Bà Harris kích động ông Trump khi tranh luận, chiến thuật mới của đảng Dân Chủ

Ba’o Dat Viet

September 12, 2024

Trong cuộc tranh luận ngày 10-9, một trong những chiến lược nổi bật của bà Kamala Harris là khiêu khích đối thủ Donald Trump, nhằm gây kích động. Điều này tạo nên không ít sự chú ý bên cạnh các vấn đề lớn khác như phá thai, kinh tế, và chính sách đối ngoại.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đối đầu trực tiếp lần đầu tiên, và có thể là duy nhất, trước cuộc bầu cử vào ngày 5-11. Với thời lượng hơn 100 phút, buổi tranh luận bắt đầu lúc 9 giờ tối, xen kẽ hai lần nghỉ cho quảng cáo.

Chiến thuật kích động đối thủ

Bà Harris chủ động “châm chọc” ông Trump ngay từ đầu với mục tiêu khiến ông mất bình tĩnh. Bà nhắc lại các phát biểu kỳ quái mà ông từng đưa ra trong các buổi vận động, chẳng hạn như tuyên bố “tuabin gió gây ung thư”. Bên cạnh đó, bà còn mỉa mai về không khí uể oải của những người tham dự sau khi rời khỏi các buổi vận động của ông. Điều này lập tức khiến ông Trump phản bác mạnh mẽ, nhấn mạnh rằng các buổi vận động của ông “luôn là lớn nhất và ấn tượng nhất trong lịch sử chính trị”.

Đáng chú ý, ông Trump còn đưa ra cáo buộc rằng người nhập cư trái phép ở Springfield, Ohio, đang giết và ăn vật nuôi của dân cư địa phương. Tuy nhiên, các quan chức thành phố đã bác bỏ hoàn toàn thông tin này, và người điều phối cuộc tranh luận cũng phải lên tiếng nhắc nhở sau khi ông Trump phát biểu.

Công kích quá khứ

Với kinh nghiệm từng là công tố viên bang California, bà Harris không ngần ngại chỉ trích các hành động trong quá khứ của ông Trump, đặc biệt là việc ông cố gắng lật ngược kết quả bầu cử năm 2020. Cách tiếp cận này đã khiến ông Trump liên tục đáp trả. Khi được hỏi về cuộc bạo loạn ngày 6-1-2021 tại Điện Capitol, ông Trump khẳng định ông “không có liên quan gì” và chỉ tham gia do được yêu cầu phát biểu. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục khẳng định mình là người thắng cử trong năm 2020, mặc dù không có bằng chứng thuyết phục nào.

Bà Harris đã tận dụng điều này để kêu gọi cử tri hãy nhìn vào những hành động của ông Trump và suy nghĩ về việc đất nước cần một sự thay đổi. Bà mạnh mẽ nhắc lại: “Donald Trump đã bị 81 triệu người Mỹ sa thải, nhưng ông ấy dường như không chấp nhận được sự thật này”.

Phân biệt chủng tộc

Chủ đề về phân biệt chủng tộc cũng nổi lên trong phần sau của cuộc tranh luận. Ông Trump bị chất vấn về việc từng đặt câu hỏi về nguồn gốc của bà Harris, người có gốc Phi và Nam Á. Bà Harris không ngần ngại cáo buộc ông Trump đã sử dụng vấn đề sắc tộc để chia rẽ người dân Mỹ suốt sự nghiệp của mình. Bà đưa ra những ví dụ cụ thể, từ việc ông và cha mình từ chối cho người da màu thuê nhà vào những năm 1970, đến việc ông dẫn đầu cuộc chỉ trích 5 thanh niên da màu bị kết tội oan trong vụ án Công viên Trung tâm năm 1989.

Bà kết luận: “Người Mỹ xứng đáng có một lãnh đạo không lợi dụng vấn đề sắc tộc để chia rẽ họ”.

Tranh cãi về kinh tế và phá thai

Chủ đề kinh tế và phá thai cũng là những điểm gây tranh cãi trong cuộc tranh luận. Bà Harris trình bày các chính sách của mình nhằm cải thiện kinh tế, trong khi ông Trump tập trung bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài. Về vấn đề phá thai, ông Trump ủng hộ quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022, khi họ hủy bỏ quyền phá thai hiến định vốn được bảo vệ từ năm 1973. Tuy nhiên, bà Harris phản đối gay gắt, cho rằng quyết định này đã dẫn đến những lệnh cấm phá thai khắc nghiệt ở nhiều bang.

Chính sách đối ngoại và cuộc chiến Nga – Ukraine

Về chính sách đối ngoại, đặc biệt là cuộc chiến Nga – Ukraine, ông Trump từ chối tuyên bố ủng hộ Ukraine giành chiến thắng mà chỉ tập trung vào việc kết thúc xung đột sớm nhất có thể. Bà Harris liền chỉ trích rằng điều này thể hiện ông thực sự muốn Ukraine đầu hàng vô điều kiện. Bà cảnh báo rằng nếu ông Trump nắm quyền, “Putin đã ngồi ở Kiev” từ lâu.

Tranh luận về hệ thống tư pháp

Một chủ đề gay gắt khác trong cuộc tranh luận là việc lạm dụng hệ thống tư pháp để tấn công đối thủ chính trị. Ông Trump cáo buộc các vụ truy tố nhắm vào ông đều do bà Harris và Tổng thống Biden đứng sau. Tuy nhiên, bà Harris nhanh chóng phản bác rằng chính ông Trump, khi còn là tổng thống, đã từng tuyên bố sẽ truy tố đối thủ nếu ông đắc cử.

Cuộc tranh luận khép lại với nhiều điểm tranh cãi nảy lửa, phản ánh sự đối lập sâu sắc giữa hai ứng cử viên và những vấn đề quan trọng của nước Mỹ trong thời gian tới.


 

Trump luôn miệng vu cáo ‘dân nhập cư ăn thịt chó, Harris thù Israel’

Ba’o Nguoi-Viet

September 11, 2024

PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Dân nhập cư ăn thịt thú nuôi. Đảng Dân Chủ ủng hộ hành quyết trẻ sơ sinh. Israel sẽ không còn tồn tại nếu Phó Tổng Thống Kamala Harris đắc cử.

Đó là những lời vu cáo hoặc tuyên bố cực đoan do ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa, cựu Tổng Thống Donald Trump đưa ra trong cuộc tranh luận với Phó Tổng Thống Đảng Dân Chủ Kamala Harris diễn ra hôm Thứ Ba, 10 Tháng Chín, nhiều lần khiến viên chủ sự buổi tranh luận phải chỉnh sửa, theo hãng tin Reuters.

Có lẽ điều đáng chú ý nhất là khi Trump phóng đại một lời vu cáo dậy lên khắp nơi rằng nhiều dân nhập cư Haiti tại Springfield, Ohio ăn trộm thú nuôi của cư dân địa phương hoặc săn bắt động vật hoang dã trong các công viên để làm thức ăn.

Khán giả theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris trên đài truyền hình ABC News đêm 10 Tháng Chín, 2024, tại The Abbey, một quán rượu nổi tiếng của giới đồng tính ở West Hollywood, California (Hình: Mario Tama/Getty Images)

“Họ ăn thịt chó! Những người nhập cư đó, họ còn ăn thịt mèo nữa! Họ ăn liên tục, họ ăn thịt thú nuôi của cư dân địa phương,” Trump nói trong cuộc tranh luận.

Harris cười và lắc đầu. Viên chủ sự chương trình cho biết không có tin tức đáng tin cậy nào liên quan tới việc thú nuôi bị hãm hại. Trump phản bác rằng ông từng xem các cuộc phỏng vấn trên TV trong đó nhiều người nói rằng chó của họ bị ăn cắp để làm thịt.

Trước đó hôm Thứ Ba, Tòa Bạch Ốc lên án rằng đây là thông tin sai lạc và đang xuất hiện tràn lan, ngay cả người đồng hành tranh cử của Trump, Thượng Nghị Sĩ JD Vance, cũng lan truyền tin tức này. Tòa Bạch Ốc cho biết Trump phát biểu như thế nhằm chia rẽ nước Mỹ bằng những lời nói dối và dựa trên tinh thần kỳ thị chủng tộc.

Trump lặp lại lời nói dối rằng hàng triệu di dân đang đổ xô tới Hoa Kỳ từ các nhà tù và bệnh viện tâm thần ngoại quốc. “Họ chiếm giữ các thị trấn, tòa nhà. Họ đang hung hăng tiến vào Hoa Kỳ,” Trump nói.

Di dân chưa từng vạch ra kế hoạch bạo lực nào nhằm chiếm giữ các thị trấn tại Hoa Kỳ.

Một số tuyên bố của Harris cũng bị Trump làm quá hoặc phản đối, theo Reuters Fact Check, mặc dù phần đánh giá không chỉ ra những lời nói dối liên quan tới những vấn đề nổi trội đến từ phía bà.

Trong một trường hợp, Harris trích dẫn rằng Trump nói sẽ có “máu đổ đầu rơi” nếu ông thất cử, ám chỉ phần phát biểu của Trump vào Tháng Ba 2024 tại Dayton, Ohio. Chiến dịch tranh cử của Trump sau đó cho biết ông đang ám chỉ số phận của ngành công nghiệp xe hơi dưới thời chính quyền Tổng Thống Biden.

Trump cũng nhắc lại một lời nói dối – mà ông thường đưa ra tại các cuộc vận động tranh cử – rằng Đảng Dân Chủ quá cực đoan về quyền phá thai tới mức họ ủng hộ việc sát hại trẻ sơ sinh.

“Ứng cử viên phó tổng thống của Harris nói rằng phá thai khi thai kỳ tới tháng thứ chín là hoàn toàn bình thường. Ông ấy cũng nói về hành động hành quyết sau khi sinh,” Trump tả oán về người đồng hành tranh cử của Harris, Thống Đốc Minnesota Tim Walz.

Harris nói rằng bà ủng hộ việc lật lại phán quyết mang tính bước ngoặt do Tối Cao Pháp Viện đưa ra năm 1973 trong vụ án Roe v. Wade, trong đó công nhận rằng phụ nữ được quyền phá thai theo hiến pháp khi thai kỳ rơi vào khoảng tuần thứ 24 tới 28. Harris và Walz không hề ủng hộ hành quyết trẻ sơ sinh.

Sau đó, trong một cuộc tranh luận về Trung Đông, Trump nói rằng Harris “thù” Israel.

“Bà ấy mà là tổng thống, thì tôi tin rằng Israel sẽ không còn tồn tại trong vòng hai năm tới,” Trump nói, nhưng lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới tuyên bố. “Toàn bộ nơi này sẽ bị san bằng … Israel sẽ bị xóa sổ.”

Harris nói rằng bà ấy “hoàn toàn không căm ghét” Israel và nói rằng bà ủng hộ quốc gia này trong suốt sự nghiệp.

Trump cũng nói rằng tỷ lệ tội phạm trên toàn cầu giảm nhưng Hoa Kỳ thì không, nơi mà ông nói rằng tỷ lệ tội phạm “tăng vọt.”

Dữ liệu do FBI công bố vào Tháng Ba cho thấy các vụ giết người trên khắp Hoa Kỳ giảm hơn 13% vào năm 2023, giảm trong năm thứ hai liên tiếp sau một đợt tăng bất chợt trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, dữ liệu này lại trái ngược với thực tế rằng công chúng đang nhận thấy tình trạng  phạm tội ngày càng tồi tệ hơn. (TTHN)


 

Harris đáp trả dữ dội với Trump trong tranh luận, và nước Mỹ vẫn còn đầy chia rẽ

Ba’o Nguoi-Viet

September 10, 2024

Taylor Swift chính thức ủng hộ Kamala Harris

PHILADELPHIA, Pennsylvania (NV) – Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống tối Thứ Ba, 10 Tháng Chín, Phó Tổng Thống Kamala Harris (Dân Chủ) đáp trả dữ dội – khác với Tổng Thống Joe Biden hồi Tháng Sáu – với cựu Tổng Thống Donald Trump (Cộng Hòa). Cuộc tranh luận cũng cho thấy rõ hơn một nước Mỹ đầy chia rẽ.

Phó Tổng Thống Kamala Harris (phải) bắt tay cựu Tổng Thống Donald Trump trước khi bắt đầu cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại National Constitution Center ở Philadelphia, Pennsylvania. (Hình: Saul Loeb/AFP qua Getty Images)

Chưa rõ thắng thua thuộc bên nào, nhưng ngay sau khi tranh luận kết thúc, nữ danh ca Taylor Swift tuyên bố ủng hộ Phó Tổng Thống Kamala Harris.

“Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris và ông Tim Walz trong cuộc bầu cử tổng thống 2024,” nữ danh ca 14 lần đoạt giải Grammy viết trên mạng xã hội Instagram.

Cô tiếp tục: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Harris vì bà tranh đấu cho các quyền và căn nguyên mà tôi tin cần phải có một người như bà. Tôi nghĩ bà là một lãnh đạo có năng khiếu và tôi tin chúng ta sẽ đạt được nhiều điều cho đất nước này nếu chúng ta được lãnh đạo bằng sự ổn định chứ không phải sự hỗn loạn…”

Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút, do đài truyền hình ABC tổ chức ở Philadelphia, Pennsylvania, và do nhà báo David Muir (chương trình “World News Tonight) và nhà báo Linsey Davis (chương trình “ABC News Live Prime) điều khiển.

Khi tới phiên người nào nói thì microphone mới được mở lên.

Ông Trump và bà Harris có bắt tay nhau lúc bước ra sân khấu – lần đầu tiên giữa hai đối thủ. Tuy nhiên, họ không làm như vậy sau khi kết thúc tranh luận.

Gần như trong suốt thời gian tranh luận, ông Trump tìm cách đẩy bà Harris dính với Tổng Thống Joe Biden, một điều mà các cố vấn của ông nói là trọng tâm của tranh luận.

“Bà ấy là Biden. Lạm phát tệ nhất từ trước tới nay. Một nền kinh tế tệ hại vì lạm phát quá tệ. Đó là điều bà không thể thoát khỏi,” ông Trump nói.

Bà Harris đáp lại: “Rõ ràng, tôi không phải là Joe Biden và chắc chắn tôi không phải là Donald Trump. Và điều mà tôi đưa ra là một thế hệ lãnh đạo mới cho đất nước chúng ta, người mà tin rằng chúng ta có thể làm được, người mà tạo ra sự lạc quan về những gì chúng ta có thể làm.”

Về Obamacare, khi được hỏi về sự thất bại của mình trước đây, ông Trump nói rằng ông muốn thử một lần nữa.

“Chúng tôi đang tìm cách. Chúng tôi sẽ có giải pháp. Chúng tôi sẽ thay thế chương trình bảo hiểm này,” ông Trump nói.

Ông cũng thừa nhận hiện nay, ông chưa có một kế hoạch cụ thể để thay thế Obamacare nếu chương trình này bị hủy bỏ.

“Tôi có nhiều ý tưởng lắm. Nhưng hiện tại, tôi không phải là tổng thống,” ông Trump nói thêm.

Ông cũng cho rằng chương trình Obamacare là một thất bại, làm tốn kém quá nhiều tiền của người Mỹ.

Đảng Cộng Hòa không thể hủy bỏ chương trình này hồi năm 2017 vì chỉ thiếu một lá phiếu của cố Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona).

Các giới chức chính quyền Biden nói hôm Thứ Ba rằng, cho tới nay, có gần 50 triệu người Mỹ ghi danh tham gia Obamacare kể từ năm 2014.

Hai ứng cử viên Kamala Harris (phải) và Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại National Constitution Center ở Philadelphia, Pennsylvania, trong 90 phút dưới sự điều hợp của đài truyền hình ABC. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

Khi được ông David Muir hỏi tại sao nêu vấn đề chủng tộc với đối thủ của mình, ông Trump trả lời một cách có vẻ lúng túng: “Không, và tôi không quan tâm. Tôi không quan tâm bà ấy là ai. Tôi không quan tâm. Tôi không coi đây là chuyện lớn, mà tôi cũng không quan tâm ít hơn. Bà ấy muốn là cái gì cũng không sao với tôi.”

“Nhưng đó là những gì ông đã nói,” ông Muir bồi thêm.

Ông Trump đáp: “Tôi không biết. Tôi không biết. Ý tôi là đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Tôi đọc bà ấy nói bà ấy da đen, không phải da đen, do bà ấy đưa ra, và tôi sẽ nói như thế. Và rồi tôi đọc là bà ấy da đen. Mà cũng không sao. Cái nào cũng được. Tùy bà ấy. Tùy bà ấy.”

Bà Harris nói ông Trump “nổi tiếng” về chuyện chủng tộc là một “bi kịch.”

“Thật sự mà nói, tôi nghĩ đó là một bi kịch mà chúng ta có đối với một người muốn làm tổng thống, người mà liên tục trong suốt cuộc đời tìm cách sử dụng chủng tộc để chia rẽ người dân Mỹ,” bà Harris nói.

Rồi bà kể chuyện ông Trump từng không cho người da đen thuê nhà, đòi xử bắn năm thiếu niên da đen và Latino trong vụ Central Park Five, rồi nói dối là tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ không sinh ra ở Hoa Kỳ.

“Tôi nghĩ người Mỹ muốn cái gì đó hơn chuyện này,” bà Harris nói.

Trong phần kết thúc, bà Harris được nói trước, và bà kêu gọi đoàn kết.

“Đó là tổng thống mà chúng ta cần hiện nay. Một ai đó chỉ lo bản thân mình thì không thể vì mọi người được,” Phó Tổng Thống Kamala Harris nói. “Tôi sẽ là tổng thống của mọi người dân Mỹ, tập trung vào những gì chúng ta có thể làm trong 10 hoặc 20 năm tới để giữ vững đất nước này.”

Trong phần kết thúc, ông Trump “dũa” bà Harris, nói rằng tại sao bà không làm gì trong hơn ba năm qua, trong vai trò phó tổng thống, để giải quyết các vấn đề quốc gia.

“Những người này đã làm gì với nền kinh tế của chúng ta… họ phá hủy đất nước chúng ta. Tổng thống tệ hại nhất, phó tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử đất nước chúng ta,” ông Trump nói. (Đ.D.)


 

Tin mới nhất  trước giờ Trump – Harris ‘thượng đài’ trên truyền hình

Ba’o Dat Viet

September 10, 2024

Ong Trump “không thèm chuẩn bị”?

ABC News hôm qua dẫn một số nguồn tin cho rằng các cố vấn của ông Trump có thể đã công khai khẳng định ông không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào cho cuộc tranh luận sắp tới, nhưng cựu tổng thống đang chuẩn bị nhiều hơn những gì ông tiết lộ. Các nguồn tin khẳng định ông Trump đang tổ chức các phiên họp về chính sách không chính thức với một nhóm nhỏ các cố vấn, trong đó có hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz.

Giới chuyên gia đã đưa ra một số nhận định về cuộc tranh luận sắp tới giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris.

CNN hôm qua (9.9) đưa tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã “làm nóng” cuộc tranh luận, dự kiến diễn ra tối 10.9 với ứng viên phía đảng Dân chủ Kamala Harris, bằng tuyên bố nếu trở lại Nhà Trắng, ông sẽ bỏ tù những quan chức bầu cử bị ông coi là gian lận. Cuộc tranh luận sắp tới sẽ được Đài ABC News tổ chức tại Trung tâm hiến pháp quốc gia ở TP.Philadelphia thuộc bang chiến trường Pennsylvania và sẽ được truyền hình trực tiếp vào lúc 21 giờ ngày 10.9.).

Ông Gaetz đã liên tục đặt câu hỏi cho cựu Tổng thống Trump về một số vấn đề khó khăn hơn, chẳng hạn như các rắc rối pháp lý của ông, trong đó có các bản cáo trạng liên bang về cáo buộc can thiệp bầu cử và lưu giữ tài liệu mật, và bản án hình sự trong vụ án chi tiền bịt miệng ở bang New York. Một số nguồn tin biết rõ quá trình chuẩn bị của ông Trump còn tiết lộ rằng ông đã được thông tin về các cuộc tranh luận trước đây của bà Harris.

Trong khi đó, bà Harris đang ở TP.Pittsburgh thuộc bang Pennsylvania cùng với đội ngũ nhân viên để mài giũa kỹ năng cho cuộc tranh luận sắp tới với ông Trump. Việc bà Harris chọn Pennsylvania để chuẩn bị cho cuộc tranh luận cho thấy tầm quan trọng của một bang chiến trường mà bà gần như chắc chắn cần phải giành chiến thắng để trở thành tổng thống, theo CNN.

Cuộc tranh luận “lịch sử”

Cuộc tranh luận giữa bà Harris và ông Trump vào tối 10.9 sẽ trở thành sự kiện quan trọng nhất theo lịch trình trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ (5.11), theo CNN. “Điều đáng chú ý về cuộc tranh luận này là đây lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta thấy một người từng là công tố viên với một người đang bị kết án đối đầu với nhau. Đó là một sự tương phản đáng kinh ngạc. Tôi đoán sẽ không có nhiều cuộc thảo luận chính sách phức tạp”, ông Andrew Koneschusky, chuyên gia về quan hệ công chúng và cựu thư ký báo chí của ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, nhận định.

Nhà phân tích chính trị Donald Nieman tại Đại học Binghamton (Mỹ) nhận định: “Là người tranh luận, ông Trump mang đến năng lượng, truyền tải sự chắc chắn và sức mạnh, và không bao giờ thừa nhận sai lầm”. Ông Nieman cho rằng ông Trump cũng có thể sẽ có lời phóng đại vô căn cứ, cuộc công kích cá nhân không phù hợp và sự lạc đề ngớ ngẩn có tác dụng ngược, đặc biệt là đối với một số ít cử tri chưa quyết định chọn ứng viên nào.

Các nhà phân tích dự đoán trong cuộc tranh luận, bà Harris sẽ dựa vào kinh nghiệm của mình từng là một công tố viên và gây sức ép với ông Trump về vai trò của ông trong cuộc nổi loạn chết người năm 2021 tại trụ sở Quốc hội Mỹ, cũng như những vụ án hình sự chống lại ông. “Bà Harris là một công tố viên sắc sảo”, Giáo sư chính trị học Keith Gaddie tại Đại học Christian Texas (Mỹ) đánh giá, theo AFP.


 

Trump gây áp lực lên Đảng Cộng Hòa, đòi đóng cửa chính phủ

Ba’o Nguoi-Viet

September 10, 2024 : 7:12 AM

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump đang gây áp lực buộc Đảng Cộng Hòa đóng cửa chính phủ vào cuối tháng này nếu Quốc Hội không chấp thuận đề nghị do Đảng Cộng Hòa khởi xướng nhằm thiết lập các quy tắc bầu cử mới trên toàn nước Mỹ, theo NBC.

Trump kêu gọi Đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội đề ra một quy định nhằm bảo đảm việc tài trợ cho chính phủ gắn liền với Dự Luật SAVE, đây là dự luật yêu cầu cử tri phải chứng minh quyền công dân mới được bỏ phiếu — với mục đích nhắm vào việc bỏ phiếu của những người không phải là công dân Hoa Kỳ, về bản chất là bất hợp pháp. Đồng thời các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện cũng đang cân nhắc áp dụng chiến lược này và đấu tranh chống lại Đảng Dân Chủ.

Hạn chót để chấm dứt tài trợ cho chính phủ là 30 Tháng Chín. Hạ Viện do Đảng Cộng Hòa đứng đầu và Thượng Viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo phải đồng nhất về cách thức tiến hành để ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ, mặt khác Đảng Dân Chủ lại lên án rằng Dự Luật SAVE là một liều độc dược.

Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) ngày 23 Tháng Bảy, 2024 ở Washington, DC (Hình: Kent Nishimura/Getty Images)

“Tôi sẽ đóng cửa chính phủ ngay lập tức nếu họ không chịu tiếp thu,” Trump nói trên “Monica Crowley Show” vào cuối Tháng Tám.

Lưỡng đảng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về khoản tài trợ chính phủ trong cả năm, tức là cần có một Quyết Nghị Liền Mạch, hay còn gọi là CR, như một biện pháp tạm thời để tài trợ chính phủ. Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson, Cộng Hòa-Louisiana, công bố hôm Thứ Sáu, 7 Tháng Chín, về một ngân sách chính phủ kéo dài đến cuối Tháng Ba, gắn liền tài trợ chính phủ với Dự Luật SAVE để cố gắng đoàn kết nội bộ đảng phái.

Chiến lược này được nhóm chính trị Freedom Caucus cực hữu ủng hộ. Dân Biểu Đảng Cộng Hòa Texas Chip Roy, thành viên nổi trội thuộc Freedom Caucus, cũng công khai đưa ra lập luận cho chiến lược này.

Đây là một chiến lược rủi ro có thể dẫn tới đóng cửa chính phủ vào ngày 1 Tháng Mười nếu Đảng Dân Chủ không nhượng bộ — và họ có thể sẽ không. Đảng Cộng Hòa từng bị đổ lỗi vì kích động đóng cửa chính phủ bằng cách yêu cầu thông qua các điều khoản mà họ không thể thực hiện bằng quy trình bình thường.

Dự luật SAVE sẽ yêu cầu tất cả cử tri phải ghi danh bỏ phiếu kèm theo bằng chứng về quyền công dân. Trump và các đồng minh trong Đảng Cộng Hòa cho rằng biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn những người không phải công dân đi bỏ phiếu. Johnson và Trump từng đưa ra biện pháp này tại Mar-a-Lago vào đầu năm nay.

Đảng Dân Chủ gạt phăng dự luật, vốn được Hạ Viện thông qua thay cho một biện pháp độc lập, như một “đòn tâm lý chiến làm đảng phái xào xáo nhằm làm thui chột niềm tin dành cho cuộc bầu cử,” tố cáo Đảng Cộng Hòa gây chiến vì một vấn đề vô căn cứ — không phải là công dân mà ghi danh bỏ phiếu đương nhiên đã là bất hợp pháp và rất hiếm khi xảy ra.

Đạo Luật Quốc Gia Về Ghi Danh Cử Tri ban hành năm 1996 “yêu cầu các tiểu bang sử dụng một mẫu ghi danh cử tri chung, gồm có hình phạt về tội khai man khi người nộp đơn không phải công dân Hoa Kỳ,” Trung Tâm Chính Sách Lưỡng Đảng kết luận trong một bản tường trình chính sách. “Các nỗ lực ghi danh và bỏ phiếu bất hợp pháp của những người không phải là công dân thường xuyên được các cơ quan tiểu bang có thẩm quyền, điều tra và truy tố, đồng thời không có bằng chứng nào cho thấy những người không phải là công dân gây ảnh hưởng nhiều tới mức làm xáo trộn kết quả bầu cử.”

Ngoài bản chất của Dự Luật SAVE, Đảng Dân Chủ còn phản đối ý tưởng gắn liền dự luật này với một dự luật tài trợ.

“Như chúng tôi từng nói rằng mỗi lần chúng tôi có ngân sách CR tạm thời, cách duy nhất để hoàn thành tất cả mọi việc là tuân theo định hướng của lưỡng đảng và đó là điều luôn luôn xảy ra,” Lãnh Tụ Khối Đa Số tại Thượng Viện Chuck Schumer, Dân Chủ-New York, cho biết trong một tuyên bố.

Tổng Thống Joe Biden cũng phản đối Dự Luật SAVE, trong đó Tòa Bạch Ốc lập luận rằng dự luật này sẽ “khiến tất cả dân Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu gặp khó khăn trong việc ghi danh hơn nhiều và sẽ loại bỏ rất nhiều cử tri đủ điều kiện ra khỏi danh sách.” (TTHN)


 

Breaking News: Học sinh 14 tuổi xả súng kinh hoàng trong Trường ở Georgia khiến 4 người thiệt mạng, 9 người bị thương

Ba’o Dat Viet

September 5, 2024

Theo Cục Điều tra Tiểu Bang Georgia (GBI), tính đến 4 giờ 45 phút chiều giờ Miền Đông Hoa Kỳ ngày 4 tháng 9 thì có bốn người đã thiệt mạng và chín người khác bị thương trong một vụ xả súng vào buổi sáng thứ Tư tại Trường Trung học Apalachee ở Winder, Quận Barrow. Nghi phạm 14 tuổi hiện đang sống và đã bị bắt giữ, GBI cho biết.

Cảnh sát trưởng Quận Barrow, Jud Smith, xác nhận trong một cuộc họp báo ngắn rằng nhiều cơ quan thực thi pháp luật đã phản ứng kịp thời tại trường sau khi nhận được báo cáo về một kẻ xả súng lúc 10:30 sáng. Cục Điều tra Liên bang (FBI) và GBI đang tham gia điều tra vụ việc.

Cơ quan thực thi pháp luật dự kiến sẽ cung cấp thông tin cập nhật vào lúc 4:30 chiều. Đài FOX 5 Atlanta sẽ truyền hình trực tiếp cuộc họp báo này.

Trường đã được giải tỏa vào lúc 11:30 sáng, và các học sinh đã được cho về với gia đình. Trường Trung học Winder-Barrow cũng đã bị tạm thời phong tỏa như một biện pháp phòng ngừa, mặc dù không có mối đe dọa nào được tìm thấy.

Nhà Trắng xác nhận rằng Tổng thống Joe Biden đã được cố vấn an ninh nội địa, Liz Sherwood-Randall, thông báo về vụ xả súng này. Chính quyền của ông hiện đang phối hợp với các quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương.

Nhà Trắng cũng cho biết Phó Tổng thống Kamala Harris đã được thông báo về vụ xả súng trước khi bà rời Căn cứ Liên hợp Andrews. Chiến dịch của bà Harris cho biết phó tổng thống dự kiến sẽ đề cập đến vụ xả súng trong phần mở đầu bài phát biểu của mình tại một nhà máy bia ở New Hampshire.

Theo U.S. News & World Report, có khoảng 1.900 học sinh đang theo học tại trường này. Đây là một trong hai trường trung học thuộc Hệ thống Trường Công lập Quận Barrow. Trường nằm cách Atlanta khoảng 40 dặm về phía đông bắc.


 

Đảng Dân Chủ hồi sinh- Trúc Phương/Người Việt

Ba’o Nguoi-Viet

August 20, 2024

Trúc Phương/Người Việt

Hàng chục ngàn đảng viên Dân Chủ đang đổ về Chicago dự Đại Hội Toàn Quốc Đảng Dân Chủ (DNC) (từ ngày 19 đến 22 Tháng Tám), trong không khí tràn ngập cảm xúc và hưng phấn tột độ. Sự kiện này khép lại sự nghiệp chính trị của một thế hệ chính trị gia lão làng mà đại diện là Tổng Thống Joe Biden, mở ra chương mới cho thế hệ kế tiếp với nhân vật trung tâm là Phó Tổng Thống Kamala Harris.

Tổng Thống Joe Biden (phải) nắm tay bà Kamala Harris, phó tổng thống và là ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, tại Đại Hội Toàn Quốc Đảng Dân Chủ (DNC) ở Chicago, Illinois, hôm 19 Tháng Tám. (Hình: Robyn Beck/AFP via Getty Images)

“Đây là một bước ngoặt đáng chú ý,” nhận xét của ông Howard Dean, cựu chủ tịch Ủy Ban Dân Chủ Quốc Gia và cựu thống đốc Vermont. “Đảng Dân Chủ đang hồi sinh.”

Một sự kiện lịch sử của Dân Chủ trong ít nhất một thập niên

Trong vòng chưa đầy một tháng, chính xác là 29 ngày, kể từ quyết định quan trọng từ bỏ nỗ lực tái tranh cử của ông Joe Biden, bà Kamala Harris đã đoàn kết gần như toàn bộ đảng Dân Chủ và khôi phục lại sự thu hút của đảng đối với các cử tri trẻ và cộng đồng người da màu. Cuộc đua tổng thống vẫn diễn ra cực kỳ căng thẳng nhưng tình thế không còn bi quan đối với Dân Chủ. Khảo sát tại một số bang chiến địa cho thấy Dân Chủ thậm chí nhỉnh hơn Cộng Hòa.

Sự ủng hộ bà Harris ngày càng sôi động, gây bất ngờ cho tất cả, đặc biệt dẫn đến sự ngạc nhiên khó chịu của đảng đối thủ. Hoạt động gây quỹ của Dân Chủ đang diễn ra với tốc độ kỷ lục. Tiền chảy vào túi tranh cử Dân Chủ nhiều như nước. Giới nghệ sĩ, thiết kế thời trang, những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng mạng xã hội, kỹ thuật gia thung lũng Silicon… đều lên tiếng ủng hộ bà Kamala Harris.

Ông Ben Wikler, chủ tịch Đảng Dân Chủ Wisconsin, kể: “Người ta có thể thấy đám đông kinh khủng chen chúc trong các cuộc mít tinh bày tỏ ủng hộ Kamala Harris nhưng điều bạn không thấy là có đến hàng ngàn người ghi danh làm tình nguyện viên, sẵn sàng đi gõ cửa từng nhà nhằm giới thiệu thêm về Phó Tổng Thống Harris và Thống Đốc [Tim] Walz của Minnesota.”

Bà Harris đã chính thức được đề cử đại diện đảng Dân Chủ, trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến được tổ chức đầu Tháng Tám. Việc bà chọn ông Walz làm liên danh tranh cử, đã nhận được sự hoan nghênh ủng hộ từ cả hai phe trong nội bộ Dân Chủ – một sự kiện hiếm hoi đến mức nữ dân biểu cấp tiến Alexandria Ocasio-Cortez nói đùa rằng đảng Dân Chủ đang thể hiện “mức độ dàn trận đáng lo ngại.”

Sự nhiệt tình hào hứng với làn gió mới mà Harris-Walz mang lại trong số những người theo đảng Dân Chủ đã tăng vọt từ 46% vào Tháng Hai, khi ông Biden loan bố tái tranh cử, lên 85% vào Tháng Tám, theo cuộc khảo sát của Đại Học Monmouth. Ngay cả trong thành phần cử tri độc lập, sự háo hức quan tâm dành cho Dân Chủ cũng lan rộng, từ 34% lên 53% trong cùng kỳ.

Tại United Center, sân nhà của đội Chicago Bulls (thuộc NBA), người ta nghe các bài phát biểu từ các chính trị gia lão làng lẫn những nhà lãnh đạo đang lên của Dân Chủ. Tổng Thống Joe Biden có bài phát biểu “truyền đuốc” vào Thứ Hai, 19 Tháng Tám. Theo truyền thống, Thống Đốc Tim Walz nhận đề cử phó tổng thống vào tối Thứ Tư, 21 Tháng Tám; và Phó Tổng thống Kamala Harris có bài phát biểu nhận đề cử tổng thống vào Thứ Năm, 22 Tháng Tám.

Ba khoảnh khắc tạo nên “hiện tượng” Kamala Harris

Ông Simon Rosenberg, chiến lược gia của đảng Dân Chủ, điểm lại những gì diễn ra trong gần một tháng qua (từ khi ông Joe Biden tuyên bố rút lui, vào ngày 21 Tháng Bảy).

Theo ông Simon Rosenberg, cuộc đua tổng thống được định hình lại từ ba khoảnh khắc quan trọng. Đầu tiên là việc cựu Tổng Thống Donald Trump chọn Thượng Nghị Sĩ JD Vance (Cộng Hòa-Ohio) làm liên danh. Giới quan sát tin rằng sự chọn lựa này là sai lầm chết người của ông Trump nói riêng và phe Cộng Hòa nói chung. Khoảnh khắc tiếp theo là ông Biden tuyên bố rút lui và chỉ định bà Harris thay thế ông. Khoảnh khắc thứ ba là sự bật dậy dữ dội của bà Kamala Harris.

Bà bước ra đường đua với tinh thần khát khao dữ dội. Bà nhấn mạnh rằng bà tham gia cuộc đua không phải để “đập Trump” mà để mang lại một tương lai khác cho nước Mỹ. Bà nói rằng nước Mỹ cần nhìn về phía trước… Chưa bao giờ, ít nhất trong 10 năm nay, đảng Dân Chủ chứng kiến một không khí phấn chấn như vậy. Trong lần đầu tiên xuất hiện cùng nhau với tư cách ứng cử viên của Dân Chủ, ông Tim Walz đã cám ơn bà Kamala Harris vì bà đã “mang lại niềm vui” (“bringing back the joy”).

Bà Harris không là ứng cử viên tổng thống đầu tiên đưa ra thông điệp tươi sáng. Cố Tổng Thống Ronald Reagan từng đề cập “bình minh lại về trên nước Mỹ” (“It’s Morning Again in America”); và cựu Tổng Thống Barack Obama thì đưa ra “Hy vọng” và “Thay đổi.”

Tuy nhiên, ông Simon Rosenberg nhấn mạnh rằng việc tranh cử bằng thông điệp tươi sáng trong bối cảnh nước Mỹ hiện tại là vô cùng quan trọng. Nó đưa đến tầm nhìn lạc quan, hướng tới tương lai, trở thành chìa khóa có thể giúp đánh bại một kẻ mà đảng Dân Chủ coi là mối đe dọa vô cùng nguy hiểm đối với nền dân chủ quốc gia; đặc biệt trong không khí các đảng phái chính trị cực hữu đang ngoi lên giành quyền lực ở nhiều nơi trong thế giới Tây phương.

Phản ứng tích cực trong bốn tuần qua là dấu hiệu cho thấy bà Kamala Harris đã đi đúng hướng, khi khai thác được mong muốn sâu sắc thoát khỏi sự u ám và ảm đạm bao trùm nền chính trị và xã hội Mỹ suốt một thập niên – nhận xét của bà Jennifer Mercieca, giáo sư truyền thông thuộc Đại Học Texas A&M và là tác giả cuốn “Demagogue for President: The Rhetorical Genius of Donald Trump.” “Tất cả thông tin bi quan, gieo rắc nỗi sợ hãi, tất cả những căng thẳng và chấn thương mà chúng ta trải qua trong tám năm qua thực sự đã làm mọi người kiệt sức,” bà Jennifer Mercieca (dẫn lại từ The Guardian ngày 18 Tháng Tám).

Phe Cộng Hòa rúng động

Sự trỗi dậy của Dân Chủ đang tạo ra dư chấn lan rộng sang Cộng Hòa. Từng tự tin “thắng chắc” khi đối thủ của họ là ông già hết hơi ông Joe Biden, giờ đây, họ nháo nhào tìm cách đối phó Kamala Harris. Mới đây, Dân Biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), chủ tịch Hạ Viện, đã phát đi thông điệp cảnh báo trong một cuộc gọi riêng với một số đảng viên Cộng Hòa, rằng “những con số khảo sát mới cho thấy tình hình rất đáng lo ngại” (dẫn lại từ POLITICO ngày 18 Tháng Tám).

Trong cuộc gọi, Dân Biểu Richard Hudson (Cộng Hòa-North Carolina), chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội Cộng Hòa Quốc Gia, nói rằng những thay đổi đáng kể trong các cuộc thăm dò với sự thắng thế của Dân Chủ cho thấy rõ rằng, cánh Dân Chủ “đã thực sự lên đến đỉnh của họ vào đúng thời điểm.” Ông Hudson cũng nhắc rằng khoảng cách tài chính giữa Cộng Hòa với Dân Chủ đang trở thành điều đáng lo ngại.

Những diễn biến tranh cử trên đường đua tổng thống 2024, từ khi xuất hiện làn gió mới Kamala Harris, cho thấy thêm rằng ông Trump không chỉ quá già (điều mà ông luôn xỉa xói ông Biden) mà còn quá cũ. Ông Trump không đại diện cho điều gì mới. So với chiến dịch tranh cử 2016, Trump 2024 vẫn y hệt. Trong cuộc tranh luận với ông Joe Biden (ngày 27 Tháng Sáu, 2024), người ta thấy ông Trump, 78 tuổi, vẫn tràn đầy năng lượng. Ông vẫn giữ được vẻ sung sức một cách đáng ngạc nhiên. Trong các cuộc vận động tranh cử và trong những cuộc phỏng vấn, ông vẫn “cãi lộn” tốt, vẫn chửi mắng giỏi, vẫn càu nhàu đều trên Truth Social; và vẫn “sáng tạo” trong việc đặt những tên tục nhất và xấu nhất cho các đối thủ.

Tuy nhiên, tất cả cho thấy ông Donald Trump vẫn là phiên bản của chính mình. Mùa bầu cử 2016, ông mang lại luồng gió mới. Ông đại diện cho một kiểu người khác thường, phá vỡ mọi thể chế khuôn định. Ông đập nát mọi tư duy truyền thống. Ông đi một con đường chưa có ai đi hoặc chưa ai dám đi. Lần này, sau tám năm, người ta đã quá quen với ông Trump. Bài vở của ông đều được nhiều người thuộc lòng. Chẳng ai còn thấy gì mới lạ ở ông Trump nữa.

Với tất cả cử tri Mỹ, Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, từng bày tỏ chán ngán cuộc đấu chán ngắt giữa hai ông già Biden-Trump và họ thèm khát một sự thay đổi; thì giờ đây, họ đã nhìn thấy sự thay đổi đó đang đến, không phải từ ông Trump. [qd]


 

 Hòa Lan ở Texas – Thiên An

 Hòa Lan ở Texas

Thiên An

Texas là tiểu bang đông dân thứ hai và có diện tích lớn thứ hai trong số 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Texas có tổng sản phẩm tiểu bang (GSP) là 1,207 tỉ đô la Mỹ, xếp hạng thứ nhì tại Hoa Kỳ, ngang với GDP của Ấn Độ hay Canada. Texas vốn là một tiểu bang khô hạn, nhưng bù lại có lưng áp biển Gulf Mexico. Cửa biển quan trọng này thường xuyên bị bão tố hoành hành và ngập lụt, người ta quyết định làm một công trình ngăn biển theo mô hình của Hòa Lan tại Galveston.

Một bức tường ngăn biển trong hệ thống đê điều ở Hòa Lan. Mô hình sẽ được các kỹ sư Mỹ ứng dụng trong tương lai tại bờ chắn biển Galveston, Texas.     

Cảng quan trọng của Texas

Texas may mắn có một biên giới dài thòng với vịnh Gulf of Mexico, nơi có nhiều mỏ dầu và là cũng là một trong những hải trình giao thông chủ chốt của nước Mỹ. Trong 6 bãi biển quan trọng của Texas gồm: South Padre Island, Port Aransas, Bay Area Houston, Galveston Island, Beaumont và Port Arthur thì Galveston là cảng nước sâu duy nhất, nơi vận chuyển đến Texas và miền Tây Hoa Kỳ những hàng hóa thiết yếu và góp phần phát triển của quốc gia.

Thành phố biển Galveston, Texas sầm uất và nhộn nhịp trước cơn cuồng phong 1900.

Galveston: một thuở huy hoàng

Galveston là cảng biển và đồng thời là lá chắn bảo vệ sườn phía Tây Nam Texas, một lá chắn dài 32 mile, quan trọng nhưng đồng thời hứng chịu nhiều thảm họa nhất. Vào thế kỷ 19, Galveston là một trung tâm thương mại lớn của Hoa Kỳ và là một trong những cảng sầm uất nhất nước Mỹ, với cái tên rất kêu “Nữ hoàng vùng vịnh” (Queen City of the Gulf). Nhưng “nữ hoàng” bị hạ bệ bởi một trận cuồng phong từ Đại Tây Dương (Atlantic) lớn nhất trong mùa bão năm 1900 với sức gió 140 mph (225 km/h). Cơn bão kèm theo lũ lụt, gần như san bằng thị trấn nhộn nhịp và phồn thịnh này. Ước tính khoảng 10,000 người thiệt mạng, khiến nó trở thành thảm họa thiên nhiên bi thảm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cơn bão này đã chấm dứt luôn thời kỳ vàng son của Galveston, các nhà đầu tư tháo chạy và dân chúng cũng lũ lượt rời bỏ nơi này.

Thành phố biển Galveston đổ nát sau cơn bão năm 1900

Diện mạo mới của Galveston

Chỉ 1 tuần sau cơn bão, dẫu lúc đó phương tiện truyền thông còn nghèo nàn nhưng cả nước Mỹ đều hay tin và rúng động. Lập tức tiền quyên góp ào ạt đổ về, từ New York, St. Louis, Chicago, Boston, Pittsburgh, Philadelphia, Massachusetts và Missouri,  chưa kể sự trợ giúp nhiệt tình của cư dân Texas và các nước bạn như Canada, Mexico, Pháp, Đức, Anh và cả Nam Phi. Những người sống sót sống trong những chiếc lều tạm do Quân đội Hoa Kỳ dựng lên. Sau đó dân chúng được thông báo nộp đơn để chính phủ cấp tiền xây nhà mới. Với sự trợ giúp của các thiện nguyện viên, chỉ 3 tuần sau, cảng Galveston đã có thể hoạt động trở lại.

Mô hình cổng quay và tường ngăn sóng ở vịnh Galveston

Để ngăn chặn những cơn bão trong tương lai, thành phố Galveston đã thiết kế các công trình bảo vệ. Một con đê chắn sóng dài 3 miles (4.8 km) cao 17 ft (5.2 m), được xây dựng vào năm 1902, sau đó được nới rộng và hoàn tất vào năm 1963, là một đê biển trải dài tổng cộng hơn 10 dặm (16 km). Ngoài ra người ta còn cho nạo vét kênh Galveston để nâng cao thành phố, một số đoạn cao tới 17 ft (5.2 m). Hơn 2,100 tòa nhà đã được nâng lên trong quá trình bơm cát bên dưới.

Bức tường ngăn sóng có thể nâng lên hạ xuống

Tiếp tục thử thách

Trong khi thiên hạ còn hì hụi nạo vét, sửa chữa thì năm 1915, một cơn cuồng phong tương tự năm 1900 ập đến thử sức chịu đựng của Galveston. Cơn bão khiến nước dâng gần 4 mét (~12 ft). Đợt “đo đạc” này đã lấy đi 53 nhân mạng, không đáng kể so với sự mất mát năm 1900. Nhưng người ta thấy rằng dường như Galveston vẫn còn sức hấp dẫn với các cơn giông tố. Các cơn bão rủ rê nhau thăm viếng cồn cát khốn khổ này gồm bão Carla năm 1961, bão Alicia năm 1983, bão Ike năm 2008. Trong đó bão Ike tàn phá dã man hơn hết, gây thiệt hại lên đến 30 tỉ đô la. Sự thiệt hại này đã thúc đẩy các ý tưởng cải thiện bức tường chắn sóng, bao gồm việc bổ sung các cửa xả lũ và đồng thời nâng cấp các con đê có sẵn.

Hòa Lan ở Texas

Dự án có tên Ike Dike do Thống đốc Texas cấp tốc chuẩn thuận năm 2010, được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua năm 2023. Kế hoạch là xây một bức tường thành có cổng, ven biển xung quanh vịnh Galveston. Dự án dự chi lên đến 31 tỉ đô la, hoàn tất trong vòng 20 năm. Chính phủ Liên bang sẽ chi 2/3, khoảng $20 tỉ, phần còn lại Texas tự gói ghém, lo liệu. Công trình này sẽ do lực lượng Công Binh Hoa Kỳ (U.S. Army Corps) đảm trách dựa vào kỹ thuật Delta Works của Hòa Lan, sau khi các kỹ sư Mỹ đã đi khảo sát, học hỏi và tham khảo cùng các kỹ sư Hòa Lan. Dĩ nhiên, họ đã trừ hao mức độ bão tố ở Hòa Lan không hề dữ dội như bờ biển Texas.

Sự vận hành của cổng quay (đặt trên 2 hòn đảo nhân tạo)

Phần quan trọng nhất của bức tường chắn sóng “Ike Dike” (được đặt tên theo cơn bão dữ dằn hồi 2008), là hai cánh cổng khổng lồ có bề rộng tổng cộng đầu này sang đầu kia là 2 miles, mỗi cánh cổng đặt trên bệ nằm trên một hòn đảo nhân tạo (cũng là nơi đặt hệ thống máy móc) nối từ đảo Galveston đến bán đảo Bolivar. Chỉ riêng 4 cánh cổng này đã ngốn 16 tỉ đô la, bởi nó là cái “đinh” của công trình. Cổng này bình thường mở để tàu bè qua lại, và chỉ đóng lại khi bão tố. Dĩ nhiên nó sẽ không ngăn được nước tràn qua, nhưng một hệ thống bơm cực mạnh sẽ tống nước ngược ra biển.

Sơ đồ công trình “Ike Dike”

Nhất tiễn hạ song điêu

“Một mũi tên hạ được 2 con chim” là chiến lược vừa bảo vệ thành phố vừa phát triển kinh tế. Chính quyền Texas dự trù một khi công trình đê ngăn biển “Ike Dike” hoàn tất, họ đồng thời sẽ biến nơi đây thành địa điểm thu hút khách du lịch. Cả thế giới đều muốn xem tận mắt công trình đồ sộ và độc đáo này. Ở đây sẽ có những khu nghỉ mát, vui chơi và những lộ trình trên biển hay trên cạn để du khách có thể tha hồ chụp hình, ngắm nghía và thậm chí có thể sờ mó, có tour đi thăm hệ thống máy móc vận hành bên trong các cánh cổng, song song là những bộ phim tài liệu lịch sử của thành phố Galveston, từ thời vàng son đến lúc điêu tàn và khôi phục. Dự trù còn có những đoạn phim về sự hoành hành của bão tố, và cả một bộ phim giả tưởng “Ike Dike” sẽ chống trả ra sao với những cơn cuồng phong. Ngoài những dịch vụ này, giá nhà và giá bảo hiểm ở Galveston và vùng lân cận sẽ tụt giảm xuống do được bảo vệ an toàn hơn, kích thích việc xây dựng và chào đón nhiều cư dân mới, hứa hẹn sẽ đưa Galveston trở lại với huy hoàng thuở trước.

Bản gốc đang vận hành tại Hòa Lan.

TA

Huyền thoại Galveston

Galveston có một quá khứ hấp dẫn và đầy huyền thoại. Trước cơn bão năm 1900, Galveston là thành phố giàu thứ hai tính theo đầu người ở Hoa Kỳ và thậm chí còn được mệnh danh là “Phố Wall của miền Nam” (Wall Street of the South) do ngành ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Trong số nhiều “cái đầu tiên” ở Texas (có hơn 100), gồm có ngân hàng đầu tiên và bưu điện đầu tiên của Texas.

Galveston lấy tên từ Thống đốc thuộc địa Tây Ban Nha, Bernardo de Galvez, người đã ra lệnh khảo sát lần đầu tiên bờ biển Vịnh Texas (Texas Gulf Coast) vào năm 1786. Điều ngộ nghĩnh là de Galvez chưa bao giờ đặt chân lên hòn đảo này. Tuy nhiên tên của ông đã được dùng làm tên cho Vịnh Galveston để vinh danh ông.

Thống đốc Bernardo de Galvez

Hình thành Galveston

Năm 1836, nhà buôn lông thú người Canada tên là Michel B. Menard mua 7 dặm vuông đất, nơi trở thành Thành phố Galveston. Đó cũng là năm Texas giành được độc lập từ Mexico và trở thành một nước cộng hòa…

Tiếp theo là những thay đổi lớn khác, hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ và Galveston trở thành trung tâm thương mại lớn của Hoa Kỳ và là một trong những cảng lớn nhất ở Mỹ. Đến năm 1885, đây là thành phố lớn nhất và giàu có nhất ở Texas.

Michel B. Menard, người “khai sinh” thành phố Galveston

From: haiphuoc47& NguyenNThu


 

Donald Trump Chế Giễu Kamala Harris: “Tôi Đẹp Hơn Bà Ấy Nhiều”

Ba’o Dat Viet

August 18, 2024

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có những phát ngôn gây tranh cãi khi chế giễu Phó Tổng thống Kamala Harris trong một cuộc mít tinh tại thành phố Wilkes-Barre, bang Pennsylvania vào ngày 17/08/2024. Dù được khuyên tập trung vào các vấn đề chính trị trọng yếu, ông Trump vẫn không ngần ngại công kích cá nhân đối thủ Đảng Dân chủ, thậm chí tuyên bố rằng ông “đẹp trai hơn” bà Harris.

Trong bài phát biểu, ông Trump đã chỉ trích Kamala Harris về lập trường chống khai thác đá phiến, một vấn đề nhạy cảm tại bang sản xuất khí đốt lớn như Pennsylvania. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng chuyển hướng sang chế giễu giọng cười của bà Harris, gọi bà là “kẻ điên” và buông lời cợt nhả khi so sánh ngoại hình của mình với nữ Phó Tổng thống Mỹ.

Phát ngôn này của ông Trump đã gây ra phản ứng trái chiều, đặc biệt khi bà Harris hiện đang dẫn trước ông trong các cuộc thăm dò tại nhiều bang then chốt. Một cuộc khảo sát mới đây của New York Times và Trường Cao đẳng Siena cho thấy bà Harris đang vượt qua ông Trump tại Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, những bang quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Sự xuất hiện của bà Harris trên đường đua tổng thống đã khiến tình hình trở nên sôi động hơn, đặc biệt sau khi Tổng thống Joe Biden bất ngờ tuyên bố rút lui vào tháng 7. Các nhà quan sát cho rằng bà Harris đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho Đảng Dân chủ, và hiện tại bà đang giành được sự ủng hộ đáng kể từ cử tri tại các bang chiến địa như Arizona, Bắc Carolina, Nevada, và Georgia.

Trong khi đó, ông Trump vẫn trung thành với phong cách vận động cảm tính và tiếp tục tấn công vào các chính sách kinh tế của bà Harris, đặc biệt là những nỗ lực giảm lạm phát thời kỳ hậu đại dịch COVID-19. Ông Trump cáo buộc rằng bà Harris chỉ quan tâm đến việc bảo vệ các tỉ phú và tập đoàn lớn, trong khi ông tự khẳng định mình là người duy nhất có thể giải phóng doanh nghiệp khỏi những quy định mà ông cho là không cần thiết.

Ngược lại, bà Harris đang tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế của ông Biden, đồng thời bắt đầu đưa ra những đề xuất riêng, tập trung vào các vấn đề gần gũi với đời sống người dân như nghỉ phép có lương và hỗ trợ chăm sóc trẻ em. Sự đối lập trong chiến lược và phong cách của hai ứng viên chắc chắn sẽ tạo nên những màn tranh luận nảy lửa trong cuộc đua đến Nhà Trắng năm 2024.


 

Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris công bố thỏa thuận lịch sử về giá thuốc

Ba’o Dat Viet

August 15, 2024

Ngày 15/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Phó tổng thống Kamala Harris đã công bố một thỏa thuận mang tính “lịch sử” nhằm giảm giá 10 loại thuốc quan trọng đối với người cao tuổi. Thỏa thuận này được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc giảm bớt gánh nặng chi phí y tế, đặc biệt là đối với người cao tuổi tại Mỹ.

Theo thông cáo chung của ông Biden và bà Harris, thỏa thuận với các công ty dược phẩm sẽ giúp người cao tuổi tiết kiệm 1,5 tỷ USD và giảm chi phí cho chương trình bảo hiểm y tế liên bang lên đến 6 tỷ USD trong năm đầu tiên. Đây được coi là “chiến thắng kinh tế” quan trọng đối với bà Harris, người đang chuẩn bị đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

Thông báo về thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh ông Biden và bà Harris chuẩn bị tham gia vào chiến dịch vận động tranh cử chung đầu tiên kể từ khi ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Thỏa thuận tập trung vào việc giảm giá 10 loại thuốc chủ yếu dành cho người cao tuổi, bao gồm các loại thuốc điều trị tiểu đường, suy tim và cục máu đông.

Mặc dù sáng kiến này bắt nguồn từ Tổng thống Biden, ông đã quyết định chia sẻ công lao với Phó tổng thống Harris, nhằm củng cố vị thế của bà trong cuộc đua với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa. Bà Harris đã lấy việc hạ giá thuốc làm một trong những mục tiêu chính trong chiến dịch tranh cử của mình, với hy vọng thu hút sự ủng hộ từ cử tri đang lo ngại về chi phí sinh hoạt.

Người dân Mỹ hiện đang phải đối mặt với giá thuốc theo toa cao nhất thế giới, khiến nhiều người buộc phải chi trả một phần lớn từ tiền túi, dù chi phí bảo hiểm đã rất cao. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mang lại sự ổn định tài chính và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Ông Biden và bà Harris dự kiến sẽ nhấn mạnh thỏa thuận này trong chiến dịch vận động tại bang Maryland vào ngày 15/8 (giờ địa phương). Tổng thống Biden đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của bà Harris trong việc đạt được cột mốc lịch sử này, cho rằng điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ Đạo luật Giảm lạm phát hậu Covid-19, một đạo luật được thông qua sau khi bà Harris bỏ phiếu phá vỡ thế bế tắc tại Thượng viện.

Phát biểu về thỏa thuận, bà Harris khẳng định: “Tổng thống Biden và tôi sẽ không bao giờ ngừng đấu tranh vì sức khỏe, phúc lợi và sự ổn định tài chính của người dân Mỹ.”


 

 Đánh cảnh sát Quốc Hội ngày bạo loạn, ông Nam California lãnh 20 năm tù

 Ba’o Nguoi-Viet

August 9, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Ông Nam California “tấn công hung bạo và làm bị thương cảnh sát” trong vụ bạo loạn Quốc Hội năm 2021 bị kết án 20 năm tù hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Tám, một trong những bản án nặng nhất liên quan tới biến cố này, theo The Hill.

Tháng Giêng năm nay, ông David Nicholas Dempsey, 34 tuổi, cư dân Van Nuys, nhận hai tội danh tấn công cảnh sát bằng vũ khí nguy hiểm.

Hình chụp ông David Nicholas Dempsey lúc bị bắt giam vì xịt thuốc đuổi gấu lên người biểu tình phản đối ông Donald Trump ở Santa Monica, California, năm 2019. (Hình: Santa Monica Police Department)

Ngày 6 Tháng Giêng, 2021, ông Dempsey leo qua đám đông bạo loạn “như giàn giáo sống” để vượt lên phía trước rồi bắt đầu tấn công nhân viên công lực bằng tay, cây cờ, đồ nội thất bị bể, bình xịt tiêu và “bất cứ thứ gì khác ông chụp được” – thậm chí đánh luôn kẻ bạo loạn khác cố tước vũ khí của ông, công tố viên cho hay.

“Ông Dempsey là một trong những kẻ bạo loạn bạo lực nhất, vào một trong những giai đoạn bạo lực nhất, tại hiện trường những vụ đụng độ bạo lực nhất ở Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng, 2021,” công tố viên cho biết.

Chánh Án Royce Lamberth gọi hành vi của ông Dempsey hôm đó là “vô cùng xấu xa.” Về phần mình, ông Dempsey nói chuyện ông làm là “đáng trách,” đồng thời xin lỗi nhân viên công lực.

Bản án dành cho ông Dempsey chỉ thua bản án dành cho ông Enrique Tarrio, cựu thủ lĩnh nhóm dân quân cực hữu. Ông Tarrio bị kết án 22 năm tù vì âm mưu ngăn cản thủ tục chuyển giao quyền lực ôn hòa từ cựu Tổng Thống Donald Trump sang Tổng Thống Joe Biden sau cuộc bầu cử năm 2020.

Ông Dempsey từng bị kết tội sau khi xịt thuốc đuổi gấu lên người biểu tình phản đối ông Donald Trump ở Santa Monica, California, năm 2019.

Tới nay, tổng cộng hơn 1,400 người bị truy tố liên quan tới vụ bạo loạn Quốc Hội. (Th.Long) [qd] 


 

TNS Cộng Hòa: Trump cần tập trung vào chính sách hơn là ăn thua đủ với Harris

Ba’o Nguoi-Viet

August 1, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Phó Lãnh Tụ Khối Thiểu Số Đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện, Thượng Nghị Sĩ South Carolina, John Thune, cho biết hôm Thứ Tư, 31 Tháng Bảy rằng cựu Tổng Thống Donald Trump nên tập trung vào các vấn đề về chính sách chứ không phải chăm chăm vào chuyện chủng tộc trong chiến dịch tranh cử đối đầu với Phó Tổng Thống Kamala Harris, tờ The Hill loan tin.

“Mục tiêu của chiến dịch này, là cần phải tập trung vào chính sách, và có rất nhiều thứ để nói tới. Tôi nghĩ rằng đó là khía cạnh cần tập trung. Đó là cách Đảng Cộng Hòa giành chiến thắng vào Tháng Mười Một,” Thune nói với các phóng viên.

Thune, vốn đang tranh cử để kế nhiệm Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Kentucky) làm Lãnh Tụ Khối Thiểu Số Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện, phản hồi lại tuyên bố của cựu tổng thống rằng ông không biết liệu Harris, gốc gác Ấn Độ và Jamaica, là người Ấn Độ hay người Da Đen. Trump đưa ra những bình luận này trong một cuộc phỏng vấn có tính cách đối đầu tại nghị hội thường niên do Hiệp Hội Ký Giả Da Đen Quốc Gia tổ chức tại Chicago.

Phó Lãnh Tụ Khối Thiểu Số John Thune (Cộng Hòa-South Dakota) tại Điện Capitol ngày 30 Tháng Bảy, 2024 ở Washington, DC (Hình: Kent Nishimura/Getty Images)

“Tôi biết tới Harris thông qua người khác từ lâu rồi. Không hẳn là trực tiếp gặp gỡ,” Trump nói. “Bà ấy luôn luôn có gốc gác Ấn Độ. Và bà ấy chỉ quảng cáo cho nguồn gốc Ấn Độ của mình. Tôi không hề biết Harris là người Đa Đen cho tới cách đây mấy năm khi bà tình cờ hóa thành người Da Đen. Và nay bà muốn người ta biết bà là dân Da Đen.”

“Do đó, tôi không biết, Harris là người Ấn Độ hay người Da Đen?” Trump nói.

Những phát biểu của Trump được đưa ra khi các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội, gồm có Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), cảnh cáo các đồng viện rằng không được nhắm vào sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, hay còn gọi là DEI, để công kích Harris.

Những bình luận của Trump lập tức bị Thượng Nghị Sĩ Raphael Warnock, thành viên da đen trong Đảng Dân Chủ đại diện Georgia, lên án.

“Những lời lẽ đó chẳng có gì lạ lẫm. Đây chính là con người của Donald Trump. Đây là loại chính trị mang tính xúc phạm, thù hận, oán giận và trả đũa, và tôi cho rằng người dân Mỹ sẽ còn vểnh tai lên nghe dài dài cho tới tận Tháng Mười Một,” Warnock nói.

“Tôi nghĩ rằng cuối cùng thì người dân Mỹ cũng sẽ bất đồng với những luận điệu đó mà thôi. Họ biết Kamala Harris đại diện cho điều gì,” Warnock nói.

“Harris là một người phụ nữ, là con gái của một người đàn ông Jamaica và một người mẹ nhập cư gốc Á Đông. Bà từng theo học tại đại học Howard University. Bà kết hôn với một người đàn ông Do Thái,” Warnock cho biết. “Cuộc đời của Harris biểu lộ rõ giao ước của người Mỹ, E Pluribus Unum (Chúng Ta Là Một). Nhưng Donald Trump chả hiểu gì cả.” (TTHN)