Nước Mỹ sắp vỡ nợ?

Báo Tiếng Dân

Hiệu Minh

Đọc báo ta cứ như USA sắp chết tới nơi vì họ toàn trích dẫn những bài báo nhìn trần nợ công đang được hai đảng Voi, Lừa bàn thảo như một tín hiệu Mỹ sắp vỡ nợ và Chủ nghĩa Tư bản hộc máu chết tươi.

Trần nợ công (debt ceiling) là số tiền mà Quốc hội cho phép chính phủ Mỹ vay để hoạt động, từ chi trả bảo hiểm y tế đến trả lương quân đội, chi cho Ukraine là cái móng tay. Mức trần hiện tại cho tổng nợ là 31,4 nghìn tỷ đô la (117% GDP).

Tôi từng nghe ông Jeffrey Sachs nói chuyện. Ông là tác giả cuốn sách “The Price of Civilization – Cái giá của văn minh”, từng là giáo sư kinh tế trẻ nhất ở Harvard, tác giả hai cuốn bán chạy nhất của New York Times là “The End of Poverty” và “Common Wealth”, được tạp chí Times cho vào danh sách 100 người ảnh hưởng đến thế giới năm 2004 và 2005, rồi trợ lý của Tổng thư ký United Nation trong dự án Thiên niên kỷ.

Sachs bảo, nước Mỹ có hai chú Lừa và Voi chuyên đá nhau. Anh Lừa (Dân chủ) có mỗi một từ “Stimulus – kích cầu” và anh Voi (Cộng hòa) có một từ “Cut – cắt”, cắt chi tiêu và giảm thuế. Cứ thế trong Quốc hội tha hồ cãi nhau, bỏ phiếu, chế giễu lẫn nhau suốt hơn 200 năm nay. Không tranh cãi không phải là Mỹ.

Hiện nay đàm phán giữa Voi và Lừa là bàn về trần nợ công (debt ceiling) bao nhiêu thì hai bên cùng vui, hoặc làm thế nào để “bên kia chết mẹ nó đi” cũng OK.

Bầu cử 2024 sắp tới nên họ chơi nhau sát ván để cử tri nhìn thấy nên bỏ phiếu cho Voi hay Lừa.

Khi phố Wall được mở cửa thì có đồng hồ nợ công đưa vào hoạt động năm 1989 với nợ công của chính phủ Mỹ khi đó là 3000 tỷ USD và hiện là (5-2023) hơn 31.000 tỷ.

Voi hay Lừa lên thì cũng phải có tiền mới hoạt động được. Đối lập chỉ tìm cách bóp ví sao cho chính phủ hoạt động không hiệu quả thì cử tri sẽ nghĩ lại.

Đó là kiểu nghĩ của một số nhỏ “còn đảng còn mình”. Nhưng những người vì cái chung của quốc gia thì cố tìm ra con số tối ưu cho nợ công “còn đất nước còn mình” và số này chiếm đa số cả Voi lẫn Lừa.

Các nhà báo viết về kinh tế Mỹ, nợ công, vỡ nợ, dù là bài dịch, trích dẫn, cũng nên tham khảo nhiều nguồn và đọc sâu về nước Mỹ chút. Đừng viết tin kiểu Mỹ vỡ nợ là tư bản chết toi luôn sau một đêm, như là tin chiến thắng.

Năm 2023 kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt – Mỹ thì thương mại song phương từ con số 0 tròn trĩnh vào năm 2003 nay đạt 138 tỷ USD trong năm 2022. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, tạo thành nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm tại xứ cờ hoa.

Nước Mỹ vỡ nợ, chết rồi, ai mua hàng của Việt Nam đây? Tư bản Mỹ chết khó lắm, chỉ có Liên Xô chết nhanh thôi.

Các cụ nên vào link này để xem tình hình nợ thế giới. Mỹ đầu bảng về số nợ vì nó to vật vã, vay nhiều hơn làm ra GDP, Trung Quốc vay ít hơn làm ra, Nhật Bản vay tới gần 300% GDP để xây dựng CNXH ở Tokyo mà samuraj chưa thấy mổ bụng vì vỡ nợ.

Việt Nam không có trong bảng này. Các cụ tham khảo IMF, World Bank sẽ có số liệu toàn thế giới mà Việt Nam ta vay mới có 57% GDP thôi.

Đừng quá lo và cũng đừng mừng chuyện nợ của thế giới.

Kentucky: Một ông lãnh án hơn 14 năm tù vì tham gia bạo loạn Quốc Hội

Báo Nguoi-viet

May 5, 2023

WASHINGTON, DC (NV) – Một ông ở Kentucky bị kết án kỷ lục hơn 14 năm tù tại phiên tòa hôm Thứ Sáu, 5 Tháng Năm, vì tấn công cảnh sát bằng hơi cay và ghế khi xông vào Quốc Hội cùng với vợ trong ngày bạo loạn cách đây hơn hai năm, theo AP.

Tính tới nay, bản án dành cho ông Peter Schwartz dài nhất trong số hàng trăm người bị kết án liên quan tới vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng, 2021. Trước đó, bản án nặng nhất là 10 năm, dành cho cựu cảnh sát viên thành phố New York tấn công một cảnh sát viên bên ngoài Quốc Hội ngày bạo loạn.

Ông Peter Schwartz lãnh hơn 14 năm tù vì tấn công cảnh sát ngày bạo Quốc Hội. (Hình: DOJ)

Phía công tố đề nghị 24 năm và sáu tháng tù cho ông Schwartz, 49 tuổi, một thợ hàn có hồ sơ hình sự khá dài.

Nhưng ông Amit Mehta, chánh án liên bang, tuyên án ông Schwartz 14 năm và hai tháng tù cộng với ba năm quản chế sau khi được thả.

Chánh Án Mehta nói ông Schwartz là “chiến binh chống lại nền dân chủ,” tham gia “vụ bạo loạn chưa từng từng thấy trong lịch sử nước này.”

“Ông không phải tù nhân chính trị,” vị chánh án nói với ông Schwartz. “Ông không phải là người đấu tranh chống bất công hoặc chính quyền độc tài.”

Trước khi bị kết án, ông Schwartz nói vài lời với Chánh Án Mehta, cho hay, “Tôi thành thật hối tiếc vì thiệt hại mà vụ 6 Tháng Giêng gây ra cho quá nhiều người như vậy.”

Ông Mehta cho biết ông không tin lời ông Schwartz, lưu ý rằng ông Schartz thiếu ăn năn.

“Ông tự ý cố làm bị thương nhiều cảnh sát viên hôm đó,” ông Mehta nói.

Ngày 6 Tháng Giêng, 2021, ông Schwartz cầm dùi cui và cùng vợ ông lúc đó, bà Shelly Stallings, và những người bạo loạn khác xô xát với cảnh sát đang bảo vệ khu vực phía Tây tòa nhà Quốc Hội. Ở đó, ông ném ghế xếp vô cảnh sát.

“Bằng cách ném chiếc ghế đó, ông Schwartz trực tiếp góp phần làm ngã hàng rào cảnh sát, giúp đám bạo loạn tràn tới phía trước chiếm toàn bộ khu vực đó,” công tố viên Jocelyn Bon viết trong hồ sơ tòa án.

Ông Schwartz còn cầm bình hơi cay xịt vô cảnh sát đang rút lui. Khi tiến tới đường hầm dẫn vô Quốc Hội, ông cùng hai kẻ bạo loạn khác, ông Markus Maly và ông Jeffrey Brown, xịt chất lỏng màu cam về phía cảnh sát đang xô xát với đám đông.

Trước khi rời đi, ông Schwartz cùng đám đông xô đẩy cảnh sát trong đường hầm.

Năm ngoái, bà Stallings nhận tội liên quan tới vụ bạo loạn, và tháng trước, bà bị kết án hai năm tù.

Ông Schwartz bị xét xử cùng với hai đồng bị cáo Maly và Brown. Tháng Mười Hai năm ngoái, cả ba ông này bị bồi thẩm đoàn kết tội tấn công và nhiều tội đại hình khác.

Thứ Sáu tuần trước, Chánh Án Mehta kết án ông Brown bốn năm và sáu tháng tù. Ông Maly sẽ bị kết án ngày 9 Tháng Sáu.

Ông Schwartz từng bị truy tố và kết tội đe dọa khủng bố cấp độ ba (tội tiểu hình) và tội tàng trữ vũ khí dù đã bị kết tội đại hình, liên quan tới một số vụ hồi Tháng Mười, 2019. (Th.Long)

First Republic Bank phá sản có gây ảnh hưởng dây chuyền?

Báo Nguoi-viet

May 2, 2023

SAN FRANCISCO, California (NV) – First Republic Bank, ngân hàng thứ hai với tài sản hơn $200 tỷ bị phá sản chỉ trong vài tuần, bị sụp đổ nhanh chóng vì mô hình kinh doanh phục vụ cho một nhóm khách hàng giàu có rất dễ bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng đột ngột, theo AP.

Trước đó ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank cũng phá sản trong cùng một tuần. Các nhà đầu tư tự hỏi liệu nhà băng nào vào vị trí kế tiếp.

Bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng First Republic Bank ở San Francisco. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

First Republic Bank là trường hợp được nhắc đến hàng đầu, ngoài ra còn có Comerica và KeyCorp, những ngân hàng có nhiều tài khoản với số tiền ký thác trên $250,000, mức nhận được bảo hiểm liên bang.

Dưới đây là một số điều cần biết về sự sụp đổ của First Republic Bank.

Tại sao First Republic Bank phá sản?

Ngân hàng này phát triển nhanh chóng nhờ tiền gửi vào tài khoản của những cá nhân và công ty giàu có. First Republic Bank sử dụng số tiền này để thực hiện các khoản vay lớn khi lãi suất đang ở mức thấp lịch sử với hy vọng thuyết phục khách hàng dùng thêm những sản phẩm khác, chẳng hạn dịch vụ quản trị tài sản.

Rất nhiều tài khoản tiền gửi tại First Republic lớn hơn con số $250,000, trong khi đây là mức cao nhất được nhận bảo hiểm liên bang. Khi ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản, khách hàng rút tiền ồ ạt vì sợ khoản tiền trong tài khoản của họ gặp nguy hiểm. Hồi tuần trước, First Republic cho biết khách hàng rút hơn $100 tỷ, đa số diễn ra trong vài ngày giữa Tháng Ba.

Không chỉ vậy, nhiều khoản vay lớn từ First Republic bị giảm giá trị khi Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (FED) tăng lãi suất chóng mặt hồi năm ngoái. Nếu ngân hàng cố gắng bán các khoản vay để huy động vốn, thì họ sẽ thua lỗ. Chính Silicon Valley cũng sụp đổ trong hoàn cảnh tương tự.

First Republic lên kế hoạch bán các tài sản không sinh lời, sa thải 25% lực lượng lao động năm 2022. Tuy nhiên giới chuyên gia đánh giá rằng các biện pháp này là không đủ và quá trễ.

Giữa tuần trước, chính phủ can thiệp vào First Republic, với việc giới chức Bộ Tài Chính yêu cầu các ngân hàng nộp hồ sơ đấu thầu mua lại First Republic.

Ngân hàng nào sẽ vỡ nợ kế tiếp 

Cho đến bây giờ, các nhà phân tích kỳ vọng rằng sẽ không có thêm ngân hàng nào gặp chuyện nữa, khẳng định các vấn đề của Silicon Valley, Signature Bank hay First Republic chỉ là hy hữu.

Một số ngân hàng hạng trung khác cũng gặp cảnh bị khách hàng rút tiền gửi, do đó phải vay từ các chương trình liên bang. Tuy nhiên không có ngân hàng nào bị ảnh hưởng nặng nề như First Republic.

Cổ phiếu của đa số các ngân hàng hạng trung đều giảm hôm Thứ Hai, 1 Tháng Năm. Tuy nhiên mức giảm khá khiêm tốn so với mức thua lỗ hai con số của nhiều ngân hàng ngày 13 Tháng Ba.

Điều gì xảy ra với cổ đông của First Republic Bank?

Ngày 8 Tháng Ba, cổ phiếu First Republic giao dịch với mức giá $115, tuy nhiên sau đó giảm mạnh. Đến hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Tư, giá chỉ còn $3.15. Tức là khoảng $20 tỷ giá trị thị trường bị bốc hơi. Giao dịch cổ phiếu tạm dừng trước khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại vào Thứ Hai, 1 Tháng Năm.

JPMorgan Chase, đơn vị đồng ý mua các khoản tiền gửi và đa số tài sản của First Republic, nhấn mạnh rằng họ không thừa nhận bất kỳ khoản nợ doanh nghiệp hoặc ưu đãi cổ phiếu vào của First Republic.

Khi một ngân hàng phá sản, thì những người nắm giữ trái phiếu là người được trả tiền cuối cùng, còn cổ đông thì cũng thuộc diện gần cuối.

Cơ Quan Bảo Hiểm Tiền Gửi Liên Bang (FDIC) không đưa ra bất kỳ ước tính nào về khả năng các chủ nợ được trả tiền. Tuy nhiên quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC có thể tổn thất $13 tỷ vì First Republic phá sản.

Mặc dù các điều kiện có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nguy cơ các nhà đầu tư không thu hồi lại được gì vẫn hiện diện ở đó. (MPL)

HÃY XEM CÁCH NGƯỜI MỸ KẾT THÚC NỘI CHIẾN

(Nhân ngày 30-4 copy về đọc để suy ngẫm)

Cách đây đúng 150 năm, Tướng Robert E Lee của quân đội miền Nam đầu hàng Tướng Ulysses Grant của quân đội miền Bắc, đánh dấu kết thúc cuộc nội chiến Hoa Kỳ đã làm hơn 7 trăm ngàn người thiệt mạng. Sở dĩ gọi là chiến tranh Nam Bắc là vì cuộc chiến diễn ra giữa hai phe: phe miền Bắc (còn gọi là phe liên bang) đứng đầu là Tổng thống Lincoln chủ trương xóa bỏ buôn bán nô lệ người da đen và phe miền Nam chống lại chủ trương này.

Cuộc chiến Nam Bắc của Mỹ thường được nhắc tới qua những trận đánh đẫm máu giữa quân đội của hai phe: quân miền Bắc do tướng Ulysses Simpson Grant chỉ huy và quân miền Nam do tướng Robert Edward Lee cầm đầu. Tuy tướng Lee đã nhiều lần tấn công và gây tổn thất khá nặng cho đội quân của tướng Grant nhưng quân miền Bắc được sự hỗ trợ to lớn từ ngân sách liên bang và chiêu mộ được thêm nhiều quân số từ những người nô lệ da đen vừa được giải phóng nên cuối cùng quân miền Nam của tướng Lee phải chấp nhận thua trận.

Đã có những lời khuyên tướng Lee nên chia nhỏ quân của mình ra và tiến hành đánh du kích nhưng tướng Lee đã nói: nếu cứ tiếp tục chiến tranh gây bao chết chóc thì tội của tôi đáng chết gấp ngàn lần. Ông đã nhắn cho tướng Grant là ông chuẩn bị đầu hàng. Tướng Grant nhắn lại, đề nghị tướng Lee chọn địa điểm bàn thảo việc qui hàng. Và căn nhà của một người buôn bán tên là Wilmer Mc. Lean tại làng Appomattox đã được chọn. Ngày nay ngôi nhà này trở thành di tích lịch sử quốc gia, và được gọi là Appomattox Court House.

Đến ngày hẹn, tướng Lee bận một bộ lễ phục mới tinh và đeo kiếm, còn tướng Grant xuất hiện muộn hơn trong bộ đồ tác chiến thường ngày còn dính bùn đất hành quân. Hai người ngồi trong phòng khách của ông Mc. Lean và hàn huyên thân mật về những kỷ niệm quân ngũ trong cuộc chiến tranh Mexico. Câu chuyện lâu đến nỗi tướng Lee sốt ruột, chủ động đề cập đến “mục đích buổi gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng”. Tướng Grant bèn lấy cây bút chì và tờ giấy viết vội những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó có những nội dung nói về binh lính miền Nam:

  1. Không bị coi là phản quốc và không phải ở tù.
  2. Chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ.
  3. Được mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy vào mùa xuân.

Sau khi xem qua những điều tướng Grant vừa viết, tướng Lee nói: “Những điều này sẽ có tác động tốt đến quân sĩ của tôi. Chúng sẽ góp phần quan trọng trong việc hòa giải dân tộc chúng ta.” Tướng Lee cho biết ông sẽ trao trả những tù binh miền Bắc vì ông không có đủ lương thực cho họ. Tướng Grant đáp lại rằng ông sẽ gửi ngay cho binh lính miền Nam 25.000 phần lương thực khô. Ông cũng ra lệnh cho in 28.231 giấy phóng thích cho binh lính miền Nam.

Khi tin phe miền Nam đầu hàng bay đến doanh trại, quân miền Bắc định bắn đại pháo chào mừng. Tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức các hoạt động ăn mừng. Ông nói với các sĩ quan dưới quyền: “Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta”. Ông cho rằng hai bên không còn là kẻ thù, và cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.

Reconciliation at the 75th Anniversary of Gettysburg Then and Now ...

Ngày 12 tháng 4 năm 1865, quân đội của tướng Lee tiến vào ngôi làng Appomattox để giao nộp vũ khí. Tướng Joshua L.Chamberlain của miền Bắc được chỉ định tiếp nhận binh sĩ qui hàng. Trước hàng quân miền Bắc nghiêm chỉnh, ông nhìn những binh sĩ miền Nam bại trận đi vào làng với cảm xúc dâng trào. Sau này ông viết lại: “Giây phút đó làm tôi thực sự xúc động. Tôi quyết định đánh dấu sự kiện này bằng một hành động, không gì khác hơn là giơ tay chào kiểu nhà binh. Tôi biết có người sẽ chỉ trích tôi về cử chỉ này. Tôi đã không xin phép và cũng không yêu cầu sự tha thứ về hành động này. Đối diện với chúng tôi là những chiến binh, bại trận nhưng can trường, là biểu tượng cho tinh thần trượng phu, không rã rời, không đau khổ, bất chấp hy sinh và không có gì khuất phục được họ. Giờ đây, họ là những người ốm yếu và đói khát, nhưng họ hiên ngang nhìn thẳng vào chúng tôi, làm sống dậy những ràng buộc thiêng liêng cao cả hơn bao giờ hết. Không có lý do gì để những đấng nam nhi ấy không được hội nhập vào Hợp Chủng Quốc vững vàng của chúng ta.”

Sau đó tất cả hàng ngũ quân miền Bắc thắng trận từ đơn vị này đến đơn vị khác đều nghiêm chỉnh giơ tay chào kiểu nhà binh. Vị tướng dẫn đầu đoàn quân miền Nam đầu cúi xuống trong buồn bã, chợt nhận ra và ngồi thẳng lại trên lưng ngựa, giơ tay chào đáp lễ. Ông ra lệnh cho các đơn vị theo sau tuân theo nghi lễ quân sự khi đi ngang qua đoàn quân miền Bắc. Không có kèn thắng trận, không có tiếng trống, tiếng hô, tiếng reo hò mừng chiến thắng, không một lời nói hay tiếng xì xầm… Một sự im lặng đến nghẹt thở.

Xem thêm chi tiết – http://cuucshuehn.net/…/Xem-cach-nguoi-My-ket-thuc-cuoc…

Tướng Ulysses Simpson Grant – Tướng Robert Edward Lee

5 người ở Texas bị bắn chết vì than phiền hàng xóm nổ súng ồn ào

Báo Nguoi-viet

April 29, 2023

CLEVELAND, Texas (NV) – Một ông ở Texas vác súng trường sang nhà kế bên xả súng vô gia đình hàng xóm, làm năm người thiệt mạng, gồm đứa bé 8 tuổi, sau khi gia đình này yêu cầu ông ngưng bắn súng bên sân nhà ông vì nhà họ có trẻ em đang ngủ, cảnh sát loan báo hôm Thứ Bảy, 29 Tháng Tư, theo AP.

Trong buổi họp báo tại hiện trường sáng Thứ Bảy, ông Greg Capers, cảnh sát trưởng San Jacinto County, cho hay cảnh sát vẫn đang tìm nghi can Francisco Oropeza, 39 tuổi, sau vụ xả súng trong đêm ở thị trấn Cleveland, cách Houston khoảng 45 dặm về hướng Bắc. Ông Capers cho biết nghi can dùng súng trường AR-15.

Cảnh sát có mặt tại hiện trường, nơi một người đàn ông bắn chết năm người hàng xóm. (Hình: Chụp từ màn hình đài ABC)

“Các nạn nhân đều bị bắn từ cổ trở lên, gần giống như xử tử,” ông Capers nói.

Lúc vụ xả súng xảy ra, trong nhà đó có 10 người và không ai khác bị thương ngoài năm người thiệt mạng, có lẽ đều là người Honduras, theo ông Capers. Trong số năm nạn nhân, cảnh sát thấy hai người nằm đè lên hai đứa trẻ.

“Hai phụ nữ Honduras nằm đè lên để cố bảo vệ hai đứa trẻ này,” ông Capers nói. Cảnh sát thấy tổng cộng ba đứa trẻ dính đầy máu trong nhà nhưng sau khi được đưa đi bệnh viện thì được xác định không bị thương, ông Capers thêm.

Hai người khác được kiểm tra tại hiện trường rồi được thả, ông Capers cho hay.

Vụ xả súng xảy ra sau khi gia đình này bước tới hàng rào yêu cầu nghi can ngưng bắn súng bên sân nhà ông ta, ông Capers cho biết. Nghi can, lúc đó đang say rượu, đáp lại rằng đó là nhà ông, ông muốn làm gì cũng được. Rồi một người trong gia đình đó quay phim được cảnh nghi can ôm súng trường tới cửa trước nhà họ, theo ông Capers.

Trong số năm nạn nhân có ba phụ nữ và một người đàn ông. Cảnh sát không công bố tên. Các nạn nhân từ 8 tới khoảng 40 tuổi, ông Capers cho biết.

Cảnh sát từng tới nhà nghi can trước đây, theo ông Capers. “Cảnh sát từng tới nói chuyện với ông về chuyện bắn súng trong sân nhà,” ông Capers cho hay.

Ông Capers nói vài người trong gia đình hàng xóm vừa từ Houston dọn tới trong tuần này, nhưng không biết họ có dự định ở đó không.

Số vụ xả súng ở Mỹ từ đầu năm tới nay lên mức kỷ lục: Ít nhất 18 vụ, mỗi vụ có bốn người thiệt mạng trở lên. Có hàng loạt lý do cho những vụ xả súng đó: Giết người rồi tự tử và bạo lực gia đình; băng đảng trả thù; xả súng ở trường học và trả thù nơi làm việc. (Th.Long) 

Bác sĩ gốc Việt ở Little Saigon bị tố gian lận $230 triệu tiền COVID-19, có thể bị 50 năm tù

Báo Nguoi-viet

April 23, 2023

WASHINGTON, DC (NV) – Bộ Tư Pháp Mỹ vừa truy tố 18 người, trong đó có một bác sĩ gốc Việt hành nghề ở Little Saigon, trong các cáo buộc liên quan đến khai gian trong việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19, với số tiền lên đến $490 triệu, hôm Thứ Năm, 20 Tháng Tư.

Trong số này, Bác Sĩ Anthony Hào Đinh, 63 tuổi, cư dân Newport Coast, Orange County, California, có văn phòng ở Garden Grove, bị buộc tội khai gian khoảng $230 triệu đòi Bộ Y Tế trả tiền trong chương trình chăm sóc bệnh nhân COVID-19 không có bảo hiểm.

(Hình minh họa: Johan Ordonez/AFP via Getty Images)

Bác Sĩ Hào là người lập hóa đơn gian lận với trị giá cao đứng thứ nhì nước Mỹ trong chương trình chống dịch COVID-19 liên bang, theo Bộ Tư Pháp. Đây là chương trình nhằm cung cấp xét nghiệm và điều trị COVID-19 cho những bệnh nhân không có bảo hiểm. Chương trình này chấm dứt vào năm ngoái khi hết kinh phí.

Hồ sơ bộ tư pháp cho thấy, ông Hào nộp hóa đơn đòi tiền cho các dịch vụ ông không thực hiện hoặc không cần thiết về mặt y tế. Ông Hào cũng bị cáo buộc lập hóa đơn cho chương trình điều trị cho những bệnh nhân được bảo hiểm.

Bác sĩ gốc Việt này cũng bị tố cáo đã dùng hơn $100 triệu trong số tiền gian lận đầu tư vào các thương vụ tài chánh rủi ro cao.

Ngoài ra, ông Hào và hai cá nhân khác cũng bị buộc tội gian lận khi nộp hơn 70 đơn xin vay hơn $3 triệu trong chương trình trả lương nhân viên và cho vay theo kế hoạch cứu nguy kinh tế chống dịch COVID-19 của liên bang.

Hai người này là bà Hằng Trinh Đinh, 64 tuổi, cư dân Lake Forest, California, chị Bác Sĩ Hào, hiện bỏ trốn và đang bị truy nã. Người thứ nhì là ông Matthew Hoàng Hồ, 65 tuổi, cư dân Melbourne, Florida.

Bác Sĩ Anthony Hào Đinh và ông Matthew Hoàng Hồ bị bắt hôm 12 Tháng Tư.

Sau khi đóng tiền thế chân $7 triệu, Bác Sĩ Hào được tại ngoại hậu tra và sẽ ra tòa liên bang ngày 22 Tháng Năm, vẫn theo thông báo của Bộ Tư Pháp Mỹ.

Nếu bị kết tội, vị bác sĩ gốc Việt này có thể bị tối đa 50 năm tù trong nhà tù liên bang.

“Bác Sĩ Anthony Hào Đinh bị tố cáo ăn cắp tiền của chương trình y tế do người đóng thuế tài trợ để cung cấp dịch vụ chữa COVID-19 cho các bệnh nhân không có bảo hiểm,” ông Martin Estrada, công tố viên liên bang, được trích lời nói trong thông báo. “Chúng tôi sẽ không tha thứ hành động ăn cắp tiền của người dân Mỹ, và vụ truy tố ở mức độ lớn như vậy cho thấy chúng tôi đang cố gắng chấm dứt tất cả mọi hình thức gian lận.”

Vụ gian lận này còn có bà Lourdes Navarro, 64 tuổi, cư dân Glendale, cùng chồng, ông Imran Shams, điều hành phòng thí nghiệm Matias Clinical Laboratory, Baldwin Park, tính tiền hóa đơn COVID-19 với số tiền là $358 triệu. Ông này gửi những hóa đơn gian lận về về xét nghiệm COVID-19 cho các viện dưỡng lão và trường học.

Những người bị truy tố gian lận trong trường hợp này bị cáo buộc đã “tìm cách khai thác chương trình” chống dịch của chính phủ bằng cách liên tục cung cấp cho bệnh nhân hàng chục bộ xét nghiệm COVID-19 “mà họ không muốn hoặc không cần,” theo thông báo của Bộ Tư Pháp.

Ông Merrick Garland, bộ trưởng tư pháp, nghiêm khắc lên tiếng: “Bộ Tư Pháp sẽ không dung thứ cho những kẻ lợi dụng đại dịch để trục lợi và ăn cắp tiền của người đóng thuế.”

“Chúng tôi sử dụng mọi nguồn lực sẵn có để chống lại và ngăn chặn hành vi gian lận liên quan đến COVID-19 cũng như bảo vệ tính toàn vẹn của các chương trình do người thọ thuế tài trợ,” Bộ Trưởng Garland khẳng định. (MPL) [đ.d.]

Hãng Fox dàn xếp chi trả 787,5 triệu đô la cho Dominion trong vụ kiện bôi nhọ

VOA

Các đại diện của Dominion Voting Systems đến trung tâm pháp lý ở Wilmington, Delaware trong vụ kiện bôi nhọ nhằm vào hôm 18/4 năm 2023.

Các đại diện của Dominion Voting Systems đến trung tâm pháp lý ở Wilmington, Delaware trong vụ kiện bôi nhọ nhằm vào hôm 18/4 năm 2023.

Tập đoàn Fox và đài Fox News hôm 18/4 đã dàn xếp ngoài tòa vụ kiện bôi nhọ của công ty kiểm phiếu Dominion Voting Systems với số tiền chi trả là 787,5 triệu đô la nhằm tránh phải ra tòa mà ở đó một trong những công ty truyền thông hàng đầu thế giới bị đưa vào tầm ngắm cho hành vi đưa tin các tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Thỏa thuận này, mà các chuyên gia pháp lý gọi là vụ dàn xếp lớn nhất của một hãng truyền thông Mỹ, đã được cả hai bên và quan tòa công bố.

Bồi thẩm đoàn được chọn trước đó trong ngày và phiên tòa đã sắp tuyên bố khai mạc ở Wilmington, bang Delaware. Dominion đòi 1,6 tỷ đô la tiền bồi thường thiệt hại trong vụ kiện được nộp đơn hồi năm 2021.

Giám đốc điều hành Dominion, ông John Poulos, gọi thỏa thuận dàn xếp này là ‘lịch sử’.

“Fox thừa nhận họ đã nói dối về Dominion gây thiệt hại to lớn cho công ty của tôi, nhân viên và khách hàng của chúng tôi”, ông Poulos ra tuyên bố nói.

“Truyền thông đưa tin trung thực là điều thiết yếu cho nền dân chủ”, Poulos nói.

Vấn đề được phân xử trong vụ kiện là liệu Fox có chịu trách nhiệm pháp lý khi phát sóng những phát biểu thất thiệt rằng các máy kiểm phiếu của hãng Dominion đặt tại Denver đã được sử dụng để thao túng cuộc bầu cử tổng thống theo hướng có lợi cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trước Tổng thống Donald Trump, ứng viên đảng Cộng hòa khi đó, hay không.

Vụ dàn xếp hôm 19/4 đã giúp Fox tránh được rủi ro trong trường hợp những nhân vật nổi tiếng nhất của họ bị gọi ra làm nhân chứng và bị thẩm vấn gay gắt, bao gồm các lãnh đạo điều hành như ông Rupert Murdoch, 92 tuổi, chủ tịch Fox Corp, cũng như những người dẫn chương trình trên sóng là Tucker Carlson, Sean Hannity và Jeanine Pirro.

Người dẫn chương trình của Fox là Neil Cavuto đã đọc tin về vụ dàn xếp trong chương trình ‘Your World’ (Thế giới của bạn) của ông vào khoảng 4h30 chiều 18/4. Tuyên bố của Fox đã được đọc lên như sau:

“Chúng tôi hài lòng đã dàn xếp được tranh chấp với hãng Dominion Voting Systems”, tuyên bố nêu. “Chúng tôi thừa nhận phán quyết của Tòa cho thấy một số phát biểu về Dominion là thất thiệt. Thỏa thuận dàn xếp này cho thấy cam kết không ngừng của FOX về chuẩn mực báo chí cao nhất. Chúng tôi hy vọng quyết định của chúng tôi dàn xếp tranh chấp với Dominion một cách thân thiện, thay vì phải tranh cãi gay gắt ở một phiên tòa gây chia rẽ, sẽ giúp đất nước bỏ lại sau lưng vấn đề này để đi tới”.

Các luật sư của Dominion từ chối trả lời câu hỏi liệu Fox News có công khai xin lỗi hay có sửa đổi gì đó không.

Dominion đã kiện Fox Corp và Fox News, lập luận rằng công việc kinh doanh của họ đã bị phá hoại bởi những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử được đài này phát sóng với một loạt các nhà bình luận bảo thủ của họ.

Trong hồ sơ trình tòa hồi tháng 2, Dominion dẫn ra nhiều thông tin trao đổi nội bộ mà trong đó Murdoch và các nhân vật khác của Fox thừa nhận trong hậu trường rằng những phát biểu về gian lận bầu cử gắn với Dominion được đưa ra trên sóng là sai sự thật. Dominion cho rằng Fox đã khuếch đại những phát biểu thất thiệt này để tăng thứ hạng về lượng người xem và để ngăn khán giả của họ chuyển sang các hãng truyền thông cánh hữu khác là đối thủ của họ.

Rủi ro pháp lý cho Fox lại càng chồng chất khi một hãng công nghệ xử lý phiếu bầu khác của Mỹ là Smartmatic đang có vụ kiện bôi nhọ riêng và đòi bồi thường thiệt hại 2,7 tỷ đô la tại một tòa án ở New York.

“Đối với nhiều nguyên đơn, việc ra tòa và sự thừa nhận của bị đơn rằng họ đưa tin sai thậm chí còn quan trọng hơn bất kỳ khoản tiền bồi thường thiệt hại nào”, bà Mary-Rose Papandrea, giáo sư luật hiến pháp tại Trường Luật của Đại học North Carolina, nhận định.

Trước đó, Fox đã lập luận rằng những phát biểu của ông Trump và các luật sư của ông về bầu cử tự thân nó là đáng để đưa tin và được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Thẩm phán Davis đã phán quyết hồi tháng 3 rằng Fox không thể lấy lập luận đó để biện hộ và xác định rằng việc đưa tin như vậy là sai, mang tính bôi nhọ và không được Tu chính án thứ nhất bảo vệ.

Vụ kiện đề cập đến việc các đồng minh của ông Trump bao gồm các luật sư cũ của ông là ông Rudolph Giuliani và bà Sidney Powell đã xuất hiện trên Fox News để thúc đẩy các cáo buộc sai sự thật.

Mỹ, Trung Quốc dẫn đầu về nợ công của chính phủ

Theo Nhật Báo Phố Wall – WSJ

Dân số già, các biện pháp về khí hậu và lãi suất gia tăng làm tăng nặng thêm con số chi tiêu của chính phủ

Chính phủ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng cường vay nợ trong những năm tới khi họ chi tiêu nhiều hơn cho dân số già và chuyển sang năng lượng sạch, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết.

Nợ chính phủ trên toàn thế giới đã giảm một thời gian ngắn với việc kết thúc các biện pháp tốn kém liên quan đến đại dịch, nhưng dự kiến sẽ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay và tiếp tục tăng trong năm năm tới, IMF cho biết trong báo cáo Giám sát tài khóa được công bố hôm thứ Tư.

Mức tăng dự kiến cũng phần nào phản ánh các khoản thanh toán lãi suất cao, sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát cao.

Các nhà kinh tế của IMF cảnh báo rằng việc mở rộng vay và chi tiêu của chính phủ có thể thổi bùng áp lực lạm phát, làm suy yếu nỗ lực của các ngân hàng trung ương.

“Hiện nay đối với hầu hết các quốc gia, có một trường hợp mạnh mẽ cho việc thắt chặt tài khóa”, Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận tài chính của IMF cho biết, đề cập đến các biện pháp như cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế. “Thắt chặt chính sách tài khóa góp phần làm giảm tổng cầu. Nó làm giảm áp lực lạm phát, buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất”.

IMF dự báo nợ chính phủ nói chung trên toàn thế giới

Dự báo bao gồm các khoản vay của chính quyền trung ương và địa phương và các tổ chức thuộc sở hữu của chính phủ – sẽ đạt mức tương đương 93,3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu trong năm nay trước khi tăng dần lên 99,6% vào năm 2028. Tỷ lệ nợ trên GDP là 82,8% vào năm 2018 và đạt mức cao nhất gần đây là 99,7% vào năm 2020.

“Mỹ và Trung Quốc đóng góp nhiều nhất cho xu hướng này”, ông Gaspar nói. “Nếu loại trừ Mỹ và Trung Quốc, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ giảm trên toàn cầu”, ông nói.

Nợ chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới một phần vì Washington đang chi tiêu nhiều hơn cho chi phí chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội khi thế hệ bùng nổ trẻ em nghỉ hưu, cũng như cho các dự án năng lượng sạch và các chính sách kinh tế trong nước khác, các nhà kinh tế IMF cho biết.

Dự báo của IMF được đưa ra khi Washington vẫn bị lôi kéo vào cuộc chiến về trần nợ giữa Chính Phủ và Quốc Hội, giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD của chính phủ liên bang. Chính phủ liên bang có thể hết tiền để thanh toán tất cả các hóa đơn nếu Quốc hội không bỏ phiếu nâng trần nợ trong những tháng tới. Nhà Trắng đang thúc đẩy Quốc hội làm như vậy mà không cần điều kiện, trong khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang tìm cách cắt giảm chi tiêu trước khi đồng ý làm như vậy.

Tổng nợ chính phủ của Mỹ dự kiến sẽ tăng lên 136,2% GDP vào năm 2028

Tổng nợ tăng từ 107,4% vào năm 2018 và cao hơn mức đỉnh thời đại dịch là 133,5% vào năm 2020, theo IMF. Tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến ở mức 122,2% trong năm nay, so với mức 121,7% vào năm 2022.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là một nền kinh tế khác có nợ chính phủ tăng nhanh. IMF dự kiến sẽ tăng lên 104,9% GDP vào năm 2028, từ 82,4% cho năm 2023 và 56,7% vào năm 2018.

Chi tiêu của Trung Quốc cho dân số già đi nhanh chóng và các biện pháp kích thích để duy trì tăng trưởng kinh tế là một trong những yếu tố đằng sau khoản nợ leo thang, các nhà kinh tế IMF cho biết.

Nợ chính phủ Mỹ đang tăng nhanh hơn mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến

Dự kiến con số nợ sẽ tăng lên 117,8% vào năm 2028 từ mức 112,4% của năm 2023.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ cao hơn so với các quốc gia châu Âu giàu có như Đức, Pháp và Anh, nhưng thấp hơn nhiều so với Nhật Bản, một quốc gia đã vay mượn rất nhiều để hỗ trợ dân số già. Nợ chính phủ nói chung của Nhật Bản trên GDP dự kiến đạt 258% trong năm nay và 264% vào năm 2028, IMF cho biết.

Mức nợ chính phủ ở các nước lớn có thể vượt quá dự báo mới nhất vì nhiều lý do, các nhà kinh tế của IMF cho biết. Một là tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Một cách khác là tăng trợ cấp của chính phủ và các biện pháp khác để tăng cường các ngành công nghiệp trong nước khi các quốc gia cạnh tranh với nhau về kinh tế.

Phan Sinh Trần

Chi tiết mới về rò rỉ thông tin tình báo cho thấy nó đã được lưu hành trong nhiều tuần trước khi được cảnh báo

Theo Nhật Báo Phố Wall – WSJ

Một trong những vụ rò rỉ quan trọng nhất các tài liệu được phân loại cao của Hoa Kỳ trong lịch sử gần đây bắt đầu từ một nhóm nhỏ người đăng trên một kênh nhắn tin buôn bán các meme, chat chuyện phiếm và chuyện phân biệt chủng tộc.

Vào một thời điểm nào đó trong tháng 1, dường như không được thế giới bên ngoài chú ý, một thành viên ẩn danh của một nhóm có số lượng chỉ hơn chục người bắt đầu đăng các tập—nhiều tập trong số đó được dán nhãn là tuyệt mật—cung cấp thông tin chi tiết về cuộc chiến ở Ukraine , chặn liên lạc về các đồng minh của Hoa Kỳ, chẳng hạn như Israel và Hàn Quốc, và chi tiết về sự xâm nhập của Mỹ vào các kế hoạch quân sự của Nga, trong số các chủ đề khác.

Các tài liệu, dường như được đánh số lên tới hàng trăm, nằm trong số các thành viên của nhóm nhỏ trên nền tảng nhắn tin Discord cho đến đầu tháng 3, khi một người dùng khác đăng lại vài chục tài liệu đó cho một nhóm khác có lượng người xem lớn hơn. Từ đó, ít nhất 10 tệp đã chuyển sang một cộng đồng lớn hơn nhiều tập trung vào trò chơi máy tính Minecraft.

Vào thứ Tư, với việc chính phủ Hoa Kỳ dường như vẫn chưa biết, một tài khoản tuyên truyền của Nga trên Telegram đã đăng một phiên bản tài liệu thô sơ của một trong các tài liệu, cùng với một số tài liệu chưa được chỉnh sửa.

Cục Điều tra Liên bang và Bộ Tư pháp hiện đang ráo riết săn lùng câu trả lời về việc làm thế nào mà hàng tá hình ảnh có mục đích hiển thị các tài liệu bí mật lại xuất hiện trên mạng. Một cuộc điều tra của chính phủ, được đưa ra hôm thứ Sáu theo yêu cầu của Bộ Quốc phòng, đang tìm kiếm nguồn rò rỉ.

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết vào tối Chủ nhật, bộ đang xem xét và đánh giá tính hợp lệ của các tài liệu được chụp ảnh “dường như chứa tài liệu nhạy cảm và được phân loại cao”. Bà cho biết Hoa Kỳ đã thảo luận vấn đề này với các đồng minh vào cuối tuần qua và đang cân nhắc tác động an ninh quốc gia tiềm ẩn của vi phạm.

Các quan chức cho biết vụ rò rỉ thông tin tình báo đang trở thành một trong những vụ gây thiệt hại nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ. Việc tiết lộ làm phức tạp cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine. Nó có thể sẽ ngăn cản các đồng minh nước ngoài sẵn sàng chia sẻ thông tin nhạy cảm với chính phủ Hoa Kỳ. Và nó có khả năng phơi bày các nguồn thông tin tình báo của Mỹ ở Nga và các quốc gia thù địch khác.

Tổng cộng, có hơn 50 tài liệu được đánh dấu phân loại Bí mật và Tối mật đã xuất hiện cho đến nay và đã được Tạp chí cũng như nhiều nhà phân tích tình báo độc lập xem xét. Một câu hỏi quan trọng là ai đã có quyền truy cập và khi nào, đối với hàng trăm người khác đã được đăng trong nhóm ban đầu từ tháng 1 đến tháng 3 và những bí mật mà các tệp này chứa có quan trọng như thế nào.

Các tài liệu bị rò rỉ là hình ảnh của các bài thuyết trình và các tập tin đã được in ra trên giấy A4. Chúng dường như đã được gấp lại hai lần, có lẽ được tuồn ra khỏi một cơ sở an toàn. Có thể nhìn thấy nhiều thứ khác nhau bên lề các bức ảnh, bao gồm keo dán Gorilla, giày và hướng dẫn về phạm vi phát hiện GlassHawk HD, những chi tiết có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm kẻ rò rỉ.

Mykhailo Podolyak , cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky , cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng không có khả năng Nga đứng sau vụ vi phạm thông tin tình báo ban đầu.

Ông Zelensky đã phản ứng với vụ rò rỉ bằng cách ra lệnh áp dụng các biện pháp mới để ngăn chặn việc tiết lộ trái phép thông tin quân sự. Tuần trước, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ cũng đã thay đổi cách các quân nhân tiếp cận các tài liệu như vậy.

Các nhà phân tích bảo mật cho biết, các tập tin nguy hiểm nhất là tập hợp các tài liệu tình báo đã được hiệu đính được tổng hợp trong bản cập nhật thông tin tình báo của trung tâm hoạt động của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA). Chúng bao gồm thông tin về các cuộc trò chuyện mà Hoa Kỳ đã nghe lén được trong các chính phủ đồng minh, chẳng hạn như thông tin liên lạc của các nhà lãnh đạo cơ quan tình báo Mossad của Israel và các cuộc thảo luận giữa các thành viên của hội đồng an ninh quốc gia Hàn Quốc về việc có nên bán đạn dược có thể đến Ukraine hay không.

Thậm chí nhạy cảm hơn là thông tin xuất hiện từ sự xâm nhập của Hoa Kỳ vào chính phủ Nga, chẳng hạn như chi tiết về cách một tin tặc Nga chia sẻ ảnh chụp màn hình với dịch vụ an ninh FSB về việc truy cập cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên của Canada, các cuộc thảo luận nội bộ của Bộ Quốc phòng Nga về việc cung cấp đạn dược cho nhóm bán quân sự Wagner, và các kế hoạch của tình báo quân đội Nga nhằm thúc đẩy một chiến dịch chống phương Tây và chống Ukraine ở Châu Phi.

Aric Toler, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và đào tạo tại tập đoàn điều tra Bellingcat, tổ chức đã thực hiện một số cuộc điều tra về hoạt động tình báo của Nga, cho biết ông đã liên lạc với ba thành viên ban đầu của nhóm Discord.

Trang Mạng Discord, dùng phổ biến trong số các người chơi game để đối thoại và chia sẻ tài liệu, game. Discord bao gồm hơn 20.000 máy chủ.

Ông cho biết các thành viên của nhóm đã xem hàng trăm tệp mật trước khi kênh này bị xóa sạch. Hầu hết các thành viên đều sống ở Hoa Kỳ. Danh tính của người đăng ban đầu vẫn chưa được biết. Khi gặp sự chú ý toàn cầu bởi vụ rò rỉ, các thành viên của nhóm Discord vội vã xóa tài khoản của họ và xóa máy chủ của họ, vì sợ bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt và sự chú ý không mong muốn từ các cơ quan tình báo nước ngoài.

Được thành lập cách đây 8 năm tại San Francisco, Discord lần đầu tiên trở nên phổ biến như một phần mềm mà các game thủ có thể sử dụng để nói chuyện với nhau trong một nhóm. Phần lớn các máy chủ trò chuyện này là riêng tư—được chia sẻ bởi bạn bè—nhưng chúng cũng có thể được sử dụng cho công chúng. Discord cũng tổ chức các cộng đồng ủng hộ chính nghĩa của Ukraine.

Phan Sinh Trần 

Công việc làm ở kho hàng bị giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng

Công việc làm ở kho hàng bị giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng

Theo Nhật Báo Phố Wall

Các nhà tuyển dụng đã cắt giảm 11.800 việc làm vào tháng trước, kéo dài sự sụt giảm trong lĩnh vực hậu cần đang gặp khó khăn trong việc thuê nhân công trong nửa đầu năm 2022

Việc làm kho bãi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm khi các công ty cắt giảm biên chế trong bối cảnh nền kinh tế vận chuyển hàng hóa suy thoái.

Các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ đã cắt giảm 11.800 công việc kho hàng và kho bãi từ tháng 2 đến tháng 3, theo báo cáo việc làm sơ bộ được điều chỉnh theo mùa của Bộ Lao động công bố hôm thứ Sáu. Các công ty kho bãi đã cắt giảm gần 50.000 việc làm kể từ tháng 6, khi các nhà bán lẻ dự trữ quá nhiều bắt đầu giảm lượng hàng tồn kho do nhu cầu của người tiêu dùng dao động.

Việc làm tại các nhà kho của Hoa Kỳ đã tăng thêm gần 700.000 việc làm từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 6 năm 2022, do các đợt đóng cửa trên diện rộng vào đầu đại dịch Covid-19 đã khiến người tiêu dùng ở nhà đổ xô mua hàng trực tuyến. Các công ty từ gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.com Inc. đến các nhà khai thác hậu cần nhỏ hơn tranh giành nhau để lấp đầy công việc tại các trung tâm thực hiện đơn hàng.

Việc làm trong kho bãi và lưu trữ đã giảm xuống còn 1,91 triệu việc làm trong tháng 3, số lượng việc làm ít nhất trong lĩnh vực này kể từ tháng 1 năm 2022, khi các công ty tuyển dụng 1,88 triệu công nhân

Sự sụt giảm trong kho hàng vào tháng trước xảy ra khi các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ nói chung đã tạo thêm 236.000 việc làm trong một thị trường lao động đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Các công ty sản xuất hàng hóa vận chuyển qua mạng lưới phân phối hậu cần đã cắt giảm 7.000 việc làm trong tháng trước và việc làm trong lĩnh vực bán lẻ đã giảm 14.600 việc làm

Sự sụt giảm trong kho hàng vào tháng trước xảy ra khi các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ nói chung đã tạo thêm 236.000 việc làm trong một thị trường lao động đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Các công ty sản xuất hàng hóa vận chuyển qua mạng lưới phân phối hậu cần đã cắt giảm 7.000 việc làm trong tháng trước và việc làm trong lĩnh vực bán lẻ đã giảm 14.600 việc làm.

Nhu cầu vận chuyển hàng hóa đã giảm mạnh kể từ giữa năm ngoái do chi tiêu của người tiêu dùng chuyển hướng từ hàng hóa sang dịch vụ và các nhà bán lẻ lớn đối phó với tình trạng kho hàng quá tải bắt đầu đánh giá lại mạng lưới hậu cần mở rộng của họ . Doanh số bán hàng thương mại điện tử đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ trong việc xây dựng và thuê kho bãi, chiếm 14,7% tổng số giao dịch mua bán lẻ ở Hoa Kỳ trong quý 4 năm 2022 sau khi đạt mức cao nhất là 16,4% doanh số bán hàng trong quý 2 năm 2020, theo Census Cục dữ liệu.

Công ty phân tích bất động sản CoStar Group Inc. cho biết số lượng hoạt động xây dựng nhà kho mới trong quý IV so với một năm trước đó đã giảm 24%, đạt mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Sự thoái lui đã ảnh hưởng đến việc làm tại nơi, trong thời kỳ đại dịch, là một trong những thị trường việc làm phát triển nhanh nhất.

Amazon đang giảm tốc độ mở rộng hậu cần nhanh chóng của mình và Walmart Inc. đã bắt đầu thông báo cho công nhân tại các trung tâm thực hiện trên khắp Hoa Kỳ về việc cắt giảm hàng trăm công việc.

Phan Sinh Trần 

Đại bồi thẩm đoàn ở Mỹ có vai trò thế nào?

VOA

Những người biểu tình đòi Công lý cho Tất cả tuần hành tại New York ngày 13/12/2014 để phản đối vụ giết hại hai người Mỹ gốc Phi. Đại bồi thẩm đoàn đã quyết định không truy tố các cảnh sát trong vụ giết ông Eric Garer tại New York và ông Michael Browm tại Ferguson, Missouri.

Những người biểu tình đòi Công lý cho Tất cả tuần hành tại New York ngày 13/12/2014 để phản đối vụ giết hại hai người Mỹ gốc Phi. Đại bồi thẩm đoàn đã quyết định không truy tố các cảnh sát trong vụ giết ông Eric Garer tại New York và ông Michael Browm tại Ferguson, Missouri.

Đại bồi thẩm đoàn đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Họ có nhiệm vụ lắng nghe bằng chứng do các công tố viên và nhân chứng đưa ra, sau đó quyết định bằng cách bỏ phiếu kín xem có đủ bằng chứng để buộc tội một người phạm trọng tội hay không, là bất kỳ tội hình sự nào có thể bị phạt ít nhất một năm tù.

Đại bồi thẩm đoàn được yêu cầu trong các vụ truy tố trọng tội liên bang và nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã áp dụng một hệ thống tương tự. Tuy nhiên, ở một số tiểu bang, các công tố viên cũng có thể đưa ra bằng chứng của mình trước thẩm phán, người sau đó sẽ quyết định liệu một người nào đó có thể bị truy tố về một tội hay không.

Đại bồi thẩm đoàn liên bang gồm từ 16 đến 23 thành viên. Ít nhất 12 bồi thẩm viên phải đồng ý trước khi một bản cáo trạng — một cáo buộc chính thức — có thể được đưa ra chống lại một người nào đó. Các đại bồi thẩm viên được chọn từ cùng một nhóm công dân bình thường, những người làm các bồi thẩm viên xét xử. Những người này được xác định từ các hồ sơ công cộng như bằng lái xe và thẻ cử tri. Các đại bồi thẩm viên phục vụ từ 18 đến 36 tháng, thường họp vài lần một tháng và có quyền đặt câu hỏi cho các nhân chứng và đưa ra trát đòi hầu tòa.

Ông Peter Joy, giáo sư luật tại Đại học Washington ở St. Louis, nói: “Hệ thống đại bồi thẩm đoàn rất quan trọng trong việc quyết định ai sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự, nhưng cũng quan trọng trong việc công dân dính líu vào hệ thống tư pháp hình sự.” “Nguồn gốc của hệ thống đại bồi thẩm đoàn, theo một nghĩa nào đó, dựa trên một mức độ cố gắng giữ cho chính phủ lương thiện.”

Đại bồi thẩm đoàn ban đầu được hình thành như một biện pháp bảo vệ chống lại quyền lực của chính phủ. Nhưng cựu công tố viên liên bang Bruce Green không tin cái gọi là “uỷ ban nhân dân” hoàn thành chức năng đó một cách có ý nghĩa.

“Nếu ý tưởng ban đầu của những người lập quốc là kiềm chế quyền lực của chính phủ… thì đó có lẽ không phải là một công cụ hiệu quả để bảo vệ mọi người khỏi bị truy tố thái quá,” ông Green, người hiện đang là giáo sư tại Trường Luật Đại học Fordham nói. “Và có một rủi ro khá lớn là, nếu công tố viên nghĩ trong đầu rằng ai đó có tội, họ có thể đạt được một bản cáo trạng cho dù người đó có tội hay không.”

Đại bồi thẩm đoàn hiếm khi từ chối truy tố. Trong năm 2010, số liệu thống kê của chính phủ cho thấy rằng các đại bồi thẩm đoàn liên bang đưa ra các cáo buộc hơn 99%.

Nguy cơ cao

Mặc dù đại bồi thẩm đoàn có thể là bù nhìn trong hầu hết các trường hợp, nhưng ban hội thẩm có nhiều khả năng đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trong các trường hợp thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng.

Ông Joy nói: “Tôi nghĩ rất có thể các công tố viên khi trình bày bằng chứng trước đại bồi thẩm đoàn đã cố gắng đưa ra nhiều bằng chứng hơn mức họ có thể làm trong một vụ án đơn cử và trình bày theo cách cân bằng.”

Một số tiểu bang yêu cầu các công tố viên đưa ra bằng chứng rằng bị cáo có thể vô tội. Tuy nhiên, các công tố viên liên bang không bắt buộc phải làm như vậy.

“Bị cáo có nhân thân càng cao thì càng có nhiều khả năng là công tố viên thực sự muốn có một vụ án chắc chắn, và họ sẽ muốn kiểm tra bằng chứng theo cách có thể mang lại cho họ nhiều tự tin hơn,” ông Joy nói.

“Bởi vì rủi ro rất cao, một công tố viên thông minh — nếu có một số bằng chứng trái ngược mà có thể khiến người ta đặt dấu hỏi là có tội hay vô tội — thì họ dường như sẽ sử dụng đại bồi thẩm đoàn như một tiến trình [trắc nghiệm] cho điều đó.”

Thủ tục truy tố và kết tội một Tổng Thống diễn ra như thế nào?

Báo Tiếng Dân

Nhã Duy

31-3-2023

Sau các nguồn tin về phán quyết của đại bồi thẩm đoàn New York trong vụ án liên quan đến cựu tổng thống Mỹ, những đồng minh chính trị của ông ta cùng các hệ thống truyền thông cánh hữu đang lên án việc buộc tội này là một vụ “bức hại chính trị” hay có sự lạm dụng quyền lực, tấn công vào đối thủ chính trị và ứng viên tổng thống. Tất nhiên điều này đang được nhóm cử tri hậu thuẫn tin và lặp lại như vậy hiện nay.

Nhân vụ án này, thử tìm hiểu thêm về thủ tục tố tụng hình sự tại Mỹ được diễn ra như thế nào và nguyên tắc kiểm soát và cân bằng quyền hành (check and balance) trong sự vận hành hệ thống pháp luật hay điều hành chính phủ nói chung của nước Mỹ, có dễ dàng cho phép tấn công các đối thủ chính trị và bị lạm dụng, thao túng hay không? Bài viết này được tác giả tham khảo theo các tài liệu pháp luật của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.

Xin nói ngay, văn phòng biện lý và các công tố viên New York không buộc tội nghi phạm mà chính đại bồi thẩm đoàn đã buộc tội, dựa theo các chứng cứ, nhân chứng trực tiếp và gián tiếp mà văn phòng biện lý đã thu thập chứng cứ trong cuộc điều tra kéo dài từ vài năm qua. Nhân chứng, vật chứng không đủ mạnh, không thể thiết lập một vụ án hình sự tại tòa liên bang và không đủ thuyết phục đại bồi thẩm đoàn đi đến việc buộc tội.

Đại bồi thẩm đoàn được thành lập và hoạt động theo hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ từ xưa nay. Các cơ quan công lực Hoa Kỳ, hay trong vụ án này là văn phòng biện lý New York thực hiện việc điều tra (investigation) trước các hành vi phạm tội trực tiếp hay gián tiếp của bị can để chuyển hồ sơ sang tòa án, nơi đại bồi thẩm đoàn sẽ quyết định các chứng cứ có đủ thuyết phục để đi đến quyết định buộc tội (indictment) bị cáo. Từ lúc bị buộc tội cho đến khi bị mang ra tòa xét xử (trial), là cả một quá trình dài và phức tạp.

Sau bản cáo trạng của đại bồi thẩm đoàn, thông thường bị cáo sẽ bị bắt giữ hay tự nguyện ra đầu thú. Người này sẽ được lăn tay, chụp hình và bị còng tay ra hầu tòa (arraignment). Thẩm phán sẽ công bố các cáo trạng từ đại bồi thẩm đoàn, cho bị cáo biết được quyền hạn của mình và được phép có các luật sư riêng đại diện, hoặc có một luật sư chính phủ (public defender) hướng dẫn. Tùy theo tội danh (charges), nghi phạm có thể đóng tiền thế chân tại ngoại (bail bond) hay phải vào tù cho đến ngày bị đưa ra xét xử. Trong cuộc hầu tòa này, nghi phạm cũng có thể nhận tội hay không nhận tội.

Giai đoạn tiếp theo là cuộc chiến giữa các công tố viên cùng các luật sư đại diện phía bị cáo. Hai bên sẽ đối chất, gọi nhân chứng hữu thệ, trình ra tang chứng, vật chứng. Đây là giai đoạn khai thác vụ án (discovery) khá khó khăn cho các công tố viên khi họ buộc phải cung cấp các tài liệu và chứng cứ của mình theo yêu cầu phía luật sư thân chủ, thậm chí cả các bằng chứng ngoại phạm (exculpatory evidence) mà phía luật sư bị cáo có thể sử dụng để chứng minh là thân chủ mình vô tội.

Nếu chứng cứ phía công tố viên quá mạnh và phía luật sư đại diện nhắm rằng họ khó có thể thắng được vụ án mà bị cáo đã có hành vi phạm pháp thì hai bên có thể thỏa thuận nhận tội (plea bargain) nhằm tránh nguy cơ bị mức án cao hơn một khi bị đưa ra xét xử. Mức án cuối cùng sẽ do một thẩm phán quyết định và tuyên bố.

Trong trường hợp bị cáo không nhận tội thì một cuộc tiền nghị án hay điều trần (preliminary hearing), xem như một phiên tòa nhỏ do một thẩm phán nghe đối chất và chứng cứ giữa hai bên để quyết định có thể tiếp tục hay bác bỏ (dismiss) vụ án. Trước khi bị xét xử, hai bên công tố và luật sư sẽ đưa ra các kiến nghị hay thỉnh cầu khác nhau (motion) và được các thẩm phán quyết định đồng ý hay bác bỏ.

Sau hàng tháng trời, phiên toà xử án (trial) sẽ là giai đoạn cuối cùng và quyết định trong một vụ án hình sự. Phiên tòa này do một thẩm phán làm chủ tọa, là người điều hành và bảo đảm phiên toà được tiến hành công bằng và đúng theo trình tự pháp luật trước một bồi thẩm đoàn không thiên kiến do hai bên cùng chọn lựa. Phiên toà có thể kéo dài lâu mau tùy theo tính chất của vụ án và phán quyết cuối cùng (verdict) sẽ do bồi thẩm đoàn đưa ra. Trong một vụ án hình sự liên bang, nếu là phán quyết có tội (conviction) thì phải được sự đồng thuận của tất cả những bồi thẩm viên trong bồi thẩm đoàn.

Sau khi bị kết tội, kẻ phạm tội sẽ quay lại tòa để nhận mức án (sentence) nặng nhẹ tùy hành vi phạm tội của mình. Bản án này sẽ do các thẩm phán đưa ra, dựa theo các hướng dẫn và hồ sơ tội phạm, như chủ mưu, tòng phạm, tái phạm… của kẻ bị kết án. Bản án nặng nhất tại Mỹ hiện nay là tử hình trong các vụ án hình sự. Nếu kẻ tội phạm tin rằng mình đã bị oan, bị xét xử thiếu công bằng hay bản án quá nặng, họ có thể kháng án lên các tòa cấp trên. Cao nhất tại Mỹ là tòa Tối Cao Pháp Viện dù chỉ có một số nhỏ vụ án lên được đến tòa này.

Bên trên là sơ lược về thủ tục tố tụng một vụ hình án nói chung tại Hoa Kỳ. Với một nghi phạm từng cựu tổng thống Hoa Kỳ, chắc chắn sẽ có dăm thủ tục hành chính khác biệt bởi đây là điều chưa từng có tiền lệ. Chưa từng có tiền lệ bởi cũng chưa từng có một tổng thống Hoa Kỳ nào có những hành vi và chứng cứ đủ để bị truy tố. Nói thêm là vụ hình án tại New York này chỉ là một trong bốn vụ điều tra khác mà cựu tổng thống Donald Trump đang đối diện với các tội danh có thể nặng nề hơn gấp bội.

Đây là một cột mốc lịch sử của nước Mỹ và hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Bất luận cảm xúc hay suy diễn của mỗi cá nhân như thế nào, hệ thống pháp luật Hoa Kỳ đã và đang diễn ra theo đúng trình tự của nó từ lâu nay. Nó dựa trên nguyên tắc công bằng và dân chủ để bảo vệ người vô tội hay trừng trị những kẻ phạm pháp, bất kể họ là ai.