Luật Cựu Ước quan trọng thế nào ?- Cha Vương

Một ngày ấm áp trong yêu thương và zui zẻ nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 17/1/2025

GIÁO LÝ: Luật Cựu Ước quan trọng thế nào ? Trong Luật Cựu Ước và nhất là 10 điều răn, Thiên Chúa tỏ ý Người cho dân Israel là nếu tuân giữ, họ sẽ được cứu rỗi. Kitô hữu biết rằng họ phải giữ Luật, nhưng cũng biết rằng không phải Luật cứu độ họ. (YouCat, số 335)

SUY NIỆM: Theo kinh nghiệm, mỗi người cảm thấy như mình được “khuyên bảo” làm điều tốt. Nhưng ta thường thiếu sức mạnh để hoàn thành, vì khó quá, vì ta thấy mình yếu đuối (xem Rm 8,3 và Rm 7,14-25). Ta thấy cái phải làm, nghĩa là Luật Cựu Ước, nhưng lại cảm thấy muốn phạm tội. Chính nhờ sự hiểu biết này về Luật cũ chứng tỏ cho ta, ta cần có một sức mạnh bên trong để hoàn thành. Vì thế, Luật Cựu Ước dù tốt và quan trọng cũng chỉ có để sửa soạn cho ta sống bằng đức tin với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ ta, như Người được mặc khải trong Tin Mừng. (YouCat, số 335 t.t.)

❦  Luật cũ là tiên báo và thầy dạy về các thực tại tương lai. (Thánh Irênê ở Lyon)

LẮNG NGHE: Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. (Xh 20:2-3)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh cho con để con biết giữ luật Chúa cho chọn trong ơn gọi.

THỰC HÀNH: Xin “Ơn Kính Sợ Chúa” để được tràn đầy lòng tôn kính Chúa, và ghê sợ bất cứ điều gì làm buồn lòng Ngài.

From: Do Dzung

*************************

Lắng Nghe Lời Chúa – Nguyễn Hồng Ân & Hiền Thục

 Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?- Cha Vương

Chúc bình an! Xin phép lành và sức mạnh của Chúa ở lại trong lòng bạn hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 5: 16/1/2025

GIÁO LÝ: Luật tự nhiên và luật Cựu ước liên kết với nhau thế nào?  Luật Cựu ước diễn tả những sự thật mà lý trí có thể biết một cách tự nhiên, và những sự thật đó được mặc khải và chính thức công nhận như Luật của Chúa. (YouCat, số 334)

SUY NIỆM: Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi thì một chấm, một phết trong lề luật cũng không thể qua đi được cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời. (Mt 5,19) (YouCat, số  t.t.) (YouCat, số  t.t.)

❦  Thiên Chúa đã viết Luật trên bảng đá thế mà con người lại không đọc thấy trong lòng họ. (Thánh Augustinô)

LẮNG NGHE: Luật pháp CHÚA quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý CHÚA thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. (Tv 19:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết chuyên tâm thực thi những gì Chúa dạy, thực hành những điều hay lẽ phải, dẫu cho có bị bách hại thì xin giúp con giữ vững niềm tin theo Chúa trong đau khổ, ắt sẽ được ở với Chúa trong vinh quang.

THỰC HÀNH: Trong 10 Điều Răn của Chúa, giới răn nào thực là một thách đố cho bạn trong lúc này? Xin Chúa ban cho bạn ơn can đảm nhé.

From: Do Dzung

***********************

Đường Lối Chúa (Đinh Công Huỳnh) – Ca đoàn Ngôi Ba

Có luật tự nhiên nào mà mọi người đều có thể biết không?-Cha Vương 

Thứ 4 rồi bạn ơi! Ước mong bạn có thể nhảy đến ngày thứ 7 để có dịp hẹn hò ăn uống.  Một ngày bình yên và ấm áp đầy bao dung nhé.

Cha Vương 

Thứ 4:15/1/2025

GIÁO LÝ: Có luật tự nhiên nào mà mọi người đều có thể biết không? Người ta phải làm lành lánh dữ, là vì những điều đó đã được ghi khắc rõ ràng và chắc chắn trong tâm rồi. Mọi người đều có thể dùng lý trí mà nhận ra cái luật luân lý được coi là tự nhiên đó. (YouCat, số 333)

SUY NIỆM: Luật luân lý tự nhiên. Tất cả các văn minh và văn hóa đều có nhiều nguyên tắc khác nhau giúp sống chung với nhau, đó là những biểu lộ của cùng một bản tính nhân loại do ý muốn Đấng Tạo hóa, và do sự khôn ngoan về luân lý của nhân loại, nó được gọi là luật tự nhiên. (Đức Bênêđictô XVI, Bác ái trong sự thật)

Luật luân lý tự nhiên có giá trị cho mọi người. Nó chỉ dẫn cho con người về những bổn phận và quyền lợi căn bản họ có, nhờ đó nó trở thành nền tảng thực sự cho cuộc sống chung trong gia đình, xã hội và quốc gia. Con người cần Chúa giúp đỡ và mặc khải để đứng vững trên đường ngay lành, bởi vì do tội lỗi và sự yếu đuối của con người, nên con người thường chỉ nhận ra luật tự nhiên một cách không rõ ràng. (YouCat, số 333 t.t.)

❦  Đấng Tạo Hóa đã ghi vào sâu trong mỗi người “luật tự nhiên”, là phản ánh chương trình của Người trong lòng ta, như là chỉ dẫn và chừng mực trong đời sống ta. (Đức Bênêđictô XVI 27-5-2006)

LẮNG NGHE: Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình. (1 Ga 4:21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin mở lòng và trí khôn con để con nhận ra rõ ràng giới luật tự nhiên (làm lành lánh dữ) và sống đúng như ý Chúa muốn.

THỰC HÀNH: Cố gắng hết khả năng làm một việc lành và từ bỏ một việc xấu hôm nay. Sent from Yahoo Mail for iPhone

From: Do Dzung

***************************

KHI LÀM VIỆC LÀNH – Ngọc Ánh | Thánh Ca Huy Hoàng 

Kitô hữu nên tỏ tình liên đới với những người khác như thế nào?-Cha Vương

Dù bạn đang ở bất cứ phương nào, mình chúc bạn và gia đình một ngày an vui và hạnh phúc trong tinh thần hiệp nhất nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 14/1/2025

GIÁO LÝ: Kitô hữu nên tỏ tình liên đới với những người khác như thế nào? Kitô hữu dấn thân cho những cơ cấu xã hội công bằng để giúp cho mọi người được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần của thế giới. Kitô hữu cũng quan tâm để trong lao động phẩm giá con người phải được tôn trọng, nghĩa là họ được trả lương công bằng. Việc truyền đạt đức tin cho họ cũng là hành vi liên đới với mọi người. (YouCat, số 332)

SUY NIỆM: Người ta nhận ra Kitô hữu dựa theo việc họ thực thi tình liên đới. Quả thật, liên đới không phải chỉ là một hành vi mà lý trí đòi hỏi. Chúa Giêsu Kitô đã hoàn toàn đồng hóa chính mình với người nghèo và bé nhỏ (Mt 25,40). Từ chối liên đới với họ là loại bỏ Chúa Kitô. Ai có hai áo hãy chia cho người không có, và ai có đồ ăn cũng chia như vậy.—Lc 3,11 (YouCat, số  332 t.t.)

❦ Nguyên tắc của liên đới là nguyên tắc của học thuyết xã hội của Hội thánh, nó dựa theo đòi hỏi của tình huynh đệ giữa mọi người, và nó nhắm tới thiết lập một nền “văn mình tình yêu”. (Đức Gioan Phaolô II)

❦  Không gì thuộc về ta cho đến khi ta chia nó đi. (C.S Lewis)

LẮNG NGHE: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. (Mt 25:40)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, mỗi Kitô hữu là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm có Chúa là Đầu, xin giúp con biết sống tình liên đới với những người chung quanh và những thành viên trong gia đình như Chúa đã dạy con.

THỰC HÀNH: Tập bỏ qua những thành kiến tiêu cực để xây dựng tình liên đới.

From: Do Dzung

************************

Thánh Ca – Bài Ca Hiệp Nhất – Linh Mục Thành Tâm 

Tại sao trong loài người lại có những sự bất bình đẳng?- Cha Vương

Mến chúc bạn và gia quyến ngày thứ 2 đầu tuần nhiều niềm vui và hạnh phúc trong phục vụ và yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 13/1/2025

GIÁO LÝ: Tại sao trong loài người lại có những sự bất bình đẳng? Mọi người đều có phẩm giá như nhau, nhưng lại không có những điều kiện sinh sống như nhau. Những bất bình đẳng là do xã hội loài người gây ra và đều nghịch Phúc Âm. Thiên Chúa ban cho con người những ơn phúc và tài năng khác nhau, Chúa mời gọi họ chia sẻ cho nhau. Trong tình bác ái, người này phải chia cho người kia những gì họ còn thiếu thốn. (YouCat, số 331)

SUY NIỆM: Có một thứ bất bình đẳng giữa con người, không phải do Thiên Chúa mà do những điều kiện kinh tế và xã hội, nhất là do sự phân phối trên thế giới không đều nhau về các nguyên liệu, các của cải và vốn. Thiên Chúa chờ đợi ta để ta làm biến mất khỏi thế giới tất cả những gì trái nghịch công khai với Tin Mừng, và coi thường phẩm giá con người. Nhưng cũng có sự bất bình đẳng giữa con người tương ứng với kế hoạch của Thiên Chúa như bất bình đẳng về tài năng, về điều kiện lúc ban đầu, về khả năng. Thiên Chúa muốn như vậy để ta biết rằng làm người có nghĩa là để “cho và vì” người khác, để yêu mến họ, để chia sẻ, để phục vụ sự sống. (YouCat, số 331 t.t.)

❦  Bạn là Kitô hữu, bạn đang có sẵn một tư liệu gồm khá nhiều thuốc nổ để làm cho cả cái văn minh này nổ tung ra, để làm cho thế giới không còn trên dưới, để mang lại hòa bình cho thế giới bị xé nát vì chiến tranh. Nhưng các bạn lại đối xử với tư liệu đó chỉ như một tác phẩm văn chương mà thôi, và thế là hết. (Mahatma Gandhi—1869–1948, hướng dẫn tinh thần cho phong trào độc lập của Ấn Độ, sáng lập phong trào bất bạo động)

  Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng với người nghèo là bạn quay lưng với Chúa Kitô. Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người. (Mẹ Têrêsa Calcutta) 

LẮNG NGHE: Kẻ giàu người nghèo gặp nhau ở điểm này: cả hai đều được ĐỨC CHÚA tạo dựng. (Cn 22:2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin đừng để con quay lưng lại với nỗi đau của anh em con nhưng tăng thêm lòng thương cảm để con biết tận dụng khả năng Chúa ban làm giảm đi nỗi đau do những bất bình đẳng của xã hội loài người gây ra.

THỰC HÀNH: Ai là người đang cần đến sự nâng đỡ của bạn? Cuộc sống chỉ có giá trị khi bạn cho đi. Mời bạn làm một điều gì đó để tăng thêm giá trị trong cuộc sống nhé.

From: Do Dzung

***********************

An Bình Bên Chúa – Lyrics | Thánh Ca Công Giáo 

Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)-Cha Vương

Chào buổi sáng, cục cưng của Chúa! Lời chúc hôm nay là Bạn có được 1 quả tim giàu lòng từ bi và nhân hậu để mang yêu thương vào nơi oán thù.

Cha Vương

CN: 12/01/2025

TIN MỪNG: Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3:21-22)

SUY NIỆM: Thiết tưởng rằng có lần Bạn đã từng hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại nhận phép Rửa của Thánh Gioan Tẩy Giả? Nếu phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Jordan là một hình thức công khai sám hối để xin tha mọi tội lỗi.  Như vậy Chúa Giê su có tội gì mà phải sám hối? Chắc chắn Chúa không hề có tội gì khiến Người  phải công khai sám hối bằng cách nhận phép rửa của thánh Gioan. Chúa không có tội, không cần sám hối,  nhưng đã xin Gioan làm phép  rửa  vì theo lời tuyên xưng của Gioan về Chúa với các môn đệ ông thì: “ Đây  là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1: 30). Ngài đến để THÁNH HOÁ bằng chính Máu của Chúa trên Thập giá, để cứu chuộc nhân loại. Hành động khiêm nhượng và tự hủy (self-emptying) của Người đã được Chúa Cha chứng dám:” Đây là Con chí ái của Ta, kẻ làm đẹp lòng Ta mọi đàng, kẻ Ta sủng mộ “( Mt 3, 17). Chính vì thế, qua Bí tích Thánh tẩy, Bạn được: (1) Tha tội nguyên tổ và mọi tội riêng ta phạm trước khi rửa tội, cùng mọi hình phạt do tội gây ra.

(2) Sinh lại vào đời sống mới, trở thành con cái Chúa Cha, chi thể Chúa Kitô và đền thờ Chúa Thánh Thần.

(3) Gia nhập vào Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô.

(4) Ghi vào trong linh hồn một dấu ấn thiêng liêng vĩnh viễn, để dự phần vào chức tư tế của Chúa Kitô. Do đó, Đức Giêsu chính là gương mẫu của đời sống Kitô hữu và Người là cùng đích để Ta luôn nhắm tới. Khi lãnh bí tích Rửa tội ta được Thiên Chúa yêu thương tha thứ mọi tội lỗi, cho ta được làm con cái Chúa, được gia nhập vào gia đình của Chúa là Hội Thánh. Vậy Ta cũng phải có những lời hứa với Chúa chứ?

Bạn đã hứa với Chúa những gì? Người lãnh nhận bí tích Rửa tội thề hứa: (1)Từ bỏ ma quỷ.

(2) Xa lánh tội lỗi.

(3)Tin kính Thiên Chúa Ba Ngôi và giữ lề luật của Ngài. Xin Bạn đừng thất hứa với Chúa nhé. Có lần nào Bạn đã thất hứa với Chúa chưa?

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con cảm nghiệm ra mình là con yêu dấu của Chúa, luôn ý thức con người yếu đuối tội lỗi của mình, để con không tự kiêu tự mãn, nhưng luôn khiêm nhường để biết cúi mình xin ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong bất cứ hoàn cảnh nào.

LẮNG NGHE: Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. (Galát 3:37)

THỰC HÀNH: Cố gắng tập bỏ đi một tật xấu hay một tội hay phạm nhất hôm nay.

From: Do Dzung

********************************

Nhóm Thánh Phụng Vụ – Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa  

Đức cậy [hy vọng] là gì?- Cha Vương

Cuối tuần ấm áp và an lành nhé! Bạn thân mến, Giáo hội mới bước vào Năm Thánh với chủ đề “Những Người Hành Hương Của Hy Vọng”. Có người hỏi: “Giữa đức cậy và hy vọng có gì khác nhau không?” “Đức Cậy” hay còn gọi là đức “Hy Vọng”, đều có nghĩa chung là đặt niềm trông cậy, hy vọng vào một ai đó. Đối với người ngoại đạo, niềm hy vọng của họ đặt vào các vị thần linh để mong đón nhận những thiện hảo vật chất, còn niềm hy vọng của người Ki-tô hữu mang chiều kích thiêng liêng, được cắm rễ và xây dựng trên chính Thiên Chúa. Niềm hy vọng của đạo Kitô giáo vượt trên tất cả mọi thứ cân đo đong đếm liên quan đến các sự vật trần thế. Đó là niềm hy vọng mà Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô, Đấng qui tụ mọi người tin vào vương quốc Ngài.

Cha Vương

Thứ 7: 11/1/2025

GIÁO LÝ: Đức cậy [hy vọng] là gì? “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta trông mong Nước Trời và sự sống vĩnh cửu như hạnh phúc đời mình, khi tin tưởng vào các lời hứa của Đức Kitô và nương tựa vào ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần chứ không dựa vào sức mình” (GLCG 1817). Đây là nhân đức giúp ta chắc chắn và bền lòng mong ước điều ta phải làm ở đời này là ca tụng Chúa, phụng sự Chúa, và tìm hạnh phúc thật trong Chúa. Bởi vì chỗ ở cuối cùng của ta là ở nơi Thiên Chúa. (YouCat, số 308)

SUY NIỆM: Dù ta chưa thấy, đức cậy là trông mong những gì Thiên Chúa đã hứa do Tạo dựng, do các tiên tri, nhất là do Chúa Kitô. Thánh Thần của Thiên Chúa được ban cho ta để ta trông cậy vững vàng vào điều tốt chân thật. (YouCat, số  308 t.t.)

❦  Trông cậy là tin vào cuộc phiêu lưu của tình yêu, tin vào mọi người, nhảy vào chỗ mình chưa biết và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. (Thánh Augustinô)

❦  Bạn sẽ có ấn tượng rằng chỗ ở trên trời được dành cho bạn, cho mình bạn thôi, bởi vì bạn đã được tạo dựng cho chỗ đó. (C.S Lewis)

LẮNG NGHE: Nhưng những người cậy trông ĐỨC CHÚA thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà chẳng chùn chân. (Is 40:31)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa con đặt hết niềm hy vọng vào Chúa. “Xin Chúa nâng con lên thật cao, ôm trọn con vào lòng để con được chìm sâu trong lòng đại dương thương xót của Chúa.”

THỰC HÀNH: Có bao giờ bạn suy nghĩ như này: Chúa nhân từ vô cùng, không nỡ phạt bao giờ, nên coi thường việc tuân giữ luật Chúa, tự do buông thả? Đây là lối suy sai về lòng nhân từ của Chúa.  Hãy luôn nhớ rằng: “Chúa nhân từ vô cùng nhưng cũng công bằng vô cùng”, Ngài sẽ thưởng phạt cân xứng với công và tội. Mời bạn hãy đổi lại cách suy nghĩ này nhé.

From: Do Dzung

***************************

Chúa Là Hy Vọng | St: Lm. Thái Nguyên | Tb: Hạnh Nguyên & Khánh Duy

“…Chúa là hy vọng đời con, đời con sống nương nhờ Ngài Dẫu bao năm dài tình Ngài chẳng phai. Chúa hằng ấp ủ đời con, đời con phó thác nơi Ngài Sẽ không lo ngại bước đường ngày mai…”

Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào?- Cha Vương

Một ngày bình yên và ấm áp trong yêu thương nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 10/1/2025

GIÁO LÝ: Mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa thế nào? Mọi người bình đẳng trước Thiên Chúa, vì mọi người đều do một Thiên Chúa tạo thành, mọi người là “hình ảnh Chúa”, có linh hồn, biết suy luận, có cùng một Đấng Cứu chuộc. (YouCat, số 330)

SUY NIỆM: Vì mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa, nên mỗi người xét như ngôi vị, đều hưởng một phẩm giá như nhau, và mỗi người phải được sử dụng những quyền lợi như nhau. Vì thế mọi hình thức kỳ thị trong xã hội, kỳ thị chủng tộc, giới tính, văn hóa hoặc tôn giáo đều là một bất công không chấp nhận được. (YouCat, số 330 t.t.)

❦  Con người không thể vừa thờ Chúa và đồng thời khinh dể người thân cận mình, cả hai cách không thể dung hòa được. (Mahatma Gandhi)

❦  Chúa nói: Ta muốn người này cần người kia, và mọi người là người thừa hành của Ta để phân phát các ơn, các quà tặng, chúng đã nhận được nơi Ta. (Thánh Catarina Siena)

LẮNG NGHE: Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1 Cr 12:13,27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong trái tim Chúa tất cả mọi người đều có một chỗ nương tựa, xin giúp con biết đối xử tử tế với nhau để mọi người nhận biết rằng chúng con là một thân thể trong Đức Ki-tô.

THỰC HÀNH: Mọi người đều là “hình ảnh Chúa”, vậy hãy cố gắng không bình phẩm người khác, ngay cả khi họ sai, bởi vì điều này liên quan đến một vấn đề thể diện và sự tôn trọng.

From: Do Dzung

***************************

Yêu Thương Và Tha Thứ (Sáng tác: Mai Lợi ) – Diệu Hiền 

Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội?-Cha Vương

Một ngày bình yên trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 9/1/2025

GIÁO LÝ: Trong xã hội, làm thế nào để có công bằng xã hội? Công bằng xã hội chỉ có được khi phẩm giá mỗi người được tôn trọng, nghĩa là quyền lợi của họ được công nhận và tôn trọng và mỗi người có thể tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa trong xã hội. (YouCat, số 329)

SUY NIỆM: Nền tảng của mọi công bằng là tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, mà Đấng Tạo hóa đã trao cho để bảo vệ, và tất cả mọi người nam nữ ở mọi thời đại trong lịch sử đều là người mắc nợ buộc phải trả theo đúng nghĩa (Đức Gioan Phaolô II, Quan tâm đến xã hội 1987). Từ phẩm giá con người phát sinh trực tiếp ra các quyền của con người mà không một Nhà Nước nào có thể hủy bỏ hoặc thay đổi. Những Nhà Nước hoặc nhà chỉ huy nào dẫm lên các quyền đó đều là các chế độ bất hợp pháp và họ mất quyền bính của họ. Còn về sự hoàn thiện mà xã hội loài người nào cũng khao khát, nó không thể đạt được bằng các luật lệ, nhưng chỉ đạt được bằng yêu người thân cận, khi mà hết mọi người không trừ ai “đều coi người khác như “cái tôi thứ hai” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 27,1), (YouCat, số 329 t.t.)

❦ Tất cả khoa học và nghệ thuật đều tìm kiếm một điều tốt rất lớn, nhưng điều quan trọng hơn tất cả là khoa học chính trị: mục đích tối cao của nó là công bằng; mà công bằng cốt tại thực hiện công ích. (Aristotle)

LẮNG NGHE: Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (1 Cr 12:5-6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, xin cho mọi tầng lớp xã hội biết tôn trọng phẩm giá bất khả xâm phạm của con người, biết đặt nhân quyền lên trên chủ quyền để mang lại công bằng bác ái cho anh em.

THỰC HÀNH: Cổ võ cho việc bảo vệ công lý hoà bình trong môi trường sống.

From: Do Dzung

*****************************

Bờ Vai Giêsu – Hiền Thục 

Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào?- Cha Vương 

Một ngày an lành trong tinh thần yêu thương, tha thứ, và phục vụ nhé.

Cha Vương 

Thứ 4: 8/1/2025

GIÁO LÝ: Cá nhân có thể góp phần cho công ích thế nào? Góp phần cho công ích có nghĩa là đảm nhiệm trách nhiệm đối với người khác. (YouCat, số 328)

SUY NIỆM: Công ích phải lo công việc của mọi người. Vì thế trước hết phải lo dấn thân và đảm nhận những trách nhiệm đối với người thân cận mình – gia đình, lối xóm, nghề nghiệp. Cũng cần phải đảm nhận những trách nhiệm xã hội và chính trị. Vì thế mỗi người có trách nhiệm đều có một quyền và luôn có nguy cơ lạm dụng quyền. Do đó con người luôn được mời gọi không ngừng hoán cải và đổi mới, để thi hành việc quan tâm đến người khác trong tinh thần luôn công bằng và bác ái. “Khi ngươi làm việc gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là ngươi làm cho Ta đó.”—Mt 25:40 (YouCat, số 328 t.t.)

❦  Không ai có thể nói như Cain “tôi vô trách nhiệm với số phận người em”. (Thánh Gioan Phaolô II)

❦  Hãy kính trọng tiếng tốt của kẻ thù anh em. (Thánh Gioan Vianney)

❦  Mọi người phải quan tâm đến sự sống và những phương tiện cần thiết giúp đồng loại sống một đời sống xứng đáng.

(Hiến chế Vui mừng và Hy vọng 27,1)

LẮNG NGHE: Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. (Pl 2:4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn những trách nhiệm trong đời sống ơn gọi của con một cách chu đáo và xin giúp con biết cộng tác tích cực với mọi người trong cộng đoàn xã hội để mọi người cảm nhận được tình yêu của Chúa đang hiện diện trong con.

THỰC HÀNH: Dành ít thời gian để tham gia vào các công việc chung của cộng đồng hoặc giáo xứ.

From: Do Dzung

***************************

Chỉ Một Tình Yêu – Phương Anh 

 Công ích (common good) được thực hiện thế nào?-Cha Vương

Trời Houston hôm nay gió lớn và lạnh quá! Chúc ban và gia đình tràn đầy Thần Khí và hơi ấm của Chúa. Mời bạn trở lại học hỏi và suy niệm những bài giáo lý căn bản nhé. Bảo trọng!

Cha Vương

Thứ 3: 7/1/2025

GIÁO LÝ: Công ích (common good) được thực hiện thế nào? Công ích được thực hiện khi những quyền lợi nền tảng của con người được tôn trọng, và khi con người được tự do phát triển về trí thức và tôn giáo của mình. Công ích đòi hỏi rằng con người có thể sống trong tự do, hòa bình, yên ổn. Trong thời kỳ toàn cầu hóa ngày nay, công ích phải bao trùm ra cả thế giới để bảo vệ các quyền lợi và bổn phận của cả nhân loại. (YouCat, số 327)

SUY NIỆM: Công ích được tôn trọng khi người ta đặt trọng tâm vào việc lo điều tốt cho mỗi cá nhân và cho những đơn vị nhỏ nhất trong xã hội (chẳng hạn gia đình). Cá nhân hay gia đình đều cần được nâng đỡ và bảo vệ bởi những thể chế chính trị. (YouCat, số 327 t.t.)

❦ Phải lo công bằng và nhân đạo cho tất cả mọi người. (Công đồng Vatican II, Phẩm giá con người.)

❦ Sự thiếu vắng cảm thức về công ích là dấu chỉ chắc chắn về sự xuống cấp của xã hội. Cảm thức cộng đồng bị xói mòn sẽ dẫn đến các dạng suy thoái về công ích, từ đó có thể dẫn tới các hệ lụy khác.

LẮNG NGHE: Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Thật thế, việc phục vụ cho công ích này không những đáp ứng nhu cầu của của các người trong dân thánh, mà hơn thế nữa, còn là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa. (2 Cr 9:11-12)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhân loại đang có chiều hướng thiên về vật chất. Họ tin rằng không có gì tồn tại ngoại trừ vật chất và các chuyển động cũng như sự biến đổi của nó. Họ tìm đủ mọi mánh khóe trà đạp lên nhau để sống. Xin giúp con biết gạt bỏ những toan tính riêng tư ích kỷ đang làm tổn thương đến gia đình nhân loại của Chúa.

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái.

From: Do Dzung

*********************************

Yêu Cho Đến Cùng- Mai Thiên Vân 

Thánh Andre Bessette (1845-1937)-Cha Vương

Hôm nay 6/1 Giáo hội mừng kính thánh Andre Bessette (1845-1937), quan thầy của những người bị bỏ rơi và những người chăm sóc cho bệnh nhân. Một ngày ấm áp trong Chúa nhé.

Cha Vương

TIỂU SỬ: 

❦ Alfred Bessette sinh ngày 09 tháng 8 năm 1845 tại Québec, là con thứ tám trong một gia đình 12 anh em. Mồ côi cha mẹ sớm, Alfred phải trải qua nhiều đói khổ và bệnh tật, làm bánh mì, làm thợ giày, thợ rèn, lại mắc bệnh yếu bao tử không làm được việc nặng mà Alfred phải mang suốt đời. Ðiều làm cho ngài vượt thắng là sự cậy trông vào Chúa quan phòng và Thánh Cả Giuse.

❦  Gia nhập tu hội Các Thầy Thánh Giá (Congregation of the Holy Cross) và lấy tên là Thầy André

❦  Vì lý do sức khoẻ và học lực kém nên nhà dòng yêu cầu thầy đi về, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc khiêm tốn là gác cổng trường học Notre Dame ở Montreal, cùng với các nhiệm vụ phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Andre khôi hài rằng, “Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và tôi ở đó suốt 40 năm.”

❦  Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Royal, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ, là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời, “Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Royal!”

❦  Khi biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lạnh bắt đầu lan tràn.

❦  Rất tận tuỵ chăm sóc cho bệnh nhân. Thầy thường lập đi lập lại rằng “Ðâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse.”

❦  Thầy Andre đã từ trần ngày 06 tháng 01 năm 1937 khi thầy 92 tuổi. Mặc dầu trời giá lạnh tuyết băng, hơn một triệu người đã tham dự  tang lễ của thầy.

❦  Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công nhận các nhân đức anh hùng của Đấng Đáng Kính Andre Bessette ngày 12 tháng 6 năm 1978 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước cho thầy Andre Bessette ngày 23 tháng 5 năm 1982.

❦ André Bessette đã được Đức Giáo Hoàng Benedict XVI phong thánh vào ngày 17 tháng 10 năm 2010. Mộ phần của thầy nằm sau bàn thờ chính trong nguyện đường Thánh Giuse tại Montreal, Canada.

NHÂN ĐỨC:

❦  Hết lòng cậy trông vào Chúa quan phòng và vào sự chuyển cầu của Thánh Giuse, nhất là trong lúc tuyệt vọng.

❦  Khát khao phục vụ Chúa bằng chính cuộc sống của mình

❦  Người gác cổng của Thiên Chúa. Thầy André biết cách nói về tình yêu của Thiên Chúa cách mãnh liệt đến độ thầy đã truyền niềm hy vọng cho mọi người gặp gỡ anh.

❦  Có khả năng thông cảm và tính hài hước nồng hậu với những người đến với ngài

❦  Ngài thường nói: “Bạn không được buồn”. “Thật là tốt để cười lớn một chút”. Đặc biệt với những người nghèo và bất hạnh, ngài đến với họ với một niềm vui nội tâm có tính lây lan.

CÂU NÓI:

❦ “Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ.”

NOI GƯƠNG THÁNH NHÂN:

Tạo ra niềm vui trong công việc bằng cách nghĩ khác đi, và yêu thương nhiều hơn.

From: Do Dzung

******************************

Chúa Yêu Con Nhiều || Sáng tác : Nguyễn Như Thoại || Trình bày : Kim Tuyến