Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su (1/10)-Cha Vương

Nguyện xin bình an và xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa ở cùng bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi. Hôm nay 1/10 Giáo Hội mừng kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 01/10/2024

Thánh Têrêxa là người con thứ năm của một gia đình Công giáo trung lưu thánh thiện và đạo đức. Mẹ của Bà qua đời khi Bà mới bốn tuổi, Bà cùng bốn người chị được người cha thánh thiện nuôi nấng dạy dổ. Cha của Bà là ông Martin và năm người con gái dọn về định cư tại Lisieux để được gần gủi với gia đình. Một thảm cảnh thứ hai lại xẩy đến với Bà là các chị Pauline và Maria mà Bà xem như người mẹ đều vào tu Dòng kín Carmel…

Trong một đêm Noen, với một ân sủng lạ lùng và cao cả, Bà tìm lại được niềm vui cho tuổi trẻ và trong niềm hy vọng tràn trề với Tình Yêu Thiên Chúa mà Bà được nhận lảnh. Một cô bé nhút nhát yếu ớt trở nên bạo dạn và cương quyết, Bà cùng với cha mình đến Roma, trong buổi triều kiến ngày 9 tháng 4 năm 1888, Bà đã vượt qua mọi người và lính gác đến quì duới chân Đức Giáo Hoàng và xin phép được vào tu Dòng Carmel dù Bà mới 15 tuổi. Với lòng trung kiên tuyệt đối Bà tiến tới trên con đường nên thánh.

Bà bị bệnh lao phổi trầm trọng và kinh niên, Bà phú thác mọi sự trong tay Chúa Kitô. Trong sự đau khổ triền miên, Bà hiến dâng lên Chúa để cầu xin cho những người tội lỗi trở lại với Đức Tin. Bà qua đời vào năm 1897 lúc mới 24 tuổi. Bà hứa sẽ làm “mưa hoa hồng” xuống trần thế và lên Thiên đàng bằng “con đường nhỏ”là làm những việc thiện dưới trần thế này.

Chỉ vài năm sau khi Bà lìa đời, câu chuyện cuộc đời của Bà “Câu chuyện một linh hồn”, viết theo lệnh của Bề trên Dòng được phát hành và mọi tầng lớp dân chúng đã đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người hành hương đến viếng tu viện Lisieux, họ đã nhận được những phép lạ và những ân sủng lạ lùng khi cầu xin cùng Thánh Têrêxa. Bà được phong hiển thánh năm 1928, và tuyên xưng là Đấng Bảo trợ các nhà truyền giáo. Đến năm 1997 thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II tấn phong Tiến sĩ Hội Thánh. (Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác)

Sau đây là những câu nói của thánh nhân, mời bạn hãy lắng nghe coi ngài đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì:

(1) Xin nhớ rằng không có điều gì là nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa. Hãy làm mọi việc với tình yêu.

(2) Vẻ rực rỡ của bông hồng và màu trắng của bông huệ không tước mất hương thơm của bông hoa tím hay lấy đi vẻ hấp dẫn mộc mạc của bông cúc dại. Nếu mỗi bông hoa nhỏ cứ muốn làm một bông hồng, mùa xuân hẳn sẽ mất vẻ yêu kiều.

(3) Hẳn là bạn cũng biết rằng Chúa chúng ta không quan tâm nhiều đến vẻ lớn lao hay sự khó khăn của các hành vi chúng ta làm, nhưng là tình yêu chúng ta có khi làm.

(4) Không có tình yêu, các hành vi, dù sáng chói nhất, cũng không đáng kể gì.

(5) Tin tưởng và chỉ tin tưởng mới dẫn chúng ta đến tình yêu.

(6) Không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào mà không làm một hy sinh nhỏ, ở đây bằng gương mặt tươi cười, ở kia bằng một lời khả ái, luôn luôn làm việc đúng đắn dù nhỏ bé nhất và làm vì tình yêu.

(7) Đối với em, cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui.

(8) Một lời nói hay một nụ cười thường cũng đủ để đưa sự sống tươi mát vào trong một tâm hồn thất vọng.

(9) Bây giờ em biết rằng bác ái chân thật hệ tại gánh lấy tất cả những khuyết điểm của người thân cận – không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, nhưng vui sướng về những nhân đức nhỏ nhất của họ.

(10) Con cầm lấy quyển Kinh Thánh. Thế là mọi sự dường như sáng ra với con; chỉ một chữ thôi cũng mở ra cho con những chân trời vô biên, sự hoàn thiện tỏ ra đơn giản với con.

(11) Điều duy nhất con thực sự ước muốn… là yêu cho đến chết vì yêu.

Câu nào đánh động bạn nhất?

Xin Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

*************************

Yêu Người Như Chúa Yêu

Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420)-Cha Vương

Chúc bình an nhé! Hôm nay Ngày 30/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Giêronimô (Jerome) Linh mục Tiến sĩ người Ý (340-420). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 30/09/2024

Thánh Giêronimô sinh quãng năm 340 tại Xơ-tri-đôn, Đan-ma-xi-a. Người đến Rô-ma học văn chương và đã lãnh bí tích Thánh Tẩy tại đó. Người sang Đông Phương và làm linh mục. Trở lại Rô-ma, người làm thư ký cho đức giáo hoàng Đa-ma-xô. Thời gian này, người bắt đầu dịch Sách Thánh sang tiếng La-tinh và cổ võ nếp sống đan tu. Nhưng nhất là người đã sống ba mươi lăm năm cuối đời ở Bê-lem, gần cái hang nơi Đức Giê-su ra đời. Ở đây, người cầu nguyện hãm mình, chăm chỉ nghiên cứu, dịch và chú giải Kinh Thánh. Thánh Jerome qua đời tại Bethlehem ngày 30 tháng 9 năm 420. Xác thánh nhân được chôn cất kế bên hai người con thiêng liêng (Thánh Paola và Eustochium) dưới hầm mộ của thánh đường Giáng Sinh. Nhưng sau đó thánh tích của thánh Jerome được chuyển về La Mã. Thi hài của ngài hiện được chôn cất trong Ðền Ðức Bà Cả ở Rôma.

Đức Giáo Hoàng Boniface XIII đã tuyên xưng Thánh Jerome và Thánh Augustine là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 20 tháng 9 năm 1295

Thánh Giêrôme là một người thẳng tính, cương quyết. Ngài có nhân đức cũng như các tính xấu của một người ưa chỉ trích tất cả những vấn đề luân lý thường tình của con người. Như có người nhận xét, ngài là người không chấp nhận thái độ lưng chừng trong phẩm hạnh cũng như trong việc chống đối sự xấu xa. Ngài mau nóng, nhưng cũng mau hối hận, và rất nghiêm khắc với những khuyết điểm của chính mình. Người ta kể, khi nhìn thấy bức tranh vẽ Thánh Giêrôme đang cầm hòn đá đánh vào ngực, một giáo hoàng nói, “Ngài cầm hòn đá đó là phải, vì nếu không, Giáo Hội không bao giờ phong thánh cho ngài”

 (Ðời Sống Thánh Nhân của Butler)

Sau đây là những câu nói để đời của Thánh Nhân, bạn hãy bỏ ra mấy phút đọc và suy niệm coi thánh nhân đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì để đến gần với Chúa hơn mỗi ngày qua việc đọc và suy niệm Lời Chúa.

(1) Tốt, tốt hơn, tốt nhất. Đừng bao giờ nghỉ ngơi cho tới khi cái tốt của bạn trở nên tốt hơn và cái tốt hơn trở nên tốt nhất.

(2) Người phạm tội thì trong lòng không có Thiên Chúa, những việc họ yêu thích đều trở thành chúa của họ….

(3) Vừa khi bị nhục dục tấn công, chúng ta hãy than thở: “Lạy Chúa, xin cứu giúp con, xin đừng để con xúc phạm đến Chúa.”

(4) Phần chúng ta là hiến dâng những gì chúng ta có thể, phần của Chúa là chu cấp những gì chúng ta không thể.

(5) Có bao nhiêu thương tích đau thương trên thân xác Chúa Giêsu, thì cũng có bấy nhiêu vết thương xé nát Trái Tim Mẹ.

(6) Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô. (Thánh Giêronimô)

Câu nào đánh động bạn nhất. Đối với mình thì câu 1.

Thánh Giêronimô, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

************************

Thánh Ca | Lắng Nghe Lời Chúa – Phan Đinh Tùng

Thánh Vinh-sơn Phaolô, (St. Vincent de Paul) (1581-1660)- Cha Vương

Hôm nay 27/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Vinh-sơn Phaolô, (St. Vincent de Paul), nguyện xin thánh nhân chuyển cầu cho Bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thứ 6:27/09/24

Thánh nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập tu hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập tu hội Nữ Tử Bác Ái. Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống đức bác ái như Chúa Ki-tô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận ra khuôn mặt của Chúa Ki-tô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người qua đời tại Pa-ri năm 1660.

Khi gần chết, ngài đã thốt lên: “Lạy Chúa, con đã làm những việc theo lệnh Chúa, nay xin Chúa ban cho con những gì Chúa đã hứa.” Ngài đã an nghỉ trong Chúa vào ngày 27 tháng 9 năm 1660, lúc 80 tuổi.

Đức Giáo Hoàng Lêô 13 tôn thánh Vincent làm bổn mạng các hội Từ thiện Công Giáo. Ngày nay trên thế giới , hội Bác ái Vinh sơn đã lan tràn rất nhiều nơi.

Sau đây là những câu nói để đời của Thánh Nhân, Bạn hãy bỏ ra mấy phút để đọc và lắng nghe coi thánh nhân đang muốn nhắn nhủ Bạn điều gì mà đến gần với Chúa hơn.

(1) Anh em hãy nhớ rằng cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống hoạt động; chứ không phải chỉ là lời nói và mộng mơ.

(2) Vũ khí mạnh nhất để chống lại ma quỷ là đức khiêm nhường. Bởi vì, như ma quỷ không có bất cứ một ý niệm nào về sự “khiêm nhường” thì ma quỷ cũng không biết làm thế nào để rũ bỏ sự “khiêm nhường”.

(3) Chúng ta nên đơn giản trong tình cảm, ý tưởng, hành vi và ngôn từ, chúng ta nên làm những gì chúng ta thấy không có sự giả tạo hoặc lừa lọc trong đó.

(4) Tôi ước muốn từng giây phút quá khứ, hiện tại và tương lai đều được tôi cũng như mọi người sử dụng một cách tốt nhất.

(5) Trên thiên đàng chúng ta sẽ nghỉ ngơi.

(6) Một người càng tấn tới trong việc yêu mến Thiên Chúa thì nhất định càng yêu thích đau khổ, chịu bị khinh thường, đó chính là dấu hiệu của lửa tình ái, những thứ khác đều là mây khói.

Câu nào đánh động bạn nhất? Đối với mình thì câu (3) và (4)

From: Do Dzung

**********************

Tha Thứ Chữa Lành – Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp

Thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô, thế kỷ thứ 3 – Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay 26/9 Giáo hội mừng kính 2 thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô, thế kỷ thứ 3. Các ngài được xem như là  bổn mạng bổn mạng các thầy thuốc và những y tá.

Cha Vương

Thứ 5: 26/9/2024

Vào khoảng thế kỷ thứ III, tại miền Égée thuộc nước Ả Rập, có hai anh em sinh đôi tên là Cót-ma và Ða-mi-a-nô. Ngay quãng đầu đời, hai anh em đã gặp cảnh khó khăn, thử thách. Số là cha hai Ngài mất sớm, hai Ngài rơi vào cảnh mồ côi cha. Chúa vô cùng thương xót đã cho hai Ngài có bà mẹ đạo đức, thánh thiện, nhân ái. Hai Ngài đã được tình thương của mẹ ủ ấp, mẹ các Ngài đã giáo dục các Ngài theo đường hướng Giáo Hội và Chúa Kitô.  Hai Ngài đã được hấp thụ một nền giáo dục nhân bản thật tốt, đã được trui luyện theo đường hướng Phúc Âm của Chúa. Ðược Chúa soi sáng, Thánh Thần tác động, hướng dẫn, hai Ngài lớn lên đã mau chóng đạt được bằng cấp y dược và trở thành những lương y lành nghề, đạo đức. Với y đức có được, với lòng đạo đức, tâm hồn hướng về Chúa, thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô đã hành nghề lương y mà không nhận một khoản tiền thù lao nào đối với bất cứ một ai. Chính vì thế, tiếng tăm đạo đức của hai Ngài vang dội khắp nơi.

Giáo Hội của Chúa Kitô ít khi được an bình, con cái thế gian luôn tìm cách phá hại Hội Thánh của Chúa. Giáo Hội vào thời hai Ðấng lúc đó gặp cảnh cấm cách, bắt bớ của Hoàng đế Ðiôclêtianô và Maximianô, Cótma và Ðamianô bị bắt, bị dẫn giải tới quan Lydia. Thánh Cót-ma và Ðamianô không sợ sệt, không run sợ, không nhát đảm, các Ngài luôn tuyên xưng mình là Kitô hữu. Quan Lydia truyền đánh đòn hai Ngài một cách dã man, tàn ác, ra lệnh xích tay chân và quăng hai Ngài xuống biển. Chúa nhiệm mầu và quyền năng đã cứu hai Ngài khỏi chết. Tức giận vì phép lạ Chúa giải cứu hai Ngài khỏi chết, Lydia đã ra lệnh đốt một đống lửa cháy to và đẩy hai Ngài vào đống lửa đang cháy. Hai Ðấng vẫn ung dung, vừa đi vừa cầu nguyện giữa đống lửa đang bừng bừng cháy lớn. Phép lạ Chúa quả quá tỏ tường, nhiều người chứng kiến phép lạ lớn lao ấy đã được ơn quay trở lại.

Như một con thú khát máu, Lydia đã ra lệnh khẩn cấp đem hai Ngài đi chém đầu. Hai thánh nhân trước khi để cho đao phủ chém đầu mình đã can đảm ngước mắt lên trời cầu xin Chúa thứ tha cho những kẻ làm hại các Ngài. Thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô đã được phúc tử vì đạo vào ngày 27/9/297. Chính đức tin sắt đá và lòng nhân từ của các Ngài đã giúp các Ngài được phúc lãnh nhận ơn chết vì đạo.

SỨ ÐIỆP: Hai anh em sinh đôi Cot-ma và Ða-mi-a-nô đã sống trung thành với giáo lý chân chính của chúa, của Giáo Hội. Các Ngài cảm nghiệm tình thương vô biên của Chúa. Tình thương đã tha thứ cho người trộm lành. Tình thương đã hoán cải con người Mađalêna và tình thương đã cải hóa ông Gia-kêu, người thu thuế. Ý thức sâu xa, con đường của Chúa đã đi, lời Chúa đã dậy, thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô đã nói lên cho nhân loại điều này: “Chỉ có tình thương tha thứ mới giải thoát được con người “.  Chúa đã yêu thương, tha thứ cho nhân loại tội lỗi, Chúa đã kê vai gánh tội cho nhân trần, tại sao nhân loại lại không thể cảm thông tha thứ cho nhau? Thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô đã nói lên chân lý này: “Thiên Chúa là tình yêu”. Con người nhận Chúa làm gia nghiệp phải sống tình yêu của Chúa.

(Nguồn: Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Thánh Grégoire de Tours, thế kỷ VI, làm chứng lòng sùng kính hai vị tử đạo “chữa bệnh” này tại xứ Gaule: “Hai anh em y sĩ Cosma và Đamianô đã trở thành Kitô hữu; chỉ nhờ công phúc nhân đức và lời cầu nguyện của các ngài, nhiều bệnh tật đã được xua đuổi. Sau một số cực hình khác nhau, các ngài lại đoàn tụ với nhau trên trời và làm nhiều phép lạ. Nếu có một người bệnh đến mộ các ngài và tin tưởng cầu xin, người đó đã gặp thầy gặp thuốc. Người ta kể các ngài hiện đến với các bệnh nhân trong giấc mộng, cho họ toa thuốc, bệnh nhân cứ thế nghe theo và họ được chữa lành” (In. Glor.Mart 98).

Lạy thánh Cót-ma và Ða-mi-a-nô xin chữa lành những bệnh tật mà chúng con đang có và xin cầu bầu cùng Chúa giúp chúng con biết yêu thương, tha thứ cho những người làm hại chúng con như hai thánh đã xin Chúa thứ tha cho những kẻ giết thân xác hai Ngài.

From: Do Dzung

******************

Tha Thứ Chữa Lành – Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp | Thánh Ca Lòng Thương Xót Chúa

Thánh Sêgiô người Nga (1314-1392)- Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay 25/9 Giáo Hội mừng kính (ngoài lịch) Thánh Sêgiô người Nga (1314-1392). (St. Sergius of Moscow)

Cha Vương

Thánh Sêgiô người Nga nổi danh này sống vào thế kỷ thứ 14. Ngài sinh năm 1314 gần Rostov và được đặt tên là Bartholomew khi chịu phép Thanh tẩy. Ngài không được thông minh như hai anh trai của mình, nhưng ngài cũng biết đọc và biết viết. Điều này làm cho Bartholomew rất hạnh phúc vì ngài rất ao ước được đọc Kinh Thánh. Song thân của Bartholomew là những quý tộc. Lúc Bartholomew còn nhỏ, gia đình đã phải dọn về Radonezh để chạy trốn quân thù Rostov. Họ phải lao động như những nông dân nghèo. Sau khi song thân qua đời, Bartholomew và một người anh trai tên Stephan đã trẩy vào trong núi ở Makovka năm 1335 sống như những ẩn sĩ. Hai anh em chặt cây và dựng một nhà thờ nhỏ. Nhà thờ được dâng kính cho Thiên Chúa Ba Ngôi.

Khi người anh trai tới Moscow để xin gia nhập vào một đan viện, Bartholomew vẫn tiếp tục sống một mình. Ngài mặc tu phục của đan sĩ và lấy tên là Sergius (Sêgiô). Sergius lúc này là một thanh niên cao to vạm vỡ. Ngài có sức chịu được những cơn gió bão hung tợn và buốt lạnh của khu rừng nơi ngài sinh sống. Sergius sung sướng cầu nguyện cùng Thiên Chúa và yêu mến Người với tất cả tâm hồn. Sergius nói rằng lửa đốt và ánh sáng là những bạn đồng hành của ngài, và thậm chí Sergius còn làm bạn cả với những chú gấu!

Sau đó ít lâu, có những thanh niên cùng đến chia sẻ đời sống thánh thiện của thánh Sergius. Họ nài xin thánh nhân làm tu viện trưởng của họ và ngài đã đồng ý. Sergius được thụ phong linh mục tại Pereyaslav Zalesky và đã điều khiển tu viện cách rất khôn khéo. Lần kia, khi một số tu sĩ cùng với người anh trai của ngài, Stephan, lúc này đã trở về, có chuyện bất đồng với Sergius, Sergius đã lặng lẽ bỏ đi để giữ bầu khí an hòa.

Bốn năm sau, người ta xin Sergius trở về. Vừa thấy ngài, các tu sĩ rất vui mừng và họ chào đón ngài cách rất nhiệt tình. Các nhà cầm quyền trị nước cũng thường hay đến xin thánh Sergius khuyên bảo. Thánh nhân nổi tiếng đến nỗi người ta đã mời ngài làm giám mục một giáo phận lớn nhất bên Nga Sô. Nhưng thánh Sergius khiêm tốn từ chối. Lần kia, hoàng tử xứ Moscow phân vân không biết có nên đem quân chinh phạt giặc Tatar đang đàn áp dân Nga hay không. Thánh Sergius nói: “Hoàng tử đừng sợ! Hãy dùng niềm tin mà tiến lên chống lại kẻ thù. Thiên Chúa sẽ ở với hoàng tử!” Và sau đó dân Nga đã toàn thắng.

Thánh Sergius ở Moscow qua đời ngày 25 tháng 9 năm 1392 và được Đức Giáo Hoàng Nicolaus V tôn phong hiển thánh năm 1449.

Không phải do học hành thông giỏi mà thánh Sergius đã được nhiều người tin tưởng và yêu mến. Chính niềm tin vào Thiên Chúa và ước muốn giúp đỡ tha nhân đã khiến thánh Sêgiô có được vinh dự này. Khi có ai bất đồng ý kiến với chúng ta hay muốn tranh cãi với chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại chính thánh Sêgiô cũng đã trải qua những hoàn cảnh giống y như vậy. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta luôn sống an bình.

(Trích  “Các Thánh” Tin Mừng Net  Susan Helen Wallace Fsp –  Đa Minh LM Nguyễn Phúc Lộc, CMC chuyển ngữ  và Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints & Santi-Beati-Testimoni)

From: Do Dzung

***********************

Nhạc Thánh Ca Hay Nhất Hiện Nay, Nghe Để Trở Về Bên Chúa | LK Sống Trong Niềm Vui, Cho Con Thấy Chúa

Làm sao ta biết Thiên Chúa là Đấng Thương xót?-Cha Vương

Một ngày bình yên và hạnh phúc tron Chúa nhé. Mùa Thu sắp đến rồi bạn ơi.

Cha Vương

Thứ 3: 24/9/2024

GIÁO LÝ: Làm sao ta biết Thiên Chúa là Đấng Thương xót? Trong Kinh Thánh có nhiều đoạn nói về lòng thương xót Chúa, đặc biệt đoạn về “người cha thương xót” (Lc 15). Ông đã đi đón đứa con phung phá, đón nhận nó vô điều kiện, đã làm tiệc mừng khi nó về, và cho hòa giải với ông. (YouCat, số 314)

SUY NIỆM: Trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói qua miệng tiên tri Êdêkien: Ta không vui thích gì cái chết của kẻ xấu, nhưng vui thích kẻ xấu hối cải thay đổi lối sống để được sống (Ed 33,11). Chúa Giêsu được sai đến với các chiên lạc nhà Israel (Mt 5,24), và Người biết rằng không phải những người khỏe mạnh cần đến thầy thuốc, nhưng là các bệnh nhân (Mt 9,12). Vì thế, Người ăn uống với người thu thuế và tội lỗi, trước khi Người chỉ rõ về chính cái chết của Người: Đây là Máu Thầy, Máu giao ước, sẽ đổ ra cho nhiều người để tha tội (Mt 26,28).  Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. (1 Ga 3:20)

❦  Bên cạnh lòng thương xót Chúa, không còn nguồn nào khác để loài người trông cậy. (Thánh Gioan Phaolô II)

❦  Đừng bao giờ nghi ngờ lòng thương xót Chúa. (Thánh nữ Benedict Nursia)

❦  Nhiều người nói: “Tôi đã làm nhiều điều xấu xa độc ác, Chúa chẳng còn tha cho tôi”. Đó là sự phạm thượng rõ ràng, nó đặt giới hạn cho lòng thương xót Chúa, nhưng không đúng, Chúa thương xót vô cùng. Không có gì xúc phạm đến Chúa bằng nghi ngờ lòng thương xót Người. (Thánh Gioan Vianney)  (YouCat, số  314 t.t.)

LẮNG NGHE: Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. (Dt 4:15-16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa! Xin tỏ lòng từ bi của Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi của Ngài cho chúng con.

THỰC HÀNH: Tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác để bày tỏ lòng thương xót.

From: Do Dzung

*********************

 Lạy Chúa Xin Tỏ Lòng Từ Bi – Chúa Nhật 15 Thường Niên | Đinh Công Huỳnh | Thanh Vân

Thánh Piô 5 dấu,  (1887- 1968) – Cha Vương

Chúc bình an! Hôm nay 23/09 Giáo Hội mừng kính Thánh Piô 5 dấu, linh mục dòng Phanxicô. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thánh nhân sinh tại làng Pi-ết-ren-si-na gần Bê-nê-ven-tô nước Ý năm 1887. Người vào tu dòng Anh Em Hèn Mọn, ngành Ca-pút-xi-nô, và sau khi thụ phong linh mục đã tận tình lo việc mục vụ nhất là tại tu viện ở thị trấn Xan Gio-van-ni Rô-tôn-đô miền Pu-li-a. Trong tinh thần cầu nguyện và khiêm nhường, người phục vụ dân Chúa qua việc linh hướng, bí tích Hoà Giải và việc săn sóc giúp đỡ những người ốm đau, nghèo khổ. Người đã được nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Ngài qua đời năm 1968 và được phong chân phước năm 1999 và hiển thánh năm 2002, lễ kính vào ngày 23/9, trùng vào ngày tạ thế.

Ngày 23/5/1987, đức Gioan Phaolô II đã đến viếng thăm mộ của cha Piô, vị giải tội mà ngài đã từng gặp khi còn là một linh mục sinh viên ở Rôma 40 năm về trước. Đức Bênêđictô XVI là vị giáo hoàng thứ hai đến viếng thăm mồ của vị thánh linh mục hầu như suốt đời chỉ thi hành hai tác vụ là dâng Thánh lễ (đôi lúc kéo dài 3 giờ đồng hồ) và ban bí tích giải tội.

Cha Pio được mọi người biết đến qua hai việc: (1) Lòng tôn sùng Đức Mẹ triệt để. Ngài lần hạt suốt ngày. Có lần ngài nói với một người con thiêng liêng: “Luôn luôn nắm chặt lấy vũ khí của Đức Mẹ trong tay, nó sẽ giúp con chiến thắng kẻ thù”. (2) Giải tội cho người muôn phương—Ngài giải tội tùy theo tình trạng mỗi tâm hồn, chỉ cốt sao cho họ thành thực, được ơn tha thứ và cải thiện đời sống, nên nhiều khi ngài có những cư xử khác thường. Việc giải tội của ngài thường kéo dài 10 tiếng một ngày; người muốn xưng tội phải lấy số chờ đợi. Nhiều người nói rằng Cha Piô biết rõ các chi tiết cuộc đời của họ, mà chưa bao giờ họ tiết lộ.

Sau đây là những lời nhắn nhủ của thánh Piô. Ước mong Bạn hãy dành thời gian để suy gẫm mà sống gần với Chúa hơn mỗi ngày nhé:

(1) CẦU NGUYỆN: “ Người ta tìm Chúa trong sách vở, nhưng gặp Chúa trong suy gẫm “Cầu nguyện là là chìa khóa để mở Trái Tim Chúa . “Hậu quả của cầu nguyện là bỏ cái “tôi”, sau đó Chúa sẽ nói chuyện với ta. “Chúa là tấm gương phản chiếu, ai biết suy gẫm, tâm trí hướng về Chúa, cũng sẽ nhận ra khuyết điểm của mình. “Trí óc không tập trung, thì lòng cũng không có tình mến Chúa “Tinh thần của Chúa là bình an, của quỉ là bực tức, nổi giận, lo lắng, nhưng ma quỉ như bị buộc giây, ta đứng xa thì không bao giờ bị cắn.

(2) KHIÊM TỐN: ” Biết mình không đáng, không tốt đẹp, có thể phạm nhiều tội ác… đó là ánh sáng Chúa chiếu vào linh hồn ta, cũng như vào linh hồn các thánh xưa để giúp tránh mọi tư tưởng kiêu ngạo, hư danh, và thêm lòng khiêm tốn”. “Biết làm cho linh hồn nên trống rỗng, Chúa sẽ làm cho nó nên giầu sang” “Người làm điều ác mà xấu hổ về việc đã làm, thì gần Chúa hơn là người tốt mà không dám làm việc lành”

(3) VÂNG PHỤC: “Không vâng phục thì không có nhân đức, không có nhân đức thì không có tốt lành, không có tốt lành thì không có yêu thương, không có yêu thương thì không có Thiên Chúa “

(4) THÁNH Ý CHÚA : “Mong được sống bình an đời đời  là điều chính đáng, thánh thiện, nhưng phải vâng theo ý Chúa . Vâng theo ý Chúa ở đời này còn quí hơn hưởng vinh phúc trên Thiên đàng. “Trong khi tùng phục, cảm thấy có phản loạn trong tâm hồn, thì đó là thử thách Chúa gửi đến, cần lý trí tùng phục, bản tính tự nhiên nổi dậy, mặc nó…

(5) BÁC ÁI: “Ai thương xót người nghèo là cho Thiên Chúa vay mượn.

“Chạm đến đức ái thì cũng như đâm vào con ngươi trong mắt Chúa”.

Yêu thương: ” Chúa không thể từ chối ban ơn, khi ta thật lòng muốn yêu mến Chúa “. “Chỉ có một hành động yêu thương của con người, chỉ có một hành động đức ái lớn lao trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi cả thế giới này không đủ để thưởng công”.

(6) QUỶ CÁM DỖ VÀ Ý MUỐN: “Nhớ rằng quỉ chỉ có một cửa để vào linh hồn con, đó là ý muốn, không còn cửa nào khác. Không phải là tội, nếu không cố ý muốn phạm.

(7) ĐAU KHỔ: “Nhiều người xin tôi lấy đi thập giá của họ, nhưng rất ít người xin tôi cầu nguyện cho họ có sức mạnh để vác thập giá ấy. “Trần gian này là bể khổ, ta phải vác thánh giá. Không có hạnh phúc ở trần gian này. Học thức mà không nhắm vào Thiên Chúa Tự hữu thì có ích gì? Hãy gạt đi mọi hầm hố trần gian, hãy khiêm tốn, cầu nguyện, sẽ được bình an dưới đất và hạnh phúc trên trời. “Xác ta như con lừa, chúng cần roi vọt, nhưng không được quá tay, nếu nó ngã quị thì ai chở ta?

(8) SỐNG ĐẠO: “Hãy trở nên người công giáo tốt lành, nếu không, cuộc đời ta sẽ không có mục đích.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Câu thứ 6 đánh động mình nhất.

Thánh Pio, cầu cho chúng con!

From: Do Dzung

**********************

Chúa Đau Cùng Con (Lời Nguyện Trong Cơn Đại Dịch) | Sáng tác: Sr. Quỳnh Thoại – Minh Nguyệt

Thánh Mát-thêu-Cha Vương

Hôm nay 21/09, Giáo hội mừng kính Thánh Mát-thêu. Mừng bổn mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé. Hãy thêm lời cầu nguyện cho những ai đang bị ảnh hưởng bởi tai ương, chiến tranh, bệnh tật khắp nơi.

Cha Vương

Thư 7: 21/09/2024

“Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người.”

Câu văn ngằn ngủi trên cho chúng ta biết về người môn đệ tên là Mát-thêu Thánh sử. Có phải thật Mát-thêu là người thu thuế như Thánh Marcô và Luca đã viềt trong Tin Mừng không? Nếu đúng như vậy thì Mát-thêu chắc chắn bị những người Do thái khinh bỉ và ghét bỏ vì là người cộng tác với quân La Mã. Những người thu thuế là kẻ thù của nhân dân và là người tội lỗi mà họ oán trách Chúa Giêsu đã đi lại và dùng bữa với họ.

Dù sao đi nữa thì Mát-thêu đã bỏ dĩ vãng lại trong quá khứ mà đi theo Chúa Giêsu. Nhiều học giả nghi ngờ là sách Tin Mừng Mát-thêu có thể là do một trong những môn đồ của Chúa Giêsu vào cuối thế kỷ đầu tiên vì dường như là sách Tin Mừng Mát-thêu được viết bởi một Kitô hữu Do thái thông thạo tiếng Hy lạp và quả quyết Chúa Giêsu là Đấng Messiah, Đấng đã hoàn tất những tiên báo trong Cựu Ước mang đến một luật lệ và một kỷ nguyên mới.

Đường như thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng dành nhiều cho người Do Thái và người giàu có. Phúc  âm thánh Mát-thêu ca ngợi sự nghèo khó và thuyết phục người đọc là ơn cứu dộ tùy thuộc nhiều vào lòng thương xót những kẻ nghèo khó. Điều này nói lên lòng ăn năn hối cải của người thu thuế. Mát-thêu kể lại những lời giảng dạy của Chúa Kitô và tóm tắt điều căn bản trong Bài giảng trên Núi về các Mối Phúc Thật.

Mát-thêu ghi lại dụ nguôn về cuộc Phán Xét Cuối Cùng khi “Đức Chúa Con trở lại trong vinh quang” để tách ra “chiên và dê”. Chúa phán với những người được Chúa ân thưởng: “Vì khi Ta đói các người đã cho ăn, Ta Khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau ốm các ngươi dã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đã hỏi han.” Họ bèn hỏi: “Chúng tôi đã làm những việc ấy lúc nào? Chúa bèn phán: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Thánh Mát-thêu là dấng phù trợ các sứ vụ của Giáo Hội. Được ơn gọi đi theo Chúa Giêsu, thánh Mát-thêu kết thúc Tin Mừng lời thúc dục người theo Chúa như sau: “Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, “và lời cuối cùng cho chúng ta và cho mọi thời đại: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Nguồn: ViệtCatholic)

Xin bạn hãy tự trả lời những câu hỏi gợi ý suy niệm hôm nay, nếu được thì hãy chia sẻ với một người nào đó:

❦  Hôm nay, Thiên Chúa sai tôi đến với ai?

❦  Tôi đã và đang làm gì để mang Tin Mừng vào trong môi trường sống của tôi?

❦  Đâu là những lĩnh vực trong đời sống mà tôi có thể tận hiến cho Thiên Chúa?

From: Do Dzung

******************

CD Tình Ngài Gọi Con Vol.6 || TÂM SỰ NGƯỜI THU THUẾ | Lm. Xuân Đường

Tại sao tội nhân phải hướng về Chúa để xin ơn tha thứ?- Cha Vương

Một ngày tràn đầy yêu thương và tha thứ nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 19/9/2024

GIÁO LÝ: Tại sao tội nhân phải hướng về Chúa để xin ơn tha thứ? Vì mọi tội đều phá hủy, che khuất và từ chối những gì tốt lành. Còn Thiên Chúa gồm mọi sự lành và là tác giả mọi sự lành. Vì thế mọi thứ tội đều là phản nghịch Chúa, nên phải về cùng Chúa để làm lại cuộc đời. (YouCat, số 313)

SUY NIỆM: Chuyện kể rằng, có hai người bạn đang thực hiện chuyến hành trình trên sa mạc. Trong chuyến đi dài, hai người nói chuyện với nhau và đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi”.

Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh. Ngay sau khi được kéo lên, người bạn suýt chết khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi”.

Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?” Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát, nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”

Trong cuộc sống, hãy học cách viết những nỗi đau lên cát để gió cuốn đi và khắc những niềm vui, hạnh phúc lên tảng đá để mãi không phai!

Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4:8) Ở đâu có tình yêu là ở đó có tha thứ. Ở đâu có tha thứ là ở đó có tình yêu, giận dữ oán thù là kẻ thù của tình yêu. Tình yêu và tha thứ là 2 mặt của một đồng xu. Bạn hãy nhớ điều này, tha thứ là sự thật về Thiên Chúa. “Đức Giêsu Kitô đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi”(1 Tm 1:15).

LẮNG NGHE: Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính. (1 Ga 1:9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “…là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv.102), xin giúp con nhận biết tội con đã phạm mà trở về cùng Chúa để làm lại cuộc đời.

THỰC HÀNH: Tự xét mình và đi xưng tội nếu có thể.

From: Do Dzung

************************

Hãy Tha Thứ, Nhạc sĩ Quốc Thái, ca sĩ Hiền Thục 

Làm sao ta biết được mình là kẻ tội lỗi?- Cha Vương

Thứ 4 rồi bạn ơi, đừng bận rộn quá mà quên tâm sự với Chúa nhé. Một ngày vui tươi và bình an!

Cha Vương

Thứ 4: 18/9/2024

GIÁO LÝ: Làm sao ta biết được mình là kẻ tội lỗi? Ta biết mình tội lỗi nhờ tiếng lương tâm kết án ta và thúc giục ta xưng thú những lỗi ta phạm đến Chúa. (YouCat, số 312)

SUY NIỆM: Lương tâm là trung tâm sâu kín nhất của con người. Là cung thánh mà con người ở một mình với Thiên Chúa, và nghe được tiếng Thiên Chúa. (Công đồng Vatican II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, 16) Để biết được mình là kẻ tội lỗi hay không, trước tiên bạn phải trở về nền tảng giáo dục của lương tâm. Lương tâm được huấn luyện tốt dẫn đưa con người đến tự do làm việc tốt mà họ nhận ra là đúng. Khi bạn làm một điều gì đó, nếu điều đó không thoả thuận với lương tâm của bạn, là một Kitô hữu có nghĩa là bạn không thể làm được trước mặt Chúa. Lương tâm sẽ kết án bạn, xúc phạm đến lương tâm là xúc phạm đến Chúa. Thánh Tôma Aquinô nói: “Bất cứ việc gì ta làm trái với lương tâm đều là tội.” Bạn hãy nhớ rằng vì trung thành với lương tâm, nhiều người đã phải chịu tù đầy và còn phải chịu chết nữa. Các thánh đã làm như vậy. Còn bạn thì sao?

LẮNG NGHE: Nếu chúng ta nói rằng chúng ta không có tội là chúng ta dối gạt mình, và sự thật không có trong chúng ta. (1 Ga 1:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa đã khắc ghi trong cung lòng sâu thẳm của con những chỉ dẫn hướng về điều thiện. Xin đừng để con giả điếc làm ngơ trước sự thật và công lý như xin giúp con biết hướng về Chúa và can đảm quay lưng lại với điều xấu, hầu mỗi ngày, chúng con sống xứng đáng là con cái của Chúa hơn.

THỰC HÀNH: Làm một việc nhỏ theo tiếng nói của sự thật và đừng phạm tội hôm nay.

From: Do Dzung

******************

Dấu Thánh 

Hoa quả của Chúa Thánh Thần là gì?-Cha Vương

Ngày Thứ 2 tràn đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 16/9/2024

GIÁO LÝ: Hoa quả của Chúa Thánh Thần là gì? 12 Hoa quả của Chúa Thánh Thần là bác ái, vui vẻ, bình an, nhẫn nhục, tử tế, tốt lành, quảng đại, nhã nhặn, trung tín, tiết độ, tự chế, thanh sạch (Gl 5,22-23). (YouCat, số 311)

SUY NIỆM: Việc liệt kê các hoa quả của Chúa Thánh Thần chứng tỏ rằng những ai để cho Chúa bắt lấy, dẫn đi, huấn luyện thì sẽ đi tới đâu. Các hoa quả của Chúa Thánh Thần chứng minh rằng Thiên Chúa có vai trò quan trọng trong đời sống Kitô hữu.

❦  Hãy rút ra sức mạnh từ niềm vui được ở với Chúa Giêsu. Hãy vui sướng và bình an. Hãy đón nhận bất cứ cái gì Chúa ban, và cho đi bất cứ cái gì Chúa lấy, với một nụ cười lớn.—Mẹ Têrêsa Calcutta (YouCat, số  311 t.t.)

LẮNG NGHE: Vì vậy, thưa anh em, anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, anh em sẽ không bao giờ vấp ngã, và nhờ đó, con đường rộng mở để đón nhận anh em vào Nước vĩnh cửu của Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta. (2 Pr 1:10-11)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin đong đầy tim con các hoa quả của Chúa Thánh Thần để con  vững bước trên đường nhân đức.

THỰC HÀNH: Dựa trên 12 Hoa quả của Chúa Thánh Thần được nêu ra ở trên, bạn đang cần Hoa quả nào nhất? Hãy cố gắng hết mình rèn luyện để trở nên tốt lành hơn nhé.

From: Do Dzung

********************

Thánh Thần tình yêu -tinmung.net

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – Cha Vương

Hôm nay 15/09 Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ước mong bạn cảm nhận được sự an ủi của Mẹ trong lúc gặp thử thách.

Cha Vương

CN: 15/09/2024

TIN MỪNG: Ông Si-mê-on nói với bà Ma-ri-a: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải hư vong hay được cứu độ. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu.” (Lc 2:34-35)

SUY NIỆM: Hôm qua có một người bạn nói chuyện với mình về một người mẹ tự nhiên bỏ tất cả công việc bà đang làm, cầm vội cái bóp, và đi về. Khi được hỏi, “tại sao?” thì người mẹ trả lời một cách đau buồn, vì con của tôi đang ở trong phòng cấp cứu. Hoàn cảnh này làm mình liên tưởng đến ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi mà Giáo  hội mừng kính hôm nay, “Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu.” Đúng! Tình mẫu tử không một giấy viết nào có thể diễn tả hết được. Chính vì vậy mà Chúa đã dùng tình mẫu tử này để nói lên tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với nhân loại, “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.” (Is 66:13) Dưới chân thập giá, Đức Mẹ với một nỗi niềm Đau Khổ khôn tả: “Hỡi những người qua đường, hãy nhìn xem! Có ai có nỗi thống khổ như tôi không? Tình mẫu tử cao cả tuôn trào bên chân Thánh Giá của Chúa Con. Mẹ đứng đó, cùng chịu đau khổ vô biên với Chúa Con, cùng hiệp dâng làm của Lễ Hy sinh để cứu chuộc nhân loại với sự đồng thuận trong Yêu thương.” Trong xã hội ngày ngay có rất nhiều người mẹ đang đau khổ, họ là vấn nạn của những bất công, bạo hành, lạm dụng. Nếu bạn là người mẹ đang đau khổ vì con cái, vì chồng, vì gia đình, vì hoàn cảnh… Bạn hãy nhìn và chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Đau Khổ. Mẹ cảm thông với cái nặng nề đau đớn của bạn, hãy noi gương Mẹ và sống mạnh dạn trong đau khổ của mình, vì “ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.”

LẮNG NGHE: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. (Hr 5:8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Đức Maria, Nữ Vương cả đất trời, Mẹ vẫn hiên ngang đứng vững gần bên thập giá Đức Kitô, xin Mẹ đỡ nâng con trong mọi biến cố hay đau khổ trong đời để con biết can đảm xin thưa hai chữ “xin vâng”, xin dạy con biết thầm lặng gẫm suy và thực thi Thánh Ý Chúa mỗi ngày để được thưởng cùng với Mẹ trên nước thiên đàng.

THỰC HÀNH: Dù người mẹ của mình con sống hay đã khuất núi, mời bạn suy tư về người mẹ qua câu này: “Mẹ có thể chưa bao giờ nói yêu bạn, thương bạn, nhưng mẹ sẽ là người làm tất cả để bạn được sống một cuộc sống tốt nhất và hạnh phúc nhất.” Vì vậy hãy thể hiện những cử chỉ yêu thương mẹ mình mỗi ngày qua lời cầu nguyện hoặc bằng những hành động cụ thể bạn nhé.

From: Do Dzung

********************

MẸ ĐỨNG ĐÓ – Sáng Tác: Lm. Kim Long. Ca Sỹ: Phi Nguyễn – Mai Thiên Vân