Nhiều bệnh truyền nhiễm đang lan rộng ở Sài Gòn

Nhiều bệnh truyền nhiễm đang lan rộng ở Sài Gòn

Nguoi-viet.com

Sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Sài Gòn. (Hình: báo VNExpress)

SÀI GÒN (NV) – Bên cạnh dịch bệnh Zika đang lan rộng, nhiều bệnh truyền nhiễm phức tạp khác đang cùng lúc phát tán gia tăng mạnh ở thành phố Sài Gòn.

Chiều 15 tháng 12, truyền thông Việt Nam dẫn lời bà Lê Hồng Nga, trưởng Khoa Kiểm Soát Bệnh Truyền Nhiễm, Trung Tâm Y Tế Dự Phòng Sài Gòn cho biết, các loại bệnh truyền nhiễm như: Tay chân miệng (TCM) sốt xuất huyết (SXH) và Zika có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

Theo bà Hồng Nga, từ đầu năm 2016 đến nay đã có tới 5,334 ca mắc TCM. Mặc dù không có người chết, nhưng bệnh có diễn tiến phức tạp và tăng mạnh. Tuy nhiên, lo nhất là SXH đang vào mùa. Chỉ riêng 14 ngày đầu tháng 12 này đã có 1,418 ca mắc SXH mới phải nhập viện và đến nay đã vào đỉnh dịch hàng năm, với 19,021 ca mắc bệnh phải nhập viện điều trị.

Riêng bệnh Zika, tính đến chiều 15 tháng 12, Sài Gòn có 133 người tại 23/24 quận, huyện, được xác định mắc bệnh, trong đó có 17 thai phụ đang được theo dõi.

Bà Hồng Nga cho biết thêm, vào cuối tháng 11, năm 2016 vừa qua, thành phố cũng đã phát hiện ổ dịch bệnh quai bị tại trường Tiểu Học Tân Xuân, huyện Hóc Môn với 30 ca trong 10 lớp.

Nói với báo điện tử VNExpress, bà Nga than phiền, trước tình hình dịch bệnh như trên, nhưng nhiều nơi người dân thiếu ý thức diệt lăng quăng, phòng chống dịch bệnh. Do vậy khả năng bùng phát các dịch bệnh nói trên rất dễ xảy ra và khó lường hậu quả. (Tr.N)

Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

VOA

Trà Mi

15-12-2016

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’ nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu.

Luật Magnitsky quy trách nhiệm nhân quyền toàn cầu do Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện được thông qua chưa tới một tuần sau khi dự luật tương tự do dân biểu Chris Smith và Jim McGovern ra mắt tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo.

Giới hoạt động nhân quyền xem đây là một thành công lớn, một trợ lực quan trọng cho công cuộc cổ súy dân chủ-nhân quyền tại các nước lâu nay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong những nhà hoạt động trong 6 năm qua đã tích cực vận động cho dự luật này được thông qua Quốc hội Mỹ, chia sẻ với VOA Việt ngữ về nội dung và ảnh hưởng của dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đang chờ được Tổng thống ký ban hành, dự kiến trước cuối năm nay.

TS Nguyễn Đình Thắng: Luật này được thông qua ở Hạ lẫn Thượng viện với tỷ số quá bán 2/3, cho nên nếu bị Tổng thống phủ quyết, Quốc hội có thể phủ nhận phủ quyết đó rồi bỏ phiếu lại, cuối cùng cũng phải thông qua. Thứ hai, luật này kèm trong luật chi ngân sách quốc phòng trên 600 tỷ Mỹ. Cho nên, nếu phủ quyết luật này thì các chương trình quốc phòng sẽ bị đình trệ.

h1Thượng nghị sĩ John McCain.

VOA: Tầm quan trọng của luật này ra sao?

TS Nguyễn Đình Thắng: Rất quan trọng vì nó hoàn toàn là phương thức mới trong việc chế tài. Trước đây, việc chế tài gắn vào cả quốc gia, nên các nước, kể cả Hoa Kỳ, rất ngần ngại. Chế tài cả quốc gia khó khăn, ảnh hưởng nhiều chính sách khác như hợp tác quốc phòng hay mậu dịch..v..v.v. Ngoài ra, còn có quan ngại rằng chính người dân bị đàn áp ở quốc gia bị chế tài lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong khi kẻ vi phạm lại phây phây. Bây giờ, luật chế tài này nhắm trực tiếp từng cá nhân các giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những biện pháp chế tài thấy rõ nhất trong luật này?

TS Nguyễn Đình Thắng: Gồm hai điểm chính. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được bãi miễn lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự bãi miễn đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che dấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Vì sao? Vì trong rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, dấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Chúng ta biết rằng tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam rất phổ biến. Thứ ba, những giới chức tham nhũng mà đi trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những kẻ vi phạm đó làm thế nào lọt vào danh sách chế tài?

TS Nguyễn Đình Thắng: Con đường thứ nhất, một số Ủy ban của Hạ và Thượng viện Hoa Kỳ có quyền đề cử danh sách lên Tổng thống. Tổng thống có 120 ngày để ra quyết định chế tài hay không. Nếu Tổng thống từ chối không chế tài thì phải giải thích cho Quốc hội biết lý do. Vai trò của xã hội dân sự trong vấn đề này rất quan trọng vì các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới cũng có quyền đóng góp ý kiến cho Quốc hội và cho hành pháp Mỹ. Con đường thứ hai, khâu phụ trách Lao động-Nhân quyền-Dân chủ trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có quyền nộp danh sách lên Tòa Bạch Ốc đề nghị chế tài.

VOA: Mối quan hệ Việt-Mỹ lâu nay dựa trên nền tảng nhân quyền làm điều kiện tiên quyết. Luật này ra đời, quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức này đã vi phạm nhân quyền trầm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể lờ đi.

VOA: Liệu luật này sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ chùn lại hay là chất xúc tác để thăng tiến hơn?

TS Nguyễn Đình Thắng: Trên nguyên tắc, nó không ảnh hưởng mọi vấn đề đối tác về quốc phòng, mậu dịch, viện trợ…v…v..Thế nhưng, khi các giới chức lãnh đạo Việt Nam nằm trong danh sách chế tài này không qua được Mỹ để công vụ thì sẽ là một sự lúng túng ngoại giao. Luật này đang lan ra rất nhiều nước. Cùng ngày Quốc hội Mỹ thông qua, Quốc hội Estonia cũng thông qua và Tổng thống đã ban hành luật. Hiện cũng có đề nghị luật này ở Canada, Anh quốc, và sắp sửa được đưa ra ở Quốc hội Na-uy.

VOA: Với tình hình nhân quyền Việt Nam, luật này đóng vai trò thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Sẽ rất quan trọng nếu chúng ta làm đúng việc, đúng cách. Chẳng hạn trong thời gian qua, chúng tôi có cách thức ‘kết nghĩa’. Cứ mỗi cộng đồng trong nước bị đàn áp như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, hay Công giáo…v.v.., chúng tôi lại kèm một nhóm ‘kết nghĩa’ để kết nối, cập nhật thông tin với nhau, liên tục theo dõi. Nếu có một dấu hiệu nào bị đàn áp thì họ lập tức thu thập thông tin và chuyển cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lập báo cáo nộp cho Liên hiệp quốc hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là trước đây. Bây giờ, với luật mới, chúng ta có thể dùng những thông tin đó để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Thành ra, đây là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

9 xe container tiền mới đã được vận chuyển vào Sài Gòn?

9 xe container tiền mới đã được vận chuyển vào Sài Gòn?

Xe container nghi chở tiền dừng ở cổng sau Ngân hàng Nhà nước ở Sài Gòn

CTV Danlambao – Ít nhất 9 chiếc xe container nghi chở tiền mới in đã được vận chuyển vào Sài Gòn giữa lúc người dân cả nước vẫn còn chưa hết hoang mang về tin đồn đổi tiền.

Nguồn tin gửi đến Danlambao từ Sài Gòn cho biết, bắt đầu từ rạng sáng ngày 14/12/2016, người ta nhận thấy các hoạt động khá bất thường quanh khu vực trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Tp. HCM (số 17 Võ Văn Kiệt, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1)

Từ sáng đến tối, ít nhất 9 chiếc xe container được thấy đã di chuyển vào cổng sau và bên hông Ngân hàng Nhà nước nằm trên đường Nguyễn Công Trứ và Pasteur.
Một nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, toàn bộ khu vực đã bị phong toả bằng hàng rào nghiêm ngặt, xe cộ bị cấm lưu thông, trong khi bên trong công việc bốc dỡ diễn ra nhộn nhịp.

Những container này đều được bốc xuống đất bằng xe cẩu P&H, sau đó, nhân viên vận chuyển dùng tay để khiêng những bao tải được niêm phong kỹ lưỡng và mang vào bên trong ngân hàng.

Theo ghi nhận, việc bốc dỡ diễn ra suốt trong đêm 14/12 và kéo dài sang đến tận sáng ngày 15/12 vẫn chưa hoàn tất. Hiện không rõ đây là tiền mệnh giá cũ hay là tiền mệnh giá mới theo như tin đồn đổi tiền đang gây xôn xao dư luận gần đây.
Ít nhất 9 chiếc xe container chở tiền đã được trông thấy trong ngày 14/12/2016
Theo một thương gia hoạt động lâu năm trong lãnh vực vận tải, nhiều khả năng đây là đợt nhập kho tiền mới in của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xảy ra đợt vận chuyển tiền với số lượng lớn và quy mô như vậy.
Điều này có thể lý giải về hiện tượng xuất hiện số lượng lớn tiền mới in trong thời gian gần đây, hầu hết người dân khi rút tiền từ ATM, hoặc lãnh lương từ ngân hàng đều nhận được những tờ tiền mệnh giá lớn vừa được in mới cáu, cùng số seri.
Hàng năm, Ngân hàng Nhà nước vẫn thường hay phát hành tiền mới vào mỗi cuối năm, nhưng chưa bao giờ người ta thấy số lượng tiền mới lại nhiều như năm nay. Cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước chưa công bố số liệu về lượng tiền vừa mới được in thêm.
Có ý kiến cho rằng, nếu để xảy ra hiện tượng in tiền một cách vô tội vạ như trên thì chắc chắn sẽ khó tránh khỏi tình trạng siêu lạm phát vào năm 2017.

15.12.2016

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

Những cuộc trốn chạy trong thời bình

Những cuộc trốn chạy trong thời bình

Cát Linh, phóng viên RFA

RFA

Một chiếc tàu của người Việt được cứu trên vùng biển Đông ngày 5 tháng 1 năm 2005. Ảnh minh họa.

Một chiếc tàu của người Việt được cứu trên vùng biển Đông ngày 5 tháng 1 năm 2005. Ảnh minh họa.

AFP photo
Hàng loạt các quan chức cấp cao của Việt Nam lợi dụng hình thức đi nước ngoài khám bệnh hoặc đi du học để rời khỏi Việt Nam ngay sau khi có quyết định truy tố trước pháp luật do những sai phạm trong quá trình làm việc. Sự việc này cùng với những phiên toà vừa diễn ra cũng ở Việt Nam để xét xử nhóm người vượt biên sang Úc và New Zealand nhưng bị chính phủ bắt giữ và trả về nói lên điều gì trong xã hội Việt Nam hiện tại?

Cuộc di dân thứ ba?

Lịch sử Việt Nam ghi dấu hai cuộc di tản được cho là vĩ đại nhất chưa từng có trong lịch sử thế giới: Cuộc tản cư 1954 kéo dài gần 3 tháng sau ngày ký Hiệp định Geneva chia cắt hai miền Nam, Bắc; và cuộc di tản diễn ra từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 kéo dài cho đến hơn mười năm sau đó.

Theo tôi, đó chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc di dân thứ ba. Cuộc di dân này đang còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay và chưa có dấu hiệu chấm dứt.
– Vũ Cao Đàm

Bài viết của tác giả Vũ Cao Đàm trên trang Bauxite Việt Nam vào ngày 22 tháng 4 năm 2015 cho rằng  “cuộc di tản sau 1975 thường được nói đến sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ.” Và cũng chính tác giả này đã đưa ra nhận định: “Theo tôi, đó chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc di dân thứ ba. Cuộc di dân này đang còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay và chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Những diễn biến trong nước trong năm nay có thể xem như là minh chứng cho nhận định trên của tác giả Vũ Cao Đàm.

Cuộc trốn chạy mưu cầu hạnh phúc

Toà án La Gi, tỉnh Bình Thuận vào tháng 5 năm 2016 đã xét xử vụ án 46 người, trong đó có cả trẻ em mà cháu nhỏ nhất là 4 tuổi, vào đầu tháng 7 năm 2015 đã dùng thuyền để vượt biên đến Australia nhằm tìm qui chế tỵ nạn. Thế nhưng tàu của họ bị hải quân Australia chặn bắt ngoài biển và sau đó bị đưa về Việt Nam. Cho dù thủ phủ Canberra có được cam kết từ Hà Nội sẽ không trả thù những người ra đi, thế nhưng cuối cùng toà án tỉnh Bình Thuận vẫn tuyên án tù bốn người trong số họ.

2c683214-07ac-4018-bed7-43124fb609ca-400.jpg
Bốn người bị kết tội tổ chức vượt biên tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hôm 13/12/2016 Photo courtesy of plo.vn

Một phiên toà khác diễn ra vào ngày 13 tháng 12 vừa qua ở toà án tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tuyên án nhóm người dùng thuyền đưa người vượt biên đến New Zealand nhưng bị lực lượng chức năng Australia bắt và trả về Việt Nam vào tháng 6 năm 2016. Hai trong số bốn bị cáo với tội danh “vượt biên” này bị kết án tù giam và hai người còn lại hưởng án treo.

Luật sư Võ An Đôn, người nhận bào chữa miễn phí cho bị cáo của cả hai phiên toà cho biết lý do những người này phải chọn con đường mà cách đây hơn 40 năm, hàng ngàn người Việt Nam đã phải chọn, đó là họ mong muốn có việc làm và cuộc sống tốt hơn.

“Với tư cách là luật sư bào chữa cho những người vượt biên thì tôi cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Bởi vì người ta chỉ mong muốn điều tốt cho gia đình và bản thân của người ta. Mong muốn có việc làm, có thu nhập, con cái được học hành tốt hơn cho cuộc sống tốt hơn. nhưng hiện tại thì ở xã hội Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu đó nên người ta tìm cách vượt biên sang các nước khác có điều kiện tốt hơn. Đó là một nhu cầu của con người thôi.”

Cái nhu cầu được mưu cầu hạnh phúc tưởng chừng như rất cơ bản này, hơn 40 năm trước, hàng ngàn người Việt Nam phải đi tìm bằng cách ít nhất 1 lần bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, “khấn nguyện mười phương tám hướng” (Nguyễn Đình Toàn), xin được đổi lấy bằng chính mạng sống của họ.

Bà Trần Thị Thanh Loan, bị cáo trong phiên toà tỉnh Bình Thuận tháng 5 vừa qua bày tỏ nguyên nhân mà bà cùng chồng và 4 người con trong đó đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, phải tìm cách vượt biển là vì khó khăn trong cuộc sống:

Lúc đó tụi em hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không có. Trước đó làm lên cái nhà thì bị bên cưỡng chế người ta đập phá hết rồi, rồi làm ăn cũng khó khăn nữa.
– Bà Trần Thị Thanh Loan

“Lúc đó tụi em hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không có. Trước đó làm lên cái nhà thì bị bên cưỡng chế người ta đập phá hết rồi, rồi làm ăn cũng khó khăn nữa. Em thấy vậy thì em đi lúc đó cũng không suy nghĩ gì nữa.”

Bà Trần Thị Lụa, cũng là bị cáo trong phiên toà đó cho biết:

“Ở đây khổ quá thì mới đi. Làm ở đây khổ quá không đủ để nuôi con, sống không có đủ cho nên muốn qua làm có đồng tiền, đời sống con cái khác hẳn ở Việt Nam.”

Những cuộc vượt biên với mục đích nhằm tìm đến cái nhu cầu cơ bản của con người ấy đều thất bại. Tất cả những người vì đời sống tốt đẹp hơn cho thế hệ con cháu đời sau đều trở thành bị cáo của những phiên toà diễn ra nơi chính mảnh đất họ dứt áo ra đi vì không còn hy vọng tìm thấy hạnh phúc.

Ở cuộc di dân thứ 3 họ phải chịu những bản án tù giam.

Cuộc tháo chạy sau khi bị cáo buộc tội

Hoà vào dòng người vượt biên chạy trốn khỏi chế độ là một cuộc tháo chạy khác từ những quan chức từng cai trị và gián tiếp xua đuổi họ khỏi đất nước Việt Nam.

Đó là cuộc tháo chạy của Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch hội đồng quảng trị Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam; củaVũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí; của Lê Chung Dũng, nguyên Phó Tổng Giám đốc công ty điện lực dầu khí Việt Nam. Đây là những quan chức cấp cao từng nắm giữ quyền và trách nhiệm đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Untitled-2-400.jpg
Tập đoàn dầu khí Việt Nam, nơi đã có hai cán bộ bỏ trốn khi bị cáo buộc tội tham nhũng. Photo courtesy of pvn.vn

Tại phiên chất vấn quốc hội ngày 16 tháng 11 vừa qua, đại biểu Ngô Văn Minh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về vấn đề của Trịnh Xuân Thanh, bị cáo buộc làm trái các nguyên tắc gây hậu quả nặng nề, “Đề nghị cho biết có bao nhiêu cán bộ luân chuyển theo đường ‘tiểu ngạch’ như Trịnh Xuân Thanh?”

Sự việc của Trịnh Xuân Thanh là diễn biến được Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, người từng ngồi tù ở Việt Nam hơn 20 năm, từ Washington D.C cho là “mở đường” cho những cuộc chạy trốn bằng hình thức ra nước ngoài chữa bệnh hoặc du học hoặc…mất tích.

Ông cho chúng tôi biết, việc bỏ chạy của cả quan chức lẫn người dân trong thời đại này là báo động một chế độ không thể tồn tại lâu dài được. Nói về những cuộc “di dân” trong thế kỷ 20 này, ông nhận xét có một điểm chung:

Cái đất nước đã đến cái giai đoạn mà cả những người cầm quyền lẫn người dân đã không còn có thể yên ổn ở trong nước được.
– Giáo sư Đoàn Viết Hoạt

“Nó nói lên thực trạng của đất nước sau hơn nửa thế kỷ nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản. Đó là đất nước đã vào tình trạng mà người dân không tìm thấy tự do và hạnh phúc ngay trên đất nước của mình, họ chỉ có thể tìm thấy tự do và hạnh phúc ở ngoài đất nước Việt Nam. Đó là tình trạng bi thảm và tình trạng đó không thể nào tiếp tục tồn tại được.”

Không chỉ riêng người dân ở mọi thành phần, mà cả những diễn biến đang xảy ra trong bộ máy nhà nước Việt Nam cho thấy ngay cả những người quan chức trong ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản vẫn không cảm thấy yên.

“Vấn đề là cơ chế đó đã tạo ra sự rạn nứt và sự rạn nứt đó, để được an toàn và tự do thì họ không còn có thể ở trong nước được nữa. điều đó không xảy ra cách đây 30 năm hay 20 năm đối với cán bộ và Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản.

Cái đất nước đã đến cái giai đoạn mà cả những người cầm quyền lẫn người dân đã không còn có thể yên ổn ở trong nước được. Vì thế tôi nghĩ là nó có tính chất tương đối giống nhau là vậy.”

Sự khác biệt

Cùng mang hình thức giống nhau là trốn chạy khỏi đất nước, thế nhưng tính chất của hai hình thức này hoàn toàn khác nhau.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt nhận định:

“Có khác nhau. Một bên là do tham nhũng hối lộ, một bên là do vì thiếu sự tự do hạnh phúc.”

Quan chức tháo chạy khỏi đất nước vì lý do bị cáo buộc tội tham nhũng hối lộ. Người dân trốn chạy khỏi đất nước vì không tìm thấy tự do hạnh phúc và cuộc sống tốt đẹp.

Người Việt ra đi, bị bắt, bị giam hãm trở lại từ nơi phát xuất. Riêng nhóm người đang được chính quyền Việt Nam cho là tội phạm bỏ chạy khỏi nước rồi phải trả lời ra sao khi có người hỏi họ về lý do khiến phải rời bỏ quê cha đất tổ?

Khủng hoảng chính trị tới ngưỡng báo động?

Khủng hoảng chính trị tới ngưỡng báo động?

RFA
2016-12-13
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và bốn Phó: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển trong buổi lễ khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/10/2016.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và bốn Phó: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển trong buổi lễ khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/10/2016.

AFP photo
Trong khi việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng còn lúng túng trong Đảng, cũng như Quốc hội vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết hợp lý, lại xảy ra chuyện bỏ trốn của các cán bộ cao cấp có biểu hiện tham nhũng.

Cùng lúc, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ kinh tế cho một thanh niên 26 tuổi không một ngày nào làm việc trong guồng máy hành chính, việc này cho thấy sự lỏng lẻo mà dư luận gọi là tha hóa ngay tại trung ương.

Đây có phải là dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã vượt ngưỡng báo động? Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương để tìm hiểu thêm sự vận hành trong hệ thống về vấn đề nhân sự.

Hàng loạt sai phạm

Mặc Lâm: Thưa ông Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với hàng loạt chuyện bê bối trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, đặc biệt là các cá nhân vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi mới đây lại xảy ra chuyện bổ nhiệm sai nguyên tắc cho vị trí Vụ phó kinh tế trong Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Là người sinh hoạt lâu năm trong Đảng ông có nhận xét gì vể vụ bê bối này?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Tất cả những việc vừa xảy ra như các vụ bổ nhiệm từ Trịnh Xuân Thanh cho tới Phùng Quang Hải rồi bây giờ là anh Vũ Minh Hoàng vào Ban công tác Tây Nam bộ. . . . nó phản ảnh một trạng thái tất nhiên của chế độ vì ngay việc bổ nhiêm lãnh đạo đất nước của Trung ương Đảng, rồi Tổng bí thư, hay Bộ chính trị nó cũng không có quy trình gì tử tế đâu.

Làm gì có những biện pháp khoa học, văn minh, dân chủ để tuyển chọn người thủ lĩnh đâu? Tuyển tướng cốt chọn người thao lược, chớ kể con ông cháu cha. Trước hết phải chọn người tài, người thao lược thì hiện nay trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia chả thấy ông nào có tính cách thao lược cả, từ ông Trọng trở đi không thấy sự thao lược, thế thì chóp bu đã vậy thì bên dưới nhí nhố là chuyện bình thường thôi.

Trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu.
– Ông Nguyễn Khắc Mai

Thí dụ như trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu. Tư cách như thế từ bao nhiêu đại hội tới nay nó dẫn đến tình trạng người ta lợi dụng cái kiểu ấy để người ta bố trí những người phe cánh, con ông cháu cha rồi thông tự của mình, đấy là chuyện tất yếu của một hệ thống đã mang tính chất siêu phong kiến, nó tiếp nhận phong kiến và nó làm băng hoại thêm cho phong kiến, đấy là chuyện tất yếu mà nó phải xảy ra.

Mặc Lâm: Nhưng hình như Đảng cũng thấy sự nguy hiểm gần kề nên đã mạnh dạn kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp liên quan. Theo ông thì đây có phải là giải pháp mạnh mẽ và đưa ra kịp vào lúc này hay không?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Đấy là cái hạ sách. Xử lý một vài anh cán bộ tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy một vài anh trách nhiệm vụ việc ấy thì đấy là giải pháp bệnh nặng mà bôi dầu xoa bóp thì làm thế nào cải tạo được? Hết keo này đến keo khác hết vụ này đến vụ khác nó sẽ tiếp tục diễn ra như vậy và họ ngang nhiên khẳng định rằng họ làm như vậy là vì cán bộ vì dân vì nước! Họ ngang nhiên nói như vậy.

Triết lý chuyên chính vô sản

9ab8fcd5-624e-49f4-adc7-76e6a2418c5f-400.jpg
Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo

Mặc Lâm: Trong các lần chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhiều Đảng viên kỳ cựu cho rằng hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm tiếp tục tư duy và hành động theo mô hình của Xô viết cũ là chuyên chính vô sản, ông có cho điều này là đúng không?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Hiện nay tuy người ta không dám nói “chuyên chính vô sản” công khai nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này, thể chế chính trị này là “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản nghĩa là gì? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định: Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lê Nin.

Vậy mà anh còn giữ lại cái này thì vô phương! Không cấp này nó vượt qua luật pháp thì cấp khác. Ngay cái tư cách của những người lãnh đạo mà họ nói rằng họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho nhà nước, chức trách của họ là thế thì luật pháp nào quy định cái này? Chả có luật pháp nào quy định cả. Họ làm việc theo lối bất chấp luật pháp vậy thì cấp dưới nó ngu hơn nó đần hơn, tham hơn, lộng quyền hơn, nó sẵn sàng chà đạp những quy định của luật pháp.

Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lê Nin.
– Ông Nguyễn Khắc Mai

Muốn giải quyết tận gốc phải xem xét lại một cách hệ thống toàn bộ các vấn đề của thể chế chính trị. Rõ ràng phải xây dựng một chế độ pháp quyền thật sự của dân, vì dân và do dân. Hiện nay họ nói của dân, vì dân và do dân nhưng bắt đầu công việc thì gạt dân ra. Từ bầu cử cho đến luật pháp cũng như chính sách. . . cho nên những câu nói đầu miệng như thế chả giải quyết được gì cả.

Mặc Lâm: Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 lần này ông Tổng Bí thư nói nhiều đến việc tự diễn biến trong nội bộ đảng, ông có nghĩ là từ nhận thức và báo động này Đảng sẽ có thay đổi hay không?

Ông Nguyễn Khắc Mai: Hội nghị Trung Ương 4 khóa 11 thất bại, bây giờ là Trung ương 4 khóa 12 thì tôi thấy với tình hình này cũng không thể thành công được. Mà đây không phải là ý kiến của một mình tôi mà là ý kiến, ý nghĩ của một số khá đông kể cả những anh em trong Trung ương Đảng khi họ nói chuyện riêng với chúng tôi thì họ cũng bày tỏ thái độ như thế.

Đây là một vấn đề phải dũng cảm lắm. Gạt bỏ phe nhóm gạt bỏ ý thức hệ. Cũng phải gạt bỏ mô hình Xô viết đi. Hiện nay lãnh đạo của chúng ta không có đủ năng lực, vừa phải có một cái quyền, vừa phải có cái năng lực để lựa chọn giải pháp văn minh nhất, văn hóa nhất, tiến bộ nhất, dân chủ nhất để áp dụng. Đấy là cái bi kịch của dân tộc hiện nay.

Ða số người Việt Nam chết vì ung thư là do thực phẩm bẩn

Ða số người Việt Nam chết vì ung thư là do thực phẩm bẩn

Nguoi-viet.com

Thực phẩm dơ bẩn, chứa nhiều chất độc là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư ở Việt Nam. (Hình: báo VietNamNet)

HÀ NỘI (NV) – Số người chết và mắc mới căn bệnh ung thư là do nhiều nguyên nhân, trong đó thực phẩm chưa an toàn dẫn đầu cho việc gây ra bệnh ung thư tại Việt Nam.

Báo điện tử VietNamNet dẫn nhận xét từ ông Nguyễn Bá Ðức, nguyên giám đốc bệnh viện K trung ương cho biết như trên tại hội thảo “Tình hình ung thư Việt Nam, phòng và phát hiện sớm một số bệnh ung thư thường gặp,” tổ chức chiều 13 tháng 12 tại Hà Nội.

Theo ông Ðức, Việt Nam có 80,000 người chết và 150,000 người mới mắc ung thư mỗi năm là do bốn nguyên nhân chính: 35% do thực phẩm chưa an toàn, 30% do hút thuốc lá, 5%-10% do di truyền và còn lại do một số nguyên nhân khác. Dự báo đến năm 2020 bệnh ung thư sẽ tăng lên 200,000 ca. Số tiền bảo hiểm y tế Việt Nam phải chi trả cho điều trị căn bệnh này cũng lên tới hàng trăm triệu Mỹ kim mỗi năm.

Tại hội thảo, bà Lê Thị Hương, viện trưởng Viện Ðào Tạo Y Học Dự Phòng và Y Tế Công Cộng cho biết, bình thường hệ thống thải độc cơ thể mới chỉ hoạt động khoảng 40% công suất, trong khi độc tố trong các loại thực phẩm hàng ngày mà người dân Việt Nam tiếp xúc thì ngày càng nhiều, đó là chưa kể đến các nguồn nguồn nước và môi trường. (Tr.N)

‘Hai Đảng CS dẫn dắt quan hệ phát triển tốt đẹp’

‘Hai Đảng CS dẫn dắt quan hệ phát triển tốt đẹp’

BBC

13-12-2016

Hai ông Phạm Minh Chính và Lưu Vân Sơn tại Bắc Kinh hôm 12/12. Ảnh: Tân Hoa xã

Thăm Bắc Kinh, ông Phạm Minh Chính nói Đảng Cộng sản Việt Nam “sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn dắt quan hệ Việt – Trung phát triển tốt đẹp hơn”, theo đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI).

Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn đón tiếp, theo Tân Hoa Xã hôm 12/12/2016.

Bản tin tiếng Việt của hãng thông tấn này, phát đi trên kênh CRI gọi ông Phạm Minh Chính là “đồng chí”.

Vẫn nguồn tin này trích lời ông Lưu Vân Sơn cho biết, “hai nước Trung – Việt là láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Việt Nam đi sâu thực hiện nhận thức chung quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nắm chắc định hướng đúng đắn trong phát triển quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, tăng cường giao lưu kinh nghiệm quản lý đất nước, sâu sắc hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung – Việt phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài.”

‘Bốn toàn diện’

Vẫn Tân Hoa Xã bản tiếng Việt trích lời ông ông Phạm Minh Chính nói:

“Việt Nam đánh giá cao những thành tựu thu được trong điều phối thúc đẩy bố cục chiến lược “Bốn toàn diện” của Trung Quốc cũng như những đóng góp nổi bật của Trung Quốc cho hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc sâu sắc toàn diện quan hệ giữa hai Đảng, cùng dẫn dắt quan hệ Việt – Trung phát triển tốt đẹp hơn.”

Theo thông tin chính thức từ các báo Việt Nam, ông Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng khóa 12.

Ông sinh năm 1958 tại xã Hoa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, từng là lưu học sinh tại Romania, có bằng kỹ sư ngành xây dựng và sau là phó giáo sư, tiến sĩ luật.

“Ông từng công tác tại Cục Nghiên cứu Khoa học, Kinh tế và Kỹ thuật, Bộ Nội vụ, có nhiệm kỳ làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam tại Romania,” theo VietnamNet.

Ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an năm 2010, hàm trung tướng và có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (8/2011).

Vào tháng 4/2015, ông về làm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương rồi làm ủy viên BCH TƯ khóa 12, ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, theo các báo Việt Nam.

Lẩn quẩn chấn chỉnh đảng và cải cách

Lẩn quẩn chấn chỉnh đảng và cải cách

Kính Hòa, phóng viên RFA
2016-12-13

Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.

Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (trái) tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016.

AFP photo

Ngày 9 tháng 12 một lần nữa, ông Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam lại đề cập đến vấn đề chỉnh đốn đảng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời gian gần đây hầu như không đề cập đến việc cải tổ cơ cấu nền kinh tế.

Chỉnh đốn đảng hay cải cách kinh tế?

Trong một lần trao đổi với chúng tôi về kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội cho rằng khi đề cập đến những vấn đề kinh tế, hội nhập kinh tế toàn cầu thì những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều mong muốn có những cải cách, nhưng khi đề cập đến chính trị thì họ đều là những người bảo thủ.

Trên bình diện kinh tế, thời gian qua Việt Nam chứng kiến sự chậm trễ trong vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường, số nợ xấu tăng cao, cũng như sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra thảm họa môi trường biển Vũng Áng cũng thể hiện sự quản lý yếu kém nền kinh tế.

Trên bình diện chính trị, sau sự kiện quan trọng là đại hội đảng lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, Việt Nam lại chứng kiến hàng loạt nghi vấn liên quan đến tham nhũng với liên tục ba cán bộ cao cấp từng làm việc cho tập đoàn dầu khí quốc gia bỏ trốn ra nước ngoài.

Khi đề cập đến những vấn đề kinh tế, hội nhập kinh tế toàn cầu thì những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam đều mong muốn có những cải cách, nhưng khi đề cập đến chính trị thì họ đều là những người bảo thủ.
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

Sau hội nghị trung ương đảng lần thứ tư vừa kết thúc vào ngày 14 tháng 10, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế trong nước, sống ở Hà Nội nói với chúng tôi rằng ông không thấy nghị quyết của hội nghị này đưa ra vấn đề cải cách cơ chế của nền kinh tế, mặc dầu đó là điều đất nước đang rất cần trong lúc này:

“Trong tình hình hiện nay, Việt Nam rất cần cải cách thể chế, phải giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, phải giảm bớt bộ máy cồng kềnh hết sức trùng lắp này. Đặc biệt là phải giảm các khoản vòi vĩnh, bắt các doanh nghiệp phải trả thêm, thì mới kinh doanh được. Tất cả những điều ấy tôi chưa thấy có một nghị quyết có tính hệ thống và theo các chuẩn mực quốc tế. Tôi chưa thấy.”

Trước khi đại hội lần thứ 12 của đảng cộng sản diễn ra, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á Thái Bình Dương có phân tích với chúng tôi về các khuynh hướng khác nhau trong tầng lớp cai trị Việt Nam hiện nay. Theo ông trong các khuynh hướng đó có một nhóm mà ông gọi là trục lợi, và môi trường chính trị, kinh tế Việt Nam hiện nay đang là môi trường tốt cho nhóm này phát triển:

“Chế độ chính thể của Việt Nam hiện nay vẫn tạo một môi trường rất là phù hợp cho xu hướng trục lợi. Thứ nhất là có một nhà nước tương đối là độc đoán, tương đối là khép kín, mặc khác lại có một nền kinh tế tương đối là thoải mái trong việc làm tiền, có thể dùng tiền để mua chức, và dùng chức để kiếm tiền.”

Trong một lần trao đổi với Nam Nguyên của đài RFA, luật sư Trần Quốc Thuận có nhận định rằng “nếu tình trạng tha hóa tham ô tràn làn không ngăn chặn được, thì Đảng và chế độ sẽ mất niềm tin người dân không ủng hộ nữa. Trong hoàn cảnh như thế thì cơ sở tồn tại của Nhà nước sẽ rất thấp.”

Ý của ông Trần Quốc Thuận muốn nói đến nhà nước do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo hiện nay.

Một nhà bất đồng chính kiến với đảng cộng sản hiện nay là Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, hiện đang sống tại Đà Lạt nói với chúng tôi rằng sự lo ngại của đảng cộng sản trước kia chỉ thuần về thay đổi ý thức hệ, nay lại bao gồm cả chuyện mâu thuẫn giữa các phe phái với nhau:

“Bộc lộ sự mâu thuẫn trong nội bộ đảng về mặt nhân sự, chẳng những về mặt tư tưởng mà con về mặt nhân sự có thể dẫn đến lật đổ nhau, như ở Đại hội Đảng lần thứ 12 và thậm chí như vụ ở Yên Bái và đến vụ Trịnh Xuân Thanh nữa.”

Đảng mạnh hơn sẽ tạo nên kinh tế mạnh hơn?

Có lẽ vì những lý do đó mà trong các văn kiện quan trọng của đảng, hay các lời phát ngôn gần đây của các quan chức cao cấp của đảng đều nói đến việc chấn chỉnh lại đảng cộng sản Việt Nam, thay vì cải cách thể chế kinh tế. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét về nghị quyết của hội nghị trung ương lần thứ tư của đảng do ông Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng trình bày:

“Tôi không thấy có một ý gì cải cách mạnh mẽ ở đây cả. Điều ông ấy tập trung nói ở đây là chống tham nhũng và tập trung xây dựng đảng. Có lẽ đấy là trọng điểm. Còn tình hình kinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy có dùng chữ nghiêm trọng. Nhưng tôi không thấy có cái điều gì gọi là cải cách một cách mạnh mẽ.”

Chế độ chính thể của Việt Nam hiện nay vẫn tạo một môi trường rất là phù hợp cho xu hướng trục lợi.
-Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm

Với đảng cộng sản là lực lượng duy nhất quản lý xã hội Việt Nam, những người như ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng khi đảng được chỉnh đốn, nó sẽ mạnh lên để lãnh đạo đất nước Việt Nam. Tuy nhiên một nhà quan sát từ nước ngoài là chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, hiện sống tại Hoa Kỳ cho rằng:

Phải giới hạn lại vai trò của đảng, đó là một cách. Cái thứ hai là mở rộng vai trò của quốc hội, ít ra là quốc hội trong hoàn cảnh hiện tại, giải quyết chuyện đó nó mới giải quyết được vấn đề kinh tế. Bởi vì nếu kinh tế thị trường phát triển lệch lạc, chính là vì hệ thống chính trị, nếu mà không giải quyết hệ thống chính trị, nếu mà không phá vỡ đặc quyền chính trị của một số ở trên cùng thì chúng ta sẽ không có kinh tế thị trường.

Trở lại với ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng khi đề cập đến vấn đề chính trị thì nhiều nhà lãnh đạo cộng sản hiện nay sẽ là những người bảo thủ, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm cũng cho rằng có một khuynh hướng trong tầng lớp lãnh đạo Việt Nam hiện nay mong muốn giữ được những điều liên quan đến ý thức hệ hơn là những ý tưởng cải cách.

Lại xuất hiện xác bệnh nhân quấn chiếu, được khiêng bộ về nhà

Lại xuất hiện xác bệnh nhân quấn chiếu, được khiêng bộ về nhà 

 

From Facebook :Like cho VIỆT NAM

Trong khi hình ảnh một người đàn ông điều khiển xe gắn máy chở theo một thi thể nữ cuốn trong manh chiếu rách được ghi lại tại Sơn La hồi giữa tháng 9 vẫn còn ám ảnh dư luận thì mới đây, một sự việc thậm chí còn thương tâm hơn vừa xảy ra tại Hòa Bình. Lần này là một xác nam giới, được quấn chiếu rồi khiêng bộ từ bệnh viện về nhà.

Hình ảnh đáng thương được ghi lại tại Hòa Bình.

Sự việc gây xót lòng được cho là xảy ra đầu giờ chiều qua, 11.12, tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo đó vào thời gian này, có hai người đàn ông ăn mặc tuyềnh toàng, khiêng trên vai một chiếc cọc tre mà trên đó là một bệnh nhân đã chết được bó chặt trong manh chiếu mỏng. Đi hơi tụt lại phía sau là một người đàn ông khác, dáng vẻ đau khổ vì than khóc.

Hình ảnh này sau đó lọt vào ống kính của một tay máy nghiệp dư, anh lại gần hỏi chuyện thì được biết người xấu số vừa vừa được bệnh viện đa khoa Lạc Sơn trả về. Vì quá nghèo, gia định lựa chọn phương án đưa người chết về bằng cách khiêng lên vai.

Để làm rõ thông tin trên, tối cùng ngày, PV Báo Lao Động đã liên hệ với ông Bùi Văn Vanh – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lạc Sơn. Qua điện thoại, ông Vanh xác nhận, người chết là một bệnh nhân nam tên là L. (khoảng hơn 30 tuổi, trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn) đã bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Bệnh nhân này vừa được người nhà cho nhập viện lúc hơn 9h sáng ngày 11.12 trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Các bác sĩ đã can thiệp bằng mọi cách để cứu chữa nhưng tới 11h, bệnh nhân có chuyển biến xấu rồi tử vong nên gia đình xin cho về nhà lo hậu sự.

Lai xuat hien xac benh nhan quan chieu, duoc khieng bo ve nha – Anh 2

Bệnh viện Đa khoa huyện Lạc Sơn.

“Thời điểm trên, trực lãnh đạo bệnh viện là một đồng chí Phó giám đốc. Lúc bệnh nhân L. tử vong, đúng lúc xe cấp cứu của bệnh viện cũng đưa hai bệnh nhân khác về nhà nhưng chưa về đến nơi, người nhà lại không kiên nhẫn chờ nên họ đã có hành động như vậy. Chứ thực lòng, chúng tôi cũng khuyên gia đình họ nên chờ xe để chở bệnh nhân về cho đỡ tủi thân. Họ lại cho bệnh nhân vào chiếu bó lại rồi quấn chăn, khiêng bằng gậy tre về nhà trông rất thương tâm và phản cảm”, ông Vanh nêu ý kiến.

Cũng theo lời vị giám đốc bệnh viện Lạc Sơn, bệnh nhân L. có hoàn cảnh khá éo le. Anh L. sống cùng với một người mẹ già làm ruộng ở xã Yên Phú. Từ nhà đến viện cũng không xa, chưa đầy một cây số nên khi đến, mẹ anh này đã nhờ hai người hàng xóm khiêng anh L. bằng võng tre.

Hình ảnh đáng thương này lập tức khiến dư luận nhớ lại câu chuyện đau lòng cách đây không lâu tại Sơn La. Theo đó, hồi giữa tháng 9, cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ bức ảnh người đàn ông chở đằng sau một thi thể người phụ nữ đã tử vong sau đợt chữa trị tại bệnh viện này.

Sau đó, nạn nhân được làm rõ là chị Lò Thị Phanh, 40 tuổi, ở Quỳnh Nhai, Sơn La. Do chị này bị HIV/AIDS giai đoạn cuối nên rất yếu, gia đình muốn đưa chị về để có thể trút hơi thở cuối cùng tại nhà. Tuy nhiên trên đường về, thấy em gái ngừng thở trong khi xe ôm từ chối đi tiếp nên ông Muôn – anh trai chị Phanh – đã dùng chiếu bó em gái lại và chở bằng xe máy từ thành phố Sơn La về tới xã Mường Sại.

Long Nguyễn

 

Cần Thơ: Bổ nhiệm vụ phó ‘ma’ là ‘đúng quy trình’

 Cần Thơ: Bổ nhiệm vụ phó ‘ma’ là ‘đúng quy trình’

Nguoi-viet.com

Ông Vũ Minh Hoàng (phải) nhận quyết định bổ nhiệm làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư – Thương Mại và Hội Chợ Triển Lãm của Cần Thơ rồi trở qua Nhật học tiếp. (Hình: Đài PTTH Cần Thơ)

CẦN THƠ (NV) – Một phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa ký thông báo thu hồi báo cáo của một phó ban khác. Báo cáo này khẳng định việc bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng làm vụ phó là “đúng quy trình!”

Ông Vũ Minh Hoàng là ví dụ mới nhất về sự lũng đoạn hệ thống công quyền tại Việt Nam của các băng nhóm quyền lực.

Tháng Sáu, 2014, Ban Tổ Chức Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đồng ý cho Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ tuyển dụng ông Vũ Minh Hoàng, quê ở Bắc Ninh, lúc đó mới 24 tuổi, đang du học tại Bỉ vào làm “chuyên viên” của tại Phòng Nghiên Cứu Tổng Hợp.

Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ là cơ quan thay mặt Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN giám sát và chỉ đạo toàn bộ các vấn đề có liên quan đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy ông Hoàng ở ngoại quốc, nhưng vào Tháng Giêng năm nay, “chuyên viên” Vũ Minh Hoàng vẫn được bổ nhiệm làm vụ phó Vụ Kinh Tế Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ. Ngay sau đó, ban này có văn bản “cho phép” ông Vũ Minh Hoàng đi Nhật học tiến sĩ.

Ông Hoàng chỉ có tên trong danh sách lãnh đạo Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ chứ không đến chỗ này làm việc ngày nào. Vụ trưởng Vụ Kinh Tế của ban này mới thú nhận ông không hề biết mình có một phụ tá tên Vũ Minh Hoàng.

Nói cách khác, ông Hoàng là một vụ phó “ma.”

Chuyện chưa ngừng ở đó, đúng 32 ngày sau khi được bổ nhiệm làm vụ phó, ông Hoàng được chủ tịch thành phố Cần Thơ “xin” đích danh để “tăng cường cho địa phương.”

Sau khi thủ tục “xin tăng cường nhân sự” hoàn tất, chính quyền thành phố tổ chức lễ tiếp nhận, bổ nhiệm ông Hoàng làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Đầu Tư – Thương Mại và Hội Chợ Triển Lãm của Cần Thơ. Ông Hoàng đến Cần Thơ dự lễ rồi& qua Nhật học tiếp.

Giữa tuần trước, truyền thông Việt Nam nêu thắc mắc về sự thăng tiến của ông Hoàng.

Và câu chuyện lập tức trở thành một “scandal.”

Giới lãnh dạo Việt Nam, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng,… thường lập tức chỉ đạo xem xét, điều tra ngay những vụ phạm pháp hình sự gây rúng động dư luận, nhưng cho tới nay, chưa có ai phát biểu câu nào về trường hợp Vũ Minh Hoàng.

Chỉ có hai nơi đưa ra ý kiến về việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Hoàng là Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ (nơi đưa ra các đề nghị tuyển dụng, bổ nhiệm ông Hoàng) và Ban Tổ Chức của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN (nơi phê duyệt đề nghị tuyển dụng và bổ nhiệm ông Hoàng).

Những viên chức hữu trách, liên quan trực tiếp đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Hoàng, đều khẳng định, thanh niên này là một… “tài năng trẻ” mà đảng và nhà nước cần nên việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông không có gì sai.

Thậm chí, vào ngày 11 Tháng Mười Hai, ông Nguyễn Quốc Việt, một phó Ban của Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, chính thức ký gửi một báo cáo khẳng định, việc tuyển dụng, bổ nhiệm ông Hoàng “đúng quy trình.”

Theo báo cáo vừa kể thì việc tuyển dụng, bổ nhiệm này được các viên chức lãnh đạo Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ “thống nhất.”

Ông Hoàng từng tốt nghiệp đại học loại giỏi ở Trung Quốc, có hai bằng thạc sĩ loại xuất sắc của hai đại học (một ở Anh, một ở Bỉ), biết năm ngoại ngữ, có mối quan hệ tốt với một số doanh nghiệp ngoại quốc lớn, có khả năng mời gọi đầu tư vào Tây Nam Bộ. Sở dĩ ông được chọn, bổ nhiệm làm chức vụ này là vì nơi đây cần một văn phòng xúc tiến đầu tư tại Nhật.”

Báo cáo kể thêm rằng, đầu Tháng Ba, 2015, ông Hoàng mời nhiều giáo sư, tiến sĩ và các tập đoàn tài chính lớn của Nhật đến Cần Thơ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long “tìm hiểu cơ hội đầu tư.”

Việc trao cho ông Hoàng hàm “vụ phó” là nhằm giữ chân ông “tiếp tục làm việc tại Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật.”

Hàm “vụ phó” còn nhằm tạo điều kiện để ông Hoàng thuận lợi trong quan hệ với các đối tác ở Nhật và một số quốc gia khác khi mời gọi hợp tác đầu tư phát triển kinh tế khu vực Tây Nam Bộ.

Trong vụ này, ông Hoàng cũng lên tiếng, nói rằng ông dư bằng cấp để hưởng sự đặc cách trong tuyển dụng và bổ nhiệm.

Báo cáo không đề cập đến điều mà ai cũng thắc mắc: Vũ Minh Hoàng là con cháu của ai?

Một số người sử dụng Internet tại Việt Nam tiết lộ, cha của Vũ Minh Hoàng là một “doanh nhân thành đạt” nhờ có quan hệ mật thiết với nhiều viên chức lãnh đạo của đảng, nhà nước, và chính phủ. Ngoài cha, ông Hoàng còn có chú ruột là một sĩ quan công an cao cấp, từng phụ trách an ninh tại Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ.

Có một điểm đáng chú ý là chỉ vài tiếng sau khi báo chí công bố báo cáo của ông Việt về trường hợp Vũ Minh Hoàng, một phó ban khác của Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ, ký thông báo thu hồi báo cáo này vì “nội dung chưa được tập thể thống nhất,” việc phát hành báo cáo “không đúng quy trình.”

Báo cáo về việc tuyển dụng, bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng đang gợi ra nhiều thắc mắc mới.

Giới lãnh đạo đảng CSVN từng cam kết sẽ chỉ đề ra chủ trương, chính sách, việc thực hiện những chủ trương, chính sách này là trách nhiệm của hệ thống công quyền. Nếu đúng như thế thì tại sao lại cần phải có những ban chỉ đạo kiểu như Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ với cấu trúc về tổ chức y hệt như cấu trúc của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN và chính phủ Việt Nam để dân chúng phải cõng thêm một mớ viên chức?

Nếu chỉ giám sát, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương, chính sách thì tại sao Ban Chỉ Đạo Tây Nam Bộ cần phải có “văn phòng xúc tiến đầu tư tại Nhật?”

Sau khi du học tại ngoại quốc, kể cả được chọn gửi ra ngoại quốc du học bằng ngân sách vì học lực khá, khi quay trở về Việt Nam, rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, không tìm được chỗ đứng thích hợp, phải bỏ việc, thậm chí tìm đường ra ngoại quốc sống. Rất nhiều lần báo chí Việt Nam cảnh báo về sự lãng phí cả nhân lực lẫn tài chính này. Dựa vào đâu để khẳng định, giá trị những bằng cấp mà ông Vũ Minh Hoàng đã thủ đắc cao hơn giá trị bằng cấp của hàng chục ngàn cá nhân cũng du học ngoại quốc nhưng khi trở về, tìm kiếm đến mỏi mòn vẫn không ra chỗ đứng thích hợp?

Năng lực các tùy viên thương mại của những cơ quan ngoại giao Việt Nam trên toàn thế giới, cũng như hệ thống “xúc tiến đầu tư thương mại” từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các trung tâm “xúc tiến đầu tư thương mại” đều kém hơn ông Hoàng trong việc mời gọi “hợp tác đầu tư phát triển kinh tế” nên dứt khoát không thể để “sổng” ông?

Cuối cùng, lấy gì bảo đảm rằng, sau khi đã được đầu tư thích đáng để thu lượm bằng cấp, dùng mớ bằng cấp đó làm bệ phóng vào những vị trí rất cao của hệ thống công quyền trong một thời gian cực kỳ ngắn, ông Hoàng sẽ không khai thác quyền lực và “mối quan hệ tốt với một số doanh nghiệp ngoại quốc lớn” để làm cho cha ông trở thành một “doanh nhân thành đạt hơn?” (G.Đ.)

Việt Nam: Nếu chịu dở dang thì sinh hoạt tôn giáo rất ‘tự do’!

 Việt Nam: Nếu chịu dở dang thì sinh hoạt tôn giáo rất ‘tự do’!

Nguoi-viet.com

Công trình xây dựng nhà thờ Tam Tòa chụp khi có lệnh tạm ngưng vì thiếu phần sau của giấy phép. (Hình: http://dcctvn.org/)

VIỆT NAM – Giáo xứ Tam Tòa vừa được lệnh tạm ngưng xây dựng nhà thờ để chờ… phần sau của giấy phép xây dựng. Hồ sơ xin phép xây dựng công trình này mới chỉ được duyệt… phần móng.

Ðể tăng “hiệu lực thực thi” lệnh tạm ngưng xây dựng, chính quyền tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu công ty điện lực, công ty cấp nước cắt toàn bộ điện, nước và công an thì đã rải người, chặn tất cả các phương tiện vận chuyển vật liệu đến nhà thờ Tam Tòa.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Việt Nam lại khiêu khích giáo phận Vinh thông qua câu chuyện về nhà thờ Tam Tòa.

Nhà thờ Tam Tòa tọa lạc tại thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ngôi nhà thờ này nổi tiếng vì nằm trong nhóm rất nhỏ những nhà thờ cổ kính và đẹp nhất Việt Nam (xây dựng năm 1886 theo kiến trúc của Bồ Ðào Nha).

Giáo xứ Tam Tòa là một trong những xứ đạo đầu tiên của Công Giáo Việt Nam (1631). Sau Hiệp Ðịnh Geneve (1954), giáo dân Tam Tòa di cư vào Nam. Nhà thờ Tam Tòa bị chiếm dụng rồi trở thành nơi đồn trú của một đơn vị phòng không của quân đội CSVN. Ðó cũng là lý do, trong chiến tranh Việt Nam (1954-1975), nhà thờ trúng bom của không lực Hoa Kỳ (1965), chỉ còn lại tháp chuông và trở thành phế tích.

Sau Tháng Tư năm 1975, chính quyền Việt Nam không cho xây dựng lại nhà thờ Tam Tòa với lý do đó là “di tích lịch sử cấp tỉnh,” một “chứng tích tội ác chiến tranh.” Ðể chứng tỏ thiện chí, Công giáo Việt Nam đồng ý sẽ đổi thửa đất có nhà thờ Tam Tòa lấy một mảnh đất khác để xây dựng lại nhà thờ Tam Tòa. Thỏa thuận này giữa giáo phận Vinh với chính quyền tỉnh Quảng Bình được lập từ 2008 nhưng chính quyền tỉnh Quảng Bình không giao đất.

Giáo xứ Tam Tòa trở thành một xứ đạo không có nhà thờ trong nhiều thập niên. Tháng Bảy năm 2009, khoảng 200 giáo dân Giáo xứ Tam Tòa đổ đến khuôn viên nhà thờ Tam Tòa để dựng một cái lán để có nơi sinh hoạt tôn giáo. Lực lượng vũ trang (gồm cả quân đội lẫn công an) đổ đến giật sập cái lán này. Có 19 người bị bắt.

Tuần sau, hàng trăm ngàn giáo dân của Giáo phận Vinh đổ về các nhà thờ trong giáo hạt của họ, thắp nến cầu nguyện cho công lý trong vụ nhà thờ Tam Tòa. Những buổi thắp nến cầu nguyện như thế hun nóng không khí ở khu vực phía Bắc miền Trung.

Ngày 14 Tháng Tám năm 2009, 200,000 giáo dân của Giáo phận Vinh đổ về nhà thờ Xã Ðoài (nhà thờ chính tòa của giáo phận Vinh) tiếp tục cầu nguyện cho công lý trong vụ nhà thờ Tam Tòa. Chính quyền Việt Nam nhượng bộ bằng cách phóng thích 12/19 người đã bị bắt. Khởi tố bảy người còn lại vì “gây rối trật tự công cộng” và hứa sẽ đẩy nhanh việc cấp đất để giáo dân Tam Tòa xây nhà thờ của họ. Tuy nhiên bốn năm sau (2013), Giáo xứ Tam Tòa mới nhận được đất, mảnh đất để xây nhà thờ mới nằm cách thửa đất có nhà thờ cũ gần ba cây số, song cây chuyện về nhà thờ Tam Tòa chưa kết thúc. Giáo dân Tam Tòa vẫn phải dự lễ và tham dự các sinh hoạt của xứ đạo tại tư gia một số đồng đạo của mình vì muốn xây dựng nhà thờ mới phải có giấy phép xây dựng mà hồ sơ xin phép xây dựng nhà thờ Tam Tòa mới thì lại được chính quyền tỉnh Quảng Bình xem là rất quan trọng.

Thêm vài năm chờ đợi hồ sơ xin phép xây dựng nhà thờ Tam Tòa mới được phê duyệt, cuối cùng giáo xứ Tam Tòa cũng nhận được quyết định cho phép làm… móng và tầng hầm của nhà thờ!

Tại sao lại chỉ mới cho phép làm… móng và tầng hầm của nhà thờ thì chính quyền chưa thèm giải thích. Khi giáo xứ Tam Tòa hoàn tất móng và tầng hầm rồi tiếp tục xây dựng phần phía trên theo hồ sơ và thiết kế đã nộp thì họ nhận được quyết định phạt 30 triệu đồng vì “vi phạm các qui định về xây dựng.” Mới nhất là lệnh tạm ngưng thi công. Lệnh này có thể là sự khởi đầu của một đợt xung đột mới giữa giáo phận Vinh với chính quyền Việt Nam và chắc chắn hàng giáo phẩm của giáo phận này sẽ bị cáo buộc thêm một lần nữa vì “thiếu thiện chí,” “kích động gây rối”! (G.Ð)