Lính Mỹ bị Nga bắt, kể chi tiết nhiều tháng bị đánh đập và thẩm vấn

Tác giả: Dan Lamothe

Cù Tuấn, dịch

3-10-2022

Alex Drueke (trái) và Andy Tài Huỳnh đã được thả tự do ngày 21 tháng 9. Trong cuộc phỏng vấn lần đầu tiên kể từ khi được thả, hai người nói rằng họ đã bị thẩm vấn, bị ngược đãi về thể chất và tinh thần, và ít được cho đồ ăn hoặc nước sạch. Ảnh: AP

Tóm tắt: Trong cuộc phỏng vấn chi tiết đầu tiên kể từ khi được trả tự do, Alex Drueke và Andy Tài Huỳnh kể lại sự ngược đãi về thể chất và tâm lý mà họ phải chịu đựng trong hơn 104 ngày bị giam cầm

TRINITY, Alabama – Alex Drueke và Andy Tài Huỳnh đã lẩn tránh quân Nga trong nhiều giờ, luồn lách qua các khu rừng thông và đầm lầy ở Ukraine để không bị phát hiện. Các cựu binh Mỹ này đã bị bỏ lại – “bị bỏ rơi”, họ nói – sau khi lực lượng đặc nhiệm Ukraine của họ bị tấn công và quyết định rằng cơ hội sống sót tốt nhất của họ là quay trở lại căn cứ của họ ở Kharkiv.

Sau đó là 104 ngày bị giam cầm cực kỳ kinh hoàng, thường xuyên đáng sợ. Drueke và Huỳnh nhớ lại, rằng họ bị thẩm vấn, bị ngược đãi về thể chất và tâm lý, và ít khi được cung cấp thức ăn hoặc nước sạch. Ban đầu, họ được đưa đến Nga, tới một khu phức hợp giam giữ với các khu lều và được bao quanh bởi dây thép gai. Drueke nói rằng những kẻ bắt giữ họ sau đó đã chuyển họ đến một “địa điểm đen”, tại đó các vụ đánh đập trở nên tồi tệ hơn, và sau đó đến nơi mà họ gọi là một “nhà tù theo kiểu truyền thống hơn” do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn điều hành ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine.

Drueke, 40 tuổi và Huỳnh, 27 tuổi, đã gặp phóng viên The Washington Post trong ba giờ tại nhà của vị hôn thê Joy Black của Huỳnh, ở thị trấn nông thôn ngoại ô Huntsville với khoảng 2.500 dân. Đây là cuộc phỏng vấn truyền thông rộng rãi đầu tiên của họ kể từ khi họ được trả tự do vào ngày 21 tháng 9 trong khuôn khổ cuộc trao đổi tù binh giữa Nga và Ukraine.

Họ cho biết, mỗi người đã sụt mất 15kg cân nặng, và họ bị thương tích rõ ràng nhất với những vết bầm đỏ và tím vẫn còn hiện rõ nơi cổ tay họ chỗ bị trói. Lời kể của hai người cung cấp cái nhìn mới đáng lo ngại về cách Nga và các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Ukraine đối xử với những tù binh bị loại ra khỏi chiến trường.

Đại sứ quán Nga tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Drueke và Huỳnh đã gặp nhau ở Ukraine, sau khi đã đến đất nước này bất chấp những cảnh báo nghiêm khắc từ Bộ Ngoại giao Mỹ rằng việc dùng vũ khí chống lại quân Nga là không an toàn và không được khuyến cáo. Họ tham gia Quân đoàn Quốc tế Phòng thủ Lãnh thổ Ukraine, một lực lượng bao gồm hàng trăm người Mỹ, người châu Âu và các công dân nước ngoài khác, mà đã đáp ứng trước lời kêu gọi giúp đỡ công khai của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Drueke và Huỳnh cho biết họ rất biết ơn khi còn được sống và tự do, đồng thời có được sự hỗ trợ và tình bạn của người kia trong thời gian bị giam cầm. Họ tỏ ra không hề hối tiếc. Theo họ, mục tiêu của họ bây giờ là thu hút sự chú ý đến nhu cầu quân sự của Ukraine và nâng cao nhận thức về một cựu binh Mỹ khác mà họ đã từng bị giam giữ chung, Suedi Murekezi, người đã ở chung phòng giam với họ trong nhiều tuần nhưng không được đưa vào danh sách hoán đổi tù binh. Murekezi là một trong số ít công dân Mỹ bị Nga giam giữ, những người mà cho đến nay, đã không có bước đột phá ngoại giao nào để có khả năng trao đổi.

“Alex và tôi không cố ý để trở nên nổi tiếng,” Huỳnh nói. “Chúng tôi không bao giờ muốn trở nên nổi tiếng.”

1. Một ngày chiến đấu

Drueke, một cựu chiến binh Quân đội Mỹ và Huỳnh, một cựu lính Thủy quân lục chiến, cho biết họ đã quyết tâm hành động sau khi nhìn thấy những hình ảnh vào đầu cuộc chiến mô tả các gia đình Ukraine chạy trốn khỏi nhà khi quân Nga san bằng các thành phố một cách tàn nhẫn, nhưng cuối cùng quân Nga lại thất bại khi không thể chiếm thủ đô Kyiv và lật đổ chính phủ được phương Tây hậu thuẫn của Zelensky.

Khi đó Drueke sống với các thành viên trong gia đình ở Tuscaloosa, Alabama sau khi được chẩn đoán là một cựu chiến binh với mức tàn tật 100% do bị chứng căng thẳng sau chấn thương. Drueke ngày càng nhiệt tình với việc thám hiểm và đi bộ đường dài lên các vùng núi (trekking). Huỳnh, một người gốc California, đã chuyển đến miền bắc Alabama để sống cùng với vị hôn thê của mình, đang học các lớp đại học cộng đồng và làm tài xế giao hàng cho O’Reilly Auto Parts.

Huỳnh đã rời Mỹ vào ngày 8 tháng 4 để tham gia một nhóm nhân đạo giúp đỡ người Ukraine, anh nói. Drueke cũng rời đi 4 ngày sau đó, với niềm tin rằng kinh nghiệm của anh trong Chiến tranh Iraq và sự quen thuộc với các loại vũ khí phương Tây có thể giúp ích cho quân đội Ukraine.

Trong vòng vài ngày, họ đã ký hợp đồng với quân đoàn nước ngoài ở Lviv, phía tây Ukraine gần biên giới Ba Lan, cùng gia nhập một tiểu đoàn và nhận súng trường AK-74 để huấn luyện tại một địa điểm xa chiến trường. Họ đã mang theo đồng phục rằn ri của riêng mình và các thiết bị khác.

Cả hai đều có tên giả. Drueke được đặt tên là “Bama,” để vinh danh tiểu bang quê hương. Huỳnh đã sử dụng biệt danh “Hate”, một phiên bản rút gọn của “Reaper of Hate”, một biệt danh mà anh sử dụng trong các trò chơi điện tử trực tuyến.

“Đó là một cái tên châm biếm vì tôi không thực sự là một người đáng ghét,” Huỳnh nói. “Hoàn toàn ngược lại.”

“Chúng tôi gọi anh ấy là Care Bear,” Drueke cười dài và nói xen vào.

Những người đàn ông này quyết định rằng “kỹ năng của họ có thể được áp dụng ở những nơi khác tốt hơn” trong chiến tranh và yêu cầu giải phóng hợp đồng mà họ đã từng ký với đơn vị đầu tiên của mình, Drueke nói. Trong vài tuần tiếp theo, họ đi khắp Ukraine bằng xe buýt và tàu hỏa, theo cái mà họ gọi là “chế độ nghỉ phép”, gặp gỡ các quan chức quân sự Ukraine để thảo luận về những cơ hội cho họ và ngạc nhiên khi thấy thường dân Ukraine quay trở về nhà của họ trong và xung quanh thủ đô.

Với thời gian trong visa 90 ngày sắp hết, tại Kyiv họ đã kết nối với một đại diện của Lực lượng Đặc nhiệm Baguette, một đơn vị quân đội liên kết với quân đoàn nước ngoài bao gồm các lính Pháp và những người lính phương Tây khác. Đơn vị này đã ký với họ một hợp đồng quân sự, cho phép họ ở lại Ukraine và chiến đấu. Lần này, họ được gửi về phía đông và được cấp súng trường CZ 208 do Séc sản xuất, và tới một căn cứ gần biên giới với Nga.

Nhiệm vụ đầu tiên của họ, vào ngày 9 tháng 6, cũng là nhiệm vụ cuối cùng của họ.

Sáng hôm đó, đơn vị rời Kharkiv trên một chiếc xe bán tải và hai chiếc xe SUV nhỏ, hướng về phía bắc. Nhiệm vụ của họ là phóng thiết bị bay không người lái nhỏ, theo dõi các lực lượng quân sự Nga và báo cáo những gì họ đã thấy, Drueke nói.

Nhưng đơn vị này đã bị phục kích, và trong cuộc đọ súng sau đó, mọi người đã chạy tán loạn, hai người cho biết. Drueke, Huỳnh và trưởng nhóm của họ ra sức tìm kiếm một xạ thủ súng máy và và một xạ thủ bắn tỉa đã bị mất dấu, chỉ để biết rằng các thành viên khác của đơn vị đã nhảy lên xe chung của họ – kèm với hầu hết thức ăn và nước uống – và chạy ngược về căn cứ mà không có họ, Drueke nói.

Một đại diện của Lực lượng Đặc nhiệm Baguette đã phủ nhận việc Drueke và Huỳnh bị bỏ lại, nói rằng đơn vị này đã phân tán thành năm nhóm và mỗi nhóm phải tự mình quay trở lại nơi an toàn “vì không ai biết chuyện gì đã xảy ra với những nhóm khác”. Ông từ chối giải thích chi tiết. Trong một dòng tweet, đơn vị này đã ăn mừng sự trở về của hai người lính Mỹ này, cảm ơn sự phục vụ của họ và gọi Drueke và Huỳnh là “những người hùng”.

Drueke và Huỳnh từ chối tiết lộ chi tiết vị trí chính xác hoặc cách thức họ bị bắt giữ, nhưng thừa nhận rằng họ đã nổ súng trong cuộc phục kích. Sau khi bị bắt, họ bị tước vũ khí, và bị trói lại. Khi họ vượt qua biên giới vào Nga, Drueke cho biết, những kẻ bắt giữ họ đã ghi nhận vị trí này, đấm mạnh vào bụng hai người và nói “Chào mừng các bạn đến với nước Nga.”

2. Đánh đập

Họ nói rằng hai người đã bị bịt mắt trong hầu hết các ngày tiếp theo. Đôi khi, những kẻ bắt giữ họ sẽ tháo khăn bịt mắt ra, cho phép họ có một cái nhìn thoáng qua xung quanh. Người Nga giấu mặt sau những chiếc áo khoác balaclava rám nắng.

Hai người nói trại họ mới đến này là một “thành phố lều”, với sáu hoặc bảy tù nhân chiến tranh bị giam giữ trong mỗi lều, Huỳnh nói. Hàng rào dây xích kép và dây thép gai bao quanh khu nhà.

Drueke kể, các cuộc thẩm vấn ở đó là khá “khủng khiếp.” Người Nga tỏ ra nghi ngờ rằng họ là thành viên cấp bậc cao của một đơn vị quân đội Ukraine. Họ hỏi Drueke và Huỳnh liên tục xem họ có phải là CIA hay không, hai người nhớ lại. Họ ra lệnh cho hai người bò trên hai tay và đầu gối, giữ tư thế cố định như vậy cho đến khi chân hai người tê cứng. Nếu họ di chuyển, họ sẽ bị đánh. Vào ban đêm, Drueke và Huỳnh bị buộc phải đứng hàng giờ liền, không cho ngủ.

Drueke nói: “Họ thực sự nghĩ rằng chúng tôi đã được chính phủ Mỹ gửi đến hoặc nhận được hỗ trợ rất nhiều từ chính phủ Mỹ. Họ thực sự muốn đảm bảo rằng chúng tôi không nói dối về điều đó – và họ có cách để làm điều đó.”

Hai người cho biết hầu hết các tù nhân đều là người Ukraine. Một người nói tiếng Anh, có thể mang quốc tịch Anh. Trong vụ hoán đổi tù binh ngày 21/9, 5 công dân Anh cũng được trả tự do, cùng với các cá nhân đến từ Maroc, Thụy Điển và Croatia, hơn 200 người Ukraine, 55 lính Nga và một người quen thân của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bốn ngày sau, hai người lại tiếp tục di chuyển, và bị đưa đến một trung tâm giam giữ đen ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, nơi lực lượng ly khai Nga nắm quyền. Hai người cho biết, các tù nhân đã đi hàng giờ trong trạng thái bị bịt đầu bằng một cái túi và phải đổi phương tiện bốn lần.

Drueke nhận ra Huỳnh đi cùng mình chỉ vì Huỳnh đã hét lên vì đau khi Drueke bị ném đè lên người Huỳnh trong xe, và Drueke nhận ra giọng của bạn mình, anh nói. Trong một tình huống khốc liệt như vậy, có bạn bè bên cạnh là một sự cứu trợ.

3. Bên trong địa điểm đen

Họ nói rằng sự đối xử đối với họ trở nên tồi tệ hơn ở địa điểm tiếp theo.

Hầu hết những người bị giam giữ được giam trong một tầng hầm lạnh lẽo được chia thành các phòng giam lát gạch, mỗi phòng dài khoảng 5 feet và rộng 2 feet, Huỳnh nhớ lại. Họ nhận được một ổ bánh mì mỗi ngày, cùng với một ít nước, mà có vẻ bị ô nhiễm. Huỳnh cho biết anh có thể nghe thấy tiếng la hét – và tiếng kêu đau đớn – khi các cuộc thẩm vấn được tiến hành.

“Đó là một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất,” Huỳnh nói. “Nghe thấy mọi người bị đánh và không thể làm gì cả.”

Trên lầu, một căn phòng lớn hơn một chút được dùng làm phòng biệt giam. Huỳnh đã ở đó hai ngày đầu tiên trước khi Drueke được đưa vào đó vài tuần. Khoảng 80 bài hát nổi tiếng, bao gồm các bài hát của rapper Eminem và ban nhạc metal Đức Rammstein, đã được phát rất lớn trong căn phòng đó liên tục trong nhiều ngày. Hai người nói rằng chúng không cho họ có được sự yên tĩnh, nhưng đã cho phép họ đánh dấu thời gian trôi qua.

“Họ thực sự giữ chúng tôi tách biệt ở đó,” Drueke nói. “Đã có những lúc tôi bị giam nhiều ngày mà không nghe tin tức gì về Andy, và rất nhiều lần tôi đã nghĩ quẩn, kiểu như “Trời đất ơi, họ đã giết cậu ấy rồi.”

Các cuộc đánh đập được tiếp tục trở lại, với một số kẻ bắt giữ họ dường như thích đánh đập tù binh hơn những người khác. Một người đàn ông quốc tịch Anh, Paul Urey, đã bị đánh đập tại đây tới chết, Drueke và Huỳnh cho biết. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ngày 7 tháng 9 thông báo rằng chính phủ Ukraine đã lấy được thi thể của Urey về và thi thể có “những dấu hiệu về việc bị tra tấn không thể diễn tả được”.

Nhiều câu hỏi mà những người thẩm vấn đặt ra dường như vô nghĩa, yêu cầu hai người xác định các bức ảnh của những người mà họ không quen biết, và nêu chi tiết về các sự kiện mà họ không có liên quan. Một trong những người thẩm vấn họ nói tiếng Anh gần như thông thạo, trong khi một người khác chỉ biết vừa phải, Drueke nói. Anh tin rằng họ là quan chức tình báo Nga.

Trong căn phòng trên lầu, Drueke và Huỳnh mỗi người được lệnh gọi điện thoại đến các tổ chức dường như ngẫu nhiên ở Mỹ, và các tổ chức này thường không được trang bị để có thể giúp đỡ họ.

Tại một thời điểm, những kẻ bắt giữ yêu cầu Drueke gọi tới Đường dây Cựu chiến binh Khủng hoảng, một dịch vụ cung cấp hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho các quân nhân Mỹ sau khi họ rời quân ngũ. Drueke cho biết anh đã cố gắng khuyên can họ vì điều đó không có ý nghĩa gì, nhưng những kẻ bắt giữ anh nhất quyết không đồng ý.

“Họ nhìn tôi và nói, ‘Mày là một cựu chiến binh. Đây là một cuộc khủng hoảng chứ còn cái gì nữa!” Drueke nhớ lại, cố bắt chước giọng của họ.

Nhiều cuộc điện thoại đã chẳng đi đến đâu do bị lạc vào mê cung của các tổng đài điện thoại, hộp thư thoại và những người ở Mỹ tỏ thái nghi ngờ liệu những lời cầu cứu của Drueke và Huỳnh có chính đáng hay không. Nhưng một đại diện trên đường dây nóng về khủng hoảng đã cung cấp cho Drueke số điện thoại của Bộ Ngoại giao Mỹ và một cơ quan liên bang khác, có thể là Cơ quan Bảo vệ Liên bang Mỹ, một cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc Bộ An ninh Nội địa. Drueke cho biết có người bắt máy ở số thứ hai, họ lấy thông tin của anh và hứa sẽ giúp đỡ. Đó là một tia hy vọng.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với điều kiện giấu tên theo các quy tắc cơ bản do cơ quan này đặt ra, cho biết họ thực hiện nghiêm túc cam kết hỗ trợ công dân Mỹ ở nước ngoài, với các cơ sở ngoại giao của Mỹ có các nhân viên làm nhiệm vụ sau giờ làm việc để đối phó với các cuộc gọi cấp cứu hoặc nguy hiểm tới tính mạng.

Quan chức này cho biết: “Khi một công dân Mỹ đang bị giam giữ trong các khu vực chiến sự đang hoạt động, chúng tôi không thể cung cấp hỗ trợ trực tiếp được. Bất kể thách thức là gì, chúng tôi sẽ luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ các công dân Mỹ và gia đình của họ”.

Những kẻ bắt giữ, được trang bị vũ khí, đã ra lệnh cho Drueke và Huỳnh xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn tuyên truyền xuất hiện trên phương tiện truyền thông của nhà nước Nga, và họ quan sát hai người khi video được ghi lại, Drueke nói. Trong một công bố ngày 17 tháng 6, họ bày tỏ sự thất vọng với nạn tham nhũng trong quân đội Ukraine và cảnh báo những người Mỹ khác nên “suy nghĩ kỹ” trước khi tham gia chiến đấu tại Ukraine. Drueke nói rằng anh vẫn cảm thấy buồn bực khi nhớ lại anh đã từng nói những điều như vậy.

4. “Tôi thực sự đã cầu nguyện để được chết đi”

Theo Drueke và Huỳnh, hai người cùng với một số tù nhân khác được chuyển đi khoảng 4 tuần sau đó. Đi cùng họ là Murekezi, một cựu binh Không quân Mỹ, người đã bị đưa đến địa điểm đen sau khi bị giam giữ ở thành phố Kherson, miền nam nước này vào tháng 6. Anh ta đã sống và làm việc ở Ukraine thời điểm Nga xâm lược, và từ chối rời khỏi đất nước này. Sele Murekezi, anh trai của Suedi, hiện tại đang sống ở Minnesota, cho biết những kẻ ly khai do Nga hậu thuẫn đã bắt cóc Murekezi và buộc tội Murekezi đã phạm một tội ác thù hận.

Hai người cho biết họ không bị đánh đập ở cơ sở tiếp theo, nhưng điều kiện giam giữ vẫn rất tồi tệ. Ông Huỳnh cho biết: “Rệp đã gặm nhấm da của chúng tôi, khiến các bức tường phòng giam loang lổ vết máu”. Cánh tay và lưng của Huỳnh vẫn còn lại nhiều vết sẹo do côn trùng cắn hơn một tuần sau khi anh được thả.

Hai người không được biết rằng một vụ hoán đổi tù binh đang được hai bên thảo luận, và họ tự hỏi liệu điều đó có là thật hay không ngay cả khi họ đã được đưa ra khỏi phòng giam và nói rằng họ sẽ được về nhà. Tay và mắt của họ bị trói và bịt chặt cứng bằng băng dính đóng gói trước khi bị đưa đến một đường băng nhỏ và lên máy bay, trong hoàn cảnh mà họ mô tả là vô cùng đau đớn nhưng không chịu kể chi tiết đầy đủ.

“Đối với cá nhân tôi, đó là điều tồi tệ nhất,” Drueke nói. “Tôi đã rất nhiều lần nhận ra rằng tôi có thể chết, hoặc có thể tôi đã cận kề cái chết, hoặc có thể đã sắp chết. Nhưng đó là lần duy nhất tôi thực sự cầu nguyện để có thể được chết càng sớm càng tốt”.

Khi hạ cánh, họ được các nhân viên y tế Ả Rập Xê Út chào đón. Họ được đưa từ đó đến Riyadh, nơi họ gặp gỡ các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và được gọi điện thoại cho những người thân.

Hai người vẫn đang được chăm sóc y tế. Cả hai đều bị tê bại tay, một triệu chứng có thể có của tổn thương dây thần kinh, họ nói. Drueke tin rằng anh có thể bị nứt bốn xương sườn. Huỳnh đang phải vật lộn với chứng mất trí nhớ ngắn hạn và nói rằng tâm trí của anh đã “bị thoái hóa” trong khi bị giam cầm.

Họ quan tâm đến việc giúp đỡ chính phủ Mỹ bằng cách kể lại kinh nghiệm của họ dưới tay lực lượng của Putin, họ nói. Những người Mỹ khác, bao gồm ngôi sao WNBA Brittney Griner và cựu binh Thủy quân lục chiến Paul Whelan, vẫn đang bị giam giữ bên trong nước Nga vì những gì mà chính quyền Biden coi là những cáo buộc tội phạm không có thật, không liên quan đến chiến tranh.

“Nghe có vẻ văn vở, nhưng chúng tôi đã có cơ hội sống thứ hai trong đời,” Drueke nói. “Tôi cảm thấy rằng: những trải nghiệm của chúng ta, nếu chúng ta xử lý chúng đúng cách, thì chúng ta có thể có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ cho cả thế giới.”

Trùm lên nước Nga sẽ là nỗi sợ hãi

Trùm lên nước Nga sẽ là nỗi sợ hãi

Lưu Trọng Văn

1-10-2022

Hàng trăm ngàn đàn ông Nga bỏ chạy qua các nước láng giềng với những ánh mắt lo âu.

Hàng ngàn đàn ông Nga bị động viên cầm súng với vẻ mặt đăm đăm.

Hàng ngàn hàng binh Nga cúi mặt.

Và hôm qua 30.9, tại điện Kremlin, khi đồ tể Putin tuyên bố sáp nhập bốn vùng đất thuộc lãnh thổ Ukraine mà Nga vừa cưỡng đoạt vào Nga, tràn ngập trên khuôn mặt các chính khách Nga là sự thảng thốt.

Tất cả báo hiệu sẽ có giông bão trong lòng nước Nga.

Tất cả minh chứng nỗi ám ảnh của sự tàn phá chiến tranh, cái chết đang phía trước và không có điểm sáng dừng.

Putin đã sai lầm tệ hại và ngu xuẩn khi nhắc lại tiền lệ bom hạt nhân năm 1945 tại Nhật – khoét lại vết thương của nhân loại – đe doạ chiến tranh hạt nhân.

Nhưng nỗi sợ hãi của sự đe doạ hiếu chiến ấy lại là và trước hết thành nỗi sợ hãi bất an của chính 130 triệu dân Nga bản tính hiền lành, lương thiện.

Người Nga quá hiểu nếu Putin ra lệnh tấn công hạt nhân ở đất nước mà người Nga luôn coi là anh em một nhà của mình, thì nước Nga cũng sẽ bị tấn công huỷ diệt. Putin đã xây sẵn hầm trú ẩn cho mình, con của Putin đang yên thân ở Thuỵ Sĩ, vậy ai sẽ là nạn nhân?

Và, thật bất ngờ, đáp lại cái bước ngoặt Putin sáp nhập 100.000 km2 lãnh thổ Ukraine cùng lời đe doạ từ nay đó là lãnh thổ của Nga, Ukraine tấn công sẽ bị trừng phạt bằng bom hạt nhân, thì tổng thống Zelensky nộp đơn khẩn cấp chính thức xin ra nhập NATO. Thật ra kế hoạch này đã được chuẩn bị trước. Đây là đòn phản công tuyệt vời của Ukraine gây sức ép lên chính NATO và Nga buộc NATO phải chủ động tham gia như một bên đàm phán sau cánh gà với Nga, tạo thế có lợi cho Ukraine.

Thế giới văn minh buộc phải không thể chấp nhận một tên điên loạn nắm trong tay vũ khí hạt nhân muốn làm gì thì làm được.

Một khi Ukraine là thành viên NATO hoặc tiến đến quy trình tất yếu là thành viên NATO thì con bài cuối cùng tạo sự khác biệt giữa hai chiến tuyến Nga – Ukraine là vũ khí hạt nhân sẽ bị xoá bỏ. Điều này tạo chiến tranh tâm lý mà phần thắng đã chuyển qua Ukraine.

130 triệu dân Nga chắc chắn sẽ càng thấy cái giá chiến tranh xâm lược mà Putin tạo ra là thế nào. Với thời gian bóng ma cái chết, sự huỷ diệt sẽ thành sóng thần sợ hãi. Người Nga phải cứu lấy mình. Và cuộc cách mạng Dân chủ lật đổ chế độ độc tài của Putin chỉ còn là vấn đề thời gian.

Giai đoạn mới trong chiến tranh: Mọi việc sẽ tiếp tục như thế nào sau cuộc thôn tính của Putin?

Giai đoạn mới trong chiến tranh: Mọi việc sẽ tiếp tục như thế nào sau cuộc thôn tính của Putin?

DPA

Tác giả: Hannah Wagner, Ulf Mauder và André Ballin

Việt Hùng phỏng dịch

30-9-2022

Với việc sáp nhập 4 khu vực Ukraine bị chiếm đóng, Nga đang sử dụng vũ lực để di chuyển biên giới ở châu Âu lần đầu tiên kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea ở Biển Đen vào năm 2014. Cuộc chiến kéo dài bảy tháng nay đang bước sang một giai đoạn mới. Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời về cách tiến hành:

Các lãnh thổ Ukraine bị thôn tính như thế nào và chúng có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến?

Moscow ký kết các thỏa thuận về việc sáp nhập vào lãnh thổ của mình, theo yêu cầu của nhóm lãnh đạo Nga đối với các vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia của Ukraine. Các tài liệu sau đó sẽ được Tòa án Hiến pháp Nga kiểm tra và vào tuần tới bởi Quốc hội Nga – Duma – và Hội đồng Liên bang – thượng viện.

Điều này có khả năng thổi bùng cuộc chiến thêm nữa, vì Ukraine kiểm soát một phần các khu vực và muốn giải phóng chúng hoàn toàn với sự trợ giúp của vũ khí phương Tây. Tuy nhiên, cường quốc hạt nhân Nga đã đe dọa sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ các khu vực. Ngoài ra, Moscow cũng coi việc chinh phục hoàn toàn vùng Donetsk là mục tiêu tối thiểu. Cho đến nay, quân đội Nga kiểm soát 58% ở đó. Người đứng đầu Điện Kremlin, Vladimir Putin, sẽ có thêm 300.000 quân dự bị được dự thảo trong một cuộc tổng động viên từng phần gây tranh cãi để nắm giữ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Khu vực này lớn như thế nào và việc thôn tính có ý nghĩa gì đối với người dân ở đó?

Nó có diện tích hơn 108.000 km vuông. Bao gồm cả bán đảo Crimea ở Biển Đen, nơi tương tự được sáp nhập vào năm 2014, Ukraine đã mất quyền kiểm soát gần 20% lãnh thổ của mình. Tương tự như trước, sự công nhận của quốc tế lần này cũng không xuất hiện. Moscow đã loại trừ việc trả lại các vùng lãnh thổ thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao. Nga chào đón những người dân có chuyến trở về quê hương lịch sử và lương hưu cũng như phúc lợi xã hội cao hơn Ukraine. Cũng như khi sáp nhập Crimea, mọi người sẽ tự động trở thành công dân Nga. Vào thời điểm đó, các công dân của bán đảo đã có một giai đoạn chuyển tiếp để tích cực lên tiếng phản đối và sau khi tuyên bố, họ sẽ giữ quyền công dân Ukraine.

Người dân trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bây giờ có phải chiến đấu trong chiến tranh không?

Mặc dù hiện tại cũng có một phần huy động quân dự bị ở Crimea để trấn giữ các khu vực mới chiếm đóng, nhưng công dân ở những khu vực này có lẽ không phải lo sợ phải nhập ngũ trực tiếp cho nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, tại các khu vực ở Luhansk và Donetsk do phe ly khai thân Nga kiểm soát trong nhiều năm, việc huy động đã bắt đầu. Người Ukraine đã chiến đấu chống lại người Ukraine trong tám năm qua.

Tại các khu vực Zaporizhia và Kherson mới chiếm đóng, mà Putin đã công nhận là các quốc gia độc lập vào tối thứ Sáu, rất có thể sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, gần đây Nga đã cấp hàng trăm ngàn hộ chiếu tại các khu vực tranh chấp. Bất kỳ ai là công dân Nga và người dự bị đều có thể bị động viên một phần.

Sự sáp nhập của các vùng được người dân Nga tiếp nhận như thế nào?

Một sự phấn khích như sự sáp nhập Crimea vào năm 2014 hoàn toàn không được cảm nhận ở Nga. Lúc này tâm trạng khá là chán nản và không như lúc đó, vì  bây giờ đang diễn ra một cuộc chiến đẫm máu với hàng ngàn người chết. Không có kết thúc trong tầm nhìn. Chi phí thôn tính rất cao vì cần hàng tỷ USD để xây dựng lại các khu vực bị tàn phá. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây áp lực lên nền kinh tế Nga.

Những người yêu nước rất nhiệt tình với các hành động của Putin – ngay cả sau khi quân đội thất bại ở Ukraine. Nhưng cũng có nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh lớn. Việc động viên một phần theo lệnh của Putin đã đánh vào cốt lõi của nhiều gia đình. Ông chủ Điện Kremlin nổi tiếng trong một thời gian dài vì không can thiệp vào đời tư của người dân. Nhà khoa học chính trị người Nga Tatyana Stanovaja nói rằng, điều đó bây giờ đã chấm dứt. Bà cũng lập luận rằng, các bộ phận của giới thượng lưu có thể không sẵn sàng trả bất kỳ giá nào cho một chiến thắng của Nga. Trước những cuộc biểu tình phản đối việc động viên, làn sóng đàn áp mới và sự cô lập quốc tế ngày càng tăng của Nga, bà tin rằng có thể những vết nứt xuất hiện trong hệ thống sẽ gây nguy hiểm cho quyền lực của Putin.

Putin biện minh cho việc thôn tính như thế nào?

Putin biện minh cho điều này với lý luận để bảo vệ dân thường ở đó khỏi các cuộc tấn công của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Hai triệu rưỡi người đã phải chạy trốn vì giao tranh. “Những người ở lại – khoảng 5 triệu người – hiện đang phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa liên tục từ các binh sĩ tân phát xít. Họ tấn công bệnh viện, trường học và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhm vào dân thường“, Putin tuyên bố như vậy trong bài phát biểu cho cuộc động viên. Trong khi đó, nhiều binh sĩ Nga cũng nói rằng họ không tìm thấy bất kỳ tên Quốc xã Ukraine nào ở đó.

Những tiến triển các cuộc phản công của Ukraine có ý nghĩa gì?

Ở Ukraine, các cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu và động viên một phần đã được ghi nhận một cách bình tĩnh. Cố vấn đối ngoại của văn phòng tổng thống Ukraine, Mykhailo Podoliak, hỏi trên Twitter: “Mọi việc vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch hay không?” Tổng thống Volodymyr Zelenskyy trước đó đã nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ không để bị đe dọa. Ngoài ra, các lực lượng mới có khả năng sẽ đến bên phía Ukraine trong những tháng tới. Ví dụ, binh lính Ukraine đang được huấn luyện ở Anh và các nước phương Tây khác.

Phương Tây phản ứng như thế nào?

Các chính trị gia cấp cao của phương Tây coi động thái của ông Putin là “dấu hiệu của sự yếu kém” và là “hành động tuyệt vọng” vì những thất bại quân sự gần đây của Nga. Thủ tướng [Đức] Olaf Scholz cho biết, Putin “hoàn toàn đánh giá thấp” tình hình ngay từ đầu. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các nước phương Tây sẽ đối phó như thế nào với sự leo thang mới ngoài lời nói – đặc biệt là việc Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu cần thiết. Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt sâu rộng đã được áp đặt đối với Nga và vũ khí, đạn dược đã được cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, sự can thiệp quân sự trực tiếp của phương Tây vẫn được coi là không thể xảy ra.

Sống trên biển quanh năm 

Sống trên biển quanh năm 

Chiếc siêu du thuyền (cruise) MV Narrative của công ty Storylines đang rao bán các phòng trên tàu. Đây là thuộc loại tàu du lịch dân cư sang trọng (luxury residential cruise ship). Nghĩa là khách mua đứt phòng cũng giống như mua nhà để ở.

Thuyền sẽ bắt đầu hạ thủy năm 2025 và sẽ vĩnh viễn du hành vòng quanh thế giới. Thuyền sẽ đậu ở những cảng lớn vài ba ngày để khách lên bờ chơi, và sẽ đi một vòng thế giới mỗi 3.5 năm.

Chiếc thuyền 18 tầng gồm có 547 phòng, chứa hơn 1 ngàn khách. Giá phòng mua đứt là từ $1 triệu đến $8 triệu. Chủ nhân sẽ ở vĩnh viễn trên tàu. Phòng giá $1 triệu là nhỏ nhất, loại studio, khoảng 237 sqft hay 22 mét vuông. Cái giường thuộc loại queen size Murphy bed, nghĩa là giường dấu vô tường, khi ngủ thì kéo nó xuống. Phòng $8 triệu thì chiếm 2 tầng, rộng 1,970 sqft hay 183 mét vuông với 4 phòng ngủ.

Trên tàu là “All Inclusive”, nghĩa là mọi thứ ăn uống là thả dàn không tính tiền. Nhưng “lệ phí sinh hoạt” hàng tháng là $2,600 một người. Trên tàu có 20 nhà hàng và bar rượu, có phòng y tế, sân khấu, phòng thể dục, sân banh, bowling, v.v… Bài này chỉ nói về phòng bán chứ không đả động gì đến phòng cho mướn.

$1M Home on a Storylines Cruise Ship to Permanently Live at Sea (businessinsider.com)

From: TU-PHUNG

Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an lên án Nga về việc trưng cầu dân ý ‘giả hiệu’ ở Ukraine

VOA Tiếng Việt 

  Mỹ sẽ đưa ra một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc lên án các cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức tại các khu vực chiếm đóng ở Ukraine, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết ngày 27/9.

Nghị quyết sẽ được đưa ra cùng với Albania, kêu gọi các quốc gia thành viên không công nhận bất kỳ tình trạng bị thay đổi nào của Ukraine và cũng buộc Nga phải rút quân khỏi nước láng giềng, bà Thomas-Greenfield phát biểu tại cuộc họp của hội đồng.

Một quan chức Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang khẩn trương đưa ra nghị quyết, nhưng không nói rõ khi nào sẽ chính thức.

Nga có khả năng phủ quyết một nghị quyết như vậy nhưng bà Thomas-Greenfield cảnh báo nếu Nga phủ quyết ở đây, Washington sẽ tìm đến Đại hội đồng Liên hiệp quốc để gửi thông điệp rõ ràng tới Moscow.

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã họp trên 20 lần về vấn đề Ukraine trong năm nay nhưng chưa thể có hành động đáng kể vì Nga là một thành viên thường trực có quyền phủ quyết cùng với Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc.

Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc, Vassily Nebenzia, không đề cập thẳng tới nghị quyết mà Mỹ sắp đưa ra nhưng nói trước cuộc họp của hội đồng rằng các cuộc trưng cầu dân ý Nga tổ chức là minh bạch và tuân thủ các quy chuẩn.

Ukraine nói các cuộc bỏ phiếu đó trong nhiều trường hợp được thực hiện một cách cưỡng bức.

Các quan chức do Nga bổ nhiệm tại 4 khu vực mà Nga chiếm đóng của Ukraine ngày 27/9 báo cáo sau năm ngày bỏ phiếu, đa số ủng hộ việc gia nhập vào Nga. Moscow gọi đây là “trưng cầu dân ý”, Kyiv và phương Tây tố cáo là giả mạo.

Tổng thống Ukraine nói với Hội đồng Bảo an qua video trực tuyến rằng kết quả bỏ phiếu Nga đã định đoạt từ trước. Ông kêu gọi loại Nga ra khỏi tất cả các tổ chức quốc tế cũng như áp đặt thêm chế tài mới nhắm vào Moscow.

Ngay từ lúc mở màn cuộc họp, Nga dẫn luật lệ của Liên hiệp quốc phàn nàn rằng lẽ ra Tổng thống Ukraine không được phép phát biểu trực tuyến qua video.

Phát biểu tại cuộc họp này, đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, Zhang Jun, nói cô lập và chế tài chỉ dẫn tới ngõ cụt, đồng thời kêu gọi đàm phán để chấm dứt xung đột.

VOATIENGVIET.COM

Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an lên án Nga về việc trưng cầu dân ý ‘giả hiệu’ ở Ukraine

Các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng đất Ukraine bị Nga chiếm đóng đã khiến người dân sợ hãi, tức giận và có thái độ thách thức

Các cuộc trưng cầu dân ý ở các vùng đất Ukraine bị Nga chiếm đóng đã khiến người dân sợ hãi, tức giận và có thái độ thách thức

New York Times

Cù Tuấn, dịch

24-9-2022

Người dân thành phố Luhansk, Ukraine, đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý do chính quyền Nga tổ chức hôm thứ Sáu. Các trạm bỏ phiếu đã được lắp đặt trên toàn lãnh thổ Ukraine do Nga chiếm đóng để trưng cầu dân ý. Ảnh: WP

Những người lính Nga, mặc áo balaclava và cầm súng, đứng cạnh các nhân viên bầu cử. Người dân Ukraine buộc phải bỏ phiếu trong khi các quan chức Nga hoặc những người thân cận của họ đứng theo dõi. Một số cư dân thậm chí còn trốn tránh trong nhà của họ, với nỗi sợ hãi rằng việc bỏ phiếu chống lại sự sáp nhập của Nga sẽ dẫn đến việc họ bị bắt cóc hoặc tệ hơn.

Khi Nga bắt đầu tổ chức bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu dân ý trên toàn lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraine vào ngày 23/9, người dân Ukraine ở những khu vực đó đã bày tỏ thái độ xen lẫn giữa giận dữ, thách thức và lo sợ rằng quê hương của họ đang bị chiếm đoạt bằng vũ lực trong cái mà họ gọi là một cuộc bỏ phiếu giả tạo.

Mục đích của các cuộc trưng cầu dân ý cấp tốc này – được những người dân thân Nga và những người thân cận của họ ủng hộ – rõ ràng là tạo cho Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga một cái cớ không có thật về mặt pháp lý để nuốt chửng quốc gia của họ. Và điều này gợi lại ký ức về các cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào năm 2014 ở Crimea, sau đó Nga sáp nhập bán đảo này một cách nhanh chóng.

Tina, 27 tuổi, một nhà báo tự do đang đến thăm bố mẹ chồng sắp cưới của cô ở Beryslav, miền nam Ukraine do Nga chiếm đóng, nói rằng cô lái xe qua đường vào sáng ngày 23/9 và nhìn thấy các quan chức Nga đứng trong sân nhà hàng xóm, chờ anh ta điền vào lá phiếu. trước khi chuyển lá phiếu cho một người trên xe gần đó.

Cô cho biết, các quan chức Nga đã đi từng nhà để phát các lá phiếu. Họ nhìn vào cửa sổ của những ngôi nhà không trả lời cuộc gọi của họ.

“Chúng tôi chống lại những kẻ chiếm đóng này,” Tina nói, “nhưng chúng tôi không có quyền từ chối bỏ phiếu – chúng tôi không thể từ chối.”

Tina cho biết cô đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối sự chiếm đóng của Nga, và nói rằng người thân của chồng chưa cưới của cô đã khóa cổng, khóa cửa và tắt đèn, như chính quyền Ukraine đã khuyến cáo. Nhưng cô lo lắng rằng địa chỉ của họ sẽ được ghi chú lại và sẽ có hậu quả tiêu cực nếu họ không chịu mở cửa khi có người gọi.

“Sau khi sống bên cạnh họ hơn sáu tháng nay, chúng tôi nhận ra rằng bất kỳ sự từ chối nào cũng có thể dẫn đến một “vé bay thẳng xuống tầng hầm,” cô nói, sử dụng cụm từ mà người Ukraine đang sống ở Kherson, một thành phố cảng phía nam bị Nga chiếm đóng, sử dụng để mô tả các vụ bắt cóc rồi nhốt xuống tầng hầm do quân chiếm đóng thực hiện.

Olha, một người Ukraine đã nói chuyện vào tối 22/9 với bạn bè ở Enerhodar, một thành phố do Nga kiểm soát ở đông nam Ukraine gần Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cho biết những người đàn ông từ 18 đến 35 tuổi đã bị cấm rời khỏi thành phố. Nhắc lại mối quan tâm của nhiều người Ukraine, cô ấy nói rằng cô ấy lo lắng rằng sự sáp nhập của Nga sẽ buộc những nam thanh niên trẻ tuổi phải gia nhập quân đội Nga và chiến đấu chống lại những người Ukraine. Điều đó đã xảy ra ở một số khu vực của Luhansk và Donetsk do Nga chiếm đóng kể từ năm 2014.

Olha nói: “Họ muốn đưa các thanh niên Ukraine này vào lực lượng vũ trang Nga. “Và người Ukraine sẽ phải chiến đấu chống lại người Ukraine,” cô nói, dừng lại và bật khóc. Giống như những người khác được nhắc đến trong bài báo này, cô không nói tên đầy đủ vì lo lắng cho sự an toàn của mình.

Andriy, 44 tuổi, có bạn bè và người thân ở Kherson, cho biết anh đã nói chuyện với họ trong những ngày gần đây và họ đã nói với anh rằng họ không thể rời thành phố vì cuộc trưng cầu dân ý.

“Bạn biết đấy, những người thông minh sẽ ngồi ở nhà và không đi đâu cả,” anh nói qua điện thoại từ Kyiv.

Tại Melitopol, thành phố do Nga chiếm đóng ở đông nam Ukraine, Natalia, 73 tuổi, một phụ nữ về hưu, nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý đã khiến bà bị sốc.

Bà nói: “Điều đáng sợ nhất là sau cuộc trưng cầu dân ý, nếu Ukraine cố gắng giải phóng thành phố của tôi, thì đó sẽ bị coi là một cuộc tấn công vào nước Nga.”

Natalia cho biết người Nga đã dựng các quầy thông tin về cuộc trưng cầu dân ý này trên khắp Melitopol, và treo các biểu ngữ có khẩu hiệu thân Nga. Thành phố được phủ đầy cờ Nga và các bản nhạc Nga yêu nước được phát lớn qua loa.

Hôm 23/9, khi bà nhìn ra cửa sổ căn hộ của mình, bà thấy hai nhân viên trưng cầu dân ý thân Nga đang bước vào tòa nhà chung cư. Bà vẫn ở trong nhà, ngồi cách xa cửa sổ, để tránh bị nhìn thấy. Nhưng Natalia đã phát hiện ra hai binh sĩ, người nào cũng đều mặc áo balaclava và cầm súng trên tay, hộ tống ba nhân viên trưng cầu dân ý đi vào. Bà nói rằng một điểm bỏ phiếu đã được thiết lập trong phòng tập thể dục của một trường học gần đó.

“Tôi sẽ không đi bỏ phiếu,” Natalia nói. “Trừ phi họ chĩa súng vào tôi, và thậm chí khi đó tôi sẽ bỏ phiếu cho Ukraine.”

Vì sao đa số người Anh vẫn muốn duy trì chế độ quân chủ?

Vì sao đa số người Anh vẫn muốn duy trì chế độ quân chủ?

Song Chi

20-9-2022

Tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II hôm nay cho thấy lịch sử lâu đời của Vương quốc Anh và chế độ quân chủ.

Nữ hoàng qua đời ở tuổi 96 tại nhà riêng của bà, Lâu đài Balmoral, ở Aberdeenshire, Scotland. Bà đã sống một cuộc sống lâu dài, luôn phục vụ cho đất nước của mình và cho Khối thịnh vượng chung. Tại Balmoral, chỉ hai ngày trước khi băng hà, bà chấp nhận sự từ chức của Thủ tướng Boris Johnson và bổ nhiệm người tiếp theo, Lizz Truss. Truss là Thủ tướng thứ 15 dưới triều đại của Nữ hoàng, người đầu tiên là Winston Churchill. Hàng tuần, bà tổ chức một buổi tiếp kiến với Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm đến công việc của chính phủ, của đất nước.

Những địa điểm nơi diễn ra tang lễ, đều được xây dựng từ lâu đời và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của vương quốc Anh. Quan tài của Nữ hoàng đầu tiên được đưa đến Cung điện Holyroodhouse ở Edinburgh, dinh thự chính thức của chế độ quân chủ Anh ở Scotland.

Từ Edinburgh, quan tài của Nữ hoàng đã được đưa đến London. Linh cữu được quàn trong Hội trường Westminster, bên cạnh Nhà Quốc hội, để công chúng đến viếng. Hội trường Westminster được xây dựng vào năm 1097 bởi Vua William II, con trai của William the Conqueror. Ngoài việc được sử dụng làm nơi quàn linh cữu các thành viên của Hoàng gia và một vài chính khách quan trọng (trong đó Winston Churchill), tòa nhà cũng được sử dụng như một tòa án, bao gồm cả việc luận tội Vua Charles I và xét xử Guy Fawkes, người định làm nổ tung Nhà Quốc hội và Vua James I.

Lễ tang diễn ra tại Tu viện Westminster. Một nhà thờ được xây dựng lần đầu tiên ở đó vào khoảng năm 1080, nhưng tòa nhà hiện tại được khởi công vào năm 1245. Được chôn cất trong tu viện là 3.300 người Anh lỗi lạc, bao gồm ít nhất 16 quốc vương, tám thủ tướng, nhà thơ, diễn viên, nhà khoa học và nhiều người khác.

Lễ tang có sự tham dự của hoàng gia, các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ từ khắp nơi trên thế giới. Trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài có những người đứng đầu chính phủ của các vương quốc Khối thịnh vượng chung (Commonwealth realms), thuộc địa cũ của Đế quốc Anh nơi Nữ hoàng vẫn là nguyên thủ quốc gia, và nguyên thủ quốc gia của các nước thuộc Khối thịnh vượng chung (Commonwealth countries), nay đã trở thành các nước cộng hòa.

Sau đó, quan tài của Nữ hoàng được đưa đến lâu đài Windsor, nơi ở của hoàng gia ở phía tây London. Lâu đài được khởi công bởi William the Conqueror sau Cuộc chinh phạt Norman của Anh vào năm 1066. Tại lâu đài, một nghi lễ được tổ chức trong Nhà nguyện St George (được xây dựng vào năm 1348), nơi quan tài của bà được hạ xuống hầm bên dưới nhà thờ. Nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng sẽ là trong nhà nguyện tưởng niệm Vua George VI, bên cạnh cha của Nữ hoàng (George VI), mẹ, em gái và người chồng yêu dấu là Vương tế Philip, Công tước xứ Edinburgh. Nhiều quốc vương và hoàng gia khác được chôn cất trong nhà nguyện (bao gồm Henry VIII, Charles I, George III, George IV, Edward VII, George V).

Tất cả những điều này cho thấy rằng Nữ hoàng, cũng như tất cả mọi người, là một phần của lịch sử lâu dài và đa dạng, một sự tiếp nối lâu dài của sự sống quý giá trên hành tinh này. Hầu hết chúng ta sẽ không đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử, như Nữ hoàng, nhưng tất cả chúng ta vẫn là những sợi dây trong tấm thảm lớn của cuộc sống.

Một sự kiện xảy ra dưới triều đại của George III, tất cả thu nhập từ Crown Estates (trừ Công quốc Cornwall), đất đai và tài sản thuộc về Quốc vương (nhưng không phải tài sản cá nhân của Vua hoặc Hoàng hậu), đều do chính phủ nắm giữ. Đổi lại, chính phủ trả lại một số tiền cho George III để chi trả cho chế độ quân chủ và hoàng gia. Sự sắp xếp này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, được Nữ hoàng cải tổ lại. Thu nhập từ toàn bộ đất đai, bất động sản đó, tính ra chế độ quân chủ Anh trả nhiều tiền hơn cho chính phủ so với chi phí để điều hành các hộ gia đình hoàng gia, hoàng gia không phải sống bằng tiền đóng thuế của người dân như nhiều người lầm tưởng.

Nữ hoàng là Người bảo trợ của hơn 600 tổ chức và hội từ thiện lớn nhỏ, ví dụ như tổ chức từ thiện lớn Nghiên cứu Ung thư của Vương quốc Anh và Hội Chữ thập đỏ Anh. Sự hỗ trợ và bảo trợ của bà đã giúp các tổ chức này gây quỹ (ước tính hơn 1,4 tỷ bảng Anh trong thời gian bà trị vì) và tiếp thêm tinh thần cho các tình nguyện viên và nhân viên của họ. Bà đã tham dự hàng trăm sự kiện mỗi năm để hỗ trợ các tổ chức này, cùng với hoạt động ngoại giao trong các chuyến viếng thăm các nước, chiêu đãi các nguyên thủ nước ngoài và những người đứng đầu chính phủ ở Vương quốc Anh. Khi còn sống, khối lượng công việc mà Vương tế Philip đảm nhận còn nhiều hơn, ông bảo trợ cho khoảng 800 tổ chức, đặc biệt tập trung vào môi trường, công nghiệp, thể thao và giáo dục, trong đó có việc sáng lập và là Chủ tịch của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF), thành lập Học bổng Kỹ thuật, sau này là Học viện Kỹ thuật Hoàng gia (Fellowship of Engineering, Royal Academy of Engineering)…

Các thành viên chịu trách nhiệm làm những công việc của Hoàng gia khác cũng vậy, họ cũng tham dự hàng trăm sự kiện mỗi năm, họ không ngồi không một chỗ cả ngày không làm gì cả như nhiều người lầm tưởng.

Hoa Kỳ tự hào về sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Tại Vương quốc Anh, Quốc vương là người đứng đầu Giáo hội Anh và Nữ hoàng là một tín đồ Cơ đốc sùng đạo, cũng như Vua Charles III. Phần lớn ý thức về bổn phận của họ đến từ đức tin Cơ đốc. Thay vào đó, ở Anh, có sự tách biệt giữa chính trị và đời sống công dân. Các chính trị gia đến rồi đi. Nữ hoàng luôn ở đó, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết mọi người. Với các chính trị gia, tất cả mọi lời nói, việc làm của họ trước hết phải thỏa mãn người dân ngay nhiệm kỳ này, thế hệ này, đồng thời phải đặt quyền lợi đảng của họ, những người bỏ phiếu bầu cho họ lên trên và không bao giờ có thể có sự hài lòng của toàn bộ người dân đối với một Tổng thống hay Thủ tướng. Vì vậy luôn luôn có sự chia rẽ, cứ nhìn Hoa Kỳ chẳng hạn.

Còn một chế độ quân chủ kiểu như Vương quốc Anh với Nữ hoàng hay Vua ở bên ngoài chính trị, bên trên chính trị, với tầm nhìn xa, cao hơn, cho một bức tranh lớn hơn.

Nữ hoàng hay Nhà Vua ở Anh hoàn toàn không can thiệp vào công việc chính trị. Quyền lực của họ là một thứ quyền lực mềm, dựa trên uy tín, hình ảnh, tư cách, ý thức về bổn phận, trách nhiệm của họ. Nếu làm tốt công việc và giữ gìn tốt hình ảnh, Quốc vương sẽ đại diện cho một lý tưởng và có sức mạnh truyền cảm hứng cho mọi người nỗ lực hết mình, cống hiến thời gian, công sức và nguồn lực cho những mục đích lâu dài, và đoàn kết mọi người. Và Nữ hoàng đã thể hiện điều đó trong suốt 70 năm trị vì của mình.

Tất nhiên sẽ khó khăn hơn nhiều để duy trì chế độ quân chủ, khi thiếu vắng một Nữ hoàng Elizabeth luôn sáng suốt, điềm tĩnh, đáng tin cậy và vững vàng. Tân vương Charles III chắc chắn hiểu rõ điều này.

Không có hệ thống nào tỏ ra hiệu quả như một bức tường thành chống lại chế độ chuyên chế. Hoa Kỳ có các giải pháp – phân chia quyền lực giữa các nhánh tư pháp, lập pháp và hành pháp, nhưng có lẽ là không đủ.

Mỗi quốc gia đều cần một người gánh vác gánh nặng biểu tượng của nhà nước. Nếu người đó không phải là quân chủ, được thiết lập rõ ràng để quản lý vai trò đó, trách nhiệm, và sự cám dỗ, có xu hướng rơi vào người đứng đầu nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành pháp. Tại sao đó lại là một vấn đề? Chẳng hạn, trong chế độ Tổng thống, với quyền lực tập trung quá nhiều vào Tổng thống, rất có nguy cơ trở thành độc tài.

Hệ thống quân chủ thực hiện một mục đích tâm lý/tinh thần và xã hội quan trọng. Nó cũng có tiện ích thực tế to lớn, về mặt văn hóa – và kinh tế. Ai có thể phủ nhận sức hút to lớn của các truyền thống của Vương quốc Anh, ví dụ, đối với thương mại, du lịch?

Và cuối cùng, ý thức về lịch sử, sự trường tồn, về truyền thống phát triển, về sự phục vụ và cống hiến, là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn, đó là lý do tại sao hơn quá nửa người dân Anh vẫn tiếp tục ủng hộ và tôn trọng chế độ quân chủ của họ.

Còn nếu một ngày nào đó đa số người Anh cảm thấy chế độ quân chủ không còn có ích lợi gì nữa, thì họ cũng sẽ nhẹ nhàng dứt bỏ thôi.

Diễn văn tạm biệt của Boris Johnson

Diễn văn tạm biệt của Boris Johnson

BS Trần Văn Tích

Sau 1140 ngày cầm quyền bính, Thủ tướng Anh quốc Boris Johnson bắt buộc phải rời dinh thự số 10 Downing Street theo đúng tinh thần dân chủ pháp trị của một thể chế văn minh.

Hành động cuối cùng của Thủ tướng là đọc diễn văn từ biệt. Từ biệt dân chúng, từ biệt chính trường, từ biệt quyền hành, từ biệt trách nhiệm. Thủ tướng thức dậy sớm vào hôm thứ ba mồng sáu tháng chín vì diễn văn được đọc lúc bảy giờ rưởi sáng trong ánh bình minh của thủ đô London, khi mặt trời mới bắt đầu ló dạng. Trong khi đó, người kế nhiệm của Boris Johnson, Bà tân Thủ tướng Liz Truss đọc diễn văn nhậm chức vào buổi chiều, trong một cơn mưa rào ngắn ngủi, vì trời sáng sủa trở lại khá nhanh trong lúc Bà Thủ tướng mới ngỏ lời với quốc dân.

Boris Johnson là người có học. Chuyên khoa của cựu Thủ tướng là sử học. Cho nên trong bài diễn văn ngắn đã có nhiều điển tích lịch sử được sử dụng, chứng tỏ trình độ kiến thức của người đứng đầu chính phủ nước Anh. Hơn nữa, bản văn chính luận đã văn chương mà còn hoa lệ. Boris Johnson thích thú vận dụng ẩn dụ trong bức thư tạm biệt của mình.

Ẩn dụ là một biện pháp tu từ tuy nằm trong phạm trù so sánh nhưng nằm ở một mức độ cao hơn, không còn vế bị so sánh, chỉ còn vế đem ra so sánh. Ẩn dụ gây tác dụng liên tưởng kín đáo hơn so sánh. Ẩn dụ không mang chức năng định danh mà là biểu cảm. Thuyền về có nhớ bến chăng / Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền (Ca dao). Ẩn dụ thử thách tài năng vận dụng ngôn từ của nhà văn. Ẩn dụ hay là một sự khám phá kỳ diệu, nó thu hút được sự chú ý của người nghe người đọc và tạo ra nhiều liên tưởng mới mẻ đến những khía cạnh khác nhau thuộc đối tượng được biểu hiện. Bây giờ mận mới hỏi đào / Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ? / Mận hỏi thì đào xin thưa / Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào (Ca dao). Baudelaire thực tinh tế khi bảo rằng : Les parfums, les couleurs et les sons se répondent (Correspondances). Đó là ẩn dụ bổ sung trong thi ca, trong văn học.

Nhà văn học Boris Johnson ít nhất đã hai lần sử dụng ẩn dụ. Johnson tự ví mình với một hoả tiễn bổ trợ. Rồi ra hoả tiễn sẽ quay trở lại vũ trụ và biến mất tăm mất tích nơi một vùng biển Thái bình dương hịu quạnh và xa xôi. Boris Johnson cũng tự ví mình với Cincinnatus : “Giống như Cincinnatus, rồi ra tôi sẽ quay về với đồng ruộng của tôi“. Lucius Quinctius Cincinnatus (519-430 trước Công nguyên) sau hai lần nắm giữ chức quyền tối cao trong chế độ La mã xưa ((458 và 439) cuối cùng đã quay trở về canh tác ruộng vườn. Cơ sở tâm lý của ẩn dụ là sự liên tưởng : người nghe Boris Johnson nói – và người đọc Boris Johnson qua báo chí – nghĩ đến tính khí khiêm cung mà cao cả của diễn giả.

Tuy nhiên trong tuần lễ trước, Boris Johnson không hoàn toàn bác bỏ chuyện mình sẽ trở lại chính trường một ngày nào đó. Trong khi chờ đợi, Boris Johnson cam đoan sẽ hết lòng ủng hộ tân nữ Thủ tướng. Cả cựu lẫn tân Thủ tướng đều phải di chuyển đến điện Balmoral ở Aberdeen tại xứ Tô cách lan xa xôi, cách London đến 800 km, để được Nữ hoàng trao giấy mãn nhiệm và nhận từ Nữ hoàng uỷ nhiệm thư thành lập chính phủ vì Nữ hoàng gặp khó khăn khi di chuyển, theo thông cáo chính thức từ văn phòng hoàng gia. Đàng lẽ lễ nghi tiễn và đón Thủ tướng phải diễn ra ở điện Buckingham, Luân đôn.

Nhắc lại các thành tích do chính phủ của mình đạt được, Boris Johnson đề cập đến sự kiện Brexit đưa vương quốc Anh ra khỏi Liên Âu, đến chương trình chủng ngừa chống corona thành công trên một bình diện rộng lớn. Boris Johnson tránh không nhắc đến các vấp váp, các sai lầm mình đã phạm phải.

Mở đầu diễn văn từ nhiệm, Boris Johnson nói : “Xin cám ơn tất cả các bạn. Mọi sự đã xong xuôi. Cám ơn tất cả đã tới đây hôm nay thực là sớm. Trong vài giờ nữa thôi, tôi sẽ có mặt tại Balmoral để yết kiến Nữ hoàng và bó đuốc sẽ được trao cho một người chủ bảo thủ mới. Cuộc chạy tiếp sức đã diễn ra, người ta đã thay đổi luật lệ giữa chừng, nhưng thôi, chuyện đó không còn quan trọng nữa. Và qua cánh cửa sơn màu đen này, một tân Thủ tướng sẽ bước vào phòng để gặp một toán chuyên viên công chức thượng hạng – họ là những nhân vật đã hoàn tất vụ Brexit, đã phân phát thuốc chủng chống corona nhanh nhất cho dân chúng toàn quốc nếu so với các quốc gia khác ở Châu Âu và xin đừng quên rằng 70 % dân chúng đã được chích ngừa trong vòng sáu tháng, nhanh hơn bất cứ đất nước nào khác. Đó là chính quyền của các bạn. Đó là chính quyền bảo thủ.“

Diễn văn từ nhiệm của Boris Johnson có thể được xem như là một hiện tượng chính luận hoàn mỹ thuộc hoạt động của con người và thuộc nghệ thuật văn hoá. Cái đẹp trong diễn văn nói riêng, cái đẹp trong nghệ thuật nói chung, là biểu hiện của cái đẹp trong cuộc sống. Và cũng như trong cuộc sống, cái đẹp chân chính trong nghệ thuật luôn luôn gắn liền với cái thật, cái tốt. Tất nhiên sự gắn bó này mang những tỷ lệ khác nhau tuỳ theo thời đại – và thời sự –, tuỳ theo xuất xứ, tuỳ theo trình độ, tuỳ theo phong cách và tuỳ theo nhân cách của từng người.

Bài diễn văn tạm biệt mang sắc thái Anh đặc biệt. Nó vừa dí dỏm khôi hài vừa phớt tỉnh ăng-lê.

Nhưng nó rất trí thức.

BS Trần Văn Tích

 

SALUSHNYI, VỊ TƯỚNG ANH HÙNG ĐÁNH BẠI NƯỚC NGA

 SALUSHNYI, VỊ TƯỚNG ANH HÙNG ĐÁNH BẠI NƯỚC NGA

Tác giả: Wolfram Weimer; Việt Hùng phỏng dịch

Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Ukraine, Walerij Salushnyi là một vị tướng khôn ngoan, nhiều mưu mẹo. Ông dạy cho những kẻ xâm lược Nga hết nỗi ô nhục này đến nỗi ô nhục khác. Bây giờ ông ấy dẫn đầu một cuộc phản công đáng kinh ngạc và trở thành một anh hùng dân tộc trong tương lai.

Cuộc phản công của quân đội Ukraine đã thành công đáng kinh ngạc. Việc tái chiếm các vùng đất rộng lớn ở miền đông Ukraine thậm chí có thể đem lại bước ngoặt của cuộc chiến. Hy vọng đang bùng lên ở khắp mọi nơi, ở Ukraine, ở phương Tây, ở phe đối lập của Nga, trên các sàn giao dịch chứng khoán thế giới. Đứng sau những cú đánh của quân đội Ukraine là một vị tướng thông minh, là người đã khiến Nga tuyệt vọng trong nhiều tháng nay. Waleriy Saluschnyj, 49 tuổi, là chỉ huy tối cao của quân đội Ukraine và đang nhanh chóng trở thành anh hùng dân tộc ở Ukraine.

Vào tháng 1, Salushnyi được hỏi tại Brussels liệu ông có lo ngại về ưu thế của Nga hay không. Salushnyi trả lời rằng, ông ta thực sự lo ngại, “nhưng chỉ một lần, vào năm 2014, khi tôi lần đầu tiên được trao một khẩu súng máy và áo chống đạn và ra trận sau khi Nga sáp nhập Crimea“. Sau đó “nó chỉ là công việc“.

Không lâu trước khi chiến tranh bùng nổ, ông đã khiến mọi người phải lắng nghe và chú ý. Ông nói, người Nga sẽ được chào đón, “không phải bằng hoa, mà bằng tên lửa chống tăng và phòng không“. Và ông nói thêm một cách cộc lốc: “Chào mừng đến với địa ngục“. Sự tự tin mà ông ấy thể hiện ban đầu nghe giống như tuyên truyền, nhưng không ai đánh giá thấp ông ấy nữa.

Salushnyi dân chủ hóa Quân đội

Công việc của Salushnyi cho thấy quân đội Ukraine không chỉ thể hiện tinh thần anh dũng trong trận chiến, mà – không giống như quân đội Nga chậm chạp – còn phản ứng chiến thuật một cách nhanh chóng, linh hoạt và sử dụng thành thạo các loại vũ khí phương Tây. Vị tướng này là tư lệnh tối cao đầu tiên của Ukraine không còn được đào tạo ở Liên Xô. Ông là hiện thân của cuộc cải cách sâu rộng đối với quân đội Ukraine kể từ năm 2014. Một trong những công việc đầu tiên của ông là trao cho các sĩ quan trên mặt trận quyền tự chủ nhiều hơn, ra sắc lệnh về một kiểu dân chủ hóa và cho phép binh lính ở mặt trận bắn trả mà không cần tham khảo ý kiến của chỉ huy cao cấp.

Đồng thời, Salushnyi đã phát triển một cơ cấu du kích, tổ chức kháng cự linh hoạt ngay cả sau chiến tuyến của kẻ thù, bao gồm cả người dân thường trong cuộc kháng chiến, và sử dụng máy bay không người lái hiện đại một cách có hệ thống. Các chuyên gia quân sự nhận định: “Vị tướng này đã hình thành từ một lực lượng theo quân đội Liên Xô cũ thành một lực lượng linh động, được phân quyền và được trang bị kỹ thuật số. Nó như thể một bốt điện thoại đang cạnh tranh với điện thoại di động hiện đại“, các chuyên gia quân sự nói.

Trong một cuộc phỏng vấn, Salushnyi từng nói: “Chúng tôi muốn thoát khỏi bản đồ và viết lệnh chiến đấu như năm 1943“. Điều trớ trêu của câu chuyện là giờ đây ông ta đang chiến đấu với một kẻ thù trông giống như năm 1943 hơn là năm 2022.

Chính Salushnyi cũng không muốn ngăn chặn quân xâm lược Nga trực tiếp ở biên giới, mà – giống như tướng Kutuzov trong cuộc xâm lược Nga của Napoléon – trước tiên để họ tiến vào đất nước, tấn công các tuyến tiếp tế, cô lập họ và sau đó phát động du kích hàng loạt các cuộc tấn công vào đội hình xe tăng và phi đội máy bay không người lái.

Một trò đánh lừa cũng xảy ra trước cuộc phản công hiện tại gần Kharkiv, vì Salushnyi đã khiến người Nga tin rằng cuộc tấn công chủ yếu sẽ ở phía nam gần Cherson, do đó lôi kéo Nga tập hợp lại. Trên thực tế, ông ta sau đó đã chọn tấn công vào sườn, lúc này đã lộ ra và phía sau là con sông rộng lớn Oskil khiến Nga không thể tiếp tế.

Tự hào về sự huấn luyện tốt của các binh đội

Salushnyi đã thúc đẩy việc đào tạo binh lính của mình về các hệ thống vũ khí của phương Tây trong nhiều năm. Đặc biệt, ông ta sử dụng dữ liệu do thám vệ tinh của NATO như thể đó là do thám của chính mình. Ông đã tích hợp các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây vào cuộc chiến của mình từ rất sớm. Trên hết, ông dựa vào các tên lửa chống tăng hàng loạt và coi việc huấn luyện chúng là một phần trọng tâm trong quá trình chuẩn bị chiến tranh của mình. Ông rất tự tin cảnh báo người Nga vào đầu năm “Kẻ thù cũng phải hiểu rõ: Chúng tôi có đủ vũ khí chống tăng“.

Trước khi chiến tranh nổ ra, Salushnyi đã nhiều lần cử quân đội Ukraine tiến hành các cuộc diễn tập với các đối tác NATO, và ông duy trì liên lạc cá nhân chặt chẽ với các tướng lĩnh Anh và Mỹ. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn “ukrinform”, ông tự hào nói rằng các binh sĩ của ông hiện đã nắm vững hơn 300 tiêu chuẩn của NATO. “Tôi không muốn chỉ trích bất cứ ai, nhưng theo tôi biết, không phải tất cả các lực lượng vũ trang của các nước châu Âu đã là thành viên của liên minh đều nắm vững bộ tiêu chuẩn như vậy”.

Khi Salushnyi học xong ở thị trấn nhỏ Novohrad-Wolinski phía tây Kyiv vào năm 1989, Ukraine vẫn còn là một phần của Liên Xô. Trong giai đoạn biến động này, ông đã tiếp bước cha mình, cũng là một sĩ quan chuyên nghiệp. Ông theo học tại học viện quân sự danh tiếng ở Odessa và tốt nghiệp hạng ưu từ khóa đào tạo sĩ quan cho lực lượng bộ binh vào năm 1997. Kể từ năm 2014, Salushnyi đã phục vụ gần như không ngừng nghỉ tại khu vực Donetsk đầy biến động. Ông chỉ huy một lữ đoàn chịu một số trận giao tranh đẫm máu nhất trong cuộc chiến gần Debaltseve, với nhiều thương vong cho người Ukraine. Khi được phong hàm thiếu tướng vào năm 2017, ông đã cố tình ở lại mặt trận phía đông Ukraine. Ông ta biết mọi con hào ở đó, chính xác là vì ông ta không sợ hãi và bản thân ông anh dũng chiến đấu, nên có danh tiếng cao nhất trong quân đội. “Tôi tự hào và biết ơn mọi người lính Ukraine. Thật vinh dự cho tôi khi được chiến đấu bên cạnh các bạn“, Salushnyi viết trên mạng xã hội.

Tướng có cơ hội làm tổng thống

Trong khi đó, Salushnyi không chỉ là hình mẫu theo quan điểm của những người lính, mà còn là một anh hùng dân tộc đối với đa số người dân Ukraine. Nhiều người thậm chí còn tin rằng vị tướng nổi tiếng có khả năng kế nhiệm thủ tướng hiện tại, Volodymyr Zelensky, vào một thời điểm nào đó sau khi chiến tranh kết thúc – đặc biệt nếu cuộc phản công kết thúc với chiến thắng trước Nga.

Một cuộc thăm dò của tạp chí tin tức Ukrainska Pravda cho thấy, nếu có bầu cử vào lúc này, Tổng tư lệnh sẽ được bầu làm tổng thống. Và ông ấy đã giống như một tổng thống sắp tới khi tuyên thệ thống nhất đất nước Ukraine: “Tôi muốn kêu gọi tất cả những chính trị gia đưa ra ‘đánh giá’ về tình hình hoạt động từ các thành phố trong nội địa. Với những tuyên bố vô trách nhiệm của họ, chẳng hạn như kẻ thù đã lấy một thứ gì đó mà không có vấn đề gì hoặc rằng sự đầu hàng của đất nước đang được chuẩn bị, bạn đã xúc phạm binh lính của chúng tôi“.

Chúng tôi đã ngăn chặn kẻ thù từ mọi phía. Chúng tôi đã gây cho họ những tổn thất mà họ chưa từng thấy hoặc chưa từng tưởng tượng. Tất cả người dân Ukraine đều biết điều này. Thế giới đều biết điều đó. Tôi kêu gọi các bạn: đừng làm tổn thương binh lính của chúng tôi bằng những ‘Đánh giá chuyên môn’ của các bạn. Bây giờ bạn không ở tiền tuyến. Và đó không phải là con cái của bạn. Chúng tôi đang bảo vệ Ukraine“.

Việc Saluschnyj (người cha của hai đứa trẻ) nghĩ ngoài khuôn khổ của quân đội còn được thể hiện bằng một câu nói cảm thông về những nạn nhân của cuộc chiến. Tại một diễn đàn vinh danh những người lính và cựu chiến binh đã ngã xuống ở Kyiv, ông hiếm khi công khai rằng gần 9.000 quân nhân đã chết cho Ukraine cho đến nay. Saluschnyi kêu gọi giúp đỡ các gia đình và đặc biệt là con em của những người đã chết. Salushnyi nói: “Chúng không thực sự hiểu về những gì đang xảy ra và chúng hoàn toàn cần được bảo vệ khi cha của chúng ra mặt trận và là một trong gần 9.000 anh hùng bị giết”.

Bản thân ông từ chối mọi tham vọng chính trị, hầu như không phỏng vấn mà chỉ tập trung vào công việc của mình. Ông ấy là một người lính và có một nhiệm vụ – đánh bại Nga.

From: TU-PHUNG

“Dừng hút thuốc ở khắp nơi đi…”

“Dừng hút thuốc ở khắp nơi đi…”

13-9-2022

Tôi muốn dành bài phát biểu này cho những người đã dũng cảm đứng vững trong 200 ngày, vì đó chính là lý do Ukraine đứng vững – Tổng thống Volodymyr Zelenskyy phát biểu vào ngày 11/9.

Nataliya Zhynkina

Dưới đây là bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào ngày 11/9, đúng 200 ngày quân đội Ukraike chiến đấu chống quân Nga xâm lược. Bài dịch được bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam đưa lên trang Facebook.

Tiếng Dân

Người dân Ukraine thân mến!

Hôm nay tròn 200 ngày kháng chiến của chúng ta, cuộc đấu tranh của chúng ta, cuộc chiến tranh của nhân dân chúng ta vì tự do, vì độc lập, vì lẽ phải. Trong 200 ngày qua, chúng ta đã đạt được rất nhiều nhưng điều quan trọng nhất, và khó khăn nhất, vẫn đang ở phía trước. Và tôi muốn dành bài phát biểu này hướng tới những người đang ở phía trước và những ai đang gặp khó khăn nhất lúc này, bởi vì họ đang làm điều quan trọng nhất.

Tất cả họ đều là những người bảo vệ Ukraine. Tất cả họ đã can đảm đứng vững trong 200 ngày, đó chính là lý do Ukraine vẫn đang đứng vững. Tất cả là những người mạnh mẽ thế nên chúng ta là những người tự do. Tất cả là những người bất khuất thế nên chúng ta là những người độc lập. Các chiến sĩ của chúng ta, những người đã anh dũng chống lại kẻ thù và giờ đây họ đang không kìm nén mình. Và họ đang đánh đuổi những kẻ chiếm đóng ở phía bắc, phía nam và phía đông. Ở mọi hướng nhưng chỉ di chuyển theo một hướng – tiến lên phía trước và hướng tới chiến thắng.

200 ngày kháng chiến của Ukraine. Gần 5 nghìn giờ. Gần 300 nghìn phút. Gần 20 triệu giây. Và có biết bao nhiêu lý do để nói “lời cảm ơn” ngày hôm nay với tất cả những người mà nhờ họ điều này đã thành hiện thực. Hàng triệu lần. Không có bất kỳ từ “gần như” nào. Để nói rằng chúng ta tin ở họ, tin vào chiến thắng của họ. Không có bất kỳ từ “gần như” nào.

Đó là tất cả những chiến binh của chúng ta, của Lực lượng vũ trang Ukraine.

Lực lượng lục quân, bộ binh của chúng ta. Các bạn hiểu rõ hơn ai hết: có rất ít sự lãng mạn trong chiến tranh và rất nhiều công việc khó khăn. Ngày nay, các lữ đoàn cơ giới hóa biệt lập của chúng ta đang thực hiện công việc này một cách dũng cảm và quên mình. Lữ đoàn 92 – được đặt theo tên của Kish Otaman [thủ lĩnh] Ivan Sirko. Lữ đoàn 54 – được đặt theo tên của Hetman Ivan Mazepa. Lữ đoàn 14 – được đặt theo tên của Hoàng tử Roman Đại đế. Lữ đoàn bộ binh biệt kích 60 Inhulets. Từng bước một tại vùng Kharkiv, vùng Kherson, Donbas, với vũ khí, cuốc xẻng, đôi bàn tay, hàm răng – các bạn đang “gặm nhấm” từng mét đất, từng phòng tuyến, từng thành phố và làng mạc của chúng ta.

Đó là những người lính tăng của chúng ta. Những người rèn nên chiến thắng tương lai bằng găng tay sắt. Và hôm nay đã trở thành ngày lễ của binh chủng. Đó là các lữ đoàn tăng biệt lập 3, 4, 5, các trung đoàn và các tiểu đoàn tăng, các đại đội tăng trong thành phần lực lượng đổ bộ đường không, lữ đoàn xe tăng biệt lập Kryvyi Rih số 17 được đặt theo tên của Kostiantyn Pestushko. Và đặc biệt – lữ đoàn tăng biệt lập Siversk số 1. Tôi xin chân thành chúc mừng tất cả các bạn và tất cả những người liên quan nhân Ngày lễ của lính tăng.

Đó là lính tên lửa và pháo binh của chúng ta. Các bạn được gọi một cách chính xác là “những vị thần của cuộc chiến”. Các bạn đang đưa những kẻ chiếm đóng đến phiên tòa thánh thần. Các bạn đang đưa những con quỷ trở lại địa ngục. Ngày nay, lữ đoàn pháo binh biệt lập 406 được đặt theo tên của lữ đoàn trưởng, thiếu tướng Oleksiy Almazov đang thực hiện công việc này với sự nhiệt thành đặc biệt và ánh lửa trong mắt họ. Chúng tôi biết ơn các chiến binh của lữ đoàn và nói chung với tất cả những người mà chúng tôi nồng nhiệt gọi là “pháo thủ của chúng tôi”.

Làm thế nào để một người mô tả được công việc tinh vi của bạn trong hai từ? Chuẩn xác và vang dội. Chúng tôi cảm ơn bạn vì mỗi sự “chuẩn xác” và mỗi sự “vang dội”, vì tất cả các đoàn xe, kho, căn cứ và sở chỉ huy của địch bị phá hủy. Các giao lộ và cầu đường trọng yếu, nơi bị bắn cháy bởi những nỗ lực của các bạn và nơi đối phương vi phạm nội quy an toàn phòng cháy chữa cháy. Người dân và cư dân mạng đều mong bạn tính toán chính xác và có những cú đánh trúng mục tiêu mới và họ nói với những kẻ chiếm đóng bằng ngôn từ dễ hiểu: “Dừng hút thuốc ở khắp nơi đi. Hãy hút thuốc ở nơi chưa bị bắn trúng ấy”.

Đó là Lực lượng Không quân của chúng ta. Ném bom, cường kích, tiêm kích, do thám, vận tải quân sự hàng không. Các bạn luôn ở trên tầng cao khi bảo vệ Ukraine.

Đó là các lực lượng đổ bộ đường không của chúng ta. Các bạn luôn là những người đầu tiên! Bởi không phải ai khác ngoài các bạn! Những khẩu hiệu này không chỉ là lời nói. Kẻ thù đã nhận thức được điều này trong tám năm và 200 ngày. Và ngày nay, những kẻ chiếm đóng đặc biệt cảm nhận được sức mạnh và sự vững chắc của lữ đoàn đổ bộ đường không 79, lữ đoàn 25 và 80. Đặc biệt, vùng Kharkiv, nơi các bạn đang giải phóng thành công khỏi quân thù. Và ở vùng Donetsk, nơi các bạn đang đẩy lùi thành công kẻ thù.

Chúng tôi chắc chắn rằng: cả ở đây và ở đó sẽ có một trận kết – chiến thắng của các bạn. Để đạt được điều này, các bạn không cần phải đọc bản dự báo, chỉ cần đọc lời tuyên thệ của các bạn là đủ. Các bạn là lính dù của Lực lượng vũ trang Ukraine. Các bạn sẽ không bao giờ chấp nhận thất bại. Các bạn sẽ không bao giờ lùi bước khi đối mặt với khó khăn. Các bạn sẽ không bao giờ để một đồng đội gặp nguy hiểm. Các bạn luôn sẵn sàng tiêu diệt kẻ thù của Ukraine trong trận chiến. Các bạn là lính dù của Lực lượng vũ trang Ukraine!

Đó là Lực lượng Hải quân của chúng ta. Các bạn đã chứng minh rằng hạm đội nào của kẻ thù, chỉ huy hạm nào của chúng đều không quan trọng một khi Neptune – Hải Vương Tinh ở bên bạn. Những người bảo vệ bờ biển quê hương. Tàu hộ vệ tên lửa, tàu pháo, tàu quét mìn, hàng không hải quân, pháo binh hải quân và tất nhiên là cả lính thủy đánh bộ. Và tôi đặc biệt muốn lưu ý đến tiểu đoàn biệt lập 503 lính thủy đánh bộ. Trên phù hiệu của bạn có dòng chữ: “Nếu tấn công – thì có chúng tôi”. Trong trái tim của chúng ta luôn là câu nói: “nếu là các bạn – thì luôn là thành công và chiến thắng”.

Đó là lực lượng phòng không của Ucraine. Binh chủng tên lửa phòng không, binh chủng kỹ thuật vô tuyến điện, lực lượng phòng không trên bộ và Hải quân. Bạn nghe thấy cảnh báo không kích khác với đa số mọi người. Hầu hết mọi người xuống hầm trú ẩn. Còn các bạn thì hướng ánh mắt của mình lên phía trên để tiêu diệt tên lửa, máy bay, trực thăng và máy bay không người lái của đối phương.

Đó là lực lượng trinh sát tình báo của chúng ta. Vì những lý do dễ hiểu, rất ít người biết tên các bạn, khuôn mặt của các bạn. Các hoạt động của các bạn thường không được viết trong các bản tin, nhưng chúng chắc chắn sẽ được viết trong các giáo trình khoa học quân sự. Những chiến công của các bạn thường thầm lặng và khó nhận thấy đối với người dân của chúng ta nhưng luôn gây đau đớn và đáng kể đối với kẻ thù của chúng ta.

Ngày nay, các sĩ quan tình báo đang thể hiện mình một cách đặc biệt. Tiểu đoàn trinh sát biệt lập 131 của tình báo quân sự Ukraine. Những người luôn đi trước. Tôi cảm ơn các bạn, tôi cảm ơn tất cả các đơn vị của Tổng cục Tình báo và tất cả các sĩ quan tình báo của chúng ta, nhờ họ mà chúng ta luôn thấy, luôn nghe, luôn biết, luôn hành động. Và chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng.

Đó là những người lính đặc nhiệm của chúng ta, Lực lượng Tác chiến đặc biệt. Họ là những người tấn công. Những người chiếm ưu thế không phải ở số lượng, mà ở chất lượng. Những người có một sức mạnh đặc biệt để chiến đấu ở ranh giới có thể và không thể.

Đó là các lực lượng phòng vệ lãnh thổ. Và chúng tôi đặc biệt lưu ý đến các chiến sĩ của lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ biệt lập số 115 và 117.

Đó là những quân y đang cứu sống các chiến sĩ của chúng ta. Đó là những tăng lữ quân đội, những giáo sĩ, những người cầu nguyện cho cuộc sống của các chiến sĩ của chúng ta. Đó là những kỹ sư, sĩ quan thông tin liên lạc, không gian mạng quân sự của chúng ta.

Đó là những người đã bảo vệ và phụng sự quốc gia sát cánh cùng Lực lượng vũ trang Ucraine trong 8 năm, trong 200 ngày và hiện nay. Tôi cảm ơn tất cả các chiến binh của Vệ binh Quốc gia, các lực lượng đặc biệt của Vệ binh quốc gia, đặc biệt là trung đoàn 15 Sloviansk. Tôi cảm ơn tất cả những người lính biên phòng của chúng ta, các sĩ quan và nhân viên của Cơ quan An ninh Ukraine, Cảnh sát Quốc gia, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp nhà nước, các nhân viên cứu hỏa, cứu hộ, công binh của chúng ta. Và nói chung – gửi đến tất cả các chiến binh, những người bảo vệ của chúng ta, những người con trai và con gái tốt nhất của Ukraine, những người đang giải phóng miền bắc, miền nam và miền đông của Ukraine ngày nay.

Gửi đến tất cả những ai trong 200 ngày qua đã tiêu diệt hơn 2.000 xe tăng địch, 4.500 xe bọc thép chiến đấu, hơn 1.000 hệ thống pháo của địch, 250 máy bay và 200 trực thăng, gần 1.000 máy bay không người lái, 15 tàu và thuyền, hàng nghìn đơn vị thiết bị khác của địch.

Họ đã giải phóng hàng trăm thị trấn và làng mạc của chúng ta. Những ai đã phá vỡ kế hoạch của kẻ thù, chính là những người không thể bị phá vỡ. Tất cả những ai đã giữ vững phòng thủ và bảo vệ Kyiv, bảo vệ thủ đô của chúng ta, nghĩa là họ đã bảo vệ niềm tin của chúng ta vào chiến thắng của chúng ta.

Với việc bảo vệ Kharkiv, Mykolaiv, Chernihiv, Odesa, Zaporizhzhia, Dnipro, tất cả đã củng cố và nhân lên niềm tin. Tất cả những ai bảo vệ Mariupol và Azovstal, là những người giải phóng vùng Kyiv, vùng Zhytomyr, vùng Chernihiv, vùng Sumy. Bucha, Irpin, Borodyanka, Vorzel, Hostomel, Makariv. Okhtyrka, Sumy và bây giờ – Balakliya, Izyum, Kupyansk.

Tất cả những ai đã giải phóng, đang giải phóng và sẽ giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine. Mang cờ Ukraine trở lại Kherson, Berdyansk, Melitopol, Luhansk, Horlivka, Yenakijeve, Mariupol và Donetsk, Yalta, Dzhankoy, Kerch, Yevpatoriya, Simferopol, là những người đã làm việc bằng 200% trong suốt 200 ngày qua.

Kẻ thù nói rằng họ bị lạc lối, rằng họ đang đi tập trận. Các bạn đã dạy họ rất nhiều. Biết đóng gói và cuốn xéo nhanh chóng rời khỏi vùng đất của chúng ta và hiểu rằng, chỉ bằng cách từ bỏ thiết bị và vũ khí thì mới có thể hành động nhanh hơn và dễ dàng hơn nhiều.

Nhiều người trong số họ đã lĩnh hội được rằng việc nói đúng không phải là “trên Ukraine” mà là “ở tại Ukraine”. Tôi đang nói về tất cả những người đã đặt chân lên mảnh đất của chúng ta và ở lại đó. Nhiều người ghi nhớ mãi những gì đang chờ đợi tất cả những vị khách không mời ở Ukraine. Đó là những chiến binh của chúng ta.

Ngày nay, mọi người đều nhìn thấy và ghi nhớ hành động của các bạn ở phía bắc, nam và đông Ukraine. Thế giới rất ấn tượng. Kẻ thù đang hoảng loạn. Ukraine tự hào về các bạn, tin tưởng vào các bạn, cầu nguyện cho các bạn và đang chờ đợi các bạn.

Con đường dẫn đến chiến thắng là một con đường khó khăn. Nhưng chúng ta chắc chắn rằng: các bạn có khả năng làm được điều đó. Các bạn sẽ đến biên giới của chúng ta, tất cả phần đất của chúng ta. Bạn sẽ thấy biên giới của chúng ta và lưng của kẻ thù. Bạn sẽ thấy ánh mắt của người dân của chúng ta sáng ngời và gót chân của những kẻ chiếm đóng. Người ta sẽ gọi đó là “những cử chỉ thiện chí”. Chúng ta sẽ gọi đó là một chiến thắng.

Chúng tôi tin tưởng vào các bạn, vào những người đã và đang làm công việc của mình, không tiếc mạng sống, bảo vệ đất nước trong suốt 200 ngày qua dù nhiệt độ -15°C hay + 35°C, lúc 2 giờ sáng hay 6 giờ sáng, vào thứ hai bình thường hay vào ngày Ngày lễ Độc lập, bất chấp mệt mỏi, căng thẳng và nguy hiểm.

Tất cả những người chắc chắn đã sẵn sàng, những người chẳng để ý đến những lời đồn thổi và đàm tiếu. Những người không đọc tin giả trên mạng mà viết lịch sử trong đời thực. Lịch sử của nền độc lập. Lịch sử của chiến thắng. Lịch sử của Ukraine. Các chiến binh của chúng ta, các chiến sĩ của chúng ta, những người bảo vệ của chúng ta. Đối với chúng tôi, các bạn chắc chắn là đội quân đầu tiên của thế giới.

Vinh quang cho các bạn!

Vinh quang cho Ukraine!

NguồnFB Nataliya Zhynkina

Xem thêm bản tin mới:

httpv://www.youtube.com/watch?v=23L0XY5kGSU&t=3s

Quá tốt: Tuyệt vọng, chỉ huy Nga ở Kherson ra lệnh cho binh sĩ ngưng bắn, điều đình xin đầu hàng

Putin, Gorbachev, và hai tầm nhìn về sự vĩ đại của nước Nga

Putin, Gorbachev, và hai tầm nhìn về sự vĩ đại của nước Nga

 

Gideon Rachman, “Putin, Gorbachev and two visions of Russian greatness,” Financial Times, 05/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Điện Kremlin đã quay trở lại với các phương pháp và mục tiêu dựa trên sự chinh phạt, sự sợ hãi và tàn bạo.

Donald Trump từng hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Khẩu hiệu yêu thích của Tập Cận Bình là hướng đến “sự phục hưng vĩ đại” của dân tộc Trung Hoa. Vladimir Putin cũng được thúc đẩy bởi một mong muốn tương tự: hồi sinh nước Nga vĩ đại.

Nhưng thế nào là một quốc gia vĩ đại? Putin và Mikhail Gorbachev, người vừa qua đời vào tuần trước, lại có suy nghĩ khác nhau.

Đối với Putin, sự vĩ đại của một quốc gia được xác định bằng lãnh thổ, sức mạnh quân sự, và khả năng khiến các nước láng giềng khiếp sợ hoặc khuất phục. Nhà lãnh đạo Nga tin rằng đất nước ông có quyền trở thành một trong những cường quốc trên thế giới. Ông cho rằng nước Nga đã “bị cướp” khi Ukraine giành độc lập, và chìa khóa để xây dựng lại sức mạnh và tầm vóc quốc gia là giành lại lãnh thổ đã mất. Quyết định xâm lược Ukraine là đỉnh điểm của nỗi ám ảnh này.

Đối với Gorbachev, sự vĩ đại của một quốc gia lại tập trung nhiều hơn vào phẩm giá của những công dân bình thường. Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2001 với nhà sử học Daniel Yergin, ông nhắc đến việc Liên Xô không có khả năng cung cấp cho công dân của mình những nhu yếu phẩm hàng ngày: “Hãy tưởng tượng một quốc gia có thể bay vào vũ trụ, phóng Sputniks, tạo ra một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ … [Nhưng] không có kem đánh răng, không có bột giặt, không có những hàng hóa cơ bản cho cuộc sống. Thật không thể tin được và thật nhục nhã khi phải làm việc trong một chính phủ như vậy.”

Việc thường dân Nga không còn phải chịu đựng cảnh thiếu thốn như xưa phần lớn chính là nhờ các cải cách kinh tế của Gorbachev, dù chúng đã được triển khai một cách khá do dự. Những người đổ lỗi cho ông vì đã phá hủy nền kinh tế Liên Xô nên nhớ lấy điều đó.

Ý tưởng về phẩm giá con người của cựu lãnh đạo Liên Xô cũng đã mở rộng sang quyền tự do ngôn luận. “Thật không thể tin được và thật nhục nhã,” khi mà dưới chế độ Xô-viết, những người có học thức phải sống trong một thế giới của những lời nói dối, khẩu hiệu và sự kiểm duyệt chính thức. Gorbachev đã thay đổi điều đó bằng cách giải phóng báo giới và ngành công nghiệp sáng tạo, trả tự do cho những người bất đồng chính kiến, và cho phép tiếp tục những nghiên cứu lịch sử thực sự. Còn Putin đang đưa nước Nga trở lại với sự đàn áp theo kiểu Liên Xô – khi ông cho đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập còn sót lại, bỏ tù những thành viên đối lập, và biến việc thừa nhận rằng Nga đang có chiến tranh trở thành một hành vi phạm tội.

Quan trọng hơn, ý tưởng về phẩm giá con người của Gorbachev đã vượt ra ngoài biên giới nước Nga. Quyết định quan trọng nhất, chính trực nhất mà ông từng đưa ra là không gửi xe tăng Liên Xô đến Ba Lan, Hungary, hoặc Đông Đức vào năm 1989 khi các phong trào dân chủ nở rộ.

Trong một thời gian ngắn ngủi, một nhà lãnh đạo Nga đã trở thành một biểu tượng quốc tế của tự do chính trị. Khi Gorbachev đến thăm Đông Berlin vào tháng 10/1989, một tháng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, đám đông đã hô vang “Gorby hãy giúp chúng tôi.” Khi ông đến thăm Bắc Kinh vào tháng 5, những sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn đã ca ngợi ông như một anh hùng – một nhà lãnh đạo đã chứng tỏ rằng các chế độ chuyên chế cũng có thể cải cách và không cần phải giết chết người biểu tình trên đường phố. Nhưng giấc mơ ấy đã kết thúc bằng vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn chỉ một tháng sau đó.

Đúng là những phản ứng của Gorbachev không phải lúc nào cũng cao thượng và bất bạo động. Ông được nhớ đến cùng sự ghét bỏ ở các nước Baltic, vì đã mang quân đội Liên Xô đến đây hồi năm 1991 trong một nỗ lực (thất bại) để ngăn chặn phong trào giành độc lập của họ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Putin sẽ là những người đầu tiên chỉ ra, Gorbachev thiếu sự tàn nhẫn để tiếp tục chiến đấu và giết chóc cho đến khi quyền lực của Moscow được khôi phục. Putin quyết tâm không lặp lại “sai lầm” đó, và kết quả là Ukraine đã phải trả một cái giá khủng khiếp về nhân mạng. Khi câu chuyện về những gì thực sự đã xảy ra trong chiến dịch bao vây Mariupol của quân Nga bị vỡ lở, nó có thể vạch trần một tội ác chiến tranh có quy mô lịch sử – với hàng nghìn dân thường bị giết và chôn vùi trong những ngôi mộ tập thể.

Đối với Putin, những vụ thảm sát như Mariupol chỉ là một dấu chấm nhỏ khi so sánh với sứ mệnh lịch sử của ông là khôi phục nước Nga vĩ đại. Những kỳ vọng ban đầu của ông về chiến thắng trước Ukraine chỉ trong vài ngày đã bị tiêu tan. Nhưng ông đã sớm gạt bỏ thất vọng bằng cách so sánh mình với Peter Đại đế, người đã giành chiến thắng cuối cùng trong Đại chiến phương Bắc kéo dài hơn 20 năm.

Đó là một so sánh hàm chứa nhiều điều. Peter Đại đế là một bạo chúa, khét tiếng bởi sự thờ ơ tuyệt đối trước những thiệt hại về nhân mạng. Hàng nghìn người đã chết trong quá trình xây dựng thủ đô mới của ông, St. Petersburg. Peter cũng áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc để tiến hành các cuộc chiến của mình. Đây là một bước đi mà Putin cho đến nay vẫn không muốn thực hiện. Bất chấp những luận điệu kiểu Sa hoàng của mình, có lẽ ông ta vẫn hiểu được sự nguy hiểm của việc đối xử với những công dân thế kỷ 21 như nông nô thế kỷ 18.

Putin có thể tin rằng chiến thắng trên chiến trường và trong cuộc chinh phục lãnh thổ là những cách thức duy nhất để khôi phục sự vĩ đại của quốc gia. Nhưng điều mà Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ gọi là “sự nghiêm túc tôn trọng ý kiến của nhân loại” cũng cần được cân nhắc. Nước Nga hiếu chiến không được đánh giá cao ở điểm này. Một cuộc khảo sát quốc tế do Đại học Pennsylvania và nhiều tổ chức khác thực hiện vào năm ngoái cho thấy ba quốc gia được ngưỡng mộ nhất trên thế giới là Canada, Nhật Bản, và Đức.

Cả ba nước đều được đánh giá cao dựa trên các tiêu chí như chính phủ trong sạch, tôn trọng nhân quyền, và công bằng xã hội. Đây là những điều ít được coi trọng ở nước Nga của Putin, nhưng lại được những cá nhân và chính phủ quan tâm đến phẩm giá con người coi trọng.

Putin đã thể hiện sự khinh thường của mình đối với những giá trị này – những giá trị mà Gorbachev đề cao – bằng cách tuyên bố rằng mình quá bận rộn, không thể đến tham dự lễ tang của vị cựu tổng thống. Hàng nghìn người Nga thinh lặng đứng trước quan tài mở của Gorbachev đã thể hiện sự bất đồng của họ.

G.R.

Nguòn bản dịch: nghiencuuquocte.org

Quân Nga ‘bỏ chạy như những vận động viên chạy Olympic’ khi Ukraine chiếm lại vùng Đông – Bắc

Quân Nga ‘bỏ chạy như những vận động viên chạy Olympic’ khi Ukraine chiếm lại vùng Đông – Bắc

Financial Times

12-9-2022

Lính Ukraine đứng chào cờ tại Balaklyia, Kharkiv trước khi di chuyển tới Kupyansk. Ảnh: Getty images

Chỉ huy Ukraine Petro Kuzyk biết bí mật của cuộc tấn công dẫn đến sự sụp đổ của quân Nga ở phía đông bắc đất nước này – đó là sự kết hợp của quyết tâm gan dạ, kế hoạch cẩn thận và sử dụng khôn khéo các thiết bị quân sự phương Tây với số lượng hạn chế.

Kết quả là, cuộc tiến công của quân đội Ukraine đã giải phóng 3.000 km vuông chỉ trong sáu ngày, là chiến thắng lớn nhất của Ukraine kể từ khi đẩy lùi quân đội Nga khỏi Kyiv vào tháng 3. Nhiều người Ukraine hy vọng cuộc tấn công này có thể đóng vai trò một bước ngoặt trong cuộc xung đột kéo dài gần 7 tháng qua.

Kuzyk, chỉ huy lực lượng phản ứng nhanh Svoboda của lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine tham gia cuộc tấn công cho biết: “Cuộc phản công của chúng tôi đã được chuẩn bị từ lâu. Chúng tôi đã làm suy giảm khả năng phản kích của họ với những pha tấn công liên tục và chính xác… Bộ tham mưu [cũng] đánh lạc hướng, làm họ nghĩ rằng cuộc phản công lớn sẽ đến từ phía nam“.

Vào thời điểm Kuzyk và các chiến sĩ tấn công hồi tuần trước, quân Nga xung quanh góc đông nam của tỉnh Kharkiv đã rất hoảng sợ. Nhiều người bỏ chạy vội vã đến nỗi các bữa ăn vẫn còn nguyên trên bàn căng tin, và có những thùng đạn dược có giá trị và vũ khí khác được bỏ lại gần chiến hào.

Kuzyk nói với Financial Times: “Chúng tôi đã hy vọng vào một thắng lợi nhưng không ngờ quân Nga lại hèn nhát đến vậy”, giọng nói của anh chùng xuống vì kiệt sức sau sáu ngày chiến đấu. “Họ đã bỏ lại xe tăng và thiết bị quân sự… thậm chí còn lấy xe đạp để tẩu thoát. Việc quân đội Nga đã hoàn toàn tự tan rã khiến công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn; họ bỏ chạy như những vận động viên chạy nước rút Olympic”.

Theo Tướng Valeriy Zaluzhnyi, chỉ huy quân đội Ukraine, cuộc tấn công của Ukraine xung quanh Kharkiv đã đẩy quân Nga trở lại trong phạm vi 50 km tính từ biên giới ở biên giới phía đông bắc. Cuộc tấn công này được thực hiện sau khi có các cuộc tấn công khác vào vị trí chiến lược Kherson ở phía nam.

Chiến dịch dùng vũ khí tổng hợp, trong đó Ukraine triển khai một cuộc tấn công phối hợp với xe tăng, bộ binh và lực lượng yểm trợ trên không, đã làm những người hay hoài nghi, vốn cho rằng quân đội Ukraine thiếu quân và thiết bị để phá vỡ thế bế tắc quân sự hiện tại, đã phải im lặng.

Cuộc tấn công này đã biến chiến lược có chủ ý của Kyiv thành sự thật, đó là ăn mòn sức mạnh quân số và dàn pháo khổng lồ của Nga bằng cách sử dụng các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo chính xác hơn của phương Tây cũng như các cuộc tấn công của quân du kích để phá hủy các bãi chứa đạn, căn cứ hậu cần và sở chỉ huy quan trọng của Nga phía sau chiến tuyến.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã gọi đó là chiến lược “David đấu với Goliath”. Trong cuộc tấn công ở phía đông bắc Ukraine, điều đó có nghĩa là phải chiếm được các tuyến đường sắt và các trung tâm hậu cần mà quân Nga sử dụng để di chuyển lượng vũ khí và nhiên liệu khổng lồ mà Nga cần để duy trì lợi thế về pháo binh và quân số trước những người lính Ukraine được trang bị kém hơn.

Serhiy Kuzan, cố vấn quân sự của Bộ Quốc phòng Ukraine, người vừa trở về từ mặt trận phía đông, cho biết: “Nếu bạn tiêu diệt được lợi thế bất đối xứng mà quân Nga có được nhờ pháo binh, họ không chỉ ngừng chiến đấu mà thậm chí còn bỏ chạy. Đây là bí mật của chiến dịch này. Quân đội Nga chỉ là một quả bóng bay xì hơi”.

Điều khiến mọi người ngạc nhiên là tốc độ mà quả bóng Nga đã xì hơi, ít nhất là trong đoạn đường dài 1.300 km này. Lúc đầu, quân lính Ukraine di chuyển đến Balakliia, và Kuzyk nói rằng tại đây các lực lượng phòng thủ của Nga “được tổ chức một cách hỗn loạn… với tuyến đầu tiên được canh phòng cẩn mật” nhưng tuyến thứ hai và thứ ba chỉ là “các chốt quan sát lẻ tẻ”.

Khi Balakliia bị bao vây, quân Ukraine đã tiến vào Kupyansk, một trung tâm đường sắt và đường bộ cung cấp quân khí cho hệ thống phòng thủ của Nga ở phía đông bắc. Điều này khiến quân đội Nga đóng tại Izyum gần đó bị ảnh hưởng.

Kuzan nói: “Toàn bộ kho vũ khí của họ dọc theo trục Izyum đã bị khống chế. Người Nga có lợi thế về vũ khí, nhưng tốc độ của lực lượng của chúng tôi không cho phép họ khai thác nó.”

Hỗ trợ đà tiến quân của Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga sau đó cho biết hôm 9/9 rằng, họ đã ra lệnh cho quân đội của mình rút lui khỏi Balakliia và Izyum, tuyên bố rằng điều này sẽ cho phép họ tập trung vào một chiến tuyến khác. “Họ nói rằng đó là một cuộc sơ tán. Nhưng đó là [một] cuộc rút lui trong hoảng loạn,” Kuzan nói.

Cả Kuzyk và Kuzan đều cho rằng Ukraine cần thêm vũ khí để tiếp tục đẩy lùi quân Nga. Kuzyk nói: “Nếu chúng tôi đạt được điều đó, thách thức của quân Nga sẽ là ngăn chặn lực lượng của chúng tôi ở biên giới“.

Hiệu quả chiến lược của những gì cuộc tấn công này đã đạt được – ngoài những dải đất rộng lớn tự do trên lãnh thổ Ukraine còn thưa thớt dân cư – vẫn còn chưa rõ ràng. Reznikov cho biết: “Sự phát triển của chiến dịch này đã tốt hơn những gì chúng tôi mong đợi và điều đó có nghĩa là Bộ tổng tham mưu lục quân cũng sẽ thay đổi kế hoạch của họ tùy theo kết quả thành công của chiến dịch”.

Xe bọc thép quân Nga bỏ lại ở Balaklyia, Kharkiv. Ảnh: AFP

Mark Galeotti, một nhà phân tích quân sự và quan sát Điện Kremlin kỳ cựu, cảnh báo: “Bạn không bao giờ được đánh giá thấp hoàn toàn người Nga, ngay cả khi họ có vẻ giống như một đội quân của Keystone Cops.

Nhưng [cuộc tấn công] tạo ra cho Ukraine động lực quân sự thần kỳ, điều này đã khiến cho người Nga mất công suy đoán xem điều gì có thể xảy ra tiếp theo và Nga sẽ buộc phải phân tán quân đội của mình theo đủ các cách khác nhau”.

Những gì Nga đã làm được là mang lại cho Ukraine một động lực lớn về mặt tinh thần – cho quân đội của họ và cho các đối tác phương Tây – đồng thời làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của Nga. Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo mạnh mẽ của Chechnya, nằm trong số những người đang chỉ trích quân đội Nga về việc rút lui. Kadyrov nói rằng nếu chiến lược của quân Nga không thay đổi, ông sẽ nói chuyện với “lãnh đạo của đất nước Nga”.

Cuộc tấn công đã “tàn phá tâm lý và tinh thần của binh lính Nga – và tinh thần chiến đấu là chìa khóa cho các binh sĩ bộ binh, nếu không có nó, họ không có cơ hội nào”, Kuzan nói. Cuộc tấn công cũng đã đánh gục “tinh thần của xã hội Nga; chúng tôi đã thấy họ đang tìm kiếm ai đó để đổ lỗi”.