Lính Ukraine đứng chào cờ tại Balaklyia, Kharkiv trước khi di chuyển tới Kupyansk. Ảnh: Getty images
Chỉ huy Ukraine Petro Kuzyk biết bí mật của cuộc tấn công dẫn đến sự sụp đổ của quân Nga ở phía đông bắc đất nước này – đó là sự kết hợp của quyết tâm gan dạ, kế hoạch cẩn thận và sử dụng khôn khéo các thiết bị quân sự phương Tây với số lượng hạn chế.
Kết quả là, cuộc tiến công của quân đội Ukraine đã giải phóng 3.000 km vuông chỉ trong sáu ngày, là chiến thắng lớn nhất của Ukraine kể từ khi đẩy lùi quân đội Nga khỏi Kyiv vào tháng 3. Nhiều người Ukraine hy vọng cuộc tấn công này có thể đóng vai trò một bước ngoặt trong cuộc xung đột kéo dài gần 7 tháng qua.
Kuzyk, chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh Svoboda của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine tham gia cuộc tấn công cho biết: “Cuộc phản công của chúng tôi đã được chuẩn bị từ lâu. Chúng tôi đã làm suy giảm khả năng phản kích của họ với những pha tấn công liên tục và chính xác… Bộ tham mưu [cũng] đánh lạc hướng, làm họ nghĩ rằng cuộc phản công lớn sẽ đến từ phía nam“.
Vào thời điểm Kuzyk và các chiến sĩ tấn công hồi tuần trước, quân Nga xung quanh góc đông nam của tỉnh Kharkiv đã rất hoảng sợ. Nhiều người bỏ chạy vội vã đến nỗi các bữa ăn vẫn còn nguyên trên bàn căng tin, và có những thùng đạn dược có giá trị và vũ khí khác được bỏ lại gần chiến hào.
Kuzyk nói với Financial Times: “Chúng tôi đã hy vọng vào một thắng lợi nhưng không ngờ quân Nga lại hèn nhát đến vậy”, giọng nói của anh chùng xuống vì kiệt sức sau sáu ngày chiến đấu. “Họ đã bỏ lại xe tăng và thiết bị quân sự… thậm chí còn lấy xe đạp để tẩu thoát. Việc quân đội Nga đã hoàn toàn tự tan rã khiến công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn; họ bỏ chạy như những vận động viên chạy nước rút Olympic”.
Theo Tướng Valeriy Zaluzhnyi, chỉ huy quân đội Ukraine, cuộc tấn công của Ukraine xung quanh Kharkiv đã đẩy quân Nga trở lại trong phạm vi 50 km tính từ biên giới ở biên giới phía đông bắc. Cuộc tấn công này được thực hiện sau khi có các cuộc tấn công khác vào vị trí chiến lược Kherson ở phía nam.
Chiến dịch dùng vũ khí tổng hợp, trong đó Ukraine triển khai một cuộc tấn công phối hợp với xe tăng, bộ binh và lực lượng yểm trợ trên không, đã làm những người hay hoài nghi, vốn cho rằng quân đội Ukraine thiếu quân và thiết bị để phá vỡ thế bế tắc quân sự hiện tại, đã phải im lặng.
Cuộc tấn công này đã biến chiến lược có chủ ý của Kyiv thành sự thật, đó là ăn mòn sức mạnh quân số và dàn pháo khổng lồ của Nga bằng cách sử dụng các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo chính xác hơn của phương Tây cũng như các cuộc tấn công của quân du kích để phá hủy các bãi chứa đạn, căn cứ hậu cần và sở chỉ huy quan trọng của Nga phía sau chiến tuyến.
Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã gọi đó là chiến lược “David đấu với Goliath”. Trong cuộc tấn công ở phía đông bắc Ukraine, điều đó có nghĩa là phải chiếm được các tuyến đường sắt và các trung tâm hậu cần mà quân Nga sử dụng để di chuyển lượng vũ khí và nhiên liệu khổng lồ mà Nga cần để duy trì lợi thế về pháo binh và quân số trước những người lính Ukraine được trang bị kém hơn.
Serhiy Kuzan, cố vấn quân sự của Bộ Quốc phòng Ukraine, người vừa trở về từ mặt trận phía đông, cho biết: “Nếu bạn tiêu diệt được lợi thế bất đối xứng mà quân Nga có được nhờ pháo binh, họ không chỉ ngừng chiến đấu mà thậm chí còn bỏ chạy. Đây là bí mật của chiến dịch này. Quân đội Nga chỉ là một quả bóng bay xì hơi”.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên là tốc độ mà quả bóng Nga đã xì hơi, ít nhất là trong đoạn đường dài 1.300 km này. Lúc đầu, quân lính Ukraine di chuyển đến Balakliia, và Kuzyk nói rằng tại đây các lực lượng phòng thủ của Nga “được tổ chức một cách hỗn loạn… với tuyến đầu tiên được canh phòng cẩn mật” nhưng tuyến thứ hai và thứ ba chỉ là “các chốt quan sát lẻ tẻ”.
Khi Balakliia bị bao vây, quân Ukraine đã tiến vào Kupyansk, một trung tâm đường sắt và đường bộ cung cấp quân khí cho hệ thống phòng thủ của Nga ở phía đông bắc. Điều này khiến quân đội Nga đóng tại Izyum gần đó bị ảnh hưởng.
Kuzan nói: “Toàn bộ kho vũ khí của họ dọc theo trục Izyum đã bị khống chế. Người Nga có lợi thế về vũ khí, nhưng tốc độ của lực lượng của chúng tôi không cho phép họ khai thác nó.”
Hỗ trợ đà tiến quân của Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết hôm 9/9 rằng, họ đã ra lệnh cho quân đội của mình rút lui khỏi Balakliia và Izyum, tuyên bố rằng điều này sẽ cho phép họ tập trung vào một chiến tuyến khác. “Họ nói rằng đó là một cuộc sơ tán. Nhưng đó là [một] cuộc rút lui trong hoảng loạn,” Kuzan nói.
Cả Kuzyk và Kuzan đều cho rằng Ukraine cần thêm vũ khí để tiếp tục đẩy lùi quân Nga. Kuzyk nói: “Nếu chúng tôi đạt được điều đó, thách thức của quân Nga sẽ là ngăn chặn lực lượng của chúng tôi ở biên giới“.
Hiệu quả chiến lược của những gì cuộc tấn công này đã đạt được – ngoài những dải đất rộng lớn tự do trên lãnh thổ Ukraine còn thưa thớt dân cư – vẫn còn chưa rõ ràng. Reznikov cho biết: “Sự phát triển của chiến dịch này đã tốt hơn những gì chúng tôi mong đợi và điều đó có nghĩa là Bộ tổng tham mưu lục quân cũng sẽ thay đổi kế hoạch của họ tùy theo kết quả thành công của chiến dịch”.
Xe bọc thép quân Nga bỏ lại ở Balaklyia, Kharkiv. Ảnh: AFP
Mark Galeotti, một nhà phân tích quân sự và quan sát Điện Kremlin kỳ cựu, cảnh báo: “Bạn không bao giờ được đánh giá thấp hoàn toàn người Nga, ngay cả khi họ có vẻ giống như một đội quân của Keystone Cops.
“Nhưng [cuộc tấn công] tạo ra cho Ukraine động lực quân sự thần kỳ, điều này đã khiến cho người Nga mất công suy đoán xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo và Nga sẽ buộc phải phân tán quân đội của mình theo đủ các cách khác nhau”.
Những gì Nga đã làm được là mang lại cho Ukraine một động lực lớn về mặt tinh thần – cho quân đội của họ và cho các đối tác phương Tây – đồng thời làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của Nga. Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Chechnya, nằm trong số những người đang chỉ trích quân đội Nga về việc rút lui. Kadyrov nói rằng nếu chiến lược của quân Nga không thay đổi, ông sẽ nói chuyện với “lãnh đạo của đất nước Nga”.
Cuộc tấn công đã “tàn phá tâm lý và tinh thần của binh lính Nga – và tinh thần chiến đấu là chìa khóa cho các binh sĩ bộ binh, nếu không có nó, họ không có cơ hội nào”, Kuzan nói. Cuộc tấn công cũng đã đánh gục “tinh thần của xã hội Nga; chúng tôi đã thấy họ đang tìm kiếm ai đó để đổ lỗi”.
Một binh sĩ Ukraine bị thương trong thời gian đầu giao tranh trong cuộc tấn công mới đây ở vùng Kherson được chăm sóc tại một cơ sở y tế ở miền nam Ukraine. Ảnh: WP
Trong những căn phòng bệnh viện thiếu ánh sáng ở miền nam Ukraine, những người lính bị đứt lìa chân tay, bị thương do mảnh đạn, với những bàn tay biến dạng và các khớp xương bị vỡ nát, đã kể lại những bất lợi mà đơn vị của họ phải đối mặt trong những ngày đầu của cuộc tấn công mới đây, nhằm đánh đuổi quân Nga khỏi thành phố chiến lược Kherson.
Các binh sĩ nói rằng họ thiếu pháo binh cần thiết để đánh bật quân cố thủ của Nga và tường thuật lại khoảng cách đáng ngạc nhiên về công nghệ của họ so với các đối thủ được trang bị tốt hơn. Các cuộc phỏng vấn đã cung cấp một số thông tin trực tiếp đầu tiên về nỗ lực chiếm lại lãnh thổ Nga chiếm được trước đó. Đây là chủ đề rất nhạy cảm, và các chỉ huy quân đội Ukraine đã cấm các phóng viên đến gần tiền tuyến.
Sau khi bị pháo kích dữ dội, Denys, một người lính Ukraine 33 tuổi, đã cùng với tiểu đội của anh bị tụt lại phía sau và di chuyển vào vùng đất Nga đang chiếm giữ, cho biết: “Họ đã pháo kích dữ dội lên đầu chúng tôi. Ai có thể sống sót sau một cuộc pháo kích trong năm giờ liền như vậy?”.
Denys và tám binh sĩ Ukraine khác từ bảy đơn vị khác nhau đã cho phóng viên thấy được những góc nhìn hiếm hoi về cuộc phản công Kherson ở phía nam, hoạt động quân sự tham vọng nhất của Kyiv kể từ khi quân Nga bị đánh đuổi ra khỏi thủ đô Kyiv vào tháng 3. Giống như trong trận chiến giành Kyiv, thành công của Ukraine hầu như không được đảm bảo và lời kể của các binh sĩ cho thấy rằng một cuộc chiến kéo dài và nhiều thương vong hơn đang ở phía trước.
Ihor, một chỉ huy trung đội người Ukraine, 30 tuổi, bị thương ở lưng khi chiếc xe tăng mà anh ta đang lái lao xuống một con mương. Anh đang được chăm sóc trong một cơ sở y tế ở miền nam Ukraine. Ảnh: WP
Ihor, một người chỉ huy trung đội 30 tuổi, bị thương ở lưng khi chiếc xe tăng anh lái đâm vào một con mương cho biết: “Để tiêu diệt được một lính Nga, chúng tôi phải mất 5 người.”
Ihor không có kinh nghiệm gì về quân sự trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Anh kiếm sống bằng việc bán thức ăn gia súc cho các trang trại lợn và bò. Người thay thế anh làm chỉ huy trung đội cũng không có kinh nghiệm quân sự nào trước đây.
Những người lính đã được phỏng vấn trên cáng và trên xe lăn trong quá trình họ hồi phục sau những vết thương trong cuộc tấn công. Một số trả lời với điều kiện giấu hoàn toàn tên và họ để tránh bị kỷ luật. Những người khác, như Denys và Ihor, đồng ý cho phóng viên nêu tên của họ. Nhưng hầu hết trong số họ đều kể rõ ràng về những bất lợi mà họ phải đối mặt.
Họ nói rằng máy bay không người lái Orlan của Nga đã tiếp xúc với các vị trí của Ukraine ở độ cao hơn một kilomet trên đầu họ, và ở độ cao này họ chưa bao giờ nghe thấy tiếng vo ve của thiết bị bay này đang theo dõi chuyển động của họ.
Một binh sĩ Ukraine bị thương, Serhii, 30 tuổi, tại một cơ sở y tế ở miền nam Ukraine. Ảnh: WP
Các xe tăng Nga chạy ra từ các công sự xi măng mới xây và bắn bộ binh bằng pháo cỡ lớn, các binh sĩ Ukraine bị thương cho biết. Sau đó, các phương tiện sẽ lại chạy trở lại, nấp bên dưới các hầm trú ẩn bằng bê tông, được che chắn khỏi hỏa lực súng cối và tên lửa.
Hệ thống radar phòng không của Nga tự động phát hiện và xác định vị trí những binh lính Ukraine đang nhắm bắn pháo vào quân Nga, và sử dụng hỏa lực pháo binh để đáp trả.
Các công cụ hack của Nga đã hack các thiết bị bay không người lái của Ukraine. Những người điều khiển drone đã thấy máy bay của họ trôi đi ra sau chiến tuyến mà không thể điều khiển được
Ukraine đã không khuyến khích đưa tin về cuộc tấn công này, dẫn đến độ trễ thông tin về một bước ngoặt quan trọng có thể xảy ra trong cuộc xung đột đã kéo dài gần bảy tháng với Nga.
Khi Ihor bắn vào các binh sĩ Nga bằng khẩu súng trường Kalashnikov của mình cách đây vài ngày, anh nói, đây là lần đầu tiên anh bắn một người. “Bạn không nghĩ về bất cứ điều gì,” anh nói. “Bạn hiểu rằng, nếu bạn không bắn chết họ, họ sẽ bắn chết bạn.”
Bất chấp những thách thức, Ihor cho biết anh rất háo hức trở lại tiền tuyến ngay sau khi anh đã lành lặn. “Người của tôi ở đó. Làm sao tôi có thể rời bỏ họ?”
Những người lính khác thì sẽ không trở lại chiến trường.
Oleksandr, một người lính Ukraine 28 tuổi, bị mất cánh tay khi chiến đấu với quân Nga đang chiếm đóng Kherson, một phần của “cây cầu đất liền” nối tới Crimea của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: WP
Oleksandr, một cựu công nhân xây dựng 28 tuổi, bị mất cánh tay trong một vụ nổ súng cối trong cuộc phản công tuần trước. Anh nhăn mặt vì cơn đau tưởng tượng trên giường bệnh vào Chủ nhật, nói rằng anh cảm thấy đau nhói từ các ngón tay và bàn tay mà đã bị cắt rời ra khỏi cơ thể anh.
Oleksandr cho biết, các đợt pháo kích của Nga là không ngừng. “Họ pháo kích chúng tôi mọi lúc,” anh nói. “Nếu chúng tôi bắn ba quả đạn cối về phía họ, họ sẽ bắn lại về phía chúng tôi 20 quả đạn cối.”
Các binh sĩ Ukraine cho biết họ phải cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng các loại vũ khí nhưng ngay cả khi khai hỏa, họ vẫn gặp khó khăn khi bắn trúng mục tiêu. “Khi bạn đưa ra tọa độ, nó được cho là sẽ bắn chính xác tới đó, nhưng không phải vậy,” anh nói, lưu ý rằng thiết bị của anh có niên đại từ năm 1989.
Oleksandr chưa bao giờ đến Kherson trước chiến tranh, nhưng anh cho rằng mục tiêu đánh đuổi quân xâm lược Nga đáng để hy sinh một cánh tay. “Đó là đất nước của chúng tôi,” anh nói.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng quân Ukraine đã chiếm lại hai ngôi làng ở khu vực Kherson và một trong những phụ tá của ông đã đăng hình ảnh lá cờ Ukraine được treo trên làng Vysokopillya vào cuối tuần qua.
Zelensky nói trong một video: “Các lá cờ Ukraine đang trở lại những nơi đáng lẽ nó phải ở đó.” Nhưng không thể đánh giá được những tiến bộ mà lực lượng Ukraine đã đạt được trong nỗ lực đánh đuổi quân xâm lược Nga khỏi Kherson.
Khu vực bị Nga chiếm trước đó trong chiến tranh, là một phần quan trọng trong “cây cầu nối đất liền” của Tổng thống Nga Putin với Crimea, bán đảo bị Nga xâm lược và sáp nhập trái phép vào năm 2014.
Petro, 30 tuổi, là một trong số nhiều binh sĩ Ukraine hiện đang được điều trị tại các cơ sở y tế ở miền nam Ukraine khi thương vong gia tăng trong cuộc tấn công chiếm lại Kherson của Ukraine. Ảnh: WP
Dù cuộc chiến có đẫm máu, các binh sĩ Ukraine cho biết họ không thấy có sự thay thế nào khác.
“Nếu chúng tôi không ngăn chặn kẻ thù, chúng sẽ hãm hiếp và giết người dân của chúng tôi như chúng đã làm ở mọi nơi khác,” bạn cùng phòng của Oleksandr trong bệnh viện, một người lính nghĩa vụ 49 tuổi, người yêu cầu phóng viên gọi anh bằng biệt danh “Pinochet.”
Pinochet cho biết đầu gối của anh đã bị ép vỡ do mảnh đạn từ một quả đạn cối được bắn ra sau khi một máy bay không người lái phát hiện ra anh trong cuộc phản công Kherson. Anh nói rằng mặc dù thương vong về người của Ukraine là đáng kể, nhưng bên tấn công luôn mất nhiều binh sĩ hơn.
Pinochet nói: “Chúng tôi không thể làm gì để giải quyết vấn đề đó. Và chúng tôi vẫn có thể giành chiến thắng.”
Tác chiến điện tử của Nga cũng là mối đe dọa thường trực. Các binh sĩ mô tả việc kết thúc ca làm việc, sau đó họ bật điện thoại để gọi điện hoặc nhắn tin cho các thành viên trong gia đình – một hành động ngay lập tức thu hút sự chú ý của pháo binh Nga.
Denys nói: “Khi chúng tôi bật điện thoại di động hoặc radio, họ có thể nhận ra sự hiện diện của chúng tôi ngay lập tức. Và sau đó màn pháo kích bắt đầu.”
Bất chấp lệnh cấm các phương tiện truyền thông đến thăm tiền tuyến, có những dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang mất dần quyền kiểm soát tại Kherson.
Trong một tuyên bố hôm 5/9, một tổ chức chính phủ tại vùng Kherson được Điện Kremlin hậu thuẫn cho biết, các kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý ở khu vực này đã bị hoãn lại do các vấn đề an ninh. Tuyên bố này của Nga sau đó đã được rút lại, nhưng nó khiến người Ukraine lạc quan và cho rằng ít nhất, cuộc phản công đã gây ra một số xáo trộn cho quân Nga.
Ukraine hy vọng rằng cuộc phản công Kherson sẽ thúc đẩy tinh thần yêu tổ quốc, và chứng minh cho các chính phủ phương Tây thấy rằng hàng tỷ đô la hỗ trợ kinh tế và quân sự của họ đang được đền đáp, ngay cả khi các lệnh trừng phạt chống lại Nga đã làm tăng giá năng lượng và lạm phát và làm gia tăng lo ngại về một mùa đông thậm chí còn đắt đỏ hơn nữa tại châu Âu.
Phóng viên Washington Post không thể xác nhận các tuyên bố của Ukraine về việc chiếm lại các ngôi làng như Vysokopillya, mặc dù các binh sĩ được phỏng vấn cho biết họ có thể tiến vào một số ngôi làng do Nga kiểm soát trước đây. Những người lính đó từ chối nêu tên các ngôi làng, họ nói rằng họ đã nhận chỉ thị bảo mật từ cấp trên của họ.
Một nhóm các nhà báo của Washington Post đã đi đến gần sát Vysokopillya, ở phía bắc Kherson, trong phạm vi 3km vào hôm 5/9. Họ đã bị quân đội Ukraine ngăn cản tiến vào ngôi làng và không thể xác định được nó đã được quân Ukraine chiếm hay chưa. Một quan chức địa phương cho biết tại đây các lực lượng Ukraine và Nga vẫn đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát.
Không thể có được một bức tranh toàn cảnh chi tiết về thiệt hại của Ukraine, với đánh giá một cách độc lập từ các phóng viên.
Người lính Ukraine Ruslan, 30 tuổi, bị thương khi chiến đấu ở Kherson. Ảnh: WP
Denys, ngồi thẳng lưng trên giường bệnh, cho biết hầu hết mọi thành viên trong đơn vị 120 người của anh đều bị thương, mặc dù chỉ có hai người thiệt mạng.
Một binh sĩ 25 tuổi đang được điều trị vết thương do mảnh đạn găm phải cho biết, trong đơn vị 100 binh sĩ của anh, có 7 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Ihor, chỉ huy trung đội, cho biết 16 trong số 32 người dưới quyền chỉ huy của anh đã bị thương và một người thiệt mạng.
Những người lính bị thương của Ukraine đã được chia ra đến các bệnh viện khác nhau trên khắp miền nam Ukraine để giải phóng các cơ sở y tế chính gần khu vực Kherson cho các bệnh nhân đến sau.
Washington Post giấu tên các bệnh viện điều trị cho các binh sĩ vì những cơ sở y tế này đã bị quân Nga nhắm tới trong suốt cuộc chiến.
Hôm Chủ nhật, một bệnh viện ở Mykolaiv, một thành phố gần Kherson, đã bị Nga pháo kích. Phòng khám nhi khoa của cơ sở này đã bị hư hại nặng đến mức không còn hoạt động được nữa.
Khi nói đến thương vong, Rob Lee, một nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho biết Ukraine phải đảm bảo rằng họ duy trì một lực lượng chiến đấu đủ lớn để chống lại những bước tiến của Nga ở phía đông, trong bối cảnh lực lượng vũ trang của Matxcơva là lớn hơn nhiều.
“Nếu họ bị thương vong nặng nề và việc này tiếp tục trong một thời gian dài, đó có thể là một vấn đề,” Lee nói.
Việc Ukraine phụ thuộc vào những người lính thiếu kinh nghiệm cũng là một lỗ hổng nhưng không phải là yếu tố chỉ dành riêng cho quân Ukraine, mà còn đúng cho cả quân Nga.
Khi bắt đầu xung đột, Nga và Ukraine đã chiến đấu bằng các đơn vị quân đội chuyên nghiệp. Sau khi chịu thiệt hại nặng nề ở khu vực phía đông Donbas, cả hai bên bắt đầu triển khai các đơn vị tình nguyện hoặc quân dự bị có ít kinh nghiệm hơn.
Lee cho biết, “cuộc phản công tại Kherson hiện đang thách thức quân đội Ukraine theo những cách hoàn toàn mới.”
Những người lính Ukraine đối đầu với người Nga trong vài tháng qua đã có được sự nhạy bén trên chiến trường mới, “nhưng phần lớn kinh nghiệm đó có thể chỉ liên quan đến việc giữ chắc các vị trí phòng thủ,” ông nói. “Tiến hành các hoạt động tấn công khó hơn nhiều, và cần có thời gian và đào tạo.”
Oleh, một người lính Ukraine đang được điều trị vết thương ở miền nam Ukraine, đã giải cứu một chú mèo con tại tiền tuyến. Ảnh: WP
Việc các bệnh viện hoạt động tấp nập cho thấy rõ ràng rằng những người lính không phải chiến đấu một mình. Các bác sĩ, y tá và các nhân viên bệnh viện khác đã làm việc suốt ngày đêm để chăm sóc cho lượng lớn binh sĩ bị thương. Một y tá đã lén đưa một con mèo con vào phòng điều trị chấn thương cho một người lính tên là Oleh. Anh đã giải cứu con mèo này từ tiền tuyến sau khi mẹ của nó bị một mảnh đạn pháo giết chết.
Các tình nguyện viên đã mang theo đồ vệ sinh cá nhân, bao gồm bàn chải đánh răng và chất khử mùi, và túi quần áo mới để binh sĩ mặc sau khi các bác sĩ dùng kéo cắt nát áo và quần của họ để làm vết thương lộ ra.
Mỗi binh sĩ cho biết không thể dự đoán khi nào Kherson có thể được giải phóng, và nhiều người cho biết điều đó sẽ phụ thuộc vào thời điểm Ukraine nhận đủ các hệ thống pháo binh từ các đồng minh.
Khi một người lính tỏ ra không chắc liệu cuộc phản công có xứng đáng với những khó khăn mà họ phải chịu đựng hay không, Oleksandr, người đã nổi tiếng là “diễn viên hài của bệnh viện”, cho biết điều quan trọng là phải duy trì một thái độ tích cực.
“Bạn phải pha trò để giữ tinh thần phấn chấn. Chúng tôi có thể có thái độ lạc quan như thế này bởi vì chúng tôi là người Ukraine,” anh nói. “Chúng tôi sẽ rất tử tế nếu bạn không đụng chạm đến chúng tôi.”
MOSCOW, Nga (NV) – Chủ tịch công ty dầu khí Nga Lukoil chết đột ngột sau khi “rớt khỏi cửa sổ tầng 6” của một bệnh viện ở Moscow, ít tháng sau khi chỉ trích việc ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, đưa quân xâm lăng Ukraine, theo bản tin của tờ The Telegraph hôm Thứ Năm, 1 Tháng Chín.
Ông Ravil Maganov, 67 tuổi, thiệt mạng sau khi rơi từ cửa sổ lầu 6 của bệnh viện Trung Ương ở Moscow, nơi ông đang được điều trị, theo bản tin của hãng thông tấn Nga Interfax.
Bồn chứa dầu của công ty Lukoil tại Brussels, Bỉ. (Hình minh họa: Kenzo Tribouillard/AFP via Getty Images)
Giới truyền thông địa phương cũng nói rằng nhân viên công lực đã đến hiện trường để điều tra nguyên nhân xảy ra sự việc.
Lukoil, hãng dầu khí lớn hàng thứ nhì ở Nga, là một trong số rất ít các công ty tại quốc gia này bày tỏ sự chống đối cuộc xâm lăng vào Ukraine.
Trong bản thông cáo đưa ra hồi Tháng Ba, Lukoil cho biết: “Chúng tôi kêu gọi chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt, chúng tôi bày tỏ sự cảm thông đối với tất cả các nạn nhân do thảm kịch này. Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ có một cuộc ngưng bắn lâu dài và giải quyết các vấn đề qua đường lối thương thuyết và ngoại giao.”
Ông Maganov làm việc cho Lukoil từ năm 1993, ngay sau khi công ty được thành lập. Ông từng có trách nhiệm về lọc dầu, sản xuất và tìm kiếm khai thác dầu mỏ, trở thành chủ tịch công ty năm 2020. Người em của ông Maganov, Nail Maganov, đứng đầu Tatneft, một công ty dầu hỏa cỡ trung của Nga.
Ông Ravil Maganov là người thân cận với ông Vagi Alekperov, một trong các nhà sáng lập công ty Lukoil. Ông Alekperov, một cựu thứ trưởng dầu khí Nga, từ chức tổng giám đốc công ty Lukoil hồi Tháng Tư, một tuần lễ sau khi Anh đưa ra các biện pháp phong tỏa tài sản và cấm đến Anh nhằm trừng phạt thành phần tài phiệt ở Nga.
Cái chết của ông Maganov đánh dấu lần thứ nhì có giới chức cao cấp liên hệ với Lukoil thiệt mạng chỉ trong vài tháng.
Trước đó, tỷ phú Nga Alexander Subbotin, một cựu thành viên Hội Đồng Quản Trị Lukoil, chủ một công ty vận chuyển đường biển, chết sau khi có thầy thuốc dùng nọc độc của ếch để giúp ông tỉnh rượu.
Trụ sở Gazprom is ở Moscow, Nga. (Hình minh họa: Kirill Kudryavtsev/AFP via Getty Images)
Có ít nhất sáu giới chức cao cấp khác trong các công ty năng lượng ở Nga đã chết trong những hoàn cảnh đáng ngờ thời gian gần đây.
Ông Yury Voronov, người đứng đầu một công ty kho hàng cung cấp dịch vụ cho Gazprom, chết vì một phát súng bắn vào đầu trong hồ tắm ở căn nhà đắt tiền của ông ta tại khu ngoại ô St Petersburg hồi Tháng Bảy.
Ngay trước đó, ông Leonid Shulman, người đứng đầu công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển Gazprom Invest, chết ở nơi gần St. Petersburg hồi Tháng Giêng, và ông Alexander Tyulakov, phó tổng giám đốc Gazprom, chết một tháng trước đó.
Thi thể ông Vladislav Avayev, cựu phó tổng giám đốc Gazprombank, cùng vợ và con gái được tìm thấy ở Moscow hồi Tháng Tư.
Một ngày sau đó, ông Sergey Protosenya, một giới chức cao cấp của Novatek, trực thuộc Gazprom, thấy chết cùng vợ và con gái ở Tây Ban Nha. (V.Giang)
Mình thần tượng thằng cha điên quái kiệt này: Elon Musk. Dân nhập cư, đến Mỹ, được đất nước và nền giáo dục tạo điều kiện học hành.
Thế rồi “hắn” đứng ra thành lập, lãnh đạo, phát triển hàng loạt những thương hiệu hay tập đoàn “Quái vật”. Từ PayPal, qua Tesla, tới SpaceX, SolarCity, Hyperloop… tập đoàn nào cũng là những nhà khổng lồ, khai phá, tạo nên những cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ, kinh tế, y khoa…
Mới vừa đây, lại thấy cái tin gây sửng sốt cho giới khoa học, người ta cấy chip vô não 3 con heo, mở ra một hướng đột phá phát triển trí tuệ nhân tạo, tương tác với não người trong tương lai, để chữa rất nhiều bệnh liên quan đến não. Lại là một cái tên khác, Neuralink, cũng của Musk!
Phải nói, chỉ cần có được một phần nhỏ những gì Musk làm được, đã đủ là vĩ nhân, là thiên tài…
Elon Musk làm việc với cường độ trên 80 giờ/tuần (gấp đôi giờ hành chính hiện nay) là chuyện thường. “Hắn” có thể ngủ trong xưởng máy với công nhân, hay vùi mình với đám kỹ sư đầy máu điên trong phòng thí nghiệm.
Đã nhiều năm, Musk làm việc với cường độ đó và không có ngày nghỉ, cũng như những đợt du lịch xả hơi.
Và tất nhiên, Musk giàu. Nhưng lại như “đồng bọn” là hàng loạt tỉ phú Mỹ khác, hắn hứa và đã dành hầu hết tài sản để làm từ thiện.
Hình như (và đã rõ ràng), chỉ có môi trường Mỹ Quốc mới có thể tạo nên những quái kiệt như vậy. Họ như từ hành tinh nào đến, đóng góp cho nhân loại, vắt kiệt mình, rồi ra đi.
Và càng ngơ ngẩn, chẳng hiểu tại sao, người ta kêu là “bọn tư bản bóc lột” và kiên quyết duy trì học thuyết đó!
Tóm tắt: Những bạo chúa hiện đại lại coi cuộc đời của Gorbachev như một câu chuyện cảnh giác.
Một đế chế được xây dựng trên sự dối trá và bạo lực không đáng để cứu giúp. Mikhail Gorbachev, người vừa qua đời tuần này ở Matxcơva ở tuổi 91, hiểu rõ điều đó hơn tất cả. Vì điều này, ông xứng đáng được tôn vinh, đặc biệt là nhờ có ông, hàng trăm triệu người đã sống trong tự do và hòa bình hơn kể từ khi ông đã khiến đế chế Liên Xô sụp đổ và do đó kết thúc Chiến tranh Lạnh. Bi kịch là rất nhiều người đã quên những bài học trong câu chuyện phi thường của ông, hoặc rút ra những kết luận sai lầm chính xác từ chúng.
Gorbachev chưa bao giờ đặt ra mục tiêu phá bỏ Liên Xô hoặc sự thống trị rộng lớn hơn của nó. Thay vào đó, ông nhắm đến việc làm cho nó mạnh hơn và tốt hơn, thông qua hai chính sách mở cửa và cải cách, glasnost và perestroika. Gorbachev tin tưởng vào dự án xã hội chủ nghĩa hơn nhiều so với nền dân chủ tự do; nhưng ông cũng biết rằng bí mật và đàn áp chỉ tạo ra tham nhũng và sự rối loạn chức năng, và những gì Gorbachev coi là một dự án xứng đáng và nhân văn sẽ không thể tồn tại nếu không có sự thay đổi.
Gorbachev cũng vậy, mặc dù có quá nhiều sự cố trong đời ông có dính đến việc sử dụng vũ lực, nhưng ông có ác cảm cá nhân sâu sắc với bạo lực. Và vì vậy, khi các cuộc nổi dậy chống cộng sản năm 1989 tràn qua Đông Âu, ông đã lựa chọn đúng: để các nước vệ tinh của Matxcơva thoát ra khỏi quỹ đạo của Liên Xô, thay vì đè bẹp phong trào bằng những chiếc xe tăng mà đã đè bẹp các nhà dân chủ Hungary năm 1956 và người Tiệp Khắc vào năm 1968. Trước đó ông cũng đã hiểu rõ cái giá phải trả thảm khốc của cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, và đã ký hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân nhằm giảm nguy cơ ngày tận thế ở châu Âu.
Với việc Đông Âu được giải phóng khỏi sự thống trị từ xa của Liên Xô, có vẻ như không thể tránh khỏi những yêu cầu tương tự về quyền độc lập đến từ các nước cộng hòa cấu thành của Liên bang Xô viết. Mặc dù đây không phải là kết quả mà ông Gorbachev mong muốn, nhưng ông lại phải đối mặt với một sự lựa chọn: chấp nhận hoặc ngăn chặn việc giải thể Liên Xô bằng vũ lực. Một lần nữa, cuối cùng Gorbachev đã làm đúng. Quân đội Liên Xô đã đổ máu ở Gruzia và Litva, nhưng cuối cùng ông đã cho phép tất cả các nước cộng hòa đi theo con đường riêng của họ. Ngày nay, ngay cả những nước vẫn còn sống dưới cái bóng của chế độ chuyên quyền, như Kazakhstan và Belarus, cũng không còn hoài niệm về những ngày xếp hàng mua bánh mì và nhà tù gulag. Rất ít người bên ngoài nước Nga đồng ý với Vladimir Putin rằng sự sụp đổ của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20”.
Không giống như những người kế nhiệm, ông Gorbachev không tham nhũng. Ông không bao giờ tìm cách làm giàu cho bản thân, gia đình hoặc bạn bè của mình, đó là một lý do tại sao ông có thể nghỉ hưu mà không sợ phải ngồi tù hoặc tệ hơn. Tổng thống Putin thì không thể như vậy. Ngược lại, trong thời kỳ khủng hoảng của đế chế Liên Xô cũ mà Putin vẫn đang kiểm soát, ông ta đang cố gắng hết sức để xóa bỏ di sản của Gorbachev. Những lời nói dối và bạo lực do nhà nước bảo trợ đã quay trở lại nước Nga, cùng với những nhà tù dành cho những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Sự tôn trọng luật pháp và quyền tự do ngôn luận đã biến mất. Gần đây, Alexei Venediktov, một người bạn cũ của cố tổng thống Gorbachev cho biết: “Tất cả các cải cách của Gorbachev – đã về 0, tan thành tro, thành khói.” Ông Venediktov từng điều hành một đài phát thanh độc lập, mà đã bị đóng cửa ngay sau khi cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin bắt đầu. Vào ngày ông Gorbachev qua đời, các công tố viên nhà nước Nga đã yêu cầu mức án 24 năm tù giam đối với một nhà báo chỉ trích chế độ, sinh gần cuối thời kỳ cầm quyền của ông Gorbachev.
Được giải phóng khỏi bàn tay chết chóc của nomenklatura của Nga, các nước vệ tinh trước đây thuộc Đông Âu đã phát triển thịnh vượng. (Các nước cộng hòa trước đây thì phát triển kém hơn, ngoại trừ các nước vùng Baltic.) Nga có thể phát triển giàu có và tự do, nhưng Boris Yeltsin đã trao quyền cho các nhà tư bản tham nhũng và ông Putin thì trao quyền cho lực lượng an ninh thân cận. Nhưng mặc dù tầm nhìn của ông Gorbachev về một xã hội cởi mở đã bị đảo ngược ở Nga, nhưng việc Gorbachev đã cố gắng thực hiện nó và đã dám đi trọn con đường của nó vẫn là một thành tựu đáng kinh ngạc.
Tuy vậy, những lãnh tụ độc tài trên khắp thế giới lại coi những gì ông Gorbachev đã làm như một câu chuyện cảnh giác: nếu bạn cho người dân một chút tự do, họ sẽ đòi hỏi nhiều tự do hơn nữa. Trung Quốc tuy mở cửa kinh tế, nhưng đã đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ tại nước này tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989. Cuối năm đó, khi Đông Âu xóa bỏ sự cai trị của các đảng cộng sản, những người theo chủ nghĩa cứng rắn ở Bắc Kinh cảm thấy được minh oan vì đã không cho phép bất cứ điều gì tương tự xảy ra. Khi Liên Xô sụp đổ và những người cộng sản cũng mất quyền lực ở Mátxcơva, những người cầm quyền tại Trung Quốc đã lặng lẽ tự chúc mừng nhau vì họ đã tỏ ra không yếu đuối và ngu ngốc như vậy. Nếu được lựa chọn, người dân có xu hướng không thích bị cai trị bởi các bộ máy không thể kiểm soát và không thể thay đổi; vì vậy các nhà lãnh đạo của Trung Quốc kiên quyết không cho người dân Trung Quốc có quyền lựa chọn đó. Sự ổn định và tiến bộ kinh tế ở Trung Quốc đã phải trả giá đắt khi người dân mất đi tự do cá nhân, quyền của người thiểu số bị chà đạp và nạn tham nhũng đã ăn sâu trong chính quyền.
Lịch sử đã tiếp diễn kể từ khi ông Gorbachev rời Điện Kremlin. Nga không còn là siêu cường, ngoại trừ về mặt hạt nhân, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một siêu cường thực sự. Lời nói dối Lớn, một động lực của Liên Xô mà chỉ những người không có ký ức rõ ràng mới biết đến, đã được chứng minh là có tác dụng ngay cả trong các nền dân chủ trưởng thành. Đây là những sự thật khó chấp nhận đối với những người theo chủ nghĩa tự do. Tuy bây giờ họ đang thương tiếc người đàn ông đã làm cho một đế quốc chuyên chế phải tan rã, họ vẫn phải tiếp tục đấu tranh chống lại những bạo chúa hiện đại và những lãnh đạo chuyên xây dựng đế chế.
Người đoạt giải Nobel Hoà bình và là Chủ tịch nước cuối cùng của Liên xô, Michail Gorbachev đã qua đời tại Moscow vào ngày 30-8-2022, thọ 91 tuổi. Là một chính trị gia, Gorbachev được đánh giá cao trên toàn thế giới. Ông là một trong những người cha đẻ cho sự thống nhất nước Đức và là người mở đường kết thúc cuộc Chiến tranh lạnh sau Đệ nhị Thế chiến.
Trong những năm 1980, chính quyền Gorbachev đã ký các hiệp ước đột phá về giải trừ hạt nhân và kiểm soát vũ khí với Hoa Kỳ. Trong nước, Gorbachev với tư cách Tổng Bí thư đảng cộng sản Liên Xô, đã khởi xướng một chương trình cải cách sâu rộng với đường lối cời mở (glasnost) và tái cấu trúc (perestroika). Quá trình chính trị cải cách đã mang lại tự do chưa từng có cho hàng triệu người trong các chế độ toàn trị và cuối cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của đế chế cộng sản trên toàn Đông Âu.
Một chính khách độc nhất vô nhị
Gorbachev được người dân phương Tây yêu mến và thường được gọi bằng biệt danh Gorby. Các chính trị gia trên khắp thế giới đã bày tỏ sự tôn kính đối với di sản của người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1990 và lãnh đạo điện Kremlin.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi Gorbachev là “chính khách độc nhất vô nhị”, là người đã thay đổi tiến trình lịch sử. “Ông ấy đã góp phần kết thúc Chiến tranh lạnh trong hoà bình”.
Trên Twitter, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Liên minh Âu châu (EU) viết: “Gorbachev đóng một vai trò quan trọng trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh và làm sụp đổ của Bức màn Sắt, ông đã mở đường cho một châu Âu tự do. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên di sản này”.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố: “Mikhail Gorbachev là một người có tầm nhìn đặc biệt”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi Gorbachev trên Twitter là “người của hòa bình, người có quyết định mở ra con đường tự do cho người Nga”.
Thủ tướng Anh, Boris Johnson viết trên Twitter rằng, ông luôn ngưỡng mộ lòng dũng cảm và sự chính trực của Gorbachev.
Cựu Chủ tịch Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo CDU, Armin Laschet đã viết trên Twitter: “Liệu một người có thể thay đổi thế giới không?” Và tự trả lời: “Có. Gorbachev đã làm được mà không sử dụng bạo lực, xe tăng và 350.000 binh sĩ đang trú đóng tại Đông Đức.Mang lại Tự do cho hàng triệu người ở Trung– Đông Âu và Thống nhất cho nước Đức. Không thể tưởng tượng được nếu không có Mikhail Gorbachev”.
Nhân vật lịch sử và nhiều tranh cãi
Michael Gorbachev sinh năm 1931, tại làng Privolnoje trong vùng Stavropol, là con trai của một gia đình nông dân. Từ năm 1971, là thành viên của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Liên xô và từ năm 1980, ông trở thành ủy viên chính thức của Bộ Chính trị. Đến năm 1985, ở tuổi 54, Gorbachev đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, ba năm sau trở thành Chủ tịch Nhà nước Liên Xô. Vào năm 1991, Gorbachev từ chức Chủ tịch nước trước khi nhà nước cộng sản tự giải thể. Người hùng mới ở Moscow vào thời điểm đó là Tổng thống Boris Yeltsin.
Đường lối chính trị của Gorbachev đóng góp đáng kể vào sự kết thúc của cái gọi là Chiến tranh Lạnh nhưng một thành phần lớn dân chúng Nga lại coi ông là kẻ đào mộ của Liên Xô. Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói khác vinh danh sự nghiệp của Gorbachev. Grigory Yavlinsky, một chính trị gia nổi tiếng, sáng lập đảng đối lập Yabloko, viết trên Telegram “Gorbachev đã cho chúng tôi tự do. Ông ấy đã mang lại tự do cho hàng triệu người – ở Nga và các vùng lân cận và ở một nửa châu Âu và trong sáu năm cầm quyền, Mikhail Gorbachev đã thay đổi thế giới“.
Gorbachev đã viết nhiều sách – gần đây nhất là bày tỏ sự thất vọng của ông đối với người Đức và phương Tây. Ông chỉ trích Mỹ và một số quốc gia phương Tây, nhất là Đông Âu, có chủ trương tái lập chiến tranh lạnh để cô lập và chống Nga. Vì lý do sức khỏe, ông đã không đến dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ vào mùa thu năm 2019. Ông đã phải nhập viện liên tục trong vài năm qua.
Cho đến khi qua đời, Gorbachev đã thành lập tại Moskva một Hiệp hội tranh đấu cho các giá trị dân chủ và ủng hộ mối quan hệ hợp tác giữa Nga và phương Tây. Gorbachev cũng là đồng chủ sở hữu tờ báo “Novaya Gazeta”, báo chỉ trích Điện Kremlin và vạch trần các vụ lạm dụng ở Nga. Trong thời gian qua Gorbachev đã nhiều lần đòi hỏi Vladimir Putin hãy tôn trọng quyền tự do truyền thông và bầu cử.
Theo hãng thông tấn Đức DPA, Gorbachev sẽ được an táng tại nghĩa trang Novodevichy, Moskva, bên cạnh mộ người vợ Raisa qua đời năm 1999. Đến nay dư luận vẫn chưa rõ những quan khách quốc tế nào sẽ đến dự đám tang của Gorbachev, trong bối cảnh cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh EU đối với Nga.
Trong các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nếu như Phần Lan coi trọng “công bằng và miễn phí”, nước Đức nhấn mạnh “bình đẳng giữa mọi người”, và Mỹ đề cao “quyền tự do của công dân”, thì giáo dục của người Nhật lại coi đạo đức là cốt lõi, là bài học đầu đời của mỗi người.
Đối với người Nhật, một nền giáo dục tiên tiến phải thực hiện được tiêu chí “mỗi học sinh sẽ trở thành cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Do đó, khác với nhiều nước coi giáo dục đạo đức chỉ là một môn học, thì Nhật Bản “dạy người” qua tất cả các môn cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.
Ví dụ như giờ ăn trưa của học sinh Nhật Bản không chỉ là để ăn trưa, mà còn là một tiết học về tính tự lập, cách phục vụ bạn bè và lòng biết ơn. Trẻ được phân công mang đồ ăn cho các bạn, mặc đồng phục như một người phục vụ thật sự: Giáo viên sẽ múc thức ăn vào bát, rót sữa vào ly, và trẻ sẽ bưng đến bàn cho từng bạn… Sau đó, những trẻ phục vụ sẽ cùng đứng trước lớp đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng, còn các bạn sẽ đồng thanh nói cảm ơn.
Trẻ em Nhật không chỉ được tìm hiểu về thế giới tự nhiên, mà quan trọng hơn là học cách yêu thương muôn loài và có ý thức bảo vệ môi trường. Ví dụ như khi gieo hạt trồng cây, các em được hướng dẫn nói những lời tình cảm: “Cây ơi, hãy lớn lên nhé”, “Hãy nở hoa thật đẹp nhé”. Một cách tự nhiên, trẻ em Nhật đã hình thành nhân cách thiện lương, không chỉ quan tâm và yêu thương mọi người xung quanh, mà còn biết nâng niu cả cây cỏ và những đồ vật vô tình.
Có người hỏi, vì sao người Nhật lại coi trọng giáo dục đạo đức đến vậy? Đó là bởi, Nhật Bản là một dân tộc có tín ngưỡng và đức tin, và tín ngưỡng ấy cũng chính là chiếc chìa khoá hướng con người tới các chuẩn mực đạo đức cao.
Gốc rễ của nền giáo dục đạo đức chính là tín ngưỡng và đức tin
Đa số người Nhật theo Thần đạo (Shinto) và đạo Phật. Theo thống kê của Tổng cục văn hóa Nhật Bản vào năm 2006, có 84% người dân Nhật Bản theo Thần đạo và 70% người dân theo đạo Phật, nghĩa là có những người sẽ thực hành theo cả hai đức tin.
Thần đạo là tín ngưỡng chỉ có riêng ở Nhật Bản. Tư tưởng chính của Thần đạo là khuyên con người hướng tới sự trong sáng và tránh làm điều ác. Giết chóc bị coi là điều ác, nên con người không được sát sinh, trừ khi là vì sự sống còn của bản thân. Vậy nên, trước khi ăn người Nhật luôn cảm ơn các sinh linh đã nguyện hy sinh để trở thành thức ăn cho mình. Đây cũng là lý do vì sao trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc để nguyên, không thu hoạch. Nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà họ luôn để lại 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
Thần Đạo có rất nhiều các vị Thần, có đến 8 triệu Thần, đa phần có liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, Mặt Trăng, cây cỏ, hoa lá, núi sông… Ngay cả đá, núi, hay động vật như cáo, gấu và người quá cố đã trở thành linh hồn cũng được xem là Thần. Tất cả mọi vật đều có linh hồn và có tiếng nói của riêng mình. Người Nhật tin rằng con người chẳng qua chỉ là một phần trong thế giới tự nhiên, do đó mà phải yêu thương và tôn trọng muôn loài. Nhưng không chỉ thực vật hay động vật, mà còn cần tôn trọng cả những vật vô tri, bởi kami, tức linh hồn, có thể trú ngụ ở bất cứ nơi đâu.
Ngoài ra Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín của Nho giáo (do Khổng Tử đề xướng). Với những ai sống ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi thuyết vô Thần thì khi nói đến “đức tin” họ sẽ chỉ bật cười, đơn giản bởi vì họ không còn tin nữa, mà không nghĩ rằng bản thân mình đã bị học thuyết vô Thần tẩy não cắt đứt mất mối liên hệ với cội nguồn văn hóa truyền thống, đến mức không còn hiểu tin để làm gì.
Còn tại Nhật Bản thì đức tin đó là tự nhiên và đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người. Người Nhật đã áp dụng đức tin của mình khi đối mặt tất cả những vấn đề trong cuộc sống, kể cả những tình huống hiểm nguy nhất.
Nếu thiếu mất tín ngưỡng và đức tin, con người sẽ mất đi cội rễ của đạo đức. Nếu thay thế tín ngưỡng bằng các học thuyết đấu tranh, con người sẽ xem nhau như thù địch, đối đãi với nhau bằng trái tim lạnh giá, vô tình.
Chỉ khi sống có tín ngưỡng, có đức tin, thì dân tộc ấy mới có chuẩn mực đạo đức làm thước đo, mới có thể phân biệt tốt-xấu, thiện-ác, chính-tà. Chỉ khi có đạo đức, có đức tin, con người mới có thể trở về, tìm lại bản tính ban sơ thuần thiện của mình.
Vì sao người Nhật có thể làm nên nhiều kỳ tích, có thể sinh ra những công dân sống ý thức và giữ gìn phẩm giá của mình? Bí quyết chẳng đâu xa, bởi tất cả chỉ nằm ở điều mà họ vẫn gìn giữ, nhưng chúng ta thì đang dần mai một!
Theo một bản tin độc quyền của Reuters, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) vừa bắt đầu các cuộc thảo luận kỹ thuật sơ bộ với hãng SpaceX của ông Elon Musk, có thể dẫn đến việc tạm thời sử dụng các tên lửa đẩy của hãng này, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine làm cho phương Tây không dùng tên lửa Soyuz của Nga nữa.
Vẫn bản tin độc quyền của Reuters cho hay hãng tư nhân của Mỹ, đối thủ cạnh tranh của hãng Arianespace ở châu Âu, hiện trở thành ứng cử viên quan trọng cho việc lấp chỗ trống tạm thời trong các hoạt động phóng hàng lên không gian, bên cạnh các ứng cử viên Nhật Bản và Ấn Độ. Nhưng các quyết định cuối cùng hiện phụ thuộc vào lịch hoạt động của tên lửa Ariane 6 của châu Âu. Việc sử dụng tên lửa này đã bị hoãn lại và lịch hoạt động của nó vẫn chưa có gì rõ ràng.
Tổng giám đốc ESA Josef Aschbacher nói với Reuters: “Tôi có thể nói rằng có hai lựa chọn rưỡi mà chúng tôi đang thảo luận. Một là SpaceX thì rõ rồi. Một lựa chọn nữa có thể là Nhật Bản”.
“Nhật Bản đang chờ chuyến bay đầu tiên của tên lửa thế hệ tiếp theo của họ. Một lựa chọn khác có thể là Ấn Độ”, ông nói thêm trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi có thể nói rằng SpaceX thực sự có hoạt động nhiều hơn cả trong số đó và chắc chắn đó là một trong những tên lửa đẩy dự phòng mà chúng tôi đang cân nhắc”.
Aschbacher cho biết các cuộc đàm phán vẫn ở giai đoạn thăm dò và mọi giải pháp dự phòng sẽ chỉ là tạm thời.
“Chúng tôi tất nhiên cần đảm bảo rằng các tên lửa đó phải phù hợp. Nó không giống như chuyện nhảy lên xe buýt”, ông nói. Ví dụ, giao diện giữa vệ tinh và tên lửa đẩy phải phù hợp, và phải bảo đảm là các thiết bị được phóng lên không bị ảnh hưởng bởi những sự rung lắc lạ thường trong quá trình phóng.
“Chúng tôi đang xem xét khả năng tương thích kỹ thuật này nhưng chúng tôi chưa đề nghị các bên đưa ra bản chào giá thương mại nào. Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng sẽ có một lựa chọn để đưa ra quyết định về việc đề nghị một đưa ra bản chào giá thương mại chắc chắn”, Aschbacher nói.
Việc Nga xâm lược Ukraine dẫn đến hệ quả chính trị là tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX được hưởng lợi. Giờ đây tên lửa này có thêm nhiều khách hàng khác, là những bên đã cắt đứt quan hệ với ngành vũ trụ ngày càng bị cô lập của Moscow.
Công ty internet vệ tinh OneWeb, đối thủ cạnh tranh với hãng internet vệ tinh Starlink của SpaceX, đã đặt trước ít nhất một cuộc phóng Falcon 9 vào tháng 3. Hãng này cũng đã đặt trước một cuộc phóng do Ấn Độ thực hiện.
Hôm 8/8, hãng Northrop Grumman đã đặt hàng 3 cuộc phóng bằng Falcon 9 để vận chuyển hàng hóa của NASA đến Trạm Vũ trụ Quốc tế trong khi NASA thiết kế một phiên bản mới của tên lửa Antares. Trước đây, tên lửa này có động cơ do Nga sản xuất, nhưng Moscow đã thu hồi các động cơ đó để đáp trả các lệnh trừng phạt.
Cho đến nay, châu Âu vẫn phụ thuộc vào tên lửa Vega của Ý để phóng hàng hạng nhẹ, Soyuz của Nga cho hàng hạng trung và Ariane 5 cho hàng hạng nặng. Loại Vega C thế hệ tiếp theo của họ đã phóng lần đầu hồi tháng trước, còn loại Ariane 6 mới đã bị hoãn phóng cho đến năm sau.
(Reuters)
Tên lửa Falcon 9 của SpaceX phóng đi từ Florida hồi tháng 7/2022 (ảnh tư liệu).
Bà bán rau người Việt tại Đài Loan lọt top những người ảnh hưởng nhất thế giới
Bà Trần Thụ Cúc đã vinh dự lọt top 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Bà Cúc xuất thân không giàu có, công việc chỉ bán rau bình thường. Thế nhưng, bà có lòng hảo tâm không ai có thể sánh được.
Nhìn bề ngoài, bà Trần Thụ Cúc chỉ là một bà lão bán rau chăm chỉ và cần kiệm. Thế nhưng, ẩn sâu bên trong người phụ nữ hiền lành ấy là một trái tim nhân hậu với tấm lòng hảo tâm bao la như trời biển. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng trong suốt mấy chục năm qua, bà vẫn dành dụm được hơn 10 triệu Đài tệ (tương đương 7,6 tỷ đồng) để dùng vào các hoạt động từ thiện.
Có lẽ chẳng ai ngờ rằng sẽ có ngày một bà lão bán rau kham khổ lại có cơ hội sánh vai với những nhân vật nổi tiếng và đầy uy quyền trên thế giới, như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông chủ hãng Apple Steve Jobs, hay “bà hoàng truyền thông” Oprah Winfrey… để lên bục nhận giải thưởng “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới năm 2010” do tạp chí TIME bình chọn. Bà Trần Thụ Cúc xếp thứ 8 trong nhóm “anh hùng”. Cũng trong năm đó, bà còn vinh dự lọt vào top “những nhà từ thiện kiệt xuất” của tạp chí Forbers châu Á với thứ hạng 48.
Bà Trần Thụ Cúc sinh năm 1951, trong một gia đình nghèo khó với 8 nhân khẩu ở huyện Đài Đông, Đài Loan, Trung Quốc. Mọi chi phí sinh hoạt của họ đều phụ thuộc cả vào sạp rau ngoài chợ của bố – người đàn ông trụ cột trong nhà.
Năm 12 tuổi, khi vừa tốt nghiệp Tiểu học, bà Thụ Cúc đã phải trải qua một trong những biến cố lớn nhất cuộc đời khi mẹ của bà đột ngột qua đời vì khó sinh, đưa theo cả cô con gái xấu số còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời. Khó khăn chồng chất, bà Thụ Cúc buộc phải nghỉ học để ở nhà phụ bố bán hàng, kiếm tiền nuôi các anh em của mình ăn học.
Ngày qua ngày, bà kiên trì thức giấc từ lúc 4 giờ sáng rồi nhanh chóng đến chợ rau, bận rộn buôn bán mãi tới 9 giờ tối mới dọn hàng. Chớp mắt một cái, mấy chục năm đã trôi qua và bà vẫn miệt mài tích cóp từng đồng tiền lẻ từ sạp rau “gia truyền” của mình. Bắt đầu từ năm 2013, khi dịch SARS hoành hành, khu chợ rau của bà phải tiến hành khử trùng định kỳ hàng tháng, khiến bà buộc phải “nghỉ phép” 12 ngày/năm, cộng thêm ngày mùng 1 Tết Nguyên Đán, còn lại hầu như chẳng lúc nào bà nghỉ bán hàng.
Năm 1969, em trai thứ 3 của bà Trần Thụ Cúc qua đời sau một cơn bạo bệnh. Tuy là con gái, nhưng bà không hề nề hà công việc nặng nhọc và luôn sẵn sàng hy sinh mọi thứ để các anh trai, em gái và em trai của mình được ăn học đàng hoàng.
Mải miết gánh vác trọng trách nuôi sống và chăm lo cho các thành viên trong gia đình, bà Thụ Cúc chẳng có thời gian tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình. Thêm vào đó, nỗi đau bị phụ bạc khi còn xuân thì khiến cho bà mất hết niềm tin vào tình yêu, và cho đến nay bà vẫn sống độc thân.
Năm 2003, sau cái chết liên tiếp của bố và em trai thứ 2, bà Thụ Cúc trở nên chán nản và cảm thấy bất mãn với cuộc đời. Bà chẳng biết làm gì ngoài chuyện lao vào làm việc kiếm tiền để quên đi mối căm hận số phận nghiệt ngã. Mãi tới sau này, khi quy y cửa Phật ở đền Hải Sơn, huyện Đài Đông, bà Thụ Cúc mới dần buông bỏ thái độ hận thù cuộc đời và không ngừng làm thật nhiều việc thiện, bởi bà cho rằng: “Tiền, phải đưa cho đúng người cần dùng thì mới có tác dụng.”
Suốt bao năm qua, bà Thụ Cúc chăm chỉ làm lụng, dành dụm từng đồng bạc lẻ. Mặc dù đã mua được một căn nhà nhỏ, nhưng cuộc sống của bà vẫn rất khó khăn, sinh hoạt phí mỗi ngày chưa tới 100 Đài tệ (tương đương 76 nghìn đồng). Bà chỉ dám ăn no 1 bữa trưa hàng ngày với thực đơn là mì gói hoặc cơm hộp. Tuy nhiên, không phải do sạp rau của bà ế ẩm khiến bà không kiếm được tiền, mà bởi vì có bao nhiêu của cải, bà đều dành hết vào việc từ thiện.
Năm 1993, sau khi trải qua nỗi đau mất người thân, bà Thụ Cúc quyên góp 100 nghìn Đài tệ (tương đương 760 triệu đồng) cho ngôi trường Phổ Quang. Năm 1997, bà tiếp tục hiến tặng 100 nghìn Đài tệ cho trường Tiểu học Nhân Ái (ngôi trường mà bà từng theo học) để làm học bổng cho những học sinh nghèo. Năm 2005, bà lại quyên 4,5 triệu Đài tệ (tương đương 3,4 tỷ đồng) cho trường cũ xây dựng thư viện…Tính đến nay, bà Thụ Cúc đã dành ra tổng cộng hơn 10 triệu Đài tệ (tương đương 7,6 tỷ đồng) cho các hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, bà còn nhận đỡ đầu cho 3 đứa trẻ mồ côi trong vùng với chi phí tối thiểu hàng tháng là 3.000 Đài tệ (tương đương 2,3 triệu đồng).
Bà không ngừng giúp đỡ trẻ em gia cảnh khó khăn có cơ hội cắp sách đến trường, giúp người nghèo được ăn no mặc ấm và được đi khám chữa bệnh đầy đủ, bởi theo bà thì: “Tôi chỉ có một mình, tiết kiệm nhiều tiền để cho ai?”
Những người quen biết bà Trần Thụ Cúc đều biết bà là một người nhân hậu, chẳng nề hà giúp đỡ người khác. Chính vì vậy, họ thường tới mua rau của bà mà không bao giờ mặc cả, thậm chí còn chẳng lấy lại tiền thừa.
Vào lúc tạp chí Forbers công bố tên bà Trần Thụ Cúc trong danh sách “những nhà từ thiện kiệt xuất”, bà vẫn đang mải bán rau ngoài chợ như mọi ngày. Tới khi các hãng truyền thông đến truyền đạt thông tin bất ngờ, phản ứng đầu tiên của bà lão tốt bụng là: “Tôi chẳng biết đó là cái giải thưởng gì, mấy người đừng nói bừa, tôi làm gì có nhiều tiền để mà quyên góp cơ chứ!”
Mặc dù chẳng bao giờ nhận bản thân là một người hào phóng, cũng chẳng hề tỏ ra tự hào vì những việc mình đã làm, nhưng bà Thụ Cúc luôn được người đời yêu mến, kính trọng.
Bà Thụ Cúc hết sức bất ngờ khi nhận được giấy mời đến Mỹ lĩnh giải thưởng lớn của tạp chí TIME. Thế nhưng vì sức khỏe yếu, lại thêm căn bệnh viêm mô tế bào chân và chưa từng rời khỏi Đài Loan lần nào khiến bà không hề muốn đi đến bên kia bán cầu.
Biết chuyện, ông Mã Cửu Anh – cựu lãnh đạo Đài Loan – lập tức gọi điện thoại chúc mừng, đồng thời động viên bà Thụ Cúc đến New York. Ông ca ngợi bà là “đại sứ từ thiện” và hết lời khích lệ bà: “Những việc thiện của bà khiến cho cả thế giới phải nhìn vào Đài Loan, vì vậy, bà hãy đến Mỹ nhận giải, để giúp Đài Loan toả sáng!”.
Không những vậy, ông Mã còn giúp bà Thụ Cúc chuẩn bị trang phục đi lĩnh thường và chỉ thị cho các cơ quan chức năng lập tức thu xếp mọi thứ để bà có thể đến Mỹ một cách thuận lợi. Kết quả là hộ chiếu của bà Thụ Cúc được làm xong trong vòng 1 tiếng đồng hồ, còn visa cũng được cấp vào nửa tiếng sau đó.
Hôm được mời đến gặp ông Mã Anh Cửu, bà lão bán rau ăn mặc rất gọn gàng, thậm chí còn đến tiệm cắt tóc sửa sang lại mái tóc có phần bù xù của mình, bởi bà cho rằng việc ăn mặc tươm tất chính là cách để bày tỏ lòng tôn kính đối với nhà lãnh đạo Đài Loan.
Khi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới truyền thông, bà Thụ Cúc tỏ ra rất ngại ngùng. Bà thậm chí còn oán trách người đã tiết lộ những việc bà đã làm nên mới ra nông nỗi này.
Buổi chiều ngày 2/5/2010, bà Trần Thụ Cúc đáp chuyến bay đến Đài Bắc để chuẩn bị lên đường đi New York dự buổi tiệc trao giải diễn ra vào tối ngày 4/5. Tuy vậy, sáng sớm ngày 2/5 bà vẫn ra chợ rau Đài Đông để tưới rau và thu dọn sạch sẽ sạp hàng của mình.
Buổi tối ngày 3/5, bà hạ cánh an toàn ở New York và trú ngụ tại một khách sạn 5 sao sang trọng. Thế nhưng, suốt đêm hôm đó bà không hề chợp mắt, bởi không quen nằm trên chiếc giường đệm êm ái, mà chỉ nhớ nhung chiếc giường đơn sơ được làm từ một tấm gỗ cứng ở nhà mình.
Trước khi buổi lễ trao giải chính thức bắt đầu, bà Thụ Cúc được đưa đi làm đầu với đủ mọi kiểu mẫu tóc. Nhưng đến cuối cùng, bà lựa chọn buộc gọn tóc phía sau lại như mọi ngày vì: “Để như vậy thoải mái hơn.”
Người phụ nữ nhân hậu chia sẻ, ngay từ khi còn nhỏ bà đã được chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của những đứa trẻ nghèo nên rất muốn giúp đỡ chúng. Bà cho rằng việc mình làm không có gì đáng ca ngợi, và bà làm vậy chỉ bởi vì cảm thấy rất vui sướng khi giúp được người khác: “Mỗi khi giúp được ai đó thì buổi tối hôm ấy tôi ngủ rất ngon.”
Tuy chỉ sở hữu chiều cao 1,39m cùng dáng người nhỏ nhắn, thế nhưng bà lão bán rau Trần Thụ Cúc đã làm được những điều vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Có lẽ bà chính là minh chứng hùng hồn nhất cho câu nói: “Cho dù bạn không cao nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn”.
Mùa hè ở Ukraine, cũng thuộc Châu Âu sắp kết thúc đưa chúng ta quay trở lại với lịch sử vào năm 1941, khi một mùa đông lạnh giá luôn mang đến sự khốn khổ và thất bại.
Với thời tiết được xem là vào cuối mùa hè, con tàu đầu tiên chở ngũ cốc từ vụ thu hoạch ở Ukraine đã khởi hành và đang đi qua Biển Đen một cách bình thường, vì Nga và Ukraine gần đây đã đạt được thỏa thuận để các chuyến hàng ngũ cốc vượt qua vòng phong tỏa của Nga. Đây thực sự là một tin tốt cho các quốc gia thiếu trầm trọng lương thực trên thế giới.
Nhưng, vẫn có một tin xấu đi kèm, đó là cuộc xâm lược của Nga vẫn tiếp tục, không có dấu hiệu bớt đi hay dừng lại.
Nhưng tin xấu này không phải dành cho những người dân Ukraine, mà dành cho Putin và đoàn quân xâm lược của ông ta trên đất Ukraine. Đó là vì thường sau mùa hè, khi vụ mùa cuối cùng của năm nay sẽ được thu hoạch và các vùng đất bằng ở miền Trung và miền đông Ukraine sẽ trở lại trạng thái bỏ hoang, không ai cày cấy, gieo trồng gì cả. Một vùng đất mênh mông rộng lớn sẽ bị xem như vùng đất hoang vu, có rất ít người sinh sống.
Khi thời tiết ở Ukraine bước vào mùa Thu, người Ukraine thường gọi là mùa của mây mù luôn ngự trị bầu trời, ít thấy ánh nắng, lạnh giá, ướt át, các vùng đồng bằng, đất sẽ trở nên lầy lội, sình bùn khắp mọi nơi.
Một mùa Thu sắp tới đưa chúng ta quay trở về lịch sử năm 1941. Có bài học nào cho Putin trong cuộc xâm lược thảm khốc của Hitler vào Liên Xô không?
Vào tháng 8 năm 1939, khi Châu Âu tiến tới một cuộc chiến tranh thế giới, Đức và Liên Xô đã ký một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau. Hiệp ước Đức Quốc Xã-Liên Xô đã gây bất ngờ hoàn toàn cho các quốc gia khác, do sự khác biệt về hệ tư tưởng giữa hai nước.
Ngay sau đó, Hitler bắt đầu xâm lược Ba Lan. Lực lượng của Stalin sau đó tấn công từ phía tây và hoàn thành việc chinh phục và phân chia nhà nước Ba Lan. Trong một năm rưỡi tiếp theo, Đức cũng được hưởng lợi về mặt kinh tế từ thỏa thuận này, với việc Liên Xô xuất khẩu ngũ cốc và dầu để đổi lấy hàng hóa sản xuất. Sự hợp tác của Liên Xô cho phép Hitler mở rộng kế hoạch thống trị châu Âu. Vào tháng 5 năm 1940, Hitler tấn công về phía Tây và nước Pháp bị chinh phục trong sáu tuần. Nhưng, Liên Xô đã lầm, tưởng đâu được yên sau khi ký hiệp ước không tấn công với Hitler, và hòa bình với Liên Xô đã không kéo dài. Hitler vẫn luôn muốn mở rộng về phía đông.
Điều này khiến chúng ta nhớ đến lời tuyên bố của Putin trước ngày 14.02.2022, ông ta khẳng định rằng, người Nga chỉ tập trận, người Nga không hề xâm lấn ai, không tấn công ai, thế giới đã bị Putin lừa, và tôi cũng là một người từng tin vào những lời tuyên bố đó của Putin, nhưng rồi ngày 24.02.2022, quân Nga đã thực sự xâm lược Ukraine.
Sau khi nước Pháp sụp đổ, Hitler ra kế hoạch cho một cuộc xâm lược Liên Xô. Ông ta dự định phá hủy chế độ ‘Bolshevist Do Thái’ của Stalin và thiết lập quyền bá chủ của Đức Quốc Xã, bất kể hợp tác kinh tế và chính trị đang phát triển tốt giữa Liên Xô và Đức Quốc Xã. Liên Xô được coi là kẻ thù tự nhiên của Đức Quốc Xã và là mục tiêu chiến lược quan trọng.
Ngày 18 tháng 12 năm 1940, Hitler ban hành Chỉ thị 21 của Quốc trưởng, mệnh lệnh xâm lược Liên Xô bắt đầu.
Chiến dịch ‘Barbarossa’ rõ ràng đã thất bại. Bất chấp những tổn thất nghiêm trọng gây ra cho Hồng quân và những lợi ích lãnh thổ rộng lớn, nhiệm vụ của quân đội Đức Quốc Xã là tiêu diệt hoàn toàn sức mạnh chiến đấu của Liên Xô và buộc họ phải đầu hàng đã không đạt được.
Điều này cũng khiến chúng ta liên tưởng đến sự tự tin thái quá của các nhà hoạch định chiến lược, các tướng tá của Nga, họ tin rằng sẽ chiếm được toàn bộ đất nước Ukraine trong vài ngày đến vài tuần.
Một trong những lý do quan trọng nhất cho điều này là do hoạch định chiến lược kém. Người Đức không có kế hoạch dài hạn thỏa đáng cho cuộc xâm lược. Họ lầm tưởng rằng chiến dịch sẽ là một chiến dịch ngắn và rằng Liên Xô sẽ phải nhượng bộ sau khi hứng chịu cú sốc của những thất bại lớn ban đầu.
Người Liên Xô đã không chấp nhận thua trước đội quân xâm lược của Đức Quốc Xã, cũng giống như quân và dân người Ukraine không chấp nhận thua trước đội quân xâm lược của Nga ngày nay.
Giá trị và hoài bão giả tạo của một cuộc chiến bởi các tướng tá trong quân đội Nga hôm nay đã bị tiêu tan bởi khoảng cách rộng lớn của Ukraine, khó khăn về hậu cần và quân số của Nga, lính Nga bị tổn thất tiêu hao cho lực lượng xâm lược khiến họ không thể trụ lại khắp nơi trên các vùng đất rộng lớn của Ukraine mà phải rút toàn bộ lực lượng về phía Đông.
Có lẽ lý do quan trọng nhất dẫn đến thất bại của Đức Quốc Xã qua chiến dịch ‘Barbarossa’ là sự kháng cự ngoan cường của quân phòng thủ Liên Xô. Người Đức đã hoàn toàn đánh giá thấp ý chí chiến đấu của quân lính Liên Xô. Người lính Liên Xô được coi là một kẻ thù cứng rắn và bất khuất, và nhanh chóng nhận được sự kính trọng của phần lớn quân đội tiền tuyến của Đức Quốc Xã.
Cuộc chiến “Barbarossa” đang được người Nga tái hiện lại y chang trên đất Ukraine trong thế kỷ 21, cũng với những diễn biến tương tự, lý do sự thất bại của Nga ngày nay là bởi sự kháng cự kiên cường của quân lính Ukraine, người Nga đã đánh giá thấp ý chí chiến đấu của quân đội Ukraine, và cái giá họ phải trả giờ đây là sự tiêu hao nhân lực, vũ khí lớn nhất lịch sử, với số lượng chỉ sau trận đánh “Barbarossa” trong Thế chiến thứ Hai giữa Đức Quốc Xã và Liên Xô.
Những người Liên Xô có lợi thế khi chống lại cuộc xâm lược của Đức Quốc xã. Tuy yếu thế hơn, nhưng quân đội Liên Xô có thể sử dụng các nguồn lực do người dân địa phương cung cấp và kiến thức về các tuyến đường địa phương và các nơi ẩn nấp để quấy rối và gây hoang mang cho quân đội Đức Quốc xã của Hitler.
Câu chuyện của lịch sử này giờ đây được lặp lại nghe thấy quen quen, đó là bởi vì một quân đội Ukraine yếu hơn Nga nhiều đã có thể ngăn chặn một cuộc xâm lược lớn của Nga và thậm chí còn cầm cự được lâu dài, còn người Nga khi bắt đầu, họ đã nghĩ quá đơn giản rằng cuộc chiến chỉ kéo dài vài ngày hay vài tuần là tóm gọn cả nước Ukraine.
Nhưng cho đến nay, Nga vẫn chưa chiếm được Kharkiv, và họ đã phải chiến đấu bế tắc hết thị trấn này đến thị trấn khác trên khắp mặt trận phía đông. Các thị trấn mà lực lượng Nga chiếm được, như Severodonetsk, đã khiến họ phải trả giá đắt về người, thiết bị và trang thiết bị quân sự. Nga dường như đang muốn tiêu diệt từng thành phố lớn nhỏ của Ukraine và tàn sát dân thường thẳng tay, nhưng chiến lược này không có dấu hiệu làm suy yếu quyết tâm chống cự kiên cường của quân lính và người dân Ukraine.
Tình báo Anh tuần trước đưa tin rằng Nga đã bắn ít nhất 20 hỏa tiễn vào Ukraine từ các vị trí mà nước này đóng quân bên trong lãnh thổ của Belarus. Hôm thứ Hai, tờ New York Times đưa tin rằng các lực lượng Nga đang sử dụng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bên kia sông Dnipro từ thành phố Nikopol do Ukraine nắm giữ ở miền nam đất nước làm vị trí khai hỏa để nã rocket vào pháo binh và lực lượng Ukraine. Quân đội Ukraine miễn cưỡng bắn trả bằng cách sử dụng hệ thống HIMARS và pháo phản công công nghệ cao mới nhằm vào các khẩu pháo của Nga vì sợ bắn trúng lò phản ứng, có thể gây ra một thảm họa hạt nhân tại Châu Âu.
Các báo cáo gần đây cho thấy Nga đang mất “hàng trăm thương vong mỗi ngày” ở Ukraine, bị suy giảm nghiêm trọng số lượng tướng tá chỉ huy tại các đơn vị bộ binh và thiết giáp ở tiền tuyến.
Dara Massicot, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao về Nga tại Rand Corporation, đã báo cáo hôm thứ Hai rằng thiệt hại mà quân đội Nga phải gánh chịu là “rất lớn, lớn thứ nhì lịch sử chiến tranh của nước Nga.” chỉ sau cuộc chiến “Barbarossa” là cuộc xâm lược Liên Xô của Đức Quốc Xã và nhiều Đồng Minh của phe Trục trong năm 1941.
Mùa đông lạnh giá sắp đến tại Châu Âu, tại Ukraine, đất nước đang có chiến tranh với Nga, các quốc gia Châu Âu thiếu khí đốt, người dân ở các nước này sẽ bị lạnh lẽo, thiếu điện, thiếu gas nhưng với đội quân xâm lược của Nga trên đất Ukraine, họ cũng bị như vậy, đây là những dấu hiệu không tốt cho Vladimir Putin.
Sắp tới đây, khi mùa mưa đến, mưa gió sẽ đem đến lầy lội, bùn, tuyết, băng, các phương tiện có động cơ sẽ bị đóng băng khó khởi động, pháo bị đông cứng không bắn được và những người lính thiếu quần áo, trang thiết bị chống lạnh sẽ không còn tinh thần chiến đấu.
Năm 1941, Hitler có chiến dịch “Barbarossa”, xâm lược Liên Xô nhưng mùa Đông lạnh giá và sự đánh giá thấp đối thủ đã khiến Hitler phải chịu thua, kéo đoàn quân tan tác trở về.
Năm 2022, Putin có chiến dịch “xâm lược Ukraine”, liệu một mùa Thu mây mù, mưa gió, sình lầy và tiếp theo là một mùa Đông lạnh giá có khiến quân đội Nga của Putin rơi vào vết xe đổ trước đây của Hitler hay không?
Riêng tôi tin rằng, bây giờ là đầu tháng Tám, cuối mùa Hè, và mùa Thu đang ở trước mặt và đến sau đó là một mùa Đông lạnh giá, điều này chắc chắn sẽ không tốt hơn cho Putin so với mùa đông năm 1941 dành cho Hitler.
*** Trật tự thế giới không còn được Nga & Tàu tôn trọng nữa…
– Sau khi Nga đánh chiếm nhiều vùng ở Ukraine đến lượt TQ ngang nhiên tập trận quanh Đài Loan.
Hôm nay 07/08/2022, Trung Quốc kết thúc 4 ngày tập trận rầm rộ chưa từng thấy chung quanh Đài Loan. Theo ghi nhận của giới quan sát, đây rõ ràng là một hành động thị uy của Trung Quốc bất chấp sự lên án của Mỹ và các quốc gia trong vùng.
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc tập trận của Trung Quốc, tập trung vào sáu địa điểm xung quanh Đài Loan, đã bắt đầu từ ngày 04/08 và kết thúc vào hôm nay, 07/08.
Theo hãng Reuters, một phát ngôn Nhà Trắng đã cho rằng các hành động của Bắc Kinh là “một bước leo thang đáng kể trong nỗ lực thay đổi nguyên trạng (về Đài Loan), mang tính khiêu khích, vô trách nhiệm và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm”.
* Với những tên độc tài Putin và Tập Cận Bình, sớm muộn gì cũng có các cuộc đụng độ lớn …