ÁNH MẮT THIÊN CHÚA

ÁNH MẮT THIÊN CHÚA

TGM Ngô Quang Kiệt

 Người làm sao chiêm bao làm vậy. Tâm hồn thế nào sẽ bộc lộ ra ánh mắt thế ấy. 

Hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trước cửa đền thờ Giêrusalem quan sát những người bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ.

Người đã thấy, và đã phán đoán và có thể thấy được tâm hồn của người dâng cúng tiền.

Hàng hàng lớp lớp người đến dâng cúng. Chúa quan tâm tới người bé nhỏ.

Tin Mừng thuật lại: “Có những người bỏ thật nhiều tiền. Có một bà góa nghèo khó đến bỏ vào đó 2 đồng tiền kẽm, trị giá ¼ đồng bạc Roma”.

Thật lạ lùng, biết bao nhiêu người bỏ rất nhiều tiền mà Chúa chẳng quan tâm, mà chỉ quan tâm đến một người nghèo nhất, đó là một bà góa ăn mặc rất đơn sơ.

Ánh mắt quan tâm nên nhìn thấy rõ người đàn bà nghèo khó lạc giữa đám đông. 

Với Trái Tim Nhân Hậu và Ánh Mắt yêu Thương nên Chúa đã nhìn thấy nơi người bàn đàn nghèo khó ấy có một tấm lòng vĩ đại.

Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. 

Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút tiền bạc dư thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”…

Chúa đã nhìn thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.

Lời Chúa hôm nay vừa cảnh tỉnh tôi, vừa dậy dỗ tôi về cách sống đạovà về cách nhìn người.

Về cách nhìn người, Chúa dạy tôi đừng chạy theo những người giầu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy chú ý đến những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội.

Đừng xét đoán người theo hình thức bề ngoài, hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người.

Có những người địa vị cao sang, nhưng tâm hồn lại thấp hèn.

Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng.

Có những người giầu có nhưng rất bủn xỉn.

Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.

Vì thế trong đời sống đạo, Chúa dạy tôi đừng giả hình, vì Chúa nhìn thấu rõ tâm hồn. 

Tôi có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối Chúa.

Đùng khoe khoang, kiêu ngạo. Vì Chúa chỉ yêu thích những tâm hồn bé nhỏ, khiêm nhường.

Đừng tìm chỗ đứng trong xã hội trước mặt người đời, nhưng hãy tìm chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa.

 * Lạy Chúa, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen.

         TGM   Ngô Quang Kiệt.    

From Tramtubensuoi

SỐNG TRỌN KIẾP NGƯỜI 

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta khởi đầu hành trình dương thế hay bước vào kiếp người.  Hành trình cuộc đời của mỗi người dài ngắn khác nhau.  Có những hành trình nhẹ nhàng êm ả, nhưng cũng có những hành trình gai góc gian truân.  Dù ngắn hay dài, dù nhẹ nhàng hay vất vả, mỗi chúng ta đều phải cố gắng để sống trọn kiếp người.

Cuộc sống này đầy phong ba bão táp.  Sống ở đời phải can đảm kiên trung và chấp nhận những thử thách ấy.  “Lửa thử vàng, gian nan thử đức.”  Chắng có ai sống trên cõi đời này mà không gặp gian nan.  Những vĩ nhân được ca ngợi trong lịch sử, cũng như những vị thánh của Giáo Hội, đều là những người “từ đau khổ lớn lao mà đến.”  Họ không nản lòng trước những khó khăn, nhưng bình tâm trước những vu khống, bao dung tha thứ cho những xúc phạm, sống hiền hòa kể cả với địch thù.  Có người khi đứng trước khó khăn tưởng chừng như ngõ cụt của cuộc sống, đã tiêu cực tìm đến cái chết như một phương pháp giải thoát, để lại đau khổ cho những người thân.  Người ta nói “Thử thách của can đảm không phải là dám chết mà là dám sống và thực hiện ước mơ của mình.”  Tự kết liễu cuộc đời được xem như hèn nhát, nhất là trước những thất bại do chính mình gây ra.  Nếu sai lỗi mà tìm đến cái chết, thì làm sao còn cơ hội để sửa lại?  Những người kiên trì can đảm, vững vàng vươn lên sau vấp ngã, chắc chắn sẽ thành công để tiếp tục bước đi, để sống trọn kiếp người.

Giáo Hội công giáo thường phong thánh cho những tín hữu đã có một đời sống thánh thiện, mẫu mực.  Việc phong thánh chỉ được thực hiện cho những người đã chết, vì sự thánh thiện chỉ được chứng minh và xác nhận khi một người đã sống trọn kiếp người nơi dương thế.  Luật Giáo Hội cũng quy định, địa phương, nơi người tín hữu đó qua đời mới có quyền thỉnh nguyện xin Toà Thánh tôn phong.  Lý do vì chỉ những ai chứng kiến người tín hữu ấy sống đạo đức cho đến hết đời mới chứng minh người ấy có thực sự thánh thiện hay không.  Đơn cử trường hợp Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.  Ngài là người Việt, nhưng trong những năm tháng cuối đời, ngài làm việc tại Rôma.  Vì thế Giáo phận Rôma được quyền làm hồ sơ và dâng thỉnh nguyện lên Đức Thánh Cha để ghi nhận sự thánh thiện và phong chân phước cho ngài.  Hiện nay, tiến trình phong chân phước đã hoàn thiện ở cấp giáo phận Rôma.  Ngài được gọi với danh xưng “Tôi tớ Chúa” và hồ sơ đã được trình lên Đức Thánh Cha cho những bước kế tiếp.  Vị Hồng y đáng kính của chúng ta, cũng như biết bao tín hữu khác đang được xét duyệt để tôn phong, đã sống trọn kiếp người.

Ngôn ngữ Việt Nam gọi một người vừa qua đời là “mãn phần”, tức là đã đầy đủ, trọn vẹn thời gian và hoàn thành phận vụ của mình trên dương thế.  Tuy vậy, có người mãn phần mà chưa trọn kiếp, nghĩa là những người chết mà còn những dang dở trăm chiều.  Có người sống thất đức, suốt đời làm nhưng điều xấu xa, cuối đời không thể nhắm mắt.  Người khác ra đi trong lúc còn vương vấn nợ đời.  Đó là những món nợ vật chất, nhưng cũng là những món nợ ân nghĩa mà mình nỡ phủi tay theo kiểu “qua sông dìm đò”, “qua cầu rút ván.”  Có những người sống vô trách nhiệm với gia đình và những người thân, đến cuối đời trăn trở một mối ân hận khôn nguôi.  Họ muốn chuộc lại lầm lỗi nhưng quá muộn, chẳng còn cơ hội nữa.  Rất may trong cuộc sống đầy bon chen này, thời nào cũng có những người cố gắng sống nhân hậu.  Họ ý thức rằng “gieo nhân nào, gặt quả nấy.”  Dù còn nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng giữ cái tâm trong sáng, hiếu thảo với cha mẹ ông bà, chân thành với bạn bè lối xóm.  Đến khi mãn phần, họ ra đi thanh thản, để lại cho hậu thế tiếng thơm.  Đúng như người ta nói: “Hãy sống sao để khi ta sinh ra, ta cất tiếng khóc, mọi người cười, và khi ta ra đi, ta cười mãn nguyện trong lúc mọi người khóc.” Những người trút hơi thở cuối cùng khi đã chu toàn bổn phận với cuộc đời, thanh thản ra đi để lại những kỷ niệm đẹp, nhất là tình thương mến dạt dào nơi những người quen biết, đó là những người đã sống trọn kiếp người.

Cách nay hai ngàn năm, có một người đã đi trọn kiếp người trong sự thánh thiện và trong hy sinh tự hiến, đó là Đức Giêsu Kitô.  Người là Con Thiên Chúa nhập thể để cứu độ con người.  Thánh Gioan, tác giả của Tin Mừng thứ bốn, đã ghi lại lời Chúa Giêsu khi hấp hối: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Người đã hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa Cha, khi đón nhận thập giá và chết thảm thương như một người tử tội.  Qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người, lời Kinh Thánh từ ngàn xưa được ứng nghiệm. Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trong tâm tình vâng phục Chúa Cha và yêu mến con người.  Cái chết của Chúa Giêsu, cũng theo Tin Mừng thánh Gioan, được diễn tả như một nghĩa cử của lòng hiếu thảo với Chúa Cha: “Người gục đầu trao Thần Linh” (Ga 19,30).  Thần Linh là Ngôi Ba Thiên Chúa, xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con.  Ngài cũng là Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu ấy đã trở thành một ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa.  Giờ đây, trên thập giá, Chúa Giêsu “trao Thần Linh”, tức là trao sự sống và tình yêu cho Chúa Cha.  Đây vừa là một nghĩa cử hiếu thảo, vừa là một cử chỉ của tình yêu mến và vâng phục hoàn toàn.  Trên thập giá, Đức Giêsu là mẫu mực cho mọi con người, là lời mời gọi hãy sống vì người khác, hãy cho đi mà không cần tính toán, hãy yêu thương mà không mong đáp đền.  Vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã sống trọn kiếp người “Sống ở đời, Trời gọi ai, nấy dạ.”  Câu nói bình dân này diễn tả huyền nhiệm của sự chết.  Chẳng ai biết thời điểm của sự chết.  Cũng chẳng ai biết sẽ chết trong hoàn cảnh nào.  Dù trẻ hay già, dù sang hay hèn, Ông Trời gọi ai thì người ấy đi, chẳng ai đi thay được, cũng không ai nấn ná khất lần.  Khi biết rằng cái chết là bất chợt, mỗi chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng.  Đó cũng là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (x. Mt 24,42-51).  Dù không biết đó là lúc nào, nhưng chắc chắn giờ chết sẽ đến.  Nếu giờ ấy là thời điểm kinh hoàng đối với những ai chủ quan sống trong đam mê hận thù, thì lại là giây phút hân hoan hội ngộ đối với những ai cố gắng sống trọn kiếp người.

Nghĩ về cuộc sống tương lai, mỗi chúng ta được mời gọi sống tốt hiện tại, vì tương lai là kết quả của những gì chúng ta đang cố gắng thực hiện ngày hôm nay.  Tác giả của những câu chuyện ngụ ngôn người Pháp, ông La Fontaine, đã viết: “Hãy sống vô tư nhưng không khinh suất; vui tươi nhưng không ầm ĩ; can đảm nhưng không liều lĩnh; tin tưởng và vui vẻ cam chịu nhưng không theo thuyết định mệnh.”  Cuộc sống hằng ngày đầy gian nan phức tạp, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta rèn luyện bản thân và từng bước trưởng thành.  Người tín hữu tin rằng, môi trường sống hằng ngày cũng là nơi họ được Chúa sai đến để làm chứng cho Ngài.  Hiền hòa nhân hậu, bác ái khiêm nhường, bao dung tha thứ… những đức tính căn bản giúp này vừa giúp chúng ta phản ánh sự thánh thiện và lòng nhân từ của Thiên Chúa, vừa giúp cho chúng ta sống trọn kiếp người.

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

From Langthangchieutim

CỐ GẮNG SỐNG YÊU THƯƠNG LẤY LỜI LÀNH MÀ CHO NGƯỜI  

CỐ GẮNG SỐNG YÊU THƯƠNG LẤY LỜI LÀNH MÀ CHO NGƯỜI

 Tuyết Mai

Sự thật chúng ta không ý thức được cái sự việc nói hành nói xấu người vắng mặt, nó cho hậu quả tệ hại như thế nào đâu nhưng nếu chúng ta nói ra sự thật thì cũng là những lời nhắc nhở mà chúng ta quan tâm cho người, cho họ lời khuyên thiết thực là đừng nên tiếp tục làm vậy nữa, thế thôi. Vả lại đôi khi chúng ta có sự xung khắc trong tánh tình, tuổi tác cách xa nhau quá, từ lâu không có sự liên hệ mật thiết hay không thích hợp với sự việc là họ luôn lấy quyền để bắt buộc người dưới phải theo ý muốn của họ.

Nhưng trên hết tất cả là dù có xung khắc hay gì đi chăng nữa miễn là chúng ta đừng để bụng ghét ai, đừng xét đoán khi mắt chúng ta chỉ thấy cái bề ngoài là như vậy hay tai chúng ta chỉ nghe được một phần NHƯNG cái bên trong ấy mới là những gì mà người ta phải gánh chịu. Hay phải chịu nhịn nhục, cố gắng lắm từng ngày một để trong gia đình mới có được hòa khí cho cả hai bên (bên anh bên tôi). Hoặc ngay chính chúng ta có bệnh mà không lường được sự khó chịu ở chính mình nên đã cho ra lời nói – rồi nó đi qua cái lỗ tai của người nghe không chịu được?.

Nhưng có phải chúng ta rất khó chịu khi mình nghe từ người khác thuật lại những gì của người thứ ba than trách về mình không? Mà chúng ta thường thắc mắc là tại sao cái người thứ ba ấy lại không nói thẳng với mình để mình còn biện hộ hay cho lời giải thích ấy chứ nhỉ?. Rồi thì họ muốn tin hay không là quyền của họ mà thôi. Mà thật nếu chúng ta cứ phải thường nghe những lời không lành mạnh ấy thì dần dà chúng ta cũng sẽ cảm thấy không muốn gần với cả hai người hay không?.

Vì thời giờ của nhà nào cũng có những bận rộn những công việc cần phải làm chớ đâu có giờ để nghe những chuyện vô bổ hay gọi là buôn chuyện để cho chúng ta thêm đau đầu và cơ thể như nhận thêm những độc tố ung thư để đầu độc chúng ta thêm; trong thân xác càng ngày càng già, càng thêm yếu đuối vì bệnh tật. Vả nếu khi chúng ta nghe người anh em nói rằng họ bận, họ đau yếu bệnh tật thì NÊN TIN vậy đi mà đừng thắc mắc này nọ … Vì họ có quyền nói KHÔNG mà. Vâng, ngay cả con, cháu, chắt của mình nếu chúng không muốn!.

Ước mong rằng chúng ta hết thảy là con cái Chúa ngày nào còn có mặt trên trần gian này cũng cố gắng sống sao cho tốt đẹp cả đạo và đời; nhất là đối với con, cái, cháu, chắt và người trong họ hàng của chúng ta. Sống sao tuy xa mà gần chớ đừng để cho tình trạng sống gần mà xa thì buồn lắm đó. Là con cái Chúa thì dù gì đi chăng nữa chúng ta cũng cố gắng cầu nguyện cho nhau. Người ngoài, người khắp trên thế giới chúng ta có biết gì đến họ đâu nhưng chúng ta cũng luôn luôn cầu nguyện cho mọi người để tất cả đều sống tốt, làm gương tốt … thì xã hội mới nên tốt lành cho được.

Nhân tiện chúng tôi là người của Cali xin tất cả anh chị em ở gần cũng như ở xa thêm kinh nguyện để cầu cho đám cháy dọc trên sườn núi tại Malibu, California được thuyên giảm và chấm dứt vì hiện mới có 10% là được chữa cháy thôi. Đã có mấy trăm căn nhà bị thiêu rụi chưa kể công viên, hãng xưởng, shopping, trang trại nuôi ngựa, xe cộ, v.v… đã cháy sạch. Hàng trăm ngàn con người ta cùng ngựa và gia súc đã được lệnh di tản từ mấy ngày qua. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

11 tháng 11, 2018

Ca Ngợi Chúa Trong  Ưu Phiền !

Ca Ngợi Chúa Trong  Ưu Phiền !

 Một bà mẹ đến xin tôi cầu nguyện cho con gái bà là vũ nữ trong một hộp đêm.  Tôi trả lời rằng: tôi rất vui mừng và tạ ơn Chúa vì con bà đang sống như vậy.  Bà nhìn tôi kinh ngạc:

–  Cha đừng nói rằng con phải cám ơn Chúa vì đứa con gái đã quên hết thuần phong mỹ tục và chỉ còn biết nhạo báng tôn giáo.  Con phải cám ơn ma quỷ thì có, chớ không nên cám ơn Thiên Chúa tình yêu.

Người mẹ này bị đặt trước một lựa chọn cam go.  Suốt cả đời, bà chỉ biết cám ơn Chúa vì những điều tốt lành, còn bao nhiêu điều dữ bà cho là ma quỷ bày đặt ra.  Chúng tôi cùng tìm lại trong Thánh Kinh những đoạn nói rằng Chúa có thể biến mọi sự nên lành với những ai yêu Người và tin cậy nơi Người; và những đoạn nói rằng: chúng ta phải biết ơn Chúa, dù gặp cảnh gian nan nào đi nữa.  Tôi nói với bà:

– Bà vẫn có thể nghĩ rằng: con bà đang ở dưới quyền kiểm soát của ma quỷ – nhưng vì bà thiếu tin vào uy quyền vô tận của Thiên Chúa, Chúa cũng khó thực hiện kế hoạch tuyệt hảo của Người trên con bà.  Nhưng trái lại, bà cũng có thể tin rằng chính Chúa đang hoạt động và cảm tạ Chúa về mọi sự. Nhờ vậy bà để cho uy quyền của Chúa có dịp can thiệp và hoạt động trong cuộc sống con gái bà.

Cuối cùng, bà mẹ đau khổ thưa tiếp:

– Con không hiểu được, nhưng con muốn tin rằng Chúa biết rõ điều Chúa làm và con sẽ cám ơn Người.

Sau một lúc cầu nguyện chung, bà ra về với một sự bình an mới trong lòng.  Bà thú nhận với một nét mặt hân hoan:

– Đây là lần đầu tiên mà con không lo lắng cho đứa con gái của con.

Sau đó, bà kể cho tôi nghe điều đã xảy ra.  Ngay trong đêm chúng tôi đã cầu nguyện chung thì con gái bà, như mỗi tối, đang khiêu vũ hầu như khỏa thân trên cái bục nhỏ, thì một chàng thanh niên bước vào vũ trường.  Anh lại gần cô, nhìn thẳng vào mặt và nói:

–  Chúa Giêsu yêu cô!

Cô vũ nữ này đã quen nghe đủ mọi thứ ngôn ngữ của đàn ông, nhưng cô chưa bao giờ nghe một câu như vậy.  Cô bước xuống khỏi sân khấu và lại ngồi gần chàng trai. Cô hỏi:

–  Tại sao anh lại nói như vậy?

Anh ta thuật lại là đang khi đi ngoài đường, anh cảm thấy Chúa thúc giục anh đi vào nơi này để nói cho cô vũ nữ rằng Chúa Giêsu đang muốn tặng cô ân huệ “nhưng-không” của cuộc sống vĩnh cửu.  Như bị sét đánh ngang tai, cô ấy nhìn anh ta và rưng rưng nước mắt. Cô bình tĩnh nói:

–  Tôi muốn được sự sống ấy.

Và ngay tại bàn ăn của hộp đêm đó, cô đã lãnh nhận sự sống.

 ~^~

Ca ngợi Chúa không phải là một liều thuốc, một thần dược luôn luôn hiệu nghiệm làm phép lạ.  Đó là một cách sống đặt nền tảng vững chắc trên lời Chúa.  Chúng ta ca ngợi Chúa vì hoàn cảnh đang có, chứ không phải chỉ ca ngợi Chúa khi thấy kết quả.  Khi nào chúng ta chỉ ca ngợi Chúa với hy vọng, chúng ta tự lừa dối mình, và chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta đang được đổi mới và hoàn cảnh cũng không được đổi mới.

Nền tảng của sự ca ngợi là chấp nhận toàn diện hiện tại một cách vui vẻ. Coi hiện tại đó như ở trong chương trình ý định hoàn hảo của Thiên Chúa tình yêu. Ca ngợi không căn cứ trên điều chúng ta suy nghĩ hay hy vọng sẽ xảy đến trong tương lai.  Đó là một định luật cụ thể của ca ngợi.  Chúng ta ca ngợi Chúa, không phải vì những gì chúng ta hy vọng sẽ xảy đến cho chúng ta và chung quanh chúng ta, nhưng vì Chúa là Chúa, ngay ở chỗ chúng ta đang đứng.  Một điều chắc chắn là khi chúng ta thật tình ca ngợi thì đang xảy ra một sự gì đó.  Uy quyền của Chúa, xuất hiện trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, và chúng ta nhận ra, không chóng thì chầy, một sự thay đổi trong ta và nơi người khác.  Sự thay đổi đó tạo nên niềm vui và một hạnh phúc ngay chính giữa một hoàn cảnh bế tắc; hoặc là chính hoàn cảnh cũng sẽ đổi thay.  Và sự thay đổi đó luôn luôn là hậu quả của sự ca ngợi, chứ không phải là lý do để ca ngợi.  Ca ngợi không phải là mặc cả.  Chúng ta không nói: “Lạy Chúa, con ca ngợi Chúa, sau đó Chúa chúc lành cho con nhé!”

Ca ngợi Chúa là tìm hạnh phúc của chúng ta nơi Chúa như tác giả của Thánh Vịnh đã viết:

“ Hãy tìm niềm vui trong Chúa,

Dâng cho Chúa trọn cả con đường,

Mọi ước vọng để Ngài chỉ huy hướng dẫn”   (TV 37,4)

Hãy chú ý đến thứ tự trong câu này, chúng ta không bắt đầu lập danh sách tất cả các ước muốn của chúng ta rồi mới tìm cách vui trong Chúa, với mục đích được toại nguyện.  Nhưng chúng ta bắt đầu tìm khoái lạc nơi một mình Chúa mà thôi, và một khi chúng ta được sung mãn và hỷ hoan trong Chúa, chúng ta sẽ dần dần khám phá ra rằng: tất cả chỉ là thứ yếu.

Nhưng Chúa vẫn muốn ban cho ta những gì lòng ta ao ước.  Đó là tất cả ý định của Người và kế hoạch của Người trên ta.

(Trích Sách “Quyền Năng của Tâm Hồn Biết Ca Ngợi”

From Nguyen Kim Bang

Hỏa ngục đời đời

Hỏa ngục đời đời

Có một số người không tin có hỏa ngục đời đời, họ lý luận: có cha mẹ nào nỡ trừng phạt con cái mãi mãi, hốn chi là Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành? Để có câu trả lời, chúng ta cùng tìm hiểu những điều sau đây:

  1. Thiên Chúa đã ban sự tự do cho loài người: chọn Thiên Chúa hay chối bỏ Thiên Chúa. Vì con người có tự do, nên có tránh nhiệm về sự chọn lựa. Kẻ chối bỏ Thiên Chúa là kẻ không muốn đến gần Thiên Chúa, không muốn vào thiên đàng, là vương quốc đời đời hạnh phúc.  

  1. Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành, nhưng Ngài cũng vô cùng chí công.  Là Đấng chí công, Ngài không thể để cho kẻ gian ác cũng được hưởng hạnh phúc như người tốt lành trên thiên đàng. Dođó hỏa ngục đành phải có để dành riêng cho quỷ dữ và kẻ gian ác.
  1. Trong đời sống có lẽ bạn đã gặp người luôn mang trong tâm trí sự hận thù. Có kẻ còn nói ra ngoài miệng, dù có phải vào hỏa ngục, họ cũng không tha thứ.  Có ai lấy Lời Chúa dạy: “Tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ; không tha thứ thì không được Thiên Chúa thứ tha”  khuyên bảo, họ cũng chẳng nge. Những kẻ đã chọn sống với hận thù và mang hận thù theo họ qua bên kia thế giới.
  1. Trong đời sống không thiếu những kẻnhắm mắt, bịt tai, chối bỏ không muốn nge ai nói đến sự hiện hữu của Thiên Chúa, mặc dù có đến 92% cac nhà bác học tin có Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật. Vídụ: người Cộng sản chủ trương vô thần và thù get những ai theo Thiên Chúa; và những người theo Phật giáo, là tôn giáo chối bỏ Đấng Tạo Hóa, mặc dù có nhiều học giả, nhiều tâm hồn yêu chân lý, đã vĩnh viễn xa lià tôn giáo này:  Tiến sĩ Paul Williams, Học giả Ấnđộ Mashaba, Học giả Đại hàn Choi Nam Sơn, Bác sĩ Chang Shu Wen, Tu sĩ Phật giáo Avada, Bác sĩ Lert Srichandra, các Đại đức Phật giáo: Huệ Nhật, Từ Vân, Trí Dũng, Trì Liên, Ngộ Thiện, ni cô Diệu Thiện ….
  1. Giả dụ bạn đi ra ngoài đường và vì không bằng lòng người nào đó, bạn đã đấm vào mặt của hắn. Cái đấm đó, bạn có phần lỗi. Giả dụ cũng quả đấm đó, bạn đấm vào mặt cha hoặc mẹ của bạn, thì cái đấm đó không thể xem ngang hàng với cái đấm bạn đã dành cho kẻ ở ngoài đường, mà phần lỗi của bạn nặng hơn, mọi người sẽ khinh thường bạn, kết án bạn nặng nề hơn rất nhiều, coi bạn là đứa con đáng bị Trời đánh.
  1. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, Đấng vô cùng; loài người là loài thụ tạo, có giới hạn. Không phàm nhân nào có thể ngang tầm với Thiên Chúa, để hiểu sự tôt lành vô cùng; sự thánh khiết vô cùng; sự cao cả vô cùng của Thiên Chúa. Dođó, loài người mãi mãi không thể hiểu tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa nặng nề như thế nào.
  1. Nói về hỏa ngục, Thánh Kinh ghi: “nơi mà lửa không hề tắt, giòi bọ không hề chết…” 
  1. Có một linh mục trừ quỷ, hỏi quỷ: “Mày đã ở hỏa ngục bao lâu rồi?” Quỷ trong thân xác người bị quỷ nhập, đập mạnh tay xuống chiếc bàn bên cạnh, hét lớn với giọng giận dữ: “Lúc nào cũng chỉ là mới bắt đầu”
  1. Thánh Nữ Teresa Avila được Thiên Chúa cho đến hỏa ngụcđể hiểu một chút khổ hình đời đời như thế nào; bà đã viết:“Thị kiến này cũng làm cho tôi có một ý định dứt khoát rằng trong vấn đề tối quan trọng là việc cứu rỗi các linh hồn, chúng ta chỉ được phép thỏa mãn với điều kiện làm hết mọi việc phải làm, làm hết mọi việc chúng ta có thể làm.”
  2.  Theo sử liệu của thánh Francesco De Geronimo (1642-1716). Thánh Girolamo là một linh mục dòng Tên, sinh tại Taranto, nhưng hoạt động tông đồ và qua đời tại Napoli, miền Nam nước Ý. Mục vụ nổi bật nhất của ngài là giảng các tuần đại phúc. Vào thời kỳ ấy, các buổi giảng thuyết thường diễn ra nơi các đường phố, tại các công viên, giữa các quảng trường, hay trong các khu vực có những nhà điếm. Mục đích của thánh nhân là mời gọi mọi người hồi tâm thống hối, trở về cùng Thiên Chúa và sống ngay chính. 
    Một hôm, thánh Geronimo giảng trước đám đông, kéo đến nghe ngài nơi quảng trường thành phố Napoli. Gần đó, trong căn nhà có cửa sổ nhìn xuống quảng trường, có một phụ nữ trắc nết sinh sống. Với chủ đích quấy phá và lấn át tiếng nói của vị thánh, bà cất tiếng la hét ầm ĩ và múa máy lung tung. Mọi lời khuyến cáo bà im đi, đều vô hiệu. Thánh Geronimo đành bỏ dở buổi giảng thuyết hôm ấy. 

Ngày hôm sau, thánh nhân trở lại chỗ cũ. Ngạc nhiên vì thấy cửa sổ phòng bà kia đóng kín mít, thánh nhân hỏi lý do tại sao. Người ta cho ngài biết, bà ta đã bất ngờ qua đời trong đêm. Thánh nhân liền nói: “Chúng ta hãy đi xem bà”. Một số đông đi theo ngài và trông thấy xác bà còn nằm sóng soài dưới đất .. Như được linh hứng, thánh nhân cất tiếng hỏi:

– “Hỡi Catarina, nhân danh Chúa, hãy nói cho mọi người đang có mặt đây biết, bà đang ở đâu”. Tức khắc, đôi mắt người quá cố hé mở, đôi môi động đậy. Rồi bằng một giọng khàn khàn, khủng khiếp, bà trả lời:
– “Ở trong Hỏa Ngục .. Tôi bị trầm luân trong Hỏa Ngục đời đời kiếp kiếp!”.
Mọi người hiện diện toát mồ hôi lạnh, dựng tóc gáy!. Lúc xuống cầu thang, thánh Geronimo lẩm nhẩm lập lại:

– “Trong Hỏa Ngục mãi mãi .. Ôi Thiên Chúa công minh, đáng sợ biết là chừng nào!”.
Đa số những người chứng kiến cảnh tượng hãi hùng đó, không muốn trở về nhà, trước khi xét mình kỹ lưỡng, thành tâm thống hối và sốt sắng lãnh nhận bí tích Giải Tội.
Linh mục Francesco De Geronimo được Đức Giáo Hoàng Pio 7 (1800-1823) tôn phong chân phước ngày 2-5-1806 và được Đức Giáo Hoàng Gregorio 16 (1831-1846) nâng lên hàng hiển thánh ngày 26-5-1839. Trong hồ sơ xin phong thánh cho ngài, ghi lại chứng từ của một người như sau:

-“Con có mặt trong biến cố kinh hoàng ấy. Nhưng con không biết trình bày ra sao, diễn tả như thế nào cho đúng tâm tình của con cũng như của mấy người khác. Con chỉ biết nói rằng, cứ mỗi lần có dịp đi ngang quảng trường và trông thấy cánh cửa sổ ấy, con như còn nghe rõ ràng tiếng nói khàn khàn khủng khiếp:

– “Trong Hỏa Ngục .. Tôi bị trầm luân đời đời trong Hỏa Ngục!”.
 

(Một đoạn văn nói về Hỏa ngục của Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt)

From Lucie 1937

Lòng người không muốn thì trời cũng thua 

Lòng người không muốn thì trời cũng thua 

Lc 14,15-24 ; Pl 2,5-11

“Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người”

Nước Trời vẫn được ví như một bữa tiệc.

“Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc : tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25,6)

“Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63,6)

Chắc hẳn người nào có nhóm bạn bè thân hữu quý mến nhau, thỉnh thoảng ngồi lại ăn uống với nhau thì cũng sẽ có một kinh nghiệm trong bữa ăn lành mạnh này : no, say, vui và huynh đệ.

Trong đời sống tâm linh cũng thế, chính Chúa cũng là bữa tiệc cho những ai đã cảm nếm được Chúa tức là cảm nhận gặp gỡ được Ngài…

NO : Chúa lấp đầy cõi lòng sâu thẳm trống rỗng“Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-15)

SAY : Thánh Thần đốt lửa yêu mến ngất ngây“Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4)

VUI : niềm vui hạnh phúcsung mãn chứ không phải thỏa mãn. Hạnh phúc là chính Chúa “Con thưa cùng Chúa : “Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?”(Tv 16,2)

HUYNH ĐỆ : Tình yêu thương anh em bắt nguồn từ Thiên Chúa “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

“Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng : ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’

“Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu” 

Ôh ! dịp may hiếm có thế mà ai cũng có lý do chính đáng để từ chối.Chính đáng theo cái họ nghĩ là chuyện của họ thì quan trọng hơn ; hay họ không muốn không thích dự tiệc thì dù chuyện của mình thật cỏn con cũng trưng lý do ra để xin kiếu… khéo !

Lòng người không muốn thì trời cũng thua !

Tiệc Nước Trời sao mà ế ẩm thế nhỉ ?

Tình cho không biếu không mà cũng không thèm… nhưng dứt khoát chủ nhà không sợ tốn của, phí công, uổng sức… vì biết xoay xở đấy : “Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,13-14).

“Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta”.

‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây’.

Hay thật ! Tiệc Nước Trời phải “ép” người ta vào (cưỡng chế bằng tình yêu nhỉ !).

Vậy chỉ những người không còn lý do gì, không còn có tự hào tự mãn nơi chính mình nữa và được hấp dẫn sức hút của tình yêu thì tất cả đều tung tăng nhảy nhót tưng bừng như bê như nghé như nai vào dự tiệc thôi !

“Tôi nói cho các anh biết : Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi”.

Những vị kinh sư nghĩ gì với câu chuyện này nhỉ ?

Hay cả các ông thông luật cũng lên tiếng : “Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa !” (Lc 11,45)

Vâng, nếu mỗi ngày chúng tôi không có sự thinh lặng lắng đọng tâm hồn mình xuống để lắng nghe lời mời gọi tha thiết rộn rã bên trong thì đúng là nhục mạ cả chúng tôi nữa !”.

Ngược lại thì đúng là “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa !”

“nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.

OTC

 Nguồn  https://tramtubensuoi.blogspot.com/2018/11/long-nguoi-khong-muon-thi-troi-cung-thua.html

SUY NIỆM VỀ CÁI CHẾT

SUY NIỆM VỀ CÁI CHẾT

Elisabeth Nguyễn

“Hãy nhớ rằng, cái chết không trì hoãn đâu và ngày hẹn của âm phủ, con nào có biết” Hc 14,12)

Không ai trong chúng ta biết được ngày chết và cái chết của mình như thế nào. Mỗi ngày sống của chúng ta là mỗi ngày đi dần đến cái chết, nhưng phần đông không ai nghĩ đến chúng cả.

“Con đừng sợ án chết. Hãy nhớ rằng: có những kẻ đã đi trước con, và sẽ có những người theo sau” (Hc 41 3).

Sự chết dạy chúng ta sống như thế nào?

Trong đời sống, chúng ta nên thỉnh thoảng suy niệm về cái chết.

Một nhà tu đức khi suy niệm về cái chết đã thốt lên „cái chết của người già ở trước mặt, cái chết của người trẻ ở sau lưng“

Niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta tránh đam mê những hạnh phúc giả tạo ở đời này và thúc đẩy chúng ta hãy can đảm chịu đựng những đau khổ để kết hợp đau khổ với Đấng Kitô, và biết đến ích lợi của cuộc đời, phải đi qua đau khổ để vào vinh quang với Ngài.

“Nếu có lúc con đau khổ xao xuyến, xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu, Chúa đã buồn muốn chết được. Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây con, xin nhắc con nhớ rằng: Trên Thập Giá, Chúa đã thốt lên: “sao Cha bỏ con” (Lời nguyện. Rabouni)

Suy nghĩ về cái chết không có nghĩa chúng ta phải buồn rầu, sợ hãi, hoặc ngã lòng.

Trái lại, khi suy niệm về cái chết chúng ta sẽ sống một cách hiểu biết hơn về cuộc đời và từ bi nhân ái hơn, vì đó chính là luật của Tạo Hóa.

“Như cành lá trên cây rậm rạp; lá rụng xuống lá lại mọc ra, thì các thế hệ người phàm cũng vậy: lớp kết thúc, lớp lại sinh ra” (Huấn ca 14,18)

Mỗi khi gặp chuyện bực mình khó chịu mà gây gỗ, cãi nhau hay nóng giận với người khác thì được ích lợi gì?

Đau khổ, bịnh nạn thì nghĩ rằng đời sống rất ngắn, ai cũng sẽ chết. “Đó là điều Đức Chúa quyết định cho hết mọi người phàm. Tại sao cưỡng lại điều Đấng Tối Cao đã muốn?

Dù người ta sống được mười năm, trăm năm, hay cả ngàn năm đi nữa, thì trong âm phủ, chẳng ai trách móc đâu” (Hc 41, 4).

Vậy lo lắng, buồn rầu hoàn toàn không được gì mà sinh ra bất an trong tâm hồn.

Là Kitô hữu, hằng ngày cầu nguyện với Lời Chúa, giúp ta biết suy nghĩ sâu xa về sự sống, sự chết theo lời dạy của Chúa và Giáo Hội.

Hãy phó thác và tin tưởng trong tay Ngài. Tất cả đều là hồng ân Ngài ban.

Hãy thinh lặng lắng nghe tiếng nội tâm, để Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta ý thức và tự kiểm soát lấy mình, không để những suy nghĩ lệch lạc lôi cuốn, ta sẽ cư xử với mọi người hòa ái hơn.

Điều này luôn luôn không phải dễ làm, nhưng khi ta cầu nguyện, suy niệm về cái chết, Chúa sẽ nhắc nhở mình về sự mong manh và ngắn ngủi của cuộc đời, ta sẽ tự chế và ăn nói với sự dịu dàng hơn, sẽ biết sống đẹp lòng Chúa hơn.

Chúng ta biết khi chết là lúc chúng ta về với Chúa và sẽ được sống lại với Ngài trong vinh quang thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhân cái chết hơn.

Cái chết luôn bình đẳng cho tất cả mọi người, cho nên ta hãy chọn cách tốt nhất là sống theo Lời Chúa dạy, sống tỉnh thức, sống ý thức, sống yêu thương từng giây phút với hết sức lực, hết trí khôn của mình.

Hơn nữa, dù có lo hay không lo, tất cả chúng ta đều sẽ già và  chết. Ta sẽ nhẫn nại hơn, sẽ bao dung hơn , tử tế hơn , dịu dàng hơn, dẽ dàng tha thứ hơn đối với bản thân ta và đối với người khác.

Cuộc đời thật sự hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Lòng thương yêu từ con tim nhân ái sẽ đâm chồi nở hoa, và khi cái chết đến chúng ta sẽ không có gì ân hận.

Lạy Chúa, xin Chúa cho con được chết một cách an bình, đừng đau đớn lâu ngày, nhưng Chúa cho con chết như thế nào tùy ý Chúa. Amen.

Elisabeth Nguyễn

YÊU MẾN MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT TRÊN CẢ MẠNG SỐNG MÌNH

YÊU MẾN MỘT THIÊN CHÚA DUY NHẤT TRÊN CẢ MẠNG SỐNG MÌNH

 Tuyết Mai

Đúng vậy khi tất cả chúng ta tuyệt đối biết yêu mến và kính sợ Thiên Chúa trên cả mạng sống mình thì như ông Giôna đã được Thiên Chúa thử thách mà ông vẫn một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa của ông và để ngoài tai mặc cho tất cả người đời những ai cho lời chúc dữ, chê bai, khinh rẻ hay nói vì ông thế này, thế kia …

Thiết nghĩ ngày nay chúng ta cũng còn nhiều người sống tin tưởng tuyệt đối vào một Thiên Chúa vô cùng quyền năng duy nhất và luôn yêu thương con người. Nhưng có phải tình yêu ấy nó phải phát xuất tận đáy trái tim yêu thương của chúng ta mà ra không? Chớ tình yêu của Người thì muôn thuở, muôn đời vẫn mặn mà và vẫn vô cùng như thế … Chỉ có con người là không muốn, là từ chối đón nhận tình yêu vô biên của Thiên Chúa mà thôi.

Có điều nếu trong chúng ta ai chưa tìm được tình yêu thương muốn san sẻ cho người cách tích cực hơn bằng cách muốn giúp đỡ nhiều hiện kim hơn, muốn bỏ công sức và thời giờ nhiều hơn mà người đời nghĩ rằng sự hy sinh càng nhiều ấy thì mới càng được Thiên Chúa chấp nhận hay Thiên Chúa mới cảm thấy vui thỏa thì khuyên chúng ta hãy lượng sức mình. Vì Thiên Chúa nhân lành của chúng ta Người thấu biết tận tâm can, tận đáy lòng và sự chân thật của từng người một. Bởi chẳng ai có thể che mắt Người được đâu.

Ai Chúa trao cho nhiều nén bạc thì phải trả lại Người nhiều gấp đôi vì Thiên Chúa (Ông Chủ) không muốn ai ngồi không mà được hưởng cả vì đó là lỗi mất đức Công Bằng và từ sự sống thiếu công bằng được học trong gia đình thì tương lai chúng con cái cũng chỉ học biết được cái toan tính, gian xảo và lọc lừa giỏi đối với tất cả mọi người từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội như chúng ta thấy rất nhiều trong xã hội của ngày hôm nay. Và sự lạnh cảm, thờ ơ của người đối với người mà chúng ta cảm thấy gai lạnh cả xương sống và sợ hãi cho tánh mạng của mình, từng ngày một.

Nếu chúng ta cố gắng một lòng, một trí, một quyết tâm đi theo Thiên Chúa suốt cả cuộc đời và yêu kính Chúa là Đấng duy nhất vô cùng toàn năng thì đừng có ai phải lo sợ cả vì đã có Chúa lo liệu cho. Khi chúng ta đã luôn sống bám vào Thiên Chúa rồi thì Người cũng sẽ ban cho chúng ta khí cụ cần thiết để sống ở trần gian này sao cho được theo thánh ý Chúa và thực thi những gì Chúa muốn chúng ta làm.

Vâng, có nhiều việc mà chúng ta làm rất vui lòng Thiên Chúa chẳng đòi hỏi là chúng ta cần có nhiều tiền, cần có sức khỏe phi thường để chạy đông chạy tây hay có trí thông minh xuất chúng mà viết sách để đời đâu. Thường thì chỉ CẦN là cái tấm lòng biết chạnh lòng thương cảm cho người gặp khó khăn trong cuộc sống ở rất gần chung quanh chúng ta thôi.

Kế đến là trong gia đình nếu chúng ta là bậc ông bà, cha mẹ cần lắm để sống làm gương tốt lành, hiền hậu, thương yêu dạy dỗ chúng con cháu theo cách mà Thiên Chúa mong muốn … Kẻo sau này khi được lên diện kiến Thiên Chúa ở tòa cao thì Người sẽ không quên hỏi tội chúng ta đã cư xử với chúng như thế nào để chúng trở thành hư hỏng và tìm đến con đường hủy hoại mạng sống của chúng nữa.

Ai ai cũng hiểu biết rằng tình yêu Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta đã lợi dụng tình yêu của Người để đánh bóng cho mình, để lấy lòng tin của người mà trục lợi và để được những gì thế gian ban tặng mà mất hẳn tình người, tình Chúa … thì có đáng không?. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

3 tháng 11, 2018

THIẾU SÓT

THIẾU SÓT

Thiếu sót tình yêu thương là thiếu sót lớn của Kitô hữu.  Khổ nỗi, ít khi nó được xem như một tội.  Người ta thừa nhận là có tội khi nó gây thiệt hại cho người lân cận nhưng không coi là tội khi thiếu sót hoặc từ khước yêu thương.

Người ta kể lại một câu chuyện về người bán chiếc xe “dỏm” cho một người nước ngoài, rồi đi xưng tội.  Sau đó, người ấy gặp một người bạn cũ trong quán rượu.  Khi người bạn này nghe nói ông ta đã đi xưng tội, liền nói “Tôi hy vọng anh đã kể lại cho linh mục nghe anh lừa gạt người mua xe như thế nào”.

 “Đời nào tôi làm thế”, ông ta trả lời. “Tôi xưng ra các tội của tôi cho linh mục.  Nhưng linh mục không có quyền biết công việc kinh doanh của tôi”.

 Nguy hiểm lớn đe dọa người-đi-nhà-thờ là họ không biết mối liên quan giữa việc họ làm trong nhà thờ ngày Chúa nhật với việc làm trong quan hệ với người lân cận vào những ngày khác trong tuần.

Người ta có thể xem xét lương tâm mình nhưng không đụng gì đến toàn cảnh: Người có lương tâm làm tròn bổn phận của mình, lương thiện trong công việc làm ăn, công bằng, tôn trọng và hợp tác với những người sống cùng một mái nhà v.v…  Với những người như thế, tôn giáo tách rời khỏi đời sống và trở thành một vấn đề riêng tư giữa họ và Thiên Chúa.  Theo Kinh Thánh, một tôn giáo như thế là sự bóp méo, xuyên tạc.  Tệ hơn nữa là một điều đáng ghét.

Phân ly hai giới răn lớn ấy là việc rất dễ dàng.  Trong một ý nghĩa nào đó, chỉ có một giới răn duy nhất – giới răn của tình yêu.  Nó giống như một đồng tiền, một thực thể có hai mặt.  Không thể có mặt này mà không có mặt kia, không phải chúng ta ghét những người lân cận của chúng ta.  Không, chúng ta không ghét những người lân cận.  Nhưng chỉ vì chúng ta khước từ đưa họ vào trái tim chúng ta.  Nếu sự thật được nói ra, chúng ta lãnh đạm và thờ ơ với họ.

Mọi người trong chúng ta có khả năng yêu thương to lớn, nhưng khổ nỗi, hiếm khi chúng ta sử dụng hết.  Diễn viên Christopher Reeve, nổi tiếng về hình tượng siêu nhân mà ông thể hiện trong phim ảnh.  Tuy nhiên, trong một tai nạn té ngựa, ông bị liệt từ cổ trở xuống và phải ngồi xe lăn.  Ông nói ông đã nhận được 100.000 lá thư bày tỏ thiện cảm và sự ủng hộ của quần chúng.  Điều này dẫn ông đến chỗ hỏi rằng: “Tại sao cần phải có một bi kịch trước khi chúng ta bày tỏ sự cảm kích của chúng ta đối với một người khác?”

Chúng ta bày tỏ điều đó quá chậm và đầy sự hối tiếc.  Chúng ta chờ cho đến khi quá muộn để nói và tỏ cho người khác thấy rằng chúng ta yêu họ.  Chúng ta bày tỏ quá muộn ý muốn sửa chữa một mối bất hòa, quá chậm nỗi vui mừng về sức khỏe và quà tặng của con cái hoặc cha mẹ chúng ta.

Đức Giêsu nói với người Kinh sư: “Ông không còn xa nước Thiên Chúa đâu!”  Biết rõ về hai giới răn quan trọng nhất là bước đầu tiên.  Đem chúng ta thực hành là bước thứ hai.  Chúng ta không còn xa nước Thiên Chúa là bao – Chỉ cần thêm một bước nữa.  Để thực hiện được bước này, chúng ta cần Thiên Chúa chạm tay Người vào tâm hồn chúng ta.

Sưu tầm

**************************************

Lạy Chúa,

Ước gì con có thể yêu Chúa

Bằng một trái tim sốt mến,

Dứt khoát hiến dâng!

Ước gì con biết yêu Chúa vì Chúa

Và ở lại trong tình yêu Chúa

Như những nhà thần bí lớn đã biết yêu Chúa…

 Chớ gì con có thể đồng thời yêu anh em

Bằng một trái tim nhân từ, niềm nở thủy chung,

Vì Chúa, vì anh em,

Mà vẫn đơn sơ, chân thành,

Ân cần săn sóc, hoà mình với họ,

Luôn sẵn sàng yêu mỗi người,

Yêu mọi người, xem tất cả là Dân Chúa.

 Chớ gì con biết yêu anh em

Như Chúa yêu họ, như Chúa yêu con….

Song lạy Chúa, đâu có dễ như vậy

Đối với trái tim phàm hèn con,

Bao giờ cũng chứa đầy tự ái,

Có lúc lạnh lùng như sắt đá,

Có lúc quá trớn bồng bột…..

 Jean Dozolme

From Langthangchieutim

HÃY LÀM TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU TỐT THÌ ĐIỀU TỐT SẼ TRỞ LẠI VỚI CHÚNG TA

HÃY LÀM TRƯỚC NHỮNG ĐIỀU TỐT THÌ ĐIỀU TỐT SẼ TRỞ LẠI VỚI CHÚNG TA

(Tháng cầu cho các linh hồn)

 Tuyết Mai

Nơi chúng tôi ở nhà rất gần ở ngã tư của con đường chính lớn mà cứ thông thường một ngày có đến hai lần nghe còi hụ của xe cứu thương inh ỏi cái lỗ tai mà khi nghe thì thường chúng tôi dù đang bận làm việc gì cũng đều dừng tay mà kêu tên cực trọng của Chúa Giêsu, đức Mẹ Maria và thánh cả Giuse xin cứu chữa lành cho người và linh hồn người. Tại sao? Thưa vì ông nhà tôi cũng già rồi nên cũng có vài lần phải được đưa đi nhà thương bằng chiếc xe này mà cả nhà ai cũng phải lo sợ cho tánh mạng của ổng.

Rồi thì những việc làm đơn giản trong khả năng rất có giới hạn của chúng ta như sức khỏe cùng tuổi tác khó đi được đến đâu mà chỉ cần cái tấm lòng thành, dành ít thời giờ trong ngày trong căn nhà nhỏ và sự chân tình để đọc kinh Mân Côi cùng cầu nguyện cho người sống cũng như người đã qua đời ắt sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa và Mẹ Maria biết bao. Hẳn Mẹ Maria sẽ dâng mọi lời cầu nguyện của chúng ta lên cho Thiên Chúa và không nhiều thì ít cũng sẽ làm cho Người bớt nóng giận và mát lòng khi có con cái chúng còn nhớ đến Chúa.

Hy vọng trong tháng cầu cho các linh hồn này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời của từng người chẳng có thể kéo dài mãi lâu đâu vì ai biết được ngày mai ta sẽ ra sao? Linh hồn của ta sẽ được đến thế giới xa nào? Nên hãy luôn sống trong sự chuẩn bị để Nước Trời là nơi ta đến; Nước Trời là nơi linh hồn sống đời của chúng ta hằng khao khát được vào dự phần Chúa thưởng ban cho ở ngày sau hết. Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

1 tháng 11, 2018

SỐNG THÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG

SỐNG THÁNH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Khi mừng lễ các thánh Nam Nữ như vậy, trước tiên, Mẹ Giáo Hội muốn nhắc nhở cho con cái biết rằng có một sự hiệp thông rất mật thiết giữa ba thành phần trong Giáo Hội: Giáo Hội Lữ Hành, Giáo Hội Thanh Luyện và Giáo Hội Chiến Thắng.  Nói cách khác, có một mối liên hệ thiêng liêng hỗ tương giữa những người còn đang sống ở trên dương thế này với những linh hồn đang chịu thanh luyện trong Luyện Tội, và với các thánh đang hưởng vinh phúc trên Thiên Đàng (x. GLTYGHCG, số 195 & Lumen Gentium, số 49).

Thứ đến, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì ân sủng của Chúa tràn ngập trên cuộc đời các thánh, để từ ân sủng của Chúa, các ngài đón nhận và tỏa hương nhân đức trong cuộc sống, đồng thời lưu truyền lại cho con cháu hôm nay.  Thật vậy, khi nói về sự ảnh hưởng của các thánh Tử Đạo, Tertuliano nhận xét: “Máu các vị Tử Ðạo là hạt giống trổ sinh nhiều tín hữu.”  Chúng ta có được đời sống đức tin như ngày hôm nay là do ơn Chúa ban và biết bao hy sinh của các bậc tiền nhân.

Tiếp theo là: noi gương các ngài để ngày càng tiến tới sự trọn lành.  Thánh Augustino đã nói một câu thời danh: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?”  Sống thánh và làm thánh là bổn phận, trách nhiệm của chúng ta.  Thánh Giêrađô đã nhất quyết phải làm thánh khi từ giã người mẹ của mình để lên đường theo các cha dòng Chúa Cứu Thế đi tu, ngài đã viết một mảnh giấy để lại rằng: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!”  Như vậy, việc nên thánh là trách nhiệm của chúng ta, và cũng là đòi hỏi của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta  là Đấng Thánh” ( Lêvi  19,2; 1 Tx 4,3 ; 1 Pr 1, 16…).

Cuối cùng, trong một xã hội đang chạy đua với kinh tế thị trường, coi thường đạo lý; một xã hội bất công lan tràn; thượng tôn hưởng thụ và khoái lạc dẫn đến tình trạng vô cảm, vô tâm, vô tình…  Nên thánh trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay chính là khẳng khái triệt để không sống theo lối sống sa hoa hưởng thụ, lối sống dẫm đạp lên nhau, lối sống nín thở qua cầu, nói chung lối sống chỉ biết lo cho cái bụng mà quên đi trái tim.  Các thánh khi xưa là những người hoàn toàn khước từ những gì là mau qua chóng hết để tìm cho mình một kho tàng vĩnh cửu trên Trời là niềm vui, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu.

Mừng lễ các thánh hôm nay, chúng ta hãy xin với các thánh là những bậc tổ tiên của chúng ta, xin các ngài nâng đỡ, bầu cử cho chúng ta để chúng ta cũng được hạnh phúc như các ngài trên Thiên Quốc.  Và có lẽ không gì làm cho các ngài vui và Chúa được tôn vinh cho bằng chúng ta noi gương các ngài để nên thánh.  Vì thế, trong việc giáo dục con em của mình, mong thay trong mỗi giáo xứ hay gia đình nên có những sách truyện, cuốn phim, tranh ảnh của các thánh, đây là những phương tiện bổ trợ rất hữu ích cho việc giáo dục Kitô giáo và cho đời sống đức tin nơi thế hệ mai sau.

Mong thay lời dốc quyết của thánh Giêrađô khi xưa: “Mẹ ở lại, con đi làm thánh!” cũng là sự quyết tâm của chúng ta.  Tuy nhiên, chúng ta không ngừng xin Chúa ban ơn trợ lực để chúng ta vượt qua được những cám dỗ hầu tiến tới sự trọn lành như các thánh trên Trời.

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì quyền năng và tình thương của Chúa trên các thánh.  Vì lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, chúng con xin Chúa ban cho chúng con cũng được dồi dào ân sủng như các thánh mà hôm nay chúng con mừng kính, hầu mai ngày, chúng con được cùng các ngài xum họp để tôn vinh, thờ lạy và chúc tụng Chúa không ngừng.  Amen!

Jos. Vinc. Ngọc Biển