Biểu tình chống Tập Cận Bình ở Ba Lan

Biểu tình chống Tập Cận Bình ở Ba Lan

BBC

Biểu tình chống Tập Cận Bình ở Ba Lan – BBC Tiếng Việt

Khoảng 500 người dân Việt Nam ở Ba Lan đã biểu tình trước cửa tòa Đại sứ của Trung Quốc tại Warsaw hôm 19/6/2016 để phản đối lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình và đòi hòa bình cho Biển Đông, theo một nhà hoạt động và nhà báo tự do từ thủ đô Ba Lan, nơi Chủ tịch Trung Quốc đang có chuyến chính thức thăm kéo dài ba ngày.

Trao đổi với BBC hôm Chủ nhật, bà Mạc Việt Hồng cho hay cuộc biểu tình ôn hòa đã được chính quyền Ba Lan cho phép ‘phản đối tại chỗ’ và có thời điểm cho phép diễu hành qua cổng chính là mặt tiền của tòa đại sứ Trung Quốc.

” Chúng tôi đã hô vang các khẩu hiệu như ‘Trả lại biển đảo, trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam! Tự do hàng hải cho Biển Đông, tự do cho Biển Đông!

Nhà báo, nhà hoạt động Mạc Việt Hồng”

“Đoàn biểu tình của chúng tôi đã hô vang các khẩu hiệu như ‘Trả lại biển đảo, trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam!

“Tự do hàng hải cho Biển Đông, tự do cho Biển Đông!”, nhà hoạt động nói với BBC.

Thu hút chú ý

Theo bà Mạc Việt Hồng, cuộc biểu tình đã diễn ra vào một thời điểm quan trọng và thu hút sự chú ý của người dân sở tại.

“Vì đây là một dịp hiếm lãnh đạo Trung Quốc thăm Ba Lan” và “những cuộc biểu tình của người nước ngoài ở Ba Lan cũng hiếm”, bà nói và cho hay cuộc phản đối ôn hòa diễn ra từ 12h00 tới 15h00 giờ địa phương đã biểu dương “tinh thần hăng hái” và hứng khởi chống Trung Quốc, đòi chủ quyền Biển đảo cho Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan.

“Một số nhân viên sứ quán Trung Quốc lặng lẽ theo dõi chúng tôi từ trên các cửa sổ của tòa nhà sứ quán, nhưng họ không làm gì’, nhà hoạt động nói.

Còn đại diện sứ quán Việt Nam tại Ba Lan ‘không thấy hiện diện’, nhưng ‘chúng tôi biết là họ có quan tâm và theo dõi’ những sự kiện như thế này, nhà báo Mạc Việt Hồng cho BBC hay.

Biển Đông: Trung Quốc ngang ngược, Việt Nam im lặng

Biển Đông: Trung Quốc ngang ngược, Việt Nam im lặng
Nguoi-viet.com
HÀ NỘI (NV) – Chỉ mới có Hội Nghề Cá Việt Nam lên tiếng phản đối các tàu công vụ của Trung Quốc uy hiếp tàu đánh cá của Việt Nam, buộc ngư dân phải nộp hết hải sản đã đánh bắt được.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cập cảng Sa Kỳ trong tình trạng hỏng nặng vì bị tấn công ở Hoàng Sa. (Hình: Zing)

Hôm 15 Tháng Sáu, Hội Nghề Cá Việt Nam phát hành một văn bản, tường thuật hai vụ tấn công do các tàu Trung Quốc thực hiện trước đó cả tuần đối với hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông.

Ngày 7 Tháng Sáu, các tàu công vụ của Trung Quốc đã đuổi một tàu đánh cá mang số hiệu QNg 95193, do ông Nguyễn Trung Kiên, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng năm hải lý. Sau đó cũng những tàu công vụ này của Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào con tàu đánh cá có 14 người. Vòi rồng đã khiến 2/14 ngư dân của tàu đánh cá QNg 95193 bị thương.

Ba ngày sau, hôm 10 Tháng Sáu, bốn tàu công vụ mang các số hiệu 589, 3103, 35101, 64501 của Trung Quốc tiếp cận một tàu đánh cá khác của Việt Nam mang số hiệu QNg 90657, do ông Nguyễn Văn Phú, cũng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng, ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 14 hải lý.

Nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc đã leo lên tàu đánh cá QNg 90657, buộc ngư dân Việt Nam phải chuyển sáu tấn hải sản mà họ đã đánh bắt được trong chuyến hải hành kéo dài 21 ngày sang tàu Trung Quốc. Trong ba giờ vận chuyển hải sản sang tàu Trung Quốc, nhiều ngư dân Việt đã bị đánh vì “chậm chạp.”

Cưỡng đoạt xong hải sản, nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc còn tịch thu nhiều thiết bị (máy định vị, radar tầm ngư, hệ thống liên lạc vô tuyến, các bộ đàm), nhiên liệu (năm phuy dầu), đồ lặn, hủy hoại nhiều ngư cụ (dây dẫn hơi, dây neo)… rồi bỏ đi.

Dù cách hành xử của nhân viên thi hành công vụ Trung Quốc hết sức ngang ngược nhưng chính quyền Việt Nam chưa có ý kiến. Chỉ có Hội Nghề cá Việt Nam “phản đối những hành động ngang ngược, phi nhân này,” đồng thời “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái, đồng thời bồi thường thiệt hại về tài sản và các tổn thương cho ngư dân Việt Nam.”

Hội Nghề Cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan hữu trách “phản đối và có biện pháp ngăn chặn hành động phi lý và ngang ngược của Trung Quốc, hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Hai ngày sau bản phúc trình của Hội Nghề Cá, ngày 17 Tháng Sáu, trang thông tin Zing cho hay, trong lúc hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa, tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi lại bị một tàu nước ngoài bất ngờ tấn công, rượt đuổi, đâm vỡ mạn tàu.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi đã báo cáo cơ quan chức năng về việc tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuất (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tàu nước ngoài ngăn cản, rượt đuổi, đâm vỡ mạn ở vùng biển Hoàng Sa.

Theo nguồn tin Zing kể lại, chiều 16 Tháng Sáu, ông Tuất cùng bảy ngư dân hành nghề cách đảo Bông Bay thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 9 hải lý về hướng Bắc thì bất ngờ bị tàu nước ngoài mang số hiệu 31102 ngăn cản, tông mạnh nên bị vỡ mạn phải.

Cần nhắc lại rằng, “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” của Trung Quốc đang có hiệu lực. Lệnh này vẫn được Trung Quốc công bố hàng năm và “có hiệu lực” từ 16 Tháng Năm đến 1 Tháng Tám.

Hồi thượng tuần Tháng Năm, một viên thứ trưởng của Bộ Nông Nghiệp Trung Quốc từng tuyên bố sẽ tổ chức thực thi nghiêm ngặt lệnh cấm đó và hai lực lượng: Hải cảnh, kiểm ngư của Trung Quốc sẽ đảm trách chuyện này. Năm nào, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng phủ nhận “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” vì nó ngang ngược, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Tuy nhiên việc phủ nhận “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” chỉ ngừng ở mức… tuyên bố. Trừ việc khuyến khích ngư dân Việt tiếp tục ra biển đánh bắt hải sản để khẳng định chủ quyền, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ thực thi bất kỳ hành động cụ thể nào tại Biển Đông để vô hiệu hóa “lệnh cấm đánh cá ở Biển Đông” của Trung Quốc.

Đó cũng là lý do ngư dân Việt Nam trở thành mục tiêu cho các tàu công vụ của Trung Quốc săn đuổi, tấn công, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, kể cả tước đoạt tính mạng của họ. (G.Đ)

. “THỜI KHẮC SPUTNIK”

. “THỜI KHẮC SPUTNIK”

Sau khi bị một cú đấm giáng vào đỉnh đầu dân tộc, quốc gia đó có tỉnh cơn mê và nhận thức được cần làm gì và làm như thế nào hay không… Tương lai và số phận đất nước không bao giờ là một ham muốn, dù ham muốn tột bật đến đâu. Nó là kết quả của những nỗ lực thay đổi sau những sai lầm. Nó là kết quả của sự tái nhận thức và quyết liệt hành động sau những thời điểm khắc nghiệt sống còn. Tương lai không đến từ thói quen xây dựng ảo tưởng sức mạnh. Nó đến từ sự nhận thức và đòi hỏi cấp bách rằng cần làm gì để đất nước tránh phải chứng kiến chuỗi những “Thời khắc Sputnik” trong bất lực”.

____

FB Mạnh Kim

18-6-2016

Thời khắc Sputnik của TT Eisenhower

“Thời khắc Sputnik”, cách nói được Tổng thống Dwight D. Eisenhower đặt ra sau sự kiện Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên thế giới vào 4-10-1957, đã trở thành thuật từ chỉ sự tái nhận thức khi một quốc gia đối mặt cuộc khủng hoảng toàn diện nghiêm trọng mang tính sống còn. “Thời khắc Sputnik” gây ra cú sốc tâm lý chấn động, gây tổn thương lòng tự trọng dân tộc, mang lại cảm giác tự vấn nhục nhã. Nước Mỹ đã không bao giờ còn là nước Mỹ như trước đó kể từ sự kiện Sputnik.

“Thời khắc Sputnik” cũng có thể xuất hiện với bất kỳ quốc gia nào. Vấn đề là, sau khi bị một cú đấm giáng vào đỉnh đầu dân tộc, quốc gia đó có tỉnh cơn mê và nhận thức được cần làm gì và làm như thế nào hay không. Nước Nhật đã thấu hiểu được ý nghĩa của “thời khắc tái nhận thức”, khi họ nhìn ra sự yếu kém dẫn đến trì trệ trong phát triển. Người Nhật nhận ra điều đó thậm chí vào thời điểm mà thế giới còn chưa có sự kiện Sputnik. Mở cửa canh tân (thời Minh Trị) hay để đất nước tiếp tục chìm đắm trong tăm tối lạc hậu? Sau giai đoạn Minh Trị, nước Nhật còn nhiều lần tái nhận thức để cuối cùng trở thành một nước Nhật hiện đại hùng mạnh.

Có những “Thời khắc Sputnik” khiến Hàn Quốc phải nghĩ lại để tái cấu trúc toàn bộ hệ thống doanh nghiệp và tái điều chỉnh hệ thống vận hành kinh tế. Có những “Thời khắc Sputnik” khiến Philippines phải dứt khoát và quyết liệt trong việc chọn đồng minh. Có những “Thời khắc Sputnik” khiến Myanmar cương quyết đập bỏ hệ thống chính trị độc tài để khai thông con đường dân chủ, cho tương lai đất nước, vì ý nguyện nhân dân.

Với Việt Nam, dù nhiều lần xảy ra những “Thời khắc Sputnik”, từ “Sputnik kinh tế”, “Sputnik giáo dục”, “Sputnik ngoại giao” đến thậm chí “Sputnik quốc phòng” nhưng chưa “cuộc khủng hoảng Sputnik” nào mang lại hiệu ứng như một động lực thay đổi, ít nhất trong 10 năm qua. Nhớ lại sự kiện giàn khoan HD 981. Nó thật sự là một “Thời khắc Sputnik”. Không thời khắc nào mà lòng tự trọng dân tộc và tinh thần ái quốc trào dâng đỉnh điểm, kể từ cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979, bằng sự kiện giàn khoan. Sự kiện HD 981, tuy nhiên, gần như đã được thả trôi đi hơn là được tận dụng như một cơ hội thoát Trung. Nó không trở thành một sự tái nhận thức toàn diện và đầy đủ, một cách cần thiết, để tái thiết kế lại mối quan hệ bất xứng, ít nhiều mang tính chư hầu, đối với Trung Quốc.

Ngay thời điểm này, người ta lại chứng kiến hai “Thời khắc Sputnik”. Sự kiện Formosa nhắc rằng vấn đề môi trường không thể được đánh đổi bất chấp mọi giá. Làm gì để cứu biển và cứu dân sau thảm họa cá chết khắp bốn tỉnh miền Trung cho đến nay vẫn là câu hỏi chưa được trả lời. Thảm kịch kép Su-30MK2/CASA là một “Thời khắc Sputnik” kinh hoàng nữa. Một tai nạn máy bay quân sự nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng dẫn đến tổn thất nhân lực khủng khiếp đã khiến không thể không đặt câu hỏi rằng nếu chẳng may xảy ra đụng độ quân sự với Trung Quốc, kết cục sẽ còn thảm khốc cỡ nào?

Tương lai và số phận đất nước không bao giờ là một ham muốn, dù ham muốn tột bật đến đâu. Nó là kết quả của những nỗ lực thay đổi sau những sai lầm. Nó là kết quả của sự tái nhận thức và quyết liệt hành động sau những thời điểm khắc nghiệt sống còn. Tương lai không đến từ thói quen xây dựng ảo tưởng sức mạnh. Nó đến từ sự nhận thức và đòi hỏi cấp bách rằng cần làm gì để đất nước tránh phải chứng kiến chuỗi những “Thời khắc Sputnik” trong bất lực.

Tấm gương sáng để ngưỡng mộ !

 Tấm gương sáng để ngưỡng mộ !

Fed Checkney

 

 

 

 

 Ông Chuck Feeney

Sự cao thượng tâm hồn nằm trong tấm lòng mà không phải ở quần áo bên ngoài.

Xem ra Ông này còn là bậc thầy của Bill Gates nữa.

Đáng kính phục …

Đây là một ông lão mới thoạt nhìn trông nghèo khó và keo kiệt.

Nhưng việc ông làm lại khiến ông trở thành gương sáng cho các phú hào khác, như Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông.
Ông đã 76 tuổi, ở cùng vợ trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco nước Mỹ. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay cũng không hợp thời. Ông không thích món ăn ngon, thích nhất là sữa hâm nóng và bánh sandwich cà chua giá rẻ. Ông cũng không có xe hiệu riêng, ra ngoài thường đều đi bằng xe buýt, túi xách mà ông từng dùng để đi làm là túi vải.
Mặt khác, nếu bạn cùng ông đến một quán rượu nhỏ uống bia, ông nhất định sẽ cẩn thận kiểm tra đối chiếu hóa đơn; nếu bạn ở lại nhà ông ấy, trước khi ngủ ông ấy nhất định sẽ nhắc bạn tắt đèn.
Một ông già “nghèo khó” như vậy, bạn có biết trước 76 tuổi ông đã làm những việc gì chăng?
Ông đã từng cống hiến cho đại học Cornell 588 triệu đô la Mỹ, cho đại học California 125 triệu đô la Mỹ, cho đại học Stanford 60 triệu đô la Mỹ. Ông từng bỏ vốn 1 tỷ đô la cải tạo và xây mới 7 trường đại học ở New Ireland và hai trường đại học ở Northern Ireland. Ông từng thành lập quỹ từ thiện để phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ em ở các nước đang phát triển… Cho đến nay, ông đã quyên 4 tỷ đô la, còn 4 tỷ nữa đang chuẩn bị quyên góp.
Ông là người sáng lập tập đoàn được miễn thuế toàn cầu DFS. Keo kiệt với chính mình, hào phóng với mọi người, thích kiếm tiền lại không thích được tiền – ông là Chuck Feeney.
Trước mắt, Chuck Feeney còn ba nguyện vọng: Một là trước năm 2016 quyên hết 4 tỷ đô la còn lại. Hiện tại, từ số tiền kia mỗi năm đều có hơn 400 triệu đô la chảy về các nơi cần trên thế giới.
Ông đã dựng nên một tấm gương cho những người giàu có: “Trong khi hưởng thụ cuộc sống đồng thời quyên góp cho mọi người”. Bill Gates và Warren Buffett đều chịu ảnh hưởng nhiều từ ông mà đã thay đổi hành động của mình.

Sau khi việc thiện của Chuck Feeney bị tiết lộ ra, rất nhiều phóng viên muốn tiếp xúc với ông. Trong tâm ai cũng đều có một nghi vấn: Làm sao Chuck Feeney có thể dửng dưng trước gia tài hàng tỷ đô la kia chứ?
Đối với nghi vấn của mọi người, Chuck Feeney mỉm cười kể cho mọi người một câu chuyện:
“Một con hồ ly thấy bồ đào trong vườn kết trái đầy, muốn vào trong ăn một chầu no bụng, nhưng giờ nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để thân thể gầy xuống, cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn rời đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó đi ra, bụng vẫn giống như lúc đi vào.”
Kể xong câu chuyện, Chuck Feeney nói:
“Mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời.”
Truyền thông hỏi Chuck Feeney, vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình?

Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người .

Ông nói: “Bởi vì tấm vải che tử thi không có túi đựng.”

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 2: Thực trạng Việt Nam)

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 2: Thực trạng Việt Nam)

nguyenvubinh

RFA

Nhận định về thực trạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một việc rất khó. Đối với những người bàng quan, không hiểu về cộng sản và dòng chảy của cộng sản Việt Nam thì thực tế hiện nay chỉ là những khó khăn tạm thời, hoặc đó là sự “hết đà” trong đổi mới…nếu như có một sự đổi mới, cải cách  nào đó, thì tình hình sẽ thay đổi và mọi cái sẽ lại tốt đẹp. Nhưng nếu nhìn nhận Việt Nam là một chế độ cộng sản, sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu, có sự điều chỉnh để tồn tại và duy trì chế độ cộng sản toàn trị thì chúng ta sẽ có một kết luận khác về thực trạng Việt Nam hiện nay. Có thể nói rằng, chế độ cộng sản độc tài toàn trị ở Việt Nam đã đi hết chu kỳ tồn tại của nó. Tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam hiện nay đều chỉ ra rằng, chế độ này đã chết, nhưng chưa được công bố và mang đi chôn. Nó cần một biến cố để khẳng định và công nhận sự kết thúc của chế độ. Biến cố đó sẽ đến trong những ngày tháng sắp tới.

Nhưng trước hết, cần phải nói rõ, chế độ cộng sản hiện nay đã chết là theo nghĩa bóng, chết về động lực. Chỉ khi xảy ra biến cố làm sụp đổ chế độ, lúc đó mới là chết theo nghĩa đen. Và tôi mạnh dạn dùng từ chết bởi vì thời điểm xảy ra biến cố đã rất gần, cận kề trong tương lai.

Vấn đề cơ bản và quan trọng nhất, là vấn đề kinh tế. Sau khi cơ chế kế hoạch hóa phá sản, nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới kinh tế. Nếu chỉ nhìn vào văn kiện đại hội đảng VI của đảng cộng sản Việt Nam, có thể nói, đó là bước ngoặt đáng hoan nghênh mà đảng cộng sản muốn thực hiện. Tuy nhiên, số nguời hiểu được và ủng hộ không đủ để chính sách đổi mới trở thành trào lưu thực chất. Nó nhanh chóng chuyển thành thủ thuật, thủ đoạn để duy trì chế độ độc đảng, độc tài toàn trị và cơ hội trục lợi lớn của bộ máy cầm quyền. Nền kinh tế Việt Nam, về tuyên truyền là theo kinh tế thị trường nhưng đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường. Vi phạm nghiêm trọng và dễ thấy nhất là vi phạm về quyền sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, quan trọng nhất là sỡ hữu tư nhân về đất đai. Từ vi phạm sở hữu tư nhân về đất đai, đã làm biến dạng toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và cả nền kinh tế. Sau này vi phạm sở hữu tư nhân về đất đai còn gây ra hệ lụy khủng khiếp về mặt xã hội (cướp đất – dân oan). Quy luật cung cầu, thị trường quyết định giá cả hàng hóa cũng bị vi phạm khi giá những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu do nhà nước quy định…cấu trúc của nền kinh tế, với 60-70% nguồn lực ưu tiên dành cho doanh nghiệp nhà nước, mà hiệu quả đóng góp chỉ được 30-40% giá trị tổng sản lượng. Doanh nghiệp tư nhân bị o ép, hắt hủi đầu tư chỉ 30-40% nhưng làm ra 60-70% GDP. Tóm lại, với tất cả những vi phạm nghiêm trọng về nguyên lý kinh tế thị trường, về cơ chế cấu trúc, về chính sách nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang trong trạng thái tan hoang, nợ gấp đôi GDP, giá trị làm ra không đủ cho tiêu dùng của quốc gia trong thời điểm hiện tại. Điều nguy ngập nhất, và cơ sở để nói, nền kinh tế Việt Nam đã chết, chính là động cơ lợi nhuận. Hiện nay, có thể khẳng định, hầu như không một ngành nghề nào, không một doanh nghiệp nào làm ăn có lãi trong cơ chế và môi trường này. Người ta tính toán rằng, nếu một doanh nghiệp nào làm ra, hoặc kinh doanh một sản phẩm, thì chỉ khi có lãi gấp 4-5 lần giá trị sản phẩm (tức là làm ra, hoặc mua 1 bán 4-5) mới hi vọng có lãi, tồn tại được trong môi trường ở Việt Nam. Chính vì phải chi phí cho các yếu tố phi lý, cho luật, lệ và tham nhũng nên doanh nghiệp hiện nay không thể có được lợi nhuận. Động cơ lợi nhuận đã bị triệt tiêu, và nền kinh tế chết ở điểm này. Người dân đã không bỏ vốn ra để sản xuất kinh doanh nữa.

Về chính trị – xã hội, nhà cầm quyền Việt nam vẫn giữ nguyên độc quyền lãnh đạo, vẫn ngăn cản mọi quyền công dân cơ bản của con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội. Đồng thời, do lệ thuộc Trung Quốc trên nhiều khía cạnh, dẫn tới sự nhu nhược của nhà cầm quyền Việt Nam trước các hành động thôn tính, xâm lấn hải đảo, vùng biển, vùng trời. Thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam trước việc Trung Quốc xâm lấn các đảo ở Hoàng Sa, Trường sa, ngăn cản, tấn công ngư dân ngay trong ngư trường Việt Nam, và gần đây nhất là kiểm soát vùng trời, máy bay Việt nam rơi không rõ nguyên nhân…đã làm người dân hết sức phẫn nộ. Không những vậy, việc vô trách nhiệm trước thảm họa môi trường biển miền Trung, thảm họa cá chết và công khai đàn áp người dân xuống đường tuần hành vì môi trường càng làm cho người dân sục sôi căm hờn. Bản thân những người trong guồng máy cũng ngày càng hiểu ra những bất cập của nhà cầm quyền Việt Nam. Hàng ngày họ được tiếp xúc, được thông tin qua hệ thống Internet, mạng xã hội về tất cả sự thật đi ngược lại những điều họ được dạy, phải nghe. Những thực tế trần trụi hàng ngày hàng giờ tác động khiến cho sự cật vấn lương tâm của họ càng thêm gay gắt. Cộng với thông tin về số nợ công, tình trạng tham nhũng…đã làm họ mất phương hướng và nảy sinh tâm trạng rã đám và buông xuôi. Đến một lúc nào đó, khi họ cảm nhận được, sự níu giữ, duy trì một chế độ tồi dở là tội ác và vô vọng thì khi đó họ không còn động lực để duy trì, bảo vệ chế độ nữa. Quá trình này đang xảy ra và ngày càng áp đảo trong chính hệ thống thống trị hiện nay.

Như vậy, về cơ bản, sự cạn kiệt nguồn lực sẽ quyết định sự tồn vong của chế độ cộng sản Việt Nam. Tất cả các khía cạnh, lĩnh vực và phương diện của thực tế cuộc sống đều báo hiệu sự vượt ngưỡng chịu đựng của người dân. Tuy vậy, vẫn cần một cú huých, một biến cố làm vỡ tung sức chịu đựng của người dân, làm rã đám và buông xuôi ngay cả những kẻ đã và đang trấn áp người dân khi đã nhận ra sự vô vọng của việc níu giữ, bảo vệ chế độ. Việt Nam đang chờ một biến cố như vậy trong tương lai rất gần./.

Hà Nội, ngày 18/6/2016

N.V.B

Ngôi nhà tạm

Ngôi nhà tạm

Mưa!…

Tôi chạy nhanh thật nhanh vào trong nguyện đường để trú mưa, thế là cơn mưa đầu tiên của mùa hạ lại đến thật thật vội vã. Mưa lộp độp bên cánh cửa sổ, mùi mưa thật dễ chịu và thật bình yên. Tôi đứng lặng người nhìn xung quanh, tĩnh lặng và thật nhẹ nhàng. Bất chợt, tôi thấy 1 luồng ánh sáng vàng chiếu qua mắt tôi, ánh sáng nơi Thánh Thể Chúa.

Nhìn ngôi nhà tạm bé nhỏ có một Giêsu đang ở đó cô đơn đợi tôi, một Giêsu đã từ bỏ ngai vàng quyền quý của một vị Vua để khiêm nhường đến với con người tội lỗi và sống cùng họ, cùng trải qua những gian khổ, khó khăn chỉ với một mong ước đưa họ trở về , để họ được tự do với tội lỗi và sống hạnh phúc làm con Thiên Chúa.

TroChuyen-Voi-Chua

“ Chúa chờ con có lâu không? ”

Đó là điều tôi muốn thưa cùng Chúa, tôi thấy một cảm xúc lâng lâng khó tả nhưng rồi lòng tôi lại rối bời và chẳng thể tập trung lại nữa. Cảm xúc chợt đến như cơn mưa đầu mùa hạ kia và lại đi thật nhanh khiến lòng tôi trống rỗng. Phải chăng những lo lắng việc học hành, lo toan của cuộc sống làm tôi trở nên bộn bề và chẳng còn một góc nhỏ nào cho Chúa nữa. Cả ngày loay hoay trong đống giấy tờ và ôm chiếc máy tính ngồi làm đồ án để rồi tôi chẳng biết rằng những giờ cầu nguyện hay viếng Chúa nơi nhà nguyện tôi cũng dành tâm trí cho đồ án luôn.

Lặng yên nhìn vào đền thờ trong lòng tôi, tôi chợt hỏi mình đã bao lâu rồi tôi không dành giờ để dọn dẹp, sửa sang ngôi nhà tạm bé nhỏ đơn sơ này, ở nơi đó vẫn có một Giêsu chờ tôi từ lúc sớm hôm đến khi đêm về. Nơi nhà tạm bé nhỏ đấy tôi đã thưa bao điều cùng Chúa, những lúc vui, lúc buồn, những lúc yêu mến hay thất vọng.

GMVNGHCGTG_Full_734232424

“Chúa ơi, sao con lại tính toán thời gian với Chúa cơ chứ?”

Tôi thấy lòng mình nhẹ lại, một cảm giác yên vui và bình an đang lan truyền trong con người.

Là một Ứng Sinh đang trong quá trình tìm hiểu Ơn gọi, chắc chắn sẽ có lúc này lúc khác, những khi tôi thấy mình tràn đầy niềm vui và tình yêu Chúa. Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có gì có thể làm mất đi tình yêu của tôi đối với Ngài. Nhưng không phải, cũng nhiều lần lòng tôi thật trống trải cô đơn, để tôi nhận ra rằng chính những giây phút đó dặn tôi phải bám chặt vào Chúa hơn hơn nữa.

maxresdefault

Lạy Chúa, con biết con yếu đuối lắm, đã không biết bao nhiêu lần con đã phản bội Ngài u mê trong tội lỗi. Xin đưa tay để dắt con đi qua những nẻo đường đầy gian khó, xin dạy con biết sắp xếp thời gian để chẳng khi nào con quên Chúa dù 1 giây, để ngôi nhà tạm của lòng con luôn có Ngài và con cùng trò chuyện. Amen.

TMD

Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt (phần 2)

Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt (phần 2)

FB Lưu Trọng Văn

16-6-2016

Anh Ba một thời hét ra lửa. Ảnh: internet.

Tiếp theo phần 1: Chuyện lượm được ở đám giỗ ông Võ Văn Kiệt

Chắc chẳng khó gì với bạn đọc của gã để đoán ra người cao lớn có bước chân khập khiễng kia là ông Ba Dũng – dngười quyền lực của quốc gia một thời.

Nhìn bước khập khiễng của ông vì còn mang trong chân nhiều mảnh đạn thời chiến, trở về với đời thường không phải tiêm thuốc giảm đau như bấy lâu nay mỗi khi xuất hiện trước công chúng hay trước các chính khách thế giới để chứng tỏ oai phong, lẫm liệt của mình, gã thấy… động lòng.

Điều gì đã tạo nên cái bi hài của bước chân khập khiễng rất thật và bước chân bành bạch ngang tàng kia?

Thuốc giảm đau ư?

Thời thế đã đổi thay ư?

Sự thật và dối trá ư?

Tuỳ mỗi người theo góc độ mà mình biết thông tin thật giả tới đâu mà chủ quan cảm nhận thôi, gã không thể đưa ra nhận định của gã khi chính mắt mình chứng kiến khuôn mặt phần nào mệt mỏi và bước chân khập khiễng của ông lúc này.

Hiếu Dân dẫn ông Ba Dũng vào gian thờ ông Võ Văn Kiệt để ông Ba Dũng thắp nhang như dẫn ông Tư Sang cách đây không lâu. Chả biết khi ông Ba Dũng thắp nhang cho ân nhân của mình, người mà có không ít lần ông nói là ông coi như cha của mình cạnh kề nén nhang mà ông Tư Sang thắp trước đó làn khói vương lên có quyện, có xoắn với làn khói của cây nhang do ông Tư Sang thắp không?

Gã cứ lẩn thẩn với ý nghĩ liệu có là bi kịch cho ông Kiệt ở chỗ, cả hai ông Ba và Tư đều từ một ông thầy và chính ông thầy ấy sau này ba người mỗi người một ngả.

Khi thắp nhang xong trở lại nơi có tiệc đám giỗ, ông Ba Dũng bắt tay nhiều quan khách. Chắc ông cũng thừa biết lúc này qua cử chỉ, cái cười gượng mà ra… gạo hoặc ra cám, sự hồ hởi hay sự lơi lơi, ai thật tình, ai giả dối với ông. Điều này thì ông khó mà biết được khi mới đây thôi, ông còn ở trên đỉnh chót vót quyền lực.

Ông Ba ngồi vào cái ghế mà ông Tư vừa bỏ đi. Và rồi cũng như ông Tư khi ngước lên phát hiện ra cái bàn bên rìa với gs Tương Lai cùng những trí thức thời nào cũng bị cho là… đối lập như Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, ông bèn đứng dậy và bước những bước chân mạnh mẽ hơn khi xuất hiện ban đầu khập khiễng, đến bên cái bàn-ốc đảo ấy.

Ông khẽ cười rồi lần lượt bắt những bàn tay còn quẩn quanh vương vít mùi da thịt bàn tay của ông Tư Sang.

Chỉ khác, khi bắt tay Lê Công Giàu ông không nói như ông Tư: Tên là Giàu mà nghèo. Có thể trong ông từ lúc nào không biết nữa cái câu nói đó đã thành dĩ vãng rồi chăng?

Ồi, hên cho ông vì đã không nói câu nói như ông Tư Sang nên khỏi phải nhận cái câu hỏi “toé loe con bò kéo xe” của gã là, anh Ba ơi vậy tên anh là Dũng nhưng có “dũng” không? Như gã từng hỏi “anh Tư ơi tên anh là Sang nhưng có “sang” không?”.

Ừ nhỉ, nếu xảy ra tình huống ấy thì sao? Gã tin với cá tính thẳng toẹt của ông thể nào ông cũng cười hà hà và hỏi ngược như một câu trả lời: Mắc mớ gì mà không dũng?

Chỉ khác nữa là khi ông bắt tay gs Tương Lai thì ông gs vươn người đứng dậy chứ không ngồi yên một chỗ như khi bắt tay ông Tư Sang. Theo gs Tương Lai thì đó là gs muốn tỏ rõ một thái độ. Gã tôn trọng chuyện thích hay không thích của bất cứ ai.

Còn một điều không khác ông Tư Sang là khi bắt tay gã nhìn cử chỉ của ông, ông không thể nhớ gã là ai. Nếu gã nhắc lại khi ông là chủ tịch Kiên Giang kiêm trưởng ban chống buôn lậu, gã tới gặp ông phản ánh tại cảng Hòn Chông gã phát hiện buôn lậu ô tô từ Singapore, thì may ra ông sẽ nhớ tới gã, vì lúc ấy ông đã rất “dũng” mà nói rằng: Ở tỉnh tôi lúc này không buôn lậu thì lấy cái gì mà sống.

Thôi chuyện qua lâu lắm rồi.

A, còn một điều không khác ông Tư nữa là tay ông Ba khi bắt cũng rất chặt và ấm. Sự thật như thế thì gã phải nói như thế còn ai tự cảm thấy đó là sự trớ trêu nào đó về thời cuộc thì đó là việc của họ.

Sau màn chào hỏi khá thân tình ấy ông Ba trở về bàn chính giữa dành cho mình mà ngồi bên cạnh ông là ông Lê Hồng Anh với bộ lông mày rậm rịt rất riêng mà trong bộ chính trị bộ lông mày của ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không sánh bằng.

Lúc này xuất hiện luật sư Trương Trọng Nghĩa và vợ là nhà báo Thế Thanh cùng giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM Phan Thanh Bình. Ông Nghĩa, người luôn hăng hái có ý kiến phản biện quyết liệt và hừng hực đem tiếng nói bức xúc của người dân trên diễn đàn QH vừa tái trúng cử QH. Ông dướn tròn cặp mắt kể gã nghe, hôm gặp cử tri để vận động bầu cử, ông bất ngờ khi có cử tri hỏi ông vì sao lại để vợ mình đi biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa. Ông đã trả lời: Tôi là ĐBQH tôi phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân. Vợ tôi cũng là một người dân.

Ông Phan Thanh Bình có khuôn mặt còn tươi rói, trẻ trung nhưng tóc thì bạc phơ. Ông thuộc trường phái như gs Tương Lai nói là “không đổi trắng thay đen”, và như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tóc cũng bạc phơ, là “ thì… mình thế nào cứ để thế”. Riêng gã, gã nghĩ ông Bình không dám “trở ngói” cho tóc đen vì sợ….vợ. Ông đẹp trai ăn nói có duyên đứng trước giảng đường mà lại tóc đen nhanh nhánh nữa thì ối em sinh viên mê tít, về nhà vợ hành cho phải biết. Mỗi lần gã gặp ông Bình lại nhớ câu thơ của nhà thơ Viễn Phương, cha ông, mà thời bé tẹo gã rất thích:

Nhớ lắm em ơi, nhớ lắm những ngày

Sống ở hầm ăn cơm vắt uống nước chai

Mỗi tối đem cơm mắt em lấp láy

Từ yêu nhau chỉ gặp mặt dưới sao trời

Ông Bình trúng Trung ương hai khoá, cả hai lần người ta đồn rầm là ông sẽ lên chức bộ trưởng Bộ GD và ĐT, nhưng rốt cuộc cả hai lần ông đều tại vị ở ĐH QG. Ông nói đùa với gã: Tôi là anh ba cơ nhỡ. Rồi ông nói nghiêm chỉnh: Thực ra hạnh phúc của tôi là được truyền lửa cho sinh viên.

Hội của luật sư Trương Trọng Nghĩa và giáo sư Phan Thanh Bình vừa rời khỏi bàn của gã thì lập tức giáo sư Trần Hồng Quân cựu bộ trưởng bộ GD và ĐT tới. Ông Quân lúc này ốm o khác xa một quý ngài bộ trưởng oai phong thuở nào. Gã nhớ một người bạn giảng dạy ở ĐH Bách khoa TP HCM kể rằng, trong lần tiếp xúc với các giảng viên các trường đại học, ngài bộ trưởng có nói rằng, nền giáo dục nước ta rất ưu việt. Một giảng viên trẻ đã hỏi lại ông: Vậy tại sao bộ trưởng không cho con mình học ở trong nước để thừa hưởng tính ưu việt đó mà lại cho con học ở nước ngoài?

Câu hỏi khó quá. Gã nghĩ nếu bây giờ nghe câu hỏi hóc ấy thì ông cựu bộ trưởng sẽ hồn nhiên mà phá lên cười…cả trừ lẫn cộng.

Gã nhòm qua bàn ông Ba Dũng đang ngồi. Lúc này bên trái ông xuất hiện ông Trương Hoà Bình và bên phải ông là cái ghế trống mà ông Lê Hồng Anh đi đâu không biết, kề cận cái ghế trống ấy là ông Đinh La Thăng. Ông Đinh La Thăng ngồi quay lưng với bàn gã ngồi, còn ông Trương Hoà Bình thì ngồi đối diện và ông dễ dàng nhận ra nhà thơ Nguyễn Duy và nhóm của gs Tương Lai. Gã thấy ông uỷ viên Bộ Chính trị vừa được Đại hội Đảng 12 bầu kiêm phó thủ tướng thường trực vừa được QH bầu đi đến cái bàn rìa . Mái tóc hơi xoăn, nụ cười thường trực trên môi ông vui vẻ lắm, bắt tay các thành viên của cái bàn…ốc đảo này. Ông tỏ ra đặc biệt thân tình với Nguyễn Duy và hẹn Nguyễn Duy một cuộc nhậu.

Gã khá ngạc nhiên cử chỉ của người từng là trùm an ninh và hiện phụ trách mảng nội chính này đối với nhóm của gs Tương Lai. Với vai trò của ông, đương nhiên ông quá rành từng kiến nghị, tuyên bố, thư ngỏ, bài viết không theo đúng ý Đảng của các ông Tương Lai, Huỳnh Kim Báu, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu này. Vậy thì với nụ cười sởi lởi, ánh mắt tươi vui cái bắt tay chân tình của ông dành cho những đối tượng kia nói lên điều gì?

Chịu.

Gã chỉ ghi nhận chứ không thể đưa ra được lời nhận xét sao cho hợp, cho đúng những vấn đề cực kì nhậy cảm và tế nhị này. Có người sẽ bảo chính trị nó là như thế. Tuỳ!

Nguyễn Duy kể gã nghe, hồi trước do làm những bài thơ có “vấn đề” về đất nước, Nguyễn Duy bị an ninh theo dõi. Trực tiếp ông Trương Hoà Bình tiếp xúc với Nguyễn Duy thế quái nào ngài chỉ huy an ninh lại mê thơ và trở thành bạn nhậu tâm đắc của Nguyễn Duy. Rồi đường ai nấy đi, ông Bình họ Trương vù vù thăng tiến quan lộ, Nguyễn Duy vẫn bình chân như vại, thơ phú cùng rượu nút lá chuối làng Vân. Để rồi thỉnh thoảng hội ngộ lại chỉ thơ và … rượu.

Khi ông phó thủ tướng trực về lại chỗ của mình thì tới lượt bí thư Thành uỷ Đinh La Thăng, người đang gây cơn sốt trong truyền thông, thế giới mạng cũng như công chúng về một loạt hành động, tuyên bố hợp lòng dân của mình. Mặc dù có nhiều người quen của gã còn nghi ngờ ông họ Đinh này, riêng gã, gã chỉ đơn giản nghĩ, dù quá khứ người ta thế nào, nếu hôm nay bằng hành động người ta đang tích cực vì dân thì mừng quá đi chứ, thì mắc mớ gì mà không đưa cả hai tay lên ủng hộ.

Ông Thăng đưa hai tay bắt tay Huỳnh Tấn Mẫm một thủ lĩnh của thanh niên mà một thời ông Thăng là một cốt cán tích cực ở Thuỷ điện sông Đà. Ông Thăng mới đây đã vào thăm ông Mẫm khi ông Mẫm chữa tim.

Gã nghe loáng thoáng gs Tương Lai nói với ông Thăng:

– Tôi có gửi một bức thư cho anh…

– Dạ, em có nhận được ạ. Xin lỗi anh, nhiều việc quá, em chưa trả lời được. Xin anh thông cảm.

Gã nói với ông Thăng, gã cùng tiến sĩ Trương Đình Hiển đang bàn về cách thức tổng thể chống hạn, chống lũ ở đồng bằng Cửu Long và chống ngập ở Sài Gòn. Ông Thăng chăm chú nghe rồi cho gã số điện thoại . Vẫn giọng rất nhún nhường ông nói: Có gì anh cứ gọi cho em. Em chơi thân với Lưu Trọng Ninh thời anh Ninh làm phim ở sông Đà. Gã không thể ngờ một con người cao lớn đi đâu thấy sự bất bình của dân là thét ra lửa với những quan chức vô cảm, vô trách nhiệm gây nên sự bất bình ấy lại nhỏ nhẹ đầy chất nho nhã như thế.

Thỉnh thoảng gã lại liếc nhìn về phía bàn ông Ba Dũng. Không hiểu sao lúc này ông ngồi nhõn mình. Có lẽ ít khi giữa đám đông mà ông lại chỉ ngồi một mình như thế. Gã thấy ông cầm chiếc khăn trắng đưa lên mắt lau cái gì đó ở mắt.

Gs Tương Lai đột ngột chống gậy đứng dậy. Gs nói với gã: Tôi muốn nói với ông Ba một câu.

Khi ông Tương Lai tới bên ông Ba, đây là lần đầu tiên suốt đám giỗ ông Kiệt, vị giáo sư già tuổi 80 có biệt danh là “Tương Lai” luôn đau đáu những “Mênh mông thế sự” này mới dời khỏi ghế của mình đi sang bàn khác, thì bàn ông Ba đã có sự trở lại của các ông Trương Hoà Bình, Đinh La Thăng , Phan Thanh Bình, Trần Hồng Quân. Còn ông Lê Hồng Anh hình như đã lặng lẽ ra về.

Vị gs già không ngồi chiếc ghế trống bên phải ông Ba mà ông Lê Hồng Anh đã đi và cũng không hiểu sao ông Đinh La Thăng không ngồi vào thế chỗ cho gần ông Ba hơn. Nhưng ông Ba đang dở chuyện với một ông nào đó gã không biết tên, nên gs quay qua ông Thăng và nói với ông Thăng:

– Giáo sư Hồ Ngọc Đại hôm kia có điện thoại cho tôi hỏi tôi có đúng là Đinh La Thăng nói “Giáo dục là khoa học không phụ thuộc ý chí chính trị” không? Tôi bảo, đúng vì tôi xem trên báo, và biết có thể báo sẽ bị rút bài nói này nên đã lưu lại, ông muốn đọc nguyên văn tôi sẽ chuyển cho ông. Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói…

– Dạ, thế nào ạ?

– Xin lỗi anh trước, giáo sư Hồ Ngọc Đại nói với tôi: Thằng ý khá đấy mày ạ. Rồi giáo sư nhấn mạnh thêm, nói được câu ấy là khá lắm đấy.

Đột nhiên giáo sư Trần Hồng Quân đứng bật dậy nói:

– Lẽ ra anh Thăng nên nói thế này thì đúng hơn, giáo dục là khoa học không phụ thuộc vào ý chí cá nhân của người làm chính trị.

Ông Thăng tỏ ra lúng túng trước câu sửa lưng của ông cựu bộ trưởng giáo dục này. Nhưng ông chọn im lặng và một nụ cười tất nhiên rõ ràng là gượng.

Ông Ba đã xong chuyện với với ông nào đó mà gã không biết tên, quay người lại nắm tay gs Tương Lai. Gs vỗ tay lên vai ông Ba, nói:

– Hôm nay, anh thong thả (gã chú ý là ông gs cố ý không dùng từ thanh thản hay lui về), tôi đến nói với anh một câu thôi: Anh nhớ ngày mùng 1 tháng giêng năm 2014 anh cho phát đi bản “Thông điệp đầu năm” thì mùng 2 BBC và RFA phỏng vấn tôi. Tôi nói tôi ủng hộ thủ tướng khi ông nói “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng của đất nước lấy tình hữu nghị viển vông và lệ thuộc”.

– Có, tôi có biết cuộc phỏng vấn đó. Câu đó tôi nói đúng như thế. Tôi nghĩ thế và tôi nói như thế và tôi nhất quán điều đó, cho đến hôm nay tôi vẫn như thế.

Gs Tương Lai nói tiếp:

– Câu trên là anh nói ở Shangri-La, tôi lưu ý với BBC và RFA câu anh viết trong Thông điệp: Động lực tạo ra từ Đại hội Sáu đã cạn rồi, muốn phát triển thì phải có động lực mới. Động lực mới đó phải được tạo ra bằng Dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Dân chủ và Nhà nước pháp quyền là cặp song sinh của thể chế chính trị hiện đại. Gộp cả hai câu đó lại, tôi cho đây là một đột phá về tư duy chính trị mà đất nước đang cần. Tôi quyết liệt ủng hộ cho bước đột phá đó. Vì vậy, hôm nay tôi đến để khẳng định lại với anh đó phải là lựa chọn của đất nước.

Ông Ba mỉm cười. Ông Thăng cười rất tươi. Ông Phan Thanh Bình đưa điện thoại lên chụp vị gs già bên ông cựu thủ tướng và nói:

– Tôi chụp nhưng không đưa lên facebook đâu.

Gã nhớ lại có lần gs Tương Lai kể với gã sau cuộc gặp vào tháng 7.2014 của gs và một số trí thức tên tuổi với ông Ba khi gs nhắc đến hai câu nói nổi tiếng kia của ông Ba, gs đã nói thẳng với ông Ba: Anh sẽ đi vào lịch sử nếu thực hiện những điều anh nói. Còn không thì anh sẽ là tội đồ của lịch sử.

Riêng gã, gã rất tiếc rằng có lẽ vì sự tế nhị nào đó khi ông Ba đã không còn ở vị trí quyền lực nữa nên gs đã không nhắc lại câu nói mà theo gã là của Lịch sử này đối với bất cứ ai đang nắm vận mệnh dân tộc, đất nước.

Trời đột ngột mưa to.

Gã cùng gs Tương Lai ra sảnh để về. Đột nhiên có một ông lạ hoắc gã chưa từng biết oang oang nói:

– Ông gs, ông đứng lại để tôi bắt tay ông một cái nào.

Sau khi ôm lấy gs, ông quay ra nói với mọi người :

– Ông này mới là người yêu nước chân chính!

Gã nhận thấy ông gs cố nén nước mắt. Gã hỏi nhỏ một người quen:

– Ông kia là ai?

– Một người dân cùng quê với ông Võ Văn Kiệt ở Vĩnh Long.

Lên xe, gs Tương Lai nói với gã:

– Tôi gần đất xa trời rồi, câu nói của ông ấy là câu làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc nhất trong đời của tôi đấy ông Văn ạ.

Hãy làm cho báo chí TỰ DO

Hãy làm cho báo chí TỰ DO

Nguyễn Khắc Mai

  1. Xin đăng lại bài báo của Phan Đăng Lưu:

VỀ TỰ DO BÁO CHÍ

Phan Đăng Lưu

Tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền vì nhiều lẽ:

  1. Khi các báo được tự do xuất bản, thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ, mới có thể sống, còn không thì chết, hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
  2. Một tờ báo đã sống, đương nhiên, nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
  3. Mỗi tờ báo, nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gọi dân chúng làm những việc tày trời, không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận thù địch.
  4. Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chánh sách cai trị để chuộc lòng dân.

Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng Tự Do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi. /.

(Báo Dân Tiến số 10-11-1938).

  1. Đôi điều về tác giả bài báo. Phan Đăng Lưu quê Nghệ An, sinh năm 1902, mất năm 1941, trong một gia đình nho học, yêu nước. Ông từng có sở học Hán học, đi thi hương, khoa thi cuối cùng 1918, từng học Quốc học Huế, trường Canh nông thực hành (Tuyên Quang). Làm việc ở Sở Canh nông nhiều tỉnh, tham gia Đảng Tân Việt, rồi chuyển sang lập trường cộng sản, ủy viên BCH TW (1937), rồi ủy viên thường vụ Trung ương – tức Bộ Chính trị (1938). Từng bị Pháp bắt giam ở Ban Mê Thuột. Từ cuối 1940 khi từ Bắc vào chỉ đạo Khởi nghĩa Nam kỳ, bị Pháp bắt, xử tử hình năm 1941 tại Hóc Môn.

Ông từng viết báo, xuất bản nhiều sách tuyên truyền chủ nghĩa Mác. Đây là bài báo ông viết trên tờ Dân Tiến, tờ báo của cộng sản ở Huế.

  1. Bài báo ngắn, chỉ có bốn ý bênh vực cho Tự do báo chí. Lý lẽ thực dụng, không giống như Các Mác từng viết cả mấy trăm trang sách “Tranh luận về Tự do báo chí”, mà dẫu rất bác học, rất tâm huyết, nhiều giá trị, vẫn bị các đảng cộng sản vứt vào sọt rác! Các Ban Tuyên huấn của các đảng cộng sản có cái tệ là một mặt cứ treo ảnh ông Mác ở hội trường mặt khác lại “ị” vào trước tác của Tổ sư của mình.

Về bài báo Tự do báo chí của Phan Đăng Lưu cũng thế. Tôi tin rằng ông Trọng hay ông Huynh chắc chưa bao giờ đọc bài báo của bậc tiền bối của mình. Và khi họ không tiếp nhận được tư duy dẫu còn thô sơ, nhưng đã phản ảnh một khuynh hướng tư tưởng có thật ở Việt Nam, họ đã làm gì? Họ hiện ra là những kẻ vọng ngoại, sùng bái những tư tưởng Mác Lê, Mao ít, Mao nhiều. Và người ta không thể nghĩ khác rằng họ đang quản lý báo chí với những tư tưởng và mô hình nô dịch. Trong trường hợp này chính họ là kẻ phản bội lại tư tưởng, lý tưởng của những bậc tiền bối của mình.

Dẫu sao Phan Đăng Lưu cũng đã sớm đề xướng một tư tưởng tiến bộ hợp lý, một yêu cầu vẫn rất kim nhật kim thì (ngay hôm nay, ngay thời này!). Một Dân tộc để độc lập, để phục hưng, để sánh vai không lép vế, không lệ thuộc, không bị trói mình lẽo đẽo chạy theo cỗ xe bá quyền Đại Hán làm hại làm nhục mình, không thể không có tự do báo chí. Một xã hội trăn trở để thoát khỏi đói nghèo lạc hậu, mất nhân tính, thoát khỏi sự suy đồi mất nhân cách, vươn lên làm người tự do, đạt tới dân trí và văn hóa, vừa giàu có về vật chất vừa mạnh mẽ về tinh thần, nói như mơ ước của Nguyễn Đình Thi “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”… nhất định phải có tự do báo chí.

Nếu nhà cầm quyền cộng sản hiện nay đã đánh mất và phản bội lại những tư tưởng tiến bộ của tiền bối sáng lập đảng thì tự do báo chí vẫn là một yêu cầu khách quan của dân tộc và thời đại. Một bộ phận trí thức và thanh niên cấp tiến đã tiếp nhận xu thế này và họ đã cho chúng ta niềm tin rằng lương tri của dân tộc, của xã hội vẫn tồn tại.

Đọc lại “Về tự do báo chí” của Phan Đăng Lưu, không thể không khẳng định rằng dân ta, xã hội ta, chính quyền thật sự của dân do dân vì dân, ngày nay rất cần có tự do báo chí.

Những người cầm quyền hiện nay hãy nghe Phan Đăng Lưu: “Chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền”.

Tất nhiên phải nói cho rõ: nhũng kẻ cầm quyền phản dân hại nước luôn dị ứng với tự do báo chí.

Viết nhân cái ngày gọi là ngày báo chí cách mạng, mà đã là cách mạng thì không có tự do, như nhà báo chó Như Phong, chỉ có nhà báo chó, không làm gì có báo chí tự do.

Báo chí tự do phải là báo chí của con người tự do!

N.K. M.

Quan chức cho con đi du học: dấu hiệu của tham nhũng

 Quan chức cho con đi du học: dấu hiệu của tham nhũng

tuankhanh

 RFA

“Tiền tham nhũng có thể dùng để trả học phí cho các trường nước ngoài”

Một bài viết trên tờ Times of London (Anh) vừa lên tiếng trong ngày 11/06/2016, cho biết nhiều trường đại học và tư thục đang bị cáo buộc là nhận các học sinh du học đến Anh, nhưng làm ngơ hoặc im lặng về nguồn gốc của các lượng tiền lên đến hàng triệu bảng Anh, nhiều khả năng là tiền tham nhũng, tiền bẩn từ các nước khác.

Ngành giáo dục Anh chỉ hợp tác và đưa ra ánh sáng được 9 trường hợp trong số 382.000 báo cáo cho chính quyền, qua các đợt điều tra về rửa tiền đến từ nước ngoài, trong niên khóa 2014-2015. Các nhà hoạt động chống tham nhũng nói rằng đã có một lỗ hổng để các luồng tiền tham nhũng được “rửa” thông qua các trường trung học và cao đẳng, đại học, mà những nơi này giờ cần có nghĩa vụ báo cáo những nghi vấn cho Cơ quan tội phạm quốc gia để ngăn chặn và giám sát chặt chẽ loại tiền này.

Các nhà hoạt động nhằm vận động minh bạch các nguồn tiền này nói rằng hệ thống giáo dục của những quốc gia phát triển đang là điểm đến cho cá nhân tham nhũng ở nhiều nước. Việc đưa con cái đi du học đang thịnh hành, nhằm để tạo danh thơm cũng như chuyển hợp pháp tiền bạc tham nhũng, tiền bẩn qua ngã đóng học phí cho trường học và các trường cao đẳng, hiến tặng tiền cho các khoa trường đại học, hỗ trợ cho các dự án nghiên cứu.

Đừng ngạc nhiên khi các quốc gia nghèo khó ở Châu phi hay các nước luôn lên giọng thù ghét phương Tây hoặc chế độ tư bản như Trung Quốc, Iran, Việt Nam… thậm chí là Bắc Triều Tiên, con cái các quan chức, lãnh đạo… vẫn được âm thầm đưa đi du học ở Mỹ, Úc, Canada, Anh, Thụy Sĩ… với những chi phí lớn đi kèm như xe, nhà riêng… lên đến hàng triệu Mỹ kim.

Câu hỏi đơn giản, là với mức lương tuyên bố rất cần kiệm của nhiều quan chức – cụ thể như ở Việt Nam – làm sao họ có thể cho con cái lần lượt đi du học, sắm sửa mọi tiện nghi mà chính người bản xứ lao động cật lực cũng phải ngạc nhiên. Không khó để điều tra, cái khó là làm sao luôn tỉnh táo trước những chương trình chống tham nhũng ở các quốc gia đó luôn kêu vang, mà thực chất là để trình diễn trước đám đông.

Ngay ở Trung Quốc, từ các hồ sơ báo cáo về các quan chức tham nhũng đã chuyển một lượng tiền lớn ra nước ngoài, người ta thấy rằng việc muốn minh bạch không khó. Tân Hoa Xã cho hay hiện đã có hơn 4.000 quan chức tham nhũng mang theo 5 tỉ nhân dân tệ đang cùng gia đình sống ung dung ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand… là một trong những vấn đề nhức nhối cảnh báo. Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong thế giới tham nhũng và đào thoát của quan chức chế độ độc tài.

Bản tin nhận định rằng, thông lệ và dễ nhận ra, các quan chức đó “thông qua tuyến du học của con cái đưa vợ con đi trước, bản thân vẫn ở trong nước tiếp tục vơ vét rồi lặng lẽ đi sau, vào thời điểm nào đó”.

Chỉ riêng tại Anh, học phí du học đã đóng góp 7 tỷ bảng cho nền kinh tế Anh mỗi năm, trong đó 2,3 tỷ bảng là học phí và sinh hoạt cá nhân của giới du học sinh tại London. Các nhóm chống tham nhũng ở Anh con sinh hoạt phí số đó cũng lý giải phần nào chuyện giàu có bất thường của các bộ phận tuyển chọn sinh viên.

Hiện tại ở Anh, học sinh nước ngoài đến từ các quốc gia có vấn đề tham nhũng như Nga và Trung Quốc, đang chiếm hơn một phần ba học sinh tại các trường nội trú.

Những báo cáo về nạn rửa tiền tham nhũng qua du học, đang dấy lên nhiều mối quan tâm tầm quốc tế. Thậm chí, việc các trường đại học nhận các khoản đóng góp từ các nhân vật gây nhiều tranh cãi, cũng là lý do để mọi người xét lại giá trị của đồng tiền đó. Chẳng hạn như đại học Cambridge từng nhận tiền tài trợ cho chương trình nghiên cứu Ukraine từ Dmitry Firtash, người sau đó bị buộc tội hối lộ ở Mỹ. Robert Barrington, giám đốc của Cơ quan Minh bạch Quốc tế Vương quốc Anh (Transparency International UK) nói rằng ngành giáo dục hôm nay cần phải đóng một vai trò lớn hơn nữa trong việc minh bạch tài chính.

Cơ quan cho thuê nhà trong London, nằm trong vùng Kensington và Westminster nói rằng sinh viên giàu có ở nước ngoài có “nhiều tiền mua nhà hơn cả những người của công ty chúng tôi, kể cả những người đang làm trong ngành ngân hàng”.

Nhiều năm nay, các khu người Việt giàu có, với các chủ nhân trẻ và bí ẩn đến từ Việt Nam, cũng là đề tài bàn tán ở Mỹ hay ở Úc. Thậm chí những người Việt định cư lâu năm, thành đạt kể từ khi vượt biển năm 1975 cũng phải ngạc nhiên về mức độ mua sắm, tiêu xài của những “người mới đến” này.

Quê hương là… mùi nước mắm

Quê hương là… mùi nước mắm
Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

Cá chết trong nước, ngoài nước quý bà nội trợ đổ xô đi mua nước mắm.

Chúng ta đi mang theo quê hương nhưng nhiều khi quên mang theo nước mắm. Ở đâu cũng có gạo, thịt, cá, tôm, rau cải, bột, đường, nhưng không phải ở đâu cũng tìm ra nước mắm. Những người di tản đến Orange County, California, năm 1975 đi Los Angeles, kiếm được chai nước mắm đem về, mừng rơn. Bây giờ, cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã đông vui, không khó để có được chai nước mắm, có khi còn mắm nêm, mắm lóc, mắm ba khía… chẳng khác chi ở một ngôi chợ làng.

(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Chén nước mắm dùng trong mâm cơm được coi là nét đặc biệt trong chuyện ăn uống của người Việt Nam. Miền Bắc và miền Trung thường dùng nước mắm nguyên chất với các loại ớt, nhưng vào miền Nam thì người ta dùng “nước mắm pha,” có đường, chanh, ớt, tỏi pha nước, không mặn, nên khi ăn ốc, ăn bánh khọt, người ta “húp” cả nước mắm. Nước mắm pha để ăn các loại bánh làm từ bột của xứ Huế quả là muôn vàn rắc rối, không thể dùng một cách nhầm lẫn được. Do vậy nước mắm để ăn bánh bột lọc khác với nước mắm ăn bánh ướt tôm chấy, nước mắm ăn bánh bèo không dùng để ăn với bánh nậm.

Nước mắm không phải là món nước chấm, mà là một món ăn chính. “Ngày mưa bão, trên mâm thường trứng luộc.” (dầm trong một chén nước mắm – nhà nghèo thì một phần trứng mà có đến ba phần nước mắm) hay như một câu nói bình dân xứ Huế: “Nói cho lắm cũng nước mắm – dưa cải, nói cho phải cũng dưa cải – nước mắm!” Đó là món ăn nghèo khổ nhất! Không cao lương mỹ vị, thì bữa cơm với chén nước mắm cũng xong! Thời Pháp thuộc, người ta dùng “tỉn” để chứa nước mắm chứ chưa có chai để đựng nước mắm phổ biến như bây giờ.

Với tôi, từ thuở nhỏ đến lúc bạc đầu, bữa cơm nào cũng phải có chén nước mắm ớt nguyên chất. Đến dùng cơm nhà bà con hay bạn thân, thì cứ nói thẳng: “Đừng quên chén nước mắm ớt của tôi nghe!”

Tôi có một người bạn người Huế đi du học bên Tây rất sớm, lại lấy vợ đầm, suốt đời phải bỏ lại “nước mắm” sau lưng. Thời gian sau này khi đi du lịch một mình sang Mỹ, anh lại có cơ hội “tắm lại trong dòng sông cũ,” được chan nước mắm thả dàn, tâm sự là nhớ mẹ khôn nguôi! Bây giờ thấy những bà nội trợ Việt Nam ở Mỹ đi chợ, chất đầy những chai nước mắm lên xe đẩy, mới thấy nước mắm gắn bó với con người Việt Nam ra sao!

Sau năm 1975, khi miền Bắc “mới được giải phóng,” dân chúng chưa có được chai nước mắm mà ăn. Người ta lừa vị giác và thị giác của con người bằng loại nước mắm XHCN làm bằng nước muối và lá chuối khô. “Nhà sản xuất” nấu nước muối lên, bỏ vào nồi một hai ngọn lá chuối khô, loại nước này ngả màu nâu rất đẹp không khác gì màu nước mắm, đậm nhạt tùy thời gian nấu lá chuối khô trong nồi. Màu thì giống nước mắm thật, còn mùi thì phải tưởng tượng ra!

Ví như hôm nay, bạn sửa soạn ra đường, nhưng chẳng may vấy phải vài giọt nước mắm trên áo, thì phải vội vàng vứt cái áo ngay, vì cái mùi “hôi” của nó, nhưng sao chúng ta lại mê nước mắm, đến đỗi bữa cơm không có nước mắm thì thành bữa cơm vô vị, và nói đến người Việt Nam thì phải nhắc đến nước mắm. Tôi không chịu nổi mùi Fromage Camembert của xứ Normandie ra sao, thì Tây cũng sợ mùi nước mắm Phú Quốc đến như thế! Mùi vị của mỗi nơi là văn hóa, nên cũng đừng bắt người ngoại quốc phải thích văn hóa của mình.

Đứng ở xa thì OK, nhưng đến gần thì không mê nổi.

Người Hoa, Triều Tiên, Philippines, Nhật, Khmer, Indonesia, Malaysia, Lào… có mắm mà không có nước mắm như Việt Nam và Thái Lan, nhưng các bạn đi Thái Lan rồi, hay ăn nhà hàng Thái ở Mỹ, trong bữa cơm có thấy chén nước mắm đâu! Vậy thì cứ xem nước mắm như là món “quốc hồn quốc túy” của xứ mình, chứ không phải là phở hay chả giò như nhiều người nói, bằng chứng là người Mỹ ăn phở được, nhưng ăn nước mắm thì không, trừ những anh chàng phương Tây số nặng nợ, lẽo đẽo theo cô gái Việt Nam, chỉ vì… mùi nước mắm!

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3,400 km, nếu tính gồm các đảo, đầm phá và các cửa sông chịu tác động mạnh của thủy triều thì số chiều dài bờ biển đến 11,409 km. Với địa hình giáp “biển bạc” như thế, cá ăn không hết nên nẩy sinh ra nghề làm nước mắm, mà không giống một quốc gia nào trên thế giới. Monaco chỉ có 4 km tiếp giáp với biển không có nước mắm đã đành, sao Canada có bờ biển dài 202,080 km cũng chỉ có maggi.

Không có sách sử nào nói về lịch sử, cội nguồn của nghề làm nước mắm, chỉ biết đây là một nghề cha truyền con nối, truyền thống gia đình, thì nói một cách hàm hồ, chỗ nào có người Việt sinh sống gần biển là chỗ đó có làm nước mắm. Nói một cách khác, vào nhà người Việt, thịt cá chưa biết ở đâu nhưng phải có chai nước mắm trong nhà bếp.

Tại Việt Nam, các vùng miền duyên hải đều làm nước mắm. Thì cứ đi một dọc từ Bắc chí Nam, từ Cát Hải, Hải Phòng, cho đến miền Trung là Nam Ô, Vạn Giã, Phan Thiết, vào cực Nam là Cà Mau, Phú Quốc.

Nước mắm có thể làm từ con cá nục, nhưng ngon là nước mắm làm từ con cá cơm. Nước mắm ngon là loại nước mắm nhĩ, tức lá nước mắm tinh chất nhỏ những giọt đầu tiên. Trước năm 1975, người ta còn được ăn nước mắm “óc trâu” lợn cợn những chất béo của cá. Những loại nước mắm ăn vào nghe nhức nhối cả chân răng. Người ta còn nói, nước mắm ngon, bỏ hạt cơm vào thì hạt cơm nổi lên mặt.

Thời đó con người còn trong sạch, ngay thẳng, chưa được dạy điều xảo trá, điêu ngoa, nên dân còn được ăn miếng ngon, giọt nước mắm không hề có chút hóa chất, con gà con vịt, miếng thịt, ngọn rau còn tinh chất, không hạnh phúc sao?

Bây giờ nghe tin cá chết, dân Việt Nam ùn ùn đi mua nước mắm, vậy nước mắm chính là mùi vị quê hương Việt Nam không thể thiếu.

Bài thơ “Quê Hương” của Đỗ Trung Quân mặc dầu có nói đến cầu tre, cánh diều… nhưng vẫn còn chung chung, chỉ có hình ảnh mà chưa có mùi vị.

Theo tôi, nếu nói đến quê hương Việt Nam thì phải nói thêm:

“Quê hương là mùi nước mắm

Đi xa ai cũng nhớ nhiều!”

LỜI KHUYÊN CAN CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP LINH ỨNG NHANH VẬY SAO?

LỜI KHUYÊN CAN CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP LINH ỨNG NHANH VẬY SAO?

Phạm Hoài Nam added 8 new photos.

Khi 2 dự án bô xít Tây Nguyên (Nhân Cơ, Tân Rai) được lên kế hoạch và sau đó là dự án titan ở Bình Thuận cùng đệ trình Chính phủ dưới quyền Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức nhận được sự phản biện, lúc này Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù đã 100 tuổi và nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn lo lắng với những việc lớn của đất nước, đích thân Người đã viết kiến nghị dừng các dự án bô xít này gửi Bộ Chính trị, nội dung tâm thư có đoạn: “Vì sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước, khai thác bô xít sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội và về an ninh quốc phòng”, đặc biệt các dự án được giao cho nhà thầu Trung Quốc là không thể tin tưởng! Cùng thời điểm, hàng trăm nhân sỹ, trí thức đã đồng loạt ký đơn kiến nghị, hàng chục cuộc hội thảo khoa học diễn ra, thế nhưng người ta gạt hết và tất cả dự án đều được triển khai!
Tháng 10/2014 sự cố vỡ đê quai hồ thải quặng bô xít ở Tân Rai là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn về vấn đề an toàn môi trường và cái gọi là công nghệ nhà máy hiện đại nhất thế giới! Cùng với đó là hàng trăm nghìn công nhân Trung Quốc sang làm việc kéo theo các vấn đề xã hội và an ninh phức tạp, các nhà máy này của Trung Quốc đều sử dụng người của họ, họ làm gì ở trong đó thì chúng ta không cần biết hoặc có muốn cũng không thể biết. Rõ ràng, câu chuyện lợi ích phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và cái bẫy công nghệ giá rẻ ắt hẳn đã là bài học đắt giá mà ai cũng thấy trước, thế nhưng đó không phải là vấn đề, tiền nhà nước mà! Hàng năm, ngân khố quốc gia thì cứ phải è cổ ra bù lỗ liên tục và con số lỗ sơ bộ cho các dự án bô xít vào năm 2015 được báo cáo Quốc hội là 35,7 triệu USD, số lỗ thực tế thì chỉ có trời mới biết! Nhưng dù có lỗ thì không phải là vấn đề, quá lắm thì chỉ là bài học rút sợi dây kinh nghiệm mà thôi, đó là việc của cán bộ; còn người dân thì lại lo lắng đến sự an nguy của mình, bởi các hố chứa bùn đỏ bô xít nằm ngay ở nóc nhà Đông Dương ấy không biết sẽ xử lý như thế nào, nó cứ như một quả bom nguyên tử chứa chất độc hại chờ ngày khai hoả, nhìn cái quai đê thôi thì ai cũng hiểu nếu bị vỡ tiếp thì ắt hẳn vùng Tây Nguyên, miền Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ của nước ta đã nằm trong tầm ngắm của dòng thác lũ bùn đỏ!
Sự cố vỡ đập chứa bùn đỏ titan vào ngày hôm qua 16/6/2016 ở Bình Thuận là giọt nước tràn ly, hàng trăm nghìn tấn bùn đỏ tràn ra đường, tràn vào vườn, vào nhà và chảy thẳng ra biển! Có những chổ ngay trong sân nhà dân bùn đỏ lấp dày hơn cả gang tay. Đấy sự thật ngay trước mắt là bùn đỏ cứ tràn như lũ ống đầu nguồn về vậy thì cây trồng nào sống nổi, nguồn nước chắc chắn bị nhiễm độc, môi trường sinh thái biển, du lịch biển, kinh tế biển chắc chắn cũng bị ảnh hưởng, việc khắc phục hậu quả của nó chắc chắn còn lâu dài mới làm được. Lâu nay, những ai có chính kiến, có sự phản biện cách chính sách thì ngay lập tức bị quy kết là lập trường tư tưởng không vững vàng, là chống phá đất nước, thế nhưng những điều mà người dân đã dám can gián thì lãnh đạo không làm giờ hậu quả nó sờ sờ ra đấy thì trách nhiệm này ai sẽ đứng ra nói với người dân, với đất nước đây?
Giờ thì ông cựu Thủ tướng đã nghỉ hưu, về quê ráng làm người tử tế rồi, những người khác có trách nhiệm thì bàng quang thế sự; chỉ khổ thân bác Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm trọng trách trên vai, phải chi từ đầu người ta nghe lời can gián của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đâu nên nỗi. Dẫu biết rằng lịch sử không chỉ được viết trên trang sách, nó còn có sức sống mãnh liệt hơn qua câu chuyện truyền miệng của người đời, thôi thì những gì mắt thấy tai nghe, dân biết cả đấy, lo gì!

HINH 1HINH 2HINH 3HINH 4

NGƯỜI CHA TRÊN TRỜI VÀ TRÊN ĐỜI TÔI

NGƯỜI CHA TRÊN TRỜI VÀ TRÊN ĐỜI TÔI

Tuyết Mai

Là đấng hiển linh, hiển trị, quyền uy, vô cùng yêu thương gia đình chúng tôi và luôn ngự ở trong trái tim tôi là người Cha duy nhất mà tôi biết đến, mà tôi có.   Nhưng tôi không buồn vì đã không có cha đẻ trong cuộc đời dù ông ấy đã từ chối hay không muốn nhận một đứa trẻ ngoài giá thú.   Tôi và đứa em gái chết non (chưa được 1 tuổi) của tôi là do những cuộc chơi không có tính toán của ông.

Nên cứ mỗi năm đến ngày lễ Father’s Day thì tôi rất dửng dưng mà quay tất cả sự yêu thương dồn cho người chồng thủy chung của tôi.   Yêu lắm nên đã chuẩn bị sẵn sàng, nhắn gởi các con làm gì thì làm, bận gì thì bận đến ngày lễ Father’s Day là phải có mặt tại nhà để chung vui và để tỏ lòng hiếu thảo với người cha hiền mà suốt đời chỉ chăm lo cho chúng từng li từng tí một cho đến mãi ngày hôm nay.

Phải nói gia đình chúng tôi thì luôn nghèo nhưng Thiên Chúa nhân lành đã ban cho gia đình chúng tôi luôn có được hạnh phúc, luôn có nhau.   Vì ngày nào trong gia đình chúng tôi cũng giống như là những ngày lễ chớ không như nhiều gia đình khác là phải đến đúng ngày lễ cha, lễ mẹ thì mới gắng gượng mà bắt chúng đến để chung vui.   Phải gào thét hết đứa này đến đứa nọ, hoặc năn nỉ bởi chúng lấy đủ lý do bận việc mà không đến được … Có không?.

Phải thật nói rằng bố của chúng là ông xã tôi yêu con cái hết mình, trong khả năng của ông.   Vì từng đứa con có mặt trên đời là đều có sự chuẩn bị kỹ càng của ông.   Từng đứa con chào đời là được ông làm cho cuốn sổ nhật ký riêng từ khi sinh ra cho đến khi chúng được 1 năm tuổi.

Trong cuốn sổ đó ông có ghi rõ từng chi tiết một là một ngày uống được bao nhiêu sữa mẹ bao nhiêu sữa ngoài, bao nhiêu nước, xài tốn bao nhiêu tã?.   Khi bị nóng sốt (hoặc khi mọc răng) thì ngày uống bao nhiêu thuốc, chần nước lạnh bao nhiêu lần, đêm đến thì sờ người sờ trán và nhắc tôi cho chúng uống thuốc đủ chưa? v.v… Tuy dù tôi là mẹ ở nhà chăm chúng 24/24 nhưng vẫn thường bị ông la trách vì nghĩ tôi không lo cho chúng cận kẽ như ông muốn.

Ấy, sanh con cái ra đời thì người cha người mẹ phải có trách nhiệm và bổn phận trên chúng chớ chúng có phải là cỏ cây đâu mà bảo rằng Trời sanh voi sanh cỏ?.   Con chó chúng ta chăm nuôi mà lớn lên chúng còn sống trung thành với chủ thì huống gì con cái chúng ta nỡ nào bỏ bê không yêu thương, không chăm sóc có phải?.

Đối với các con cái thì quan trọng hơn cả là khi chúng còn rất nhỏ nhưng đã học được và nhận được tất cả những gì cha mẹ chúng cho, nói và làm trên chúng.   Cần nhất là phải cho chúng tình thương và sự quan tâm trực tiếp như tỏ lộ tình yêu rõ rệt của cha mẹ qua cái ôm hôn, lời nói khen thưởng khi chúng làm điều gì đúng, điều gì hay … Thì chúng sau này sẽ học biết mà trả hiếu lại cho cha mẹ bằng tình thương đong đầy.

Còn nếu cha mẹ nào chọn yêu thương con cái mình bằng cách cho chúng đủ mọi thứ trên đời mà mua bằng tiền bạc thì sau này chúng lớn lên khi cha mẹ già đi thì chúng cũng sẽ học biết cách y như thế để trả hiếu cho cha mẹ bằng cách chúng cũng mua lại cho cha mẹ đủ mọi thứ trên đời bằng tiền bạc, trừ tình yêu thương.

Thưa vì chúng học sao thì chúng biết vậy và làm y như vậy.   Cũng bởi thế mà sau này những thế hệ tiếp nối cũng sẽ học theo và bắt chước y chang như vậy mà thôi.   Bởi ai trên trần gian này cũng học biết rằng tất cả người giầu có đều có tiền mua được tất cả ngoại trừ TÌNH YÊU.

Nhân ngày lễ Father’s Day thân chúc tất cả các người cha trong gia đình được hạnh phúc tràn trề, cùng những lời chúc thật cảm động của các con dành cho mình tận đáy lòng, quây quần bên nhau trong thức ăn được tự nấu nhưng vui thật là vui.   Cùng các người cha có con cái thành công trên đời chúng mời ra nhà hàng ăn thật sang trọng để trả hiếu, có cơ hội nhận được những phong bì với số tiền lớn được giấu  bên trong với những lời cảm ơn thật cảm động, thật chân tình.   Kể cả những người cha, người bõ đỡ đầu và các cha linh mục rất thân thương của chúng ta.

Chúc cho những người cha của chúng trẻ hiện đang cố gắng chu toàn trách nhiệm và bổn phận.   Có công gieo hạt, vun xới và có công trồng trọt thì chẳng bao lâu những người bố này sẽ được gặt hái những gì mình gieo.   Là có được những người con lớn khôn sau này chúng sẽ trả hiếu cho bố chúng bằng tất cả sự yêu thương vì bố đã hy sinh cho chúng rất nhiều và cho chúng có mặt trên đời.   Chẳng những chỉ giáo dục cho chúng trở nên con cái tốt lành của Thiên Chúa mà còn làm gương sống tốt cho chúng thế hệ tương lai tất cả sẽ là thành phần hữu ích cho gia đình và cho xã hội.

Nhưng trên hết tất cả chúng ta đều không quên Đấng duy nhất toàn năng, hằng hữu đã tác tạo ra Trời và Đất.   Đã tác tạo nên con người cùng thú vật và mọi sinh linh có mặt trên Trái ĐẤt này cùng muôn hành tinh trên trời cao … Người là Thiên Chúa và là Người Cha rất dấu ái của toàn thể nhân loại chúng ta.

Chúng con luôn cảm tạ tri ân Chúa Trời.

Chúng con luôn cần được Người xót thương,

Gìn giữ, yêu thương và cứu rỗi tất cả linh hồn chúng con.   Amen.

HAPPY FATHER’S DAY!!!.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

17 tháng 6, 2016