Lễ Hội & Quốc Hội- S.T.T.D Tưởng năng Tiến

Lễ Hội & Quốc Hội

S.T.T.D Tưởng năng Tiến

RFA

Ảnh của tuongnangtien

tuongnangtien

Tôi thì may mắn không dính dáng gì đến đám ma cô và  đĩ điếm nhưng lại phải sống tha phương cầu thực cũng gần cả đời người. Lê la và lê lết rất nhiều nơi nhưng  không thấy đâu lại có lắm thứ lễ lạt như ở quê mình:

  • Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Anh Hùng
  • Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Đoạt Chuẩn Quốc Gia
  • Lễ Trao Tặng Vinh Dự Nhà Nước
  • Lễ Trao Tặng Dụng Cụ Cho Học Sinh Nghèo
  • Lễ Trao Tặng Huy Hiệu Đảng
  • Lễ Đón Nhận Bằng Khen
  • Lễ Tôn Vinh Doanh Nghiệp Xuất Sắc & Doanh Nhân Tiêu Biểu
  • Lễ Tôn Vinh Thương Hiệu Phát Triển Bền Vững
  • Lễ Tiếp Nhận Cán Bộ Chuyên Trách Về Công Tác
  • Lễ Tiếp Nhận Thiết Bị Phòng Thí Nghiệm
  • Lễ Vinh Danh Các Doanh Nghiệp Du Lịch Hàng Đầu
  • Lễ Vinh Danh Báo Cáo Thường Niên Tốt

Mới đây, L.S Lê Công Định còn cho biết thêm một thứ nghi lễ mới (Lễ Trao Giấy Chứng Nhận Chấp Hành Xong Án Phạt Quản Chế) chưa từng có trong lịch sử nước nhà:

Sáng hôm qua 6/2/2016, tôi đến trụ sở Công an phường lúc 8 giờ, trình diện lần cuối theo án lệnh quản chế từ 3 năm nay… Buổi trình diện diễn ra nhanh chóng rồi chuyển ngay sang phần quan trọng hơn, đó là lễ trao Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt quản chế cho tôi...

Thành phần tham dự, ngoài tôi, còn có ông Chủ tịch phường, ông Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường, hai nhân viên an ninh thuộc Công an TPHCM, một nhân viên an ninh thuộc Công an quận 7 TPHCM, một cảnh sát khu vực và một đại diện Cơ quan thi hành án quận 7. Tại Việt Nam, các cơ quan thi hành án là bộ phận của ngành công an… Buổi lễ được ghi hình trực tiếp bởi nhân viên an ninh thuộc Công an TPHCM …

Thiệt là thầy chạy!

Lễ lạt tuy nhiều nhưng không lắm bằng hội hè, đình đám. Theo nhà văn Võ Thị Hảo thì “cả nước có hơn có hơn 8000 lễ hội” (tám ngàn, tôi ghi thêm cho rõ, tnt) nên “không thể thống kê hết số người bị thương, đổ máu hoặc ngất xỉu ngay trong một mùa hội và qua vài năm gần đây.”

Bữa rộn ràng và hoạt náo nhất (vào hôm 22 tháng 5 năm 2016 vừa qua) may thay không có ai bị thương hay đổ máu. Báo chí nhà nước mệnh danh đây là Ngày Hội Lớn Của Non Sông:

Riêng tại Bắc Kạn, ngoài cờ, hoa, biểu ngữ, tranh cổ động … Đoàn Nghệ Thuật Dân Tộc Tỉnh còn có một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt (Như Có Bác Giữa Ngày Hội Non Sông) nữa!

Nguồn ảnh:backantv

Thiệt là tưng bừng, náo nhiệt, hết biết luôn. Sau cái ngày Hội Của Non Sông linh đình này, báo Báo Công An Nhân Dân hân hoan tường thuật:

“Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, theo báo cáo ban đầu của  63 tỉnh, thành phố, đến hết 19h cùng ngày đã có 98,77%, tương đương khoảng 65 triệu cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu.”

Cùng lúc, Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân long trọng tuyên bố: “Ngày 22/5 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.” Ô, như thế thì cái gọi là ngày hội non sông (“thực sự”) lại là ngày bầu cử. Đúng là “làm xiếc ngôn từ.” Nghe mà ớn chè đậu!

Té ra Ngày Hội Non Sông vừa qua chỉ là một ngày hội giả, do nhà nước “thiết kế” để tạo ra một cuộc bầu bán giả, và một cái quốc hội cũng giả luôn. Chỉ có khoản chi phí là thật, và vô cùng tốn kém, theo nhận xét của tác giả Mạc Văn Trang – vào hôm 21 tháng 5 năm 2016:

Vậy Đảng công bố luôn danh sách các đại biểu Đảng đã chọn xong, cho dân biết. Thế có phải nhanh, gọn, minh bạch, thật thà, tiết kiệm hơn không!

Ai cũng biết là vậy, lại còn cứ tuyên truyền giả tạo, đóng kịch làm gì! Nào là Bầu cử là “Ngày Hội non sông”, “Lá phiếu là Trái tim của cử tri”, “Lá phiếu của cử trị sẽ chọn ra người tài đức”, đi bầu là “Quyền và Nghĩa vụ thiêng liêng của công dân”; nào là “toàn dân nô nức”, nào là “cảnh giác các thế lực thù địch phá hoại”; nào là cờ, đèn, kèn trống, loa đài khẩu hiệu rợp trời, nào loa đọc suốt ngày, nào truyền hình trực tiếp….

Tốn kém đến 3.500 tỉ đồng và bao nhiêu sức người, sức của; bao nhiêu là long trọng, bao nhiêu là hoa mĩ, bao nhiêu là phô trương… chỉ để làm một việc … không cần thiết.

TX Kỳ Anh lộng lẫy trước ngày hội lớn. Ảnh chú thích: baohatinh

Hơn sáu mươi năm trước, vào ngày 30 tháng 10 năm 1956, tại Hội Nghị Mặt Trận Trung Ương, L.S. Nguyễn Mạnh Tườngcũng đã đưa ra một nhận định (gần) tương tự:

“Dư luận quần chúng quan niệm rằng Quốc hội chỉ có quyền thông qua chính sách mà thôi… với vai trò yếu ớt hiện thời quyền dân chủ của quần chúng không được thực hiện.”

Thảo nào mà Lê Phú Khải phải kêu trời: “Tôi đã phải sống với ‘con điếm’ ấy cả đời người.” Sức chịu đựng của  nhà văn chúng ta quả là bền bỉ. Và đây là đức tính chung của cả dân tộc Việt, chứ nào có phải riêng ai.

Hơn sáu mươi năm qua, dường như, chỉ có ba công dân Việt Nam không đủ nhẫn nại trước cái trò (“bầu bán”) đĩ điếm này thôi – theo như tường thuật (chắc có thêm hơi nhiều mắm muối) của báo Người Lao Động:

“… năm 2005, Huỳnh Ngọc Tuấn không chịu tham gia Bầu cử Quốc hội khóa XII, khi tổ công tác đến nhà vận động đi bầu cử thì Tuấn và gia đình lăng mạ, chửi bới, xúc phạm. Mới đây, trong đợt bầu cử của năm 2011, Tuấn cùng con gái là Huỳnh Thục Vy và con trai Huỳnh Trọng Hiếu tiếp tục ‘không’ tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIII và Bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ngoài ra, ba cha con Tuấn còn lấy thẻ cử tri ghi vào dòng chữ “NO!

Ba cha con ông Tuấn ghi chữ “NO” vào thẻ cử tri và chụp ảnh đưa lên mạng để bôi nhọ cuộc bầu cử Quốc hội. Ảnh & chú thích: Báo NLĐ

Nếu vỏn vẹn chỉ có ba chữ “NO” trong số hơn sáu chục triệu thẻ cử tri thì sợ rằng dân tộc Việt còn phải sống với “con điếm” này lâu, phải vài “đời người” (nữa) không chừng!

Việt Nam vẫn mắc kẹt tại ngã ba đường

Việt Nam vẫn mắc kẹt tại ngã ba đường

Viet-studies

Nguyễn Quang Dy

Albert Einstein và câu nói nổi tiếng của ông. Nguồn: interne

Albert Einstein và câu nói nổi tiếng của ông. Nguồn: internet

“Có hai thứ vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người…” (Two things are infinite: the universe and human stupidity – Albert Einstein)

Hơn bảy thập kỷ sau khi lập quốc (1945) và hơn bốn thập kỷ sau cuộc chiến tranh Việt Nam (1975), đất nước vẫn đang mắc kẹt tại ngã ba đường. Tại sao lại có bi kịch này? Làm thế nào để thoát ra ra khỏi ngã ba đường của lịch sử?

Trong nhiều thập kỷ, đất nước đã bị sa vào chiến tranh và bạo lực, cực đoan và hận thù, như cái bẫy ý thức hệ. Những thế lực cực đoan (trong và ngoài nước) đã thao túng số phận đất nước này, làm cho chính họ và ít nhất một thế hệ người Việt bị ngộ nhận, lạc vào ma trận (như chiến tranh Việt Nam). Muốn thoát ra khỏi ngã ba đường không dễ. Báo cáo “Việt Nam 2035” khuyến nghị phải đổi mới thể chế và cải cách vòng hai.   

Có nhiều việc phải làm, như cách thể chế và chống tham nhũng. Trong phạm vi bài viết này, hãy thử xem lại mấy điều cơ bản: Thứ nhất là đặc điểm bối cảnh hiện nay; Thứ hai là nguyên nhân và hệ quả; Thứ ba là các giải pháp khả thi.

Đặc điểm bối cảnh hiện nay

Cuộc tranh cãi hiện nay về giải pháp nào cho các vấn nạn quốc gia vẫn còn bế tắc. Đất nước có thể tiếp tục suy thoái và tụt hậu, nếu vẫn chưa cải cách được thể chế, vẫn chưa xử lý được nạn tham nhũng bị thao túng bởi các nhóm lợi ích.

Sau bao thăng trầm, Việt Nam vẫn bị mắc kẹt tại ngã ba đường, bị các nhóm lợi ích tham nhũng bắt làm con tin, mà vẫn tưởng mình đang làm chủ. Đoàn tàu đất nước bị bắt cóc (hijacked), đang đi chệch đường ray, chạy loanh quanh trong thung lũng mù, mà vẫn tưởng đang chạy trên đường ray “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Nhiều người ngồi trong các toa tàu (cả chủ lẫn khách) vẫn tưởng an toàn và vô can, mà không biết rằng đoàn tàu đang lầm đường lạc lối. Một số người nhanh chân thu gom tài sản, nhảy khỏi đoàn tàu, hy vọng thoát thân tại một “thiên đường” nào đó.

Một hệ quả đáng buồn là dòng người và dòng tiền đang lũ lượt ra đi. Theo UN DESA, từ năm 1990 đến 2015 đã có 2.558.678 người Việt di cư ra nước ngoài (trung bình mỗi năm gần 100 ngàn người). Theo World Bank (năm 2013), Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nhiều người di cư nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Trong mấy năm qua, đã có 92 tỷ USD được chuyển ngầm ra nước ngoài bằng nhiều cách, và có hàng trăm người Việt có tên trong Hồ sơ Panama và có tài khoản tại các “thiên đường trốn thuế” như Virgin Islands, Cayman và Malta… Đây không chỉ là hiện tượng tham nhũng, chảy máu chất xám và tài nguyên, mà còn là khủng hoảng lòng tin.

Những vấn đề hậu chiến như hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, cải cách kinh tế và chính trị, vẫn còn ngổn ngang như mới bắt đầu. Những thành tựu đầy ấn tượng của hai thập kỷ cải cách kinh tế thị trường đã bị triệt tiêu bởi thiếu đổi mới chính trị. Các nhóm lợi ích dựa vào cơ chế thân hữu, tiếp tục thao túng thể chế “kinh tế thị trường định hướng XHCN” như một miếng mồi ngon, làm đất nước ngày càng kiệt quệ và tụt hậu.

Không khỏi giật mình khi nhìn vào các chỉ số kinh tế cơ bản. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc “chết lâm sàng”. Thâm hụt ngân sách tới mức báo động. Nợ xấu và nợ công chồng chất. Các khoản vay World Bank để ứng phó thay đổi khí hậu, phát triển đồng bằng Mekong, và nâng cao năng lực cạnh tranh, như muối bỏ bể.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu năm 2016, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ còn khoảng 30 tỷ USD, đến tháng 6/2016 tăng lên 38 tỷ USD. Theo Bộ tài chính Mỹ, Việt Nam nắm giữ 12 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ (chiếm 1/3 dự trữ ngoại hối), do đó dự trữ tiền mặt chỉ có 26 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam phải trả nợ 20 tỷ USD và năm 2016 ít nhất là 12 tỷ USD (trả nợ nước ngoài chiếm 40%). Năm 2015, nhập siêu từ Trung Quốc là 30 tỷ USD (nhập chính thức) và 20 tỷ USD (nhập lậu). Nếu Trung Quốc muốn, họ có thể làm cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam (30 tỷ USD) bốc hơi trong một ngày.

Chỉ cần quan sát kỹ một chút là thấy bức tranh quốc gia đầy bất ổn, cả về sức khỏe kinh tế lẫn ổn định chính trị và chủ quyền quốc gia. Cách đây 26 năm, cựu ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã bức xúc thốt lên rằng một thời kỳ bắc thuộc mới bắt đầu. Những hệ quả của Thành Đô vẫn dai dẳng như một nghiệp chướng, chưa biết bao giờ thoát Trung.

Mấy năm qua, tai họa môi trường xảy ra liên tiếp. Không phải chỉ do ông trời làm thay đổi khí hậu, mà còn do con người gây ra. Trong khi hạn hán và ngập mặn chưa từng có trong lịch sử tại đồng bằng Mekong đe dọa cuộc sống hàng triệu nông dân, vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu, thì thảm họa môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra đãg hủy diệt hải sản và môi sinh, đe dọa cuộc sống hàng vạn ngư dân và cộng đồng. Không phải chỉ có ngành hải sản và du lịch biển bị tê liệt, mà chủ quyền Biển Đông có nguy cơ bị mất.

Tại sao ta lại từ chối đề nghị giúp đỡ của cộng đồng quốc tế (như Liên Hợp Quốc và Mỹ)? Tại sao phạt Formosa có 500 triệu USD để đền bù thiệt hại (và cho tồn tại)? Tại sao lại phải nhẹ tay “khoan hồng” đối với thủ phạm đã và đang gây ra thảm họa môi trường miền Trung? Trong khi lại nặng tay đàn áp người dân biểu tình ôn hòa đòi “biển sạch” và “minh bạch”? Và bưng bít thông tin bằng cách kiểm duyệt và đe nẹt báo chí? Tại sao Chính phủ và các cơ quan chức năng phải mất gần 3 tháng mới công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường (trong khi hầu như ai cũng biết thủ phạm là Formosa)?

Thật là nghịch lý nếu ta phải cầu cứu Trung Quốc giúp đỡ, khi đồng bằng sông Mekong bị hạn, (do họ xây quá nhiều đập thủy điện trên thượng nguồn) và khi máy bay Su 30MK và CASA 212 bị rơi liên tiếp ngoài khơi Biển Đông (một cách bí ẩn). Tại sao ta lại sợ Trung Quốc như vậy? Trong khi Philippines dám kiện (và đã thắng), nhiều nước ủng hộ phán quyết của PCA, thì Việt Nam vẫn giữ thái độ rất dè dặt, không dám kiện.

Nguyên nhân và hệ quả

Thứ nhất là nỗi sợ đi vào tiềm thức. Đó là nguyên nhân sâu xa gây chia rẽ, hận thù, nghi ngờ, dối trá, không thể hòa giải (như những chỉ số năng lượng tiêu cực). Người Việt vốn sợ Tây, sợ Tàu, sợ tất cả, nên căm thù và đánh tất. Nhưng khi phải quyết định lựa chọn kế thoát hiểm, thì lại sợ thay đổi thể chế, nên mắc kẹt tại ngã ba đường. Dân sợ và không tin chính quyền. Chính quyền sợ dân (coi dân như thù địch), vì sợ mất ghế, mất chế độ, mất độc quyền, nên phải bưng bít thông tin và trấn áp. Làm sao thoát khỏi nỗi sợ?

Trung Quốc không đáng sợ như vậy, và họ đang suy yếu. Về đối ngoại Trung Quốc ngày càng bị cô lập, nhất là sau phán quyết của PCA về Biển Đông. Về đối nội, kinh tế xuống dốc, uy tín của Đảng cầm quyền suy giảm. Theo một báo cáo của Ủy ban Kỷ luật Trung ương (1/7/2016) chỉ có 2,2% đảng viên đạt tiêu chuẩn, và 90% bộ máy cầm quyền của Đảng phải cải tổ, vì “đã mục nát triệt để”. Các lãnh đạo cao nhất của Đảng (như Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn) đã công khai thừa nhận chế độ Cộng sản Trung Quốc đang đứng trước “nguy cơ vong Đảng” và đã đến “điểm giới hạn gần như sụp đổ” (theo Vương Kỳ Sơn).

Thứ hai là tư tưởng cực đoan ẩn tàng trong cộng đồng, nhất là các quan tham muốn “làm giàu bằng mọi giá”, nên thường bỏ qua và quên mọi rủi ro tiềm ẩn (do vô minh). Tư tưởng cực đoan dẫn đến “hội chứng nhất” (cái gì cũng phải nhất). Ví dụ, Hà Tĩnh có dự án to nhất (Formosa), tốc độ duyệt dự án này cũng nhanh nhất, và có số cán bộ tham gia trung ương cũng đông nhất (16 người). Nay xảy ra thảm họa môi trường cũng lớn nhất.

Có thể nói, đó là hệ quả của cực đoan và bè phái, là hai trở ngại lớn nhất đối với quá trình đổi mới và phát triển. Các nhóm lợi ích thân hữu (bán nước hại dân) có thể làm đất nước trệch khỏi đường ray phát triển, và tiếp tục mắc kẹt tại ngã ba đường. Phải chăng nhóm lợi ích thân hữu  lũng đoạn Hà Tĩnh đã biến Formosa Vũng Áng thành một tô giới Tàu, hay “vương quốc nước ngoài trong lòng Hà Tĩnh” (GDVN, 26/7/2016).

Thứ ba là khủng hoảng nhân cách (như đa nhân cách). Trong khi các quan lại (địa phương và trung ương) làm giàu bất minh và gây ra tai họa, thì họ luôn mồm “vì quê hương đất nước”.  Khi đã mất nhân cách thì họ thường vô cảm, vô minh, và làm như “vô can” trước tai họa do họ gây ra. Vì vậy, ông Võ Kim Cự mới tỏ ra “thực sự bất ngờ…không lường được” và thản nhiên phán “phải kiên quyết xử lý đối với những vi phạm dù bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào” nhưng lại khẳng định “ký giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật và đúng quy trình…”

Điệp khúc “đúng quy trình” là một cách ngụy biện thô thiển đến phản cảm, mà những kẻ đạo đức giả và mất nhân cách hay sử dụng để qua mặt những ai nhẹ dạ cả tin. Làm “đúng quy trình” mà không cần biết quy trình đúng hay sai và hậu quả ra sao, là một trò lừa đảo mà những nhóm lợi ích (bán nước hại dân) hay dùng để thao túng luật lệ trong một thể chế bất minh có nhiều kẻ hở. Họ tìm đủ cách lý giải và đổ cho quy trình và kỹ thuật (chứ không phải do con người), đổ lỗi cho người khác (chứ không phải do mình).

Vì vậy, sau khi xảy ra tai họa thì ông Cự làm như vô can, rồi lý giải như “lấy thúng úp voi” (lời ông Phạm Quyết Thắng, nguyên phó Tổng thanh tra Chính phủ). Ông Thắng bức xúc hỏi, “ông là người trình xin thủ tướng cho phép dự án có thời hạn 70 năm hay trình dự án 50 năm mà thủ tướng chữa lại thành 70 năm?… Tôi không loại trừ trong quá trình quan hệ đó có lý do nể nang, quen biết, cảm tình, và có cả vấn đề lợi ích cá nhân… Ông Cự chủ động, tích cực làm việc này, nhưng chắc chắn phải có người hậu thuẫn, bật đèn xanh cho ông ấy.

Formosa: Phần nổi của tảng băng chìm

Đại dự án Formosa như “con ngựa thành Troy” đã gây ra thảm họa môi trường và đẩy đất nước vào một cuộc khủng hoảng với những hệ quả khôn lường, liên quan đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng. Nó xẩy ra đúng lúc chuyển giao quyền lực giữa chính phủ cũ (đã “ăn không từ cái gì”) và chính phủ mới (còn “chưa ấm chỗ”), nên đối phó bị động và lúng túng như “gà mắc tóc” và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Hãy điểm lại mấy nét chính của câu chuyện Formosa, với những lỗ hổng lớn về quản lý nhà nước và giám sát an toàn môi trường. Không thể đổi mới thể chế, nếu không làm rõ và xử lý thích đáng vụ Formosa như một “case study” mà cả ba chỉ số cơ bản của mô hình cải cách đều thiếu hụt: (1) chống tham nhũng (corruption), (2) quản trị tốt (governance), (3) minh bạch & trách nhiệm giải trình (transparency & accountability).

Điều phi lý nhất là sau khi để xảy ra một thảm họa môi trường lớn như vậy, và sau khi Formosa (nhà đầu tư) đã nhận tội, phía chủ nhà vẫn im lặng như vô can, vì làm “đúng quy trình”, mà không hề quan tâm quy trình đó đúng hay sai. Nếu ông Cự (nguyên Chủ tịch/Bí thư Hà Tĩnh) và những quan chức liên đới trong chính phủ cũ và các bộ ngành (TN&MT, KH&ĐT, KH&CN, NN&PTNT…) mà vô can, thì ai là bị can đây?

Ông Cự  đúng là người có “công đầu”, đưa đường chỉ lối cho Formosa vào đầu tư tại Vũng Áng và Sơn Dương (một vị trí chiến lược tại Miền Trung), nhưng không phải chỉ có một mình. Nếu ông Cự (và cộng sự) không biết Formosa nổi tiếng hủy diệt môi trường, và đằng sau Formosa là Trung Quốc, thì là vô minh. Ông Cự (và cộng sự) còn tìm mọi cách lách luật (hay phạm luật) để đáp ứng các yêu cầu tối đa của FHS (chủ đầu tư Đài Loan) và MCC (nhà thầu Trung Quốc). Đó là bất minh (chứ không phải “bất ngờ”).

Ông Cự đầy tự tin và tự hào về “đứa con” Formosa sẽ “làm cho Hà Tĩnh và đất nước này thay đổi cơ bản… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tính và khu vựcđây là dự án chủ lực của Hà Tĩnh. Nếu đi vào hoạt động, dự án sẽ đem lại lợi ích rất lớn. Riêng tiền thu được từ thuế cũng lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, còn tạo ra hàng ngàn việc làm cả trong và ngoài hàng rào nhà máy…Khi đi vào hoạt động, 12 huyện thị của Hà Tĩnh sẽ trở thành khu hậu cần cho dự án. Hơn nữa, dự án sẽ tạo ra cú hích để cấu trúc lại kinh tế cho nhiều thế hệ. Đây là cơ hội tốt để người dân Hà Tĩnh đổi đời” (Tiền Phong, 10/4/2014).

Nay “cháy nhà ra mặt chuột”, ông Cự có muốn người dân Hà Tĩnh “đổi đời” bằng cách bỏ ngư trường Biển Đông (cho Trung quốc)? Sự vô minh và bất minh của ông Cự (và cộng sự) khác gì bán nước hại dân. Nhưng đến nay ông Cự vẫn khẳng định “tôi làm đúng, khi thẩm định dự án đều có ý kiến của 12 bộ nghành… sau đó báo cáo Chính phủ và được Chính phủ đồng ý…”. Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 9/4/2008 ông Cự ký văn bản số 858/UBND-CN2 gửi Formosa nêu rõ thời hạn cho thuê đất là 70 năm. Tới ngày 8/5/2008, Hà Tĩnh mới có công văn gửi các bộ nghành xin ý kiến. Theo Thanh tra Chính phủ, ý kiến các bộ ngành không đề nghị Chính phủ cho phép thời hạn 70 năm, và tại thời điểm đó Chính phủ cũng chưa có ý kiến cho phép thời hạn trên 50 năm. Nếu đúng vậy thì ông Cự phạm tội nói dối, và đổ lỗi quanh.

Trước khi FHS đầu tư vào Khu Kinh tế Vũng Áng làm nhà máy thép Formosa và cảng biển Sơn Dương, thì Tata Group, một tập đoàn lớn có kinh nghiệm sản xuất thép hơn 100 năm của Ấn Độ cũng quyết định đầu tư vào Vũng Áng. Nhưng vì ông Cự đã chọn FHS nên Tata đành bỏ cuộc. Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, ông Cự giải thích, “Đúng là Tata vào trước, đáng ra Tata phải được ưu tiên, nhưng do họ triển khai quá chậm nên Formosa đã chớp lấy cơ hội!”. Phải chăng Formosa nhanh chân hơn Tata, hay lại quả nhiều hơn, nên ông Cự cũng “chớp lấy cơ hội” bất chấp rủi ro tiềm ẩn về môi trường và an ninh?

Không biết ông Cự vì quê hương đất nước hay vì “lợi ích cá nhân” (như lời ông Quyết Thắng), mà bất chấp luật lệ và dư luận xã hội, cho Formosa hưởng quá nhiều ưu đãi (như một tô giới). Buông lỏng quản lý và giám sát đã dẫn đến thảm họa môi trường (“đúng quy trình”). Đó là quy trình gì? Làm bậy “đúng quy trình” rồi đổ lỗi để chạy tội là một đặc thù văn hóa tham nhũng kiểu Việt Nam (tham nhũng “đi vào ổn định”). Đó là quy trình siêu tốc đối với một đại dự án, khi hai bên câu kết trở thành đồng minh về lợi ích, thao túng luật lệ. Nếu Formosa đã từng thao túng chính quyền Quốc Dân Đảng tại Đài Loan thì nay (với MCC) họ thừa sức thao túng những quan tham trong chính quyền Hà Tĩnh (và Hà Nội).

Báo cáo đầu tư của Formosa lập trong 3 ngày (thật kỷ lục!). Quá trình thẩm định và phê duyệt dự án của UBND tỉnh làm trong 1 tháng. Ngày 9/4/2016, ông Cự (lúc đó là phó chủ tịch tỉnh) ký văn bản số 858/UBND-CN2 xác nhận ưu đãi đầu tư cho Formosa thuê đất 70 năm. Chỉ 2 tháng sau (12/6/2008) ông Cự đã ký giấy phép đầu tư, và chỉ 18 ngày sau (30/6/2008) bộ TN&MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM).

Theo nhà báo Lan Anh (VTC) người đã phỏng vấn ông Chu Xuân Phàm với câu nói nổi tiếng “chọn cá hay thép” (25/4/2016), chỉ 3 ngày sau (28/4) ông Phan Tấn Linh (giám đốc sở TTTT Hà Tĩnh) đã gửi công văn cho các cơ quan chức năng, đề nghị xử lý VTC vì đã phát nội dung cuộc phỏng vấn. Tại sao ông Linh lại mẫn cán gửi công văn bênh vực Formosa và chĩa mũi nhọn vào báo chí? (tuy báo chí làm đúng chức năng). Lý giải hành động mẫn cán của ông Linh, nhà báo Lan Anh gọi đó là hành động “cõng rắn cắn gà nhà”.

Trong khi cá chết hàng loạt thì ông Đặng Ngọc Sơn (phó chủ tịch UBND) khuyên dân cứ ăn cá và tắm biển (như không có chuyện gì). Hôm đó chắc không phải là “ngày cá 1/4” và cá chết không phải là chuyện đùa. Còn ông Đặng Quốc Khánh (chủ tịch UBND) thì vẫn yên lặng một cách bí ẩn, chưa hề xuất hiện và lên tiếng (tuy 3 tháng đã trôi qua).

Đến nay, một số nhà thầu phụ Hà Tĩnh vẫn đang tiếp tay cho Formosa gây ô nhiễm môi trường bằng cách bí mật di chuyển hàng ngàn tấn rác thải các loại đi chôn trộm tại nhiều nơi (như công viên, khu dân cư) tại Kỳ Anh, Hà tĩnh, và chở hàng trăm tấn chất thải nguy hiểm ra chôn trộm tại Phú Thọ. Nếu bị phát hiện thì họ đổ lỗi quanh, và cho người hành hung báo chí. Phải chăng vì đồng tiền nên họ “đâm lao phải theo lao”? Nhưng điều đáng nói là một số quan lại địa phương vẫn vô cảm và vô can trước thảm họa môi trường (mà họ là đồng phạm). Một quan nhỏ như Phan Duy Vĩnh (phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh) mà cũng dám coi thường công chúng khi viết trên Facebook, “Biển nhiễm chất độc từ cái mồm của các bạn.

Tiến sỹ Tô Văn Trường (một chuyên gia về môi trường) cho biết ông “không khỏi giật mình vì sự tắc trách và trình độ chuyên môn của những người có trách nhiệm phía Việt Nam trong công tác kiểm tra, và giám sát môi trường…Khuyết điểm lớn nhất không phải là cấp giấy phép xả thải hay báo cáo ĐTM mà chính là lỗ hổng về công tác kiểm tra, giám sát về môi trường của Bộ TN&MT và Sở TN&MT Hà Tĩnh…Một số người phụ trách về môi trường chẳng những làm ngơ, mà còn nhận làm thuê, đổ chất thải của Formosa không đúng quy định… Chỉ có một nguyên nhân là họ tham tiền và đã bị Formosa móc ngoặc”. (BVN, 27/7/2016).

Ông Trường còn đặt nghi vấn là ngoài chất độc đã được phát hiện là phenol, cyanua mà thủ phạm là Formosa, liệu còn chất độc nào khác chưa bị lôi ra ánh sáng? Một số người vẫn tin là phải có một lượng độc tố khác ngoài phenol và cyanua, được thải vào biển. Theo kỹ sư Nguyễn Minh Quang (Basam.info, 28/7/2016), kết quả phân tích mẫu cá chết của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt nam đã xác nhận cá chết vì ammonia. “Mọi bằng chứng khoa học về nguyên nhân cá chết hàng loạt tại miền Trung đều hướng về phía ammonia chứa trong nước thải xả từ nhà máy luyện than coke của Formosa”.

ĐBQH Trần Quốc Khánh cho rằng, Formosa là bài học cảnh tỉnh cho những ai có tư duy bất chấp tất cả để chạy theo lợi ích, kể cả lợi ích cá nhân và lợi ích địa phương… Cần phải xử lý nghiêm khắc những sai phạm tại Formosa, kể cả xử lý hình sự”. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng nói, “Tôi ủng hộ quan điểm nên thành lập Ủy ban Lâm thời để xem xét, điều tra các vấn đề môi trường nổi cộm. Trước mắt là tập trung vào trường hợp Formosa… Đã đến lúc phải rà soát lại tất cả các quy trình để xem có đủ sức ngăn chặn được những tiêu cựccủa những người có trách nhiệm xây dựng cũng như là phê chuẩn những quy trình đó hay không”.

Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ) khẳng định. “lần này theo chỉ đạo của Trung ương, khi xem xét khuyết điểm của cán bộ thì không hề có bất cứ vùng cấm nào, bất luận người đó đương chức hay đã về hưu, ngay cả đương chức thì dù ở bất cứ chức vụ nào cũng phải bị xem xét Về xử lý nội bộ, Đảng không phân biệt một ai, kể cả là đã về hưu nhiều năm nhưng nếu có liên quan đến những sai phạm trong thời kỳ công tác thì cũng không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Chúng ta hãy chờ xem!

Phải nhắc lại câu chuyện Formosa bởi vì đó là phần nổi của tảng băng chìm. Nó lý giải một phần tại sao Việt Nam vẫn đang mắc kẹt tại ngã ba đường. Ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng, và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã “lên thớt” (theo chỉ đạo của TBT) trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” (kiểu Việt Nam). Trận “Núi Pháo” cũng đã mở màn. Nhưng chưa biết bao giờ đến lượt ông Võ Kim Cự (và cộng sự)? Đến nay ông Cự vẫn vô can, vẫn là đại biểu Quốc Hội và Chủ tịch Liên Minh Hợp Tác Xã. Việc ông Cự “lên thớt” hay hạ cánh an toàn là thước đo lập trường của Việt Nam đối với câu chuyện Formosa và Biển Đông (sau phán quyết của PCA), và đổi mới thể chế (như khuyến nghị trong báo cáo “Việt Nam 2035”).

Miến Điện & Mông Cổ: Bài học chuyển đổi

Trong mấy thập kỷ qua, nhiều nước đã chuyển đổi thể chế chính trị từ độc tài thành dân chủ. Trong đó, Miến Điện và Mông Cổ là hai bài học thành công, đáng để cho Việt Nam tham khảo và học hỏi. Tất nhiên, bối cảnh lịch sử mỗi nước một khác, với những đặc thù kinh tế, văn hóa, tôn giáo, sắc tộc cũng khác nhau, nhưng đây là hai câu chuyện chuyển đổi thành công bằng đường lối ôn hòa và không bạo lực.

Trong khi Trung Quốc và Việt Nam đổi mới kinh tế khá thành công (với các mức độ khác nhau), nhưng không đổi mới chính trị, nên đất nước đang gặp rắc rối. Việc tham khảo các mô hình chuyển đổi như Miến Điện và Mông Cổ là cần thiết, để đổi mới thể chế, nhằm giải phóng và phát huy những tiềm năng của đất nước.

Người ta đã nói nhiều về Miến Điện như một bài học chuyển đối mà Việt Nam cần tham khảo. Những người dẫn dắt quá trình chuyển đổi ôn hòa tại Miến Điện đã thành công vì họ đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích riêng. Ông Then Sein (cựu tổng thống) và bà Aung San Suu Kyu (lãnh tụ đảng NLD) đã thay đổi lịch sử Miến Điện bằng hòa giải dân tộc, chuyển đổi nền độc tài quân sự thành thể chế dân chủ. Nhưng họ mới đi được nửa đường.

Nhiều người cho rằng Miến Điện đang có dấu hiệu bất ổn, vì bà Aung San Suu Kyi đã khẳng định “ở trên tổng thống” (trong vai trò “cố vấn nhà nước”). Người ta lo rằng hành động này làm xói mòn nền dân chủ mà chính bà chủ trương. Một số người lên án đảng NLD của bà đang lạc vào chủ nghĩa độc đoán. David Matieson (một chuyên gia về nhân quyền) nhận xét, “Văn hóa trong đảng rất không minh bạch và độc đoán…Nhiều đảng viên bị khoá miệng không được nói…Họ đang thật sự cố gắng để giữ kỉ luật đảng ở mức độ phi dân chủ.”

Trong khi đó, những người khác cho rằng bà Suu Kyi cũng chỉ là con người, và là một chính khách. Để làm một chính khách khác với đoạt giải Nobel, và hoạt động dân chủ. Không nên nhầm lẫn. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, bà Suu Kyu nói, “Tôi đã là một chính khách từ lâu… Tôi khởi đầu làm chính trị không phải như một người bảo vệ nhân quyền, hay một nhà hoạt động nhân đạo, mà là lãnh tụ của một đảng chính trị. Nếu đó không phải là chính khách thì tôi không hiểu thế nào mới là chính khách”.

Đây là những vật vã trong quá trình phát triển (growing pains), chứ không phải bế tắc tại ngã ba đường. Miến Điện đã thoát khỏi ngã ba đường và đang trên con đường dân chủ hóa và kiến tạo đất nước. Khó khăn, thử thách còn nhiều. Bà Suu Kyu không chỉ là một “ngọn đèn hi vọng” (như lời Tổng thống Obama), mà là một tổng thống (de facto).

Bên cạnh bài học Miến Điện, bài học Mông Cổ cũng đáng suy nghẫm. Một nước nghèo, lạc hậu, dân số ít, bị kìm kẹp giữa hai nước láng giềng khồng lồ, đã trỗi dậy và chuyển đổi ngoạn mục. Trong suốt bảy thập kỷ, Mông Cổ chưa hề biết đến tự do và dân chủ, bị chìm đắm trong bóng đen của nền độc tài. Nhưng người Mông Cổ đã dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, đồng hành với tự do dân chủ để tiến bước về phía tương lai của dân tộc.

Tsakhiagiin Elbegdorj (sinh 1963), là lãnh tụ của phong trào dân chủ Mông Cổ, được ca ngợi như là Thomas Jefferson của Mông Cổ. Khi từ Moscow trở về nước (năm 1989), hành trang của anh sinh viên 26 tuổi này không phải là tài liệu sách vở về CNXH học được tại trường đảng Moscow mà là những thay đổi từ chính sách Glasnost của Gorbachev. (Theo Trần Trung Đạo, “Dân cần minh bạch”, Danlambao.vn, 21/5/2016).

Elbegdorj tin rằng chỉ có dân chủ mới cứu được Mông Cổ. Trong bài phát biểu (28/11/1989), Elbegdorj đã nhấn mạnh, “Mông Cổ cần dân chủ và minh bạch…”  Mông Cổ phải chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ bằng một cuộc cách mạng bất bạo động.

Cuộc biểu tình tuyệt thực đầu tiên ngày 10/12/1989 chỉ có 13 “tên phản động” (do Elbegdorj cầm đầu). Ngày nay người Mông Cổ gọi họ một cách kính trọng là “13 nhà dân chủ Mông Cổ đầu tiên”. Cuộc cách mạng dân chủ không làm rơi một giọt máu nào là do hầu hết 2.1 triệu dân Mông Cổ dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, trong số đó có Tổng Bí Thư Đảng Công sản Jambyn Batmönkh. Năm 1998, khi cách mạng thành công, Elbegdorj được bầu làm Thủ Tướng, và năm 2009 ông được bầu làm Tổng thống Cộng Hòa Mông Cổ.

Elbegdorj đã biến điều không thể thành có thể. Về đối nội, Mông Cổ từ bỏ chính sách “kinh tế kế hoạch hóa tập trung” theo mô hình Liên Xô cũ, và áp dụng chiến lược “hai chọn một”. Về đối ngoại, từ 1994, Mông Cổ theo phương châm “ngoại giao trong thế cân bằng về khoảng cách”.  Từ cuối thập niên 1990, Mông Cổ thực hiện chính sách “láng giềng thứ ba”, và đến năm 2015, đề xuất ý tưởng “nước trung lập vĩnh viễn”. Mông Cổ đã từng bước phá thế kìm kẹp địa chính trị để tạo ra bước nhảy vọt, mở rộng không gian sinh tồn cho mình.

Mông Cổ coi mối quan hệ cân bằng với Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chính sách ngoại giao của mình. Tháng 8/2014, tại Ulan Bator, Mông Cổ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về “xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện”. Đồng thời, ngoài Nga và Trung Quốc, Mông Cổ đã phát triển quan hệ hợp tác với các nước lớn khác như Mỹ, Nhật và Đức theo chính sách “láng giềng thứ ba”.

Vai trò của của Ulan Bator trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như mở rộng đối thoại đa phương đã giúp Mông Cổ có vai trò quan trọng trên thế giới. Mông Cổ đã dần trở thành cầu nối giữa Triều Tiên và các nước Đông Bắc Á, và đã tận dụng ưu thế này để trở thành nước hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Mông Cổ đã đề xuất sáng kiến “Đối thoại Ulan Bator” nay trở thành diễn đàn đa phương quan trọng, bên cạnh vòng đàm phán 6 bên do Bắc Kinh khởi xướng. Khi Đàm phán 6 bên bị đình trệ thì “Đối thoại Ulan Bator” là kênh đàm phán hiệu quả nhất giữa Bình Nhưỡng với thế giới.

Nói tóm lại, Mông Cổ đã dũng cảm và khôn ngoan chuyển đổi thành công, mà vẫn giữ được độc lập chủ quyền, trong khi Việt Nam vẫn mắc kẹt tại ngã ba đường.

Thay lời kết: Lối thoát nào cho Việt Nam

Trong lịch sử gần đây, không có một chính thể độc tài nào (kể cả Miến Điện và Mông Cổ) lại tình nguyện từ bỏ độc quyền và độc tài, nếu không có đủ sức ép đòi đổi mới. Mọi chuyển đổi (dù ôn hòa và bất bạo động) đều phải từ dưới lên (bottom up), chứ không chỉ từ trên xuống (top down). Điều kiện thiết yếu là phải dứt khoát đoạn tuyệt với quá khứ, để đưa dân tộc tiến tới tự do dân chủ (như Miến Điện và Mông Cổ).

Đặc điểm của những người không dám đoạn tuyệt với quá khứ là họ chỉ phê bình hiện tượng, nhưng tránh nhắc đến bản chất, chỉ nói đến hệ quả nhưng bỏ qua nguyên nhân, chỉ nói lên thực trạng xã hội mà không lý giải nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đó. Có lẽ hầu hết là sản phẩm của ý thức hệ đã thấm dần và ăn sâu vào tiềm thức thành thói quen tư duy. Họ thường  hoài nghi những thay đổi “không chính thống”, mà không hiểu rằng chế độ đã bị thao túng bởi các nhóm lợi ích bất minh như tư bản đỏ và xã hội đen.

Bị ngộ độc bởi ý thức hệ cực đoan, lòng tin gần như vô thức của nhiều người quen lệ thuộc vào cơ chế xin cho và ban phát. Nay dù ủng hộ tự do dân chủ, nhưng tâm thức và thói quen tư duy của họ vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh về cực đoan và bạo lực, là hệ quả của chiến tranh. Mọi thay đổi đều có quy luật và phải trả giá. Đổi mới thể chế tại Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Phải từ bỏ cực đoan và bạo lực. Không thể thay thế độc quyền này bằng độc quyền khác. Muốn thoát Trung và thoát khỏi ngã ba đường, phải ra khỏi cái hang ý thức hệ. Einstein đã từng nói, “không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra vấn đề đó”.

NQD. 29/7/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-7-16

Công an đánh đập ngư dân phản đối xây dựng cảng ở Nghệ An

Công an đánh đập ngư dân phản đối xây dựng cảng ở Nghệ An

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA

xi-mang-nghe-an-622.jpg

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng ngày 30/7 đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.

Citizen photo

05:42/05:45

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

100 nhân viên công an chìm, nổi

Khoảng 700 ngư dân tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An sáng nay đã đụng độ với các lực lượng chức năng tại địa phương, khi họ chuẩn bị đến công trường xây dựng trạm nghiền xi măng và cảng Vissai của tập đoàn xi măng Vissai để ngăn chặn việc san lấp làm dự án.

Theo người dân trong sáng nay có khoảng 100 nhân viên công an chìm, nổi, xe cứu thương, xe chữa cháy… đã lập hàng rào phong tỏa đường đi ra khỏi làng của ngư dân nơi đây. Việc cảnh sát đánh đập một ngư dân, khi người này xin phép lực lượng chức năng đi rời khỏi nhà để đi bốc thuốc chữa bệnh khiến vụ xô xát nổ ra.

Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi.
-Ông Nguyễn Viết Nồng
 

Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân cho biết việc ông bị lực lượng công an đánh đập sáng nay ngày 30, tháng 7:

“Khoảng 6 giờ sáng, tôi đi lấy thuốc để chữa bệnh ở ngay đầu làng, dân nhà tôi chỉ có một đường ra khỏi làng, ngay khi đến đầu làng đã bị rất nhiều cảnh sát cơ động, công an chặn đường không cho đi.

Tôi mới nói, các chú ơi, cho bác đi chút công việc vì người tôi có bệnh, sau đó bước đi thì bị một cảnh sát đạp vào ngực nên tôi đã ngã xuống đường, cảnh sát cơ động cứ lấy chân giẫm lên người tôi. Tôi mới kêu lên, bà con ơi, dân làng ơi cứu tôi, lúc đó có khoảng 4 – 5 người cảnh sát kéo tôi đi khoảng 100 m. Lúc đó có mấy người công an trong xã bảo, ông này bệnh này đấy, rồi họ buông tôi ra để tôi thở. Tôi nằm nghỉ được khoảng 5 phút thì bị công an tỉnh, cơ động, công an áo vàng lại xô tôi lên xe và đóng cửa lại. Xe chạy được khoảng 1 km thì bị dân đổ ra đường chặn xe yêu cầu thả người, nếu không ông Nồng sẽ chết, đến lúc này có một anh công an mới mở cửa xe thả tôi ra. Bác sĩ trạm xá của xã đến khám và nói rằng tôi bị chấn thương trên lồng ngực vì bị đạp mạnh.”

Nan-nhan-Nguyen-Viet-Nong-400.jpg

Ông Nguyễn Viết Nồng (64 tuổi), một ngư dân, bị lực lượng công an đánh đập sáng ngày 30 tháng 7. Citizen photo.

Một ngư dân có mặt tại cuộc đụng độ sáng nay cho biết, có hơn 400 hộ ngư dân tại đây đang phản đối giá cả đền bù chưa hợp lý từ dự án xây dựng nhà máy xi măng và cảng Vissa tại xã Nghi Thiết, cho nên người dân mới xuống đường. Ông xác nhận về việc đụng độ sáng nay:

“Sáng nay một số bà con đã bị công đánh bầm tím, hiện đang được khâu tại bệnh viện huyện Nghi Lộc. Người nặng nhất hiện nay đang nằm tại nhà của công ty Xi măng Vissai tại xã Nghi Thiết, gia đình đang yêu cầu mời ông chủ tịch xã Nghi Thiết đến đây để lập biên bản đưa ông ấy đi bệnh viện để điều trị, nhưng ông chủ tịch không đến.”

Chính quyền không trả lời

Phái viên Xuân Nguyên của Đài RFA liên lạc công an xã Nghi Thiết, đơn vị trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng trong sáng nay để tìm hiểu vụ việc này và bị từ chối trả lời:

Xuân Nguyên: Alo, xin chào anh, cho tôi hỏi đây là công an xã Nghi Thiết phải không?

Nhân viên công quyền: “Ờ, anh muốn làm gì.”

Xuân Nguyên: Thưa anh, sáng nay có vụ xảy ra vụ việc đụng độ giữa người dân và lực lượng chức năng ở đây, xin anh cho biết về vụ việc?

Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.
-Một ngư dân

Nhân viên công quyền: “Tôi không có thẩm quyền trả lời.”

Một ngư dân khác ở đây kể về diễn tiến của việc tranh chấp bến bãi do giá cả đền bù không thỏa đáng giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương với hơn 400 hộ dân:

“Đầu tiên là người ta về họp dân, người ta bảo cái trạm điện xi măng vào tháng 11 năm 2015, thì dân không đồng tình cho về, dân sợ độc hại.

Sau cuộc họp thứ 2, họ đưa về khai trương cảng biển Vissai, không có sự đồng tình của dân ở đây, dân giải quyết chế độ đền bù, họ trả cho dân chưa thỏa đáng.

Cuộc họp thứ 3 họ đưa ra ý kiến là sẽ hộ trợ mỗi một thuyền loại 1 là 48 triệu, thuyền loại 2 thì 24 triệu, thuyền loại 3 thì 6 triệu. Nhưng dân không đồng tình, dân bảo tầm này chưa đủ ăn 1 tháng cho dân, hết tiền rồi thì dân đi đâu, làm gì, chuyển đổi công việc cho dân như thế nào, rồi cho dân đi chỗ khác ở, họ cũng không nghe.

Cuộc họp thứ tư họ quyết định đổ đất để làm. Đổ đất là mất bến bãi đậu thuyền nên dân không cho đổ đất nhưng tỉnh Nghệ An vẫn quyết định cho công an cơ động về ngăn đường không cho dân ra.”

Nhưng người tham gia trong buổi đụng độ sáng nay với lực lượng chức năng đều cho biết nguyên nhân của sự vụ là do giá cả đền bù chưa thỏa đáng và rất bức xúc trước hành xử của chính quyền địa phương khi đưa công an, cảnh sát đến ngăn chặn, đánh đập người dân. Dân chúng địa phương khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh để đòi quyền lợi chính đáng cho họ.

“BẠN ANH ĐÓ ĐANG SAY NGỦ YÊN…”

“BẠN ANH ĐÓ ĐANG SAY NGỦ YÊN…”

Lm. VĨNH SANG, DCCT,

Tri’ch EPHATA 704

QUANG TRI

Tôi theo những anh em trong lãnh vực Mỹ Thuật đến thăm Cổ Thành Đinh Công Tráng, tỉnh Quảng Trị, vào những ngày hè nóng bức tháng 7 năm 2016. Ở đây đang có trại sáng tác các tác phẩm mỹ thuật của ngành điêu khắc. Cuộc triển lãm được đặt tên: “Bất tử và Hồi sinh”. Nói đến Cổ Thành Đinh Công Tráng tỉnh Quảng Trị hay còn gọi tắt là Cổ Thành Quảng Trị là gợi về một nỗi đau của dân tộc Việt Nam, nơi đây vào những ngày đầu năm 1972, kéo dài cho đến mùa thu năm ấy, cuộc chiến khốc liệt giữa hai miền Nam Bắc đã tàn phá biết bao cuộc đời những thanh niên trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm đang tuổi xuân tràn đầy sự sống. Không chỉ gây ra những cái chết đau thương, chiến tranh còn để lại những di lụy trên những người què cụt trở về và một miền đất ngập tràn bom đạn.

Ngoài những người lính của hai miền, bao nhiêu đồng bào vô tội đã chết thảm dưới vì chiến tranh, bao nhiêu tài sản, nhà cửa bị tàn phá… 44 năm qua rồi, nhiều chứng từ đã được công bố, nhiều bài viết đã ghi lại cuộc chiến tàn khốc này, chỉ cần vào trang Google gõ những chữ liên quan như: Cổ Thành Quảng Trị, Mùa Hè Đỏ Lửa… sẽ gặp hàng trăm bài viết, hàng trăm hình ảnh về biến cố đau thương của miền đất dân gầy quê hương ta. Ngay cửa chính vào Cố Thành, một đống đá gạch vụn nát còn lại phía bên phải như một chứng tích duy nhất về một cổ thành một thời lừng danh với người anh hùng yêu nước Đinh Công Tráng, tất cả đã được xây dựng lại, xòa đi những vết tích chiến tranh, vết tích của một trận chiến dài ngày đến nỗi không còn một hòn đá nào trên hòn đá nào.  Qua cửa chính, khách viếng thăm không khỏi xúc động trước câu thơ được in trên một tảng đá:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi,

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ,

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió,

Ru mãi bài ca Bất Tử đến vô cùng.

( Phạm Đình Lân )

Quả thật người ta đã để lại rất nhiều  đồng  đội “nằm yên dưới cỏ”. Những người đang thực hiện những tác phẩm dự triển lãm chỉ cho chúng tôi một tác phẩm

điêu khắc nằm ở giửa khu vườn bên phải cửa vào, họ nói, khi đào móng để làm bệ tượng, chúng tôi gặp một bộ cốt nằm dưới đất. Tôi hỏi kỹ về bộ cốt này với những câu hỏi như có thấy thẻ bài không, có thấy đôi giầy còn không, có thấy dây đeo vật dụng quân trang bên hông không… Tất cả là không, không một dấu vết nào về bộ

cốt “nằm yên dưới cỏ”. ( Ảnh chụp một người lính VNCH quỳ cầu nguyện giữa đống đổ nát của Vương Cung Thánh Đường La Vang, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 ).

Có bao nhiêu bộ cốt không vết tích còn “nằm yên dưới cỏ” ở nơi “trời trong xanh và lộng gió” này ? Bao nhiêu gia đình 44 năm nay ra vào thương nhớ người con thân yêu ? Bao nhiêu người con gái cuộc đời xoay hướng khác vẫn còn thầm nhớ về người bạn trai năm xưa ra đi không trở về ? Không một dấu vết !

Dạo quanh một vòng các tác phẩm điêu khắc người ta nhận ra ngay sự đơn điệu đến trơ trẽn của một thể loại được kể là nghệ thuật đương đại trong trại gọi là trại sáng tác này. Hơn một nửa nội dung các sản phẩm chúng ta đã gặp thấy ở bất cứ cuộc triển lãm nào về điêu khắc hoặc hội họa. Cũng nón tai bèo, cũng chiến sĩ khăn rằn cầm súng ra trận, cũng bà mẹ liệt sĩ đứng ngẩn ngơ, cũng liên minh công nông… Về ngôn ngữ và bút pháp có thể nói các sản phẩm cùng một thể loại, không cái nào khác đột phá ra ngoài những đường nét hao hao từa tựa nhau như các sản phẩm cùng một lò thủ công nghiệp. Thô thiển hơn nữa là các bệ đặt sản phẩm đươc xây như nhau, cái nào cũng trên bệ cao 1 mét ! Nói cho công bằng thì cũng tìm được một vài tác phẩm xem ra đỡ làm khách thăm viếng mỏi mắt, nhưng còn lên thì đầy dẫy những hạt sạn khó nhai, làm ê cứng răng khách thưởng ngoạn.

Tôi được biết các tác phẩm dự trại gởi mẫu phác thảo đến, có một đơn vị nhận thầu mọi chuyện từ đầu đến cuối, tác giả chỉ cần ra để mài dũa một chút và làm công việc đề tên mình, dĩ nhiên kinh phí do ngân sách đài thọ được chia đúng quy trình.

Chúa Nhật 18 Thường Niên năm C, bài đọc 1 trích trong sách Giảng Viên. Tác giả Kinh Thánh nhắc chúng ta về sự chọn lựa khôn ngoan trong cuộc sống, chạy đua theo những lý tuyết phù du gây tổn hại cho bao người, tan nát bao gia đình, tổn thương bao tâm hồn, chính là tự phá tan tương lai đời đời mình. Tàn ác trong hành xử để gây dựng cơ đồ hiện tại, hưởng thụ trên bàn son thảm gấm mà quên rằng: “Đồ ngốc, đêm nay ta đòi mạng người về, ngươi để lại những thứ đó cho ai ?”

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 29.7.2016

Tựa đề lấy từ bài hát “Một mai giã từ vũ khí” của Ngân Khánh

Hà Nội đình chỉ việc xây dựng trên đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô

Hà Nội đình chỉ việc xây dựng trên đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô

29.07.2016

Các quan chức UBND quận Hoàn Kiếm làm việc với quý soeurs (Ảnh: Truyền Thông Thái Hà)

Các quan chức UBND quận Hoàn Kiếm làm việc với quý soeurs (Ảnh: Truyền Thông Thái Hà)

Chiều 28/7, chính quyền địa phương của một phường ở Hà Nội đã yêu cầu một phụ nữ dừng xây dựng tại một khu đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô.

Theo thông tin từ Hội Dòng, vụ việc tranh chấp cơ bản tập trung vào mảnh đất rộng chừng 200m2 ở số 5 phố Quang Trung. Hiện nay, một phụ nữ có tên là Trần Hương Ly được coi là chủ sở hữu mảnh đất. Bà Ly có giấy chứng nhận sử dụng đất do nhà nước cấp, thường gọi là “sổ đỏ” và cả giấy phép xây dựng.

Trong hơn một tháng nay, khi có dấu hiệu bà Ly sẽ xây dựng công trình cá nhân ở mảnh đất ở số 5 Quang Trung, các nữ tu Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đã phải làm công việc chẳng đặng đừng là cầu nguyện hàng ngày tại địa điểm để ngăn chặn.

Hành động của các nữ tu đã dẫn đến việc Ủy ban Nhân dân Quận Hoàn Kiếm hôm 27/7 đã thông báo với Dòng Thánh Phaolô chấp nhận “thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu” mặc dù trước đó các quan chức UBND quận đã hứa sẽ ra quyết định đình chỉ việc chủ đầu tư là bà Ly “thi công bất hợp pháp” ở số 5 Quang Trung.

Không thỏa mãn với thông báo của UBND Hoàn Kiếm, ngày 28/7, các nữ tu đã trở lại khu đất để cầu nguyện nhằm phản đối chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu phía chính quyền chỉ đạo những người đang thi công bất hợp pháp phải dừng lại.

Dù trời Hà Nội còn mưa gió vì ảnh hưởng của bão, các nữ tu và bà con giáo dân đã đọc kinh cầu nguyện, hát thánh ca trước trụ sở UBND quận. Trước sự cương quyết đó, UBND Quận Hoàn Kiếm đã phải chỉ đạo cho cấp dưới là UBND Phường Trần Hưng Đạo ra thông báo yêu cầu bà Trần Hương Ly phải dừng việc thi công trên mảnh đất số 5 Quang Trung, Hoàn Kiếm. Sau khi có quyết định đình chỉ việc thi công, các nữ tu và bà con giáo dân đã ra về.

Đánh giá về quyết định đình chỉ, nữ tu Cecilia Phạm Dương Quỳnh thuộc Dòng Thánh Phaolô nói với VOA:

“Đây chỉ là bước đầu thôi, gọi là tạm dừng. Trong thời gian chờ đợi, các soeur vẫn đợi một cái quyết định đình chỉ vĩnh viễn, và thu hồi cái giấy phép xây dựng trái phép này và cái sổ đỏ trái phép để trả lại quyền sở hữu hợp pháp của các soeur. Thì đấy mới là mong muốn của những người giáo dân cũng như quý soeur ạ”.

Về mặt lịch sử, mảnh đất tại số 5 phố Quang Trung, Hà Nội, thuộc sở hữu của Dòng Thánh Phaolô từ khoảng năm 1883. Mảnh đất này là một phần trong các tài sản và đất đai của Hội Dòng ở nơi có 3 con phố bao quanh, đó là các phố Hai Bà Trưng, Quang Trung và Lý Thường Kiệt.

Dòng Thánh Phaolo Hà Nội đã được cấp bằng khoán điền thổ về khu đất rộng này vào năm 1949. Sau này, khi chính quyền thay đổi, tháng 12/1954 một cơ quan y tế của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê nhà của Hội Dòng và từ đó những nhà đất này đã không quay trở lại với chủ cũ.

Hội Dòng vẫn còn giữ các văn bản về quyền sở hữu, cho thuê bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp.

Nhận định về quá trình đòi lại mảnh đất sẽ khó khăn hay không trong thời gian tới, nữ tu Cecilia Phạm Dương Quỳnh nói:

“Cái quyền sở hữu và giấy tờ của Nhà Dòng vẫn đang giữ đây và vẫn là hợp pháp, được cấp hợp pháp và vẫn còn nguyên thì nếu như mình cứ làm đúng theo luật và theo lương tâm của sự công bằng của một người trong xã hội thì chúng tôi nghĩ là sẽ trả lại bình thường thôi. Còn nếu mà mình làm không đúng pháp luật hoặc là mình làm sai cái lương tâm của sự công bằng thì sẽ trở thành khó khăn”.

Nữ tu nhấn mạnh rằng các giấy tờ cũng như tính sử dụng liên tục “là đầy đủ chứng cứ” trước pháp luật để Dòng Thánh Phaolô “bảo đảm quyền sở hữu” đối với khu vực có tranh chấp.

Vấn đề tranh chấp đất đai giữa phía chính quyền Việt Nam với các cơ sở tôn giáo rất phức tạp do lịch sử để lại.

Theo văn bản số 1940 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hồi tháng 12 năm 2008 sau các biến cố về tranh chấp đất đai tại Toà Nhà Khâm Sứ 42 Nhà Chung và Dòng Chúa Cứu Thế 178 Nguyễn Lương Bằng, chính phủ Việt Nam cấm việc chuyển đổi mục đích các cơ sở có nguồn gốc tôn giáo để tránh nổ ra những bất ổn xã hội.

Ngoài ra, theo văn bản vừa nêu, những nơi nào còn sử dụng cho mục đích xã hội như trường học, trạm y tế hay công sở thì vẫn tiếp tục duy trì. Những nơi nào không sử dụng được, nếu có thể trả lại cho các hội, nhóm tôn giáo ban đầu thì trả lại; nếu không trả lại, cần giữ nguyên trạng.

Tuy nhiên, theo các nữ tu, những gia đình ở số 5 phố Quang Trung, nơi Hội Dòng cho thuê đã biến thành khu tập thể của Bộ Y Tế và nay được chính quyền Hà Nội cấp sổ đỏ. Các nữ tu của Hội Dòng cho rằng, điều đó không những vi phạm quyền và lợi ích chính đáng và liên tục của họ với tư cách là những công dân, của một tổ chức, nó còn vi phạm pháp luật về đất đai của nhà nước Việt Nam cũng như vi phạm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

httpv://www.youtube.com/watch?v=sSElFMdbmYE

Hà Nội đình chỉ việc xây dựng trên đất có tranh chấp với Dòng Thánh Phaolô

Đảng, các ông mở cửa hậu cho Trung Quốc?

Đảng, các ông mở cửa hậu cho Trung Quốc?

“Đảng phải tự kiểm điểm chính mình một cách thành thật và chấp nhận các giải pháp khắc khe để thay máu. Đây là cuộc cách mạng nội thân ý nghĩa nhất nếu Đảng còn tin vào sự mầu nhiệm cách mạng mà hơn 70 năm qua Đảng đã dựa vào.  Nếu không, dân sẽ thay Đảng làm cuộc cách mạng cho chính họ.  Nếu không, chính Đảng đã thừa nhận rằng mình tự mở cửa hậu cho Trung Quốc vào Việt Nam và Đảng sẽ trở thành một tập thể bán nước lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

_____

Blog RFA

CanhCo

30-7-2016

Từ trái qua phải: Tập Cận Bình, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh Thế Huynh tại Hà Nội, 05/11/2015. Nguồn: internet

Cuộc chiến giữa nhân dân và Đảng về vấn đề Trung Quốc đã rẽ sang bước ngoặc mới. Một là Đảng tồn tại vì được Trung Quốc tiếp tay khủng bố quần chúng để dần dần biến Việt Nam thành vùng đất nô lệ, hai là Đảng phải thay đổi cách ứng phó với Trung Quốc trong hàng trăm vấn đề, mà vấn đề hiện hữu nhất là an ninh lãnh thổ.

Bước ngoặc này không do người có lòng với đất nước tạo ra để áp lực Đảng mà đến từ Trung Quốc, đất nước ngày càng chứng tỏ lòng tự đại vượt mọi giới hạn, trong đó chủ nghĩa dân tộc điên cuồng đang làm cho Bắc Kinh dần dần trở thành kẻ thù của toàn thế giới, ngoại trừ với những chính phủ độc tài toàn trị.

Sự việc hacker Trung Quốc công khai nhìn nhận đã tấn công hàng loạt phi trường Việt Nam trong ngày 29 tháng 7 cho thấy việc bảo vệ lãnh thổ của quân đội, an ninh mạng cũng như các cơ quan tình báo, chống xâm nhập của Việt Nam quá thô thiển, lạc hậu và thụ động vượt qua sự tưởng tượng của người dân, vốn luôn tin rằng quân đội cũng như các hệ thống vừa nói đủ sức đối phó với Trung Quốc, hay ít ra đủ thông tin để ứng phó sau khi cuộc tấn công diễn ra. Những bài báo ca ngợi tính chiến đấu của quân đội nhân dân hay tâng bốc tính năng an ninh mạng vượt bậc của Việt Nam trở thành khôi hài và từ đó người dân đang chờ sự tuyên bố của nhà nước trước vấn đề hệ trọng này.

Hệ trọng vì nếu hacker tấn công được hệ thống hàng không dân dụng, cụ thể là các phi trường quốc tế của Việt Nam, có nghĩa là hacker Trung Quốc có thể tấn công vào những cơ chế khác, dân sự lẫn quân sự khi chiến tranh xảy ra.

Hacker Trung Quốc từng thâm nhập Bộ quốc phòng Mỹ ăn cắp dữ liệu, ai dám đảm bảo Bộ Quốc phòng Việt Nam ưu việt hơn Mỹ để vô hiệu hóa hoạt động gián điệp của chúng?

Về dân sự ai đảm bảo rằng các phi trường Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất hay Cần Thơ sẽ không bị tê liệt một lần nữa. Nhưng lần tê liệt sắp tới sẽ nghiêm trọng hơn, dài ngày hơn vì hacker đã biết cách tránh né mọi kỹ thuật phòng chống của an ninh mạng Việt Nam?

Ở các lĩnh vực khác, nơi nào được điều hành bằng hệ thống máy tính thì nơi đó sẽ tê liệt khi bọn hacker tấn công.

Và điều chắc chắn nhất sẽ xảy ra: Khi Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh, hệ thống phát thanh, truyền hình toàn quốc sẽ bị cướp mất, như đã được chúng làm thí điểm trong vài ngày vừa qua tại Nha Trang và Đà Nẵng, để thay vào đó là các bài tuyên truyền chống Việt Nam phát liên tục 24 giờ, cùng lúc mạng Internet Việt Nam hoàn toàn sụp đổ, người ta không thể liên lạc qua phone, e-mail hay thậm chí qua Facebook, bởi các phần mềm gián điệp của Trung Quốc được cài sẵn từ các ISP (Internet Service Provider) của Việt Nam lúc ấy sẽ thức dậy và hoạt động.

Bọn hacker cũng thức dậy ngay từ chiếc computer của người dân bình thường nếu nó được sản xuất từ Trung Quốc. Không ai ngạc nhiên vì điều này, có ngạc nhiên chăng là chính phủ Việt Nam biết rõ hơn người dân rằng, công ty phần mềm Hoa Vi (Huawei) là nơi gián điệp của Trung Quốc đang mượn để núp bóng hoạt động. Nó đã bị vạch mặt tại nhiều nước trên thế giới và người ta đưa ra phương cách đối phó mạnh mẽ, kể cả cấm hoạt động trong nước của họ, còn Việt Nam, vẫn như cũ vẫn cứ rẻ là được phần còn lại hãy để cho cơ quan trách nhiệm lo.

Cơ quan được gọi là trách nhiệm ấy biết rõ tất cả các máy computer được Trung Quốc sản xuất đều có cửa hậu backdoor, nơi thích hợp nhất cho hacker thâm nhập. Biết nhưng vẫn lờ đi vì nếu đánh động lên sẽ bị Trung Quốc tát tai bằng những câu chữ hết sức hữu nghị.

Những câu chữ ấy bây giờ Đảng Cộng sản Việt Nam phải nhận thức rõ rằng chúng chỉ có giá trị được dùng để xâm lược, và khi cần người bạn đồng chí này của Đảng sẽ trở mặt như Thủ tướng Hun Sen.

Trung Quốc chỉ dẫn cho Hun Sen cách cho Việt Nam một bài học lần thứ hai, có lẽ là sự cần thiết để chế độ chính trị hiện nay thức tỉnh, thức tỉnh trước khi nhân dân dạy cho Đảng bài học thứ ba: Bạo lực cách mạng.

Đảng không nên nghi ngờ sức mạnh quần chúng. Đảng càng không nên tiếp tục tìm cách giữ ghế bằng việc gieo rắc nỗi sợ hãi trong nhân dân, và một điều nữa, Đảng càng không nên quên lịch sử có thể lập lại bất cứ lúc nào.

Đảng không nên quên bài học sáng hôm nay, 30 tháng 7 một ngày sau khi hacker Trung Quốc chiếm lĩnh 2 phi trường lớn nhất Việt Nam, người dân Nghệ An đã áp dụng đúng những gì mà Đảng dạy cho dân nhiều chục năm về trước, đó là bài học bạo lực cách mạng.

Những hình ảnh ghi lại trên một video clip cho thấy người dân tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã phản ứng lại việc công an đàn áp họ trong dự án xây dựng nhà máy xi măng Nghi Tiến. Khi lực lượng cơ động tấn công vào người dân, đã bị dân chúng ném đá không nương tay vào những “chiến sĩ” trang bị tận răng nón sắt, khiên, dùi cui. . .và rốt cuộc đã có những chiến sĩ gần trở thành “liệt sĩ” nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nhiều nơi khác đã từng phản ứng “tích cực” như vậy và báo chí tường trình rất chi tiết. Những tập hợp tích cực về sự phản kháng sẽ ngày một lớn hơn, mà quan trọng và tiềm ẩn lớn nhất là nỗi lo sợ nước mất vào tay Trung Quốc.

Những cuộc biểu tình chống hacker Trung Quốc nếu nổ ra Đảng không nên tiếp tục ra tay đàn áp để đi tới đổ máu khi sự bức xúc của người dân lên tới đỉnh điểm. Đảng không thể ru ngủ người dân khi kẻ thù đã vào tới cửa ngõ nhà mình. Điều mà Đảng có thể làm trong những ngày sắp tới là khai tử lý thuyết mềm mỏng để bắt tay vào xây dựng sách lược đối phó mà trong đó Đảng hãy can đảm khai trừ những thành phần hèn nhát, cơ hội, dựa vào Trung Quốc để tiếp tục hút xương tủy nhân dân.

Đảng phải tự kiểm điểm chính mình một cách thành thật và chấp nhận các giải pháp khắc khe để thay máu. Đây là cuộc cách mạng nội thân ý nghĩa nhất nếu Đảng còn tin vào sự mầu nhiệm cách mạng mà hơn 70 năm qua Đảng đã dựa vào.

Nếu không, dân sẽ thay Đảng làm cuộc cách mạng cho chính họ.

Nếu không, chính Đảng đã thừa nhận rằng mình tự mở cửa hậu cho Trung Quốc vào Việt Nam và Đảng sẽ trở thành một tập thể bán nước lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Chào ánh sáng, chào những ánh mắt mở ngủ mê

Chào ánh sáng, chào những ánh mắt mở ngủ mê

Tuấn Khanh

30-7-2016

Ảnh: một góc của cuộc chiến tranh 1979 chống Trung Cộng xâm lược. Ảnh: internet

Sự kiện tin tặc Trung Cộng tấn công vào hệ thống IT của phi cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài, ngày 29/7, như có một luồng ánh sáng chớp lóe lên trong suy nghĩ của hàng triệu người dân Việt. Hy vọng thay, đó là khoảnh khắc sẽ thức tỉnh được nhiều con người về hiện trạng đất nước.

Có lẽ, bất kỳ ai vẫn lớn tiếng kêu to rằng đừng quan tâm chính trị, hãy chỉ lo làm ăn – làm giàu, và hãy cứ phỏ mặc cho Nhà nước giải quyết mọi chuyện, lúc này sẽ phải dành chút ít thời gian nghĩ về thân phận của mình và gia đình mình. Trên các chuyến bay của ngày 29/7, một nhà triệu phú hay một người nghèo khó đều có thể bỏ xác ngay trên đất nước mình trong niềm tin cố thơ ngây phi chính trị ấy. Có hơn 400.000 hành khách đã bị ảnh hưởng như vậy từ hành động cảnh cáo của nhóm tin tặc 1937cn, do Bắc Kinh tài trợ và nuôi dưỡng, mà bên cạnh đó, có những lời tố cáo cho biết các thành viên của nhóm này đã xâm nhập từ lâu vào hệ thống IT của Việt Nam. Dĩ nhiên, còn chưa tính tới việc có ai đó là kẻ phản bội và bán đứng các thông tin quan trọng cho giặc phương Bắc.

Nhưng vì sao, giữa vô vàn thống khổ lâu nay của quê hương – từ nạn bauxite đang giết dần mòn Tây Nguyên, từ biển và đảo đang mất dần, ngư dân bỏ mạng trên biển và tuyệt vọng trên bờ, cho đến những dự án nguy nga giả tạo xây lên để tạo ra ngân khoản rút rỉa mồ hôi nước mắt nhân dân, những cuộc cưỡng chiếm đất đai của nông dân như bọn thổ phỉ chiếm đóng – chuyện mất an ninh mạng của các phi cảng Việt Nam lại gây chấn động như vậy?

Người dân Việt Nam bị ru ngủ trong một thông điệp mơ hồ là hãy chỉ nên lo cho bản thân mình, lâu nay đã trở thành những vùng quần cư ích kỷ và hẹp hòi, nên rồi chỉ biết nẹp mình trong chén cơm và manh áo. Họ quên cả đồng bào, quên cả tổ quốc, quên cả số phận tương lai của mình. Sự xót thương không còn nhưng lại liều lĩnh tội nghiệp như những hành khách theo lệnh ra khơi mà không bao giờ được chu cấp một chiếc phao cứu sinh. Những ngày cá chết, ngư dân tuyệt mạng thì nhiều người Việt nghe chừng đâu đó rất xa xôi. Bùn đỏ tràn miền Thượng thì nghe như bản tin quốc tế thoáng qua với họ. Chỉ đến khi sinh mạng của từng người bắt đầu bị đe dọa thì mới xuất hiện sự hoảng sợ và ý thức. Nhất là đối với từng con người đang chăm chút cho số tiền để dành, cho sự bình yên phi chính trị… chợt bừng tỉnh rằng mọi thứ là vô nghĩa trước một tình cảnh quá hoang tàn.

Có ý kiến hùng tráng cho rằng dân tộc Việt Nam đang bật lên đoàn kết sự kiện hoảng hốt này. Đó là một loại ngụy biện đáng thương. Sẽ không có chứng cứ nào về loại đoàn kết từ sự rúm ró sợ hãi và mơ hồ về tương lai của mình như vậy. Những con cừu chỉ còn đứng tụm vào với nhau trong niềm đau đớn bất lực trước những con sói bất kỳ giờ phút nào cũng có thể xông vào trang trại, trong khi các chủ trại chỉ biết chè chén mỗi ngày và ngủ mê với cái nhìn tin yêu, rằng bọn chó sói có thể trở thành chó chăn cừu.

Những con cừu ấy, vốn sống theo tiếng gậy chăn dắt, mang niềm tin rằng chúng cứ ăn no, dâng hiến đời mình cho chủ trại là trọn phận. Sống ngu ngơ và chết lặng im.

Từ vụ tấn công ngày 29/7/2016, hãy nghĩ đến những ngày về sau. Đáp trả lại một câu, mà một nhân viên hải quan Việt Nam nào đó ghi trên hộ chiếu có đường lưỡi bò, Bắc Kinh đã gửi đến một thông điệp đầy tính đe dọa không đơn giản, rằng họ đang ở khắp mọi nơi.

Mà không phải chỉ riêng hôm nay, các vụ tấn công nằm sâu trong các tin tức bị ỉm đi, bị che giấu như chuyện tầm phào, từ truyền thanh ở Đà Nẵng, Huế bị chiếm sóng, tia laser tấn công vào các phòng lái máy bay ở phi trường, kể cả những lần bị mất sóng kiểm soát không lưu khiến đường bay hỗn loạn, các sự cố mất điện bất thường ở sân bay…  nhân dân bị đối xử như trẻ dại, không nên bàn đến, không cần biết đến – mặc dù những người có trách nhiệm thì ngày càng giới thiệu rõ sự bất lực của mình.

Nhưng chính nhân dân cũng bất lực. Họ nhận ra cái chết của mình mỗi ngày, nhận ra nỗi khốn khổ của quê hương này mỗi ngày bên cạnh các tuyên bố thề trung thành với tình hữu nghị bất chấp. Vận mệnh dân tộc đang bị nhấn chìm trong biển hữu nghị ấy – bao gồm lời gào thét của các quan chức cấp cao khi một mực đòi chấp nhận cho Trung Cộng nắm giữ các dự án quan yếu của đất nước, thậm chí nhượng bộ các yêu sách của Trung Quốc liên quan đến an ninh quốc gia. “Các người đã làm được gì cho đất nước chưa?” – dĩ nhiên là chưa, vì với mọi sắp đặt tàn độc đó, người Việt chỉ còn rơi nước mắt nhìn tổ quốc mình trong tay những kẻ thỏa hiệp và bọn phản bội.

Giờ thi không ai còn hồ nghi nữa, rằng Trung Cộng đã có một bước đi thâm hiểm từ rất lâu, và chỉ đợi thời cơ để chứng minh khả năng đè bẹp Việt Nam. Đừng trút mọi oán giận lên kẻ thù – vì  đó là một kẻ thù đã được nhận biết rõ từ lâu – hãy oán giận những suy nghĩ kết thân với kẻ thù, tay bắt mặt mừng, thề thốt và rước kẻ thù vào nhà.  Nếu không có những kẻ đó, hàng trăm cây số biên giới Việt Nam không mất cùng Thác Bản Giốc, biển Việt Nam không nguy hiểm chập chờn từng ngày, Tây nguyên không suy kiệt và Formosa Hà Tĩnh không thể hủy diệt môi trường và con người Việt Nam.

Và vì sao, những người anh chị em Việt Nam xuống đường kêu gọi chống lại âm mưu xâm lược của Bắc Kinh luôn bị đánh đập, giam cầm?

Trong một bài thơ của Bùi Chí Vinh, ông có viết rằng:

Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền
Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

Trong bất lực, người ta chỉ còn biết nghĩ đến quả báo, nhưng một cách tự an ủi mình, và mong manh hy vọng kẻ ác có thể tỉnh giác để trở lại làm người. Nhưng với hiện thực hôm nay, mọi thứ sẽ như một luồng ánh sáng soi rọi đến từng trái tim con người Việt. Thức tỉnh từng con mắt đang mở mà như vẫn ngủ mê. Hãy biết qúy trọng từng cơ hội đi qua sợ hãi – chào một ngày mới, không phải để đoàn kết mộng mị – mà dựa vào đó để soi rõ mặt các loại anh em, bao gồm loại anh em đang phản bội lại máu thịt và tương lai dân tộc.

Formosa: Cùng nhau lợi dụng lỗ hổng pháp luật

Formosa: Cùng nhau lợi dụng lỗ hổng pháp luật

Nam Nguyên, phóng viên RFA

000_CL8R5-622.jpg

Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

AFP

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Báo cáo Quốc hội về thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển miền Trung, Chính phủ thừa nhận có sự lợi dụng lỗ hổng pháp luật về đầu tư cũng như xây dựng và môi trường trong dự án Formosa. Bên cạnh đó Chính phủ cũng giảm số lượng người bị ảnh hưởng trực tiếp vì thảm họa Formosa.

Làm gì để phục hồi niềm tin của công chúng?

Thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bản báo cáo của Chính phủ về thảm họa môi trường ven biển miền Trung do Formosa gây ra đã tới tay các đại biểu Quốc hội hôm 26/7 vừa qua. Theo đó, Chính phủ nhìn nhận sự cố môi trường đã làm giảm lòng tin của người dân với Nhà nước. Trong bản báo cáo dài 23 trang do Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà ký tên và được phổ biến trên mạng, Chính phủ nhìn nhận:“Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường.”

Chuyện bắt buộc đầu tiên phải là pháp luật và tôi đề cao chuyện đó, nếu không dùng pháp luật thì không một biện pháp nào có thể lấy lại niềm tin được.
-LS Lê Văn Luân

Trả lời chúng tôi vào tối 28/7, đáp câu hỏi qua thảm họa Formosa Nhà nước Việt Nam có thể làm gì để phục hồi niềm tin của công chúng, Luật sư nhân quyền Lê Văn Luân từ Hà Nội phát biểu:

“Chuyện để mà lấy lại niềm tin thì chỉ có pháp luật bởi vì một xã hội được duy trì vào thượng tôn pháp luật, mà đây chính là mục tiêu của bất kỳ nhà nước nào kể cả nhà nước Việt Nam cũng phải thượng tôn pháp luật, thì đương nhiên phải sử dụng pháp luật để điều tiết xã hội, điều chỉnh xã hội và không nương nhẹ với bất kỳ ai đặc biệt là quan chức. Bởi vì quan chức mới là người có cơ hội, có quyền lực, có khả năng để tham nhũng, để lạm dụng những kẽ hở, hoặc là chính Đảng Cộng Sản làm những việc gọi là gây hậu quả nghiêm trọng, chứ người dân thì không có. Cho nên chuyện bắt buộc đầu tiên phải là pháp luật và tôi đề cao chuyện đó, nếu không dùng pháp luật thì không một biện pháp nào có thể lấy lại niềm tin được.”

Trong bản báo cáo gởi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cho biết thảm họa môi trường 4 tỉnh ven biển khiến 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với khoảng 41.000 lao động trực tiếp và hơn 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng do sự cố môi trường gây ra. Sản lượng khai thác ven bờ và vùng lộng tức khu vực sát bờ bị thiệt hại khoảng 1.600 tấn mỗi tháng.

Như vậy bản báo cáo chính thức này đã giảm bớt khoảng gần 60 ngàn người cần được trợ cấp lương thực và tài chính cũng như chuyển nghề. Thời gian qua báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin số lao động trực tiếp bị ảnh hưởng là hơn 100.000 người và hơn 176.000 người phụ thuộc.

Trong báo cáo, Chính phủ nhìn nhận về tình trạng bất an xã hội, nhân dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm từ hải sản.

image006-620.jpg

Giáo dân thuộc giáo xứ Cồn Sẻ biểu tình phản đối Formosa Hà Tĩnh hôm 7/7/2016.

Chúng tôi xin nhắc lại đã xảy ra cuộc biểu tình bị đàn áp vào ngày 7/7/2016 vừa qua của hàng ngàn giáo dân Cồn Sẻ Quảng bình, một địa phương hoàn toàn sống nhờ nghề cá. Lúc đó, Linh mục Phê Rô Hoàng Anh Ngợi, Chánh xứ Cồn Sẻ đã nói với Đài RFA:

“Chuyện cá chết, từ tháng tư đến giờ không đi biển được. Thêm nữa một số bè cá trên sông trong 4 ngày này bị chết. Những con nào không chết bây giờ đem đi các chợ bán không ai mua. Về nhà vợ chồng phải ôm nhau khóc vì lỗ 100 triệu, 70-80 triệu. Ở một miền quê mà lỗ 100 triệu, 70-80 triệu- một khoản tiền rất lớn. Có khi họ làm cả đời cũng không được khoản tiền như thế. Mà ở đây cả hằng trăm bè cá. Bức xúc quá khứ, bức xúc hiện tại chồng nhau. Công bố nói Formosa đền 500 triệu đô. Họ nghĩ đền 500 triệu đô thì làm sao đánh đổi được cuộc sống của họ, chưa nói đến 4 tỉnh miền Trung. Lấy gì cho tương lai đây.”

Có cần Formosa đến 70 năm không?

Được biết, ngày 29/7/2016 trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2016, nhiều đại biểu đã tập trung vào vấn đề giải quyết thảm họa môi trường ven biển, điều mà đại biểu Trần Công Thuật, Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình gọi là quả bom Formosa.

Thời báo kinh tế Saigon Online dẫn lời đại biểu Trần Công Thuật nói nguyên văn: “Khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản, khi nào môi trường biển an toàn? Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến 70 năm không?”

Việc đánh đổi tăng trưởng với môi trường, thì thực sự các chuyên gia trong nước cũng đã nhắc đến từ lâu, cảnh báo với họ từ lâu. Rất đáng tiếc, bởi vì không phải một chế độ dân chủ nên người ta phớt lờ những ý kiến đó của người dân…
-TS Nguyễn Quang A

Ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật còn công khai một thảm trạng của tỉnh nhà, đó là trong 4 tháng qua kinh tế của Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên. Quả bom Formosa, theo lời ông Trần Công Thuật, đã kéo lùi sự phát triển của Quảng Bình, kể cả về kinh tế, xã hội, an ninh , trật tự mất ổn định và làm giảm lòng tin của nhân dân.

Theo tường thuật của SaigonTimes Online, Người đại diện của Quảng Bình đã kêu gọi Chính phủ làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời nhanh chóng giải quyết những khó khăn của người dân về việc làm, về thu nhập, ổn định đời sống lâu dài một cách căn cơ để nhân dân yên tâm.

Tại phiên họp Quốc hội chiều 29/7/2016, ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết thêm thông tin về số tiền 500 triệu USD mà Formosa chấp thuận bồi thường. Theo đó, tính đến ngày 28/7, Formosa đã chuyển một nửa số tiền này tức 250 triệu USD vào một tài khoản tạm giữ. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết tiền sẽ được chuyển cho các tỉnh, nhưng các địa phương chịu trách nhiệm về việc phân phối. Phần 250 triệu USD còn lại Formosa hứa chuyển vào ngày 28/8 sắp tới.

Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện đã trải qua một giai đoạn phát triển kinh tế bằng mọi giá, bất chấp những cảnh báo về hiểm họa môi trường mà giới trí thức, học giả đã kiến nghị. Dự án Formosa Vũng Áng, cũng từng được cảnh báo trong mấy năm liền không những về ô nhiễm môi trường biển, mà quan trọng hơn nữa là vấn đề an ninh quốc phòng. Tuy vậy những phản biện về dự án Vũng Áng cũng như bauxite Tây Nguyên, đã không được Đảng và Nhà nước lắng nghe.

Điều này đã được TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân quyền ở Hà Nội nhận xét:

“Việc đánh đổi tăng trưởng với môi trường, thì thực sự các chuyên gia trong nước cũng đã nhắc đến từ lâu, cảnh báo với họ từ lâu, ít nhất từ đợt lấy kiến nghị phản đối bauxite Tây Nguyên và liên tục sau đó đã có rất nhiều tiếng nói. Rất đáng tiếc, bởi vì không phải một chế độ dân chủ nên người ta phớt lờ những ý kiến đó của người dân…”

Phải đợi tới khi một thảm họa thực sự xảy ra cho 4 tỉnh ven biền Bắc Trung Bộ, Đảng và Nhà nước mới như được thức tỉnh. Trong báo cáo gởi đại biểu Quốc hội ngày 26/7/2016, Chính phủ Việt Nam nói rằng, qua sự cố Formosa, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay.

Việt Nam: Truyền thông nhà nước không còn độc quyền ‘múa gậy vườn hoang’

Việt Nam: Truyền thông nhà nước không còn độc quyền ‘múa gậy vườn hoang’

Nguoi-viet.com 

A vendor sell newspapers in downtown Hanoi on May 13, 2008. The two journalists who led denunciation of a major corruption scandal in the communist country have been arrested on May 12, 2008 for "abuse of power". Nguyen Van Hai and Nguyen Viet Chien, respectively journalists of Tuoi Tre and Thanh Nien newspapers. The dailies were among the most active media covering the scandal when it broke two years ago. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam (Photo credit should read HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Trước sự lớn mạnh của mạng xã hội, những tờ báo do đảng trực tiếp chỉ huy nay không còn mấy tờ được độc giả quan tâm. (Hình: Getty Images)

Điếu Cày/Người Việt

Thế giới thay đổi, sự xuất hiện và phát triển nhanh của mạng xã hội, công nghệ thông tin, blog, Facebook tại Việt Nam khiến truyền thông nhà nước không thể “múa gậy vườn hoang.” Đó là thực tế của những “trận đấu truyền thông Việt” trong vài năm qua.

Một vài ví dụ

Ngày 14 tháng Năm, 2016, Báo Tuổi Trẻ có bài viết, rằng Công An Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định “Việt Tân tổ chức gây rối,” đồng thời nêu đích danh công dân Huỳnh Thành Phát cùng địa chỉ cư trú với nhân thân “có hai tiền án.”

Ngay sau đó, Huỳnh Thành Phát dùng điện thoại gọi trực tiếp đến máy của phóng viên viết bài, chất vấn thông tin tiền án. Câu hỏi anh Phát đặt ra: Thông tin tiền án lấy từ đâu? Và cuộc gọi này được ghi lại bằng video.

Vài giờ sau khi đăng tải đoạn video trên Facebook Huỳnh Thành Phát, cuộc đối thoại giữa Huỳnh Thành Phát và phóng viên báo Tuổi Trẻ được chia sẻ nhanh chóng trên internet. Trong video này, phóng viên Viễn Sự (báo Tuổi Trẻ) cho biết bài viết do Công An Thành Phố gửi đăng và báo Tuổi Trẻ chưa hề kiểm chứng thông tin về Huỳnh Thành Phát. Báo Tuổi Trẻ sau đó đã phải gỡ tên Huỳnh Thành Phát ra khỏi bài viết, và tiếp theo gỡ luôn bài viết khỏi trang web của mình.

Một trường hợp khác. Trong bài phóng sự tối 14 tháng Năm, 2016, đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV2) đưa tin về một nhân vật khác, là chị Hoàng Mỹ Uyên (Facebook Ubee Crazee), liên quan đến việc Hoàng Mỹ Uyên và con gái đi biểu tình tại Sài Gòn.

Trong cuộc biểu tình vì môi trường sáng ngày 8 tháng Năm, Hoàng Mỹ Uyên và con gái bị công an và Thanh Niên Xung Phong đánh đập gây thương tích.

Sau khi đoạn video được HTV2 loan tải, Hoàng Mỹ Uyên lập tức phản ứng bằng bài viết “HTV2 Dựa Vào Đâu Để Nói Tôi Là “… mang con theo để phục vụ mục đích chính trị?”

Bài viết của Hoàng Mỹ Uyên ngay lập tức gây sốt trên mạng, được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.

Các ví dụ trên cho thấy, hai cơ quan truyền thông lớn hàng đầu ở Sài Gòn đã theo thông tin của công an, không kiểm chứng nguồn tin, đăng tải thông tin có tính vu khống và bôi nhọ danh dự công dân.

Đó là chuyện miền Nam. Miền Bắc cũng xảy ra tương tự.

Cuối tháng Năm, 2016, MC Phan Anh, người dẫn chương trình trên truyền hình ở Hà Nội, bị đấu tố trong buổi tọa đàm bởi một nhóm người, được dẫn dắt bởi bà Tạ Bích Loan. Cuộc đấu tố kéo dài 2 giờ, truy vấn Phan Anh “mục đích nào, động cơ nào…” trong việc chia sẻ thông tin về vụ cá chết mà anh đưa lên facebook của mình.

Khi VTV đăng tải video đấu tố Phan Anh trên Youtube, một cơn bão truyền thông đã phẫn nộ nhắm vào VTV, chỉ trích cuộc đấu tố mang hơi hướng của thời “Cải Cách Ruộng Đất.” Nhóm đấu tố được ví như “Hồng Vệ Binh” thời Cách Mạng Văn Hóa Trung Cộng. Trong vòng vài giờ đồng hồ, VTV đã phải gỡ toàn bộ video đấu tố ra khỏi Youtube.

Một âm mưu được dàn dựng, cắt ghép, với bầy đàn đấu tố nhằm hạ uy tín MC Phan Anh, khi đưa ra công khai trên internet đã hoàn toàn thất bại. Không những không hạ được uy tín MC Phan Anh, mà thông điệp của người này còn lan tỏa khắp nơi: “Đừng im lặng!”

Trong bài viết “Chia Sẻ Trên Mạng Để Làm Gì?” Nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận định: “Từ câu chuyện của em Huỳnh Thành Phát đến anh Phan Anh, cho thấy tư duy và hành động của phía một phía vẫn không đổi, nhưng nhận thức và ý thức của phía nhân dân đã vùn vụt đổi thay. Chuyện của em Huỳnh Thành Phát chỉ có hàng trăm lượt share, hàng ngàn like nhưng đến chuyện của Phan Anh đã là hàng ngàn lượt share, hàng chục ngàn like. Vấn đề không phải là Phan Anh nổi tiếng hơn, mà vấn đề ở chỗ cấp số nhân của thái độ đó, cùng một ý nghĩa là phẫn nộ cho sự thật…”

Chống lại hệ thống truyền thông độc tài

Đây không phải là lần đầu tiên các tờ báo và đài truyền hình nằm trong tay Đảng Cộng Sản bị các Blogger phản đối và công khai thách đấu.

Đầu năm 2007 (thời còn Yahoo 360), báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh (CATP) có bài viết “Vụ án hy hữu 160 nghìn đồng” với nội dung bôi nhọ tôi (Blogger Điếu Cày). Ngay lập tức, tôi đã đến báo CATP yêu cầu phải có bài đính chính và xin lỗi công khai. Mặc dù đã được cung cấp thông tin, bằng chứng đầy đủ, tờ báo này vẫn ngoan cố không chịu đính chính.

Cùng với các bạn bè trong nhóm Blogger, tôi công bố thông tin phản biện và yêu cầu báo CATP phải đính chính và xin lỗi. Tất cả những nội dung liên quan đến vụ việc đều được hàng chục Blogger chia sẻ và nhân rộng trên các trang Blog, tạo thành một mạng lưới thông tin với hàng trăm ngàn lượt truy cập cả trong và ngoài nước.

Trận đấu giữa Blog và báo CATP đang diễn ra, chưa phân thắng bại.

Lần thứ 5, khi tôi đến yêu cầu đính chính thì những người có trách nhiệm giải quyết ở báo CATP yêu cầu tôi chấm dứt đưa tin trên internet!

Chính cái yêu cầu quái gở này của báo CATP đã gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Nhiều comment, bài viết bày tỏ quan tâm đến thân phận người dân trong xã hội độc tài truyền thông. Những vụ hàng chục tờ báo xúm vào đánh hội đồng Hòa Thượng Quảng Độ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý trong khi họ còn đang bị giam cầm, không có phương tiện phản biện, được nhắc lại như những bằng chứng về sự khốn nạn của một hệ thống truyền thông trong tay Đảng.

Thử hỏi, truyền thông do nhà nước chỉ đạo, viết nội dung sai sự thật, xúc phạm danh dự công dân, không chịu đính chính, xin lỗi, thì người dân biết lấy phương tiện nào để tự bào chữa, bảo vệ danh dự mình?

May thay, công nghệ thông tin ra đời, cung cấp cho người dân công cụ tuyệt vời để chia sẻ, để cất lên tiếng nói của mình, để liên kết với nhau tạo ra sức mạnh chống lại hệ thống truyền thông độc tài. Đó là Blog và Facebook!

Trong khi tôi và các bạn Blogger của mình đang liên thủ đấu với báo CATP thì đài BBC đã kịp thời  đăng bài “Blog Đấu Với Báo,” dẫn cả hai đường link của Blog Điếu Cày và báo CATP để bạn đọc phân biệt đâu là sự thật! Với tầm vóc và lượng truy cập của BBC, tương quan lực lượng đã thay đổi. Báo CATP đã phải gỡ bài khỏi website như một sự đầu hàng!

Đây thực sự là hiện tượng trong lịch sử truyền thông Việt. Bởi lần đầu tiên một người dân dùng một trang Blog nhỏ bé của mình để “đấu” với một tờ báo của nhà cầm quyền, lại ở trong một xã hội độc tài về truyền thông, và đã thắng.

Tôi cùng bạn bè nhận ra rằng, một trang Blog, dù nhỏ bé nhưng nếu liên kết với nhiều trang Blog khác, sẽ tạo sức mạnh, nhất là khi nó được các tờ báo lớn trên thế giới tiếp sức.

Hiện tượng này khích lệ các blogger liên kết thành nhóm, công khai thực hiện quyền tự do ngôn luận mạnh mẽ hơn. Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do được thành lập tháng Chín, 2007, phát động phong trào Dân Báo tại Việt Nam từ đầu năm 2008, trong tinh thần đó.

Sau sự lớn mạnh của các blog liên kết, cái kết của các trận đấu truyền thông đến nhanh hơn, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ!

Từ năm 2007 đến nay, số lượng người dùng internet tăng gần gấp đôi, số lượng người sử dụng mạng xã hội tăng gấp 5 lần. Các blogger liên kết, giúp thành hình những nhóm hoạt động nhanh nhạy, chuyên nghiệp, lượng truy cập và chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt những kỷ lục mà các tờ báo nhà nước không bao giờ có được!

Rõ ràng, mạng xã hội đóng vai trò rất lớn trong tiến trình dân chủ và thể hiện quyền biểu đạt; đặc biệt, góp phần thức tỉnh nhiều người, khi mà báo chí “chính thống” vẫn bị quản lý, định hướng và giúp bưng bít thông tin.

Thế giới thay đổi, xã hội thông tin ở Việt Nam đang thay đổi, không còn là nơi cho các phương tiện truyền thông trong tay Đảng “múa gậy vườn hoang” nữa.

Nếu không biết hành xử trong “thế giới phẳng,” các tờ báo Đảng sẽ còn nhận được nhiều quả đắng. Và điều quan trọng nhất đối với một tờ báo: Mất niềm tin của độc giả là mất tất cả. Bài học này không chỉ cho truyền thông, mà còn cho cả nhà cầm quyền Cộng Sản!

Chủ tịch cộng đồng Việt ở Houston thẳng thừng chia sẻ ‘thực trạng’ cộng đồng

Chủ tịch cộng đồng Việt ở Houston thẳng thừng chia sẻ ‘thực trạng’ cộng đồng

Nguoi-viet.com 

Ngọc Lan/Người Việt

Quoc-Anh-01

Cựu Trung Tá Trần Quốc Anh, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

HOUSTON, Texas (NV) – Có thể nói ông Trần Quốc Anh, 46 tuổi, cựu trung tá lục quân Hoa Kỳ, hiện giữ chức chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Các Vùng Phụ Cận, là một trong những người đang góp phần tích cực vào việc thay đổi bộ mặt cộng đồng Việt Nam nơi đây.

Tuy nhiên, điều đáng để người ta phải “kiêng dè” ông chủ tịch cộng đồng trẻ này chính là ở chỗ ông dám thẳng thừng nói lên những suy nghĩ của mình về thực trạng của tổ chức “cộng đồng,” cũng như những vấn đề tiêu cực, non yếu trong việc phát triển cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Bước vào cộng đồng Việt từ nhiệm vụ của nhân viên sở cứu hỏa

Cựu Trung Tá Trần Quốc Anh, qua lời giới thiệu của một số người dân sống lâu năm tại Houston, là “một hiện tượng của giới trẻ” khi dấn thân vào các sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam tại Houston.

Vượt biên sang Mỹ năm 1983, ở tuổi 12, 13, ông định cư ở New Orleans trước khi vào lính, phục vụ trong binh chủng lục quân Hoa Kỳ.

“Đi đây đi đó khắp nơi, cho đến khi đóng quân ở San Antonio-Austin thì tôi có dịp đến Houston chơi, thấy nơi đây có nhiều người Việt, nhiều đồ ăn Việt, thích quá, nên tôi nghĩ khi ra lính sẽ đến sinh sống tại đây,” ông Quốc Anh nói về nguyên do đưa ông đến vùng đất này.

Nói là làm. Rời cuộc đời binh nghiệp, ông về làm việc tại Sở Cứu Hỏa Houston để thỏa mãn ước mơ của mình.

Ông nhớ lại, “Khi đó, tôi xuất thân từ lính ra, biết cộng đồng là gì đâu. Khi về đây thấy không khí vui vẻ thì thích thôi, chứ chẳng biết ‘cộng đồng người Việt Quốc Gia’ gì hết.”

Tuy nhiên, cuộc đời luôn có những đưa đẩy bất ngờ, cũng như cuộc đời của người lính này. “Khi tôi làm việc cho sở cứu hỏa được tám năm thì họ gửi tôi về làm liên lạc cộng đồng Châu Á, mở rộng mối quan hệ với cộng đồng Việt Nam. Mỹ có nhiều chương trình mở rộng ra như thế. Tôi vào cộng đồng Việt, nói chuyện với người Việt, cũng phát những đồ dùng cho người Việt như máy báo khói chẳng hạn…”

Và, chính trong quá trình tiếp cận với cộng đồng có cùng màu da, tiếng mẹ đẻ với mình, ông Quốc Anh mới “giật mình” nhận ra là “Sao cộng đồng của mình dỏm vậy! Sao cộng đồng mình xấu vậy!”

“Dỏm và xấu theo nghĩa nào?” Người nghe cũng “giật mình” vì nhận xét không chút kiêng dè như thế.

Người đàn ông trung niên, nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt trong cuộc sống hằng ngày, giải thích một cách đơn giản nhất, “Xấu là họ chửi nhau nhiều. Dỏm là cái địa thế của Việt Nam mình yếu quá!”

“Khi làm công việc mở rộng mối quan hệ ra với các cộng đồng Châu Á, tôi nhận ra là cộng đồng người Hoa lớn lắm, có cả hơn 20 người làm việc trong đó. Trong khi đến trụ sở cộng đồng Việt Nam, ‘chời’ ơi, không bằng người ta, mà cũng không có mở cửa.” Tiếng “chời ơi” của ông chủ tịch trẻ đủ cho người đối diện cảm nhận một cách rõ nhất tâm tình ngỡ ngàng, thất vọng của một người gốc Việt lớn lên trong xã hội Mỹ lần đầu tìm về chính cội nguồn mình.

Ông cho biết thêm, “Không chỉ tôi làm cho sở cứu hỏa mà làm cho thành phồ luôn. Nghĩa là khi thấy thành phố có cái gì hay, bổ ích tôi cũng kéo về cho cộng đồng Việt Nam luôn, bằng cách tổ chức các sự kiện. Mục đích của tôi là phục vụ cộng đồng, chứ không phải Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia, chỉ là cộng đồng Việt Nam thôi.”

“Càng ngày càng học hỏi về cộng đồng người Việt thì càng thấy chán, càng thấy thua”

“Khi làm rồi tôi nhận ra là người Việt Nam mình rất là… Việt Nam, ‘khép kín.’ Việt Nam chỉ chơi với Việt Nam thôi, chứ không hướng ra dòng chính nên mình không có được gì hết,” ông tiếp tục nhận xét.

Nhìn ra điều đó, nên “người liên lạc” này “cố gắng mang nhiều quyền lợi đến cho cộng đồng mình hơn.” Tuy nhiên, ông không ngại thừa nhận, “nhưng càng ngày càng học hỏi về Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia thì càng thấy chán, càng thấy thua.”

Với tâm tình đó, cùng nhiệt huyết của một người muốn góp một bàn tay “làm sao để cho cộng đồng mình phát triển, ít nhất là được như cộng đồng người Hoa tại Houston,” nên cách đây ba năm, khi được mời ra ứng cử chủ tịch cộng đồng ở Houston, ông Quốc Anh đã “cảm thấy rất vui.”

“Giống như khi mình đi học, được dạy các tổ chức này tổ chức kia, hiệp hội này, hội đoàn kia là vui thôi, rồi nghĩ được ở trong ban chủ tịch cộng đồng Việt Nam thì cũng là có một ‘lý lịch tốt’ để đi xin việc rồi nên quyết định tham gia,” ông nhớ lại.

Nhưng. “Vô rồi mới thấy, chời ơi!”

Lại một tiếng kêu “chời ơi.”

“Mọi người trẻ cứ nghĩ là vào đó thì mình có cơ hội làm nhiều chương trình như hội chợ sức khỏe, các dịch vụ công cộng cho cộng đồng thôi, chứ không có dính líu gì về chính trị hết. Nhưng mà vô cả năm đầu toàn lo chuyện chính trị không, toàn bị chống phá không. Cứ suốt ngày lo chống đỡ với những chuyện người ta đánh phá, không có thời gian để làm cái gì khác hết,” ông nói.

Nói về “lý do bị đánh phá,” ông chủ tịch cộng đồng giải thích nhẹ bâng, “Việt Nam mà, ai mà không bị đánh. Nhìn lại từ xưa đến giờ sẽ thấy chủ tịch nào cũng bị đánh phá, đánh quá trời, họ tìm đủ cớ để đánh. Cả một liên danh toàn người trẻ, nào bác sĩ, kế toán, kỹ sư, lính Mỹ, mà họ đánh sao hay lắm, để tất cả lộn xộn, tan rã hết!”

“Ai hỏi thì tôi cứ nói thẳng ra là Cộng Sản phá cộng đồng. Đi đâu cộng đồng cũng bị đánh phá hết. Chứ chẳng lẽ nói người Việt quốc gia đi phá người Việt quốc gia! Cứ nhìn đi, cộng đồng nào lên cũng bị phá. Đó là sự thật. Và Cộng Sản ở đâu để phá mình? Không biết. Chỉ biết là không hội đoàn nào dám vô cộng đồng hết, kể cả hội đoàn quân đội cũng không dám vô cộng đồng nữa mà,” người chủ tịch cộng đồng ở nơi được xem là “bất ổn” nhận xét.

Ông nói cùng nụ cười và những cái lắc đầu nhè nhẹ, “Giờ thì mới hiểu tại sao đến giờ cộng đồng mình vẫn đang ở mức dưới này. Giờ mình mới hiểu vô cộng đồng phiền như vậy nên mấy người trẻ không vô là vậy. Nhiều người trẻ rất giỏi, có lòng nhưng mình kêu gọi họ vô thì họ nói ngu sao vô, đừng có vô, vô là bị người ta đánh, người ta phá. Mục đích mình là vô giúp cộng đồng mà bị đánh phá văng tùm lum. Giới trẻ ai đã biết cộng đồng thì không ai dám vô hết. Chỉ có mấy thằng không biết như mình mới vô thôi chứ ai mà vô.”

Người cựu quân nhân Mỹ nói như trải lòng, “Người Việt Nam mình lập cái gì ra chẳng bao lâu là rã đám, chỉ vì sự ích kỷ và không đoàn kết. Họ đòi hỏi tùm lum mà lại không biết gì hết, cứ nghe ai xui là a dua theo.”

“Lấy ví dụ, có người xin được $500,000 từ thành phố để phát triển trụ sở cộng đồng Việt Nam. Thế mà chính người Việt Nam cũng đánh phá, kéo nhau lên hội đồng thành phố chống. Vậy hỏi có ngu không? Mình đã được tiền cho rồi mà lại đi chống, làm phiền cho thành phố, lần sau thành phố nói thôi cho Việt Nam tiền phiền quá, cho cộng đồng người Hoa hay những cộng đồng khác tốt hơn, vì họ biết ơn hơn, họ vui vẻ hơn, trong khi cho Việt Nam thì lại bị chửi nữa, họ chửi nhau và chửi cả thành phố! Rồi khi một người Việt Nam được đề cử lên một chức vụ gì đó, thay gì là vinh dự lắm thì người mình lại kéo lên đi biểu tình phản đối! Thử hỏi một cộng đồng như thế thì ai dám cho họ cái gì nữa!” ông Quốc Anh phân tích những vấn đề mà theo ông “ai cũng hiểu, nhưng không chịu nói ra thôi.”

Ông Trần Quốc Anh, “càng ngày càng học hỏi về cộng đồng người Việt Quốc Gia thì càng thấy chán, càng thấy thua.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Muốn làm sao cho cộng đồng mình ít nhất cũng được như cộng đồng người Hoa ở đây”

Mệt mỏi là vậy, nhưng sau khi Luật Sư Phan Quốc Cường, một người rất trẻ đắc cử chức vụ chủ tịch cộng đồng khi đó không chịu nổi áp lực của “sự đánh phá” phải từ chức, cựu Trung Tá Trần Quốc Anh, trong vai trò phó chủ tịch, phải lên gồng gánh trách nhiệm chẳng mấy ai muốn làm đó.

Ông nói, “Tôi làm nhiệm vụ này đến nay được hai năm. Tôi học tập kinh nghiệm từ những người đi trước để thấy rằng cho dù mình giỏi bao nhiêu nhưng mình làm những gì người ta không thích thì cũng đều chết. Cho nên mình cứ từ từ mà đi. Những người chống đối cũng đánh phá tôi hai, ba lần. Nhưng tôi cứ mạnh dạn lên tiếng rằng mình bảo vệ giới trẻ, cho nên từ từ người ta cũng im.”

Cho rằng mình bị “mắc kẹt” trong vai trò chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận, nhưng đồng thời, ông Quốc Anh cũng nhìn nhận, “hiện giờ cũng đã có nhiều người thương tôi rồi, ủng hộ tôi rồi nên mình làm cái gì cũng dễ hơn.”

Ông chia sẻ, “May mắn là tôi đang làm việc cho sở cứu hỏa. Sở gửi tôi đến giúp cho cộng đồng Việt Nam. Thế nên 40 tiếng làm việc của tôi ở sở trở thành 40 tiếng ngồi ở trụ sở cộng đồng Việt Nam. Nếu không có sự trùng hợp này thì tôi biết chắc không ai có thời gian để làm như vậy, vì ai cũng phải đi làm việc, chỉ có cuối tuần hay những khi rảnh rỗi họ mới vô trụ sở cộng đồng. Khi sở cứu hỏa yêu cầu thì tôi cũng phải đến giúp những cộng đồng khác như người Hoa, người Philippines, người Ấn Độ…, nhưng xong việc thì mình lại trở vô trụ sở cộng đồng Việt Nam.”

“Lúc đầu ông nói khi mới bước chân vào cộng đồng này, ông chỉ muốn giúp đỡ người Việt Nam nói chung. Nhưng bây giờ, khi biết phân biệt là có Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận thì ông thấy có gì khác?”

Ông Quốc Anh trả lời, “Thật sự với tôi thì cũng giống nhau.”

“Khi người ta nói người Việt quốc gia chống Cộng Sản thì mình cũng nói là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận, nhưng thật sự mình phục vụ các vấn đề xã hội, y tế thì ai cũng như ai. Người nghèo, người lớn tuổi đến với mình tất cả đều là người gốc Việt. Mình không có phân chia người Việt Nam nào hết. Ai bước chân vô cộng đồng nhờ giúp đỡ thì mình đều giúp. Nhưng với danh nghĩa chống Cộng thì mình nói mình là Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston và Vùng Phụ Cận chứ thực ra mình chỉ nghĩ có một cộng đồng người Việt ở đây mà thôi,” ông giải thích thêm.

Ước mơ của người chủ tịch này là, “Muốn làm sao trụ sở cộng đồng phải là nơi người ta muốn đi vô tham gia các sinh hoạt. Khi vô tham gia thì được tiếng tốt chứ không phải tiếng xấu. Cho nên bây giờ mình phải xây dựng làm sao cho cộng đồng có tiếng thơm hơn một tí, để nhiều người trẻ muốn vô để phục vụ cộng đồng hơn là vì các mục đích chính trị.”

“Tôi muốn làm sao cho cộng đồng mình ít nhất cũng hãy được như cộng đồng người Hoa ở đây. Họ đoàn kết, họ lấy được những ngân khoản từ thành phố để phát triển cộng đồng họ. Muốn vậy, mình phải xây dựng từ từ,” ông Quốc Anh nói về ước mơ của mình một cách thẳng thắn, dù biết rằng ước mơ đôi khi cũng chỉ là mơ ước.

Liên lạc tác giả: Ngoclan@nguoi-viet.com

Quan chức Việt khó xóa vết chàm Formosa

Quan chức Việt khó xóa vết chàm Formosa

Nam Nguyên, phóng viên RFA

vo-kim-cu-622.jpg

Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người đưa Dự án Formosa vào Vũng Áng.

File photo

03:37/10:58

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Trận bão số 1 của năm 2016 thổi vào miền Bắc gây nhiều thiệt hại, cũng là lúc dư luận Việt Nam đang có một trận bão khác với mắt bão là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch Hà Tĩnh, người đưa Dự án Formosa vào Vũng Áng.

Trách nhiệm của toàn hệ thống

Trong những ngày qua ông Võ Kim Cự đã bị truyền thông báo chí nhà nước vùi dập tàn tệ, dù cha đẻ của dự án Formosa rõ ràng không thể là người đơn thương độc mã trao cho Formosa 3.000 ha đất và mặt nước ở Vũng Áng trong thời hạn 70 năm, để thành lập Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương với vốn đầu tư 10 tỷ USD.

Báo Tuồi Trẻ Online ngày 27/7 dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nói rằng, vụ Formosa, trách nhiệm không chỉ cá nhân ông Võ Kim Cự, ông Cự không phải là người quyết định và một mình ông cũng không thể quyết định cho cả tổ chức, hệ thống, các bộ ngành.

Trước đó vào sáng 25/7 Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đại diện cho cử tri Saigon, từ hành lang Quốc hội đã đề nghị Ủy ban kiểm tra Trung ương xem xét trách nhiệm cụ thể của ông Võ Kim Cự vì những sai phạm ở Formosa. Theo VTC News, LS Trương Trọng Nghĩa nói rằng cơ quan nắm cây roi kỷ luật của Đảng có thể mở điều tra ông Võ Kim Cự giống như cách làm với ông Trịnh Xuân Thanh nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Theo Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và VTC News, sự vào cuộc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng không nên chậm trễ vì có thể gây ra những dư luận bất lợi. Cần làm rõ ông Võ Kim Cự có sai phạm hay không, mức độ sai phạm như thế nào và có ảnh hưởng đến các cương vị hiện tại của ông Võ Kim Cự hay không.

Đây là về công tác quản lý nhà nước, những cán bộ nào liên quan đến quản lý lãnh vực này và quản lý trực tiếp Formosa thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Formosa là chủ thể trực tiếp thôi.
-LS Lê Văn Luân

 Ông Võ Kim Cự thôi chức Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh trước thềm Đại hội Đảng 12. Ngày 16/10/2015 Bộ Chính trị đã điều động ông Cự về làm Bí thư Đảng đoàn Liên minh hợp tác xã Việt Nam, sau đó ông Cự tiếp tục trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 và được đưa vào Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Như vậy ông Võ Kim Cự vẫn là lãnh đạo cao nhất ở Hà Tĩnh cho tới giữa tháng 10/2015, ông không thể không biết việc Formosa thiết lập đường ống xả thải ngầm dài 1,5 km dưới đáy biển, cũng như việc Formosa chuẩn bị sản xuất thử. Những sự kiện này giải thích qui kết của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quảng Bình, khi ông cho rằng, ông Võ Kim Cự không thể chối bỏ trách nhiệm cá nhân của mình.

Trao đổi với chúng tôi vào tối ngày 28/7/2016,  Luật sư Lê Văn Luân thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội nói rằng, cần phân biệt hành vi Formosa xả thải chất độc chưa qua xử lý qua đường ống đặt ngầm không thể kiểm soát và trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, người ký giấy phép cho Formosa. LS Lê Văn Luân tiếp lời:

“… Không thể qui được cho ông Võ Kim Cự về hành vi nếu có xả thải độc. Đối với ông Cự là việc thẩm quyền cấp phép giấy đầu tư thôi, về Luật Đầu tư thôi. Còn việc xúc xả là hành vi trực tiếp, truy tố, khởi tố người trực tiếp gây ra những hậu quả nghiêm trọng đó. Và thứ hai là truy tố cả người có liên quan, ở đây là đầu tư và giám sát quản lý vì anh chịu trách nhiệm nên đã xảy ra việc đó. Đây là về công tác quản lý nhà nước, những cán bộ nào liên quan đến quản lý lãnh vực này và quản lý trực tiếp Formosa thì chắc chắn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Formosa là chủ thể trực tiếp thôi.”

Báo Người Lao Động, bản tin trên mạng ngày 26/7 dẫn lời LS Trương Trọng Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nói rằng, hiện nay vẫn chưa có quy trình nào được khởi động xem xét trách nhiệm của ông Cự liên quan đến Formosa Hà Tĩnh.  Về trách nhiệm của các bộ ngành có liên quan trong vụ Formosa, LS Trương Trọng Nghĩa dẫn lời ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo kiến nghị của cử tri và nhân dân với Quốc hội tân nhiệm. Theo đó, cần phải xem xét trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc cấp phép, quản lý và giám sát Formosa vừa qua.

000_9Y4WA-400.jpg

Một phần nhà máy thép Formosa của Đài Loan tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh hôm 4/12/2015. AFP PHOTO.

Như vậy về phía Chính quyền, ngoài ông Võ Kim Cự là người vận động cho dự án, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải còn có 14 Bộ trưởng và thuộc cấp cần phải xem xét trách nhiệm, khi cấp tốc phê duyệt để chỉ trong vòng 6 tháng, mà Formosa đã nhận được giấy phép đầu tư 70 năm ngược qui trình. Đó là nói về mặt chính quyền, về mặt Đảng sẽ dính líu tới nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tất cả các Ủy viên Bộ Chính Trị khóa 11.

Nhận định về vấn đề những ai phải chịu trách nhiệm và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cao nhất, khi chấp thuận cho Formosa đầu tư vào Vũng Áng với những ưu đãi ngoài sức tưởng tượng, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền nguyên Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ Hà Nội phát biểu với RFA:

“Toàn bộ việc cho Formosa vào…quá trình hoạt động ấy hoàn toàn là trách nhiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng …Ông ấy thực sự phải là một người chịu trách nhiệm cao nhất về cái thảm họa môi trường này, bất luận kể cả việc ông Cự ký sai lẫn ông Nguyễn Tấn Dũng hay ông Hoàng Trung Hải vi phạm pháp luật khi đã làm ngược với pháp luật. Tất cả các quan chức này đều là cán bộ cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm pháp luật như thế thì người chịu trách nhiệm chính là ông đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng… Nếu ông ấy tỉnh ra… lệnh là phải xử thì cũng giống hệt như ông ấy chỉ thị xử ông Thanh ở Hậu Giang, ông Cự cũng thế, nếu ông ấy quyết thì sẽ xử… khả năng này là ít…”

Theo dõi sát báo chí Việt Nam, có thể thấy rằng nhờ Quốc hội tân nhiệm khởi sự các phiên họp, nên báo chí mới có dịp cạy miệng ông Võ Kim Cự, sau khi Chủ tịch Quốc hội lên tiếng chê trách thái độ trốn chạy báo chí của đương sự. Cũng khá ngạc nhiên khi báo chí nhà nước được kiểm soát chặt bởi Bộ Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian trước nhiều thông tin hậu thảm họa cá chết bị gỡ bỏ, nhưng nay lại hợp đồng tác chiến tấn công trực diện ông Võ Kim Cự và báo chí cũng tha hồ để các vị đại biểu Quốc hội thẳng thừng về sự dính líu của toàn hệ thống Chính trị, trong việc cấp phép cho Formosa vào Vũng Áng.

Ông Cự có thể ngồi tù 20 năm

Giả dụ ông Võ Kim Cự bị làm dê tế thần thì ông và các cấp lãnh đạo có lien quan có thể bị truy tố về tội gì. LS Lê Văn Luân trả lời câu hỏi này:

Ông Cự đã làm ngược, nói qui trình thì quan trọng nhất không phải là qui trinh nào mà vấn đề trình tự thủ tục theo luật định. Nếu ông ấy làm sai, sai ở đây là đảo ngược qui trình 50 năm và vượt quá thẩm quyền, ông ấy phê duyệt 70 năm trước khi chính phủ chấp thuận là hoàn toàn sai.
-LS Lê Văn Luân
 

“Trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó, theo thông tin cung cấp thì ông Cự đã làm ngược, nói qui trình thì quan trọng nhất không phải là qui trinh nào mà vấn đề trình tự thủ tục theo luật định. Nếu ông ấy làm sai, sai ở đây là đảo ngược qui trình 50 năm và vượt quá thẩm quyền, ông ấy phê duyệt 70 năm trước khi chính phủ chấp thuận là hoàn toàn sai. Sau đó được chấp thuận khi xin ngược lại thì đó hoàn toàn là một chuyện khác. Bây giờ gây ra hậu quả thì đó là hậu quả của hành vi sai. Hành vi hợp thức hóa hoàn toàn khác với việc đúng luật, cái đấy ông Cự phải chịu trách nhiệm. Còn quy trình ở đây là mơ hồ chung chung, quy trình là người ta tự đặt ra. Giới luật sư gọi là trình tự thủ tục theo luật định trong đó vấn đề thẩm quyền rất quan trọng, nếu mà đã sai, sai ở đây có thể hiểu là ngược, hoặc đứt đoạn, không chấp hành đúng thì đều là hành đông vi phạm nghiêm trọng. Tất cả những cái đó đều phải bị xét xử  trước pháp luật về tội cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Theo Luật hình sự về tội cố ý làm trái qui định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, điều 165 khoản 3 qui định phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên, hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. Khoản 4 ghi rõ, người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ  một năm đến năm năm.

Như vậy ông Võ Kim Cự và các cấp thẩm quyền cao hơn ở Trung Ương bị chi phối bởi điều luật vừa nêu. Bởi vì phần trách nhiệm về thẩm quyền quản lý nhà nước trong vụ Formosa gây thiệt hại tới mức độ không thể tính được thành tiền.

LS Lê Văn Luân tiếp lời:

“Như ông Trần Hồng Hà nói, dự án này không đơn giản là một dự án kinh tế mà liên quan ảnh hưởng cả an ninh quốc phòng. Thế thì chuyện này là vội vàng xảy ra từ thời điểm trước, chính phủ trước, bắt đầu từ năm 2008 thời ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó có một loạt dự án khác đưa về chứ không chỉ có Formosa. Cái này là vội vàng mà bây giờ gây ra hậu quả tiền lệ chưa từng có. Đúng là nó ảnh hưởng đến cả an ninh quốc gia.”

Luật sư Lê Văn Luân nói với chúng tôi, qua vụ Formosa để lấy lại niềm tin của nhân dân thì chính quyền Việt Nam phải thượng tôn pháp luật, đây là mục tiêu của bất cứ quốc gia nào kể cả nhà nước Việt Nam. Đương nhiên phải sử dụng pháp luật để điều chỉnh xã hội và không nhân nhượng với bất kỳ ai, đặc biệt là quan chức, bởi vì quan chức mới là người có cơ hội, có quyền lực có khả năng để tham nhũng, để lạm dụng những kẽ hở.

Cho tới ngày 28/7/2016, chính quyền Việt Nam chưa truy tố Formosa ra tòa, cũng chưa có quy trình xem xét trách nhiệm quản lý của ông Võ Kim Cự và các giới chức có lien quan ở Trung uơng cũng như địa phương.

Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại…

 Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại…

Song Chi

000_APP2000052916857.jpg

Một nhóm 162 người Việt tị nạn từ một chiếc thuyền nhỏ bị chìm gần bờ biển Malaysia. Các chuyến bay của người tị nạn Việt bắt đầu sau khi Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975.

 AFP PHOTO

Chỉ trong một ngày, chat với người quen, bạn bè qua facebook, viber… cả 3 câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi khỏi Việt Nam (VN).

Ra đi vì môi trường sống

Một người quen qua facebook báo tin sắp đến Na Uy, quốc gia nơi tôi đang sinh sống, định cư theo diện hôn nhân. Một người quen trong nghề, thuộc thế hệ đàn em trong giới truyền hình, hỏi ý kiến tôi về việc có nên bỏ tất cả công việc, sự nghiệp ra đi bây giờ theo diện đầu tư kinh doanh ở nước ngoài hay vài năm nữa liệu có còn kịp. Và một chị bạn thân đang tính liều đến mức trước hết là đi Mỹ theo diện du lịch, rồi sang đó tìm đường tính tiếp.

Cả ba đều không phải là những người nghèo hay đang có cuộc sống khó khăn, thất bại ở VN, trái lại, họ có tiền, có công việc, cuộc sống vật chất phải nói là khá thoải mái.

Nhưng họ muốn ra đi trước hết vì môi trường sống ở VN ngày càng tệ khiến con người luôn ở trong cảm giác bất an, lo lắng. Từ thực phẩm không an toàn, cho tới nguồn nước, không khí, biển… nhiều nơi bị ô nhiễm/nhiễm độc nặng nề; đạo đức xã hội xuống cấp, những vụ án cướp, giết, hiếp ngày nào cũng xảy ra với mức độ ngày càng dã man, con người dễ dàng bức hại nhau, lừa lọc nhau, giết nhau chỉ vì một lý do vặt vãnh; chế độ an sinh xã hội không có để bảo đảm cho người dân một sư hỗ trợ khi cần thiết, lúc ốm đau, tai nạn, thương vong; pháp luật không bảo đảm cho con người được xét xử công bằng, công lý được thực thi, những quyền lợi tối thiểu về tự do, dân chủ, nhân quyền không có, không được tôn trọng… Quan trọng hơn, họ ra đi vì không tin rằng chế độ này, nhà nước này sẽ tốt đẹp hơn hoặc sẽ đưa đất nước, dân tộc đến một tương lai sáng sủa – thời gian đảng cộng sản cầm quyền đã quá lâu đủ để chứng minh điều đó.

Đây không phải là lần đầu, ngược lại, không biết bao nhiêu lần, tôi chứng kiến những người quen, bạn bè, họ hàng chuẩn bị rời bỏ VN. Nhưng có vẻ như càng ngày số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác đất nước như một con thuyền đang đắm!

Thực tế, kể từ sau khi chiến tranh VN kết thúc, người Việt bắt đầu bỏ nước ra đi, và trong suốt 40 năm qua, dù có khi ồ ạt, có khi lặng lẽ, nhưng dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại.

Giai đoạn 1976-1980, chủ yếu là người miền Nam, chủ yếu vì lý do chính trị, tạo nên một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, rúng động thế giới với những bi kịch thương đau của bao phận người bị chết đuối, bị giết, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, gia đình tan đàn xẻ nghé… trên hành trình tìm đến tự do. Và hai chữ “thuyền nhân” (boat people) gắn liền với giai đoạn đau thương đó.

Đến khi chính phủ Hoa Kỳ làm việc với nhà nước VN, mở ra những con đường ra đi chính thức theo diện HO, con lai, đoàn tụ gia đình, và các trại tỵ nạn ở các nước Đông Nam Á lần lượt đóng cửa không tiếp nhận người Việt tỵ nạn nữa, thì dòng người ra đi theo con đường vượt biển mới dần dần chấm dứt (trong vài năm gần đây lại có hiện tượng vượt biển sang Úc nhưng thường là bị chính phủ Úc trả về, không chấp thuận cho ở lại).

Nhưng người Việt lại tìm được cho mình những con đường khác. Bây giờ thành phần ra đi đa dạng hơn, ở cả ba miền đất nước, chủ yếu vì lý do kinh tế, nhưng rải rác cũng có những trường hợp ra đi vì lý do chính trị. Người ta đi bằng con đường xuất khẩu lao động, ban đầu là “xuất khẩu lao động” sang các nước XHCN sau đó mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từ Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait, cho tới châu Phi… Thực chất là một kiểu buôn người công khai, được nhà nước cho phép.

songchiblog-400.jpg

Cựu Ceo FPT Trương Đình Anh mới đây cũng đưa cả nhà sang Mỹ sinh sống, làm việc. Courtesy of vtc.vn

Cho đến nay thì VN có khoảng trên dưới 600.000 lao động ở nước ngoài, hàng năm đem lại một nguồn ngoại tệ không nhỏ cho VN. Người ta đi bằng con đường hôn nhân, làm việc, đầu tư kinh doanh, du học rồi tìm cách xin việc và ở lại, đi du lịch và trốn ở lại bất hợp pháp trên nước người…

Bài báo “Mỗi năm, gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài”(Vietnam Finance) viết:

“Phần lớn người Việt di cư sang các nước phát triển trên thế giới. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư ra nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương tính đến năm 2013.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài.

… Theo một báo cáo của Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao Việt Nam, chưa có thời kỳ nào trong lịch sử nhân loại di cư lại diễn ra với quy mô lớn như hiện nay. Quy luật cung – cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện về an sinh xã hội… đã thúc đẩy các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Số lượng người Việt Nam đang lao động, học tập và sinh sống ở nước ngoài hiện đã lên đến con số nhiều triệu người. Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng.”

Mọi thành phần trong xã hội

Không chỉ dân thường bỏ nước ra đi, những năm sau này, số lượng người thành đạt, có chức vụ trong xã hội, kể cả quan chức cũng ra đi ngày càng nhiều. Người dân ra đi vì không có niềm tin vào chế độ, vào nhà cầm quyền. Quan chức ra đi để bảo vệ tài sản tham nhũng, ăn cắp được sau bao nhiêu năm. Chất xám, trí tuệ, và tiền bạc, tài sản của dân của nước bị các quan tham và những kẻ lừa đảo mang theo, ồ ạt chảy sang nước khác.

Đó là chưa kể số quan chức vẫn còn ở lại trong nước, vẫn tiếp tục làm việc, hưởng lợi, vơ vét nhưng đã “chân trong chân ngoài”, âm thầm chuẩn bị đường rút cho mình bằng cách cho vợ con hoặc người thân đi trước, mua nhà cửa cơ sở vật chất, làm ăn sẵn hoặc đã mua quốc tịch ở một nước tư bản phát triển.

Câu chuyện bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, tỷ phú bất động sản, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group, Chủ tịch hội đồng sáng lập Ngân hàng Maritime Bank vừa bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV vì bị phát hiện có 2 quốc tịch VN và Malta (chồng bà Hường, ông Trần Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng MaritimeBank nhiệm kỳ 2012-2016 cũng đã có quốc tịch Malta) chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu quan chức, doanh nhân thành đạt đã mua quốc tịch nước khác mà không ai biết. Hay câu chuyện cựu Ceo FPT Trương Đình Anh, người đặt nền móng và xây dựng FPT Telecom, FPT Online, mới đây cũng đưa cả nhà sang Mỹ sinh sống, làm việc.

Với những người tài ra đi, là nỗi buồn chảy máu chất xám. Với những quan chức tham nhũng, đại gia lừa đảo ra đi, là nỗi lo số tài sản tiền bạc của nhân dân bị thất thoát không biết làm sao lấy lại.

Dù là dân thường hay quan chức, dù họ ra đi vì bất cứ lý do nào, điều đó chứng tỏ một sự thật chua chát là trong suốt hơn 40 năm qua, tuy thống nhất được quê hương và giành được độc quyền lãnh đạo, đảng cộng sản VN đã thất bại trong việc điều hành quản lý đất nước; thất bại trong việc xây dựng VN trở thành một quốc gia độc lập – tự do – hạnh phúc đúng với câu khẩu hiệu có khắp nơi và trên mọi giấy tờ hành chính, nơi mà người dân cảm thấy gắn bó, muốn cống hiến và muốn sống từ đời này sang đời khác; thất bại trong việc tạo nên niềm tin cho người dân vào năng lực của nhà cầm quyền và tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của họ.

Điều đó cũng chứng tỏ cuộc “cách mạng tháng Tám 1945” với mục đích lật đổ chế độ phong kiến thực dân, xây dựng chế độ mới XHCN hay cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm với danh nghĩa “chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam” đã hoàn toàn thất bại; đồng nghĩa với sự hy sinh xương máu của hàng triệu con người là lãng phí, khi thành quả là một chế độ độc tài, bán nước hại dân, một quốc gia bị tụt hậu về nhiều mặt, bị tàn phá đến cạn kiệt, còn người dân thì phải bỏ nước tha phương.