WASHINGTON, DC (NV) — Ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng hôm Chủ Nhật,19 Tháng Sáu, cho biết họ có thể gửi giấy đòi đến cựu Phó Tổng Thống Mike Pence và đang chờ sự trả lời từ bà Virginia “Ginni” Thomas, vợ của thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Clarence Thomas, về vai trò của bà trong âm mưu chống lại cuộc bầu cử năm 2020, theo AP.
Các nhà lập pháp cho biết họ sẽ đưa ra thêm bằng chứng cho thấy cựu Tổng Thống Donald Trump đã lừa đảo những người ủng hộ bằng cách gây quỹ dựa trên những tuyên bố sai lệch liên quan đến cuộc bầu cử. Họ cũng cam kết sẽ cung cấp tài liệu quan trọng cho Bộ Tư Pháp vào cuối tháng này để tiến hành công tác điều tra.
Cựu Phó Tổng Thống Mike Pence. (Hình minh họa: Zach Gibson/Getty Images)
Hồi tuần trước, Bộ Tư Pháp gửi một bức thư phàn nàn rằng Ủy ban Hạ Viện đã tạo khó khăn cho cuộc điều tra khi từ chối chia sẻ lời khai từ 1,000 cuộc thẩm vấn của họ.
Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California) cho biết: “Chúng tôi không loại bỏ bất cứ khả năng nào về các nhân chứng chưa ra điều trần. Chúng tôi vẫn muốn có một số người nổi tiếng đến trình diện trước ủy ban của chúng tôi.”
Ủy ban đã ghi lại hầu hết những gì ông Trump đã nói trong cuộc gọi với ông Pence vào sáng ngày 6 Tháng Giêng năm 2021. Theo đó, cựu tổng thống đã yêu cầu ông Pence không công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden khi ông Pence chủ tọa cuộc kiểm phiếu tại Quốc Hội. Tuy nhiên, các thành viên ủy ban vẫn chưa ghi lại trực tiếp những gì ông Pence trả lời cho ông Trump.
Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch Ủy ban, gần đây tiết lộ họ vẫn đang thảo luận với các luật sư của ông Pence, đồng thời cho biết cựu phó tổng thống có thể không phải xuất hiện vì sẽ có lời khai từ nhiều phụ tá thân cận của ông.
Các thành viên của ủy ban cũng hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về nỗ lực của bà Ginni Thomas trong việc giữ ông Trump tại vị và những xung đột lợi ích tiềm ẩn đặt ra đối với chồng bà do hậu quả của các vụ kiện ngày 6 Tháng Giêng trước Tối Cao Pháp Viện.
Dân biểu tiểu bang Arizona Rusty Bowers, người thuộc đảng Cộng Hòa, và cũng là chủ tịch Hạ Viện Arizona, dự trù sẽ có cuộc điều trần vào ngày 21 Tháng Sáu, tập trung vào các viên chức tiểu bang đã được ông Trump và Tòa Bạch Ốc liên lạc. Ông Bowers nhiều phần sẽ được hỏi về những email mà ông nhận được từ bà Thomas, thúc giục ông và các giới chức tiểu bang khác bác bỏ chiến thắng năm 2020 của Tổng Thống Biden.
“Chúng tôi có câu hỏi cho cả hai người này,” Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), nói.
Bên cạnh gửi email cho giới chức Arizona, bà Thomas, cũng viết thư cho ông Mark Meadows, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ, trong những tuần sau cuộc bầu cử. Các email mà Ủy ban thu được gần đây cũng cho thấy bà Thomas đã liên lạc qua email với luật sư John Eastman, người đại diện cho ông Trump để liên lạc và thuyết phục ông Pence. (V.Giang)
Phiên điều trần chiếu lại hình ảnh Phó Tổng thống Mike Pence trong một hội nghị, ở đó ông khẳng định chắc chắn ông không có thẩm quyền bác bỏ kết quả bầu cử của các tiểu bang như yêu cầu của Tổng thống Trump. Và vì vậy, ông bị đám đông nổi loạn theo ông Trump đòi treo cổ Ảnh Drew Angerer/Getty Images
Ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng 2021 đã tổ chức phiên điều trần thứ ba tập trung làm sáng tỏ chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Donald Trump nhằm buộc Phó Tổng thống Mike Pence đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một năm 2020; và khi ông Pence tỏ ý không làm theo yêu cầu đó, ông Trump đã kích động đám đông tấn công vào Quốc Hội, ngăn chặn ông Pence chủ trì việc kiểm phiếu và gây nguy hiểm cho tính mạng của ông Phó Tổng thống.
Phiên điều trần đã mời hai nhân chứng trực tiếp tham dự là ông Greg Jacob, luật sư, cố vấn pháp lý của Phó Tổng thống Mike Pence và ông J. Michael Luttig, cựu thẩm phán bảo thủ. Ủy ban cũng cho trình chiếu nhiều video tài liệu và lời khai của các nhân vật liên quan như ông Marc Short, chánh văn phòng của ông Pence, ông Jason Miller, cố vấn của ông Trump và nhiều nhân vật khác. Khác với hai phiên trước, phiên này liên quan tới nhiều vấn đề pháp lý, luật lệ và hiến pháp hơn là các sự kiện thực tế.
Kế hoạch đảo chính
Trong phần đầu cuộc điều trần, Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ – California), thành viên ủy ban Hạ Viện, đã yêu cầu các nhân chứng tường thuật chi tiết cuộc đấu tranh pháp lý giữa các cố vấn của Phó Tổng thống Pence và luật sư bảo thủ John Eastman, giáo sư luật trường Đại học Chapman về việc ông Pence có hay không có thẩm quyền đảo ngược kết quả bầu cử và tuyên bố chiến thắng cho ông Donald Trump.
Ông Eastman cố vấn cho ông Trump rằng, ông Pence là người duy nhất có thể tuyên bố ông Trump thắng cử với cương vị chủ tịch Thượng Viện, người chủ trì phiên họp khoáng đại của Quốc Hội để chứng nhận số phiếu đại cử tri mà các tiểu bang trình lên để công nhận kết quả bầu cử. Ông Eastman đã viết một bản ghi nhớ mà các thành viên của cả hai bên đã mô tả như một bản kế hoạch cho một cuộc đảo chính, theo đó ông Trump đã dùng đủ cách gây áp lực buộc ông Pence hoặc từ chối công nhận số phiếu của bảy tiểu bang “chiến trường” mà ông Joe Biden chiến thắng, hoặc trả kết quả về cho nghị viện các tiểu bang xem xét lại, thậm chí tạo ra các nhóm đại cử tri ủng hộ Trump ở các tiểu bang mà ông Biden Jr chiến thắng.
Trong khi đó, ông Jacob khai rằng, ông Pence biết rất sớm rằng kế hoạch của ông Trump là bất hợp pháp và không có cách nào biện minh được. Ngay cả chánh văn phòng của ông Trump, ông Mark Meadows cũng biết rằng, hành động lật ngược kết quả bầu cử đã được các tiểu bang chứng nhận và trình lên là bất hợp pháp.
Ngày 4 tháng Giêng, hai ngày trước cuộc họp Quốc Hội, ông Trump và ông Pence còn có một cuộc họp nảy lửa ở Tòa Bạch Ốc, trong đó ông Pence cố chống lại áp lực của ông Trump và quyết định làm đúng theo nhiệm vụ đã quy định trong Hiến Pháp – quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước bắt đầu đổ vỡ. Những áp lực và đe dọa từ ông Trump đã khiến ông Mark Short phải báo cho sở Mật Vụ và yêu cầu gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho ông Phó Tổng thống.
Các cố vấn pháp lý của ông Pence nói rằng, ông Pence không thể làm như vậy và vai trò của ông điều hành cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội chỉ có tính cách thủ tục; ông không thể làm trái với ý chí của cử tri trong việc bầu ra nhà lãnh đạo mới của đất nước. Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó Chủ tịch Ủy ban, cho rằng, làm như vậy không chỉ sai lầm mà còn trái luật, trái hiến pháp, gây nguy hiểm cho nền dân chủ Hoa Kỳ.
Cuộc tranh chấp pháp lý giữa luật sư của ông Pence và luật sư Eastman của ông Trump kéo dài trong gần một tháng trước ngày họp Quốc Hội. Ông Jacob khai rằng, phải hai ngày trước cuộc bạo loạn, ông Eastman mới thú nhận với ông Trump rằng kế hoạch ép ông Pence cản trở việc chứng nhận kết quả bầu cử là vi phạm pháp luật, dù ông Eastman vẫn tiếp tục cổ vũ cho việc đảo ngược kết quả bầu cử. Theo tài liệu của Ủy ban điều tra, sau cuộc bạo loạn, ông Eastman đã yêu cầu ông Trump “ân xá” khi ông chưa hề bị truy tố hay kết tội, nhưng yêu cầu đó không được ông Trump đáp ứng.
Các nhân chứng G. Jacob (trái) và M. Luttig tuyên thệ khai báo sự thật tại phiên điều trần. Ảnh chụp màn hình ti-vi.
“Treo cổ Mike Pence”!
Do ông Pence không làm theo yêu cầu của ông Trump, trong bài phát biểu trước ủng hộ viên tại công viên Ellipse trưa ngày 6 tháng Giêng 2021, lúc đám đông bạo loạn đã bắt đầu tràn lên đồi Capitol nơi ông Pence chủ trì phiên họp Quốc Hội, ông Trump đã dùng những lời lẽ kích động để lên án ông Pence “phản bội”. Rồi ngay trong lúc cuộc bạo loạn đang diễn ra căng thẳng, ông Trump tiếp tục tung ra nhiều tweet kết án ông Pence đã không ngăn chặn tiến trình kiểm phiếu. “Mike Pence đã không có can đảm làm những gì cần phải làm để bảo vệ Đất nước và Hiến Pháp, để cho Đất nước một cơ hội chứng nhận các dữ kiện chính xác, không phải những dữ kiện gian trá và sai lầm. Nước Mỹ đòi hỏi sự thật!”, ông Trump viết tweet hôm 6 tháng Giêng 2021.
Đám đông bạo loạn, được sự cổ vũ của ông Trump, đã lùng sục khắp Quốc Hội để tìm ông Pence, hô vang những khẩu hiệu “Lôi cổ Mike Pence ra”, “Treo cổ Mike Pence” và một mô hình giá treo cổ được dựng lên bên ngoài khuôn viên Quốc Hội. Từ Tòa Bạch Ốc, ông Trump biết Quốc Hội đang bị bao vây và phá hoại, biết ông Pence đang ở trong Quốc Hội nhưng thay vì ngăn chặn vụ tấn công, bảo vệ người phó của mình, ông Trump đã hướng đám đông tấn công ông Pence, theo nhận định của ông Bernie Thompson, Chủ tịch Ủy ban.
Cùng với những dân biểu và nghị sĩ, ông Pence được Mật Vụ đưa đến một nơi trú ẩn an toàn trong tòa nhà Quốc Hội; ở đó ông liên tục gọi điện cho các tướng lĩnh chỉ huy quân đội yêu cầu đưa binh lính đến lập lại trật tự khi ông biết ông Trump đã không làm gì để ngăn chặn cuộc bạo loạn càng lúc càng dữ dội. Tài liệu của Ủy ban điều tra cho biết ông Pence đã phải trú ẩn tới bốn tiếng rưỡi đồng hồ và chỉ trở lại cuộc họp Quốc Hội khi trật tự được vãn hồi, đám đông bạo loạn bị giải tán. Có lúc căng thẳng nhất ông Mike Pence chỉ còn cách đám bạo loạn đòi treo cổ ông chỉ 40 feet (10 mét). Ông Thompson nói tinh thần dũng cảm của ông Mike Pence trong ngày 6 tháng Giêng là một điều may mắn cho nền cộng hòa.
Chuyên gia pháp lý J. Michael Luttig, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang, nói rằng, nếu ông Pence bị giết trong vụ bạo loạn, cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội không thực hiện được thì đó là một cuộc đảo chánh, một vụ khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập nước Mỹ. Ông Trump, các đồng minh và người ủng hộ ông là mối nguy “hiện hữu và rõ ràng” cho nền dân chủ Mỹ, ông Luttig nói tại phiên điều trần.
Như vậy, Ủy ban Điều tra của Hạ viện đã hoàn thành ba phiên điều trần công khai, phiên đầu cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về vai trò trung tâm của ông Trump trong vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021; phiên thứ hai về nguồn gốc phát sinh lời nói dối lớn (Big Lie) của ông Trump về “cuộc bầu cử bị gian lận” và phiên thứ ba về kế hoạch gây áp lực với ông Pence để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử.
Trong phiên điều trần kế tiếp vào thứ Ba 21 tháng Sáu, Ủy ban sẽ tập trung vào việc ông Trump đã gây áp lực lên các quan chức phụ trách bầu cử thuộc đảng Cộng Hòa ở các tiểu bang, các vị dân cử Cộng Hòa trong Quốc Hội để đảo ngược kết quả và giúp ông ta tiếp tục nắm giữ quyền lực như thế nào.
Sáng ngày 13 Tháng Sáu, phiên điều trần công khai điều tra cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol ngày 6 Tháng Giêng, đã trình bày cho dư luận Mỹ dữ liệu chứng minh vai trò then chốt của Donald Trump.
Một trong những mục tiêu chính của phiên điều trần là để người dân Mỹ được trực tiếp nghe – nhìn những quan chức hàng đầu và đồng minh thân cận của Trump, tất cả đều thuộc đảng Cộng Hòa, đồng loạt phủ nhận các tuyên bố gian lận bầu cử của Trump. Đội ngũ chiến dịch tranh cử của Trump, cộng đồng tình báo cũng như Bộ Tư pháp của chính phủ Trump, và các quan chức Cộng hòa tại các tiểu bang đều nói với Trump: “Không có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống!”
Cựu Bộ trưởng Tư Pháp William Barr, và người quản lý chiến dịch tranh cử cho Trump, Bill Stepien, đồng thanh nhấn mạnh rằng cáo buộc gian lận mà Trump loan báo là VÔ CĂN CỨ. Hai quan chức cao cấp thân cận của Trump cũng khẳng định những tuyên bố mà hai luật sư của Trump, Rudy Giuliani và Sidney Powell, đưa ra về việc các phiếu bầu bị thay đổi, đều SAI SỰ THẬT và ĐIÊN CUỒNG.
Trong một đoạn video, Barr khai rằng: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến các cáo buộc liên quan đến máy bỏ phiếu của Dominion, mà tôi thấy là một trong những cáo buộc đáng lo ngại nhất – đáng lo ngại theo nghĩa là tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào…” Barr cũng cho biết ông đã nhiều lần nói với Trump sau cuộc bầu cử rằng tuyên bố gian lận của tổng thống là VÔ CĂN CỨ, ĐIÊN RỒ.
Thông điệp quan trọng mà ủy ban điều tra muốn gửi đến cử tri Mỹ chính là: Trump hoàn toàn biết rõ những tuyên bố về gian lận bầu cử của mình là sai sự thật, nhưng vẫn mặc kệ để gieo rắc “LỜI NÓI DỐI LỚN” (Big-Lie).
Phiên điều trần xem lại những đoạn video mà ông Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump, đưa ra các cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử. Ông Trump đã nghe theo ông Giuliani bất chấp lời can ngăn của các cố vấn cao cấp. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images
Tại sao Trump bất chấp lan truyền ‘Big-Lie’?
Zoe Lofgren, dân biểu liên bang đại diện Quận 19, bang California và là thành viên cao cấp của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, phát biểu: “Chiến dịch tranh cử của Trump đã lợi dụng những tuyên bố dối trá về gian lận bầu cử nhằm quyên góp hàng trăm triệu đô la từ những người ủng hộ, và họ được cho biết khoản quyên góp của họ sẽ được sử dụng cho cuộc đấu tranh pháp lý, nhưng chiến dịch tranh cử của Trump đã không hề sử dụng số tiền đó như đã tuyên bố. Lời nói dối khổng lồ cũng là một hành động ăn cướp kinh khủng.”
Theo ủy ban điều tra, Trump đã nhận được tổng cộng 250 triệu đô la sau khi liên tiếp kêu gọi những người ủng hộ quyên góp tiền để giúp hắn lật ngược kết quả bầu cử. Trong tuần đầu tiên sau cuộc bầu cử, “Quỹ Phòng vệ Bầu cử” của Trump nhận hơn 100 triệu đô la. Nhưng ủy ban điều tra cho biết không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của một quỹ nào như vậy.
Thay vào đó, hàng triệu đô la đã được Trump đổ vào một Ủy ban hành động chính trị (Political Action Committee), mà hắn đã thành lập vào ngày 9 tháng 11. Ủy ban này của Trump đã gửi 1 triệu đô la cho một quỹ từ thiện do Mark Meadows, cựu Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc, điều hành và 1 triệu đô la cho một nhóm khác.
Dân biểu Zoe Lofgren kết luận: “Trong suốt cuộc điều tra, chúng tôi đã tìm được bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử của Trump đã lừa gạt những người ủng hộ về số tiền họ đã quyên góp sẽ đi đến đâu và sẽ được dùng cho mục đích gì. Những người ủng hộ (Trump) xứng đáng được biết tiền của họ đang thực sự đi đến đâu. Họ xứng đáng nhận được tốt hơn những gì Tổng thống Trump và đội ngũ của ông ấy đã làm.”
Rõ ràng, mục đích mà Trump tiếp tục lan truyền dối trá, mặc dù Biden đã thắng cử với số phiếu bầu nhiều hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào trong lịch sử Mỹ, là vì Trump và đồng bọn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ ‘Big Lie’.
Trump sẽ bị truy tố hình sự?
Xuyên suốt hai buổi điều trần công khai, ủy ban điều tra đã cung cấp cho cử tri Mỹ vô số bằng chứng cho thấy: Trump đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng Trump không muốn chấp nhận sự thật. Trump đã kiện ra tòa, nhưng 61 trong 62 vụ kiện đều bị các quan tòa xử thua. Trump lại yêu cầu các bang kiểm tra và đếm lại phiếu bầu, nhưng cũng không thay đổi được kết quả. Không dừng lại ở đó, Trump còn ra sức đe dọa các quan chức liên bang và tiểu bang để “lật kèo.”
Nhưng, tất cả các kế sách mà Trump thực hiện đều thất bại. Con đường cuối cùng mà Trump chọn là tạo áp lực khổng lồ lên Phó Tổng Thống Mike Pence, buộc Pence phải “cản trở chứng nhận phiếu Cử tri đoàn, hoặc trì hoãn việc kiểm phiếu” vào ngày 6 Tháng Giêng.
May mắn thay cho nền dân chủ Mỹ ‘thoát chế’ khi Pence quyết định không tham gia vào “âm mưu đảo chính” của Trump. Vì muốn bám víu quyền lực, Trump đã kích động một cuộc bạo loạn đẫm máu chưa từng có tại Điện Capitol nhằm áp lực Pence. Kết quả là năm người chết, và hàng trăm người bị thương, trong đó có nhiều cảnh sát. Kinh tởm hơn nữa, Trump đã chọn “không làm gì cả” khi cuộc bạo loạn leo thang, nói Pence “xứng đáng” bị treo cổ, bất chấp nhiều quan chức cao cấp thúc giục Trump can thiệp.
Người Việt với lá cờ VNCH trong sự kiện tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021. Ảnh: Kalynh Ngo
Hành vi phạm pháp của Trump quá rõ ràng, như thẩm phán liên bang đã phán quyết vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, chưa có tổng thống hoặc cựu tổng thống Mỹ nào bị truy tố hình sự. Dường như chế độ tổng thống Mỹ là một ngoại lệ, trong số những quốc gia có nền dân chủ tổng thống tương tự. Chẳng hạn, cựu tổng thống Nam Hàn, Park Geun-hye, bị tòa án tối cao phán quyết bản án 20 năm tù, vì tham nhũng khi còn tại chức.
Liệu Trump sẽ là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự? Với niềm tin vào nền dân chủ pháp trị Mỹ, người viết tin rằng Trump sẽ bị truy tố. Có thể ở cấp tiểu bang, hoặc liên bang, hoặc cả hai. Nếu không thể truy tố một cựu tổng thống được chứng minh phạm tội nghiêm trọng trong thể chế dân chủ, thì rõ ràng nền dân chủ đó còn khiếm khuyết to lớn.
Nó cũng sẽ gây ra sự mất niềm tin của phần lớn cử tri đối với dân chủ. Khi phần lớn cử tri đánh mất niềm tin vào dân chủ, thì nền dân chủ sẽ dần bị bóp nghẹt. Tóm lại: Không tiến hành truy tố Trump đồng nghĩa với cái chết của dân chủ Mỹ.
COEUR D’ALENE, Idaho (NV) – Giới chức công lực vừa bắt giữ 31 thành viên của tổ chức da trắng thượng đẳng Patriot Front gần nơi tổ chức cuộc tập họp của người đồng tính ở Idaho hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Sáu, sau khi tìm thấy thiết bị bạo động của nhóm người này ở sau thùng một chiếc xe vận tải U-Haul, theo AP.
Khi bị cảnh sát Coeur d’Alene dừng xe và bắt giữ, số người này đang đứng chen chúc trong thùng xe vận tải, mặc đồng phục quần kaki, áo thun màu xanh dương, đội mũ màu beige và đeo mặt nạ màu trắng trùm kín mặt.
Thành viên Patriot Front bị bắt ở Idaho. (Hình: North Country Off Grid/YOUTUBE)
Trong cuộc họp báo, Cảnh Sát Trưởng Lee White của Coeur d’Alene cho biết những người này dự tính gây bạo loạn ở khu trung tâm thành phố và các nơi khác.
Tất cả 31 người bị buộc tội âm mưu bạo loạn. Họ dự trù sẽ phải ra trình diện trước tòa vào Thứ Hai, 13 Tháng Sáu.
Dựa trên các bằng chứng và tài liệu thu thập được, nhà chức trách phát giác nhóm này đang lập kế hoạch gây bạo loạn ở một số khu vực của trung tâm thành phố. Cảnh sát tìm thấy thiết bị bạo động, một quả lựu đạn khói, đồ bảo vệ chân và khiên chắn bên trong xe. Dựa theo các dấu hiệu trên cánh tay và biểu tượng trên mũ, họ được xác định là thành viên của Patriot Front.
Cảnh sát biết tin về chiếc U-Haul do báo cáo từ một người dân. Người này nói rằng “hình như có một đội quân nhỏ đang ở trong xe” khi chiếc xe đậu gần một khách sạn.
Video về vụ bắt giữ được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông quỳ trên bãi cỏ và hai tay bị trói về sau. Trong đó có một người mặc áo sơ mi phía sau in dòng chữ “Đòi lại nước Mỹ.” Cảnh sát lần lượt dẫn họ đến trước xe tuần tra, cởi bỏ mặt nạ và đưa lên xe cảnh sát.
Những người bị bắt đến từ ít nhất 11 tiểu bang, bao gồm Washington, Oregon, Texas, Utah, Colorado, South Dakota, Illinois, Wyoming, Virginia, Arkansas và Idaho. Cảnh sát nói chỉ có một người trong số này là cư dân tiểu bang Idaho.
Chiếc xe tải chở 31 người này đậu gần một nhóm người đang tổ chức buổi diễn hành tháng tự hào của giới đồng tính. Cảnh sát tăng cường bảo vệ khu vực này trong suốt thời gian có cuộc diễn hành.
Patriot Front được Trung Tâm Luật Người Nghèo Miền Nam Nước Mỹ (Southern Poverty Law Center) mô tả là “một tổ chức da trắng thượng đẳng có tính kỳ thị” được thành lập sau sự kiện “United the Right” chết chóc ở Charlottesville Virginia năm 2017.
Chủ trương của tổ chức này là thành lập một quốc gia dành cho người da trắng ở Mỹ. (V.Giang)
Người dân xem trực tiếp phiên điều trần ngay bên ngoài Điện Capitol
Ủy ban Quốc hội Mỹ chuyên trách điều tra cuộc tấn công vào Điện Capitol hồi năm ngoái do những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump gây ra đã trưng ra bằng chứng tại phiên điều trần vào giờ vàng ngày 9/6 rằng cựu tổng thống gây nguy hại cho cả nền dân chủ Mỹ lẫn phó tổng thống của ông là ông Mike Pence.
Dân biểu Cộng hòa Liz Cheney, phó chủ tịch của Ủy ban Hạ viện điều tra cuộc bạo loạn ngày 6/1 năm 2021, nói tại phiên điều trần hôm 9/6 rằng ông Trump đã phát biểu thể hiện đồng tình khi đám đông hô hào đòi “treo cổ Mike Pence”.
Ủy ban điều tra do đảng Dân chủ lãnh đạo đang tổ chức một loạt sáu phiên điều trần trong tháng này để chia sẻ những phát hiện trong cuộc điều tra kéo dài gần một năm về các sự kiện trước và trong ngày xảy ra vụ bạo loạn.
“Quý vị nghe thấy Tổng thống Trump la hét và, ‘thực sự tức giận’ với các cố vấn khuyên rằng ông cần phải ‘làm nhiều hơn nữa’ để dập tắt bạo loạn,” bà Cheney nói tại phiên điều trần.
“Và, ý thức được những tiếng hô của những kẻ bạo loạn là ‘treo cổ Mike Pence’, cựu Tổng thống Trump đã đáp lại tinh thần đó rằng, trích, ‘Có lẽ những người ủng hộ của chúng ta có ý tưởng đúng, Mike Pence đáng bị như vậy.”
Thân phụ của dân biểu Dick Cheney từng là phó tổng thống Mỹ từ năm 2001 đến năm 2009 dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Cuộc tấn công Điện Capitol được phát động trong nỗ lực bất thành để ngăn chặn Quốc hội chính thức xác nhận thất bại của ông Trump thuộc Đảng Cộng hòa trước ứng viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống hổi tháng 11 năm 2020 trong quy trình do chính ông Pence giám sát.
Vốn là một sự kiện thông lệ, phiên họp chứng nhận chiến thắng của ông Biden đã trở thành trọng tâm của ông Trump, vốn coi đó là cơ hội cuối cùng để bám giữ chức tổng thống mặc dù thua trong cuộc bầu cử. Những người ủng hộ ông đã đổ về Washington để tập hợp với ông Trump, người liên tục đưa ra những tuyên bố thất thiệt rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp từ tay ông bằng gian lận rộng khắp.
Khi hàng ngàn ủng hộ viên ông Trump xông vào Tòa nhà Quốc hội, các nhà lập pháp, nhân viên, nhà báo và bản thân ông Pence phải chạy thoát thân. Đám đông không chỉ kêu gọi treo cổ phó tổng thống, mà còn dựng lên một giá treo cổ tạm thời bên ngoài Điện Capitol.
Ủy ban điều tra đã phát một đoạn băng những phát biểu của ông Trump tại cuộc tập hợp, mà trong đó ông kêu gọi người ủng hộ tiến về Điện Capitol và ‘chiến đấu tới cùng’.
“Nếu Mike Pence làm đúng, chúng ta đã giành chiến thắng cuộc bầu cử. Tất cả những gì Phó Tổng thống Pence phải làm là gửi trả kết quả lại các tiểu bang để xác nhận lại, và chúng ta trở thành tổng thống – và quý vị là những người vui nhất,” ông Trump phát biểu trước đám đông.
“Mike Pence sẽ phải làm điều này vì chúng ta – và nếu ông ấy không làm vậy, đó sẽ là ngày buồn cho đất nước chúng ta,” ông Trump nói thêm.
Bà Cheney và Dân biểu Dân chủ Bennie Thompson, chủ tịch ủy ban, đã lên kế hoạch cho các buổi điều trần còn lại. Một trong số đó sẽ tập trung vào nỗ lực của ông Trump nhằm gây áp lực buộc ông Pence từ chối đếm phiếu đại cử tri. Bà Cheney đã phát một đoạn băng phát biểu của ông Pence hồi tháng Hai rằng: “Tổng thống Trump đã sai. Tôi không có quyền lật ngược bầu cử”.
Các phiên điều trần sắp tới sẽ có lời khai của Greg Jacob, cựu cố vấn của ông Pence, về các đòi hỏi của ông Trump. Marc Short, cựu chánh văn phòng của Pence, dự kiến cũng sẽ ra khai chứng.
“Các nhân chứng trong các phiên điều trần sẽ giải thích cách thức mà cựu phó tổng thống, cũng như các nhân viên của ông, đã nói với Tổng thống Trump hết lần này đến lần khác rằng những gì mà ông đang ép ông Mike Pence làm là bất hợp pháp,” bà Cheney nói.
Ông Short khai trước ủy ban rằng ông Pence hiểu rõ trung thành với Hiến pháp trên hết là ‘tuyên thệ trước tiên và quan trọng tột bậc’ của ông.
SANTA ANA, California (NV) – Một người đàn ông ở Orange County thừa nhận tội danh lừa đảo tiền cho vay cứu trợ COVID-19 trị giá hơn $5 triệu, theo nhật báo Los Angeles Times.
Hồ sơ Biện Lý Cuộc Liên Bang cho thấy ông Raghaosystem Reddy Budamala (35 tuổi, ở Irvine) bị cáo buộc sử dụng các khoản vay cứu trợ để mua một “bất động sản đầu tư” trị giá $1.2 triệu ở Eagle Rock, một bất động sản trị giá gần $600,000 ở Malibu và một “dinh thự cá nhân” ở Irvine. Nghi can Budamala đã gửi gần $3 triệu vào tài khoản cá nhân.
Ông Raghaosystem Reddy Budamala (35 tuổi, ở Irvine) thừa nhận lừa đảo tiền cho vay cứu trợ COVID-19 trị giá hơn $5 triệu. (Hình minh họa: Mark Wilson/Getty Images)
Theo thỏa thuận nhận tội, nghi can này sẽ nhận một tội danh gian lận ngân hàng và một tội danh rửa tiền, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền mà nghi can thu được trong quá trình thực hiện âm mưu.
Trước khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, nghi can Budamala sở hữu ba công ty vỏ bọc: Hayventure LLC, Pioneer LLC và XC International LLC, các nhà chức trách cho biết.
Trong khoảng thời gian từ Tháng Tư, 2020, đến Tháng Ba, 2021, nghi can Budamala đã nộp đơn xin bảy Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương (Paycheck Protection Program) và Các Khoản Cho Vay Do Thảm Họa Kinh Tế COVID-19 (Economic Injury Disaster) gây ra cho các doanh nghiệp.
Các chương trình này đã được giới thiệu trong những tháng sau khi bắt đầu đại dịch để giúp doanh nghiệp và nhân viên sinh tồn qua thời gian dài ngừng hoạt động
Trong các đơn xin, nghi can khai các doanh nghiệp tuyển dụng hàng chục người và có doanh thu hàng triệu đô la. Các ngân hàng đã tài trợ sáu khoản vay với tổng số $5,151,497.
Nghi can sau đó đã nộp đơn xin được bỏ qua một số khoản vay, khai sử dụng số tiền trong mục đích trả lương.
Tuy nhiên, các địa chỉ được liệt kê cho các công ty “không có thật, không tồn tại hoặc là khu dân cư,” các công tố viên cho biết trong thông cáo.
Nghi can Budamala bị bắt vào Tháng Hai khi cố gắng chạy trốn sang Mexico và có thể phải đối mặt với bản án 40 năm tù liên bang. (MPL)
Vụ thảm sát tại Uvalde là vụ án mạng trong trường học nặng nề nhất sau vụ tàn sát 20 học sinh tiểu học ở Sandy Hook, tiểu bang Connecticut năm 2012.
Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân.
Trong năm 2021, cảnh sát Anh bắn chết hai người, cảnh sát Mỹ bắn 1,055 người, theo tuần báo The Economist. Số người chết chênh lệch như vậy – dù dân số Mỹ chỉ đông gấp bốn lần – vì phần lớn cảnh sát Mỹ phải đương đầu hoặc lo lắng họ đang phải đương đầu với những thường dân mang súng. Trong năm 2020, 45,000 người Mỹ chết vì súng; nhiều hơn số người chết vì tai nạn xe hơi. Số các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần ở các nước tiên tiến khác. Ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, xin một con chó về nuôi bị nhiều luật lệ kiểm soát hơn là mua súng.
Mười ngày sau vụ Payton Gendron vào một siêu thị bắn chết 10 người da đen ở Buffalo, New York, Salvador Ramos dùng một khẩu súng tự động AR-15 vào một lớp học ở Uvalde (đọc là Yu Van Đi), Texas, bắn chết 19 học sinh lớp 4 và 2 cô giáo. Nhiều xác trẻ em nằm chất đống trên nhau. Cả hai thủ phạm đều 18 tuổi. Khoảng 30 phút trước khi ra tay, Ramos đã viết trên mạng báo trước sẽ bắn bà ngoại rồi đi bắn ở một trường tiểu học. Bà cụ may mắn chỉ bị thương.
Nhiều vụ bắn giết ở Mỹ không được mấy người chú ý. Theo tin Reuters cũng trong ngày 24 tháng 5, ba học sinh một trường tiểu học ở Washington D.C. bị thương vì súng bắn. Ngày hôm trước, ba học sinh trung học ở Philadelphia cũng may mắn thoát chết như vậy. Tuần trước, ba vụ nổ súng trong lễ bế giảng tại các trường ở tiểu bang Michigan, Louisiana và Tennessee. Từ đầu năm đến nay gần như ngày nào cũng xảy ra một vụ bắn giết, tổng công 137 lần, so với 249 vụ trong cả năm ngoái.
Salvador Ramos không tìm giết người vì kỳ thị chủng tộc như Payton Gendron. Cậu hận đời vì lớn lên luôn luôn bị bạn bè chế nhạo về tật nói lắp, đi học bị bắt nạt, không thể chịu được cả bà mẹ mình, sống với ông bà. Khắp thế giới không thiếu gì những thanh niên bất mãn với đời như vậy. Không ai có thể biết trước và ngăn cản được họ không hành động giết người để tự sát. Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân.
Đây là vụ án mạng trong trường học nặng nề nhất sau vụ tàn sát 20 học sinh tiểu học ở Sandy Hook, tiểu bang Connecticut năm 2012. Năm 2018, 17 học sinh trung học bị giết ở Parkland, Florida. Năm 2017, 26 người bị bắn chết trong một nhà thờ ở Sutherland Springs, Texas… Năm nay, một người đàn ông 68 tuổi vào một nhà thờ ở Laguna Woods, California, bắn chết một tín đồ đang dự lễ. Năm 2018, một học sinh 17 tuổi vào một trường trung học ở Santa Fe, Texas giết 10 người. Năm sau, 23 người bị bắn chết trong một cửa hàng Walmart tại El Paso, Texas.
Hội Súng Toàn Quốc (NRA) luôn luôn bảo vệ quyền mua súng. Mỗi năm bầu cử quốc hội họ chi tiêu hàng triệu mỹ kim vận động cho các nhà chính trị cùng quan điểm. Họ nhắm triệt hạ các người muốn hạn chế việc bán súng, bằng cách moi móc các chuyện khác trong cuộc đời các ứng cử viên mà không cần nói gì đến súng.
Hội NRA và những người ủng hộ súng vẫn biện minh rằng “Súng không giết người! Người giết người!”
Nhưng nếu trong tay dân Mỹ không có sẵn súng thì không nhiều người bị bắn chết như vậy. Những kẻ trộm cắp không có súng thì khó giết người. Vợ chồng cãi cọ cũng không gây nên án mạng nếu không có sẵn súng. Có súng, người ta tự tử dễ dàng hơn. Các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần các nước tiên tiến khác.
Nước Mỹ cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, như các nước khác. Ai mua một khẩu súng đều phải được giấy phép, sau khi điều tra lý lịch. Mua một khẩu súng phải được ghi danh, gia hạn hàng năm, như khi mua xe hơi. Tư nhân không cần phải mang súng, nhất là loại súng tự động giết hàng loạt.
Ở Anh quốc, sau vụ bắn chết 16 người ở Hungerford năm 1987 bằng súng AK-47 của Trung Cộng, cả nước kinh hoàng. Năm sau, Thủ tướng Margaret Thatcher đã ủng hộ một đạo luật cấm các loại súng tự động. Một vụ tàn sát 16 học sinh và thầy giáo ở Scotland bằng súng ngắn năm 1996 đưa tới các luật lệ gắt gao hơn. Chính phủ đã mua lại hàng chục ngàn khẩu súng của tư nhân. Từ năm 2005, sau khi lên cao nhất, số vụ bắn giết đã giảm bớt.
Ở Australia, sau khi 35 người bị giết ở Tasmania bằng súng AR-15 năm 1996, chính phủ John Howard đã hợp tác với các tiểu bang hạn chế quyền sử dụng súng tự động. Trong một năm, họ đã mua lại 650,000 khẩu súng; từ đó các vụ bắn chết người cũng giảm.
Tại New Zealand năm 2019, hai giáo đường Hồi Giáo bị bắn, 51 người thiệt mạng. Thủ tướng Jacinda Ardern kêu gọi và toàn thể quốc hội thông qua đạo luật cấm tất cả các loại súng tự động. Trước đó, trong dân số 5 triệu người có 250,000 giữ súng.
Tháng Tư năm 2020, một người Canada mặc giả đồng phục cảnh sát bắn giết 22 người trong 13 tiếng đồng hồ tại tỉnh Nova Scotia. Thủ tướng Justin Trudeau đã ban hành lệnh cấm 1,500 loại súng máy, kể cả AR-15.
Nhưng với thế lực rất mạnh của Hội Súng Toàn Quốc NRA, nước Mỹ khó lòng kiểm soát súng chặt chẽ như các nước khác.
Ngày Thứ Sáu này, NRA sắp họp đại hội ở Houston, Texas. Cựu Tổng thống Donald Trump và ông Thống đốc Greg Abbott sẽ tới dự. Các vị khách quý này có thể yên tâm đọc diễn văn. Vì cơ quan Mật Vụ có nhiệm vụ bảo vệ các vị cựu tổng thống, sẽ kiểm soát phòng họp bằng máy đo từ tính (magnetometers). Và họ đã ra lệnh cấm không ai được mang súng vào hội trường, những loại súng bắn tia laser, bắn hơi cay và kể cả súng đồ chơi của trẻ em. Người tham dự cũng không được mang túi đeo vai.
Nếu các trường học đều được kiểm soát kỹ như vậy, hy vọng số học sinh bị bắn giết sẽ giảm bớt.
Ngay sau vụ tàn sát ở Uvalde, Steve Kerr, nhà dìu dắt đội bóng rổ Golden State Warriors, đã lên tiếng, trước trận chung kết với đội Mavericks, Dallas. Theo nhật báo The Wall Street Journal, Kerr kêu gọi Thượng viện Mỹ hãy thông qua dự luật hạn chế quyền mua súng. Dự luật này đã bị ngâm tôm sau khi Hạ viện thông qua và chuyển lên từ năm ngoái. Nhưng Thượng viện Mỹ cần 60/100 lá phiếu ủng hộ, mà 50 nghị sĩ Cộng Hòa đều không đồng ý. Steve Kerr đã gọi đích danh Nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh khối thiểu số ở Thượng viện: “Tôi xin hỏi ông Mitch McConnell, quý ông còn tiếp tục đặt tham vọng chính trị lên trên mạng sống của trẻ em, của các cụ già đến bao giờ?”
Một ngày sau vụ tàn sát ở Uvalde, Đức Giáo Hoàng Francis ở xa xôi cũng phải kêu gọi: “Chúng ta phải cam kết với nhau không để cho thảm cảnh này diễn ra nữa. Đã tới lúc chúng ta phải lên tiếng chấm dứt việc buôn bán súng.”
Biden kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng sau vụ thảm sát ở Texas
May 25, 2022
WASHINGTON, DC (NV) – Trở về sau chuyến thăm Châu Á vào hôm Thứ Ba, 24 Tháng Năm, Tổng Thống Joe Biden phát biểu về vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Texas, đồng thời kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng đạn để ứng phó với vấn nạn này, theo hãng thông tấn AP.
Chỉ một tiếng sau khi hạ cánh từ chuyến đi năm ngày và hay tin về vụ xả súng tại Texas trên chiếc Air Force One, ông Biden liền phát biểu về sự kiện đáng buồn tại phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc.
Tổng Thống Joe Biden phát biểu về vụ thảm sát ở Texas. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)
“Khi nào thì chúng ta mới dám đứng lên chống nhóm vận động hành lang súng đạn?” ông Biden nói trong sự xúc động. “Vì sao chúng ta cho phép chuyện này tiếp diễn?”
Vị tổng thống Mỹ, thấu hiểu nỗi đau mất mát người thân khi hai người con của ông qua đời – tuy không phải do bạo lực súng đạn, bày tỏ sự cảm thông với những người sống sót và chia buồn với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Texas.
“Mất đi một người con giống như mất đi một phần linh hồn,” Tổng Thống Biden chia sẻ.
Ông Biden kêu gọi toàn thể nước Mỹ cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời biến nỗi đau thành hành động để ngăn chặn bi kịch này tái diễn trong tương lai.
Trước khi trở về Washington, vị tổng thống đã nói chuyện với ông Greg Abbott, thống đốc Texas, và ngỏ ý giúp đỡ nếu tiểu bang này cần.
Tổng Thống Biden cũng ra lệnh treo cờ rủ cho tới buổi chiều tối Thứ Bảy để tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng.
Chính quyền thị trấn Uvalde, Texas, công bố có 21 người bị giết, gồm 19 học sinh và hai giáo viên. Kẻ nổ súng đã bị cảnh sát bắn chết.
Chỉ mới một tuần trước, một vụ nổ súng tại cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York, khiến 10 người da đen thiệt mạng.
Hai sự kiện xảy ra liên tiếp là lời cảnh tỉnh về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ.
“Những vụ xả súng rất hiếm khi xảy ra tại các quốc gia khác,” ông Biden nhận xét rằng thù hận và vấn đề tâm lý tồn tại ở các quốc gia khác, nhưng chẳng có quốc gia đã phát triển nào có tần suất bạo lực súng đạn cao như Mỹ.
Tổng Thống Biden nhiều lần đề nghị thông qua lệnh cấm mua võ khí tấn công, đồng thời siết chặt quy định liên bang về kiểm tra lý lịch để tránh những người có vấn đề về tâm lý mua được vũ khí.
Một bé gái ngồi khóc ở nơi cung cấp dịch vụ tư vấn tinh thần tại Uvalde, Texas. (Hình: Allison Dinner/AFP via Getty Images)
Lời kêu gọi hành động của ông Biden được Phó Tổng Thống Kamala Harris và cựu Tổng Thống Barack Obama ủng hộ.
Tại một buổi gặp gỡ người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương nhằm chào mừng chuyến đi vừa qua của ông Biden, bà Harris tuyên bố: “Chúng ta phải có đủ dũng khí hành động để bảo đảm bi kịch này không bao giờ lặp lại.”
Ông Obama gửi lời chia buồn đến với các gia đình tại Uvalde, gợi nhắc lại vụ thảm sát trường Sandy Hook – sự kiện mà ông xem là thời khắc tăm tối nhất trong nhiệm kỳ của mình.
“Gần 10 năm sau sự kiện Sandy Hook – và chỉ mới 10 ngày sau vụ nổ súng tại Buffalo – quốc gia chúng ta vẫn không có hành động, không phải do sợ hãi, mà do các nhóm vận động hành lang súng đạn và một đảng phái chính trị không dám làm gì để ngăn chặn những thảm kịch này,” ông Obama tuyên bố.
Tại một buổi mít tinh mà ông Herschel Walker, ứng cử viên Thượng Viện Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, phần lớn người tham gia phản đối lời kêu gọi của Tổng Thống Biden, một bằng chứng về sự bất đồng quan điểm của người dân trong vấn đề súng đạn.
Khó có thể biết được liệu các sự kiện bạo lực gần đây có thay đổi quan điểm của mọi người về luật kiểm soát súng đạn hay không, do trước đây cũng có rất nhiều vụ nổ súng tàn bạo khác, như vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook Elementary School tại Newtown, Connecticut, vào năm 2012 khiến 26 người thiệt mạng, bao gồm 20 trẻ em.
Kể từ sau sự kiện trên, Quốc Hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua bất kỳ dự luật kiểm soát súng đạn do không đạt được sự đồng thuận lưỡng đãng.
Trải qua nhiều tháng, một dự luật về súng đạn được đa số các thượng nghị sĩ ủng hộ, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được 60 phiếu bầu và bị trì hoãn do thủ tục “filibuster” (câu giờ).
Tại nghị trường Thượng Viện hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut), từng là thành viên Hạ Viện khi vụ thảm sát Sandy Hook xảy ra, phê bình các thượng nghị sĩ khác rằng chỉ biết thờ ơ đứng nhìn mà không hành động, đồng thời tuyên bố ông sẽ tìm cách thuyết phục Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) và Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) ủng hộ dự luật tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng.
Cũng trong tối hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, trưởng Khối Đa Số Thượng Viện, đã đề ra kế hoạch siết chặt quy định liên bang về kiểm tra lý lịch người mua súng trong hai dự luật vừa được Hạ Viện thông qua.
Hiện phía Thượng Viện chưa công bố khi nào hai dự luật này sẽ được bỏ phiếu. (V.Giang) [qd]
Vụ thảm sát tại trường tiểu học Robb Elementary School ở Uvalde hôm Thứ Ba kết thúc khi cảnh sát bắn chết nghi can Salvador Ramos, học sinh trung học. Giới chức cho biết anh ta mua hợp pháp hai khẩu súng trường tấn công và đạn nhân dịp sinh nhật anh ta tuần trước.
Cư dân xúc động trong lễ cầu nguyện trên quảng trường thành phố Uvalde sau vụ xả súng tại trường tiểu học Robb Elementary School hôm 24 Tháng Năm ở Uvalde, Texas. (Hình minh họa: Jordan Vonderhaar/Getty Images)
Điều tra viên tin rằng nghi can Ramos bắn người bà ruột 66 tuổi trước khi đến trường học xả súng, theo Cơ Quan An Ninh Công Cộng Texas (DPS). Người bà sống sót và đang nằm bệnh viện hôm Thứ Tư, theo Trung Úy Chris Olivarez của DPS.
Khoảng 30 phút trước khi đến trường này, nghi can Ramos đăng hàng loạt “post” lên Facebook, ông Greg Abbott, thống đốc Texas, cho hay.
Trong “post” đầu tiên, anh ta viết: “Tôi sẽ bắn bà tôi,” ông Abbott cho biết.
Sau đó, anh ta viết: “Tôi mới bắn bà tôi” và “Tôi sẽ đi bắn trường tiểu học,” theo ông Abbott.
Sau khi bị bắn trúng mặt, người bà gọi cảnh sát, còn nghi can Ramos lấy xe người bà và lái đi, ông Abbott cho hay.
Không lâu sau vụ nổ súng ban đầu đó, cảnh sát nhận được cuộc điện thoại 911 báo cáo một chiếc xe vừa lọt xuống mương gần Robb Elementary School và có người đang cầm súng tiến vào trường, ông Olivarez trả lời phỏng vấn CNN sáng Thứ Tư. Lúc đó, anh ta mặc “áo vest quân sự không có lớp chống đạn,” ông Olivarez cho hay.
Cảnh sát đến hiện trường và đụng độ nghi can Ramos trước khi anh ta chạy vào trường, ông Olivarez cho biết. Anh ta bắn cảnh sát, khiến hai cảnh sát viên trúng đạn và bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng, theo ông Olivarez.
Sau đó, nghi can Ramos chạy vô trường rồi cố thủ bên trong một lớp học và bắn chết 19 học sinh và hai giáo viên, ông Olivarez cho hay. Ông gọi hành động đó là “hoàn toàn tội lỗi.”
Vì tay súng này cố thủ bên trong, cảnh sát gặp bất lợi, theo ông Olivarez.
“Lúc đó không đủ nhân lực, mà mục tiêu chính của họ là ngăn không để có thêm người thiệt mạng,” ông Olivarez nói. “Họ bắt đầu đập bể cửa kính quanh trường để cố giải thoát và di tản học sinh cũng như giáo viên trong lúc sự việc đang xảy ra.”
Sau đó, nhóm cảnh sát đặc nhiệm địa phương và liên bang đến hiện trường, dùng vũ lực xông vào lớp học đó và bắn chết nghi can, theo ông Olivarez. Một cảnh sát viên trong nhóm này bị bắn bị thương nhưng dự trù sống sót.
Giới chức vẫn đang điều tra vụ xả súng này cũng như tình huống xung quanh, ông Olivarez cho hay.
Nghi can Salvador Ramos. (Hình: Cơ quan công lực cung cấp)
Trước vụ xả súng này, nghi can Ramos không còn đi học đều ở trường trung học Uvalde High School, bạn cũ cùng lớp với anh ta nói với CNN. “Anh ta hầu như không đi học,” người bạn này nói, yêu cầu giấu tên. Gần đây, nghi can Ramos có gửi cho người bạn này hình chụp khẩu súng trường AR-15, ba lô chứa đầy đạn và vài băng đạn, người bạn này cho biết thêm.
“Tôi hỏi, ‘Ê, tại sao mày có mấy thứ này?’ Anh ta trả lời, ‘Đừng lo,’” người bạn này kể. “Anh ta nhắn tin tiếp cho tôi, ‘Tao bây giờ khác lắm. Mày sẽ không nhận ra tao đâu.’”
Một người bạn cũ khác cho hay nghi can Ramos “thường bị bắt nạt và chọc quê nặng nề” và bị người khác chế giễu vì quần áo anh ta mặc cũng như vì hoàn cảnh gia đình anh ta.
Nghi can Ramos còn gửi nhiều tin nhắn đáng lo ngại trên Instagram cho một người khác vài giờ trước vụ xả súng tại Robb Elementary School, theo hình chụp màn hình những tin nhắn này.
Ba ngày trước vụ thảm sát, một tài khoản Instagram liên hệ với nghi can Ramos đăng hình hai khẩu súng trường nằm trên tấm thảm trong tin nhắn gửi cho một cô gái. Cô gái này cho hay cô không sống ở Texas và không biết Ramos.
Trong tin nhắn dường như gửi cho cô gái này vào sáng ngày xảy ra vụ tấn công, nghi can Ramos viết “Tôi sắp” – nhưng không nói rõ anh ta sẽ làm gì. “Tôi có chút bí mật,” anh ta viết trong tin nhắn khác. “Tôi muốn nói với bạn.”
Nghi can Ramos làm việc cho tiệm Wendy’s ở Uvalde, ông Adrian Mendes, người quản lý tiệm này, xác nhận với CNN.
Anh ta “sống hầu như khép kín,” theo ông Mendes. Anh ta “không tiếp xúc với nhân viên khác. …Anh ta chỉ làm việc, lãnh lương, và đi làm để lãnh lương.”
Vụ thảm sát tại Robb Elementary School làm rúng động cả nước Mỹ vẫn còn choáng váng vì vụ xả súng chỉ 10 ngày trước tại siêu thị ở Buffalo, New York. Vụ tấn công hôm Thứ Ba là vụ nổ súng ở trường học làm chết người nhiều thứ nhì kể từ năm 2012, năm 26 học sinh và người lớn thiệt mạng tại trường tiểu học Sandy Hook Elementary ở Newtown, Connecticut.
Đây ít nhất là vụ nổ súng thứ 30 trong trường học từ mẫu giáo đến lớp 12 ở Mỹ năm nay, theo thống kê của CNN. (Th.Long) [qd]
UVALDE, Texas (NV) – Mười bốn học sinh và một giáo viên thiệt mạng trong vụ xả súng tại trường tiểu học ở Uvalde, Texas, hôm Thứ Ba, 24 Tháng Năm, Thống Đốc Greg Abbott loan báo, theo đài ABC News.
Nghi can 18 tuổi, học sinh Uvalde High School, cũng thiệt mạng, ông Abbott cho hay.
Cảnh sát vẫn đang điều tra vụ nổ súng này. (Hình minh họa: Uvalde Police)
“Anh ta bắn chết 14 học sinh và một giáo viên một cách kinh hoàng và khó hiểu,” ông Abbott cho biết trong buổi họp báo.
Nghi can còn bắn bà của anh ta trước khi đến Robb Elementary School xả súng, ông Abbott cho hay, nhưng không nói rõ bà ta bị thương ra sao.
Nghi can có một khẩu súng lục và cũng có thể có một khẩu súng trường, theo ông Abbott. Nguồn tin cảnh sát và ông Abbott xác nhận anh ta là Salvador Ramos.
Hai cảnh sát viên đến hiện trường nằm trong số những người bị thương, ông Abbott thông báo. Họ dự trù sẽ sống sót, ông cho biết thêm.
Trước đó, Uvalde Memorial Hospital loan báo 15 học sinh đang nằm khoa cấp cứu bệnh viện này sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện này cho biết. Một người 45 tuổi cũng được đưa vô đây sau khi bị đạn sượt qua, theo bệnh viện này.
Bệnh viện University Health ở San Antonio cho biết họ nhận hai bệnh nhân từ vụ xả súng này, gồm một bé gái 10 tuổi và một phụ nữ 66 tuổi – cả hai đều nguy kịch.
Bệnh Viện Nhi Đồng San Antonio cũng thông báo họ nhận nhiều bệnh nhân từ vụ xả súng này.
Ông Don McLaughlin, thị trưởng Uvalde, không xác nhận số người thương vong, nhưng nhắn tin cho ABC News hay “vụ này rất nghiêm trọng.” Ông nói văn phòng ông đang cố liên lạc với phụ huynh rồi mới công bố bất kỳ thông tin nào.
Trước đó, Học Khu Uvalde thông báo có kẻ nổ súng tại Robb Elementary School, và yêu cầu mọi người tránh xa khu vực đó.
“Đang có kẻ nổ súng tại Robb Elementary,” học khu này loan báo trên Twitter. “Cảnh sát đang có mặt ở hiện trường. Chúng tôi kêu gọi mọi người đừng đến trường này.”
Ban đầu, giới chức Robb Elementary School xác nhận với ABC News rằng vụ nổ súng xảy ra bên ngoài trường và trường đang được phong tỏa.
Không lâu sau 2 giờ trưa, trường thông báo với phụ huynh rằng học sinh đã được di tản sang trung tâm hội nghị gần đó để phụ huynh đến đón.
Uvalde cách San Antonio khoảng 90 lái xe về hướng Tây.
Sở Cảnh Sát Bexar County và Sở Cảnh Sát San Antonio gửi nhân viên đến hỗ trợ cảnh sát địa phương. FBI cũng có mặt ở hiện trường.
Văn phòng Houston của Cơ Quan Rượu, Thuốc Lá, Súng và Chất Nổ cũng loan báo đang hỗ trợ điều tra.
Bộ Trưởng Nội An Alejandro Mayorkas đã nghe báo cáo về vụ này và Bộ Nội An (DHS) “đang tích cực phối hợp với đối tác liên bang, tiểu bang và địa phương,” theo phát ngôn viên DHS. Giới chức Cơ Quan Quan Thuế và Biên Phòng (CBP) ở vùng đó cũng đến hiện trường.
Trung Tâm Chống Khủng Bố Quốc Gia tin rằng, đến lúc này, vụ xả súng ở Uvalde “không có mối liên hệ nào với khủng bố,” theo bản tin công lực mà ABC News có được. (Th.Long)
Con trai chánh án New York bị 8 tháng tù vì tham gia bạo loạn Quốc Hội
May 6, 2022
WASHINGTON, DC (NV) – Con trai chánh án ở New York bị kết án tám tháng tù hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Năm, vì tội gây rối và lấy cắp thiết bị cảnh sát trong vụ bạo loạn Quốc Hội năm ngoái, theo CNN.
Trong vụ tấn công hôm 6 Tháng Giêng, 2021, ông Aaron Mostofsky, 35 tuổi, mặc đồ như thổ dân và cùng nhóm người bạo loạn chống lại các cảnh sát viên đang điều chỉnh hàng rào ngăn kẻ quá khích, công tố viên cho hay.
Ông Aaron Mostofsky, ủng hộ viên Tổng Thống Donald Trump lúc đó, biểu tình bên trong Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng, 2021, ở Washington, DC. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)
Ông Mostofsky xô đẩy những kẻ bạo loạn khác về hướng các cảnh sát viên. Sau đó, ông ta lấy cắp áo giáp cảnh sát rồi khoác lên trên bộ trang phục ông ta mặc hôm đó, và lấy cắp khiên chống bạo loạn, công tố viên cho biết. Ông Mostofsky nói cả hai món này bị cảnh sát bỏ lại.
“Anh đúng là ở tuyến đầu vụ tấn công này,” Chánh Án Hoa Kỳ James Boasberg nói trong phiên tòa kết án ở Washington, DC. “Anh xô đẩy hàng rào cảnh sát,” ông Boasberg cho biết thêm, lưu ý ông Mostofsky cũng nằm trong số những kẻ bạo loạn đầu tiên xông vào bên trong Quốc Hội.
“Nếu không ai hành động như anh… hàng rào sẽ không ngã, Quốc Hội sẽ không bị xông vào, sẽ không ai thiệt mạng,” vị chánh án nói.
Tuy nhiên, ông Boasberg cho hay ông “bất ngờ với những chi tiết” trong hơn 30 lá thư mà ông nhận được thay mặt ông Mostofsky, trong đó nói ông Mostofsky thường làm từ thiện và luôn vì người khác. “Những chi tiết đó thực sự giúp giảm bản án mà tôi tuyên cho anh,” vị chánh án nói.
Ngoài bản án tám tháng tù, ông Mostofsky phải bồi thường $2,000 thiệt hại gây ra cho Quốc Hội trong vụ bạo loạn đó và lao động công ích 200 giờ trong thời gian bị quản chế một năm sau khi ra tù.
“Hôm đó, khi mọi chuyện bắt đầu trở nên hỗn loạn… tôi bắt đầu quyết định sai lầm,” ông Mostofsky phát biểu trong phiên tòa hôm Thứ Sáu, thỉnh thoảng nghẹn lời.
Ông Mostofsky nhắc đến vụ tấn công tòa nhà Quốc Hội đó là “cảnh chiến trường” và tuyên bố ông ta “không có ý định hãm hại bất kỳ cảnh sát viên nào.”
Ông ta van xin Chánh Án Boasberg “rủ lòng thương.”
Hồi Tháng Hai, ông Mostofsky, con trai ông Steven “Shlomo” Mostofsky – chánh án Tòa Thượng Thẩm Kings County – nhận tội gây rối, lấy cắp tài sản chính phủ và đột nhập và ở lại khu vực cấm. (Th.Long) [qd]
WASHINGTON, DC (NV) – Khoảng thời gian vài phút đến vài tiếng sau một vụ tấn công nguyên tử là thời khắc rất quan trọng để giảm thiểu thiệt hại thân thể nếu sống sót qua sự bùng nổ đầu tiên.
Nếu biết cách đối phó trong những giờ đầu tiên sau vụ nổ, chẳng hạn che mắt hoặc trú ẩn trong nhà, con người có thể giảm thiểu nguy cơ tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng, theo Business Insider.
Một vụ nổ bom nguyên tử tại quần đảo Marshall năm 1946. (Hình: Keystone/Getty Images)
Bối cảnh đe doạ tấn công nguyên tử của Nga
Tổng Thống Nga Vladimir Putin đặt lực lượng nguyên tử ở tình trạng báo động cao hôm Chủ Nhật, 6 Tháng Ba, khiến các chuyên gia quốc phòng lo lắng về thảm kịch bom nguyên tử. Dù một số người cho rằng tấn công nguyên tử rất khó xảy ra, nhưng thế giới vẫn cần chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ này.
Hiện tại kho vũ khí nguyên tử của Nga có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên hành tinh. Nếu một vũ khí nguyên tử duy nhất bắn tới Mỹ, người dân có chưa đến 30 phút để tìm chỗ trú. Còn nếu Nga phóng vũ khí nguyên tử từ vùng biển quốc tế bên ngoài New York và các thành phố ở miền Đông khác, thì thời gian đi trốn chỉ còn từ 10 đến 15 phút.
Nếu kịch bản xấu nhất này diễn ra, người dân cần biết cách bảo vệ bản thân, nhất là trong những giờ đầu tiên. Theo Trung Tâm An Ninh Y Tế Johns Hopkins, khả năng phơi nhiễm phóng xạ giảm 55% sau một giờ và giảm 80% sau 24 giờ.
Biểu tình tại Thái Lan trưng hình ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, người ra lệnh đặt lực lượng nguyên tử nước này trong tình trạng báo động. (Hình: Lauren DeCicca/Getty Images)
Sau đây là những bước cụ thể để tự bảo vệ nếu xảy ra tấn công bom nguyên tử.
30 phút đầu tiên: Quay đi nhìn hướng khác và che mặt
Nước Mỹ chưa có hệ thống cảnh báo tấn công hạt nhân đầy đủ cho toàn quốc gia, các chuyên gia khuyên rằng lời cảnh báo từ đài truyền thanh và truyền hình là hiệu quả nhất, trước những e ngại về tin giả trên truyền thông mạng.
Người không có TV hoặc radio có thể nghe còi báo động, nhưng âm thanh này đôi khi gây xáo trộn khiến dân chúng không kịp biết chuyện gì xảy ra.
Khi một quả bom nguyên tử phát nổ, nó phóng ra luồng ánh sáng và quả cầu lửa màu cam khổng lồ.
Tốt nhất là nên nhìn đi chỗ khác.
Một quả bom một megaton (lớn hơn 80 lần so với quả bom nguyên tử “Little Boy” thả xuống Hiroshima, Nhật Bản) có thể làm mù tạm thời những người ở cách xa đến 13 dặm vào những ngày trời quang đãng và tới 53 dặm vào ban đêm.
Ngoài ra theo Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh (CDC), mọi người nên nằm úp mặt xuống đất, hai tay đặt bên dưới bụng để bảo vệ cơ thể khỏi những mảnh vụn bay tứ tung và sức nóng kinh khủng có thể gây cháy da.
Nếu có khăn quàng cổ hoặc khăn tay thì nên dùng để che mũi và miệng. Bên cạnh đó phải luôn mở miệng để màng nhĩ không bị rách dưới áp lực vụ nổ.
Người ủng hộ Ukraine chống Nga xâm lăng tập hợp trước Tòa Bạch Ốc. (Hình: Samuel Corum/Getty Images)
45 phút đầu tiên: Tìm chỗ trốn trong nhà tránh xa cửa sổ
Mọi người sẽ có khoảng 15 phút trước khi bụi phóng xạ nguyên tử chạm tới mặt đất. Tiếp xúc với bụi phóng xạ có thể gây ngộ độc bức xạ, khiến huỷ hoại các tế bào của cơ thể và gây tử vong.
Do đó tốt nhất là mọi người nên tìm chỗ trú ẩn theo hướng ngược gió, đi càng xa càng tốt trong vòng 10 đến 15 phút và ngay lập tức tìm nơi trú ẩn trước khi đám mây bức xạ sà xuống.
Nơi trú ẩn tốt nhất là những tòa nhà như trường học, văn phòng có ít hoặc không có cửa sổ và có tầng hầm. Nếu xung quanh không có tòa nhà kiên cố thì cũng nên chọn một ngôi nhà để trú ẩn thay vì ở bên ngoài.
Nếu ẩn nấp trong một tòa nhà nhiều tầng, hãy ở những nơi trung tâm, tránh xa những tầng trên cùng và dưới cùng. Nếu tòa nhà có cửa sổ, hãy đứng ở trung tâm phòng. Sóng xung kích có thể làm vỡ cửa sổ cách vụ nổ xa đến 10 dặm, vì vậy nên tránh cửa sổ để không bị các mảnh kiếng làm bị thương.
24 giờ đầu tiên: Tắm sạch dưới vòi hoa sen và ở trong nhà cho đến khi có thông báo mới
Những giờ đầu tiên sau vụ nổ là thời gian để giảm phơi nhiễm bức xạ. Các bác sĩ có những phương pháp để điều trị tổn thương do bức xạ. Tuy nhiên trong trường hợp bom nguyên tử nổ, thì số người cần điều trị rất lớn. Do đó mọi người nên học cách tự bảo vệ trước.
Biểu tình chống Nga, ủng hộ Ukraine tại Berlin, thủ đô Đức. (Hình: Omer Messinger/Getty Images)
Những người bên ngoài vụ nổ nên tắm càng sớm càng tốt dưới vòi hoa sen, tắm bằng nước ấm và bôi xà bông nhẹ nhàng. Chà xát quá mạnh có thể gây tổn thương da. Ngoài ra nên che phủ các vết cắt hoặc trầy xước khi tắm. Bên cạnh đó nên nhớ xì mũi, lau tai và mí mắt vì các mảnh vụn có thể mắc kẹt ở những nơi này. Bọc quần áo trong túi nhựa, dùng khăn giấy hoặc vải lau cơ thể và lau mặt.
Cần lưu ý không sử dụng dầu xả, kem dưỡng ẩm cơ thể, kem mặt sau khi tiếp xúc với vụ nổ nguyên tử, vì những sản phẩm này có thể liên kết với những hạt phóng xạ và giữ chúng bên trong tóc hoặc da.
Theo CDC, mọi người có thể dùng thực phẩm từ bao túi, chai hoặc lon được đậy kín, ăn đồ ăn từ tủ đựng hoặc tủ lạnh, miễn sao lau sạch đồ đựng, dụng cụ nấu nướng. Còn những thứ không được che đậy như trái cây hoặc rau ngoài vườn thì không nên đụng vào.
Mọi người nên ở tại nhà cho đến khi nguy cơ ô nhiễm phóng xạ giảm bớt, ít nhất là 24 giờ sau vụ nổ, trừ trường hợp được yêu cầu ra ngoài. (MPL)