BÉ GEMMA DI GIORGI MÙ ĐƯỢC PADRE PIO CHỮA LÀNH

BÉ GEMMA DI GIORGI MÙ
ĐƯỢC PADRE PIO CHỮA LÀNH

Trích Ephata  số 572

Một trong những phép lạ chữa lành lớn lao mà Cha Thánh Pio thực hiện và làm cho giới Y Khoa bàn luận. Đó là sự kiện một em gái mù, không có tròng mắt mà khi cha chữa lành thì bé có thể thấy được. Trong những trường hợp ấy, người được chữa lành sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường. Theo như khoa học lượng giá thì họ vẫn còn là những bệnh nhân.

Bệnh nhân ấy tên là Gemma di Giorgi. Bé Gemma di Giorgi được sinh vào ngày Lễ Giáng Sinh năm 1939, tại thành phố Ribera. Ngay sau khi sinh thì mẹ của bé biết ngay rằng đôi mắt của em bé khác hẳn những đôi mắt của các trẻ em khác. Sự thật là bé Gemma bị mù.

Mẹ em đưa con đến một bác sĩ nhưng bác sĩ không thể chữa cho bé lành được. Rồi bé được đưa đến với hai bác sĩ chuyên môn ở vùng Palermo. Họ đều xác nhận là bé không có tròng mắt nên không thể chữa trị được lành. Trường hợp của bé không thể mổ được.

Cha mẹ bé bèn đưa con đến bàn thờ Đức Mẹ Maria ở Nhà Thờ để cầu nguyện cho bé vì chắc chắn là bé cần một phép lạ chữa lành. Một thân nhân là Nữ Tu khuyên gia đình nên đưa bé đến gặp Padre Pio. Đó là một tia hy vọng cho gia đình bé. Bà nội của Gemma xin vị Nữ Tu viết thư cho cha Pio thay cho bé Gemma.

Khi vị Nữ Tu trở lại Tu Viện thì bà viết ngay một lá thư cho Padre Pio để xin ngài cầu nguyện cho bé Gemma. Một đêm kia, vị Nữ Tu thấy ngài trong một giấc mơ. Padre Pio hỏi vị Nữ Tu: “Bé Gemma ở đâu mà có nhiều người cầu nguyện cho bé quá vậy ?”

Trong giấc mơ, vị Nữ Tu giới thiệu bé Gemma với Padre Pio và ngài làm dấu Thánh Giá trên đôi mắt của bé. Ngày hôm sau, bị Nữ Tu nhận được một lá thư của Padre Pio. Ngài viết: “Con thân mến, hãy tin tưởng là cha sẽ cầu nguyện cho bé Gemma. Cha gửi cho con lời chúc lành của cha.”

Vị Nữ Tu kinh ngạc vì thấy có sự trùng hợp giữa giấc mơ và lá thư mà bà vừa nhận được. Bà vội vàng viết thư cho gia đình bé và khuyến khích họ hãy đưa bé Gemma đến gặp gỡ Padre Pio. Thế là bà nội dắt cháu bé đến gặp cha Pio vào năm 1947.

Lúc ấy bé Gemma được 7 tuổi. Khi ấy, hai bà cháu đến vùng San Giovanni Rotondo để gặp Padre Pio xin cầu nguyện và mong mỏi có một phép lạ xẩy ra. Trên chuyến đi từ Sicily đến San Giovanni Rotondo, đôi mắt của Gemma bắt đầu được chữa lành. Khi đi đến nửa đường thì Gemma bắt đầu thấy biển và tầu bè. Bé kể lại những gì mà bé thấy cho bà nội nghe.

Bà nội bé và những người bạn đồng hành đều ngạc nhiên và bắt đầu cầu nguyện. Lúc ấy, chuyến đi từ Sicily đến Nhà Dòng rất là lâu và khó khăn. Trong lúc bà nội bé Gemma nhận ra phép lạ xẩy đến thì bà vẫn còn ý tưởng phải đến gặp Padre Pio để xin ngài cầu bầu cho.

Tại San Giovanni Rotondo, Padre Pio gọi bé Gemma bằng tên trước khi đứa bé đến gặp ngài. Ngài giải tội cho bé và dù cho bé không nói gì đến sự mù lòa của mình nhưng ngài đụng chạm đôi mắt của bé với đôi tay mang dấu thương thánh của ngài. Ngài làm dấu Thánh Giá trên mắt của bé. Vào cuối buổi xưng tội của bé, cha chúc lành cho bé và nói: “Con hãy trở nên tốt lành và thánh thiện.”

Bà nội bé bực bội vì bé Gemma quên không xin cha Padre Pio ban ơn chữa lành cho lúc bé xưng tội. Thế là bé Gemma bực và bắt đầu khóc. Bà nội bé đến xưng tội với cha và nói với cha như sau: “Con xin ơn lành cho cháu bé Gemma và bé Gemma đang khóc bởi vì bé đã quên không xin cha ban ơn chữa lành cho bé”. Sau đó bà kể lại: “Tôi không thể quên được giọng nói dịu dàng của cha khi cha hỏi: “Này con, con có Đức Tin không ? Đứa trẻ không cần phải khóc mà con cũng không cần khóc, vì con có biết là nó đã được nhìn thấy rồi không ?”

Rồi Padre Pio kể về biển và chiếc tầu mà Gemma đã nhìn thấy khi còn đi trên cuộc hành trình. Chúa đã dùng cha Pio để lấy đi bóng tối đang che mắt bé Gemma. Trong cùng một ngày hôm ấy, Padre Pio cho bé Gemma rước lễ lần đầu và ngài lại làm dấu Thánh Giá trên đôi mắt của bé.

Khi bé Gemma trở về Sicily thì gia đình đưa bé đi bác sĩ chuyên môn để khám mắt. Bác sĩ thử nghiệm cho Gemma, và bé đã nhìn thấy mọi sự trước mắt mình. Bé có thể đếm những ngón tay của bác sĩ từ phía xa. Mặc dù bé Gemma không có tròng mắt nhưng bé có thể nhìn thấy mọi sự. Bác sĩ tuyên bố rằng lẽ ra mắt Gemma không bao giờ có thể nhìn được. Giới Y khoa không thể giải thích được. Sau đó có rất nhiều bác sĩ muốn khám mắt cho Gemma.

Đó là một phép lạ chữa lành làm cho báo chí nước Ý xôn xao trong mùa hè năm 1947. Mắt của Gemma ngày một tốt nên bé có thể đi học và học đọc, học viết. Bé có thể sống một cuộc sống bình thường. Bà Clarice Bruno, tác giả cuốn sách: “Roads to Padre Pio” tạm dịch là Những Con Đường đến với Padre Pio, đã gặp gỡ Gemma vào tháng 5 năm 1967. Bà Clarice nói rằng dù cho đôi mắt của Gemma không giống như những đôi mắt khác nhưng cô ấy vẫn nhìn thấy mọi sự.

Bà Clarice nói với Gemma rằng bà đang muốn viết một cuốn sách về Padre Pio và muốn đăng cảm nghiệm về phép lạ mà Gemma nhận được. Gemma xin phép cha Padre Pio và ngài cho phép. Vì thời tiết nóng và có gió nhiều nên Gemma đeo kính mát. Cha Pio đưa bàn tay qua lại trên mắt cô và nói: “Tại sao con phải đeo kiếng ? Con nhìn thấy mọi sự mà !”

Cha John Schug, tác giả của cuốn “A Padre Pio Profile” tạm dịch là Tiểu Sử của Padre Pio đã gặp Gemma và phỏng vấn cô. Ông chia sẻ: “Cô ấy giống như một người mù. Đôi mắt không có tròng thế mà cô ấy nhìn thấy được. Tôi thấy cô ấy vói tay lấy cuốn sổ điện thoại, lấy một số điện thoại và gọi cho số ấy. Các bác sĩ không thể giải thích trường hợp bệnh tình của Gemma di Giorgi.”

Điều kết luận là: trong khi Gemma và bà nội đến San Giovanni Rotondo để xin ơn chữa lành thì ơn lành đã đến với họ qua lời cầu bầu của Padre Pio trước khi mà họ đến được vùng ấy. Thiên Chúa trong sự huyền diệu của Ngài, muốn điều này xẩy ra. Từ đó, cô Gemma đã đi khắp thế giới để kể về cảm nghiệm chữa lành của cô.

KIM HÀ, theo Spiritdaily.net

Cái chết trong tù CS của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát

Cái chết trong tù CS của cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát

Nguyễn Tú

Bác Sĩ Phan Huy Quát sinh năm 1908 tại Nghệ Tĩnh, tham chính nhiều lần, từng làm Tổng Trưởng Giáo Dục, Tổng Trưởng Quốc Phòng, lần cuối cùng giữ chức vụ Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1965. Ông cũng là Chủ tịch Liên Minh Á Châu Chống Cộng, phân bộ Việt Nam, và là chủ nhiệm tuần báo Diễn Ðàn, Sài gòn, 1972. Ngày 16 Tháng Tám 1975 Bác Sĩ Quát bị Cộng Sản bắt do nội phản trên đường vượt biên; và chưa đầy bốn năm sau ông từ trần trong nhà tù Chí Hòa. Bài dưới đây do ký giả kỳ cựu Nguyễn Tú, bạn ông, và cũng là bạn tù (người đã sống bên cạnh Bác Sĩ Quát trong những ngày tháng và giờ phút cuối cùng tại khám Chí Hòa), kể lại “như một nén hương chiêu niệm chung.”

Trong thời gian bị cầm tù, Bác Sĩ Quát bị bệnh gan rất nặng song Việt Cộng không cho chữa chạy, thuốc men do gia đình tiếp tế không được nhận. Người con trai út bị giam ở phòng bên, có thuốc cho bố, cũng không làm sao mang sang. Khi biết ông không thể nào qua khỏi, chúng mới đem ông lên bệnh xá. Ông chết ở đó vào ngày hôm sau, 27 Tháng Tư 1979.

Tang gia đã được phép để mang thi hài ra quàn tại chùa Xá Lợi và phát tang ở đấy vào ngày hôm sau, song phút chót, Hà Nội ra lệnh phải an táng ngay, vì ngày đó, 28 Tháng Tư 1979, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc tới Sài Gòn; Việt Cộng sợ dư luận quốc tế – nếu biết đến cái chết bị bỏ mặc của một cựu Thủ Tướng Miền Nam – có thể ngó tới tình trạng giam cầm của hàng trăm ngàn người khác. Cũng bởi thế, rất ít người nghe biết đến sự đày đọa tù nhân Phan Huy Quát cũng như cái chết trong tù của ông – bên cạnh các trường hợp tương tự của các trí thức văn nghệ sĩ khác – của nhà cầm quyền Hà Nội.

Chí Hòa, Sài Gòn – Một ngày cuối Tháng Tư 1979

Hôm nay đến lượt bốn phòng 5-6-7-8-, gác 1, khu ED được đi tắm, giặt. Mọi người đều rộn rạo, hối hả chuẩn bị, cười hô hố. Cứ ba ngày rưỡi mới được sối nước trên thân thể hôi hám, ngứa ngáy và vò vội quần áo đã tích trữ kha khá mồ hôi, đất ghét, thì trước cái hạnh phúc nhỏ nhoi chỉ được phép hưởng hai lần mỗi tuần, ai mà không “vui vẻ, hồ hởi, phấn khởi” dù, trên lý thuyết, thời gian tắm được quy định 30 phút cứ bị cán bộ ăn bớt, chỉ còn vỏn vẹn 15 phút.

Cả bốn phòng đã lần lượt ra hành lang ngồi xổm sắp hàng đợi cán bộ gác đến điểm số. Lần đó, viện cớ bị cảm, tôi xin phép ở lại trong buồng. Tôi có mục đích riêng.
Kiểm tra xong số người ở lại mỗi buồng, cán bộ ra hiệu cho mọi người đứng dậy, tiến về phía cầu thang. Tiếng guốc, tiếng dép khua trên cầu thang, tiếng nói lao xao của đoàn người xa dần rồi lắng hẳn. Từ dưới sân đã bắt đầu vọng lên tiếng sối nước ào ào, tiếng nói oang oang, tiếng cười khanh khách thỉnh thoảng xen tiếng chửi thề thân mật, tiếng sặc nước, tiếng rú khoái trá của các bạn tù được làn nước mát như nước lũ chẩy dồn dập trên da. Hạnh phúc thật!

Buồng 5 chúng tôi ở đầu dãy, sát với đầu cầu thang, nơi đây đặt một cái bàn và một cái ghế cho cán bộ gác. Chỗ tôi nằm sát hàng song sắt. Tôi đứng dậy, nhìn về phía đầu cầu thang chỉ cách chừng ba thước rồi quay người, đảo mắt suốt dọc hành lang. Không có bóng cán bộ. Căn phòng vơi đi 58 người như rộng ra. Hơi nồng của 60 mạng tù tích tụ từ suốt ngày và đêm trước tự giải phóng dần dần đem lại một cảm giác thoáng khí hơn.

Căn phòng chỉ còn lại hai người không đi tắm là tôi và một người nữa đang nằm ở hàng giữa, sát tường, trên diện tích vỏn vẹn có 60 phân tức 2/3 của một chiếc chiếu hẹp. Ðó là khoảng không gian đã được chia rất đều cho 60 tù nhân mà Việt Cộng đã cải cho cái danh từ mỹ miều là “trại viên” Người đồng phòng này nằm, hai chân duỗi thẳng, hai cánh tay gập lại trên bụng, hai bàn chân chắp vào nhau, mắt nhắm, vẻ mặt bình thản. Ông bị bệnh đã hơn một tuần, không thuốc men. Nước da mặt đã chuyển sang màu tai tái càng nổi bật với màu trắng của chòm râu và mái tóc. Bệnh nhân nằm im, không cựa quậy, thân hình như đã quen đóng khung trong không gian 60 phân của chiếc chiếu. Ông là Bác Sĩ Phan Huy Quát đã từng là Tổng trưởng nhiều lần, chức vụ cuối cùng và cao nhất trong hoạt động chính quyền của ông là chức Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa vào Mùa Xuân 1965. Năm 1979 ông đã trên 70 tuổi.

Tôi đảo mắt một lần nữa suốt dọc hành lang, dõng tai nghe ngóng. Vẫn không một bóng người, không một tiếng động khả nghi nào trên tầng gác vắng lặng. Tôi bước vội tới chiếu của Bác Sĩ Quát rồi ngồi sát bên. Bệnh nhân vẫn nằm im, mắt nhắm, không một phản ứng nào chứng tỏ ông cảm giác thấy có người bên cạnh. Hơi thở yếu. Bộ đồ ngủ của ông bận có cũ nhiều nhưng không bị xô lệch. Ðôi ống quần được kéo thẳng tới cổ chân. Ðôi tà áo được khép gọn, ôm kín thân trên. Cánh tay áo trùm tới tận cổ tay. Chẳng phải vì cuộc sống tạm bợ trong tù rất nhiều hạn chế khắc nghiệt cộng thêm lâm bệnh nặng đã hơn một tuần – một trường hợp bất cứ ai cũng có thể buông thả, mặc cho thân phận nổi trôi và có thể kém đi nhiều, ít cảnh giác về cách phục sức và tư thế – mà Bác Sĩ Quát thiếu chững chạc. Và từ cái chững chạc này như toát lên một cái gì có vẻ nghịch lý đến độ vừa đau đớn vừa dũng mãnh giữa thân phận con người và hoàn cảnh.

Tôi khẽ lên tiếng: “Anh Quát! Anh Quát!”

Không một phản ứng của bệnh nhân. Tôi lắc nhẹ cánh tay bệnh nhân, hơi cao giọng: “Anh Quát! Anh Quát!” Vẫn không một phản ứng, tôi đưa ngón tay trỏ qua mũi bệnh nhân. Hơi thở quá yếu. Dưới sân, tiếng sối nước bắt đầu thưa dần. Thời gian tắm giặt sắp hết. Tôi không muốn mục đích khai bệnh giả của tôi bị lộ là cố ý ở lại buồng để đích thân nói ít điều cho là cần thiết với Bác Sĩ Quát và cả với tôi nữa.

Buồng 5 chúng tôi vẫn được Việt Cộng coi là một buồng “phản động” nhất trong số bốn buồng của lầu 1, khu ED vì chứa một cựu Thủ tướng, 3 cựu Tổng trưởng, nhiều sĩ quan cấp tá, một số ít dân sự “đầu chai đá, khó cải tạo, phần tử rất xấu, mất dậy.” Một buồng “ngụy nặng” nên được Việt Cộng tận tình “chiếu cố” trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, còn phải kể tới một vài tên “ăng ten” tức chỉ điểm được cài trong buồng. Tóm lại, chúng tôi đều bị theo dõi rất sát, rất chặt. Tôi phải làm gấp. Tôi lắc mạnh hơn cánh tay bệnh nhân, cao giọng thêm: “Anh Quát! Anh Quát!”

Bệnh nhân vẫn lặng im. Phải làm thật gấp. Tôi xoay nghiêng mình, tỳ tay xuống chiếu, ghé miệng sát tai Bác Sĩ Quát, cố nói thật rành rẽ: “Anh Quát! Anh Quát! Nhận ra tôi không?” Lần này đôi mi bệnh nhân hơi động đậy rồi dướng lên, hé mở. Tôi thoáng thấy lòng trắng mắt vàng khè. Chẳng cần phải học ngành y mới biết bệnh gan của Bác Sĩ Quát coi mới nặng. Bệnh nhân vắn tắt thều thào: “Anh Tú!” Tôi hơi yên tâm. Miệng lại sát tai Bác Sĩ Quát, tôi nói: “Anh mệt lắm phải không?” Ðầu bệnh nhân hơi gật gật. Không hiểu lúc đó linh cảm nào xui khiến, tôi cố rót vào tai Bác Sĩ Quát, giọng hơi nghẹn: “Anh có nhắn gì về gia đình không?” Bệnh nhân cố gắng lắc đầu, mắt vẫn nhắm. Dưới sân không còn tiếng sối nước nữa. Có tiếng các buồng trưởng dục anh em tập hợp để điểm số lại trước khi lên buồng. Chỉ còn độ hơn một phút. May lắm thì hai phút. Tôi dồn dập bên tai Bác Sĩ Quát: “Ai đặt bày, lừa bắt anh? Ai phản anh? Thằng Liên phải không? Nói đi! Nói đi!” Ðôi môi bệnh nhân như mấp máy.

Tôi vội nhổm lên, ghé sát tai tôi vào miệng bệnh nhân. Một hơi thở khò khè, theo sau là vài tiếng khô khốc, nặng nhọc như cố trút ra từ một chiếc bong bóng đã dẹp hơi đến chín phần mười: “Thôi! Anh Tú ạ.” Tiếng guốc, dép, tiếng cười, nói ồn ào đã bắt đầu từ chân cầu thang. Tôi chưa chịu buông: “Nói đi! Anh Quát! Nói đi!” Một hơi thở một chút gấp hơn, như làn hơi hắt vội ra lần chót! “Thôi! Thôi! Bỏ đi!” Tiếng guốc, dép, tiếng cười, nói ồn ào đã tới quá nửa cầu thang. Tôi vội nhổm dậy, bước nhanh về chiếu mình, nằm thẳng cẳng, vắt tay lên trán.

Ngoài hành lang, các bạn tù hối hả, xôn xao phơi quần áo mới giặt. Vài tiếng kỳ kèo nhau về chỗ dây phơi. Rồi như một đội quân đã chọc được phòng tuyến địch, họ ùa vào phòng, đứng lố nhố nghẹt lối đi quá nhỏ giữa ba hàng chiếu. Căn phòng như bị co hẹp lại. Tiếng cười đùa thưa dần khi tất cả đã về được chiếu mình. Khói thuốc lá bắt đầu tỏa. Ðây đó tiếng rít của vài bình thuốc lào nổi lên sòng sọc. Bây giờ thì mọi người, sau trận tắm thỏa thuê, đã ngả lưng trên chiếu. Cả phòng lặng tiếng.
Tôi ngồi dậy, hỏi vọng qua hàng chiếu giữa, phía sát tường: “Anh Châm! Anh coi lại xem anh Quát bệnh tình hôm nay ra sao?”

Bác Sĩ Hồ Văn Châm, cựu Tổng trưởng Thông tin, Chiêu hồi và Cựu chiến sĩ, có phần chiếu liền bên Bác Sĩ Quát. Ông Châm quay về phía Bác Sĩ Quát, tư thế nằm vẫn y như trước. Cảnh lộn xộn, ồn ào, ầm ĩ vừa qua của căn phòng không làm Bác Sĩ Quát động đậy chút nào. Cái gì đã như làm tê liệt bộ phận giây thần kinh điều khiển nguồn năng ý chí con người đến nỗi Bác Sĩ Quát không phản ứng gì, hay không còn muốn phản ứng gì dù chỉ là một phác họa – trước cảnh huống bên ngoài? Một hình ảnh buồn thảm lóe lên trong tưởng tượng; nếu không phải là mùa oi bức thì một tấm nền mỏng đắp lên người dong dỏng và gầy guộc của Bác Sĩ Quát thừa đủ để đóng vai trò một tấm khăn liệm.

Bác Sĩ Châm hướng về phía tôi, lắc đầu. Tôi lên tiếng với buồng trưởng: “Anh Phương! Báo cáo cán bộ xin đưa Bác Sĩ Quát đi bệnh xá chứ!” Phương là hạ sĩ quan binh chủng nhẩy dù, tuổi khoảng 30. Tuy còn trẻ, tóc Phương đã trắng xóa, có lẽ vì “xấu máu.” Anh em bèn dán cho cái nhãn hiệu “Phương đầu bạc.” Phương lặng thinh, coi bộ ngần ngại. Nói cho ngay suốt hơn một tuần lễ Bác Sĩ Quát lâm bệnh Phương đã mấy lần báo cáo xin đưa Bác Sĩ Quát đi bệnh xá, nhưng đều bị từ chối. Tôi quay về phía Bác Sĩ Châm: “Anh Châm! Nói cho Phương biết bệnh trạng của Bác Sĩ Quát đi!” Ông Châm bèn bảo: “Anh Phương! Báo cáo cán bộ ngay đi!” Phương không đáp, lộ rõ vẻ ngần ngại. Trong phòng bỗng nhao nhao nhiều giọng thúc giục, gay gắt: “Báo cáo đi! Chờ gì nữa? Bệnh như vậy mà không đi báo cáo, còn chờ gì nữa? Chờ người ta chết à?” Căn phòng đang im ắng, sống động hẳn lên.

Nhiều bạn đang nằm, nhóm người nhìn về phía Phương. Ðang cởi trần, Phương uể oải đứng dậy, bận áo, ra khỏi phòng, đi về phía đầu cầu thang. Một lát khá lâu, cán bộ gác tới, có Phương theo sau. Anh chàng cán bộ, mặt hơi khinh khỉnh, từ bên ngoài song sắt cộc lốc hỏi vọng: “Ðâu?” Bác Sĩ Châm nhích người qua một bên, chỉ vào Bác Sĩ Quát: “Ðây, cán bộ!” Nhìn một lát, cán bộ quay lưng, Phương lẳng lặng về chiếu mình. Những anh em khác lại đặt mình nằm. Căn phòng chìm trong im lặng hoàn toàn như thể hồi hộp chờ đợi một phán quyết sinh tử của trại.

Chừng 20 hay 30 phút sau, có tiếng lao xao ở đầu cầu thang. Hai bạn tù được làm ở bệnh xá, đem một băng ca tới cùng với cán bộ gác và một cán bộ khác, chắc là ở bệnh xá. Căn phòng lại náo động. Mọi người đều ngồi dậy hoặc đứng lên phần chiếu của mình.

Phương “đầu bạc” dẫn hai anh mang băng ca đến chỗ Bác Sĩ Quát. Bệnh nhân như mê man, tự mình không ngồi dậy được. Bốn anh em khỏe mạnh trong phòng xúm nhau nâng bệnh nhân đặt trên băng ca. Trong lúc đó Bác Sĩ Châm vội nhét vào một túi nhỏ vài đồ cần thiết cho Bác Sĩ Quát: Kem và bàn chải đánh răng, vài đồ lót, thêm một bộ đồ ngủ, đũa, muỗng, chén… Băng ca được khiêng đi. Bệnh nhân vẫn nằm, mắt nhắm, không một phản ứng. Dưới sân, một tiếng kêu lớn! “Lấy cơm!” Căn phòng trở lại cuộc sống đơn điệu hàng ngày của một trại tù. Lúc đó khoảng 10 giờ rưỡi.

Trưa hôm sau, khi lấy cơm trở về, anh em thì thầm rỉ tai nhau: “Bác Sĩ Quát chết rồi!” Cả phòng nhao nhao: “Hồi nào? Hồi nào? Chết mau quá vậy?” Một anh đáp: “Nghe nói, hồi trưa hôm qua thì phải.”

Chỉ một lát cáo phó miệng của các bạn tù đi lấy cơm đã lan truyền khắp khu ED. Bữa cơm trưa hôm đó ít ồn ào hơn thường lệ. Có ai trong phòng thốt một câu: “Bệnh như vậy, suốt hơn một tuần xin đi bệnh xá, không cho. Ðợi gần chết mới cho thì còn gì!” Một điếu văn ngắn, gọn, hàm súc cho một bạn tù đã nằm xuống. Một lời ngắn, gọn, hàm xúc lên án chế độ bất nhân, ác nghiệt của Cộng Sản. Căn phòng gần như lặng đi. Không bao lâu sau bữa cơm, cán bộ gác tới, bảo buồng trưởng thu dọn đồ của Bác Sĩ Quát. Trước khi quay lưng, hắn còn nói với: “Nhớ làm bản kê khai, nghe không!” Ðối với tù nhân, đó là lời công nhận chính thức cái chết của bất cứ “trại viên” nào.

Lần này, là cái chết của một vị cựu thủ tướng.
Manh chiếu của Bác Sĩ Quát đã được gỡ đi theo giỏ đồ còn lại của ông xuống văn phòng khu. Chỗ nằm cũ của ông trơ ra phần sân xi măng đã xỉn đen thời gian, mồ hôi, đau khổ và uất ức dồn nén của hàng hàng lớp lớp thế hệ tù chính trị mà ông đã là một trong biết bao người kế tiếp bất tận. Trí tưởng tượng của ta có mặc sức tung hoành sáng tác biết bao nhiêu chuyện về trại tù và thân phận tù nhân dưới chế độ Cộng Sản, thì mảnh không gian xi măng đen kia thầm lặng mà hùng hồn nói lên còn hơn thế nữa. Những ngày kế tiếp, cái chết tức tưởi mang nhiều vẻ không rõ ràng của Bác Sĩ Quát còn là đề tài bàn tán của nhiều người trong phòng được tóm gọn trong hai chữ “nghi vấn.” Nhiều người cho rằng nếu được đi bệnh viện sớm hơn, hoặc nếu không, mà được phép biên thư về nhà để thân nhân kịp thời gửi thuốc thì có thể Bác Sĩ Quát đâu ra đến nông nỗi đó.

Năm 1979 vẫn còn nằm trong thời kỳ mà Việt Cộng gọi là “rất căng.” Cuộc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, nếu xuôi xẻ về mặt quân sự, thì về mặt dân tình và chính trị lại chẳng xuôi xẻ chút nào. Nhiều nơi đã nổi lên những phong trào chống đối vũ trang làm cho Việt Cộng vô cùng lo lắng trong việc ước lượng tầm cỡ của mỗi phong trào để liệu cơ đối phó. Ngay tại Sài gòn, năm 1976, vụ Vinh Sơn xẩy ra chưa đầy một năm sau “đại thắng Mùa Xuân” của Việt Cộng đã làm chúng thất điên bát đảo và mặc dù những người chủ trương và lãnh đạo vụ Vinh Sơn cùng với một số chiến hữu đã bị Việt Cộng thẳng tay đàn áp và thanh toán, dư âm và ảnh hưởng của vụ ấy vẫn còn kéo dài mãi tới 1979 và sau nữa. Lại thêm cuộc chiến với Trung Cộng Mùa Xuân 1979 ở miền Bắc và cuộc chiến với Căm Bốt ở miền Nam khởi sự từ 1978. Do đó Việt Cộng càng siết chặt kỷ luật đối với tù chính trị. Tuy không có bằng chứng rõ ràng, nhiều người trong phòng có cảm giác “ăng ten,” tức chỉ điểm viên, đã được tăng cường.

Cuộc sống tiếp tục trong bầu không khí càng ngày càng ngột ngạt. Việt Cộng “dư” lý lẽ để đối xử với tù nhân tàn nhẫn hơn, bất nhân hơn. Bác Sĩ Quát đã lâm bệnh trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Con trai út của ông là Phan Huy Anh bị bắt cùng với ông ngày 16 Tháng Tám 1975 không được ở chung cùng buồng, mà bị giam ở buồng 6 sát bên. Hai cha con chỉ trông thấy nhau những lần đi tắm, tức hai lần một tuần. Khi tắm cũng không được liên hệ với nhau. Huy Anh dù có muốn giúp bố giặt quần áo hay một vài việc vặt vãnh cũng không bao giờ được phép. Còn nói chuyện với nhau thì tuyệt đối cấm. Nếu bị bắt quả tang hay có người tố cáo, hai cha con sẽ bị cúp viết thư về nhà với hậu quả kèm theo là bị cúp thăm nuôi. Ấy là chưa kể có thể bị kỷ luật đưa đi biệt giam. Việc thăm nuôi của gia đình cũng tách rời, riêng biệt: không bao giờ hai cha con được thăm nuôi, gặp gỡ thân nhân cùng một lúc, cùng một ngày. Hai cha con sống sát buồng nhau mà còn hơn hai kẻ lạ. Hai kẻ lạ còn có thể xin phép trao đổi với nhau chút quà, nói với nhau dăm ba câu. Bác Sĩ Quát và Huy Anh luôn luôn bị từ chối và bị theo dõi kỹ. Khi được tin bố lâm bệnh, Huy Anh nhiều lần xin phép qua thăm và đem thuốc cũng không được. Chỉ tới phiên đi lãnh cơm, Huy Anh mới được bước ra khỏi buồng. Những lúc đó tôi thoáng bắt gặp ánh mắt buồn bã của Huy Anh kín đáo nhìn qua song sắt tới chỗ bố đang nằm lịm. Tôi còn nhớ hai ngày trước khi Bác Sĩ Quát được đưa đi bệnh xá, cán bộ gác mới cho phép Huy Anh đem thuốc cho bố, sau không biết bao nhiêu lần năn nỉ. Huy Anh chỉ được phép đứng ngoài cửa nhìn vọng vào. Thuốc thì do buồng trưởng nhận đưa cho Bác Sĩ Quát. Thuốc đến quá muộn, dù chỉ là thứ thuốc thông thường trị bệnh gan. Lần “nhìn thăm” thầm lặng được phép công khai đó dài không quá hai phút. Và đó cũng là lần chót Huy Anh được chính thức nhìn bố qua chiều dài gần 8 thước của căn buồng dưới đôi mắt cú vọ của cán bộ gác ngồi phía đầu cầu thang giám sát.

Hôm Bác Sĩ Quát được khênh đi bệnh xá, Huy Anh cũng không được phép ra khỏi buồng dù chỉ để nói ít câu thăm hỏi và nhìn bố nằm thoi thóp trên chiếc băng ca. Một ngày sau khi Bác Sĩ Quát chết, Huy Anh được trại cho phép về thọ tang bố. Nhiều người trong chúng tôi hi vọng sẽ có tin thêm về tang lễ và nhất là về cái chết quá đột ngột của Bác Sĩ Quát khi Huy Anh trở lại trại. Thói quen giấu diếm, bưng bít đã trở thành một thứ siêu vi trùng trong máu của Việt Cộng, thế nên khi Huy Anh trở về, chúng tôi chẳng biết tin gì thêm ngoài việc tang lễ đã xong xuôi. Sau này có tin là Huy Anh sẽ được thả nếu “thật tâm cải tạo tốt.” Có nghĩa là không được tiết lộ bất cứ điều gì liên quan đến cái chết, đến tang lễ của bố, đến bất cứ những gì Huy Anh đã nhìn được, nghe được ở xã hội Sài Gòn bên ngoài trong thời gian được về nhà. Phải thừa nhận Việt Cộng rất “siêu” về thủ đoạn dọa nạt, nhất là đối với những ai đang bị gọng kìm của chúng siết chặt. Dù Bác Sĩ Quát đã chết, không còn là một mối lo chính trị đối với Việt Cộng, do vậy không còn cần thiết giữ Huy Anh làm con tin để đe dọa, đầy đọa tinh thần ông bố nữa, cũng phải đợi đến cuối năm 1979, Huy Anh mới được thả.

Trong thập niên 1940, Bác Sĩ Phan Huy Quát đã được nhiều người ở Hà Nội biết tiếng là một lương y. Bệnh nhân của ông, cả Việt lẫn Pháp, rất tín nhiệm ông vì tư cách đứng đắn và lương tâm nghề nghiệp rất cao của ông. Ngay cả một số người Pháp đã chọn ông làm bác sĩ gia đình của họ, một trường hợp rất hiếm trong y giới người Việt thời ấy. Một đề tài nghiên cứu y học của ông có liên quan đến bệnh đau mắt của Hoàng Ðế Bảo Ðại thời đó đã được tặng giải thưởng đặc biệt của Hoàng Ðế. Cuộc đời chính trị của ông chỉ thực sự bắt đầu sau khi cựu Hoàng Bảo Ðại đã ký hiệp ước Vịnh Hạ Long với Cao ủy Bollaert của Pháp ngày 8 Tháng Ba 1949. Trong chính phủ đầu tiên của quốc gia Việt Nam do cựu Hoàng Bảo Ðại lãnh đạo, Bác Sĩ Quát tham chính với tư cách Tổng Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Sau đó ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng. Từ giữa năm 1953 trở đi, tình hình cuộc chiến với Việt Minh ở miền Bắc Việt Nam ngày càng tồi tệ. Thất trận của Pháp ngày 07 Tháng Năm 1954 ở Ðiện Biên Phủ mở màn cho Hội Nghị Genève về Ðông Dương với hậu quả là Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17 do Hiệp Ðịnh Genève được ký kết giữa Pháp và Việt Minh ngày 20 Tháng Bảy 1954.
Ở Pháp, Quốc Trưởng Bảo Ðại phong ông Ngô Ðình Diệm làm thủ tướng. Ngày 7 Tháng Bảy 54, ông Diệm về nước. Ðược ủy toàn quyền lãnh đạo Việt Nam, ông Diệm thành lập nội các mới và kiêm nhiệm luôn Bộ Quốc Phòng.

Bác Sĩ Quát trở lại nghề cũ, mở một phòng mạch ở Dakao gần đầu cầu Phan Thanh Giản. Suốt chín năm ông Diệm cầm quyền, Bác Sĩ Quát không tham chính: ông khó có thể thuận với Tổng Thống Diệm về lề lối làm việc quá quan liêu, hống hách và độc đoán của gia đình họ Ngô. Thêm nữa ông là một thành viên trong nhóm Caravelle đã công khai đưa ra bản tuyên bố chỉ trích chế độ và đòi chính quyền Diệm thực hiện tự do, dân chủ. Cuộc đảo chính ngày 01 Tháng Mười Một 1963 do một số tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa lãnh đạo chấm dứt chế độ Ngô Ðình Diệm theo liền cái chết bi thảm của vị tổng thống và hai em ông là Ngô Ðình Nhu và Ngô Ðình Cẩn. Ðại Tướng Dương Văn Minh và Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ cầm quyền mới được ba tháng thì bị Tướng Nguyễn Khánh, tư lệnh vùng II chiến thuật, chỉnh lý ngày 30 Tháng Giêng 64. Bác Sĩ Quát được mời làm Tổng Trưởng Ngoại Giao. Ông ở chức vụ này tới khoảng Tháng Chín, 1964 rồi lại trở về phòng mạch.

Cuộc đời chính trị của ông đạt tuyệt đỉnh danh vọng khi, vào giữa Tháng Hai năm 1965, ông được Tướng Nguyễn Khánh triệu mời thành lập nội các mới. Giữ chức thủ tướng được khoảng ba tháng thì ông trao quyền lại cho Hội Ðồng Quân Lực vì những mâu thuẫn khó bề giải quyết giữa ông và Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu. Ông lui về, trực tiếp điều khiển phòng thí nghiệm y khoa của ông ở đường Hai Bà Trưng. Hoạt động chính trị của ông thu hẹp lại trong khuôn khổ của Liên Minh Á Châu Chống Cộng mà ông là chủ tịch phân hội Việt Nam cho tới ngày Sài Gòn thất thủ 30 Tháng Tư 1975.

Nhưng ngày kết liễu nền Ðệ Nhị Cộng Hòa chưa phải là ngày chấm dứt hoạt động của Bác Sĩ Phan Huy Quát. Nó đưa hoạt động ấy sang một hướng khác, hoàn toàn xa lạ với con người vốn dĩ trong bao năm đã quen và chỉ quen hoạt động chính trị theo lối “chính quy,” trong “đường lối chính quy.” Và con người thận trọng trong ông đã lao vào một trận địa mà trước kia ông chưa từng một lần lưu tâm và nghiên cứu địa hình phức tạp, hết sức bất thường do vậy cũng hết sức bất ngờ: địa hình của trận địa hoạt động bí mật, mà vì tính chất của riêng nó, đòi hỏi một cách suy nghĩ khác, một thứ thông minh khác, một loại bén nhạy khác, thậm chí đến cái can đảm trong hoạt động bí mật cũng phải là cái can đảm khác. Vị cựu thủ tướng, tự thân, chưa được chuẩn bị kỹ càng cho hình thái hoạt động bí mật nó có những điều luật, những nguyên tắc đặc thù của riêng nó. Ðiều này cũng dễ hiểu: ông chưa từng thấy có nhu cầu đó. Hoạt động chính trị của ông từ trước không cần đòi hỏi ông có những nhu cầu đó. Vậy mà trước hoàn cảnh đất nước rối bời đang diễn tiến trước mắt, ông đã chọn dấn thân vào con đường mới mẻ này. Một quyết định dũng cảm của một con người ngày ấy đã gần 70 tuổi, và chắc chắn không phải là một quyết định dễ dàng.

Sau ngày Sai gon thất thủ 30 Tháng Tư 1975, Bác Sĩ Phan Huy Quát không đáp “lời mời” ra trình diện của Việt Cộng được phổ biến trên đài phát thanh, truyền hình và báo chí của chúng cho tất cả “ngụy quân, ngụy quyền”. Liền sau khi cộng quân ào ạt tuôn vào Saigon từ hai hướng Bắc và Nam ngày 30 Tháng Tư 1975, Bác Sĩ Quát đã dời tư thất ở đường Hiền Vương và bắt đầu cuộc đời “du mục” trong Saigon, quyết không để cho Việt Cộng bắt. Cứ đôi ba ngày các con ông thay phiên nhau dẫn ông đi thay đổi chỗ trú ngụ. Sau gần ba tháng trốn tránh như thế, ông có dấu hiệu mệt mỏi. Các con ông khuyên ông trốn “trụ” hẳn một nơi. Ông nhượng bộ, về nhà trưởng nữ trong một hẻm khuất ở quận Phú Nhuận.

Những ai đã sống ở Saigon sau ngày 30 Tháng Tư 1975 chắc khó quên cái không khí ồn ào, nhộn nhạo, hỗn tạp bao trùm khắp nơi, khắp chốn của cái thành phố hơn ba triệu người này hầu như ngày nào cũng hối hả tuôn ra đầy nghẹt đường phố. Vẻ mừng rỡ bề ngoài vì chiến tranh đã chấm dứt không che đậy nổi nhiều nỗi lo âu âm ỉ bên trong: Kẻ chiến thắng sẽ định đoạt số phận của Saigon như thế nào? Thái độ nào tốt nhất để đối phó với kẻ chiến thắng đang huênh hoang, ngạo mạn? Tùy hoàn cảnh và cương vị riêng của mỗi cá nhân, người thì chọn lối âm thần sống ẩn, người thì mặc, muốn ra sao thì ra, cứ sống “tự nhiên cái đã”. Nhưng đại đa số thì tính chuyện trốn khỏi Việt Nam bằng đường biển sau khi Mỹ đã vĩnh viễn phủi tay. Một số khác thì tính chuyện tiếp tục tranh đấu chống Cộng. Ðã manh nha những sự thăm dò, móc nối nhau, tìm ngõ ngách trong hai lãnh vực chính yếu: thứ nhất vượt biên, thứ nhì chống Cộng.

Hai lãnh vực này tưởng là hoàn toàn riêng biệt, trái lại, thường xoắn vào nhau khá chặt, bởi lẽ nhiều khi tìm đường vượt biển lại dẫn đến mối chống Cộng, tìm đường chống Cộng lại dẫn tới mối vượt biên. Bất cứ ai chọn dấn thân vào một trong hai lãnh vực này đều bị lôi cuốn vào cái vòng luẩn quẩn lưỡng nguyên bi hài kịch đó. Bác Sĩ Quát không ngờ sẽ rơi vào chính cảnh huống ấy. Trong thâm tâm, ông không muốn bỏ chạy: ông vốn nặng tình quê hương. Nhưng gia đình ông 14 người, mặc nhiên là một áp lực tinh thần, thầm lặng đấy, nhưng đáng kể, buộc ông không thể không nghĩ đến sự an toàn cho vợ, con, dâu, rể và các cháu nội ngoại, nghĩa là phải nghĩ đến chuyện vượt biên. Ngoài tình quê hương ông cũng nặng tình gia đình không kém.

Thực ra, khoảng một tuần trước ngày 30 Tháng Tư 1975 lịch sử, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã ra lệnh cho ông Ðại sứ của mình ở Saigon nhân danh chính phủ mời Bác Sĩ Quát qua Ðài Bắc trú ngụ nếu như phía Mỹ chưa lo liệu cho bác sĩ. Lúc đó Bác Sĩ Quát chưa quyết tâm ra đi nên chỉ cảm ơn và nói sẽ liên lạc sau. Về phía Mỹ, khi hay tin Bác Sĩ Quát còn ở Saigon, ngày 28 Tháng Tư 1975 đã liên lạc với ông, hứa đưa hai ông bà qua Mỹ. Bác Sĩ Quát trả lời không thể nhận sự giúp đỡ quý hóa ấy nếu tất cả gia đình ông gồm 14 người không được cùng đi. Phía Mỹ ngần ngại, nhưng rồi cũng thuận ý muốn của Bác Sĩ Quát và cho ông một điểm hẹn. Ðiểm hẹn này sau bị lộ. Thêm nữa ngày 29 Tháng Tư 1975, tình hình căng thẳng tột độ, chính phủ Dương Văn Minh ra tối hậu thư buộc Mỹ phải triệt thoái toàn bộ nhân viên D.A.O. tức bộ phận tùy viên Quốc Phòng của Mỹ trong thời hạn 24 tiếng đồng hồ. Liên lạc giữa phía Mỹ và Bác Sĩ Quát bị tắc nghẽn. Chuyến trực thăng cuối cùng chở người Việt tị nạn không có Bác Sĩ Quát và gia đình.

Như đã nói, ông nặng tình gia đình, không muốn gia đình bị khổ trong vòng kìm kẹp của Cộng Sản và muốn gia đình sống một nơi an toàn. Ðồng thời ông cũng không muốn làm “kẻ bỏ chạy” vì ông cũng rất nặng tình quê hương, đất nước. Ông muốn, nếu đi thì cả nhà cùng đi. Nếu ở lại thì cả nhà cùng ở lại. Nhưng sau hai lần lỡ dịp di tản gia đình, Bác Sĩ Quát ý thức rất rõ hai mối tình song hành kia, tình gia đình và tình quê hương, đất nước, khó mà dung được với nhau và chỉ có thể chọn một. Và ông đã chọn.

Ông bằng lòng cho con trai út Phan Huy Anh đi thăm dò đường lối. Do một người bạn của Huy Anh giới thiệu, Bác Sĩ Quát thuận gặp một người tên Nguyễn Ngọc Liên. Liên tự xưng là một thành viên quan trọng của một tổ chức chống Cộng nhận nhiệm vụ bắt liên lạc với Bác Sĩ Quát, mời ông gia nhập tổ chức và nơi tổ chức có thể giúp gia đình ông vượt biên. Bác Sĩ Quát đồng ý về đề nghị thứ hai của Liên. Còn về đề nghị gia nhập tổ chức, ông nói sẽ có quyết định sau khi gặp người đại diện có thẩm quyền của tổ chức. Ðôi bên đồng thuận. Gia đình Bác Sĩ Quát gồm bà Quát, các con, cháu hơn mười người được dẫn đi trước xuống Cần Thơ, ở lại đó hai ngày. Hôm sau lên xe đi tiếp, dọc đường bị chận lại, đưa về khám Cần Thơ. Cả nhà biết là đã bị mắc lừa. Một tuần sau bị giải về trại giam Chí Hòa, Saigon. Bà Quát, tuy tuổi đã cao và mắc bệnh đau tim, vẫn bị biệt giam, điều kiện sinh hoạt rất khắc nghiệt. Do con, cháu bà năn nỉ mãi, Việt Cộng cho phép một cháu ngoại gái của bà mới 12 tuổi qua ở biệt giam để chăm sóc bà. Ðược mấy tháng, vì tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi, bà Quát được đưa ra ở phòng tập thể với các con cháu. Ðược hơn một năm, có lẽ vì xét thấy gia đình bà Quát đại đa số là giới nữ và khai thác cũng không thêm được gì, Việt Cộng bèn thả hết. Riêng người con rể còn bị giữ lại, đưa đi trại cải tạo Hàm Tân, gần mười năm sau mới được thả.

Về phần Bác Sĩ Quát và con trai út của ông là Huy Anh thì được tên Liên đưa đi tạm trú tại một căn nhà kín đáo ở Chợ Lớn. Hai ngày sau, theo kế hoạch, tên Liên đưa Bác Sĩ Quát và Huy Anh ra khỏi Saigon. Khi xe ô-tô tới một điểm hẹn vắng vẻ thuộc tỉnh Biên Hòa thì đã có một xe ô-tô khác đậu bên đường, nắp ca pô mở sẵn theo mật hiệu đã quy định. Xe chở Bác Sĩ Quát và Huy Anh dừng lại. Một toán người đi tới, vây quanh xe, rút súng hăm dọa. Bác Sĩ Quát biết mình bị lừa. Ông và Huy Anh được giải về Bộ Tư lệnh Cảnh Sát, đường Võ Tánh, Saigon. Hôm đó là ngày 16 Tháng Tám 1975, khởi đầu cuộc thử thách chót trong đời vị cựu Thủ tướng. Một cuộc thử thách không giống bất cứ một thử thách nào ông đã đương đầu trước kia. Một cuộc thử thách mà chủ đích của Việt Cộng nhằm hạ nhục con người chỉ chấm dứt sau khi vị cựu Thủ tướng đã vận tất cả năng lượng vật chất và tinh thần ném hết vào cuộc đấu tranh cuối cùng của ông, lần này mới thực là mặt đối mặt với quân thù với không biết bao nhiêu căng thẳng, gay go về nhiều mặt. Cuộc đấu tranh riêng lẻ mà ông chưa từng có một ý niệm và không bao giờ ngờ có ngày phải tiến hành trong đơn độc, đã kết thúc vào trưa ngày 27 Tháng Tư 1979, đúng ba hôm trước ngày Kỷ niệm Saigon thất thủ.

Cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát đã vĩnh viễn nằm xuống sau ba năm, tám tháng đấu tranh không nhượng bộ trong gọng kìm Việt Cộng.

Ngày 30 Tết, năm Mậu Ngọ (dương lịch: 1978)

Gần một tháng trước Tết Mậu Ngọ tôi bị chuyển về phòng 1, gác 1, khu BC. Ba phòng 2, 3, 4 bỏ trống. Chỉ riêng phòng 1 có “khách hàng”. Bác Sĩ Quát và tôi gặp lại nhau ở đó. Trong mấy ngày Tết, kỷ luật nới lỏng, mọi người được đi lại thăm bạn bè ở các phòng khác, gác khác trong cùng một khu. Bác Sĩ Quát và tôi không ra khỏi gác 1. Chúng tôi thường đi bộ dọc hành lang trống vắng vẻ, Bác Sĩ Quát bắt nhịp đi theo tiếng chống nạng của tôi lúc đó chân bị tê liệt. Mấy ngày Tết quả là một dịp hiếm có để có thể nói với nhau nhiều chuyện, khỏi sợ bị để ý hay soi mói quá đáng. “Ăng ten” cũng phải ăn Tết chứ! Bác Sĩ Quát đã tóm lược cho tôi nghe cuộc “phiêu lưu” của ông và gia đình. Tôi có hỏi ông về thời gian ông giữ tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát, đường Võ Tánh. Ông kể:

“Chúng bắt tôi viết bản tự khai tất cả những gì tôi làm khi tôi giữ chức Thủ tướng. Bản viết của tôi không dài quá một trang tôi viết vắn tắt là trong thời gian tôi ở cương vị Thủ tướng, tôi lãnh đạo việc nước, tôi chỉ đạo cuộc chiến chống Cộng. Tất cả mọi cấp, từ cấp thấp nhất, đến cao nhất gần gũi với Thủ tướng ở mọi ngành quân, dân, chính đều làm việc theo chỉ thị và mệnh lệnh của tôi. Một mình tôi trách nhiệm. Chúng không bằng lòng, bắt tôi viết lại. Tôi viết y như trước. Cù cưa như vậy đến hơn một tháng, gần hai tháng. Chúng bèn chuyển sang thẩm vấn. Hỏi câu nào tôi trả lới vắn tắt: Tôi trách nhiệm. Chúng đủ trò áp lực như anh biết đấy. Sau đó, để bớt căng thẳng, tôi nhận viết. Vả lại, thú thực lúc đó nhịp tim đập của tôi loạn xạ đã nhiều ngày, và tôi không có thuốc trợ tim. Tôi cảm thấy chóng mệt. Tôi cứ từ từ viết được hơn 70 trang, trong đó tôi nêu một số nhận định về thời cuộc, đưa ra một số đề nghị kiến thiết quốc gia. Trên trang nhất, tôi đề tên người nhận văn bản của tôi là Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Chúng bắt tôi xóa, chỉ được viết là bản tự khai. Tôi không chịu. Sau cùng chúng cũng nhận tập viết của tôi.”

Tôi hỏi Bác Sĩ Quát: “Anh có tin là chúng chuyển tập viết của anh tới Nguyễn Hữu Thọ không? – Tôi ngờ lắm. Ông đáp. Nhưng không sao. Tôi mượn cớ đề tên Nguyễn Hữu Thọ để ngầm bảo chúng rằng tôi không biết tới Hà Nội trong khi tất cả chúng ta đều rõ là Nguyễn Hữu Thọ và Mặt trận Giải phóng Miền Nam chỉ là công cụ của Hà Nội và Hà Nội thừa biết điều đó hơn ai hết.”

Tôi bật cười, Bác Sĩ Quát cũng cười theo. Chúng tôi hiểu nhau. Trong buồng có một vài bạn tù đứng đắn, chúng tôi có thể nói chuyện thẳng thắn, cởi mở, không nghi ngại. Tôi nhớ một lần, vẫn trong dịp Tết Mậu Ngọ, chúng tôi năm người đứng nói chuyện gần ở một góc hành lang, câu chuyện loanh quanh thế nào mà dẫn đến việc một bạn tù hỏi Bác Sĩ Quát về một vài cộng sự viên thân cận nhất của ông mà ông thật tâm tác thành cho: “Có thật hay không, tiếng đồn có người đá ngầm anh khi có dấu hiệu anh trên đà xuống dốc?” Bác Sĩ Quát mỉm cười, trả lời, giọng bình thản: “Tôi đã có nhiều dịp gần cụ Trần Trọng Kim khi sinh thời cụ. Tôi nhớ mãi một lời cụ dậy: sống ở đời phải cho nó chững. Tôi thường kể lại cho các con, cháu trong nhà nghe lời của cụ Trần, kẻo uổng.” Câu nói của Bác Sĩ Quát không trả lời thẳng vào câu hỏi của anh bạn. Nhưng có vẻ như mấy bạn biết thưởng thức câu trả lời đó vì họ cười ha hả.

Sau Tết, chúng tôi bị chuyển sang phòng 5, gác 1, khu ED. Ðược vài hôm, phòng nhận thêm một tù nhân từ biệt giam qua. Người này, khi nhận thấy Bác Sĩ Quát thì tỏ vẻ lúng túng, ngượng ngập. Có chi lạ đâu? Hắn là Nguyễn Ngọc Liên, người mời chèo Bác Sĩ Quát vào khu để rồi rơi vào bẫy sập ở Biên Hòa. Trong phòng ngoài Bác Sĩ Quát và tôi, không một ai khác biết mối liên hệ giữa Bác Sĩ Quát và hắn. Bác Sĩ Quát cư xử rất tự nhiên, không tỏ vẻ gì khó chịu bực tức, nóng nẩy. Riêng tôi cũng không để lộ cho tên Liên rõ là tôi biết chuyện của hắn. Cuộc sống ở Chí Hòa đơn điệu, buồn tẻ, ngột ngạt.

Ngày này sang ngày khác, mọi người như chết đi trên 2/3 manh chiếu của mình. Không bao giờ tôi nghe thấy Bác Sĩ Quát thốt lên dù chỉ nửa lời than van về số phận của mình hay của gia đình về sự mất mát tài sản mà Việt Cộng đã tịch thu toàn bộ chỉ để lại cho ông hai bàn tay trắng. Ông sống lặng lẽ, trầm ngâm, kín đáo. Nhiều lần, cán bộ Việt cộng cố ý công khai làm nhục ông trước mặt mọi người. Ông giữ im lặng, cái im lặng kẻ cả. Không ai nhận thấy ở ông một vẻ gì kiêu kỳ, của một người đã từng giữ những chức vụ cao sang trong chính quyền cũ.

Ông biết hòa mình một cách đúng mức. Với anh em cùng cảnh ngộ và cái đúng mức không gượng ép ấy tự nhiên bảo vệ tư thế riêng của ông bằng một khoảng cách mà chẳng ai dám nghĩ muốn vượt qua. Ngay đối với tên Liên mà nhiều yếu tố trong vụ Biên Hòa đủ để được xứng đáng nhãn hiệu “tên phản bội, tên lừa bịp”, ông vẫn giữ được cách lịch sự bao dung buộc kẻ kia tự mình phải có thái độ ăn năn, kính cẩn đối với ông. Thế nên tôi rất hiểu tâm địa ông khi ông thều thào: “Thôi! Bỏ đi!” để trả lời câu hỏi dồn ông về tên Liên bên chiếu bệnh. Ông biết vì ông mà vợ, con, cháu ông đang dũng cảm chịu khổ, chịu nhục, chịu thiếu thốn ở khu phụ nữ. Ông biết một cháu nội gái của ông, con gái đầu lòng của Huy Anh, mới ba tháng đã “được” Việt cộng bỏ tù vì bố mẹ và đang thiếu sữa.

Ông biết chừng nào Việt Cộng chưa bẻ gãy được ý chí đối kháng thầm lặng của ông thì gia đình ông, đa số là phụ nữ và con nít vần là những con tin hữu hiệu trong tay Việt Cộng dùng làm lợi khí đe dọa, đầy đọa tinh thần ông, nghiền nát những gì là nhân tính trong ông, buộc ông phải thốt lên một lời quỵ lụy quy hàng, Nhưng ông đã đứng được đầu gió.
Vì ông đã cứng.

***

Tôi thường nghĩ, trong suốt cuộc đời tham chính, thành tựu của Bác Sĩ Phan Huy Quát có ý nghĩa lớn lao nhất, có ích cho quốc dân nhất, do đó quan trọng vào bậc nhất vì trực tiếp liên quan sâu sắc nhất đến tiền đồ tổ quốc, là ông đã giành được chủ quyền cho ngành giáo dục Việt Nam, khi ông được Cựu Quốc Trưởng Bảo Ðại phong ông làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục trong chính phủ đầu tiên của Quốc gia Việt Nam mới được Pháp thừa nhận nền độc lập. Do lòng trí kiên nhẫn, thái độ khéo léo, mềm dẻo nhưng không thiếu cương quyết trong thương thảo rất khó khăn, nhiều khi đến độ rất căng thẳng với phái đoàn Pháp mà một số thành viên lại là thầy học cũ của ông ở Ðại học Y khoa Hà Nội. Ông đã thuyết phục được phía Pháp trao trả Việt Nam trọn quyền của ngành giáo dục. Ông đã đặt nền móng vững chắc cho việc dùng Việt ngữ là ngôn ngữ chính trong mọi giáo trình, mở đầu kỷ nguyên cải cách giáo dục toàn diện từ tiểu học, qua trung học, lên tới đại học và trên đại học mang tính chất hoàn toàn quốc gia mà dấu ấn căn bản và nguyên tắc đó không một ai, sau ông, có thể thay đổi được. Pháp ngữ đã lui xuống thứ hạng như bất cứ sinh ngữ nào khác được giảng dậy trong mọi cấp học trình. Thành quả tranh đấu gay go trong thầm lặng nhưng thật rực rỡ của ông với Phái đoàn Pháp và công cuộc tiến hành cải cách giáo dục của ông đã được báo chí thời đó xưng tụng và mệnh danh một cách rất xứng đáng là “Kế hoạch giáo dục Phan Huy Quát.” Tên tuổi ông đã gắn liền với tương lai của biết bao thế hệ nam, nữ, thanh, thiếu niên trong lãnh vực giáo dục nó là chìa khóa của tiến bộ văn minh và phát triển văn hóa cho đất nước, cho dân tộc.

Thành công nào có thể đẹp hơn, lâu bền hơn thành công của ông trong sự nghiệp giáo dục đào tạo con người?

***

Một phòng lẻ loi dành cho lính gác ở ngoài vòng rào trại giam Chí Hòa đã được quét dọn khá tươm tất. Giữa phòng, một tấm ván gỗ khổ hẹp đặt trên đôi mẻ. Trên tấm ván một hình người nằm ngửa, chân duỗi thẳng, hằn rõ dưới tấm mền mỏng phủ kín từ đầu xuống chân.
Thi thể Bác Sĩ Phan Huy Quát, cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa nằm đó, cô đơn, lạnh lẽo giữa một buổi trưa hè nắng gắt, oi nồng. Cùng với tấm ván và đôi mẻ, thi thể ông là tĩnh vật trang trí độc nhất của căn phòng lính gác quạnh hiu. Chung quanh không một bóng người. Cái tĩch mịch của căn phòng như muốn thét lên mà bị nghẹn.

Tang gia được chính quyền Việt Cộng hứa cho phép quàn thi hài Bác Sĩ Quát tại chùa Xá Lợi. Ðến phút chót Việt Cộng bội hứa như chúng vẫn có thói quen đó đã trở thành quán tính. Chúng buộc tang gia phải chôn cất ngay ngày hôm sau tức là ngày 28 Tháng Tư 1979. Tìm hiểu ra mới biết ngày 28 là ngày ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới Saigon: cho đem thi hài Bác Sĩ Quát về quàn tại Chùa Xá Lợi có thể gây ra nhiều phiền phức, rối ren không lường được. Quái thật! Một chế độ luôn luôn tự vỗ ngực lớn tiếng huênh hoang ta đây “Anh hùng nhất mực” và “ra ngõ là gặp anh hùng” lại sợ đủ thứ!
Sợ từ đứa bé sơ sinh sợ đi nên phải bắt nó vào tù với mẹ nó cho chắc!

Sợ từ cái xác chết sợ đi, nên bắt chôn ngay sợ xác chết “thần giao cách cảm” với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thì rầy rà to. Ðám tang bị hối thúc rồi cũng chu toàn nhờ sự tận tình giúp đỡ của thân bằng, quyến thuộc.
Sau tang lễ đơn sơ, còn sót lại là nghi vấn về cái chết của vị Cựu Thủ tướng. Hồ sơ bệnh lý do Việt cộng chính thức đưa ra là “nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não cùng viêm gan siêu vi trùng”.
Hồ sơ vẫn nguyên vẹn là một nghi vấn.

***

Nếu tôi biết hát, tôi sẽ cất giọng ca vừa đủ nghe tù khúc:

“Anh nằm đây,
Bạn bè anh cũng nằm đây…”

Gọi là một chút để ấm lòng người đã khuất.

Nguyễn Tú

Ký giả Nguyễn Tú, nguyên đặc phái viên chiến trường Nhật báo Chính Luận tại Việt Nam trước 1975, cũng như của nhiều báo ngoại quốc, đã bị giam hơn mười năm trong lao tù Cộng Sản. Ông vượt biên tới Hong Kong năm 1990 và sau đó tới Hoa Kỳ. Hiện ông cư ngụ tại vùng Hoa Thịnh Ðốn.

Đêm canh thức Copacabana: Một câu chuyện bi thương làm cho ba triệu con tim sững sờ.

 

Đêm canh thức Copacabana: Một câu chuyện bi thương làm cho ba triệu con tim sững sờ.


Trần Mạnh Trác

7/29/2013 vietcatholic.net

Anh Felipe Passos đã làm cho 3 triệu con tim rúng động khi anh chia sẻ câu chuyện riêng tư cuả mình trong đêm canh thức tại bãi biển Copacabana.

Anh cho biết đã phát hiện ra và chấp nhận cây thánh giá cuả mình: đó chính là chiếc xe lăn cuả anh.

Anh Felipe, một thanh niên độc thân người Brazil mới 23 tuổi, đã phát biểu tại đêm canh thức cuả Trẻ Thế Giới ngày 27 tháng bảy trước sự hiện diện cuả Đức Giáo Hoàng.

Anh kể lại đã tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Madrid vào năm 2011, và đã cam kết hai lời hứa thiêng liêng. Anh hứa sẽ sống trong sạch cho đến khi kết hôn và chăm chỉ làm việc để gây quĩ cho nhóm Ponta Grossa, một nhóm thanh niên cầu nguyện ở tiểu bang Paraná của Brazil, để có thể cùng nhau tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới một lần nữa, tổ chức năm nay tại Rio de Janeiro.

Với nguồn tài chánh eo hẹp, Felipe và nhóm bạn bè gây vốn bằng cách làm thêm nhiều công việc nặng nhọc và cùng một lúc chuẩn bị tinh thần bằng cầu nguyện, tôn thờ Thánh Thể, ăn chay và làm việc phúc đức.

Nhưng một sự khủng khiếp đã xảy ra cho họ.

“Vào tháng Giêng năm nay, hai ngày trước khi tôi lên 23 tuổi, hai thanh niên đã đột nhập vào nhà của tôi, súng trên tay, đòi cướp số tiền mà chúng tôi đã dành dụm với rất nhiều hy sinh,” Felipe nói.

“Tôi nghĩ về những nỗ lực rất lớn cuả nhiều ngày tháng, về những hy sinh cuả những người trong gia đình, của bạn bè và đồng nghiệp. .. tất cả những cái ấy sắp bị cướp đi trong khoảng khắc và vì thế mà tôi cương quyết sẽ bảo vệ nó,” anh nói với một giọng xúc động.

Anh Felipe thành công trong việc bảo vệ số tiền tiết kiệm của nhóm, nhưng đã bị một viên đạn bắn vào, hầu như kết liễu cuộc sống của anh.

“Đối với bệnh viện thì tôi đã chết, tim ngừng đập nhiều lần, và các bác sĩ đã nói với cha mẹ tôi rằng ‘cậu bé này không có hy vọng,” nhưng tôi vẫn còn ở đây và nhóm của tôi vẫn còn đến đây được chỉ vì lòng thương xót của Chúa, ” Felipe nói.

Toàn thể bãi biển đông nghịt người hầu như bị lên cơn sốc trong một sự im lặng đến nghẹt thở, Đức Giáo Hoàng Francis nhìn anh chăm chú.

Anh Felipe tả lại cảnh tượng anh bị hôn mê, thở qua ống dưỡng khí, trong khi cộng đoàn giáo xứ của anh liên lỉ cầu nguyện và làm việc hy sinh hãm mình cho anh.

Cuối cùng…thì anh tỉnh dậy, điều đầu tiên anh xin là được rước Mình Thánh Chuá, anh hồi phục nhanh chóng.

Nhưng Felipe, đã bị bất toại phải ngồi xe lăn, anh cho biết, “đây là cây thập giá, cây thập giá Chúa gửi đến cho tôi để tôi có thể đi tới gần Ngài hơn, sống nhiều hơn trong ân sủng và tình yêu của Chuá.”

Ba triệu tiếng vổ tay nổ ra ào ạt, nhưng Felipe ngăn họ lại.

“Xin im lặng!”, anh nói. “Chúng ta hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần!”

Người thanh niên 23 tuổi yêu cầu mọi người hãy cầm lấy thập giá mà họ đang đeo ở trên cổ lên, và nhìn vào nó.

Anh xin mọi người suy ngẫm trong im lặng với những câu hỏi: “thập giá mà Chúa đã ban cho tôi là gì? Thập giá mà Ngài muốn tôi thực hiện cho tình yêu của Ngài là gì? ”

Tất cả mọi người, kể cả Đức Giáo Hoàng đã cầm thánh giá lên…

Câu chuyện thương tâm cuả người thanh niên trẻ đã tạo ra một thời khắc không bao giờ quên được cho 3 triệu người có mặt trong đêm canh thức trên bãi biển Copacabana.

Sau lũ lụt, phép lạ thứ 69 tại Lộ Đức vừa được công nhận

Sau lũ lụt, phép lạ thư 69 tại Lộ Đức vừa được công nhận

22-07-2013

VietCatholic News – Paris 21/07 – Ngày 19/07/2013, ông Joël Luzenko, thành viện văn phòng truyền thông đền thánh Lộ Đức, Pháp vừa cho báo chí biết: Ngày 20/06/2013, Đức Cha Gioavanni Giudici, giáo mục Giáo phận Pavie (Lombardie, Ý) đã chính thức công nhận phép lạ thứ 69 tại linh địa Lộ Đức.

Bà Danila Castelli sinh ngày 16/01/1946 bị bệnh biến chứng tăng huyết áp. Từ năm 1982, các hình chụp siêu âm cho thấy bà bị khối u tạo ra hóc môn catécholamine trong niệu sinh dục. Bà đã chịu nhiều phẫu thuật nhưng không đều có kết quả.

Bác sĩ Alessandro de Franciscis, chủ tịch văn phòng Y chứng cho biết mỗi ngày bà Castelli chịu nhiều đợt kịch phát lên đến 28/15. Tháng 5/1989, nhân chuyến hành hương tại Lộ Đức, bà tắm nước suối Lộ Đức và được khỏi bệnh. Hiện nay, bà đã hoạt động bình thường.

Từ 1989 đến 2010, Văn phòng Y chứng họp 5 phiên khoáng đại, đi đến kết luận là bà Caselli hoàn toàn bình phục nhờ hành hương Lộ Đức vào năm 1989. Hội chứng bình phục của bà hoàn toàn không có liên hệ gì đến trị liệu y khoa. Phép lạ này không thể giải thích được về mặt y học.

Sau đó, Văn phòng Y chứng đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Ủy ban Y khoa Quốc tế Lộ Đức. Ủy ban gồm 20 bác sĩ y khoa. Sau khi xem xét hồ sơ, Ủy ban đã kết luận là các kỹ thuật y khoa hiện nay không giải thích được việc bình phục này.

Sau cùng, giám mục Pavie, giáo phận nơi bà Danila Castelle cư trú tại Bereguardo đã công bố phép lạ kỳ diệu mà việc lành bệnh là một dấu chỉ.

Từ năm 1858, có hơn 7 ngàn người được hoàn hoàn bình phục mà không giải thích được nhờ đến cầu xin tại hang đá Massabielle (Lộ Đức). Tháng 10/2012, nữ tu Luigina Traverso người Ý cũng đã được lành chứng đau cột sống.

Lê Đình Thông

Người Mỹ gốc Việt có tên trong danh sách ‘tài năng trẻ’ của Forbes

Người Mỹ gốc Việt có tên trong danh sách ‘tài năng trẻ’ của Forbes

Danh sách có tên gọi ’30 under 30’ của Forbes gồm 30 cá nhân xuất sắc nhất dưới 15 tuổi trong 15 lĩnh vực như tài chính, marketing hay công nghệ.

Danh sách có tên gọi ’30 under 30’ của Forbes gồm 30 cá nhân xuất sắc nhất dưới 15 tuổi trong 15 lĩnh vực như tài chính, marketing hay công nghệ.

VOA Tiếng Việt

15.01.2013

Anh Nam Nguyễn, 29 tuổi, mới được tạp chí Forbes chọn vào danh sách những thanh niên tài năng dưới 30 tuổi, có khả năng tạo nên sự thay đổi trên toàn thế giới.

Danh sách có tên gọi ’30 under 30’ gồm 30 cá nhân xuất sắc nhất dưới 15 tuổi trong 15 lĩnh vực như tài chính, marketing hay công nghệ.

Anh Nam Nguyễn dứng ở vị trí thứ 19 trong danh sách hơn 30 thanh niên xuất sắc nhất trong lĩnh vực marketing và quảng cáo.

Trả lời VOA Việt Ngữ, anh Nam cho biết anh rất bất ngờ khi được Forbes lựa chọn.

Anh Nam cho biết: “Đây không phải là điều tôi từng mong đợi, nhất là một giải thưởng có quy mô như vậy. Forbes là một tạp chí danh tiếng, với lượng người đọc có khả năng xuất sắc. Vì vậy nên khi được nêu tên trong danh sách ‘30 under 30’, tôi thực sự bị choáng ngợp, nhưng đồng thời cũng cảm thấy hết sức vinh dự.”

Chàng thanh niên gốc việt 29 tuổi là giám đốc phụ trách về nội dung của công ty 360i.

Anh quản lý nội dung theo thời gian thực, tận dụng các dữ liệu về người tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm đa phương tiện cho các công ty lớn như Coca-Cola hay Kraft Foods.

Anh Nam Nguyễn sinh ra và lớn lên tại California.  Nhưng anh cho biết Việt Nam có một vị trí quan trọng trong anh và đó chính là lý do vì sao anh đã giữ tên họ Việt Nam.

Anh Nam cũng mới cùng cha trở lại Việt Nam, và anh gọi đó là một ‘ước mơ đã thành sự thật’.

Anh Nam nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ, tôi luôn luôn tự hỏi về nguồn gốc Việt Nam của mình. Dù là một người Mỹ nhưng tôi luôn tự hào là một người gốc Việt. Tôi thất rất hạnh phúc khi được cảm nhận văn hóa Việt Nam từ âm thanh của đường phố, quang cảnh, con người và ẩm thực của Việt Nam. Tôi thật sự xúc động được trở về nơi đã sinh ra cha mẹ tôi.”

Anh Nam nói với VOA Việt Ngữ rằng anh hy vọng sẽ có dịp quay trở lại Việt Nam trong tương lai.

Tệ nạn của bệnh cờ bạc

Tệ nạn của bệnh cờ bạc


Linh Tiến Khải

7/2/2013

Vietcatholic.net

Một số nhận định của bà Henrietta Bowden-Jones, người thành lập nhà thương chữa trị bệnh cờ bạc đầu tiên tại Anh quốc

Trong mọi thành phố lớn khắp thế giới hiện nay đều có các nhà đánh bạc Casino, nơi con người bị cám dỗ tới ”nướng tiền” cho các chủ sòng bài và guồng máy ăn chơi khổng lồ của nó. Nổi tiếng nhất phải kể đến Las Vegas bên Hoa Kỳ, là thành phố đỏ đen nằm giữa sa mạc, nhưng là nơi ăn chơi vô cùng sầm uất, với các sòng bài và đủ mọi màn giải trí cho du khách. Bên Á châu thì có các sòng bài Dubai và Macao. Nhưng các loại máy kéo tiền đủ loại hiện diện ở khắp mọi thành phố lớn nhỏ trên thế giới. Điều đáng ghi nhận là máu mê đánh bạc máy và ham kéo máy không phải chỉ là của người trẻ, mà của cả người già nữa.

Bên Hoa Kỳ, trong thành phố nào bắt đầu mở khu phố đánh bạc, thì chỉ một thời gian sau là cộng đoàn thấy vắng vài cụ ông cụ bà trong các giờ phụng vụ và sinh hoạt. Các cụ bắt đầu mê cờ bạc và giải trí bằng cách đi kéo máy. Có cụ sau lễ Chúa Nhật là đi giải trí cho tới khi hết tiền mới về nhà. Biết đi kéo mày là chỉ có rỗng túi, nhưng không đi không được, vì qủy cờ bạc xúi bẩy xỏ mũi kéo đi. Thế là tiền hưu và tiền của con cháu biếu tặng tới đâu cúng hết cho sòng bài tới đó.

Nghiện cờ bạc là một trong các tệ nạn trên thế giới hiên nay, khiến cho hàng triệu người lâm cảnh tán gia bại sản, gia đình tan nát. Nó đã trở thành một bệnh nguy hiểm. Thống kê của tổ chức sức khỏe thế giới OMS của Liên Hiệp Quốc cho biết trên thế giới hiện có 3% tổng số dân toàn cầu bị bệnh cờ bạc. Chỉ riêng Italia đã có tới 800 ngàn người bị bệnh cờ bạc và 1,7 triệu người có ”máu đỏ đen”. Mỗi năm số người này làm mất đi 69,7 triệu giờ làm việc, vì nạn cờ bạc. Theo kết qủa nghiên cứu của tổ chức ESPAD-Italia, do phân bộ bệnh dịch và nghiên cứu trên các cơ cấu y tế của Học viện vật lý bệnh xá, kiểu chơi ”Cạo và thắng”, Sổ số tự phát, và Siêu xổ số được 58% thiếu nữ ưa thích. Trong khi 30% thanh niên thì thích đánh cá về các trận đấu thể thao. Trong số đó có 52,5% người chơi trong các quán giải khát, 39,1% chơi tại nhà bạn bè và 22,5% chơi tại các phòng chơi. Giới trẻ thanh niên chơi bạo tay hơn, trong khi các thiếu nữ thường không chơi quá 10 Euros.

Theo các thống kê mới nhất nạn cờ bạc tại Italia là dịch vụ hàng năm thu vào 80 tỷ Euros, tức tương đương với 5% tổng sản lượng quốc gia, nghĩa là Italia chỉ đứng sau Anh quốc. Bà Katia Lanosa, chủ tịch Hiệp hội các trạng sư về hôn nhân vùng Emilia Romagna trung Italia, cho biết nạn cờ bạc ngày càng là vấn đề gây đổ vỡ trong gia đình. Nó khiến cho một phần mười các cuộc hôn nhân bị đổ bể, và gia tăng số các trẻ em ăn cắp ăn trộm để có tiền kéo máy hay đánh bạc. Nạn cờ bạc cũng ngày càng gia tăng các cuộc khủng hoảng trong gia đình dẫn đến chỗ ly dị ly thân. Ngoài ra, hậu qủa của cuộc khủng hoảng trong tương quan hôn nhân là cảnh mất công ăn việc làm. Đồng lõa với nạn cờ bạc là thời giờ rảnh rỗi và tình trang không thỏa mãn trong cuộc sống. Bà Katia Lanosa cũng cho biết bệnh cờ bạc cũng thường là lý do của các cảnh bạo lực nghiêm trọng trong gia đình và ngoài xã hội. Nhu cầu cần tiền để đánh bạc khiến cho người bệnh có thể đi đến chỗ hành hạ vợ con và giết người thân, hay cướp bóc vũ trang. Ông Ugo Pastore, Biện lý trưởng vùng Emiglia Romagna, đặc trách về người trẻ vị thành niên cho biết càng ngày càng có nhiều thanh thiếu niên bị lôi cuốn vào tệ nạn cờ bạc. Lý do vì chúng là con cái các gia đình có cha mẹ nghiện cờ bạc, bị bỏ rơi không được săn sóc các nhu cầu tối thiểu, hay chúng bị lây bệnh cờ bạc của cha mẹ. Và số người trẻ trộm cắp tiền của bạn bè người thân gia tăng.

Tại Bergamo, miền bắc Italia, dân chúng của một khu chung cư đã phẫn nộ phát động phong trào tẩy chay các quán đặt máy đánh bạc. Hiện đã có hàng chục quán, nhưng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều quán khác. Ông Anselmo Parolini, cha gia đình nói: ”Thật là xấu hổ. Chúng tôi lo âu cho con cái của chúng tôi. Chính vì thế chúng tôi đã phát động phong trào phản đối, tẩy chay các quán có đặt máy đánh bạc. Đã có 500 người ký tên, và chúng tôi sẽ đưa vấn đề lên văn phòng tài vụ của tình Bergamo. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức môt cuộc biểu tình phản đối việc mở thêm các sòng bài điện tử và gây ý thức đối với tệ nạn xã hội ngày càng lan tràn và trầm trọng này. Nhưng thật ra, tuy có luật ban hành hồi tháng 12 năm 2012 thiết định các sòng bài điện tử phải ở xa các vùng nhậy cảm 400 mét, nhưng đã không có luật nào cấm mở các sòng bài điện tử như thế. Giới trẻ và cả người già ngày càng bị cám dỗ ghé vào kéo máy nơi các sòng bài điện tử này”.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vi và các bạn một số nhận định của bà Henrietta Bowden-Jones, người thành lập bệnh viện quốc gia chữa trị bệnh cờ bạc đầu tiên tại Anh quốc, về căn bệnh cờ bạc. Bà Henrietta hiện cũng điều khiển nhóm 12 chuyên viên nghiên cứu thuộc 4 đại học Anh quốc trong nhiều chương trình khác nhau nhắm thám hiểm não bộ của những người mắc ”bệnh cờ bạc”. Bà cũng là cố vấn của chính quyền Anh quốc về vấn đề này.

Hỏi: Thưa bà Henrietta, có thể thiết định số người mắc bệnh cờ bạc trên thế giới và tại Âu châu hiện nay là bao nhiêu không?

Đáp: Không phải mọi quốc gia trên thế giới đều đã làm các cuộc nghiên cứu chuyên biệt. Vấn đề đó là khi dùng các dụng cụ khác nhau, chẳng hạn như SOGS và CPGI để chẩn đoán bệnh cờ bạc, thì khó mà có thể làm thống kê. Vì thế tại sao lại quan trọng việc chỉ nên dùng một phương pháp, ít nhất là tại Âu châu. Bên anh quốc, có 0,9% dân nghiện cờ bạc, tức khoảng nửa triệu người tất cả.

Hỏi: Những người bị bệnh cờ bạc có nguy cơ phạm pháp không thưa bà?

Đáp: Có khoảng một phần ba những người bị bệnh cờ bạc phạm pháp. Tuy nhiên, đây cũng là tỷ lệ của tất cả những người bị bệnh cờ bạc trên toàn thế giới. Các tội phạm thông thường nhất là lừa đảo và trộm cắp. Thường họ cũng ăn cắp trong nơi làm việc, sau khi đã trộm cắp nơi bạn bè và người thân.

Hỏi: Thưa bà vậy chi phí chữa trị cho một người bị bệnh cờ bạc tại Anh quốc hiện nay là bao nhiêu?

Những Độc Chiêu Của Đệ Tử Cái Bang Ở Việt Nam

Những Độc Chiêu Của Đệ Tử Cái Bang Ở Việt Nam

(06/07/2013)

Tác giả : Trúc Giang MN

Trúc Giang MN

nguồn:vietbao.com
1* Mở bài

Giữa trời nắng gắt hay đêm khuya mưa lạnh, nhiều người già yếu, tàn tật phải dãi dầu trên đường phố để xin cho đủ số tiền quy định đem về nộp cho những kẻ chăn dắt.

Ăn mày tượng trưng cho sự nghèo đói. Những mánh khoé gian manh, xảo trá, tàn bạo, độc ác phía sau hiện tượng ăn mày ở Việt Nam ngày nay cho thấy cái truyền thống đạo đức tốt đẹp ngàn năm của dân tộc đã xuống cấp và suy đồi trầm trọng.

Đạo quân cái bang đã làm hoen ố bộ mặt của chế động Cộng Sản ngày nay ở Việt Nam.

Ăn mày là ai? Ăn mày là ta, đói cơm rách áo mới ra ăn mày.

2* Giải mã “kỹ nghệ” độc nhất vô nhị của ăn mày Việt Nam

Nhiều ngón nghề của đệ tử cái bang làm cho người ta phải giật mình.

Phóng viên Giáo dục Việt Nam thuật lại: “Trong số những người ăn mày ngồi vật vạ ven đường, nổi bật một phụ nữ “cụt chân” nằm lê lết, kêu khóc thảm thiết, khiến ai cũng động lòng thương cảm, nhưng mấy ai biết được rằng đàng sau cảnh thương tâm đó là một phụ nữ hoàn toàn khoẻ mạnh. Người phụ nữ vốn “cụt chân” đó, nhìn trước ngó sau rồi chạy rất nhanh để cất cái xô đầy tiền.

Bị bắt quả tang, chị ta không ngần ngại thú nhận: “Muốn họ cho tiền thì phải biết cách làm cho mình càng thảm thương càng tốt. Người ta nhìn vào phải cảm động thì mới xin được tiền của họ”.

Ở một góc phố khác, người cha khuyết tật, trong bộ quần áo tả tơi, ôm đứa con chưa hết mùi sữa mẹ. Tiếng khóc trẻ thơ với vẻ mặt đau thương của người đàn ông khiến cho người chung quanh không khỏi mủi lòng, người cho vài ngàn, chỉ trong chốc lát, tiền giấy đầy xô.

Đệ tử cái bang nầy kể lại. Việc đánh động lòng trắc ẩn hữu hiệu nhất là dùng trẻ thơ, nhưng việc nầy không đơn giản, phải chịu khó thuyết phục, mượn con cháu của người trong họ hàng, hoặc phải chia tiền cho những cha mẹ nghèo khổ. Thường thì phải ngắt nhéo cho trẻ khóc thét lên để gây chú ý thiên hạ.

3* Câu chuyện độc đáo về kỹ năng Marketing của đệ tử Cái Bang

Một người khách thuật lại câu chuyện độc đáo về kỹ năng Marketing (Tiếp thị trong kinh doanh) của một gã ăn mày.

“Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Gucci ra khỏi Tràng Tiền Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày sấn đến trước mặt, “Xin anh cho ít tiền”. Tôi cho hắn tiền rồi gạ chuyện, thế nhưng tên ăn mày nầy đã cho tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn chương trình MBA (Master of Business Administration degree -Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh) mà tôi đã học ở trường.

Tôi nhìn ông ta. Đầu tóc rối bù, áo quần rách nát, tay chân xương xẩu nhưng sạch sẽ”.

Qua phần đối thoại giữa người bố thí và kẻ ăn mày, có thể tóm tắt câu chuyện độc đáo như sau.

3.1. Phân tích mục tiêu

“Tôi chỉ ăn mày ở khu vực mua sắm sang trọng nầy thôi. Chỉ cần liếc qua một phát là thấy anh ngay: đi mua Gucci ở Plaza nầy chắc chắn là có nhiều tiền.”

Ông ta mở máy. “Làm ăn mày cũng phải ăn mày có khoa học”.

– Ở nam thanh niên. Ăn mặc sang trọng, mua sắm ở khu vực sang trọng, có thu nhập cao nên tiêu tiền không lưỡng lự.

– Ở những đôi nhân tình. Không thể để mất mặt với bạn gái vì thế nên phải tỏ ra hào phóng.

– Ở các cô gái trẻ đi một mình. Đối tượng chính là ở tuổi từ 20 đến 30. Nếu còn nhỏ quá thì chưa làm ra tiền. Nếu lớn quá thì có thể có gia đình, chồng con nên chi tiêu có giới hạn, tiết kiệm, hạn chế.

3.2. Thu nhập trung bình mỗi ngày

“Từ thứ hai đến thứ sáu, trung bình được khoảng 200 ngàn đồng mỗi ngày. Cuối tuần thì có thể từ 400 đến 500 ngàn.

Tôi cũng làm việc 8 giờ vàng ngọc mỗi ngày, từ 11 giờ đến 19 giờ, cuối tuần đi làm như thường. Mỗi lần xin tiền một người khoảng 5 giây, trừ thời gian đi lại để tiếp cận các mục tiêu, là cứ một phút, tôi nhận được một tờ 1000 đồng. Mỗi ngày 8 giờ nhận được khoảng 480 tờ 1,000$, tính ra tỷ lệ thành công 60% thì thu được khoảng 300 ngàn mỗi ngày.

Chiến lược của tôi, dứt khoát là không bám đuôi khách hàng, vì nếu họ muốn cho thì đã cho ngay từ đầu rồi. Như vậy bám đuôi là lãng phí thời gian có giới hạn.

Có người cho rằng, ăn mày có số hên xui, tôi không nghĩ thế.

Ví dụ. Nếu có một cặp gồm thanh niên đẹp trai và một thiếu nữ xinh đẹp đứng trước shop bán đồ lót và mỹ phẩm, thì tôi đến xin tiền người thanh niên kia, vì trước người đẹp anh ta phải tỏ ra hào phóng, vì keo kiệt là điều mà phụ nữ không thích.

Một ví dụ khác. Hôm nọ, trước siêu thị hạng sang Big C, có một thiếu nữ tay xách gói đồ vừa mới mua ở siêu thị ra, đồng thời, có một cặp nam nữ có vẻ yêu nhau, đang đứng ăn kem. Qua phân tích chớp nhoáng trong óc, tôi đến xin tiền cô gái đứng một mình, cô liền cho tôi 2 tờ 1,000$, vì cô có tiền thừa, tiền lẻ do siêu thị thối lại.

Trái lại, cặp tình nhân đang đứng ăn kem, tay cầm kem nên không tiện mở bóp, lục ví, cho nên họ sẽ trả lời không có tiền lẻ. Thật ra, những người giàu thường xài tiền lớn hoặc thẻ tín dụng.

Làm ăn mày cũng phải động não, nếu cứ nằm ệch ra ở xó chợ, ở cửa chợ, ở cầu thang lên đường vượt giao lộ, bởi vì ở cổng chợ thì khách vội vàng, mang xách cồng kềnh, có ai thuận tiện cho tiền ăn mày bao giờ đâu?”

Anh ăn mày thuật lại một câu chuyện độc đáo. “Có lần, một người nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào lên lầu 100 lần “Hồng ơi! Anh yêu em”, với giá 50 ngàn đồng. Tôi tính ra, cứ mỗi tiếng gọi thì mất 5 giây, so vụ nầy với việc ăn mày thì tôi được 500 đồng, lớn hơn gấp 10 lần gọi 100 tiếng, nên tôi từ chối, vì vừa ít tiền, vừa khan cổ, mất sức lao động.

Ở đây, một tên ăn mày có thể được cho tiền từ 800 lần đến 1,000 lần mỗi tháng, mà tính ra ở thành phố 3 triệu dân nầy, thì trung bình có khoảng 10,000 người bố thí cho một ăn mày, như vậy, tính ra thu nhập được ổn định, cho dù kinh tế thế giới có lên xuống đi nữa, thì tình hình ăn xin ở đây vẫn ổn định.

Tôi thường nói, tôi là người ăn mày vui vẻ, bởi vì ăn mày là nghề nghiệp của tôi, tôi phải hiểu niềm vui do nghề nghiệp mang đến. Nhiều người ăn xin chỉ vui khi nhận được nhiều tiền, tôi bảo chúng rằng, vì vui vẻ nên mới nhận được nhiều tiền.

Lúc trời mưa gió, ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ, oán trách hoặc lăn ra ngủ, tôi bảo chúng đừng nên làm thế, mà hãy tranh thủ cảm nhận vẻ đẹp của thành phố.

Tối về, tôi dắt vợ con đi chơi. Ngắm trời đêm. Nhà ba người nói cười vui vẻ. Có lúc gặp đồng nghiệp ăn mày tôi cũng vất cho họ một vài ngàn đồng để thấy họ được vui. Nhìn họ vui, cũng như nhìn chính bản thân mình vậy”. Một triết lý ăn mày đáng lưu ý.

– Ông cũng có vợ con sao? người khách hỏi.

– Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ. Con tôi đi học. Tôi vay nợ ngân hàng Vietinbank mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ trong 10 năm, vẫn còn 6 năm nữa mới trả hết. Tôi phải nổ lực kiếm tiền. Con tôi phải lên đại học, tôi sẽ cho nó học ngành quản trị kinh doanh để con tôi trở thành người ăn mày xuất sắc hơn bố nó.

3.3. Kỹ thuật Marketing của ăn mày

Gã ăn mày kết luận. “Ăn mày cũng phải cạnh tranh với nhau. Tôi vượt trội hơn bọn đối thủ ăn mày khác là do tôi biết áp dụng bảng phân tích SWOT trong Marketing”.

*(SWOT Analysis gồm có: S=Strengths: ưu thế. W=Weaknesses: điểm yếu, bất lợi. O=Opportunities: thời cơ. T=Threats: nguy cơ)

Ưu điểm S của tôi là tôi không làm cho người ta phản cảm, lánh sợ, là 2 yếu tố tránh được bất lợi (W). Cơ hội (O) thì chỉ là yếu tố bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, cụ thể như thành phố nầy đông 3 triệu người nên có nhiều cơ hội xin được tiền hơn thành phố thưa dân và nghèo. Nguy cơ (T) là thành phố có quyết định tích cực tiêu diệt nạn ăn xin hay không, thành phố nầy không có nguy cơ đó, nên tôi còn đi ăn mày như hôm nay”.

Bảng phân tích tương tự như nguyên tắc: thiên thời, địa lợi, nhân hoà, trong chiến thuật, chiến lược dụng binh của người xưa.

Gã ăn mày nầy có đầu óc của một trí thức, thật là hiếm có.

4* Ăn mày chê tiền

Có câu “Ăn mày mà đòi xôi gấc”. Mới nghe tưởng như việc lạ đời nhưng thật ra nó đã xảy ra ở nhiều nơi trong xã hội Việt Nam ngày nay, làm cho người bố thí phiền hà không ít.

“Cho hai nghìn không đủ mua mớ rau”

Một bà ăn mày nói với cô sinh viên: “Cô tính thế nào chứ hai nghìn bây giờ không đủ mua mớ rau, lần sau mất công cho thì cho tử tế nhé”. Câu nói của bà lão ăn xin làm cho nhiều người phải sốc. Cô sinh viên giải thích: “Bà thông cảm cho, cháu chỉ còn mấy đồng để đi xe bus, nếu có hơn, cháu đã cho bà rồi”. Chứng kiến cảnh trên, một người nói “Ăn mày mà còn đòi xôi gấc”.

Anh Hoàng Anh Tuấn (Cổ Nhuế, Từ Liêm) chia sẻ: “Lần trước đi chùa. Có người xin tiền. Tôi mở ví ra nhưng không ngờ không còn tiền lẻ, tôi đành cáo lỗi, thì anh ta bảo: “Không sao, anh đưa tiền chẵn đi, tôi sẽ thối tiền lại cho”.

Chị Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) góp ý: “Nói thật, có lần tôi gặp chị em nhà nầy đi ăn xin. Thương tâm quá, tôi rút ví cho ba nghìn lẻ. Ngay lập tức, nó gọi tôi lại, giơ tờ 5 ngàn của nó lên bảo “Cho thêm hai nghìn mới đủ mua mớ rau nhé”.

Xã hội bây giờ thay đổi nhiều quá, ăn mày cũng thay đổi thái độ, nhiều khách cho ít tiền bị ăn mày tỏ thái độ khinh rẻ, chửi mắng.

Tại bến xe Mỹ Đình. Khách đang chờ xe. Bố con ăn mày đến. Người cho chục nghìn, người năm ba nghìn, một người cho hai nghìn thì người ăn mày bèn tỏ thái độ. Hắn đưa cái nón đựng tiền ra nói “Không thấy người ta cho bao nhiêu đây sao mà vứt hai nghìn vào đây?”. Nói xong, anh ta nhặt tờ giấy bạc trả lại người cho.

Bà hàng nước bên cạnh ra vẻ bí mật, nói: “Nói nhỏ với mấy chú nhé, lần sau gặp bọn nầy thì nên tránh xa. Toàn là bọn lừa đảo thôi, ngày nào chúng cũng lượn qua lượn lại, thấy khách là nhào đến xin tiền”.

5* Ăn mày thời hê lô, thanh kiu

Việt Nam mở cửa hội nhập thế giới, ăn mày cũng “ăn theo”, ăn mày quốc tế. Ăn mày thời hê lô, thanh kiu.

Ở Hà Nội, một cặp du khách người Tây vừa bước xuống taxi thì một bà ăn mày sà đến, bập bẹ vài tiếng Tây ba rọi. Bà lão rách rưới, dơ bẩn bám miết cặp vợ chồng Tây.

Tờ một đô la được nhận từ cái lắc đầu kèm theo thái độ và ánh mắt khó chịu của du khách, nhưng bà lão ăn mày Việt Nam thì rất vui mừng, vì một khách Tây bằng mười khách Việt. Một đô la ăn 16,000 đồng VN.

Ăn mày thời hê lô, thanh kiu được huấn luyện chuyên nghiệp hơn. Cả một đội quân cái bang, cụt chân, cụt tay, bó bột, quần áo dơ bẩn tả tơi bu vào chèo kéo, bám chân du khách, có người còn xổ một tràng tiếng Tây: “Hello sir, madam, please give me some of ur money pocket” có thể hiểu theo ý như sau, “ông bà Tây ơi, cho tôi vài đồng lẻ đi”.

Huế hết thời mộng mơ rồi

Một người dân Huế thấy cái kịch bản ăn mày Hà Nội diễn ra ở đất Thần Kinh (do câu chuyện Thần bí của Kinh Đô thời Trịnh Nguyễn phân tranh) đã than thở “Huế hết cái thời mộng mơ rồi!”

6* Câu chuyện về Làng ăn mày
6.1. Làng Ăn Mày Quảng Thái

Hồi tháng 6 năm 2012, bí thư đảng ủy xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Năm 1993, xã Quảng Thái nổi tiếng vì thành tích có đông người ăn mày nhất nước. Chỉ có 9,000 dân mà đã có 700 trẻ em nghỉ học ra thành phố lang thang đi ăn xin. Trường Phổ thông Cơ sở xã Quảng Thái lúc đó buồn thiu, chỉ còn có hai lớp với vài chục học sinh”.

Nhắc lại việc cả làng đi ăn mày, ông Cao Tiến Việt, Bí thư xã cho biết, đó là thành hoàng (Thành hoàng là Thần được dân làng thờ ở đình làng) của làng Quảng Thái là một ông tổ nghề ăn mày, nên được dân địa phương coi nghề ăn mày là cha truyền con nối. Thật sự là từ nhiều đời, đình làng nầy thờ thành hoàng là ông tổ nghề ăn mày.

Nhưng thực tế không phải vậy. Người dân đi ăn mày là do hậu quả của nghèo đói. Xã không có đất canh tác, địa phương phải hứng nhiều trận bão, cộng thêm thời kinh tế bao cấp của Chủ Nghĩa Xã Hội, dân đói, nên đi xin ăn.

Chính quyền xã không có biện pháp cứu trợ hoặc giúp đở vật chất, mà chỉ phát động tuyên truyền, đến từng nhà động viên cha mẹ, nhờ họ kêu gọi con em trở về tiếp tục đi học. Chị Nguyễn Thị Dục, Chủ tịch Phụ Nữ xã cho biết, đi đến đâu cũng được trả lời như nhau “Con tôi sinh ra, cho nó đi đâu, làm gì là quyền của tôi. Không ai giúp đở chúng tôi thì xin đừng xía miệng vào. Kêu nó về thì lấy gì mà ăn, tiền đâu mà đi học? Làng xã cho có chúng tôi đồng nào không?. Bộ chúng tôi muốn cho con đi ăn mày lắm hay sao?”

Trước tình trạng đó, cơ quan văn hoá thông tin xã đi giải thích về việc cha mẹ phải bảo vệ quyền trẻ em mà Liên Hiên Hiệp Quốc quy định, đó là: trẻ em có quyền được sống với gia đình, quyền được chăm sóc sức khoẻ, quyền được đi học…, mà quốc tế công nhận. Việc kêu gọi như thế là vô ích trước tình trạng của Làng Ăn Mày Quảng Thái nầy.

Trong 400 hộ ở Quảng Thái có 249 hộ có người đi ăn xin chuyên nghiệp. Các nhà nghiên cứu cho biết: năm 1995 có 571 lượt người đi xin ăn, năm 1998 có 167 lượt.

Quảng Thái trở thành một “thương hiệu” của ăn mày. Bí thư Cao Tiến Việt cho biết, “Cái khổ nhất là nhiều người ở tỉnh khác, đi xin ăn đều bảo là người của Quảng Thái, có nghĩa là ăn mày rặt nòi, chính hiệu, họ lấy cái danh mà thiên hạ đặt cho Làng Ăn Mày để làm kế sinh nhai.

Cái khổ do người ăn mày tạo ra chưa dứt, thì đến cái khổ của những tờ báo ngồi ở Hà Nội, Sài Gòn viết về Quảng Thái, đó là tờ báo “T” ở Sài Gòn, báo “G” của một cơ quan dân số, đã viết những bài hoàn toàn sai sự thật về Quảng Thái. Họ thêm mắm dậm muối, nào là có “lớp dạy trẻ em ăn mày”, “trẻ em bỏ học để đi ăn mày”, “ăn mày xây nhà 3 tầng”.

Năm 2004, nước Hoà Lan đến giúp dân làng trong đề án C.A.M (Chống Ăn Mày). Đến năm 2012, tỷ lệ nghèo đói vẫn còn cao là 26.3%.

6.2. Huyền thoại về ngôi mộ ông tổ Cái Bang Làng Quảng Thái
Trong dân gian có lan truyền về câu chuyện bốc mộ thành hoàng.

Thành hoàng là ông thần được thờ trong Đình làng, được tôn trọng, xem như thần hộ mạng, bảo vệ đời sống sung túc và an cư lạc nghiệp của dân làng. Mỗi năm có tổ chức lễ Kỳ Yên, tức là lễ cầu an, cúng bái, bày những trò vui chơi như hát chèo, hát bội, chọi gà, chọi trâu, đánh cờ…

Câu chuyện về thần ăn mày Quảng Thái. “Đó là một ngày rất xa xưa, khi người dân bốc mộ thành hoàng, thì bốc nhằm mộ của một người ăn mày có tiếng tăm trong làng. Cả làng chưa biết làm sao thì các phụ lão bảo phải mời thầy pháp, thầy phù thủy trong vùng đến xem xét lại long mạch và chỉ lối cho dân làng phải làm gì.

Đứng trước ngôi mộ mới đào lên, thầy phù thủy phán rằng: “Để cho linh hồn của người ăn mày được bình yên, hài long, và có đủ quyền uy bảo hộ bá tánh, thì từ nay trở đi, hàng năm, cứ sáng mồng một Tết nguyên đán, thì từ lý hào, điền chủ đến dân đen, phải đóng cửa, đi ăn mày ở xứ người.” Huyền thoại cả làng đi ăn mày vào ngày Tết bắt đầu từ đó, được truyền tụng trong dân gian”.

Và hiện tượng cả làng đi ăn mày vào ngày mồng một Tết là có thật trong quá khứ. Trước kia, thời nhà Lê, vua Lê Thánh Tông cho thi hành chính sách “ngự binh ư nông” trên mảnh đất vùng biển nầy, tức là cho quan quân triều đình đến trấn giữ bờ biển và tự túc lương thực bằng làm nghề nông.

Một lần khi Tết Nguyên đán gần kề, chánh sứ Tô Chính Đạo dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, khi chiến thắng trở về, tổ chức khao quân và ăn Tết vào tháng hai âm lịch. Tục ăn Tết trễ được giữ những năm sau đó, có lẻ để nhớ ơn những người lập ấp và giữ nước.

Lịch sử ghi như thế, nhưng dân gian những thế hệ sau truyền miệng là dân làng bỏ Tết đi ăn mày. Thật ra cũng không có gì lạ cả, do mê tín mà có nhiều làng sùng bái như thờ cúng những người chết vào giờ trùng như “Thần chết nghẹn”, họ  thờ “Thần Tà  Dâm”, Thần rắn“. Ở xã Lộng Khê, huyện Phủ Dực, tỉnh Thái Bình dân làng thờ “Thần Ăn Trộm”, làng Đông Thôn, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông dân làng thờ “Thần trẻ con”…

7* Luật tàn nhẫn ở lò đào tạo ăn xin

Ngày 10-6-2012, nhóm phóng viên điều tra đưa lên bài viết tựa đề “Luật tàn nhẫn ở lò đào tạo trẻ ăn xin”

Nhiều trùm chăn dắt đánh đập trẻ em đến tàn tật để người khác rủ lòng thương mà cho tiền.

Các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung đông đảo nhất trẻ ăn xin từ 4 tuổi đến 12 tuổi. Nhiều người thường có chung một ý nghĩ, đó là những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, nhưng thật ra có rất nhiều trẻ em là nạn nhân của những tên trùm chăn dắt ăn xin.

7.1. Huấn luyện trẻ ăn mày bằng roi da

Hồi tháng 5 năm 2012, Sài Gòn bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông sau những cơn mưa tầm tã. Trong dòng xe hì hụt nhích từng bước trên biển nước, Nguyễn Văn Tí, 12 tuổi quê An Giang, khập khiễng bì bõm lết đi xin tiền hết người nầy đến người khác. Vẻ mặt sợ hãi đến tội nghiệp của em bé khiến ai cũng thương cảm.

Tí cho nhóm phóng viên biết, năm 6 tuổi em bị cha mẹ bán cho một người tên Tuấn ở Sài Gòn.

Vừa bước chân vào nhà ông ấy thì bị một trận đánh phủ đầu dằn mặt. Đám đệ tử của ông ấy huấn luyện suốt hai tháng để trở thành một ăn mày chuyên nghiệp. Ông ấy dùng roi mây, roi da đánh vào chân cho đến khi chân không còn cảm giác, phải đi khập khiễng mới thôi.

Được Tí giúp đở, nhóm phóng viên đến tìm hiểu tại một lò đào tạo trẻ ăn mày ở quận 7 do người chăn dắt là ông Bính, 56 tuổi.

Đường dây nầy có 15 trẻ em, trong đó có Tí được coi là “mỏ vàng số 1”. Vào lúc 14 giờ, ông Bính lăm lăm cái roi da trên tay, miệng luôn hò hét đám đàn em huấn luyện 4 em “lính mới” từ 10 đến 12 tuổi. Ông Bính liên tục quất roi da vào chân cẳng những đứa bé cho đến khi có tiếng thét thất thanh “Chú đừng đánh cháu nữa. Cháu đã gãy chân rồi!”.

Cạo đầu, đánh vào bộ phận sinh dục, bẻ gãy chân hoặc gãy tay, bỏ đói, cho ăn muối trộn ớt để hành hạ và khống chế trẻ ăn xin.

7.2. Phát biểu của Hội Bảo Vệ Trẻ Em Sài Gòn

Ông Huỳnh Văn Bình, Hội Bảo Vệ Trẻ Em Sài Gòn cho biết, việc làm của những tên trùm chăn dắt nầy quá tàn nhẫn và độc ác. Họ bóc lột thậm tệ những đứa trẻ còn quá nhỏ, chính quyền chưa chấm dứt được địa ngục trần gian của đám trẻ đáng thương nầy.

Những đường dây chăn dắt thường thay đổi chỗ ở luôn nên công an khó khám phá. Thật ra, việc triệt hạ các đường dây chăn dắt cũng dễ thôi. Việc đơn giản nhất là theo dõi đám trẻ ăn mày về tận ổ cũng không khó khăn gì.

8* Ăn mày ở Trung Cộng

8.1. Trung Cộng gom ăn mày vào cũi sắt

Để tránh nạn ăn mày quấy rầy và lừa gạt du khách, nhiều địa phương ở Trung Cộng đã gom họ vào trong cũi sắt.

Ngày 15-9-2012, nhân ngày lễ hội ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, nhà nước đã dựng một cái lồng sắt dài 50 mét phía trước cổng miếu, nhốt tất cả ăn mày vào trong đó. Trẻ nhỏ, con cái ăn mày cũng bị nhốt luôn.

Biện pháp nhất thời nầy chỉ ngăn chặn trong ngày lễ nhưng không phải là giải pháp chấm dứt được nạn ăn mày.

8.2. Những hiện tượng ăn mày gây xôn xao ở Trung Cộng

Cộng đồng cư dân mạng Trung Cộng, nhất là tuổi trẻ, bị cấm và hạn chế nhắc đến những cụm từ như “Thiên An Môn”, nhân quyền, tự do, dân chủ…nhưng được tự do nói về những đề tài hot boy, hot girl và tài tử điện ảnh…

8.2.1.”Lãng tử nhặt rác” làm chao đảo cư dân mạng

Đầu năm 2012, tại một khu phố ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, thường xuất hiện một chàng ăn mày bảnh trai, phong cách sành điệu giống như diễn viên nổi tiếng Tạ Đình Phong. “Lãng tử nhặt rác” là cái tên mà dân cư trên mạng đặt cho anh ta.

Qua những bức ảnh được tung lên mạng, nhiều người mô tả “hot boy ăn xin” nầy thích mặc áo vest, đeo kính râm, đội nón bạc, luôn luôn có điếu thuốc trên môi, đầy phong cách một lãng tử. Thế là nhiều cô gái đua nhau bàn tán về lãng tử nhặt rác nầy như là một thần tượng của họ.

8.2.2. Hot boy xuyên lục địa

Một chàng trai khác tên là Cheng Guoreng, nổi bật đầy chất phong trần, bụi bặm, được các cô đặt cho cái biệt danh là “Chàng ăn mày phong lưu đệ nhất”. Tin tức trên mạng khiến cho báo chí dưới đất liên tục săn đón như đối với một siêu sao điện ảnh vậy.

Cheng Guoreng sống tha phương cầu thực ở Ninh Ba, Chiết Giang. Hình ảnh bề ngoài bảnh trai, bụi đời, sương gió, đã thu hút sự hâm mộ, không những chỉ ở Trung Cộng mà thậm chí còn lan sang Nhật Bản và Nam Hàn nữa. Đúng là gã ăn mày xuyên lục địa đã làm cho dân mạng xôn xao một thời.

8.2.3. Hot boy ăn mày sành điệu nhất

Giữa năm 2012, một chàng ăn mày có phong cách phong lưu, lịch lãm tên là Zhou Fei trở nên nổi tiếng với danh hiệu “Gã ăn mày sành điệu nhất Trung Quốc”. Lang thang từ năm 14 tuổi với quyết tâm trở thành ăn mày chuyên nghiệp vào năm 2011. Khi ăn xin, mặc bộ đồ vest giá 600 USD, xức dầu thơm đắt tiền và tạo kiểu tóc.

“Doanh thu” của Zhou Fei lệ thuộc vào thời tiết, có ngày được 1,500 USD nhưng cũng có hôm không được đồng xu ten nào cả.

8.2.4. Lãng tử nhặt rác đốn tim fan nữ

Giữa tháng 3 năm 2013, một hiện tượng “hot boy ăn mày” khác xuất hiện ở phố Liễu Cảng tỉnh Sơn Tây. Chàng “hoàng tử nhặt rác” nầy thu hút khách đi đường bởi chiều cao độ 1m80, gương mặt tự tin, mái tóc lãng tử cùng cặp kiếng râm sành điệu, xử dụng xe đạp làm phương tiện hành nghề. Khoát lên chiếc áo vest, vác trên vai một bao rác, điếu thuốc luôn ngậm trên môi.

Khi có người hoặc ống kính hướng đến, thì chàng trai vẫn tỏ thái độ thản nhiên, đồng thời, cử chỉ điệu bộ giống như một diễn viên đang tạo dáng chụp hình.

Một trang mạng của nhóm teen girl liên tục cập nhật hình ảnh và thông tin của “hoàng tử ăn mày” lạ lùng nầy. Hình ảnh của chàng trai bụi khiến cho một cô gái muốn phát điên lên thú nhận như bị tiếng sét ái tình. Thật là không sao hiểu nổi bọn con gái tàu khựa trong thời buổi nầy được.

9*. Lịch sử Cái Bang trong tiểu thuyết Kim Dung

Ảnh hưởng của tiểu thuyết Kim Dung đã ăn sâu vào xã hội Việt Nam, hai chữ “Cái Bang” thường được báo chí xử dụng để chỉ người ăn mày, ăn xin, hành khất, trên đường phố.

Trong tiểu thuyết, Cái Bang là một bang hội gồm những người không thích làm việc, mà chỉ muốn xin thức ăn thừa của thiên hạ. Kim Dung mô tả Cái Bang là Đệ nhất bang, gồm trên 60 vạn ăn mày, Đông Tây Nam Bắc, nơi nào có ăn mày là có Cái Bang, chủ trương làm việc nghĩa.

9.1. Lịch sử Cái Bang

Theo lời kể của Hồng Thất Công, Bang chủ đời thứ 18, thì Cái Bang có một lịch sử lâu đời, khoảng từ thời nhà Đường của Lý Thế Dân và thời Thiếu Lâm bắt đầu khai môn lập phái.

Bang Chủ đầu tiên là Hồng Tứ Hải sáng tạo ra 18 chiêu Hàng Long chưởng, tức là 18 chưởng chí cương buộc rồng phải đầu hàng, còn Đả Cẩu Bổng pháp thì chưa hoàn thiện.

Đến đời thứ ba thì Bang chủ bổ sung thành 36 chiêu hoàn chỉnh.

Thời cực thịnh của Cái Bang là lúc Kiều Phong làm Bang Chủ đời thứ 8, đã lập được nhiều chiến công cho võ lâm Trung Nguyên và nước Đại Tống. Nhưng Kiều Phong mất sớm, Cái Bang như rắn không đầu nên uy danh không còn lừng lẫy nữa. Đến đời Bang Chủ thứ 18 là Hồng Thất Công, thì Cái Bang khôi phục lại một phần nào.

Bang chủ thứ 19 là Hoàng Dung, nữ Bang chủ đầu tiên và sau đó chỉ có một nữ Bang chủ là Sử Hồng Thạch, con gái của Bang chủ Sử Hỏa Long.

9.2. Hệ thống tổ chức

Hệ thống tổ chức của Cái Bang cũng đã có những thay đổi. Thời Bắc Tống, ngoài Bang chủ ra, có Tứ Đại Trưởng Lão và hai trưởng lão Chấp pháp và Truyền Công.

Thời Nam Tống, Cái Bang chia làm hai phái, phái áo dơ là Ô Y, và phái Áo Sạch là Tịnh Y.

Đến thời nhà Minh thì chỉ có hai lãnh đạo cao nhất là Trưởng Bát Long Đầu và Trưởng Bảng Long Đầu.

Đệ tử Cái Bang cũng được chia theo đẳng cấp: mới gia nhập thì thuộc cấp một (1 túi), rồi từ từ, theo công lao và thành tích mà thăng lên cấp hai (2 túi), cấp ba (3 túi)… cao nhất là các trưởng lão cấp tám (8 túi), cấp chín (9 túi). Trên hết là Bang Chủ, Bang Phó và 4 Đại Trưởng Lão.

Cái Bang được coi là tai mắt của thiên hạ. Khắp 4 phương: Đông Tây Nam Bắc, chỗ nào có ăn mày là có Cái Bang. Hệ thống tìm kiếm, thu thập tin tức và thông tin liên lạc là sở trường của tổ chức ăn mày nầy.

Đệ tử Cái Bang được phép học võ của bất cứ môn phái nào khác, nhưng tuyệt kỹ của hai môn võ trấn bang là Hàng Long Thập Bát Chưởng và Đả Cẩu Bổng Pháp (Gậy đánh chó) chỉ truyền cho bang chủ đời kế tiếp mà thôi. Trong nghi thức nhậm chức Bang chủ thì mọi người lần lượt đến phun nước miếng (nước bọt) vào đầu Bang chủ mới.

9.3. Những Bang chủ có tiếng tăm

Những Bang Chủ được biết đến nhiều nhất là: Kiều Phong (đời thứ 8), Du Thản Chi (thứ 9), Hồng Thất Công (thứ 18), Hoàng Dung (thứ 19), Lỗ Hữu Cước (thứ 20), Gia Luật Tề (21), Sử Hoả Long (25), Sử Hồng Thạch (26), và Bang chủ sau cùng, đời thứ 45 là Trạng Nguyên Tô Khất Nhi (Tô Sáng) ở tỉnh Quảng Đông.

Cái Bang của Kim Dung là những người hành hiệp trượng nghĩa, có thời kỳ tham gia việc bảo vệ đất nước cho nên bị kẻ thù cài người vào nằm vùng đánh phá, gây chia rẻ để làm suy yếu bang hội nầy. Cụ thể là hoàng tử Hoắc Đô của Mông Cổ ngụy trang làm ăn mày nằm vùng, ra tranh chức Bang chủ với Gia Luật Tề, con rể của Quách Tĩnh – Hoàng Dung,  với mục đích là chiếm giữ chức “Chủ tịch cộng đồng” Cái Bang để đánh phá và gây chia rẻ đoàn thể, nhưng đã bị vạch mặt, bị chửi tơi bời, nhục nhã và thất bại thê thảm.

10* Kết

Những tiêu cực của ăn mày Việt Nam chỉ là một khía cạnh của muôn ngàn tiêu cực của xã hội Việt Nam ngày nay. Xã hội thay đổi, ăn mày cũng thay đổi, ngày càng xấu xa hơn.

Tình trạng bắt trẻ em đi ăn xin ngày càng phổ biến và tràn lan trên các thành phố lớn, nhất là thành phố mang tên bác, thành phố Hồ Chí Minh.

Những kẻ tán tận lương tâm, độc ác đã lạm dụng các em nhỏ không đủ sức kháng cự để tự vệ. Họ hành hạ mục đích để các em trở thành tàn tật, như lấy dao lam rạch miệng, rạch mặt, đánh cho gãy chân hoặc gãy tay, dùng cây chọc thủng lổ tai cho thành điếc, rồi đưa các em bé thân tàn ma dại, tật nguyền, tàn phế lê lết, lang thang trên các nẻo đường, xin tiền mang về nạp cho những kẻ chăn dắt độc ác.

Tệ hơn nữa, các em còn là nạn nhân của người ruột thịt như cô chú, bác ruột, thậm chí chính cha mẹ của các em nữa. Đúng là xã hội Việt Nam đang ở “thời kỳ đồ đểu”.

Trúc Giang
Minnesota ngày 6-6-2013

Làng Fatima, Bồ Ðào Nha

Làng Fatima, Bồ Ðào Nha

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Nếu bạn đang đâu đó trong đất nước Portugal vào ngày 13 tháng 5, thì có lẽ bạn sẽ thuê xe đi Fatima ngay chỉ vì một lý do duy nhất: một Thánh lễ quốc tế được tổ chức ở đây mỗi năm một lần để kỷ niệm ngày Ðức Mẹ Maria đã hiện ra nói chuyện với 3 đứa trẻ chăn cừu vào năm 1917.

Rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo và du khách từ khắp mọi nơi đổ dồn về thánh địa Fatima vào ngày này. Hình như tôi có được duyên lành với địa danh linh hiển Fatima nên tôi có mặt ở đây đúng vào ngày Thánh lễ mà không hề có sự sắp xếp trước.

Nhà nguyện Ðức Mẹ Hiển Linh, Vương Cung Thánh Ðường và quảng trường Fatima vào ngày 13 tháng 5. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Fatima chỉ cách Lisbon khoảng 120km về hướng Bắc và bây giờ không còn là một ngôi làng nhỏ vùng quê nữa.

Những ngôi nhà gạch, những building đã thay thế những ngôi nhà xiêu vẹo năm xưa. Ðức Mẹ hiển linh cũng đã gần 100 năm rồi! Câu chuyện kể vào ngày 13 tháng 5 năm 1917, 3 đứa trẻ chăn cừu Lucia, Francisco, và Jacinta đã có cơ duyên được gặp Ðức Mẹ. Bà hiện ra bên trên cây sồi (holmoak) và được Lucia mô tả là hình ảnh “Bà mặc áo trắng, tay cầm chuỗi hạt. Hình ảnh Bà sáng chói hơn cả mặt trời.”
Cả 3 đứa trẻ không phải chỉ gặp Ðức Mẹ 1 lần mà chúng đã gặp Bà đến 6 lần. Năm lần gặp đều đúng vào ngày 13 của các tháng 6, 7, 9, 10. Một lần thì chúng gặp gỡ Bà vào ngày 19 tháng 8. Nội dung chính vào các lần gặp gỡ, Ðức Mẹ đã gửi thông điệp và những tiên tri đến con người qua 3 đứa trẻ. Những điều tiên tri đó đúng như thế nào thì cũng tùy theo suy tư và đức tin của từng người. Nhưng riêng tôi thầm nghĩ một điều là 3 đứa trẻ, đứa lớn nhất là Lucia cũng chỉ mới 10 tuổi, Francisco 9 tuổi và đứa nhỏ nhất Jacinta mới 7 tuổi. Chúng đều ở một cái tuổi (vào thời đó) con nít chưa biết nói dối. Việt Nam mình có câu “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nên tôi tin là chúng “nói thật,” có nghĩa là tôi tin vào những thông điệp và những tiên tri của “Bà áo trắng hiện trên cây sồi” đã nói với các đứa trẻ chăn cừu đó.

Tượng Thánh Giá trên quảng trường Fatima và rất đông người tham dự buổi Thánh lễ. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Nhưng hai đứa trẻ Francisco và Jacinta chết sớm 2 năm sau đó vì bệnh. Riêng cô bé Lucia thì sau này trở thành nữ tu của Religious Sister of Saint Dorothy. Bà mất năm 2005 thọ 97 tuổi. Theo những thông tin của Fatima thì sau này Lucia vẫn còn gặp Ðức Mẹ thêm 3 lần nữa, một vào tháng 10, 1925, một vào 15 tháng 2, 1926 và lần cuối vào đêm 13 rạng sáng 14 tháng 6, 1929.
Những gì “Bà áo trắng, sáng hơn cả mặt trời” đã nói với các đứa trẻ chăn cừu trở thành 3 điều tiên tri bí mật Fatima. Hai điều bí mật đầu đã được Lucia nói ra sớm, nhưng điều thứ 3 thì mãi đến năm 1944 Luciua mới tiết lộ cho Tòa Thánh Vatican. Ðiều bí mật thứ nhất nói về sự chấm dứt Thế Chiến Thứ I và sự khởi đầu của Thế Chiến Thứ II. Ðiều bí mật thứ hai nói về sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Ðiều “bí mật thứ ba Fatima” thì lại bị Tòa Thánh Vatican giữ kín cho đến ngày 13 tháng 5, 2000 mới được Ðức Giáo Hoàng John Paul II công bố. Ðó là lời tiên tri về sự việc Ðức Thánh Cha bị ám sát và sự ăn năn thống hối trở về lại niềm tin Thiên Chúa của nước Nga. Câu chuyện về các điều bí mật Fatima cũng đã ít nhiều được nhân loại biết đến, mức độ tin như thế nào thì cũng tùy theo đức tin của mỗi người.

Tượng Ðức Mẹ được đặt ngay chỗ cây sồi, nơi Ðức Mẹ đã hiện
ra gặp 3 trẻ chăn cừu. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Mỗi năm vào trước ngày 13 tháng 5 các tín đồ Thiên Chúa Giáo từ khắp nơi đổ về
ngôi làng Fatima nhỏ bé để tham dự buổi Thánh lễ ngày Ðức Mẹ hiển linh. Nhiều
đoàn người đã cắm lều chung quanh quảng trường Fatima vì vào tuần lễ này không
dễ dàng tìm được hotel tại Fatima. Cả thành phố nhỏ bé Fatima chỉ có vào khoảng
10,000 phòng trong khi số lượng người đến đây có khi đến hàng trăm ngàn mỗi khi
có dịp cử hành các buổi Thánh lễ.

Tôi đến Fatima hơi trễ, hơn 10 giờ sáng, nên cứ tưởng Fatima ít người. Khi bước
chân vào đến quảng trường thì mới kinh ngạc. Số lượng người đông vô số kể,
không làm sao có thể vượt lên đến khu vực Nhà-Nguyện-Ðức-Mẹ-Hiển-Linh. Thánh lễ
đã bắt đầu trước đó ít lâu, những lời cầu nguyện của vị giám mục dâng lễ vang
lên trong những speaker treo quanh quảng trường.

Số lượng khoảng 200,000 người đến từ khắp nơi trên thế giới, tụ hội về đây tham
dự Thánh lễ. Ðiểm đặc biệt là mọi người đã tụ hội với một thái độ thân thiện
cởi mở cho dù không cùng màu da, không phân biệt dân tộc, không phân biệt tuổi
tác. Một điều thực tế không hề đơn giản chút nào khiến tôi suy nghĩ về hai chữ
đức tin. Có lẽ đức tin đã mở được cửa trái tim yêu thương của con người nên
người ta nhân nhượng nhau, tặng nhau nụ cười nhiều hơn khuôn mặt cau có. Có thể
sau khi ra khỏi quảng trường Fatima, khi không còn nhìn thấy nhà nguyện Ðức Mẹ
Hiển Linh nữa thì người ta lại trở lại với cái “thật” con người, bao nhiêu nụ
cười mất đi cả, bao nhiêu nhân nhượng thân thiện yêu thương trả lại cõi trên.
Không biết có phải khi đức tin đi vắng, con người chỉ còn gìn giữ được sự giận
dữ, đố kỵ, bon chen, dối trá và ích kỷ.

Người thiếu phụ Phi Châu đi bằng hai đầu gối cùng đàn con
dâng hoa Ðức Mẹ. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cả quảng trường hát vang những lời thánh ca, tôi không hiểu được một chữ (ngoài
chữ Amen) vì các vị giám mục làm lễ bằng tiếng Portugese, đôi khi có cả tiếng
Anh. Khắp quảng trường, đâu đâu cũng thấy người đứng kín khắp nơi, hướng về
ngôi nhà nguyện Ðức Mẹ Hiển Linh đọc kinh cầu nguyện và hát thánh ca. Người
hướng dẫn địa phương cho biết năm 2000 khi Ðức Giáo Hoàng John Paul II đến
Fatima thì con số người tham dự lên đến nửa triệu người, một con số không thể
hình dung được ở không gian quảng trường Fatima. Bên ngoài quảng trường những
ai không có chỗ đứng, đành phải đi dạo quanh hoặc ngồi đợi hết Thánh lễ rồi mới
đi vào khu nhà nguyện, hướng về tượng Ðức Mẹ tìm một chỗ đứng đọc kinh. Buổi
Thánh lễ khá dài, suốt từ 10 giờ sáng mãi đến gần 1 giờ trưa thì các tín đồ mới
hát chào và vẫy khăn chia tay với Ðức Mẹ.

Tháng 5, Fatima tuy có mát vào buổi chiều tối nhưng lại khá nóng vào buổi trưa,
sức nóng lên đến hơn 90 độ F, có những cụ già đã không chịu nổi cái không khí
nóng bức lẫn sự đông người nên ngất xỉu và đành phải bỏ ngang Thánh lễ. Nhưng
hình ảnh làm tôi cảm động nhất là những hình ảnh như bà mẹ da đen Phi Châu, tay
cầm bó hoa tay dắt ba đứa con thơ, có đứa còn ngồi trên xe đẩy. Bà quì và đi
bằng hai đầu gối để đến bên Ðức Mẹ dâng hoa cầu nguyện. Có bà mẹ Châu Mỹ bế con
thơ trên tay, vừa quì vừa đi bằng hai đầu gối vừa đọc kinh cầu nguyện. Bà mẹ
này hãy còn trẻ lắm, nhưng sao lại có được một đức tin như vậy! Có người phụ nữ
lớn tuổi đến từ Brazil, hai đầu gối bà quá mỏi cộng với sức nóng giữa trưa, gần
như không còn bò nổi trên đường đến bên nhà nguyện Ðức Mẹ Hiển Linh, nhưng bà
đã quyết không bỏ cuộc. Tôi nhìn theo từng bước cố gắng của bà. Bà vừa quì, vừa
bò lê vừa làm dấu Thánh giá mỗi khi quá mệt và cuối cùng bà cũng đến nơi, mắt
hướng về tượng Ðức Mẹ với nụ cười rạng rỡ.

Dù xác thân mệt mỏi, nhưng với đức tin mãnh liệt, nhiều
tín đồ vẫn không bỏ cuộc. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ngoài những hình ảnh cảm động như trên, còn có hình ảnh làm tôi kinh ngạc khi
bắt gặp người phụ nữ ngồi lật từng trang kinh ngồi đọc giữa quảng trường hực
nóng. Và dĩ nhiên còn nhiều hình ảnh khác cũng tô đậm vào tâm hồn tôi trong
buổi thánh lễ Fatima 13 tháng 5. Làm sao tôi có thể diễn tả hết được sự cảm
động trong tâm tư của mình trước những hình ảnh như thế!

Ba trăm ngàn người tham dự một buổi meeting không phải là một số lượng nhỏ.
Nhưng làm sao để số lượng người lớn như vậy có một không gian thân thiện cởi mở,
nụ cười nhiều hơn tiếng la hét thì không phải là dễ. Những ngày tháng qua ở các
đất nước vùng Trung Ðông cũng có hàng chục ngàn người tụ họp để đòi hỏi một nhu
cầu nào đó trong đời sống, nhưng người ta đã được những gì sau đó. Những hận
thù tiếp nối, những điều đau thương liên tục xảy ra. Những cuộc tụ họp đó không
dựa vào đức tin, không dựa vào tình yêu thương nên người ta không nhân nhượng
nhau, người ta chỉ có bạo lực hận thù để đạt đến những điều nhất thời, để thỏa
mãn một yêu sách nào đó, nên người ta vẫn chạy trong vòng đau khổ. Phải chăng
Thượng Ðế đã ngủ quên trong đức tin của họ!

Từ thế kỷ 20 chủ nghĩa cộng sản đã có cả một khoảng thời gian dài tưởng rằng có
khả năng ngự trị trên trái đất này, tưởng rằng có thể dùng bạo lực tiêu diệt
giai cấp để đem lại cơm no áo ấm cho nhân loại. Nhưng chỉ hơn 80 năm thì con
người muốn quên hẳn đi chủ nghĩa cộng sản, quay mặt với quá khứ cộng sản và rất
ghê sợ nó. Chưa có một đất nước nào theo chủ nghĩa cộng sản mà đời sống tinh
thần người dân đất nước đó được bình yên thăng tiến thì còn nói gì đến chuyện
đủ ăn đủ mặc. Di sản của chủ nghĩa cộng sản để lại cho xã hội của họ là những
gian dối, lừa lọc, tham ô, ích kỷ từ cá nhân đến gia đình và xã hội. Cần bao
nhiêu năm nữa thì những di sản này mới tẩy sạch được trong các xã hội cộng sản
cũ. Hãy thử tìm xem có một đất nước nào theo chủ nghĩa cộng sản mà có một hàng
ngũ lãnh đạo liêm chính và một sự công bằng tối thiểu cho người dân!

Ngồi đọc kinh giữa trời nắng gắt tại quảng trường Fatima.
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Chính nước Nga cũng đã quay lưng với chủ nghĩa cộng sản trở về với nguồn cội Chính
Thống Giáo của mình, trở về với niềm tin vào Thiên Chúa và Ðức Mẹ. Ngôi nhà thờ
Chúa Cứu Thế vĩ đại đã được xây lại ngay tại trung tâm Moscow. Ngôi nhà thờ
Chúa Cứu-Rỗi-Trên-Máu, Ðại giáo đường Ðức Mẹ Kazan và đại thánh đường St. Issac
tại St. Petersburg và biết bao nhiêu ngôi nhà thờ bé nhỏ khác cũng đã được
trùng tu xây dựng lại to lớn hơn, nguy nga tráng lệ hơn ngày xưa để trả về lại
cho tâm linh người dân Nga một sức sống niềm tin mãnh liệt hơn bao giờ hết. Bí
mật thứ ba của Fatima là nước Nga ăn năn trở lại không còn là bí mật nữa, chúng
ta đã và đang chứng kiến ngay từ đầu thế kỷ 21. Một mảnh tường đổ vỡ Berlin
được đem về dựng trong quảng trường Fatima như là một kỷ niệm nói về sự chia
tay của con người đối với chủ nghĩa cộng sản.

Fatima mang những thông điệp từ một tôn giáo tạo thành một niềm tin, một đức
tin cho con người sống trong tình thương yêu đùm bọc, thân thiện và nhân nhượng
lẫn nhau. Có những đức tin mình chỉ học được khi nhìn thấy những người khác
biểu lộ đức tin đó. Tôi không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng tôi cũng
chưa bao giờ lại cảm thấy rõ ràng Ðức Mẹ lại đến gần tâm tư tôi như thế. Không
phải số lượng người tham dự Thánh lễ 13 tháng 5 đã thu hút tôi mà chính những
người cho tôi nhìn thông suốt được đức tin nơi họ, bất chấp mọi sự cực khổ để
đến gần Ðức Mẹ. Ðiều đó mới chính là cục nam châm thu hút tâm hồn tôi trong
ngày Thánh lễ. Ðức tin luôn ở trong tâm hồn con người.

Anh Nguyễn v Thập gởi

Cô bé 10 năm làm bạn với rừng hoang dã châu Phi

Cô bé 10 năm làm bạn với rừng hoang dã châu Phi

Tippi sinh ra ở Namibia nhưng được theo chân cha mẹ là cặp đôi nhiếp ảnh gia động vật bôn ba khắp nơi ở châu Phi. Cô bé có một cậu anh trai voi và người bạn thân là một con báo gấm.

Những hình ảnh ghi chép về cô bé Tippi Benjamine Okanti Degre trải qua 10 năm đầu đời trong bụi rậm châu Phi, sống hòa nhập với các động vật hoang dã như người thân trong gia đình. Hiện nay, Tippi đã 23 tuổi và cuốn sách “Tippi: My book of Africa” hiện đang rất nóng trên kệ sách khắp thế giới.

 

Cha mẹ Tippi đã dành tuổi thơ của con gái trong rừng châu Phi suốt 10 năm đầu đời

Cha mẹ cô là người Pháp và vốn yêu thích công việc nhiếp ảnh cuộc sống hoang dã nên họ đã bắt đầu hành trình đặc biệt của mình ở nhiều nơi trên đất châu Phi. Hàng ngày, Tippi phải đảm bảo không cho lũ khỉ ăn cắp chai lọ, đồ đạc của mình. Và vô tình cô đã yêu thích chính những loài động vật ở đây. Giống như một sân chơi vĩ đại, họ sống trong một túp lều, hoàn toàn tự nhiên, và cô bé Tippi thật may mắn khi được thức dậy dưới ánh nắng mặt trời chói chang và trong vòng tay cha mẹ mình.

Tippi trò chuyện với động vật bằng giọng nói thân thiện và ánh mắt trìu mến đến từ trái tim ngây thơ của mình, Thậm chí cô còn không để ý tới sự khác biệt vê kích thước với chú voi mà cô nhận là anh trai. Có một mối liên kết vô hình ràng buộc giữa con người nhỏ bé với những sinh vật nơi hoang dã châu Phi. Cô bé chưa từng sợ hãi khi sống như vậy.

Tippi hạnh phúc lăn ra ngủ với cậu bạn thân

Đôi khi chuyện không may vẫn thường xảy ra mặc dù không quá nghiêm trọng. Bố mẹ Tippi từng sợ hãi khi thấy một chú sư tử nhỏ mút ngón tay của con gái trong sự thích thú. Một thời gian sau khi tấm hình đó được chụp lại, bé sư tử đã lớn đùng và nhận ra người bạn thuở xưa. Chú sư tử Mufasa nhảy xổ tới thân thiện gạt đuôi mạnh vào Tippi khiến cô ngã nhào xuống đất. Kể từ đó, bố mẹ không để đôi bạn lại gần nhau vì họ sẽ không biết con sư tử sẽ làm gì cô bé nữa.

Chú khỉ đầu chó Cindy rất hay ghen tị với bạn mình

Sự cố thứ 2 là khi Tippi gặp chú khỉ đầu chó Cindy ở một vũng nước, nó đã ghen tị với cô mà nhảy vào giật tóc cô bé kéo mạnh. Tippi khá đau đớn nhưng động vật hoang dã thì không thể đoán trước được hành vi của chúng.

Bé Tippi giờ đã 23 tuổi và đang theo học ở Pháp

Trở lại quê hương Pháp sau 10 năm sống với thế giới hoang dã, Tippi gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập cuộc sống hiện đại, Cô rất nhớ lũ bạn động vật thuở thơ ấu. Và cuốn sách mà cô kể lại là những kỷ niệm không bao giờ quên của một đứa trẻ hồn nhiên được lớn lên cùng voi, báo và khỉ đầu chó là bạn thân.

Cô bé sống hòa nhập trong xã hội người thổ dân ở Namibia

Tippi tham gia một chuyến thu lượm hoa quả cùng phụ nữ và trẻ em thổ dân

Người anh trai đồ sộ của Tippi rất thân thiện

Những đứa trẻ thổ dân rất yêu Tippi. Chúng vô cùng thích thú với làn da và mái tóc của cô bé

Giải khát bằng rễ cây trong đầm lầy Okavango cùng người thổ dân San Brushmen ở bắc Namibia

Anh chàng thổ dân Tkui vẽ mắt của Tippi bằng nhựa lấy từ quả mọng trong rừng

Anh còn hướng dẫn co bé cách sử dụng cung tên săn bắn

Đôi khi, trăn đá cũng kết bạn với Tippi



Dạo chơi trên lưng đà điểu thuần hóa đón nắng mới là thú vui hàng ngày của Tippi

Chú mèo rừng trông khá hiền lành và tình nguyện làm gối ngủ cho cô bé

Anh Nguyễn V Thập gởi

Tháng 7: Dân Số Thế Giới Là 7.2 Tỉ Người

Tháng 7: Dân Số Thế Giới Là 7.2 Tỉ Người; LHQ: Dân Số Thế Giới Sẽ Tới 10.9 Tỉ Người Vào Năm 2100

(06/15/2013)

nguồn: vietbao.com

NEW YORK – Báo cáo về dân số thế giới của LHQ cho hay: dân số thế giới tháng tới là 7.2 tỉ và sẽ lên tới 10.9 tỉ vào năm 2100 – đa số sự gia tăng là tại các quốc gia đang phát triển có sinh suất cao.

Báo cáo tựa đề “Viễn ảnh dân số thế giới” cho hay dân số toàn cầu đầu thế kỷ tới có thể là trên 16.6 tỉ, hay chỉ là 6.8 tỉ tùy theo phương thức thống kê. Trong mọi trường hợp, dân số của những nước lạc hậu tăng gấp đôi.

Tuy, nhìn chung sự gia tăng dân số đang giảm tốc độ, nhưng sự gia tăng vẫn là nhanh tại châu Phi – dân số tại các nước đã phát triển hầu như không tăng.

Dân số Ấn Độ sẽ qua mặt Trung Quốc và cùng đạt mức 1.45 tỉ người vào năm 2028 – sau đó Ấn Độ có dân số 1.6 tỉ trước khi giảm bớt từ năm 2100.

Dân số Trung Quốc bắt đầu giảm từ năm 2030, dự kiến gồm 1.1 tỉ người vào thời điểm 2100.

Giám đốc khảo sát dân số John Wilmoth cho hay: khuynh hướng dân số có nhiều bất trắc, vì các yếu tố: sinh sản, tử suất và di trú. Nhưng, sự gia tăng nhân số thế giới từ nay đến 2050 là không thể tránh.

Hầu hết thủ khoa Garden Grove là gốc Việt

Hầu hết thủ khoa Garden Grove là gốc Việt
June 06, 2013
GARDEN GROVE, California (NV)Đại đa số thủ khoa của Học Khu Garden Grove năm nay là học sinh gốc Việt. Trong tổng số 13 học sinh thủ khoa của tám trường trung học trong học khu năm nay, có tới 11 em là gốc Việt, theo thông cáo báo chí của học khu.
Danh sách các thủ khoa gốc Việt (tên, trường, đại học sẽ học sau khi tốt nghiệp)

1-Katrina Nguyễn, Bolsa Grande, UC San Diego.

2-Julie Trần, Garden Grove, UCLA.

3-Henry Quách, Garden Grove, Duke University.

4-Arthur Lê, Hare Continuation, Golden West College.

5-Diane Lâm, La Quinta, UCLA.

6-Cindy Trần, La Quinta, USC.

7-Yvette Trần, La Quinta, UC Berkeley.

8-Trisha Võ, Los Amigos, University of the Pacific.

9-Freddi Trần, Los Amigos, UCLA.

10-Derek Nguyễn, Pacifica, UCLA.

11-Andy Vũ, Rancho Alamitos, Stanford University.

Trong khi đó, tất cả 9 học sinh á khoa của 7 trường trung học trong học khu đều là gốc Việt.

Katrina Nguyễn, thủ khoa trung học Bolsa Grande. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Julie   Trần, thủ khoa trung học Garden Grove. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Henry Quách, thủ khoa trung học Garden Grove. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Arthur   Lê, thủ khoa trung học Hare Continuation. (Hình: Học Khu Garden Grove cung   cấp)

Diane Lâm, thủ khoa trung học La Quinta. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Cindy   Trần, thủ khoa trung học La Quinta. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Yvette Trần, thủ khoa trung học La Quinta. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Trisha   Võ, thủ khoa trung học Los Amigos. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Freddi Trần, thủ khoa trung học Los Amigos. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Derek   Nguyễn, thủ khoa trung học Pacifica. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Andy Vũ, thủ khoa trung học Rancho Alamitos. (Hình: Học Khu Garden Grove cung cấp)

Danh sách các á khoa gốc Việt (tên, trường, đại học sẽ học sau khi tốt nghiệp)

1-Elizabeth Ðào, Bolsa Grande, UCLA.

2-Amy Lâm, Garden Grove, UCLA.

3-Hugh Ðặng, Garden Grove, UCLA.

4-Michael Nguyễn, Garden Grove, Brown University.

5-Derek Ðỗ Nguyễn, Hare Continuation, Coastline Community College.

6-Austin Hoàng, Los Amigos, UCLA.

7-Linh Thảo Chung, Pacifica, UC Berkeley.

8-Kati Nguyễn, Rancho Alamitos, UCLA.

9-Danny Phạm, Santiago, UCLA.

Năm nay, Học Khu Garden Grove sẽ có 3,700 học sinh tốt nghiệp trung học, và các buổi lễ sẽ được tổ chức vào các ngày 13, 18 và 19 Tháng Sáu. (Ð.D.)

Nữ tỉ phú trẻ nhất thế giới chia nửa tài sản làm từ thiện

Nữ tỉ phú trẻ nhất thế giới chia nửa tài sản làm từ thiện

Làm giàu từ chính đôi bàn tay của mình, Sara Blakely năm nay 42 tuổi đã trở thành tỉ phú sau khi thành lập nên hãng đồ lót tạo dáng cho nữ giới Spanx. Giờ đây cô là người phụ nữ đầu tiên tham gia dự án từ thiện của tỉ phú Warren Buffett và Bill Gates.

Cam k¿t cho i, Blakely, Warren Buffet, Bill Gates

Sara Blakely

Dự án “Cam kết Cho đi” được khởi động tháng 6/2010, kêu gọi những người giàu trên thế giới quyên góp phần lớn tài sản của họ vì mục đích từ thiện.

Theo Forbes, nữ tỉ phú Blakely có tài sản trị giá khoảng 1 tỉ USD và cô hứa trao tặng ít nhất nửa số tài sản của mình để làm từ thiện.

Blakely sở hữu 100 vốn của công ty của mình, và đứng đầu danh sách 50 người mẹ Quyền lực nhất nước Mỹ.

Cam k¿t cho i, Blakely, Warren Buffet, Bill Gates

Sau khi gia nhập “Cam kết cho đi“, Blakely nói chuyện với cậu con trai rằng cô sẽ cho đi một nửa số tiền của mình, và hy vọng rằng một ngày nào đó, cậu bé sẽ hiểu rằng mẹ cậu làm một điều đúng đắn.

“Được thôi mẹ, giờ chúng ta chơi xếp hình được chưa?” – con trai của Blakely nói.

Cam k¿t cho i, Blakely, Warren Buffet, Bill Gates

Trước đó, Blakely đã ủng hộ 1 triệu USD cho Học viện Lãnh đạo của Oprah dành cho các bé gái ở Nam Phi

Blakely còn thiết lập nên Quỹ Blakely, quyên góp 20 triệu USD vì phụ nữ.

Anh chị Thụ & Mai gởi