Sầu nữ Út Bạch Lan

Sầu nữ Út Bạch Lan

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-11-10

Nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan

Nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan

Courtesy photo

Sầu nữ Út Bạch Lan

 00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Giới yêu chuộng cải lương miền Nam vừa mất đi một giọng hát nữ thân thương với nghệ danh Út Bạch Lan người nổi tiếng không những từ giọng ca thiên phú mà còn là một nhân cách đáng kính trọng trong cuộc sống đời thường.

Bài hát “Trọng Thủy Mỹ Châu”

Út Bạch Lan gia nhập làng cải lương không phải từ một gia đình truyền thống mà bà bước ra sân khấu khi đôi chân chưa rửa sạch bụi đời bám sâu trên từng kẻ chân của một bé gái chưa trưởng thành. Nói đến cải lương miền Nam thì cái tên Văn Vĩ không ai không biết, chính người danh cầm bậc thầy này đã rèn luyện, kềm cặp cho cô bé chân đất ấy trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu miền Nam, bắt đầu bằng bài hát “Trọng Thủy Mỹ Châu” cho đài phát thanh Pháp Á.

Từ buổi thu âm ấy, Út Bạch Lan nổi lên bằng giọng ca sầu muộn thiên bẩm của mình. Giọng ca bà được khán giả yêu mến đặt cho cái tên “sầu nữ” bởi tính chất u buồn ảm đạm trong từng câu chữ bà cất lên. Sầu nữ Út Bạch Lan đã làm không biết bao cô gái nhỏ lệ như chính bà đã đi vào cuộc sống của họ. Những mối tình ngang trái, những mảnh đời nghèo hàn vất vả, những số phận của người đàn bà trong thời đại nam trọng nữ khinh….Út Bạch Lan hát mà như than thở thay cho người nghe và vì vậy tên tuổi của bà dính liền với nỗi niềm xã hội.

Út Bạch Lan được gọi là sầu nữ vì bà ấy có hai vấn đề, cái thứ nhất vì bà hát nhiều bài rất là buồn coi như là sầu muộn ấy mà. Thứ hai nữa là bà buồn vì tình cảm của bà.
-Ngành Mai

 Nhà nghiên cứu cải lương Ngành Mai nhận xét về hai từ “Sầu nữ” của bà như sau:

“Út Bạch Lan được gọi là sầu nữ vì bà ấy có hai vấn đề, cái thứ nhất vì bà hát nhiều bài rất là buồn coi như là sầu muộn ấy mà. Thứ hai nữa là bà buồn vì tình cảm của bà, hai cái đó nhập lại tôi không biết cái nào lớn hơn. Báo chí nói về tình cảm của Út Bạch Lan Thành Được có rất nhiều chuyện mà nếu nói ra phải một cuốn sách mới hết.

Út Bạch Lan nổi tiếng thật ra không phải do diễn xuất nhưng mà nhờ ca hay. Làn hơi của Út Bạch Lan từ xưa trong đài phát thanh Pháp Á thì giọng của Út Bạch Lan đã đưa lên rồi. Giọng ca của bà tới giờ chót cũng vẫn còn buồn mà! Đối với cải lương dù anh diễn dở nhưng mà ca hay thì cũng thành hay nữa. Trong cải lương đặt nặng vấn đề ca vọng cổ nhiều hơn mà Út Bạch Lan được cái ưu điểm đó. Tính tình của Út Bạch Lan thì cũng bình thường thôi không khó mà cũng không dễ mấy. Có thời gian lập gánh với Thành Được thì do chuyện riêng nên bà gắt gỏng với bao nhiêu người làm chung quanh chứ thật ra bà là người tốt.

Út Bạch Lan từ khi hát cho tới lúc nghỉ lúc nào cũng giữ vai trò đào thương hết thành ra được người xem yêu mến chứ nếu đóng vai khác thì có lẽ không hay bằng. Nhờ vai đào thương mà có được cảm tình của khán giả. Tôi coi rất nhiều tuồng hát của Út Bạch Lan và thấy cái tên sầu nữ đi đôi với vai đào thương của Út Bạch Lan. Hơn nữa thời gian mà Út Bạch Lan nổi tiếng nhất không phải chỉ hát không mà do thời gian gặp với Thành Được, mà gặp Thành Được lại càng hay nữa hai giọng hát như hai dòng sông nhỏ hợp lưu lại thành dòng sông lớn, nó là vậy đó.”

Nghệ sĩ cải lương Út Bạch Lan khi còn trẻ. Courtesy photo

Được đờn cho Út Bạch Lan hát trong các hãng đĩa nổi tiếng từ thập niên 60, danh cầm Văn Giỏi kể lại:

“Tôi đờn cho chị Út Bạch Lan ca cũng nhiều. Trước đó chú Văn Vĩ đờn cho chị Út Bạch Lan sau khi tôi nổi lên thì có dịp đờn cho chị Út ca nhiều lắm. Tôi đờn cho chỉ ca trong các hãng đĩa chứ không đờn trong đoàn hát, tôi chỉ đờn cho chỉ các bài lẻ thôi.

Mỗi giọng ca, mỗi người có một nét riêng nhưng hồi đó người ta phong cho chỉ là sầu nữ Út Bạch Lan, chỉ ca buồn lắm thê thảm lắm thành ra cái nét của chị ấy cũng độc đáo nếu so với những người khác.

Chị Út thì hồi nào đã ca hay rồi nhưng khi đã lớn tuổi thì chỉ làm từ thiện, ca cho chùa để gây quỹ từ thiện chứ còn chỉ nghỉ hát cải lương lâu rồi có thời gian chị bị ung thư vào nằm điều trị trong nhà thương Chợ Rẫy rồi qua đời em ơi…”

Nổi tiếng với vai đào thương

Út Bạch Lan nổi tiếng trong vai đào thương qua nhiều vở cải lương mà điển hình nhất là “Con gái chị Hằng” của Hà Triều Hoa Phượng và “Thuyền ra cửa biển” trên sân khấu đoàn cải lương Kim Chưởng đóng chung với Thành Được. Bà nhanh chóng chiếm cảm tình của khán giả bởi giọng ca điêu luyện đầy nước mắt. Có lẽ trong giai đoạn trình diễn chung với người chồng đào hoa là lúc bà gặp nhiều oan trái nhất. Yêu và bị phụ tình đã khiến Út Bạch Lan chìm trong nước mắt. Nước mắt ấy tạo cho bà một cõi riêng chỉ một mình bà gậm nhấm và biến nỗi buồn thành tên tuổi.

Giai đoạn hạnh phúc nhất của bà có lẽ khi cùng chồng là nghệ sĩ Thành Được thành lập đoàn Thanh Minh Thanh Nga với những vở diễn được giới soạn giả lúc ấy cho là lột xác cải lương biến sân khấu của người miền Nam trở nên sống động chạy theo nhịp thở của xã hội thời bấy giờ.

Nhưng cũng chính sân khấu này bà và Thành Được đã ê chề trong cuộc sống hôn nhân kết quả của những cuộc tình ngoài giá thú của chồng bà đã buộc bụng nuôi nấng cùng lúc 4 đứa con ngoài giá thú của kép đẹp trai Thành Được.

Vì có con cho nên khi đi hát ở đâu thì các người con tinh thần của má đều tôn xưng bà là mẹ, ngoại trừ những người trang lứa thì gọi bằng chị còn mấy thế hệ đáng con cháu thì gọi má Út bằng má hay mẹ.
-Nghệ sĩ Chí Tâm

 Nghệ sĩ Chí Tâm từng có dịp đóng chung với bà kể lại:

“Ngày xưa khi còn ở Việt Nam thì mình có lúc làm việc với má Út Bạch Lan lúc mình đi với đoàn Kim Chung thì má Út Bạch Lan ở bên cánh Thanh Minh Thanh Nga với đoàn của má. Thật ra thì Út Bạch Lan ở bên nhánh của Hữu Phước, Thành Được và Út Bạch Lan xem như rất thân nhau từ đó có quan hệ với nhau. Kỷ niệm thì sau năm 1975 các đoàn hát đều ngưng hoạt động, chỉ có đoàn hát ở tỉnh tên là Hậu Giang 2 thì má Út Bạch Lan làm trưởng đoàn, má nhớ tới Chí Tâm nên giới thiệu Chí Tâm về hát cho đoàn Hậu Giang 2. Đoàn này trước đó ông Tấn Tài làm kép chánh nhưng lúc đó Tấn Tài bất đồng ý kiến với đoàn nên bỏ đi cho nên thiếu người diễn viên chính nên má Út Bạch Lan mời Chí Tâm về hát. Nhiều năm tháng Chí Tâm hát với các đoàn khác và có dịp má con hát chung với nhau.

Mình nhớ có những vở như “Đứa con mang họ mẹ” thì mình hát chung với Út Bạch Lan trong vở đó, cũng như vở “Bình Tây đại nguyên soái” nhắc nhở về ông Trương Công Định. Khi Út Bạch Lan có dịp qua Mỹ thì có đi San Jose và Texas diễn được khoản 10 suất và rất thành công.

Về đời sống tình cảm vợ chồng thì má không được may mắn với ba Thành Được trong nhiều năm tháng vì khi lập đoàn hát cũng như thực tế thì ai cũng biết đó là nghệ sĩ Thành Được là một kép rất đẹp trai, rất nhiều cô theo đuổi vì thế cho nên ông cũng nghiêng ngã với nhiều người, nhiều mối tình nên tạo nhiều đứa con rơi và má Út Bạch Lan đều nhận làm con nuôi. Đây là điểm tốt, một cái tâm Bồ tát của má Út Bạch Lan đã nuôi dưỡng những đứa con này.

Vì có con cho nên khi đi hát ở đâu thì các người con tinh thần của má đều tôn xưng bà là mẹ, ngoại trừ những người trang lứa thì gọi bằng chị còn mấy thế hệ đáng con cháu thì gọi má Út bằng má hay mẹ. Những lứa con cháu sau nữa thì gọi là ngoại, mà thế hệ này rất là đông.”

Út Bạch Lan qua đời vào ngày 4 tháng 11 năm 2016 và tang lễ của bà tuy đơn sơ nhưng đậm tình sân khấu. Chung quanh bàn thờ bà người ta thấy hàng trăm nghệ sĩ của sân khấu cải lương cùng với những người con nuôi mà suốt đời bà che chở. Khán giả của Út Bạch Lan tuy không còn nhiều như xưa nhưng cũng đủ cho người ta thấy rằng tài năng và đức độ là hai mặt của người nghệ sĩ vẫn luôn được mọi người yêu mến, trân trọng như lúc bà bước chân ra sân khấu khóc cười với họ…

Các thách thức cho Donald Trump về chính sách đối ngoại

Các thách thức cho Donald Trump về chính sách đối ngoại

Project Syndicate

Tác giả: Joseph S. Nye

Dịch giả: Đổ Kim Thêm

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump trong chiến dịch tranh cử đã có đặt vấn đề về các liên minh và định chế đã củng cố cho trật tự của thế giới tự do, nhưng ông chỉ nêu ra vài chính sách cụ thể. Có lẽ một câu hỏi quan trọng nhất đã đề ra trong chiến thắng của ông là liệu giai đoạn lâu dài của toàn cầu hóa mà trào lưu này bắt đầu vào cuối Thế chiến II về cơ bản là đã kết thúc chưa.

Không tất yếu phải như vậy. Ngay cả khi các hiệp định thương mại như Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương thất bại và toàn cầu hóa về kinh tế chậm lại, thì công nghệ đang thúc đẩy toàn cầu hóa về sinh thái, chính trị và xã hội trong các hình thức của biến đổi khí hậu, khủng bố xuyên quốc gia và di dân – cho dù Trump thích các vấn đề này hay không. Trật tự của thế giới không chỉ là kinh tế, mà còn hơn thế và Hoa Kỳ vẫn là trung tâm của trật tự này.

Người Mỹ thường hiểu lầm về vị thế của chúng ta trong thế giới. Chúng ta dao động giữa hai trào lưu hân hoan chiến thắng và tàn lụn. Sau khi Liên Xô phóng phi thuyền Sputnik vào năm 1957, chúng ta tin rằng chúng ta suy vi. Trong những năm 1980, chúng ta nghĩ rằng người Nhật đã vực dậy cao lớn đến ba mét. Trong hậu quả của cuộc Đại Suy thoái vào năm 2008, nhiều người Mỹ lầm tưởng rằng Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn so với Hoa Kỳ.

Dù qua các luận điệu tranh cử của Trump, nhưng Mỹ không có suy bại. Nhờ có người nhập cư mà Mỹ là một quốc gia phát triển chính không chịu tình trạng suy giảm dân số vào giữa thế kỷ; sự phụ thuộc của Mỹ vào việc nhập khẩu năng lượng giảm đi chứ không tăng; Mỹ đứng đầu trong những công nghệ lớn (sinh học, nano, thông tin) sẽ định hình thế kỷ này; và các trường đại học của Mỹ đứng đầu các bảng xếp hạng trên thế giới.

Trong chính sách đối ngoại của Trump có nhiều vấn đề quan trọng sẽ đưa vào chương trình nghị sự, nhưng một vài vấn đề chính có thể sẽ chiếm ưu thế – quan hệ với siêu cường Trung Quốc và Nga và những bất ổn ở Trung Đông. Một quân đội Mỹ hùng mạnh vẫn còn cần thiết, nhưng chưa đủ để giải quyết cả ba vấn đề. Duy trì sự cân bằng quân sự ở châu Âu và Đông Nam Á là một nguồn quan trọng về tầm ảnh hưởng của Mỹ, nhưng Trump có lý khi cho rằng các cố gắng để kiểm soát các vấn đề nội chính của các dân chúng ở Trung Đông đang theo phong trào dân tộc chỉ là công thức cho sự thất bại.

Trung Đông đang trải qua một loạt các cuộc cách mạng phức tạp, nó bắt nguồn từ các vấn đề ranh giới nhân tạo trong thời kỳ hậu thuộc địa; xung đột giữa các tông phái trong tôn giáo, và tình trạng hiện đại hoá bị trì trệ mà nó được mô tả trong Báo cáo về Phát triển con người Á Rập của Cơ quan Liên Hợp Quốc. Sự xáo trộn gây hậu quả có thể kéo dài trong nhiều thập niên, và sẽ còn tiếp tục để nuôi dưỡng các trào lưu khủng bố thánh chiến cực đoan. Châu Âu vẫn chưa ổn định trong 25 năm sau ngày Cách mạng Pháp, và can thiệp quân sự của các cường quốc bên ngoài làm cho mọi việc tồi tệ hơn.

Nhưng ngay cả việc giảm nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông, Mỹ không thể quay lưng lại với khu vực vì đứng trước các lợi ích của Mỹ tại Israel, thí dụ như bên cạnh các vấn đề khác còn có việc không mở rộng các loại vũ khí hạt nhân gây sát thương đại chúng và tôn trọng quyền con người. Nội chiến tại Syria không chỉ là một thảm họa nhân đạo; nó còn làm mất ổn định cho khu vực và châu Âu. Mỹ không thể bỏ qua sự kiện này, nhưng một trong những chính sách của Mỹ là nên ngăn chặn, gây ảnh hưởng đến kết quả qua thúc đẩy hành động và củng cố đồng minh, thay vì cố gắng để dành quyền kiểm soát quân sự trực tiếp. Biện pháp này vốn tốn kém và vừa phản tác dụng.

Ngược lại, sự cân bằng quyền lực trong khu vực châu Á làm cho Mỹ đuợc hoan nghênh ở đó. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã làm tăng mối lo ngại ở Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam và các nước khác. Ứng phó với sự trỗi dây của Trung Quốc trong khắp thế giới là một trong những thách thức trong chính sách đối ngoại lớn của thế kỷ này, và chiến lược song hành của cả hai đảng của Mỹ để theo đuổi “vừa tích hợp nhưng đảm bảo” – theo đó Mỹ mời Trung Quốc tham gia vào trong một trật tự của thế giới tự do, trong khi Mỹ tái khẳng định hiệp ước an ninh với Nhật Bản – đó vẫn là một phương sách đúng đắn.

Không giống như thế kỷ trước, khi nước Đức trỗi dậy (đã vượt qua Anh vào năm 1900) làm dấy lên những lo sợ, mà nó đã giúp đưa nhanh tới các thảm họa vào năm 1914. Trong sức mạnh tổng thể, Trung Quốc sẽ không vượt qua Mỹ. Ngay cả khi nền kinh tế của Trung Quốc vượt qua Mỹ trong tổng quy mô vào năm 2030 hoặc 2040, thu nhập bình quân tính theo đầu người của Trung Quốc (một cách đo tốt hơn về sự trưởng thành phức tạp của nền kinh tế) sẽ tụt hậu. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ không bằng được Mỹ về “sức mạnh cứng” hay quân sự hoặc “sức mạnh mềm” hay “quyền lực mềm” đầy thu hút của Mỹ. Như Lee Kuan Yew đã từng nói, bao lâu mà Mỹ vẫn rộng mở và thu hút những nhân tài của thế giới, thì Trung Quốc sẽ không dễ bị đánh bại, nhưng sẽ không thay thế được Mỹ.

Vì những lý do này mà Mỹ không cần một chính sách ngăn chặn Trung Quốc. Quốc gia duy nhất có thể kiềm chế Trung Quốc là Trung Quốc. Khi Trung Quốc áp lực với các nước láng giềng về các xung đột lãnh thổ, Trung Quốc kềm chế chính mình. Mỹ cần khởi động các sáng kiến kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, tái khẳng định liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, và tiếp tục cải thiện quan hệ với Ấn Độ.

Cuối cùng, còn có Nga là nước đang suy bại, nhưng với kho vũ khí hạt nhân đủ để làm Nga tiêu diệt Mỹ – và do đó vẫn còn là một mối đe dọa tiềm tàng cho Mỹ và những nước khác. Nga gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thu từ các nguồn tài nguyên năng lượng, Nga có một “một nền kinh tế chỉ có một vụ thu hoạch” với các định chế nhũng lạm và các vấn đề nhân khẩu và y tế bất kham. Các biện pháp can thiệp của Tổng thống Vladimir Putin ở các nước láng giềng và khu vực Trung Đông, và tấn công trên không gian mạng vào nước Mỹ và các nước khác, mặc dù có ý định làm cho Nga vĩ đại trở lại, tất cả  các việc này chỉ làm cho các triển vọng lâu dài của đất nước xấu đi. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các nước đang suy sụp thường có nhiều rủi ro và do đó nguy hiểm hơn – bằng chứng là Đế quốc Áo-Hung vào năm 1914.

Điều này đã tạo ra một tình thế khó xử trong chính sách. Một mặt, điều quan trọng là để chống lại thách thức của Putin đang thay đổi trò chơi để cấm các nước do tự sau năm 1945 về việc sử dụng vũ lực quốc gia để chiếm giữ lãnh thổ của các nước láng giềng. Đồng thời, Trump có lý để tránh sự cô lập toàn diện của một đất nước mà chúng ta đang có các lợi ích chồng chéo nhau như an ninh hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và các vấn đề Bắc Cực và khu vực như Iran và Afghanistan. Các biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng cần thiết cho sự răn đe; nhưng chúng ta cũng có lợi ích đích thực: nó được thăng tiến tốt nhất bằng cách giao dịch với Nga. Không ai có thể đạt được thắng lợi từ một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Mỹ không suy bại. Nhiệm vụ trước mắt về chính sách đối ngoại của Trump là nên điều chỉnh lại các ngôn từ trong luận điệu và trấn an các đồng minh và những nước khác về vai trò của Mỹ còn đang tiếp tục trong một trật tự của thế giới tự do.

_____

Joseph S. Nye là cựu Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, Giáo sư Đại học Harvard. Ông là tác giả Is the American Century Over? Nguyên tác: Donald Trump’s Foreign-Policy Challenges.

Bà Clinton, màu tím hàn gắn và phụ nữ Việt Nam

Bà Clinton, màu tím hàn gắn và phụ nữ Việt Nam

Bà Hillary Clinton trong buổi phát biểu chấp nhận thất bại sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Bà Hillary Clinton trong buổi phát biểu chấp nhận thất bại sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Việc bà Clinton thừa nhận thất bại, rồi bày tỏ hậu thuẫn cho Tổng thống đắc cử Trump sau mùa tranh cử đầy tranh cãi, đã khiến phụ nữ Việt cho rằng bà “giống như một nguyên thủ”.

Phát biểu hôm 9/11, cựu ngoại trưởng Mỹ cho biết đã “gọi điện chúc mừng ông Donald Trump và đề nghị làm việc với ông vì đất nước”.

Với phu quân Bill Clinton và con gái Chelsea đứng kế bên, và trước hàng trăm ủng hộ viên cũng như các nhân viên, bà nói rằng “chúng ta phải chấp nhận kết quả này và hướng tới tương lai”.

Một điểm nhấn trong khi cựu đệ nhất phu nhân Mỹ lên sân khấu phát biểu trước hàng trăm người đó là màu tím đậm trên trang phục của bà cũng như trên cà vạt của phu quân Bill Clinton.

Không chỉ nhiều người trên mạng xã hội mà một số tờ báo cũng cho rằng việc bà Clinton sử dụng màu chủ đạo, pha trộn giữa màu xanh nước biển đậm và màu đỏ của Đảng Dân chủ và Cộng hòa, để chuyển đi thông điệp đoàn kết và hàn gắn.

Dù bà không trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, bà Dương Thị Tân từ Sài Gòn nói với VOA Việt Ngữ rằng cựu đệ nhất phu nhân Mỹ đã truyền cảm hứng cho bà cũng như những người phụ nữ khác ở mọi nơi.

Bà Tân nói tiếp: “Tâm lý phụ nữ mà, đương nhiên là bà ấy gây một ấn tượng rất là mạnh mẽ. Đến như con gái tôi, cháu còn rất là bé, khi nghe tinbà ấy không thắng, không thể vượt qua được ông Trump thì cháu cũng rất là buồn, cũng bàn tán, cũng bình luận những chuyện thế này, thế kia. Đương nhiên, những người phụ nữ như chúng tôi ở Việt Nam và rất là nhiều người phụ nữ khác ở trên thế giới rất là buồn”.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ thất bại trước tỷ phú bất động sản thuộc phe Cộng hòa, trong cuộc đua gay cấn tới phút chót hôm 9/11.

Trong chiến dịch vận động kéo dài, cả bà Clinton lẫn ông Trump nhiều lần chỉ trích nhau kịch liệt và thậm chí còn gọi nhau là “kẻ dối trá”.

Nhưng khi phát biểu thừa nhận thất cử, nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của một chính đảng ở Hoa Kỳ còn thúc giục những người ủng hộ mình đoàn kết.

“Ông Donald Trump sẽ là tổng thống của chúng ta, chúng ta cần phải mở lòng và cho ông ấy cơ hội lãnh đạo”, bà Clinton nói, và bày tỏ hy vọng rằng tỷ phú bất động sản “sẽ là một tổng thống thành công cho toàn bộ người Mỹ”.

Bà Dương Thị Tân cho biết bà từng theo dõi nhiều kỳ tổng thống trước đây, và theo bà, dù trong chiến dịch tranh cử, các ứng viên dùng nhiều cách để hạ bệ đối thủ, nhưng người chiến bại luôn “có những bài diễn văn rất là cảm động”, thể hiện sự đoàn kết với người đắc cử.

Bà nói thêm: “Tôi nghĩ rằng tất cả họ làm những cái việc như thế, thứ nhất chứng tỏ họ là những người vì đất nước họ. Họ hòa giải, hòa hợp để xây dựng đất nước họ vì một nước Mỹ cường thịnh. Cách làm của bà Clinton, tôi nghĩ rằng người nào sau cuộc tranh đua cũng sẽ làm như vậy, và tôi không ngạc nhiên lắm. Bà Clinton là người thua cuộc, nhưng mà cũng thể hiện là một người Mỹ yêu đất nước mình. Bà kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay, gác lại những bất đồng và xây dựng nước Mỹ cường thịnh. Bà đã thể hiện rõ bà là một người có đầy đủ phẩm chất của một người phụ nữ Mỹ, một người dù không làm tổng thống nhưng giống như một người đứng đầu đất nước”.

Bà Clinton đã nhiều lần tới Việt Nam trên cả cương vị đệ nhất phu nhân cũng như ngoại trưởng Mỹ. Và việc ông Bill Clinton đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ Hà Nội – Washington nên nhiều tờ báo ở Việt Nam từng coi gia đình Clinton là “người bạn của Việt Nam”.

Dù bà đã phát biểu chấp nhận thất bại, không ít tờ báo ở trong nước cho rằng bà “vẫn còn cơ hội lội ngược dòng” vì cựu ngoại trưởng Mỹ nhiều hơn ông Trump về số phiếu phổ thông.

Phải biết đỏ mặt

 Phải biết đỏ mặt

Nguoi-viet.com

(Hình minh họa: Wikipedia.org)

Tạp ghi Huy Phương

Loài hoa trinh nữ (mimosa pudica) được chúng ta gọi là cây xấu hổ, mắc cỡ, cây thẹn, hàm tu thảo; là một loại thực vật có đặc điểm là, các lá kép gập vào trong và cụp xuống mỗi khi bị chạm vào để tự bảo vệ khỏi bị thương tổn, rồi mở lại vài phút sau đó. Loài cây có tên gọi khoa học là “pudica,” trong tiếng Latin nghĩa là “rụt rè” hoặc “co lại.” Loại cây này còn được biết đến qua những tên gọi thông dụng bao gồm cây nhạy cảm (sensitive plant), cây nhún nhường (humble plant), cây hổ ngươi (shameplant), đừng-chạm-tôi (touch-me-not…)

Chỉ tiếc là những người lãnh đạo đất nước Việt Nam hiện nay là những người không biết đỏ mặt hổ thẹn, cũng không biết cúi gầm đầu xấu hổ, ít ra cũng như cây hoa hổ ngươi.

Một người không thể kéo dài cuộc sống trong hổ thẹn, ở một quốc gia có liêm sỉ là ông Roh Moo-hyun, cựu tổng thống Nam Hàn, sáng 23 Tháng Năm, 2009, phải kết thúc cuộc đời bằng cách gieo mình xuống một vách đá sâu.

-“Tôi cảm thấy xấu hổ trước người dân của mình,” trước đó, ông Roh Moo-hyun thừa nhận khi phải đến Seoul theo triệu tập của tòa, vì một thân nhân của ông cầm $6 triệu ngay cả khi ông không còn là tổng thống.”

Nếu ông bị đưa ra tòa, tội như thế chỉ vài ba năm tù là cùng, nhưng ông không có can đảm chịu đựng sự xấu hổ, và cho phải sống là điều khó khăn cho ông.

Công chúng tin ông là một chính trị gia trong sạch, cái chết của ông được mô tả là gây xúc động cho cả nước, và là điều hãnh diện tuy thương tiếc của quần chúng. Bốn triệu người đổ về vùng quê nhà để viếng thi hài ông, khóc thương khi quan tài ông đi qua.

Nếu ai cũng biết xấu hổ mà tự tử, thì đất nước Việt Nam sẽ không còn một lãnh tụ nào còn sống cả, nhưng rất may là những lãnh tụ của Cộng Sản hiện nay không biết xấu hổ, không biết liêm sỉ, không có lương tâm, với những khuôn mặt dày, cứng mà thiên hạ gọi là mặt mo.

Vào năm 2002, dưới thời Thống Đốc Lê Đức Thúy, Ngân Hàng Nhà Nước in tiền nhựa (polymer) cho Việt Nam nhận hối lộ khoảng $2 triệu, số tiền này được công ty Securency của Úc giao qua công ty Company For Technology and Development của Việt Nam, mà công ty này là một công ty mẹ của BankTech, do ông Lê Đức Minh, con trai ông Lê Đức Thúy, làm giám đốc.”

Những vụ tham nhũng lớn lao của Việt Nam như vụ EPCO – Minh Phụng, vụ PMU18, vụ tham nhũng PCI, vụ tham nhũng đề án 112, vụ Nexus Technologies, vụ chia chác đất công ở An Hải, Hải Phòng, vụ Vinashin, Vinalines… làm thiệt hại cho đất nước bao nhiêu nhưng rồi cũng chẳng có ai ngồi tù, chỉ có nhân dân là chịu thiệt thòi. Nói như ký giả Huy Đức (Blog Oshin): “Ở những quốc gia không biết xấu hổ thì kết cục cũng có nhiều bi thảm; nhưng, người gánh chịu lại rất tiếc là thường ở phía nhân dân.”

Những việc đáng phải xấu hổ trong một quốc gia tự do, dân chủ thì trong chế độ Cộng Sản, bổ nhậm con cháu, gia đình vào chung các cơ chế công quyền, cấp lãnh đạo còn ngang nhiên bào chữa một cách vô liêm sỉ, như Phó Bí Thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tuyên bố: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của nhân dân!”

Vụ Formosa làm tổn hại cho cả dân tộc, thay vì đứng về phía nhân dân, chính quyền nhận đút lót tràn họng, cán bộ viên chức đứng về phía kẻ gây ra tội ác để bào chữa, bệnh vực cho chúng.

Người Việt ra nước ngoài ăn cắp làm xấu hổ cho đất nước thì những tùy viên đại sứ của đất nước cũng buôn lậu, bán visa, chẳng ai còn làm gương cho ai!

Thượng mặt dày thì hạ cũng mặt mo. Gần như cả nước từ ngày “miền Bắc vô đây” đã đánh mất không còn biết ngượng. Xe chở trái cây, hay bia rượu bị lật thì hầu như ngay lập tức, có hàng trăm người dân địa phương và khách qua đường nhảy vào hôi của, đem cả xe gắn máy, xe ba gác ra để cướp giật. Người đi xe máy bị cướp giỏ xách đựng tiền, tiền rơi tung tóe xuống đường, thì khách qua đường cùng một số dân phố, không giúp nhặt hộ tiền cho người bị cướp, lại không để lỡ một giây, lao vào tranh cướp công khai những tờ bạc.

Đạp lên đầu nhau để giành nhau ăn sushi miễn phí. Lên sân khấu cướp giật áo mưa từ tay các tình nguyện viên và nhân viên tòa đại sứ Hòa Lan. Người sống tranh nhau đi cướp lễ vật trong dịp cúng cô hồn Tháng Bảy. Đàn bà cũng leo qua hàng rào sắt và cọc nhọn để được vào hồ tắm tắm miễn phí. Cướp cơm dành cho bệnh nhân ung thư ở bệnh viện ung bướu TP.HCM. Toàn là những chuyện xấu hổ do đám đông không biết hổ thẹn hành động!

Bọn quan cướp ngày năm ba triệu đô la, không biết chùi mép mà còn nghênh ngang, thằng dân cướp lon bia, miếng shu shi về nhậu đâu có đáng gì mà phải xấu hổ! Bởi quan niệm như thế, nên từ trên xuống dưới, đất nước thành hỗn loạn.

Một thanh niên con một viên chức chính phủ, nhà lớn, xe cộ nghênh ngang, hàng ngày nhà có người lui tới quà cáp, sống cuộc đời xa xỉ, ít ra nó phải đặt câu hỏi là bố mình sống lương thiện không? Con một nhân viên hải quan, ngày nào cũng thấy cha đưa về, khi thì mớ vải, khi thì cái điện thoại mới, khi thì lọ phấn son… có bao giờ hỏi: “Ba ơi! Ba lấy cái này ở đâu, mà ngày nào cũng có vậy!” Ngay những đứa trẻ nhà ở gần quốc lộ, thấy cha mang về những thùng bia móp méo, nói là tranh nhau nhặt được từ một cái xe hàng gặp tai nạn, chúng có cảm thấy vui và cho việc làm của cha là đúng không?

Khi một con người đã đánh mất liêm sỉ, không biết tự trọng, chẳng bao giờ biết xấu hổ vì chẳng còn lương tâm. Khi những người cha không biết xấu hổ trước mặt con, vì không cắt nghĩa được những thứ của phi nghĩa đó do từ đâu mà có! Khi những người vợ và những đứa con hí hửng, vui vẻ chia với chồng, cha thứ chiến lợi phẩm vô đạo đó, thì còn ai biết xấu hổ, để cho cái đất nước này được đẹp đẽ hơn?

Tôi dành chỗ cuối cùng hôm nay để cho một thi sĩ lên tiếng, một thi sĩ trong nước mang tên Trần Mạnh Hảo và bài thơ nhan đề là: “Đất nước đến hoa còn xấu hổ!”

Một nhà nước như không còn ai biết ngượng
Lại mọc đầy hoa xấu hổ nơi nơi
Cây thẹn thùng nép cỏ
Lá nhắm hờ mắt gió trêu ngươi
Nói dối mọi nơi
Nói dối mọi điều
Nói dối quá làm hoa đỏ mặt
Muôn năm cái không có thật
Không có thật ở đâu ?
Ai áp giải nhân dân phải tìm ra ma xó?
Đất nước nằm mơ trên quả địa cầu
Đất nước khom lưng tìm thiên đường không có
Một thiên đường ý cuội mạo lòng dân
Hoa thay người xấu hổ
Kẻ gian manh mang mặt nạ thánh thần
Hoa xấu hổ mọc trong tờ hộ chiếu
Ra nước ngoài thương người Việt tủi thân
Sự trâng tráo làm vương làm tướng
Xấu hổ ơi xấu hổ mọc nơi nào?
Kẻ ăn cắp lên truyền hình dạy người tự trọng
Lê Chiêu Thống gào: phải yêu nước như tao…
Ai đang chọn quốc hoa giữa thời quốc nhục
Đất nước ơi xin thẹn với Tiên Rồng
Trong băng hoại hoa giữ mình nhân cách
Giữa lòng người hoa xấu hổ còn không?

Trần Mạnh Hảo

Biểu tình chống ông Trump tiếp tục diễn ra khắp nước Mỹ

Biểu tình chống ông Trump tiếp tục diễn ra khắp nước Mỹ

Nguoi-viet.com

Biểu tình ở Milwaukee, Wisconsin, chống ông Donald Trump. (Hình: Pat A. Robinson/Milwaukee Journal-Sentinel via AP)

PORTLAND, Oregon (AP) – Từ New York sang Illionois cho tới California, ở các tiểu bang từng ủng hộ đảng Cộng Hòa cũng như ở các tiểu bang ủng hộ đảng Dân Chủ, người biểu tình phản đối việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ đã kéo ra đường đêm thứ ba liên tiếp, cản trở giao thông trên xa lộ, đập các cửa tiệm, nổi lửa đốt phá, và tại một thành phố đã bị cảnh sát dùng hơi cay và đạn cao su giải tán.

Những cuộc biểu tình đã tiếp tục diễn ra vào đêm Thứ Năm, với cuộc đụng độ lớn nhất xảy ra trên đường phố Portland, tiểu bang Oregon, nơi hàng ngàn người tuần hành hô khẩu hiệu bác bỏ tổng thống tân cử, trong khi một số người khác ném pháo lớn và đốt các thùng rác cùng cây cối trồng bên đường.

Cảnh sát dùng khiên đẩy lui người biểu tình sang hai bên lề đường và có lúc dùng lựu đạn khói, lựu đạn cay và lựu đạn gây tiếng nổ cùng ánh sáng chói lòa để đối phó với họ. Cảnh sát cũng cho hay bắt giữ khoảng 26 người khi họ không chịu giải tán.

Ông Trump dùng Twitter để đáp lại phía biểu tình, nói rằng ông “vừa có một cuộc tranh cử tổng thống minh bạch, thành công. Nay thành phần chuyên biểu tình, được sự xúi giục của truyền thông, đang phản đối. Rất không công bằng!”

Ðến sáng ngày Thứ Sáu, ông Trump lại gửi tweet, lần này lại khen ngợi “lòng nhiệt thành” với đất nước của người biểu tình.

Tại thành phố Denver, người biểu tình khiến giao thông trên xa lộ I-25 gần trung tâm thành phố phải gián đoạn trong một thời gian.

Người biểu tình cũng làm xa lộ ở Minneapolis và Los Angeles phải đóng.

Tại trung tâm thành phố San Francisco, các học sinh trung học hô khẩu hiệu “không phải tổng thống của tôi” khi tuần hành.

Người tham dự biểu tình ở khắp nơi cho thấy thuộc nhiều nhóm khác nhau, kể các nhóm tranh đấu cho người di dân, giới đồng tính, và người thuộc các sắc dân thiểu số.

Tại hai thành phố New York và Chicago, các nhóm biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà Trump Tower ở hai thành phố này, hô khẩu hiệu bày tỏ sự giận dữ và đả đảo ông Trump.

 

Ở Philadelphia, người biểu tình tập trung gần tòa thị chánh, mang biểu ngữ có hàng chữ “Không phải tổng thống của chúng tôi.” Nhiều người còn dẫn theo con cái của họ đi tham dự biểu tình.

Có khoảng 500 người tham dự một cuộc biểu tình ở thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky, trong khi ở Baltimore có hàng trăm người kéo đến một sân vận động nơi đội bóng football Ravens đang thi đấu.

Những người ủng hộ ông Trump nói rằng người biểu tình không tôn trọng luật chơi và không chấp nhận quy luật dân chủ. (V.Giang)

So sánh và chọn lựa

So sánh và chọn lựa

Ngọc Ẩn (Danlambao) – Chúng ta so sánh đời sống của người dân dưới lá cờ vàng và người dân sống dưới lá cờ đỏ để thấy rõ hơn bản chất tuyên truyền bịp bợm của CSVN. So sánh để thấy cộng sản kể công “giải phóng miền Nam” thực chất chỉ là tước bỏ quyền tự do ứng cử và bầu cử của dân miền Nam, tù đày, cướp tài sản, tiêu diệt văn hoá, đạo đức cả nước bằng chủ thuyết Marx-Lenin.
CSVN kể công đánh Pháp, diệt Mỹ giành độc lập nhưng lại dâng quê hương Việt Nam cho Tàu. Đó là lý do những người VN yêu nước chống tàu đều bị tập đoàn thái thú Ba Đình bỏ tù. Hồ Chí Minh đã là một kẻ nô lệ Tàu dưới trướng Mao Trạch Đông thì những kẻ tôn thờ HCM là những nô lệ dưới trướng Tập Cận Bình. CSVN giành độc lập cho dân tộc hay đang triều cống Việt Nam cho Tàu? Cứ nhìn đám cầm quyền dâng hiến tài nguyên, biển đảo, đất đai cho Tàu khựa thì ắt đã có câu trả lời.

Theo Một Thây Ma Đến Thôn Mường Sại

Theo Một Thây Ma Đến Thôn Mường Sại

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Ảnh của tuongnangtien

tuongnangtien

Sau khi tấm ảnh người đàn ông đi xe máy chở người chết cuốn chiếu, chạy qua đường phố của tỉnh Sơn La (vào hôm 12 tháng 9 năm 2016 ) được lưu truyền trên mạng, Thời Báo – Canada đã kêu gọi độc giả góp tay ủng hộ gia đình của nạn nhân. Số tiền nhận được là 1,800.00 Gia Kim, và đã được những thân hữu của toà soạn (ở VN)  mang đến tận tay gia đình của người xấu số, ở Sơn La.

Ảnh: Dân Việt

Chuyến đi ngắn ngủi này đã được chính những người trong cuộc ghi lại dưới hình thức một bài viết (“Những Đồng Tiền Ánh Sáng”) và đã được đăng trên tờ Thời Báo (ấn bản Tonronto, Canda) số 2371, ra ngày 26 tháng 10 năm 2016. Xin được trích dẫn những đoạn chính yếu:

Xe xuất bến Mỹ Đình từ 20g đêm thứ Sáu, tới 5g30 sáng thứ Bảy thì tới thị trấn Sơn La. Từ đây, chúng tôi bắt chuyến xe khác đi huyện Quỳnh Nhai, bản Mường Sại, hỏi dò để tìm tung tích nhằm trao tiền từ thiện của bà con kiều bào từ tâm …

Có lẽ, khi làm việc thiện thì thường được gặp may. Cái may mắn chúng tôi gặp không chỉ bởi thời tiết râm mát rất thuận lợi cho việc leo sườn núi, mà vừa bước chân từ đò lên bờ, chưa biết phải theo đường mòn nào về bản, thì một người đàn ông tự giới thiệu là cháu ông Pe.

Chúng tôi nhận ra ngay vì ảnh chụp anh đăng trên báo. Anh tên Lò Văn May, cháu gọi ông Pe bằng bác ruột (có nơi gọi là cậu). Anh tình nguyện dẫn chúng tôi lên nhà, và cõng giúp balô hành lý của chị Hà. Chỉ khoảng 3 km đường dốc, cũng đủ để nhóm người thành thị lười vận động phải thở bằng tai, cứ một đoạn dốc ngắn là phải dừng hẳn lại, để bắt kịp hơi thở. Có đoạn đường mòn, bề ngang chỉ vừa lọt một người, bước không khéo, trượt chân sẽ rơi xuống suối cạn.

Người ta bảo phúc bất trùng lai, nhưng chúng tôi lại gặp may nữa. Anh Lò Văn Muôn, con nuôi của ông Pe, người bó xác chị Lò Thị Phanh chở sau xe máy từ bệnh viện về nhà, sống cách đó những 20 km, cũng có mặt, dù chúng tôi không hề có manh mối gì để báo trước.

Khi chúng tôi vào nhà, ông Pe vẫn nguyên vẻ lúng túng thô sơ chất phác của người miền núi, chào chúng tôi bằng mấy câu tiếng Kinh bập bõm. Nói với con cháu, ông vẫn dùng tiếng dân tộc Thái trắng.

Bên trong căn nhà tối om, đập vào mắt chúng tôi trước tiên là người đàn ông nằm ườn trên giường, phanh cả áo xống; trước đám người lạ vẫn giữ nguyên tư thế, cứ chòng chọc nhìn khách.

Anh Muôn giải thích, người đang nằm tên Lò Văn Sương là em chị Phanh, sinh năm 1981, bị câm và ngớ ngẩn từ bé. Anh Sương lập gia đình với một cô gái quá lứa không lấy gì làm khôn ngoan, và mấy năm nay vẫn chưa có con … quần áo trên người anh ta cũng đồ từ thiện.

Chúng tôi ra phía cầu thang sau nhà, nhìn xuống vườn. Một mùi xú uế tanh lợm bốc lên. Túp lều lợp cỏ gianh, vây quanh vách qua loa bằng tấm cật nứa. Đây là nơi nhốt Lò Văn Hom, người anh sinh đôi với Sương.

Em chị Lò Thị Phanh, anh Lò Văn Hom bị xích vì mắc bệnh tâm thần. Ảnh: Thời Báo Canada.

Anh này sinh ra khôi ngô khoẻ mạnh, đi học đến lớp 5 thì phát bệnh. Gia đình không tiền chạy chữa, bệnh cứ thế ngày một nặng thêm.

Một mình ông cụ tuổi bát tuần vừa nuôi con hai con trai điên khùng ngớ ngẩn, nhất là từ khi bà Pe chết cách đây ba năm, thì không còn đủ sức canh chừng người điên. Sau một lần anh Hom bỏ nhà lang thang vào tận rừng sâu, tìm mãi mới thấy, cả nhà sợ anh chết thú dữ ăn mất xác, nên đã xích lại.

Con người phải trần trụi xích xiềng như vậy, mất tự do hơn cả con bò, con chó trong nhà. Thật sống không bằng chết. Nhìn ông Pe ngoài 80, vợ chết, con gái chết, ngồi lau nước mắt bên 2 đứa con điên, ngẫm thấy, đời người thật nhiều nỗi thống khổ, không ai giống ai. Nhưng chắc chắn nỗi đau về con cái là nỗi đau lớn nhất…

Ngay rìa miếng đất của ông Pe có một sườn nhà sàn theo qui cách dân tộc Thái nhưng không mái, không thưng vách, chơ vơ cái cốt nhà, trên sàn tre đặt mấy nông cụ đi nương. Trước sự tò mò của chúng tôi, anh Muôn bảo đây là nơi ở của bà Bạc Thị Ún, người cháu gọi ông Pe bằng cậu, nay cũng đã già, mồ côi cha mẹ, không chồng không con, được ông bà Pe mang về nuôi từ nhỏ. Hôm nay, bà này đang đi làm ở nương ngô và ở lại trong chòi canh rẫy.

Trong khi chờ gặp cháu Pó theo mợ từ rẫy về, anh Muôn dẫn chúng tôi đến thăm mồ chị Phanh, theo lời dặn dò của người chuyển tiền về từ bên Toronto. Cách nhà 2 cây số, nhưng vốn nơi đây là Rừng Ma, hoang vắng, lại là nơi tái định cư, nên âm u hoang dại, nếu ai yếu bóng vía và không quen nơi thâm sơn cùng cốc dễ bị giật mình.

Đứng trước nhà mồ chị, tôi đã khấn vái:“Chúng tôi ở xa tới, mang giùm những đồng tiền hảo tâm của kiều bào quyên góp giúp gia đình chị và cháu bé. Chị sống khôn chết thiêng thì chứng giám chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xin phù hộ cho cha chị đủ sức khoẻ, cháu Pó được khôn lớn, được chăm lo học hành từ ân nghĩa này. Cũng xin xin bao bọc cho chúng tôi chuyến về bình yên.”

Trên đường quay về nhà khi được hỏi về nguồn sống của gia đình ông Pe, anh Muôn thú nhận, bản thân anh cũng không nuôi được bố, vì hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, ông cụ thiếu cái ăn khoảng 2 tháng, vì trong gia đình người ăn thì đông mà người làm lại không. Cứ lần hồi, làm con tắc kè, tự ăn đuôi mà sống cho qua ngày. 

Chúng tôi trở lại nhà họ sau khi leo leo xuống 2 km đường đồi núi cũ, đúng lúc cháu Pó từ nương về theo người mợ. Cô con dâu ông Pe, 31 tuổi, có thân hình của đứa trẻ suy dinh dưỡng 14 tuổi với gương mặt bà già 60 với những nếp nhăn hằn sâu. Cô lúng búng chào mọi người rồi ra đứng lơ ngơ phía đầu hồi.

Cả gia đình, ai cũng có cặp mắt mờ đục, u uẩn, buồn bã, bằng chứng của tuyệt vọng, như bất cứ đôi mắt của người nghèo miền sơn cước nào mà chúng tôi đã gặp. Ánh nhìn mông lung, mắt mở nhưng không thấy ngày mai…

Chúng tôi chào cháu bé. Nó chào lại bằng đôi mắt to mòng mọng nước, ngơ ngác, luôn mở to như kiếm tìm. Con bé 7 tuổi mà nhấc lên, nhẹ sọp, toàn xương. Hỏi gì cũng không nói. Đưa cho túi bánh hộp sữa thì cầm, rồi khép nép ra ôm cánh tay ông ngoại. Đúng là gà con lạc mẹ. Móng tay cáu bẩn. Cái mũ và bộ quần áo ai đó mới mua cho ở chợ núi, nhìn tươm tất, nhưng vẫn không làm con bé bớt phần ai oán.

Vào độ tuổi phải được cha mẹ ôm ấp nâng niu, thì nó đã mồ côi bố từ khi mới lên 2. Sơn La vốn là một điểm đen ma tuý, mà huyện Quỳnh Nhai cũ là nơi khai thác vàng với những chủ bưởng khét tiếng vùng Tây Bắc. Cơn lốc vàng đã mang theo ma tuý, điếm đĩ và vô vàn tệ nạn khác, khuấy đảo vùng núi bình yên. Bố bé Pó đi làm thuê, có đồng nào nướng hết đồng đó vào ma tuý, để rồi mắc nghiện và chết vì SIDA.

Ông Lò Văn Pe cháu Lò Thị Pó. Ảnh: Thời Báo Canada

Nay mất nốt mẹ, hàng ngày sống giữa hai người cậu điên, một người mợ chậm chạp về trí tuệ và ông ngoại già nua, nên hầu như cả ngày nó không có cơ hội học và sử dụng ngôn ngữ của loài người. Tương lai con bé ra sao? Hoàn toàn mờ mịt. Rồi lại chôn chân ở xó rừng này.

Tường trình của Thuận, Hà và Phú (Miền bắc Việt Nam 21/10/2016).

Có lẽ ngay ở Bắc Hàn cũng không dễ tìm được một nơi mà điều kiện sinh sống của người dân khốn cùng và tồi tệ như tại thôn Mường Sại. Có bao nhiêu “xó rừng” tương tự ở khắp nước Việt Nam nhưng không ai hay biết vì chưa ai từng đi theo một thây ma đến tận những nơi đây?

Nước Mỹ với Trump sẽ bị Bắc Kinh Lấn Lướt ở Châu Á

Nước Mỹ với Trump sẽ bị Bắc Kinh Lấn Lướt ở Châu Á

New Mandala

Tác giả: Hunter Marston

Dịch giả: Liêm Nguyễn

10-11-2016

Ảnh: internet

Nước Mỹ với tổng thống mới Donald Trump sẽ cho phép Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và kiểm soát nhiều hơn ở châu Á. Việc Trump trở thành tổng thống đang làm cho các đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực lo lắng, và đặt ra mối nguy cơ kinh tế và chiến lược cho Hoa Kỳ.

Với việc bầu chọn Donald Trump làm tổng thống, cử tri Mỹ cho thấy họ ủng hộ chủ nghĩa hướng nội “Mỹ trước hết”, và phản đối chính sách hướng ngoại toàn cầu hoá của Tổng thống Barack Obama. Đông Nam Á gần như chắc chắn sẽ thành chuyện bên lề và không còn được chú ý nhiều như thời Obama. Thương mại và an ninh trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trump đã nói rõ là ông ta hoài nghi về giá trị của các liên minh ở châu Á, và thậm chí còn cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản nên được trang bị vũ khí hạt nhân để tự bảo vệ mình. Sự lạnh nhạt của Trump với an ninh của các đồng minh châu Á cho thấy một sự hiểu lầm cơ bản về lợi ích của Hoa Kỳ với các liên minh nước ngoài và các thỏa thuận chiến lược; điều có khả năng dẫn đến những tính toán sai mà hậu quả là các xung đột hạt nhân thảm khốc.

Với khu vực Đông Nam Á, tuy rằng nguy cơ xung đột hạt nhân là gần như không có, thế nhưng việc rút lui hoặc làm suy giảm các cam kết an ninh của Mỹ sẽ làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với các quốc gia này và loại bỏ Hoa Kỳ ra ngoài cấu trúc thương mại của khu vực.

Philippines, dưới thời Tổng thống dân túy Rodrigo Duterte đã và sẽ tách ra khỏi Hoa Kỳ để nghiêng về Trung Quốc – mặc dù Trump và Duterte, người được mệnh danh là “Trump của phương Đông”, có thể tìm thấy những điểm chung để làm ấm lại mối quan hệ đang lạnh hạt giữa Mỹ và Philippines.

Thủ tướng Najib của Malaysia cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế với Trung Quốc, gây lo ngại rằng Washington rồi cũng sẽ mất đối tác an ninh truyền thống này vào tay Bắc Kinh.

Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore cũng lên tiếng quan ngại việc Mỹ rút ra khỏi châu Á vào lúc này, khi mà quyết sách của Mỹ là rất quan trọng cho ổn định khu vực. Singapore là đối tác an ninh quan trọng, cho phép các máy bay trinh sát và tàu sân bay của Mỹ ra vào, đóng góp quan trọng cho hòa bình ở biển Đông Nam Á. Ở Singapore hiện có hơn 3.600 công ty Mỹ và thương mại hai chiều đạt 47 tỷ USD trong năm 2014-2015.

Thủ tướng Lý cảnh báo rằng, nếu Mỹ không thông qua Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước trong trong khu vực sẽ cảm thấy bị bỏ rơi và trở nên nghi ngờ các đầu tư kinh tế và cam kết an ninh của Mỹ.

TPP, bản hiệp ước hợp tác thương mại giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Úc và New Zealand, nhiều khả năng sẽ chết yểu. Trong suốt cuộc vận động bầu cử, Donald Trump đã nhiều lần mạnh mẽ lên án TPP, do đó ít có khả năng ông sẽ tiếp tục hoặc thậm chí đàm phán lại thoả thuận hợp tác thương mại này.

Trong khi đó, Hiệp Ước Đối Tác Kinh Tế Khu Vực Toàn Diện (RCEP) của Trung Quốc với các nước trong khu vực, mà Mỹ không được tham gia, sắp hoàn thành. Việc bỏ lỡ ưu thế ở châu Á, nơi được xem là trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, sẽ là một trở lực lớn với nền kinh tế Mỹ. Nó sẽ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu, người tiêu dùng (thông qua nhập khẩu rẻ), cũng như thị trường lao động cho sản xuất và dịch vụ của Mỹ.

Việc Trump nắm Nhà Trắng vào thời điểm này cũng sẽ có ảnh hưởng hết sức quan trọng cho cân bằng quyền lực toàn cầu, khi Trung Quốc đang vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và ngày càng tìm cách để mở rộng sức mạnh quân sự ra bên ngoài. Các nước Đông Nam Á mong muốn Mỹ sẽ tiếp tục can dự và lãnh đạo, cả về quân sự và kinh tế, trong khu vực để cân bằng với Bắc Kinh. Các hiệp ước liên minh từ hàng chục năm qua cũng như các quan hệ đối tác an ninh mới hình thành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc Philippines ngả về Trung Quốc (và tách ra khỏi Hoa Kỳ) gần đây có thể tạo ra một tiền lệ cho các quốc gia Đông Nam Á khi họ cảm thấy hối thúc phải chọn lựa giữa hai cường quốc.

Bắc Kinh chắc chắn là đã rất vui mừng khi Trump thắng cử. Hillary Clinton luôn được xem là sẽ quyết đoán hơn với sự hiếu chiến ngày càng gia tăng gần đây của Trung Quốc. Nhưng Donald Trump nhiều khả năng sẽ bắt tay với Bắc Kinh. Tuy còn quá sớm để phỏng đoán nội dung của một thỏa thuận như vậy với Trung Quốc, nhiều khả năng nó sẽ dẫn đến việc Mỹ phải thu hẹp sự hiện diện quân sự của mình ở Tây Thái Bình Dương, chấp thuận các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở biển Đông Nam Á và biển Hoa Đông (cũng như các tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và Hồng Kông), và hạn chế việc chỉ trích các vi phạm nhân quyền và phi dân chủ ở Trung Quốc.

Bắc Kinh có thể sẽ cảm thấy nhiều sức mạnh hơn trong việc gây áp lực với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á, để ép các nước này phải cắt đứt quan hệ với Washington. Một vị Tổng thống ít quan tâm như Trump sẽ khó có khả năng nhận thấy điều này như một mối đe dọa cho quyền lợi của Mỹ ở châu Á; và do đó các nước Đông Nam Á sẽ không còn lựa chọn nào khác là ngả sang Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế và an ninh.

Cuối cùng, việc hướng nội sẽ gây hại cho triển vọng kinh tế và lợi ích an ninh của Mỹ. Nó cũng ảnh hưởng đến trật tự mà Hoa Kỳ đã thiết lập và lãnh đạo ở Thái Bình Dương từ sau thế chiến thứ II. Việc Donald Trump thắng cử báo hiệu một sự suy giảm các can dự của Mỹ ở nước ngoài, ngay lúc mà thế giới ngày càng toàn cầu hóa, lúc mà để cạnh tranh thành công các nước cần gia tăng kết nối và mở rộng thương mại.

Các đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á có thể sẽ phải sớm nhận ra là chính sách tái cân bằng của Tổng thống Obama đã hết thời, và điều sắp xảy ra có thể là sự ra đời của một trật tự mới trong khu vực nơi mà Trung Quốc được trao cho quyền tối thượng.

Ông Trump nêu kế hoạch trong 100 ngày đầu làm tổng thống

 Ông Trump nêu kế hoạch trong 100 ngày đầu làm tổng thống

VOA

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu ở Gettysburg, bang Pennsylvania, ngày 22 tháng 10, 2016.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu ở Gettysburg, bang Pennsylvania, ngày 22 tháng 10, 2016.

Ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra những đề xuất cải cách nhập cư mới và cho biết sẽ cắt giảm thuế 35 phần trăm cho tầng lớp trung lưu của Mỹ trong 100 ngày đầu tiên ông tại chức, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng sau.

Ông Trump cũng sử dụng bài diễn văn nêu chính sách của mình để nói rằng sau cuộc bầu cử, ông sẽ kiện hơn một chục người phụ nữ đã lên tiếng tố giác ông sàm sỡ họ.

Chỉ 17 ngày trước ngày bầu cử cử 8 tháng 11, ông Trump đọc bài diễn văn nêu chính sách của ông ở thành phố Gettysburg, bang Pennsylvania, gần chiến trường thời Nội chiến Mỹ và là nơi Tổng thống Abraham Lincoln đọc một trong những bài diễn văn quan trọng nhất trong lịch sử của Mỹ 153 năm trước, vạch ra đường hướng mới cho nước Mỹ sau mấy năm nội chiến làm đất nước chia rẽ trầm trọng.

Trong bài diễn văn hôm thứ Bảy, ông Trump cho biết ông sẽ ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ bằng cách áp đặt bản án tù tối thiểu hai năm bắt buộc đối với bất cứ ai vào Mỹ bất hợp pháp. Ông cũng sẽ bắt buộc những bản án tối thiểu năm năm đối với những người trước đây từng bị tuyên phạm trọng tội, nhiều khinh tội, hay hai lần trước đây bị trục xuất.

Ông cũng hứa sẽ áp đặt những giới hạn nhiệm kỳ đối với những thành viên của Quốc hội, ban hành một lệnh đình chỉ tuyển dụng nhân viên liên bang, giảm thiểu những quy định của liên bang và cấm những quan chức Tòa Bạch Ốc và Quốc hội trở thành những người vận động hành lang sau khi li nhiệm.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ những khoản đóng góp của Mỹ cho chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, thay vào đó đầu tư những ngân khoản này vào cơ sở hạ tầng nước và môi trường của quốc gia.

Những trợ lý trong ban vận động tranh cử của ông mô tả bài diễn văn này là “những lập luận cuối cùng” nhằm thuyết phục cử tri. Một số nhà phân tích nhận định đây là một nỗ lực nhằm chuyển hướng sự chú ý trở lại những vấn đề ưu tiên của ông và tránh xa những tranh cãi đã đeo bám ông trong những tuần gần đây.

Gần đây ông Trump cũng nói rằng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng sau bị gian lận, và rằng ông có thể không chấp nhận kết quả nếu ông thua cuộc. Ông vẫn chưa cung cấp bằng chứng củng cố tuyên bố của mình rằng cuộc bầu cử sẽ bị gian lận.

Hiện tình nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 08.11.2016

Hiện tình nước Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 08.11.2016

Thạch Đạt Lang

10-11-2016

Cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ ngày 08.11.2016 đã có kết quả chính thức, ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của siêu cường số 1 trên thế giới.

Đây là cuộc bầu cử lạ lùng, nếu không muốn nói là đáng ghét nhất trong lịch sử nước Mỹ. Lần đầu tiên một tỉ phú chỉ biết kinh doanh địa ốc, không phe đảng, không biết gì về chính trị, không có kinh nghiệm ngoại giao, kiến thức, hiểu biết về quốc phòng, ăn nói bổ bả, vong mạng, bất cần đời…, tự ứng cử và đắc cử. Đối đầu với ông Trump là bà Hillary, cựu bộ trưởng ngoại giao, khôn ngoan, nhiều kinh nghiệm trên chính trường, am hiểu tình hình thế giới nhưng đồng thời có quá nhiều tai tiếng về sự trung thực trong khi làm việc.

Việc đắc cử tổng thống của ông Donald Trump gây ngạc nhiên lẫn thất vọng cho khá nhiều người vì những cuộc thăm dò dư luận cho đến sát ngày bầu cử cho thấy khả năng ông Trump thành tổng thống thứ 45 của Mỹ thấp hơn bà Hillary rất nhiều. Tuy nhiên điều mà ít người nghĩ đến là số lượng người da trắng đi bầu ở những tiểu bang quyết định thắng bại như Florida, Ohio, Pennsylvania… lên đến 70%, đa số bầu cho ông Trump. Đây là những người thuộc giai cấp lao động bị bỏ quên nhiều năm, nay họ thật sự muốn có một sự thay đổi toàn diện trong thể chế chính trị của Mỹ.

Kết quả cuộc bầu cử, do đó đã gây nên nhiều chia rẽ nặng nề, không riêng gì trong nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới. Dietmar Bartsch, một chính tri gia Đức nói với đài nt-v Đức là ngày 08.11.2016 l2 một ngày đen tối cho nước Mỹ.

Ngay từ khi cuộc đếm phiếu chưa chấm dứt, chỉ mới có kết quả sơ khởi – cho thấy ông Donald Trump dẫn trước với số phiếu cử tri đoàn là 260/215 so với bà Hillary Clinton – trung tâm điện toán của sở di trú Canada đã bị crash, không còn hoạt động được vì số lượng người Mỹ vào website coi cách thức di dân qua Canada tăng lên đến độ chóng mặt, khiến cho máy chủ bị quá tải, ngưng chạy.

Đồng thời sở di trú của Tân Tây Lan (New Zealand) loan tin số lượng người truy cập website của họ tăng lên 25 lần so với hàng ngày trước đây. Một số các nghê sĩ, ca sĩ, tài tử ci-nê nổi tiếng của Mỹ như Cher, Barbara Streisand, Amy Schumer, Chelsea Handler, Bryan Cranston,… đã lên tiếng cho biết sẽ di dân đến Úc, Canada, New Zealand…

Chính những lời nói báng bổ, nhục mạ phụ nữ, các sắc dân khác của ông Trump đã gây nên làn sóng chống đối mạnh mẽ sau khi có kết quả bầu cử. Nhiều cuộc xuống đường chống Donald Trump xẩy ra khắp nơi trên nước Mỹ từ các tiểu bang miền Đông qua miền Tây, New York, Chicago, Washington,…qua Seattle, Los Angeles… với hàng ngàn người tham dự. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới giảm sút đáng kể dù sau đó có hồi phục lại phần nào. Ngay cả đảng viên đảng Cộng Hòa cũng kéo đến tòa Bạch Ốc biểu tình phản đối sự đắc cử của ông Trump.

Hiện tại chưa thể biết được nội các của ông Trump sẽ có những ai. Tuy nhiên những chính sách, kế hoạch của Trump có thể sẽ dễ dàng thông qua khi Thượng-Hạ viện Mỹ đều nằm trong tay đảng Cộng hòa, trừ trường hợp những chính sách, kế hoạch này gặp phải chống đối ngay từ trong nội bộ đảng.

Những điều tuyên bố của ông Trump trong khi tranh cử như xây bức tường dài 3.200km dọc biên giới Mỹ-Mexico, tạo 25.000.000 việc làm trong nội địa cho người Mỹ, giảm thuế doanh nhiệp, đầu tư, rút quân đội Mỹ khỏi liên minh NATO nếu các nước Âu châu không trả chi phí, trục xuất 6 trong số 11 triệu người di dân bất hợp pháp, hủy bỏ luật sinh ra trên nước Mỹ đương nhiên là công dân Mỹ… chưa biết có thực hiện được hay không hoặc sẽ thực hiện bằng cách nào?

Tổng thống Mỹ là người có nhiều quyền lực thật sự nhưng không phải là tuyệt đối. Tất cả các kế hoạch, chính sách về kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, y tế… đều phải được nghiên cứu, bàn thảo, biểu quyết từ hạ viện tới thượng viện chứ không đơn giản điều gì Donald Trump muốn, cũng được xúc tiến thi hành. Sẽ có nhiều thay đổi khi ông Donald Trump tiếp nhận chức vụ vào ngày thứ sáu 20 tháng 1 năm 2017. Tất cả các chính sách, từ kinh tế đến an ninh, quốc phòng, y tế, ngoại giao…chắc chắn sẽ có những thay đổi nếu Trump quyết định thực hiện lời hứa của mình khi tranh cử, nhưng thay đổi ra sao, như thế nào thì còn phải chờ. Trong phạm vi quyền hạn của mình Trump sẽ không làm được gì nhiều.

Do đó không nên quá lo lắng về sự đắc cử của ông Trump. Nước Mỹ có thể sẽ bị rối loạn, chao đảo về nhiều mặt trong một thời gian sau khi Donald Trump lên nắm quyền, nhưng người viết tin rằng, với thể chế dân chủ, tự do tồn tại đã hơn 240 năm, khả năng tự điều chỉnh của xã hội sẽ lấy lại được thăng bằng cho nước Mỹ.

Cho dù những lời nói đầy kỳ thị chủng tộc, giới tính… góp phần không ít cho sự đắc cử vào địa vị tối cao về quyền lực của Donald Trump nhưng rồi tất cả cũng sẽ qua đi. Khi bắt tay vào làm việc, bản thân Trump sẽ nhận ra rằng những tuyên bố văng mạng do thiếu hiểu biết chính trị, thiếu kinh nghiệm ngoại giao của mình sẽ chỉ có hại hơn là có lợi nếu thật sự Trump muốn lãnh đạo đất nước và làm cho Mỹ trở lại vĩ đại như trước.

Hơn thế nữa, tổng thống Mỹ cũng chỉ là một người thực thi các chính sách, kế hoạch do bộ tham mưu, cách think tank nghĩ ra. Cá nhân ông Trump sẽ không làm được gì nhiều nếu cứ bám chặt vào những điều tuyên bố khi tranh cử.

Những tiếng súng phản ứng trong thời bình

Những tiếng súng phản ứng trong thời bình

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016-11-10
Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23 tháng 10.

Hiện trường vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23 tháng 10.

Courtesy chinhphu.vn

Tình trạng thu hồi, cưỡng chế đất đai sai pháp luật ngày càng trở nên tồi tệ và tràn lan ở Việt Nam đến mức người dân không còn kiên nhẫn đợi chờ vào những tờ đơn khiếu nại hay tố cáo mà họ phải liều mình, thậm chí sử dụng vũ khí tự chế để bày tỏ sự chống đối bất minh của cường quyền. Những người dân buộc nổ súng trong tuyệt vọng này, họ đáng thương hay đáng trách?

Những tiếng súng hoa cải

Kể từ hồi đầu năm 2012, khi tiếng súng hoa cải Đoàn Văn Vươn vang lên từ Cống Rộc, Hải Phòng như một dấu hiệu bày tỏ sự phản kháng cuối cùng đối với việc chính quyền địa phương tổ chức một cách quy mô để cưỡng chế gần 20 héc ta đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven biển mà gia đình họ Đoàn dày công tạo dựng với bao mồ hôi, công sức, nước mắt và chính cả mạng sống của người thân; không chỉ các hộ dân hàng xóm cùng hoàn cảnh không đồng tình với quyết định thu hồi đất của Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng mà hàng ngàn dân oan khắp mọi tỉnh, thành Việt Nam ít nhiều được an ủi sau tuyên bố của Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng rằng chính quyền Tiên Lãng sai toàn diện trong vụ cưỡng chế gây chấn động dư luận trong và ngoài nước này cũng như yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn.

Đây là hậu quả mà tôi nghĩ việc này xảy ra hầu như không tránh khỏi và sắp tới sẽ còn xảy ra nữa và sẽ còn dẫn đến rất nhiều tình trạng được coi là ‘chống người thi hành công vụ’.
-TS.Phạm Chí Dũng

Thế nhưng, với hy vọng nỗi oan ức do mất nhà cửa, ruộng vườn, đất đai của tổ tiên sẽ được Chính phủ nhanh chóng giải quyết sau vụ án “Tiếng súng Tiên Lãng”, những dân oan rơi vào bế tắc và tuyệt vọng không lâu sau đó vì người trực tiếp chỉ huy vụ cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn là Giám đốc Công an Hải Phòng, Đại tá Đỗ Hữu Ca được thăng hàm Thiếu tướng, còn bốn anh em gia đình họ Đoàn bị tù vì tội “chống người thi hành công vụ”.

Mới đây nhất, có thể nói “lịch sử lặp lại” với tính chất nghiêm trọng hơn trong vụ nổ súng hoa cải ở Đắk Nông vào hôm 23 tháng 10 năm 2016, khi người dân dù biết rằng sẽ vướng vào vòng lao lý nhưng vẫn buộc phải chọn cách thức phản kháng chống lại Công ty Long Sơn tự ý san ủi đất của họ.

Sau khi vụ việc xảy ra tại xã Quảng Trực, trong buổi gặp gỡ dân chúng ở đây vào hôm mùng 2 tháng 11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tuy Đức, ông Nguyễn Hữu Huân phát biểu các ý kiến và nguyện vọng của bà con được ghi nhận đầy đủ và sẽ xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng của họ. Tiếp đến, vào ngày mùng 4 tháng 11, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, ông Lê Diễn nói với báo giới trong nước rằng công ty Long Sơn không có quyền cưỡng chế đất của dân đang làm rẫy và đã coi thường pháp luật là tự ý san ủi mà không báo cáo cho chính quyền địa phương. Viện Kiểm sát tỉnh Đắk Nông cũng cho báo giới biết chưa nhận được đơn tố cáo và chưa thụ lý trường hợp nào người dân tố cáo Công ty Long Sơn hủy hoại tài sản, đánh người.

Trong khi đó, Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc với một số cư dân địa phương qua điện thoại và được chia sẻ tình hình hiện đang rất căng thẳng:

“Từ khi xảy ra vụ đó đến giờ chính quyền ráo riết làm căng lắm.”

DSC_1282-b4d73.JPG
Thi thể 3 người chết tron vụ bắn vào đoàn cưỡng chế ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Dak Nong hôm 23 tháng 10. File photo

Đồng thời cho biết thêm người dân không được bén mảng đến khu vực Công ty Long Sơn tiến hành san ủi vào hôm xảy ra vụ nổ súng tự chế khiến 3 người thiệt mạng và 16 người bị thương hồi cuối tháng 10. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái đã bao giờ gửi đơn lên chính quyền khiếu nại hay tố cáo sai phạm hay không, các hộ dân đều cho biết họ đã nhiều lần gửi đơn đi nhưng chưa lần nào được chính quyền hồi đáp. Một người dân địa phương, đề nghị Đài RFA không nêu tên, trình bày hoàn cảnh của các hộ dân bị Công ty Long Sơn san ủi đất bất hợp pháp, đặc biệt gia cảnh của 3 người nổ súng chống lực lượng san ủi đất, khi người chồng, người cha là trụ cột của gia đình bị truy bắt:

“Nói chung, con cái còn nhỏ. Họ phải bươn chải, đi làm thuê làm mướn mai đây mốt đó để kiếm sống, nuôi dưỡng hai, ba người con đang tuổi ăn tuổi học.”

Thảm trạng xã hội do cưỡng chế đất đai

Hòa Ái nêu vấn đề với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng có phải các vụ nổ súng phản kháng như thế là hậu quả của quá trình Chính phủ Hà Nội giải quyết trì trệ các đơn khiếu nại và tố cáo liên quan lãnh vực đất đai trong suốt những thập niên qua tại Việt Nam, từ Sài Gòn, tối mùng 8 tháng 11, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:

“Đó là quy luật. Năm 2012 khi xảy ra vụ Đoàn Văn Vươn, lúc đó dư luận còn có thể lên tiếng và phần nào đó bênh vực cho cơ quan nhà nước. Nhưng đến các vụ sau này thì có thể nói tình trạng ‘luật rừng’ xảy ra ở quá nhiều địa phương. Chúng ta thấy vừa rồi ở khu vực Đắk Nông xảy ra xung đột giữa người dân với một công ty thôn tính đất của người dân. Người dân dùng súng hoa cải đã bắn thẳng. Đây là hậu quả mà tôi nghĩ việc này xảy ra hầu như không tránh khỏi và sắp tới sẽ còn xảy ra nữa và sẽ còn dẫn đến rất nhiều tình trạng được coi là ‘chống người thi hành công vụ’. Lúc đó không phải là tiền đề nữa mà xã hội Việt Nam đang tiến vào giai đoạn hỗn loạn. Hỗn loạn về mặt xã hội.”

Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng.
-TS.Trịnh Hòa Bình

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một số chuyên gia kinh tế, và nhà xã hội học, mà chúng tôi trao đổi về vấn đề liên quan, đều cho rằng pháp luật Việt Nam kém nghiêm minh trầm trọng đã đẩy người dân buộc phải phản ứng một cách tiêu cực trong tuyệt vọng. Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình từng lên tiếng với RFA khi vụ việc anh Đặng Ngọc Viết vì không được bồi thường thỏa đáng đã nổ súng khiến 5 cán bộ của Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thành phố Thái Bình bị thương và thiệt mạng và anh cũng đã dùng chính cây súng gây án để kết liễu mạng sống của mình:

Khâu quản lý hà khắc và cách ứng xử theo kiểu cường quyền, làm cho người dân không còn lối thoát. Trong phần lớn các trường hợp xảy ra thì đấy là những người có trí thức, có hiểu biết, thậm chí có cả hiểu biết về pháp luật, không hề mù mờ. Những hành xử đó không xuất phát trên cơ sở của sự tăm tối, một sự phản ứng thiếu tính toán mà những phản ứng đó có nghiền ngẫm. Tạm gọi trong cuộc kéo co thì phần thua người dân đã dự liệu rồi, chứ không nghĩ là thắng. Và cuộc chiến đấu có thể xem như cuộc chiến đấu cuối cùng của họ theo ý nghĩa ‘bày trận nhưng mà lưng quay ra sông’, nhất thiết phải tiến tới để hoặc là được hoặc là mất”.

Dân oan sẽ chống cường quyền bằng mọi giá?

Theo như trích dẫn các nhận xét vừa rồi về tình hình xã hội Việt Nam thời gian tới, nạn nhân trong những đơn khiếu nại tố cáo, mà Thanh tra Chính phủ tổng kết gần như 100% liên quan đến lãnh vực đất đai, sẽ chọn biện pháp chấp nhận hy sinh tính mạng để đòi công lý, điển hình qua lời tuyên bố của dân oan Thủ Thiêm “Chúng tôi kiên trì quyết chiến tới cùng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho đến khi nào phải đòi, tìm được công lý thì mới thôi” khi niềm tin trông đợi vào Chính phủ giải oan nỗi mất mát tan nhà nát cửa của họ không còn nữa.

Dầu! Phát hiện mỏ dầu đá phiến khổng lồ ở Texas

Dầu! Phát hiện mỏ dầu đá phiến khổng lồ ở Texas

Matt Egan CNN

Lê Tất Đạt dịch

 
Công ty Apache Energy phát hiện mỏ   dầu đá phiến khổng lồ  ở Tây Texas, đặt tên là “Alpine High,” được ước tính chứa ba tỷ thùng dầu thô.

Một góc không ai chú ý của miền Tây Texas được cho là chứa hàng tỉ thùng dầu đá phiến mới được phát hiện.

Công ty Apache (APA) đã tiết lộ sự phát hiện  lớn lao trong tuần này sau hơn hai năm âm thầm  mua lại đất đai, nghiên cứu địa chất sâu rộng và thử nghiệm cẩn trọng.

Công ty ở Houston ước tính phát hiện, được đặt tên là “Alpine High,”  giá trị ít nhất có thể  8 tỷ Mỹ kim,.

Công ty Apache tin rằng khu dầu đá phiến mới hình thành một hệ thống  trải dài  ít nhất là năm khu vực, có chứa hơn ba tỷ thùng dầu và 75 nghìn tỷ bộ khối  (cubic feet) phong phú  khí đốt tự nhên..

“Chúng tôi cảm thấy rất tự tin với những gì chúng tôi có và tin rằng khám phá này mỗi ngày  trở nên hứa hẹn thêm,” Apache CEO John Christmann IV nói CNNMoney.

Wall Street đã nhìn thấy dấu hiệu đô la đâu đây,  giá cổ phiếu của Apache tăng lên 10% trong hai ngày giao dịch kể từ khi  phát hiện được công bố.

“Sự khám phá này  có tiềm năng trở thành một sự kiện cải  biến cho  công ty,” nhà phân tích John Freeman đã viết trong một báo cáo nghiên cứu. “Apache nhìn thấy một cơ hội tuyệt vời để thiết lập cho mình vai trò  tài nguyên  lớn tiếp theo tại Hoa Kỳ”

 Apache đã xác định được ít nhất 2.000 địa điểm khoan, và ước tính giá trị ban đầu cho mỗi giếng từ  4 triệu đến  20 triệu . Tức là ít nhất trị giá 8 tỷ  cho công ty, nhưng tiềm tàng có thể nhiều hơn nữa. Công ty đã khoan 19 giếng với 9 giếng  hiện đang sản xuất “số lượng có hạn” do hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Rob Thummel, một người quản lý danh mục đầu tư tại công ty đầu tư năng lượng Tortoise Capital, cho biết  thông báo này sẽ “chắc chắn mở mắt các  nhà đầu tư” và có thể đưa công ty của ông mình  đầu tư vào Apache.

Tuy nhiên, Thummel cũng thúc dục nên thận trọng, lưu ý là hàng ngũ quản lý của Apache không có thành tích lâu dài của  các công ty đá phiến nhiều uy tín  hơn như  EOG Resource(EOG) hoặc Pioneer Energy. (PES)

“Trong thời gian tới họ cần   minh chứng cho thấy” Thummel nói.

Christmann, chủ tịch công ty Apache, cho biết công ty của ông đang mong chờ  “thời gian sẽ chứng minh tầm quan trọng của sự phát hiện này.” Ông nói thêm rằng phát hiện này là kết quả của “công trình  kỹ thuật cao độ” bao gồm nghiên cứu địa chấn 3 chiều.

Việc tiếp theo là phải làm gì? Apache sẽ cần phải tiếp tục thử nghiệm đất, quyết định xem nơi nào  tốt nhất  để bắt đầu khoan cho thích  hợp  với giá dầu hiện tại. Cả hai giá dầu và khí tự nhiên vẫn còn thấp do dư thừa rất lớn, phần lớn  được tạo  thành  do sự  sản xuất dầu đá phiến quá mức của Hoa Kỳ trong thập niên qua.

Apache cũng sẽ cần phải xây dựng cơ sở hạ tầng để quản lý tất cả các dầu  và khí tiềm tàng hút lên  từ Alpine High. Công ty dự định ​​sẽ thiết lập  một cơ sở chế biến tạm thời vào cuối năm nay và cuối cùng xây dựng một cơ sỡ cho sự hiện diện lâu dài hơn.

“Thành Rome không được xây dựng trong một ngày, các mỏ dầu và khí đốt lớn cũng vậy,” Thummel nói.