.  Ba tôn giáo lớn trên thế giới: Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo cùng tôn thờ một Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, thế mà đã mười mấy thế kỷ chém giết nhau.  Con cháu tổ phụ Abraham ngày nay đã đông như sao trên trời như cát dưới biển, đúng như Lời Chúa đã hứa, nhưng tiếc thay con cháu tổ phụ lại cắn xé nhau, để rồi gây tan tác cho đoàn chiên của Chúa.

Khi xưa, Chúa Giêsu sống trong một xã hội tuy không hận thù khủng bố, nhưng cũng mang đầy những thù ghét, chia rẽ, kỳ thị và bất công.  Những người Samaritanô, tuy cũng mang giòng máu Do thái, nhưng lại bị người Do thái coi là dân ngoại; những người thu thuế bị coi là người tội lỗi, nên tuyệt đối bị những người “ngoan đạo” xa tránh; những người phong cùi bị đuổi ra sống bên ngoài xã hội.  Đứng trước thảm trạng đó, Chúa Giêsu đã đến và đã ví mình như gà mẹ túc con dưới cánh để bảo vệ và vỗ về.  Chúa đã tỏ tình thương và mối quan tâm đặc biệt đối với những người tội lỗi, nghèo khó, bệnh tật, những người sống bên lề của xã hội.  Chúa cũng ví mình như một Chủ Chiên đến để qui tụ đoàn chiên đã bị chia ly phân tán, và để đem lại sức sống và niềm hy vọng cho đoàn chiên: “Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào.”

Với hiện trạng của thế giới, Lời Chúa vẫn còn mang một ý nghĩa đặc biệt cho con người ngày nay.  Thật vậy, Chúa Giêsu, Chúa Chiên của chúng ta, đã đến để chúng ta được sống, nhưng không phải sống trong chán chường tẻ lạnh, một cuộc sống vô nghĩa.  Chúa đến là để chiên của Ngài được sống một cách dồi dào, nghĩa là một cuộc sống đầy yên vui, an bình, và yêu thương.  Đó là điều Chúa đã hứa ban cho mỗi người chúng ta, và Ngài đã và đang thực hiện lời hứa của Ngài nơi những con chiên đáp lại lời mời gọi của Ngài và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài.

Với tình thương bao la của người, Chúa đã đến kêu gọi mỗi người chúng ta hãy tiến bước theo Ngài, hãy nhập đoàn chiên của Ngài.  Đây không phải là lời mời gọi một cách chung chung, nhưng là lời mời có tính cách cá nhân và trực tiếp.  Cũng như ngày xưa Chúa đã đến gặp Nicôđêmô, Giakêu, Matthêu, người đàn bà Samaritanô bên bờ giếng Giacob, và người bất toại bên bờ Bếtsaiđa, thì ngày nay Chúa cũng vẫn còn đến để phù trợ, chữa lành, gặp gỡ, hướng dẫn, và chỉ bảo chúng ta trong cuộc sống.  Ngài ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta để an ủi, nâng đỡ, giúp sức, và sự khôn ngoan, để chúng ta có đủ sức đối diện với mọi khó khăn trong cuộc đời.  Qua Lời Chúa và các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, Ngài bảo vệ và ban ơn giúp chúng ta thoát khỏi nanh vuốt của thần dữ, như những kẻ trộm, đang bày trò hãm hại chúng ta.  Và những khi chúng ta vấp ngã, qua Bí tích Xá giải, Ngài sẵn sàng ôm chúng ta vào lòng để tha thứ yêu thương, như người cha nhân lành đối xử với đức con phung phá.

Ước chi chúng ta hãy đáp lại lời mời của Ngài.  Hãy luôn nhận Ngài là Chúa Chiên của mình và luôn tin tưởng vào sự hướng dẫn phù trợ của Ngài.  Có Chúa ở cùng, cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tâm hồn chúng ta vẫn tìm được sự bình an.  Không phải là chúng ta sẽ hết phải đau khổ, nhưng vì chúng ta có Chúa là sức mạnh và là nguồn ủi an cho chúng ta, nên không gì lấy mất đi niềm hy vọng và sự bình an trong tâm hồn chúng ta được.  “Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.  Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng tôi” (Tv 23).

 Lm Gioan Vũ Nghi

From: Langthangchieutim


 

Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào?- Cha Vương

Một ngày bình yên và ấm áp trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 10/1/2025

GIÁO LÝ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào? Mọi người bình đẳng trước Thiên Chúa, vì mọi người đều do một Thiên Chúa tạo thành, mọi người là “hình ảnh Chúa”, có linh hồn, biết suy luận, có cùng một Đấng Cứu chuộc. (YouCat, số 330)

SUY NIỆM: Vì mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, nên mỗi người xét như ngôi vị, đều hưởng một phẩm giá như nhau, và mỗi người phải được sử dụng những quyền lợi như nhau. Vì thế mọi hình thức kỳ thị trong xã hội, kỳ thị chủng tộc, giới tính, văn hóa hoặc tôn giáo đều là một bất công không chấp nhận được. (YouCat, số 330 t.t.)

❦  Con người không thể vừa thờ Chúa và đồng thời khinh dể người thân cận mình, cả hai cách không thể dung hòa được. (Mahatma Gandhi)

❦  Chúa nói: Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng, chúng đã nhận được nơi Ta. (Thánh Catarina Siena)

LẮNG NGHE: Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1 Cr 12:13,27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong trái tim Chúa tất cả mọi người đều có một chỗ nương tựa, xin giúp con biết đối xử tử tế với nhau để mọi người nhận biết rằng chúng con là một thân thể trong Đức Ki-tô.

THỰC HÀNH: Mọi người đều là “hình ảnh Chúa”, vậy hãy cố gắng không bình phẩm người khác, ngay cả khi họ sai, bởi vì điều này liên quan đến một vấn đề thể diện và sự tôn trọng.

From: Do Dzung

***************************

Yêu Thương Và Tha Thứ (Sáng tác: Mai Lợi ) – Diệu Hiền 

CHÚA MUỐN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.

“Ở Nga, Kitô hữu bị thử thách bởi gian khổ; ở Mỹ, họ bị thử thách bởi tự do. Bởi ‘tự do’ khó hơn nhiều! Không ai áp lực trên niềm tin của bạn. Vì vậy, bạn thoải mái, không quá tập trung vào Chúa Kitô, vào sự dạy dỗ của Ngài, vào cách Ngài muốn bạn sống! Vấn đề ở chỗ, không phải những gì bạn muốn, nhưng Chúa muốn!” – Pavel Poloz.

Kính thưa Anh Chị em,

Một lần nữa, chúng ta khám phá lòng thành sâu sắc của người phong cùi qua chi tiết “Chúa muốn” trong Tin Mừng hôm nay; một chi tiết mà cả ba thánh sử nhất lãm nhất mực không bỏ qua, “Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch!”.

“Nếu Ngài muốn!”. Điều này đánh dấu một thiên hướng thánh thiện trong tâm hồn con người này. Thiên hướng đó là anh muốn chính Chúa Giêsu, còn hơn muốn được Ngài chữa khỏi. Với anh, Chúa Giêsu và ý muốn của Ngài thì lớn hơn tất cả! ‘Chúa muốn’, không phải anh muốn! Qua đó, anh bộc lộ sự nhẫn nại của một con người sẵn sàng đón nhận thập giá trong kế hoạch Thiên Chúa dành cho anh. Bởi lẽ, tự co rút lại, không chấp nhận khiếm khuyết của mình – tự thân – đã là một trở ngại để được chữa khỏi chúng! Anh xác tín, ‘Chúa muốn’ thì Chúa làm; bằng không, thì đó vẫn là điều tốt nhất mà Ngài muốn cho vinh quang Ngài nơi thân xác cùi hủi của anh.

Một số người sẽ mất kiên nhẫn trong cuộc chiến này! Họ muốn lành lặn tức khắc hơn là muốn chính Đấng chữa lành. Phương cách chữa trị như thế có thể tốt cho phần xác nhưng lại làm nghèo phần hồn nếu không nói là ‘sinh bệnh’; và điều này không bao giờ hấp dẫn đối với Thiên Chúa! Sự cởi mở đối với thời gian của Ngài, không bất an với những câu hỏi tại sao, tại sao… để phó mặc trong tay Chúa cho phép bệnh tật chữa trị linh hồn trước khi nó được cất khỏi sự èo uột của thân xác.

Đến lượt Chúa Giêsu, Ngài nói, “Tôi muốn!”. Hình dạng xấu xí của bệnh cùi là biểu tượng cho linh hồn một tội nhân! Sự chịu đựng tác động khốn khổ và biến dạng do tội giục giã con người lần theo con đường hoán cải. Với ai vẫn cảm thấy nhức nhối về một tội lỗi trong quá khứ, sẽ có một điều gì đó cản trở khi họ không tin tưởng đủ vào một cuộc sống mới. Và thật khó để tin rằng, Chúa muốn gần họ hơn chính họ muốn đến gần Ngài; đúng hơn, Ngài khao khát họ! Và đây, sự can thiệp của Thiên Chúa thì luôn dứt khoát, vĩnh viễn, tuyệt đối! Chúa Giêsu di chuyển bàn tay của Ngài chạm vào người cùi, “Tôi muốn, anh hãy được sạch!”; từ xác đến hồn!

Anh Chị em,

“Nếu Ngài muốn!”. Bởi tội nguyên tổ, chúng ta chịu sự ‘ham muốn’ phạm tội. Phạm tội nhẹ, chúng ta bị cám dỗ nghĩ rằng “chuyện nhỏ” hoặc “không phải là tội trọng”. Tuy nhiên, tội nhẹ cũng làm biến dạng hình ảnh Thiên Chúa trong chúng ta. Nó “cản trở sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành các nhân đức và điều thiện luân lý… và dần dần, chúng ta phạm tội trọng”. Hãy đến với Chúa Giêsu trong Bí tích Hoà Giải, nơi Ngài chạm đến, chữa lành và giao hoà chúng ta với Chúa, với Giáo Hội! “Chúng ta thường che đậy tội bằng sự giả hình của một “lối sống tốt”. Chính lúc đó, chúng ta cần ở một mình, quỳ gối trước Chúa và cầu nguyện, “Lạy Chúa, nếu ‘Chúa muốn’, Chúa có thể làm cho con được sạch!”. Hãy làm điều đó, hãy làm trước khi đi ngủ, mỗi tối!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con sợ bất cứ một điều gì ngoài tội lỗi – điều làm con xa Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************

Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người toàn thân mắc bệnh phong vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” 13 Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch.” Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh. 14 Rồi Người ra lệnh cho anh không được nói với ai, và Người bảo: “Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.”

15 Tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng; dân chúng lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh. 16 Nhưng Người lui vào những nơi hoang vắng mà cầu nguyện. 


 

Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội?-Cha Vương

Một ngày bình yên trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 9/1/2025

GIÁO LÝ: Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội? Công bằng xã hội chỉ có được khi phẩm giá mỗi người được tôn trọng, nghĩa là quyền lợi của họ được công nhận và tôn trọng và mỗi người có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội. (YouCat, số 329)

SUY NIỆM: Nền tảng của mọi công bằng là tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, mà Đấng Tạo hóa đã trao cho để bảo vệ, và tất cả mọi người nam nữ ở mọi thời đại trong lịch sử đều là người mắc nợ buộc phải trả theo đúng nghĩa (Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm đến xã hội 1987). Từ phẩm giá con người phát sinh trực tiếp ra các quyền của con người mà không một Nhà Nước nào có thể hủy bỏ hoặc thay đổi. Những Nhà Nước hoặc nhà chỉ huy nào dẫm lên các quyền đó đều là các chế độ bất hợp pháp và họ mất quyền bính của họ. Còn về sự hoàn thiện mà xã hội loài người nào cũng khao khát, nó không thể đạt được bằng các luật lệ, nhưng chỉ đạt được bằng yêu người thân cận, khi mà hết mọi người không trừ ai “đều coi người khác như “cái tôi thứ hai” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 27,1), (YouCat, số 329 t.t.)

❦ Tất cả khoa học và nghệ thuật đều tìm kiếm một điều tốt rất lớn, nhưng điều quan trọng hơn tất cả là khoa học chính trị: mục đích tối cao của nó là công bằng; mà công bằng cốt tại thực hiện công ích. (Aristotle)

LẮNG NGHE: Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (1 Cr 12:5-6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, xin cho mọi tầng lớp xã hội biết tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, biết đặt nhân quyền lên trên chủ quyền để mang lại công bằng bác ái cho anh em.

THỰC HÀNH: Cổ võ cho việc bảo vệ công lý hoà bình trong môi trường sống.

From: Do Dzung

*****************************

Bờ Vai Giêsu – Hiền Thục 

CỬA TRỜI MỞ RA- Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 

(Suy niệm Tin mừng Lu-ca 3, 15-16. 21-22 Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa)

Sứ điệp: Nhờ sự vâng phục của Chúa Giê-su, cửa Trời được mở ra cho muôn người được vào.***

Chúa Giê-su là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài là Đấng cao cả, vô cùng tốt lành và thánh thiện, chẳng hề vương chút tội tình… thế mà Ngài lại đến với thánh Gioan, như một người tội lỗi, hòa mình với đám đông những người thu thuế, những người đàng điếm, những tên côn đồ đạo tặc, cướp của giết người và với bao nhiêu người tội lỗi khác… chăm chú nghe Gioan rao giảng và để chờ đến phiên, bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ thánh Gioan làm phép rửa cho mình.

  1. Tại sao Chúa Giê-su vô tội mà lại chịu phép rửa?

Thánh Phao-lô cho ta biết rằng Chúa Giê-su vốn là “Đấng chẳng hề biết tội là gì” lại trở nên người gánh tội cho muôn dân (2 Cr 5, 21).

Và thánh Gioan tẩy giả đã từng giới thiệu cho các môn đệ biết Chúa Giê-su là con “Chiên Thiên Chúa” (Gioan 1, 29) được sai xuống trần để gánh tội trần gian.

Như thế, Chúa Giê-su đến chịu phép rửa không phải vì Ngài có tội, nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Ngài đã mang vào thân. Cũng thế, Chúa Giê-su chịu khổ hình thập giá không phải vì tội của Ngài mà vì tội lỗi của thế gian mà Ngài đã gánh lấy.

Thế rồi khi Chúa Giê-su chịu phép Rửa xong, “và đang khi Ngài cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Ngài… ” (Lc 3,21).

  1. Tại sao trời mở ra?

Từ ngày A-đam và E-và phạm tội, Thiên Chúa xua đuổi ông bà ra khỏi địa đàng và cho thiên thần cầm gươm lửa để ngăn không cho ông bà quay trở lại… (St 3,24). Thế là từ đây, tương quan giữa loài người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện tốt lành bị cắt đứt. Từ đó, loài người phải ngụp lặn trong bùn nhơ tội lỗi và đắm chìm trong cõi chết…

Để cứu loài người khỏi vòng oan nghiệt đó, Chúa Con đã vâng theo ý Chúa Cha, hạ mình xuống thế làm người, gánh lấy tội lỗi muôn người và Ngài đã bước xuống dòng sông Gio-đan chịu thanh tẩy vì tội lỗi con người… Chính vào thời điểm đáng nhớ này, “cửa trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài.”

Đây là thời khắc lịch sử hết sức trọng đại: Cửa thiên cung từ ngàn xưa đã đóng lại vì tội bất phục tùng của A-đam-cũ, cắt đứt mọi tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, thì trong giờ phút này, nhờ sự vâng phục tuyệt đối của A-đam-mới là Chúa Giê-su, cửa trời được mở ra… mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giao hoà giữa Thiên Chúa và nhân loại, tương quan giữa Thiên Chúa và con người được nối lại, trời giao hoà với đất, Thiên Chúa giao hoà với con người, con người được trở về với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa là Đấng vô cùng tốt lành thánh thiện đã mang tội lỗi chúng con vào thân, đã hòa mình với các tội nhân bên bờ sông Gio-đan và khiêm tốn bước xuống dòng nước lãnh nhận phép rửa vì chúng con; Trong khi đó, chúng con là những người đầy tội lỗi nhưng chẳng biết nhìn nhận tội mình để ăn năn sám hối, thì thật đáng trách.

Xin giúp chúng con khiêm tốn nhận mình là người tội lỗi và thực lòng ăn năn sám hối, nhờ đó, cửa trời cũng sẽ mở ra để đón nhận chúng con vào chốn hồng phúc đời đời. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà 

 From: NguyenNThu


 

BÍ TÍCH CỦA NIỀM HY VỌNG – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Chúa Nhật trước, khi mừng lễ Hiển Linh, Phụng vụ đã giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” còn gọi là “hiển linh,” tức là Chúa tỏ mình.  Các nhà đạo sĩ từ phương Đông đã cất bước lên đường, vượt qua ngàn nguy khó để thờ lạy một Hài nhi mới sinh.  Các ông vui mừng toại nguyện và đã lên đường trở về xứ sở của mình.

Với Chúa Nhật hôm nay, Lễ Chúa Giê-su chịu phép Rửa, chúng ta lại được chiêm ngưỡng một cuộc “thần hiện” khác.  Bên bờ sông Gio-đan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cùng tỏ mình ra.  Sự kiện này được cả ba Tin Mừng nhất lãm thuật lại như một chứng từ sống động về sứ vụ Thiên sai của Đức Giê-su.  Người là Con Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha sai đến trần gian.  Cuộc “thần hiện” diễn ra trước sự ngỡ ngàng của dân chúng, kể cả ông Gio-an Tẩy giả, người trước đó đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a (Đấng Thiên sai).

Việc lãnh nhận phép Rửa bởi tay ông Gio-an Tẩy giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su.  Đây là khởi điểm của một chương mới trong lịch sử Cứu độ của Thiên Chúa.  Đây cũng là thời Thiên Chúa an ủi dân Ngài, như ngôn sứ I-sai-a đã báo trước đó khoảng bảy thế kỷ (Bài đọc I).  Vào thời đó, vinh quang Thiên Chúa sẽ tỏ hiện.  Sẽ không còn sợ hãi lo âu nữa, vì Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài đã hứa.  Những dấu hiệu ngôn sứ I-sai-a báo trước đã được thể hiện nơi Chúa Giê-su, trong suốt cuộc sống dương thế của Người.  Đức Giê-su là Con yêu dấu của Chúa Cha, như tiếng nói từ trời đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con.”  “Tiếng nói từ trời,” đó là cách Thiên Chúa hiển linh trong Cựu ước, để truyền lệnh và hướng dẫn dân Ngài.  Đức Giê-su luôn luôn tìm ý Chúa Cha và làm mọi sự, miễn là ý Cha được thể hiện.

Theo Giáo lý Công giáo, khi Đức Giê-su chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, là lúc Người thiết lập bí tích Rửa tội.  Trong cuộc đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, thành viên Thượng hội đồng Do Thái, Chúa Giê-su đã nói về tầm quan trọng và ý nghĩa của phép rửa tái sinh (x. Ga 3,3-8).  Trước khi về trời, Người đã truyền lệnh cho các tông đồ đi khắp thế gian, rao giảng cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28,19-20).

Hiệu quả của bí tích Rửa tội là gì?  Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo trả lời: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Ki-tô hữu, là cổng vào đời sống thiêng liêng, và là cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác.  Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự vào sứ vụ của Hội Thánh” (số 1213).  Nội dung trích dẫn trên đây rất phong phú, diễn tả những khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô hữu.  Ơn của bí tích Rửa tội thật kỳ diệu.  Bí tích Rửa tội là khởi điểm cho hành trình theo Chúa, cũng là hành trình của niềm hy vọng.  Những ai đã lãnh nhận bí tích này đều được mời gọi xác tín vào quyền năng và ân sủng yêu thương của Thiên Chúa.  Cùng với Chúa Giê-su, họ được gọi Thiên Chúa là Cha, và được đồng thừa hưởng gia nghiệp vinh quang đời đời.  Đó là ân sủng, vinh dự và sứ mạng mà người tín hữu được hưởng, nhờ bí tích này.  Tiếc rằng có những Ki-tô hữu không mấy ý thức và cảm nhận vinh dự cao quý này.

Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là ở điều này: đối mặt với cái chết, nơi mọi sự dường như chấm dứt, chúng ta biết chắc rằng, nhờ Chúa Ki-tô, qua ân sủng của Người được thông truyền cho chúng ta trong bí tích Rửa tội, “sự sống không mất đi, nhưng được thay đổi” mãi mãi.  Thật vậy, trong bí tích Rửa tội, khi được mai táng với Chúa Ki-tô, chúng ta nhận được nơi Người, Đấng phục sinh, hồng ân sự sống mới phá vỡ bức tường sự chết và biến nó thành một con đường đi về chốn trường sinh” (Số 20).  Theo giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, bí tích Rửa tội mở ra cho chúng ta cánh cửa hy vọng, để rồi dẫu rằng cuộc đời này còn nhiều tăm tối âu lo, kể cả sự chết, chúng ta vẫn tin vào Thiên Chúa và tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Ngài dành cho người công chính.

Phụng vụ hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi làm con Thiên Chúa, nhờ sự chết và phục sinh của Đức Giê-su.  Trong thư gửi ông Ti-tô là môn sinh của mình, thánh Phao-lô đã lưu ý: “ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ đời sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”  Đó cũng chính là những lời giáo huấn thiết thực và quý báu đối với các Ki-tô hữu chúng ta hôm nay.

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 From: Langthangchieutim


 

  THẾ TỤC & THẦN KHÍ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”.

“Một Kitô hữu là gì?”. Trong một lá thư gửi Diognetus – thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên – một nhà văn mô tả một ‘dân tộc’ kỳ lạ, những người ở trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này. “Họ yêu thương mọi người, nhưng bị mọi người ngược đãi. Họ bị giết chết nhưng lại được sống. Họ nghèo nhưng lại làm cho nhiều người giàu có!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Họ yêu thương mọi người”. Lời Chúa hôm nay cho biết, ai sống yêu thương, người ấy không sống theo tinh thần ‘thế tục’ nhưng sống theo ‘Thần Khí’.

Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu về lại quê nhà, Ngài vào hội đường, đọc sách ngôn sứ Isaia, trong đó có câu, “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. “Kẻ nghèo hèn” ở đây – theo nghĩa rộng – là tất cả “tha nhân”, bất luận họ là ai, người giàu, kẻ nghèo; người sang, kẻ hèn; người quyền thế, kẻ cùng đinh.

Để yêu mến Thiên Chúa cách cụ thể, người ta phải yêu thương tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa là chị em sinh đôi với yêu thương tha nhân. “Yêu thương tha nhân là cầu nguyện cho họ – những người có cảm tình lẫn những người khó ưa – cả những kẻ thù. Chúng ta không được phép tạo không gian cho ghen tuông và đố kỵ, cũng không được phép bôi nhọ người khác” – Phanxicô. Vì “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa, Đấng họ không trông thấy” – bài đọc một. Vì thế, đừng yêu thương cách giả tạo, nhưng cách cụ thể những con người chúng ta trông thấy, sờ đụng; đó là thực tế, chứ không phải tưởng tượng.

Gioan còn đi xa hơn, “Ai yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối!”. Đó là con đẻ của tinh thần ‘thế tục’, kẻ nói dối thuần tuý, lừa đảo thuần tuý. Sẽ thật tốt cho chúng ta nếu luôn suy nghĩ rằng: liệu tôi có yêu mến Chúa hay không? Nhưng hãy đến với ‘viên đá thử’ để coi xem liệu tôi có yêu thương anh chị em mình thật không? Tôi yêu thương họ thế nào!

Tinh thần ‘thế tục’ sẽ bị vượt thắng bằng tinh thần đức tin. Tin rằng, Thiên Chúa đang ở trong anh chị em tôi. Sự chiến thắng mà nó vượt thắng thế gian, chính là đức tin. Chỉ với đức tin, người ta mới có thể đi theo con đường của ‘Thần Khí’. Trí tuệ giúp đỡ rất nhiều, nhưng không giúp gì trong cuộc chiến này. Chỉ đức tin mới trao cho chúng ta khả năng yêu thương tha nhân, biết cầu nguyện cho mọi người, kể cả cho kẻ thù, cũng như không để cảm giác ghen tương và đố kỵ được lớn lên.

Anh Chị em,

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn”. Suốt một đời, Chúa Giêsu đã để ‘Thần Khí’ dẫn dắt. ‘Thần Khí’ đẩy Ngài vào hoang địa cho đến khi Ngài trút ‘Thần Khí’; rồi lại ban ‘Thần Khí’. Như Ngài, mỗi chúng ta được ‘Thần Khí’ ngự trị và sai đi. Lời của chúng ta chỉ là hơi thở rỗng nếu không là lời của Chúa Kitô; việc làm của chúng ta không có hồi kết và luống công nếu không phải là việc làm của Chúa Kitô. “Chính nhờ Người, với Người và trong Người”, khả năng thay đổi trái tim con người mới xảy ra; và chúng ta cũng chỉ có thể làm điều tương tự khi chính Chúa Kitô ra tay!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để thù hận ghen ghét nhân lên trong con! Khi những đố kỵ ‘thế tục’ này nhân lên, chúng chỉ huỷ diệt và giết chết. Bấy giờ, ‘Thần Khí’ trong con sẽ di cư!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

******************************************************

Thứ Năm sau Lễ Hiển Linh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

14 Khi ấy, được đầy quyền năng Thần Khí, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng đồn Người lan ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường của họ, và được mọi người tôn vinh.

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18 Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” 22a Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.


 

Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào?- Cha Vương 

Một ngày an lành trong tinh thần yêu thương, tha thứ, và phục vụ nhé.

Cha Vương 

Thứ 4: 8/1/2025

GIÁO LÝ: Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào? Góp phần cho công ích có nghĩa là đảm nhiệm trách nhiệm đối với người khác. (YouCat, số 328)

SUY NIỆM: Công ích phải lo công việc của mọi người. Vì thế trước hết phải lo dấn thân và đảm nhận những trách nhiệm đối với người thân cận mình – gia đình, lối xóm, nghề nghiệp. Cũng cần phải đảm nhận những trách nhiệm xã hội và chính trị. Vì thế mỗi người có trách nhiệm đều có một quyền và luôn có nguy cơ lạm dụng quyền. Do đó con người luôn được mời gọi không ngừng hoán cải và đổi mới, để thi hành việc quan tâm đến người khác trong tinh thần luôn công bằng và bác ái. “Khi ngươi làm việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là ngươi làm cho Ta đó.”—Mt 25:40 (YouCat, số 328 t.t.)

❦  Không ai có thể nói như Cain “tôi vô trách nhiệm với số phận người em”. (Thánh Gioan Phaolô II)

❦  Hãy kính trọng tiếng tốt của kẻ thù anh em. (Thánh Gioan Vianney)

❦  Mọi người phải quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp đồng loại sống một đời sống xứng đáng.

(Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 27,1)

LẮNG NGHE: Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. (Pl 2:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn những trách nhiệm trong đời sống ơn gọi của con một cách chu đáo và xin giúp con biết cộng tác tích cực với mọi người trong cộng đoàn xã hội để mọi người cảm nhận được tình yêu của Chúa đang hiện diện trong con.

THỰC HÀNH: Dành ít thời gian để tham gia vào các công việc chung của cộng đồng hoặc giáo xứ.

From: Do Dzung

***************************

Chỉ Một Tình Yêu – Phương Anh 

KHÔNG SỢ HÃI- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

Các nhà nghiên cứu của Đại Học Johns Hopkins cho biết: “30 năm trước, nỗi sợ lớn nhất của học sinh tiểu học là: động vật, ở trong phòng tối, độ cao, người lạ và tiếng ồn lớn. Ngày nay, trẻ em sợ nhất là: ly hôn, chiến tranh, ô nhiễm và bị bắt nạt!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tựu trung, theo các nhà nghiên cứu, ngày nay, các em sợ một điều gì đó vốn thiếu vắng tình yêu! Lời Chúa hôm nay nói đến tình yêu và sự sợ hãi. Ở đâu có tình yêu, ở đó ‘không sợ hãi!’.

“Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi!” – bài đọc một. Sự thiếu vắng tình yêu luôn dấy lên sợ hãi! Vậy nếu “Thiên Chúa là tình yêu”, thì ở đâu có Ngài, ở đó không có chỗ cho sợ hãi. Ai biết Thiên Chúa, ai tin Chúa Giêsu là hiện thân tình yêu của Ngài, người ấy ‘không sợ hãi’. Bàng bạc trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói, “Đừng sợ! Đừng sợ!”. Chẳng hạn hôm nay, hiện ra với các môn đệ ở biển hồ khi họ đang gặp bão tố, Ngài nói, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.

Một chi tiết tinh tế Marcô ghi lại là, đang khi các môn đệ vật lộn với cuồng phong, ngay lúc ấy, Chúa Giêsu đang đi cầu nguyện. Việc cầu nguyện không làm Ngài quên họ, trái lại, khiến cho tình yêu Ngài thôi thúc Ngài gần họ hơn! “Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược”. Bất cứ khi nào họ bị nhồi trên sóng, họ phải học hỏi. Nước tượng trưng cho thế giới, sóng tượng trưng cho thử thách! Và khi mọi sự gần như dẫn đến một kết cục tồi tệ thì Chúa Giêsu có mặt. Ngài không để họ đơn độc; ánh mắt Ngài không rời họ! Ngài muốn đào tạo một niềm tin sâu sắc nơi những người Ngài yêu. Rối loạn không bao giờ vắng mặt, nhưng rối loạn là nơi đào tạo một vị thánh, một tông đồ!

“Chúa Giêsu đã giẫm lên những con sóng; Ngài đặt tất cả những xáo trộn phù nề dưới chân mình. Kitô hữu, tại sao phải sợ?” – Augustinô. Giữa hỗn mang, Ngài đến tiếp sức để chúng ta không bị xô đẩy và thuyền không lật úp. Một con thuyền đang nguy biến và chắc chắn, cái chết sẽ đến nếu không có nó. Hãy ở yên trong thuyền và kêu cầu Chúa! Khi mọi lời khuyên đều thất bại, bánh lái là vô dụng và sự trải rộng của những cánh buồm mang đến nhiều hiểm nguy hơn là lợi thế; khi tất cả trợ giúp nhân loại đã rơi rụng, cách duy nhất còn lại cho các thuỷ thủ là cầu nguyện. Chúa Giêsu sẽ đưa con thuyền vào cảng an toàn; không lẽ Ngài bỏ rơi Giáo Hội và không cho nó cập bến an bình?

Anh Chị em,

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Chúa Giêsu không chỉ là Đấng bước trên sóng, mà còn là Chúa của mọi bước sóng. Ngài là nguồn mạch tình yêu, đã chết vì yêu, đang sống vì yêu và để yêu. Như đã luôn nhìn đến các môn đệ, ánh mắt Ngài chăm bẵm chúng ta. Vấn đề là chúng ta phải có đức tin để nhận ra Ngài – Đấng luôn có mặt – bên chúng ta từng ngày, vẫn đang vỗ về để chúng ta ‘không sợ hãi’, “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Đấng Phục Sinh toàn thắng nhắc nhở chúng ta rằng, “tình yêu không biết đến sợ hãi”; với Ngài, chân chúng ta tìm thấy nền đá vững chắc giữa cát lún!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết lo sợ nỗi sợ lớn nhất là ‘không có Chúa’ trong cuộc sống. Có Ngài, không nỗi sợ nào trấn áp được con, vì Chúa chăm bẵm con!”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Kim Bang Nguyen

**************************************************

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

45 Sau khi cho năm ngàn người được ăn no nê, lập tức, Đức Giê-su bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, về phía thành Bết-xai-đa, trong lúc Người giải tán đám đông. 46 Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện. 47 Chiều đến, chiếc thuyền đang ở giữa biển hồ, chỉ còn một mình Người ở trên đất. 48 Người thấy các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược, nên vào khoảng canh tư đêm ấy, Người đi trên mặt biển mà đến với các ông, và Người định vượt các ông. 49 Nhưng khi các ông thấy Người đi trên mặt biển, lại tưởng là ma, thì la lên. 50 Quả thế, tất cả các ông đều nhìn thấy Người và đều hoảng hốt. Lập tức, Người bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” 51 Người lên thuyền với các ông, và gió lặng. Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, 52 vì các ông đã không hiểu phép lạ bánh hoá nhiều: lòng các ông còn chai đá!


 

 Công ích (common good) được thực hiện thế nào?-Cha Vương

Trời Houston hôm nay gió lớn và lạnh quá! Chúc ban và gia đình tràn đầy Thần Khí và hơi ấm của Chúa. Mời bạn trở lại học hỏi và suy niệm những bài giáo lý căn bản nhé. Bảo trọng!

Cha Vương

Thứ 3: 7/1/2025

GIÁO LÝ: Công ích (common good) được thực hiện thế nào? Công ích được thực hiện khi những quyền lợi nền tảng của con người được tôn trọng, và khi con người được tự do phát triển về trí thức và tôn giáo của mình. Công ích đòi hỏi rằng con người có thể sống trong tự do, hòa bình, yên ổn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, công ích phải bao trùm ra cả thế giới để bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của cả nhân loại. (YouCat, số 327)

SUY NIỆM: Công ích được tôn trọng khi người ta đặt trọng tâm vào việc lo điều tốt cho mỗi cá nhân và cho những đơn vị nhỏ nhất trong xã hội (chẳng hạn gia đình). Cá nhân hay gia đình đều cần được nâng đỡ và bảo vệ bởi những thể chế chính trị. (YouCat, số 327 t.t.)

❦ Phải lo công bằng và nhân đạo cho tất cả mọi người. (Công đồng Vatican II, Phẩm giá con người.)

❦ Sự thiếu vắng cảm thức về công ích là dấu chỉ chắc chắn về sự xuống cấp của xã hội. Cảm thức cộng đồng bị xói mòn sẽ dẫn đến các dạng suy thoái về công ích, từ đó có thể dẫn tới các hệ lụy khác.

LẮNG NGHE: Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Thật thế, việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. (2 Cr 9:11-12)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhân loại đang có chiều hướng thiên về vật chất. Họ tin rằng không có gì tồn tại ngoại trừ vật chất và các chuyển động cũng như sự biến đổi của nó. Họ tìm đủ mọi mánh khóe trà đạp lên nhau để sống. Xin giúp con biết gạt bỏ những toan tính riêng tư ích kỷ đang làm tổn thương đến gia đình nhân loại của Chúa.

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái.

From: Do Dzung

*********************************

Yêu Cho Đến Cùng- Mai Thiên Vân