Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6:23-26)-Cha Vương

Chúc mừng Năm Mới đến bạn và đại gia quyến. Chúc bạn có một tâm hồn tràn đầy HY VỌNG vào Chúa là đấng ban phát mọi ơn lành để bạn được hạnh phúc và tươi vui suốt năm. Nhớ cầu nguyện cho nhau, nhất là nhưng người cô đơn trong dịp Tết này nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 29/1/2025 (Mùng Một Tết)

TIN MỪNG: Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’” (Ds 6:23-26)

SUY NIỆM: Trong bài đọc một của Thánh Lễ đêm giao thừa, Lời Chúa nhắc nhở bạn về cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và ông Mô-sê qua đó Đức Chúa dạy ông Mô-sê hãy chúc lành cho con cái Ít-ra-en. Mỗi khi làm như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của Danh Thánh Chúa, và Chúa sẽ chúc lành cho họ.

Hôm nay là ngày đầu năm Ất Tỵ, mọi người thân thương trong gia đình từ khắp bốn phương trời đổ về để đón Xuân. Đây là một cơ hội để “gặp gỡ” để chúc nhau, không những chúc sức khỏe, chúc phát đạt, chúc mọi sự như ý… mà còn xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống cho nhau nữa… Nhìn vào những cuộc gặp gỡ trong Tin Mừng, bạn thấy có một điểm nổi bật đó là sự biến đổi nội tâm. Thí dụ, khi các môn đệ gặp Chúa, cuộc đời của họ thay đổi đến độ họ từ bỏ tất cả để chạy theo Ngài. Tại sao? Lý do là vì họ khám đã phá ra Chúa là ai: một người nồng ấm, thân thiện, yêu thương và ân cần tiếp đón. Họ cảm nghiệm mình đã gặp một người khác thường và một người bạn đặc biệt. Cuộc gặp mặt “đi dễ khó về” này đã để lại nơi họ sự bình an sâu lắng và niềm hạnh phúc vô biên để họ có thể làm một bước ngoặc quan trọng trong cuộc đời. Họ bỏ tất cả những gì quí yêu nhất là gia đình, nghề nghiệp, bạn bè , làng xóm để dấn thân theo Ngài. Ước mong những cuộc gặp gỡ trong ngày đầu năm Ất Tỵ của bạn cũng mang một tâm tình như vậy để mọi người cảm nghiệm được sự nồng ấm, thân thiện, bình an và yêu thương dưới muôn vàn ơn lành của Chúa Xuân.

LẮNG NGHE: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay. Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. (Tv 36:3-4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trước thềm Năm Mới, xin Chúa tươi nét mặt nhìn đến con và những người thân yêu của con.

THỰC HÀNH: Để cuộc gặp gỡ của bạn có ý nghĩa mời bạn hãy sử dụng những ngôn ngữ tích cực và tránh những lời phàn nàn tiêu cực nhé.

From: Do Dzung

*************************8

Xuân hy vọng

CHÌM SÂU VÀO TRONG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”.

Một bà mẹ kia có thói quen lạ thường, mỗi khi con trai cô có điều gì bất ổn, cô dẫn nó vào rừng, đặt nó ngồi trên một tảng đá, bảo nó nhắm mắt lại, chìm sâu vào trong. Đoạn, lấy cây sáo mang theo, cô thổi cho nó nghe từ ca khúc này đến ca khúc khác, từ trầm buồn đến réo rắt, từ nỉ non đến hoan hỷ. Cô sẽ thổi cho đến khi thằng bé nở một nụ cười; bấy giờ, hai mẹ con mới ra về!

Kính thưa Anh Chị em,

Như bà mẹ kia muốn con trai mình ‘chìm sâu vào trong’, Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng làm một điều tương tự. Trước cuộc viếng thăm của mẹ và anh em mình, Ngài thốt lên những lời xem ra gây sốc, “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”. Để có thể hiểu những lời lạ thường này, những ai nghe Ngài cũng phải ‘chìm sâu vào trong!’.

Chúa Giêsu thường không ngại nói ra những lời vượt quá trí hiểu người nghe; nhưng thật thú vị, Ngài lại không quen làm sáng tỏ chúng một cách nhanh chóng. Không nghi ngờ, chắc hẳn đã có một sự im lặng nào đó vần vũ đám đông khi Chúa Giêsu thốt ra những lời này; nhiều người có thể nghĩ, Ngài khá cứng cỏi với mẹ và người thân của mình. Không hẳn như vậy! Ngài muốn những người nghe Ngài ‘biết lặng thinh’, để những lời này ‘chìm sâu vào trong’ và tiếp tục chờ đợi. Quả thế, sau đó, nhìn các môn đệ, Ngài nói, “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi!”.

Chúa Giêsu thường không quan tâm đến việc ai đó hiểu sai lời Ngài, Ngài muốn họ tiên vàn, biết lắng nghe Ngài với một tấm lòng rộng mở, một con tim đầy niềm tin. Ở đây, những lời của Ngài trước hết, trực tiếp nói với mẹ Ngài; Ngài đề cao người mẹ “Đầy Ơn Phúc” của mình vì sự vâng phục tuyệt đối ý muốn của Chúa nơi Mẹ; vì lẽ, mối ‘quan hệ huyết thống’ đã quan trọng nhưng sẽ quan trọng hơn, ‘quan hệ tòng thuộc’ vào Thiên Chúa. Như vậy, ‘Maria vâng phục’ sẽ là mẹ của Ngài ‘nhiều hơn’ là ‘Maria huyết thống’.

Vì lẽ đó, Maria sẽ không nghi ngờ và nhăn mặt khi nghe những lời ‘khô khốc’ của Con, những lời vốn đã ‘chìm sâu vào trong’ thật sâu sắc nơi Mẹ. Với một đức tin trọn vẹn, một lòng mến thẳm sâu, Mẹ hẳn đã mỉm cười vì hơn ai hết, Mẹ hiểu – và tất nhiên – cũng hơn ai hết – Mẹ đầy niềm vui. Chính lời xin vâng hoàn hảo của Mẹ đối với Thiên Chúa đã giúp Mẹ hiểu được tất cả những gì Chúa Giêsu đang nói.

Anh Chị em,

“Maria, Người Nữ Thánh Thể” – Gioan Phaolô II gọi Mẹ như thế! Liệu bạn và tôi có để Mẹ ‘dẫn vào rừng’ mà cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi khi ‘khó ở’, mỗi khi ‘trái gió trở trời’, mỗi khi đối diện với những thánh giá trong đời? Với Chúa Giêsu Thánh Thể, với Lời của Ngài, chúng ta sẽ lặng thinh và ‘chìm sâu vào trong’. Ở đó, chúng ta chờ đợi thánh ý Chúa, lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần thay vì chạy vạy tìm câu trả lời ở nơi đâu khác cho đến khi nụ cười tìm về đậu lại trên môi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, đừng để con vùng vằng mỗi khi Mẹ cầm tay dẫn con ‘vào rừng’. Cho con ngoan bước theo Mẹ, ‘ngồi trên tảng đá’, ‘chìm sâu vào trong’ cho đến khi con tim vui trở lại và bình an ùa về!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*******************************************
Thứ Ba Tuần III Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

31 Khi ấy, mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho mời Người ra. 32 Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” 33 Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” 34 Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. 35 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”


 

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 3- Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 Nguyễn Cao Siêu, S.J.

BÌNH TÂM TRƯỚC MỌI THỤ TẠO LÀ ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÂN ĐỊNH 

Trong sách Linh Thao, thánh Inhaxiô nói đến mục đích của đời người: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình” (LT 23).  Thánh nhân coi đây là Nền Tảng chi phối mọi chọn lựa.  Mọi chọn lựa của tôi đều phải hướng đến mục đích này, nghĩa là hướng đến việc tôn vinh Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên tôi và tiếp tục cho tôi sống trên đời.  Tôi không được quên thân phận thụ tạo của mình trước Đấng Tạo Hóa.

Hơn nữa, Thiên Chúa còn muốn tôi được cứu rỗi, nghĩa là được sống mãi mãi bên Ngài ở đời sau.  Cuộc đời tôi đâu chỉ kéo dài một số năm tháng ở đời này, nhưng sau cái chết, nó kéo dài đến vĩnh cửu.  Trần gian này dù có giá trị cao quý, nhưng nó vẫn chỉ là nơi tôi dựng lều tạm trú.  Hạnh phúc và nước mắt ở đời này chưa phải là tuyệt đối, chưa phải là chung cục.  Tôi cần tìm một thứ hạnh phúc vững bền, trọn vẹn.  Chính vì thế mỗi chọn lựa của tôi ở đời này phải được cân nhắc đắn đo, bởi lẽ tôi dễ bị cám dỗ bởi những vẻ đẹp gần bên của cái vô thường mà hững hờ với hạnh phúc tuyệt vời nơi thế giới của Thiên Chúa.

Trước khi phân định và chọn lựa, tôi phải biết tôi từ đâu đến và tôi sẽ đi đâu.  Tôi là thụ tạo đến từ Thiên Chúa và tôi đang trên đường về với thế giới vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Để giúp tôi đạt được mục đích trên của đời người, Thiên Chúa còn ban cho tôi những thụ tạo tốt đẹp khác.  Chúng cũng là thụ tạo như tôi, và Chúa cho tôi có quyền sử dụng chúng để tôn vinh Chúa.  Sử dụng là thế này: nếu chúng giúp tôi nhiều, tôi sẽ dùng nhiều; nếu chúng cản trở tôi, tôi phải loại bỏ.  Tôi không được đặt thụ tạo lên trên Thiên Chúa, là Đấng tác sinh mọi loài thụ tạo.  Vì mọi thụ tạo chỉ là phương thế để giúp tôi phụng sự Thiên Chúa, nên tôi cần có thái độ siêu thoát và tự do đối với chúng.  Thái độ siêu thoát được thánh Inhaxiô gọi là bình tâm (indifference).  Bình tâm ở đây không có nghĩa là bình tĩnh, hay giữ cái đầu lạnh như từ điển quen hiểu.  Bình tâm là tạm thời không nghiêng về một thụ tạo nào, để rồi sau khi đã tìm kiếm và tìm thấy ý Chúa, thì nghiêng về điều Chúa muốn.

Ở thành phố Pisa nước Ý, có một tháp chuông khá đẹp, nhưng lại nghiêng ngay từ lúc mới xây.  Tháp này đã nghiêng 4 độ, và càng lúc càng nghiêng hơn nên có nguy cơ sụp đổ.  Các kỹ sư đã phải suy nghĩ nhiều để tìm ra cách giữ cho nó đừng nghiêng thêm.  Giải pháp đưa ra là di dời các chuông của tháp cho nhẹ bớt, và rút bớt đất dưới một phần nền của tháp để tạo lại sự cân bằng.  Tháp nghiêng Pisa có thể là một hình ảnh tượng trưng cho mỗi người chúng ta.  Chúng ta thường ở tư thế nghiêng, và càng lúc càng nghiêng hơn.  Trước khi quyết định một điều gì, ta thường thấy mình đã nghiêng về một giải pháp rồi.  Trước khi suy nghĩ chọn lựa, ta đã thấy mình đã chọn xong rồi.  Có khi phân định hay tìm ý Chúa chỉ là hợp lý hóa điều mình đã chọn.  Làm cho tháp Pisa đừng nghiêng là chuyện khiến các kỹ sư đau đầu, nhưng làm cho chúng ta đừng nghiêng để hoàn toàn tự do chọn điều Chúa muốn, điều đó khó hơn nhiều.

Phải công nhận là có nhiều thụ tạo làm chúng ta nghiêng.  Người ta nói sức khỏe là tài sản vô giá.  Ai cũng sợ bị đau bịnh, ai cũng muốn mình khỏe mạnh từ đầu đến chân.  Ngoài sống khỏe, người ta còn muốn sống lâu.  Tuổi thọ được coi là một hồng phúc trời ban, nhất là vào thời mà người ta chưa tin có sự sống lại của thân xác.  Sống lâu, vui hưởng tuổi già bên đàn con cháu: đó là ước mơ của nhiều bậc lão thành.  Ngoài sống khỏe và sống lâu thì giàu sang, tiền bạc, của cải là những thứ khiến nhiều người mê đắm, đến nỗi đánh mất cả nhân phẩm của mình và xúc phạm đến nhân phẩm người khác.  Đức Giêsu có lý khi nói: Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Mt 6, 24).  Tiền Của là điều con người thường muốn làm tôi cho nó, vì có nó thì mới làm chủ những thứ khác được.  Khi có tiền, con người lại muốn có danh dự, danh tiếng, danh giá, danh vọng…  Sống như người vô danh là điều hầu như chẳng ai muốn.  Hơn nữa, đối với một số dân tộc phương Đông, chịu ô nhục là điều không thể chấp nhận được và phải tránh bằng mọi giá, kể cả giá máu.

Bạn trẻ hôm nay nghiêng về thụ tạo nào?  Họ có mê tiền, mê tiếng không?  Họ có quan tâm đến số likes, số followers của mình trên mạng xã hội không?  Họ có mong làm giàu bằng cách khởi nghiệp không?  Họ có bị thu hút bởi những thần tượng thể thao hay showbiz không?  Bạn trẻ hôm nay có thể bị nghiêng ngả bởi ma túy và ăn chơi trụy lạc, bởi những thứ khoái lạc mới mẻ và hấp dẫn mà chỉ thời nay mới có.  Khi bị nghiêng như vậy, tôi khó lòng phân định xem đâu là con đường Chúa muốn mình đi.  “Tôi chọn Giêsu là nắng, tôi chọn Giêsu là mưa…” là một câu dễ hát nhưng không dễ sống.  Câu hỏi bây giờ là: làm sao để tôi không nghiêng nữa, nhưng đứng thẳng lên được.  Nhờ thế tôi mới có thể chọn Giêsu.

Câu chuyện của người phụ nữ còng lưng trong Phúc âm Luca nói với chúng ta về cách bà đứng thẳng lên được dù lưng đã còng 18 năm.  Trước hết là sự bất lực hoàn toàn của bà: “lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được” (Lc 13, 11), dù rất muốn.  Đức Giêsu chỉ nói một câu: “Bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền,” và làm một cử chỉ: “Ngài đặt tay trên bà, lập tức bà đứng thẳng lên được” (Lc 13, 12-13).  Chúng ta ít nhiều đều ở tư thế còng lưng, mặt cúi xuống đất, chỉ nhìn thấy một miếng đất nho nhỏ trước mặt, khó ngửa mặt nhìn trời.  Chúng ta ít nhiều bị trói buộc, buộc bằng dây hay bằng xiềng xích (x. Lc 13, 15-16).  Chúng ta không tự cởi trói được, không tự giải thoát cho mình được, không tự đứng thẳng được.  Đức Giêsu chữa cho người phụ nữ còng lưng dù bà không yêu cầu.  Ngài chính là Đấng làm chúng ta được đứng thẳng như một người thật sự tự do.  Tư thế đứng thẳng tượng trưng cho thái độ bình tâm, siêu thoát, không nghiêng về thụ tạo nào.

(Còn tiếp)

Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Nguồn: https://dongten.net

From: Langthangchieutim


 

NGOAN CỐ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ!”.

Lần kia, tranh luận với một thanh niên ngoan cố, Lincoln nói, “Được, cho tôi biết, một con bò có bao nhiêu chân?”; “Bốn!” – “Đúng vậy”, Lincoln đáp. “Bây giờ giả sử bạn gọi đuôi bò là chân; nó sẽ có bao nhiêu chân?”. “Dĩ nhiên là năm!”, câu trả lời đầy tự tin và anh ấy cứ khăng khăng. Lincoln nói, “Đó là chỗ bạn sai, gọi đuôi là chân không biến nó thành chân!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gặp phải sự ‘ngoan cố’ tương tự nơi các kinh sư khi họ gán cho Ngài rằng, “Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ!”.

Thật ngạc nhiên, ngay cả những lãnh đạo thông thái nhất cũng để cho sự ‘thù địch cá nhân’ làm cho ra mù quáng trước điều tốt đẹp nơi người khác. Các kinh sư đã chứng kiến bao việc tốt lành Chúa Giêsu thực hiện, và như những người khác, họ hẳn đã cảm nhận được – cách nào đó – họ đang đứng trước một con người lành thánh; đúng hơn, một Đấng Vô Tội. Vậy mà họ đã ‘ngoan cố’ từ chối thừa nhận Ngài. Những người tự nhận biết Chúa lại là những người không những không nhận ra Ngài mà còn cáo buộc Ngài là ma quỷ.

Thế nhưng, đang khi những người khác có thể đã trả đũa bằng một cơn giận bộc phát, hoặc quay lưng lại với những con người cứng lòng và những lời cáo buộc sai lầm của họ, thì Chúa Giêsu đã không phản ứng như thế, Ngài tìm cách thuyết phục họ một cách khiêm nhường về thiên tính của Ngài chỉ vì lợi ích của linh hồn họ.

Phần chúng ta – những người bước theo Chúa – cũng hãy biết rằng, chúng ta cũng sẽ gặp phải những con người ‘ngoan cố’ tương tự cả khi chúng ta hành động một cách thiện chí vì lợi ích của người khác. Khi điều này xảy ra, hãy nhớ đến Têrêxa Avilla, người đã phải nhẫn nại biết bao khi bà dẫn dắt chị em của mình đến với sự trọn lành. Vì thế, đừng ngạc nhiên nếu chúng ta tìm thấy những mâu thuẫn này trên con đường của mình. Chúng là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang theo đuổi một con đường đúng đắn. Sau đó, hãy cầu nguyện cho những người này và xin Chúa ban cho chúng ta sự kiên nhẫn cần thiết.

Ngược lại, sự bướng bỉnh và cố chấp vẫn có thể là cám dỗ xảy đến nơi mỗi người chúng ta một khi sự ghen ghét ‘lên ngôi!’. “Khi lòng đố kỵ của một người trở nên sâu sắc thì với lòng tốt và những việc tốt của một ai đó vẫn có thể khiến người ta vu khống cho họ. Ở đây có một chất độc chết người thực sự; đó là sự độc ác – theo cách có chủ đích – huỷ hoại danh tiếng của người khác. Hãy cẩn thận, vì thái độ này không sớm thì muộn sẽ huỷ hoại gia đình, huỷ hoại tình bạn, cộng đồng và thậm chí cả xã hội!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

Hôm nay, hãy suy gẫm về bất cứ điều gì mà bạn vẫn ‘ngoan cố’. Có vấn đề đức tin nào bạn đang từ chối tin? Có quan hệ tan vỡ nào mà bạn từ chối khôi phục cách khiêm tốn? Bạn có biện minh cho tội lỗi mình, từ chối thừa nhận nó và cần thay đổi? Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn một trái tim khiêm nhường. Khiêm nhường không gì khác hơn là hoàn toàn thành thật với bản thân và người khác trước mặt Chúa. Hãy loại bỏ mọi sự ‘ngoan cố’ khỏi trái tim bạn để Chúa có thể bước tới, mang lòng thương xót của Ngài vào cuộc sống bạn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ù lì, cố chấp khi ‘vô tình hoặc cố ý’ không nhận ra việc tốt lành Chúa đang thực hiện nơi anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

********************************************

Thứ Hai Tuần III Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

22 Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

28 “Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói: “Ông ấy bị thần ô uế ám.”


 

Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (Lc 4:1)-Cha Vương

Ngày CN hạnh phúc và tràn đầy ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 26/1/2025

TIN MỪNG: Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (Lc 4:1)

SUY NIỆM: Chúa Giê-su được Thần Khí thúc đẩy. Vậy Thần Khí là gì? Thần khí là một Ngôi Vị – Thần khí của Cha và của Con. “Thần khí là một năng lực vô hình mang tính thiêng liêng, vượt khỏi không gian và thời gian, một sức mạnh tự than có tính siêu phàm, tác động cả bên trong lẫn bên ngoài, có sức mạnh đẩy con người phải làm theo và có thể bị lệ thuộc hoàn toàn. Trong đời sống tâm linh, mỗi Kitô hữu có những lúc phải đối mặt với những thử thách, có thể làm đức tin của con người bị chao đảo, tê liệt hay tắt lịm. Những lúc như thế, con người rất cần phải phân định để biết rõ thần khí nào đang hoạt động nơi linh hồn.” (Hàn Cư Sĩ) Theo cha Jordan Anmaun o.p,

“các thần khí có thể được sắp thành ba loai: thần khí của Thiên Chúa, thần khí của ma qủy, thần khí của con người.

Thiên Chúa luôn hướng chúng ta về điều thiện hoăc trực tiếp hoặc gián tiếp qua các nguyên nhân phụ.

Ma qủy luôn xúi giục chúng ta làm điều xấu, nó hoạt động bằng sức riêng của mình hoặc qua vẻ quyến rũ của những sự vật trần thế.

Thần khí của con người có thể hướng về điều xấu hoặc điều tốt, tùy theo cá nhân đó trong lẽ phải hay theo những ước muốn vị kỷ”.  Bạn đang sống trong xã hội vàng thau lẫn lộn, để phân định được đâu là thần khí của Thiên Chúa, bạn phải dành thời giờ để cầu nguyện và phân định coi đâu ra là hoa trái của Thần Khí. Hoa trái của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết. Không có luật nào chống lại những điều như thế” (Gal 5, 22-23). Bạn cứ nhìn vào quả thì sẽ biết cây thôi.

LẮNG NGHE: Lạy CHÚA, Lời CHÚA là thần khí và là sự sống. (Ga 6:63c)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban cho con lòng trí sáng suốt để con nhận ra và sống trong Thần Khí của Chúa.

THỰC HÀNH: Thần khí nào đang lấp đầy khoảng trống của con tim bạn vậy? Đọc lại hoa trái của Thần Khí coi lối sống của bạn có sống đúng với Thần Khí Chúa không nhé.

From: Do Dzung

*************************

THẦN KHÍ CHÚA SAI ĐI -Trình bày: Thành Trung (ST: Nguyễn Đức Tuấn) 

NGƯỜI YÊU CỦA CHÚA – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

“Thưa ngài Thêôphilô, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài!”.

“Thánh Kinh như một viễn vọng kính. Người chỉ nhìn vào nó sẽ không thấy gì khác ngoài nó; nhưng ai biết ‘nhìn xuyên qua’ nó, sẽ thấy những thế giới bên ngoài. Thánh Kinh, Lời tỏ tình của Chúa – một thứ cần ‘nhìn xuyên qua’ – để thấy bao huyền nhiệm. Tiếc thay! Hầu hết người ta chỉ ‘nhìn’ nó, nên nó chỉ là những bức thư chết; họ không nhận ra đó là những bức thư tình Chúa gửi cho những người Ngài yêu!” – Phillip Brooks.

Kính thưa Anh Chị em,

Như Brooks gợi ý, chúng ta hãy đọc Lời Chúa như những ‘người yêu của Chúa!’. Thật thú vị, đó là một đề nghị khá bất ngờ nhân Chúa Nhật Lời Chúa hôm nay.

“Thưa ngài Thêôphilô!”. Luca bắt đầu câu chuyện của mình như thế! Thật ý nghĩa và lãng mạn! “Thêôphilô” – tiếng Hy Lạp – không phải là tên của một người, nhưng theo các nhà chú giải, “Thêôphilô” là tên của tất cả những ai yêu mến Chúa, những người bạn, người yêu của Chúa. Luca muốn nói rằng, “Tôi viết cho bạn câu chuyện lạ lùng nhất mà nhân loại từng biết; câu chuyện mà nhiều nhân chứng và sứ giả của Lời đã công khai giải thích. Tôi muốn bạn và tất cả những ai đọc tường thuật của tôi “nhận thức được rằng, giáo huấn đã học hỏi thật là vững chắc”. Rằng, Chúa Giêsu đã đến để loan báo Nước Thiên Chúa, mang lại cho chúng ta niềm vui được nghe Tin Mừng, cũng là niềm vui được giải thoát khỏi mọi xiềng xích gông cùm!”.

Nhờ Luca, Giáo Hội được tặng một kiệt tác chuyện kể những gì ít ai biết nhất về Chúa Giêsu. Không có Luca, sẽ không ai biết gì về cuộc Truyền Tin, Thăm Viếng; không có Luca, không có câu chuyện Đứa Con Hoang Đàng hay câu chuyện Chúa Phục Sinh tại Emmaus. Chúng ta cũng sẽ không có các tường thuật về cuộc khổ nạn được các Phúc Âm khác kể lại cách khái quát. Nhờ Luca, chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn việc đổ mồ hôi máu của Con Thiên Chúa hay sự đùa cợt của hai tên trộm cạnh thập giá Ngài.

Tin Mừng Luca được gọi là Tin Mừng của lòng thương xót và sách Công Vụ Tông Đồ của Luca đã giúp cho những ‘người yêu của Chúa’ khám phá cuộc đời Chúa Giêsu, lời dạy của Ngài; đặc biệt, hoạt động của Chúa Thánh Thần vào buổi sơ khai. Phaolô cũng nói rất rõ về các cộng đoàn này. Đó là những “Thêôphilô”, ‘người yêu của Chúa’, những chi thể sống động trong Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô, tức là Hội Thánh – bài đọc hai. Bởi lẽ, “Lời Chúa là thần trí và là sự sống!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Lời của Chúa Giêsu không trừu tượng; đó là những lời dạy chạm vào và định hình cuộc sống chúng ta, thay đổi cuộc sống chúng ta, giải phóng nó khỏi sự mờ mịt của điều ác, thoả mãn và truyền vào nó một niềm vui không bao giờ mất!”; “Hãy bắt đầu ngày mới bằng Lời Chúa. Hãy dành thời gian vào buổi sáng để đọc, suy niệm trước khi bắt đầu một ngày bận rộn. Hãy tự hỏi, bắt đầu một ngày mới của mình, tôi có lao đầu ngay vào những việc cần làm không, hay trước tiên tôi tìm kiếm sự soi dẫn trong Lời Chúa?”; “Nếu chúng ta rời khỏi nhà với việc ghi nhớ một lời của Chúa Giêsu, thì chắc chắn ngày đó sẽ có được một cung điệu được đánh dấu bằng lời đó, là lời có quyền năng để định hướng hành động của chúng ta theo mong muốn của Chúa!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con chỉ “nghe suông và tự lừa dối mình” khi Lời Chúa – đối với con – chỉ là những bức thư chết!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

******************************************

Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.  Lc 1,1-4 ; 4,14-21

1 1 Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. 2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

4 14 Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15 Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Chúa.

20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”


 

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 2 – Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 Nguyễn Cao Siêu, S.J.

TẠI SAO PHẢI PHÂN ĐỊNH ĐỂ TÌM Ý CHÚA?

Làm sao để tìm được chọn lựa tốt nhất là ước mong của mọi người.  Để làm điều đó cần biết phân định (discern, discernment).  Đức Thánh Cha Phanxicô đã muốn đưa thái độ phân định vào lối hành xử của mọi Kitô hữu.  Người trẻ cũng cần tập phân định.  Không phải chỉ phân định trước những chọn lựa lớn như chọn bậc sống (đi tu hay lập gia đình) hay chọn người bạn trăm năm, mà còn phải phân định trước những chọn lựa nho nhỏ hàng ngày.  Phân định trở thành một thói quen tự nhiên làm cho cả cuộc sống được thống nhất theo một hướng.

Thiên Chúa không giấu ý muốn của Ngài đối với ta, nhưng Ngài vẫn muốn chúng ta phân định để tìm ý Ngài như một cử chỉ khiêm tốn của lòng kính trọng và yêu mến.  Hơn nữa, tìm ý Chúa cũng là hành vi mà chỉ con người có lý trí, ý chí và tự do mới làm được.  Đó là một hành vi nhân linh.  Mỗi người phải tìm ý Chúa cho cuộc đời mình.  Chẳng ai làm thay cho mình được, vì trong từng hoàn cảnh, mỗi người có những câu hỏi rất riêng tư.  Hùng tự hỏi có nên vào chủng viện khi ở nhà chỉ có người mẹ già sống một mình không?  Hương sẽ chọn ai làm chồng, anh Thắng giàu có, đạo đức, nhưng không cùng tôn giáo, còn anh Phúc thì nghèo hơn, ít đạo đức hơn, nhưng cùng tôn giáo và được lòng mẹ của Hương?  Phát được làm trong Ban giám hiệu của một trường quốc tế.  Anh suy nghĩ có nên tiếp tục làm việc ở trường này nữa không vì thấy nó quá chú tâm vào lợi nhuận?  Phát có nên ở lại trường với hy vọng từ từ mình có thể đổi được hướng đi của trường?  Duyên phải giúp cha mẹ nuôi các em.  Cô tìm được một chỗ làm lương cao để nuôi các em, nhưng cô lại không được nghỉ ngày Chúa nhật, ít có giờ đi lễ hay tham gia một nhóm sống đạo.  Duyên có nên tìm một việc khác ít lương hơn nhưng có sự thảnh thơi hơn không?

Tìm ý Chúa không phải là chọn giữa một điều tốt và một điều là tội.  Thánh Inhaxiô Loyola nhắc chúng ta không được phép chọn một điều xấu hay ngược với giáo lý của Hội Thánh (Linh Thao số 170).  Thí dụ không được lấy một người đã lập gia đình và vẫn đang sống với người phối ngẫu; không được ly dị người bạn đời của mình để lấy người khác; không được phá thai…  Tìm ý Chúa là tìm xem Chúa muốn tôi làm điều nào giữa hai (hay nhiều điều) được phép làm.  Giữa hai điều tốt, tôi chọn điều tốt hơn mà tôi biết mình có thể làm được nhờ ơn Chúa.

Ngay cả khi đã biết ý Chúa, chúng ta cũng sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi cụ thể hơn.  Thí dụ, bác sĩ Phong mới ra trường, phải suy nghĩ xem Chúa muốn mình phục vụ ở vùng quê hay ở thành phố.  Nếu về vùng quê thì có nhiều cơ hội giúp người nghèo, nhưng đời sống vật chất của mình và sự thăng tiến trong nghề sẽ ra sao?

Một bạn trẻ quyết định đi Mùa Hè Xanh cũng phải phân định để tìm ý Chúa.  Nên đi khi nào?  Địa điểm nào cần sự hiện diện của tôi hơn?  Tôi sẽ làm gì khi đến đó?  Tôi sẽ ở đó bao lâu?  Có câu trả lời chỉ tìm ra được khi đến nơi mình phục vụ.  Ánh sáng của Chúa đến với tôi qua thực tế tôi đang trải nghiệm.  Nếu tôi còn nhiều môn phải thi lại hay tôi còn phải hoàn tất bài luận văn ra trường, thì năm nay tôi có nên đi Mùa Hè Xanh, hay chỉ đi một tuần thôi?

Nói chung, hàng ngày ai cũng phải đối diện với những chọn lựa.  Trước đây, trên đường lên Đà Lạt, có ngôi nhà thờ căng một tấm bảng lớn có ghi câu: Sống là Chọn.  Mà chọn thì phải bỏ.  Bỏ nhiều khi làm tôi thấy mình bị giằng co, xâu xé, tiếc nuối, đau đớn.  Tôi không thể nào chọn mọi sự, vì tôi không thể nào làm hết mọi sự, dù lòng tôi có tốt đến đâu.  Tôi không thể vừa muốn đi tu, vừa muốn tiếp tục nuôi dưỡng mối tình với người ấy.  Tôi không thể lập gia đình với hai người, dù tôi đã có nhiều kỷ niệm với cả hai, dù mỗi người đều có những nét riêng làm tôi ngưỡng mộ.  Chấp nhận chọn là chấp nhận có thể bị tổn thương, ít là lúc đầu.  Không muốn chịu tổn thương thì cũng không chạm đến chọn lựa một cách triệt để.

Thường thường người ta chọn lựa dựa theo cái tôi của mình.  Cái tôi của tôi là trung tâm.  Tôi chọn điều tôi thích.  Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho tôi: tiếng tăm, tiền bạc, khoái lạc, quyền lực…  Tôi chọn điều đem lại cái lợi cho đất nước tôi, cho gia đình tôi, cho những người thân của tôi, cho tổ chức hay nhóm của tôi, dù cái lợi ấy gây hại cho nước khác hay người khác.  Khi đọc báo hàng ngày, chúng ta thấy nhiều người đã chọn theo kiểu ấy, vì thế biết bao thảm kịch đã xảy ra khắp nơi trên toàn cầu: chiến tranh, xung đột, giết chóc, bất công, tham nhũng, dối trá, bóc lột, áp bức, kỳ thị, hố sâu giữa người giàu người nghèo…  Mọi nỗi khổ đau của nhân loại đến từ những chọn lựa quy về cái tôi và những gì là của tôi.  Khi cái tôi trở thành tiêu chuẩn để chọn lựa, thì tôi không thể nghĩ đến người khác, không thể tôn trọng quyền lợi của họ.

Như thế để làm một lựa chọn đúng đắn, tôi phải được giải phóng khỏi cái tôi ích kỷ.  Tôi không bị nô lệ cho cái tôi đầy thèm muốn chiếm đoạt của mình.  Dĩ nhiên là tôi phải yêu tôi, nhưng tôi lại không phải là trung tâm để mọi sự, mọi người phải quy hướng vào đó.  Trung tâm của tôi phải ở ngoài tôi, phải ở trên tôi.  Đối với một Kitô hữu, trung tâm của tôi là Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, nhờ Đấng ấy mà tôi hiện hữu trên đời này.  Mọi chọn lựa của tôi phải quy về Đấng ấy.

Các nhà luân lý nói đến việc mỗi người cần xác định đâu là lựa chọn căn bản của đời mình (fundamental option).  Tôi chọn tôi hay chọn Thiên Chúa?  Tôi chọn tôi hay chọn tha nhân?  Lựa chọn căn bản này sẽ chi phối mọi lựa chọn nhỏ khác của đời tôi.

(Còn tiếp)

Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Nguồn: https://dongten.net

From: Langthangchieutim


 

CUỐN THEO THẦN KHÍ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

KÍNH THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI, 

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”.

“Thập giá – cột thu lôi của ân sủng – làm tắt cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, để chỉ còn lại ánh sáng của tình yêu Ngài! Trên đường Đamas, một Saun hung hãn đã bị cột thu lôi của ân sủng quật ngã, và con người này đã cuốn theo Thần Khí của Đấng Phục Sinh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một con người đã bị “cột thu lôi của ân sủng quật ngã”; đúng hơn, một vị thánh mà sự cải đạo của ngài – có thể nói – là một trong những sự kiện quan trọng nhất sau biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô vào những năm đầu Kitô giáo. Bởi lẽ, ân sủng của Ngài đã biến đổi Phaolô, một người đã để mình ‘cuốn theo Thần Khí’.

Trước khi được Chúa tỏ mình, Phaolô “đã nhiệt thành phục vụ Thiên Chúa”; tuy nhiên, theo cách rất phá hoại! Ông đàn áp những người tin “Đạo mới”; để rồi, cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh trên đường Đamas đã khiến Phaolô dừng bước – bài đọc một. Từ đó, Ngài đã biến “Saun” – có nghĩa là ‘tìm kiếm, đòi hỏi và khát vọng’ thành một “Phaolô” – có nghĩa là ‘hèn mọn, nhỏ bé và khiêm nhường’. Phaolô đã chỗi dậy, tiến về phía trước, ‘cuốn theo Thần Khí’, phục vụ Chúa theo một cách rất khác – loan báo tình yêu Ngài như lệnh đã truyền, “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!” – Thánh Vịnh đáp ca.

“Tôi ngã xuống đất”; “Ánh sáng chói loà kia làm cho tôi không còn trông thấy”. Một nghịch lý mang nhiều ý nghĩa! Không chỉ trong bóng tối, con người mới không nhìn thấy; nhưng ngay cả trong ánh sáng, nó cũng mù loà! Lúc tưởng mình sáng, đó là lúc tăm tối nhất đời ông. Phaolô buộc phải nhắm mắt để thấy rằng, sự bốc đồng theo kế hoạch của riêng mình là mù tối và chỉ tình yêu trong trái tim Đấng Phục Sinh mới thật là ngời sáng. Ngài quật Phaolô xuống tận đất; để sau đó, nâng lên đến mức “Tông Đồ Dân Ngoại”. Thế nhưng, hình ảnh đẹp nhất vẫn là thước phim người ta cầm tay dắt Phaolô vào thành, một ‘Phaolô chập chững’ trong hành trình ‘một con người mới’ ‘cuốn theo Thần Khí’ trong Chúa Kitô!

“Chính cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh đã biến đổi toàn bộ con người Phaolô. Nhân tính và niềm đam mê của ông đối với Thiên Chúa và vinh quang của ông không bị huỷ diệt, nhưng được biến đổi bởi Thánh Thần. Người duy nhất có thể thay đổi trái tim chúng ta là Chúa Thánh Thần, và điều đó đã xảy ra trong mọi khía cạnh cuộc sống Phaolô. Bất kỳ ai ở trong Chúa Kitô, người đó là một tạo vật mới được biến đổi từ bên trong!” – Phanxicô.

Anh Chị em,

“Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng!”. Mệnh lệnh của Chúa Kitô “Là một mệnh lệnh mang chiều kích truyền giáo của đức tin! Hoặc đức tin có chiều kích truyền giáo, hoặc không phải là đức tin. Đức tin không phải là điều gì đó chỉ dành cho riêng tôi để tôi có thể lớn lên với nó: đây là một tà giáo ngộ đạo! Đức tin luôn dẫn bạn thoát khỏi chính mình, đi ra ngoài và truyền tải nó! “Hãy đi, để mọi người thấy anh sống thế nào!”. Trong việc truyền bá đức tin, hành động vì đức tin, có Chúa luôn đồng hành với tôi. Tôi không bao giờ đơn độc. Chính Chúa, Đấng truyền đạt đức tin ở cùng tôi; miễn sao tôi để mình được tự do ‘cuốn theo Thần Khí’ của Ngài!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, chớ gì cột thu lôi ân sủng Chúa quật ngã con mỗi khi con mải mê chạy theo những phù phiếm thế gian. Cho con mềm mại ‘cuốn theo Thần Khí’ mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*****************************************

Thứ Bảy Tuần II Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”


 

CHUYỂN ĐỘNG KÉP  –  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi”.

“Chứng nhân phải có kinh nghiệm trực tiếp về Chúa Kitô. Những gì ‘bạn nghe, bạn thấy’ không được chấp nhận trước toà cũng như trước công luận thế giới. Mọi người sẽ chỉ lắng nghe những gì cá nhân bạn đã thấy, đã nghe, đã sống vì đã chứng kiến!” – David Watson.

Kính thưa Anh Chị em,

Ý tưởng “Đã thấy, đã nghe, đã sống vì đã chứng kiến” của Watson được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai “để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi”. Ở đây, Marcô tinh tế ghi nhận một ‘chuyển động kép’ – ở lại và sai đi – vốn không thể tách rời nhau, không thể có cái này mà không có cái kia.

Chuyển động đầu tiên – lý do – các môn đệ được Chúa Giêsu mời gọi là “để các ông ở với Người”. Họ phải “ở lại” với Ngài trong tình bạn và tình bạn này ngày càng sâu sắc, thắm thiết. Trong thời gian này, họ học cách lắng nghe Chúa Giêsu, cách Ngài cầu nguyện, cách Ngài cư xử. Trường dạy những điều này là cầu nguyện! Trong cầu nguyện, chúng ta hướng về Chúa; khi cầu nguyện, chúng ta quan sát cuộc đời Ngài. Từ đó mỗi người lớn lên trong tương quan với Chúa, trong sự hiện diện của Ngài. Và quan trọng hơn, chúng ta học biết chính mình, vì “Chỉ bằng cách khám phá ra ơn gọi Chúa ban cho bạn – lý do thực sự cho cuộc sống bạn – và bằng cách hoàn thành nó theo các điều kiện của Ngài – hoán cải và biến đổi – bạn mới có thể biết chính mình như Thiên Chúa biết bạn” – Jordi Pou.

Chuyển động thứ hai bắt nguồn từ chuyển động thứ nhất. Sau khi “ở lại” với Chúa Giêsu, các môn đệ sẵn sàng để được sai đi với tư cách tông đồ. Cùng với Ngài và nhân danh Ngài, họ sẽ nói, sẽ làm những việc tốt lành. “Lòng tốt luôn có xu hướng toả lan. Khi lòng tốt toả lan, nó sẽ bén rễ và phát triển. Về vấn đề này, một số câu nói của Phaolô sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên: ‘Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi!’, “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!’” – Phanxicô. Như vậy, ‘chuyển động kép’ – ở lại và sai đi – cũng là một mô tả tuyệt vời về ơn gọi Bí tích Rửa Tội của mỗi người dẫu bạn và tôi ở trong đấng bậc nào. Chúng ta trở thành bạn tâm giao của Ngài và sau đó, ra đi.

Anh Chị em,

“Để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi”. “Ở lại” với Chúa và “được sai đi” là định nghĩa chân thực nhất về một tông đồ! Mặc lấy Chúa Kitô, chúng ta mang theo sự hiện diện của Ngài, trở nên chứng nhân yêu thương của Ngài. ‘Chứng nhân’ không phải là làm chứng về những gì chúng ta “chỉ nghe, chỉ thấy”; vì lẽ, chúng “không được chấp nhận trước toà cũng như trước công luận thế giới”. Nhưng đó là những gì chúng ta đã trải nghiệm, đã sống và đã làm với tư cách ‘một Giêsu khác’ – yêu như Chúa yêu, dâng hiến chính mình như Ngài đã dâng hiến. Và như thế, bạn và tôi cũng trở nên một ‘con người của sự cứu độ’ như Ngài – bắt đầu với những người gần gũi nhất trong gia đình, trong lối xóm, cộng đoàn đến cả thế giới và xã hội.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con ý thức rằng, người ta chỉ tin con, một khi họ biết ‘một Ai đó’ đang ở trong con, ‘một Ai đó’ con đã có kinh nghiệm trực tiếp ‘sống cùng, sống với!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**************************************

Thứ Sáu Tuần II Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có: ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.


 

SỨ MẠNG LỚN LAO CỦA NGƯỜI KI -TÔ HỮU – Linh mục Inha-xi-ô Trần Ngà

(Suy niệm Tin mừng Luca (Lc 4, 14-21) Chúa nhật thứ 3 thường niên) 

Sứ điệp: Sứ mạng Chúa Cha đã trao cho Chúa Giê-su cũng được trao lại cho các ki-tô hữu hôm nay.

***

Hôm ấy, Chúa Giê-su trở về quê nhà sau bao ngày bôn ba rao giảng ở nhiều nơi. Vào ngày nghỉ lễ, Ngài đến hội đường Na-da-rét với bao người đồng hương. Ngài được mời lên đọc sách và khi vừa mở sách ra, gặp ngay đoạn sách ngôn sứ I-sai-a viết rằng :

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng.”

Rồi gấp sách lại, Chúa Giê-su đưa mắt nhìn mọi người trong hội đường và long trọng công bố: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe.”

Qua những lời vừa đọc, Chúa Giê-su xác nhận lời tiên báo từ ngàn xưa của ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm nơi chính bản thân Ngài. Và xuyên qua những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, Chúa Giê-su chứng tỏ Ngài đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng Chúa Cha trao cho Ngài như lời ngôn sứ Isaia đã viết.

Sứ mạng của chúng ta hôm nay

Thật là điều bất ngờ hết sức thú vị và đầy vinh dự là mỗi ki-tô hữu chúng ta cũng được Thiên Chúa trao cho sứ mạng y như sứ mạng của Chúa Giê-su.

– “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi…”

Chúa Thánh Thần hằng ngự trong Chúa Giê-su thì Chúa Thánh Thần cũng ngự trong mỗi chúng ta. Vào ngày lãnh nhận Bí tích Thêm sức, chúng ta cũng được xức dầu và được lãnh nhận dồi dào Chúa Thánh Thần. Giáo lý Hội thánh dạy rằng: Khi lãnh nhận bí tích Thêm sức, chúng ta được lãnh nhận dồi dào Chúa Thánh Thần. Và thế là, chúng ta trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần như lời thánh Phao-lô dạy: “Anh em không biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ Chúa Thánh Thần sao?” (1 Cor 6,19)

– “Sai tôi đi loan báo Tin mừng cho người nghèo khó…

Chúa Giê-su được sai đi loan báo Tin mừng thì chúng ta cũng được sai đi loan báo Tin mừng. Hãy nhớ lại lời Chúa Giê-su truyền dạy chúng ta: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”… “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân…”

Thế là sứ mệnh nầy của Chúa Giê-su cũng là sứ mệnh của chúng ta.

– “Người sai tôi đi loan báo cho kẻ bị giam cầm biết họ được giải thoát, cho người mù biết họ được sáng mắt…”

Chúng ta cũng được mời gọi loan báo cho những ai bị giam cầm trong tội lỗi biết họ được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi, cho những người mù tối tâm linh được mở mắt tâm hồn để nhận biết Chúa…

Thế là chúng ta được nối tiếp Chúa Giê-su để thi hành sứ mạng Chúa Cha trao cho Ngài.

Đây là vinh dự vô cùng lớn lao cao quý Chúa dành cho chúng ta.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà mỗi người chúng ta hãy tự hỏi mình: Tôi được Thiên Chúa trao phó sứ mạng y như sứ mạng của Chúa Giê-su, nhưng có sẵn sàng thực thi sứ mạng cao cả Chúa trao cho mình chưa?

 Lạy Chúa Giê-su,

Lời tiên báo của ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm hoàn toàn nơi Chúa. Chúa đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng Chúa Cha đã ủy thác cho.

Xin giúp chúng con quyết tâm noi gương Chúa, bước đi theo Chúa để chu toàn cho trọn vẹn sứ vụ Chúa trao cho mình. Amen.

 Linh mục Inha-xi-ô Trần Ngà

From: NguyenNThu


 

Ơn thánh là gì?- Cha Vương

Dự báo thời tiết hôm nay ông mặt trời sẽ lộ ra sưởi ấm vùng Houston, tạ ơn Chúa! Bảo trọng kẻo đá trên mái nhà rơi xuống đầu đó. 🙂

Cha Vương

Thứ 5: 23/1/2025

GIÁO LÝ: Ơn thánh là gì? Ơn thánh là sự ân cần tự ý và đầy yêu thương của Chúa, là sự giúp đỡ tốt lành của Người, là sức sống từ Người mà đến. Qua thập giá và sự sống lại, Chúa tận tình hiến trọn cho ta, và thông truyền cho ta. Ơn thánh là tất cả những gì Chúa ban cho ta, không do chút công lao nào của ta cả. (YouCat, số 338)

SUY NIỆM: Đức Bênêđictô XVI nói rằng ân sủng là được Thiên Chúa nhìn đến, là được tình Chúa yêu ta chạm đến. Ân sủng không phải là một sự vật, mà là chính Thiên Chúa tự thông ban cho con người. Cái Chúa ban không phải là kém hơn chính mình Người. Trong ân sủng ta được ở trong Thiên Chúa. (YouCat, số 338 t.t.)

❦  Chúa không bao giờ ban ít hơn chính Người. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; (Ep 2:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện”.

THỰC HÀNH: Dành ít thời gian để tạ ơn Chúa về những món quà mà bạn đã đón nhận từ Thiên Chúa.

From: Do Dzung

************************

ĐỊA CẦU ĐẦY ÂN SỦNG – ST : PM CAO HUY HOÀNG, TB : THANH MINH  

CẦN XÓT THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”.

Một bà mẹ đến gặp Napoléon, xin ông tha cho con mình. Hoàng đế trả lời, “Con bà phạm tội hai lần và công lý đòi nó phải chết!”. “Tôi không cầu xin công lý; tôi cầu xin lòng thương xót”. “Nó không đáng được thương xót!”. “Thưa ngài, sẽ không có cái được gọi là ‘lòng thương xót’ nếu con tôi xứng với cái đó! Thương xót là tất cả những gì tôi xin!”. “Vậy thì tôi sẽ thương xót!”. Ông tha cho con bà, vì con người cần xót thương hơn cần công lý!

Kính thưa Anh Chị em,

Lý luận tuyệt vời của bà mẹ kia được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Các biệt phái bắt bẻ các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa để ăn trong ngày Sabbat; Ngài phản đối, “Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”; Ngài muốn nói, con người ‘cần xót thương’ hơn công lý!

Nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi xót thương! Dân Chúa cần những nhà lãnh đạo xót thương! Vậy mà các biệt phái đã chôn sâu luật Chúa bên dưới lớp ‘luật nhân tạo’ đến nỗi người đói không được phép bứt một gié lúa để dạ khỏi giày vò trong ngày Sabbat. Ngớ ngẩn! Liệu Thiên Chúa có thực sự bị xúc phạm vì ai đó đưa tay bứt lúa khi họ đang đói? Không đâu! Với các biệt phái, lề luật – đã trở thành mục đích – ưu tiên hơn con người; ở đây, những người nghèo! Và như thế, làm sao dân Chúa có thể được dẫn dắt một cách an toàn trên con đường cứu rỗi mà không vướng phải gai góc từ những luật lệ tuỳ tiện của con người? Giới lãnh đạo quên rằng, con người ‘cần xót thương’ hơn công lý!

Tại sao họ lại cư xử như vậy? Câu trả lời thật rõ ràng, họ đã tách rời ‘tình yêu và công lý’ vốn là hai chị em sinh đôi! Công lý không có tình yêu, sẽ chỉ giết chết; tình yêu không có công lý, sẽ chỉ mị dân! Các biệt phái chú tâm vào luật và coi thường nhân ái; họ chi tiết hoá lề luật, bất chấp tình yêu. Điều này dẫn đến khép kín, ích kỷ và vong thân; chủ nghĩa vị kỷ, thành kiến và kiêu ngạo; coi sự thánh thiện là một cái gì hoàn toàn bên ngoài. Trái với họ, Chúa Giêsu dạy một đường lối hoàn toàn khác; con người ‘cần xót thương’ hơn công lý! Công lý của Ngài là xót thương – con đường tình yêu – dẫn đến công lý và tất nhiên, dẫn đến Thiên Chúa, dẫn đến sự hiểu biết, nhân ái và biết phân định; dẫn đến sự viên mãn, thánh thiện và cứu rỗi; dẫn đến Thiên Chúa Tình Yêu cứu độ và xót thương!

Anh Chị em,

“Ngày Sabbat được tạo ra cho loài người!”. Không chỉ vậy, Con Thiên Chúa còn xuống thế cho loài người! Ngài đã chết vì luật của con người, để con người khỏi bị ràng buộc bởi luật mà sống trong luật tự do của con cái Chúa. “Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên việc anh em đã làm và lòng yêu mến anh em đã tỏ ra”- bài đọc một. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta sống luật tình yêu, luật của Nước Trời. Napoléon – dù chỉ là một ông vua trần thế – đã không nỡ xét xử với luật của loài người nhưng xét xử với lòng thương xót; ông ý thức con người ‘cần xót thương’ hơn công lý, phương chi Thiên Chúa, Đấng “luôn nhớ mãi giao ước đã lập ra” – Thánh Vịnh đáp ca – Ngài sẽ xét xử con người theo lòng thương xót; và như vậy, nhân ái hơn nhường nào!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đáng chết bội phần, con không xứng đáng với lòng thương xót Chúa; cho con đừng quá khắt khe với anh chị em con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

***********************************************

Thứ Ba Tuần II Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” 25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”