Thánh Augustinô thành Hyppo (354-430), Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh-Cha Vương

Hôm này 28/08, Giáo Hội mừng kính Thánh Augustinô thành Hyppo (354-430), Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Mình xin bạn một lời cầu nguyện những người tội lỗi được ăn năn trở lại. Đa tạ!

Cha Vương

Thứ 4: 28/8/2024

Thánh Augustinô sinh ngày 13 tháng 11 năm 354 tại Tagaste, Numidia thuộc Bắc Phi Châu. Cha Ngài là người ngoại giáo, mẹ Ngài là Thánh nữ Monica. Nhận thấy Augustinô sáng trí và có nhiều triển vọng nên hai ông bà quyết định cho Ngài theo đuổi việc học tới cùng. Nhưng tại kinh thành Carthage, Augustinô bị tiêm nhiễm bởi nếp sống trụy lạc sa đọa và chạy theo những tư tưởng lạc giáo Manichaeans trái nghịch với đức tin Công Giáo. Mẹ Ngài hết sức đau buồn và bà hằng cầu nguyện cho Ngài. Sau những năm đắm mình trong tà thuyết và lạc thú, Augustinô chán ngán và rơi vào một tình trạng cô đơn, sầu muộn tột độ. Chính trong lúc ấy, Chúa đã đến gõ cửa lòng Ngài; chỉ một câu Thánh kinh: “Ðừng sống theo dục tình và lạc thú dâm ô nữa, nhưng hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” đã khiến đời Ngài chuyển hướng hoàn toàn. Ngài bắt đầu nghiên cứu giáo lý Công Giáo, theo sự chỉ dẫn của Ðức Cha Ambrosiô ở Milan và Ngài đã được rửa tội năm 387, lúc đó Ngài đã 33 tuổi. Mẹ ngài qua đời, ngài trở về Carthage (Phi Châu) và bán hết tài sản cho người nghèo, sống một cuộc đời khổ hạnh và sám hối trong một dòng tu. Sau đó Ngài được đề cử làm Giám Mục thành Hyppo năm 396. Thánh nhân qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430 tại Hippo, hưởng thọ 76 tuổi. Mộ thánh nhân được an vị trong VCTĐ San Pietro tại Cielo d’Oro, Pavia thuộc miền Bắc nước Ý Đại Lợi, nơi giữ hài cốt của thánh Augustinô kể từ năm 725. Ngày 20 tháng 9 năm 1295, Đức Giáo Hoàng Bonifacius VIII đã tuyên phong thánh Augustinus ở Hippo cùng với thánh Ambrosius, thánh Gregory Cả và thánh Jérome là các thánh Tiến Sĩ của Giáo Hội La Tinh .

Mình mời bạn suy niệm những câu nói bất hủ của Ngài:

(1) Tâm hồn chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa.

(2) Hãy yêu, rồi làm những gì bạn muốn làm.

(3) Một lòng một ý trong Thiên Chúa.

(4) Hát là việc của người đang yêu.

(5) Hát hay, ấy là cầu nguyện hai lần.

(6) Ai thấy tình yêu là thấy Thiên Chúa Ba Ngôi.

(7) Kiêu ngạo khiến các thiên thần đổi thành ma quỷ; khiêm nhường làm cho con người thành các thiên thần.

(8) Thiên Chúa đã dựng nên con mà không cần con, nhưng Ngài sẽ không cứu con nếu không có con.

(9) Đức Maria được diễm phúc vì tin vào Chúa Kitô hơn là vì cưu mang thân xác Người trong cung lòng mình.

(10) Hòa bình là sự ổn định của trật tự.

(11) Bạn hãy cầu nguyện như thể mọi sự tùy thuộc vào Thiên Chúa, và hãy làm việc như thể mọi sự tùy thuộc vào bạn.

Câu nào đánh động bạn nhất? Đối với mình thì câu số 3. Xin Thánh Augustinô cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

*******************

Yêu Chúa Muộn Màng (Sáng tác: Sr. Clara Chu Linh .OP) – Thanh Sử 

Thánh Monica (322-387)-Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay 27/8 Giáo Hội mừng kính Thánh Monica (322-387), người mẹ gương mẫu, đạo đức, và thánh thiện. Ngài là quan thầy của giới hiền mẫu đó. Chúc mừng, chúc mừng!

Cha Vương

Thứ 3: 27/8/2024

Thánh Monica sinh năm 322 tại Tagaste (Souk Ahrus), nước Algeria. Thuộc dòng dõi Berber nên tên Ngài là Berber. Những gì chúng ta biết được về thánh nữ đều nhờ các bút tích của con Ngài, nhất là cuốn IX bộ “tự thuật” (confessions). Cuộc đời và gương sáng của thánh nhân cho chúng ta thấy rằng: ngài đã “làm những chuyện bình thường cách phi thường”. Tại sao vậy? Sau đây là những gương sáng:

(1) Là chu toàn bổn phận. Chu toàn bổn phận cách trung thành, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác thì quả là anh hùng. Ngài đã hoàn thành sứ mạng Chúa trao trong ơn gọi làm vợ và làm mẹ. Làm vợ, thánh nhân đã hết lòng quý trọng, yêu thương và trung thủy với chồng. Làm mẹ, thánh nhân hết mực yêu thương, hy sinh cho con cái. Tận tụy giáo dưỡng con cái nên người. Khi không được như ý của mình, ngài vẫn không bỏ cuộc. Thánh nhân đã cầu nguyện và hy sinh liên lỷ cho con. Nhờ đó mà ngài đã cải hóa được Augustinô trở về với Chúa và phục vụ Giáo Hội.

(2) Là cảm hóa bằng gương sáng. Khi bị ngược đãi bởi mẹ chồng và chồng, thánh nhân đã nêu cao gương khiêm nhường, yêu thương và tha thứ. Sẵn lòng thông cảm cho tính khí của mẹ và chồng. Yêu thương, phục vụ, khiêm nhường và tha thứ là lựa chọn của thánh nhân trong những lúc khó khăn và gặp chuyện chẳng lành.

(3) Là mẫu gương cầu nguyện và hy sinh. Thánh nhân đã kết hợp với Chúa cách liên lỷ và hoàn toàn phó thác nơi Ngài. Cuộc đời của ngài với những biến cố vui buồn, thành công hay thất bại đều kết hợp với Chúa. Ngài luôn phó thác mọi sự trong sự an bài của Thiên Chúa.

(4) Là sự kiên trì và trung thành. Kiên trì trong cầu nguyện. Trung thành trong niềm tin, dù nhiều khi phải quặn đau.

Quả thật, cả cuộc đời của thánh nhân đã để lại cho chúng ta gương sáng tuyệt vời nơi những người vợ, người mẹ và cho hết mọi người.

Mời bạn hãy chọn một gương sáng của Thánh Monica và đem vào thực hành trong cuộc sống, hãy đặt hết niềm tin và hy vọng vào sức mạnh biến đổi của Chúa nhé. Đừng bỏ cuộc!

From: Do Dzung

**********************

Lời Con Muốn Nói – Trọng Tấn | Bài Hát Tặng Mẹ

bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6:67-68)- Cha Vương

Ngày Chúa Nhật đầy xác tín và sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể nhé. Xin một lời cầu nguyện cho các Linh mục của Chúa.

Cha Vương

CN: 8/25/2024

TIN MỪNG: Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?” (Ga 6:67-68)

SUY NIỆM: Trong chương 6 của Phúc Âm Thánh Gioan, diễn từ bánh trường sinh. Chúa Giê-su lập đi lập lại những lời tuyên bố sau đây: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35), “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6:51), “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (Ga 6:53-56). Lời tuyên bố này làm cho nhiều môn đệ của người chướng tai quá: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? (Ga 6:60) Thực ra lời tuyên bố trên vẫn gây sốc cho con người thời đại hôm nay. Tại sao các tín hữu nói: khi rước lễ là tôi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu? Bằng cách nào? Sao lại ăn thịt và uống máu con người. Nhìn từ bên ngoài, người Công Giáo lên rước lễ là đón nhận một tấm bánh trắng, họ cũng được nhận chút rượu từ chén lễ của linh mục (tuỳ theo tập tục địa phương). Bánh rượu ấy làm thế nào biến nên thịt và máu của Chúa Giêsu được? Với lý luận như thế, chắc nhiều người vẫn khó tin vào những gì Giáo Lý dạy về Bí Tích Thánh Thể. Thảm nào dựa theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew 2019 (Pew Research) chỉ có 1/3 tín hữu Công Giáo tin vào việc bánh rượu hóa nên Mình Máu Chúa. Để trả lời cho những người kém lòng tin, cách lý giải của Đức Bênêđictô XVI xem ra hợp lý: “Làm thế nào Chúa Giêsu có thể ban Mình và Máu Người? Bằng cách biến đổi bánh thành Thân xác Người và rượu thành Máu Người, và Người ban Mình Máu Người trước khi chịu chết, Người đón nhận cái chết tự nội tâm Người và biến nó thành một cử chỉ yêu thương. Xem bề ngoài đó là chuyện tàn bạo dữ dội – việc đóng đinh vào thập giá – nhưng bên trong là hành vi yêu thương tận hiến toàn vẹn.” (bài giảng 21–8–2005). Nhìn vào một khía cạnh khác, bạn hãy quan sát  cái vỏ của quả trứng gà. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 20-21 ngày ấp, chuyện gì xảy ra bên trong của vỏ trứng? Rất nhiều biến đổi mà mắt thường bạn không thấy được, phải không bạn? Sau khi chú gà con ra đời vỏ trứng vẫn còn nguyên là vỏ trứng. Đưa thí dụ này vào bí tích Thánh Thể, sau phần truyền phép, xem vẻ bề ngoài  tấm bánh vẫn mang hình dạng của tấm nhưng bên trong đã trở nên của ăn thần linh nuôi sống con người. Ước mong mẩu suy niệm này giúp bạn biết trân quý món quà này của Đức Giêsu. Đây là điều sống còn dành cho các tín hữu, bởi trên đường dương thế, bạn sẽ chẳng đủ sức nếu không đón nhận của ăn thần linh này. Lời Đức Giêsu hằng đảm bảo cho mỗi người: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6,54) là sự thật chứ không phả là lời nói ám chỉ hoặc phóng đại. Đó là lý do tại sao Phê-rô nói với một tấm lòng tin tưởng đầy xác tín: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” Thánh Gioan Vianney nhắn nhủ rằng: “Không rước lễ thì giống như chết khát bên dòng suối.” Hình ảnh thật đẹp biết bao khi dòng người lên đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô trong mỗi thánh lễ.

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. (1 Cr 11:26-27)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, lời tuyên xưng “AMEN” khi rước Mình và Máu Thánh Chúa là một lời tuyên bố xác nhận “đúng như thế, thật vậy”, xin thánh hóa cuộc đời con nên giống Chúa mỗi ngày. Amen.

THỰC HÀNH: Hãy nhìn lại lời đáp AMEN của bạn sau khi rước Mình và Máu Thánh Chúa nhé.

From: Do Dzung

****************

Bỏ Ngài Con Theo Ai

Thánh Batôlômêô (thế kỷ thứ 1) tông đồ- Cha Vương

Weekend an lành và hạnh phúc nhé. Hôm nay 24/8, Giáo hội mừng kính trọng thể Thánh Batôlômêô (thế kỷ thứ 1) tông đồ. Mừng Bổn mạng đến những ai chọn thánh nhân làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 24/8/2023

Trong Tân Ước, Thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả cho rằng ngài là Natanien, người Cana xứ Galilê được Philípphê mời đến gặp Ðức Giêsu. Và Ðức Giêsu đã khen ông: “Ðây đích thực là người Israel. Lòng dạ ngay thẳng” (Gioan 1:47b). Khi Natanien hỏi Ðức Giêsu làm sao Ngài biết ông, Ðức Giêsu trả lời “Tôi thấy anh ở dưới cây vả” (Gioan 1:48b). Ðiều tiết lộ kinh ngạc này đã khiến Natanien phải kêu lên, “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa; chính Thầy là Vua Israel” (Gioan 1:49b). Nhưng Ðức Giêsu đã phản ứng lại, “Có phải anh tin vì tôi nói với anh là tôi thấy anh đứng dưới cây vả? Anh sẽ được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa!” (Gioan 1:50)

Quả thật Natanien đã được nhìn thấy những điều trọng đại. Ngài là một trong những người được Ðức Giêsu hiện ra trên bờ biển Tiberia sau khi Phục Sinh (x. Gioan 21:1-14). Lúc ấy các ngài chài lưới cả đêm mà không được gì cả. Vào buổi sáng, họ thấy có người đứng trên bờ dù rằng không ai biết đó là Ðức Giêsu. Ngài bảo họ tiếp tục thả lưới, và họ bắt được nhiều cá đến nỗi không thể kéo lưới lên nổi. Sau đó Gioan nói với Phêrô, “Ðó chính là Thầy.”

Khi họ dong thuyền vào bờ, họ thấy có đám lửa, với một ít cá đang nướng và một ít bánh. Ðức Giêsu bảo họ đem cho mấy con cá tươi, và mời họ đến dùng bữa. Thánh Gioan kể rằng mặc dù họ biết đó là Ðức Giêsu, nhưng không một tông đồ nào dám hỏi ngài là ai. Thánh Gioan cho biết, đó là lần thứ ba Ðức Giêsu hiện ra với các tông đồ.

Sổ Tử Ðạo Rôma viết rằng Thánh Batôlômêô đã rao giảng ở Ấn và Armenia, là nơi ngài bị lột da và bị chém đầu bởi vua Astyages. Người được đặt làm quan thầy của các người làm nghề buôn thịt hoặc làm nghề thuộc da. (Nguồn: Nhóm Tinh Thần & Người Tính Hữu)

Giống như Natanien, có khi nào bạn nghi ngờ rằng Chúa Giêsu chính là người mà bạn đang tìm kiếm và khao khát không? Nhưng Chúa Giê-su không ngần ngại ra tay trước. Trước khi kêu gọi bạn, Chúa Giêsu đã biết bạn là ai rồi. Đây là điều bạn cần mở lòng và đặt hết niềm tin tưởng vào quyền năng của Ngài.

Lạy Chúa, xin ban cho con một lòng tin vững mạnh, để con thật tình gắn bó với Đức Ki-tô, Con Một Chúa, như thánh Ba-tô-lô-mê-ô tông đồ. Xin Chúa cũng nhậm lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp mà cho con sống thế nào, để muôn dân nhận biết Hội Thánh chính là bí tích cứu độ.

From: Do Dzung

*****************

Ánh mắt Ngài yêu thương (Lm. Nguyên Hòa – Khắc Dũng)

Thánh Rôsa-Lima (1586 -1617)-Cha Vương

Một ngày đầy nhiệt huyết để yêu Chúa và phục vụ tha nhân nhé bạn. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Rôsa-Lima, mừng Bổn Mạng đến những ai chọn Thánh Rôsa làm quan thầy.

Cha Vương

Thứ 6: 23/08/2024

Thánh Rôsa-Lima (1586 -1617) là Nữ Tu Đa-minh người Pê-ru, và là người sáng lập một Đan Viện chiêm niệm đầu tiên tại Pê-ru. Không chỉ là Nữ Bổn Mạng của Mỹ Châu La-tinh, Thánh Nữ còn được đặt làm Bổn Mạng của đất nước Pê-ru, của thủ đô nước này là Li-ma, của Tây Ấn-độ và của Philippine. Ngài sinh vào ngày 20 tháng 04 năm 1586 tại Li-ma, Pê-ru, với tên trong giấy khai sinh là Isabel de Flores. Cha mẹ Ngài là một cặp vợ chồng nghèo túng người Tây-ban-nha, nhưng lúc đó đã di cư sang Pê-ru, Nam Mỹ, và sống ngay tại thủ đô Lima của nước này. Nàng một mực vâng lời cha mẹ, nàng làm tất cả với một nụ cười thật tươi trên môi do bởi tình yêu Chúa Giêsu. Nàng luôn cố gắng để giúp đỡ mọi người. Rôsa rất xinh đẹp. Mẹ nàng muốn con gái mình mặc áo quần đẹp, nhưng Rôsa thưa với Mẹ: “Mẹ à, chỉ có cái đẹp của tâm hồn mới quan trọng”. Một chàng trai trẻ tuổi, giàu có muốn cưới Rôsa, Chàng xin dâng một căn nhà đẹp và nhiều tôi tớ phục vụ cho nàng, nhưng nàng từ chối. Nàng đã yêu chúa với tất cả con tim và chỉ muốn phục vụ Thiên Chúa mà thôi. Khi cha mẹ lâm cảnh nghèo túng, Rôsa đi làm việc mỗi ngày, ban đêm phải may thêm để giúp cha mẹ. Rôsa đến thăm nhà của những người nghèo và mang cho họ thức ăn. Nàng dâng mọi nỗi khó nhọc và làm những công việc tốt lành để cầu xin cho những người tội lỗi quay về với Chúa. Thiên Chúa thường hiện ra với thánh nữ dưới dạng một em bé nhỏ để nói chuyện với nàng là ngài thật hài lòng về những việc làm tử tế của Thánh nữ. Rôsa qua đời khi nàng mới 31 tuổi. Thánh nữ là vị thánh tiên khởi của miền Nam Mỹ châu.

 (Hạnh Các Thánh, Lm Lovasik SVD)

Sau đây là những câu nói của ngài:

(1) Nếu mọi người biết ơn thánh là gì, họ sẽ muốn được chịu đau khổ, sẽ đón tìm cực khổ, bắt bớ để chiếm hữu cho được, bởi vì ơn thánh là cái giá khôn sánh đáp đền cho lòng nhẫn nại.

(2) Thiếu gánh nặng đau khổ thì không thể đạt đến đỉnh cao ơn thánh. Những tặng ân ơn thánh gia tăng khi các cuộc giao chiến gia tăng.

(3) Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, là chúng ta phục vụ chính Chúa Giê-su. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giê-su trong anh em.

(4) Không có đau khổ thì không thể đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện.

(5) Lạy Chúa xin gia tăng đau khổ cho con—cùng với các đau khổ, xin tăng bội Tình yêu cho trái tim con.

Hôm nay bạn hãy tìm cách bắt chước một nhân đức của thánh nhân, sống đơn sơ và kiên nhẫn hơn nhé. Lạy Thánh nữ Rosa Lima xin cầu bầu cho con trước ngai tòa Chúa để con biết sống bác ái như thánh nữ mà không đắn đo hơn thiệt.

From: Do Dzung

***********************

Tình con yêu Chúa – Cẩm Ly.mpg

“Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37)-Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Đức Ma-ri-a Nữ Vương. Xin Mẹ Maria cầu bầu cho chúng con đang vất vả trên đường lữ hành tiến về quê trời.

Cha Vương

Thứ 5: 22/08/2024

TIN MỪNG: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:37)

SUY NIỆM: Có người đặt câu hỏi để gài bẫy thánh Bernadette khi còn là một thiếu nữ : “Con thích gì hơn, rước lễ hay thấy Đức Mẹ hiện ra ở hang đá?” Vị thánh nhỏ suy nghĩ một phút rồi trả lời: “Đúng là một câu hỏi kỳ lạ! Chúa Giê-su và Đức Mẹ không thể tách riêng ra. Cả hai lúc nào cũng phải đi với nhau.” Từ giây phút thụ thai trong lòng Đức Mẹ, Đức Giê-su và Mẹ của Ngài luôn nối kết với nhau. Không lạ gì Con về trời thì Mẹ cũng phải được lên trời cả hồn lẫn xác. Đức Mẹ được đưa lên trời để được tôn phong là Nữ vương thiên đàng, Nữ vương vũ trụ. Mẹ thi hành tước vị Nữ vương ấy trong tư thế của một người mẹ, người mẹ của tất cả nhân loại, và là mẹ của từng người. Trong lịch sử Giáo Hội, Mẹ đã nhiều lần hiện ra để cứu giúp con cái gặp cảnh gian nguy, cảnh tỉnh con cái sửa đổi đời sống, nhắn nhủ con cái sống đúng tư cách môn đệ Chúa Ki-tô. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đi-tô XVI dạy rằng: “Đức Ma-ri-a là người đầu tiên đi ‘con đường’ vào Nước Trời mà Đức Ki-tô đã mở, một con đường chỉ đạt được dành cho những người khiêm tốn, tin tưởng nơi Lời Chúa và nỗ lực đem ra thực hành” (Đức Bê-nê-đi-tô 16). Mời bạn hãy đi con đường Đức Mẹ đã đi, để cũng được phần thưởng cao quý là hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa như Mẹ.

LẮNG NGHE: Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Ma-ri-a là Nữ vương vũ hoàn, và là Mẹ con, con cảm tạ Mẹ luôn đồng hành với con trong mọi nẻo đường con đi, mọi khoảnh khắc quãng đời con sống. Xin cho con cũng biết noi gương Mẹ, đi con đường vào Nước Trời mơ ước. Amen.

THỰC HÀNH: Mỗi tối tôi đọc chậm rãi, sốt sắng ba kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ, xin ngài nâng đỡ bạn sống xứng đáng con cái Thiên Chúa mọi ngày.

From: Do Dzung

***********************

MARIA NỮ VƯƠNG | Phạm Đức Huyến – Vũ Đình Ân | Ca đoàn: Hương Kinh

Thánh Pi-ô X, giáo hoàng (1835-1914)-Cha Vương

Một tuần mới, một ngày mới, một giây phút mới… một cơ hội để sống yêu thương hơn… Hôm nay Giáo Hội mừng Kính Thánh Pi-ô X, giáo hoàng (1835-1914). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 21/08/2024

Thánh nhân sinh năm 1835 tại Ri-ê-sê, nước Ý. Sau khi làm linh mục, người dấn thân thi hành việc mục vụ. Người làm giám mục Man-tô-va, rồi làm thượng phụ giáo chủ Vê-nê-xi-a và cuối cùng, năm 1903, được chọn làm giáo hoàng. Người chu toàn bổn phận của mình theo khẩu hiệu người đã chọn: “Canh tân mọi sự trong Chúa Ki-tô” với lòng đơn sơ, đời sống thanh bần và can đảm. Cùng với những đức tính ấy, người đã giúp các tín hữu sống đạo nhiệt thành và đối phó với những sai lầm đang lan tràn trong Hội Thánh. Khi Đại Thế Chiến thứ nhất bùng nổ, thánh giáo hoàng Piô X đã phải đau khổ nhiều. Ngài biết nhiều người sẽ bị giết chết. Thánh Piô X nói: “Cha sẽ vui mừng dâng hiến mạng sống cha để cứu những em nhỏ đáng thương khỏi nỗi đau kinh khủng này!” Về cuối đời, thánh nhân cũng nói: “Cha đã sống nghèo, và cha ao ước cũng được chết nghèo!” Piô X chẳng bao giờ giữ lại cho mình bất cứ của gì cho tới ngày về gặp Thiên Chúa. Người qua đời ngày 20 tháng 8 năm 1914.

Ngài là vị giáo hoàng của bí tích Thánh Thể, đã khuyến khích mọi người hãy rước Chúa Giêsu Thánh Thể cách thường xuyên. Ngài cũng hạ thấp mức tuổi cho trẻ em để chúng được phép rước Chúa Giêsu vào lòng sớm hơn.

Truyền thuyết ghi rằng ngài có một cuộc sống tình nghĩa rất nặng với gia đình nhất là với mẹ của ngài. Đức Giáo Hoàng Piô X khi còn là cậu bé ở làng Riese mỗi ngày phải đi bộ 7 cây số để đến trường, sáng đi 7 chiều về 7. Bà mẹ, bà Magarita dù nghèo song cũng ráng mua cho con một đôi giày cho con đỡ đau chân. Đứa con tốt lành này cũng rất thương cha mẹ cho nên sáng ra khỏi nhà thì mang giày vào chân kẻo mẹ rày, sau khi xa nhà thì cởi giấy quảy trên vai cho tới khi tới trường mới mang vào để chúng bạn khỏi cười chê. Ra khỏi trường lại cởi ra, về gần tới mới xỏ vào sợ mẹ buồn. Cậu bé Sartô làm như thế vì sợ mòn đôi giày và tốn kém cho cha mẹ.

Khi được được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Mantua, một hôm, ngài về thăm mẹ. Mẹ con ngồi nói chuyện khá lâu, ngài tếu táo khoe với mẹ chiếc nhẫn Giám mục của mình: “Mẹ xem này, chiếc nhẫn Giám mục mới của con đây”. Mẹ ngài mỉm cười chìa bàn tay thô cộc cho thấy chiếc nhẫn cưới bình dị của mình và nói: “Không có chiếc nhẫn cưới nghèo nàn này của mẹ đây thì chẳng có chiếc nhẫn ấy đâu.”

Noi gương thánh nhân mời bạn hôm nay hãy làm mọi công việc của mình một cách vui vẻ trong Chúa Ki-tô nhé.

Thánh Pi-ô X, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

***************************

Sống Trong Niềm Vui | Hà Thanh Xuân

Thánh Gioan Êu-đê, (1601-1680),- Cha Vương

Một ngày mới một cơ hội mới để sống yêu thương hơn. Hôm nay 8/19, Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Êu-đê, (1601-1680), người đào tạo linh mục. Xin cầu nguyện cho những nhân viên đào tạo nam nữ tu sĩ nhé.

Cha Vương

Thư 2: 19/8/2024

Thánh Gioan Êuđê sinh tại miền Normandie nước Pháp, thuộc địa phận Sées ngày 14 tháng 11 năm 1601 ở làng Ri. Thoạt đầu, thánh nhân theo học với các cha Dòng Tên tại Caen và sau đó đi vào Đại Học. Được gần gũi các cha Dòng Tên, được hun đúc về tình yêu Chúa và phục vụ tha nhân, thánh Gioan Eâuđê muốn đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, nhưng gia đình Ngài ngăn cản Ngài trở thành linh mục. Ý Chúa thật nhiệm màu, Ngài không bao giờ nản chán và quyết tâm theo đuổi lý tưởng trở thành linh mục của Chúa, Ngài gia nhập hội dòng Giảng Thuyết do Đức Hồng y Bérulle vào năm 1623 và rất hăng say với công việc loan báo Tin Mừng. Thánh nhân nhiệt thành với công việc, chuyên cần học triết học và thần học, Ngài được gọi lãnh sứ vụ linh mục và sau đó được chỉ định làm cha xứ ở Aubervillier, đồng thời kiêm nhiệm chức vụ giảng dạy ở nhiều nơi trong nước Pháp. Đời sống đạo đức, lối sống thánh thiện, gương mẫu đi đôi với lời giảng dạy có sức thu hút, lôi cuốn nhiều linh hồn. Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ, khi trong vùng có dịch bệnh hoành hành, lan rộng khắp nơi, thánh nhân đã tình nguyện đi săn sóc bệnh nhân và an táng những người qua đời.

Thánh nhân có đời nội tâm sâu sắc, chính Ngài đã chấn chỉnh lại đời sống đạo đức và uy thế của các giáo sĩ bị sa sút, và thánh Gioan Euđê đã thiết lập nhiều chủng viện để thực hiện dự tính tốt lành của Ngài trong việc chấn hưng đạo đức và đào tạo giáo sĩ. Năm 1662, thánh nhân đã lập Hội sùng kính trái tim Chúa Giêsu, sau này được  đổi tên là Dòng Đấng Chăn Chiên Lành để giáo dục các thiếu nữ trụy lạc, hư đốn, sa đọa.

Với cố gắng tận lực, với lòng hy sinh, nhiệt thành cao độ, thánh Gioan Euđê đã được Chúa gọi về vào ngày 19 tháng 8 năm 1680. Đức thánh Cha Piô X đã cất nhắc Ngài lên bậc chân phước. Đức Giáo Hoàng Piô XII, vào dịp năm thánh 1925, đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh, và truyền cho Giáo Hội kính Ngài trên toàn thế giới vào năm 1928.

(Internet: TGPSG)

Mời bạn suy niệm đôi dòng đầy cảm hứng của thánh nhân: “Lòng mong ước của chúng ta, mục đích của chúng ta, sự lưu tâm chính yếu của chúng ta phải là trở nên giống Chúa Giêsu, để thần khí của Người, sự tận tụy của Người, lòng yêu mến của Người, sự khao khát của Người và ý định của Người sống và ngự trị ở đó. Mọi luyện tập nhân đức phải hướng về cùng đích này. Ðó là công việc mà Thiên Chúa trao cho chúng ta để thi hành một cách không ngừng”

(Thánh Gioan Eudes, Ðời Sống và sự Ngự Trị của Chúa Giêsu trong Linh Hồn Người Tín Hữu)

From: Do Dzung

*****************************

TÌNH THƯƠNG NHIỆM MÀU – GIA ÂN

Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (Ga 6:56)

Ngày Chúa Nhật tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc trong Chúa Giê-su Thánh Thể nhé.

Cha Vương

CN: 18/8/2024

TIN MỪNG: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (Ga 6:56)

SUY NIỆM: Nhờ “ăn” Mình Chúa Kitô, Hội thánh trở nên “Thân thể Chúa Kitô” (một tên khác chỉ Hội thánh). Trong lễ hy sinh của Chúa Kitô, Đấng ban mình cho bạn, cả xác và hồn, hiện diện trong cả cuộc sống từ việc lao động đến mọi đau khổ, niềm vui, tất cả đều có thể hiệp nhất với Chúa Kitô. Khi rước Chúa, bạn sẽ được biến đổi, bạn sẽ làm đẹp lòng Chúa, và trở nên như bánh tốt lành nuôi sống cho mọi người. Mời bạn ngẫm nghĩ đôi lời nhắn nhủ của các thánh về Thánh Lễ sau đây nhé:

❦  Ngay cả chính Thiên Chúa cũng không thể làm gì thánh thiện hơn, tốt lành hơn và cao cả hơn thánh lễ Misa.—Thánh Alphonsus

❦  Thánh lễ là sự diễn lại trên bàn thánh việc xảy ra trên đồi Canvê xưa, bởi vậy mỗi thánh lễ đem tới cho người dự những ích lợi ngang với những sự hy sinh của Chúa Kitô trên đồi Canvê.—Thánh Thomas

❦  Thánh lễ có giá trị ngang với sự hy sinh của Chúa Kitô trên đồi Canvê.—Thánh John Chrysostom

❦  Thánh lễ là tất cả tình yêu của Chúa được gói trọn trong đó những ích lợi cho con người. Thánh lễ ban bố cho thế giới những lợi ích không ít qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.—Thánh Bonaventure

❦ Thật tuyệt vời cho những linh mục vì họ được ôm ấp Chúa Kitô trong đôi tay mỗi lần họ dâng thánh lễ.—Thánh Augustine

LẮNG NGHE: Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. (1 Cr 11:26)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, thật là diễm phúc cho con khi được kết hiệp với Chúa trong Thánh Lễ, mặc dù bận rộn trong công việc hàng ngày cộng với bao nhiêu trách nhiệm nặng nề trong cuộc sống xin giúp con biết cố gắng tham dự Thánh Lễ càng nhiều càng tốt để được biến đổi trở nên hoàn thiện hơn.

THỰC HÀNH: Suy tư về cảm giác của bạn khi rước Chúa vào lòng nhé.

From: Do Dzung

**************************

Mình Máu Thánh Chúa (st: Đinh Công Huỳnh) – Ca đoàn Ngôi Ba

Thánh Stêphanô Vua nước Hungary (975-1038).-Cha Vương

Chúc một ngày bình yên và hạnh phúc trong Chúa nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Stêphanô Vua nước Hungary (975-1038). Xin ngài cầu bầu cùng Chúa cho các nhà cầm quyền thế giới.

Cha Vương

Thứ 6: 16/8/2024

Giáo Hội là của chung mọi người, nhưng sự biểu hiện của Giáo Hội luôn luôn bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa địa phương – có thể tốt hoặc có thể xấu. Không ai được gọi là Kitô Hữu “thuần chủng”; nhưng là Kitô Hữu Việt Nam, Kitô Hữu Hoa Kỳ, Kitô Hữu Mễ Tây Cơ. Sự kiện này rất hiển nhiên trong cuộc đời của Thánh Stêphanô, vị anh hùng dân tộc và quan thầy của nước Hung Gia Lợi.

Sinh trong một gia đình ngoại giáo, ngài được rửa tội khi lên 10 tuổi cùng với người cha, là tù trưởng của sắc tộc Magyar, một bộ lạc chuyên nghề cướp bóc chiếm đóng vùng Danube trong thế kỷ thứ chín. Khi lên nối ngôi cha, Stêphanô đã thay đổi hẳn đường lối cai trị, đưa sắc tộc Magyar theo tinh thần Kitô Giáo và dồn mọi nỗ lực để quảng bá đức tin. Ngài bảo trợ các vị lãnh đạo Giáo Hội, giúp xây dựng các nhà thờ, và là một phần tử ủng hộ quyền lợi của Tòa Thánh.

Nhưng sự đối xử của ngài đối với người ngoại giáo có phần nào quá cứng rắn. Ngài đưa Kitô Giáo trở thành quốc giáo và trừng phạt nặng nề các thói tục dị đoan phát xuất từ ngoại giáo. Ngài cũng ra lệnh mọi người phải kết hôn, ngoại trừ hàng giáo sĩ, và cấm người Kitô giáo không được lấy người ngoại giáo.

Stêphanô cũng dẹp tan nhiều cuộc nổi loạn của các phe quý tộc ngoại giáo nổi lên chống với Kitô Giáo. Ðể thừa nhận công trạng của ngài, vào năm 1000, Stêphanô được Ðức Giáo Hoàng Sylvester II xức dầu tấn phong làm vua Hung Gia Lợi và được nhận vương miện cũng như thánh giá từ tay đức giáo hoàng.

Tuy là vua nhưng đời sống cá nhân của Stêphanô là một bài học thầm lặng cho những người biết đến ngài. Ai ai cũng có thể đến với ngài và mọi người, nhất là người nghèo được ngài đối xử cách công bằng. Ngài dùng tiền của để giúp đỡ người nghèo, nhiều khi ngài ngụy trang để giúp đỡ họ và có lúc tưởng đã thiệt mạng vì hoạt động này.

Stêphanô làm vua Hung Gia Lợi trong bốn mươi hai năm. Ngài từ trần năm 1038 và được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô VII phong thánh năm 1083.

LỜI BÀN: Ðể nên thánh cần có lòng yêu thương Thiên Chúa và tha nhân như Ðức Kitô. Ðức ái đôi khi mang một bộ mặt lạnh lùng nghiêm khắc vì mục đích thiện hảo. Ðức Kitô đả kích sự giả dối của người Pharisiêu, nhưng khi từ trần Ngài đã tha thứ cho họ. Thánh Phaolô ra vạ tuyệt thông một người loạn luân ở Côrintô “để hy vọng linh hồn của họ được cứu rỗi.” Một số Kitô Hữu chiến đấu trong các cuộc Thập Tự Chinh với sự hăng say cao quý, dù rằng có nhiều người tham gia với động lực bất chính. Ngày nay, sau các cuộc chiến vô nghĩa, và với sự hiểu biết sâu đậm hơn về các động lực phức tạp của con người, chúng ta dường như không dám dùng đến bất cứ hình thức bạo lực nào. Sự hiểu biết tốt đẹp này vẫn còn tiếp tục mỗi khi người ta tranh luận rằng, một Kitô Hữu thì có nên là người tuyệt đối yêu chuộng hòa bình, hoặc đôi khi sự dữ cần phải được dẹp tan bằng võ lực.

 (Hạnh Các Thánh) 

From: Do Dzung

***************************

TÌNH YÊU THƯƠNG- THÁNH CA MỚI NHẤT 2023 – SÁNG TÁC TƯỜNG KHANH – CA SĨ TUYẾT MAI

Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Lễ trọng- Cha Vương

Chúc bình an, hôm nay Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời, Lễ trọng. Ước mong một ngày nào đó Bạn sẽ đạt tới nơi mà Đức Mẹ đã tới.

Cha Vương

Thứ 5: 15/08/2024

TIN MỪNG: Ðền thờ Thiên Chúa trên trời đã mở ra. Và một điềm lạ vĩ đại xuất hiện trên trời: một người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao: Bà đang mang thai, kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con…(Khải Huyền 11, 19a; 12, 1-6a, 10ab)

SUY NIỆM: Ngày 1 tháng 11 năm 1950, qua Hiến chế Munificentissimus Deus Đức Giáo hoàng đã công bố chân lý đức tin sau đây: “Đức Maria vô nhiễm trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa, sau cuộc sống trần gian, đã được cất nhấc cả hồn và xác về vinh quang trên trời”. Chân lý đức tin này cũng được nhắc lại trong Sách Giáo Lý Công Giáo số 966: “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết tội nguyên tổ, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con Mẹ trọn vẹn hơn, là Chúa các Chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (x. LG 59).

Được lên trời cả hồn và xác, Đức Ma-ri-a tham dự cách độc đáo vào cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô và thể hiện trước sự Phục Sinh của các Ki-tô hữu khác: Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, khi sinh con, Mẹ vẫn khiết trinh; khi yên nghỉ, Mẹ vẫn không lìa bỏ thế gian. Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và giờ đây trở về với Thiên Chúa nguồn sống, xin cầu cho linh hồn chúng con được thoát tay tử thần

( Phụng vụ By-dan-tin, điệp ca lễ Đức Mẹ an nghỉ ngày 15 tháng 08)

Biến cố này biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người và bảo đảm cho sự thánh thiện riêng của Bạn. Nếu đấng quyền năng đã làm cho Mẹ những điều vĩ đại thì Ngài cũng sẽ làm những điều vĩ đại tương tự như thế cho Bạn.

Vậy Bạn hãy áp dụng liệu pháp “3 T” (Thánh-Thiện, Thành-Tâm, Tin-Tưởng) vào thực tiễn để sống Thánh-Thiện,Thành-Tâm, và Tin-Tưởng hơn mỗi ngày nhé!

LẮNG NGHE: Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. (Luca 1:50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhờ lời cầu thay của Ðức Ma-ri-a hồn xác về trời, xin cho lòng con bừng cháy lửa mến yêu và luôn luôn hướng về Chúa.

THỰC HÀNH: Làm một quyết định cho chính bản thân bạn: ngày hôm nay tôi sẽ…

  1. Sống Thánh-Thiện hơn ngày hôm qua
  2. Sống Thành-Tâm hơn ngày hôm qua
  3. Sống Tin-Tưởng hơn ngày hôm qua 

From: Do Dzung

****************************

Mẹ về trời – Mai Thiên Vân 

Tại sao tiết độ là nhân đức?-Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho Bạn một ngày mới! Ước mong bạn mãi mãi gắn liền với Chúa để được hạnh phúc và bình an nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 13/8/2024

GIÁO LÝ: Tại sao tiết độ là nhân đức? Sống chừng mực hay giữ tiết độ là nhân đức vì sự vô độ trong mọi lãnh vực đều là sức mạnh hủy diệt. (YouCat, số 304)

SUY NIỆM: Người sống không tiết độ thì buông mình theo các bản năng, gây tổn thương cho người khác do những ước muốn vô độ và làm hại cho cả chính mình. Trong Tân Ước, đức tiết độ được gọi là “điều độ” hay “điều hòa”.

❦ Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.—Tt 2:11-12, (YouCat, số 304 t.t.)

LẮNG NGHE: Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. (Ep 5:18-19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, không có tiết độ mọi thứ sẽ đi đến hỗn loạn, thái quá và diệt vong. Xin giúp con biết sống tiết độ để mang lại hoa trái cho đời sống con một cách dồi dào.

THỰC HÀNH: Tập nói “không” đến những đam mê trần tục nhé.

From: Do Dzung

******************************

Sống Cho Chúa – Hiệp Lễ