‘Con bà phước, cái bang’ Galang

‘Con bà phước, cái bang’ Galang

Nguoi-viet.com

Sông Tiền
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Đời Tị Nạn)

Tôi đặt chân đến trại tỵ nạn Galang vào trưa ngày 1 Tháng Sáu năm 1990 sau đúng 2 tháng rời Việt Nam.

Ðoàn tàu chúng tôi đến trại với 655 thuyền nhân trên hai chuyến tàu định mệnh được nhập chung từ nhiều chiếc ghe vượt biển khác nhau đã đến được đất liền Mã Lai nhưng bị hải quân nước này gom lại và xua đuổi sang Nam Dương.

Hồi tưởng lại chuyến hải trình gian khổ và những ngày tháng bất ổn trong quá trình thanh lọc ở trại tỵ nạn mà cảm thấy thật thấm thía cho hai chữ thuyền nhân.


Cổng vào trại tị nạn Galang. Nơi đây nay đã thành di tích. (Hình: VOA)

Như bao thuyền nhân khác đến trại tỵ nạn sau ngày đóng cửa đảo định mệnh 17 Tháng Ba năm 1989, tất cả chúng tôi đều phải trải qua một quá trình ‘thanh lọc’ để xác định tư cách tỵ nạn chính trị của mình.

Chúng tôi đến Galang vào thời điểm thuyền nhân trôi tấp vào Mã Lai Á bị dồn đẩy sang Nam Dương ồ ạt nên số lượng thuyền nhân trên đảo từ năm 1989 không quá 3,000 người đã tăng đột biến lên hơn 14,000 trong vòng chưa đầy một năm. Tình trạng quá tải không có chỗ ở cho người tỵ nạn là một chuyện khá nhức đầu cho các nhân viên Cao Ủy và phòng kỹ thuật.

365 người chúng tôi được đưa thẳng vào Galang 2 và sống lây lất vật vạ tạm thời bên trong hội trường của văn phòng Cao Ủy và dọc theo hành lang của phòng xã hội. Nhìn cảnh những người “say sóng” nằm ngồi dọc theo hành lang các văn phòng của Cao Ủy Tỵ Nạn và toán JVA được các anh chị thiện nguyện viên của phòng xã hội và gia đình Phật Tử Long Hoa cũng như thanh niên Công Giáo trợ giúp nấu và chia nhau những tô mì gói nóng để đỡ đói qua ngày trong thời gian chờ đợi những nhân viên của phòng kỹ thuật dựng lên các barrack bằng plastic trên các nền barrack cũ của Zone F nó ám ảnh và theo tôi mãi trong những giấc mơ cho đến ngày hôm nay.

Galang, quán trọ trước cổng thiên đường đã không thật sự đến với chúng tôi, những thuyền nhân kém may mắn đã chậm chân đến trại sau cái ngày oan khiên mà Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền sở tại áp dụng để ngăn chặn làn sóng thuyền nhân bỏ nước ra đi tỵ nạn Cộng Sản ngày càng dâng cao. Sau những ngày dài chờ đợi và mất ngủ chúng tôi được đưa vào sống trong những barrack được lợp bằng plastic mới được dựng lên trong khu Zone F bốn bề gió lộng theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của nó.

Trải tấm chiếu Cao Ủy trên nền xi măng lòi lõm của barrack để xí chỗ xong là chúng tôi phải nghĩ đến việc sinh tồn trong những ngày dài sắp tới. Mỗi thuyền nhân được phát một đôi dép Cao Ủy, một cái mền và một chiếc chiếu, một cái tô, một cái chén và một cái ly bằng nhựa, mỗi 5 người được phát một cái lò xô nấu ăn bằng dầu, một cái can 5 lít đựng dầu hôi. Khẩu phần lương thực nghe đâu đã bị cắt giảm nên hàng tuần chúng tôi mỗi người chỉ được phát 3 gói mì, 2.8 kg gạo, 100 gram đậu xanh, 100 gram đậu nành, 100 gram đường và 100 gram đồ tươi có thể là bí rợ hay rau cải. Mỗi đầu tháng chúng tôi được cấp 9 lon cá mòi loại nhỏ, và 4 lít dầu ăn, có tháng Cao Ủy thay thế bằng ba hộp thịt hộp mà chúng tôi gọi là pa tê, khi thì 3 lon cá mòi loại lớn. Ăn cá mòi và tắm nước suối từ trên rừng chảy xuống được chứa trong những cái hộc được đào sẵn ở dưới hạ nguồn nên đã có rất nhiều người bị ghẻ ngứa, chúng tôi đã phải thức dậy thật sớm để sắp hàng lấy số ở bệnh viện Galang 2 chờ được chích thuốc vào mỗi sáng.

Với sức trẻ của tuổi minor vị thành niên, nhóm con “bà phước” không có thân nhân ở nước ngoài không cách gì chúng tôi có thể tồn tại và sống nổi với khẩu phần lương thực hạn hẹp mà Cao Ủy đã cấp phát thông qua nhà cầm quyền Indo, những người bạn của chúng tôi phải gom lại tìm cách mưu sinh để sống còn trong những ngày dài ở trại.

Có một câu chuyện làm cho tôi còn nhớ mãi là trong những ngày còn say sóng khi mới đến đảo. Tôi có theo chân mấy người bạn đi dạo ngoài chợ Galang 2 tình cờ được gặp lại dì Hai Ngọc Châu là bạn rất thân của mẹ tôi đã vượt biên và đến đảo vào năm 1987. Dì dượng và gia đình các anh chị lẽ ra đã đi định cư từ rất lâu nhưng vì dượng Hai bị bệnh phổi khá nặng nên đã bị các phái đoàn từ chối khi phỏng vấn và còn kẹt lại và đang chờ đi Pháp vào Tháng Tám năm 1990.

Mặc dù gia đình của dì lẽ ra phải đi Mỹ vì dượng Hai là cựu quân nhân của QLVNCH. Dì Hai và các anh chị đã rất thương và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong khoảng thời gian này. Thấy chúng tôi tơi tả không có quần áo mặc dì mua vải nhờ chị Một và chị Bưởi là người con dâu và người quen của dì may đồ cho chúng tôi, lâu lâu dì mua thịt heo rừng và đồ ăn ngoài chợ đem vào tiếp tế cho chúng tôi.

Mặc dù đã sắp đi định cư và đã hứa cho người khác cái thùng phi đựng nước cũng như cái tủ đựng đồ, nhưng vì thấy hoàn cảnh quá thê thảm của chúng tôi mà dì Hai đã trả tiền lại cho người ta để xin lại cho chúng tôi có cái thùng phi đựng nước uống và có tủ để đựng đồ. Thật quý vô cùng những tấm lòng vàng.

“Bún, bún đây, ai ăn bún đổi cá, đổi gạo không? Num bờ chốc tê, Num bờ chốc đo ko tê,” những tiếng rao lanh lảnh ở Galang 1 và Xóm Miên ngày nào vẫn còn âm vang và là động lực mạnh mẽ giúp cho tôi vượt qua hết những khó khăn và vấp ngã sau này khi đã được định cư tại Hoa Kỳ.

Tôi đến với cái nghề bán bún và biết làm ra tiền đầu tiên trong đời từ trại tỵ nạn Galang qua chú Trung và anh Hùng cùng tàu của tôi. Cuộc sống ở trại khổ quá mà không có liên lạc được với thân nhân ở nước ngoài để viện trợ cứu đói, chú Trung và anh Hùng con của chú Tư Xị đã đột phá tìm cách làm quen với anh Nhân chủ lò bún ở gần Suối Zone F Galang 2 để xin lãnh bún đem đi bán dạo vòng quanh các barrack ở Galang 2.

Chú Trung thấy hoàn cảnh anh em con bà phước của chúng tôi thê thảm quá nên chú kêu lại hỏi thăm tụi tôi có chịu đi bán bún không rồi chú hỏi xin ông chủ lò bún cho chúng tôi lãnh bún đi bán ngoài Galang 1. Tôi, Ðức và 3 anh em Ðành, Ðạt và Chín nhận lời, thế là mấy anh em chúng tôi hàng ngày vào sáng sớm thay nhau gánh bún từ Galang 2 đem ra Galang 1 bán và đổi cá, gạo kiếm tiền mưu sinh trên đảo.

Là những công tử bột chưa nếm bụi trần gian, trại tỵ nạn Galang đã nhào nặn cho chúng tôi trở nên cứng cáp và trưởng thành hơn. Có những ngày mưa gió mà gánh bún thì còn nặng trĩu trên vai, chúng tôi len lỏi qua khỏi khu vực bệnh viện Galang 1 (lúc này đã được trưng dụng làm chỗ ở cho thuyền nhân) đi hoài mà gánh bún thì vẫn chưa vơi chúng tôi bạo gan tìm ra khu xóm Miên (vào cuối năm 1990 đã có gần 1,500 người Cambodia vượt biển đi tỵ nạn) lần đầu tiên món Num Bờ Chốc xuất hiện ở Làng Miên gánh bún ngày hôm đó được mua hết trong vòng 30. Thừa thắng xông lên sau đó anh em chúng tôi tăng số lượng bún lên gấp đôi, hàng ngày gánh ra bán thêm ngoài xóm Miên.

Chúng tôi học thêm tiếng Miên qua chị Hồng đi chung tàu. Chị Hồng là em vợ của chú Y Giang NiekDam là ‘leader’ tàu của chúng tôi, từ đó việc giao tiếp với bà con người Miên được dễ dàng hơn.

Có một câu chuyện bây giờ nghĩ lại rất là tức cười cho sự khờ khạo của tuổi trẻ chúng tôi, vì không quen ai ở ngoài Galang 1 nên chúng tôi cứ gánh hai thùng bún thật nặng đi thẳng ra xóm Miên bán trước, khi qua khỏi Cổng Chùa Quan Âm Tự đến gần khu vực Suối Miên, phần vì hai gánh bún quá nặng phần mệt nên chúng tôi quyết định chui vào một bụi cây ở gần đó giấu một thùng bún và gánh thùng bún còn lại trực chỉ xóm Miên. Trên đường về lại Galang 1 chúng tôi tấp vào lấy cái thùng bún giấu trong bụi cây, cả hai chúng tôi đã cười thật giòn và thật lâu khi nghĩ đến cảnh trở lại chỗ giấu thùng bún mà kiếm không ra vì cắc cớ có ông nào đi ngang tấp vào tè bậy mà thấy thùng bún và vác luôn về thì anh em chúng tôi chắc sẽ khóc bằng tiếng Miên luôn.

Có những người Miên thật tốt bụng khi thấy anh em chúng tôi bận quần áo tả tơi trong lúc vất vả mưu sinh đã kêu lại cho quần áo lành lặn để bận, buôn bán một thời gian thì chúng tôi bắt đầu có những mối tốt, họ đặt bún của chúng tôi hàng ngày để nấu món Bún Cá bán trong làng Miên. Anh em chúng tôi thay nhau mỗi ngày vào buổi chiều gánh bún đi bỏ mối ngoài làng Miên, khi thì 15 kg khi thì 10 kg tùy theo ngày. Thấy chúng tôi làm ăn được người chủ lò bún sinh lòng tham, anh ta tăng giá bún lên và sắm xe đạp chở bún ra ngoài làng Miên giành mối và bán sỉ với giá rẻ hơn. Bất mãn anh em chúng tôi không tiếp tục đi bán bún nữa. Sau này một số anh em trong nhóm con bà phước đã phải đi đánh bắt cá ngoài biển, bán bánh mì, bán cà rem, đào giếng mướn và một vài đứa thì làm nghề báo thư mà chúng tôi gọi đùa là những tay chuyên Bóp Cổ Thiên Hạ.

Galang là một trường đời đầy thử thách đã rèn luyện và huấn nhục chúng tôi được cứng cáp và trưởng thành hơn, từ cách đối nhân xử thế đầy tình người cho đến nhân tình thế thái bạc bẽo của cuộc đời chúng tôi đều được học từ trại Galang, có những bài học rất đắt giá và có những bài học không phải trả tiền mà chúng tôi may mắn được học qua những kinh nghiệm đau thương của bạn bè và chính cá nhân mình.

Trong những năm tháng đầu tiên ở trại tỵ nạn, chúng tôi lam lũ cực nhọc mưu sinh nhưng tinh thần thì rất vui và không có nhiều lo nghĩ cho đến khi bắt đầu có kết quả thanh lọc vào những đợt đầu tiên cho những đồng bào đến trại vào những ngày đầu tiên kể từ sau ngày đóng cửa đảo, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc và chính quyền sở tại vì muốn chặn đứng làn sóng thuyền nhân vượt biển tìm tự do nên đã tạo ra rất nhiều chuyện bất công trong vấn đề xác định tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân.

Thảm cảnh chèn ép buộc những cô gái Việt phải hiến thân để đánh đổi tấm vé công nhận là tỵ nạn chính trị xảy ra ngày càng nhiều. Nhà cầm quyền Nam Dương có toàn quyền quyết định tư cách tỵ nạn chính trị của thuyền nhân nên vô tình đã tiếp tay cho những nhân vật đang nắm vai trò sinh sát trên đảo lộng hành mặc sức chà đạp nhân phẩm và tiết hạnh của người phụ nữ Việt Nam trong khoảng thời gian khủng hoảng này.

Ðã có rất nhiều trường hợp cả gia đình phải tốn rất nhiều tiền để hối lộ các giới chức cầm quyền và họ còn bị bắt ép phải hiến dâng con gái dưới tuổi vị thành niên của họ cho những tên phó hay trưởng đảo cũng như những nhân vật coi về phần an ninh và thanh lọc.

Ðã có nhiều trường hợp lường gạt để lấy tiền của thuyền nhân khi hối lộ với chính quyền địa phương dẫn đến giết người để bịt miệng, vụ án ở Suối Chùa Kim Quang mà hai anh Sáu Koler và Nguyễn Văn Viễn là nạn nhân của những tên sát nhân này.

Bất công và đau khổ dày xéo tâm can của những thuyền nhân Galang, sau khi nhận kết quả rớt thanh lọc, anh Diệp Quang Huy đã gặp luật sư người Phi để tư vấn cho vấn đề khiếu nại của mình, bị tên Phi lùn xúc phạm, anh Diệp Quang Huy đã tẩm dầu tự thiêu ngay trước văn phòng Sơ Vấn Galang 2.

Minor Lưu Thị Hồng Hạnh đã đậu thanh lọc nhưng bị rút giấy đậu vì là minor đã phẫn uất tự thiêu ngay trong barrack của mình. Những thảm trạng của thuyền nhân thật là bi thương đã xảy ra rất nhiều vào thời điểm 1991-1996.

Giá trị của hai chữ tự do đã được đánh đổi bằng máu và nước mắt, bằng đói khát của những ngày lênh đênh trên biển, bằng sự tủi nhục của thân xác phụ nữ Việt trên biển và trong đất liền, bằng sự rẻ khinh và xua đuổi của các quốc gia tạm trú, bằng những nấm mồ hoang lạnh trên các trại tỵ nạn của không biết bao nhiêu ngàn thuyền nhân đã bỏ mình nơi rừng sâu, đảo vắng.

Và hơn hết là bằng sự đấu tranh tuyệt thực biểu tình của hơn 4,500 thuyền nhân tại Galang, hơn 2,000 thuyền nhân tuyệt thực ngất xỉu phài vào cấp cứu tại bệnh viện Galang 2, hơn 20 thanh niên đã đâm bụng tự sát không thành. Anh Phạm Văn Châu đã tự thiêu trong buổi sáng biểu tình và được đưa sang Pinang chết mất xác. Anh Lê Xuân Thọ đã tẩm dầu tự thiêu và đâm bụng chết tại chỗ biểu tình được đồng bào quàn và giữ xác trong quan tài tại chỗ biểu tình cho đến ngày cuối cùng sau khi bị cảnh sát đặc nhiệm của Indo trấn áp.

Cuộc biểu tình suốt 179 ngày đêm của thuyền nhân Galang chống cưỡng bức hồi hương và đòi hỏi công bằng cũng như quyền tự do tỵ nạn chính trị của mình là cuộc biểu tình dài nhất và bi thương nhất trong lịch sử của thuyền nhân tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam. Là thuyền nhân vượt biển tìm tự do chúng ta không được phép quên chúng ta là ai và tại sao chúng ta đang ở khắp nơi trên thế giới này.

Galang một trời tâm sự…

Trở về trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín

Trở về trên chuyến tàu Việt Nam Thương Tín

Nguoi-viet.com

Nguyễn Ngọc Dung
(Bài viết cho mục Hồi Ức 30 Tháng Tư và Đời Tị Nạn)

Mùa Xuân đang về, thời tiết lý tưởng, với chồi non, nụ thắm… dễ làm người ta yêu đời hơn.

Ngày dài hơn, nắng vàng của những ngày đầu mùa Xuân làm cho tôi ngồi vào bàn, viết lại một quãng thời gian đầy biến động và thay đổi cho cả gia đình mình. Một công việc đã âm ỉ trong lòng, chưa được viết ra, như một gửi gấm đến các con cháu mình những gì đến với cuộc đời của tôi, và phần nào muốn chia sẻ với các bạn, như một lời tâm tình của một thành viên bé nhỏ trong cái tập thể “vợ những người tù cải tạo” quanh đây.

Phú Quốc – 1970. (Hình: Tác giả cung cấp)

30 Tháng Tư, 1975, lịch sử Việt Nam sang một trang mới. Tôi lấy chồng trong những ngày cuộc chiến cao độ (1970), chàng là một người lính Hải Quân, nay đây mai đó, lúc ở căn cứ hải quân mãi tận Phú Quốc, lúc đi tàu biển, rồi có khi về ngay bộ tư lệnh Hải Quân Sài Gòn và đơn vị cuối cùng, là giang đoàn ở Đồng Tâm, Mỹ Tho.

Tôi đi học, đi làm và không theo chân anh đi các vùng xa xôi như thế. Ngày 27 Tháng Tư, 1975, anh về thăm tôi 1 chút rồi trở về Long An, lúc đó là nơi anh được huy động về tiếp tay với các bạn giữ vùng 4 sông ngòi. Anh và tôi xa nhau, gặp nhau như chuyện thường ngày của các gia đình quân đội – nhất là hải quân – trong thời chiến, nào có biết rằng cũng là lần cuối gặp nhau mang hình ảnh anh trong bộ quần áo tác chiến hải quân.

Chúng tôi mất liên lạc từ đó, vài ngày sau, với lời tuyên bố đầu hàng sáng 30 Tháng Tư, 1975, tôi biết cuộc đời mình sẽ có những thay đổi rất lớn, mà chẳng biết nó sẽ như thế nào. Tôi chờ anh trở về Sài Gòn, chờ anh về nhà, tuy biết là không thể trở về với chiếc tàu, để đón gia đình hai bên và tôi. Về sau này, tôi mới biết, giang đoàn của anh được biệt phái từ Đồng Tâm, tới Nhà Bè, rồi về Long An, nằm trong Lực Lượng Đặc Nhiệm 99, gồm rất nhiều tàu bè, một mũi nhọn xung kích mạnh mẽ nhất của Hải Quân miền Nam lúc bấy giờ.

Lực Lượng Đặc Nhiệm 99 được thành lập để bảo vệ an ninh thủy trình sông Soài Rạp và sông Lòng Tào, và bảo vệ chính phủ rút về miền Tây, khi tình thế xấu.

Bến Bạch Đằng quen thuộc, gần nhà bố mẹ tôi, nay đã chẳng còn một chiếc tàu nào mang lá cờ xưa.

Chiều tối hôm 29 Tháng Tư, 1975, tôi cùng đoàn người gần nhà ra bến Bạch Đằng, mong có một cơ may nào lên được sà lan, tàu buôn hay cả ghe nhỏ để cứ đi vào một bến bờ vô định. Đi như trong giấc ngủ vật vờ, đêm xuống, bờ sông hỗn loạn, hàng kẽm gai kéo ngang, họng súng gờm sẵn sàng nhả đạn. Tên anh cũng chẳng ích gì trong việc xin 1 chỗ cho mình tôi lên tàu hải quân, ai thoát được, cứ lạnh lùng bỏ đi.

Thôi rồi, số phận mình ra sao, anh ở đâu và có an toàn?

Phi trường Tân Sơn Nhất, 4 Tháng Bảy, 1991. (Hình: Tác giả cung cấp)

Một đêm không ngủ nghe tiếng trực thăng bay liên tục, nhìn những chiến hạm không đèn trên sông Sài Gòn, tôi biết mọi hi vọng ra đi đã bị cắt đứt. Đi qua bộ tư lệnh Hải Quân, qua cầu tàu nơi có khi anh chỉ cho tôi, kia là con tàu anh đang làm việc trên đó, nay chỉ là một quãng sông đen ngòm, đe dọa và nhận chìm mọi hi vọng của chúng tôi.

Ngày qua ngày, qua lời 1 anh lính cận kề với anh ở giang đoàn, anh ta về nhà nhưng không muốn gặp mặt tôi, tôi biết anh đã dẫn đoàn ghe ra cửa biển, đón tàu khác để di tản.

Tôi vẫn phải đi làm, sáng ra phải dự các buổi gọi là “giao ban,” gặp tất cả các bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ và ban quân quản bệnh viện. Không khí căm thù bàng bạc suốt buổi, nhiều đe dọa, chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, im lặng, vì quanh mình chẳng biết ai là bạn ai là thù.

Bên cạnh đó, những buổi học tập tại chỗ, những bài tự khai thật nặng nề, những câu hỏi mơ hồ khiến câu trả lời nào của chúng tôi cũng không thỏa mãn được họ. Nhất là với tôi, khi tôi khai ông chồng tôi…mất tích… Thì đúng là mất tích chứ sao bây giờ, khi Tháng Năm, Sáu, Bảy, Tám 1975 không biết anh ở đâu. Họ đâu có chịu cho tôi yên với hai chữ mất tích kia, cái mất tích hàm nhiều ý nghĩa…có thể là đã chết, di tản, vô bưng hoạt động chống lại họ, hay trốn ở đâu. Họ bắt tôi lên họp, chỉ một với một, họ hạch hỏi quanh chữ “mất tích.” Tôi cũng hoang mang lắm, không biết anh sống chết thế nào.

Bức màn sắt đã trùm xuống toàn miền Nam, toàn vùng chỉ là đêm đen giữa ban ngày. Chỉ có một đường radio VOA, BBC để biết tin nước ngoài, được nghe trong sự trốn tránh che giấu. Sáng đi làm, nhìn những lá cờ đỏ trên đường, rùng mình như màu máu đang rút dần ra khỏi cơ thể tôi, ngủ dậy mới thấy đã qua được 1 ngày yên ấm, chưa bị bắt như các người lớn trong bệnh viện, nay ông bác sĩ bệnh viện trưởng, mai ông phụ tá hành chánh, mốt ông điều dưỡng trưởng.

Không khí trong bệnh viện đầy đe dọa, dò xét, ngay cả hộp đồ ăn trưa cũng được bà trưởng phòng về tiếp quản, đổ ra ngoài xem có dấu gì trong đó, hay xem bọn “ngụy” ăn uống cao lương mỹ vị gì.

Đến khoảng Tháng Tám 1975, tôi nhận được 1 điện tín gửi từ Pháp, như sau: sẽ hồi hương, cho biết ý kiến.

Bức điện tín ngắn gọn, mà thật là khó giải quyết. Tôi xin ý hai bên cha mẹ. Bố mẹ anh không biết nên bảo anh về lại Việt Nam hay bảo anh qua Mỹ, được sung sướng cho anh, thì lại khổ cho con dâu mà ông bà rất yêu quý. Bố mẹ tôi bảo anh trở về, thì thương anh bị ở tù khổ cực lắm. Ngay bản thân tôi, cũng chẳng biết sao là đúng. Biết là anh đang rất cần câu trả lời để có quyết định, về hay ở?

Sau cùng, chúng tôi đành đánh điện tín qua: “Tùy ý quyết định.” Những ngày tháng sau đó, tôi sống như một người có tội, tội đẩy anh vào nơi lao lý, biết có ngày về ?

Sau đó các đài phát thanh, VOA, BBC báo tin cho biết sẽ có một chuyến tàu mang tên Việt Nam Thương Tín sẽ đưa một số người muốn hồi hương, khoảng Tháng Mười sẽ trở về. Thuở ấy, sau bức màn sắt là một thế giới khác, bít bùng, mọi tin tức đều không thể đến với người dân. Tôi đi làm, lòng đầy hoang mang, anh có về, nếu anh về, thì có phải ở tù không? Người ở đây, còn vào tù, huống gì người đã đi, nay trở lại, mang theo những câu nghi ngờ về các anh, có phải đã mang về những công việc dọ thám, đánh phá chế độ…

Rồi được tin nghe lén, chiếc tàu mang tên Việt Nam Thương Tín (VNTT) đã chở người di tản dạo 30 Tháng Tư, 1975, nay được dùng để đưa đoàn người hồi hương. Tôi tự hỏi, liệu có anh trong đó, nếu có thì anh sẽ ra sao. Ngay bản thân tôi ở Sài Gòn, còn bị đe dọa đi kinh tế mới, vì đã được đặt tên là vợ của ngụy quân, tội ác đầy mình, cần phải cải tạo cái đầu tư sản bằng con đường lao động.

Hai bàn tay một Nha Sĩ như tôi, thay vì điêu khắc lên miếng trám cho thật đẹp, thật giống những hình dáng thật của răng, nay có lúc phải cầm cuốc đi trồng dứa (thơm) ở nông trường, cầm cuốc trồng khoai mì sau khi đã cuốc hết sân cỏ xanh mướt tốn công biết bao, ở sân trước bệnh viện Chợ Rẫy nổi tiếng ở Sài Gòn.

Có lần chúng tôi phải đi đào kinh, giẫm chân trên dòng kinh lúp xúp nước, chuyền những miếng đất được các vị bác sĩ, các giáo sư đại học Y Khoa Sài Gòn trao cho, để tạo con kênh dẫn nước phèn vào ruộng. Dòng nước váng lên những phèn, cây nào sống nổi. Sau những lần khổ cực như thế, số bác sĩ quyết chí rời bỏ nước lại càng tăng lên. Họ đã không trọng vọng nhân tài, yêu quí những vị “cứu nhân, độ thế.”

Qua những sự việc hàng ngày như thế, tôi đã có thể hình dung cuộc sống trong tù “cải tạo” của các quân nhân chế độ cũ, và nhất là các anh đã về theo chuyến tàu VNTT sẽ khổ như thế nào.

Lá thư anh gửi từ trại tù Tuy Hòa đã xác định, anh đã trở về.

Tết đầu tiên ở Hoa Kỳ, 1992. (Hình: Tác giả cung cấp)

Tôi lên phòng nhân viên của bệnh viện tôi làm việc, xin điều chỉnh tình trạng chồng mình. Chữ “mất tích” nay đổi thành một địa chỉ lạ hoắc, ở một nơi rừng sâu núi thẳm nào đó miền Trung. Tưởng rằng đã yên cho mình, tưởng rằng không còn cái cảnh gọi lên làm lại lý lịch tôi đã thuộc lòng, với lời nghi ngờ là ông chồng tôi đang ở một nơi nào, đe dọa đến an ninh của chế độ mới.

Bây giờ họ đem chồng tôi để “dụ” tôi vào một công tác mới. Họ hỏi, tôi có muốn đi thăm nuôi anh, có muốn gặp anh? Dĩ nhiên là tôi muốn lắm chứ, nhưng tôi cũng biết dè chừng cái thâm ý của họ.

Đằng sau cái đề nghị ngọt ngào đó, hẳn là sẽ có điều kiện gì đây?

Thì ra, họ muốn tôi làm một thứ “ăng ten” để tìm hiểu về một nhân vật trong bệnh viện mà họ muốn bắt. Tôi tuy còn non trẻ, nhưng cũng đã biết lưu ý kịp thời, để không mắc mưu họ, giữ an toàn cho người ấy và cả cho mình. Cuộc sống bấy giờ, là một sự đối phó, là những cẩn thận và căng thẳng. Rồi cũng qua ngày, tôi tìm quên trong công việc. Trong bệnh viện, ngày ngày có tin người này đi thoát, bạn khác bị bắt. Tôi đã tìm cho mình một hướng đi, dứt khoát ở lại với anh. Chúng tôi chưa có con, tưởng như không có điều chi ràng buộc, nhưng tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, nhất là sự trở về của anh, thì sự dứt khoát kia trở thành một điều không lay chuyển.

Chuyến tàu VNTT về đến hải phận Vũng Tàu từ Tháng Mười, 1975, thế mà chúng tôi chỉ biết đến tin nhau qua vài lá thư, thư đầu tiên từ Tuy Hòa, ngày gửi là Tháng Hai, 1976, thư thứ hai từ Nghệ Tĩnh. Anh đã bị còng tay, giải đi thật xa, đến một nơi nghèo nhất nước, để đói khát, bệnh tật sẽ giết lần mòn nhóm sĩ quan ưu tú của quân đội. Những lá thư được rập khuôn, vài ba chữ hỏi thăm là đã hết, anh chẳng đả động gì đến chuyện đi thăm, sự cô lập trong rừng sâu, sự cô lập với dân quanh vùng và ghê sợ hơn cả là sự cách chia với gia đình.

Anh sống thế nào nhỉ?

Sự chờ đợi mỏi mòn cho đến cuối năm 1978, anh mới báo tin cho tôi đi thăm nuôi. Hai chữ “thăm nuôi” thật giản dị mà đầy ý nghĩa.

Nghĩa là có hai việc trong lần được gặp này: thăm và nuôi. Anh viết thư về, danh sách các thứ “nuôi” dài thậm thượt, với một người gọi là “khảnh ăn” như anh, mà phải liệt kê bao nhiêu món như thế, chắc chắn anh thiếu thốn ghê gớm.

Quãng đường Hà Nội vào Vinh bằng tàu chợ đã là một ám ảnh tôi cho đến bây giờ, xe lửa cho những con buôn đanh đá, cảnh hỗn loạn cho những tay cướp hoạt động, nơi những tay anh chị và đồng bọn hoành hành với những luật chơi riêng của họ. Những chị đi thăm nuôi cứ chết dí, né tránh và chịu đựng. Nói sao cho hết những nhục nhằn chịu đựng trên đường thăm nuôi.

Gia đình, năm 2015. (Hình: Tác giả cung cấp)

Lần đầu tiên gặp lại sau 3 năm xa cách, anh đã trở thành một người khác, cả người sưng phù, khuôn mặt giữ nước trông như mập ra, anh như một người khác trong bộ bà ba đen có lần tôi gửi vào theo đường bưu điện.

Vợ chồng nhìn nhau qua 1 chiếc bàn lớn, xa cách như tội nhân. Chúng tôi tội tình gì nhỉ, muốn nói bao điều, mà chỉ nói bằng ánh mắt. Giờ được thăm loáng cái đã hết, chúng tôi bịn rịn, anh ngay đây mà như một người xa lạ, gặp nhau và chia tay, chỉ yên tâm là chúng tôi vẫn còn sống, ngày mai sẽ ra sao, chẳng ai biết.

Anh quay vào trại, sống kiếp tù đày, tôi trở về lại Hà Nội đợi máy bay vào Sài Gòn. Ra đến Hà Nội mới biết các chuyến bay tạm ngưng vì chiến tranh Tháng Mười Hai, 1978 giữa Việt Nam và Cambodia, tôi kẹt ở lại, tôi đánh điện tín về bệnh viện xin nghỉ, họ không tin, cứ nghĩ tôi đã vượt biên. Sau khi có máy bay trở lại, tôi đi làm và đã bị làm khó dễ không ít với sự việc này. Đất nước đã được rêu rao là “thống nhất,” là hạnh phúc, mà sao vẫn sợ dân mình bỏ nước ra đi?

Cuộc sống ngay cả ngoài tù còn đầy rẫy khó khăn, đói ăn, thiếu mặc, thiếu tự do. Thử hỏi trong tù, nhất là người tù luôn kèm theo bốn chữ Việt Nam Thương Tín, thì khổ thế nào. Bốn chữ ấy có nghĩa là luôn nằm trong sự nghi ngờ của chính quyền, sự thương cảm của bạn bè, sự tiếc nuối có khi tức giận của những người đang tìm đường vượt biên. Riêng tôi, bị nhìn như nguyên nhân chính của sự trở về của anh.

Tôi tự giận mình, quyết định để anh trở về, như đang ở thiên đường mà lại xuống địa ngục. Nhiều khi tôi phải tự tìm ra câu trả lời, là, quyết định lúc nào, là đúng nhất vào lúc ấy, không ân hận và không tiếc gì. Hỏi rằng có ai can đảm như anh, biết trở về là tù đày mà chỉ nghĩ đến một ngày sẽ trở về với gia đình và tôi.

Nhiều bạn anh lúc còn ở Guam, đã ngăn anh trở về, nhưng các bạn mạnh miệng vì họ đang ở trong sự đầy đủ của vợ, con, cha mẹ. Anh tâm sự, có những buổi chiều ở Guam, ngồi ở bãi biển, nhìn đôi chim bay cùng nhau trong nắng xế, nhìn người ta bên cạnh vợ con, tuy chưa biết ngày mai nhưng vẫn ánh lên hạnh phúc vui vầy. Anh đã về vì chẳng có ai trong gia đình anh, gia đình tôi di tản được.

Mãi đến bây giờ, 40 năm sau ngày đau thương ấy, chúng tôi vẫn thấy quyết định quay về là đúng. Chúng tôi hãnh diện khi có người hỏi, có phải anh đã trở về trên chuyến tàu định mệnh, VNTT. Chúng tôi ngẩng cao đầu với niềm tự hào, với sự can đảm khó có của anh, vui với một kết thúc “có hậu” như bây giờ.

Anh ra khỏi tù Tháng Mười, 1982, từ xứ Nghệ Tĩnh rất xa, vào đến miền Nam là cả một lòng thương yêu của dân chúng, họ giúp đỡ, trên đường di chuyển về Sài Gòn. Hai năm sau, chúng tôi có đứa con trai đầu tiên và 3 năm sau, một đứa con trai thứ ra đời khi tôi đã ở tuổi 40. Bạn bè của anh thường lui tới thăm hỏi, nựng nịu hai cháu nhỏ nhất khóa. Chúng tôi muốn sống yên bình, nhưng thấy luôn luôn có những phân biệt, ngăn cản bước tiến của con mình từ phía chính quyền mới. Và năm 1991 bốn người chúng tôi ra đi định cư ở Mỹ trong chương trình H.O., chúng tôi phải làm lại từ đầu, bắt đầu một cuộc đời mới ở một xứ sở mới đã dang tay đón nhận chúng tôi.

Chúng tôi với tuổi thanh xuân, với thời điểm đẹp nhất cho việc tạo dựng một cuộc đời tốt đẹp, lúc ấy, đã bị cướp đi, phải bắt đầu một cuộc đời mới bằng hai bàn tay trắng. Những mất mát ấy, chẳng cách gì lấy lại được. Thật là nhiều thua thiệt, chỉ còn những an ủi là những ngày tháng cuối đời được sống bình an nơi xứ sở này, nơi chúng tôi xin nhận làm quê hương.

Anh đã từ Mỹ, trở về Việt Nam, trải qua 7 năm gian khổ, và 9 năm sau gia đình chúng tôi đã cùng nhau trở lại “thiên đường” tưởng đã đánh mất, sau 19 năm tuổi trẻ, đã qua đi vô ích, tuổi đẹp nhất của một đời người.

Qua những gian khó ban đầu ai cũng phải sống như thế, chúng tôi đã hội nhập được với “dòng chính,” các cháu học hành nên người, cuộc sống không đến nỗi kham khổ.

Để đến bây giờ, chúng tôi vẫn hãnh diện trả lời, “Vâng, chúng tôi là người của chuyến tàu VNTT, con tàu mang tên Định Mệnh, từ Guam trở về Việt Nam Tháng Mười, 1975.”

Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Trần Văn Hương

Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Trần Văn Hương

Huy Phương/Người Việt

Nhân cuộc phỏng vấn tác giả Trần Văn nhân cuốn sách viết về cựu Trung Tướng Ðặng Văn Quang trên đài SBTN, chúng tôi đã nhận được điện thoại của ông Trần Văn Ðính, thứ nam của Cựu Tổng Thống Trần văn Hương, nhờ chúng tôi viết lại nhiều thông tin trên báo chí chưa rõ hay nói sai, kể lại những ngày cuối cùng của Cụ Trần Văn Hương tại Saigon cũng như câu chuyện liên quan đến Tướng Ðặng Văn Quang. Ông Trần Văn Ðính năm nay đã 87 tuổi, hiện sống tại Nam California, đã là phụ tá đặc biệt cho thân phụ ông trong nhiều năm, từ 1965-1975.

Cụ Trần văn Hương và cháu nội Trần Thủy Vân (1967- 1997)
con gái ông bà Trần Văn Ðính. (Hình gia đình chụp năm 1968)

Hai người con, hai chí hướng

Theo sự trình bày của ông Trần Văn Ðính, ông bà Trần Văn Hương chỉ có hai người con trai.

1. Người con lớn là Trần Văn Dõi, sinh năm 1924 (nhiều người như các ông Hứa Hoành, Huỳnh Văn Lang đã ghi lầm là Trần văn Giỏi – vì Cụ Hương đã có một người em ruột tên Giỏi (1), và nhiều bài khảo cứu dựa theo tài liệu của Mỹ lại không bỏ dấu, mà chỉ ghi là Doi). Khi phong trào kháng chiến nổi lên, đang theo học tại trường “College de Can Tho.” ông Dõi bỏ học theo Việt Minh. Khi phái đoàn Hồ Chí Minh qua Pháp dự Hội Nghị Fontainebleau trở về tới Vũng Tàu, ông Dõi theo ra Bắc. Năm 1948, ông được gửi theo học trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn và đổi tên là Lưu Vĩnh Châu (lấy họ mẹ), sau này tham gia trận Ðiện Biên Phủ với cấp bậc đại úy Công Binh, là đảng viên cộng sản.

Theo tài liệu, ông Dõi sau khi biết thân phụ mình là phó tổng thống VNCH, đã trình sự việc lên ông Ung Văn Khiêm là tổng trưởng Nội Vụ miền Bắc thời đó. Về phần Cụ Hương cũng đã xác nhận với tình báo Hoa Kỳ về chuyện cụ có một đứa con trai bên kia giới tuyến.

Một thời gian lâu sau khi CS vào Saigon, ông mới được phép đem gia đình (vợ tập kết và hai con, một trai một gái) vào gặp cha, và ít lâu sau dọn về ở với Cụ Trần Văn Hương tại số nhà 216 Phan Thanh Giản (sau này đổi lại Ðiện Biên Phủ). Con trai ông Dõi hiện làm việc tại Saigon và cô con gái hiện sống ở Hungary.

Sau khi Cụ Trần Văn Hương qua đời năm 1982, ngôi nhà này được chính quyền “cho phép” bán, chia cho gia đình em gái út Cụ Hương và gia đình ông Dõi. Ông Trần Văn Dõi đã qua đời năm 2011 tại quận Tân Bình, Saigon.

2. Người con thứ nhì, là Trần Văn Ðính, sinh năm 1925, chính là người sống với Cụ Trần Văn Hương, làm phụ tá đặc biệt cho Cụ từ năm 1965 cho đến trước ngày bàn giao chức vụ tổng thống cho ông Dương Văn Minh vào ngày 28 tháng 4, 1975.

Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, năm 1955, trước khi Cụ Trần văn Hương theo lời mời của TT Ngô Ðình Diệm ra làm Ðô Trưởng Saigon-Chợ Lớn thì ông Trần Văn Ðính đã tự túc xuất ngoại sang Anh Quốc. Ông đã học và làm việc tại Londre 3 năm, Paris (Pháp) 2 năm và Francfurt (Tây Ðức) 5 năm. Cuối năm 1964, khi Cụ Trần Văn Hương lên làm thủ tướng lần thứ nhất, ông đã được gọi về, như một người thân tín, sống gần gũi, giúp thân phụ làm phụ tá đặc biệt. Ông lập gia đình tại Saigon với một người mà ông đã từng gặp tại Paris 6 năm về trước, ông bà có hai người con, trai là Trần Bảo Danh hiện sống tại Oregon và gái là Trần Thủy Vân trong tấm hình chụp với ông nội trên trang báo này.

Ngày 21 tháng 4, 1975, sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu bàn giao chức vụ tổng thống lại cho Cụ Trần Văn Hương, trước tình hình căng thẳng tại Saigon, Ông Trần Văn Ðính muốn thu xếp cho vợ con rời Việt Nam và ở lại bên cạnh cha, nhưng cuối cùng Cụ Hương không đồng ý đã hối thúc con trai rời Việt Nam cùng với gia đình.

Năm 2005, ông Trần Văn Ðính có về Việt Nam và có gặp anh là Trần Văn Dõi, nhưng ông cho biết anh em xa nhau đã lâu ngày, lại khác chí hướng, không mấy hứng thú để trò chuyện. Hiện nay ông bà Trần Văn Ðính đều đã già, đang sống cô đơn trong một khu mobil home thuộc thành phố Huntington Beach, vì con trai ở xa và cô con gái đã mất năm 1997 vì chứng ung thư máu.

Ông Trần Văn Ðính, 87 tuổi, thứ nam Cụ Trần văn Hương, chụp tại nhà riêng ở Huntington Beach, California. (Hình: Huy Phương)

Túng quẫn nhưng giữ trọn chí khí

Trong tiểu sử của Cựu Tổng Thống Trần văn Hương, không ai nghe nói đến cụ bà đệ nhất phu nhân cũng như trong suốt thời gian Cụ Hương làm việc trong chính phủ VNCH, không ai biết đến bà Trần Văn Hương làm gì ở đâu? Ông Trần Văn Ðính cho chúng tôi biết hai ông bà sống riêng đã nhiều năm một cách tự nhiên, vì không hợp tính, và phần Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương không muốn có đàn bà xen vào việc nước. Chỉ trong thời gian cuối cùng ốm đau, bà Trần Văn Hương mới dọn về ở đường Công Lý và mất vào đầu năm 1975.

Chúng ta cũng đã biết trong những ngày cuối cùng của VNCH, trước khi người Mỹ quyết định bỏ mặc cho VNCH tự chiến đấu chống cộng sản, Ðại Sứ Martin của Hoa Kỳ đã chính thức gặp Tổng Thống Trần Văn Hương và mời tổng thống rời khỏi nước, nhưng Tổng Thống Trần Văn Hương đã khẳng khái trả lời: “Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với dân chúng một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước.”

Cụ Trần Văn Hương đã lui về căn nhà 216 đường Phan Thanh Giản, tại đây cụ sống với vợ chồng người em gái út cho đến lúc qua đời. Theo ông Trần Văn Ðính, đây là căn nhà mà năm 1969, khi rời chức thủ tướng để trao chức vụ này cho ông Trần Thiện Khiêm, không có nhà ở, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cấp cho ông. Tuy mang số 216, đây là một căn nhà nhỏ hẹp, nằm sâu trong hẻm, sau lưng nhà của ông Trần Ngọc Liễng, loại nhà cấp cho các bộ trưởng nhưng vì nhà đã lâu năm, cũ kỹ, xuống cấp, không ở mặt tiền, bị mọi người chê nên mới còn lại. Chính Cụ Hương đã từ chối lời đề nghị cho sửa sang lại vì sợ tốn công quỹ, do đó, ngôi nhà còn yên, sau 1975, không bị CS chiếm như nhưng căn khác, nhưng báo chí CS cho rằng vì lý do nhân đạo nên ngôi nhà này không bị tịch thu.

Theo nguồn tin của CS thì sau năm 1975, Cụ Trần Văn Hương được trợ cấp tem phiếu hạng E dành cho một “cựu tổng thống Ngụy,” nhưng theo lời ông Trần Văn Ðính thì Cụ Hương không có hộ khẩu vì không làm đơn xin “phục hồi” quyền công dân như cụ đã nói: “Chừng nào những người tập trung ‘cải tạo’ được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!”

Chính vì thái độ này, mà Cụ bị CS quản chế, không hộ khẩu, làm sao có tem phiếu, ông Ðính nói. Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương không bao giờ ra khỏi nhà, ốm đau, không những sống đạm bạc mà còn thiếu thốn. Người chăm sóc tận tình cho Cụ chính là người em rể sống với Cụ. Theo lời một người cháu Cụ kể chuyện với nhà văn Hứa Hoành, đã có lúc Cụ giao cho bà em ra chợ bán một củ sâm Ðại Hàn Cụ còn cất giữ và những bộ đồ vest để lấy tiền mua thức ăn cho cả gia đình. Cụ qua đời vào ngày 27 tháng 1, 1982 (nhằm ngày mồng Ba Tết), hưởng thọ 80 tuổi, hài cốt được hỏa thiêu.

Cụ Trần Văn Hương và một con người khí tiết, yêu nước đã hai lần làm Thủ tướng, phó tổng rồi tổng thống VNCH, đã mất đi trong một hoàn cảnh, gần như bị quên lãng.

*Kỳ Sau: Trần Văn Hương vs. Ðặng Văn Quang

Chú thích:

(1) Người em thứ sáu của Cụ Trần Văn Hương mang họ Lâm, là Lâm Văn Giỏi. Theo lời ông Trần Văn Ðính thì “ông chú này không có khai sinh, nên ông nội lấy khai sinh của người khác cho chú Giỏi đi học.”

Bài viết về Y Tế Mỹ: Hành Trình Đi Về Cõi Chết

Bài viết về Y Tế Mỹ: Hành Trình Đi Về Cõi Chết

Phượng Vũ

“Ôi ! cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay..”.

(TCS)

“Không ai muốn chết. Thậm chí cả những người muốn tới thiên đường cũng không muốn phải chết để lên được đó. Và cái chết là điểm đến của tất cả chúng ta, không ai có thể trốn thoát…”. Từ ý tưởng trên của Steve Jobs, tôi chợt nhớ đến lời bài thánh ca :”Khi Chúa thương gọi con về, lòng con hân hoan như trong một giấc mơ” (theo ý thánh kinh) nhưng trên thực tế, người ta đã sửa đùa lại: “Khi Chúa thương gọi con về, ngu sao về, ngu sao về?” Nó nói lên 1 thực tế đứng trước cái chết, bản năng sinh tồn trỗi dậy, con người bỗng cảm thấy “Sao mà yêu quá đời này!” nên ai tự tử nhảy xuống sông mà biết bơi, chắc chắn sẽ lo lội lên bờ liền! Ai cũng biết chết là 1 điều chắc chắn sẽ xảy đến cho mỗi người, không ai thoát được và cái chết có thể đến bất chợt, tình cờ như “vết mực nào xóa bỏ không hay”nhưng nguời ta lại cố tình “giả đò ngó lơ” coi như không quen biết nó. Ngày xưa người ta thường tránh nhắc về cái chết, và sợ nói về nó, nhưng trong xả hội văn minh hiện nay, người ta đang nhắc đến nó với luật trợ tử, an tử (như là 1 tin hot). Người ta đòi hỏi phải có 1 cái chết phẩm chất (quality of death). Tin tức phổ biến mới đây cho thấy ở Đức, người ta vừa thông qua luật An Tử để BS có thể giúp nguời bệnh (nhất là những bệnh nhân ung thư hoặc mắc bệnh nan y bất trị gây đau đớn nhiều) có thể chết từ từ và nhẹ nhàng bằng cách cho tiêm thuốc giảm đau tăng liều dần dần để người bệnh bớt đau, bình an rồi từ từ đưa đến cái chết êm đềm. Riêng ở CA đã có 3 dân biểu đệ trình dự luật An Tử. Trước những sự kiện nóng hổi của thời đại hôm nay, chúng ta nghĩ gì về cái chết? và đã chuẩn bị cho mình một cái chết như thế nào chưa? Xin mời các bạn cùng tham dự buổi nói chuyện về “Hành trình cuối đời” của linh mục Nguyễn Thanh Sơn

Tình trạng y tế :

Tinh trạng y tế của Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung mỗi ngày một tiến bộ vượt bực . Những phương pháp chẩn bệnh và dự đoán bệnh càng ngày càng tiến triển nhiều như máy MRI ( giá cả vài triệu đô), nhưng bịnh viện nào cũng có thậm chí có BV còn có vài cái, nên chi phí y tế cũng tăng rất cao. Bây giờ bịnh nhân đến phòng mạch BS khám bệnh sẽ được gửi đi lấy test để hổ trợ BS trong việc chẩn đóan bịnh chính xác hơn. Hiện nay người ta có nhiều phương pháp khác nhau để hổ trợ sức khỏe cho con nguời: Trị bệnh, nén bệnh, ngừa bệnh, giữ sức khỏe, dưỡng sinh nhân tạo…diệt bệnh.

Trong thời đại này, đặc biệt tại Hoa Kỳ, số người được sống và chết tự nhiên trong hoàn cảnh an bình ngày càng hiếm. Phần lớn người ta ra đi dần mòn lỡ loét ở viện dưỡng lảo với các thứ bệnh mãn tính hay trong khu đặc biệt ICU (Intensive Care Unit) của bịnh viện, đang khi hồi sinh nhân tạo, hay trên bàn mổ v. v… Riêng ở Mỹ 10% tổng sản lượng quốc gia đổ vào y tế, nhưng phần lớn chi phí khổng lồ này lại dồn về 30 ngày cuối đời ( nó chiếm 90 % tổng số chi y tế).Điều này cho thấy những ngày cuối đời rất quan trọng và nền y tế càng văn minh, người ta càng chú trọng đến giai đoạn này để chuẩn bị cho người bệnh được phục vụ cao nhất , được có thời gian “êm đềm” nhất, trước khi “chia tay cùng đời sống này”! Nó mang 1 ý nghĩa nhân bản sâu sắc kiểu V.N. thường nói “nghĩa tử là nghĩa tận” Nhưng chênh lệch đáng nói là chỉ có 10 % dân số được hưởng sự phục vụ này.

Tư tưởng sai lầm:

– Nhiều người hiểu lầm phúc âm sự sống nghĩa là làm hết sức mình để kéo dài cuộc sống. Chống lại sự chết bằng bất cứ giá nào, dù là chỉ để nằm trên giường thoi thóp. Kiểu Việt Nam mình thường nói “Còn nước, còn tát”, nhưng tát được cái gì? và mục đích tát để làm gì? Cái chết có lẽ là phát minh tốt nhất của sự Sống. Nó là tác nhân thay đổi của cuộc sống. Nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới. Người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào. ( Mark Twain). Quả vậy, tôi biết có những bịnh nhân ung thư can đảm đối diện với cái chết, chờ đợi nó mà không hề sợ hãi hoăc âm thầm tự đi tìm nó (Ca sĩ Q.D)
–– Khi trong nhà có người bệnh, người ta đi cầu khấn đủ nơi, đủ chổ để xin phép lạ chữa lành để tin rằng mình thánh thiện. Thực ra người đạo đức tốt lành không sợ chết. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã kêu gọi mọi người chấp nhận sự chết như là một quy trình tự nhiên “Có sinh có diệt”. Ngài cũng đã từ chối những phương pháp hô hấp và trợ sinh và Ngài đã qua đời an bình tại nhà, không gắn bất cứ ống khí quản hay mổ dưỡng sinh nhân tạo nào. Alfred Adler cũng đã nói: “Cái chết thực sự là lời chúc phúc lớn lao dành cho nhân loại, không có nó không thể có sự tiến bộ. Những người bất tử sẽ không chỉ ngăn trở và làm thối chí người trẻ tuổi, họ còn thiếu đi sự kích thích cần thiết để sáng tạo.” .

Cách nhìn về đau khổ:

– Sống theo nhân phẩm, dùng những ngày cuối đời sống trong an bình, được gặp những người thân yêu. Tâm tình cho hết những điều “không nói được”, những điều làm lòng ta đau đớn, kẻo muộn rồi :

“Có những niềm riêng một đời câm nín
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi.” (LTH)

Bây giờ là lúc tâm tình cho hết để lòng khỏi “ngậm ngùi”, rồi nhẹ nhàng ra đi bình an.

– Có một số người theo Công Giáo cho rằng chấp nhận đau khổ để “vác thánh giá theo chân Chúa” (ví dụ phải chịu đựng vợ/chồng, con cái. phải chịu đựng ốm đau bệnh tật dày vò…). Không ! điều này không đúng. Ta cần phải tìm cách vượt qua đau khổ, không ai muốn “ôm” thánh giá, “ôm” đau khổ hay đau đớn hết! kể cả Chúa (Ngày xưa ở vườn cây dầu, Chúa cũng đã từng xin Chúa Cha “cho con khỏi uống chén đắng này”).   Tôi hoàn toàn tán đồng quan điểm này: Chúa yêu ta nên mới dựng nên ta, do đó Chúa dựng nên con người để cho con người được sống hạnh phúc chứ đâu phải để chịu đựng khổ đau. Chúng ta đứng ngoài nổi đau đớn nên ta khuyên nhủ dễ dàng vì chúng ta chưa trãi qua những cơn đau đớn, chúng ta chưa “nếm” nó, chưa có kinh nghiệm gì về nó.Nhà thơ N.Du đã từng nói 1 câu vô cùng thấm thía: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”

Đ.G.H Francis mới đây trong cuộc trả lời phỏng vấn về việc ngài có thể bị ám sát, ngài đã trả lời thành thật:

“Chúa là Đấng coi sóc con. Tuy nhiên, nếu ý Chúa muốn con phải chết và họ gây ra cho con một cái gì đó thì con xin Chúa một hồng ân đó là đừng làm cho con bị đau đớn. Vì con là một con người rất nhát sợ khi bị đớn đau về thể lý”.

– Sự chết chính là đau khổ tột đỉnh, cho nên chịu vác thánh giá là chấp nhận sự chết. Chúa Jesus nói “Chịu vác thánh giá là chết với ta” (Tín lý thần học). Cuộc sống là bí ẩn, sự chết là chắc chắn.”Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ cùng sống với Ngài”. Trong bản tuyên ngôn về “tự kết”, Bộ Giáo Lý Đức Tin không những coi việc khước từ những phương pháp kéo dài sự sống vất vưỡng là đúng lương tâm mà còn khuyến cáo là việc lệ thuộc một số phương pháp chữa trị theo khoa học cũng là vô luân.

Những thắc mắc liên quan đến “Hành trình về cõi chết”:

Khi tim bị ngưng đập, con người lập tức đối diện với cái chết, có 3 cách :

– Đi tự nhiên (AND) và Lệnh không hô hấp (DNR) ( 2 cách này tương tự nhau)

– Lệnh hô hấp (CPR)

+ Khi nào cần hô hấp nhân tạo (CPR) máy trợ thở hay mở đường khí quản ?:

– để cho các phương pháp chửa trị có cơ hội giúp bịnh nhân hồi phục

– để có thời giờ chửa bịnh và dự lượng

– để điều quản người hiến cơ phận ( Organ donors)

– để cho gia đình có thời giờ chuẩn bị hay chờ đợi găp người thân ( mua thời gian)

Ngoài ra không phải bất cứ trường hợp nào tim ngưng đập đều cần CPR, với kinh nghiệm tuyên úy trong bịnh viện, cha cho biết CPR không phải nhẹ nhàng giống như trên tivi biểu diễn. Đôi khi rất đau lòng khi nhìn một ông Mỹ to nặng 200 lbs dẫm đạp lên 1 bà cụ VN gấy yếu nhỏ xíu, vì người ta cần phải dùng tới sức mạnh, có khi cần tới cả điện giật để làm cho trái tim như quả bóng xì hơi phải bật lên để đập lại. Có thể cứu được lúc đó, nhưng sẽ chết vài ngày sau, nhất là đối với các cụ già yếu. Có nên phải trả giá sống thêm vài ngày trong hôn mê hay thoi thóp mà thân thể bầm dập, có khi vỡ hết cả lồng ngực, phổi, da bị tím bầm khắp nơi do vỡ mạch máu ?

Nói tới đây tôi chợt nhớ khi làm volunteer cho TT St Alsem, một buổi sáng mọi người trong phòng đang tập thể dục, bỗng nghe 1 tiếng “rầm” ngoài hành lang, 1 ông cụ 80 tuổi đang đi bỗng nhiên bị té và bất tỉnh (ông cụ là thân sinh của ca sĩ Don Hồ). Lập tức 911 được gọi tới, họ làm CPR rồi đưa ông cụ vào nhà thương. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao những nhân viên đi theo xe cứu thương (để làm CPR) luôn là những người trẻ, khỏe mạnh. Tuần sau tôi đại diện TT đến nhà quàn gửi vòng hoa và chia buồn với gia đình. Khi gặp Don Hồ, tôi hỏi thăm về diễn tiến bệnh tình của ông cụ. Don Hồ cho biết:

– Ba em có tỉnh lại nhưng rất yếu, rồi sau đó lại tiếp tục làm CPR thêm mấy lần nữa. Em rất dau lòng khi nhìn cảnh họ làm CPR cho ba, cuối cùng ba em vẫn đi. Nếu em biết như vậy em đã không để ba phải làm CPR để ba đi nhẹ nhàng và bình an thì tốt hơn

Ngay cả việc dùng máy trợ thở hay mở đường khí quản cũng vẫn có những mặt không tốt của nó, nhất là việc bị nhiễm trùng và những phương pháp này thường gây tốn kém rất lón! ( Đó là điều lý giải tại sao 90% ngân sách y tế khổng lồ lại chui vào đây). Có 1 bà cụ khoe với cha tuyên úy là các con bà đã cho áp dụng đủ mọi cách để cứu bà sống lại (bill gửi về giá cả triệu đô). Bà cụ tự hào mạng sống của mình giá cả triêu đô, để bà cụ sống thêm 5,6 tháng nữa. Đó có phải là cái giá đáng phải trả không? chưa kể là tiền chi phí này có thực do các con cụ trả không ? hay phần chắc là do quỹ Medi- Medi trả. Gây hao tốn quá lớn cho ngân sách y tế quốc gia có phải là điều nên làm, nếu thực sự biết nghĩ tới những thành phần khác trong xả hội cũng đang có nhu cầu về y tế. Có nhiều người xài tiền theo kiểu “Của người Bồ tát, của mình lạt buộc”, nghĩa là xài tiền túi của mình thì cân nhắc tiết kiệm tối đa, còn xài tiền của người khác, của công quỹ thì rộng rãi, từ bi như “bồ tát”, nghĩa là xài thoải mái, vô tội vạ vì mình có bỏ ra đồng xu nào đâu!. Tôi nghĩ đây cũng là 1 việc ‘lỗi đức công bằng” nhất là phải tự hỏi mình đã đóng góp bao nhiêu cho đất nước này mà lại muốn nhận quá nhiều như vậy?

+ Khi nào cần đặt ống dinh dưỡng ở mũi hay ở bụng?

– Không có bệnh nặng bất trị

– Có khả năng tiêu dùng dinh dưỡng ( able to process nutrition), nếu thận không có khả năng lọc, người sẽ bị phù to lên

– Không phải ở thời gian cuối đời

Các cụ già hay bị lộn giữa thở và nuốt, đôi khi bị sặc cũng gây chết người. Ngoài ra đặt đường ống qua mũi cũng dễ gây nhiễm trùng khí quản, thường chỉ 2 tuần, đó là chưa kể việc gây khó chịu, vướng víu cho các cụ.

Còn mổ đặt ở bụng thì các cụ già rồi, cái “mớ bòng bong” trong bụng nhiều khi cũng rối tinh. BS mổ xong không biết tìm chỗ nào cho đúng để bỏ ống dinh dưỡng đúng chổ, có khi vì vậy mà lại sinh ra “tai nạn” chết người. Thống kê (2009 – 2010) cho thấy tỷ lệ người sống lâu trong những ngày cuối đời cao hơn, nếu được để yên.

Nhắc tới vụ đặt ống trợ thở và ống dinh dưỡng, tôi lại nhớ đến trường hợp của má tôi. Má tôi bị bệnh đau ở 2 bàn chân, nó gây cho bà khó chịu và đau đớn rất nhiều. Uống thuốc hoài không hết, BS cho biết chỉ còn cách mổ thôi, nhưng bà bị bệnh tiểu đường nên BS cảnh giác là sau khi mổ, tiểu đường có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tánh mạng. Các con cố gắng cản ngăn không cho bà mổ, nhưng bà cứ nằng nặc đòi tôi phải gửi tiền về để bà đi mổ. Tôi phải ĐT về nói chuyện với má :

– Con không tiếc tiền gửi về cho má đi mổ, nhưng BS đã cảnh giác má mổ có thể khỏi, nhưng có thể má sẽ đi luôn, má đã suy nghĩ kỹ chuyện này chưa?

– Con ơi! má suy nghĩ kỷ lắm, má già rồi. Nếu Chúa cho sống thì sống mạnh khỏe, còn sống mà đau đớn như vầy má cũng không ham. Con cứ gửi tiền về cho má đi mổ, nếu Chúa thương cho má bình phục thì tốt. Còn không, nếu có chết má cũng chấp nhận, và không tiếc nuối gì nữa.

Trước đó mấy tháng tôi đã mua vé máy bay để mấy mẹ con về VN thăm ngoại vào dịp hè. Tôi muốn các con tôi gắn bó với quê hương, với nguồn cội bằng thực tế và tiếp xúc chứ không bằng hình ảnh hay nghe nói. Thời đó email chưa phổ biến, ĐT vừa đắt vừa khó khăn. Sau khi má mổ tôi gọi ĐT về theo dõi, hỏi thăm từng ngày, thấy tình hình diễn tiến khả quan tốt đẹp tôi cũng mừng. Nghe chị tôi kể lại, má tôi thấy khỏe còn vui vẻ lên kế hoạch khi nào mấy mẹ con tôi về sẽ làm tiệc lớn ăn mừng má mổ thành công. Nghe vậy tôi yên tâm lo chuẩn bị mua sắm hành trang cho mấy mẹ con về VN. Một buổi chiều tôi từ trường về nhận được tờ điện tín với những ký hiệu không thể đọc được, tôi hốt hoảng chạy ra bưu điện : “Má bị hôn mê, sắp chết”. Tôi bàng hoàng, dù đã biết cảnh giác của BS từ trước, tôi quay quắt không biết có nên tự trách mình đã đồng ý cho má đi mổ không?. Tôi gọi ĐT về nhà và được biết chỉ còn 1 hôm nữa là má xuất viện, bỗng dưng tiểu đường gây biến chứng rồi tình hình xấu đi rất nhanh và má rơi vào hôn mê. BS điều trị bó tay và cho chuyển qua BV khác để có phòng săn sóc đặc biệt: tiếp ống dưỡng khí và ống dinh dưỡng. Nhà cần tiền gấp để lo chi phí ở BV mới, tôi phải vội chạy ra nhà băng rút tiền để gửi về nhà. Cả đêm hôm đó tôi gối đầu trên nước mắt trăn trở không biết tôi đã làm đúng hay sai khi chìu theo ý má để má đi mổ? Tôi đã cẩn thận ĐT nói chuyện trực tiếp với má, nghe má trả lời phân tích có lý có tình nên tôi mới chìu theo ý má để má vui. Tôi quan niệm khi ba má ở tuổi già, còn có thể làm được gì cho ông bà vui lòng, tôi luôn làm tối đa, để sau này khỏi ân hận. Tôi biết người già nhu cầu vật chất không cao, ăn uống cũng chẳng được bao nhiêu, nên nhu cầu niềm vui tinh thần là quan trọng nhất nên tôi luôn cố gắng dành thời gian cho ba má. Tôi về VN làm sinh nhật, làm lễ thượng thọ cho ba má, dẫn ba má đi chơi những nơi ba má thích, sau này thì chỉ còn ngồi ăn cơm chung với ba má,lắng nghe ba má tâm tình kể chuyện buồn vui…Tôi làm những chuyện này thấy ba má vui nên lòng cũng vui , vì biết đó là” niềm vui của tuổi già” chứ không phải như có nguời nói “để sau này con cái bắt chước trả hiếu lại như vậy”. Tôi không kỳ vọng để khỏi bị thất vọng về con cái ở xứ Mỹ ( Don’t expect too much from people, the less you expect, the less disappointed you will be ). Sau này tôi nhớ đã đọc được trên Net câu nói nghe đau lòng nhưng thực tế: “Các bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ là chúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi”

Với ý muốn đem niềm vui và dành thời gian nhiều cho ba má ở tuổi già, nên thời đó tôi về VN “như đi chợ” (có lẽ tôi bị nghèo vì khoản này), nhất là những lúc ba má ốm đau. Bây giờ phải chi má còn tỉnh, tôi sẽ rán bay về! Tôi không thể xin phép nghỉ đi VN bây giờ rồi tháng tới lại đi với các con . Nếu tôi không đi, chúng sẽ bỏ vé máy bay không đi luôn. Tôi ứa nước mắt nhủ thầm : ‘Má ơi, con sắp đem mấy đứa cháu ngoại về thăm má, sao má không chịu đợi tụi con hả má?” nhưng rồi nghĩ lại tôi cũng thấy lòng được an ủi khi nhớ lại lời ba má thường nói với tôi :”Ba má cám ơn con gái đã quan tâm và làm cho ba má vui thỏa hết các nguyện vọng của tuổi già. Bây giờ ba má có chết cũng vui lòng không có gì luyến tiếc. Nếu sau này vì ở xa mà không gặp ba má lúc ra đi thì con cũng không nên áy náy làm gì, ba má hiểu lòng con”. Tối nào tôi cũng ôm ĐT goi về VN nói chuyện với ba, tôi thương ba quá, vì sau khi má đi rồi ba sẽ cô đơn nhiều hơn trong lúc tuổi già xế bóng. Sau hơn 1 tuần tiếp dưỡng khí và dinh dưỡng tình hình má mỗi lúc một tệ hơn, ba tôi kể:

-Tội ngiệp má lắm con ơi! nguời chằng chịt những dây nhợ kim chích khắp nơi, bây giờ lại còn bị phù to lên nữa. Ba còn xót ruột vì mỗi ngày phải tiêu tốn biết là bao nhiêu tiền của con vô trong vụ này

– Ba đừng xót ruột vì tiền, nếu cứu được má con rất sẳn lòng dù có phải đi vay nợ. Ba nhắc chị X hỏi BS kỹ lại xem těnh trạng của má có cňn chút hy vọng gě không?

Hôm sau chị tôi cho biết tình trạng bệnh má, BS chịu thua rồi, rút ống ra thì vài tiếng sau bà sẽ đi. Còn để ống thì không biết đến bao giờ? Có thể bà sẽ ra đi bất chợt lúc nào không biết.

Tôi đau lòng trước tình trạng hiện nay của má, tôi nhớ má đã nói với tôi :”Má chấp nhận chết, không tiếc nuối gì cả”, chắc má không muốn nằm chờ chết dai dẵng khổ sở kiểu này. Đôi khi cần phải tỉnh táo để quyết định, tôi cầu nguyện, suy nghĩ và hôm sau gọi ĐT nói chuyện với ba:

-Ba ơi, tình trạng của má không còn hy vọng gì nữa. Con đề nghị rút ống ra, đem má về nhà, con cháu tụ họp tâm tình nói chuyện với má, đọc kinh cầu nguyện cho má để má ra đi bình an ở nhà, ba thấy sao?

– Ừ ba thấy con nói hợp lý, chứ để má như vầy hoài ba thấy tội quá! bây giờ tay chân má có vài chỗ bị phù, nứt rướm máu.

Nhưng không ngờ đề nghị “rút ống” của tôi bị cô em phản đối quyết liệt : “Như vậy là chị ấy muốn giết má. Chị ấy tiếc tiền nên muốn giết má cho sớm. Giết người là lỗi luật Chúa, là phạm tội…người ta nói “còn nước, còn tát”…” Trời ơi ! tôi nghe kể lại mà tim nhói đau như có ai bóp nghẹt, khi bị gán cho cái tội “muốn giết má” Chúa ơi, nghe sao mà “lòng đau, rạn vỡ”! Ba tôi và chị tôi nghe phạm tội “giết người” thì sợ quá, không dám có ý kiến. Tôi không hề sợ phạm tội giết người, tôi tin Chúa nhân từ thấu hiểu lòng tôi : Tôi không muốn má ra đi bất chợt trong phòng bịnh viện cô đơn lạnh lẽo,với đủ thứ giây nhợ, kim chích chằng chịch, máy móc chung quanh. Ai cũng sợ cái chết, nhưng chết trong khi thân xác mình bị hành hạ và tâm hồn không được bình an thì lại càng đáng sợ hơn. Tôi muốn má được về ngôi nhà thân yêu của mình, nằm nhẹ nhàng bình yên đó nghe con cháu vây quanh nói lời từ biệt, tôi sẽ gọi ĐT về nói chuyện với má, tôi tin má sẽ nghe được lời tôi nói ( có 1 mối giây linh thiêng để người dù hôn mê vẫn nghe được người thân yêu nói với mình, tôi đã có kinh nghiệm này), rồi mọi người cầu nguyện cho má để má ra đi nhẹ nhàng bình an. Nhưng bây giờ tôi không được quyền có ý kiến, tôi chỉ biết im lặng nhẫn nhịn và cầu nguyện.

Vài hôm sau có một Soeur, bạn của cô em đến thăm, nhìn thấy tình trạng của má tôi, bèn nói với cô em: “Sao Chúa đã muốn gọi bà về, không để cho bà ra đi nhẹ nhàng mà còn rán “níu kéo” chi để bà phải chịu đựng khổ sở như vầy! Tội cho bà quá!”. Lúc đó cô em tôi mới ngộ ra và chịu cho rút ống.

Tôi kể lại chuyện này vì có nhiều người đức tin chưa trưởng thành hiếu sai lệch, cứ tưởng là sự sống Chúa ban càng kéo dài càng tốt và chống lại cái chết cho tới cùng. Cha giảng thuyết đã nhấn mạnh : “Tất cả những gì trái với tự nhiên để cắt ngắn sự sống hay để kéo dài sự sống đều là trái với tín lý giáo hội” Bạn thân tôi theo đạo Phật cho rằng nếu đã tới giờ ra đi, mà không đi được thì linh hồn sẽ rất đau khổ, như bị “đọa”, tôi chỉ nhìn thân xác với đủ loại kim, ống, dây nhợ, rồi lỡ loét cũng đủ thấy quá khổ đau rồi.Ngày nay vì lý do nhân đạo và luân lý người ta khuyên không nên kéo dài sự sống, hãy để người bệnh ra đi thuận theo tự nhiên là tốt nhất

Khi nào từ chối những phương pháp trị liệu?

– Khi quá nặng nề, người bệnh bị công kích nhiều, hay bất cân xứng ( tốn quá nhiều tiền)

– Khi cần giảm bớt các triệu chứng đau đớn, khó chịu

– Binh viện làm gì khi sự chết gần kề? – Làm giảm đau và bớt áp lực tâm lý. Hiện nay các trường đại học y khoa ở Mỹ, các BS chuyên khoa về những ngày cuối đời được đào tạo riêng để họ rành về tâm lý, an sinh

+ Khi nào dùng chuyên khoa An Trị (when is Palliative care approriate?).

Khi không còn chữa bệnh được nữa, An Trị trở nên một tiến trình giúp bệnh nhân ra đi một cách an bình và tự nhiên, giúp xoa dịu nỗi đau của bịnh nhân. Chuyên khoa này mới có ở Mỹ khoảng 10 năm nay : Cho bịnh nhân có quyền chọn cách an trị, chọn ưu tiên cho cơ thể và tâm trí thoải mái hơn là chữa bịnh:

– Lúc đầu mới nhập viện: Chữa bịnh – An Trị ; Lúc sau thì ưu tiên đảo ngược : An trị – Chữa bịnh

– Khi sự chết gần kề An trị càng được nâng cao (kill the pain not kill the patient)

+ Khi nào cư trị? (When is hospice approriate?)

Trong vòng 6 tháng của thời kỳ cuối đời tạo một không gian êm đềm giúp bệnh nhân thoải mái tối đa, không sợ hãi, luôn trông cậy. Đây là lúc quan trọng của vai trò tôn giáo để giúp bệnh nhân yên lòng ra đi về thế giới mới. Mục vụ bịnh nhân (Pastoral Care) là “Trung tâm điểm của giáo hội Công Giáo” nhưng còn quá nhiều thiếu sót, nên cần sắp đặt lại ưu tiên cho người bệnh, kẻo đi ngược lại với truyền thống giáo hội. Ngày xưa giờ chót của Chúa, ngài cũng kêu gọi môn đệ hãy thức tỉnh với ngài, hãy ở cùng ta vì lòng ta buồn sầu đau đớn. Đây là lúc nguời bệnh cần sự ủi an và nâng đỡ tinh thần nhiều nhất về phương diện tâm linh.

Người thân có đồng hành với bệnh nhân không? Đây là giai đoạn quan trọng trong đời, người bệnh cần đến sự có mặt, cần đến tình thương của những người thân yêu ở cận kề bên để người bệnh cảm thấy ấm áp với tình thân chung quanh, chứ không phải đợi chết xong rồi lo làm ma chay đình đám, khóc lóc thương tiếc.

Bạn đã để lại “Di chúc y tế” chưa?

Theo thống kê chỉ có 5% dân Mỹ để lại “Di chúc Y Tế”, Việt Nam thì chắc còn ít hơn nữa 1%?

Ai cần để lại “Di chúc y tế?’ Thưa tất cả mọi người, vì không ai biết mình sẽ ra đi lúc nào? ngay cả người trẻ tuổi, cha cho biết hiện nay bịnh viện UCI có tới 8 unit ICU (hơn 1/3 bịnh viện) Những người vào ICU rồi, đa số đều “ra đi không trở lại” và tỷ lệ người trẻ chiếm hơn 70%, cỡ khoảng 50 tuổi là nhiều nhất. Cha cho biết dạo này người trẻ bịnh chết nhiều lắm. Vậy “Di chúc y tế” không phải chỉ cho người già mà cả người trẻ vừa và rất trẻ cũng đều cần như nhau.

Khi được đưa vào bịnh viện câu hỏi đầu tiên là bạn đã có “Di chúc sức khỏe” (Advance Health Care Directive) chưa? Nếu có rồi thì moi việc sẽ tuân theo ý kiến của bạn trong đó mà thi hành ( vì đây là luật) Ở Mỹ mọi thứ đều phải ghi xuống giấy, ký tên rõ ràng chứ không thể nói bằng miệng được. Nếu không có nó bạn sẽ gặp nhiều rắc rối mà bạn không ngờ tới: trước những quyết định quan trọng về điều trị, không biết ai là người có thẩm quyền chính, nhiều phiền phức tranh chấp có thể xảy ra. Ngoài ra bạn còn có thể bị “dụ dỗ” với những cách điều trị mà bạn không hề thich trước đó, hay có thể bạn sẽ bị “cư xử” với những điều mà bạn không hề muốn như trường hợp : con gái duy nhất của danh ca Whitney Houston mới 22 tuổi vừa nhận được gia tài của mẹ để lại khoảng vài chục triệu đô chưa được bao lâu thì cô bị stroke, hôn mê, cô không để lại di chúc y tế, nên tình trạng sức khỏe của cô không ai thay cô quyết định được hết ( kể cả thân nhân của cô ). Vậy bạn hãy khôn ngoan chuẩn bị cho mình một kế hoạch để đến một noi mà chắc chắn bạn sẽ đến và phải đến như một “hẹn hò lần cuối” không từ khước được

Bạn có thể lên http://www.agingwithdiginity.org để order “Five Wishes” (5 nguyện vọng), có bản tiếng Việt và điền vào ngay hôm nay. Năm nguyện vọng là một dụng cụ truyền thông tốt cho bạn và gia đình, bạn bè và bác sĩ để nói về mong muốn của bạn. Nó bảo vệ người thân tránh sự lựa chọn khó khăn khi không biết mong muốn của bạn. Ngoài ra bạn có thể hiến tặng bất kỳ cơ phận thân thể mình như một kỷ niệm để lại cho đời, sau khi bạn đã “chia tay với đời sống này”. Nó độc đáo ở chỗ cho phép bạn nói với những người thân yêu của bạn những điều mà bạn khó nói bằng lời, và giúp cho bạn bày tỏ ý kiến bạn muốn được ghi nhớ hay lễ tưởng niệm ra sao? bạn muốn mặc bộ áo nào ? hoặc bạn có thể nêu tên 1 bài hát, 1 bài thơ… mà bạn yêu thích đặc biệt và muốn được nghe nó trong buổi tiển đưa bạn…vì đây là buổi “hẹn hò lần cuối” của bạn với cuộc đời, hãy để nó diễn ra như ý bạn thích. Lúc này đây bạn có thể tự do bộc lộ tình yêu chất chứa trong tim bạn vì “Tình yêu là thứ duy nhất chúng ta có thể mang theo mình khi ra đi, và nó khiến kết thúc trở thành dễ dàng”

Cầu chúc bạn có một “hẹn hò lần cuối” đẹp như mơ, êm đềm, như ý và lãng mạn :

“Xin vĩnh biệt mọi người.
Tôi ra đi lần cuối không bao giờ trở lại.

Tôi đã choàng vào vòng hoa tươi.
Đã khoác vào chiếc áo tân hôn.
Đây là giờ tôi đến với Người.
Mang theo chỉ có mỗi con tim.”

(T.C. phỏng theo thơ Tagore)

Phượng Vũ

( Buổi nói chuyện của L.M. Nguyễn Thanh Sơn)

Giảng sư trường Y khoa Đại Học UCI, Tiến sĩ Thần Học Luân Lý

Linh mục Trưởng Phòng Tuyên Úy Bịnh viện UCI

Mẹ Nấm được trao giải Người Bảo Vệ Quyền Dân Sự

Mẹ Nấm được trao giải Người Bảo Vệ Quyền Dân Sự

2015-04-10

menam-622.jpg

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Photo: RFA

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là nhân vật được tổ chức Civil Rights Defender trao giải Người Bảo vệ Quyền Dân sự năm nay.

Tổ chức này công bố như vừa nêu vào hôm qua 10/04/2015.

Theo Civil Rights Defenders Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một điều hợp viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Bản thân cô được nhiều người trong nước biết đến qua hoạt động sử dụng các công cụ mạng xã hội để tố cáo bất công, nhũng lạm cũng như tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Tôi không muốn con cái tôi phải tranh đấu và làm những điều mà tôi đang phải làm hiện nay.
Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được Civil Rights Defender đánh giá là bất chấp nguy hiểm cho bản thân, cô dấn thân ra ngay tuyến đầu hoạt động nhân quyền tại Việt Nam. Sự sáng tạo và cởi mở của bản thân cô khi khai sinh ra căn cứ mới cho quyền tự do bày tỏ và nói thay cho những người không thể lên tiếng đã tạo ra một nguồn động lực.

Câu nói được chú ý của cô là ‘tôi không muốn con cái tôi phải tranh đấu và làm những điều mà tôi đang phải làm hiện nay’.

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang là một trong những bloggers của Đài Á Châu Tự Do.

7 câu chuyện khó tin nhưng có thật

7 câu chuyện khó tin nhưng có thật

Nguoi-viet.com
Có những trùng hợp khó mà giải thích được bằng lý luận thường tình, mà chỉ có thể mượn hai chữ “số mệnh”. Sau đây là 7 câu chuyện “nghe mà rùng mình” chứng minh điều này.

Bạn có tin vào số mệnh? (Hình minh họa: Getty Images)

1. Đi tảo mộ, cả gia đình bảy người chết đuối

Một gia đình đi tảo mộ thân nhân trong dịp lễ Thanh Minh ở vùng Nam Trung Quốc đã bị chết đuối khi một cô gái 17 tuổi trong nhà rơi xuống hồ nước trong khi rửa tay sau lễ bên phần mộ tổ tiên trong ngày lễ Thanh Minh. Sáu người thân trong nhà nhảy xuống tìm cách cứu cô, chết theo. Chính quyền thành phố cho hay rằng không ai trong số các thân nhân là người bơi giỏi nhưng họ cố tìm cách cứu cô. Cô gái và cả cha mẹ cùng các em, tuổi từ 13 đến 15, đều thiệt mạng.

2. Xe lao xuống sông, mẹ chết, cảnh sát nghe tiếng kêu cứu bí ẩn quanh bé 18 tháng tuổi

Hai mẹ con tới thăm ông bà ngoại ở thành phố Salem và gặp tai nạn trên đường trở về nhà. Chiếc xe chở mẹ con nạn nhân lao vào rào chắn bê tông rồi chệch khỏi cây cầu và lao xuống sông. Người mẹ chết tại chỗ. Chiếc xe lật ngược, bé gái 18 tháng tuổi trong ghế an toàn không chết đuối trong nước. Một ngư dân phát hiện ra chiếc xe và gọi cấp cứu. Cảnh sát cho hay đứa trẻ được tìm thấy trong tư thế treo ngược, khi nước chảy qua xe. Chiếc xe không bị cuốn đi vì nước đã tràn vào bên trong. Sông lạnh tới nỗi ba cảnh sát và bốn nhân viên cứu hộ bị giảm thân nhiệt. Vậy mà bé vẫn sống sót trong nhiệt độ này sau hơn 14 tiếng đồng hồ. Cả bốn nhân viên cứu hộ đều khai rằng họ nghe tiếng một người lớn phát ra từ trong xe, cầu cứu “Help Me!”, dù người mẹ đã chết nhiều giờ trước đó và không có ai khác ở hiện trường.

3. Chết ba con nhỏ, lại sinh ba tương tự

Em Kyle đang trên đường mừng sinh nhật thứ 5 của mình cùng gia đình và hai em gái, bốn tuổi và hai tuổi. Trên đường về, một xe tải tông vào, khiến cả ba trẻ ngồi phía sau chết tại chỗ. Đau khổ, cả cha và mẹ không dám ở gần bất kỳ trẻ em nào vì sợ nghĩ đến những đứa con xấu số. Ba tháng sau, hai vợ chồng quyết định vượt qua quá khứ để hướng về tương lai. Họ thụ tinh nhân tạo. Kết quả hiện lên trong sự bất ngờ: có ba trứng kết tinh thành công, gồm một trai và hai gái. Hai vợ chồng chia sẻ: “Ashley, Elie và Jake không thay thế Kyle, Emma, và Katie. Gia đình chúng tôi luôn nhớ đến và mãi thương yêu Kyle, Emma, và Katie.”

4. Mạng đổi mạng, dù sớm hay muộn

Khi ông Henry Ziegland chia tay người bạn gái, cô này đau buồn và tự vẫn. Anh trai cô giận dữ, tìm đến ông Ziegland và bắn ông trước khi tự vẫn. Không ngờ, ông Ziegland chỉ bị thương nặng và được cứu sống. Viên đạn chỉ xướt qua mặt ông, sau đó bay ghim vào một cây cổ thụ gần đó. Nhiều năm sau đó, ông Ziegland vì một lý do nào đó đã quyết định phải cưa đổ cây này. Cây quá vững chắc, không thể dùng sức người chặt được, ông Ziegland đặt một lượng thuốc nổ nhỏ để phá hủy cây. Đáng tiếc, khi cây nổ, viên đạn cũ văng ra, bắn vào đầu ông Ziegland. Ông chết tại chỗ.

5. Sự trùng hợp kỳ lạ của cặp song sinh

Nhiều cặp song sinh thường có nhiều điểm trùng hợp trong cuộc sống, nhưng với hai anh em ông James, sự trùng hợp này đạt đến mức kinh ngạc. Người mẹ của cặp song sinh không nuôi nổi con, đồng ý cho hai gia đình khác nhận nuôi. Từ đó, giữa hai anh em không hề có bất kỳ liên hệ gì. Cho đến một hôm, một trong hai anh em được ba mẹ nuôi cho biết là có song sinh khi ra đời. Anh James khi đó hơn 40 tuổi, đi tìm người còn lại, và kết quả là: người còn lại cũng được đặt tên là James, cũng theo nghề cảnh sát, cũng giỏi nghề vẽ và làm mộc, cũng cưới vợ có tên Linda, cũng có hai con trai và đặt tên là Allan và Alan, cũng ly dị vợ và cưới vợ mới tên là Betty, cũng nuôi một con chó tên là Toy/

6. Khi sự thật từng là tiểu thuyết

Vào thế kỷ 19, nhà văn nổi tiếng chuyên viết truyện kinh dị Egdar Allan Poe viết một cuốn sách có tên “Tự truyện của Arthur Gordon Pym”. Sách tả về chuyến đi của một chiếc thuyền bị tai nạn nhiều ngày, chỉ còn bốn người sống sót cuối cùng. Ba người quyết định giết và ăn thịt người thủy thủ trẻ có tên Richard Parker. Nhiều năm sau đó, vào 1884, một chiếc thuyền có tên Mignonette bị nạn và được phát hiện với bốn người sống sót cuối cùng. Ba người thủy thủ lớn tuổi hơn đã quyết định giết và ăn thịt người thủy thủ trẻ nhất. Người nạn nhân có tên Richard Parker.

7. Sự kỳ lạ sau bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ

Benjamin Franklin, John Adams, Roger Sherman, Robert Livingston và Thomas Jefferson là năm người có công biên soạn bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ. Ông Jefferson viết bản nháp, đưa cho ông Adams là người đầu tiên xem qua. Hoa Kỳ tuyên bố độc lập vào ngày 4 Tháng Bảy năm 1776. Cả hai ông Jefferson và Adams cùng qua đời 50 năm sau, vào đúng ngày 4 Tháng Bảy năm 1826.

(T.A.)

Phim VietnAmerica – Câu chuyện của tập thể người Việt tị nạn

Phim VietnAmerica – Câu chuyện của tập thể người Việt tị nạn

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Phim tài liệu VietnAmerica, tiếng nói từ kinh nghiệm đầy máu và nước mắt của những người Mỹ gốc Việt, dựa vào công trình nghiên cứu trên 10 năm của 20 nhà nghiên cứu và hàng ngàn thiện nguyện viên, sẽ chính thức ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 17 Tháng Năm, 2015 tại Saigon Performing Art Center, 16149 Brookhurst St. Fountain Valley, CA 92708.

VietnAmerica dài 90 phút, được hình thành từ chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” (500 Oral Histories Project) do hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) thực hiện với người đứng đầu là ký giả Triều Giang.

Vietnamerica được thực hiện bởi đạo diễn Scott Edwards và do Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt sản xuất dưới sự điều hành của nhà sản xuất Nancy Bùi, tức nhà báo Triều Giang.

Nhà sản xuất Nancy Bùi, tức nhà báo Triều Giang, cùng poster quảng cáo phim VietnAmerica. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

****

Về lý do đưa đến quyết định thực hiện cuốn phim tài liệu này, bà Nancy cho biết:

“Trong quá trình thực hiện chương trình phỏng vấn 500 nhân vật trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, để tìm hiểu những dữ kiện lịch sử, vẽ lại chân dung người Mỹ gốc Việt, cũng như những kinh nghiệm cá nhân của người được phỏng vấn về cuộc chiến Việt Nam, về hành trình đi tìm tự do, những nỗ lực và đóng góp của họ vào đất nước Hoa Kỳ, chúng tôi có được những video clip nhỏ 5-10 phút và kết quả mang lại từ những clip này rất khả quan, nó đưa được đến với cộng đồng nhiều hơn là bằng sách vở. Nhất là với các cuộc phỏng vấn không chỉ có người trong cuộc khóc, người được phỏng vấn khóc, người phỏng vấn khóc mà cả các em quay phim cũng khóc, vì những câu chuyện quá xúc động.”

“Thế nên chúng tôi nghĩ đến chuyện phải làm phim vì thời buổi này các phương tiện truyền thông phim ảnh quá hiệu quả mình không thể bỏ qua được. Chúng tôi mất gần 2 năm để hoàn tất cuốn phim này, nhân dịp 40 năm người Việt Nam tị nạn đến đây. Riêng phim ‘Lễ Cầu Siêu của Võ Sư Hóa’ (Master Hoa’s Requiem) thì hoàn thành từ Mùa Thu năm ngoái.” Bà Nancy nói thêm.

“Lễ Cầu Siêu của Võ Sư Hóa” dài 18 phút, là một phần của phim VietnAmerica, được thực hiện nhằm mục đích đưa vào chương trình giáo dục ở các trường học trung học, đại học tại Hoa Kỳ.

Cũng theo lời bà Nancy, “Phim ngắn ‘Lễ Cầu Siêu của Võ Sư Hóa’ được gửi đến 18 đại hội điện ảnh và được 11 nơi chọn chiếu, thắng được 2 giải Phim Tài Liệu HayNhất tại Đại hội Điện ảnh Asian On Film và Mùa Thu 2014 và giải Remi Award tại Đại hội Điện ảnh Quốc tế WorldFest ở Houston. Đây là điều chúng tôi không hề mong đợi khi bắt tay làm phim.”

“Lễ Cầu Siêu của Võ Sư Hóa” cũng sẽ được chiếu tại Đại Hội Điện Ảnh Viet Film Festival 2015, ngày Thứ Sáu, 17 Tháng Tư, lúc 2 giờ trưa.

Với VietnAmerica, người xem sẽ bắt gặp từ trong lòng chiếc phi cơ di tản vội vã, đến chiếc thuyền rách nát, đầy chết chóc trên biển cả, từ chiếc trường đầy máu lửa tại khu rừng Cambodia, đến trại tù đói khổ, nhục nhằn đầy thù hận và tuyệt vọng, những nhân vật trong Vietnamerica, bao gồm Chuẩn Tướng Lương Xuân Việt, kỹ sư Dương Nguyệt Ánh, võ sư Nguyễn Tiến Hóa, ông Trần Tú Thanh, nhạc sĩ Trúc Hồ, nhà văn Dương Thu Hương, bà Khúc Minh Thơ, sẽ chia sẻ những câu chuyện chưa bao giờ được kể lại. Các nhân vật chính này cũng chính là những người được tuyển lựa từ chương trình “500 Lịch Sử Truyền Khẩu” nói trên.

Cũng trong tâm tình của một người luôn suy tư về vấn đề “Nếu chúng ta không kể về lịch sử của chúng ta, thì ai sẽ kể đây?’, bà Nancy nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện VietnAmerica khi mà các hãng phim đều tấm tắc cho rằng đây là kịch bản hay nhưng “họ bảo chúng tôi đừng đùa, phải về kiếm tiền trước đã rồi mới làm phim được.”

Sau cùng, với sự giúp đỡ của hãng phim Edwards Media, nơi toàn những người trẻ, họ đã có thể thực hiện cuốn phim với chi phí $350,000 và “vừa làm vừa gây quỹ.”

“Nhưng trong 2 năm chúng tôi làm tất cả chỉ kiếm được $200,000. Cuối cùng một người bạn đồng ý cho vay $150,000 để hoàn thành cuốn phim tài liệu này. Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, tiếp sức thêm của mọi người vào công việc xây dựng và bảo tồn văn hóa người Mỹ gốc Việt.” Ký giả Triều Giang nhắn gửi.

Chia sẻ cảm nghĩ cá nhân về cuốn phim Vietnamerica sắp ra mắt, bà Nancy cho rằng, “Những tưởng mình làm việc quá lâu với những tài liệu này thì tình cảm sẽ trở nên bình thường, không còn nhiều cảm xúc. Vậy mà khi xem phim, tôi cũng không ngăn được xúc động. Hy vọng khán giả cũng cùng niềm cảm thông như tôi, để hiểu về lịch sử của những người từng chịu bao đau thương, khốn khổ, mất hết gia đình, người thân, của cải, ruộng vườn, mất cả đất nước, sang đây bắt đầu cuộc đời bằng những cảnh đầy nước mắt nhưng 40 năm sau cộng đồng của chúng ta đã không muối mặt để có thể nhìn thẳng vào người bản xứ mà nói rằng sự đóng góp của người tị nạn Việt Nam cũng rất đáng tự hào.”

Do Little Saigon tại Quận Cam được xem là thủ phủ người tị nạn Việt Nam, nên VietnAmerica được chọn trình chiếu đầu tiên tại nơi này vào lúc 3 giờ chiều Chủ Nhật, 17 Tháng Năm, 2015 tại Saigon Performing Art Center.

Muốn biết thêm chi tiết, quý vị có thể liên lạc với Mỹ Hương (714) 754-0911, (714) 492-9672.

Liên lạc tác giả: [email protected]

Bộ phim Thuyền nhân: Võ sư Hóa đi tìm mộ

Bộ phim Thuyền nhân: Võ sư Hóa đi tìm mộ

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-03-26

03262015-master-hoa-requiem.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Bộ Phim Thuyền Nhân: Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ

Bộ Phim Thuyền Nhân: Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ

PhotoVAHF

Your browser does not support the audio element.

Master Hoa’s Requiem, Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ, là bộ phim tài liệu về thuyền nhân Việt Nam, được Thin Line Film Festival Liên Hoan Phim Ảnh Thin Line trình chiếu ra mắt đầu tiên tại The Campus Theater thuộc UT North Texas, thành phố Denton bang Texas, trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng Hai vừa qua.

Thin Line Film Festival chuyên về phim tài liệu cứ mỗi năm một lần trong khoảng thời gian tháng Hai, Thin Line Film Festival nhận phim tranh giải từ khắp nơi trên thế giới. Năm nay Thin Line Film Festival nhận được trên 300 phim dự thi đến từ 26 nước kể cả Hoa Kỳ. Phim Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ là một trong những phim họ chọn vào vòng chung kết. Tổng số vào chung kết là 49 phim.

Đó là lời nhà báo Triều Giang, một trong những người sáng lập Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hóa Mỹ Gốc Việt ở Texas:

Phim đã được hai giải, thứ nhất là phim tài liệu hay nhất mùa thu năm 2014 của đại hội điện ảnh Asian On Film và ngày 28 tháng Ba này thì Triều Giang sẽ sang bên California nhận giải đó. Cũng trong đại hội điện ảnh đó thì họ đề nghị mình cho giải phim hay nhất năm 2015 và cái đó chưa có kết quả.

Bộ phim do đạo diễn Hoa Kỳ Scott Edwards dàn dựng, sản xuất là Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt:

Scott Edwards là đạo diễn, hai người khác nữa, Andrew Bennett làm về editing tức là lắp ráp, còn một người nữa là Megan Edwards, giúp Triều Giang về vấn đề viết script của phim. Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt đứng ra làm công việc này và tôi trực tiếp là nhà sản xuất .

Vì hai chữ tự do

Vai chính trong bộ phim Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ không ai khác hơn võ sư Nguyễn Tiến Hóa thuộc Vovinam, môn phái Việt Võ Đạo cổ truyền của Việt Nam. Hãy nghe ông kể lại:

Chúng tôi đi vượt biên ngày 16 tháng Mười Một năm 1981. Trước khi đi chúng tôi cũng biết những gì xảy ra cho những người đi trước, tuy nhiên vì hai chữ tự do chúng tôi chấp nhận liều thân vượt biển.

Rồi tai họa cũng giáng xuống chiếc tàu vượt biên sau ba ngày chạy ra hải phận quốc tế:

Khi thấy một giàn tàu chúng tôi tưởng đó là bở biển Mã Lai và chúng tôi đi thẳng vào, tới nơi thì gặp năm cái tàu giàn hàng ngang, thật sự vì mưa bão họ neo thuyền gần với nhau. Tới nơi thì họ chuyển máy vòng quanh bao vây chúng tôi luôn. Họ nổ súng lên, bắt tất cả đàn ông thanh niên qua tàu họ, trói chúng tôi lại thành một xâu.

Tôi là người ở giữa thành ra khi nhìn thấy vợ con tôi bị hãm hiếp, hải tặc nắm giữ vợ con tôi, lột quần áo ra thì vợ tôi có kêu lên “Trời ơi, Chúa ơi, anh ơi cứu em”. Lúc đó tôi như người chết, tôi muốn cắn lưỡi tôi chết, tôi không làm cách nào được vì họ trói tôi trong một cái xâu giống như xâu cá thành ra tôi không thể nào hành động được.

“ Sau gần ba tiếng đồng hồ họ tới tàu của chúng tôi, tháo máy, trục máy lên, dục hết tất cả đồ ăn nước uống của chúng tôi đi. Sau đó thì họ đem đàn bà con gái trở về tàu rồi họ cho chúng tôi về tàu luôn và họ cắt dây, nổ máy và dùng tàu họ để húc cho tàu chúng tôi chìm

Võ Sư Hóa”

Quí vị tưởng tượng mỗi tàu đánh cá của Thái Lan có mưới lăm tới mười bảy người, mà năm cái tàu thay phiên nhau để hãm hiếp thì nó kéo dài bao lâu.

Sau gần ba tiếng đồng hồ họ tới tàu của chúng tôi, tháo máy, trục máy lên, dục hết tất cả đồ ăn nước uống của chúng tôi đi. Sau đó thì họ đem đàn bà con gái trở về tàu rồi họ cho chúng tôi về tàu luôn và họ cắt dây, nổ máy và dùng tàu họ để húc cho tàu chúng tôi chìm. Ngay lúc đó tôi quyết định một sống hai chết phải đánh. Tất cả mọi người chúng tôi đã dùng những mảnh ván tàu bị bể làm vũ khí tấn công. Thấy chúng tôi quyết tử họ bỏ chúng tôi họ ra đi.

Trải qua một đêm cho tới chiều ngày hôm sau thì tàu gặp hải tặc lần thứ hai:

Lúc đó chúng tôi không chờ nữa, khi hải tặc tới nơi, xáo vào tàu chúng tôi thì tôi nhảy lên và tôi đã đánh nhau với hải tặc từ mũi tàu cho tới phòng tài công, tôi đã hạ mười lăm tên và tôi cướp tàu của hải tặc. Sau đó tôi đưa những người trên tàu bị bể của chúng tôi sang tàu chúng tôi cướp được.

Khi nhảy qua nhảy lại để đưa đàn bà và con nít thì chúng tôi còn một người em họ bị gãy chân đêm hôm trước. Chú em nằm trên tàu và tôi nhảy về. Trên đường nhảy về thì dây neo bị đứt và chiếc tàu tôi cướp được trôi đi.

Tàu trôi đi thì võ sư Hóa rớt xuống biển, ông đã lội trên biển như vậy mười mấy tiếng đồng hồ:

Tôi không biết đó là định mệnh Trời muốn tôi sống chứ thật sự tôi không có khả năng bơi lội trên sóng gió 18 tiếng đồng hồ.

May mắn cho ông là sáng hôm sau thì ông nhìn ra một bóng đen, là chiếc tàu vượt biên của ông bị hải tặc đâm vỡ:

Tôi mừng quá tôi bơi vào con tàu, sống trôi nổi trên tàu bể 21 ngày, không có lương thực, chỉ có nước mưa> hai mươi mốt ngày đó là vô vàn tàu hải tặc tấn công tôi liên tiếp. Họ đâm, chém, đánh đập, bắn tôi ba lần nhưng số tôi chưa chết.

Mổi một sáng thức dậy tôi gạch vào mạn tàu tôi đếm một ngày. Sau 21 gạch thì tôi gặp năm cái tàu Mã Lai. Tôi biết đã trôi tới Mã Lai, tôi đứng lên xin ăn. Họ bắt chéo tay và nói rằng “police”. Họ cho tôi một ly trà sữa, một bịch mì ăn liền, một túi bánh khô.

Từ trái võ sư Hóa, Andrew Bennett, Scott Edwards, nhà báo Triều Giang khi đến phi trường Thái Lan

Từ trái võ sư Hóa, Andrew Bennett, Scott Edwards, nhà báo Triều Giang khi đến phi trường Thái Lan

Nhờ chút đỉnh lương thực như vậy, võ sư Nguyễn Tiến Hóa lấy lại sức, bắt đầu lượm áo quần sót lại trên tàu làm một cánh buồm, tháo mạn tàu làm cột buồm rồi bánh lái để có thể bơi vào đất liền:

Làm xong thì hết gió, tôi phải nằm chịu trận một đêm cho tới ngày hôm sau tôi dùng lá buồm đó, tôi lái hai ba ngày gì nữa thì tôi vào bờ biển Mã Lai.

Sức chịu đựng của con người

Tới được Paula Bidong mà không biết số phận vợ con trên chiếc thuyền cướp được của hải tặc như thế nào, võ sư Hóa sống như một người không thiết sống. Đến một ngày, khi Cao Ủy trên đảo gọi ông lên, báo cho biết chiếc tàu cướp được của hải tặc đã bị chìm và tất cả những người trên đó đã chết hết:

“ Tôi mừng quá tôi bơi vào con tàu, sống trôi nổi trên tàu bể 21 ngày, không có lương thực, chỉ có nước mưa> hai mươi mốt ngày đó là vô vàn tàu hải tặc tấn công tôi liên tiếp. Họ đâm, chém, đánh đập, bắn tôi ba lần nhưng số tôi chưa chết

Võ Sư Hóa”

Tôi hét lên, đập bể cái bàn rồi từ văn phòng Cao Ùy tôi chạy ra ngoài bờ biển để tự vẫn. Cảnh sát Mã Lai khi vào bắt tôi thì bị tôi tấn công, sau đó họ quăng dây giất cho tôi té, bác sĩ chạy theo chích thuốc cho tôi mê và đưa vào trong bệnh viện Sic Bay. Họ còng hai tay tôi trên giường sắt và tôi vác cả giường sát tôi chạy. Sau đó họ còng cả hai chân tôi xuống giường sát luôn. Đấy là Nguyễn Tiến Hóa, một người sống sót đi tới Pulo Bidong năm 1982.

Được nhận vào Hoa Kỳ do trường hợp đặc biệt, võ sư Nguyễn Tiến Hóa vẫn còn điên loạn và phải nằm bệnh viện một thời gian. Dần dà, với tâm trí và nghị lực của một người được đào luyện võ thuật từ nhỏ, ông gầy dựng lại cuộc sống bình thường. Hiện tại ông là giám đốc trung tâm võ thuật Vovinam ở thành phố Dallas, Texas.

Ba mươi ba năm sau, khi cùng đoàn làm phim Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ trở lại Malaysia và Thái Lan để tái dựng thảm cảnh vượt biển lúc trước, võ sư Nguyễn Tiến Hóa gần như rơi trở lại trạng thái điên suốt thời gian quay:

Gần 3 tuần lễ quay phim thì ban ngày tôi là người tỉnh để đóng phim nhưng ban đêm tôi là một người điên. Tôi đã điên, tôi điên trên đất Mã Lai, tôi điên trên đất Thái Lan. Tôi đi lang thang ngoài đường phố cả đêm. Có những lúc tôi gặp những người con gái đi ăn xin mà tôi mường tượng đó là vợ con tôi đang thất lạc trên đất Thái Lan hay Mã Lai. Tôi đã cầm tiền cho họ giống như cho người thân của mình.

Đứng ở những bờ biển nghe tiếng sóng gào thì tôi nghĩ như vợ con tôi đang gào thét gọi tôi, tôi ở đâu và tôi làm gì, tại sao tới giờ phút này, sau 33 năm tôi mới trở về tìm vợ con?

Trở về câu hỏi vì sao phải gợi lại ký ức thuyền nhân tưởng đã lắng chìm qua bao tháng ngày dài? Phải lập lại, phải cho mọi người thấy, là câu trả lời của Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hóa Mỹ Gốc Việt:

Phim Master Hoa’s Requiem Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ, hành trình đi tìm tự do của võ sư Nguyễn Tiến Hoa và gia đình ông là một trường hợp tiêu biểu để nói lên cái thảm cảnh thuyền nhân. Trong suốt mấy thập niên từ 70 cho tới 90, trên một triệu người ra đi và gần 500.000 người chết trên biển cả. Chuyện này nếu không ghi chép lại được ở thế hệ chúng ta thì sợ thời con cháu sẽ rất khó khăn khi đi tìm tài liệu, mình làm thành phim để có thể quảng bá đại chúng. Khi làm xong thì cũng có một số người đến điểm phim thì người ta đề nghị nên đưa những đại hội điện ảnh để dự thi. Cuối cùng mình được chọn vào vòng chung kết. Trên hai trăm khán giã, phần lớn người nước ngoài, đã xem buổi trình chiếu đầu tiên bộ phim Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ, tiếp đó tham dự phần hỏi đáp khi cuốn phim kết thúc. Ghi nhận của nhà bào Triều Giang là nhiều khan giả bày tỏ sự bàng hoàng xúc cảm trước những cảnh thực trong phim mà họ cho là không thể tưởng tượng được:

“ Trong suốt mấy thập niên từ 70 cho tới 90, trên một triệu người ra đi và gần 500.000 người chết trên biển cả. Chuyện này nếu không ghi chép lại được ở thế hệ chúng ta thì sợ thời con cháu sẽ rất khó khăn khi đi tìm tài liệu, mình làm thành phim để có thể quảng bá đại chúng”

Nói chung thì khán giả đặt rất nhiều câu hỏi. Những cảnh Võ sư Hóa đi ngược trở lại để tìm vợ con và người thân, trên bước đường đó thì không thể tưởng tượng được có những hòn đảo không ai sống được vì ở đó không có nước ngọt, nhưng trên đó đã thấy hàng trăm mộ của thuyền nhân

Rồi có những làng trong đó dân chừng sáu bảy trăm người nhưng số mộ đếm được là trên một ngàn rưỡi. Rồi có những mộ tập thể ba bốn trăm người chôn cùng một chỗ. Có những mộ không còn bia, chỉ một cây cắm ở đó là biết có người nằm dưới mà thôi.

Những cảnh đó làm cho người xem xúc động, khán giả đã rơi lệ bởi vì cảnh võ sư Hóa từ sáng đến tối đi tìm cả chục cái nghĩa trang và đi kiếm hàng ngàn những ngôi mộ, tìm được mộ người thân nhưng mộ vợ con thì không. Nó buồn và nó xúc động đến phải nói khán giả bữa hôm đó ai đi ra mắt cũng đỏ.

Thế còn người thực hiện bộ phim thì sao. Trước khi được mời đến với phim Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ, đạo diễn Scott Edwards chia sẻ là ông chỉ biết tới Việt Nam, nhất là miền Nam Việt Nam, qua hình ảnh của chiến tranh mà thôi. Ông nói ông đã phải tham khảo, nghiên cứu qua sách vở và trên mạng cho đến khi nhận thức được rằng miền Nam Việt Nam trước và sau chiến tranh, rồi thuyền nhân đi tìm tự do, là cả một trang sử đau thương, xúc tích, gợi hứng và xứng đáng được nhắc nhớ lại:

Suốt thời gian quay phim tôi đã thông cảm nhiều với võ sư Hoá, bởi gần như chúng tôi cùng trổi dậy mỗi ngày để đi tìm mộ cùng với nhau. Chúng tôi chứng kiến võ sư Hóa trong hồi ức tột cùng đau thương và xúc động, gần như chúng tôi cùng trổi dậy cùng đi tìm kiếm mộ người thân yêu. Khi đó tôi vừa có một cháu gái nhỏ 6 thang tuổi, tôi chợt hiểu là sẽ kinh hoàng đau đơn biết mấy nếu chuyện gì khủng khiếp xảy ra cho vợ con mình mà mình không thể làm gì được. Tôi như kinh qua thảm cảnh mà những thuyền nhân miền Nam đi tìm tự do phải gánh chịu, tôi thấu hiểu rằng chuyến đi về quá khứ như thế này quả là khó khăn cho võ sư Hnhư thế nào..

Tôi hiểu rằng phấn đấu, vượt thoát, tang tóc, mất mát là những điều khiến lịch sử miền Nam Việt Nam sau chiến tranh là một câu chuyện đáng nói. Tôi cảm nhận và khâm phục những con người từ nghịch cảnh bước ra như võ sư Hóa mà đã vươn lên, làm lại cuộc đời và cuộc sống xứng đáng của người Mỹ gốc Việt trên đất nước này.

Và điều nữa là bây giờ tôi có thể nói về chiến tranh, về miền Nam Việt Nam, tôi đã có cái nhìn căn bản và sâu sắc hơn về chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến đã quyết định thành bại cho không biết bao nhiêu người miền Nam đã chết và còn sống như những công dân Mỹ gốc Việt ở đất này.

Qua cuộn phim ngắn Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ, hy vọng cộng đồng dòng chính, hiểu rất ít về cuộc chiến Việt Nam, cũng sẽ thông cảm được tất cả nỗi khổ đau của một dân tộc.

Đó là nội dung bô phim Võ Sư Hóa Đi Tìm Mộ, Master Hoa’s Requiem, đã được Thin Line Film Festival chọn trong hơn 300 bộ phim từ 26 nước, sắp nhận giải của Asian On Film thứ Bảy tuần này ở California, và hiện đang là ứng viên giải Remi Awards nổi tiếng trong những ngày tới.

Thích to để “tự sướng”

Thích to để “tự sướng”

VienDongDaily.Com

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Trước hết để nói về hai chữ “tự sướng” gần đây hay được báo chí VN dùng trong nhiều trường hợp, nhất là những người tự chụp ảnh đều được cho là “tự sướng.” Trong năm 2013, từ này xuất hiện liên tục trên mạng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội, trở thành một từ thông dụng và thời thượng.
Thật ra từ ngữ này trước đây chỉ dùng trong trường hợp người ta tự làm một cách nào đó khiến mình sung sướng (tính từ). Xin lỗi bạn đọc, hành động này khiếm nhã nên tôi không dám viết rõ ở đây. Tôi thấy dùng từ ngữ “tự sướng” cho người tự chụp ảnh có vẻ không đúng chỗ. Thí dụ Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung-bak chụp hình theo yêu cầu của nữ cầu thủ Ji So-yun có phải để “tự sướng” không? Tất nhiên là không rồi.

Mẹ già đau đớn bên đứa con bệnh tâm thần phải xích lại nhiều năm nay, trong khi chính phủ chi hàng chục triệu Mỹ kim chỉ để “tự sướng,” không ích lợi cho ai.

Tuy nhiên trong bài này lại có vẻ đúng, bởi người ta thích to để “tự sướng” với nhau hoặc che đi cái mặc cảm tự ti “nước mình nghèo và nhỏ quá” và bản thân dân mình cũng “rách như cái mền” nên cố phồng mang trợn mắt lên để tỏ ra “mình cũng sang như các anh ở nước giàu có.”
Thí dụ như hồi giữa tháng 8/2013, đại gia Lê Ân đã mua mua chiếc giường Hoàng gia với giá hơn 6 tỷ đồng (gần $280,000), sản xuất trong hơn ba tháng và sẽ vận chuyển bằng đường hàng không về Việt Nam.
Giải thích về việc bỏ ra một khoản tiền lớn để mua giường, ông Ân khẳng định, “Giá của chiếc giường với tôi không phải là cao. Trung Quốc mua được thì người Việt Nam cũng mua được. Tôi tìm cách đặt mua không phải để ngủ mà để thế giới biết rằng Việt Nam cũng có nhiều đại gia lắm tiền.”
Không dừng lại ở đó, đại gia Lê Ân còn cho tạc ba bức tượng của ba người vợ từng phụ bạc, ôm tài sản của ông ra đi trong khuôn viên Làng du lịch Chí Linh, Vũng Tàu.
Đã đành anh có tiền, miễn là đồng tiền lương thiện, anh chơi gì chẳng được nhưng trong khi ai cũng biết dân và nước VN còn nghèo, trong khi xã hội đều được khuyến cáo phải tiết kiệm thì những hành vi khoe khoang này trở nên xa xỉ, chướng mắt và lố bịch. Trước khi kể đến vài hiện tượng mang tính cách quốc gia nổi lên trong thời gian gần nhất, tôi kể vài kiểu chơi ngông của đại gia Việt khiến đại gia thế giới có lẽ cũng phải “chào thua” trước đại gia Việt.

Đặt trước mua quan tài $463,000

Quan tài có nhiều loại và tương đương với nó là “đẳng cấp” cùng với số tiền phải chi trả cũng khác nhau. Quan tài hạng bình thường thì không có gì phải nói và đầy rẫy. Hạng quan tài dành cho người trung lưu thì có khác hơn một chút. Còn các loại quan tài dành cho tầng lớp thượng lưu, quan chức, đại gia thì có sự khác biệt hoàn toàn. Một người am hiểu vấn đề này cho biết, với những người này, người ta sẽ đặt quan tài từ khi vẫn còn khoẻ mạnh, hoặc khi mới ngã bệnh, chứ ít khi qua đời rồi con cái mới chạy đi mua. Vì có sự chuẩn bị từ trước nên họ rất kỹ trong việc chọn lựa từ kiểu dáng, mẫu mã, vật liệu… Họ thường thuê hẳn một người thiết kế riêng, sau đó mới đưa bản vẽ đến để cửa hàng đóng.
Thường thì họ sẽ chọn gỗ Pơmu hoặc gỗ Sưa, hai loại gỗ này khá đắt tiền nhưng đúng là chất lượng tuyệt hảo. Muốn có một cỗ quan tài bằng gỗ này sẽ phải đặt trước ít nhất 3 tháng để gom nguyên liệu. Giá của nó thì thực sự là xứng tầm đại gia, ít nhất cũng phải $400,000 đến $600,000 USD/cỗ.
Đã từng có đại gia ở Hải Phòng lên tận Hà Nội đặt quan tài gỗ sưa, tiền không phải là vấn đề. Sau đó lại yêu cầu chạm khắc rồng phượng đủ thứ, dát vàng 18k, tổng chi phí rơi vào khoảng… 10 tỉ đồng ($463,000).

Kỳ công chọn nhà ướp xác và mộ phần khi còn sống

Ở Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình, hầu như ai cũng biết đến biệt danh ‘Đức gấu.’ Ông Đức nổi tiếng không chỉ vì nuôi gấu mà còn tự mình xây dựng một trang trại, trong đó có khu lăng mộ chờ ướp xác mình. Hầm mộ ướp xác được ông Đức khởi công từ năm 2000, hoàn thiện năm 2006. Công trình nhằm hướng Tây Bắc, số bậc thang dẫn lên hầm mộ được các pháp sư tính toán cẩn thận. Ba pháp sư cao tay (hai người Việt Nam, một người Trung Quốc) cùng chọn hướng hầm mộ là Tây Bắc.
Trên quả đồi rộng trồng nhiều cây bách diệp và cây gỗ lát, phần nổi của hai hầm mộ là khối bê tông kiên cố, dài 12m, rộng 7.5m, chiều cao tính từ nền đất trang trại là 25m.
Trên bề mặt đặt thêm tấm bê tông lớn mô phỏng hình một bàn cờ tướng, bàn cờ này mới được làm thêm năm 2007. Vị trí đặt xác ông Đức được ông thiết kế sâu 18m và nằm sâu trong ngóc ngách lòng núi
Để tự ướp xác mình, ông Đức phải nghiên cứu đủ các loại tài liệu Việt Nam, nước ngoài. Những chuyến chu du hàng tháng trời tới Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc tốn hàng chục ngàn đôla để vào các bảo tàng, đến tận những trung tâm nghiên cứu ướp xác người để học hỏi kinh nghiệm.
Ông Đức cũng không ngại hao tốn công sức đi tìm các dụng cụ, nguyên vật liệu phục vụ cho việc ướp xác tốt nhất. Ông vào tận núi Bà Đen, Tây Ninh – nơi tìm thấy xác người còn nguyên vẹn để tìm hiểu địa chất, địa hình nơi đây, tìm mua tinh dầu Cổ Am, tinh dầu Gù Hương để tẩm xác.
Ông cũng tới Ninh Thuận rất nhiều lần để đặt mua than trai – một loại than rất hiếm đốt từ thân cây trai, một loài cây chỉ mọc ở Ninh Thuận, trồng cả chục năm nhưng thân cây chỉ bằng cổ chân.
Bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu ướp xác… đến nay tất cả đã được ông Đức chuẩn bị đầy đủ đặt tại lòng hầm mộ.

Chơi toàn thú dữ

Thời đại này chó Tây, chim hiếm, cá cảnh độc không còn là những con vật quý hiếm nữa. Giờ đây những vị mang thương hiệu đại gia thực thụ phải đi liền với nuôi… thú dữ. Vì thế, các đại gia cũng không ngần ngại trong việc tậu cho mình vài ba con trăn khổng lồ, rắn cực độc, gấu, hổ hay cá sấu cho “vui cửa vui nhà.”
Quan điểm của họ là mua được những con thú lạ, thú độc, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt, vì thế, thú chơi này cũng được phân tầng bậc. Thường thường thì “chơi” đà điểu, heo rừng, hươu, sóc, khỉ… Còn thời thượng, tay chơi hơn thì trong bộ sưu tập phải có gấu, có hổ, báo, hay sư tử, tê giác, trăn, rắn độc… trong vườn nhà. Để củng cố thứ bậc và thể hiện đẳng cấp của mình, các đại gia sẵn sàng chi tài chính cho các chuyến săn hàng tận Lào, Campuchia, Ấn Độ hay sang tận cả các nước châu Phi. Số tiền bỏ ra không dưới hàng trăm tỉ.

Đại gia dùng 140 cây vàng dát nhà vệ sinh

Nghiện dát vàng từ thang máy tới căn nhà, ông Đường “bia” tên thật là Nguyễn Hữu Đường, Tổng giám đốc Công ty Hòa Bình (Hà Nội) đã bỏ ra 140 cây vàng để dát vàng cho cả toilet. Từ giá treo khăn, tới vòi hoa sen, vòi rửa thậm chí là cả hộp đựng giấy vệ sinh của phòng tắm được mạ vàng, khiến cho căn nhà trở nên độc và xa xỉ bậc nhất Việt Nam.

Đến kiểu chơi sang của nhà nước

Giữa tháng 3-2015, nhiều cư dân mạng chia sẻ hai tấm ảnh mang tính tương phản cao: Một chụp tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vừa hoàn thành ở Quảng Nam với chi phí 411 tỉ đồng ($19 triệu Mỹ kim), một chụp một bà mẹ anh hùng khốn khó trong đời thực. Hình ảnh này khiến dư luận dậy sóng. Rõ ràng công luận có lý do để phẫn nộ bởi nếu dùng khoản tiền khổng lồ ấy để giúp đỡ những bà mẹ anh hùng đang sống trong cảnh khốn khó sẽ có ý nghĩa và hiệu quả hơn nhiều. Và ngay cả những bà mẹ VN không cần phải là anh hùng nhưng gặp hoàn cảnh vô cùng khó khăn cũng cần được giúp đỡ. Họ cũng là người mẹ VN. Chẳng thiếu gì những cành đời đau thương của các bà mẹ VN.
Thí dụ như hoàn cảnh của bà Lê Thị Kỷ 74 tuổi ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh hàng ngày người mẹ già khốn khổ phải đi lên rừng đốn củi, nhổ rau má về bán kiếm tiền nuôi đứa con tâm thần. Hôm nào mệt không đi được, không có tiền mua con mắm, bó rau là đứa con tâm thần không chịu ăn, đập phá, đá đổ nồi cơm. Một sợi xích dài được buộc vào chân người đàn ông đó, đầu kia thắt vào cột nhà, mỗi khi anh ta cất bước dậy đi là sợi xích căng lên, khiến anh đau điếng, la hét. Bà Kỷ chỉ còn ôm mặt khóc.
Hoàn cảnh như thế có đáng được cứu giúp không? Xây đài 411 tỉ đồng to nhất Đông Nam Á để làm gì? Mới khánh thành được vài ngày, nền gạch tượng đài Mẹ Việt Nam vỡ vụn. Rồi qua thời gian dãi nắng dầm mưa, pho tượng lại phải được trùng tu, sửa chữa, ngốn thêm bao nhiêu tiền của nữa? Đúng là kiểu khoe mẽ để các quan tự sướng với nhau thôi.

Tháp truyền hình VN sẽ cao nhất thế giới

Cùng thời điểm, báo chí cũng đưa tin về việc khởi công xây dựng tượng Phật Thích Ca cao nhất thế giới (cao 81 m) khắc vào vách núi Sam tại thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), ngoài ra là tháp truyền hình Việt Nam phá kỷ lục thế giới (cao 636 m) tại Hà Nội, thậm chí còn cao hơn cả tháp Tokyo Sky Tree của Nhật.
Có thể vẫn có những người tự hào về hai kỷ lục sắp thành hiện thực đó nhưng nếu suy nghĩ kỹ, bạn sẽ thấy việc xây một biểu tượng Phật giáo bề thế đi ngược lại triết lý nhà Phật về việc hạn chế khoa trương, trong lúc tư duy xây tháp truyền hình bây giờ đã trở nên lạc hậu. Đang là thời truyền hình vệ tinh và tích hợp các dịch vụ truyền thông ứng dụng công nghệ cao, chẳng có quốc gia nào xây tháp truyền hình cao ngất như trước. Ngay cả các tháp truyền hình nổi tiếng như tháp Eiffel, tháp Tokyo, tháp Seoul hiện nay chỉ để khai thác làm điểm cho khách du lịch quan sát trên cao.
Đúng là một hội chứng “phát cuồng với những cái khổng lồ.” Theo một thống kê chưa đầy đủ, hội chứng phát cuồng với những cái khổng lồ được gọi chung là gigantomania rất được ưa thích ở Liên Xô thời Stalin, ở Đức thời phát xít và ở Bắc Hàn hiện nay và bây giờ thêm “ông Việt Nam” nữa!

Văn Quang

(3-4-2015)

Những kinh nghiệm tôi học được từ người Do Thái

Những kinh nghiệm tôi học được từ người Do Thái

Nguoi-viet.com

Luật Sư Trần Thái Văn

LTS – Luật Sư Trần Thái Văn có bằng hành nghề ở California từ năm 1994, và hiện đang hành nghề luật tại Newport Beach, California. Từ năm 2004 đến năm 2010, ông là dân biểu tiểu bang California đại diện Địa Hạt 68 ở Orange County, và là người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ làm việc trong quốc hội một tiểu bang. Trước đó, ông là nghị viên và là phó thị trưởng thành phố Garden Grove, California.

Luật Sư Trần Thái Văn. (Hình: Trần Thái Văn Facebook)

Không ai có thể lớn lên mà không trải qua điều mà các nhà khoa học xã hội và nhà tâm lý học gọi là ngày “định mệnh.” Đó là một ngày, có thể do lịch sử hoặc cá nhân tạo ra, mà nó có ảnh hưởng rất sâu đậm đối với số phận, cá tính, và tương lai, của một con người. Đối với hầu hết người Việt Nam ở hải ngoại, nhất là những người còn nhớ những định mệnh trong cuộc đời, chắc chắn họ không bao giờ quên ngày 30 Tháng Tư, 1975, ngày mà Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam. Đây cũng là ngày chúng ta rời bỏ quê hương đi tìm tự do.

Ngày 25 Tháng Tư, 1975 là một ngày định mệnh đối với tôi, khi gia đình tôi vội vã rời Sài Gòn, trên chiếc phi cơ vận tải C-130 của Không Quân Mỹ, vào lúc sáng sớm, bay ra khỏi phi trường Tân Sơn Nhất. Lúc đó, tôi chỉ mới 10 tuổi, và đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy quê hương.

Tháng Tư tới đây sẽ là ngày tôi xa quê hương 40 năm. Tuy vậy, trong ký ức của mình, ngày định mệnh đó vẫn còn khắc sâu trong tiềm thức của tôi, như thể là nó mới xảy ra hồi tuần trước.

Thời gian trôi nhanh, vào Tháng Tư, 1988, đúng 13 năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, tôi lại có một cơ hội chứng kiến sự vui mừng và hiểu ý nghĩa thật sự một nền độc lập quốc gia, của một dân tộc từng bị khuất phục và bị trục xuất ra khỏi quê hương của họ trong hơn 2,000 năm. Dân tộc này, được gọi một cách mỉa mai là “dân tộc được Chúa chọn,” ý nói đến người Do Thái, giống như cuộc di tản của người Việt Nam hải ngoại, có mặt hầu như ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, có cả người Hoa gốc Do Thái, hoặc có người gốc Do Thái sinh trưởng tại Ethiopia.

Chính lúc gặp người Do Thái ở Israel mà tôi nghiệm ra được niềm tự hào của một dân tộc từng bị đàn áp, nhưng vẫn tranh đấu và có được độc lập, trong khi số phận lại không mỉm cười với dân tộc Việt Nam, vẫn còn sống trong chế độ độc tài và tham nhũng, và chế độ này vẫn tiếp tục đàn áp chính người dân của mình. Cả hai sự kiện lịch sử trái ngược này lại tái hiện trong cùng một tuần lễ tôi có mặt tại Israel.

Tháng Tư, 1988, tôi và tám nhà lãnh đạo cộng đồng gốc Châu Á khắp Hoa Kỳ được tổ chức World Zionist Organization (WZO) mời sang thăm Israel trong 10 ngày. Đây là một tổ chức quốc tế góp phần vào việc thành lập quốc gia Israel ngày nay. WZO gọi đây là một “chuyến đi nghiên cứu” (study tour). Phái đoàn chúng tôi có một cố vấn cao cấp của Thống Đốc California George Deukmejian, một chỉ huy cảnh sát ở Philadelphia, và một giám sát viên ở San Francisco County.

Trên thực tế, chính phủ Israel, qua các tổ chức bán chính phủ như WZO, thường mời nhiều phái đoàn chính trị đến Israel như là một cách hiệu quả vận động ý kiến của người dân Hoa Kỳ, gây ảnh hưởng các chính sách với các quốc gia Ả Rập, trong khi tạo nên mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ qua các chuyến đi như vậy.

Tôi không biết tại sao mình được WZO mời đi trong chuyến này. Lúc đó, tôi mới 23 tuổi, là một phụ tá đặc biệt cho Thượng Nghị Sĩ California Ed Royce, và cũng là thành viên trẻ nhất trong phái đoàn. Tuy nhiên, tôi chấp nhận lời mời. Trong phái đoàn còn có một người Việt Nam khác nữa mà trước đó tôi chưa bao giờ gặp, nhưng sau này nhanh chóng trở thành người bạn thân. Đó là nhạc sĩ và MC nổi tiếng Nam Lộc, lúc đó là giám đốc chương trình phục vụ người tị nạn của tổ chức thiện nguyện Catholic Charities, thuộc Tổng Giáo Phận Los Angeles. Chúng tôi là hai người Việt Nam duy nhất trong phái đoàn thăm viếng một quốc gia có một lịch sử đầy biến động, người dân trải qua nhiều hy sinh, nhưng hồi sinh nhanh chóng và tạo được cho đất nước một chỗ đứng xứng đáng trong cộng đồng thế giới. Đối với tôi, chuyến thăm Israel giúp tôi khám phá nhiều sự ngạc nhiên vô cùng ý nghĩa, cùng với nhiều phát hiện rất sâu sắc.

Luật Sư Trần Thái Văn (thứ ba từ phải) ngồi trong nhà hàng
Đại La Thiên ở Jerusalem, Israel. (Hình: Trần Thái Văn cung cấp)

Chúng tôi bay máy bay của hãng El Al, một hàng không quốc gia Israel, và nhóm chúng tôi đáp xuống phi trường Ben Gurion nằm ở ngoại ô Tel Aviv vào ngày 26 Tháng Tư. Lúc đó, người Do Thái đang chuẩn bị kỷ niệm quốc khánh lần thứ 40, từ năm 1948 đến năm 1988. Đó là một chuỗi sinh hoạt kỷ niệm kéo dài cả năm trời, không chỉ cho sự tồn vong trong 40 năm, mà còn là một sự thừa nhận những thành tựu của người Do Thái khắp thế giới.

Điều gây chú ý nhất và đầu tiên của tôi đối với đất nước này, một nơi có thời tiết nóng và khô giống như San Bernardino County, là những quốc kỳ có ngôi sao của David – biểu tượng của quốc gia – bay phất phới dọc đường từ phi trường về đến trung tâm Jerusalem, dài khoảng 35 dặm. Ngôi sao của David, màu xanh dương, là điều gây ấn tượng sâu đậm của Israel đối với tôi. Tôi có cảm tưởng rằng, người Do Thái cũng vô cùng tự hào với lá cờ của họ. Và họ có quyền treo, bất cứ ở đâu.

Trong thời gian ở Jerusalem, thủ đô của Israel, chúng tôi được đi thăm nhiều tòa nhà chính phủ, với các viên chức chính quyền và quốc hội, gọi là “Knesset.” Chúng tôi cũng thăm một số bệnh viện, viện bảo tàng, và trường học. Qua tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội Do Thái, từ chính trị gia cho tới giới giáo dục, phái đoàn biết được thêm nhiều về lịch sử của Israel, cuộc đấu tranh của họ, và cuộc xung đột đang xảy ra với các quốc gia láng giềng Ả Rập, đe dọa xóa sổ quốc gia nhỏ bé này.

Có một điều lý thú là anh Nam Lộc và tôi khám phá có hàng trăm người tị nạn Việt Nam đang sinh sống ở Israel. Chúng tôi được biết, sau năm 1975, trong số người Việt Nam ra đi tìm tự do khắp thế giới, có một số đến định cư tại Israel. Lúc đó, Thủ Tướng Menachem Begin đồng ý nhận gần 300 người Việt từ các trại tị nạn ở Đông Nam Á. Dù bị nhiều người Do Thái phản đối, Thủ Tướng Begin nhắc nhở họ rằng Israel có bổn phận đạo đức giúp những người tị nạn Việt Nam này. Ông nói rằng, trước đó không lâu, chính người Do Thái sống không tổ quốc ở Châu Âu và Bắc Phi vì họ cần lánh nạn, để không bị Đức Quốc Xã giết hại. Quyết định của Israel nhận người Việt Nam là một hành động nhân đạo cao đẹp mà chỉ có dân tộc từng bị đàn áp mới thấu hiểu nổi số phận của một dân tộc khác đang bị đàn áp.

Trong một buổi ăn tối ở Jerusalem, chúng tôi được mời ăn tại một nhà hàng Trung Hoa địa phương, nhưng người chủ và điều hành nhà hàng lại là một người Việt tị nạn, tên Lê Quang Phong, cựu phi công QLVNCH, từng lái trực thăng trong cuộc chiến Việt Nam. Không ai trong chúng tôi biết nhà hàng này, hoặc chủ nhân của nó, trước khi đến ăn. Quả là một sự tình cờ là nhà hàng này do một người Việt điều hành. Anh Phong rất vui mừng khi gặp anh Nam Lộc và tôi, những đồng hương từ Hoa Kỳ xa xôi đến thăm Jerusalem và ăn tối ở nhà hàng của anh, tên là Đại La Thiên. Ngay lập tức, cả ba chúng tôi chia sẻ sự gắn bó đặc biệt biệt này, từ một nơi rất xa quê hương Việt Nam. Tuy nhiên, vì là đồng hương với nhau, chúng tôi có những điểm giống nhau về chính trị, văn hóa, di sản, và ngôn ngữ.

Vào lúc đó, tự nhiên tôi cảm thấy buồn kỳ lạ, ba chúng tôi, cũng như hàng triệu người Việt Nam khác, sống rải rác tại khắp các quốc gia, cách Việt Nam cả ngàn dặm, và lúc đó, chúng tôi đang ở Israel, sắp sửa chứng kiến hai sự kiện quan trọng – quốc khánh lần thứ 40 của Israel và ngày miền Nam Việt Nam thất thủ – trong cùng một tuần lễ. Tôi thắc mắc, tại sao lịch sử lại tàn nhẫn đến thế. Niềm vui của một quốc gia này lại xảy ra cùng lúc với nỗi đau của một quốc dân khác.

Tôi còn nhớ rất rõ một chuyện xảy ra trong lúc ăn tối ở Đại La Thiên, làm nhiều người trong phái đoàn rơi lệ, nhất là ba người Việt Nam chúng tôi – anh Phong, anh Nam Lộc, và tôi. Đó là lúc anh Phong bước ra khỏi nhà bếp để gặp một thực khách. Thế là anh Nam Lộc và tôi đề nghị chúng tôi cùng hát một bài hát bằng tiếng Việt tặng cho các bạn gốc Châu Á trong phái đoàn và các bạn người Do Thái. Tôi báo cho mọi người biết chúng tôi sẽ hát một bài hát để tưởng niệm ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, đúng vào ngày hôm sau. Cả ba chúng tôi bước đến giữa bàn và bắt đầu hát, kiểu “A cappella,” bài hát duy nhất mà tôi còn nhớ lời. Đó là bài

“Việt Nam, Việt Nam.”
Việt Nam, Việt Nam, nghe từ vào đời,
Việt Nam hai câu nói bên vành nôi,
Việt Nam nước tôi…”

Chắc chắn đây không phải là chỗ hát bài này, nhưng đối với tôi, sự kiện này vô cùng ý nghĩa. Sau khi chấm dứt, tôi ngồi xuống, cảm thấy nghịch lý và vô cùng xúc động. Tôi đang ngồi trong một nhà hàng Trung Hoa ở Jerusalem, do một người Việt Nam tị nạn làm chủ, mừng ngày độc lập lần thứ 40 của Israel, trong lúc nhớ lại ngày kỷ niệm số phận của quê hương tôi, qua cái ngày số phận nghiệt ngã đã đến với hàng triệu đồng bào của tôi. Tôi nhận ra rằng, cho dù tôi ở đâu, hoặc đang làm gì, trong thâm tâm, tôi vẫn là người Việt Nam.

Tất cả những cảm nhận trái ngược của tôi khi ở Irael cũng cho tôi một hy vọng cho đồng bào tôi. Tôi suy luận, nếu người Do Thái phải mất đến 2,000 năm lưu vong trước khi trở về cố quốc, vậy thì, cộng đồng người Việt hải ngoại có thể đạt được điều này, hy vọng với thời gian ngắn hơn, để giúp Việt Nam thật sự có tự do, độc lập, và dân chủ. Tôi rất ngưỡng mộ người Do Thái, nhưng tôi cũng rất tin tưởng vào những người Việt Nam rất kiên nhẫn và tháo vát.

Đêm không ngủ tại bờ biển Tel Aviv, Israel. Người ôm đàn là nhạc sĩ Nam Lộc. (Hình: Trần Thái Văn cung cấp)

Anh Phong rất vui khi gặp anh Nam Lộc và tôi, và anh muốn dành thời gian nhiều hơn cho chúng tôi. Anh đề nghị mời những người Việt Nam sống ở vùng Jerusalem-Tel Aviv, rồi tổ chức một “đêm không ngủ” vào đêm tối 29 Tháng Tư. Anh Nam Lộc và tôi đồng ý ngay vì chúng tôi cũng muốn biết về đời sống của người Do Thái gốc Việt.

Khoảng 20 người Việt địa phương vui vẻ gặp chúng tôi tại một điểm hẹn trên bờ biển Tel Aviv, có đàn guitar, lửa trại, dầu, và nhiều thức ăn như thịt bò, cá, cua, và bánh mì, để nướng dã chiến. Thực ra, dù chúng tôi tưởng niệm ngày mất nước, nhưng ai cũng được no bụng!

Đối với tôi, một thanh niên Việt Nam mới 23 tuổi, ngồi trên bãi cát trắng ở bãi biển Tel Aviv, nhìn ra biển Địa Trung Hải, cùng đồng hương nói lên lòng khao khát cho quê hương, một quốc gia bị mất và bị lỡ cơ hội, qua những âm thanh buồn của đàn guitar, là một kỷ niệm không bao giờ quên được. Chúng tôi ngồi ở bãi biển suốt đêm, cho tới trước khi bình minh, chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm cá nhân, tái xác quyết nguồn gốc Việt Nam của chúng tôi. Chúng tôi tâm sự. Chúng tôi hát. Chúng tôi cười. Chúng tôi khóc. Anh Nam Lộc hát một trong những bài hát nổi tiếng nhất do anh sáng tác, bài “Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt,” với lời hát vô cùng thấm thía về người Việt lưu vong sau khi cuộc chiến kết thúc. Giống như người Do Thái ở Israel, chúng tôi muốn nghiêm túc chia sẻ những ước vọng này, cho một đất nước và thế hệ mai sau tươi sáng hơn.

Trong suốt thời gian ở Israel, tôi kết bạn với một hướng dẫn viên người Do Thái trong đoàn, tên là Ben Edelstein, sinh ra và học ở bên Anh. Tôi không thể bao giờ quên được người đàn ông này, một người Anh lịch thiệp, có kiến thức rộng về Israel, cả về lịch sử và chính trị từ cổ xưa cho đến hiện đại của Israel. Ông nói tiếng Anh với một giọng Anh phong nhã và độ chừng hơn 60 tuổi. Ông nói với tôi rằng ông từng chiến đấu chống lại Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến. Ông cũng tình nguyện và được huấn luyện trở thành phi công Hoàng Gia Anh, lúc ở khoảng tuổi tôi. Chuyến bay đầu tiên của ông là đối đầu với không quân Đức Quốc Xã.

Thời gian phục vụ trong quân đội của ông Ben Edelstein trong Đệ Nhị Thế Chiến rất đáng chú ý, nhưng lại không lý thú và vô cùng ý nghĩa bằng việc ông định cư tại Israel khi tôi khai thác ông qua đề tài này. Ông nói với tôi rằng, là một công dân Anh, ông và gia đình thực ra không liên quan gì, thậm chí không cần phải đến sống ở Israel, từng thuộc về Palestine trước năm 1948. Tuy nhiên, vì là người gốc Do Thái, ông cảm thấy có trách nhiệm phải tham gia bảo vệ độc lập quốc gia, giúp thành lập một nhà nước Israel cho những người cùng dòng máu Do Thái khắp thế giới.

Trong cuộc chiến giành độc lập từ năm 1946 đến năm 1948, ông tình nguyện gia nhập tổ chức Haganah, tiền thân của Lực Lượng Phòng Vệ Israel (IDF), chiến đấu trong việc thiết lập quốc gia Israel ngày nay. Với kinh nghiệm thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông đã đáp lời kêu gọi của chính phủ Israel để huấn luyện các phi công mới ra trường, vì đây là một lực lượng rất quan trọng trong việc bảo vệ Israel.

Điều làm tôi đáng nhớ nhất về ông Ben Edelstein không chỉ là tài năng và kinh nghiệm quân sự của ông, mà ông có một bề dày đáng kể. Chắc chắn, chính ông là người giúp xây dựng lực lượng IDF hiện đại. Bài học đáng nhớ nhất mà tôi học được từ người đàn ông người Anh này là ông rất tự hào và cảm thấy vinh dự về nguồn gốc Do Thái của mình. Ông không ngại hy sinh cho chính nghĩa của người dân, cho ngay cả một quốc dân trước đây không có gì cả. Ông chiến đấu cho những gì ông tin là dân tộc của ông muốn và xứng đáng được hưởng. Ông nói với tôi rằng, trong thời gian chiến đấu cho độc lập của Israel, có nhiều thanh niên và thiếu nữ trẻ gốc Do Thái, những người giống như ông, từ khắp nơi ở Châu Âu và Châu Mỹ trở về Palestine, để cống hiến cho công cuộc hồi phục quê hương Do Thái, ngay cả họ chưa bao giờ đặt chân lên mảnh đất được biết tới là Israel.

Câu chuyện cá nhân của ông Ben Edelstein giúp tôi ghi nhận được những gì đang xảy ra cho công cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ của người Việt, đang được tiếp diễn tại hải ngoại và quốc nội. Xét về một mặt nào đó, người Việt may mắn hơn người Do Thái vì đã có một quốc gia rồi. Chúng ta không cần tạo ra một quốc gia khác. Chúng ta chỉ không có một chính quyền hợp pháp đại diện cho các khát vọng của dân tộc Việt Nam. Trước năm 1948, người Do Thái không có gì cả. Thế nhưng, bây giờ họ có cả hai, dù trải qua các cuộc tàn sát và diệt chủng của Đức Quốc Xã và tại các quốc gia họ sinh sống trong 2,000 năm lưu đày.

Israel là miền đất hứa của người Do Thái, và người Do Thái khắp thế giới, cho dù đang sống cách xa Jerusalem bao nhiêu, họ luôn có ý định giữ lời nguyền xây dựng một quốc gia cho chính họ. Ông Ben Edelstein có chia sẻ truyền thống Do Thái này với tôi, đặc biệt là thời kỳ trước khi nhà nước Israel ngày nay được thành lập, bằng một điệp khúc có hàng thế kỷ, mà người Do Thái mỗi khi gặp nhau thường trao đổi, đó là, “Hẹn gặp ở Jerusalem năm tới!” Đây là một lời cam quyết rất quen thuộc, nó có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là chuyện có mặt ở Jerusalem, một miền đất mà người Do Thái coi rất linh thiêng, giống như một lời cầu khẩn mong tất cả người Do Thái sống trong hòa bình, công bằng, và công lý. Đây là một cam quyết về danh tánh của người Do Thái và những gì họ mong muốn. Đó là lý do tại sao họ nói với nhau một cách hùng hồn: “Hẹn gặp ở Jerusalem năm tới!”

Để tưởng niệm 40 năm ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, chúng ta nên tận dụng cơ hội này, như là một thời điểm để tái xác quyết sự đòi hòi cho tự do và dân chủ tại Việt Nam. Đối với người Việt Nam, 40 năm có thể là một thời gian chờ đợi quá lâu, nhưng lại không thấm vào đâu so với 2,000 năm chờ đợi của người Do Thái trước khi họ đến được miền đất hứa. Bổn phận và trách nhiệm tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ tại Việt Nam phải được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong lúc thế hệ cha anh chúng ta đang từ từ qua đi.

Thực ra, chúng ta cần có hàng ngàn người Việt Nam có tinh thần vững chắc như ông Ben Edelstein. Chúng ta đang có nhiều người Việt như ông Ben Edelstein, cả ở trong lẫn ngoài nước, và họ cần sự giúp đỡ của chúng ta. Mỗi người chúng ta, những người Việt hải ngoại, có trách nhiệm không được quên tại sao chúng ta có mặt ở đây, và cần làm gì cho những đồng bào còn đang sống mỏi mòn dưới ách Cộng Sản. Trách nhiệm này còn bao gồm dạy dỗ con cháu chúng ta không bao giờ được quên mình là ai, bài học lịch sử đau khổ của các bậc cha anh, và trách nhiệm của mình trong việc tạo ra một sự an bình, công bằng, và công lý, trên quê cha đất tổ.

Việt Nam không có con đường nào khác hơn là phải thay đổi để tốt hơn. Bánh xe lịch sử và sự phát triển của văn minh sẽ nghiền nát bất cứ ai cản trở con đường này. Vấn đề chỉ là thời gian, và phần lớn, nó tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo Cộng Sản ở Việt Nam có đủ sự can đảm và thực sự muốn hủy bỏ cái lý thuyết dựa trên sự chuyên chế, dối trá, và tàn bạo. Thời gian không đứng về phía họ. Là những người yêu chuộng tự do, chúng ta hãy chia sẻ với tất cả người Việt Nam sự khao khát này, bằng câu nói, “Hẹn gặp nhau ở Sài Gòn năm tới!” Tôi chắc chắn ông bạn Ben Edelstein của tôi sẽ hoàn toàn đồng ý.

Nhà khoa học nguyên tử Mỹ từng đạp xích lô ở Việt Nam

Nhà khoa học nguyên tử Mỹ từng đạp xích lô ở Việt Nam

Theo DanTri.VN

NẾU KHÔNG VƯỢT BIÊN THÌ GIỜ NÀY ANH TA LÀM CÁI GÌ???

Trở thành tiến sĩ gốc Việt đầu tiên làm việc trong phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (Mỹ), tiến sĩ Võ Tá Đức luôn nhắc về quãng đời đạp xích lô khi ông còn ở Việt Nam, như điều thần kỳ của cuộc sống.

Công việc hiện tại của Tiến sĩ Võ Tá Đức là nghiên cứu sáng chế ra những máy móc, thiết bị dò tìm các nguyên tử đang được ứng dụng để ngăn ngừa các hình thức vận chuyển nguyên tử bất hợp pháp vào biên giới Mỹ.

Nhà khoa học nguyên tử Mỹ từng đạp xích lô ở Việt Nam

TS Võ Tá Đức hồi còn nhỏ tại Việt Nam.

Là con trưởng trong gia đình 11 anh chị em ở Phú Yên, năm lên 14 tuổi, cậu bé Võ Tá Đức đã trở thành lao động chính trong nhà vì gia cảnh khó khăn. Hằng ngày, sau giờ tan học, Đức ăn vội cơm trưa rồi cuốc chiếc xe xích lô rong ruổi khắp mọi đường phố ở Tuy Hòa để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi 14 miệng ăn trong gia đình.

Đến năm 1981, ba Đức cố xoay xở tìm cách cho cậu theo một người bà con tìm đường sang Mỹ và được một gia đình ở bang Iowa nhận làm con nuôi. Thành tích học tập của chàng trai nghèo từ VN bắt đầu tỏa sáng sau 1 năm rưỡi ở trường trung học Mỹ.

Cậu bé đạp xích lô ở Tuy Hòa ấy suốt thời gian đại học và cao học ở Mỹ không phải trả bất kỳ khoản tiền học phí nào, nhờ vào thành tích lao động trí óc cần cù.

Năm học lớp 12, Đức đoạt giải nhất một kỳ thi khoa học cấp tiểu bang, mang lại cho cậu học bổng toàn phần cho suốt 4 năm học ở khoa Vật lý Trường Đại học Bắc Iowa. Tốt nghiệp đại học, anh đi thẳng vào chương trình tiến sĩ chuyên ngành vật lý nguyên tử, và trong suốt thời gian cao học, anh liên tục nhận được các nguồn học bổng dành cho nghiên cứu sinh.

Nói về thành công của mình, Tiến sĩ Đức cho biết: “Một thông điệp tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam, nhất là các bạn nghèo, rằng nếu có ý chí sẽ vượt qua được những khó khăn”.

Theo Hạ Anh

Dân Việt

Phóng sự ‘chìm trong khói shisha’ gây tranh cãi ở Việt Nam

Phóng sự ‘chìm trong khói shisha’ gây tranh cãi ở Việt Nam

Báo chí trong nước dẫn lời các học sinh trong nước cho biết, các phóng viên của VTC đã “gọi một bình shisha lên bảo đó là ‘đạo cụ’ để bọn em hút và quay”.

Báo chí trong nước dẫn lời các học sinh trong nước cho biết, các phóng viên của VTC đã “gọi một bình shisha lên bảo đó là ‘đạo cụ’ để bọn em hút và quay”.

05.04.2015

Một phóng sự về việc các học sinh mặc đồng phục ở Hà Nội hút shisha gây ra nhiều phản ứng của dư luận tới mức chính quyền phải vào cuộc và một đài truyền hình phải lên tiếng xin lỗi.

Ban biên tập Đài truyền hình kỹ thuật số VTC14 hôm 4/4 đã gửi lời xin lỗi tới các học sinh cũng như gia đình các em “về những tác động không mong muốn”, sau khi các em tham gia một phóng sự có tên gọi “Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha”.

Đài này cũng thông báo “tạm đình chỉ sản xuất của cả nhóm tác nghiệp chương trình nói trên để xem xét xử lý theo quy định”.

Trước đó, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu hai trường trung học có học sinh xuất hiện trong phóng sự “làm rõ vụ việc”, và cho biết “sẽ báo cáo sự việc” lên chính quyền TP Hà Nội”.

Báo chí trong nước dẫn lời các học sinh trong nước cho biết, các phóng viên của VTC đã “nói nội dung trước cho bọn em, đưa ra những câu hỏi và gợi ý trả lời liên quan đến hút shisha” và “gọi một bình shisha lên bảo đó là ‘đạo cụ’ để bọn em hút và quay”.

Sau khi phóng sự lên sóng, nhiều tờ báo đã đặt những cái tít như: “Học sinh Hà Nội hút shisha”: Thật hay dàn dựng?” hay “Vụ phóng sự học sinh hút shisha: Có dấu hiệu vi phạm luật báo chí”.

Trong lời xin lỗi, VTC14 nói: “Khi áo trắng học trò chìm trong khói trắng shisha” không phải là một phóng sự điều tra ghi lại hình ảnh bắt gặp các học sinh đang hút shisha một cách tự nhiên, không phải là một phóng sự dàn dựng để nói về một cá nhân cụ thể hay đề cập về một vấn đề có tính chất tệ nạn”.

Đài truyền hình này nói thêm: “Đây chỉ là một chương trình mang tính chất cảnh báo, có sự tham gia cộng tác và trả lời của các học sinh khi biết được thông tin về chương trình”.

Truyền thông trong nước thời gian qua đăng tải nhiều bài viết về tình trạng học sinh đổ xô đi hút shisha, mà nhiều người gọi là “thuốc lào Ảrập”, gây quan ngại trong các bậc phụ huynh. Shisha hiện không phải là mặt hàng bị cấm ở Việt Nam.

Theo Tuổi Trẻ, Dân Trí