Bảo vệ bệnh viện bất nhân chặn xe người chết

 Bảo vệ bệnh viện bất nhân chặn xe người chết

Nguoi-viet.com

Bảo vệ ngăn cản xe cấp cứu khiến em bé 9 tháng tuổi chết ngay trên xe. (Hình: cắt từ clip)

Bảo vệ ngăn cản xe cấp cứu khiến em bé 9 tháng tuổi chết ngay trên xe. (Hình: cắt từ clip)

HÀ NỘI (NV) – Nhằm ép người nhà các cháu bé sắp hoặc đã chết phải thuê xe giá cao của bọn “cò” để ăn tiền chênh lệch, bảo vệbBệnh viện Nhi Trung Ương đã chặn cả xe cứu thương đưa bệnh nhân về lại quê nhà.

Truyền thông Việt Nam loan tin, trong những ngày qua, trên các mạng xã hội xuất hiện clip một gia đình tại Nghệ An có con nhỏ được 9 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh nằm cấp cứu tại bệnh viện Nhi Trung Ương (TW) sắp chết “về quê” đã bị đội bảo vệ tại đây câu kết với nhiều “cò” xe ngăn chặn, không cho ra về, khiến dư luận tức giận.

Báo Pháp Luật Việt Nam ngày 6 tháng 7 dẫn lời người đại diện gia đình bé Trần Công Danh, (8 tháng tuổi) quê Quỳ Hợp, Nghệ An, nạn nhân cho biết, sự việc diễn ra từ 9 giờ ngày 2 tháng 7, theo nguyện vọng người thân, khi biết cháu Danh không thể qua khỏi, gia đình đã thuê xe cấp cứu từ tỉnh Nghệ An ra Hà Nội đón về để cháu được chết ở quê nhà.

Tuy nhiên, khi xe cấp cứu của bệnh viện Nghệ An đến đón cháu, thì bị hai bảo vệ của bệnh viện, kèm theo 2-3 “cò” giữ xe lại, không cho di chuyển.

Trong lúc y tá của bệnh viện Nghệ An đi đón cháu Danh, thì có 2 “cò” ra mặt đuổi xe cấp cứu: “Chúng mày cút đi, không được đón bệnh nhân ở đây.” Ông lái xe cấp cứu của bệnh viện Nghệ An trả lời, “Em chỉ đón bệnh nhân là người nhà ở đây.”

Khi y tá đưa được cáng cháu Danh xuống và chuẩn bị đưa lên xe cứu thương thì tiếp tục bị 2 nhân viên bảo vệ và “cò” chặn lại. Lúc này cháu Danh vẫn còn sống. Lái xe và y tá vẫn đưa cháu Danh lên xe. Ngay lập tức, “cò” và hai nhân viên bảo vệ trên gọi thêm 5-6 bảo vệ khác tới can thiệp.

Những bảo vệ này cầm xích và khóa trên tay, đòi khóa bánh xe cứu thương lại, yêu cầu bỏ bệnh nhân xuống và chạy xe ra bên ngoài, đồng thời tuyên bố “chỉ cho phép đưa bệnh nhân vào, chứ không cho đưa bệnh nhân ra, đã có quy định.” Tài xế xe cứu thương yêu cầu phía bảo vệ trình bày rõ quy định, nhưng những người này lại không đưa ra được.

Khi nhóm bảo vệ trên đòi khóa bánh xe, lái xe cảnh báo đây là xe nhà nước thì bảo vệ tên Nguyễn Văn Tuấn thách thức: “Hứ. Tao động đấy… Mày làm gì…” Bất lực, tài xế xe cứu thương đã gọi “đường dây nóng Sở Y Tế Hà Nội trình” bày về sự việc. Song, khi đang nói thì bị cắt ngang và yêu cầu gọi đến “đường dây nóng của Bộ Y Tế.” Ngay sau đó, tài xế đã gọi tới số này nhiều lần nhưng không có ai nghe máy.

Tiếp đó, tài xế chuyển qua gọi 113 nhờ sự trợ giúp của cảnh sát. Tuy nhiên phải hơn 1 giờ chờ đợi công an mới xuất hiện. Lúc này, cháu Danh đã quá yếu và không lâu sau đó thì chết ngay trong xe.

Mặc cho sự việc khá rõ ràng và gây tức giận trong dư luận, nói với báo chí ngày 6 tháng 7, bà Lê Thị Minh Hương, phó giám đốc bệnh viện Nhi TW cho rằng, thông tin trên Youtube, Facebook… là chưa chính xác, chưa phản ánh đầy đủ toàn bộ nội dung và bản chất sự việc.

Theo bà Hương là “do việc sử dụng ngôn từ giao tiếp chưa phù hợp. Kỹ năng xử lý vụ việc của phía lực lượng bảo vệ với lái xe và người nhà bệnh nhi là chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, lái xe cứu thương cũng chưa chấp hành nội quy của ngành y tế,” bà Hương biện minh.

“Hiện tại toàn bộ kíp trực bảo vệ của công ty AZ ngày 2 tháng 7 đã bị đình chỉ công tác và yêu cầu viết tường trình. Công an cũng đã bắt đầu điều tra,” bà Hương cho biết thêm. (Tr.N)

Hải quan phi trường Ðà Nẵng bị tố ‘xin tiền uống nước’

 Hải quan phi trường Ðà Nẵng bị tố ‘xin tiền uống nước’

Nguoi-viet.com  

Hải quan cửa khẩu phi trường Ðà Nẵng soi chiếu, kiểm tra hành lý của hành khách. (Hình: VNExpress)

Hải quan cửa khẩu phi trường Ðà Nẵng soi chiếu, kiểm tra hành lý của hành khách. (Hình: VNExpress)

ÐÀ NẴNG (NV) – Hai cán bộ hải quan có thâm niên trong ngành hải quan tại phi trường Ðà Nẵng bị tố “vòi” tiền của người dân với cớ “trong hành lý của khách có một ít thuốc bổ trị bệnh mang về từ Mỹ.”

Chiều 6 tháng 7, nói với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Phạm Duy Nhất, chi cục trưởng Chi Cục Hải Quan phi trường Ðà Nẵng cho biết, đã chuyển 2 cán bộ thuộc Ðội Thủ Tục Xuất Nhập Cảnh và Giám Sát Hải Quan phi trường Ðà Nẵng sang làm công việc gián tiếp khác, không tiếp xúc với người dân.

Trước đó, hai cán bộ này đã thừa nhận có kiểm tra lô hàng của bà Ð.T.Ng, giáo viên một trường đại học ở Huế, vào đêm 4 tháng 7.

“Trước mắt là vậy, chúng tôi đang rà soát lại đội ngũ, đề nghị phía an ninh phi trường hỗ trợ trong việc trích xuất hình ảnh từ camera giám sát. Nếu phản ánh của người dân chính xác thì chi cục sẽ phúc trình gửi Cục Hải Quan Ðà Nẵng để có hướng kỷ luật các cán bộ nhũng nhiễu trên,” ông Nhất nói.

Tin cho biết, khoảng 19 giờ 30 tối 4 tháng 7, theo thủ tục vợ chồng bà Ð.T.Ng, sau 28 tiếng bay từ Mỹ về phi trường Ðà Nẵng thì phải bị kiểm tra hành lý. Trong quá trình soi chiếu, một cán bộ hải quan chỉ vào thùng xốp có chứa ít đồ dùng và 6 chai thuốc nhỏ, yêu cầu mở ra kiểm tra và cho rằng “phải làm giấy tờ nộp thuế.” Sau đó, người này mời bà Ng. vào phòng và đặt thẳng vấn đề “xin ít tiền uống nước” với lý do trong hành lý của bà có một ít thuốc bổ trị bệnh mang về từ Mỹ.

“Không phải tôi muốn hối lộ mà tôi muốn nhanh chóng, giảm bớt mỏi mệt cho chồng tôi ở ngoài kia nên không thèm đôi co. Khi tôi rút tờ 200,000 đồng đưa cho cán bộ hải quan này, thì tiếp tục nhận được đề nghị đưa thêm một tờ nữa cho đồng nghiệp của y,” bà Ng. tức giận đưa lên facebook của mình sáng 5 tháng 7, một dòng trạng thái về vấn nạn trên.

Ngay lập tức nhận được sự chia sẻ và phản hồi của nhiều người về tình trạng mất hành lý, nhũng nhiễu vòi tiền của hải quan phi trường, trong đó có phi trường Ðà Nẵng.

“Bà Ng. không có đơn thư phản ánh gửi đến Chi Cục Hải Quan cửa khẩu phi trường quốc tế Ðà Nẵng mà chỉ chia sẻ trên Facebook. Việc hành khách đưa thuốc từ nước ngoài về phi trường, theo quy định thì lực lượng hải quan xuất nhập cảnh phải kiểm khám xem đó là loại thuốc gì, có vượt định mức hay không… Anh em làm đúng, nhưng vấn đề là lại có nhũng nhiễu,” ông Nhất nói.(Tr.N)

Giáo dân Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa

Giáo dân Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa

RFA

image.jpg

Nhà thờ Giáo xứ Cồn Sẻ

Courtesy giaoxugiaohovietnam.com

00:00/02:52

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Chừng vài ngàn giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ từ trưa đến chiều ngày 7 tháng 7 biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh xả chất độc ra biển gây thảm họa môi trường tác động mạnh đến kế mưu sinh của người dân trong giáo Xứ.

Dân chúng xứ Cồn Sẻ tại xã Quảng Lộc, thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hầu như tất cả sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Tuy nhiên từ khi xảy ra thảm họa môi trường từ tháng tư cho đến nay, họ phải phơi thuyền nằm bờ không thể ra khơi đánh bắt như trước.

Một người dân theo dõi cuộc biểu tình của giáo dân xứ Cồn Sẻ vào lúc 3:30 chiều ngày 7 tháng 7 cho Đài Á Châu Tự Do biết về hoạt động lúc đó vẫn còn diễn ra:

“Cuộc biểu tình bắt đầu từ lúc 12 giờ và mọi người tuần hành từ giáo xứ ra trung tâm huyện- ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên trên đường tuần hành đến cầu thì bị lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động chặn lại và có sự đàn áp xảy ra: một người bị bắt và hai người bị trọng thương.

Cuộc biểu tình khi tôi đang nói chuyện với anh còn đang tiếp diễn.

Mục đích cuộc biểu tình thì như chúng ta biết sau thảm họa môi trường hoàn cảnh của đại đa số bà con (đánh bắt gần bờ và xa bờ) lâm vào cuộc sống khó khăn. Từ cả trăm năm nay người dân bám biển, các nguồn tài chính cung cấp cho gia đình đều từ biển.

Rơi vào hoàn cảnh này họ bức xúc; đặc biệt khi biết thông tin do chính quyền Việt Nam công bố thủ phạm là Formosa, và chính quyền đã nhận tiền bồi thường 500 triệu ( đô la). Rồi còn có nhu cầu đưa bà con ra nước ngoài làm việc khiến bà con nổi giận hơn.

Từ sự thiếu thốn về vật chất và áp đặt về tinh thần nên bà con quyết định xuống đường biểu tình!”

Lịnh mục quản xứ, Phê rô Hoàng Anh Ngợi, vào lúc sau 3 giờ chiều khi chúng tôi tiếp xúc cũng cho biết:

“Tôi vừa về, đứng giữa nắng từ 11 giờ đến lúc này, mới về.”

Linh mục Hoàng Anh Ngợi là người từng đứng ra kêu gọi một số nhà hảo tâm giúp cho giáo dân của ông bị thất nghiệp, đói khổ sau thảm họa môi trường cá chết hằng loạt do chất độc Formosa Hà Tĩnh thải ra.

Tuy nhiên ông cho rằng việc giúp đỡ như thế chỉ là tạm thời trước mắt, còn trách nhiệm thuộc về chính quyền phải ổn định cuộc sống cho dân chúng về lâu về dài.

image006-620.jpg

Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.

. FORMOSA: SAO CÁC NGƯỜI NHAM HIỂM và TÀN ĐỘC VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NHƯ VẬY?

FORMOSA: SAO CÁC NGƯỜI NHAM HIỂM và TÀN ĐỘC VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NHƯ VẬY?

Bùi Văn Bồng

Lời ngỏ gửi Lãnh đạo Tập đoàn FORMOSA: SAO CÁC NGƯỜI NHAM HIỂM và TÀN ĐỘC VỚI ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM NHƯ VẬY?

Nguyễn Đăng Quang

7-7-2016

H1Nhân dân Việt Nam ta, đặc biệt là ngư dân Hà Tĩnh, chẳng đợi đến buổi họp báo Chính phủ chiều 30/6/2016 mới biết thủ phạm gây ra thảm hoạ cá chết, biển chết ở biển miền Trung, mà ngay từ đầu tháng 4/2016, họ đã xác định chính các ngươi là nguyên nhân và thủ ác của thảm hoạ này! Người dân còn khẳng định cá chết suốt dọc trên 200 km bờ biển 4 tỉnh miền Trung không chỉ là cái đích mà nhà ngươi nhắm đến, mà đấy chỉ là khúc dạo đầu thử nghiệm cho kể hoạch diệt chủng mà các ngươi sẽ làm trong thời gian tới đối với dân tộc và đất nước này!

Ấy vậy, tại buổi họp báo cũng như trong các văn bản liên quan, bọn các ngươi đều đạo đức giả, chỉ thú nhận qua loa. Thảm hoạ môi trường biển miền Trung vô cùng nguy hiểm và trầm trọng như vậy mà các ngươi chỉ gọi đó là “sự cố” môi trường, đổ cho các nhà thầu phụ ẩn danh, rồi nói lời xin lỗi và cam kết bỏ ra 500 triệu USD để “bồi thường” thiệt hại cho “sự cố” này mà thôi! Sao các ngươi trơ tráo quá vậy? Các ngươi tưởng thế là êm xuôi hay sao? Người dân Việt Nam đã đọc văn bản lời xin lỗi của các ngươi, nhưng chưa có văn bản pháp lý (Thỏa thuận hoặc Hợp đồng) bằng giấy trắng, mực đen, dấu đỏ, trong đó nêu cụ thể các chi tiết, điều kiện, các bước bồi thường như các mục chi trả, cách thức và thời gian bồi thường, v.v…

Các ngươi xưa nay nổi tiếng là gian hùng, thớ lợ và luôn tìm cách “đi đêm” với bất cứ kẻ nào. Thế giới đều đã biết và luôn cảnh giác với các ngươi! Do vậy, ta yêu cầu các người phải công khai văn bản này cho công luận và mọi bên liên quan, đặc biệt là các ngư dân miền Trung là những nạn nhân trực tiếp của thảm họa này, được biết. Đây không chỉ là đòi hỏi của dư luận, mà đây là bổn phận và trách nhiệm pháp lý mà các ngươi đương nhiên phải tuân thủ! Các ngươi phải công bố mọi văn bản đã thỏa thuận với nhau về việc bồi thường này! Điều đó sẽ tốt không chỉ cho các ngươi mà còn tốt cho cả Chính phủ Việt Nam ta nữa! Nếu không, ta xin nói thẳng, cái kịch bản cúi đầu xin lỗi và cam kết bồi hoàn 500 triệu USD công bố trong buổi họp báo 30/6/2016 không phải là cao kiến, là thượng sách gì đâu mà là một kịch bản rất tồi, rất trơ trẽn và hạ sách của các ngươi và đồng bọn mà thôi!

Nhân đây ta cũng nói để các ngươi biết là việc Chính phủ Việt Nam chấp nhận lời xin lỗi và đồng ý nhận số tiền 500 triệu USD bồi thường của các ngươi trong khi chưa điều tra, thống kê đầy đủ các thiệt hại của người dân về vật chất, tinh thần, sức khỏe và cả sinh mạng nữa, và cũng chưa điều tra thống kê các tổn thất về kinh tế và du lịch biển, cũng như các chi phí cho việc tẩy sạch môi trường, khôi phục (hoàn nguyên) sinh thái vùng đáy biển,v.v… là một sự vội vàng đáng tiếc! Song người dân có thể thông cảm với quyết định này, nhưng nếu các người không biết điều, tiếp tục lợi dụng sự khoan dung của người khác, thì nhân dân ta sẽ không tha thứ cho bọn các ngươi đâu! Ngay cả việc các ngươi chưa bị tuyên phạt, chưa bị tạm đình chỉ hoạt động cũng như chưa bị khởi tố hình sự cũng là một ưu ái và nhân nhượng không nhỏ của Chính phủ mặc dù người dân không đồng tình!

Mọi người đều biết: Huỷ hoại môi trường là một tội danh nghiêm trọng trong mọi Bộ Luật Hình sự của các quốc gia trên thế giới. Huỷ hoại môi trường đến mức gây ra thảm hoạ môi sinh, làm ngưng trệ cuộc sống của con người trên một vùng rộng lớn suốt dọc 200km bờ biển 4 tỉnh miền Trung (có thợ lặn đã chết vì lặn xuống vùng nước thải độc, nhiều ngư dân phải cấp cứu vì bị trúng độc do ăn phải tôm, cá, mực bị nhiễm độc), làm cho môi trường sống của hàng triệu người bị đe dọa trầm trọng trong hàng chục năm! Đó không chỉ là tội ác đơn thuần mà là tội ác diệt chủng, là tội ác chống lại loài người!

Thảm hoạ cá chết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm tội ác mà các ngươi đã gây ra đối với ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Cái phần chìm rất lớn của tảng băng tội ác này chính là sự nguy hại cho cuộc sống sau này: Đó là nền tảng sự sống, hệ sinh thái trong lòng và dưới đáy biển mà các ngươi vừa huỷ diệt sẽ để lại hậu quả và di chứng kéo dài ít nhất là hàng chục năm cho đến nửa thế kỷ, sẽ rất khó hồi phục! Tội ác này các ngươi đã gây ra có thể nói là “trời không dung, biển không tha” đâu!

Ta nghe nói, bọn ngươi đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam xác định là thủ phạm gây thảm hoạ cá chết, biển chết ngay từ cuối tháng 4/2016, nhưng vì nhiều lý do tế nhị khác nhau – chủ quan cũng như khách quan – nên đã không thể công bố sớm cho đến khi có được một kịch bản khả dĩ mà các bên liên hệ có thể chấp nhận được! Như vậy đã đủ nhân từ với các ngươi chưa? Trước đó, các ngươi còn trịch thượng, thông qua kẻ phát ngôn, ngang ngược và hỗn hào thách thức nhân dân và Thủ tướng Việt Nam là: Chỉ có thể chọn CÁ hoặc THÉP! Các người đã nhận được câu trả lời đanh thép là dân chọn CÁ SẠCH và MÔI TRƯỜNG SẠCH, chứ không chọn THÉP!  Nếu các ngươi thú nhận tội lỗi ngay từ đầu, công khai nhận trách nhiệm, không đổ tội cho khách quan, sẽ giúp cho Chính phủ đỡ bối rối và lúng túng, tránh được những sự việc đáng tiếc và không dễ quên giữa chính quyền và người dân trong 3 tháng căng thẳng này, ta tin rằng mọi chuyện có thể đã khác, chắc sẽ “lành” hơn cho các ngươi cũng như các bên liên hệ!

Ta thực sự không hiểu lý do tại sao Formosa Plastics các ngươi nổi tiếng là tập đoàn kinh doanh vô luân, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt lợi nhuận tối đa, là kẻ nổi danh đầu độc môi trường sinh thái, bị cả thế giới xua đuổi và bị nguyền rủa ngay tại chính quê hương, đất nước các ngươi, lại được rước về đây để thực thi kế sách đầu độc dân tộc này? Phải chăng các ngươi ỷ thế của kẻ lắm của, nhiều tiền, bỏ ra chút ít để mua những kẻ tham nhũng bản địa táng tận lương tâm, trong người không còn dòng máu con Lạc, cháu Hồng nào, để có được những ưu đãi đủ thứ:  Từ địa điểm dự án (Vũng Áng-Sơn Dương) có vị trí chiến lược rất nhạy cảm về quân sự, cho đến thời hạn đầu tư vượt khung lên đến 70 năm, từ giá thuê đất rẻ mạt cho đến mức thuế quan cực thấp,v.v… , tất cả đều vượt ngoài khuôn khổ pháp lý. Các ngươi tưởng thế là có thể yên tâm che mắt được thế gian sao?  Ai chứ người dân Việt Nam thừa tỉnh táo và cảnh giác đối với các ngươi, không bao giờ cho các ngươi và bọn tay sai thực hiện kế sách nham hiểm mà bọn ngươi ấp ủ xưa nay!

Ta thẳng thắn khuyên các ngươi: Hãy tự nguyện rời bỏ và mang theo mọi ý đồ tội ác của các ngươi khỏi xứ sở này đi vì ở đây không một ai hoan nghênh các ngươi cả, ngoại trừ bọn quan tham, bọn bán nước hại dân! Chừng nào các ngươi có mặt trên đất nước này thì nguy cơ dân tộc Việt Nam ta bị các ngươi đầu độc luôn luôn hiện hữu, môi trường sống và biển sạch rồi sẽ sớm bị các ngươi bức tử một lần nữa! Ta cũng thừa biết, tội ác này không dễ thực hiện nếu các ngươi không có sự tiếp tay, bao che, đồng lõa của bọn quan chức bản địa xấu xa, có chức có quyền! Vịêc này, nhân dân ta sẽ tính sổ sau với chúng. Nhưng lúc này nếu các ngươi công bố danh sách tên tuổi, chức vụ, bằng chứng cụ thể bọn này thì sẽ là tình tiết giảm nhẹ tội lỗi cho các ngươi sau này!

Các ngươi đừng tưởng bỏ ra 500 triệu USD là có thể xóa sạch mọi tội ác các ngươi đã gây ra. Số tiền đó có thể làm hài lòng ai đó, chứ quyết không lừa dối được các ngư dân là nạn nhân nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung! Cho đến nay, tổng thiệt hại về mặt vật chất và tinh thần của hơn 1 triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung đã có ai thống kê đầy đủ đâu? Ta e rằng 500 triệu USD kia không đủ kinh phí cho riêng việc tảy sạch môi trường biển miền Trung chứ đừng nói đến việc bồi thường thiệt hại cho trên 1 triệu ngư dân đâu? Số tiền 500 triệu USD này nghe đâu các ngươi còn tính cả cho kinh phí “hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho hơn 1 triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung và gia đình của họ”, trong đó có việc “ưu tiên cho bà con ngư dân đi xuất khẩu lao động ”!? Các ngươi thật là nham hiểm cùng cực! Các ngươi đã đẩy đuổi được gần 3.000 người dân ở Sơn Dương – Vũng Áng đi rồi, nay còn định lợi dụng thảm họa này sẽ “hốt” luôn cả 1 triệu ngư dân 4 tỉnh miền Trung vĩnh viễn rời xa ngư trường để các ngươi dễ bề thao túng, làm chủ vùng biển chiến lược này của đất nước ta ư? Nếu mưu kế quỷ quyệt này thành công, Nhà nước ta sẽ lấy ai đây để thay thế “những cột mốc chủ quyền di động trên biển” nhằm bảo vệ ngư trường truyền thống và biên cương biển đảo của Tổ quốc Việt Nam ta đây? Tội ác đầu độc môi trường biển miền Trung đã chưa đủ mức “trời không dung, biển không tha” hay sao mà các ngươi còn dùng quỷ kế “ dùng người Việt đuổi người Việt” để dễ bề cướp nước ta trắng trợn như vậy? Các ngươi thực sự là những kẻ nham hiểm và tàn độc đến cùng cực đối với đất nước này!

Mặc dù các người đã quá tàn độc với dân tộc ta, nhưng vì “đại cục”, ta muốn đưa ra lời khuyên thẳng thắn là các ngươi hãy sớm tự nguyện cuốn xéo khỏi đất nước này trước khi qua muộn, nếu không các ngươi sẽ phải gánh chịu những rủi ro và khả năng hiện hữu như sau:

1 – Trước mắt, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Thuế-Bộ Tài chính sẽ sớm tiến hành truy thu tất cả các khoản thuế mà các ngươi còn thiếu hoặc chây ỳ chưa chịu nạp. Ta nghe nói con số này có thể lên tới hàng ngàn tỷ VNĐ!  Ấy là chưa nói đến khả năng họ sẽ khởi kiện các ngươi ra tòa vì tội “trốn thuế”, vì họ đã có đầy đủ bằng chứng trong hồ sơ!

2 – Sau đó các ngươi chắc chắn sẽ phải đối mặt với vụ kiện dân sự tập thể mà nguyên đơn là các nạn nhân là ngư dân 4 tỉnh miền Trung. Họ sẽ đòi bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, sức khỏe và tính mạng do tội ác các ngươi đã gây ra mà các ngươi đã thừa nhận (trong văn bản xin lỗi nhân dân VN ngày 28/6/2016!). Tòa sẽ căn cứ vào mức thiệt hại thực tế của các nạn nhân để đưa ra mức bồi thường. Ta tin rằng, riêng mức bồi thường dân sự này chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, chứ không phải chỉ là mức 500 triệu USD mà các ngươi đã thỏa thuận khống và trọn gói kia đâu!

3- Và rồi tiếp theo sau đó các ngươi sẽ phải đương đầu với khả năng (ta dùng từ khả năng, nhưng ta tin chắc đây là hiện thực) sẽ có những hội đoàn và cá nhân Việt Nam yêu cầu khởi tố hình sự các ngươi trước các Tòa án Việt Nam và nếu các ngươi né được ở đây thì Tòa Hình sự ở Đài Loan hoặc một Tòa Hình sự quốc tế khác sẽ thụ lý các đơn kiện này! Hẳn các ngươi sẽ thừa biết hậu quả sẽ như thế nào nếu luật pháp xử lý hình sự tội ác này! Các ngươi sẽ không chỉ phải bồi thường mà các ngươi sẽ còn bị phạt vạ một số tiền không nhỏ vì đã gây ra tội ác thảm họa môi trường, các ngươi sẽ phải bỏ ra không phải là 500 triệu USD mà chắc chắn sẽ gấp hàng chục lần số tiền đó để khắc phục hậu quả, hoàn nguyên môi trường biển!  Hơn nữa, và đây là điều quan trọng, rồi trong số các ngươi sẽ có kẻ lĩnh án tù, tập đoàn FORMOSA sẽ bị buộc phải ngừng hoạt động hoặc đóng cửa vĩnh viễn, lúc đó hẳn các ngươi sẽ lâm vào vũng lầy phá sản!

Các ngươi đừng tưởng có thể dễ “chạy” để khỏi bị khởi tố hình sự bằng túi tiền của các ngươi đâu. Vì nếu các cơ quan tư pháp có chức năng tố tụng không chịu khởi tố hình sự các ngươi thì chính họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội cố ý bỏ lọt tội phạm vì đã “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo quy định tại Điều 294 Bộ luật Hình sự năm 1999 và tại Điều 369 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ta thiết nghĩ trên đời chẳng có mấy ai vì nhân đạo hay lý do nào đó mà chạy tội cho thủ phạm để rồi chính mình sẽ bị truy tố và phải ngồi tù thay cho thủ phạm đâu! Do vậy các ngươi đừng có đắc thắng và vội ảo tưởng!

Trên là vài lời ngỏ của cá nhân người viết gửi Ban lãnh đạo Tập đoàn Formosa Plastics ở Đài Loan, ở Trung Quốc lục địa cũng như ở Việt Nam. Ta mong các ngươi nghiêm túc lắng nghe và thật sự phục thiện, sớm hồi tâm và hối cải!

Hà Nội, ngày 7/7/2016.

Ân Nghĩa & Oán Hận

Ân Nghĩa & Oán Hận

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

tuongnangtien's picture

RFA

Sau gần một thập niên giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã hạ … cánh an toàn, và để lại (hơi) nhiều điều tai tiếng. Người kế nhiệm, ông Nguyễn Đức Chung, tuy mới nhận việc chưa lâu nhưng đã được dân chúng và nhiều ban ngành đoàn thể “hoan nghênh” và “ngợi khen” không ngớt – theo như nguyên văn cách dùng từ của giới truyền thông thuộc nhà nước Việt Nam:

Hôm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ ký quyết định tuyển dụng đặc cách vợ của phi công Trần Quang Khải vào dạy tại trường Chu Văn An.

Trước nỗi đau, mất mát to lớn về con người sau khi sự ra đi của phi công, Đại tá Trần Quang Khải (thuộc Trung đoàn không quân 923, Quân chủng Phòng không – Không quân, đóng tại sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) gặp nạn khi luyện tập nghiệp vụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có quyết định kịp thời để động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình phi công Trần Quang Khải vơi đi nỗi đau, vượt lên khó khăn trong cuộc sống...

Trước việc làm kịp thời của người đứng đầu chính quyền UBND TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng hết sức ghi nhận và hoan nghênh về chủ trương rất kịp thời này của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cùng  các sở, ban ngành liên quan.

Sau khi biết được chủ trương rất kịp thời từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nhiều bạn đọc đã gửi những lời cảm ơn, chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (trái) nhận lời chúc mừng của người tiền nhiệm Nguyễn Thế Thảo. Ảnh và chú thích: báo Kinh Doanh 

Công luận, buồn thay, vẫn có dăm ba điều tiếng (eo sèo) về “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.”

     – Lã Yên:

“Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là    không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dỡ, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt.

Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì đó không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân “cột mốc sống bảo vệ chủ quyền” bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?”

     – Mạc Văn Trang:

“Trong lúc gia đình liệt sĩ Khải đau đớn, tang gia bối rối, tập trung hết tình cảm, sức lực vào lo đám tang, thì mọi sự thông cảm, giúp đỡ hay thực hiện chính sách [nên làm] sao cho tế nhị, không làm xáo động tâm trạng tang gia…

Nếu ông Chủ tịch Hà Nội quan tâm, thì đến thăm viếng, chia buồn và nói riêng, hoặc để lại dòng chữ cho vợ liệt sĩ, rằng xin chị an lòng, sẽ sắp xếp chị vào làm giáo viên Hà Nội… Việc gì ông phải tuyên bố rùm beng, đưa vào trường Chu Văn An, rồi cho báo đài đưa tin ầm ĩ? Người ta có quyền nghĩ, ông lợi dụng việc này để quảng cáo cho ông là chính!”

Tôi thât tiếc là đã không thể đồng tình với những ý kiến (trái chiều) thượng dẫn. Theo Wikipedia tiếng Việt thì ông Nguyễn Đức Chung hiện đang là Ủy Viên Trung Ương Đảng khóa XII mà Đảng thì có nguyên cả một đội ngũ dư luận viên chuyên “đánh bóng lư đồng.” Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội, do đó, cần chi phải tự vái mình – trừ trường hợp ông có chu cầu muốn “quảng cáo” thêm (cho nó chắc ăn) như vị Chủ Tịch Nước, với bút danh Trần Dân Tiên, ngày trước.

Tôi cũng rất tiếc là Đảng đã không trao cho Nguyễn Đức Chung những trọng trách lớn lao hơn – ở tầm mức quốc gia – để cả nước được nhờ (chứ không riêng gì vợ con của phi công Trần Quang Khải) vào “quyết định kịp thời” và “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen” của ông.

Xin đơn cử một thí dụ, một “quyết định muộn màng.” Ngày 29 tháng 3 năm 2016 vừa qua, báo Quân Đội Nhân Dân hân hoan thông báo:

“Từ ngày 1-1-2016, các chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc…

Các đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí. Trợ cấp một lần từ 2 đến 3,5 triệu đồng…

Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng…”

Nữ dân công hỏa tuyến & nhiệm  vụ quốc tế. Ảnh: tạp chí Tài Chánh

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà người ta chỉ cần làm ngày là đủ, chớ không ai phải tranh thủ làm đêm (làm thêm giờ nghỉ) và phải làm luôn “nhiệm vụ quốc tế” (nữa) nên không biết chi về công tác của lực lượng “dân công hoả tuyến” cả. Lò mò tìm hiểu thì được ông Hà Xuân Định, Chính Trị Viên Đại Đội Dân Công Hỏa Tuyến Mặt Trận B5, cho biết như sau:

“Nhiệm vụ đầu tiên của dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ là tiếp tế đạn trực tiếp cho chiến trường, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch…

Riêng đoàn dân công Quảng Bình phục vụ vận chuyển đã đạt 135% kế hoạch đề ra. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu như Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy liên tục vận chuyển gạo, đạn, tải thương phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, sau đợt phục vụ chiến dịch, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch) thường xuyên gùi hàng với mỗi chuyến 100 kg; đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao.

Chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn – Thanh Hóa) chở mỗi chuyến trên 500 kg… Những chiến công của lực lượng dân công hỏa tuyến các địa phương Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào…”

Qúi đồng chí Hồ Thị Thu Hiền, Dương Văn Tiên,  Nguyễn Đức Thọ  … nếu còn sống sót, và vẫn còn giữ được những huân chương chiến công (làm bằng) thì họ sẽ là đối tượng của Quyết Định số 49 (ký vào ngày 14 tháng 10 năm 2015) và sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần … từ 2 đến 3,5 triệu đồng” …

Thiệt là tình nghĩa và tử tế hết biết luôn. Thảo nào mà ông nhà báo Duy Đức phải thốt nên đôi lời cảm kích:

Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ mang đậm tính nhân văn, phù hợp đạo lý, truyền thống dân tộc, thoả lòng mong ước của hàng vạn dân công hoả tuyến qua các thời kỳ trong cả nước. Những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay đã vào tuổi 60, thậm chí có cả những người đến tuổi “xưa nay hiếm.

Sự “cảm kích” của ông Đức khiến tôi nhớ đến những câu thơ, viết về những cô Thanh Niên Xung Phong, của thi sĩ Anh Ngọc:

Có những người leo núi
Vượt qua dốc Cổng Trời
Là những cô con gái
Qua tuổi mình ba mươi…

Cơn sốt rét triền miên
Tóc mọc rồi lại rụng
Mùa xuân thành báo động
Đoá hoa nhầu trên tay…

Đi qua tuổi ba mươi
Nhọc nhằn và lặng lẽ
Bao ước mơ giản dị
Mà sâu thẳm không cùng

Hơn mọi sự anh hùng
Là điều này nhỏ bé
Làm vợ và làm mẹ

Tuổi ba mươi chối từ …

Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong san lấp hố bom do địch bắn phá tại đường Trường Sơn. Chú thich:Báo Tin Tức.  Ảnh: Hữu Ngôi-TTXVN

Sau cuộc chiến – nếu sống còn – những “đoá hoa nhầu,”  hay những quả chanh khô (theo như cách nói bạc bẽo của đời thường) có tên gọi là nữ TNXP đều trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!

Ông Nguyễn Đức Chung còn khá trẻ, hoạn lộ còn dài. Hy vọng, sẽ có lúc vị CTUBNDTPHN được giữ chức Thủ Tướng để “kịp thời” ký một cái Quyết Định về “chính sách được hưởng chế độ” cho đám TNXP. Họ đã “đi qua tuổi ba mươi, nhọc nhằn và lặng lẽ.” Phần lớn (nay) đang bước vào tuổi bẩy mươi, cũng lặng lẽ và nhọc nhằn không kém mà vẫn chưa được hưởng chế độ gì ráo trođi – dù chỉ một lần, và rất tượng trưng!

Hiện tượng cá chết nhìn qua Luật Sinh Tồn của dân tộc

Hiện tượng cá chết nhìn qua Luật Sinh Tồn của dân tộc

 Lê Minh Nguyên

Hiện tượng cá chết xuất hiện ở bốn tỉnh miền Trung bắt đầu từ ngày 6/4/2016 và trãi dài từ Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chất độc theo dòng hải lưu và lây lan sang các tỉnh phía nam như Quảng Nam-Đà Nẵng và đi vào sợi dây chuyền thực phẩm như rong rêu, nghêu, sò, cá, chim, muối… và tiếp tục hiện hữu như trầm tích kéo dài nhiều thập niên để tương tác vào dây chuyền thực phẩm, gây ung thư lên sức khoẻ người dân như đã xảy ra trước đây ở nhiều nơi trên thế giới mà điển hình là Vịnh Minamata bên Nhật kéo dài hơn nửa thế kỷ (bit.ly/29dA2I0).

Do đặc tính của chế độ là bưng bít và tuyên truyền nên đại nạn này, nó ảnh hưởng trực tiếp lên sức khoẻ của hàng triệu người dân, phải mất gần ba tháng mới được chính quyền chính thức công bố hôm 30/6/2016. Sự công bố là kết quả của một sự thương lượng kín giữa chính quyền CSVN và công ty Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS – Formosa Hatinh Steel Corporation), nạn nhân hoàn toàn bị gạt ra bên ngoài làm kẻ bàng quan. Theo luật sư Trần Vũ Hải, mặc dù FHS đã chịu trách nhiệm và nhận lỗi, nhưng vẫn chưa chân thành, họ vẫn cho rằng trách nhiệm của họ không lớn mà đó là bởi lỗi của các nhà thầu phụ (bit.ly/29ewRMu).

Số tiền 500 triệu đôla bồi thường là một sự móc ngoặc của CSVN và FHS, nó được nặn ra (mà không cho biết căn cứ vào đâu) để CSVN chứng tỏ là có thực thi vai trò lãnh đạo, hơn là giải quyết một cách có trách nhiệm vấn đề, vì nó quá nhỏ và gần như vô nghĩa so với sự sinh tồn của hàng triệu dân mà nhiều khía cạnh sinh tử khác không được minh bạch chỉ ra. Các chuyên gia cho rằng vụ việc chưa thể kết thúc tại đây vì những tác động lâu dài vẫn còn đó và chưa rõ hướng khắc phục. Cựu Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường GS Đặng Hùng Võ nói rằng đền bù mới chỉ giải quyết được “cái ngọn của vấn đề” (bit.ly/29dMJ5w).

Luật Sinh Tồn nhấn mạnh đến khía cạnh giao thoa giữa sinh vật với môi trường sống. Môi trường sống quyết định không gian sinh tồn và quan năng biến cải quyết định sự sinh tồn hay sự tuyệt chủng của sinh vật. Hai vấn đề then chốt của sinh tồn là môi trường có còn hổ trợ cho sự sống của sinh vật hay không và sinh vật có khả năng biến cải theo sự thay đổi của môi trường hay không (với điều kiện môi trường tuy thay đổi nhưng còn sinh khí).

Áp dụng vào trường hợp cá chết, ta thấy FHS đã huỷ diệt môi trường sống của ngư dân, điển hình là CSVN nói sẽ dùng một phần trong số tiền này để “chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại, nông nghiệp…” cho khoảng một triệu ngư dân bị ảnh hưởng. Nó giết đi ngành nghề chiến lược của một quốc gia biển, nghề vừa phục vụ sự sinh tồn cá nhân của ngư dân, vừa phục vụ sự sinh tồn của dân tộc trong việc bảo vệ ngư trường và biển đảo, giết với giá rẻ mạt $500/người (bit.ly/29dOrUO).

Đây có thể không phải là vô tình mà là chủ ý của FHS, nhưng FHS đã không ngờ rằng thay vì gây ra tác hại từ từ thì độc tố lại giết tất cả trong một vùng rộng lớn, từ sinh vật nước cạn đến sinh vật nước sâu. Sự chủ ý đã được lộ ra mà điển hình là ngay sau khi sự cố nổ bùng, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại FHS, hôm 25/4 trả lời kênh truyền hình VTC News, nói rằng Hà Tĩnh “không thể được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”, chứng tỏ FHS đã biết điều chết cá này từ trước. Nếu dân không đánh bắt cá được thì làm sao Việt Nam tranh chấp được ở Hoàng Sa, khi đội quân triệu người đã bị đối phương tiêu diệt? (bit.ly/29dQzM8).

Khối dân tộc Việt ở bốn tỉnh miền Trung giờ đây đứng trước ngã ba của Luật Sinh Tồn, khi vùng đất nước này (hay không gian sinh tồn) đang mất dần sinh khí. Không gian sinh tồn này tồn tại cơ bản là nhờ vào yếu tố biển, vì nơi đây đất hẹp dựa lưng Trường Sơn và khô cằn sỏi đá. Nay yếu tố biển không còn nữa thì quan năng biến cải phải như thế nào nếu không muốn bị diệt vong?

Trước ngã ba đường này Luật Sinh Tồn bảo rằng dân ta phải Tranh Đấu, trong gene của dân tộc Việt thì cái code tranh đấu đã được khắc ghi từ khi dân tộc này hiện hữu. Dân tộc phải tranh đấu với thiên nhiên, với kẻ thù đe doạ sự sinh tồn, dù đó là Trung Quốc, là FHS hay CSVN. Dân tộc ta là dân tộc biển, với bờ biển dài xinh đẹp đã bảo vệ sự sinh tồn của dân ta từ nghìn năm, ngày nay CSVN đã cho dựng lên trên 30 nhà máy gây ô nhiễm thay vì là các trung tâm du lịch, chưa kể các nhà máy điện nguyên tử dự trù xây ở Ninh Thuận sau này. Nó chỉ phục vụ quyền lợi của Đảng CSVN qua tham nhũng đậm trong các chương trình xây dựng bạc tỷ đôla và qua phát triển bằng mọi giá để phục vụ việc nắm quyền mà không cần biết đến không gian sinh tồn và dòng sống của dân tộc sẽ bị di hại ra sao!

Luật Sinh Tồn bảo rằng dân ta phải tranh đấu chống chính sách diệt chủng dân tộc Việt Nam của Cộng sản TQ, chống những kẻ đang tiếp tay cho chính sách này là FHS và CSVN. Và để chiến thắng trong cuộc tranh đấu này, chúng ta phải có sức mạnh, khả năng biến cải và sự hợp quần.

Sức mạnh ở đây là sức mạnh hợp lực của toàn dân ta ở bên trong và bên ngoài Việt Nam. Sự biến cải để chúng ta sử dụng được lợi thế của môi trường như làm sao cho thế giới và nhất là Hoa Kỳ hiệp lực để bảo vệ sự sinh tồn của ta, hay sự đương đầu bất cân xứng (asymmetrical) với đối thủ mạnh hơn ta (David chống Goliath), thí dụ VN có thể trang bị 2,000 hoả tiễn BrahMos dọc bờ biển với giá khoảng 2 triệu đôla/quả (hay 4 tỷ đôla) để tạo không gian “không cho tiếp cận/từ chối vào vùng” (A2/AD – Anti-Access/Area Denial), một phiên bản MAD của VN (Mutual Assured Destruction) để TQ biết rõ rằng sự sinh tồn của dân VN cũng là sự sinh tồn của dân TQ. Nếu thương lượng được với Ấn Độ để sản xuất tại VN, nó có thể rẻ hơn nhiều và số lượng có thể gấp đôi hơn. Vì có cùng kẻ thù, Ấn Độ có thể chia sẻ bản quyền cho VN. Sự hợp quần gây sức mạnh của dân ta sẽ dễ thực hiện hơn với những quốc gia có cùng cảnh ngộ, như Nhật, Phi, Ấn, vì họ đang là nạn nhân của một TQ xâm lược.

Các đại cường có khuynh hướng làm ra luật của họ chứ không muốn tuân theo luật do nước khác làm ra, hay chấp nhận phán quyết của ai đó cho dù là Toà án Quốc tế, cũng như không muốn xin lỗi ai. TQ đang có cung cách này và HK đã có từ lâu. Lịch sử của VN phần lớn là đấu tranh sinh tồn với TQ, dân tộc Việt đã tìm cách thoát khỏi sự đồng hoá của TQ nhờ vào năng lực biến cải, từ văn tự đến văn minh. Ông Robert D. Kaplan trong quyển Asia’s Cauldron nhận xét rằng nếu dân Việt không biến cải để tiếp cận với các nền văn minh khác như Ấn Độ và Hồi giáo thì đã bị TQ đồng hoá từ lâu.

Chủ nghĩa Cộng sản đặt nặng nghĩa vụ quốc tế hơn quyền lợi quốc gia. Luật Sinh Tồn của dân tộc lấy quyền lợi quốc gia dân tộc làm nền tảng cho sự sinh tồn của công dân. Trong vấn đề cá chết, sự sinh tồn của công dân và của cả dân tộc bị đe doạ, mối đe doạ lớn nhất là chính quyền (qua Đảng CSVN) không bảo vệ dân mà chỉ lo độc quyền lãnh đạo, nó đưa đến chính quyền móc ngoặc với tư bản cá mập cá xà và chỉ lo làm đẹp lòng kẻ muốn tiêu diệt dân tộc VN.

Luật Sinh Tồn thôi thúc sự tranh đấu của dân ta và không chấp nhận sự diệt chủng. Để lấy lại không gian sinh tồn, như truyền thống dân tộc đã chứng minh, sự khởi nghĩa thường phát xuất từ các tỉnh Miền Trung, nơi mà sự sinh tồn của dân tộc dễ bị đe doạ và dễ bị ảnh huởng nặng nề, vì không gian sinh tồn khắc nghiệt hơn miền Bắc và miền Nam.

Đã đến lúc dân tộc đứng lên bảo vệ sự sinh tồn và các tỉnh đang mất không gian sinh tồn của miền Trung ra tay phất cờ chủ đạo.

L.M.N.

Nguồn: bit.ly/29eaF8Z

(http://leminhnguyen-articles.blogspot.com/2016/07/hien-tuong-ca-chet-nhin-qua-luat-sinh.html?m=1)

clip_image002

Doanh nghiệp sẽ bỏ sang các nước ASEAN nếu VN không giảm quan liêu

 Doanh nghiệp sẽ bỏ sang các nước ASEAN nếu VN không giảm quan liêu

VOA

Công nhân đang làm việc tại một công xưởng ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn.

Công nhân đang làm việc tại một công xưởng ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế lo ngại bộ máy công chức cồng kềnh, kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn.

Theo báo chí Việt Nam, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói hôm 4/7 rằng trong nửa đầu năm 2016 bộ máy nhà nước đã cắt giảm hơn 10.000 người. Việc tinh giản biên chế diễn ra ở 18 bộ và 61 tỉnh thành trên cả nước.

Tính từ đầu năm 2015 đến nay, bộ máy hành chính đã tinh giản gần 15.000 người. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tân nói trong một cuộc họp của chính phủ cách đây ít ngày rằng tỷ lệ cắt giảm như vậy là “quá thấp” so với yêu cầu giảm 1,5% mỗi năm, tương đương 40.000 biên chế trên tổng số hơn 2,6 triệu công chức, viên chức đang có hiện nay. Khi còn là Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nói có đến 30% làm việc không hiệu quả.

Một số cuộc khảo sát, điều tra trong những năm gần đây của cả các tổ chức trong nước lẫn nước ngoài, như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho thấy bộ máy công chức quá đông có liên quan mật thiết đến nạn nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp và lạm dụng chức quyền ở Việt Nam.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, nói bộ máy công chức cồng kềnh, làm việc kém hiệu quả sẽ dẫn dến nguy cơ nhiều doanh nghiệp trong nước chạy sang các nước lân cận để kinh doanh vì có môi trường thuận lợi hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã có hiệu lực. Ông nói:

“Rất nhiều doanh nghiệp, tôi có thể nói là số ấy là đang tăng lên, đã có nói là nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác. Và nếu cái điều này mà cứ tiếp diễn thì tiền vốn của Việt Nam, trí tuệ của người Việt Nam, cái sự năng động của người Việt Nam lại đem lại lợi ích cho nước ngoài, nộp thuế cho nước ngoài chứ không nộp thuế cho ngân sách Việt Nam”.

Đây sẽ là một sức ép không thể xem thường đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ máy hành chính thừa quá nhiều người còn đe dọa đến việc thực thi các hiệp định quốc tế trong đó có Hiệp định TPP. Tiến sỹ Doanh cảnh báo:

Nếu mà cái sự nhũng nhiễu và cái chi phí ở Việt Nam mà không giảm bớt, thì họ sẽ đi ra nước ngoài họ bỏ vốn họ đầu tư và họ sẽ sản xuất ở đó, rồi thì họ sẽ xuất khẩu về Việt Nam với cái thương hiệu của các nước ASEAN khác.

Lê Đăng Doanh.

“Cái bộ máy này sẽ cần phải đổi mới một cách hết sức mạnh mẽ. Nếu không có, thì nó sẽ không thể nào đáp ứng được các cái yêu cầu của cái Hiệp định hợp tác Xuyên Thái Bình Dương”.

Để có thể cắt giảm nhiều hơn nữa con số công chức, viên chức trong bộ máy hành chính, vị cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất rằng hệ thống những người ăn lương từ ngân sách phải được cải tổ một cách cơ bản. Ông nêu ra những vấn đề cần giải quyết:

“Các cái tiêu chí đề ra là phải làm rõ anh ăn lương để anh làm cái việc gì, đem lại cái hiệu quả gì, và cái trách nhiệm giải trình của anh đối với đồng lương nó là như thế nào để làm cái căn cứ để có thể giảm bớt các cái biên chế, giảm bớt bộ máy cồng kềnh, và làm rõ thế thì anh ăn lương thì anh phải đem lại cái lợi ích gì cho người dân”.

Các thống kê và báo chí trong nước chỉ ra rằng tỷ lệ công chức của Việt Nam quá lớn so với dân số vì ngoài bộ máy chính phủ còn có nhiều người hưởng lương từ ngân sách song lại làm việc cho bộ máy của đảng Cộng sản cầm quyền và các đoàn thể. Bên cạnh đó là số cán bộ khá lớn tại các xã, phường được hưởng lương nhà nước song không rõ chức năng nhiệm vụ là gì.

Tiến sỹ Doanh cho rằng sau khi lên làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có những động thái đáng chú ý và được xem là tích cực như chỉ đạo cắt giảm giấy phép con trong kinh doanh, không hình sự hóa các giao dịch dân sự, tinh giản biên chế, yêu cầu bộ máy làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, điều quan trọng, theo ông Doanh, là phải biến các chỉ đạo đó thành hiện thực cũng như phải hình thành các đề án có tính hệ thống và có tính căn bản.

Chính phủ Việt Nam nợ gần 86 tỷ đôla

 Chính phủ Việt Nam nợ gần 86 tỷ đôla

 VOA

 

Dư nợ của chính phủ Việt Nam tăng nhanh qua các năm và đến hết 2014 đã vượt con số 1,8 triệu tỷ đồng, khoảng 86 tỷ đôla.

Con số này mới được tiết lộ trong bản tin nợ công của Bộ Tài chính Việt Nam, tức tăng mạnh so với mức 1,5 triệu tỷ đồng của năm 2013.

Còn nếu so với năm 2010, khi dư nợ chỉ ở mức hơn 889.000 tỷ đồng, số vay nợ trong năm 2014 đã tăng gấp đôi.

Theo cơ cấu, nợ trong nước vẫn lớn hơn so với nợ nước ngoài. Cụ thể, năm 2014, nợ nước ngoài là trên 810.000 tỷ đồng còn nợ trong nước trên một triệu tỷ đồng.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến hết năm 2015, nợ chính phủ ước tính ở mức 50,3% GDP.

Bộ này cũng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc bảo lãnh vay nợ cho các dự án, chương trình trong năm 2015.

Theo đó, tính đến hết tháng 12 năm ngoái, số tiền chính phủ Việt Nam cam kết bảo lãnh để các doanh nghiệp, mà phần lớn là các “ông lớn” nhà nước vay đã lên đến 25,98 tỉ đôla.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được quốc hội Việt Nam bầu làm thủ tướng năm 2006, và trong kỳ Đại hội Đảng 12 vừa qua, ông đã “xin rút” để “về nghỉ chính sách”.

Trước khi “kết thúc nhiệm vụ”, ông Dũng đã khuyên bản thân và các thành viên nội các còn tại vị là “ráng làm người tử tế”.

Theo Thanh Nien, VnExpress

‘Ngậm miệng’ vụ ngư dân bị ép nhận ‘Biển Đông của Trung Quốc’

‘Ngậm miệng’ vụ ngư dân bị ép nhận ‘Biển Đông của Trung Quốc’

Người Việt

3-7-2016

Ông Võ Văn An (trái) thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu QB 93694 đang bị Trung Quốc tạm giữ. Hình: Người Lao Động.

HÀ NỘI (NV) – Vẫn chưa thấy Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng phản đối về việc Trung Quốc bắt hai tàu đánh cá và 17 ngư dân, ép họ ký vào các văn tự thừa nhận Biển Đông của Trung Quốc.

Hôm 16 tháng 6, một chiến hạm của hải quân Trung Quốc đã phối hợp với ba tàu đánh cá của Trung Quốc bắt giữ hai tàu đánh cá một mang số hiệu QB 93694 và một mang số hiệu QB 93480 với 17 ngư dân khi hai tàu này đang đánh cá ở vịnh Bắc bộ.

Cả hai tàu lẫn 17 ngư dân cùng bị áp giải về đảo Hải Nam. Tại đó, mỗi ngư dân bị ép ký 8 tờ giấy. Riêng hai thuyền trưởng, mỗi người bị ép ký hàng trăm tờ giấy. Tất cả đều viết bằng Hán tự nhưng một tờ trong số đó có tiếng Việt, ghi sẵn câu: “Tôi xác nhận biển Đông và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.”

Các nạn nhân kể rằng, không ai dám từ chối ký vì những kẻ “thi hành công vụ” của Trung Quốc dọa rằng, ai không ký thì không những không được thả mà còn bị đánh.

Sau năm ngày tạm giữ 17 ngư dân, Trung Quốc đã đẩy 17 ngư dân xuống tàu đánh cá mang số hiệu QB 93480 để họ tự tìm đường về. Tàu mang số hiệu QB 93694 vẫn đang bị Trung Quốc tạm giữ.

Chỉ có vài tờ báo tại Việt Nam đề cập đến sự kiện này. Ngày 25 tháng 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam xác nhận, hải cảnh Trung Quốc có thông báo cho Việt Nam về việc bắt giữ hai tàu đánh cá QB 93480, QB 93694 và 17 ngư dân. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại Sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc “làm việc với các cơ quan hữu trách của Trung Quốc đề nghị nhanh chóng thả các tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói thêm rằng, đối với thông tin ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc ép ký các văn tự công nhận Biển Đông và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà báo giới cung cấp, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại Sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc “làm rõ để có các phản ứng phù hợp.” Đến nay, Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn còn im lặng, chưa lên tiếng phản đối ít nhất là về việc bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam.

Vụ hai tàu đánh cá QB 93694, QB 93480 và 17 ngư dân ở Quảng Bình bị bắt khi đang đánh cá ở vịnh Bắc Bộ như đã kể xảy ra đúng vào ngày Việt Nam nhờ Trung Quốc hỗ trợ tìm kiếm hai phi cơ bị rơi và chín sĩ quan không quân mất tích.

Ngoài việc cử một tàu chuyên tìm kiếm – cứu nạn của Trung Tâm Tìm Kiếm-Cứu Nạn Trung Quốc ra Biển Đông trong ngày 16 tháng 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết thêm, từ 17 tháng 6, không quân Trung Quốc đã điều động ba phi cơ, hải quân Trung Quốc đã điều động bốn chiến hạm (một tàu ngầm, một khu trục hạm, hai trục lôi hạm), cảnh sát biển Trung Quốc đã điều động ba tàu vào vịnh Bắc Bộ “hỗ trợ nhân đạo.” Theo yêu cầu của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, các quân khu Quảng Tây và Hải Nam cũng đã ra lệnh cho các tàu đánh cá có vũ trang – vốn được Trung Quốc tổ chức thành “dân quân trên biển” đến vịnh Bắc Bộ.

Không rõ chiến hạm và những tàu đánh cá có vũ trang nào trong số này đã bắt giữ hai tàu đánh cá QB 93694, QB 93480. Cho đến nay, vì vẫn còn ba sĩ quan không quân mất tích nên có thể sẽ phải chờ lâu hơn mới thấy Bộ Ngoại Giao Việt Nam lên tiếng phản đối. (G.Đ)