DẤU YÊU THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ đòi Người một dấu lạ từ trời”.

Thomas Hooker hấp hối, một người bạn nói, “Thầy ơi, thầy sẽ lãnh nhận phần thưởng do công sức của mình!”. Hooker đáp, “Tôi sẽ nhận được lòng thương xót của Chúa. Với tôi, được từ bỏ thế gian để về với Ngài đã là một ‘dấu yêu thương’ Ngài dành cho tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ ‘sự từ bỏ thế gian’ của Hooker, nhưng ‘dấu trên trán’ của Cain và ‘dấu trên trời’ các biệt phái đòi Chúa Giêsu – Tin Mừng hôm nay – đều là những ‘dấu yêu thương’ Thiên Chúa dành cho con người.

Bài đọc Cựu Ước kể chuyện Chúa đoái nhận lễ vật tốt lành của Abel và không ưng nhận lễ dâng – có lẽ ít tốt lành – của Cain; vì thế, Cain sa sầm nét mặt. Linh cảm một điều gì đó bất ổn, Chúa thương cảnh báo Cain, “Tại sao ngươi giận dữ? Ngươi phải chế ngự nó!”. Cain bỏ ngoài tai, dẫn em ra đồng và giết em. Chúa nguyền rủa, đuổi Cain ra khỏi địa đàng. Cain thưa, “Bất cứ ai gặp con sẽ giết con”; Chúa bảo, “Không đâu!”, và Ngài ghi trên trán Cain một dấu, “để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông”. Phải chăng, đó là một ‘dấu yêu thương?’.

Với bài Tin Mừng, Marcô cho thấy một sự thật. Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ: chữa lành người bệnh, phục hồi thị lực cho người mù, thính lực cho người điếc và nuôi sống gần nửa vạn người chỉ với bảy chiếc bánh và mấy con cá. Nhưng sau tất cả những điều đó, các biệt phái vẫn đến tranh luận và đòi Ngài một dấu từ trời. Câu trả lời của Chúa Giêsu khá độc đáo – “Ngài thở dài não nuột”. Tiếng thở này biểu lộ một nỗi buồn thánh thiện trước sự chai đá của lòng người – một tình yêu bị từ chối; và đây là điều làm Ngài tổn thương nhất. Hiếm khi chúng ta nghĩ Chúa Giêsu yêu thương các biệt phái và xem ra Ngài chỉ gay gắt lên án họ. Không đâu, đừng quên, những gì Ngài nói, những gì Ngài làm đều là hành vi yêu thương! Cũng như hôm nay, Ngài “thở dài não nuột” chỉ vì xót thương họ thực sự. Đây là ‘dấu yêu thương’ Ngài lôi kéo họ, nhắc họ thôi đừng cứng lòng.

Cuối cùng, để cứu bằng được các biệt phái cứng lòng và cả một nhân loại cứng cỏi, Chúa Giêsu không chỉ thở dài; nhưng còn phải ‘nằm dài’ trên thập giá, chịu đóng đinh và treo trên nó. Thập giá là dấu lạ vĩ đại nhất trong các dấu lạ; dấu từ đất thấp vói lên trời cao; trên đó, Con Thiên Chúa – ‘tác giả của dấu lạ’ – treo lơ lửng. Ý thức được điều đó, bạn và tôi “Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Họ đòi Người một dấu lạ từ trời”. Thập giá là dấu lạ từ trời khi Thiên Chúa biến nó – một dụng cụ tàn độc nhất – thành dụng cụ diễn tả tình yêu bao dung, thứ tha nhất; một dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi án chết đời đời; một dụng cụ chế nhạo thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Chiên Thiên Chúa và vinh quang của những ai theo Ngài. Đó là cách thức Thiên Chúa cứu độ! Qua bao thế hệ, tội lỗi của con người cứ tiếp diễn, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn tràn; và thập giá Đức Kitô không ngừng dang tay đợi chờ để ôm lấy tất cả những ai biết chạy đến với Ngài. Bạn và tôi còn phải đợi một dấu nào khác?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mù loà đui chột trước bao ‘dấu yêu thương’ Chúa dành cho con; nhờ đó, con nỗ lực ‘sống yêu thương’ – với Chúa với người – hơn mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

*************************************************

Thứ Hai  Tuần VI Thường Niên,

Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.       Mc 8,11-13

11 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12 Người thở dài não nuột và nói : “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ông biết : thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.


 

ĐỈNH CAO THÁNH THIỆN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

“Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!”.

Năm 1924, sau thất bại thám hiểm Everest, nhiều người chết. Tại một cuộc họp, một người đứng lên mô tả cuộc phiêu lưu xấu số; sau đó, anh quay sang một bức ảnh Everest khổng lồ và kêu lên, “Everest! Chúng tôi đã cố chinh phục bạn, nhưng bạn áp đảo chúng tôi. Chúng tôi cố gắng lần hai; lần ba, bạn đã quá sức chúng tôi. Nhưng, Everest, hãy biết, chúng tôi sẽ chinh phục bạn, bạn không thể lớn hơn; nhưng chúng tôi, có thể!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng tôi, có thể!”. Đó cũng là những gì Thiên Chúa muốn chúng ta khẳng định với ‘đỉnh cao thánh thiện’ của mình! Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói lên một sự thật rằng, Kitô hữu không được kêu gọi để nên tầm thường; rằng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đạt đến đỉnh cao qua việc sống Các Mối Phúc nghèo khó, khóc lóc, chịu bắt bớ…

Đó là những gì thế gian ghê sợ – và đừng quên – Thiên Chúa cũng gớm ghiếc! Nhưng lạ thay, chính khi sống những nghịch lý Tin Mừng này, tâm hồn người môn đệ Giêsu lại tìm được cho mình một phần thưởng lớn lao nhất – chính Thiên Chúa – “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Giêrêmia cũng đồng tình, “Khốn cho ai tin tưởng người đời; phúc thay người tin tưởng nơi Chúa!” – bài đọc một – Đấng mà vì Ngài, họ dám trở nên nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị thù ghét. Vậy tại sao gọi là phúc? Vì lẽ, Thiên Chúa, Đấng liên tục lôi kéo họ đến gần Ngài, dẫn họ đi trên con đường cứu độ; trên đó, Ngài thanh luyện, củng cố, đổ đầy niềm tin, tình yêu và hy vọng. Vì thế, đừng an phận với một cuộc sống tầm thường; nhưng hãy quyết tâm đạt tới ‘đỉnh cao thánh thiện’, để Chúa trở thành trung tâm của tất cả! Phaolô thật chí lý, “Nếu đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người!” – bài đọc hai.

“Với ánh sáng của Thiên Chúa, linh hồn tiến bộ vững chắc khi nhìn thấy khốn cùng của mình. Nó có thể chìm sâu hơn trong đau khổ; nhưng theo ‘mức độ mà nó đi xuống’, nó sẽ ‘đi lên’; vì như vậy, đến gần Chúa hơn. Người ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa rõ hơn từ bên dưới; qua đó, thưởng thức những vuốt ve ngọt ngào của Ngài, cảm nghiệm sâu sắc hơn sự quyến rũ từ sự hiện diện thiêng liêng của Ngài!” – Luis María Martínez.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nhìn đám đông, ánh mắt Chúa Giêsu xuyên thấu những pháo đài bên trong họ – trái tim – nơi diễn ra chiến trận mỗi ngày giữa giằng co ‘tôi thuộc về Chúa hay thế gian?’. Ở đó, chiến trận giành lấy ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa được phát động không ngừng; bởi lẽ, không ai có thể đạt tới ‘đỉnh cao thánh thiện’ mà không từ bỏ những gì họ sở hữu, tâm hồn chưa được giải phóng. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ không chiếm hữu toàn bộ trái tim chúng ta cho đến khi mọi thứ khác bị loại ra.

Anh Chị em,

“Chúng tôi, có thể!”. Bạn có thực sự khát khao một đời sống thánh thiện; hay chỉ bằng lòng với việc trở thành một Kitô hữu? Nghĩa là chúng ta tin Chúa, biết quý trọng người khác, nhưng cũng không cần phải dấn thân quá mức. Như thế, hoặc là thánh thiện hoặc là tầm thường! Và nếu chấp nhận một lối sống cầm chừng với những gì tối thiểu, chúng ta không bao giờ đạt đến ‘đỉnh cao thánh thiện’ như Thiên Chúa kỳ vọng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết vươn lên những gì thuộc tầm cao, đừng để con thoả mãn với những gì tầm thấp – mà lẽ thường – là tầm thường!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************

Chúa Nhật Tuần VI – Mùa Thường Niên

 Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.         Lc 6,17.20-26

17 Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.

20 Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.

22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.” 


 

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mt 5:8)-Cha Vương

Houston hôm nay gió lớn và lạnh, chúc bạn một ngày ấm áp trong vòng tay âu yếm của Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 15/2/2025

TIN MỪNG: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mt 5:8)

SUY NIỆM: Dầu thánh Phê-rô được nhiều đặc ơn Chúa Giê-su ban, song Người chỉ dành ơn riêng này cho môn đệ đồng trinh, là cho dựa vào lòng Người trong bữa Tiệc-ly. Chúa Giê-su đặt thánh Phê-rô điều khiển Giáo Hội, nhưng Người lại phú Đức Mẹ cho Gio-an săn sóc.

Nhờ đức khiết trinh ta sống thanh sạch như các thánh trên thiên đàng; giữ mình trinh khiết, ta được thêm một công trọng mà các thiên thần không được. Linh hồn nào trong sạch nhiều, kết hợp với Chúa Giê-su mật thiết hơn, vì Người đã cảm thương mặc lấy nhân tính để kết hợp cùng ta. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:9:2)

LẮNG NGHE: Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh. (Cn 4:23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ rất tinh tuyền thánh thiện, xin cho con biết giữ hồn xác cho trong sạch để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Người Con Chí Ái của Mẹ.

THỰC HÀNH: Cố gắng tránh những gì đang làm dơ bẩn bạn trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

From: Do Dzung

***************************

TRINH VƯƠNG MARIA | PHẠM ĐỨC HUYẾN | CA ĐOÀN MARIA TRINH VƯƠNG

MỞ KHÔNG GIAN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em có mấy chiếc bánh?”.

Bertrand Russell từng là một Kitô hữu; nhưng về sau, ông là một nhà vô thần công khai. Katharine Tait – con gái ông – nói, “Đã một thời, tận trong sâu thẳm tâm hồn cha tôi, có một khoảng trống được lấp đầy; ông đã từng ‘mở không gian’ cho Chúa. Nhưng, một khi đã tống Ngài ra, ông không bao giờ tìm được bất cứ thứ gì để đặt vào đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay đề cập khoảng không gian đó với hai câu hỏi: một của các môn đệ, một của Chúa Giêsu. Câu hỏi thứ nhất – ‘khép không gian’ – “Trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?”; câu hỏi thứ hai – ‘mở không gian’ – “Anh em có mấy chiếc bánh?”.

Mặc dù rất nhân bản; nhưng xét cho cùng, câu hỏi thứ nhất tiết lộ một sự nghèo nàn thiêng liêng. Với loại câu hỏi này, một nếp nghĩ, một tầm nhìn thiển cận – bi quan, hơi hướng thất vọng – sẽ hình thành khi chúng ta tự co rút để cam chịu một hoàn cảnh, một số phận xám xịt. Cách đặt vấn đề khá ủ dột này sản sinh một loạt câu hỏi biện minh cho sự bất khả trước nghịch cảnh. Nhiệm vụ là bất khả thi, tại sao tôi cố gắng? Lực bất tòng tâm, tại sao tôi mất thời giờ? Lối nghĩ này ngăn cản chúng ta mạo hiểm làm những điều tuyệt vời cho Chúa; và ngược lại, không còn mong đợi một điều tốt lành nào đến từ Ngài! Ngần ngại hay sợ hãi ‘mở không gian’ cho Chúa, chúng ta ‘vui hưởng’ thú đau thương trước những tình huống dường như vô vọng, và xem ra Thiên Chúa không toàn năng!

“Anh em có mấy chiếc bánh?”; ngược lại, là một câu hỏi hoàn toàn tích cực, tiềm tàng một niềm hy vọng và lạc quan – vì lẽ – nó ‘mở không gian’ cho Chúa. Qua đó, Chúa Cha có thể làm một điều gì đó để chứng thực quyền năng của Ngài. Chỉ cần một chút những gì sẵn có, cả khi chúng dường như ‘không đủ đến vô vọng’ – “bảy chiếc bánh và mấy con cá” – Ngài sẽ nhân lên để nuôi gần nửa vạn người. “Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để làm nhiều điều lớn lao hơn tất cả những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” – Phaolô; dĩ nhiên, với điều kiện, mỗi người biết hào phóng cho đi những gì mình có!

Thật thú vị, Thiên Chúa cũng ‘mở không gian’ cho Ngài; đúng hơn, Ngài mở ra lòng thương xót trong cơn giận khi đuổi nguyên tổ ra khỏi Eden, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi!” – bài đọc một. Đó là “tiền Tin Mừng!”. Con cháu họ rồi sẽ nhận ra điều này, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Anh em có mấy chiếc bánh?”. Chúa Giêsu tiếp tục hỏi bạn và tôi! Mỗi ngày, đến với Thánh Thể, chúng ta ‘mở không gian’ cho Ngài, dẫu đó là một không gian chật hẹp – và đôi khi – rất tăm tối; thế nhưng, Ngài vẫn thương hạ cố. Cũng ở đó, Ngài tiếp tục hỏi và chờ đợi phần ‘bánh cá’ còm cõi của mỗi người; để rồi Ngài có thể nhân lên, nhân lên hầu nuôi sống bao người. Ước mong sao, đền thờ tâm hồn chúng ta ngày càng sạch trong, xứng đáng cho Chúa Giêsu chiếm ngự; và mong sao, bạn và tôi biết dâng phần ít ỏi của mình vào tay Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con luôn nhớ lời vị thánh trẻ, “Bớt chỗ của tôi, thêm chỗ cho Chúa!” – Acutis; may ra, con không hoá nên vô thần một khi cố tống khứ Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************************************

Thứ Bảy Tuần V Thường Niên

Đám đông đã ăn và được no nê. Mc 8,1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Trong những ngày ấy, có rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : 2 “Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn ! 3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” 4 Các môn đệ thưa Người : “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?” 5 Người hỏi các ông : “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp : “Thưa có bảy chiếc.” 6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho dân chúng. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. 8 Dân chúng đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ ! 9 Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.


 

 

SỰ CHẾT – LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết.  Làm gì có sự chết nếu không có sự sống.  Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời.  Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi.  Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau.  Trong lớn lên đã có mầm tan rã.  Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết.  Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề.  Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.

Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không?  Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi.  Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi.  Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết.  Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Trong dòng đời, tôi không sống một mình.  Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu.  Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình.  Chẳng ai đi với tôi.  Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

Sống là hướng về tương lai.  Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh.  Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy.  Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại.  Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc.  Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra.  Mà cũng có thể là một thứ nô lệ.  Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

Mà tận hưởng là gì?  Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm?  Tích lũy?

Kinh Thánh kể:

Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi.”

Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng!  Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải.”

Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì?  Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa.  Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi!  Mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi!  ăn uống đi!  hưởng đi!  Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc!  Ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

Không ai sống hộ tôi.  Không ai chết thay tôi.  Không ai đi cùng tôi.  Tôi sẽ ra đi lẻ loi.  Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người.  Có thể đôi khi họ nhớ tôi.  Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia.  Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt.  Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

Chết là mất tất cả.  Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54).  Chết là đi về sự sống vĩnh cửu.  Chết là gặp gỡ.  Gặp Ðấng tạo nên mình.  Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi.  Chết là điều kiện để sống.

Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa.  Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề.  Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa?  Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà.  Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con.  Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi.  Hôm nay hay ngày mai?  Mùa thu này hay mùa xuân tới?  Con âu lo.  Nhưng vì sao phải lo âu?

Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang.  Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa.  Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.  Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an.  Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương.  Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi.  Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao.  Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm.  Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được.  Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

Chung quanh có biết bao mời mọc.  Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa.  Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai.  Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không.  Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá.  Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa.  Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom 7,15-16).  Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá.  Con không biết con can đảm đến đâu.  Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi.  Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

Thập giá nào thì cũng có đau thương.

Con không muốn thập giá.  Vì thập giá làm con mang thương tích.  Chúa cũng đã ngã.  Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tự nẩy sinh sự sống.  Chúa đã chết.  Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết.  Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa.  Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết.  Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

Con muốn chết để được sống.

Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự.  Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

From: Langthangchieutim


 

Cầu nguyện khi cảm thấy dường như vô ích – Ronald Rolheiser

Ronald Rolheiser

Cầu nguyện không phải để thay đổi tâm trí Chúa, nhưng để thay đổi tâm trí của người đang cầu nguyện. 

”Cầu nguyện đặc biệt cần thiết nhất khi chúng ta cảm thấy cầu nguyện là vô ích.” Cố linh mục thần học gia Dòng Tên Michael J. Buckley (1931-2019), một trong những người cố vấn tâm linh quan trọng nhất của tôi đã viết những lời này. Ngài có ý gì khi nói như vậy?

Trước rất nhiều vấn đề, có khi chúng ta cảm thấy cầu nguyện là vô ích. Chẳng hạn trước một số vấn đề lớn của thế giới, chúng ta cảm thấy nản lòng và bất lực, chúng ta dễ dàng nói cầu nguyện là vô ích. Lời cầu nguyện của tôi sẽ có tác dụng gì với các cuộc chiến đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới? Giá trị của lời cầu nguyện của tôi là gì khi tôi phải đối diện với bất công, nạn đói, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính? Lời cầu nguyện của tôi có tác động nào khi cộng đồng của tôi đang chia rẽ và thù hận? Thật dễ dàng để cảm nhận cầu nguyện trong những tình huống này là vô ích.

Cũng vậy khi chúng ta bị bệnh nặng. Liệu lời cầu nguyện có thể chữa khỏi bệnh ung thư ở giai đoạn cuối không? Chúng ta có thực sự mong chờ một phương thuốc phép lạ không? Phần lớn chúng ta không nghĩ vậy, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện dù cảm thấy lời cầu nguyện của mình sẽ không thay đổi tình hình. Vì sao?

Vì sao phải cầu nguyện khi có vẻ như việc cầu nguyện là vô ích? Các thần học gia, các tác giả tâm linh giải thích cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề này, tuy hữu ích nhưng không đầy đủ. Họ cho rằng, cầu nguyện không phải để thay đổi tâm trí Chúa, nhưng để thay đổi tâm trí của người đang cầu nguyện. Chúng ta không cầu nguyện để kéo Chúa về phía mình; chúng ta cầu nguyện để đặt mình về phía Chúa. Thêm nữa, chúng ta được dạy, lý do chúng ta cảm thấy Chúa không trả lời, vì Chúa như người cha yêu thương, biết điều gì tốt cho chúng ta và ban cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần chứ không phải những gì chúng ta ngây thơ muốn. Tác giả C.S. Lewis đã nói, chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ trong cõi vĩnh hằng để tạ ơn Chúa vì những lời cầu nguyện Chúa đã không nhận lời.

Tất cả những điều này đều đúng và quan trọng. Đường lối của Chúa không phải là đường lối của chúng ta. Đức tin đòi hỏi chúng ta dành cho Chúa không gian và thời gian để Chúa là Chúa, không theo những mong chờ rất hạn hẹp và thiếu kiên nhẫn của chúng ta. Thực sự chúng ta nên tạ ơn Chúa vì điều này.

Nhưng dù vậy… khi Chúa Giêsu xin chúng ta cầu nguyện, Ngài không cảnh báo chúng ta: con phải xin những điều đúng đắn nếu con muốn Ta nhận lời. Không, Ngài chỉ nói: Hãy xin và con sẽ được. Ngài nói, một số con quỷ chỉ bị đuổi đi bằng ăn chay cầu nguyện.

Vậy, làm thế nào những con quỷ bạo lực, chia rẽ, hận thù, chiến tranh, đói kém, khí hậu nóng lên toàn cầu, nạn đói, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, ung thư, bệnh tim… có thể bị đuổi đi bằng lời cầu nguyện? Làm thế nào để cầu nguyện hữu ích một cách thiết thực khi đối diện với những vấn đề này?

Tóm lại, lời cầu nguyện không chỉ thay đổi người đang cầu nguyện mà còn thay đổi tình huống. Khi chúng ta cầu nguyện, thực tế chúng ta là một phần của tình huống mà chúng ta cầu nguyện. Lời cầu nguyện chân thành giúp chúng ta trở thành sự thay đổi mà chúng ta đang cầu nguyện để được. Chẳng hạn, cầu nguyện cho hòa bình giúp chúng ta bình tâm, mang lại cho thế giới thêm một trái tim thanh thản.

Dù điều này là đúng, nhưng cũng có một thực tế sâu đậm hơn. Sâu đậm vì khi chúng ta cầu nguyện, có điều gì đó đang xảy ra vượt ra ngoài cách chúng ta thường hình dung về sự tương tác đơn giản giữa nguyên nhân và kết quả. Khi thay đổi bản thân, chúng ta đang thay đổi tình hình; đúng vậy, nhưng theo cách sâu đậm hơn cách chúng ta thường tưởng tượng.

Là người có đạo, chúng ta nghĩ chúng ta là một phần của Nhiệm thể Chúa Kitô, và sự kết hợp của chúng ta trong Chúa không phải là sự kết hiệp của một cộng đồng lý tưởng. Nhưng, chúng ta là một phần của một sinh vật sống mà mọi bộ phận đều ảnh hưởng đến nhau, giống như trong một cơ thể vật lý. Vì lý do này, với chúng ta, không có một hành động nào là riêng tư – tốt hay xấu. Tôi ngần ngại khi nghĩ rằng điều này tương tự như hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người, vì đây không chỉ là một phép so sánh. Nó là thực tế, hữu cơ. Giống như hệ thống miễn dịch bảo vệ sức khỏe cho toàn bộ cơ thể bằng cách tiêu diệt các tế bào và vi-rút gây nguy hiểm cho sức khỏe, thì bên trong Nhiệm thể của Chúa Kitô cũng vậy. Khi nào chúng ta, hoặc là những tế bào khỏe mạnh mang lại sức mạnh cho hệ thống miễn dịch bên trong Nhiệm thể Chúa Kitô, hoặc chúng ta là một loại vi-rút, một loại tế bào ung thư đe dọa cho sức khỏe. Cầu nguyện tạo nên sự khác biệt vì cầu nguyện giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bên trong Nhiệm thể Chúa Kitô – chính xác giải quyết vấn đề chúng ta đang cầu nguyện. Mặc dù trên bề mặt, đôi khi lời cầu nguyện có vẻ vô ích, nhưng nó đang làm một điều gì đó quan trọng bên trong – điều cần thiết chính xác là khi chúng ta cảm thấy lời cầu nguyện của mình vô ích.

Ronald Rolheiser

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: https://giaophanlongxuyen.org

https://daminhbuichu.net/cau-nguyen-khi-cam-thay-duong-nhu-vo-ich/

LÀM THẬT TỐT ĐẸP – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả!”.

“Không gì bạn có thể làm để khiến Chúa yêu bạn nhiều hơn! Không gì bạn có thể làm để khiến Chúa yêu bạn ít hơn! Tình yêu của Ngài là vô điều kiện, công bằng, vĩnh cửu, vô hạn và hoàn hảo! Bạn hãy làm thật tốt đẹp mọi sự như Ngài và hãy yêu vô điều kiện như Ngài!” – Richard C. Halverson.

Kính thưa Anh Chị em,

Gặp lại ý tưởng của Halverson, Tin Mừng hôm nay tường thuật một phép lạ của Chúa Giêsu. Ngài đã phục hồi thính giác và tháo dây buộc lưỡi cho một người vừa điếc vừa ngọng. Dân chúng kinh ngạc và nói, “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả!”.

Đó là ‘bản kết luận’ người đương thời dành cho Chúa Giêsu về những gì Ngài làm! Một kết luận ngắn gọn, súc tích. Chúa Giêsu là ai? Ngài là người đã làm mọi sự tốt đẹp. Theo nghĩa kép của từ này: làm tốt đẹp về điều gì và làm như thế nào; làm tốt đẹp về bản chất và về cách thức làm. Chúa Giêsu là người chỉ làm những việc tốt và là người đã làm những việc tốt một cách hoàn hảo, trọn vẹn. Ngài không làm nửa chừng bất cứ việc gì; Ngài không hẹn rày hẹn mai, đợi về sau sẽ hoàn thành.

Gần cả tuần nay, các bài đọc Sáng Thế cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa. Tác giả tài tình tóm kết bài học giáo lý Tạo Dựng – không cần hiểu theo nghĩa đen – rằng, Thiên Chúa là Chủ Tể muôn loài. Đó là những buổi chiều và những buổi sáng khi Thiên Chúa dựng nên trời đất biển khơi cùng muôn loài trong đó. Ngài dựng nên vầng sáng lớn, vầng sáng nhỏ, trăng sao cùng muôn tinh tú; ngày thứ sáu, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, giao cho nó chăm sóc ‘ngôi nhà chung’. Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Tác giả kết luận, Thiên Chúa thấy những công việc Ngài đã ‘làm thật tốt đẹp!’.

Và rồi đây, khi con người bất tuân Thiên Chúa, làm hỏng các mối tương quan giữa Ngài với con người và giữa con người với nhau – tội lỗi và sự chết ập vào thế gian – thì Thiên Chúa vì yêu thương sẽ làm lại thật tốt đẹp từ đầu. “Lạy Chúa, Chúa đã sáng tạo con người cách lạ lùng, và cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữa!” – Lời nguyện đêm Vọng  Phục Sinh.

Anh Chị em,

“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả!”. Hãy làm mọi việc tốt đẹp như Chúa Giêsu! Bạn và tôi hãy cố gắng để mọi thứ hoàn toàn sẵn sàng ngay bây giờ. Từ việc cầu nguyện cho đến việc đối xử với gia đình và những người khác; từ việc làm ăn cho đến việc tông đồ. Siêng năng trong việc đào tạo bản thân về mặt tâm linh, tri thức và cả nghề nghiệp. Hãy đòi hỏi bản thân và cũng hãy đòi hỏi – cách nhẹ nhàng – những người phụ thuộc vào bạn. Đừng dung túng cho sự cẩu thả. Điều này chỉ làm mất lòng Chúa và làm phiền người lân cận. Cũng đừng áp dụng thái độ này chỉ để trông đẹp hoặc vì cách này có lợi nhất – nói theo cách loài người – nhưng chỉ vì biết rằng, Chúa không hài lòng với những việc làm xấu hoặc những việc “tốt” được thực hiện kém!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để làm thật tốt mọi sự, cho con luôn sống bí quyết của thánh Josemaría: “Hãy làm những gì bạn phải làm và hãy ở trong những gì bạn làm!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************************************

Thứ Sáu Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ:

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

 31 Khi ấy, Đức Giê-su bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra! 35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giê-su cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37 Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”


 

Mọi người chúng ta có thể nên “thánh” được không?- Cha Vương

Chúc bạn cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa trong mỗi việc làm trong ngày nhé!

Cha Vương

Thứ 5: 13/2/2025

GIÁO LÝ: Mọi người chúng ta có thể nên “thánh” được không? Có chứ. Mục đích cuộc sống là kết hợp với Thiên Chúa trong tình yêu và hoàn toàn sống như ý Chúa muốn. Chúng ta cần để “Chúa sống trong ta” (Mẹ Têrêsa Calcutta). Ông thánh, bà thánh là thế đó. (YouCat, số 342)

SUY NIỆM: Mọi người đều đặt câu hỏi: Tôi là ai? Tại sao tôi lại ở đây? Và tương lai của tôi là gì? Đức tin trả lời: Chính trong việc nên thánh mà con người trở nên điều mà Chúa đã tạo dựng họ. Chính trong thánh thiện mà con người đạt tới hòa hợp với chính mình và với Đấng Tạo Hóa. Nhưng sự thánh thiện không phải là sự hoàn hảo được tự tạo mà có, nó phải là sự hiệp nhất với tình yêu đã làm người, đó là Chúa Kitô. Ai kiếm tìm cuộc sống mới đó là tìm được chính nó và trở nên thánh. (YouCat, số  342 t.t.)

❦  Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu. (Chân phước Charles de Foucauld)

LẮNG NGHE: Anh em cần phải kiên nhẫn, để sau khi thi hành ý Thiên Chúa, anh em được hưởng điều Người đã hứa. (Dt 10:36)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con luôn gắn bó mật thiết với Chúa để được sống trong ân nghĩa Chúa, là nguồn hạnh phúc đích thực của con.

From: Do Dzung

*************************

Nên Thánh Giữa Đời – Sr Têrêsa / Ca sĩ Xara Trần

 

TUYỆT ĐỐI BẤT XỨNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ!”.

Đừng khóc vì tôi, hãy khóc vì chính các bạn! Tôi đến với Cha của Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ – thông qua sự trung gian của Con Một Chí Ái – tiếp nhận tôi, mặc dù tôi là một tội nhân, tuyệt đối bất xứng. Trước nhan Ngài, nơi tôi hy vọng chúng ta sẽ gặp nhau để hát bài ca mới và mãi mãi hạnh phúc, cho đến muôn đời!” – John Bunyan.

Kính thưa Anh Chị em,

Như một tội nhân được xót thương, John Bunyan – trước khi lìa đời – cảm nhận sâu sắc tình yêu và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, Lời Chúa hôm nay xác định một chân lý: trước Thiên Chúa, bất cứ ai – kể cả các thánh – tất cả đều ‘tuyệt đối bất xứng!’.

Tin Mừng cho biết, Chúa Giêsu – một người ‘rất Do Thái’ – đang đứng trên phần đất của những người ngoại. Ở đó, Ngài ‘mạo hiểm’ thử thách đức tin của một người mẹ lương dân – người vừa đến ném mình dưới chân Ngài để xin chữa lành cho đứa con gái đang bị quỷ ám. Đây là câu chuyện dự đoán đức tin của những người ‘ngoại đạo tương lai’ sẽ trở thành Kitô hữu! Nghe lời cầu xin của cô, Chúa Giêsu đáp, “Phải để con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con!”. Tại sao Ngài lại dùng những lời lẽ xem ra khá thô lỗ và lạnh lùng đến thế khi đáp lại một người mẹ ngoại giáo – vốn được người Do Thái gọi là những con chó? Ngài có thực sự nói những lời đó không? Tại sao? Có! Chúa Giêsu đã nói như thế!

Trước hết, đừng quên, bất cứ điều gì Chúa Giêsu nói và làm, luôn luôn là một hành vi yêu thương! Đó là một hành vi nhân ái ‘độc đáo’ của Ngài! Vậy làm thế nào để dung hoà sự mâu thuẫn ‘thanh thiên bạch nhật’ này với con người xót thương của Ngài? Đâu là chìa khoá để hiểu cuộc đối thoại ‘kỳ cục’ ấy? Hãy xem câu trả lời của người mẹ và kết thúc của cuộc gặp gỡ! Vâng, cô đã đáp lại với một lòng khiêm hạ thẳm sâu kèm theo một đức tin đáng kinh ngạc, “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ!”. Chúa Giêsu đầu hàng; Ngài chiều cô, con cô được lành! Phải chăng Ngài đã thấy trước đức tin sâu sắc của cô nên cho cô một cơ hội để thể hiện nó hầu mọi người có thể nhìn thấy. Và cô đã làm như vậy. Điều Chúa Giêsu nói là đúng, “Chẳng ai xứng đáng” để đương nhiên có quyền hưởng nhận ân điển và lòng thương xót của Ngài. Không ai! Cả cô, con cô, bạn và tôi hoặc bất cứ ai – kể cả một vị thánh – tất cả đều ‘tuyệt đối bất xứng!’.

Anh Chị em,

Trong cuộc sống, thật dễ dàng để chúng ta rơi vào cái bẫy khi nghĩ rằng, chúng ta xứng đáng với lòng thương xót của Chúa, chúng ta có quyền được hưởng mọi ân huệ của Ngài. Và mặc dù Thiên Chúa vô cùng mong muốn tuôn đổ ân sủng và lòng nhân ái của Ngài một cách dồi dào trên cuộc sống chúng ta, nhưng điều cần thiết là chúng ta phải hiểu đầy đủ về sự ‘tuyệt đối bất xứng’ của mình – không có gì là đương nhiên cả! Thái độ của người phụ nữ là một mẫu gương hoàn hảo về cách thức chúng ta phải đến với Chúa.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con là một tội nhân, giàu có tội lỗi, hoàn toàn không xứng đáng trước bao ơn lành của Chúa. Xin hoán cải trái tim con mỗi ngày hầu con bớt bất xứng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************************

Thứ Năm Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

24 Khi ấy, Đức Giê-su đến địa hạt Tia. Người vào một nhà nọ mà không muốn cho ai biết, nhưng không thể giấu được. 25 Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. 26 Bà là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri. Bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. 27 Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” 28 Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ nhỏ.” 29 Người nói với bà: “Vì bà nói thế, nên bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi.” 30 Về đến nhà, bà thấy đứa trẻ nằm trên giường, và quỷ đã xuất khỏi. 


 

CHỌN LỰA KHÔN NGOAN – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Đau khổ trong cuộc sống con người không phải là định mệnh.  Đó là khẳng định của đa số các tôn giáo.  Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của sự dữ, vì bản tính của Ngài là tốt lành.  Kinh Thánh Cựu ước khẳng định: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13).  Lời khẳng định cho thấy rằng: quả là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

Hiểu như trên, chúng ta không đổ lỗi cho Thiên Chúa về sự dữ hay điều bất hạnh xảy đến xung quanh mình.  Hiện hữu trên đời, mỗi chúng ta có tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa này.

Trong Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa đã chúc phúc cho những ai tin tưởng phó thác nơi Chúa, và Ngài thấy nỗi bất hạnh của những kẻ tin tưởng người đời.  Ngài cũng đặt song song hai sự chọn lựa để cho thấy sự khác biệt: Tin vào Chúa giống như cây trồng bên suối nước, bốn mùa hoa trái tốt tươi; tin người trần gian giống như cây giữa sa mạc, quanh năm khô cằn tàn lụi.  Thánh vịnh 31 trong phần Đáp ca diễn tả cùng một ý tưởng với Bài đọc I.  Tác giả còn nhắc đến những hậu quả mà ác nhân sẽ phải lãnh nhận.  Họ sẽ như những vỏ trấu bị gió cuốn trôi và biến mất.

Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca ghi lại giáo huấn của Chúa Giê-su về hai hạng người, là những người sẽ được hạnh phúc và sẽ phải đau khổ.  Có người hiểu cách nói của Chúa Giê-su là lời chúc dữ.  Thực ra, Chúa không chúc dữ cho con người, nhưng Chúa cảm nhận được nỗi bất hạnh khốn khổ khi con người chỉ chạy theo những lạc thú và lợi lộc vật chất mà quên đi những giá trị vĩnh cửu.  Người cũng dạy chúng ta phải thận trọng suy xét những hành động và quyết định trong cuộc sống hằng ngày, để cuộc sống không trở nên vô ích, nhưng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc giữa những bon chen của đời thường.

Như trên đã nói, con người có tự do lựa chọn điều tốt hay điều xấu cho bản thân mình, cho hiện tại và cho tương lai.  Cuộc sống này cũng giống như một bàn cờ khổng lồ, mà mỗi chúng ta đều đang là những người chơi cờ.  Có những nước cờ đem lại chiến thắng vẻ vang; nhưng cũng có những nước cờ đem lại thất bại ê chề.  Mỗi nước cờ đã đi, người chơi phải mang trách nhiệm, không thể làm lại được.  Cuộc đời cũng thế, mỗi chúng ta phải khôn ngoan chọn lựa để không phải lãnh hậu quả tai hại về danh dự, nhân phẩm, của cải và nhất là hạnh phúc đời sau.

Đối với Ki-tô hữu, sự chọn Đức Ki-tô là một chọn lựa khôn ngoan.  Người là mẫu mực và là lý tưởng cho chúng ta trong lời nói cũng như việc làm. “Ki-tô hữu” vừa có nghĩa là người được xức dầu như Chúa Giê-su, vừa là người phấn đấu để nên giống như Người.  Thánh Phao-lô đã khẳng định (Bài đọc II): Đức Ki-tô không phải một gương mẫu giống như những vĩ nhân ở trần gian, nhưng Người là Con Thiên Chúa, Đấng quyền năng.  Quyền năng ấy đã chứng minh qua sự phục sinh vinh quang.  Giáo huấn của thánh Phao-lô cho thấy những tranh luận thời bấy giờ về việc Đức Giê-su phục sinh.  Nhiều người đã phủ nhận sự kiện này, trong khi thánh Phao-lô lại coi đó là nền tảng đức tin cho đời sống Ki-tô hữu.  Tình trạng này cũng vẫn tồn tại trong thế giới của chúng ta.  Nhiều người coi việc Đức Giê-su sống lại là điều ảo tưởng, do các môn đệ của Người bày đặt ra.  Lý do là họ chưa bao giờ chứng kiến một người đã chết mà ba ngày sau sống lại.  Lập luận như thế là không hiểu mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa.  Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể, vì Ngài đã dựng nên mọi vật từ hư vô và Ngài vẫn đang điều khiển công trình tạo thành của Ngài từng giây từng phút, nhờ đó mà mọi vật hiện hữu và chuyển vận theo một trật tự chung.

Tin vào Đức Giê-su là một chọn lựa cá nhân.  Chọn lựa ấy càng ngày càng rõ nét và triệt để, từng bước thăng tiến với tuổi tác của chúng ta.  Chọn lựa Đức Giê-su không phải chỉ là khẩu hiệu hay nhãn mác bề ngoài, nhưng là một lý tưởng, một đường hướng sống.  Sự chọn lựa ấy sẽ chi phối lời nói, tư tưởng và hành động của Ki-tô hữu.  Một khi đã chọn lựa Đức Ki-tô thì phải chuyên cần thực thi giáo huấn của Người và cố gắng nỗ lực để trở nên giống như Người trong hành động và lời nói.  Khi chọn lựa Đức Ki-tô và tuân theo giáo huấn của Người, chúng ta sẽ là những người có phúc.

Trong cuộc sống, chọn lựa nào cũng đòi hỏi phải hy sinh.  Quả vậy, người ta không thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc khi vừa tôn thờ Thiên Chúa vừa có những thực hành không phù hợp với giáo huấn của Ngài.  Đó là sự tôn thờ ngẫu tượng, hay là lối sống dối trá, giả hình, vu khống và làm hại người khác.  Người chọn lựa Chúa Giê-su và đi theo làm môn đệ của Người sẽ luôn dành cho Người những ưu tiên trong đời sống những thực hành của đời sống hằng ngày.  Hạnh phúc hay bất hạnh, được cứu rỗi hay bị trầm luân, được khen thưởng hay bị kết án… tất cả đều do chúng ta tự do chọn lựa.  Trước mặt chúng ta luôn có hai con đường.  Nếu chúng ta chọn lựa con đường thánh thiện, Chúa sẽ luôn đồng hành và chúc phúc cho chúng ta.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

Người ta có thể nhờ làm việc lành mà lên Thiên đàng không?- Cha Vương

Một ngày tràn đầy yêu thương và tha thứ nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 12/2/2025

GIÁO LÝ: Người ta có thể nhờ làm việc lành mà lên Thiên đàng không? Không. Không ai có thể lên Thiên đàng chỉ nhờ cố gắng của mình. Chúng ta được cứu độ chỉ nhờ ơn Chúa mà thôi, tuy nhiên, ơn Chúa đòi sự cộng tác tự do của mỗi cá nhân. (YouCat, số 341)

Không phải cứ nhận mình là người Công giáo, cứ nói tôi tin có Chúa, nhưng đời sống của  tôi lại hoàn toàn mâu thuẫn với niềm tin đó, vì vẫn  ăn gian nói dối, ngoại tình, gian lận, tôn thờ tiền bạc và của cải vật chất, oán thù, nghen ghét, cờ bạc, mãi dâm, nhẩy nhót, ca hát vui chơi  sa đọa … thì có nói cả ngàn lần “ Lạy Chúa, Lạy Chúa” cũng vô ích mà thôi bạn ạ!

SUY NIỆM: Có lẽ câu trả lời “không” ở trên làm bạn ngạc nhiên. Nhưng thực ra không ai tự cứu mình được. Giữa lúc bệnh tật, đói nghèo, khổ đau, tuyệt vọng, giữa cái sống và cái chết, những lúc như thế thì “Đức Tin” như chiếc phao cứu hộ, giúp ta có niềm hy vọng. Ngược lại dù tài bơi lội của bạn có giỏi đến đâu đi nữa, giữa biển sâu sóng ngầm, bạn cũng cần một chiếc phao (Đức Tin).

Dầu chỉ nhờ ân sủng và đức tin mà ta được cứu rỗi, thì vẫn còn cần đến tình yêu ta, được thúc đẩy bởi tác động của Chúa, bày tỏ qua các việc lành. (YouCat, số 341 t.t.)

  Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. (Dt.11:1)

❦  Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết, việc làm không có đức tin là vô nghĩa.

❦  Chúa không đòi ta những công việc lớn, mà đơn giản là ta hiến mình cho Chúa và tạ ơn Người. Người không cần việc làm của ta nhưng chỉ cần duy nhất là tình yêu của ta. (Thánh Têrêxa ở Lisieux)

LẮNG NGHE: Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. (Ep 2:8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin ban thêm lòng tin cho con, lòng tin bằng việc tuân giữ và thực hành những gì Chúa đã truyền dạy cho con trong Tin Mừng để mọi việc con làm cho danh Chúa được cả sáng hơn.

THỰC HÀNH: Là người Kitô hữu, vậy thì thử hỏi: Bạn có thực sự tin vào Ngài không? Bạn tin nhưng bạn có yêu Ngài không? Bạn yêu Ngài nhưng bạn có làm cho tình yêu của Ngài được triển nở và lan tỏa bằng hành động không?

From: Do Dzung

****************************

CHỈ MÌNH CHÚA | Sáng tác: Sr Maria, SLE | Tuyết Sương 

THIÊN ĐÀNG MONG MANH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

  Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế!”.

Người Bajau – Mã Lai – có một cuộc sống thanh bình trên hồ nước; họ sống trên những chiếc thuyền đẹp như tranh. Nhiếp ảnh gia Chrysler Choo – tìm hiểu lối sống trên mặt hồ trong vắt tựa pha lê của họ – ghi lại cuộc sống êm đềm của những con người chơn chất này qua hàng ngàn bức ảnh, một trong những tác phẩm nổi tiếng của Choo là “A Fragile Paradise”, “Thiên Đàng Mong Manh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ thiên đàng của người Bajau mong manh, mà thiên đàng của nguyên tổ thời hồng hoang cũng thế! Và thú vị thay, Tin Mừng hôm nay còn tiết lộ một thiên đàng khác vốn phù du mong manh hơn – tâm hồn con người!

Sáng Thế cho biết, Thiên Chúa đã dựng nên con người, thổi sinh khí vào mũi nó, cho nó nên giống hình ảnh Ngài; nhờ đó, sự sống của Ngài hoạt động trong nguyên tổ. Thiên Chúa cũng tạo nên một chốn bồng lai – Eden – và sau đó, đem con người đặt vào, kèm theo lời cảnh báo, “Chớ ăn trái cây biết thiện ác!”. Nhưng nguyên tổ đã không vâng lời, họ ăn trái cấm và đánh mất thiên đàng! – bài đọc một.

Chúa Giêsu từng tuyên bố, “Nước Trời ở giữa anh em!”, nghĩa là thiên đàng ở giữa anh em. Nhưng trong Tin Mừng hôm nay, Ngài cảnh báo, “Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế!”. Như vậy, thiên đàng trong mỗi người vẫn có thể bị đánh mất! Nó mất vì tất cả những cuộc chiến chống lại Vương Quốc đều ở trong đó. Thật dễ hiểu với những gì Phaolô nói, “Điều tôi muốn, tôi đã không làm; điều tôi không muốn, tôi lại làm!”. Cám dỗ này đến từ những đam mê, yếu đuối – vết thương nguyên tội để lại – và nó lớn lên âm thầm như đám cháy nhỏ; và ai đó, nếu không ngăn cản, nó sẽ thiêu rụi tất cả và kết quả là đánh mất thiên đàng!

Vậy làm sao để nó khỏi mất? Thư Rôma quả quyết, “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”. Vậy, bạn đừng nhìn lại, nhưng hãy cất bước trên con đường Giêsu. Bấy giờ, điều phát xuất từ bên trong cũng là điều làm cho bạn nên thánh thiện! Một thiên đàng mong manh nay trở nên thiên đàng ‘mạnh mẽ’, đáng ‘mong mỏi’, ‘mộng mơ’, và rất ‘mời mọc’ – thiên đàng Giêsu! Được như thế, bấy giờ chỉ còn, “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế!”. “Bạn thường nghĩ cái ác chủ yếu đến từ bên ngoài: cư xử của người khác, người nghĩ xấu về bạn, từ xã hội… nên bạn thường lãng phí thời gian để đổ lỗi và trở nên tức giận, cay đắng. Hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi như trẻ con đó. Hãy cầu xin ơn không ‘làm ô uế’ thế giới bằng những than phiền, vì điều này không phải là Kitô giáo! Thay vào đó, khởi đi từ trái tim mình, nhìn vào cuộc sống và thế giới! Và nếu thành tâm xin Chúa thanh tẩy tâm hồn mình, thì thực sự chúng ta đã bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Để đánh bại cái ác, có một cách không thể sai lầm là bằng cách bắt đầu chiến thắng nó trong chính bản thân mình!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để thiên đàng có thể “chớm nở, chớm nở ngay dưới thế” – một thiên đàng không còn mong manh – xin cho lòng con đầy ắp Chúa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*****************************************

Thứ Tư Tuần V Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

14 Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”

17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. 18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?” Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. 21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. 23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”