Thực phẩm VN – Bs. Phạm Hiếu Liêm

Bs. Phạm Hiếu Liêm

Người bán thực phẩm,  những phù thủy độc ác

Có lần tôi ra cảng cá, thấy cá từ tàu mang lên ướp nước đá nhão nhoét, tôi thắc mắc

“Cá như này sao bán được?”

Chủ vựa trả lời:
Ðây mới là cá tươi, bạn hàng mang cá về nhà sẽ “muối” hàn the và ure,  hôm sau mang ra chợ thấy cứng sảng, tươi chong chớ mà ăn độc lắm á em.

Hàn the là chất cấm sử dụng trong thực phẩm, là chất độc và lưu trữ vĩnh viễn trong cơ thể mà không bị đào thải qua bài tiết, nhưng người dân quê vẫn sử dụng để bảo quản thực phẩm, làm cho thức ăn tươi lâu, cứng giòn và dai.

Chả lụa ướp hàn the sẽ dai ngon và để ngoài nhiệt độ thường hàng tuần lễ không bị hư.

Hàn the ướp dưa chuột, dưa kiệu cho giòn, hàn the hay formol dùng trong sản xuất bún, bánh phở cho dai và để được lâu.

Người ta còn dùng Tynopal là chất tẩy trắng trong công nghiệp giấy để làm cho bún trắng sáng.

Chập tối đi chợ chiều,  tôi từng bắt gặp người bán rải từng vốc hàn the lên thớt thịt để giữ thịt có màu đỏ tươi;  sáng mai đem ra bán lại,  bán hết thịt cũ mới bán tới thịt tươi, trong khi người nội trợ cứ nghĩ đi chợ sớm sẽ mua được thịt tươi ngon,  tội nghiệp biết bao!

Ði về vùng biển,  tôi được bà con ngư dân chia sẻ một bí mật trong cách làm tôm khô.

Tôm biển từ tàu đánh bắt xa bờ  (đi ít nhất nửa tháng mới về)
thì phải ướp để bảo quản.

Cá có thể ướp nước đá,  nhưng tôm tép thì không bởi tôm ướp nước đá sẽ bị đen đầu.

Do đó, ngư dân phải muối tôm bằng hàn the để giữ được con tôm có màu tươi. Vậy là tôm khô biển rất độc hại, bạn chỉ nên ăn tôm biển từ những tàu đánh bắt gần bờ sáng đi chiều về mà thôi.

Cá khô cũng vậy.

Bây giờ ra chợ hải sản khô người ta không thấy ruồi.

Cả làng cá ven biển phơi cá lớp lớp trên giàn phơi bốc mùi tanh nồng cũng không thấy con ruồi nào đậu vào.

Tại sao?

Bạn bè miền biển cho tôi biết,  gia đình họ tự phơi cá ăn chứ không bao giờ mua ở chợ, vì cá khô bây giờ đều được ngâm “thuốc ruồi”.

Ðó là một loại hóa chất diệt côn trùng mua từ bên kia biên giới Việt Nam – Campuchia, chỉ cần ngâm cá vào hóa chất, treo lên giàn một đêm là cá khô bán được, không cần phơi nắng, không bị ruồi bu sinh dòi,  làm “cá một nắng” bằng cách ngâm thuốc sẽ bảo quản lâu mà không cần đông lạnh gì cả.

Người ta cũng phát hiện nhà kinh doanh hải sản nhuộm ruốc bằng phẩm màu công nghiệp,  đó là chất Rhodamine B dùng nhuộm vải, có thể gây ngộ độc cấp tính và gây ung thư.

Vàng Ô (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane.

Ðây là chất màu tổng hợp,  chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm và dùng để làm màu sơn quét tường.

Thế nhưng người Việt dùng chất đó để nhuộm màu vàng cho măng và dưa cải! Và họ dùng oxyt đồng để nhuộm cho dưa chuột ngâm chua giữ được màu xanh tươi.

Ở Sài Gòn, dù thèm sầu riêng đến mấy tôi cũng không mua.
Nhiều người giống như tôi vậy.

Họ sợ sầu riêng ngâm thuốc.

Con buôn đến từng vườn sầu riêng, bao mua hết vườn, trái non trái già gì họ cũng hái hết, rồi ngâm sầu riêng trong thùng hóa chất; vài hôm sau, sầu riêng chín đều, bán được hết. Những loại trái cây khác như táo, nhãn…, họ cũng ngâm hóa chất

– gọi là thuốc phì, chỉ một đêm là táo nở to, trái trông rất ngon;
long nhãn nở to đến nỗi nứt cả hạt ra.

Nguồn fb Ðông Thanh Vt

Sức khỏe tâm thần-Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Báo Nguoi-viet

March 17, 2023

Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp. Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên đài Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.com và www.radiochuyensangchunhat.com. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 531-7930.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Những tình huống áp lực và stress có thể gây ra sự lo âu, căng thẳng và đe dọa đến sức khỏe tâm thần. (Hình: Philippe Lopez/AFP via Getty Images)

Hỏi:

Gần đây, tôi thấy hình như vấn đề rối loạn về tâm thần đang được chú ý hơn rất nhiều. Xin cho biết sức khỏe tâm thần là gì? Rối loạn tâm thần là gì? Tại sao các rối loạn tâm thần đang xảy ra nhiều và được chú ý hơn?

Đáp:

Để tìm hiểu về sức khỏe tâm thần, đầu tiên ta cần tìm hiểu từ căn bản về khái niệm sức khỏe.

Tổ Chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO) định nghĩa sức khỏe như sau: “Sức khỏe là trạng thái tốt của một người về mặt tâm thần, thể chất và xã hội, và không chỉ là sự vắng mặt của bệnh hoặc tật bệnh.” Định nghĩa này khẳng định rằng sức khỏe là một khái niệm rộng hơn là việc không bị bệnh, mà đòi hỏi sự cân bằng và hài hòa giữa các khía cạnh tâm thần, thể chất và xã hội của một người. Nó cũng đưa ra một phương pháp tiếp cận tích cực cho sức khỏe, với việc tập trung vào việc tăng cường khả năng sống và đạt được tiềm năng tối đa của mỗi người, thay vì chỉ tập trung vào việc điều trị bệnh tật và tình trạng bất lợi.

Trạng thái tốt về mặt tâm thần là trạng thái mà tâm trí của một người được cảm thấy thoải mái, an tâm và có khả năng đối phó với các thách thức và căng thẳng trong cuộc sống. Nó bao gồm sự tự tin, sự hài lòng với bản thân, khả năng quản lý cảm xúc và căng thẳng, khả năng thiết lập mối quan hệ tốt với người khác và khả năng tìm kiếm và tận dụng cơ hội để phát triển bản thân. Trạng thái tốt về mặt tâm thần đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì sức khỏe toàn diện của một người và cũng là một yếu tố quan trọng để đạt được sự cân bằng giữa các khía cạnh khác của sức khỏe như thể chất và xã hội.

Trạng thái tốt về mặt thể chất là trạng thái mà cơ thể của một người hoạt động hiệu quả và có khả năng đáp ứng nhu cầu về hoạt động hàng ngày, bao gồm cả các hoạt động vận động và các hoạt động thường ngày khác. Nó bao gồm một loạt các yếu tố như ngủ đầy và đủ, dinh dưỡng lành mạnh, vận động đều đặn và thường xuyên, và tránh các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu hay sử dụng các chất kích thích. Trạng thái tốt về mặt thể chất cũng bao gồm việc giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến lối sống, như bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh phổi, và các bệnh khác. Điều quan trọng là tạo ra một lối sống lành mạnh và tích cực, giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh và tối ưu hóa sức khỏe của con người.

Trạng thái tốt về mặt xã hội là trạng thái mà một người có khả năng tương tác và giao tiếp hiệu quả với mọi người xung quanh và tham gia tích cực vào cộng đồng. Nó bao gồm việc có mối quan hệ tốt với bạn bè, gia đình và những người khác, đóng góp cho cộng đồng, cảm thấy có giá trị và được đón nhận trong xã hội. Trạng thái tốt về mặt xã hội cũng bao gồm việc tránh xa các tình huống cô lập, bất hòa và xung đột trong xã hội. Nó có liên quan mật thiết với sức khỏe tinh thần, vì nó tạo ra một môi trường xã hội tốt để hỗ trợ và khuyến khích một tâm trí khỏe mạnh. Trạng thái tốt về mặt xã hội có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường cảm giác hạnh phúc, sự hài lòng với cuộc sống và sự tự tin trong việc đối phó với các thách thức của cuộc sống.

Sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất và sức khỏe xã hội là ba khía cạnh quan trọng và có liên hệ mật thiết với nhau trong sức khỏe toàn diện của con người.

Sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con người ra sao?

Nếu ta có các vấn đề tâm lý như lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất như đau đầu, đau cơ, giảm chức năng miễn dịch và bệnh tim mạch. Mặt khác, nếu ta có sức khỏe tâm thần tốt, ta có khả năng đối mặt và giải quyết các tình huống căng thẳng trong cuộc sống một cách tích cực, đồng thời có thể có chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh hơn, dẫn đến sức khỏe thể chất tốt hơn.

Sức khỏe xã hội cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất. Nếu ta có mối quan hệ xã hội tốt, ta có thể cảm thấy được sự hỗ trợ và khuyến khích, giảm căng thẳng và tăng cường cảm giác hạnh phúc, cảm giác thuộc về, tăng khả năng chống lại bệnh tật. Nếu ta có mối quan hệ xã hội kém, ta có thể cảm thấy cô lập và bất hạnh, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất như lo âu, trầm cảm và bệnh tim mạch.

Do đó, để có một sức khỏe toàn diện, cần phải chú ý đến cả ba khía cạnh sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất và sức khỏe xã hội. Cần phải đảm bảo có một lối sống lành mạnh, có mối quan hệ xã hội tốt và giải quyết các vấn đề tâm lý một cách tích cực.

Sau khi đã hiểu một cách khái quát về khái niệm sức khỏe nói chung. Sau đây, ta sẽ tập trung phân tích chi tiết hơn về sức khỏe tâm thần.

Trạng thái tốt về mặt tâm thần là trạng thái mà tâm trí của một người được cảm thấy thoải mái, an tâm. (Hình: Dave Kotinsky/Getty Images for Project Healthy Minds)

Sức khỏe tâm thần là trạng thái tốt của tâm trí và cảm xúc của con người, bao gồm khả năng điều tiết cảm xúc, đối phó với áp lực trong cuộc sống, duy trì một tâm trạng tích cực và cảm thấy hạnh phúc. Nó được coi là một phần quan trọng của sức khỏe toàn diện và được xem như là sự cân bằng giữa khả năng chịu đựng và khả năng thích ứng với những tình huống khó khăn và áp lực trong cuộc sống.

Sức khỏe tâm thần có thể bao gồm một loạt các yếu tố, từ khả năng giải quyết các vấn đề, đối mặt với tình huống khó khăn, tinh thần tự tin, sự hài lòng với cuộc sống và khả năng tạo ra mối quan hệ xã hội tốt.

Sức khỏe tâm thần không chỉ là việc không có bất kỳ vấn đề tâm lý nào, mà còn bao gồm khả năng giải quyết các vấn đề tâm lý một cách tích cực và hiệu quả. Điều này có thể đảm bảo rằng một người có sức khỏe tâm thần tốt có thể hoàn toàn thích ứng và phát triển trong cuộc sống của họ, đồng thời cải thiện sức khỏe toàn diện của họ.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần:

  • Stress và áp lực: Những tình huống áp lực và stress có thể gây ra sự lo âu, căng thẳng và đe dọa đến sức khỏe tâm thần.
  • Môi trường xã hội: Môi trường xã hội, bao gồm cả gia đình, bạn bè, cộng đồng, nền văn hóa và giáo dục, đóng một vai trò quan trọng trong sức khỏe tâm thần.
  • Di truyền: Di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, với một số rối loạn tâm lý được cho là do di truyền.
  • Ăn uống và hoạt động thể chất: Cách ăn uống và hoạt động thể chất là những yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện, bao gồm cả sức khỏe tâm thần.
  • Ngủ: Việc có giấc ngủ đủ và tốt là rất quan trọng đối với sức khỏe tâm thần, do những người thiếu ngủ có thể bị ảnh hưởng đến tâm trí và cảm xúc của mình.
  • Sử dụng chất kích thích: Sử dụng các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu và ma túy có thể gây ra sự rối loạn tâm lý và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
  • Rối loạn tâm lý: Một số rối loạn tâm lý, bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn thần kinh, cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.
  • Bệnh lý và dịch tễ học: Một số bệnh lý và yếu tố dịch tễ học, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Điều gì xảy ra khi bạn ăn hải sản sống?

Điều gì xảy ra khi bạn ăn hải sản sống?

Thiên Lan

[email protected]

Mùa hè là thời điểm tuyệt vời để bạn và gia đình thưởng ngoạn những chuyến du lịch biển để thư giãn và thưởng thức ẩm thực biển.

Tuy nhiên, để kỳ nghỉ trọn vẹn và đầy ý nghĩa, bạn cũng cần phải biết cách ăn đồ biển như thế nào cho an toàn, để tránh những rủi ro đáng tiếc, phá hỏng chuyến đi đầy thú vị bạn nhé!

Ăn đồ biển sống thêm một chút hương cay nồng của mù tạt tạo một sức hấp dẫn không thể tả.

Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi liệu ăn như vậy có an toàn không?

Không phải ai cũng giống ai

Đối với hầu hết những người khỏe mạnh, nếu ăn hải sản sống hoặc nấu chín tái, thường ít bị rủi ro cho sức khỏe.

Nhưng đối với một số người thì nguy cơ có thể nghiêm trọng. Có thể dẫn đến nôn mửa nghiêm trọng, tiêu chảy và đau bụng và các triệu chứng khác, theo Eat right.

Các loại ngộ độc thực phẩm chính có thể xảy ra do đồ biển còn sống và nấu chín tái, bao gồm nhiễm khuẩn Salmonella và Vibrio Vulnificus, theo Eat right.

Nhiễm khuẩn Salmonella là nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn Salmonella gây ra. Nhiễm khuẩn này có thể lây lan từ ruột vào máu và đến các cơ quan trong cơ thể, gây sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu. Nhiễm khuẩn Salmonella có thể bị nặng ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Đối với những người thích ăn sò sống, đặc biệt là hàu sống, cần biết về nguy cơ nhiễm khuẩn Vibrio. Vibrio Vulnificus là một loại vi khuẩn sống trong nước biển ấm. Được mệnh danh là vi khuẩn “ăn thịt người”, vi khuẩn Vibrio có thể lan ra khắp cơ thể nếu bị nhiễm khuẩn vào vết thương hở hoặc ăn hải sản sống bị nhiễm khuẩn.

Nếu tiếp xúc với vết thương hở, vi khuẩn có thể đi vào máu và phát triển rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 12 giờ, theo Eat right.

Để giảm nguy cơ về bất kỳ loại ngộ độc thực phẩm nào, hãy biết rằng nước sốt nóng cũng như rượu không thể giết chết vi khuẩn.

Nguyên tắc tốt nhất là tuân theo các thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm và nấu đúng cách tất cả các loại hải sản.

Làm chín cá đến đúng nhiệt độ hoặc cho đến khi thịt cá trở nên đục và dễ dàng tách ra khỏi xương sống.

Làm chín hải sản có vỏ cho đến khi thịt trở nên đục. Hoặc làm chín trai, sò cho đến khi vỏ mở ra.

Cần chú ý là cấp đông có thể giết chết mọi ký sinh trùng nhưng không thể giết chết tất cả sinh vật gây hại.

SỰ HY SINH THẦM LẶNG-Lộc Dương

Báo Quyền Được Biết

BV tại VN – nguồn từ bài chủ

Vừa rồi, bà tân Bộ trưởng Y Tế Đào Hồng Lan có phát động cuộc thi viết về “sự hy sinh thầm lặng” của ngành. Giải thưởng cũng ngon lắm. Trong số các bài viết gửi về, có bài của một em học sinh lớp Sáu ở TP/HCM viết như sau đây:

Người ta cứ bảo bác sĩ, y tá hay lãnh đạo ngành y tế là những chiến sĩ thầm lặng, em thấy không đúng. Thử không có phong bì hay tiền đặt cọc trước cho các bịnh viện coi người bịnh có được bác sĩ cứu chữa hay chỉ nằm ngoài hành lang húyt gió cho đỡ đau. Người bị mổ xẻ thử không bồi dưỡng y tá coi, nó thay băng mạnh tay, đau kêu trời không thấu…. Cho nên em chỉ thấy những người bịnh nhân như mẹ em mới xứng đáng là “hy sinh thầm lặng”.

Mẹ em là một cô giáo, ở trong trường thì được chính phủ ca tụng là kỹ sư tâm hồn, nhưng lúc mẹ em bị bướu cổ phải đi bịnh viện thì không khác gì một con chuột đang bị cả hệ thống y tế xúm vô hành hạ.

Mẹ em phải dậy sớm đi vô bệnh viện lúc 3 giờ rưỡi sáng để lấy số thứ tự. Ba em nằm trên giường cằn nhằn “bà đi ăn trộm hả ?”. Lấy số xong, mẹ em ngồi chờ hoài gần tới trưa cũng không thấy đọc tên, có mấy người ngủ gục cạnh mẹ em mở mắt ra nói “Không có người quen, không có tiền khám dịch vụ thì xác định là ngủ một giấc đi cho khoẻ chị ơi…”.

Tới hồi nghe đọc tên, mẹ em mừng quýnh, chạy lại ô cửa sổ. Cô y tá sau khi điền tên tuổi, lý do khám bịnh xong, nói với mẹ em “Đóng viện phí rồi tới phòng khám số 6”, mẹ em hỏi “ Phòng số 6 ở đâu chị ?”. Cô y tá gắt gỏng: “ Đi ra ngoài mà hỏi”. Mẹ em chạy hỏi lung tung mấy bà điều dưỡng, không ai chỉ, ai cũng bận rộn. May quá có ông bảo vệ vừa ho sù sụ vừa tận tình chỉ cho mẹ em.

Tại đây, sau khi chờ mòn mỏi thêm một tiếng nữa, mẹ em được vô gặp bác sĩ. Bác sĩ hỏi “Bệnh sao?”. Mẹ em đang trình bày thì bác sĩ vừa ghi toa vừa nói: “Đi chụp hình”. Mẹ em cầm toa thuốc lên hỏi: “ Thưa bác sĩ, mấy thuốc này uống trị bịnh gì ?”. Bác sĩ nói cộc lốc: “ Cứ đi mua đi! Hỏi hoài. Chưa chụp X quang sao biết bệnh gì. Chụp xong mang phim trở lại đây”. Mẹ em dẫn em ra ngoài, im lặng đi như một xác chết. Em hỏi mẹ:“ Sao mình chờ hết buổi sáng mà chỉ được gặp bác sĩ không tới 3 phút vậy mẹ ?”. Mẹ thở dài: “Ở đây, bác sĩ là chủ tịch nước. Con đói chưa, ra mẹ mua xôi con ăn rồi mình ghé quầy thuốc tây mua thuốc cho mẹ luôn”. “Mẹ không đi chụp phim hả mẹ”. “ Không kịp chiều nay đâu con ơi, người ta xếp hàng dài thế kia, để mai mẹ sẽ xin nghỉ dạy một ngày nữa đi chụp”.

Tại quầy bán thuốc tây, cũng lại cảnh xếp hàng và chen lấn. Nhiều người ngồi luôn xuống đất cho đỡ mỏi chân. Em cũng ngồi nhưng mẹ em thì không. Chắc mẹ vẫn nghĩ mẹ là cô giáo chứ không phải con chuột. Một hồi sau mẹ cũng mua được một loại thuốc, còn hai loại khác thẻ Bảo Hiểm Y Tế của mẹ không cho mua, phải về nhà tìm mua ở các tiệm thuốc tư nhân. Mẹ ngập ngừng hỏi: “ Thưa chị, thuốc này uống ra sao, ngày mấy lần?”. Bà bán thuốc trả lời: “ Ai rảnh đâu mà biết, vô kiếm bác sĩ mà hỏi”.

Mẹ thất vọng, im lặng đi ra, tay cầm mấy vĩ thuốc không biết phải uống như thế nào. May quá, lại cái ông bảo vệ ho lao hồi nãy chỉ cho mẹ cách uống. Ngày hai lần, lần một viên, uống sau khi ăn.

Ngồi trên xe buýt về nhà, em thấy suốt ngày hôm nay khủng khiếp quá. Bịnh viện đông như kiến. Lê lết chầu chực để được khám qua loa. Mùi mồ hôi, mùi mấy người bịnh khiến em cũng muốn bịnh theo luôn. Vậy mà mẹ em vẫn im lặng chịu đựng. Có người kia bị móc túi hết tiền khóc lóc thảm thiết, mẹ em lẳng lặng lấy ra mấy ngàn cho, không nói một câu. Mẹ chỉ đổ quạu khi về tới nhà thấy ba em nằm say xỉn, ói tùm lum. Vừa dọn đống ói, mẹ vừa hỏi ba muốn ăn gì mẹ mua. Hỏi gì ba cũng nói không. Tức quá mẹ la lên: “vậy ông muốn ăn cái quần què gì thì nói đi”. Lúc đó ba mới nói muốn ăn bánh mì chả lụa.

Nhìn theo bóng dáng mẹ chạy đi mua bánh mì, em thấy thương sự hy sinh thầm lặng của mẹ vô cùng, cho nên em viết bài dự thi này. Mong bà Bộ trưởng cho em được giải để em đưa hết tiền lãnh thưởng cho mẹ em trị bịnh bướu cổ. Chứ bịnh viện kiểu này, không có tiền thì chắc mẹ em chỉ có nước chờ chết hoặc về uống thuốc nam cầm cự qua ngày.

Kính chúc bà Bộ trưởng dồi dào sức khoẻ, ngồi ghế được lâu, suy nghĩ được gì giúp ích cho dân nghèo lỡ bị bịnh hoạn, chứ đừng như ông Bộ trưởng trước, mới ngồi chưa nóng đít đã tham nhũng, phải vô khám ngồi bóc lịch mà nước mắt ổng cá sấu cứ rưng rưng.

Mười Lăm Liều Thuốc Sống Lâu Sống Khoẻ

Một là thể dục thể thao

Đây là thuốc rẻ lúc nào cũng hay.

Hai rau, củ, hạt, trái cây

Thuốc này nên có mỗi ngày chớ quên.

Ba là thuốc chẳng tốn tiền

Cười là thuốc bổ tự nhiên sẵn sàng.

Bốn là trong công việc làm

Tích cực là thuốc phá tan biếng lười.

Năm là tôn giáo trên đời

Chọn một vị thuốc sống đời thiện tâm.

Sáu là thuốc bổ tinh thần

Kinh kệ, thiền định, cân bằng thân tâm.

Bảy ngủ là thuốc an thần

Sau cơn ngon giấc thân tâm nhẹ nhàng.

Tám yêu thương, thuốc thiên đàng

Gia đình yên ấm, thế gian thái bình.

Chín là thuốc cho thân mình

Phải biết tôn trọng giữ gìn chăm lo.

Mười là liều thuốc giúp cho

Mở mang trí tuệ đó là sách hay.

Mười Một liều thuốc hàng ngày

Người thân, bạn hữu giữ dây thân tình.

Mười Hai là thuốc an sinh

Ngăn nắp, sạch sẽ, bệnh tình ngừa, ngăn.

Mười Ba thuốc ngừa khó khăn

Việc người thì chớ dính thân mình vào.

Mười Bốn thuốc người tuổi cao

Là thuốc hoạt động uống vào khoẻ thêm.

Mười Lăm thuốc chống ưu phiền

Văn chương, ca hát bình yên tâm hồn.

Sống đời khoẻ mạnh vẫn hơn

Mười lăm thuốc đó chớ quên mỗi ngày

Trăm năm một cuộc đời này

Thu Đông Xuân Hạ vần xoay bốn mùa

Mưa giông bão tuyết dần qua

Vượt trên tất cả mới là người hay.

Bùi Phạm Thành

Ngày 24 tháng 2 năm 2023

From: Tu-Phung

Tập thể dục, cách đơn giản để sống thọ

Báo Nguoi-viet

BOSTON, Massachusetts (NV)  Đúc kết của một nghiên cứu kéo dài 30 năm cho thấy, người sống thọ vận động nhiều, ít nhất là 300 phút/tuần.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Tuần Hoàn của Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ, do các nhà khoa học tại Trường Y Tế Công Cộng Harvard T.H. Chan (Harvard T.H. Chan School of Public Health) thực hiện, cho thấy người tập thể dục từ 300 đến 600 phút/tuần hoặc hoạt động mạnh 150 đến 300 phút/tuần, sẽ có tuổi thọ cao.

Người tập luyện thường xuyên có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Hơn 116,000 tình nguyện viên độ tuổi trưởng thành tham gia công trình kéo dài từ năm 1988 đến năm 2018. Trong 30 năm này, họ được theo dõi lịch trình sinh hoạt và phải gửi báo cáo chi tiết về lịch hoạt động thể chất, thời gian giải trí của bản thân.

Trong thời gian này, có 47,000 người qua đời, do nhiều nguyên nhân. Tất cả đều được ghi nhận chi tiết.

Hầu hết tình nguyện viên tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 60, có chỉ số BMI bình thường, hiếm khi ăn quá 2,000 calorie mỗi ngày, thỉnh thoảng uống rượu, hầu như không có thói quen hút thuốc.

Các nhà khoa học cho biết những người hoạt động mạnh từ 150 đến 300 phút hoặc hoạt động thể chất vừa phải từ 300 đến 600 phút mỗi tuần có tỷ lệ tử vong thấp hơn.

Người tham gia các bộ môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, đạp xe, thể dục nhịp điệu hoặc hoạt động ngoài trời trong 150 đến 300 phút có tỷ lệ tử vong, bất kể nguyên nhân nào, đều thấp hơn từ 21% đến 23%.

Người tập luyện thường xuyên cũng có tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch thấp hơn từ 27% đến 33%, tỷ lệ tử vong vì các bệnh không liên quan đến tim mạch thấp hơn 19%.

Việc vận động có tác dụng là đi bộ, cử tạ, tập luyện cường độ nhẹ trong 150 đến 300 phút. Các tình nguyện viên thực hiện như thế có nguy cơ tử vong thấp hơn 20% đến 21%.

Mỗi người nên tập thể dục mỗi ngày chừng 15-20 phút. (Hình minh họa: Perdiansyah/AFP via Getty Images)

 

Theo Tiến Sĩ Dong Hoon Lee, khoa Dinh Dưỡng, đồng tác giả nghiên cứu, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng giúp mọi người lựa chọn thời lượng và cường độ hoạt động thể chất trong suốt cuộc đời của họ nhằm duy trì sức khỏe tổng thể.

Duy chỉ có hạn chế ở nghiên cứu này, là 90% tình nguyện viên là người da trắng, nên thiếu sự đa dạng về chủng tộc.

Nhưng dù chủng tộc nào đi chăng nữa, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) vẫn khuyên mỗi người nên tập thể dục vừa phải khoảng 75 đến 150 phút/tuần, mỗi ngày chừng 15-20 phút.

Phụ nữ Mỹ sống thọ hơn nam giới

Báo Nguoi-viet

March 1, 2023

WASHINGTON, DC (NV) – Phụ nữ Mỹ có tuổi thọ trung bình là 79 tính trong năm 2021, so với nam giới, chỉ khoảng 73, theo dữ liệu của Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC), CNBC loan tin hôm Thứ Tư, 1 Tháng Ba.

Bà Amelia Karraker, một giới chức tại Viện Cao Niên Quốc Gia, cho biết: “Theo các hồ sơ được lưu giữ ở tất cả các quốc gia, phụ nữ sống lâu hơn nam giới. Về cơ bản, tính trên hầu hết mọi nguyên nhân chính gây ra cái chết, đàn ông có nhiều rủi ro chết hơn phụ nữ.”

Tuổi trung bình của phụ nữ Mỹ là 79, so với 73 của nam giới. (Hình minh họa: Getty Images)

Cũng theo dữ liệu, nam giới trước tuổi 75 ở Mỹ tử vong ít hơn các quốc gia khác.

Tuy nhiên luôn luôn có một khoảng cách lớn về tử suất giữa nam và nữ. Điểm sống thọ vốn được mệnh “lợi thế của phụ nữ,” xuất hiện vào khoảng năm 1890 và tiếp tục phát triển trong suốt thế kỷ 20, ngoại trừ sự suy giảm trong đại dịch cúm năm 1918.

“Mọi người, đàn ông cũng như phụ nữ, được hưởng lợi ích từ cách sinh hoạt cụ thể,” theo bà Karraker.

“Một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất, không hút thuốc, không uống rượu, duy trì các mối hỗ trợ trong quan hệ xã hội. Đây là những điều có lợi cho tất cả mọi người, bao gồm cả đàn ông,” bà Karraker lưu ý.

“Những người đàn ông thường không chú ý đến các phương tiện y tế hiện có vốn giúp kéo dài tuổi thọ,” ông Darrell Bricker, giám đốc điều hành toàn cầu về các vấn đề công cộng của IPSOS. (MPL) 

Thuốc chữa bệnh mất trí nhớ Alzheimer

Hôm thứ hai ngày 7 tháng 6, cơ quan đặc trách về thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FAA) đã chuẩn y cho việc dùng thuốc Aducanumab của công ty Biogen trong việc điều trị bệnh Alzheimer. Và đây là lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, đã có thuốc chữa bệnh lãng trí.

Với những tin tức được loan báo, giá cổ phiếu của công ty Biogen gia tăng $107.76 và ở mức $393.90 một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York.

Loại thuốc Aducanumab có nhiệm vụ tách rời một loại protein có tên là amyloid beta trên não của bệnh nhân, những người bắt đầu có triệu chứng của bệnh lãng trí.

Loại protein amyloid beta bám trên màng não sẽ gây cho bệnh nhân bị mất trí nhớ, không có khả năng tự chăm sóc lấy mình.

Theo những ước tính thì trong năm 2020 có khoảng trên 6 triệu người Mỹ bị bệnh Alzheimer và có khoảng 1 triệu người Anh cũng bị bệnh này.

Khác biệt giữa dementia và Alzheimer’s: dementia là các triệu chứng quên trong khi Alzheimer là bệnh quên, bệnh mất trí nhớ.

60 phần trăm cho đến 70 phần trăm những người có các triệu chứng quên sẽ dần dần biến thành bệnh.

Đa số những người bị bệnh mất trí nhớ là những người trên 65 tuổi.

Trước đây không có thuốc chữa cho nên một người có những triệu chứng quên, dần dần biến thành bệnh và cuối cùng cũng chết.

Các triệu chứng của bệnh mất trí nhớ

* Khó nhớ những thông tin mới học

* Không nhớ phương hướng
* Tính tình thay đổi bất ngờ
* Luôn luôn nghi ngờ về gia đình, bạn bè và những người chăm sóc, không tin những người này
* Dần dần sự mất trí nhớ trở nên nghiêm trọng
* Khó nói, khó nuốt đồ ăn và khó khăn trong việc đi lại.

Những cách phòng ngừa bệnh mất trí nhớ

Người ta thường nói phòng bệnh hơn trị bệnh: nếu chúng ta có thể phòng ngừa được bệnh mất trí nhớ xảy ra thì đó là cách tốt nhất.

Sau đây là những cách phòng ngừa bệnh mất trí nhớ theo tài liệu của bệnh viện Mayo ở thành phố New York:

* Không hút thuốc.
* Kiểm soát không để gia tăng áp huyết, lượng cholesterol và bệnh tiểu đường.
* Ăn uống theo kiểu Địa Trung Hải: ăn nhiều rau trái, chất đạm nạc (lean protein) và có chất omega -3. Tránh không ăn nhiều chất bột, chất đường, nước soda, nước tăng lực, không ăn nhiều thịt đỏ, cơm trắng, các loại bánh ngọt, khoai tây chiên, các thứ đồ ăn fast foods.
* Giảm nhũng thực phẩm đã chế biến ( processed foods) như lạp xưởng, hotdog, các đồ hộp.
* Nên ăn cơm gạo đỏ hay nâu, ăn các loại hạt (nuts), dầu olive, cá (nhưng tránh ăn những loại cá có nhiều thủy ngân như cá tuna)
* Tập thể dục đều đặn nhất là aerobics (thể dục nhịp điệu)
* Tránh bị suy thoái tâm thần
* Tìm cách học hỏi những thứ cần suy nghĩ, cần trí nhớ như học sinh ngữ, học chơi đàn
* Ngủ đủ giấc mỗi đêm
* Tham dự những sinh hoạt xã hội cộng đồng như học khiêu vũ, học hát, học đàn… tình nguyện làm việc giúp người nghèo trong cộng đồng…

From: taberd-& NguyenNThu

Phẫu thuật tim với sự trợ giúp của Rô bô

KHOU11 TV và Dưỡng đường Cleveland

https://www.youtube.com/watch?v=vRsbZh5DbYQ

Phẫu thuật gia có thể là người quyết định và điều khiên, nhưng trong một phòng phẫu thuật ở Houston, một người máy có bốn cánh tay chính là nhà phẫu thuật trực tiếp mổ tim cho bệnh nhân.

Chi tiết cuộc mổ được phóng đại trên màn hình TV trong phòng mổ

Người đàn ông trên bàn mổ có tên là Joseph Christopherson, ông bị tức ngực và được đưa đến phòng cấp cứu, nơi ông được chẩn đoán và cho biết rằng mình đã mắc một chứng bệnh gọi là cầu nối cơ tim – myocardial bridge.

“Mỗi lần làm thử nghiệm thì kết quả xem ra lại tăng độ nghiêm trọng hơn một chút. Khi bác sĩ nói phẫu thuật là cách để chữa, lúc đầu tôi không thực sự tin vào điều đó”, ông nói.

Bệnh nhân đã chọn một quy trình phẫu thuật điều trị có sự hỗ trợ của rô bô, là phương cách đang càng ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Tiến sĩ Danny Ramzy của UTHealth Houston và Memorial Hermann cho biết: “Cách mổ này  rất ít xâm lấn vào cơ thể, với những vết rạch nhỏ hơn. Chúng tôi không còn mở rộng xương sườn hoặc xương (như cách mổ điều trị trước đây).”

4 tay mổ của rô bô

Bác sĩ điều khiển rô bô phẩu thuật từ một bàn riêng

Ramzy là một bác sĩ phẫu thuật tim chuyên dùng công cụ robot. Ông cho biết trong khi sử dụng hệ thống này giúp ông nhìn rõ hơn, vượt qua những hạn chế (của mắt thường không thấy rõ các cơ phận quá nhỏ bé).
Một ca phẫu thuật xâm lấn cơ địa tối thiểu, như của Christopherson, có thể được thực hiện theo cách truyền thống, trong khi phẫu thuật có sự hỗ trợ của rô bô yêu cầu bác sĩ phẫu thuật phải được đào tạo để sử dụng công nghệ đúng cách.

Bác sĩ điều khiển 4 tay rô bô mổ tim qua ống kính phóng đại 3 chiều (3D)

“Những ca đầu tiên bác sĩ phẫu thuật lâu hơn. Nguy cơ biến chứng cao hơn một chút. Nhưng sau vài ca đầu tiên, mọi thứ trở lại bình thường”, Ramzy nói. “Với thời gian, trải qua 50 ca mổ, chúng tôi thấy các biến chứng nói chung thấp hơn nhiều.”

Christopherson đã trở về nhà với gia đình chưa đầy một tuần sau ca phẫu thuật.

“Tiến bộ vượt bậc có thể trở thành một phần của nghành phẩu thuật…và dựa vào rô-bốt phẫu thuật. Điều đó thật tuyệt vời,” anh nói.
Một số bác sĩ tin rằng robot cuối cùng sẽ là một phần của quá trình đào tạo cho thế hệ bác sĩ phẫu thuật tim tiếp theo.

Phan Sinh Trần

Bệnh tiểu đường và người nổi tiếng!

Báo Tiếng Dân

15/02/2023

Nguyễn Hồng Vũ

15-2-2023

Ảnh trên mạng

Mấy hôm nay Facebook của mình liên tục hiện lên những quảng cáo về một loại thực phẩm chức năng có tên là “Blood D” dùng để “chữa tận gốc tiểu đường”! Sản phẩm được quảng cáo với một gương mặt khá quen thuộc với nhiều người, đó là Quyền Linh. Với bài quảng cáo được trả tiền (có chữ “sponsored”) tự động hiện lên Facebook của người dùng như thế này thì mình chắc rằng thông tin này cũng đã đến không ít người đang sử dụng FB như mình.

Mình có nghe thử Quyền Linh nói và đọc các dòng quảng cáo trong bài thì mình thấy rằng những thông tin này thật sự là nguy hiểm vì nó không đúng sự thật, không dựa trên bất kỳ kết quả nghiên cứu khoa học nào cả. Hơn nữa, Blood D là một thực phẩm chức năng, không có bất cứ chứng nhận của bất kỳ tổ chức Y tế nào bảo đảm tác dụng điều trị bệnh tiểu đường của nó.

Để biết tại sao những nội dung mà Quyền Linh đang quảng cáo là nguy hiểm như thế nào thì chúng ta nên biết rằng bệnh tiểu đường là một căn bệnh mãn tính do rối loạn khả năng kiểm soát việc chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Cơ thể của bạn phân hủy hầu hết thức ăn bạn ăn thành đường (glucose) và giải phóng nó vào máu của bạn. Khi lượng đường trong máu của bạn tăng lên, cơ thể bạn sẽ báo hiệu cho tuyến tụy của giải phóng “insulin”.

Insulin hoạt động giống như “nhân viên giao hàng” giúp đưa các phân tử đường trong máu vào các tế bào để sử dụng làm năng lượng. Người có bệnh tiểu đường “không tạo ra đủ insulin” hoặc “không thể sử dụng insulin hiệu quả” như người bình thường. Do vậy, đường trong máu sẽ không được chuyển vào tế bào để sử dụng, hoặc không được chuyển vào gan (như một cái kho hàng) để cất trữ. Lượng đường cao trong máu sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu trong cơ thể như bệnh tim mạch, thần kinh, bệnh thận, bệnh về da, mờ mắt, hoại tử chi, v.v… Hiện nay người ta phân loại bệnh tiểu đường theo hai dạng chính:

– Dạng 1 (type 1) chiếm khoảng 5-10% trong tổng số người bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do người bệnh không tạo ra được insulin, vì tế bào sinh ra insulin trong tuyến tụy đã bị chết. Khoa học hiện nay cho thấy bệnh tiểu đường dạng 1 là do sự rối loạn của hệ miễn dịch, dẫn đến hiện tượng tự miễn, tế bào miễn dịch của cơ thể tự tấn công tế bào lành, trong trường hợp này tế bào tụy sản sinh ra insulin bị tấn công và tiêu diệt. Do không còn tế bào tạo insulin, như mất nhà máy sản xuất, nên cơ thể không đủ insulin để “vận chuyển” lượng đường trong máu đến tế bào và gan. Hiện nay, không có thuốc để điều trị tận gốc và người bệnh dạng này phải phụ thuộc vào việc cung cấp insulin từ bên ngoài liên tục để bù đắp lại lượng thiếu hụt insulin.

– Dạng 2 (type 2) là dạng phổ biến nhất của người bệnh tiểu đường (90-95%). Có thể xem tiểu đường loại 2 nhẹ hơn loại 1 và có khả năng kiểm soát hơn. Với tiểu đường loại 2 người bệnh vẫn tạo được insulin, tuy nhiên insulin hoạt động không hiệu quả như người bình thường. Việc này cũng giống như bạn vẫn có đầy đủ các nhân viên giao hàng, nhưng những người này “lười” nên không hoạt động hiệu quả, vẫn chuyển hàng nhưng chậm trễ và tốn nhiều thời gian hơn bình thường.

Tiểu đường dạng này thường có thể phòng tránh hoặc kiểm soát được khi thực hiện các lối sống lành mạnh như ăn các loại thức ăn healthy (thực phẩm ít chất béo, ít calories và nhiều chất xơ, tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc); tập thể dục và giữ mức cân nặng hợp lý (một số nghiên cứu cho thấy mỡ dư trong cơ thể có thể là nguyên nhân gây insulin hoạt động kém hiệu quả).

Ngoài ra, còn các nhóm nhỏ như “tiểu đường thai kỳ”, Gestational Diabetes, (thai phụ bị tiểu đường trong giai đoạn mang thai) hoặc “tiền tiểu đường”, Prediabetes, (tiểu đường dạng nhẹ, lượng đường trong máu vẫn thấp nên chưa được cho vào nhóm 2).

Nếu các bạn đã đọc và hiểu những nội dung khoa học về bệnh tiểu đường mà mình đã trình bày phía trên và quay lại nghe bài quảng cáo của Quyền Linh về thực phẩm chức năng Blood D, cũng như những câu chữ viết trong những bài quảng cáo này thì các bạn sẽ cảm nhận được nó nguy hiểm như thế nào khi “họ” khẳng định rằng “thực phẩm chức năng” này có thể kiểm soát được lượng đường trong máu! Chữa tận gốc bệnh tiểu đường dạng 1, dạng 2! Hay thậm chí không cần dùng insulin, ăn uống thoải mái!!

Các diễn viên, ca sĩ, người nổi tiếng,… có thể kiếm tiền bằng nhiều cách nhưng chọn cách này thì mình thấy thật sự không hay! Hãy thử hình dung nếu những bệnh nhân tiểu đường nghe theo những lời quảng cáo này mà bỏ uống thuốc (như insulin cho tiểu đường dạng 1), bỏ lối sống lành mạnh để uống những viên thực phẩm chức năng này rồi thì hậu quả sẽ tới đâu!

Mong bà con tiếp nhận thông tin cẩn thận, gạn đục khơi trong và bớt nghe lời người nổi tiếng, nhất là khi họ “quảng cáo”!

Bảo trọng nhe bà con,

_____

Thông tin tham khảo:

– https://www.cdc.gov/diabetes/basics/diabetes.html

– https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444

BỊNH TRẦM CẢM – Bs Lê Ánh

Bs Lê Ánh

       

III-Cách phòng ngừa và trị liệu bịnh trầm cảm

Những nghiên cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization) tiên đoán rằng tới năm 2020 thì bịnh trầm cảm (major depression) sẽ trở thành căn bịnh thứ nhì dẫn đến tàn tật (disability) trên toàn thế giới và căn bịnh thứ nhứt dẫn đến tàn tật ở những nước đang phát triển.

Bịnh trầm cảm là một bịnh rất phổ biến. Cứ 100 người có đến 10 người bị bịnh này và xác suất bị bịnh này trong đời người (lifetime prevalence) có thể đến 15%. Hiện thời chưa có những thống kê về bịnh trầm cảm ở người Việt Nam. Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cuộc sống gây căng thẳng tinh thần hay những biến cố tạo khủng hoảng trong cuộc sống là nguyên nhân gây bịnh trầm cảm.

Theo kinh nghiệm của người viết thì bịnh trầm cảm xảy ra ở người Việt Nam có xác suất cao hơn người Mỹ bản xứ. Lý do là đa số người Việt Nam sống ở hải ngoại là người tị nạn và họ đã trải qua rất nhiều biến cố, khủng hoảng trong đời sống. Những khủng hoảng đó là chiến tranh Việt Nam, tù cải tạo, thuyền nhân vượt biển, nhiều khó khăn đáp ứng với văn hóa nước ngoài và đời sống kinh tế không tốt đẹp.

Ta có thể ước lượng rằng xác suất của thế hệ thứ nhứt, sanh trưởng tại Việt Nam và di tản định cư ở hải ngoại, bị trầm cảm có thể gấp 2 hay 3 lần người bản xứ. Đây là thế hệ đã trải qua rất nhiều biến cố, khủng hoảng như đã kể trên. Một số người vì mưu sinh, sống còn đã vượt qua được những triệu chứng trầm cảm lần đầu tiên. Nhưng vài năm sau đó, hệ thống thần kinh bị suy nhược sẵn, chỉ có một biến cố nhẹ hơn trong cuộc sống (thí dụ như xích mích vợ chồng hoặc con cái rời nhà sống riêng) cũng có thể gây ra bịnh trầm cảm nặng (major depression).

Thế hệ thứ 1.5, sinh tại Việt Nam di tản và định cư theo cha mẹ ở nước ngoài lúc còn nhỏ, cũng có những căng thẳng riêng của họ. Đó là những mâu thuẫn về nguồn gốc của mình. Họ không hẳn là người Việt cũng không hẳn là người bản xứ hoàn toàn nên có nhiều khó khăn trong việc đáp ứng kết hợp văn hóa bản xứ với văn hóa của gia đình. Nếu theo phong tục của bạn thì về nhà phụ huynh không vừa lòng, còn theo phong tục gia đình thì khó đáp ứng được với bạn bè cùng trang lứa.

I-Những dấu hiệu của bịnh trầm cảm

Người Á châu ít chịu công nhận những triệu chứng của bịnh trầm cảm vì những lý do văn hóa. Hiện thời có rất nhiều sự hiểu lầm về bịnh trầm cảm. Xã hội tin rằng những người bị trầm cảm là những người lười biếng với ý chí bị suy kém. Người ta còn tin rằng bịnh trầm cảm là một bịnh tưởng tượng vì bác sĩ gia đình không tìm được nguyên do thể chất của những triệu chứng đau nhức của bịnh trầm cảm. Một số khác nghĩ rằng bịnh nhân trầm cảm có “tánh xấu” vì họ hay bực bội cau có gây gổ với mọi người.

Bịnh trầm cảm không giống như bịnh cảm, ta ngủ một đêm sáng thức dậy thấy mệt mỏi và nghẹt mũi. Bịnh trầm cảm xảy ra rất chậm cho nên đôi lúc bịnh nhân không nhìn ra được những dấu hiệu của nó vì những triệu chứng trầm cảm tăng từ từ. Đến lúc bịnh trầm cảm trở thành nặng, người bịnh không đi làm được hay không sinh hoạt bình thường trong gia đình thì mới tìm bác sĩ để trị bịnh.

Vì những lý do trên mà những bịnh nhân Á châu khi khai những triệu chứng trầm cảm, họ ít khi chịu khai những triệu chứng tâm lý mà liệt khai những triệu chứng thể xác đánh lạc hướng chẩn đoán của bác sĩ gia đình. Theo cách chẩn đoán của khoa tâm thần thì hai triệu chứng chính để chẩn đoán trầm cảm là: buồn sầu (depression) và mất sự hứng thú trong đời sống (anhedonia). Những triệu chứng này ít thấy những người bịnh nhân Á châu than phiền. Nếu có than phiền về sự mất hứng thú thì họ hay ghép vào đó một nguyên nhân chính đáng như cơ thể bị đau nhức kinh niên chẳng hạn. Vì thế một số đông bịnh nhân Á châu không được chẩn đoán và trị liệu đúng mức.

Những triệu chứng trầm cảm thường được thấy ở những bịnh nhân Á châu là những cơn đau nhức bất thường, giấc ngủ bị thay đổi (mất ngủ hay ngủ li bì), người hay mệt kinh niên, xáo trộn trong khẩu vị (ít ăn, xuống cân), hay quên, không tập trung tư tưởng được, người hay “tự ái”, dễ bực bội (irritability). Ngay cả triệu chứng bực bội cũng được che đậy qua những lý do như những căng thẳng ở sở làm, con cái không vâng lời, người hôn phối không đối xử tốt với mình. Chính vì thế mà khi mới nghe bịnh nhân kể lể, bác sĩ gia đình ít khi nghĩ đến bịnh trầm cảm. Thật ra những căng thẳng trong cuộc sống ai cũng có, nhưng đối với người bị trầm cảm căng thẳng được cảm nhận nhiều hơn bình thường.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khoảng 60% bịnh nhân trầm cảm bị đau nhức trong người. Gần 1/3 (30%) bịnh nhân đau kinh niên bị bịnh trầm cảm. Ở nước Mỹ, hàng năm có khoảng 400 triệu chuyến khám bác sĩ (clinic visits) thì gần phân nửa là vì đau nhức. 90% những bịnh nhân có những triệu chứng tâm lý được chẩn đoán đúng mức. Nhưng chỉ có 50% bịnh nhân trầm cảm có triệu chứng thể xác được bác sĩ gia đình chẩn đoán và nhận ra bịnh trầm cảm. Nếu những bịnh nhân này có kèm theo những bịnh về thể xác thì xác suất nhận ra bịnh bịnh trầm cảm chỉ có 20% mà thôi.

Theo cách chẩn đoán của khoa Tâm Thần thì chỉ cần 2 tuần lễ có những triệu chứng trầm cảm kể trên thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và xã hội là hội đủ điều kiện của bịnh trầm cảm. Tuy nhiên trên thực tế, bịnh nhân chờ đợi rất lâu, cả tháng đến cả năm trời mới chịu đi khám bác sĩ. Thời gian chần chờ chữa trị lâu hơn ở bịnh nhân Á châu vì họ rất sợ bị gán cho cái bịnh tâm thần (mental illness). Khi chần chờ lâu thì hệ thống thần kinh bị suy thoái nhiều gây rắc rối cho việc chữa trị. Ngoài ra khi bịnh trầm cảm trở nên nặng thì bịnh nhân thường có những ý nghĩ chán đời, không muốn sống và thậm chí có ý định tự tử.

II-Bịnh trầm cảm có cơ sở thần kinh học (neurology)

Những nghiên cứu chụp hình não mới nhất cho thấy rằng bịnh trầm cảm không phải là một bịnh “tưởng tượng” vì nó gây ra rất nhiều biến đổi trong sự hoạt động của não bộ. Những cơ cấu thần kinh (brain structures) và mạch thần kinh (neural circuits) điều hòa những triệu chứng căng thẳng thể xác được dùng chung với bịnh trầm cảm. Chính vì thế mà khi bị trầm cảm, bịnh nhân có nhiều triệu chứng tâm lý lẫn thể xác. Cái khác biệt là bịnh nhân Á châu lọc ra những triệu chứng tâm lý, chỉ khai với bác sĩ những triệu chứng thể xác.

Những nghiên cứu chụp hình não bằng PET scan hay fMRI cho thấy rằng khi bị trầm cảm, hệ thống limbic (limbic system) hoạt động quá độ từ đó sinh ra những triệu chứng căng thẳng tinh thần như cau có, lo âu phiền não, mất ngủ,… Hệ thống cortex (cortical system) hoạt động yếu, sinh ra những triệu chứng như thiếu sự chăm chú, mất khả năng suy xét, mất sự nhậy bén lanh lẹ,… Khi bịnh trầm cảm được điều trị thì những mất quân bình kể trên đổi chiều và bình thường trở lại.

Khi bị trầm cảm lâu ngày, sự căng thẳng thường xuyên sẽ tạo ra những kích thích tố xấu (glucocorticoids) làm giảm những chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh (Brain derived nerve growth factor, viết tắt BDNF). Khi glucocorticoids tăng và BDNF giảm thì sẽ làm hư hỏng một số tế bào thần kinh. Nhóm tế bào thần kinh kết cấu tạo thành vùng hippocampus rất nhậy cảm với glucocorticoids. Khi những tế bào thần kinh chết dần, cấu trúc này bị thoái hóa (atrophy). Vùng hippocampus của óc rất quan trọng trong việc giúp ta có trí nhớ ngắn hạn. Vì thế khi bị căng thẳng hay trầm cảm lâu ngày không trị liệu thì trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Lạm dụng xì ke ma túy cũng có tác động tương tự lên vùng hippocampus.

Có rất nhiều nguy cơ xảy ra khi bịnh trầm cảm không được điều trị đúng mức. Nguy cơ ở cá nhân thì như đã kể ở bài trước, khi bị căng thẳng (stress) lâu ngày thì sẽ làm hư hỏng nhiều phần của não bộ. Mới đầu ta chỉ thấy sự xáo trộn trong sự phân phối hoạt động của các vùng trong não bộ, như vùng limbic hoạt động quá độ còn vùng cortex hoạt động kém hơn. Khi để lâu sự mất quân bình này dẫn đến sự xáo trộn về chất thần kinh giao nối (neurotransmitter imbalance) và sau đó dẫn đến sự xáo trộn về nội tiết (endocrine imbalance). Khi nội tiết bị xáo trộn thì hiện nay chưa có cách trị hữu hiệu vì khoa học chưa phát minh ra thuốc trị nội tiết mất quân bình.

Bịnh trầm cảm ảnh hưởng xấu đến các bịnh thể xác khác một cách gián tiếp và trực tiếp. Căng thẳng của chứng trầm cảm làm bịnh nhân cảm thấy đau nhức nhiều hơn người không bị trầm cảm. Khi uống thuốc thì họ bị phản ứng phụ nhiều hơn vì sự căng thẳng làm giảm sự chịu đựng của cơ thể họ, do đó mà các bịnh khác không được trị đúng mức. Khi bị trầm cảm nặng, bịnh nhân chán chường nên bỏ bê việc uống thuốc thường xuyên, không tập thể dục và ăn uống bất thường làm các bịnh như tiểu dường hay cao máu nặng hơn. Ngoài ra trầm cảm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn nhiễm (immune system), các bịnh tim mạch, đường ruột, hô hấp làm triệu chứng của các bịnh này nặng hơn.

Ở nam giới bịnh trầm cảm không được chữa trị dễ dẫn đến lạm dụng rượu, hút thuốc và xì ke ma túy. Sự nghiện ngập hút xách sẽ làm bịnh trầm cảm nặng hơn. Nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ gia đình rất nhanh. Những nghiên cứu cho thấy sự bạo hành gia đình tăng lên với người bị trầm cảm. Nguy cơ tử vong khi tự tử rất cao ở nam giới bị trầm cảm. Nguy cơ này cao hơn nữa nếu bịnh nhân trầm cảm hút xách và mất tự chủ. Ngoài ra còn có nguy cơ làm hại sinh mạng kẻ khác khi trong lúc say rượu và tuyệt vọng, bịnh nhân giết con cái hay hôn phối của mình.

Về gia đình thì người bịnh trầm cảm bỏ bê sinh hoạt gia đình, thích ở trong phòng một mình, hay gây gỗ với người thân, họ bị tự ái quá độ, tình cảm mất quân bình, dễ la lối khóc lóc vì thế mà quan hệ gia đình rất căng thẳng. Một số người mất sự thích thú tình dục, không thích chưng diện, không chăm sóc người phối ngẫu, làm quan hệ hôn nhân bị lung lay. Nếu là phụ huynh thì sự chăm sóc con cái bị suy giảm, khiến người phối ngẫu phải làm việc nhiều hơn, đó cũng là một nguyên nhân đưa đến sự xung đột trong gia đình. Phụ huynh bị trầm cảm không dằn được cơn bực bội hay la mắng, thậm chí đánh đập con cái rồi sau đó họ bị mặc cảm tội lỗi dày vò. Nguy cơ ly dị ở người bị trầm cảm cao hơn bình thường.

Người bịnh trầm cảm không đáp ứng được với những nhu cầu của công việc. Họ dễ bị căng thẳng khi bị đồng nghiệp hay chủ sở phê bình. Họ làm việc chậm hơn người thường vì thiếu chăm chú và hay quên. Họ hay mất ngủ và sáng vào sở uống cà phê thật nhiều. Lạm dụng cà phê sẽ làm cơ thể căng thẳng hơn và sau đó họ sẽ lâm vào trường hợp mệt mỏi và hay bị lo âu quá độ. Lâu ngày tinh thần sẽ sa sút càng nhiều và những căng bịnh thể xác như nhức mỏi, nhức đầu sẽ ngày càng nhiều. Đến mức độ nào đó họ sẽ mất khả năng làm việc hữu hiệu và bị đuổi sở. Khi mất việc làm thì bịnh trầm cảm sẽ qua giai đoạn nặng, có nguy cơ tự tử.

Nói tóm lại những cảnh địa ngục trần gian sẽ tránh được khi bịnh trầm cảm được chẩn đoán và điều trị đúng mức.

Bịnh trầm cảm không phải lúc nào cũng phải được trị bằng thuốc men. Ta có thể thay đổi cuộc sống và lối suy suy nghĩ để tránh bịnh trầm cảm trở thành nặng. Một số người khi thay đổi cách suy nghĩ và lối sống thì căng thẳng (stress) giảm đáng kể, từ đó mà các triệu chứng trầm cảm bớt đi và có thể hết. Thí dụ như giảm công việc lại, làm ít giờ hơn, có nhiều thời gian sinh hoạt với gia đình, dành nhiều thời giờ đối thoại với người phối ngẫu để san bằng cái hố hiểu lầm. Nếu là sinh viên thì giảm số giờ học (units) lại, tăng thời gian nghỉ ngơi và ăn ngủ điều độ. Tránh lạm dụng cà phê hay rượu chè. Tập thể dục thể thao cũng có khả năng làm giảm trầm cảm. Tập thể thao thường xuyên sẽ làm tăng chất BDNF (Brain Derived Neutrophic Factor), giúp những tế bào thần kinh sống lâu hơn.

Tìm hiểu tôn giáo để học hỏi những cách sống cho tâm hồn thư thản cũng là một cách phòng ngừa trầm cảm. Những nghiên cứu cho thấy tâm tĩnh lặng (mindfulness) rất hữu hiệu trị lo âu và trầm cảm. Khi suy nghĩ lo âu nhiều quá thì ta tạo căng thẳng cho hệ thống thần kinh. Khi hệ thần kinh làm việc quá độ thì sẽ gây ra những triệu chứng lo ra và mất trí nhớ. Tâm tĩnh lặng tạo những thay đổi tốt cho não bộ và được thể hiện qua sơ đồ điện não (EEG) và chụp hình PET scan. Căng thẳng kinh niên sẽ gây ra bịnh trầm cảm. Tinh thần cạnh tranh, hơn thua tạo ra rất nhiều căng thẳng và không thích hợp với bịnh trầm cảm. Nếu người có di truyền trầm cảm, căng thẳng sẽ làm trầm cảm phát triển sớm hơn. Những pháp môn tôn giáo như niệm Phật, cầu nguyện Chúa, hay thiền là những cách giáng tiếp hay trực tiếp dẫn đến tâm tĩnh lặng.

Tâm lý học có những phương pháp tâm lý trị liệu như tâm lý trị liệu nâng đỡ (supportive therapy), tâm lý trị liệu nhận thức và hành động (cognitive behavioral therapy) để giúp người bị trầm cảm đi qua những cơn khủng hoảng tinh thần và giúp họ hội nhập vào gia đình và xã hội. Tâm lý trị liệu dùng tâm tĩnh lặng (mindful therapy) rất thành công ở những bịnh nhân bị ung thư và trầm cảm đi đôi. Ở những bịnh trầm cảm nặng, tâm lý trị liệu phối hợp với thuốc men công hiệu hơn là trị thuốc men một mình.

Nói về cách trị liệu bằng thuốc thì hiện nay nhóm thuốc làm tăng Serotonin (Selective Serotonin Reuptake Inhibitor-SSRI) rất phổ biến trong việc dùng trị bịnh trầm cảm. Nhóm thuốc này gồm có Fluoxetine (Prozac), Paroxetine (Paxil), Sertraline (Zoloft), Citalopram (Celexa) và Escitalopram (Lexapro). Những loại thuốc trên có thể đều có công dụng bằng nhau nhưng khác về phản ứng phụ. Bác sĩ tùy triệu chứng của bịnh nhân mà chọn thuốc. Ngoài ra còn có nhóm thuốc ảnh hưởng Serotonin và Norepinephrine (Serotonin-Norepinephrine reuptake inhibitor- SNRI). Nhóm thuốc này gồm có Venlafaxine (Effexor) và Duloxetine (Cymbalta). Còn nhiều thuốc nữa không tiện liệt kê ra hết. Càng ngày càng có nhiều loại thuốc mới ra nên việc trị liệu bịnh trầm cảm tương đối hữu hiệu hơn lúc trước.

IV-Những điều cần quan tâm khi trị bịnh trầm cảm bằng thuốc men

Những nghiên cứu thuốc trầm cảm ở trẻ em cho thấy rằng loại thuốc này có thể tăng những ý muốn tự vận. Không có trường hợp hoàn tất tự tử (suicide completion). Con số này rất nhỏ tuy nhiên FDA vẫn ra thông báo để cho các bác sĩ đề phòng. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một số những đứa trẻ có ý muốn tự vận bị chẩn đoán lầm. Những em này có thể bị bịnh tình cảm lưỡng cực (bipolar affective disorder), khi uống thuốc trầm cảm, trong người thấy bứt rứt khó chịu hay bực bội nhiều hơn mà không tự chủ được.

Những giai đoạn bác sĩ cần theo dõi bịnh nhân kỹ là giai đoạn khởi đầu uống thuốc và giai đoạn điều chỉnh thuốc liều cao hơn. Nếu bịnh nhân uống thuốc trầm cảm cảm thấy khó chịu, có những cơn vui quá độ (mania), cảm thấy năng lực tăng thật nhiều mà không cần ăn và ngủ, thì nên dừng thuốc và thông báo bác sĩ tức thời. Nói chung, thuốc trị trầm cảm rất an toàn.

V-Tóm lại

Bịnh trầm cảm không phải là một bịnh tưởng tượng như người ta thường nghĩ. Người bịnh trầm cảm không thể dùng ý chí để vượt qua căn bịnh này mà cần phải được trị liệu đúng cách. Bịnh này cũng không hẳn chỉ là bịnh tâm thần vì nó có nhiều triệu chứng về thể xác, và nó có cơ sở thần kinh sinh lý học (neurobiology). Nếu không trị đúng mức bịnh này sẽ gây tai hại cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Bác sĩ LÊ ÁNH

From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen