Việt Nam có cơ hội thắng không nếu kiện Trung Quốc đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa?

Việt Nam có cơ hội thắng không nếu kiện Trung Quốc đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa?

Ls Nguyễn Văn Thân

Trong tháng 8 năm 2014, Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ (Centre for Naval Analyses) đã xuất bản một tập sách dài 132 trang của Raul Pedrozo, một vị giáo sư luật quốc tế tại Naval War College. Mục đích của tập sách này là cung cấp những luận cứ pháp lý của cả hai bên Trung Quốc lẫn Việt Nam về chủ quyền tại Biển Đông cho giới lãnh đạo chính trị và quân sự Hoa Kỳ. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lập trường là Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và theo luật quốc tế.

Dựa trên những bằng chứng lịch sử và luận cứ mà hai bên nêu ra, Gs Pedrozo kết luận rằng yêu sách chủ quyền của Việt Nam về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có cơ sở vững chắc hơn Trung Quốc. Có thể tóm lược phần kết luận của Giáo Sư Pedrozo như sau: từ thế kỷ 18, Việt Nam đã rõ ràng biểu hiện ý chí thực hiện chủ quyền bằng cách thành lập các công ty và biệt đội dưới sự bảo trợ của nhà nước khai thác tài nguyên tại các quần đảo này. Ý chí này được thể hiện qua sự sáp nhập vào lãnh thổ và qua hình thức biểu tượng thụ đắc chủ quyền trong thế kỷ 19 và được củng cố bởi các hành động chiếm hữu hòa bình, quản trị hữu hiệu và liên tục của các vua nhà Nguyễn cho tới thời kỳ đô hộ Pháp. Sau đó, Pháp đã thay thế Việt Nam quản lý những hòn đảo này và đưa quân chiếm đóng trong thập niên 1930 cho tới khi Pháp rời Đông Dương vào năm 1956. Sau khi Pháp rút quân, Việt Nam Cộng Hòa kế thừa và sau đó là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tiếp tục hành xử chủ quyền ngay cả sau khi Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp một phần các hòn đảo này trong năm 1956 và toàn vẹn Hoàng Sa từ năm 1974.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ bắt đầu để ý tới Hoàng Sa vào năm 1909, 2 thế kỷ sau khi Việt Nam đã thực hiện chủ quyền trên quần đảo này. Sự chiếm đóng của Trung Quốc vào năm 1956 và chiếm đóng bằng vũ lực vào năm 1974 rõ ràng vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc 1945 và do đó Trung Quốc không thể xác lập chủ quyền hợp pháp với quần đảo Hoàng Sa.

Với Trường Sa, Pháp sáp nhập quần đảo này được xem là lãnh thổ vô chủ trong thập niên 1930. Vào thời điểm này, chiếm đóng bằng vũ lực còn là một phương thức hợp pháp vì Hiến Chương Liên Hiệp Quốc chưa ra đời. Anh Quốc kiểm soát một vài hòn đảo tại Trường Sa trong thập niên 1880 quyết định từ bỏ yêu sách chủ quyền sau khi Pháp sáp nhập và chiếm đóng. Do đó, chủ quyền Trường Sa của Pháp hoàn toàn hợp lệ theo luật quốc tế. Pháp chuyển nhượng chủ quyền sang Việt Nam Cộng Hòa trong thập niên 1950.

Tới năm 1956 thì Trung Hoa Dân Quốc chiếm đóng Đảo Ba Bình bất hợp pháp. Trung Quốc cũng chiếm đóng một vài đảo bất hợp pháp từ năm 1988. Những sự chiếm đóng này vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và do đó không thể xác lập chủ quyền cho Đài Loan hoặc Trung Quốc. Trung Quốc không xác lập chủ quyền chỉ vì Trung Quốc đã liên tục phản đối chủ quyền của Việt Nam được Pháp chuyển nhượng theo luật quốc tế.

Bài phân tích của Gs Pedrozo có tầm quan trọng đặc biệt vì tính độc lập, khách quan, tổng hợp có hệ thống và tiêu chuẩn hàn lâm của nó. Gs Pedroza đã xem xét các công trình nghiên cứu của các học giả gồm có Ts Marwyn Samuel, Ts Greg Austin và Gs Monique Chemillier-Gendreau. Ts Marwyn Samuel là một học giả người Mỹ và là tác giả của quyển Tranh chấp ở Biển Đông (Contest in the South China Sea) xuất bản năm 1982 mà trong đó ông kết luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa mạnh hơn của Việt Nam nhưng với Trường Sa thì lại đáng ngờ. Ts Greg Austin là giáo sư tại Viện Đông Tây (EastWest Institute) ở New York xuất bản cuốn Biên giới đại dương của Trung Quốc (China’s Ocean Frontier) năm 1998. Như Ts Samuel, Ts Austin cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam tại Hoàng Sa nhưng nhiều lắm chỉ bằng với những quốc gia khác đối với Trường Sa.

Bài phân tích của Gs Pedrozo chia sẻ quan điểm của Gs Monique Chemillier-Gendreau, tác giả của quyển Chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa xuất bản năm 2000. Bà là giáo sư danh dự của Đại học Paris Diderot về lãnh vực công pháp quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là người dân Việt Nam có nắm vững những bằng chứng lịch sử và luận cứ pháp lý liên quan tới chủ quyền của Hoàng sa và Trường Sa hay không? Nếu không thì làm sao có thể bảo vệ chủ quyền của hai quần đảo này một cách hiệu quả? Quan trọng hơn, nhà cầm quyền Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ pháp lý để tiến hành kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế đòi lại chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa hay chưa? Bằng không thì tới khi nào sự hiện diện và kiểm soát Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Trung Quốc sẽ trở thành một sự thật không thể thay đổi được mà thế giới phải chấp nhận như chuyện đã rồi?

Các hình thức thụ đắc lãnh thổ

Có năm hình thức một quốc gia có thể thụ đắc lãnh thổ đó là khai hoang (accretion), chuyển nhượng (cession), chinh phục (conquest), tập quán (prescription) và chiếm hữu (occupation). Khai hoang xảy ra khi lãnh thổ được nới rộng qua tiến trình địa lý ví dụ như đảo mới hình thành vào cuối năm 2013 do phun trào núi lửa dưới đáy biển gần chuỗi đảo Ogasawara của Nhật Bản đã lớn nhanh gấp 70 lần trong bốn tháng. Chuyển nhượng là khi một quốc gia kế thừa lãnh thổ được chuyển lại từ một quốc gia có chủ quyền hợp pháp qua một hiệp ước. Quốc gia thu nhận không thể nhận hơn được những gì quốc gia chuyển nhượng có. Chinh phục là sự xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực. Trong lịch sử thì phương pháp này được công nhận nhưng trở thành bất hợp pháp kể từ tháng 10 năm 1945 khi Hiến Chương Liên Hiệp Quốc bắt đầu có hiệu lực. Tập quán là khi một quốc gia chiếm đóng lãnh thổ của quốc gia khác và hành xử chủ quyền đối với lãnh thổ đó một cách công khai, hòa bình và liên tục qua một khoảng thời gian dài được xem như là không thay đổi được. Chiếm hữu là khi quốc gia chiếm đóng lãnh thổ vô chủ (terra nullius). Khám phá không chưa đủ mà phải thật sự chiếm đóng như phán quyết của tòa xác nhận trong vụ kiện Island of Palmas Case (Netherlands/USA) 1928. Chiếm hữu phải hội đủ hai yếu tố gồm có ý chí chiếm hữu và hành động chiếm hữu thật sự bao gồm các hình thức quản lý và cai trị như Tòa thẩm định trong vụ kiện Clipperton Island Arbitration (Mexico v France) 1931.

Mức độ quản trị có thể khác biệt tùy theo yếu tố địa lý và thiên nhiên. Luật quốc tế ghi nhận trong một vài trường hợp đặc biệt, quốc gia không nhất thiết phải hành xử chủ quyền tại bất cứ nơi nào và ở mọi thời điểm. Có lúc có thể có một sự gián đoạn nào đó đặc biệt là với lãnh thổ xa xôi có môi trường khắc nghiệt.

Luận cứ chủ quyền của Việt Nam

Việt Nam lập luận rằng là Việt Nam đã chiếm hữu và liên tục thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ 17. Việt Nam đưa ra các nguồn tài liệu chính thức của nhà nước Đại Nam gồm có Đại Nam thực lục tiền biên (1600 – 1775), Toàn tập Thiên Nam thống chí lộ đồ thư (1680 – 1705), Phủ biên tạp lục (1776), Đại Nam thực lục chính biên (1848), Đại Nam nhất thống chí (1865 – 1882), Lịch triều hiến chương ngoại chí (1821), Hoàng Việt địa dư chí (1833), Việt sử cương giám khảo luợc (1876), nhiều bản tấu trình, dụ của các vua và hàng loạt bản đồ trong thế kỷ 17, 18 và 19.

Bằng chứng chủ quyền lịch sử của Việt Nam được giới Tây phương xác nhận. Quyển Ghi chú địa lý Nam Kỳ (Note on the Georgraphy of Cochinchina) của nhà truyền giáo Pháp Monseigneur Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1837 miêu tả Hoàng Sa như Bãi Cát Vàng và là một bộ phận của Nam Kỳ. Quyển sách thứ hai của tác giả mang tựa đề Lịch sử và khái niệm tôn giáo, phong tục và đạo lý của mọi người” (History and Description of the Religion, Customs and Morals of All Peoples) xuất bản năm 1838 ghi nhận Hoàng Sa đã trực thuộc Nam Kỳ trong suốt 34 năm trước đó.

Jean-Baptiste Chaigneau (1769-1832) là một người lính hải quân Pháp đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ 19. Ông theo Linh Mục Pigneau de Behaine phò Nguyễn Phúc Ánh giành lấy ngai vàng. Ông lấy tên Việt là Nguyễn Văn Thắng và làm quan trong triều đại nhà Nguyễn từ 1794 tới 1826, lấy vợ Việt là bà Hồ Thị Huệ và có một đứa con trai tên Nguyễn Văn Đức. Trong quyển hồi ký Memoires sur la Cochinchina, ông ghi lại là Hoàng Đế Gia Long đã chính thức sáp nhập Hoàng Sa vào năm 1816. Nhà truyền giáo Đức Karl Gutzlaff, tác giả của bài viết mang tựa Geography of the Cochinchinese Empire xuất bản năm 1849 xác nhận Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam và trong đó có đoạn “Từ ngàn xưa, có nhiều người từ Hải Nam thường xuyên ghé thăm hàng năm rồi sau đó đi xuống tới Borneo. Chính quyền An Nam nhận thấy cần phải thu lệ phí và cho một đơn vị đồn trú thu tiền những người thăm viếng cũng như bảo vệ cho ngư dân Việt“.

Ngoài ra, luận cứ của Việt Nam cũng được một số tác giả Tây phương khác chứng thực như Nhà thám hiểm Pháp Adophe Philibet Dubois de Jancigny, Aldrino Balbi (Ý) tác giả cuốn The Italian Compendium of Georgraphy xuất bản năm 1850 và Khâm Sứ Pháp Le Fol trong lá thư ngày 22/1/1929 gửi Toàn quyền Pháp có ghi rõ là Hoàng đế Gia Long đã chính thức chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816.

Phát triển kinh tế

Tài liệu sớm nhất mà Việt Nam đưa ra là Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá viết vào thế kỷ 17. Đỗ Bá ghi lại Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo từ thế kỷ 17. Mỗi năm vào cuối tháng mùa Đông, Chúa Nguyễn cho một hạm đội gồm 18 thuyền đi ra đảo để thu thập vàng bạc, tiền tệ và súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm ra tới đảo mất một ngày rưỡi nhưng nếu đi từ Sa Kỳ thì chỉ mất nửa ngày. Theo Sử gia Võ Long Tê, tuy sách của Đỗ Bá được viết vào năm 1686 nhưng có trích dẫn từ quyển Bản Đồ Hồng Đức. Hồng Đức là tên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Có nghĩa là Việt Nam đã bắt đầu hành xử chủ quyền từ thế kỷ 15.

Một tài liệu quan trọng khác là Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776. Lê Quý Đôn (1726 – 1784) sinh tại làng Diên Hà, tỉnh Thái Bình. Ông dự thi Hương và đỗ đầu giải nguyên lúc 17 tuổi. Ông làm quan thời nhà Lê và cũng là tác giả và biên tập của hàng chục quyển sách. Trong Phủ biên tạp lục, ông viết là “Chúa Nguyễn đã lập ra Đội Hoàng Sa gồm có 70 người. Hàng năm họ thay phiên nhau ra đảo khởi hành từ đầu tháng Giêng. Mỗi người được cấp 6 tháng lương khô. Họ tự do bắt chim, rùa và cá để ăn. Họ tìm thấy nhiều vật quý từ những chiếc tàu bị chìm như kiếm đồng, ngựa đồng, bạc, nhẫn và đồng bạc… Họ trở về trong tháng 8 và ghé Phú Xuân (Huế) để trao lại những vật quý cho vào kho. Sau đó họ được cấp chứng chỉ, thù lao và cho về nhà“.

Thành viên của Đội Hoàng Sa được miễn thuế và nhận tiền thưởng. Nhưng người nào trốn tránh trách nhiệm thì cũng bị trừng phạt nặng nề.

Tới đầu thế kỷ 18 thì các chuyến hải hành của Đội Hoàng Sa bị giảm từ 6 xuống 2 tháng. Lý do là thu nhập ngày càng ít.

Sau đó, triều đại Tây Sơn (1778 – 1802) tiếp tục các chuyến hải hành tới Hoàng Sa. Tây Sơn Thượng Tướng Công ra lệnh cho Chỉ huy Đội Hoàng Sa Hồi Đức Hầu dẫn 4 chiếc tàu đi ra Hoàng Sa để thu thập vàng, đồng, súng, rùa biển và những thứ quý giá khác mang về kinh thành. Những chuyến đi này cũng được nhắc tới trong quyển Hành trình tới Nam Kỳ của John Barrow (Anh) xuất bản năm 1806 ghi lại chuyến đi của Bá tước George Macartney tiếp kiến triều đình nhà Thanh.

Sự khai thác kinh tế một cách có hệ thống tiếp tục khi Bộ Kinh tế cấp bằng khai thác phosphate cho Lê Văn Cang vào năm 1956 tại các đảo Quang Anh, Hoàng Sa và Hữu Nhật cho tới năm 1964. Từ 1957 tới 1962, hơn 24.000 tấn phosphate được lấy từ các đảo này và chuyển đi cho một công ty ở Singapore (Yew Huatt). Tháng 7, 1973, Việt Nam cấp giấy phép cho một công ty Nhật khai thác phosphate tại Hoàng Sa nhưng không thi hành được vì bị Trung Quốc tấn công và chiếm hết quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974.

Quản trị hữu hiệu (effective administration)

Việt Nam từng bước chiếm hữu và hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa. Năm 1816, vua Gia Long đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và hải quân triều đình ra khảo sát, đo thủy lộ, cắm cờ và tiến hành nghi thức thượng kỳ trên đảo chính thức chiếm hữu. Bản đồ đầu tiên của nhà Nguyễn xuất bản năm 1830 bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh thổ Việt Nam. Ba năm sau tức 1833, vua Minh Mạng ra lệnh trồng cây và cột trên đảo để giúp thuyền buôn tránh bị mắc cạn. Năm 1834, vua sai Trương Phúc Sĩ dẫn 29 thủy thủ ra đảo để vẽ bản đồ. Năm 1835, vua hạ chỉ cho Đô Đốc Phạm Văn Nguyên đặt bia đá và xây chùa trên đảo. Năm 1836, vua ra lệnh cho Phạm Hữu Nhật đóng 10 cọc chủ quyền trên quần đảo với hàng chữ “Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bia gỗ, đến nơi đó dụng làm dấu ghi“. Mặt bài khắc những chữ “Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trong nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ“.

Sau đó, thông tin thu thập được dùng để vẽ bản đồ chi tiết năm 1838 ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng trợ cứu chiếc tàu Gootebrok của Hòa Lan bị chìm gần Hoàng Sa năm 1634 và 3 chiếc tàu Hoà Lan khác trên đuờng từ Nhật đến Batavia vào năm 1714. Một chiếc tàu buôn của Pháp vào năm 1830 và tàu buôn Anh năm 1836 được chính quyền địa phương tại Đà Nẵng và Bình Định giúp đỡ cung cấp thức ăn và chỗ ở khi tàu của họ bị đắm.

Thời kỳ đô hộ

Pháp tấn công Việt Nam vào năm 1858. Hải quân Pháp chiếm Đà Nẵng và Gia Định (Sài gòn) vào năm 1858 và 1859. Hai năm sau, Việt Nam nhượng luôn ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường cho Pháp cùng với đảo Côn Sơn theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Nam Kỳ trở thành lãnh thổ của Pháp năm 1864. Một thập niên sau, Pháp tấn công Hà Nội và triều đình Huế ký Hòa ước Quý Mùi (1883) biến toàn bộ Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp.

Là nước bảo hộ, Pháp thừa kế mọi chủ quyền của Việt Nam. Tới 1920, nhân viên hải quan Pháp thường xuyên thanh tra Hoàng Sa để ngăn chận nạn buôn lậu vũ khí và bạch phiến. Công tác này tiếp tục trong thập niên 1930. Năm 1929, phái đoàn Pierre de Rouville đề nghị xây cất bốn hải đăng trên đảo Tri Tôn, đảo Linh Côn, đá Bắc và đá Bông Bay. Năm 1930, chính quyền Pháp ở Đông Dương cử phái đoàn đến treo cờ ở Hoàng Sa. Trung Quốc lên tiếng phản đối và Pháp đề nghị đưa vấn đề ra tòa án quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối. Năm 1932, Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier sáp nhập Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên, Huế. Năm 1937, Pháp đưa người ra đảo nghiên cứu việc xây cất trạm kiểm soát hàng hải và không lưu và cất hải đăng trên đảo Hoàng Sa (Pattle Island), một trong những đảo lớn ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 1939, Toàn quyền Joseph Jules Brevie chia quần đảo Hoàng Sa thành hai nhóm: nhóm An Vĩnh (Amphramite) ở phía đông bắc và nhóm Lưỡi Liềm (Crescent) ở phía tây nam. Ngoài ra, Pháp và Việt Nam đóng quân cảnh sát thường trực trên đảo Hoàng Sa thuộc nhóm Lưỡi Liềm và đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm An Vĩnh. Quân Pháp và Việt Nam đóng quân tại Hoàng Sa tới 1946 nhưng có lúc bị gián đoạn vì bị quân Nhật chiếm đóng. Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc (Tưởng Giới Thạch) đồng ý là Pháp sẽ thay thế quân Tưởng thi hành nhiệm vụ giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra (bao gồm cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa) trước ngày 31/3/1946. Quân Pháp trở lại Hoàng Sa trong tháng 6, 1946. Nhưng cuộc chiến với Việt Minh buộc quân Pháp rời Hoàng Sa trong tháng 9 năm đó.

Khi biết được quân của Tưởng Giới Thạch vẫn chưa rời Hoàng Sa sau khi giải giới quân Nhật, Pháp chính thức ra thông báo ngoại giao phản đối vào ngày 13/1/1947. Tàu chiến Le Tonkinois cũng được điều đến đảo Phú Lâm nhưng khi thấy quân số ít hơn, quân Pháp – Việt rút quân về đảo Hoàng Sa sửa chữa lại trạm khí tượng và biến nó thành trạm điện tín quốc tế 48860 vào năm 1947. Một lần nữa, Pháp đề nghị đưa tranh chấp ra Tòa án Quốc tế nhưng Trung Quốc từ chối. Lúc đó, Pháp cũng nghĩ tới việc đơn phương kiện Trung Quốc nhưng đình lại vì cho rằng kết quả sẽ tốt hơn khi Việt Nam có một thực thể pháp lý thống nhất. Năm 1953, Pháp đưa tàu do thám Ingenieur en chef Girod vào Hoàng Sa để khảo sát khí tượng, địa lý, địa chất và môi trường sinh thái.

Cùng lúc với các hành động củng cố chủ quyền tại Hoàng Sa, Pháp cũng đưa tàu De Lanessan tới khảo sát ở Trường Sa vào năm 1927. Năm 1930, tàu La Malicieuse đến Trường Sa và làm lễ thượng kỳ Pháp. Đây là hành động chiếm hữu và hành xử chủ quyền đầu tiên tại Trường Sa. Vào ngày 23/9/1930, Pháp gửi điện tín cho các cường quốc thông báo là Pháp đã chiếm hữu Trường Sa vô chủ.

Trong tháng 11, 1928, một công ty phosphate mới ở Bắc Kỳ xin phép khai thác phosphate ở Trường Sa. Sau đó, Pháp gửi các tàu Alerte, Astrobale và De Lanessan tới và thực sự chiếm đóng quần đảo Trường Sa trong tháng 4 năm 1933. Một trụ sở hành chánh được xây cất trên đảo Ba Bình trong tháng 12 và Toàn quyền Pasquier ký Nghị Định 4762-CP ngày 21/12/1933 sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cho xây một đài phát thanh và trạm khí tượng mang mã số quốc tế 48919 trên đảo Thị Tứ vào năm 1938 và quản lý các phương tiện này cho tới năm 1941 khi quân Nhật đổ quân lên chiếm đóng. Pháp cũng có nhiều công trình khảo sát khoa học hữu ích điển hình là Báo cáo thứ 22 của Viện Khí tượng Đông Dương năm 1934. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Pháp đưa tàu chiến Chevreud trở lại Trường Sa trong tháng 10 năm 1946 và dựng bia đá chủ quyền trên đảo Ba Bình. Khi biết quân Tưởng vẫn còn trụ lại trên đảo Ba Bình, Pháp đã gửi công hàm phản đối. Quân Tưởng rút lui nhưng lén lút trở lại chiếm đảo Ba Bình từ ngày 8/6/1956.

Việt Nam dần dần giành lại độc lập sau Đệ Nhị Thế Chiến. Vào ngày 11/3/1945, vua Bảo Đại tuyên bố độc lập nhưng thoái vị năm tháng sau đó vào ngày 19/8/1945, nhường quyền lãnh đạo cho Việt Minh lúc đó kiểm soát Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên Ngôn Độc Lập tại Ba Đình và thành lập Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). Trong tháng 3, 1946, Pháp ký Hiệp ước sơ bộ với Hồ Chí Minh và đồng ý VNDCCH là một quốc gia độc lập trong Liên Bang Đông Dương và Khối Liên Hiệp Pháp. Vào ngày 8/3/1949, Pháp ký Hiệp ước Elysée với Quốc trưởng Bảo Đại công nhận Việt Nam là một nước độc lập nằm trong Liên Hiệp Pháp.

Vào ngày 14/10/1950, Pháp chính thức giao trả Hoàng Sa cho Việt Nam. Lễ bàn giao do Tướng Phan Văn Giáo chủ trì. Tại Hội Nghị San Francisco trong tháng 5, 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu (chính quyền Bảo Đại) xác nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam trước đại diện 51 quốc gia mà không có ai lên tiếng phản đối.

Quân đội VNCH nhận lãnh trách nhiệm phòng thủ Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng 8, 1956. Hải quân VNCH đổ quân lên các đảo Hoàng Sa trong tháng 4 và Hữu Nhật (Robert Island) trong tháng 7, 1956. Cũng trong năm đó thì Bộ Khai thác, Kỹ thuật và Tiểu công tiến hành khảo sát các đảo Hoàng Sa, Quang Ánh, Hữu Nhật và Duy Mộng (Drummond Island). Thủy quân lục chiến nhận nhiệm vụ phòng thủ đối với các đảo này tới 1959 khi trách nhiệm này được chuyển sang cho Quân Khu tỉnh Quảng Nam. Vào tháng 2, 1959, quân đội VNCH đuổi 80 ngư dân Trung Quốc cư ngụ bất hợp pháp trên đảo Quang Hòa (Duncan island) và chiếm đóng đảo này.

Năm 1960, Việt Nam bổ nhiệm Nguyễn Bá Thước làm chỉ huy dân sự đầu tiên đến quản lý Hoàng Sa. Sang năm 1961, quản lý hành chánh Hoàng Sa được chuyển từ Thừa Thiên lại cho Quảng Nam và nâng lên cấp xã. Trong tháng 5, 1971, VNCH tiến hành khảo sát đảo Tri Tôn nhưng Trung Quốc tiếp tục cho quân gây hấn buộc VNCH ra tuyên bố chính thức xác nhận chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa. Vào ngày 21/1/1974, Trung Quốc đưa hải quân xâm chiếm Hoàng Sa và đẩy quân VNCH ra khỏi nhóm Lưỡi Liềm và chiếm đóng toàn bộ Hoàng Sa từ thời điểm đó.

Tương tự như ở Hoàng Sa, Việt Nam tiếp nối chủ quyền của Pháp tại Trường Sa và sáp nhập vào tỉnh Phước Tuy trong tháng 10, 1956. Từ 1961 tới 1963, hải quân VNCH từ các chiếc tàu Vạn Kiếp và Vân Đồn tiến hành đóng cọc chủ quyền tại các đảo Thị Tứ, Loại Ta, An Bang, Trường Sa, Song Tử Đông và Song Tử Tây. Sau 30/4/1975, bộ đội Bắc Việt tiếp thu quyền kiểm soát các đảo này từ hải quân VNCH. Trong tháng 3, 1976, CHXHCNVN sáp nhập Trường Sa vào tỉnh Đồng Nai.

Luận cứ của Việt Nam là Pháp Pháp đã chiếm hữu hợp pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong thập niên 1930 và sau đó chuyển lại cho VNCH. Sau 1975, lãnh thổ của VNCH chuyển lại cho CHXNCNVN. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền hợp pháp đối với hai quần đảo này.

Luận cứ chủ quyền của Trung Quốc

Trong tháng 6, 2000, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phổ biến văn bản mang tên Vấn đề Biển Nam Trung Hoa (The Issue of South China Sea) chính thức bày tỏ lập trường của Trung Quốc. Tóm tắt là Trung Quốc đòi hết chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm lãnh hải chung quanh các đảo dựa trên một vài yếu tố gồm có bằng chứng lịch sử, khai thác kinh tế, quản trị hữu hiệu và sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Tài liệu mà Trung Quốc đua ra cho là bằng chứng lịch sử gồm có một số tác phẩm như Nam Châu dị vật chí (Những vật lạ ở Phương Nam) của Vạn Chấn thời Tam Quốc (220 – 280) viết dưới thời Hán Vũ Đế, Phù Nam truyện của Khang Thái viết cùng thời, Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán (25 – 220), Lĩnh ngoại Đại Pháp của Chu Khứ Phi và Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát đời Tống (960 – 1279), Đảo di chí lược của Vương Đại Uyên đời Nguyên (1271 – 1368), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp (1618), Vũ bị chí của Trịnh Hòa của Mao Nguyên Nghi (1628), Hải Lục của Vương Bình Nam (1820), Hải quốc độ chí của Ngụy Nguyên (1848) và Danh hoàn chí lược của Bành Ôn Chương (1848). Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lập luận rằng các tấm bản đồ từ thời nhà Đường, Tống, Nguyên, Minh đã liệt kê Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ Trung Quốc. Học giả Trung Quốc kết luận rằng ngư dân Trung Quốc là những người đầu tiên khám phá và đặt chân tới hai quần đảo này.

Khai thác kinh tế

Theo Bộ Ngoại giao, ngư dân Trung Quốc đã đánh cá tại Biển Đông từ thời nhà Tấn (265 – 420). Các chuyến hải hành được tổ chức từ thời nhà Minh (1368 – 1644). Ngư dân Trung Quốc sử dụng hải đồ hướng dẫn hải trình từ Hải Nam xuống Hoàng Sa và Trường Sa. Các học giả Trung Quốc cho rằng ngư dân Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức các chuyến đi đánh cá hàng năm tại Biển Đông từ khi Trung Quốc Cộng Hòa (Trung Hoa Dân Quốc) ra đời năm 1912. Năm 1918, Okura Unosuke (Nhật) đã viết sách mang tựa Những hòn đảo bão tố (Stormy Islands) diễn tả cảnh ngư dân Trung Quốc sinh sống và trồng trọt trên đảo. Năm 1933, sử gia Ling Chungshen viết bài nhắc đến sự hiện diện của ngư dân Trung Quốc trên một số đảo tại Trường Sa. Mặc dù Bộ Ngoại giao nhìn nhận là sự hiện diện này không được chính quyền Trung Quốc bảo trợ nhưng các hoạt động đánh cá sau đó được nhà nước hỗ trợ. Hơn nữa, ngư dân phải đóng thuế và lệ phí để được quyền khai thác tại Trường Sa.

Năm 1910, triều đình nhà Thanh kêu gọi đấu thầu hợp đồng khai thác các đảo tại Biển Đông và thông lệ này tiếp diễn dưới thời Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949) nhưng chỉ diễn ra tại Hoàng Sa. Năm 1949, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông tiếp tục chính sách khai thác tại Biển Đông và phần lớn là tập trung tại Hoàng Sa. Trung Quốc đã nhiều lần và liên tục phản đối mọi sự khai thác kinh tế từ phía Việt Nam gồm có hợp đồng khai thác dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô vào năm 1980, giữa Petro Vietnam và Conoco một công ty năng lượng của Mỹ vào năm 1996, giữa Petro Vietnam và ONGC của Ấn Độ vào năm 2011 và giữa một nhóm công ty dầu khí Việt Nam và Gasprom của Nga. Tháng 5, 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng tranh chấp tại Hoàng Sa với sự hộ tống của nhiều tàu nhà nước trong đó có 7 tàu chiến.

Trung Quốc cũng đã sử dụng lực lượng hải quân ngăn cản ngư dân Việt Nam và Phi Luật Tân đánh cá trong vùng biển tranh chấp. Tháng 5, 2011, tàu Trung Quốc ngăn cản và cắt đứt dây cáp tàu Bình Minh của Việt Nam. Hai tuần sau đó, tàu Trung Quốc cố ý đâm vào tàu Viking II. Tháng 11, 2012, tàu Trung Quốc cắt dây cáp của tàu Bình Minh 02.

Quản trị hữu hiệu

Trung Quốc cho rằng họ đã kiểm soát và quản trị các đảo tại Biển Đông từ thế kỷ 13. Ví dụ trong lịch sử thời nhà Nguyên đã có những câu chuyện tuần tra của lính hải quân trên các quần đảo này. Học giả Trung Quốc cho rằng hải quân Trung Quốc đã tuần tra Biển Đông từ thời nhà Hán (206 trước Công Nguyên – 220 sau Công Nguyên). Năm 43, Mã Viện chinh phục Bắc Việt và cho hải quân thám hiểm Trường Sa. Hải quân Trung Quốc tiếp tục tuần tra Biển Đông từ thời nhà Tấn, Tống, Minh, Nguyên, Thanh và Cộng Hòa. Năm 1279, Hoàng Đế nhà Nguyên sai Guo Shoujing đi khảo sát Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Năm 1292, một lực lượng viễn chinh của quân Nguyên dẫn đầu bởi Shi Bi đưa tàu đi ngang Hoàng Sa và Trường Sa. Dưới thời nhà Minh, hải quân Hải Nam chịu trách nhiệm tuần tra ở Biển Đông. Bia mộ của Tướng Qian Shicai có khắc hàng chữ “Quảng Đông kề cận Biển Đông và lãnh thổ ngoài biển đều thuộc nhà Minh. Tướng Qian dẫn hơn 10000 lính và 50 tàu lớn tuần tra hàng chục ngàn đảo tại Biển Đông“. Thời nhà Minh, Trịnh Hòa chỉ huy 7 chuyến thám hiểm và khảo sát Ấn Độ Dương cũng như tất cả các đảo lớn tại Biển Đông. Nhà Thanh (1644 – 1911) tiếp tục công tác tuần tra này. Bản đồ nhà Thanh cho thấy lãnh thổ Trung Quốc bao gồm các đảo tại Biển Đông.

Ngoài những tác phẩm, sách vở và bản đồ, học giả Trung Quốc cũng dựa vào những phương tiện khai thác, đánh cá, dự báo thời tiết, chứng chỉ cho phép khai thác để củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Một số tài liệu cũng ghi chú ý định của nhân viên hải quan dưới thời nhà Thanh xây cất hải đăng trên một số đảo tại Biển Đông.

Sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911, chính quyền Quảng Đông đặt Hoàng Sa dưới quyền kiểm soát của Hải Nam. Quyết định này được Chính quyền quân sự miền Nam xác nhận vào năm 1921. Bộ Ngoại giao cho rằng Trung Quốc đã hành xử chủ quyền gồm có cung cấp cờ cho ngư dân đánh cá tại Trường Sa, tổ chức các chuyến du hành và khảo sát và cho phép in bản đồ ghi tên của các đảo tại Trường Sa.

Năm 1928, chính quyền Quảng Đông thành lập một đội quân tiến hành các công tác khảo sát Hoàng Sa. Từ 1932 tới 1935, một Ủy Ban được thành lập duyệt xét các bản đồ và cộng thêm 132 địa danh từ các đảo ở Biển Đông. Năm 1936, Trung Quốc cũng tiến hành xây cất đài phát thanh và trạm khí tượng tại Hoàng Sa.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, quân của Trung Hoa Dân Quốc tiến ra Hoàng Sa và Trường Sa để thi hành các công tác xây cất các phương tiện trên đảo. Tới năm 1950, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) rút hết quân ra khỏi Biển Đông sau khi quân cộng sản lên tới Hải Nam. Nhưng cộng quân không tiến chiếm các đảo Ba Bình và Phú Lâm mà Đài Loan bỏ lại. Đài Loan quay lại chiếm đóng đảo Ba Bình từ 1956. Trung Quốc cũng tiến chiếm đảo Phú Lâm trong thời điểm đó.

Phản đối liên tục

Trung Quốc cho rằng sự phản đối liên tục mọi yêu sách chủ nguyền của nước khác là bằng chứng hành xử chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trường hợp đầu tiên là sự kiện liên quan tới một tàu khảo sát của Đức vào năm 1883. Sau khi triều đình nhà Thanh lên tiếng phản đối, Đức ngưng hoạt động khảo sát trong khu vực. Khi Pháp chiếm hữu Hoàng Sa trong thập niên 1930, Trung Quốc chính thức gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Pháp vào ngày 27/7/1932. Hai tháng sau, Trung Quốc gửi thư đề ngày 29/9/1932 cho Pháp trong đó có đoạn “chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông đã cấp giấy phép khai thác Hoàng Sa cho công dân Trung Quốc và nghi ngờ về sự hiện diện của người Việt tại đây từ năm 1816 và 1835. Chính quyền Trung Quốc yêu cầu Pháp cung cấp bằng chứng về các bia đá và chùa do Việt Nam xây cất“. Một công hàm khác lập luận rằng Việt Nam không thể sáp nhập Hoàng Sa vào năm 1816 vì Việt Nam lúc đó là một “chư hầu của Trung Quốc“.

Trung Quốc liên tục gửi thư phản đối cho Pháp từ 1938 tới 1947 nhưng từ chối đưa tranh chấp ra tòa.

Từ 1949, Trung Quốc (Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa) tiếp tục thái độ phản đối khi VNCH tiếp nhận đảo Hoàng Sa từ Pháp và phản ứng bằng cách đưa quân chiếm nhóm An Vĩnh ở phía đông. Tháng 5, 1956, Trung Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Phi Luật tân về 7 hòn đảo tại Trường Sa.

Xác nhận chủ quyền

Sau khi VNCH tiếp quản Trường Sa vào năm 1956 và các đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa và Quang Ánh năm 1957, Trung Quốc tuyên bố lãnh hải 12 hải lý bao gồm các đảo trong Biển Đông. Ngày 20/1/1974, lực lượng hải quân Trung Quốc đánh đuổi quân VNCH ra khỏi đảo Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, quân Trung Quốc đụng độ với Việt Nam tại Gạc Ma ở Trường Sa. Hậu quả là một số tàu Việt Nam bị đánh chìm và hơn 70 bộ đội hải quân Việt Nam bị giết. Sau đụng độ này, Trung Quốc tiến chiếm các đá Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn và Xu Bi.

Năm 2009, Trung Quốc nộp hồ sơ cho Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền toàn bộ Biển Đông. Năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa quản lý Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 29/11/2013, Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh cá do chính quyền Hải Nam phụ trách. Lệnh này bắt buộc tàu của nước khác phải xin phép trước nếu muốn đánh cá trong khu vực.

Danh nghĩa quốc tế

Học giả Trung Quốc đưa ra một vài dữ kiện cho rằng cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ nhất, Hiệp ước Pháp – Trung 1887 phân định biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ trong đó có đoạn “các hòn đảo nhỏ từ kinh tuyến 105 hướng Đông của Paris, kinh tuyến 108 hướng Đông của Greenwich, có nghĩa là đường Nam Bắc đi ngang điểm phía Đông của đảo Trà Cổ thuộc về Trung Quốc. Đảo Cô Tô và các đảo khác ở phía Tây thuộc về An Nam“. Do đó, Trung Quốc lập luận ràng Pháp đã đồng ý nhượng Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam và Việt Nam không có gì để kế thừa chủ quyền của Pháp.

Một vài học giả Trung Quốc cũng cho rằng Pháp đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa vào năm 1921 khi Thủ tướng Aristide Briand nói rằng “vì Trung Quốc đã thành lập chủ quyền từ 1909, Pháp không thể đặt yêu sách chủ quyền với các đảo này“. Ngoài ra, khi một công ty Nhật có tên Mitsui Bussan Kaisha bày tỏ ý định khai thác phosphate tại Hoàng Sa và hỏi thăm dò ý kiến của Pháp, Thuyền trưởng Remy trả lời trong bức thư đề ngày 24/9/1920 rằng “không có văn kiện gì cho thấy ai làm chủ Hoàng Sa. Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng nó không thuộc sở hữu của Pháp nhưng đây chỉ là dựa theo trí nhớ của tôi chớ tôi không có văn kiện nào xác nhận quan điểm này“.

Năm 1909, Jean Joseph Beauvais Lãnh sự Pháp tại Quảng Châu gửi một lá thư cho Bộ Ngoại giao nói rằng “Pháp có chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa nhưng nếu chính thức lên tiếng có thể khuấy động chủ nghĩa dân tộc gây bất lợi cho Pháp “. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho rằng một số viên chức đề nghị Pháp từ bỏ chủ quyền Hoàng Sa để đối lấy quyền lợi của Pháp tại Trung Quốc.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Trung Quốc (của Tưởng Giới Thạch) nhận trách nhiệm giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở ra. Hai bên đồng ý là Trung Quốc sẽ bàn giao lại cho Pháp trước ngày 31/3/1946. Nhưng khi quân Trung Quốc tiếp tục đóng lại trên các đảo Phú Lâm và Thị Tứ sau ngày 31/3/1946 thì Pháp và Việt Nam không có phản ứng gì. Trung Quốc lập luận rằng điều này cho thấy Pháp đã ngầm công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Tương tự nhu vậy, Pháp không phản đối khi Trung Quốc cộng các đảo ở Biển Đông vào Hòa ước Trung Nhật 1952. Hơn nữa, Pháp và Việt Nam không tiến hành chiếm đóng khi Đài Loan rút quân ra khỏi Trường Sa từ 1950 đến 1956. Cho dù Pháp chiếm hữu Trường Sa hợp pháp năm 1933 nhưng đã từ bỏ chủ quyền sau 1945. Do đó, Việt Nam không có gì để tiếp nối.

Học giả Trung Quốc lập luận là Nhật đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và đả kích yêu sách chủ quyền của Pháp vào năm 1938. Điều 2 của Hòa ước Trung Nhật 1952 ghi rằng “Nhật từ bỏ mọi yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan, Penghu cũng như Trường Sa và Hoàng Sa“. Riêng đối với lời tuyên bố của Thủ tướng kiêm Ngoại Trưởng Trần Văn Hữu tại Hội Nghị San Francisco năm 1951, Trung Quốc trả lời là họ không tham dự nên không thể phản đối lời tuyên bố này.

Hội nghị Hàng không Dân sự đầu tiên được tổ chức tại Manila năm 1955 với sự tham dự của 15 quốc gia gồm có Đài Loan và Việt Nam. Hội nghị đồng thuận yêu cầu Đài Loan theo dõi và cập nhật tình trạng khí tượng tại Trường Sa 4 lần trong mỗi ngày. Không có ai lên tiếng phản đối đề nghị này.

Công hàm Phạm Văn Đồng

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khi tiếp đại diện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Lý Chí Dân ngày 15/6/1956, Thứ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm của Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa nói với ông rằng: “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.”

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ ra một tuyên bố khác vào năm 1965 của miền Bắc về quy định khu tác chiến của Mỹ là “Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đã chỉ định một phần lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa làm vùng chiến sự của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ“. Ngoài ra, tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn kèm theo một tấm bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xuất bản năm 1972 trong đó ghi Tây Sa và Nam Sa theo tên Trung Quốc.

Nhưng có lẽ văn kiện quan trọng nhất mà Trung Quốc dựa vào là Công hàm Phạm Văn Đồng. Ngày 4/9/1958, Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc ra tuyên bố lãnh hải trong đó có nội dung là “Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố: (1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc…“. Tây Sa và Nam Sa là Hoàng Sa và Trường Sa theo cách gọi của Trung Quốc.

Đúng 10 ngày sau đó vào ngày 14/9/1958, Thủ tướng VNHDCH Phạm Văn Đồng gửi công hàm phản hồi cho Chu Ân Lai với nội dung là: “Thưa Đồng chí Tổng lý, Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Học giả Trung Quốc lập luận rằng rõ ràng VNDCCH đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trước đây nhưng bây giờ lại muốn nuốt lời. Lập trường này vi phạm nguyên tắc estoppel của luật quốc tế là một quốc gia không được có lập trường bất nhất hoặc tráo trở.

Đánh giá luận cứ của Trung Quốc

Một vài học giả quốc tế đồng ý là có nhiều bằng chứng cho thấy ngư dân Trung Quốc có lẽ đã biết về các đảo tại Biển Đông từ thời ngàn xưa. Tuy nhiên, hiểu biết và khám phá là hai khái niệm khác nhau. Đa số các tài liệu cổ mà Trung Quốc đưa ra cho thấy Trung Quốc có kiến thức tổng quát về các thực thể tại Biển Đông nhưng kiến thức tổng quát này không có gì hữu dụng khi nói đến luận cứ pháp lý. Hơn nữa, ngư dân Trung Quốc là những người đến sau. Hàng ngàn năm về trước, ngư dân Nam Dương, Mã Lai, Phi và Việt đã đặt chân tới các hoang đảo ở Biển Đông. Thủy thủ Mã Lai đã đưa thuyền buồm xuyên qua Ấn Độ Dương cả ngàn năm trước khi Trịnh Hòa thực hành 7 chuyến thám hiểm trong thế kỷ 15. Và Đế quốc Chàm, trước khi bị Việt Nam thôn tính trong thế kỷ 15 là những người đầu tiên xưng bá tại Biển Đông. Lập luận cho rằng ngư dân Trung Quốc khám phá Biển Đông không có gì đáng tin cậy.

Trung Quốc đưa ra một số bản đồ mà họ cho rằng chứng minh chủ quyền của họ tại Biển Đông. Thật ra theo luật quốc tế, bản đồ có giá trị rất thấp khi được sử dụng làm bằng chứng trong các vụ tranh chấp lãnh thổ. Trừ khi bản đồ được đính kèm vào hiệp ước hoặc một văn kiện pháp lý. Không có bản đồ nào mà Trung Quốc đưa ra có thể được xem như là một hiệp ước hoặc văn kiện có tính pháp lý ràng buộc giữa Trung Quốc với Việt Nam hoặc Pháp liên quan tới Biển Đông.

Khám phá và chiếm hữu

Giả sử như Trung Quốc có khám phá các đảo tại Biển Đông, nhưng nếu không có hành động chiếm hữu thì sẽ không có chủ quyền. Trong vụ kiện Island of Palmas (Netherlands/USA) 1928, Tòa Trọng tài Thường trực phán rằng chủ quyền sơ khởi (inchoate title) qua sự khám phá phải được hoàn tất trong một khoảng thời gian hợp lý bằng hành động chiếm hữu lãnh thổ mới vừa khám phá. Chiếm hữu gồm có hai yếu tố: ý chí chiếm hữu và thi hành quyền lực thật sự. Hơn nữa, hành động khám phá không thể lật ngược chủ quyền của một quốc gia khác nếu quốc gia đó đã thực thi quyền lực liên tục và hòa bình sau một khoảng thời gian dài đối với lãnh thổ đó.

Trung Quốc lập luận rằng họ đã chiếm hữu các đảo ở Biển Đông từ thế kỷ 14 nhưng không có bằng chứng gì cụ thể và khả tín. Nhiều lắm là có một số ngư dân Hải Nam đã tạm trú trên một số đảo. Cũng không có bằng chứng gì cho thấy nhà nước Trung Quốc tiến hành tuần tra các đảo, xây cất các phương tiện như hải đăng và trạm khí tượng. Căn bản là không có gì đáng tin cậy cho thấy Trung Quốc đã hành xử chủ quyền hợp pháp, liên tục và qua một thời gian dài mà không có ai phản đối.

Dưới luật quốc tế theo phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế trong vụ Fisheries Case (United Kingdom v Norway) 1951, khi xác định chủ quyền lãnh thổ, sinh hoạt tư nhân không có giá trị trừ khi họ tiến hành khai thác kinh tế dưới giấy phép do nhà nước ban hành. Hành động của một số cá nhân không đồng nghĩa với hành xử chủ quyền của một quốc gia. Không có bằng chứng gì cho thấy là ngư dân Hải Nam hoặc Trung Quốc phải xin giấy phép của nhà nước để đánh cá ở Biển Đông. Do đó, cho dù một số ngư dân Trung Quốc có tạm trú tại các đảo ở Biển Đông không có nghĩa là họ có thể đại diện quốc gia chiếm hữu hoặc hành xử chủ quyền dưới luật quốc tế. Kết luận này được xác nhận bởi một bản báo cáo bí mật của quân đội Trung Quốc vào năm 1933. Theo nhà Địa lý Pháp Francois Xavier-Bonnet, khi Pháp chiếm đóng 9 đảo tại Trường Sa, Trung Quốc lên tiếng phản đối nhưng nhầm lẫn giữa Hoàng Sa và Trường Sa. Một bảo báo cáo mật đề ngày 1/9/1933 do Hội đồng Quân nhân Trung Quốc soạn thảo có đoạn ghi là “Để kết luận, chúng ta chỉ có bằng chứng duy nhất là ngư dân Hải Nam, chúng ta không có làm gì trên các đảo này. Chúng ta cần hạ nhiệt với Pháp nhưng để cho ngư dân tiếp tục đánh cá. Hải quân của chúng ta còn yếu và hiện tại thì 9 hòn đảo này không có hữu dụng gì…“. Sau khi nhận ra Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo khác nhau, Trung Quốc ngưng phản đối với Pháp.

Cũng theo Francois Xavier-Bonnet, vào tháng 6, 1937, Tư lệnh Quân khu 9 Huang Qiang được gửi đi Hoàng Sa với hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất là điều tra tình báo về hoạt động của quân Nhật và thứ hai là để xác quyết chủ quyền của Trung Quốc tại đó. Theo báo cáo đề ngày 31/7/1937, Huang rời Quảng Đông ngày 19/6/1937 và tới Hoàng Sa ngày 23/6. Huang đặt chân lên bốn đảo thuộc nhóm An Vĩnh gồm có Phú Lâm, Đảo Đá, Linh côn và Đảo Bắc. Huang trở về Hải Nam ngày 24. Bản báo cáo mật này được trao lại cho các sử gia Han Zenhua, Lin Jin Zhi và Hu Feng Bin khi họ xuất bản Sưu tập tài liệu lịch sử các đảo của chúng ta ở Biển Nam Trung Hoa vào năm 1988 nhưng họ lại không phổ biến bản báo cáo này. Nhưng rất may là bản báo cáo mật này lại được phổ biến vào năm 1987 bởi Ủy ban Đặt tên tại Quảng Đông trong quyển Biên tập địa danh các đảo ở Nam Hải.

Trong bản báo cáo mật, Huang viết rằng đã mang theo 30 cọc trên tàu trong đó có 4 cọc đề năm 1902 thời nhà Thanh và số còn lại đề năm từ 1912 đến 1921. Không có cọc nào đề năm 1937 vì chuyến đi này hoàn toàn bí mật. Huang cùng đồng đội chôn 2 cọc 1902 và 4 cọc 1912 trên Đảo Bắc, 1 cọc 1902, 1 cọc 1912 và 1 cọc 1921 trên đảo Linh Côn, 2 cọc 1921 trên đảo Phú Lâm và 1 cọc 1921 trên Đảo Đá. Tóm lại, chuyến hải hành tới Hoàng Sa năm 1902 của Trung Quốc thật sự không có xảy ra trong lịch sử mà đã được ngụy tạo. Hành động này đã lừa gạt luôn cả giới hàn lâm quốc tế trong đó có Gs Marwyn Samuels, tác giả của cuốn Tranh chấp tại Biển Đông xuất bản năm 1982.

Trung Quốc nhìn nhận tiến trình khai thác kinh tế tại Biển Đông mang tính tư nhân nhưng đến thời nhà Thanh thì công tác khai thác này có sự chấp thuận và hỗ trợ của triều đình được đẩy mạnh dưới thời Dân Quốc qua sự thu thuế và cấp giấy phép khai thác. Nhưng không có bằng chứng độc lập nào xác nhận việc này. Mà nếu có thì nó cũng xảy ra 250 năm quá trễ so với những chuyến khai thác có hệ thống của Đội Hoàng Sa do triều đình nhà Nguyễn tổ chức.

Còn về việc tuần tra thì nhiều lắm là nó cho thấy Trung Quốc có kiến thức tổng quát về các đảo ở Biển Đông. Tự nó không phải là bằng chứng chiếm hữu. Các chuyến hải hành của Trịnh Hòa và Shi Bi cũng vậy. Họ căng buồm đi ngang Biển Đông không có nghĩa là đã hành xử chủ quyền tại đó. Tóm lại, bằng chứng lịch sử của Trung Quốc có giá trị rất giới hạn dưới luật quốc tế.

Sự chiếm đóng của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm năm 1946 và cả quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 bằng vũ lực vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và bất hợp pháp. Với Truờng Sa, lần đầu tiên Trung Quốc có phản ứng xảy ra vào năm 1933 khi Trung Quốc phản đối Pháp chiếm hữu và sáp nhập Trường Sa. Trung Quốc không thể tạo chủ quyền chỉ vì hành động phản đối và việc phản đối không đương nhiên tước mất chủ quyền của Pháp được thành lập hợp lệ theo luật quốc tế vì khi Pháp chiếm hữu Trường Sa vào năm 1933, chinh phục là một phương pháp được luật quốc tế công nhận. Chinh phục chỉ trở thành bất hợp pháp sau tháng 10, 1945 khi Hiến Chương Liên Hiệp Quốcbắt đầu có hiệu lực. Trong khi đó, sự chiếm đóng các đảo Ba Bình vào năm 1946 và 1956 của quân Tưởng Giới Thạch và Trung Cộng với một số đảo tại Trường Sa bằng vũ lực không thể dẫn đến chủ quyền hợp pháp dưới luật quốc tế.

Tóm lại, Trung Quốc không trưng dẫn được bằng chứng đáng tin cậy là họ đã hành xử chủ quyền hòa bình và liên tục tại Hoàng Sa và Trường Sa. Cho dù Trung Quốc có khám phá ra các đảo này, họ đã không nghĩ tới việc thực hiện quyền lực quốc gia trong một khoảng thời gian hợp lý để củng cố chủ quyền của các thực thể đó. Nhưng một số học giả Trung Quốc lập luận rằng đây là một trường hợp ngoại lệ mà luật quốc tế ghi nhận. Đó là hoàn cảnh địa lý của các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa quá xa xôi và có môi trường khắc nghiệt. Dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Clipperton island Arbitration (Mexico v France) 1931, Trung Quốc lập luận rằng họ chỉ cần chứng minh là có hành xử chủ quyền có tính biểu tượng.

Đúng là luật quốc tế có ghi nhận trường hợp ngoại lệ nhưng Trung Quốc không áp dụng được đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trước hết, vụ Clipperton đòi hỏi quốc gia liên hệ phải có hành xử chủ quyền. Sự tiếp xúc, viếng thăm, tạm trú thỉnh thoảng của ngư dân trong tư cách cá nhân không đồng nghĩa với tầm vóc hành xử chủ quyền của một quốc gia. Không có bằng chứng gì đáng tin cậy là nhà nước Trung Quốc có những hành động cụ thể nào thực thi chủ quyền trên các đảo này – một sự thật mà bản báo cáo mật ngày 1/9/1933 của chính Hội đồng Quân nhân Trung Quốc xác nhận.

Hơn nữa, trong vụ kiện Eastern Greenland (Norway v Denmark) 1933, Tòa án Công lý Quốc tế phán rằng hành xử chủ quyền biểu tượng có thể áp dụng khi không có quốc gia khác chứng minh chủ quyền tốt hơn. Như đã trình bày, lần đầu tiên Trung Quốc có hành xử liên quan tới Hoàng Sa diễn ra vào năm 1909. Nhưng Việt Nam đã chính thức chiếm hữu Hoàng Sa khoảng 100 năm trước đó vào năm 1816.

Thiên triều và chư hầu

Trung Quốc cho rằng vào năm 1816, Việt Nam là một nước chư hầu của Trung Quốc và do đó không thể xâm chiếm lãnh thổ của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Lập luận này hoàn toàn không có cơ sở. Dưới Đế chế phong kiến, Hoàng đế Trung Hoa cai trị thiên hạ là con người chớ không phải lãnh thổ. Lãnh thổ và biên giới có thể thay đổi rất nhanh khi các tiểu quốc chư hầu đụng độ xâm chiếm lẫn nhau. Việt Nam trở thành một phần của nhà Hán vào năm 111 trước Công Nguyên và bị Trung Quốc đô hộ trong 1000 năm. Nhưng Việt Nam đã giành lại độc lập vào năm 939 và nhiều lần thành công đánh bại các cuộc xâm lăng của Trung Quốc trong hơn 900 năm cho tới khi bị Pháp đô hộ. Tuy đã giành độc lập nhưng Việt Nam tiếp tục triều cống với Hoàng đế Trung Hoa để giữ hòa khí với nước láng giềng mạnh và lớn hơn cả trăm lần. Khi vua Gia Long chính thức chiếm hữu Hoàng Sa vào năm 1816, quan hệ thiên triều và chư hầu không ngăn cản Việt Nam hành xử chủ quyền gồm có mở mang bờ cõi và biên giới. Theo định nghĩa, quan hệ chư hầu có nghĩa là Trung Quốc nắm quyền kiểm soát bang giao của Việt Nam và các nước khác nhưng Việt Nam vẫn có quyền hành xử chủ quyền nội địa gồm có quyền mở mang hoặc thu nhận lãnh thổ.

Thoả thuận quốc tế

Lập luận của Trung Quốc là Pháp đã đồng ý nhượng các đảo tại Biển Đông cho Trung Quốc gồm có Hoàng Sa và Trường Sa dưới Hiệp ước Pháp – Trung 1887 không có lô-gích. Tiêu đề của Hiệp ước này là phân định biên giới và chia một số đảo giữa Trung Quốc và Bắc Kỳ (Tonkin). Nếu sự diễn giải của Trung Quốc là đúng thì tất cả các đảo ở phía Nam thành phố Huế cũng thuộc chủ quyền của Trung Quốc – một kết luận khá điên rồ. Hơn nữa, Pháp đã trao công hàm ngoại giao đề ngày 16/8/1933 cho Trung Quốc xác nhận là Hiệp ước Pháp -Trung 1887 không áp dụng cho Hoàng Sa. Chính Gs Zou Keyuan của Trung Quốc cũng đồng ý là “đường gạch đỏ trên bản đồ là đường phân chia các đảo trong vịnh Bắc Bộ chớ không phải là biên giới lãnh hải giữa hai nước“. Kết luận này phù hợp với sự việc là Bạch Long Vĩ được Mao Trạch Đông trao trả lại cho Việt Nam để thể hiện “tình đồng chí” giữa hai nước. Kết luận của Gs Zou cũng được áp dụng trong Hiệp ước phân định Biên giới trong Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết trong năm 2000.

Các lập luận khác cho rằng Pháp đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc hoàn toàn mâu thuẫn và trái với sự thật vì chính Pháp đã có những hành động chiếm hữu cụ thể tại Hoàng Sa và nhất là Trường Sa. Còn Hòa ước Trung – Nhật 1952 chỉ nhắc tới Đài Loan và Penghu chớ không liên quan tới Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, Trung Quốc đã đồng ý trao Hoàng Sa lại cho Pháp sau khi giải giới quân Nhật. Không thể nuốt lời rồi kết luận là Pháp đã chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Về Hội hghị Hàng không Dân sự tại Manila 1955, lý do mà 15 quốc gia đồng ý giao trách nhiệm theo dõi thời tiết cho Đài Loan là vì Đài Loan thích hợp nhất về mặt địa lý. Không thể đồng hóa tiêu đề khí tượng với chủ quyền lãnh thổ.

Công hàm Phạm Văn Đồng và nguyên tắc estoppel

Không có bằng chứng độc lập nào xác nhận câu nói của Thứ trưởng Ung Văn Khiêm với Lý Chí Dân là theo bằng chứng lịch sử thì Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Mà giả sử như là có đi nữa thì lời nói đó cũng không có giá trị pháp lý gì. Nhân nhượng chủ quyền lãnh thổ là một sự kiện vô cùng nghiêm trọng liên quan tới vận mệnh của một quốc gia. Không có bất cứ cá nhân viên chức nào kể cả Thứ trưởng có thể tùy tiện quyết đoán.

Tương tự như vậy, Việt Nam lập luận rằng tuyên bố về khu tác chiến, bản đồ do Cục Đo đạc và Phủ Thủ tướng cùng với công hàm Phạm Văn Đồng phải được hiểu theo bối cảnh chính trị và chiến tranh thời đó. Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc quyển kiểm soát của VNCH. Bắc Việt hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến với VNCH. Tất cả những lời tuyên bố này đều mang màu sắc chính trị và không diễn ra trong một bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, công hàm Phạm Văn Đồng không có ý nghĩa là Việt Nam vĩnh viễn từ bỏ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận rằng nguyên tắc estoppel ngăn cản Việt Nam đi ngược lại với lập trường bày tỏ trước đây. Tuy estoppel được luật quốc tế công nhận và đã được áp dụng trong một vài vụ kiện liên quan tới tranh chấp chủ quyền, khi phân tích kỹ lưỡng thì nguyên tắc này không ủng hộ quan điểm của Trung Quốc. Trong vụ kiện Temple of Preah Vihear (Cambodia v Thailand) 1962, Tòa án Công lý Quốc tế phán rằng estoppel áp dụng khi (1) quốc gia A qua những lời tuyên bố hoặc cung cách hành xử bày tỏ lập trường rõ ràng và nhất quán với quốc gia B và (2) quốc gia B đã bị thiệt hại hoặc quốc gia A đã hưởng lợi khi quốc gia B dựa vào những lời tuyên bố hoặc cung cách hành xử đó. Trung Quốc không đưa ra đủ bằng chứng để thỏa mãn hai yếu tố này.

Thứ nhất, công hàm Phạm Văn Đồng bày tỏ sự tán thành với lời tuyên bố lãnh hải 12 hải lý của Thủ tướng Chu Ân Lai. Lúc đó, luật quốc tế còn chưa rõ ràng phạm vi lãnh hải là 3 hoặc 12 hải lý. Việt Nam tuyên bố là sẽ tôn trọng lãnh hải 12 hải lý. Do đó, không thể lập luận rằng công hàm Phạm Văn Đồng công nhận chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc một cách “rõ ràng và nhất quán”. Hơn nữa, không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc bị thiệt hại vì đã dựa vào lời tuyên bố này. Có thể Trung Quốc sẽ lập luận là vì lời tuyên bố này mà Trung Quốc mới viện trợ cho Việt Nam và do đó Việt Nam đã hưởng lợi. Nhưng cho tới nay, phía Trung Quốc chưa đưa ra bằng chứng nào cho thấy đó là sự thật hoặc là họ sẽ quyết định cắt viện trợ cho Việt Nam nếu không có công hàm Phạm Văn Đồng.

Tương tự như vậy, bản tuyên bố liên quan đến khu vực tác chiến của Hoa Kỳ năm 1965 không hội đủ điều kiện để áp dụng nguyên tắc estoppel. Trong vụ Pedra Branca (Malaysia/Singapore) 2008, Tòa án Công lý Quốc tế phán rằng estoppel không áp dụng được ngay cả khi có một bên đã tuyên bố xác nhận là họ không đòi hỏi chủ quyền của một hòn đá đang bị tranh chấp. Vụ kiện này liên quan tới chủ quyền của Pendra Brabca/Pulau Puteh, Middle Rocks và South Ledge. Ngày 12/6/1953, Thư ký Thuộc địa Singapore viết thư gửi Cố vấn Anh của vua Johor hỏi thăm về tình trạng chủ quyền của hòn đá Pedra Branca cách Singapore khoảng 40 hải lý. Trong thư, Thư ký Singapore viết: “Chúng tôi muốn hiểu rõ tình trạng của Pedra Branca. Tôi rất biết ơn nếu qúy vị cho biết có văn kiện nào chứng minh hợp đồng thuê mướn hoặc trao tặng hoặc có sự chuyển nhượng bởi chính quyền Johore hay không“.

Khoảng ba tháng sau, Xử lý Ngoại Trưởng Johor gửi thư trả lời ngày 21/9/1953 là “về sự thắc mắc nêu ra trong thư ngày 12/6/1953, tôi xin trả lời là chính quyền Johor không đòi hỏi chủ quyền của Pedra Branca“.

Singapore lập luận rằng thư trả lời là bằng chứng từ bỏ chủ quyền hoặc nguyên tắc estoppel áp dụng và là một lời hứa có tính ràng buộc pháp lý. Nhưng Tòa không đồng ý và phán rằng thư của Johor đơn giản là một câu trả lời đáp lại yêu cầu tìm hiểu thông tin của Singapore và sự phủ nhận chủ quyền diễn ra trong hoàn cảnh đó. Tòa sẽ rất khắt khe khi diễn giải văn kiện liên quan tới chủ quyền. Hơn nữa, Singapore không chứng minh được là đã dựa vào thư trả lời đó mà bị thiệt hại.

Chiều hướng nguyên tắc estoppel ngày càng khó áp dụng trong các vụ kiện tranh chấp chủ quyền được tòa xác nhận trong vụ kiện gần đây giữa Bangladesh và Miến Điện mà Tòa Án Quốc tế về Luật Biển ban hành phán quyết vào năm 2012. Trong đó, Tòa bác bỏ luận cứ của Bangladesh là Miến Điện bị ràng buộc bởi nội dung biên bản phiên họp giữa hai phái đoàn khi thương lượng và giải quyết tranh chấp lãnh hải vì trưởng phái đoàn đàm phán không đủ tư cách quyết định chủ quyền của một gia cũng như Bangladesh không chứng minh được thiệt hại thế nào khi dựa vào nội dung của biên bản họp. Tóm lại, nguyên tắc estoppel chỉ được áp dụng một cách giới hạn trong những trường hợp đặc biệt khi lời tuyên bố phủ nhận chủ quyền diễn ra trong bối cảnh thương lượng hoặc tranh chấp chủ quyền giữa hai quốc gia và lời tuyên bố này phải do những người có đầy đủ thẩm quyền quyết định vấn đề chủ quyền của quốc gia đó. Có nghĩa là không có đủ điều kiện để Trung Quốc áp dụng nguyên tắc estoppel với công hàm Phạm Văn Đồng cũng như các lời tuyên bố tương tự.

Kết luận

Dựa trên bằng chứng và luận cứ mà hai quốc gia đưa ra, yêu sách chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa rõ ràng mạnh hơn của Trung Quốc. Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa có đầy đủ cơ sở về mặt lịch sử và pháp lý. Từ đầu thế kỷ 18, Việt Nam đã bày tỏ ý chí hành xử chủ quyền khi chính quyền nhà Nguyễn thành lập công ty khai thác kinh tế tại Hoàng Sa. Ý chí này được xác nhận bởi hành động và biểu tượng sáp nhập vào lãnh thổ đầu thế kỷ 19 với một hệ thống quản trị hành chánh liên tục và hòa bình của các vua nhà Nguyễn cho tới khi Pháp xuất hiện. Pháp đã kế thừa và tiếp tục cai trị và thật sự chiếm đóng Hoàng Sa trong thập niên 1930. Sau đó, Pháp liên tục khẳng định chủ quyền cho tới khi rời khỏi Đông Dương vào năm 1956. VNCH kế thừa chủ quyền từ Pháp và chưa bao giờ từ bỏ ngay cả sau khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974.

Trong khi đó, lần đầu tiên Trung Quốc có hành động đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa diễn ra vào năm 1909 tức 200 năm sau khi Việt Nam đã thành lập chủ quyền hợp pháp tại quần đảo này. Hơn nữa, sự chiếm đóng đảo Phú Lâm năm 1956 và toàn bộ Hoàng Sa bằng vũ lực vào năm 1974 vi phạm Điều 2(4) của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc không thể ban cho Trung Quốc chủ quyền hợp pháp.

Đối với Trường Sa, Pháp đã sáp nhập các đảo này trong thập niên 1930 như là lãnh thổ vô chủ. Vào thời điểm này, chinh phục là một phương pháp hợp lệ được luật quốc tế công nhận. Anh Quốc có kiểm soát một số đảo tại Trường Sa trong thập niên 1880 nhưng quyết định từ bỏ chủ quyền sau khi Pháp sáp nhập và chiếm hữu. Do đó, chủ quyền của Pháp tại Trường Sa hoàn toàn hợp pháp. Chủ quyền này được chuyển nhượng sang VNCH. VNCH (và CHXHCNVN sau đó) tiếp tục quản trị mặc dù Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình bất hợp pháp vào năm 1956 và Trung Quốc đánh chiếm một số đảo và đá vào năm 1988. Sự chiếm đóng đảo Ba Bình của Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1946 và 1956 cùng với sự xâm lăng của Trung Quốc tại Trường Sa vào năm 1988 rõ ràng vi phạm Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và do đó không thể ban hành chủ quyền hợp pháp cho Đài Loan hoặc Trung Quốc tại Trường Sa. Trung Quốc cũng không thể kiến tạo chủ quyền chỉ vì Trung Quốc liên tục phản đối chủ quyền của Việt Nam mà Việt Nam kế thừa chính đáng từ Pháp. Do đó, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Trường Sa rõ ràng là không có cơ sở pháp lý.

Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng chiếm hết Biển Đông. Việt Nam không còn con đường nào khác mà phải chuẩn bị ngay hồ sơ pháp lý và tiến hành đơn kiện Trung Quốc trong một thời điểm sớm nhất và thuận tiện nhất. Chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa cần được phổ biến rộng rãi trong quần chúng và nên nằm trong chương trình giảng dạy ngay từ cấp trung học, nhưng không phải qua hình thức tuyên truyền một chiều của Ban Tuyên giáo Đảng Cộng sản Việt Nam vì những thứ đó không có giá trị trước tòa án hoặc công luận quốc tế. Người dân Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ phải được cơ hội tiếp cận lịch sử một cách trung thực, khoa học và khách quan để xây dựng lập luận có giá trị thuyết phục. Môn lịch sử ở Việt Nam đã bị lạm dụng làm công cụ chính trị phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt Nam quá lâu với quá nhiều dối trá điển hình là câu chuyện Lê Văn Tám đến nỗi học sinh chán ghét lịch sử nước nhà. Khi thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử nước nhà thì dân tộc đó phải đối diện với nguy cơ và hiểm họa diệt vong đánh mất độc lập chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải. Và cá nhân hay đảng phái nào làm cho giới trẻ có thái độ thờ ơ với lịch sử và vận mệnh dân tộc sẽ là tội đồ muôn thưở của tổ quốc Việt Nam.

  1. V. T.

Sydney, tháng 12/2015

Tham khảo

Alexander Ovchar, “Estoppel in the Jurisprudence of the ICJ: A principle promoting stability threatens to undermine it“. Bond Law Review Volume 21 Issue 1, 2009

Francois Xavier-Bonnet, “Geopolitics of Scarborough Shoal“. Research Institute of Comtemporary Southeast Asia, November 2012

Francois Xavier-Bonnet “Archaeology and Patriotism: Long Term Chinese Strategy in the South China Sea” The Institute for Maritime and Ocean Affairs 2015

Hong Thao Nguyen, “Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims“. Journal of East Asia International Law V JEAIL (1) 2012

Monique Chemiller – Gendreau, “Chủ quyền trên Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” Người dịch: Nguyễn Hồng Thao, Hiệu đính: Lưu Văn Lợi & Lê Minh Nghĩa, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 1998

Phil C.W Chan, “Acquiescence/Estoppel in International Boundaries: Temple of Preah Vihear Revisited“. Chinese Journal of International Law (2004) 3 (2)

Raul Pedrozo, “China versus Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea“, CNA August 2014

Tác giả gửi BVN.

Xây biệt thự cho ‘thứ trưởng’ ở, rồi bỏ hoang

Xây biệt thự cho ‘thứ trưởng’ ở, rồi bỏ hoang
Nguoi-viet.com

HÀ NỘI (NV) – “Cả trăm biệt thự ở Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã xây xong phần thô từ nhiều năm nay, nhưng chỉ chưa đầy chục hộ đến ở, còn lại để cỏ mọc đến ngang gối.”

Khu biệt thự dành cho giới tư bản đỏ và các quan chức cấp “thứ trưởng” bỏ hoang. (Hình: VNExpress)

Báo điện tử VNExpress mô tả như thế về hiện trạng của “khu nhà ở cao cấp” nằm tại ô TT9, TT10 khu đô thị mới Xuân Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cách khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình khoảng 7 km.

Theo bài viết trên VNExpress, khu đô thị mới này đã được xây dựng từ năm 2011, “theo quy hoạch khu biệt thự gồm 227 căn với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Trong đó trên một nửa số biệt thự và diện tích đất dành cho cán bộ cấp thứ trưởng và tương đương công tác trong các cơ quan của Quốc Hội, phần còn lại chủ đầu tư là công ty CP Đầu Tư Đô Thị và Khu Công Nghiệp Sông Đà 7 được kinh doanh. Dự án được triển khai theo hình thức góp vốn rồi bán cho cán bộ.”

Theo bài viết, hiện chỉ có “chưa đầy 10 hộ dân dọn đến sinh sống” trong đó có hai gia đình là “cán bộ” của Quốc Hội. Dự án chia làm 2 khu, “phía bên phải từ cổng vào là khối biệt thự dành cho cán bộ Quốc Hội cấp thứ trưởng hoặc tương đương, phía còn lại thuộc về chủ đầu tư.”

Từ 4 năm nay “cả hai khu rất vắng người sinh sống. Hệ thống đường sá, cây xanh thảm cỏ bên trong khuôn viên khu biệt thự được trồng và bố trí đầy đủ. Hai khu biệt thự đều có khuôn viên để trồng cỏ và cây hoa làm nơi vui chơi, giải trí và đi bộ.”

Tuy nhiên, hầu hết cả khu vực đều bỏ hoang cho mục nát dần, cỏ dại mọc trên các hoa thảm cỏ, một số người “tranh thủ” trồng rau. Một trong những lý do chính yếu khiến những người đã bỏ tiền ra mua các căn biệt thự hay chung cư liền kề này không chịu tới ở vì không có “hệ thống đấu nối cấp nước, thoát nước thải ra ngoài.”

“Một trong số những ngôi nhà khang trang nhất ở đây, nằm ở hai mặt tiền. Các biệt thự ở đây có diện tích từ 90-250m2, dao động từ 40 đến 50 triệu đồng/1m2. Trao đổi với VNExpress, một người môi giới bất động sản tại dự án này cho hay, tại đây có thời điểm đất sốt, giá mỗi mét vuông lên tới 70 triệu đồng,” VNExpress viết.

Phần đất trống trước một số căn hộ được tận dụng để làm nơi trồng các loại rau. (Hình: VNExpress)

Các tin tức hồi năm 2012 cho thấy, chỉ riêng tại 2 thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Sài Gòn, khoảng 70,000 căn nhà hoặc đã hoàn tất, hoặc xây dở dang rồi bỏ cho cỏ dại mọc. Các nhà đầu tư địa ốc, trong đó không ít là những đại gia quốc doanh muốn ăn xổi, vay tiền ngân hàng xây ào ạt, rơi vào cái thế chết chùm.

Báo Lao Động ngày Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012 dẫn một bài tham luận về kinh tế Việt Nam năm 2012 của bộ phận nghiên cứu thuộc tổ chức đầu tư Dragon Capital nêu con số nhà “tồn kho” khổng lồ như vừa kể và nói các nhà đầu tư chôn trong đó từ 70,000 tỷ đồng (khoảng $3.5 tỷ USD) đến 140,000 tỷ đồng (khoảng $7 tỷ USD) nếu trị giá của mỗi căn nhà tối thiểu từ 1 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng.

Tờ báo dẫn chi tiết của bản tham luận cho biết 69 đại gia đầu tư địa ốc (gồm nhiều đại gia quốc doanh của Bộ Xây Dựng CSVN) niêm yết trên sàn giao dịch, tính đến quý thứ tư của năm 2011, đã gánh số nợ khoảng 67,000 tỷ đồng (khoảng $3.35 tỷ USD) từ các ngân hàng thương mại và phải trả tiền lời mỗi năm 13,400 tỷ đồng (khoảng $670 triệu USD).

Riêng trong năm 2012, nợ đáo hạn phải trả lên đến 39,800 tỷ đồng hay khoảng $1.99 tỷ USD. Các công ty đầu tư xây cất không bán được nhà, không có tiền trả nợ, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam ôm một số nợ khó đòi khổng lồ, rất có thể mất luôn.

Tình trạng biệt thư, nhà liền kề, cướp đất của dân, xây dựng bừa bãi tưởng kiếm được núi của mấy năm trước, giờ vẫn còn là khúc xương vướng ngang cổ họng của chế độ Hà Nội và cũng không có ai chịu trách nhiệm. (TN)

Ý nghĩa của ngày Lễ Giáng Sinh

Lễ Giáng sinh, còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Noel, Christmas hay Xmas (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”) là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giêsu thành Nazareth sinh ra đời của phần lớn người Cơ Đốc Giáo. Họ tin là Jesus được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của nước Do Thái, lúc bấy giờ đang dưới quyền thống trị của Đế quốc La Mã giữa năm 6 TCN.

Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Roma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là “lễ vọng”. Dù vậy, lễ đêm 24 tháng 12 thường thu hút tin đồ tham dự nhiều hơn. Những người theo Chính Thống Giáo Đông Phương vẫn xử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory.

Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas.

Chữ Christ (Đấng chịu sức dầu) là tước vị của Đức Giêsu. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). Khi chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Giêsu (Jesus).

Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Vì chữ Hy lạp viết chữ Christ là Christos, Xpiơtós hay Xristos. Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos hay Xpiơtós, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của đấng Christ.

Biểu tượng Giáng sinh và ý nghĩa

Vòng lá mùa vọng

Vòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí – dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Phái Lutheran ở Đức vào thế kỷ 16 để nói lên sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối.

Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây màu tím – màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là  màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday).

Thiệp Giáng sinh

Bắt nguồn từ năm 1843 khi ông Henry Cole, một thương gia giàu có nước Anh, đã nhờ Horsley, một họa sỹ ở London, thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Vào Noel năm đó, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên  thế giới và sau đó nó đã in ra 1000 bản. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846 cho phép bất kỳ người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.

Quà Giáng sinh

Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bạn bè. Đối với một số người, những món quà Giáng sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.

Khi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba vị vua phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, trầm hương và mộc dược. Vàng tượng trưng Chúa Giêsu là vua (tức con Chúa Cha – Vua Nước Trời), trầm hương tượng trưng Jesus là Thiên Chúa và mộc dược biểu hiện hình ảnh Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá hay nói rõ hơn là sự chịu chết của Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại

Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Jesus hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.

Ông già Nô-en thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc tất.

Giáng sinh ở Việt Nam

Ngày nay, ở Việt Nam, dù không chính thức nhưng Giáng sinh dần dần được coi như một ngày lễ chung, thường được tổ chức vào tối 24 và kéo sang ngày 25 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật (thường là thông ba lá hoặc thông mã vĩ) hay thông nhân tạo làm bằng nhựa, không phải cây thông như ở các nước phương tây thường là họ Bách tán. Trên cây, người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng, các gói quà tượng trưng và đèn trang trí giống như các nước phương Tây…

Lễ Giáng sinh ở Việt Nam là một dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhộn nhịp, những đôi tình nhân âu yếm tặng quà cho nhau, trẻ em háo hức chờ sự xuất hiện của Santa, gia đình bè bạn rủ nhau hội hè, tiệc tùng, ca hát… Người Việt Nam rất thích thú các ca khúc Giáng sinh, đặc biệt là Feliz Navidad.

Theo nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư mở

Cuộc đời ít người biết của ông chủ Facebook

Cuộc đời ít người biết của ông chủ Facebook

Mark Zuckerberg đang phủ sóng dầy đặc trên mặt báo 2 hôm nay với tuyên bố gây nhiều hoài nghi: Sẽ quyên tặng 99% cổ phần tại Facebook, trị giá 45 tỷ USD, cho hoạt động từ thiện, nhân dịp cô con gái đầu lòng chào đời.

Ở tuổi 31, Zuckerberg hiện là tỷ phú duy nhất sở hữu khối tài sản nhiều hơn cả tuổi của mình. Bằng cách nào, ông chủ Facebook giàu có được như vậy? Ngoài đời thực, Mark là người như thế nào? Anh ta đi lên như thế nào từ con số 0?

Ngay ở tuổi 12, Mark đã viết một chương trình nhắn tin của riêng mình có tên Zucknet sử dụng ngôn ngữ Atari BASIC. Cậu cùng từng viết mã một vài trò game máy tính cho bạn bè.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Mark sinh ra vào tháng 5 trong một gia đình có bố là nha sĩ và mẹ là bác sĩ tâm lý. Trước Mark, họ đã có 3 người con là Randi, Donna và Arielle.

 

 Mark Zuckerberg, Facebook
Khi học trung học ở trường Philips Exter danh tiếng (New Hampshire), Mark đã xây dựng một nền tảng nghe nhạc sơ khai được cả AOL lẫn Microsoft chú ý. Tuy nhiên, cậu thiếu niên Mark đã từ chối bán lại nền tảng này cũng như đầu quân cho cả 2 nơi.

Nhưng Mark không chỉ là một nhân tài về máy tính. Cậu còn rất mê nhạc cổ điển và thậm chí còn là đội trưởng đội đấu kiếm của trường trung học.

Không lâu sau khi nhập học tại Đại học Harvard năm 2002, Mark xúc tiến dự án “The Facebook” với vài người bạn cùng ký túc.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Niên học sau đó, Mark bỏ học để dành toàn bộ thời gian của mình cho dự án này.

Nhưng trước khi “thất học”, Mark đã kịp gặp gỡ người bạn đời sau này của mình, Pricilla Chan. Chan đã kể với Today’s rằng họ gặp nhau ở một bữa tiệc. “Trong lần hẹn đầu tiên, anh ấy nói là thà đi hẹn hò với tôi còn hơn là ngồi làm hết bài kiểm tra giữa kỳ về nhà của mình”.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Nhưng trước khi “thất học”, Mark đã kịp gặp gỡ Pricilla Chan.

Facebook nhận được số tiền đầu tư 12.7 triệu USD khi Zuckerberg vừa đủ tuổi để có thể uống rượu một cách hợp pháp. Phần còn lại của câu chuyện thì tất cả mọi người đều đã biết. Năm 2010, anh được tạp chí Time tôn vinh là “Nhân vật của Năm”.

Ngày nay, hơn 1,55 tỷ người trên toàn thế giới đang dùng Facebook. Công ty này có giá trị lên tới 301 tỷ USD nhờ bán quảng cáo tới người dùng.

Không nhiều vĩ nhân của làng công nghệ được lên phim, nhưng vào năm 2010, bộ phim “Mạng xã hội” đã xi nê hóa câu chuyện ra đời của Facebook.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Bộ phim giành được tới 8 đề cử cho giải Oscar nhưng Mark một mực khẳng định nhiều chi tiết trong phim không chính xác.

Aaron Sorkin là người viết kịch bản cho phim. Zuck có thể căm ghét bộ phim mô tả chân dung của mình như một kẻ độc đoán, nhưng anh ta lại là fan của series phim truyền hình nổi tiếng “The West Wing” mà Sorkin biên kịch.

Facebook chính thức phát hành cổ phiếu IPO vào ngày 18/5/2012, thu về 16 tỷ USD.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Đây chính là vụ IPO lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ cho đến khi bị Alibaba soán ngôi vào cuối năm ngoái.

Chan và Mark tiếp tục hẹn hò trong suốt khoảng thời gian phát triển của Facebook. Cặp này kết hôn đúng một ngày sau hôm IPO. Lễ cưới diễn ra bất ngờ, giản dị, không phô trương và giấu kín giới truyền thông. Khách mời thậm chí còn bị đánh lừa khi họ tưởng chỉ đến dự lễ ăn mừng tốt nghiệp trường y của Chan mà thôi.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Cặp vo chong đã tuyên thệ gắn kết ngay tại ngôi nhà của mình ở Palo Alto.

Nam ca sĩ Billie Joe Armstrong của ban nhạc Green Day đã biểu diễn ở lễ cưới, còn Mark tự mình thiết kế chiếc nhẫn ruby của Priscilla.

Hai người đi tuần trăng mật ở Ý, bay may bay riêng và ở trong khách sạn 5 sao Portrait Suites, nơi giá phòng khoảng 800 Euro/đêm. Nhưng các paparazzi đã chộp được cảnh đôi vo chong ăn tối ở một nhà hàng McDonald’s.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Năm nào, đến tháng 12 thì đôi vo chong cũng dành ra 2 tuần để đi du lịch. Đôi khi họ về thăm gia đình của Chan ở Trung Quốc.

 

 Mark Zuckerberg, Facebook
Mark đã học tiếng Trung Quốc và trình độ ngoại ngữ của anh đủ tốt để mùa thu năm ngoái, Mark vượt qua được một phiên hỏi đáp kéo dài 30-phút bằng tiếng Quan Thoại.

Vài ngày sau lễ Tạ ơn 2015, Mark thông báo rằng Priscilla đã sinh hạ một bé gái khỏe mạnh có tên là Max. “Gia đình nhỏ của chúng tôi quá vui”, anh viết trên Facebook.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Mark cũng viết một lá thư dài 2000 chữ tặng cho con gái, thông báo sẽ quyên tặng 99% cổ phần của mình cho hoạt động từ thiện.

Nhưng trước thông báo trên, hai vợ chồng đã tặng khoảng 1,6 tỷ USD cho nhiều chương trình thiện nguyện như quyên góp cho Bệnh viện San Francisco và Trung tâm Kiểm soát dịch để ngăn ngừa dịch Ebola bùng phát.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Mark sẽ nghỉ làm 2 tháng tới để ở nhà chăm sóc vợ.

Sau khi tặng hết 99% cổ phần, Zuckerberg vẫn còn số cổ phần trị giá 450 triệu USD. Năm 2014, dù nhận lương chính thức chỉ 1 USD nhưng Mark vẫn kiếm được hơn 610.000 USD từ tiền thưởng các loại.

 Mark Zuckerberg, Facebook
Mark được mô tả là người giàu có giản dị và “nghèo nàn” nhất mà bạn có thể bắt gặp, thường xuyên mặc áo hoodie (khoác có mũ) hoặc áo phông màu xám. Cực kỳ hiếm khi thấy anh ta mặc vest.

Thay vì siêu xe Ferrari hào nhoáng, Mark chỉ lái một chiếc GTI Volkswagen màu đen giá khoảng 30.000 USD.

 Mark Zuckerberg, Facebook
 

Tháng 10/2014, Mark chi khoảng 100 triệu USD để mua một thửa đất cách biệt rộng 750 mẫu Anh trên đảo Kauai (Hawai). Mark coi đây là nơi “trốn tránh cuộc sống xô bồ”.

Mark Zuckerberg, Facebook

Mark cũng chi 10 triệu USD để mua 1 dinh thự ở San Francisco, sau đó chi thêm 1 triệu USD để sửa chữa.

Chiến dịch đòi trả tự do cho LS Nguyễn Văn Ðài

Chiến dịch đòi trả tự do cho LS Nguyễn Văn Ðài
Nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) Rất nhiều bằng hữu, cư dân mạng hợp tác với Hội Anh Em Dân Chủ và Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, phát động chiến dịch đòi trả tự do cho Luật Sư Nguyễn Văn Ðài vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam khởi tố.


Tấm bích chương vận động trả tự do cho Luật Sư Nguyễn Văn Ðài. (Hình: HAEDC)

Dự trù, chiến dịch sẽ kéo dài một tuần lễ gồm viết thư qua trang Facebook của các tòa đại sứ ngoại quốc tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế và các chính phủ quan tâm đến tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.

Liên nhóm vận động chiến dịch cũng mở một hộp thư điện tử làm nơi giao tiếp liên lạc có tên là [email protected]

Những ai tham gia vận động đòi trả tự do cho Luật Sư Ðài có thể vào địa chỉ này để ký tên. Nội dung chữ ký gồm: 1. Tên (hội, nhóm, tổ chức hay cá nhân). 2. Tỉnh/thành phố, quốc gia.

Dưới đây là các trang facebook của một số đại sứ quán:

https://www.facebook.com/usambassador.vietnam/
https://www.facebook.com/AmbassadeFranceVietnam/
https://www.facebook.com/germanyandvietnam/
https://www.facebook.com/norwayinvietnam/
https://www.facebook.com/dkvietnam
https://www.facebook.com/EmbassyOfSwedenInHanoi/
https://www.facebook.com/italyandvietnam/
https://www.facebook.com/CanadaVietnam/

Mọi người có thể viết bằng Anh ngữ một lời yên cầu ngắn, thí dụ như ý kiến của một số facebooker: “LS Nguyễn Văn Ðài vừa bị công an Việt Nam bắt sáng ngày 16 tháng 12 tại Hà Nội. Rất mong ngài đại sứ quan tâm và can thiệp để nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho Luật Sư Ðài. Cám ơn ngài.”

Trong lời kêu gọi các cá nhân và tổ chức tham gia chiến dịch, nhóm phổ biến lời kêu gọi viết rằng “Tất cả mọi hoạt động của LS Nguyễn Văn Ðài đều nằm trong phạm vi các quyền cơ bản của con người, bao gồm quyền tự do lập hội, quyền tự do ngôn luận và quyền tự do đi lại. Trong các quyền cơ bản đó, các nhà hoạt động có quyền sử dụng các nguồn lực, từ cá nhân hay từ nhiều người khác, để cổ xúy và bảo vệ nhân quyền tại VN.”

“Chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các cam kết quốc tế về thực thi các tiêu chuẩn nhân quyền, trong đó là cam kết tạo không gian cho truyền thông phi nhà nước, không gian cho XHDS và hoạt động của người bảo vệ nhân quyền. Việc bắt LS Nguyễn Văn Ðài sáng ngày 16 tháng 12, 2015 là một hành động hoàn toàn bất chính và bất xứng trong tư cách chính quyền VN đang là thành viên của Hội Ðồng Nhân Quyền LHQ.” (TN)

Cuối năm, tưởng nhớ đến các bạn học đã ra đi.

Cuối năm, tưởng nhớ đến các bạn học đã ra đi.

 Đoàn Thanh Liêm

                                                        *     *     *

Ở vào tuổi bát tuần như tôi lúc này, thì con số bà con trong thân tộc cũng như bạn bè thân thiết ra đi khỏi cõi đời này đã mỗi ngày một chồng chất lên thêm khá nhiều rồi. Tôi thật không thể nào mà liệt kê ra cho đày đủ hết danh tính của những vị đó trong bất kỳ một tài liệu nào được. Vì thế trong bài viết ngắn này, tôi xin chỉ ghi ra đây một số trường hợp tiêu biểu về sự ra đi của những người bạn đã từng sát cánh gắn bó với mình nơi học đường từ cấp trung học ở quê nhà miền Bắc đến cấp đại học ở miền Nam.

I – Các bạn học cùng thời ở miền Bắc từ 1950 đến 1954.

 Dưới chế độ của chính quyền quốc gia, trong hai năm 1950-52, tôi bắt đầu theo học mấy lớp trung học trong huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định gần với gia đình – đầu tiên tại một lớp ở tư gia của Thày Đặng Vũ Tiển trong làng Hành Thiện, rồi sau lên học lớp Đệ Tam tại trường công lập Hồ Ngọc Cẩn ở làng Trung Linh gần với Tòa Giám Mục Bùi Chu.

Rồi từ năm 1952-54, thì tôi được gia đình cho ra Hà nội để theo học tại Trường Chu Văn An. Tại trường này, trong hai năm ấy, tôi đã thi xong văn bằng Tú Tài 1 và 2. Sau đó, thì di cư vào miền Nam vào tháng 8/1954 và tiếp tục học lên cấp đại học.

Ở vào cái tuổi thiếu niên vô tư hồn nhiên thời đó, các bạn học rất đông cùng ở miền đồng quê chúng tôi đều rất thân thiết gắn bó với nhau. Mà nay sau trên 60 năm rồi, thì đã có rất nhiều bạn đã lìa xa cõi thế, bỏ lại anh em, từ giã bạn bè. Xin liệt kê danh tính của một số bạn ấy như sau

1(1) – Những bạn cùng theo học tại quê nhà ở Xuân Trường, Nam Định.

Xin ghi mấy trường hợp đáng ghi nhớ nhất của các bạn Trần Tuấn Nhậm, Vũ Lục Thủy, Vũ Văn Giai và Đặng Công Tọai.

 A/ Bạn Trần Tuấn Nhậm mất vào năm 1981 tại nhà tù trong rừng U Minh, Rạch Giá. Trước năm 1975, Nhậm làm giáo sư dạy học ờ Sài gòn. Và có thời gian bị bắt giam vì họat động chính trị tích cực theo nhóm “đối lập thuộc thành phần thứ ba”. Thế mà sau này, vào cuối thập niên 1970, Nhậm lại bị cộng sản bắt vì lý do “móc nối tổ chức vượt biên” cho mấy em cháu trong gia đình. Và cuối cùng Nhậm đã qua đời trong nhà tù ở vào tuổi 45.

 B/ Bạn Vũ Lục Thủy tên thật là Vũ Năng Phương. Nhưng hầu hết bà con ở hải ngọai thì chỉ biết đến nhà biên khảo nổi danh có tên là Vũ Lục Thủy. Anh bạn lấy tên làng Lục Thủy quê hương mình làm bút hiệu luôn, kể từ khi qua Mỹ năm 1975. Anh có sức làm việc bền bỉ say mê, ít người sánh kịp. Công trình sưu khảo nghiên cứu của anh được các bậc thức giả đàn anh như Giáo sư Nguyễn Khắc Kham, Nguyễn Đình Hòa đánh giá cao. Rất tiếc anh đã qua đời vì bệnh tim ở San Diego năm 2001 lúc mới có 65 tuổi.

C/ Vũ Văn Giai là một sĩ quan cấp tướng duy nhất trong số các bạn học chung với tôi tại trường Hồ Ngọc Cẩn ở Xuân Trường trước năm 1954. Vào miền Nam, Giai theo binh nghiệp và suốt bao năm tháng rong ruổi với những cuộc hành quân liên miên ở vùng giới tuyến sát sông Bến Hải. Không may sau vụ Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Giai bị đưa ra xử trước Tòa Án Quân Sự và bị giam giữ vì chuyện rút quân sai trái sao đó. Rồi đến năm 1975, lại còn bị đi tù ra ngòai Bắc nữa. Giai vừa mất cách nay không lâu ở California ở vào tuổi chưa đến 80.

D/ Đặng Công Tọai ở lại miền Bắc sau năm 1954. Mãi đến sau 1975, chúng tôi lại mới có dịp gặp nhau và nhờ Tọai mà anh em chúng tôi mới biết rõ hơn về những chuyện tàn bạo của chính quyền cộng sản ở miền Bắc vào thời kỳ sắt máu đen tối kinh hoàng ghê gớm đó. Người hay liên hệ với Tọai là Chu Văn Hồ hiện định cư ở New Jersey và qua anh Hồ, chúng tôi được biết Tọai cũng đã qua đời ba năm trước đây thôi ở vào tuổi gần 80.

1(2) – Những bạn cùng theo học tại Hà nội trong các năm 1952-54.

 Rất nhiều bạn đã ra đi, xin ghi ra một số trường hợp mà tôi biết rất rõ về những bạn này: Nguyễn Bá Khánh, Nguyễn Ngọc Đĩnh, Nguyễn Ngọc Phan, Vũ Ngô Luyện.

 A/ Nguyễn Bá Khánh vào Nam đậu cử nhân Toán và đi dạy ở trường Chu Văn An. Bà xã của Khánh là chị Quỳnh hồi năm 1960 lại làm việc chung với tôi tại văn phòng Quốc Hội thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Nhưng do bệnh bao tử, Khánh đã mất rất sớm vào năm 1967 lúc mới ngoài 30 tuổi.

B/ Nguyễn Ngọc Đĩnh trọ học chung với tôi năm 1954, anh rất giỏi về sinh ngữ và là người bạn thân thiết với tôi trong nhiều năm ở Việt nam cũng như ở Mỹ. Tôi rất gắn bó với gia đình cha mẹ chị em của Đĩnh từ ngày còn ở miền Bắc cho đến sau này ở miền Nam. Về công việc chuyên môn, Đĩnh từng được chính quyền thời Đệ Nhất Cộng Hòa cử đi làm việc ở Lào, Thái Lan. Sau này tham gia viết báo và sau 1975 bị bắt đi tù khá lâu. Qua Mỹ được chừng trên 10 năm, thì Đĩnh lìa đời tại California vì bệnh vào năm 2005 ở vào tuổi trên 70.

C/ Nguyễn Ngọc Phan có tài viết văn, năm 1953 anh được giải thưởng khuyến khích văn chương toàn quốc của giới học sinh. Nhưng vào Nam, Phan lại theo học Quốc gia Hành chánh và đi làm công chức. Qua Mỹ từ năm 1975, Phan định cư ở San Diego và gia đình anh lại là suôi gia với gia đình anh chị Vũ Lục Thủy. Phan người thể tạng yếu và đã qua đời vào năm 2008 ở tuổi 75.

D/ Vũ Ngô Luyện là trưởng nam của Thày Hiệu Trưởng Vũ Ngô Xán. Vào Nam, Luyện đi du học ở Mỹ chuyên về kinh tế. Trước 1975, anh được cử đi làm chuyên viên đại diện Việt Nam tại Ngân Hàng Phát triển Á Châu (ADB = Asian Development Bank). Rồi lại tiếp tục làm việc ở cơ sở đó như là đại diện của Pháp. Do bệnh ngặt nghèo anh đã qua đời ở California vào năm 2006 lúc mới có ngoài 70 tuổi.

E/ Một số bạn mất ở Việt nam gần đây như bác sĩ Phạm Xuân Nhàn (hồi còn đi học với bọn tôi anh đã có tiếng là một võ sĩ quyền Anh – boxeur), giáo sư Đặng Mộng Lân, giáo sư Nguyễn Hữu Đạo.

F/ Một số bạn mất ở California Mỹ gần đây như các giáo sư Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn Duy Hy.

G/ Một số bạn mất tại Pháp như các giáo sư Phạm Huy Ngà, Phạm Xuân Trường (anh của Phạm Xuân Yêm).

II – Những bạn cùng theo học tại Đại học ở Sài gòn sau năm 1954.

 Có đến 7 – 800 sinh viên từ miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 và trong số này thì ước chừng 250 sinh viên cư ngụ tại Đại học xá Minh Mạng bắt đầu vào năm 1955. Còn lại, thì phần đông ở với gia đình hoặc tại cư xá tư nhân khác. Xin ghi chi tiết về một số trường hợp của các bạn đã ra đi.

2(1) – Anh Nguyễn Đức Nhuần sinh viên Dược khoa mất năm 1957.

Anh Nhuần học cùng thời với tôi ở Hà nội trước năm 1954. Di cư vào Nam anh học ở Dươc khoa và từ năm 1956 tôi lại có dịp chung sống với anh nơi cư xá sinh viên Phuc Hưng trên đường Nguyễn Thông Sài gòn. Ngòai chuyện học, Nhuần lại họat động hăng say trong tổ chức Thanh Niên Lao Động Công Giáo (viết ngắn là Thanh Lao Công) để giúp đỡ giới công nhân giữ vững tinh thần đạo hạnh theo lý tưởng công bằng bác ái trong môi trường lao động thường ngày. Có vài lần, anh nhờ tôi dịch một số bài từ tiếng Pháp để làm tài liệu học tập cho các đòan viên Thanh Lao Công.

Không may, Nhuần bị bệnh nặng về phổi và qua đời vào đầu năm 1957 lúc mới ở tuổi ngòai 20 trước sự thương tiếc ngậm ngùi của số đông bạn hữu.

2(2) – Các anh Đoàn Mạnh Hoạch, Đỗ Vinh trong số các bác sĩ quân y tử trận.

Anh Hoạch là người cùng quê với tôi trong tỉnh Nam Định. Anh học lớp trên, nhưng chúng tôi gặp nhau khi cùng cư ngụ tại trường Gia Long là trại tiếp cư dành riêng cho các sinh viên di cư từ Hà nội vào Sài gòn năm 1954. Hồi đó anh Hoạch là một trong những sinh viên rất năng nổ họat động trong sinh họat văn nghệ báo chí. Đặc biệt là nhờ người em của anh là Đoàn Trọng Cảo có tài kéo accordéon đệm đàn giúp cho bọn sinh viên chúng tôi ca hát trong các buổi trình diễn văn nghệ thật là lôi cuốn sôi nổi.

Còn Đỗ Vinh và người em song sinh Đỗ Kỳ đều là bạn học chung với tôi tại trường Trung học Chu Văn An Hà nội. Rồi vào Nam, Vinh và tôi cũng thường gặp nhau trong những sinh họat của giới sinh viên di cư. Đỗ Vỹ em của Vinh du học ỏ Canada về, thì chẳng bao lâu bị chết vì tai nạn xe cộ ở xa lộ Biên Hòa.

Cả hai anh Hoạch và Vinh đều là bác sĩ quân y mà bị tử thương tại mặt trận vào đầu thập niên 1960, vào lúc mới có ngoài 30 tuổi. Vì thế mà tên của các anh được đặt cho bệnh viện của quân đội như Quân y viện Đòan Mạnh Hoạch ở Ban Mê Thuật, Bệnh viện Đỗ Vinh thuộc Sư Đoàn Dù ở Sài gòn.

2(3) – Hai người bạn sinh viên di cư cùng ở chung trong lều trên khu đất xưa là Khám Lớn Sài gòn: Nguyễn Xuân Nghiên, Nguyễn Văn Thiệu.

Vào cuối năm 1954, sinh viên di cư chúng tôi được chuyển từ trường Gia Long đến sinh sống trong những lều vải một thời gian chừng 4 tháng trước khi dọn vào khu Đại học xá Minh Mạng ở Chợ Lớn. Tôi được ở trong một lều với 7 anh bạn khác nữa, mà tôi vẫn nhớ chuyện vào mùa nắng nhiệt độ buổi trưa trong căn lều thật là oi bức.

Anh Nghiên quê tại làng Hành Thiện rất gần với làng Cát Xuyên của tôi cùng thuộc huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định, thành ra tình cảm gắn bó giữa hai chúng tôi càng thêm chặt chẽ vì nghĩa đồng hương với nhau. Sau này, anh Nghiên là một giáo sư dạy môn Lý Hóa rất nổi tiếng ở Sài gòn. Vào năm 1977, Nghiên bị thiệt mạng vì tai nạn xe ở xa lộ Biên Hòa lúc mới ngoài 40 tuổi. Hồi đó, vì tình hình cực kỳ xáo trộn, nên rất ít bạn bè được thông tin để đến nhà viếng thăm linh cữu và tiễn đưa anh.

Còn anh Thiệu hồi đó được bạn bè tặng cho cái danh hiệu là Thiệu Cốp vì trông anh rất giống với ông Malenkov là một lãnh tụ của Liên Xô thời kỳ hậu Stalin. Sau này anh đã tốt nghiệp là một bác sĩ y khoa. Có thời anh Thiệu đã giữ chức vụ Tổng Quản Trị Chương Trình Diệt Trừ Sốt Rét. Qua Mỹ năm 1975, gia đình anh Thiệu định cư ở California và tôi cũng đã gặp lại anh chị mấy lần trước khi anh qua đời vì bệnh vào năm 2004.

Hiện tôi chỉ gặp lại hai người trong số 7 bạn ở cùng căn lều nói trên; đó là các anh bác sĩ Chu Bá Bằng và Phạm Ngọc Tùng. Cả hai gia đình các bạn này hiện đều định cư tại thành phố Houston, Texas.

2(4) – Các bạn học chung tại Trường Luật Sài gòn cuối thập niên 1950.

Các bạn cùng theo học khóa đầu tiên tại Trường Luật Sài gòn do người Pháp chuyển cho chính phủ Việt nam năm 1955, thì vào năm đầu khá đông, nhưng sau 3 năm đến khi tốt nghiệp văn bằng Cử nhân vào năm 1958 chỉ còn lại chừng 70 – 80 người. Và trong số các bạn đồng môn đó, thì đã có rất nhiều người đã lìa xa cõi thế này rồi. Xin ghi ngắn gọn một số trường hợp của các bạn đó như sau xếp theo theo nghề nghiệp của mỗi người.

A/ Các bạn làm luật sư: Trần Tiễn Tự (mất ở Sài gòn năm 1988), Đoàn Văn Lượng (mất ở Pháp năm 1988, có thời anh còn là Nghị sĩ nữa), Nguyễn Phượng Yêm (mất ở Canada năm 1996, cựu Nghị sĩ)

B/ Các bạn làm giáo sư Đại học: Nguyễn Hữu Trụ (mất ở Thụy Sĩ năm 2014), Lê Quế Chi (mất ở Pháp).

III – Để tóm lược lại.

 Thời còn đi học ở ngoài Bắc cũng như trong Nam, chúng tôi đều còn độc thân son trẻ chưa phải lo gánh năng gia đình, nên có nhiều thời giờ sát cánh gắn bó thân thiết với nhau. Do đó mà tình bạn mỗi ngày thêm sâu đậm, anh em kết nghĩa quy tụ vui đùa thoải mái với nhau và còn giúp đỡ tương trợ lẫn nhau mỗi khi có ai gặp chuyện khó khăn.

Riêng đối với tôi, trong những năm tháng theo học ở trung học và đại học, thì tôi quen biết gắn bó thân thương được ước tính tổng cộng đến tới khoảng 500 bạn. Sau này, khi ra trường thì lại còn gặp nhau nơi sở làm, nơi những tổ chức văn hóa xã hội, nơi quân ngũ và sau 1975 lại còn ở trong tù chung với nhau nữa. Và ra đến hải ngoại, thì lại càng dễ dàng gặp nhau vì có nhiều thời gian rảnh rỗi ở vào cái tuổi hưu trí nữa.

Mà nay sau trên 50 – 60 năm, phải có ít nhất 50% trong số các bạn học thuở ấy đã ra người thiên cổ mất rồi. Nhưng trên đây, tôi chỉ có thể ghi ra danh tính của chừng 30 bạn mà thôi. Đó chỉ là một con số điển hình tiêu biểu cho thế hệ tuổi trẻ chúng tôi – mà đã phải sống vào cái thời đất nước chia đôi với cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và sau này lại là vụ di tản ty nạn phân tán ở khắp nơi trong các xứ người.

Vào dịp cuối năm Ất Mùi 2015 sắp tới đây, tôi muốn gợi lại chút ít kỷ niệm vui buồn thân thương với tập thể các bạn cùng theo học sát cánh với nhau ở vào cái tuổi hoa niên thơ mộng ấy. Dù đã có nhiều bạn lìa xa cõi đời, nhưng cái tình cảm chân thật – giữa những người “cùng một lứa bên trời lận đận” với nhau – thì vẫn còn tươi đẹp mãi mãi nơi tâm khảm của mỗi người hiện còn sống sót để mà tiếp tục cái nghiệp duyên của mình trong cõi nhân sinh trên dương thế này.

Và chắc chắn là chẳng bao lâu nữa, chúng ta tất cả rồi cũng sẽ cùng quây quần quy tụ lại bên nhau nơi cõi Vĩnh Hằng đấy thôi./

Costa Mesa, California cuối năm Ất Mùi 2015

Đoàn Thanh Liêm

Bình Phước: Mê man bất tỉnh sau khi ‘gặp’ công an

Bình Phước: Mê man bất tỉnh sau khi ‘gặp’ công an
Nguoi-viet.com

PHƯỚC LONG (NV) “Bị công an mời về trụ sở lấy lời khai liên quan đến vụ mất điện thoại, từ một thanh niên khỏe mạnh, Linh mê man bất tỉnh, phải thở bằng máy,” theo báo Phụ Nữ hôm Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015.

Tờ Phụ Nữ thuật lời đại diện bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước xác nhận, “Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Ðỗ Hoài Linh (ngụ khu phố 6, phường Long Phước, thị xã Phước Long) trong tình trạng hôn mê sâu. Hiện tại bệnh nhân Ðỗ Hoài Linh đang được theo dõi cấp cứu điều trị tại Khoa Chăm Sóc Ðặc Biệt và Chống Ðộc của bệnh viện.”


Anh Ðỗ Hoài Linh đang được theo dõi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước trong tình trạng mê man bất tỉnh. (Hình: báo Phụ Nữ)

Ông này có thể đã “chết lâm sàng” và chỉ được kéo dài sự sống thực vật nhờ “thở máy” sau khi bị công an CSVN tỉnh Bình Phước tra tấn ép cung.

Tờ Phụ Nữ dẫn thông tin từ anh Ðỗ Tấn Vũ, em trai bệnh nhân Ðỗ Hoài Linh, cho biết, anh Linh nhập viện sau khi bị công an phường Long Phước, thị xã Phước Long lấy lời khai liên quan đến một vụ mất điện thoại di động.

Nguồn tin thuật lời anh Ðỗ Tấn Vũ cho biết, “Khoảng 22 giờ ngày 1 tháng 12, anh Ðỗ Hoài Linh ngồi nhậu cùng nhóm với anh Thành, anh Minh và anh Tài tại quán cóc ở bãi giữ xe của trung tâm thương mại Phước Bình, thị xã Phước Long.”

“Tàn cuộc nhậu, anh Thành và anh Tài đứng dậy đi trả tiền nhậu, còn anh Linh và anh Minh ngồi tại bàn. Tuy nhiên, sau khi trả xong tiền, anh Tài quay trở lại bàn nhậu thì phát hiện chiếc điện thoại Iphone 5S của anh bỏ ở góc bàn bỗng dưng biến mất. Anh Tài hỏi chuyện, anh Linh nói thấy nó nằm góc bàn bên kia, sợ nước nên anh lấy để qua góc bàn bên này nhưng không hiểu sao giờ không thấy nữa. Bốn người nói chuyện qua lại, bực mình vì cùng nhậu với nhau bỗng dưng bị mất điện thoại, anh Tài lên công an phường trình báo sự việc.”

Nhận được tin báo, theo tờ Phụ Nữ tường thuật, “Công an phường Long Phước đến hiện trường xem xét, ghi nhận sự việc. Tại đây, công an không tìm thấy điện thoại trong người anh Linh, ông Minh cũng như Thành. Sau đó, công an phường Long Phước mời lần lượt Linh, ông Minh và Thành về làm việc. Khuya ngày 5 tháng 12, anh Vũ nhận được tin báo từ một cán bộ công an thị xã Phước Long, rằng anh Linh đang nằm ở bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước trong tình trạng nguy kịch. Vị cán bộ này báo để người nhà thu xếp công việc xuống chăm sóc anh Linh.”

Báo Phụ Nữ nói, “Khi anh Vũ đến bệnh viện thì thấy anh Linh nằm mê man bất tỉnh và phải thở bằng máy. Quan sát kỹ anh thấy toàn thân người anh trai mình có nhiều vết bầm tím, đầu gối có vết xước, đặc biệt đầu sưng to.”

Thấy sự việc bất thường, tờ Phụ Nữ kể tiếp rằng, “Anh Vũ thắc mắc với vị bác sĩ điều trị thì được trả lời thông tin ban đầu khiến anh Linh bị hôn mê sâu là do anh Linh bị men gan cao và suy thận cấp. Tuy nhiên, các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, nếu bệnh nhân bị bệnh suy thận cấp và men gan cao thì không biểu hiện ra ngoài da bằng những vết bầm tím hoặc sưng đầu một cách bất thường như trường hợp bệnh nhân Ðỗ Hoài Linh.”

Còn chiếc điện thoại Iphone 5S của anh Tài thì, “ngay sau khi anh Linh, anh Thành và anh Minh bị công an mời về trụ sở làm việc một lúc, bà Trương Thị Nha (khu phố 3, phường Phước Bình, chủ quán ăn-uống) đi dò tìm thì phát hiện điện thoại nằm ở bãi cỏ cách nơi bàn nhậu của anh Tài khoảng 10m. Tuy nhiên, chiếc điện thoại bị ngấm nước và đã tắt nguồn. Bà Nha đã lập tức trình báo sự việc cho anh Tài và công an phường Long Phước.”

Tra tấn ép cung nghi can vẫn rất phổ biến tại Việt Nam dù Bộ Công An từng ra chỉ thị cấm. Việt Nam cũng đã ký vào công ước quốc tế Chống Tra Tấn của LHQ hồi cuối năm 2013 nhưng không thấy có gì thay đổi từ đó đến nay. (TN)

Giới thiệu sách mới : Cuộc Hội Tụ lớn lao

Giới thiệu sách mới : Cuộc Hội Tụ lớn lao

 Đoàn Thanh Liêm

*Nguyên tác tiếng Anh :   The Great Convergence

                             Asia, the West and the Logic of One World

*Tác giả : Kishore Mahbubani, người Singapore gốc Ấn Độ.

*Nhà xuất bản Public Affairs New York ấn hành năm 2013,

*Sách dày315 trang, giấy trắng, khổ chữ 12, bìa cứng.

I – Giới thiệu vắn tắt về tác giả và nhà xuất bản.

 1/ Tác giả Kishore Mahbubani hiện là Khoa trưởng của Lee Kuan Yew School of Public Policy tại National University of Singapore (NUS). Ông theo học tại Singapore và Canada và đã từng giữ chức vụ Đại sứ của Singapore tại Liên Hiệp Quốc trong nhiều năm. Có thời ông đã giữ chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc.

Ông cũng đã cho xuất bản 3 cuốn sách có nhan đề “ Can Asians Think ? Understanding the Divide between East and West” xuất bản năm 2001, – “ Beyond the Age of Innocence : Rebuilding Trust between America and the World” xuất bản năm 2005, – “The New Asian Hemisphere : The Irresistible Shift of Global Power to the East” xuất bản năm 2008. Và cuốn sách được giới thiệu trong bài viết này là tác phẩm thứ tư của ông ấn hành vào đầu năm 2013.

Ông còn tham gia viết nhiều bài báo cho các tạp chí và nhật báo có uy tín như Foreign Affairs, Foreign Policy, Financial Times. Tờ Foreign Policy liệt kê ông là một trong 100 nhà tư tưởng hàng đầu về những vấn đề có tầm vóc tòan cầu (top 100 global thinkers) trong các năm 2005, 2010 và 2011.

Tên gọi của ông Kishore Mahbubani sinh năm 1948 tại Singapore – rõ ràng là khác biệt với tên của đa số người Singapore có nguồn gốc từ Trung quốc. Trong cuốn sách, tác giả cho biết lai lịch của gia đình là xuất phát từ tiểu lục địa Ấn độ – do cha mẹ thuộc lớp người di dân tỵ nạn đến Singapore thời kỳ sau chiến tranh thứ hai – để tránh thóat cuộc tàn sát đẫm máu giữa người theo Ấn Độ giáo và Hồi giao với kết cục là khu vực này bị chia thành 2 quốc gia đối địch là Ấn Độ và Pakistan.

2/ Nhà xuất bản Public Affairs khởi sự thành lập từ năm 1997 ở New York, với logo gồm 3 chữ BBS nhằm vinh danh ba nhân vật có sự đóng góp lớn cho ngành sách báo ở Mỹ. Đó là các ông Benjamin C. Bradlee người lãnh đạo lâu năm của tờ Washington Post, ông Robert L. Bernstein giám đốc điều hành của nhà xuất bản Random House và cũng là sáng lập viên của tổ chức Human Rights Watch, ông I.F. Stone chủ nhân của tuần san I.F. Stone’s Weekly, tác giả cuốn sách nổi tiếng The Trial of Socrates. Nhà xuất bản Public Affairs đã cho ra đời nhiều cuốn sách có giá trị được giới độc giả khắp thế giới hoan nghênh tìm đọc.

 II – Trình bày mấy nét chính yếu trong cuốn sách.

 Là một nhà ngọai giao kỳ cựu và cũng là một học giả có tiếng tăm trên thế giới, tác giả Kishore Mahbubani đã trưng dẫn ra những sự kiện lạc quan về tình hình thế giới, đại khái như sau : Nạn nghèo khó cùng cực đã giảm bớt – Không còn chiến tranh lớn giữa các quốc gia – Giai cấp trung lưu càng ngày càng đông đảo hơn – Sự cải thiện về mức sống chỉ riêng trong thời gian 30 năm gần đây vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI – đã rộng lớn hơn là trong suốt 300 năm trước đó.

Nhưng cục diện chung của thế giới cũng đòi hỏi đặc biệt là khối Âu Mỹ gồm Hoa kỳ và Tây Âu phải có những nhượng bộ đáng kể để mà thích nghi được với mối tương quan lực lượng mới do sự lớn mạnh của những quốc gia ngòai khối Tây phương (Non-Western World) – điển hình là Trung Hoa, Ấn Độ, Brazil và Nigeria.

Cụ thể là phải cải tổ cơ cấu của Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc và các định chế quốc tế căn bản như Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF = International Monetary Funds), Ngân Hàng Thế Giới (WB =World Bank).

Tác giả đưa ra một hình ảnh thật sinh động là : Thế giới ngày nay giống như một con tàu lớn mà có đến 193 khoang cabin tức là 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Nhưng mỗi chủ khoang cabin chỉ chăm lo riêng cho cabin riêng biệt của mình – mà không có ai chịu lo chung cho tòan thể con tàu. Tức là cần phải có một thứ thẩm quyền tòan cầu (A Global Governance) – để mà giải quyết những vấn đề sinh tử liên hệ đến vận mạng của trên 7 tỷ con người hiện sống chung trên hành tinh trái đất đang gặp phải nhiều nguy cơ mỗi ngày một trầm trọng hơn mãi.

Về mặt bố cục, sách được phân bố trong 7 chương với phần Dẫn nhập ở đầu và phần Kết luận ở cuối. Mỗi chương có tiểu đề riêng như sau :

1 – Nền Văn minh Tòan cầu Mới.

2 – Lý thuyết Một Thế giới.

3 – Tính Vô lý Tòan cầu

4 – Bảy Mâu thuẫn Tòan cầu

5 – Địa Chính trị có làm lệch hướng sự Hội tụ chăng?

6 – Bức Rào ngăn cản sự Hội tụ.

7 – Quy tụ về Thẩm quyền Tòan cầu.

Kết luận : Bởi vì Tất cả Cái gì Hướng thượng thì đều Hội tụ lại với nhau. Câu văn này làm ta nhớ lại lời phát biểu của nhà khảo cổ học người Pháp lừng danh từ hồi đầu thế kỷ XX là Teilhard de Chardin – với nguyên văn tiếng Pháp như sau : “Tout ce qui monte, converge”.   Vào mùa hè năm 1967, Viện Đại học Đalat có tổ chức một cuộc Hội thảo khá quy mô với chủ đề là : “Tìm cách xác định những Mục tiêu Quốc gia” (Our National Goals) – thì Ban Tổ chức có cho trưng bày tại Đại sảnh đường một bảng khẩu hiệu thật lớn ghi nguyên văn lời phát biểu này của nhà khoa học de Chardin.

 III – Đánh giá của giới thức giả quốc tế về tác phẩm.

 Cuốn sách này được nhiều học giả và giới chức quốc tế đánh giá cao, điển hình như mấy nhân vật sau đây :

*Ông Kofi Annan, nguyên Tổng thư ký LHQ ghi nhận : ” Kishore Mahbubani đưa ra lời nhắc nhủ thú vị rằng nhân lọai sẽ mạnh mẽ nhất khi chúng ta cùng làm việc với nhau vì lợi ích chung của tất cả mọi người”.

*Giáo sư Joseph S. Nye, tác giả sách “The Future of Power”, thì viết : “Trên hết, tác giả tìm cách hòa giải 12% dân số thế giới sinh sống tại phương Tây với tuyệt đại đa số ở ngòai phương Tây. Kết cục đây là cuốn sách tốt và quan trọng.”

*Ông Pascal Lamy, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization = WTO) thì nhận định : “”Đây là cuốn sách cần phải đọc đốí với những ai quan tâm đến vấn đề chính trị quyền lực và tương lai của sự cai trị tòan cầu (global governance).

*Ông Fareed Zakaria, tác giả sách “The Post-American World”, thì viết : “Cuốn sách có tính khích động, quyến rũ và thông minh. Tác giả đem lại một viễn tượng sâu sắc về tình hình tòan cầu, bắt nguồn từ Á châu, nhưng cũng tìm hiểu cả Âu châu và Mỹ châu nữa…”

IV – Xin ghi thật tóm tắt một số điểm đáng chú ý nhất trong cuốn sách quan trọng này.

Nói chung, thì cuốn sách nêu ra những vấn đề có tầm vóc thật lớn lao quan trọng cho tòan thể nhân lọai vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Những vấn đề được nêu ra ở đây, thiết nghĩ cần được sử dụng như là những gợi ý cho các cuộc trao đổi thảo luận rộng rãi cả trong môi trường hàn lâm đại học, cũng như trên các diễn đàn truyền thông đại chúng. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi câu chuyện, người viết xin lần lượt trình bày qua những tiểu mục sau đây :

1 – Người nói có sách, mách có chứng.

Là một nhà ngọai giao kỳ cựu và hiện là một giáo sư và tác giả có tiếng tăm, nên trong cuốn sách này tác giả đã trưng dẫn rất nhiều tài liệu tham khảo khả tín và cập nhật cho đến tháng 9 năm 2012 mới đây – chủ ý nhằm làm sáng tỏ cho lập luận vững chắc của mình. Những số liệu thống kê, những biểu đồ, những lập luận của các học giả và những nhận định của giới chức lãnh đạo quốc tế v.v… đã được tác giả thận trọng chọn lựa sử dụng để chứng minh cho quan điểm mạnh bạo mà độc đáo của mình. Trong phần Ghi Chú được dàn trải trong suốt hơn 20 trang ở cuối sách (từ trang 275 đến trang 297) – tác giả cho ta thấy xuất xứ của những tài liệu tham khảo – để người đọc nếu muốn thì có thể đào sâu thêm vấn đề được nêu ra.

2 – Những phê phán thẳng thắn, không hề khoan nhượng đối với những sự vô lý và bất cập trong chính sách hiện nay của những cường quốc – đặc biệt là của Hoa Kỳ.

Lúc này là một nhà giáo, nên tác giả không còn phải uốn lưỡi lựa lời như khi còn là nhà ngọai giao – do đó Mahbubani đã không ngần ngại lên tiếng phê phán nặng nề đối với chính sách trái khóay ngược đời của những cường quốc, đặc biệt là Hoa Kỳ và Tây Âu. Tác giả chỉ trích mạnh mẽ chuyện Hoa Kỳ (và một vài nước lớn khác như Trung Hoa, Nga, Ấn Độ) không chịu ký vào Hiệp Ước Luật Biển (Law of the Sea Treaty) đã được Liên Hiệp Quốc thông qua từ năm 1982 – không tham gia ký Nghị Định Thư Kyoto về việc giảm khí thải do Hiệu ứng Nhà Kiếng (Kyoto Protocol on GHG = Green House Gas) – không tham gia vào Tòa Án Hình sự Quốc tế (ICC = International Criminal Court) – không ký vào Hiệp ước cấm sử dụng mìn (Mine Ban Treaty = Ottawa Treaty) v.v… – mặc dầu các định chế này đã được đa số các quốc gia thành viên của LHQ thông qua.

Tác giả còn vạch ra sự cấu kết của Hoa Kỳ và Tây Âu trong việc lũng đọan các định chế quốc tế cao cấp nhất như Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế , Ngân Hàng Thế Giới. Ông còn phê phán cả tính cách lỗi thời trong việc điều hành của Hội Đồng Bảo An LHQ – và đề nghị cần phải mạnh dạn cải tổ tòan bộ những cơ cấu đã được phát sinh trong bối cảnh của Đệ nhị Thế chiến, mà ngày nay không còn thích hợp nữa.

3 – Những dấu hiệu lạc quan.

  1. a) Trong nhiều trang, tác giả đưa ra những số liệu phản ánh sự đi lên của xã hội – và đó là cơ sở cho thái độ lạc quan của nhiều người, đặc biệt là của người dân châu Á mà điển hình là người Ấn Độ và Trung Hoa. Cụ thể như nơi trang 24, tác giả trưng dẫn 2 biểu đồ ghi ra sự tăng trưởng của giai cấp trung lưu (middle class) ở vùng À Châu Thái Bình Dương như sau : Vào năm 2009, thì giai cấp này chiếm tỷ lệ 28%; nhưng đến năm 2020, thì tỷ lệ này sẽ là 53% đối với tổng số giới trung lưu trên tòan cầu – tức là chiếm vị trí đa số. Ngược lại, cũng trong thời gian đó, thì tỷ lệ của Mỹ và Âu châu lại tụt giảm từ 54% xuống còn có 32% – tức là ợ vị trí thiểu số.

Nhưng điều quan trọng là khối trung lưu có thể lên tới con số cả ngàn triệu người này lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đó là làm áp lực trong việc xây dựng tự do, dân chủ và nhân quyền trên thế giới.

  1. b) Tác giả còn trưng dẫn nhiều trường hợp biểu lộ sự đóng góp của các think tank, các viện nghiên cứu, các đại học, các NGO (tổ chức phi chính phủ) v.v… vào việc giải quyết những tranh chấp căng thẳng trên thế giới. Điển hình như tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF = World Economic Forum) nhóm họp vào tháng Giêng mỗi năm tại thành phố Davos Thụy Sĩ, thì các NGO sát cánh với những viên chức chính phủ làm giảm bớt đáng kể bàu không khí căng thẳng thường xảy ra trong giới ngọai giao vì những mâu thuẫn tranh chấp giữa nước này với nước khác. Đó là một thứ Sức Mạnh Mềm (Soft Power) mỗi ngày càng lớn lao của đông đảo khối quần chúng trên khắp thế giới ngày nay.

Nói cách khác, các tổ chức thuộc Xã hội Dân sự càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lãnh vực bang giao quốc tế – mà được gọi là những “Tác nhân không phải là Nhà nước” (Non – State Actors).

 *     * Để tóm tắt lại, đây là một cuốn sách rất có giá trị do người am hiểu sâu sắc và có tầm nhìn bao quát về tình hình thế giới – cung cấp cho công chúng những thông tin, tư liệu, kể cả các giai thọai hấp dẫn mà ít người được biết đến. Tác giả đưa ra những suy luận, những gợi ý nhằm góp phần cải thiện môi trường chính trị tòan cầu với một thiện chí xây dựng tích cực và một thái độ lạc quan thông thóang.

Người viết rất hân hạnh được giới thiệu với độc giả người Việt cuốn sách có tầm vóc thật bao quát rộng lớn này./

Costa Mesa California, tháng Hai 2014

Đoàn Thanh Liêm

Hàng chục hộ dân lâm cảnh màn trời chiếu đất

Hàng chục hộ dân lâm cảnh màn trời chiếu đất

Hòa Ái, phóng viên RFA
2015-12-15

12380733_440947832765478_1513067742_o-620

Cảnh cưỡng chế khu chung cư ở Quận Bình Thạnh, TP. HCM hôm 15/12

Ảnh do cư dân cung cấp

Your browser does not support the audio element.

Hôm 15/12, những hộ gia đình đầu tiên trong số 50 hộ dân ở khu chung cư Quận Bình Thạnh, TP. HCM lâm cảnh màn trời chiếu đất do bị cưỡng chế mà không nhận được tiền bồi thường để tái định cư.

Ông Trương Văn Chẳng, 61 tuổi, cư dân ở khu chung cư Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. HCM cho biết:

“Hôm nay họ kéo lực lượng gần 400 người xuống cưỡng chế, đuổi ra khỏi nhà khoảng 7 hộ. Không có đồng bạc. Không có nơi tái định cư. Họ đem lực lượng vô, phá cửa xông vào, đuổi người nhà ra ngoài, đồ đạc bị chở đi mất hết. Bây giờ chỉ còn có bộ đồ dính trên người. Thiệt đau xót quá!”

Đó là lời kêu than vừa rồi là của gia đình ông Chẳng cùng 6 hộ gia đình lân cận bị cưỡng chế nhà từ sáng sớm hôm thứ Ba, ngày 15 tháng 12.

Ông Nguyễn Văn Ân, một chủ hộ cũng là nạn nhân trong vụ cưỡng chế, kể lại những gì xảy ra với Đài ACTD:

“ Họ đem lực lượng vô, phá cửa xông vào, đuổi người nhà ra ngoài, đồ đạc bị chở đi mất hết. Bây giờ chỉ còn có bộ đồ dính trên người. Thiệt đau xót quá!
– Ông Trương Văn Chẳng”

“Đọc lệnh xong rồi thì chúng tôi xin chưa tới ngày 15/1 nên yêu cầu ngưng cưỡng chế rồi sau này bàn thảo tiếp khi gặp chủ đầu tư. Họ nhất quyết làm, mang vòi cứu hỏa tới chuẩn bị xịt. Lấy kềm cộng lực cắt, đập cửa. Họ đem cơ động tới khiêng đồ ra, lấy đồng hồ nước, cắt dây điện, lấy đồng hồ điện rồi đập hết. Vừa xong thì lấy sắt có khe, lấy hàn điện hàn ngang rồi lấy hàng rào B40 bọc kín không cho vô nhà. Bà con quay phim bị lấy, đập máy, không cho ghi hình ảnh gì hết”.

Cuộc sống yên ổn của người dân khu chung cư Quận Bình Thạnh bắt đầu bị xáo trộn khi họ nhận được thông báo phải di dời theo “giai đoạn 2” của dự án có tên “13-14” hồi năm 2003 với thông tin sẽ được nhận tiền bồi thường để hỗ trợ tái định cư. Ông Nguyễn Văn Ân nhắc lại nội dung ghi rõ trong tờ thông báo bản sao mà cư dân nhận được từ Thành Ủy:

“Bản photo của UBND TP. HCM có ghi rõ rằng dự án này từ Thanh niên Xung phong bàn giao qua cho Công ty Nông sản Vinh Phát. Vinh Phát có trách nhiệm bồi thường và có trách nhiệm hỗ trợ tái định cư cho người dân. Nếu có sự khiếu kiện thì Công ty Vinh Phát hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Các hộ cư dân đến gặp cơ quan chức năng địa phương và được thông báo giá bồi thường theo khung giá năm 2003 khỏang 15 triệu đồng/m2. Những người nhận tiền phải mua lại căn hộ ở khu chung cư Mỹ An, thuộc Quận Thủ Đức với giá gấp đôi. Một số hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường và bù thêm tiền để chuyển đến ở chung cư được chỉ định. Tuy nhiên, các căn hộ ở đó không đảm bảo chất lượng và họ đang trong quá trình tranh tụng.

50 hộ cư dân còn lại ở khu chung cư Bình Thạnh những năm qua đã nhiều lần yêu cầu cơ qua chức năng cho gặp gỡ với chủ đầu tư dự án là Công ty Nông sản Vinh Phát để thương thuyết về giá cả bồi thường thỏa đáng nhưng nguyện vọng của họ chưa bao giờ được đáp ứng cho đến ngày tiến hành cưỡng chế vào hôm 15 tháng 12 năm 2015.

Người dân lo lắng

12369539_440947819432146_255200309_o-400

Một gia đình ngồi trước căn hộ bị lưới B40 ngăn trong đêm 15 tháng 12. Ảnh do cư dân cung cấp

Cuộc sống bấp bênh không được phép sửa chửa hay kinh doanh, buôn bán vì dự án treo “13-14” này của 50 hộ dân ở khu chung cư Quận Bình Thạnh được mô tả “sống trong tâm trạng bị khủng bố tinh thần” kéo dài từ năm 2003 cho đến nay. Hồi cuối tháng 11, các hộ gia đình nhận được thông báo của Phường 22 rằng sẽ tiến hành cưỡng chế. Các hộ dân đã chạy vạy đến UBND TP. HCM để kêu cứu nhưng họ được yêu cầu trở về Phường 22, Quận Bình Thạnh. Buổi gặp gỡ giữa các hộ dân với Phó Chủ tịch Phường là ông Hồ Phương kết thúc bằng câu nói “Chúng tôi sẽ thực hiện lệnh cưỡng chế như đã thông báo”.

Một bản thông báo cưỡng chế đối với 50 hộ dân từ ngày 12/12/15 cho đến ngày 15/1/16 được dán trên vách tường ngay đầu khu phố. Hàng trăm cư dân sống trong cảnh lo lắng, tuyệt vọng đến khốn cùng. Một bức ảnh Hòa Ái có được cho thấy các cư dân ngồi vật vựa trước hành lang căn hộ của mình đã bị lưới B40 vây kín trong đêm 15 tháng 12. Ông Trương Văn Chẳng than thở với Đài RFA:

“Họ cứ hành xử theo quyền lực của mình gây đau khổ cho người dân. Tôi không hiểu Quận Bình Thạnh và Phường 22, họ coi con người còn thua cọng rác nữa. Xin lỗi người ở tù, đêm người ta còn chổ nằm đàng hoàng mà tại sao gia đình tôi 16, 17 người bị như vầy, chỉ có bộ đồ đi ra khỏi nhà thôi?”

Câu hỏi đặt ra các hộ dân sẽ làm gì trong cảnh màn trời chiếu đất? Cư dân của 7 hộ gia đình bị cưỡng chế đầu tiên trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng họ không không biết làm gì vì không còn niềm tin cũng như không biết bấu víu vào đâu khi trên người chỉ vỏn vẹn 1 bồ độ dính thân. Họ cho biết trước đó đã từng đến Thành Ủy nhờ xem xét nhưng không được giải quyết mà còn bị áp tải lên xe. Ông Nguyễn Văn Khá nhớ lại:

“Hôm lên Ủy ban bị bắt đẩy lên xe. Mấy bà già về bệnh luôn. Còn mấy người trẻ cũng sợ”.

Nỗi sợ hãi không chỉ thế mà sự hoảng sợ sẽ mãi ám ảnh những đứa trẻ thơ lẫn cả những người già gần đất xa trời tại khu chung cư Bình Thạnh khi hàng trăm công an xuất hiện sáng ngày 15 tháng 12 làm thay đổi cuộc đời họ thành những kẻ vô gia cư.

Lời chia sẻ cuối cùng của những cư dân nơi đây mà Hòa Ái ghi nhận được là họ không biết có nên viết đơn gửi Chính phủ xin được cho vào tù vì ít ra họ còn được có chốn ăn ngủ và có nơi che mưa nắng qua ngày.

Ba người được trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2015

Ba người được trao giải Nhân Quyền Việt Nam 2015
Nguoi-viet.com


Hòa Thượng Không Tánh, bà Bích Khương và bà Bùi Hằng

Đằng-Giao/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV)Hôm Thứ Sáu, 11 Tháng 12, trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền và lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam  tại Westminster Civic Center, ban tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã trao giải cho ba vị khôi nguyên là Hòa Thượng Thích Không Tánh, bà Hồ Thị Bích Khương và bà Bùi Thị Minh Hằng.

 
Ba bằng khen cho ba vị khôi nguyên tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)


Số người tham dự đã ngồi chật khán đường, ai nấy đều bộc lộ sự hưởng ứng lòng quả cảm của ba vị đại diện cho những người Việt Nam trong nước đang đấu tranh đòi hỏi quyền làm người cho cả dân tộc.
Trong số quan khách hiện diện có Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí, Nghị Viên Garden Grove Chris Phan, ông Lý Vĩnh Phong, đại diện Dân Biểu Tiểu Bang Alan Lowenthal, ông Nguyễn Huỳnh Đức đại diện Thượng Nghị Sĩ California Jannet Nguyễn và Hòa Viện Chủ  Chùa Điều Ngự Thượng Thích Viên Lý, Bác Sĩ Võ Đình Hữu, chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Liên Bang Hoa Kỳ và Nữ Luật Sư Kolua Seiko, đại diện Amnesty International, Group 178 Irvine.

Nhiều người đã từ xa về đây để dự lễ nhằm tỏ lòng hưởng ứng phong trào. “Tôi ở San Jose về đây để tỏ lòng ngưỡng mộ những tấm gương bất khuất của ba vị này. Anh hùng dân tộc đó,” Luật Sư Ngô Văn Quang cho hay.

Ca sĩ Như Hà cũng từ xa về. Cô nói: “Tôi từ miền Bắc California về đây dự lễ tối nay rồi mai lại hát gây quĩ ủng hộ các anh chị đấu tranh cho nhân quyền nữa.”

Người được vinh danh đầu tiên là Hòa Thượng Thích Không Tánh. Hòa Thượng Thích Viên Lý, viện chủ chùa Điều Ngự, Westminster lên đại diện nhận giải.

Hòa Thượng Viên Lý nói với nhật báo Người Việt: “Tôi xin tạm giữ bằng khen này rồi sẽ tìm cách trao lại cho ngài. Rất khó, nhưng tôi sẽ cố gắng.”

Hòa Thượng Thích Không Tánh trụ trì chùa Liên Trì, hiện đảm nhiệm chức vụ Phó Viện Trưởng  Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm Tổng Ủy Viên Từ Thiện – Xã Hội. Hòa Thượng là một trong những thành viên sáng lập Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam.

Là một tu sĩ luôn quan tâm đấu tranh cho nhân quyền, và đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, Hòa Thượng Thích Không Tánh đã bị nhà cầm quyền CSVN liên tục đàn áp và trả thù. Năm 1976, Hòa Thượng bị bắt đi tù cải tạo 10 năm từ 1976 đến 1986.

Vào Tháng Mười 1992 Hòa Thượng lại bị kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế với cáo buộc  “lưu hành nhiều tài liệu có nội dung chống lại Nhà nước” sau khi công an lục soát phòng của Hòa Thượng trong Chùa Liên Trì và tịch thu bản sao nhiều ghi chép của Hòa Thượng Thích Huyền Quang.

Được trả tự do, Hòa Thượng vẫn tiếp tục hoạt động nhân quyền và xã hội. Tháng Mười Một 1994 công an đã bắt giữ Hòa Thượng khi ông đang quyên góp và phân phát đồ cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt Miền Tây.

Đến tháng Tám 1995, Thượng Tọa Thích Không Tánh và  Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã bị tòa án xử phạt mỗi người năm năm tù với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”.

Trong nhiều năm qua, Hòa Thượng Không Tánh đã tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, như tặng quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cho bệnh nhi ung thư, cứu trợ các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương cũng như giúp đỡ cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước có nơi sinh hoạt, hội họp để đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Những nỗ lực nối kết liên tôn của Hòa Thượng đã tạo nên một nguồn sinh khí mới trong  cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo hiện nay.

 
Đại diện thành phố Westminster, Trị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Sergio Contreras tặng bằng khen của thành phố cho ba chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền. (Hình; Đằng-Giao/Người Việt)

Kế tiếp, blogger Uyên Vũ lên đại diện nhận giải thưởng cho bà Hồ Thị Bích Khương. “Tôi xin tạm giữ bằng này cho đến khi nào chị Khương mãn hạn tù,” ông Uyên Vũ nói với báo Người Việt.

Bà Hồ Thị Bích Khương là một dân oan đã hai lần bị nhà cầm quyền địa phương cướp đất, phá nhà, và cơ sở làm ăn (năm 1989 và năm 1996), bà Bích Khương đã đi khiếu kiện một cách vô vọng nhiều năm.
Khi đang lao động ở Nam Hàn, bà đã kêu gọi các đồng nghiệp đứng lên đấu tranh và bị chủ thù ghét, đối xử tàn tệ. Bà khiếu nại với văn phòng đại diện Việt Nam tại đây, nhưng họ lại thông đồng với chủ và  yêu cầu cảnh sát cưỡng bức bà về nước.

Về lại Việt Nam năm 1999, bà tham gia các cuộc biểu tình của dân oan từ các địa phương tập trung về Hà Nội để đòi lại đất. Ngày 5 Tháng Mười Một 2005, bà bị công an bắt giam tại Hỏa Lò.

Bà được trả tự do ngày 11 Tháng Mười Một 2005, và đến năm sau bà lại tham gia Khối 8406. Bà đã viết khoảng 30 bài có nội dung phản kháng chế độ độc tài cộng sản. Bà còn in ấn nhiều tài liệu về dân chủ nhằm nâng cao nhận thức và lôi cuốn họ vào phong trào đấu tranh.

Ngày 26 Tháng Năm 2007, bà bị công an bắt tại thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Bà đã bị tra tấn rất tàn bạo nhưng vẫn giữ vững khí tiết và tinh thần can trường hiếm thấy ở một người phụ nữ bình thường.
Cuộc tranh đấu kiên cường trong lao tù đó đã được bà ghi lại trong tập hồi ký có tựa đề: “Bước Đường Đấu Tranh Cho Công Lý Và Dân Chủ Của Tôi”.

Đầu năm 2011, bà lại bị bắt cùng với Mục sư Nguyễn Trung Tôn khi hai người sao chép và phổ biến cuốn phim “Đại Họa Mất Nước” . Bà bị xử 5 năm tù giam và 3 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước.”

Hiện nay bà Bích Khương còn đang ở trong tù và vẫn tiếp tục tranh đấu không ngừng để đòi quyền được đối xử tử tế cho mọi tù nhân. Vì thế bà thường xuyên bị cai tù đánh đập và hành hạ.

Bà Hồ Thị Bích Khương là một chiến sĩ đấu tranh cho nhân quyền chịu đựng tới ba lần tù đày và nhiều lần bắt bớ, đánh đập hết sức tàn nhẫn. Tuy thế  bà vẫn luôn giữ ý chí bất khuất cho lý tưởng tự do, dân chủ và nhân quyền. Bà được tổ chức Human Rights Watch trao tặng Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2011.

Sau cùng, bà Nguyễn Thanh Tâm, cư dân Portland, Oregon, nhận giải thưởng thay cho bà Bùi Thị Minh Hằng. “Tôi thay mặt bạn tôi nhận bằng khen này rồi giữ ở đây rồi từ từ tìm cách chuyển về Việt Nam sau khi chị Minh Hằng ra tù,” bà Tâm nói.

Bà Bùi Thị Minh Hằng, tuy xuất thân từ một gia đình cộng sản có chức quyền, bà đã sớm nhận chân được bộ mặt của chế độ khi đảng viên cướp đoạt ngôi nhà của thân phụ để lại cho bà.

Từ năm 2011, bà Minh Hằng đã hăng hái tham gia biểu tình phản đối việc Tàu cộng xâm lấn lãnh hải Việt Nam và đòi dân chủ-nhân quyền.

Ngày 27 Tháng Mười Một 2011, bà bị bắt tại Sài Gòn khi tham gia xuống đường yêu cầu Quốc hội ra luật biểu tình. Bà bị đưa vào trại cưỡng bức lao động tại Thanh Hà, tỉnh Vĩnh Phúc.
Do áp lực mạnh mẽ của dư luận, bà Minh Hằng được trả tự do sau năm tháng bị giam giữ. Tuy nhiên công an vẫn ngày đêm theo dõi, sách nhiễu, và trả thù hèn hạ. Mặc dù vậy, bà vẫn đấu tranh không lùi bước: bà từ chối không đóng tiền cho quỹ an ninh quốc phòng, làm đơn khởi kiện đích danh chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, viết thư cho ngoại trưởng Hoa Kỳ 7 Tháng Năm 2012, viết thư cho Quốc hội 10 Tháng Bảy 2012 tố cáo những hành động phi pháp đối với bà.

Ngày 26 Tháng Tám 2014, bất chấp sự phản đối của dư luận, chính quyền cộng sản vẫn kết án bà 3 năm tù giam. Trong tù bà vẫn không ngừng đấu tranh; bà đã tuyệt thực hơn 2 tháng.
Bà Bùi Thị Minh Hằng là một con người đấu tranh trên mọi mặt và có mặt khắp mọi nơi. Cần chống xâm lược, bảo vệ Tổ Quốc thì bà  ở tuyến đầu, cả ở Sài Gòn lẫn Hà Nội.

Năm 2015 đánh dấu năm thứ 67 ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948-2015 – TNQTNQ). Vào đúng ngày 10 Tháng Mười Hai, 1948, tại thành phố Paris, thủ đô nước Pháp, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức long trọng lễ công bố văn kiện quan trọng này – mà vị đại diện là bà Eleanor Roosevelt, cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ, đã gọi đó là Bản Ðại Hiến Chương của nhân loại trong thời đại chúng ta (Magna Carta).

Cho đến nay, bản tuyên ngôn này đã được dịch ra 380 ngôn ngữ trên thế giới – và đó là cơ sở pháp lý căn bản cho công cuộc xây dựng một xã hội nhân bản và nhân ái bền vững cho mọi người sinh sống trên trái đất chúng ta vậy.

Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Phó Thị Trưởng Sergio Contreras cũng trao bằng tưởng lục cho ba vị khôi nguyên.

Bà Tạ Phong Tần, một chiến sĩ nhân quyền cũng có mặt để ủng hộ tinh thần đấu tranh cho nhân quyền của đồng đội.

Giải Nhân Quyền Việt Nam do Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam thành lập từ năm 2002 nhằm mục đích tuyên dương thành tích đấu tranh bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam.

Năm ngoái, 2014, Giải Nhân Quyền Việt Nam được tổ chức tại San Jose, California, trước đó, 2013 tại Paris. Pháp, 2012 tại Montreal, Canada, và năm 2010 tại Houston, Texas.

Phỏng vấn Việt Khang ngay khi anh về tới nhà

Phỏng vấn Việt Khang ngay khi anh về tới nhà

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-12-14

Nhạc sĩ Việt Khang (giữa) ngày ra tù.

Courtesy of haedc.org

Your browser does not support the audio element.

Nhạc sĩ Việt Khang sau bốn năm thụ án với tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước được trả tự do vào sáng ngày 14/12/2015.

Từ nhà riêng tại thành phố Mỹ Tho nhạc sĩ Việt khang dành cho đài Á châu tự do cuộc phỏng vấn sau đây, do Kính Hòa thực hiện.

Kính Hòa: Đầu tiên xin chúc mừng anh được trả tự do! Sức khỏe anh hiện thế nào ạ?

Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi khỏe nhưng mới ra tù nên sức khỏe chưa ổn định.

Kính Hòa: Anh được trả tự do ngày hôm qua…

Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi mới về đây thôi chứ không phải hôm qua, tôi đi xe từ trại giam về đến đây là 3, 4 giờ chiều.

Kính Hòa: Mấy giờ thì họ đưa anh ra cổng trại giam để người nhà đưa về?

Nhạc sĩ Việt Khang: Không, không có người nhà, mà người ta đưa tôi về. Tôi còn cái án quản chế hai hay ba năm gì đó. Người ta không cho người thân đón tôi, mà trong nhà trại có người đưa tôi về. Sáng đi từ trại là 7 giờ, rồi người ta còn ghé ăn uống nữa. Tôi thì ăn uống không được, lý do là tâm trạng biết ở nhà đang chờ, xe cộ lại chậm chạp.

Kính Hòa: Cảm tưởng của anh như thế nào khi được trả tự do mặc dù còn bị quản chế?

Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi cảm thất rất hạnh phúc sau những gì xảy ra với tôi. Bốn năm tôi xa nhà, bốn năm đó đổi lại là rất nhiều người đã thuwong mến tôi, luôn muốn tôi có sức khỏe để vượt những khó khăn mà tôi bắt buộc phải trải qua. Tất cả những tấm lòng đó tôi không thể nói được bằng lời vì không thể tả nó bằng lời.

Tôi cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc, đồng bào đã yêu thuwong tôi, đồng bào cảm thông, luôn muốn rằng tôi khỏe mạnh để vượt qua  những khó khăn của cuộc sống của tôi cũng như của con đường tôi đi.

Nhân dịp này tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những sự quan tâm, động viên, những lời cầu nguyện cho tôi, tất cả những gì mà các ông bà cô bác, các anh chị, các bạn, các em đã dành cho tôi, và tôi ghi nhận cái điều đó. Trong cuộc đời của tôi tôi không thể tưởng tượng ra những gì mà đồng bào cũng như bà con đã thương mến tôi như vậy, tôi cảm ơn rất nhiều.

Kính Hòa: Bây giờ nhìn lại các nhạc phẩm anh sáng tác, mà vì những nhạc phẩm đó anh bị tù đày, anh có cảm thấy một sự hối tiếc hay không?

Nhạc sĩ Việt Khang: Chắc chắn là tôi không hối tiếc. Tất cả những gì tôi làm cũng góp một phần chứ không phải là vô nghĩa đối với tôi. Tôi góp một phần để nói lên tiếng nói của trái tim của người Việt nam.

Tôi là một người nghệ sĩ thì yêu nước theo cái cách của một nghệ sĩ, có gì đâu mà hối tiếc. Tôi được sự cảm thông của rất nhiều người, cảm thông cho nỗi niềm trong bài hát của tôi. Bao nhiêu đó thôi là tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.

Kính Hòa: Dự định trước mắt và lâu dài của anh như thế nào? Anh có tiếp tục con đường nghệ thuật hay không?

Nhạc sĩ Việt Khang: Tôi phải sắp xếp lại chuyện gia đình, vì gia đình cũng có những chuyện lớn xảy ra với tôi, tôi phải có thời gian sắp xếp.

Còn công việc thì là kiếp tằm nhả tơ, ai trong giới nghệ sĩ như tôi cũng vậy thôi, khó mà bỏ nghề lắm. Ca hát, chơi nhạc, làm đệp cho đời, cái đó là tất nhiên.

Kính Hòa: Cảm ơn anh Việt Khang đã dành cho chúng tôi những giây phút quí báu khi anh vẫn còn mệt mỏi. Chúc anh có nhiều sức khỏe tiếp tục con đường nghệ thuật mà anh nói với chúng tôi.

Nhạc sĩ Việt Khang: Cám ơn anh và tất cả những người đã quan tâm đến tôi.