Hạ nghị sỹ Mỹ gặp giới bất đồng tại VN

Hạ nghị sỹ Mỹ gặp giới bất đồng tại VN

Ông Lowenthal đã đến thăm Hòa thượng Thích Quảng Độ tại Thanh Minh Thiền viện

Một hạ nghị sỹ Mỹ tháp tùng phái đoàn Quốc hội nước này đến Việt Nam đã có chuyến thăm viếng các nhân vật bất đồng chính kiến như Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, ông Nguyễn Tiến Trung và đến viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, thông cáo từ văn phòng vị hạ nghị sỹ này cho biết.

Thông cáo báo chí từ văn phòng Hạ nghị sỹ Alan Lowenthal cho biết ông đã thực hiện những chuyến viếng thăm này ngay trong ngày đầu tiên ông đến Việt Nam – hôm thứ Hai ngày 4/5.

‘Vinh danh tử sỹ Việt Nam Cộng hòa’

Cũng theo thông cáo này thì việc đi viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là ‘ý kiến cá nhân’ của chính ông Lowenthal đề nghị vào lịch trình của phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ vì ông ‘muốn đích thân được đến nghĩa trang để tưởng niệm, vinh danh các tử sỹ Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như để quan sát tình trạng hiện nay của nghĩa trang’.

Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là nơi an nghỉ của hơn 16.000 tử sỹ của quân đội Việt Nam Cộng hòa đã thiệt mạng trong cuộc chiến kết thúc 40 năm trước đây. Kể từ khi chiến tranh kết thúc, nghĩa trang này đã không được coi sóc và bảo dưỡng.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị chính quyền Việt Nam cấm đoán. Trong nhiều năm qua Ngài đã bị quản chế tại Thanh Minh Thiền viện thuộc Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Tiến Trung là một cựu tù nhân chính trị bị buộc tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Ông Trung đã được trả tự do hồi tháng Tư năm 2014.

Hòa thượng Thích Quảng Độ được cho là đã trình bày với ông Lowenthal về ‘thực trạng đàn áp’ đối với giáo hội do Ngài lãnh đạo và kêu gọi Hoa Kỳ ‘hỗ trợ cho tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam’.

Ông Lowenthal từng đề xuất Ngoại trưởng John Kerry nêu vấn đề Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa với chính quyền Hà Nội

Về phần mình, ông Nguyễn Tiến Trung đã nhấn mạnh với Hạ nghị sỹ Lowenthal ‘về nhu cầu tạo thêm sự quan tâm của thế giới đối với tình trạng nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam’, theo thông cáo.

Ông Trung từng được Hạ nghị sỹ Lowenthal nhận đỡ đầu trong chương trình ‘Bảo vệ các Quyền Tự do’ do Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos thuộc Quốc hội Hoa Kỳ thành lập.

‘Cuộc gặp chính thức’

Trao đổi với BBC về nội dung cuộc gặp, ông Nguyễn Tiến Trung cho biết đây là ‘một cuộc làm việc chính thức chứ không phải cuộc gặp gỡ cá nhân’.

“Ông Lowenthal dẫn đầu phái đoàn gồm sáu, bảy người đến gặp tôi và nói rõ rằng đây là phái đoàn của Hạ nghị viện Mỹ,” ông Trung nói và cho biết cuộc gặp đã diễn ra tại một quán cà phê trong khoảng 20 phút.

“Tôi cũng nêu quan điểm thẳng thắn với phía Hoa Kỳ rằng vấn đề dân chủ của Việt Nam thì cuối cùng người quyết định chính là người dân Việt Nam. Còn nếu người dân Việt Nam không dám lên tiếng về việc mình bị mất quyền làm chủ như vậy thì dù Mỹ hay châu Âu cũng không thể nào lên tiếng giúp đỡ Việt Nam được.

Ông Nguyễn Tiến Trung”

Ông Trung cũng cho biết hai ông đã trao đổi về việc Hoa Kỳ có nên đồng ý cho Việt Nam gia nhập TPP, tức Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, hay không.

“Quan điểm của tôi là các dân biểu Mỹ nên bỏ phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP vì sự mở cửa về kinh tế sẽ dẫn đến mở cửa về chính trị,” ông Trung kể lại, “Nhưng tôi cũng nói là phía Mỹ nên kèm theo yêu cầu Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của công nhân trước các vị chủ tư bản.”

“Những ý kiến của tôi là một kênh để ông tham khảo và cân nhắc trước khi ông quyết định có bỏ phiếu cho Việt Nam gia nhập TPP hay không,” ông Trung nói.

Ông Trung cũng cho biết ông đã trình bày với ông Lowenthal về tình trạng những nhà hoạt đông dân chủ ở Việt Nam ‘bị sách nhiễu’.

“Một số bạn không thể thuê nhà được vì vừa dọn đến thuê thì chủ nhà bị an ninh dọa dẫm nên không dám cho thuê nữa,” ông nói, “Một số không kiếm được việc làm vì đi xin việc thì có người đến chặn phá. Ngày lễ thì không được di chuyển tự do do an ninh lo sợ có biểu tình hay sao đó.”

“Ông Lowenthal có hứa sẽ làm việc với chính quyền Việt Nam,” ông Trung cho biết.

‘Quyết định là ở người dân Việt Nam’

Ông Lowenthal là người đỡ đầu cho cựu tù nhân chính trị Nguyễn Tiến Trung

Theo lời ông Trung thì ông đến cuộc gặp với phái đoàn Mỹ không gặp trở ngại gì nhưng sau đó ông đã bị ‘cảnh sát khu vực, đại diện Mặt trận Tổ quốc đến nhà và gọi điện hỏi xem tôi đi đâu’.

Ông Trung nói rằng ông ‘không hy vọng gì nhiều về sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Việt Nam đối với các nhà hoạt động dân chủ’ mặc dù có sự quan tâm của phía Hoa Kỳ.

“Họ (chính quyền) vẫn trấn áp thôi nhưng hạn chế bắt bớ và làm những việc khác để hạn chế các nhà hoạt động,” ông nói.

“Tôi cũng nêu quan điểm thẳng thắn với phía Hoa Kỳ rằng vấn đề dân chủ của Việt Nam thì cuối cùng người quyết định chính là người dân Việt Nam,” ông Trung nói, “Còn nếu người dân Việt Nam không dám lên tiếng về việc mình bị mất quyền làm chủ như vậy thì dù Mỹ hay châu Âu cũng không thể nào lên tiếng giúp đỡ Việt Nam được.”

Sau Thành phố Hồ Chí Minh, phái đoàn nghị sỹ Hoa Kỳ sẽ đến Hà Nội và dự kiến ‘sẽ gặp một số nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam cũng như một số nhà hoạt động nhân quyền’.

Chuyện ‘tìm người 40 năm cũ’ của Los Angeles Times

Chuyện ‘tìm người 40 năm cũ’ của Los Angeles Times

Nguoi-viet.com

Ðỗ Dzũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)Chỉ vì một tấm hình cũ, trong đó có một cụ già và một em bé trong trại tị nạn Camp Pendleton, San Diego, được chụp hồi năm 1975, mà nhật báo The Los Angeles Times cử ba người, hai phóng viên ảnh và một nhà báo, bắt tay vào làm việc để tìm hiểu xem cuộc đời của em bé này bây giờ ra sao.


Cô Lisa Hà Nishihara và tấm hình do phóng viên ảnh Don Bartletti chụp ở Camp Pendleton năm 1975. (Hình: graphics.latimes.com)

Em bé này, một người tị nạn Việt Nam tạm cư ở Camp Pendleton năm 1975, bây giờ đang sống ở Fresno, tên là Hoàng Hà, và bây giờ có tên Lisa Hà Nishihara.

Hai phóng viên ảnh Don Bartletti và Don Kelson, từng tham chiến tại Việt Nam hồi cuối thập niên 1960, và nhà báo Ðỗ Bảo Anh, từng sống trong trại tị nạn Camp Pendleton cùng thời gian với em bé trong tấm hình.

Phóng viên ảnh Don Bartletti, từng đoạt giải Pulitzer năm 2003 qua loạt ảnh về thanh thiếu niên các quốc gia Trung Mỹ đi qua Mexico để vượt biên vào Mỹ.

Còn phóng viên ảnh Don Kelson cách đây 40 năm làm phóng viên ảnh cho Rio Hondo College ở Whittier, California, và có chụp một số hình về đời sống của người Việt trong Camp Pendleton.

“Một điều quan trọng trong lãnh vực chụp ảnh báo chí là nhân vật trong tấm ảnh. Phóng viên ảnh không chỉ chụp nhân vật đó, mà phải để ý xem nhân vật đó bây giờ sống ra sao,” phóng viên ảnh Don Bartletti chia sẻ lý do ông đi tìm em bé 5 tuổi trong tấm hình ông chụp ở Camp Pendleton năm 1975.

Ði tìm em bé

Ngày 26 Tháng Ba, nhật báo Người Việt đăng một bản tin ngắn với tựa đề “Tìm người 40 năm cũ” với nội dung như sau: “Hai tấm hình dưới đây được nhiếp ảnh gia, nhà báo nổi tiếng từng thắng giải Pulitzer về hình ảnh báo chí Hoa Kỳ, Don Bartletti, chụp cách đây 40 năm, tại Camp Pendleton, California, ngay sau biến cố 30 Tháng Tư. Hôm nay, 40 năm sau, tác giả và phóng viên một tờ báo Anh Ngữ mong muốn đi tìm lại những nhân vật trong các tấm hình này. Tấm hình thứ nhất là cụ bà Trần Thị Năm và một người cháu gái. Theo ký ức của phóng viên Bartletti, cụ bà Trần Thị Năm cùng 14 người trong gia đình đến Camp Pendleton vào khoảng Tháng Tư, 1975, khi cụ đã 110 tuổi. Cụ Năm qua đời cũng thời gian ấy, ngay trong trại, vì chứng viêm phổi. Bé gái trong hình có thể là cháu nội/ngoại hoặc cháu cố của cụ Trần Thị Năm. Gia đình cụ Trần Thị Năm rời Việt Nam trên một chiếc thuyền ra đi từ Phú Quốc hồi Tháng Tư, 1975.”


Tấm hình “Tìm người 40 năm cũ” của do phóng viên ảnh Don Bartletti chụp, đăng trên nhật báo Người Việt ngày 26 Tháng Ba. (Hình: Don Bartletti/The Vista Press)

Dưới tấm hình là lời nhắn cho cô bé trong hình, hoặc bất cứ ai biết cô, xin liên lạc với LAT.

Lúc đó, cả ba nhân viên của LAT không biết tên em bé trong hình.

“Ban đầu, có nhiều người gọi đến, sau khi đọc bản tin trên nhật báo Người Việt, nhưng đa số là tò mò,” nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể. “Tuy nhiên, có một người tên Tâm ở Port Arthur, Texas, gọi đến, nói rất chi tiết về tấm hình. Anh Tâm còn nói cô bé là em họ của anh, nhưng anh lại không quen, mà quen với người chị.”

Thế là anh Tâm cho số điện thoại người chị, đang sống ở New Jersey.

“Lúc đó, nếu tính theo múi giờ thì cũng khuya lắm rồi, nhưng tôi vẫn gọi,” nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể. “Rồi chị Minh có nói một chút về tấm hình, về người em gái, nhưng lại không cho số điện thoại, mà giới thiệu một người cô ở Fresno, California. Sau đó, tôi gọi cho người cô, rồi mới xin được số điện thoại của Lisa, cũng sống ở Fresno,” nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể.

Có số điện thoại của nhân vật rồi cũng không phải dễ phỏng vấn.

Nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể: “Lúc gọi điện thoại, tôi nghe thấy cô kể chuyện với tôi, nhưng phía sau lại có tiếng chồng và con gái, cũng kể về chuyện tấm hình, nhưng rất khó hiểu. Thế là tôi quyết định phải gặp Lisa cho bằng được, để phỏng vấn dễ dàng hơn.”

Nhưng khi cả ba tới nơi, cô Lisa Hà Nishihara lại ngại ngùng, nhất là khi thấy có tới hai phóng viên ảnh, một người chụp hình và một người quay phim, cộng với một phóng viên.

Theo nhà báo Ðỗ Bảo Anh, sự ngại ngùng của cô Lisa có thể hiểu được, vì Fresno là một vùng rất bình yên, nằm ngay thung lũng trung tâm California, xung quanh đều là nông trại. Kế đến, gia đình cô Lisa cũng không tiếp xúc nhiều với cộng đồng bên ngoài.


Nhà báo Ðỗ Bảo Anh: “Tôi phải thuyết phục Lisa… Cuối cùng cô đồng ý nói chuyện.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Thế là tôi phải thuyết phục cô. Tôi nói rằng tôi cũng không thích ngồi trước ống kính, nhưng tôi và cô có thể ngồi với nhau, nói chuyện bình thường, không ép buộc. Thế là cô đồng ý. Trong lúc nói chuyện, mọi thứ từ từ trở nên tự nhiên hơn, và cô từ từ chia sẻ ký ức của mình, nhất là khi cô nhìn thấy tờ báo The Vista Press in cách đây 40 năm, có hình cụ Trần Thị Năm và cô ở trang chính,” nhà báo Ðỗ Bảo Anh kể.

Nhân vật là chính

Cô Lisa Hà Nishihara không ngờ hình của mình được đăng trên trang nhất một tờ báo, cô không bao giờ nghĩ đến điều này, và cũng chưa bao giờ thấy, hoặc nghe nói, cho đến khi phóng viên ảnh Don Bartletti đưa tờ báo The Vista Press, nơi ông bắt đầu làm phóng viên ảnh cách đây 40 năm, cho cô xem.

Cô đã thốt lên: “Ủa, tôi có ở trong tấm hình đó hả? Cho tôi xem được không? Trời ơi, không ngờ là hình cụ tôi và tôi đây.”

Và cô khóc, nói rằng, nếu cha cô nhìn thấy tấm hình, chắc chắn ông sẽ vô cùng sung sướng.

Ngưng lại một lúc để lau nước mắt, cô Lisa không biết nói gì hơn, nhìn phóng viên ảnh Don Bartletti, nói với ông hai chữ rất rõ ràng: “Thank you.”

“Khi tôi chụp hình nhân vật, họ mới là chính, chứ không phải tôi,” phóng viên ảnh Don Bartletti chia sẻ. “Trong trường hợp này, cô Lisa tự nhiên cảm thấy mình là một cái gì đó quan trọng, mà cô chưa bao giờ dám nghĩ đến. Rồi cụ của cô nữa, tự nhiên cũng quan trọng không kém.”

Ông nói thêm: “Nói chung, khi chụp hình, mình phải chụp làm sao cho nhân vật trong ảnh cảm thấy được trân trọng.”

“Thật là cảm động khi biết Don Bartletti giữ tờ báo này trong nhiều năm, và nó rất ý nghĩa đối với tôi,” cô Lisa Hà Nishihara chia sẻ với nhật báo Người Việt. “Không có lời nào có thể diễn tả được. Thật buồn, chúng tôi rời quê mẹ, và cụ tôi qua đời (trong Camp Pendleton). Ðó là một sự cố gắng. Và tấm hình này gợi lại rất nhiều kỷ niệm.”


Phóng viên ảnh Don Baretletti tại Camp Pendleton năm 1975. (Hình: Don Baretletti cung cấp)

Cô nói thêm: “Tấm hình cũng gợi nhớ lại những kỷ niệm ở Việt Nam. Tôi còn nhớ, cụ luôn luôn ở bên cạnh chúng tôi. Nếu không, chúng tôi sẽ không được như ngày hôm nay. Mỗi ngày đi học cụ thường cho tôi tiền để xài, và tôi hư lắm. Ngày nào tôi cũng bị ăn đòn. Nhờ vậy mà tôi phải đi học và được như ngày hôm nay.”

“Tôi không biết Don Bartletti là ai. Tôi không bao giờ biết tấm hình này được đăng trên báo. Tôi có tấm hình này. Và Don Bartletti rất ngạc nhiên là tôi có tấm hình này và làm sao tôi có thể giữ được nó trong 40 năm qua,” cô Lisa nói.

Phóng viên ảnh Don Bartletti kể: “Khi tôi vừa bước vào nhà, cô Lisa bước từ trên lầu xuống với tấm hình cụ bà Trần Thị Năm 110 tuổi và Lisa lúc 5 tuổi. Tôi nhớ, khi chụp tấm hình này, tôi có đưa một bản cho Camp Pendleton. Và theo như cô nói, khi bà cụ qua đời, họ đưa tấm hình đó cho Lisa.”

Dù đã nhiều lần chú trọng nhân vật chính trong hình, rồi sau đó tìm hiểu xem bây giờ họ ra sao, đối với ông Bartletti, trường hợp gặp cô Lisa đặc biệt hơn bao giờ hết.

Ông kể: “Thỉnh thoảng tôi cũng đi tìm những thanh niên mà tôi chụp hình, trong lúc họ vượt biên vào Mỹ. Thông thường là khoảng hai hoặc ba năm sau, nên không thấy họ có thay đổi nhiều.”

“Trường hợp của Lisa vô cùng đặc biệt, vì tôi chụp hình cô cách đây 40 năm, và tôi rất muốn biết nhân vật của mình bây giờ ra sao, để tiếp tục ghi lại cho độc giả,” ông Bartletti nói. “Tôi biết lịch sử đã được lập tại Camp Pendleton. Lịch sử của một cô bé 5 tuổi. Và tôi rất muốn ghi lại lịch sử này.”

Ông chia sẻ thêm: “Và không có gì sung sướng cho bằng, đối với một phóng viên ảnh, khi cô Lisa hỏi: ‘Có phải ông là người chụp tấm hình đó?’ Cô không thể ngờ có ngày cô gặp lại người chụp hình cô. Ngay lúc đó, tự nhiên tôi nhớ lại tất cả những gì xảy ra cách đây 40 năm.”


Phóng viên ảnh Don Kelson: “Dự án này gắn bó cả ba chúng tôi, hai người từng đến Việt Nam và một người từng là người Việt tị nạn trong Camp Pendleton.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Và bây giờ ông Don Bartletti mới được biết, sau khi rời Camp Pendleton, cha mẹ cô Lisa tìm được việc làm trong các nông trại ở Fresno. Riêng cô, ban đầu định đi học trở thành bác sĩ nhi đồng, nhưng vì không chịu nổi tiếng khóc của trẻ em, cuối cùng, cô làm việc trong một trung tâm cấp cứu.

Lục lọi quá khứ 40 năm

Khi đi tìm những nhân vật trong hình của mình cách đây 40 năm, hai phóng viên ảnh Don Bartletti và Don Kelson, và nhà báo Ðỗ Bảo Anh phải “lục lọi quá khứ 40 năm” trong đầu của họ qua các tấm hình.

Cả ba đến Camp Pendleton trong những ngày gần tới ngày tưởng niệm 40 năm Tháng Tư Ðen. Nhà báo Bảo Anh Ðỗ lái xe đi tìm lại những ký ức của một cô bé, nhưng bây giờ tất cả đã biến mất.

Nhưng với hai phóng viên ảnh thì không.

“Thực sự, trước khi làm dự án này, tôi cũng không hình dung được nó sẽ như thế nào,” phóng viên ảnh Don Kelson nói. “Nhưng dần dần tôi thấy vô cùng lý thú, vì nó gắn bó cả ba chúng tôi, hai người từng đến Việt Nam và một người từng là người Việt tị nạn trong Camp Pendleton.”

Ông nói thêm: “Ðúng là mọi thứ thay đổi cả, vì 40 năm rồi còn gì, nhưng có những thứ vẫn còn đó. Và đó là điều giúp chúng tôi tìm được quá khứ.”


Phóng viên ảnh Don Baretletti: “Khi chụp hình, mình phải chụp làm sao cho nhân vật trong ảnh cảm thấy được trân trọng.” (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Ðó là những ngọn núi,” phóng viên ảnh Don Kelson nói. “Tôi cầm tấm hình mình chụp cách đây 40 năm, có bốn em bé gái ngồi chơi trên một miếng giấy thùng carton, phía sau là những cái lều dành cho người Việt tị nạn, phía xa là một ngọn núi. Bây giờ, lều không còn, không còn gì cả, mà chỉ là hàng rào và những cái nhà kho. Tuy nhiên, ngọn núi phía xa ở đằng sau vẫn còn đó, không hề thay đổi.”

Ở một nơi khác, phóng viên ảnh Don Kelson chụp một tấm hình các học sinh trung học đang diễn một vở kịch cho các trẻ em Việt Nam ngồi trên một khán đài dã chiến coi.

“Tôi và Don Bartletti phải mất 5 giờ đồng hồ để đi so sánh khung cảnh ngày xưa và bây giờ,” phóng viên ảnh Don Kelson kể. “Và cuối cùng tôi tìm được khán dài dã chiến đó, gỗ bắt đầu mục, các khung sắt bắt đầu sét rỉ, cỏ xung quanh mọc cao, nhiều cây lớn mọc phía sau, không một ai qua lại. Và một lần nữa, ngọn núi phía xa vẫn sừng sững ở đó.”

Ông chia sẻ thêm: “Phải nói đây là lần đầu tiên tôi đi tìm khung cảnh của nơi tôi chụp hình 40 năm trước, mà lần này lại liên quan đến người Việt Nam, đất nước Việt Nam, nơi tôi từng có mặt trong thời kỳ chiến tranh. Và tôi nhớ lại, trẻ em ở Việt Nam tôi gặp hồi thập niên 1960 khác với trẻ em tôi gặp trong Camp Pendleton hồi năm 1975.”

Trở lại tấm hình chụp hai bà cháu 40 năm trước, cô Lisa Hà Nishihara cho biết: “Ðó là một món quà Don Bartletti tặng cho tôi và nó sẽ ảnh hưởng tôi suốt đời. Ông đã thay đổi cuộc đời tôi. Ông khuyến khích tôi rất nhiều. Nó giống như là một vòng tròn khép kín. Tôi đã nói lời cảm ơn rất chân thành với ông, và tôi không biết nói gì hơn.”

“Tôi giữ tấm hình đó trong 40 năm, tôi giữ nó, và tôi đã gặp người chụp tấm hình đó,” cô Lisa Hà Nishihara thổ lộ. “Tôi hy vọng tấm hình sẽ dạy cho con gái tôi biết về nguồn gốc và lịch sử của nó. Tôi không thể ngờ tôi gặp ông Don Bartletti tối hôm đó, cho đến khi điều này trở thành sự thật.”

––
Liên lạc tác giả: [email protected]

VTV kỷ luật nhân viên vì sự cố bản đồ

VTV kỷ luật nhân viên vì sự cố bản đồ

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) phải tạm dừng phát sóng một chương trình ngay sau số đầu tiên vì chiếu bản đồ đặt Hà Nội tại Quảng Tây.

Tập một chương trình truyền hình thực tế Ðiệp vụ tuyệt mật được phát trên sóng VTV3 tối 2/5 đã gây ra phản ứng trong dư luận.

Trong đoạn giới thiệu về chương trình, người xem thấy hình ảnh đồ họa về đường bay từ Thái Lan đến Hà Nội, trong đó đặt thủ đô Việt Nam tại tỉnh Quảng Tây.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng yêu cầu VTV giải trình vì sao bản đồ không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Thông báo tối 4/5 của VTV nói họ tạm dừng phát sóng chương trình “để kịp thời chấn chỉnh”.

VTV nói sẽ “rà soát toàn bộ quy trình sản xuất của chương trình Điệp vụ tuyệt mật cũng như yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất, phát sóng đã đề ra”.

Đài này cũng cho biết “đã thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét và có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với một Phó Trưởng ban sản xuất các chương trình Giải trí và các cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng để xảy ra sai sót”.

Điệp vụ tuyệt mật mua lại bản quyền từ chương trình mang tên Sabotage của Hà Lan, do công ty Cát Tiên Sa phối hợp với VTV thực hiện.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Minh, tổng giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, giải thích sai sót là vì đơn vị sử dụng bản đồ của Air Asia.

Hãng hàng không này là nơi trao phần thưởng cho tốp 4 thí sinh.

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Air Asia hôm 4/5 đã gửi văn bản cho báo chí nói: “Vì lý do thiếu cẩn trọng trong quá trình duyệt file, sự việc đáng tiếc đã xảy ra.”

“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm về sai sót nghiêm trọng này, sẽ lập tức chỉnh sửa lại hình ảnh đúng với thực tế địa lý,” hãng này nói.

Theo biên tập viên Zhuang Chen của BBC Tiếng Hoa, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin về vụ việc.

Có người nói đùa trên báo Trung Quốc: “Chúng tôi chưa sẵn sàng để chuyển thủ đô của Việt Nam.”

Xin xem thêm:

Truyền hình Việt Nam một ngày mắc hai lỗi ‘phản động’

‘Thuyền Nhân’ – ‘sống để kể lại’

‘Thuyền Nhân’ – ‘sống để kể lại’

Nguoi-viet.com

Hà Giang/Người Việt

WESTMINSTER, California (VN)Sinh hoạt tưởng niệm biến cố 30 Tháng Tư năm nay, lần thứ 40, thêm khởi sắc, với sự góp mặt của cuốn “Thuyền Nhân: Nước mắt Biển Ðông từ sau biến cố 30/4/1975,” tập truyện kể lại hành trình gian nan của 40 chứng nhân lịch sử, do Carina Hoàng biên soạn, và tủ sách Người Việt phát hành.


Hình bìa tác phẩm “Thuyền Nhân,” bản tiếng Việt, phát hành Tháng Tư, 2015. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

“Thuyền Nhân” là phiên bản Việt ngữ của cuốn “Boat People: Personal Stories from the Vietnamese Exodus 1975-1996,” xuất bản Tháng Giêng năm 2011. Ngay từ những ngày đầu tiên, “Boat People” đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận, và gây tiếng vang đáng kể, như được trao huy chương Bạc – “2012 Independent Publisher Book Awards” – dành cho tác phẩm về “người thật việc thật” hay nhất trong khu vực Úc Châu và Tân Tây Lan năm 2012.

Dài hơn 250 trang, trình bày đẹp, như một tác phẩm nghệ thuật, với hơn 200 hình ảnh đầy màu sắc, nhiều hình ảnh chưa được phổ biến, “Thuyền Nhân” không chỉ là một tập truyện, mà còn là một pho tài liệu chứa đựng thủ bút, nhật ký, thư từ, điện tín và chuyện kể của 30 người tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu thuyền nhân Việt Nam, kể lại hành trình hãi hùng của họ và gia đình.

Với tựa như: “Sống để kể lại,” “Bữa ăn kế tiếp,” “Ðể được gặp lại Mẹ tôi,” “Tàu HG3438,” “Vĩnh biệt bà nội,” “Ðể cho cháu tôi được sống,” “Tưởng nhớ Mộng Hà,” “Con tàu Cap Anamur,” “Nhà tù nổi,”… mỗi câu chuyện là một đoạn phim sống động của tang thương, bão tố, đói khát, cướp bóc, chết chóc, tuyệt vọng, với cái chết gần kề, nhưng cũng là những câu chuyện về tình nhân loại trước nghịch cảnh, và quan trọng hơn cả, sức chịu đựng bền bỉ, và bản năng sinh tồn của con người.

Giới thiệu sách, ông Pete Peterson, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, nhận định: “Ðây là quyển sách phải được viết ra. Những câu chuyện ở đây lấp đi cái khoảng trống về lịch sử cận đại qua việc mô tả các trở ngại và hy sinh lớn lao của ‘thuyền nhân’ Việt Nam trên đường tìm nơi tị nạn chính trị… Carina Hoàng đã làm một điều đáng trân trọng khi xuất bản quyển sách này ghi nhận lịch sử đầy giá trị về nỗi thống khổ của thuyền nhân Việt Nam. Qua quyển sách này, ngày nay chúng ta đã biết sự thật.”

Trong khi đó, tờ Wanneroo Times viết: “Những câu chuyện, hình ảnh và minh họa trong quyển sách này sẽ làm ngay cả những kẻ có trái tim sắt đá phải bật khóc.”


Hình bìa tác phẩm “Boat People,” bản tiếng Anh, phát hành năm 2011. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Hãy đọc một đoạn mô tả thuyền nhân bị hải tặc cướp bóc:

“Một bà cụ bị bọn cướp biển yêu cầu đưa chiếc vòng đeo tay bằng đá quý. Bà đeo chiếc vòng này đã lâu và nay cổ tay bà to dần lên, không thể lấy vòng ra được. Chúng lấy cái búa tạ đập vỡ chiếc vòng. Bà cụ kêu gào đau đớn. Ai cũng hiểu, khi đập vỡ chiếc vòng, bọn cướp đập vỡ luôn cổ tay người mang nó. Bọn cướp biển tiếp tục lục soát trong 48 tiếng đồng hồ. Chúng liên tục hãm hiếp phụ nữ, trẻ và già, trong nhiều giờ liền… Chúng bắt tất cả đàn ông cởi trần cởi truồng rồi đứng xếp hàng một. Tất cả phải há miệng ra: Bọn cướp dùng kềm nhổ hết răng vàng. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được thứ âm thanh cuồng nộ ấy, tiếng rên rỉ, tiếng khóc than và lời van xin. Có cái gì đó như sự hận thù – thứ hận thù không bao giờ có thể quên được. Ðến lúc này thì chúng tôi mất hết ý chí sống còn. Ðàn ông khóc. Ðàn bà khóc. Riêng tôi, tôi tin là mọi người đang cầu nguyện để được chết, ngay bây giờ.” (“HG 3438” chuyện Cao Lưu, trang 71)

Và cảnh hãm hiếp:

“Chúng tôi bị lột bỏ quần áo một cách thô bạo khi chúng lục soát tìm những gì có giá trị. Ðàn ông bị bắt ở lại thuyền, chúng lùa hết phụ nữ lên thuyền của chúng… Trong năm ngày, chúng cưỡng hiếp những người phụ nữ và đám con gái (một cách) điên cuồng, hết lần này đến lần khác. Tất cả chuyện này xảy ra trước mắt một đứa bé trai 5 tuổi, và người em gái ba tuổi của cậu, cùng bị lùa lên thuyền với người mẹ đang run sợ… Khi những người phụ nữ trở lại thuyền, chúng tôi thấy quần áo của họ bị xé từng mảnh, cái rách rưới như thể là đã lấy đi từ họ bất cứ vết tích nào còn xót lại của phẩm giá.” (“Sống để kể lại” chuyện Mai Phước Lộc, trang 15)

Hay cảnh đối diện với chết chóc:

“Gần bốn trăm con người trên chiếc tàu đi hoài mà không thấy bến bờ. Thức ăn nước uống cũng cạn dần và nhiều người đã kiệt sức. Ðến ngày thứ sáu, điều mà mọi người lo lắng, mặc dù không dám nói ra, đã trở thành sự thật. Tử thần đã đến viếng chúng tôi. Nạn nhân đầu tiên là một người đàn ông gần bảy mươi tuổi. Người thân cho biết là ông chết vì ngộp thở và đói. Rồi đến một cụ bà ngoài bảy mươi… Tôi chưa bao giờ được nghe nói đến thủy táng, nên khi chứng kiến tận mắt, tôi bị ám ảnh trong một thời gian dài. Thân hình gầy gò của bà cụ được gói trong một tấm chăn nhỏ, rồi cuộn bên trong một tấm bạt nylon. Người ta xếp hai đầu tấm bạt lại rồi dùng dây buộc, giống như buộc một đòn gánh. Các con cháu của bà khóc lóc kêu gào thảm thiết. Hình ảnh mấy người con cố níu lấy xác bà khi hai người đàn ông chuẩn bị quăng xuống biển làm nát lòng người chứng kiến. Mọi người đều biết rằng nếu không được cứu vớt, hoặc không đến được đất liền sớm, thì sẽ còn nhiều xác chết khác bị quăng xuống biển, và không chỉ riêng người già.” (“Ðảo Ruồi” chuyện Carina Hoàng, trang 127).


Chủ biên tác phẩm “Thuyền Nhân,” Carina Hoàng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ngoài chuyện kể thương tâm của những người vượt biển tìm đường sống, “Thuyền Nhân” còn có sự góp mặt của 10 người ngoại quốc, từng làm việc với thuyền nhân Việt Nam trong những trại tị nạn, như ông Talbot Bashall, làm việc 4 năm tại “Trung Tâm Kiểm Soát Người Tị Nạn” tại Hồng Kông, hay phóng viên Norman Aisbett và nhiếp ảnh David Tanner của tờ “The West Australia,” vào năm 1982, đã lên chuyến tàu Cap Anamur của Tây Ðức, để làm phóng sự về hành trình truy tầm và cứu giúp những người tị nạn của chiếc tàu này.

Ðoạn dưới đây làm người đọc rã rời:

“Như trong nhật ký hàng ngày và những ghi chép của tôi cho thấy, tình trạng của tòa nhà trong trại rất tệ, mái nhà bị rỉ dột, và nói chung rất thô sơ, nhưng nó lại là sự mãn nguyện lớn lao của những người tỵ nạn Việt Nam đã vượt qua bao khủng khiếp để đến được nơi này. Trong những trường hợp khủng khiếp được ghi lại trong nhật ký của tôi, có một chuyện nổi bật. Trên một chiếc tàu vừa đến, tôi nhìn thấy một cậu bé độ chừng 15 tuổi bị treo lơ lửng trên cột buồm. Cuộc thẩm vấn cậu bé sau đó cho biết em sắp đến lượt bị người trên tàu ăn thịt. Sau đó tôi tìm hiểu ra là em bị treo trên cột buồm vì người ta sợ em có thể nhảy xuống biển, và nếu thế thì sẽ mất đi nguồn cung cấp thực phẩm.” (“Lòng từ bi cũng rã rời” chuyện Talbot Bashall, trang 25).

Bà Carina Hoàng, cũng là một thuyền nhân, vượt biên và trốn thoát khỏi Việt Nam năm 1979, lúc 16 tuổi, cho biết, bà “dự định thực hiện cuốn sách này lâu rồi,” vì một ngày nào đó, những nhân chứng sống của lịch sử, trong đó có bà, “sẽ chết đi,” và có thể những thế hệ sau “sẽ không biết, không hiểu rõ” những gì cả triệu người Việt Nam đã phải “trải qua để đến bến tự do.”

“Cuốn sách sẽ đặc biệt có giá trị với những thế hệ người Việt mai sau. Họ cần biết về lịch sử rất quan trọng này của di sản mình, và cần đánh giá cao sự hy sinh của thế hệ cha ông.” Bà nói về lý do trước đây đã soạn cuốn “Boat People” bằng tiếng Anh.

Về lý do phát hành cuốn “Thuyền Nhân” bằng tiếng Việt, Carina Hoàng cho biết, để đáp ứng yêu cầu của nhiều độc giả, rằng “viết sách kể chuyện thuyền nhân cho đời sau thì đã đành rồi, nhưng cũng cần phải có bản tiếng Việt cho thế hệ chúng tôi chứ,” bà đã cùng với sự yểm trợ của nhiều thân hữu cố gắng cho ra đời “Thuyền Nhân” đúng dịp tưởng niệm 40 năm biến cố 30 Tháng Tư.

“Thuyền Nhân” là cuốn sách cần đọc để hiểu hoàn cảnh của những người vượt biên, để khép lại quá khứ, để hãnh diện tự hào về dân tộc Việt Nam, những người đã vượt qua nghịch cảnh, trở nên những thành viên có ích, đóng góp lại cho xã hội đã cưu mang mình.


BẤM VÀO ÐÂY ÐỂ MUA SÁCH

http://www.nguoivietshop.com/Thuy-x1EC1-Nh%C3%A2n-x1EDB-x1EAF/dp/B00WLD03VA

Động đất ở Nepal: Giám đốc Google tử nạn.


Đời là VÔ THƯỜNG

Động đất ở Nepal: Giám đốc Google tử nạn.

https://www.google.com/url?sa=i&rct=j&q=&esrc=s&source=images&cd=&cad=rja&uact=8&ved=0CAcQjRw&url=https://twitter.com/danfredinburg&ei=1gk-VZbOEMqSsAWmu4GwBA&bvm=bv.91665533,d.b2w&psig=AFQjCNGRxIammqenK6uV74ndJRzlCjKr4A&ust=1430215645463495

Không ai ngờ rằng bức ảnh chụp Dan Fredinburg trong bộ quần áo leo núi, lại dùng để thông báo về việc Giám đốc Google tử nạn do động đất ở Nepal.
Trong hình ảnh khủng khiếp về thảm họa động đất ở Nepal, cùng số người thương vong ngày một tăng, có lẽ việc chỉ đề cập tới cái chết của một cá nhân duy nhất sẽ trở thành điều sáo rỗng, và thậm chí có thể coi đó là sự vô tâm nữa.

Thế nhưng có lẽ người ta không thể không nhắc đến Dan Fredinburg, cũng như không thể giấu được sự bất ngờ, và thương xót cho một Lãnh đạo Google tuổi đời còn trẻ, và đang đứng ở trên bậc vinh quang của cuộc đời.

Dan Fredinburg bắt đầu làm việc cho Google từ năm 2007, và được xem là một Googler (cách gọi những người thuộc về Google) đích thực. Hiện tại Dan đang là người đứng đầu bộ phận về quyền riêng tư của Google X, một chi nhánh của tập đoàn Google chuyên về thực nghiệm và công nghệ tiên tiến.

Theo các đồng nghiệp làm việc cùng với Dan, anh là một người sống phóng khoáng, ưa thích việc khám phá, và phiêu lưu mạo hiểm. Có lẽ đó cũng chính là một trong những lý do để anh trở thành người phụ trách Google Adventure, một dự án hiện thực hóa Google Street View bằng cách đưa máy quay Street View của Google ghi lại hình ảnh thực của những địa điểm kỳ thú nhất của thế giới.

http://cms.kienthuc.net.vn/uploaded/hoangthuy/2015_04_26/dong-dat-o-nepal-giam-doc-google-tu-nan.jpeg 

Dan Fredinburg (thứ 2 từ trái sang) chụp trên núi Everest.

Tuy nhiên không ngờ trong lần chinh phục đỉnh núi Everest lần này, Dan đã không còn may mắn sống sót trở về, bởi một trận tuyết lở do dư chấn của trận động đất kinh hoàng ở Napal ngày 25/4.

Tom Briggs, người đã có mặt trong đoàn 4 người chinh phục Everest ngày hôm đó xác nhận: Dan bị chấn thương ở đầu bởi trận tuyết lở đã ập vào Trung tâm căn cứ của đoàn. Briggs cho biết rằng: cả đoàn đã nhìn thấy những trận tuyết lở ập xuống, và đã cố gắng chạy thật nhanh, chỉ đến khi vào được vùng an toàn, và dừng lại thì chỉ còn 3 người, trong đó không có Dan.

Dan là một người đàn ông có sức hút, sống thẳng thắn, và được tất cả các nhân viên ở bộ phận anh quản lý yêu mến. Những người trong đội phiêu lưu Jagged Globe mà Dan là một trong những thành viên chủ chốt luôn nhớ tới anh như là một nhân viên chuyên kể chuyện cổ tích, một tín đồ Instagram chuyên nghiệp, một doanh nhân tài giỏi, và là một người đã cực kỳ may mắn sống sót sau trận tuyết lở xảy ra ở thác đá Khumbu làm 16 người chết vào năm 2014.

Anh vốn là một Kỹ sư phần mềm được đào tạo bài bản để rồi giờ đây là một Giám đốc bảo mật của Google X, một Công ty tối mật với những ý tưởng thí nghiệm nổi tiếng nhất cho việc mang đến thế giới chiếc xe tự lái của Google. Ngoài ra, anh còn được giới truyền thông nhắc tới nhiều, khi đã là người tình một thời của nữ Tài Tử Hollywood Sophia Bush trước khi họ chia tay vào tháng 8-2014.

Dan từng lớn lên tại một trang trại ở Arkansas, nhưng đã sớm thể hiện sự ngang bướng của mình, khi anh quyết bỏ nhà đi từ năm 15 tuổi. Và có lẽ cũng chính sự ngang bướng đó đã khiến anh trở thành một trong những người đồng sáng lập ra Adventure Group như hiện nay.

Niềm đam mê lớn nhất của anh là những chuyến đi thám hiểm. Ngoài việc là người hay tìm tín hiệu 3G để check-in, và bật nhạc rap từ một chiếc loa gắn ở ngoài phía ba lô của mình, Dan còn biết chơi cờ Hổ và Dê – một phiên bản cờ Vua của dân địa phương, và luôn là người giành chiến thắng trong các cuộc thi leo núi.

Tin về Dan cùng đoàn thám hiểm trên núi Everest được cập nhật liên tục trên trang nhật ký của đoàn Jagged Globe. Trước khi xảy ra thảm kịch chỉ một ngày, Chris Groves, người chỉ huy cuộc thám hiểm đã đăng một bức ảnh chụp Dan cười tươi rạng rỡ trong bộ quần áo leo núi đặc biệt .

http://cms.kienthuc.net.vn/zoom/1000/uploaded/hoangthuy/2015_04_26/dong-dat-o-nepal-giam-doc-google-tu-nan-hinh-3.jpg 

Bức ảnh cuối cùng của Dan Fredinburg.

Để rồi cuối cùng không ai ngờ rằng nó lại trở thành bức ảnh được em gái của Dan dùng để thông báo về cái chết thương tâm của anh trên Instagram vào ngày sau đó.

Megan viết: “Tôi rất tiếc khi phải thông báo với tất cả những ai yêu mến anh ấy rằng: trong trận tuyết lở trên đỉnh Everest vào sáng sớm hôm nay, anh trai tôi đã bị chấn thương nặng ở đầu, và không qua khỏi. Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng của mọi người đã gửi đến chúng tôi cho đến nay và chúng tôi biết rằng linh hồn, và tinh thần của anh vẫn sống mãi trong chúng ta !”.

Tất cả đều đã rất xúc động vì nụ cười của Dan trong tấm hình, và họ còn nói rằng: ngay cả tư thế và bộ trang phục mà anh mặc ngày hôm đó cũng rất hợp với anh, nó thể hiện sự rực rỡ, lôi cuốn, và phong thái phóng khoáng, ưa mạo hiểm của con người anh. Và đó cũng là một hình ảnh đẹp nhất mà tất cả những người yêu thương anh có thể mãi nhớ về một Dan Fredinburg – một Googler đích thực.

Theo Huyền Trân/VTC News.

Blogger Điếu Cày trên truyền hình nhà nước

Blogger Điếu Cày trên truyền hình nhà nước

Hình ảnh blogger Điếu Cày bên Tổng thống Obama xuất hiện trong chương trình sáng 2/5 trên kênh VTV1

Hình ảnh cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và blogger Điếu Cày xuất hiện trong bản tin buổi sáng của Đài Truyền hình Việt Nam.

Bản tin Chào buổi sáng thứ Bảy 2/5 trên kênh VTV1 trong phần quốc tế có đề cập vụ bạo động ở Baltimore, Hoa Kỳ, và nhắc tới Tổng thống Obama.

Biên tập viên chương trình, được tin có tên là Lê Quý, đã phát kèm hình ảnh một cuộc gặp của ông Obama hôm 1/5 tại Tòa Bạch ốc.

Đó là cuộc gặp của ông tổng thống Mỹ với một số blogger nước ngoài trước thềm ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5.

Tại đó, blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, có mặt bên cạnh hai blogger khác là Simegnish ‘Lily’ Mengesha (Ethiopia) và Fatima Tlisova (Nga) để cùng bàn luận về tự do báo chí trên thế giới.

Trên khuôn hình của VTV1, người ta có thể nhìn thấy ông Nguyễn Văn Hải ngồi bên tay phải của ông Obama.

Blogger Điếu Cày, người từng bị chính quyền trong nước bỏ tù vì tội Trốn thuế và sau đó là tội Tuyên truyền chống nhà nước, đã được chuyển cho đi Mỹ hôm 21/10/2014.

Thông tin về ông từ đó không được đăng tải trên bất cứ kênh truyền thông nào ở Việt Nam, bởi vậy việc blogger này xuất hiện trên kênh truyền hình chủ lực của nhà nước đã gây chú ý.

Tuy nhiên, các đường link trực tuyến vào bản tin Chào buổi sáng 2/5 đều đã bị gỡ bỏ.

Tuyên truyền chống nhà nước

Blogger Điếu Cày nói với BBC về cuộc gặp với Tổng thống Obama rằng vị tổng thống và các blogger đã “ngồi ở bên cạnh nhau để thảo luận về các vấn đề tự do báo chí, tự do ngôn luận của các nước có các nền báo chí tồi tệ”.

“Tôi thấy rằng Tổng thống Obama rất quan tâm đến tình hình của các nước như là Ethiopia, Nga hay Việt Nam.”

Ông cũng cho hay đã chuyển cho ông Obama một danh sách các tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều nhà báo, blogger đang bị giam giữ ở Việt Nam.

Truyền thông Việt Nam không đưa tin gì về cuộc gặp này.

Ông Nguyễn Văn Hải từng được biết đến như một blogger với nhiều bài viết thu hút sự chú ý trên cộng đồng mạng xã hội và Internet của Việt Nam về các chủ đề dân quyền và chủ quyền biển đảo.

Ông được trao giải Tự do Báo chí Quốc tế trong buổi lễ được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) tổ chức tại New York, Hoa Kỳ hồi tháng 11/2013.

Trước khi đi Hoa Kỳ, ông thi hành án tù 12 năm tại Trại giam số 6, Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự.

Blogger Điếu Cày gặp gỡ Tổng thống Obama

Blogger Điếu Cày gặp gỡ Tổng thống Obama

01.05.2015

000_Was8923373-622.jpg

Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) vào lúc 10:55 sáng ngày 1 tháng 5 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ.

AFP

Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, vào 10:55 sáng hôm qua 1 tháng 5 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ.

Cuộc hội luận diễn ra giữa tổng thống Barack Obama cùng những nhà báo bị tù tội như vừa nêu nhằm đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới năm nay.

Vào năm 2012, cũng nhân dịp Ngày Tự do Báo chí Thế giới, tổng thống Barack Obama công khai nhắc đến blogger Điếu Cày. Dịp đó người đứng đầu chính phủ Hoa Kỳ nói rõ ‘ Vào khi chúng ta lên án những vụ bắt giữ gần đây đối với các nhà báo như Mazen Darwish, một tiếng nói hàng đầu ủng hộ tự do báo chí ở Syria, cũng như kêu gọi trả tự do ngay cho những nhà báo bị bắt giam như thế, chúng ta không được phép quên những người khác như blogger Điếu Cày, người bị bắt vào năm 2008 trong đợt cấm cách rộng khắp đối với hoạt động báo chí công dân tại Việt Nam.

Xin được nhắc lại, sau khi bị bắt blogger bị kết án vì tội trốn thuế, nhưng khi mãn án vì tội danh này, ông tiếp tục bị giam giữ và bị kết án với tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Ông được Hoa Kỳ can thiệp và bị đưa từ nhà tù thẳng sang Hoa Kỳ vào tháng 10 năm ngoái.

Lễ tưởng niệm các binh sĩ Mỹ và Đồng Minh hy sinh ở Việt Nam

Lễ tưởng niệm các binh sĩ Mỹ và Đồng Minh hy sinh ở Việt Nam

Nguyễn Khanh, RFA
2015-04-30

Tường trình lễ tưởng niệm binh sĩ Mỹ và Đồng minh hy sinh ở Việt Nam Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

tuong-niem-622.jpg

Lễ tưởng nhớ những chiến binh hy sinh ở chiến trường Việt Nam ở thủ đô Washington DC hôm 30/4/2015.

RFA

Your browser does not support the audio element.

Nhân dịp tưởng niệm ngày 30 tháng Tư năm nay, một trong những sinh hoạt của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại là tổ chức buổi lễ tưởng nhớ những chiến binh Mỹ hy sinh ở chiến trường Việt Nam. Từ địa điểm buổi lễ ở thủ đô Washington.

Hy sinh cho tự do

Trước lễ đài, mọi người bùi ngùi nhớ đến 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh ở chiến trường Việt Nam, những người đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng tự do.

Phần lớn những người nằm xuống là những thanh niên rất trẻ, trong đó có những người mới tốt nghiệp trung học, cũng có người vừa học xong đại học, cũng có người mới lập gia đình, và cũng có người nằm xuống mà không nhìn thấy mặt của đứa con đầu lòng.

Trưởng Ban tổ chức, Cô Nguyễn Thị Ngọc Giao cho biết:

“Buổi lễ ngày hôm nay là để tưởng niệm 40 năm ngày 30/04/1095, là ngày chúng ta – những người miền Nam Việt Nam bị mất nước vào tay cộng sản.  Cho đến ngày hôm nay vẫn còn rất nhiều người tại Việt Nam phải chịu đau khổ dưới chế độ cộng sản.

Nhưng hôm nay tại Tượng đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington DC chúng ta tỏ lòng cảm ơn những người đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam.

Ngoài các chiến sĩ Hoa Kỳ, chúng ta còn trân trọng vinh danh và ghi ơn các chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa và tất cả các chiến sĩ Đồng Minh. Điều này một lần nữa muốn nói rõ rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa những người Việt với cộng sản.

Và chúng ta hôm nay đứng đây cám ơn các chiến sĩ Hoa Kỳ và Đồng Minh đã chiến đấu cùng với chúng ta; trong khi đó cuộc chiến chống lại cộng sản tại Việt Nam vẫn còn đang tiếp diễn.

Với chiếc ba lô đeo sau lưng và khẩu súng cầm trong tay, họ bước lên máy bay rời nước Mỹ để đến một vùng đất thật xa lạ mang tên Việt Nam, vùng đất mà có lẽ hầu hết đều không biết nằm ở vị trí nào trên bản đồ thế giới.

Vì lý tưởng bảo vệ tự do, họ chấp nhận rời mái nhà thân yêu, giã từ người thân, để đi đến vùng đất xa lạ đó, hãnh diện cầm súng chiến đấu với những người không nói chung ngôn ngữ, không cùng một màu da với họ.

Ông Cựu quân nhân Mỹ tên Grant McLure kể lại câu chuyện này với Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi:

Tôi là Grant McLure, trưởng toán liên lạc với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Làm việc trong nhóm chúng tôi có những người Việt Nam. Nhóm gồm cả cố vấn quân sự lẫn dân dự, chẳng hạn như tôi làm việc với toán quân y phục vụ ở Ban Mê Thuột từ 1969 đến 1971. Hôm nay chúng tôi có mặt ở đây để bày tỏ lòng kính trọng với những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi đã có dịp làm việc chung trong thời chiến tranh”.

Những kỷ niệm chiến trường

tuong-niem-400.jpg

Các cựu binh tham dự Lễ tưởng nhớ những chiến binh hy sinh ở chiến trường Việt Nam ở thủ đô Washington DC hôm 30/4/2015. RFA PHOTO.

Nhiều mẩu chuyện ngắn ngủi khác cũng được nhiều người kể lại khi nói về người bạn đồng minh của mình 40 năm trước đây. Có người nhắc lại lần đầu tiên đi hành quân chung với anh lính Mỹ, có người nhắc lại chuyến trực thăng đổ quân xuống giữa rừng già do một anh phi công Mỹ cầm lái, cũng có người nhắc lại chuyện từng cầm máy truyền tin gọi cho đơn vị pháo binh Hoa Kỳ để nhờ bắn yểm trợ.

Nhưng quan trọng nhất, điều mà những người Việt có mặt trong buổi lễ tưởng niệm muốn nói đến vẫn là tình đồng đội giữa người lính Việt Nam Cộng Hòa và người lính Mỹ.

Riêng với ông Trần Ngọc Huế, kỷ niệm mà ông bao giờ quên là những ngày sát cánh cùng các người bạn đồng minh trong trận chiến kéo dài nhiều ngày để lấy lại thành phố Huế:

“Tôi muốn kể lại một kỷ niệm mà tôi với người cố vấn Mỹ của tôi hồi tôi chỉ hy Đại đội Hắc Báo trong trận Mậu Thân để đánh tan sự chiếm đóng của quân cộng sản tại thành phố Huế.

Tuần đầu tiên thì chúng tôi, Đại đội Hắc Báo, không có cố vấn vì cố vấn trưởng của tôi lúc đó phải chống cự với sự tấn công của quan cộng sản tại căn cứ ở phía Nam Sông Hương. 10 ngày sau thì ông cố vấn này đã qua với chúng tôi; và lúc đó chúng tôi rất vui mừng là đã có một người bạn đồng minh ở bên cạnh hổ trợ để cùng nhau chia sẻ những gánh nặng như là tải thương, như là yêu cầu những phi pháo của phía Mỹ.

Chúng tôi rất là cám ơn những người đồng minh đó từ phía Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và Sư đoàn 101 Nhảy dù của Mỹ đã cùng các quân binh chủng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã lấy lại Thành Huế sau 26 ngày đêm bị quân cộng sản vây hãm, đem lại sự thanh bình cho người dân Huế cho đến năm 1975.”

Bùi ngùi, xúc động

Không ai bảo ai, trong nhìn ánh mắt của những người tham dự, mọi người dường như muốn nói lên rằng điều đau buồn nhất là cuộc chiến Việt Nam đã không được quyết định ở chiến trường, mà lại được quyết định ở chính trường Washington.

Những ánh mắt đó như thầm bảo không chỉ người lính của quân đội miền Nam mà ngay chính những người lính Mỹ đã phải chiến đấu, chấp nhận mọi gian khổ, kể cả chấp nhận hy sinh chính thân xác của chính mình, cũng không được quyền chiến thắng.

Vì thế, ánh mắt của những người Việt có mặt trong buổi lễ tưởng niệm như thầm bảo với những người bạn Mỹ đã nằm xuống cho lý tưởng tự do rằng: chúng tôi không bao giờ quên những gì bạn đã làm cho đất nước chúng tôi, và xin hứa với các bạn rằng con đường chúng ta đã đi dù còn dài đến đâu đi chăng nữa, nhưng cuối cùng, chắc chắn chúng tôi sẽ đi cho đến đích.

Buổi lễ không chỉ là dịp để Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại cám ơn sự hy sinh cao cả của những người bạn đồng minh Hoa Kỳ, mà cũng là dịp để một số binh sĩ Mỹ gặp nhau, nhắc lại đoạn đường chiến đấu mà họ đã trải qua, đặc biệt với toán binh sĩ của Đại Đội C, Trung Đội 3, Tiểu đoàn 1/9 Thủy Quân Lục Chiến, ngày 30 tháng Tư năm nay là dịp để họ nhắc lại cũng ngày này 40 năm trước đây, họ chính là toán binh sĩ Mỹ cuối cùng lên chiếc trực thăng cất cánh từ Tòa Đại Sứ Mỹ:

“Chúng tôi thuộc toán binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến cuối cùng được đưa vào Saigon hôm 25 tháng Tư 1975, giữ trách nhiệm bảo vệ an ninh cho Tòa Đại Sứ Mỹ. Anh em chúng tôi hãnh diện đã làm tròn trách nhiệm cho tới phút chót, đồng thời cũng hãnh diện đá giúp di tản được một số người ra khỏi Việt nam vào giờ chót”.

Một cựu quân nhân trong toán là ông Carl Stroud còn cho chúng tôi xem hình chụp 2 lá cờ, một Mỹ, một Việt Nam Cồng Hòa, mà ông mang ra được từ Tòa Đại Sứ. Hai lá cờ này hiện đang được giữ ở Viện Bảo Tàng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Cũng cần nói thêm là ngoài 58,000 binh sĩ Mỹ hy sinh ở chiến trường Việt Nam còn có gần 2,000 binh sĩ nằm trong danh sách mất tích.

40 năm sau ngày cuộc chiến kết thúc, các toán tìm kiếm mới thu nhặt được hơn 700 thi hài, và không thể biết đến bao giờ mới tìm được hài cốt của những người lính cuối cùng, để đưa họ về an nghỉ ở nơi mà họ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành, trước ngày họ rời quê nhà để lên đường sang Việt Nam chiến đấu.

(Nguyễn Khanh, tường trình từ Washington).

Luật sư Lê Công Định nói về ngày 30 tháng 4

Luật sư Lê Công Định nói về ngày 30 tháng 4

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015-04-29

Luật sư Lê Công Định nói về ngày 30 tháng 4 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

000_Hkg10174163.jpg

Luật sư Lê Công Định phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với AFP tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 10/4/2015.

AFP photo

Your browser does not support the audio element.

Trong chuyên đề Ký ức 40 năm hôm nay Mặc Lâm có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Sài Gòn, một trí thức từng có nhiều bài viết cổ súy cho dân chủ tại Việt Nam. Ông là con của một gia đình cách mạng sinh trưởng và lớn lên tại Sài Gòn nhưng có cái nhìn khác về ngày 30 tháng 4 năm 75. Luật sư Lê Công Định từng bị tù hơn 4 năm về tội tuyên truyền chống phá cách mạng và đây là lần phỏng vấn đầu tiên ông dành cho RFA sau khi ra khỏi trại giam vào ngày 06 tháng 2 năm 2013. Trước nhất LS Định nói về ký ức ngày 30 tháng 4 của mình khi ấy ông vừa 7 tuổi:

Tôi còn đọng lại trong ký ức của mình hình ảnh ngày 30 tháng 4 năm 75. Thực ra lúc đó tôi mới 7 tuổi thôi, trước ngày đó thì chúng tôi vẫn đến trường đều đặn. Những cuộc di tản trên đường phố cũng như tại Tòa đại sứ Mỹ lúc đó bắt đầu có những người chạy vào leo lên trực thăng, tôi thấy những hình ảnh đó khi đi ngang qua và nó vẫn còn đọng lại trong ký ức của tôi về cuộc chiến tranh.

Cái ngày 30 tháng 4 đó tôi và những trẻ con trong khu phố mình ở đã ra đường để xem mặt đoàn quân giải phóng như thế nào và sau dó thì xem TV thì thấy Ủy ban Quân quản họ tổ chức những buổi meeting đưa hình ảnh ông Hồ Chí Minh cũng như đưa những lá cờ đỏ sao vàng và cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lúc đó tôi rất ngạc nhiên và hỏi ba tôi ông đó là ai, ba tôi trả lời đó là ông Hồ.

Sau đó khi lớn lên thì tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh, tất nhiên đã bị giảng dạy một cách lệch lạc theo cái nhìn của chính quyền chứ không phải theo đúng sự thật lịch sử của nó. Do đó tôi cũng như bao thế hệ trẻ lớn lên trong lòng của chế độ mới này khi học hành chúng tôi bị tiêm nhiễm bởi cái lối truyền đạt có tính cách tuyên truyền nhiều hơn là dạy cho học sinh, sinh viên hiểu được thế nào là lịch sử trong quá khứ.

Ông hối hận tại sao mình lại tham gia xây dựng nên một chính quyền để rồi cuối cùng người dân bình thường lại bị tước đoạt như thế này?
– Luật sư Lê Công Định

Khi vào đại học tôi nhận ra điều đó qua nói chuyện với người thân trong gia đình cũng như bạn bè của tôi, tôi mới bắt đầu tìm hiểu, đọc lại sách. Nhưng sách lúc đó hầu hết do nhà nước xuất bản làm sao mình có thể hiểu được? Vì vậy buộc lòng tôi phải đọc lại những cuốn sách in trước năm 75 của gia đình tôi và đặc biệt của người anh trai tôi. Những cuốn sách đó đã thực sự thay đổi suy nghĩ của tôi, tôi bắt đầu định hình một suy nghĩ mới, nhận thức mới của lịch sử Việt Nam từ những năm 17-18 tuổi. Tôi chỉ muốn nhìn một cách tổng quát đa chiều về lịch sử của đất nước mình.

Mặc Lâm: Thưa LS sau khi ông bị bắt thì báo chí chính thống rộ lên nhận định cho rằng gia đình ông là một gia đình cách mạng và đã được ưu đãi. Trong thời gian sau 30 tháng 4 thì gia đình ông có được ưu đãi như họ nói hay không thưa luật sư?

Luật sư Lê Công Định: Về việc đó thì nó như thế này: Ông nội tôi, bác tôi, ba tôi và thậm chí cô tôi đều đi theo phong trào cộng sản. Giống như những trí thức miền Nam lúc đó họ không thích sự có mặt của quân đội nước ngoài. Sau cuộc chiến tranh chống Pháp kéo dài không ai còn muốn thấy quân đội nước ngoài ở Việt Nam. Gia đình tôi cũng như bao nhiêu người trí thức khác đều lựa chọn cho mình thái độ trung lập đối với chính quyền lúc đó.

Gia đình tôi không may được tiếp cận với những người hoạt động cho phong trào cộng sản cho nên họ bị ảnh hưởng và họ tham gia vào phong trào cộng sản gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Gia đình tôi bị ảnh hưởng rất nhiều và ba tôi thậm chí đi tù vì những hoạt động chống lại chính quyền Sài Gòn vào năm 1960 và ông nhận cái án tương đối nặng nề là 5 năm tù. Sau đó khi ra tù ông tiếp tục cuộc sống bình thường của mình nhưng vẫn âm thầm cổ vũ cho phong trào cộng sản. Năm 75 xảy ra sự kiện thống nhất thì ba tôi nghiễm nhiên trở thành một thành viên trong chế độ mới nhưng có nhiều điều sau đó khiến ông bắt đầu nhận thức ra mình đã bị lừa dối như thế nào qua các chính sách mà họ áp dụng cho người miền Nam lúc đó. Thí dụ như là giam cầm những quân nhân và công chức của chế độ Sài Gòn, cải tạo tư sản. Ba tôi đã từng tham gia vào những cuộc gọi là cải tạo tư sản đó và ông nhận ra được bản chất phi nhân của những chính sách như vậy.

Người dân trước năm 75 họ ky cóp tài sản của mình và làm ăn một cách chân chính để sống đời sống giản dị như giới trung lưu thì họ bị chụp cái mũ là tư sản mại bản, bị tước đoạt toàn bộ tài sản và đẩy cả gia đình vào vùng kinh tế mới.

Ba tôi có kể với tôi một sự kiện mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ hoài. Ba tôi kể khi đoàn làm việc của ông đến nhà một bà bán tạp hóa người Hoa để kiểm kê và tịch thu tài sản của bà thì buổi sáng bà đó vẫn còn đầu óc minh mẫn, tóc vẫn đen và nói chuyện vẫn đâu ra đó. Bà năn nỉ van xin mong người ta để lại tài sản dù là một phần, nhưng đoàn làm việc theo lệnh trên vẫn lấy toàn bộ tài sản của bà. Bà đã khóc lóc van xin suốt từ sáng đến chiều…ba tôi nói rằng khi nhìn toàn bộ tài sản của mình bị lấy đi hết thì bà đã hóa điên hóa dại, nói năng không còn bình thường nữa và tóc bà trở nên bạc trắng! Ba tôi nhìn hình ảnh đó và ray rứt cả cuộc đời. Ông hối hận tại sao mình lại tham gia xây dựng nên một chính quyền để rồi cuối cùng người dân bình thường lại bị tước đoạt như thế này? Điều đó ba tôi kể cho tất cả các con nghe.

 

Người dân Sài Gòn di tản hôm 30/4/1975. AFP photo

Riêng tôi hình ảnh bà bán tạp hóa người Hoa hóa điên, tóc trở nên bạc trắng ám ảnh và ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi từ nhỏ cho đến tận bây giờ. Gần như trong gia đình tôi có một sự phản tỉnh từ ba tôi cho tới các con.

Nói về mặt lý lịch thì tất nhiên gia đình tôi là một “gia đình cách mạng” lẽ ra cũng nhận những ưu đãi giống như bao nhiêu cán bộ trong hệ thống này, tuy nhiên có một điều xảy ra vào năm 1980 khi mâu thuẫn nội bộ bên trong hàng ngũ cán bộ giữa miền Bắc và miền Nam lúc đó. Ba tôi bị chụp cái mũ làm sai nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa và ông bị chính đồng đội của mình bắt giam trong 6 tháng trời không qua xét xử và có bất kỳ một bằng chứng nào nên cuối cùng phải thả ba tôi ra và yêu cầu ba tôi làm bản kiểm điểm để quay trở về làm việc.

Ba tôi từ chối, ông nói với họ rằng sự tham gia vào phong trào cộng sản của ông là một bản kiểm điểm quá vĩ đại của cuộc đời ông rồi. Sáu tháng tù mà những người đồng đội bắt giam ông nó cũng là một bản kiểm điểm quá vĩ đại để ông có thể tiếp tục làm một bản kiểm điểm nữa. Ông trở về đời sống dân sự bình thường.

Kể từ đó gia đình tôi đoạn tuyệt với hệ thống chính quyền này và không nhận bất kỳ một sự ưu đãi nào. Tất nhiên khi xét lý lịch bắt giam tôi thì họ vẫn xem gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng do vậy khi xuất hiện ở Tòa sơ thẩm tôi có nói một điều như thế này: “ Tôi nghĩ rằng gia đình tôi từ ông tôi cho tới bác, cha, cô tôi đều đi theo cách mạng, tuy nhiên tôi đã đi ngược hoàn toàn với con đường đó” Tôi nói rất rõ ràng nhưng sau đó coi lại trên Youtube thì họ cắt thêm một phần ở một câu khác nhét vào ngay sau cái câu mà tôi vừa nói. Họ bảo tôi đi ngược lại đường lối gia đình, những công lao của gia đình cho nên tôi thấy ân hận.

Tôi nghĩ rằng hòa giải lẽ ra là một vấn đề đương nhiên áp dụng sau khi hết chiến tranh bởi vì cả bên thắng cũng như bên thua cuộc đều là đồng bào trong nước.
– Luật sư Lê Công Định

Tôi thấy buồn cười bởi vì khi nói ra câu đó tôi muốn gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng: tuy gia đình tôi đi theo con đường cộng sản góp phần xây dựng nên chế độ này nhưng tôi lớn lên và ý thức rõ việc tôi làm và quyết định đi ngược lại con đường đó.

Mặc Lâm: Quay trở lại câu chuyện 40 năm thì tù nhân côn đảo, tù nhân cải tạo đã trở về nhà nhưng xuất hiện một loạt tù nhân lương tâm mới vẫn còn trong tù, điều này cho quốc tế thấy gì?

Luật sư Lê Công Định: Đối với những tù nhân cải tạo quân nhân của chế độ Sài Gòn ngày xưa chúng ta thấy nó thể hiện rõ một chính sách của chính quyền là trả thù những người từng là đối thủ của mình. Họ không có một sự khoan dung, không có sự hòa giải thật sự cho nên mới thực hiện việc đó.

Còn đối với tù nhân lương tâm bây giờ thì tất cả mọi người đểu đã thấy rằng đây là một chế độ độc tài cho nên người ta chỉ thích nghe những lời êm tai, xuôi theo cách họ nói chứ họ không nghe những ý kiến trái ngược thập chí là đối lập, do đó mới có việc bắt giam tù chính trị và tù nhân lương tâm như tôi chẳng hạn. Bởi vì tôi chỉ đơn giản nói lên tiếng nói của mình nhưng họ lại xem đó là mối đe dọa của thế lực thù địch qua đó quốc tế đã nhận rõ chính sách nhất quán của mọi chế độ cộng sản. Từ Châu Âu, Châu Á và đặc biệt là Hoa Kỳ thấy họ không thay đổi chủ nghĩa độc tài của mình.

Càng ngày chúng ta thấy càng nhiều hơn tù nhân lương tâm bị bắt nó thể hiện mối sợ hãi ám ảnh đầu óc của người lãnh đạo. Họ luôn luôn sợ quyền lực của họ bị mất do sự ảnh hưởng của người trí thức, bất đồng chính kiến hôm nay và cách duy nhất là họ đàn áp, tù đày. Cách tốt nhất dập tắt tiếng nói đối lập.

Mặc Lâm: Ngày 30 tháng 4 là ngày thống nhất đất nước nhưng 40 năm sau hai chữ “thống nhất” vẫn còn khá mơ hồ về sự hòa giải. Theo luật sư ai là người phải tỏ thiện chí một cách nghiêm túc trước? Bên thắng hay bên thua cuộc?

Luật sư Lê Công Định: Tôi nghĩ rằng hòa giải lẽ ra là một vấn đề đương nhiên áp dụng sau khi hết chiến tranh bởi vì cả bên thắng cũng như bên thua cuộc đều là đồng bào trong nước. Họ đâu phải là hai chủng tộc khác nhau, hai kẻ thù một bên là ngoại xâm còn một bên là người bị xâm lược vậy thì việc gì phải tiếp tục hận thù và chia rẽ?

Chưa bao giờ muộn cho vấn đề hòa giải cả kể cả bây giờ 40 năm sau, không ai còn tin vào chính sách hòa giải của nhà cầm quyền nữa. Nhưng nếu bây giờ nhà nước Việt Nam thật tâm muốn thực hiện chính sách hòa giải thì họ nên làm bằng thực chất chứ không phải làm qua lời nói.

Ở đây không phải là sự hòa giải giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc vì 40 năm đã qua nên gác lại chuyện đó đi. Bây giờ điều quan trọng hơn là hòa giải giữa người cộng sản và người không cộng sản. Ngay những người như tôi lớn lên trong chế độ mới, học hành mưu sinh trong chế độ này. Bản thân tôi, cuộc đời tôi chả liên quan gì tới chế độ Việt nam Cộng hòa cả vậy thì tôi không cần sự hòa giải của bên thua cuộc và bên thắng cuộc. Cái tôi cần là sự hòa giải giữa người cộng sản và người không cộng sản.

Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư Lê Công Định.

Nghệ An: Xây đập tốn 17 tỷ đồng, chưa bàn giao đã hỏng

Nghệ An: Xây đập tốn 17 tỷ đồng, chưa bàn giao đã hỏng

Nguoi-viet.com

NGHỆ AN (NV) Dự án sửa chữa đập Kí Rượu vừa hoàn thành. Song, điều đáng nói là chưa nhận bàn giao thì đã xuất hiện nhiều hư hỏng, do xây không đúng thiết kế, thiếu hạng mục.

Theo dân Trí, dự án sửa chữa, nâng cấp đập Kí Rượu tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, có tổng vốn hơn 17 tỷ đồng, do huyện Yên Thành làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 10, 2012, do công ty xây dựng Tây An, thành phố Vinh thi công. Sau khi hoàn thành, đập Kí Rượu sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 950 hecta đất trồng lúa ở xã Lăng Thành và các vùng phụ cận.


Tràn xả lũ bị thi công thiếu 5m so với thiết kế ban đầu. (Hình: Dân Trí)

Dự án sửa chữa đập Kí Rượu vừa hoàn thành. Song, điều đáng nói là chưa nhận bàn giao thì đã xuất hiện nhiều hư hỏng, do xây không đúng thiết kế, thiếu hạng mục.

Tuy nhiên, ngay sau khi đập hoàn thành, tại nhiều vị trí trên công trình đã xuất hiện tình trạng hư hỏng nghiêm trọng.

“Ðập chưa tích nước mà đã hư hỏng như vậy, không biết đến mùa mưa bão sẽ ra sao nữa. Chúng tôi là những hộ dân sống ngay dưới khu vực hạ lưu của con đập vô cùng lo lắng cho chính tính mạng của mình,” ông Hưng, một người dân sống dưới con đập tỏ ra lo lắng.

Trao đổi với Dân Trí, ông Lê Văn Tuấn, giám đốc ban quản lý các dự án xây dựng huyện Yên Thành cho biết: “Sau khi nhà thầu làm xong, trong lúc nghiệm thu chúng tôi đã phát hiện chất lượng công trình không ổn, một số hạng mục bị thiếu như phần mái thượng lưu và hạ lưu tích nước, chất lượng dầm khung, bê tông không đạt tiêu chuẩn… Phần tràn xả lũ cũng bị thiếu đi 5m so với thiết kế ban đầu…,” ông Tuấn nói.

Tin cho biết, điều đáng nói trong quá trình nhà thầu thi công suốt hơn 2 năm, công trình chậm tiến độ 15 tháng so với dự kiến ban đầu, nhưng đơn vị giám sát, chủ đầu tư không phát hiện ra những sai sót trên khiến chất lượng công trình bị ảnh hưởng.

Dư luận chung cho rằng,việc nhà thầu tự thay đổi thiết kế, tự tung tự tác trong suốt quá trình thi công bớt xén một số hạng mục để trục lợi đã “qua mặt” được đơn vị quản lý. Hay chính sự lỏng lẻo, thiếu quan tâm của chủ đầu tư, huyện Yên Thành nên mới dẫn đến sự việc trên? (Tr.N)

Hà Nội hãy biết yêu những gì mình có

Hà Nội hãy biết yêu những gì mình có

Đoan Trang

Tôi yêu màu lá xanh mướt của mùa xuân. Nổi trong đám lá xà cừ xanh thẫm, đôi khi lại có màu xanh nõn nà của lá bồ đề, lá sấu. Và khi xuân sang, buổi sáng sớm bước ra đường, lẫn trong khói bụi ô nhiễm, vẫn thấy một mùi thơm mát mà tôi gọi là mùi “hoa cỏ mùa xuân”.

Tôi yêu sắc đỏ rực trời của hoa phượng. Đôi khi tình cờ nhớ đến những ngày ở nước Mỹ, tôi nhớ xứ Cali cũng có hoa phượng, nhưng là phượng tím, jacaranda. Có những đoạn đường, hai bên một màu tím ngát, hoa nhiều hơn lá. Phượng tím cũng đẹp lắm. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn yêu cái màu cháy đỏ nao lòng của phượng hồng Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… những thành phố của Việt Nam mà tôi đã đi qua. Nhớ đến phượng là nhớ đến những câu hát xao xuyến: “Phượng hay bâng khuâng, tưởng chừng như cô đơn”, “xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn, phượng ơi”.

Tôi yêu tiếng ve ngập tràn những con đường lớn, phố nhỏ, những ngõ vắng xôn xao ở Hà Nội. Tôi nhớ những ngày đầu hè rực nắng, tháng 4-5, của một năm nào đó xa xưa lắm rồi, tôi đi lang thang trong một vườn cây đầy nắng ở khu Quảng Bá, Hồ Tây, chìm trong tiếng ve và mơ màng câu hát “rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió”.

Hà Nội, trong tim tôi, luôn gắn với cây cỏ, trời mây và thời tiết. Dù có đi đến nơi nào trên thế giới này – Los Angeles rực nắng, Stockholms cổ kính với những mái nhà tròn màu hồng, Budapest và những bức tượng đồng xanh thẫm, v.v. – tôi vẫn luôn nhớ đến Hà Nội và vô vàn hình ảnh thời thơ ấu: những nhà cửa xam xám với cửa sổ xanh xanh, cũ kỹ, bờ tường sứt sẹo, những cây bàng đỏ ối, những ô vườn rập rờn hoa bướm tím hồng, hoa mào gà tía… Tôi nhớ những cây xà cừ râm ran tiếng ve mỗi độ tháng 4, tháng 5 về, và đặc biệt, cứ vào mùa cuối xuân, xà cừ lại rụng lá. Lá xà cừ vàng thắm, bay rợp trời, đẹp như mùa thu Tây phương vậy, dù chẳng có rừng phong…

Chẳng bao giờ tôi chịu nổi cái ý nghĩ một mai đây, Hà Nội sẽ “hiện đại hóa” thành một đô thị như Bangkok hay Manila, toàn màu bê tông và xi măng trắng, nằm trần trùng trục dưới cái nắng nhiệt đới oi ả của Đông Nam Á. Không. Không có bất kỳ một đại dự án, một chủ trương, chính sách, một công trình nào, của bất kỳ kẻ nào, có thể biện hộ cho việc chặt hạ cây xanh ở Hà Nội được. Năm 2009, Giáo sư Mike Douglas (ĐH Hawaii, Mỹ), tại một hội thảo quốc tế ở Hà Nội về “thành phố đáng sống”, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những không gian có giá trị trong đời sống xã hội đô thị như quảng trường, công viên, chợ họp ngoài trời/chợ truyền thống, đường phố và vỉa hè, v.v. những không gian mà ở đó con người gặp gỡ nhau không phải chỉ để mua bán mà để chào hỏi và chuyện trò với nhau.

Ông cho rằng: “Các thành phố hiện nay đang mất đi những không gian công cộng và không gian dân sự, nơi người dân có thể đến và sử dụng mà không cần dành toàn bộ thời gian của mình cho các quan hệ thương mại hay trao đổi hàng hóa, và cũng không gặp trở ngại về những điều họ nói với nhau”.

Và Hà Nội, trong đánh giá của ông Mike Douglas, là một thành phố may mắn còn giữ được những không gian ấy. Chỉ ở Hà Nội, ta mới thấy có chợ cóc, có những hiệu cắt tóc vỉa hè, những quán café dưới bóng cây xanh, nơi người ta ngồi chen chúc, xúm xít, vai kề vai lưng kề lưng, để trò chuyện và “chém gió”. Nghĩa là vẫn còn những không gian công cộng rất đặc thù. Chúng ta không bắt gặp những nơi như thế ở các đô thị “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như Bangkok hay Manila, thậm chí Los Angeles, Washington DC. Ở đó, chỉ có các quán café máy lạnh, kiểu như Starbucks, McDonalds’, người ta mua mang theo hoặc ghé vào uống một lát rồi đi, chẳng thể nào có thứ văn hóa “trà đá café vỉa hè” như Việt Nam.

Không, không thể để Hà Nội, Sài Gòn, hay bất cứ một thành phố nào ở Việt Nam trở thành thành phố bê tông được, nhất là khi những chính sách phá hoại ấy chỉ do một thiểu số dấm dúi làm ra với nhau, sau đó, khi bị công luận lên tiếng, lại tìm cách câu giờ để bao che cho nhau, đợi đến lúc công luận dần lắng xuống rồi mọi chuyện sẽ “cứt trâu hóa bùn”, như truyền thống lâu nay của lãnh đạo Việt Nam. Truyền thống ấy tạo thành những công thức: “Cần một giải pháp đồng bộ”, dịch sang tiếng Việt nghĩa là “không làm gì cả”. “Sẽ xử lý quyết liệt”, nghĩa là “chẳng ai làm sao cả”, cùng lắm thì một thằng đánh máy nào đó bị xử lý, một đồng chí trưởng/phó phòng nào đó bị kỷ luật Đảng mà thôi.

Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… rất có thể sẽ chẳng bao giờ trở thành những thành phố hoa lệ hàng đầu thế giới. Nhưng không được như thế thì càng phải biết quý, biết giữ lấy cái gì mình có: hoa cỏ, cây xanh, hồ nước, không gian công cộng… Cũng như chính quyền Hà Nội phải biết yêu và giữ lấy những người dân đã có ý thức cộng đồng, đã xót xa từng cây xà cừ bị chặt bỏ, đã xuống đường giơ cao khẩu hiệu bảo vệ cây xanh, yêu cầu minh bạch, phản đối bạo lực… mà vẫn cố gắng ôn hòa, đi trên vỉa hè, nhặt rác, chịu đựng công an, và không giẫm lên cỏ. Không dễ có những người dân như thế trong một xã hội như Việt Nam đâu.

Và, có lẽ nào chúng ta cứ để một thiểu số bất tài vô hạnh ra những quyết định mang tính chất phá hoại – mà không chỉ phá chúng ta, còn gây hại cho nhiều thế hệ sau này nữa? Điều đáng sợ nhất là, khi lầm lỗi, khi làm sai, khi phạm tội ác mà không phải chịu trách nhiệm gì, kẻ sai, kẻ ác sẽ không có lý do gì để dừng lại.

clip_image002

Một đường phố ở thủ đô Washington D.C.

Đ.T.

Nguồn: http://www.phamdoantrang.com/2015/04/ha-noi-hay-biet-yeu-nhung-gi-minh-co.html

Quân nhân Mỹ gốc Việt chia sẻ nhân ngày 30/4

Quân nhân Mỹ gốc Việt chia sẻ nhân ngày 30/4

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-04-28

Quân nhân Mỹ gốc Việt chia sẻ nhân ngày 30/4

Hoa-Ai-620.jpg

Cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên và phóng viên Hòa Ái chụp tại RFA tháng 4/2015

RFA photo

Your browser does not support the audio element.

Trong số gần 3000 quân nhân Mỹ gốc Việt hiện nay thì có khoảng 300-400 người trong số họ thuộc thế hệ 1.5, là những người được sinh ra ở VN trong thời gian chiến tranh nhưng lại sinh trưởng ở Hoa Kỳ. Nhân 40 năm ngày chiến tranh VN kết thúc, Hòa Ái có cuộc trao đổi với cựu Trung tá Bộ binh Ross Nguyễn Cao Nguyên để nghe chia sẻ về cuộc đời của ông luôn gắn liền với 2 chữ “chiến tranh”.

Hòa Ái: Hòa Ái xin phép được chào cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên.

Ông Nguyễn Cao Nguyên: Cám ơn cô Hòa Ái. Nhân dịp này Cao Nguyên xin kính chào quý khán thính giả đài ACTD.

Hòa Ái: Xin phép được hỏi cựu Trung tá vào thời điểm hiện nay tưởng niệm biến cố 30/4, hồi ức của ông về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh VN thì là ông nhớ lại là những hình ảnh gì?

Ông Nguyễn Cao Nguyên: Thời gian thấm thoát đi quá mau. Cô Hòa Ái cũng biết, thấm thoát thế mà đã 40 năm rồi. Gia đình của Nguyên được may mắn đi vào ngày 27/4/1975 trên chiếc C141, tàu bay cuối cùng của Mỹ. Ngày hôm đó, một điều mà Nguyên nhớ mãi đến nay là khi gia đình đã được xong giấy tờ của Quân lực Hoa Kỳ, ngồi trong xe buýt chạy ra cuối phi đạo Tân Sơn Nhất đợi tàu bay C141 tới.

Nguyên còn nhớ ngày Chủ Nhật, 27/4 này, lúc đó Nguyên được 16 tuổi. Nguyên thấy một số binh sĩ nhảy dù của Quân lực VNCH, có thể kêu là một đại đội Nhảy dù trấn đóng để bảo vệ Tân Sơn Nhất. Họ đứng nhìn từ phía sau hàng rào (fence) nhưng không ai la hét hay chửi bới gì hết. Tất cả những người đứng đó với một cặp mắt mà đối với Nguyên là một cặp mắt vừa buồn, vừa giận và có một vẻ gì đó hơi khinh bỉ.

Đó là niềm nhớ mãi mãi ở trong lòng của Nguyên. Đối với Nguyên, Nhảy dù là một binh chủng rất là dữ dội của Quân lực VNCH, hãy còn trật tự, hãy còn giữ đầy đủ cái tư cách của một người lính đứng nhìn những người đã bỏ nước mà đi.

Đối với Nguyên đó là điều rất là buồn trong lòng của mình tại mình biết mình bỏ người ta đi nhưng đó là một cái chuyện không thể nào đoán được.

Hòa Ái: Thưa ông, theo những chia sẻ của ông thì những hình ảnh trong ký ức đọng lại trong lòng ông có ít nhiều tác động đến quyết định trong việc chọn lựa cuộc đời binh nghiệp cho mình hay không?

Ông Nguyễn Cao Nguyên: Cô Hòa Ái phải biết, càng lớn tuổi chừng nào thì Cao Nguyên càng tin vào số mệnh chừng đó. Khi tôi khoảng chừng 12 tuổi thì đã nhất định đi theo bước chân của ba.

Ba của tôi là ông Nguyễn Đình Bản, Đại tá khóa 5 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Năm 1974, Nguyên nói với bố là “khi con thi xong tú tài thì con sẽ xin vào trường Võ Bị”. Năm 1975 mất nước mà khi mất nước rồi mình qua bên Mỹ thì ai cũng biết mình phải lo cuộc sống ở Hoa Kỳ nên chuyện vào trong quân đội bị chìm vào dĩ vãng. Nhưng đến năm 1983, khi Nguyên ra trường đại học rồi thì cảm thấy những điều mình đã trải qua từ năm 75 đến năm 83 có vẻ không đúng cái mộng mà mình muốn làm.

11025647_10203103439741974_9177133296691183971_n-400.jpg

Cựu Trung tá Ross Nguyễn Cao Nguyên và con trai.

Một hôm (trong công việc làm) được gửi đến Fort Sill, một căn cứ pháo binh của Hoa Kỳ ở Oklahoma thì Nguyên thấy mấy anh Thiếu úy đi qua đi lại rồi Nguyên tự hỏi là “không biết đời lính như thế nào”. Nguyên mới về kí giấy xin đi vào trong quân đội thì được Bộ binh nhận. Thấm thoát 28 năm sau, bây giờ con trai cũng ở trong quân đội Mỹ nên gia đình của Nguyên được 3 đời trong quân đội, rất là hãnh diện.

Hòa Ái: Ký ức tuổi thơ ở VN của ông gắn liền với chiến tranh dưới lăng kính của một cậu thanh niên vừa mới lớn; và trong cuộc đời binh nghiệp, ông từng có mặt ở nhiều chiến trường trên thế giới, nhân sinh quan của ông về chiến tranh có khác biệt so với hồi xưa không?

Ông Nguyễn Cao Nguyên: Rất là khác biệt. Cô nói rất đúng! Sau 1 năm đóng ở Iraq, phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ thì Nguyên đã thấy được rằng chiến tranh đối với Nguyên là một phương tiện cuối cùng. Khi mình không còn phương tiện nào khác nữa mà khi đi đến chiến tranh rồi thì cô biết chiến tranh rất là tàn khốc, người chết, người bị thương, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán…

Cho nên đối với Nguyên nếu có cuộc cách mạng nào (revolution) hay việc gì đó thì trước nhất là phải hòa bình (peaceful). Muốn thay đổi thì tự thay đổi chứ không cần đụng đến chiến tranh. Khi đưa đến chiến tranh rồi thì khó lắm, cũng như trường hợp bên nước Syria bây giờ, hơn 4 triệu người dân Syria bị tan nát cho nên những người mặc quân phục rất sợ chiến tranh.

Không phải sợ là vì không đủ sức làm mà sợ là vì khi đưa đến chiến tranh rồi thì phải có đánh nhau và giết nhau. Vì đánh nhau, giết nhau và ghét nhau phải đến 3-4 đời người mới trở lại được hòa ái và thương yêu nhau nên Nguyên sợ chiến tranh lắm.

Hòa Ái: Có vẻ như mâu thuẫn khi ông chia sẻ chọn cuộc đời binh nghiệp nhưng lại sợ chiến tranh. Hiện nay, Hòa Ái cũng ghi nhận được một số những người trẻ ở VN thì họ vẫn không có thiện cảm với quân nhân Mỹ. Theo như lịch sử họ học ngày xưa “Mỹ là kẻ thù của VN”. Bây giờ vẫn còn một số người vẫn cho rằng lính Mỹ là lính đánh thuê. Nếu như có cơ hội nói chuyện với họ thì ông sẽ nói gì?

Ông Nguyễn Cao Nguyên: Nguyên sẽ nói rằng lính Mỹ thật ra không phải là những người lính đánh thuê. Các bạn phải hiểu rằng nước Mỹ bây giờ vẫn là một cường quốc, vẫn là một nước giàu nhất trên thế giới mà khi mình đã giàu như vậy thì mình phải bằng mọi cách chia sẻ sự văn minh, sự tiến bộ, sự tự do dân chủ cho tất cả các nước mà mình có thể tiếp xúc được.

Không phải là mình đàn áp hoặc bắt người ta phải theo mình nhưng mà vì tự do và dân chủ, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc như thế này. Một con người không thể nào bị đàn áp bởi tất cả chế độ nào hết. Chuyện Mỹ đi đánh là tại vì Mỹ đã thấy những người dân ở những nước bị đàn áp thật là khổ và thật là vô nhân đạo thì họ sẽ bằng mọi cách cố gắng để giúp những người dân đó. Như Nguyên đã nói, khi đã đụng đến chiến tranh thì Mỹ đánh là phải đánh cho cùng. Vì thế hiện giờ có nhiều chuyện rất là lủng củng trong chính quyền của Mỹ, nhưng tấm lòng của người Mỹ lúc nào cũng là tốt.

Hòa Ái: Câu hỏi cuối cùng là hiện nay có lẽ ông cũng biết VN có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Tình hình càng ngày càng leo thang. Mặc dù VN luôn chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, trước những hành động hung hăng của Trung Quốc bây giờ, nhiều chuyên gia phân tích rằng biện pháp quân sự cũng không loại trừ. Ông nghĩ sao nếu trong trường hợp xấu nhất có xảy ra chiến tranh ở Biển Đông, liệu những cựu quân nhân Mỹ gốc Việt như ông sẽ có những đóng góp nào để bảo toàn lãnh thổ cho đất mẹ?

Ông Nguyễn Cao Nguyên: Chuyện đó thì những người quân nhân Mỹ gốc Việt chúng tôi đã giơ tay tuyên thệ là phục vụ cho quân lực Hoa Kỳ. Cô cũng biết Hoa Kỳ hiện giờ đã bằng mọi cách trở về VN, không những về sinh hoạt kinh tế mà đến cả quân sự nữa. Không dám nói là vì sự đàn áp của Trung cộng nhưng mà ảnh hưởng của Trung cộng hiện giờ rất là mạnh trong vùng ĐNA, nhất là vùng của VN.

Sớm muộn gì nếu Trung cộng muốn bành trướng áp lực của họ bằng mọi cách chính trị hoặc là quân sự xuống ĐNA thì dĩ nhiên Hoa Kỳ không thể nào để chuyện đó xảy ra vì vùng đó rất là quan trọng về đường hải lộ. Nếu có chiến tranh xảy ra với Trung cộng thì chúng tôi, những quân nhân Mỹ gốc Việt, cũng phải tình nguyện hoặc bổ nhiệm đi vào những đơn vị đó và phải đánh. Nhưng theo cái kinh nghiệm của Nguyên với sự học hỏi của Nguyên là chiến tranh ở vùng ĐNA sẽ không đi tới tại vì ảnh hưởng về kinh tế, về xã hội của Trung cộng và nước Mỹ đã dính liền với nhau rất là nhiều, đưa đến chiến tranh thì rất là khó. Thể nào cũng đưa ra giải pháp yên ổn (tiếng Mỹ gọi là “peaceful solution”) nhưng với một điều kiện là quân đội Hoa Kỳ phải có mặt ở đó. Bây giờ Nguyên cũng thấy chính phủ VN và chính phủ Hoa Kỳ đã từ từ bắt tay lại, hợp tác với nhau rất là nhiều.

Hòa Ái: Xin được cảm ơn ông dành thời gian chia sẻ với quý khán thính giả của đài.