https://www.facebook.com/TinCongGiao24h/videos/391936178136183/?t=25
Sống Ở Mỹ Khổ Lắm Ai Ơi…. Thật Đấy.

Thỉnh thoảng 1 vài bài báo xuất hiện trên các cơ quan truyền thông “lề Phải”, chê trách nước Mỹ hay các quốc gia Tây phương thế này, thế khác…. Nay tôi nói thực thế này nhé các bác:
***********
Sống Ở Mỹ Khổ Lắm Ai Ơi…. Thật Đấy.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì con cái đi học từ lớp 1 tới lớp 12 không được đóng một đồng học phí nào mà còn bị xe buýt đưa đón tận nhà và bắt ăn sáng ăn trưa ở trường học. Chưa kể lên Đại học, chi phí lại còn giảm bằng 1/3 so với Du học sinh.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì người dân bị mua nhà và xe hơi mới với gía bèo. Nhà ở thì mở máy lạnh từ toa-let tới phòng ngủ 24/24. Hơn thế nữa, đi đâu cũng phải leo lên xe hơi hay phương tiện công cộng.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì ai cũng bị phải đi làm chứ không có được phụ thuộc vào người khác. Khổ nơn nữa là không có cảnh một người đi kiếm tiền về để cung phụng 10 người vô công rỗi nghè hay nói khác đi là lười không chịu tìm việc để làm.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì ai cũng phải mua bảo hiểm y tế, và ai làm ít tiền thì bị chính phủ cho bảo hiểm miễn phí. Khổ hơn thế nữa là ai bị bệnh đi nhà thương thì không được ngủ chung giường với bệnh nhân khác. Tệ hơn giường nào cũng bị ngăn cách riêng biệt nên thật buồn tẻ.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì khi thất nghiệp bị chính phủ cho ăn tiền thất nghiệp. Khi bị thương thì bị chính phủ cho tiền thương tật, và khi đến tuổi già thì lại bị chính phủ cho tiền già và bảo hiểm sức khỏe miễn phí. Đau yếu bị vào nhà dưỡng lão, bị bác sĩ, y tá đè khám hàng ngày và bắt uống thuộc đều đặn…
Sống ở Mỹ khổ lắm, nhìn thịt cá mà phát ngán đến cần cổ khiến điên cái đầu để tính toán tìm xem có thực phẩm nào thay thế thịt cá để thay đổi các món ăn hàng ngày sao cho ngon miệng, vì ít đau ốm. Từ đó các thức ăn nào ngon, nhiều dinh dưỡng, sạch nhất thế giới đều bị nhập vào bán cho dân. Đặc biệt dân Việt bị ăn đủ các thực phẩm ngon nhập từ VN, Thái, Sing v.v….
Sống ở Mỹ khổ lắm vì cứ bị cái thằng hàng xóm nó chửi thần tượng Trump của tui như con chó, nhưng nhiều người cũng chửi bá Hillary tàn tệ không kém. Đọc báo hay xem TV tự do thật bực mình vì chẳng có báo đài nào nhất trí hay thực hành đúng quy trình như XHCNVN. Họ chia rẽ nhau sâu sắc, thậm chí còn đòi hạ bệ hoặc đưa Tổng thống ra Tòa đúng là “phản động”…
Sống ở Mỹ khổ lắm vì con cái trưởng thành và lập gia đình thì bố mẹ bị mất cái gánh nặng về tài chính. Nói các khác là con cái lập gia đình thì bố mẹ không cần phải cho con của hồi môn.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì nếu mình không thích sống ở tiểu bang này thì dọn đi tiểu bang khác, chỉ cần thi lại luật đổi bằng lái xe là chính thức trở thành cư dân của tiểu bang ấy mà không cần giấy tạm trú, tạm vắng, hoặc chuyển hộ khẩu.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì vợ chồng đi chơi ngủ khách sạn không cần bị đòi hỏi phải mang theo giấy kết hôn. Khổ hơn thế nữa là đàn ông bị cấm không được đánh đập vợ con.
Sống ở Mỹ khổ lắm vì mua nhà là sở hữu luôn cả miếng đất chứ không phải “quyền sử dụng đất”, tên tuổi rõ ràng trên website Mỹ chứ không cần sổ đỏ sổ hồng. Người nước ngoài cầm cuốn passport là mua cái một chứ không cần chứng minh này nọ.
Nói chung, còn nhiều cái khổ lắm (sẽ tu chỉnh & sửa chữa chút đỉnh cho có ý nghĩa hơn….)
Ô Nhiễm Gì Mới Thật Sự Nghiêm Trọng Nhất?



Ô Nhiễm Gì Mới Thật Sự Nghiêm Trọng Nhất?
Mạnh Kim
Ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề cực kỳ nghiêm trọng khiến dư luận quan tâm. Tuy nhiên, có những thứ ô nhiễm khác thậm chí kinh khủng hơn…
4g15 sáng, tôi bị dựng ngược dậy dù mệt đừ vì trước đó gần như không ngủ được. Lý do: mùi thối kinh khủng lại tiếp tục tấn công. Nhiều tháng trước đó, không khí đặc quánh mùi thối chưa bao giờ dứt điểm. Nó đến rất nhanh và mùi nặng đến mức như thể quyện sệt vào không khí. Nó mạnh đến mức có thể làm bạn chóng mặt và buồn nôn. Nó rất khủng khiếp. Nó đánh thẳng vào não bộ bạn. Nó đi thẳng vào trung ương thần kinh. Giải pháp duy nhất là đóng kín cửa sổ từ chiều bởi khi mùi thối đã lọt vào phòng thì phải mất hàng chục phút nó mới từ từ biến mất. Mà nó có thật sự “biến mất” hay mũi của bạn bắt đầu “quen” dần với mùi thối kinh khủng đó?
Thối “long óc” là từ miêu tả chính xác mùi thối từ bãi rác Đa Phước. Cho đến giờ, ít nhất 5 năm kể từ lần đầu tiên người dân khu vực Phú Mỹ Hưng (quận 7), Bình Chánh, Nhà Bè, quận 4 và cả quận 8… kêu trời về mùi thối từ bãi rác Đa Phước, cuộc “khủng hoảng” mùi thối không hề thuyên giảm. Các bài báo gần đây về vụ này vẫn liên tục xuất hiện, trước sự “trấn an” – như lệ thường – của chính quyền. Không chỉ mùi thối.
Khi tôi mới dọn về (một chung cư ở đường Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM) vào năm 2012, khu vực này còn thưa vắng. Từ nhà đến trường chỉ mất khoảng 15 phút. Ba năm sau, tôi phải mất 45 phút cho bận đi vào buổi sáng. Các chung cư mới mọc lên ào ạt. Chung cư nào cũng xây gần sát lề đường. Ai chịu trách nhiệm quy hoạch thiết kế đô thị mà cho phép chung cư dựng sát lề đường như vậy? Làm sao thoát nạn kẹt xe? Cách xây như thế cũng cho thấy rằng con đường chạy ngang trước mặt dãy chung cư đồ sộ chắc chắn không thể mở rộng thêm được. Kẹt xe cầu Kênh Tẻ là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với bất kỳ người nào từ quận 7 đi vào quận 1 mỗi sáng và mỗi chiều. Giao lộ Nguyễn Văn Linh là một cơn ác mộng khác. Xe tải chen với xe gắn máy từng centimet…
Hồi tôi mới về khu vực này, đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Ông Lớn đến giao lộ Phạm Hữu Lầu) còn mấp mô ổ gà. Khoảng một năm sau, đường được tráng nhựa. Vấn đề ở chỗ nó lại được nâng lên cao đến gần 1m nhằm tránh thảm cảnh nước ngập khi triều cường hoặc mưa to. Tôi không biết có bao nhiêu con đường khác ở Sài Gòn được “chống ngập” theo kiểu ấy. Đó là kiểu làm lưu manh và không phải là giải pháp để chống ngập. Không thể chống ngập chỗ này mà lại dồn ngập xuống chỗ khác! Rồi còn bụi. Bụi kinh khủng. Bụi nhiều đến mức chỉ cần ra đường chừng 15 phút thì khẩu trang đã đen kịt! Và rồi tình trạng ngập nước. Bắt đầu từ tháng 9, khu vực quận 7 giáp Nhà Bè biến thành những con sông” đen ngòm. Nước từ triều cường, nước do mưa, và nước từ cống trồi lên. Nước ngập thối đen kịt suốt chiều dài đường Huỳnh Tấn Phát. Chỉ một khu vực nhỏ quanh tôi ở đã bao nhiêu chuyện như thế về quy hoạch và môi trường thì thành phố này có biết bao nhiêu chuyện tương tự và đất nước này còn bao nhiêu nỗi ám ảnh kinh khủng tương tự?
Câu chuyện trên là bức tranh thu nhỏ của nhiều tỉnh thành, nếu không nói là cả nước, về sự khủng hoảng không có điểm dừng liên quan môi trường sống đang trở nên mỗi lúc mỗi trầm trọng. Những ngày qua, tình trạng ô nhiễm môi trường lại trở thành đề tài nóng. Điều đáng nói nhất là cái “hệ thống chính trị” đang cai trị, từ địa phương đến trung ương, đều luôn “vào cuộc” trước sức ép dư luận bằng những trấn an hơn là giải pháp. Giải pháp nếu có, cũng chỉ là động thái chữa cháy hơn là tìm ra nguyên nhân để tiêu diệt nguồn gốc vấn đề. Như vụ bãi rác Đa Phước, tất cả cũng đâu vào đó. 5 năm nay, chính quyền TP.HCM đã “cam kết” “xử lý vấn đề bãi rác Đa Phước” nhưng rồi kết quả… thối vẫn hoàn thối. Toàn bộ khu vực không chỉ tiếp tục ngửi mùi thối mà còn bị đe dọa lâu dài bởi hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm ngấm sâu lòng đất làm ảnh hưởng đến giếng nước và nguồn nước nói chung.
Ở Việt Nam, bạn có thể mua được mọi thứ. Có tiền là có tất cả. Dường như là vậy. Ở một đất nước mà tệ trạng tham nhũng đã lên đến mức độ khủng hoảng thì không gì không thể mua, kể cả luật pháp và công lý. Tuy nhiên, có những thứ mà bạn không bao giờ có thể mua được. Sự chọn lựa bằng khả năng tài chính trong những trường hợp này là hoàn toàn vô nghĩa. Bạn không thể mua được không khí sạch. Bạn không thể mua được những con đường không có kẹt xe. Bạn không thể mua được cây xanh. Bạn không thể mua được những buổi chiều đường xá không ngập nước. Và chắc chắn bạn không bao giờ có thể mua được một chính thể trong sạch để giúp bạn tránh được tất cả khủng hoảng môi trường sống mà bạn, giàu hay nghèo, đều phải gánh chịu.
Làm thế nào để giải quyết bài toán môi trường Việt Nam, khi “hệ thống chính trị” cũng đã bị “ô nhiễm” sâu đến tận đáy và len xuống cả “mạch ngầm” bên dưới! Sức chịu đựng của người dân sẽ còn “gồng” được đến bao giờ, trong khi ai cũng nhìn thấy được tương lai đen ngòm của mình? Ai sẽ chịu trách nhiệm đối với thế hệ tương lai nếu hôm nay tất cả chỉ nhìn nhau trong bất lực thay vì lên tiếng quyết liệt hoặc hành động cụ thể? Chính quyền này có thể tin được không, khi mà chính quyền, dù đẩy đất nước vào bi kịch như thế này, lại phủi tay trách nhiệm, hoặc chính họ cũng bất lực trong việc tìm được giải pháp xử lý những vấn đề mà họ tạo ra? Sẽ chẳng có giải pháp nào cho “bài toán môi trường”, cũng như nhiều “bài toán” khác, nếu không tìm được lời giải cho “bài toán thể chế” và nếu người dân vẫn không bận tâm đến việc thúc đẩy thể chế tìm ra đáp số cho bài toán quyết định vận mệnh quốc gia.
“Khi mà việc cướp bóc đã trở thành lối sống thường ngày của một nhóm người…




– “Bất cứ khi nào chính quyền tìm cách tước đoạt và phá hoại tài sản của người dân, hoặc đẩy người dân vào cảnh nô lệ dưới một thứ quyền hành tùy tiện, họ đã tự đặt mình vào tình trạng chiến tranh với người dân, do vậy người dân không cần phải phục tùng chính quyền thêm nữa”.
( John Locke – 1632-1704 – triết gia theo trường phái Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm Anh trong lĩnh vực Nhận Thức Luận, nhà hoạt động chính trị người Anh, phát triển lý thuyết về Khế Ước Xã Hội, đấu tranh chống lại Chủ Nghĩa Chuyên Chế và ủng hộ Chủ Nghĩa Tự Do cả về mặt cá nhân và thể chế )
– “Nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí sai lầm. Nếu họ còn nắm luôn cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của mình”.
( Charles-Louis de Secondat, Baron de La Brède et de Montesquieu ( Charles-Louis de Secondat, Nam tước vùng La Brède và xứ Montesquieu ) – 1689-1755 – nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị người Pháp sống trong thời đại Khai Sáng, nổi tiếng với lý thuyết Tam Quyền Phân Lập )
– “Khi mà việc cướp bóc đã trở thành lối sống thường ngày của một nhóm người trong một xã hội, với thời gian, nhóm người này sẽ tạo ra một hệ thống pháp luật để cho phép họ ăn cướp, và tạo ra một hệ thống luân lý để vinh danh việc cướp bóc của họ”.
( Claude-Frédéric Bastiat – 1801-1850 – kinh tế gia, văn sĩ, thành viên Quốc Hội Pháp )
– “Tam Quyền Phân Lập không phải để nhà nước làm việc hiệu quả hơn, mà là để ngăn ngừa việc thâu tóm quyền lực”.
( Louis Dembitz Brandeis – 1856-1941 – luật sư, thẩm phán Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ từ năm 1916 đến 1939 )
Nguồn: fb Canh Le
Lê Hải An và những cái chết bí ẩn…
Lê Hải An và những cái chết bí ẩn…
Hôm 17/10/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Lê Hải An tử vong sau khi ngã từ tầng 8 của tòa nhà ở địa chỉ số 35 đường Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Sau đó, thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GD&ĐT xác nhận Thứ trưởng Lê Hải An từ trần do tai nạn vào lúc 7h10 sáng 17/10/2019. Theo đúng thủ tục, thi thể ông An đã được cho là đưa đi khám nghiệm tử thi để cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết. Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cái chết của vị thứ trưởng 48 tuổi này khi mới cách đây 2 tháng, ông đã ký một văn bản kỷ luật hàng loạt công chức do vi phạm quy chế thi cử…
Qua sự việc này nhiều người nhớ lại buổi trưa định mệnh 18/7/2019 khi báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam vào buổi sáng cùng ngày. Những thông tin sau đó khiến người dân lạc vào “mớ hỗn độn” không biết ông Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam hay chết trên đường đi cấp cứu…Và rồi những nghi vấn đó lại tắt ngấm đi khi truyền thông im bặt không thông tin gì về cái chết của ông Trần Bắc Hà nữa.
Với những gì đã xảy ra như chúng tôi vừa nêu bên trên, Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, nhận định rằng chính quyền đã nói dối:
“Từ trước đến nay, qua hàng loạt cái chết khuất tất, bất minh và bị nghi ngờ rất nhiều bởi dư luận như cái chết của Phạm Qúy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, cái chết ở Yên Bái hay là vụ Trần Đại Quang. Và cho tới bây giờ là trường hợp của ông Lê Hải An, tôi chỉ thấy một điều: khi bắt đầu xảy ra những cái chết đó thì cơ quan chính quyền lập tức nói dối; Nói dối liên tục nhưng lại không có hệ thống. Mạnh cơ quan nào cơ quan đó nói dối và đá nhau lung tung.”
Ông Phạm Chí Dũng dẫn trường hợp mới nhất là ông Lê Hải An. Vào buổi sáng ngày 17 tháng 10, khi xảy ra cái chết của ông Lê Hải An, Bộ GD&ĐT đã vội vã công bố rằng đó là một vụ tai nạn dù không có nhân chứng, không có vật chứng, không có camera ghi hình, không có hình ảnh nào cả. Ông kết luận:
“Dối trá là các phản ứng nhanh và nó đã trở thành các phản xạ có điều kiện ăn sâu vào các não trạng của các cơ quan của đảng Cộng sản. Và chỉ có thể rút ra một triết lý thế này đối với các quan chức của các cơ quan đảng Cộng sản: sự dối trá kéo dài từ lúc sống cho đến lúc chết.”
Quay ngược lại cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang xảy ra vào ngày 21/9/2018, khi Ủy ban bảo vệ sức khỏe Trung ương loan tin rằng ông Quang mắc loại virus hiếm và độc hại, trên thế giới chưa có thuốc chữa. Cái chết của ông Trần Đại Quang không khiến người dân ngạc nhiên nhiều bởi vô số lời đồn đoán rằng ông đã bị vô hiệu hóa và bị “đầu độc” theo kiểu Nguyễn Bá Thanh trước đây được các facebookers cập nhật, phân tích hàng ngày thông qua mạng xã hội, trong khi báo chí chính thống thì im lặng.
Cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh được báo chí loan chết ngày 13/2/2015 cũng gây ra nhiều nghi vấn bởi sự giấu diếm bệnh tình của ông Thanh. Nhà nước chỉ chính thức loan tin khi trên mạng xã hội đã tràn ngập tin tức, hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh trong bệnh viện ở nước ngoài.
Xa hơn nữa là cái chết bất ngờ của ông Phạm Quý Ngọ vào tối 18/2/2014, chỉ một ngày sau khi Chính phủ công bố quyết định về tạm đình chỉ nhiệm vụ thứ trưởng Bộ Công an do liên quan đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước”.
Điều đáng nói là lúc bấy giờ nhà báo Như Phong đã loan tin trên mạng lúc 19g58 phút tối 18/2/2014 rằng ông Ngọ đã chết lúc 21g20 phút cùng ngày, có nghĩa là ông Phong biết trước giờ mất của ông Ngọ trước đó ít nhất là 1 giờ 22 phút.
Với Nhà báo Võ Văn Tạo thì những cái chết như thế không phải bây giờ mới xảy ra và không phải chỉ Việt Nam mới có. Ông dẫn chứng:
“Đối với những cái chết bất thường, bất minh của cán bộ, người dân…thì không chỉ là đặc thù ở Việt Nam đâu mà ở Liên Xô, Trung Quốc cũng có.
Tôi nhớ có đọc cuốn “Nửa thế kỷ của ĐCS Trung Quốc và sự phản bội của Mao Trạch Đông” của tác giả Vương Minh – trước đây cũng là một trong những lãnh tụ của đảng cộng sản TQ. Trong đó đã nói từ năm 1930-1940 đã có những chuyện thanh trừng lẫn nhau bằng cách bỏ thủy ngân vô thực phẩm. Ở Liên Xô cũng thế. Chuyện bí mật thủ tiêu nhau rất là nhiều. Ở Việt Nam cũng vậy”.
Trở lại cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An, theo thông tin từ báo chí trong nước, sáng 17/10/2019 (cái ngày ông An chết), ông sẽ phải cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội đồng Quốc gia giáo dục tại trụ sở Bộ.
Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016-2021 viết trên Facebook cá nhân sau cái chết của ông An rằng:
“Chúng tôi làm việc với nhau tuy không lâu, nhưng biết An là người có năng lực và nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học. Một mất mát lớn cho tương lai ngành giáo dục.”
Ông Võ Văn Tạo nhận định cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An là không bình thường. Ông An được cho là một người tài, một nhà giáo có năng lực, đặc biệt có tư tưởng giáo dục tiến bộ có khả năng làm Bộ trưởng Giáo dục thay thế ông Bộ trưởng hiện nay là Phùng Xuân Nhạ vào năm 2021.
Ở một góc nhìn khác, Luật sư Phạm Công Út nhận định sinh tử là chuyện bình thường và ‘Trời kêu ai nấy dạ’. Có những người là quan chức và khi bị bắt họ bị chết trong tù hay những quan chức đột tử cũng xảy ra nhiều, không chỉ những người thay thế những người bất tài vô dụng mới chết. Tuy vậy ông nhận xét:
“Tôi thấy những cái chết của những người có vị trí lớn trong xã hội, mạnh mẽ, có tài và được lòng dân (có thể nói trong số 4 triệu đảng viên cũng có những người được lòng dân) thì cái chết đến với họ có thể sớm hơn số mạng của họ.”
Mãi mãi là bí mật?
Sau cái chết của nhiều quan chức từ xưa đến nay, từ cấp cao cho đến cấp thấp gần như luôn gây nghi ngờ trong công chúng. Trên mạng xã hội có những câu mỉa mai như “Quan chức cộng sản hay rơi vậy nhỉ (?!)”.
Điều đó quả không sai khi nhiều vụ quan chức rơi từ trên lầu xuống đất trong vài năm qua mà báo chí trong nước loan tin có thể kể ra như:
Giữa tháng 8/2019, ông Phạm Văn Khương – phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bị rơi xuống đất từ tầng 27 của tòa nhà Vinaconex 1.
Ngày 16/01/2019, ông Phan Tấn Nghị – Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam – tử vong do rơi từ tầng 3 của trụ sở này xuống đất.
Ngày 29/10/2018, Nữ cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang tử vong sau khi nhảy từ lầu 2 tại bệnh viện.
Ngày 13/7/2016, Thượng tá Huỳnh Hữu Khiêm đã rơi lầu 6 của trụ sở tử vong.
Ngày 4/11/2016, ông Lê Hoàng Vân, cán bộ công ty nhà nước rơi từ lầu 4 trường ĐH Bình Dương xuống đất tử vong.
Nguyên nhân cái chết được báo chí trong nước loan tải không hẳn khiến người dân tin tưởng, bởi nhà nước đã dối dân quá nhiều và người dân không còn bị mù thông tin như xưa sau khi họ có mạng xã hội.
Ông Phạm Chí Dũng phân tích:
“Khi mà các cơ quan chính quyền tố cáo một số phần tử trên mạng xã hội, các thế lực phản động đã tung ra những cái thuyết âm mưu về cái chết của Nguyễn Bá Thanh, của Trần Đại Quang ở Yên Bái… cho đến Lê Hải An thì chính các cơ quan chính quyền cũng tung ra thuyết âm mưu vì họ không có cơ sở gì cả. Thật sự, cho tới nay, tất cả những cái chết mà tôi vừa đề cập là đều vẫn còn bị nghi ngờ rất lớn trong dư luận khi họ nhắc đến.”
Nhà báo Võ Văn Tạo thẳng thắn nêu quan điểm của ông khi ông cho rằng một xã hội độc tài và không minh bạch thì những cái chết trong xã hội đó cũng không minh bạch. Ông nói thêm:
“Việc khám nghiệm tử thi, điều tra có được công bố hay không, rồi công bố có đúng sự thật hay không lại là một việc khác. Người dân cũng chỉ biết đến thế.
Nhà nước chủ trương bưng bít qúa nhiều nên giả sử lần này có công bố đúng chắc gì người dân đã tin.”
Với cái nhìn của một luật sư, ông Phạm Công Út lên tiếng cho rằng sau cái chết cũng có những cuộc điều tra hoặc giải phẫu tử thi, giám định pháp y…nhưng người quan trọng nhất là gia đình của họ không lên tiếng nghi ngờ…họ chấp nhận cái chết đó là cái chết không có nghi vấn. Xã hội đặt vấn đề nghi vấn thì đó là quyền của xã hội, nhưng quyền cao nhất vẫn là gia đình họ, những người ruột thịt. Ông nói thêm rằng:
“Hãy dành cho gia đình họ lên tiếng, còn nếu họ sợ điều gì đó mà không lên tiếng thì lịch sử sẽ nói lại, và khi đó họ sẽ có chứng cứ để chứng minh cho quan điểm của họ là có căn cứ.”
Câu hỏi: Tại sao một số bác sĩ từ chối phương pháp điều trị cứu sống cho bản thân
Câu hỏi: Tại sao một số bác sĩ từ chối phương pháp điều trị cứu sống cho bản thân
Câu hỏi: Tại sao một số bác sĩ từ chối phương pháp điều trị cứu sống cho bản thân, chẳng hạn như hóa trị, lọc máu, thông khí, phẫu thuật hoặc đặt ống ăn?
Trả lời bởi Maureen Boehm, cựu bác sĩ nội khoa
Tôi không thể nói thay cho tất cả các bác sĩ, nhưng tôi nghĩ rằng họ (các bác sĩ) thường từ chối khi mục đích duy nhất của những phương pháp điều trị đó là kéo dài cuộc sống, chứ không phải chữa khỏi.
Rõ ràng là khi một người gần chết, cuộc sống của họ là khủng khiếp. Họ kiệt sức, ốm yếu. Cơ thể của họ, đã từ lâu, không còn mang lại cho họ niềm vui nữa.
Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân thường yêu cầu chúng tôi làm mọi thứ.
Không muốn làm gia đình thất vọng, bệnh viện cho phép điều trị. Bác sĩ biết rằng sẽ không cứu được bệnh nhân mà còn khiến họ đau đớn và dẫn đến một loạt những phản ứng phụ khó chịu và mệt mỏi khác.
Điều này, về cơ bản là điều trị để chết.
Là bác sĩ, chúng tôi thấy việc này xảy ra hàng ngày.
Nó cực kỳ vô nhân đạo.
Bản thân tôi sẽ không cho phép bệnh nhân hóa trị hoặc lọc máu hoặc đặt máy thở, nếu không có hy vọng phục hồi.
Gia đình tôi biết điều này.
Tôi để lại di chúc thể hiện mong muốn của tôi nếu việc điều trị là vô ích.
Hãy để tôi kể chuyện này.
Tôi đã có một đồng nghiệp. Anh ta là một chàng trai khá trẻ, ở độ tuổi 40, có con đang đi học.
Anh được chẩn đoán mắc GBM, dạng u não nguy hiểm nhất. Anh còn khoảng 4 tháng nếu không điều trị hoặc có thể lâu hơn một chút.
Khi được hỏi anh đang cân nhắc điều trị gì, anh suy nghĩ một lúc, rồi thì thầm, đi biển.
Anh đưa gia đình đi du lịch châu Âu. Anh chơi với con, trên bãi biển. Họ đi du lịch qua những nơi vui vẻ và thú vị.
Anh ấy đã có những bữa ăn tuyệt vời, ấm áp cùng vợ con trong những quán cà phê nhỏ. Họ đã thử nhiều loại rượu vang hảo hạng và rất nhiều món ăn ngon.
Họ giữ lại rất nhiều niềm vui và những kỷ niệm đẹp trong trái tim suốt chuyến đi đó.
Khi bệnh tình trở nên nặng hơn, anh trở về Mỹ và vào bệnh viện.
Anh ta chết ở nhà, được bao quanh bởi gia đình, vài tuần sau đó.
Tôi nghĩ anh ấy là người đàn ông rất khôn ngoan.
Anh ta đã thấy, giống như tôi, tất cả những người được trị liệu sẽ kéo dài cuộc sống của họ, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng sẽ tàn phá gia đình của họ cả về mặt cảm xúc và tài chính.
Những tháng cuối cùng của họ trên trái đất này được dành để phục hồi sau khi điều trị hoặc vượt qua cuộc phẫu thuật. Họ đã bỏ lỡ cơ hội của mình cho một sự ra đi yên bình, đáng yêu với những người thân yêu của họ, thay vào đó họ chờ vòng hóa trị tiếp theo, hoặc phẫu thuật hoặc lọc máu, v.v.
Tôi sẽ không bao giờ, cho phép điều đó cho bản thân mình.
Khi thời gian của tôi kết thúc, tôi sẽ đi.
Với tất cả sự bình yên.
_______
Nguồn: ST
QUAN CHỨC CỘNG SẢN HAY RƠI VẬY NHỈ (?!)
Nguyễn Đình Ngọc
______________________
Tháng 1/2019, một phó phòng Quản lý quy hoạch của Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM được phát hiện rơi từ tầng 9 của tòa nhà trụ sở cơ quan này xuống đất tử vong.
Tháng 8/2019, Phạm Văn Khương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội “được phát hiện tử vong sau khi rơi từ tầng 27 chung cư Vinaconex xuống sảnh”.
Tháng 10/2019 Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo rơi … nữa.
Mấy ông Cộng Sản sao dễ rơi dữ vậy?! Tưởng được trui rèn dữ lắm thì chưn cẳng phải ngon lắm chứ! Giò cẳng, đầu gối sao mà cứ như xúc bù loong hết vậy cà?! Hầy da! Rồi nhà cửa, xe cộ, đất cát, vàng, đô, hột xoàn, chứng khoán tính mần sao?!
___________
Nguyễn Ngọc Già
Ảnh minh họa; Lê Hải An Thứ trưởng Bộ GD8ĐT – con trai út của Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây tại Việt Nam.
Theo BBC, An là người đã ký Thông báo về việc xem xét kỷ luật công chức của Bộ GD-ĐT có trách nhiệm liên quan tới việc xảy ra gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.
13 công chức được yêu cầu kiểm điểm liên quan kỳ thi THPT quốc gia 2018 gồm các cục trưởng, cục phó Cục Quản lý chất lượng, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, chánh thanh tra, phó chánh thanh tra, vụ trưởng Vụ Pháp chế…
Tuy nhiên, ngày 9/9/2019, Bộ GD-ĐT lại ký văn bản hủy bỏ các Quyết định và Thông báo trên.

DÂN NÀO CHÍNH PHỦ ĐÓ
Hoa Kim Ngo is with Ngo Thu and 21 others.
Nhìn chùm hình ảnh dân đang sống tại nơi gọi là thủ đô Hà Nội đi xếp hàng lấy nước sạch khi bị thằng cấp nước bán nước bẩn cho dùng gần cả tháng, sau mới lòi ra thì nói thật tôi biết đất nước và dân tộc này mạt vận lắm rồi.
Bệnh tật, cái chết cận kề cuộc sống mà không làm nổi cái kiến nghị yêu cầu cấp nước phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại chứ chưa nói dám tụ tập đông người để phản đối và đòi hỏi nước sạch đáng lẽ họ được hưởng khi đã trả tiền mua. Ngược lại, cún cún đi xếp hàng lấy nước đêm ngày.
Có người lên BBC hôm qua trong buổi toạ đàm than thở rằng: tội nghiệp dân, chả biết đi đâu để kêu, chả dám kên tiếng, chỉ dám than thở với nhau và chịu đựng.
Tôi xin nói thẳng: đó là tư duy nô lệ, hèn và ngu.
Thời đại này là thời đại nào? Các bà già ông lão không biết internet tôi không nói, nhưng tôi thấy cả đống thanh niên trai tráng, gái trẻ nọ gái trẻ kia xếp hàng đi lấy nước hay ăn trộm nước ở bể bơi thì không thể không biết net là gì. Vậy chứ đám thanh niên này mà VN đá bóng thắng phát là diện đồ đỏ chạy khắp HN hét “VN vô địch” đến đỏ họng đó.
Tôi không thể nào thông cảm hay thương cảm với dân đang bị uống nước bẩn đó. Một khi chính cuộc sống của mình bị đe doạ mà không dám lên tiếng hay nghĩ ra cách gì để đòi hỏi quyền lợi thì khác gì bày cừu nhốt chuồng? Xin lỗi nói thẳng đất nước này lâm nguy thì họ cũng ngó lơ.
Cũng nên nói thêm công này nhờ ơn sự giáo dục của đảng và chính phủ.





Tiểu thư Mỹ rời nhà sang nuôi trẻ Việt
Đọc câu chuyện này nhớ đến người ta hay thích đánh đồng việc ăn chay với việc nuôi dưỡng lòng từ bi, ngườ Phương Tây mới bắt đầu ăn chay vì sức khỏe trong thời gian gần đây, khẩu phần chính là các loại thịt, tuy nhiên nói về lòng từ bi, cống hiến và bác ái thì khó có sắc dân nào sánh kịp.
Có người chưa thấy mặt mũi chư thiên ra sao, nhưng lại thâm xưng so sánh người Phương Tây chính là “chư thiên” ở cõi người. Ngẫm lại chắc có phần nào cũng đúng.
Họ được sống nơi mà cái thiện nhiều hơn cái ác, những cửa hàng mua bán, hay trạm xe mở rộng cửa đón khách bằng sự tin tưởng sự lương thiện của khách hàng, không cần bảo vệ, nhân viên thu ngân, tất cả khách hàng tự lấy và tự chi trả.
Họ được sống và đi lại ở những nơi công cộng sạch sẽ còn hơn cả phòng ngủ của nhiều kẻ khác.
Vật thực họ dùng là loại được chọn lọc để sự khổ thân. Động vật sống nơi ấy có khi phước báu nhận được lòng từ ái còn nhiều hơn con người ở cõi ta bà này.
Cách người Phương Tây xây dựng và giữ gìn nơi họ sinh sống với rất ít sự tham muốn và tư lợi, nơi nào ít có Tham Sân Si, nơi ấy đã rất gần với cõi thần tiên mà thế gian ca tụng.
Người Phương Tây có thể bỏ tất cả đi theo tưởng phụng sự lý tưởng dân sinh, họ sẵn sàng vào tận những vùng rừng sâu, chìa cánh tay để giúp đỡ khai mở một ai đó, điều này hầu như không mấy người ở những xứ cổ súy sự thánh thiện của việc ăn chay làm được.
Đồng chí Nguyễn Văn Tốn cấp nước bẩn cho thủ đô-Mày làm gì được tao?
BA VỊ TIẾN SĨ “LẶNG THINH” TRƯỚC CÂU HỎI CỦA MỘT CỤ BÀ
BA VỊ TIẾN SĨ “LẶNG THINH”
TRƯỚC CÂU HỎI CỦA MỘT CỤ BÀ
(Sau Thế chiến I, một nước nọ muốn dùng phương pháp khoa học để tuyên truyền người dân không tin vào Thần Phật, họ mong muốn cả dân tộc thoát ly khỏi tín ngưỡng. Vậy là trong một buổi hội thảo, chính quyền mời ba vị Tiến sĩ lên thuyết giảng…)
- Vị thứ nhất là Tiến sĩ về Thiên văn, sau khi ông bước lên sân khấu lý giải vô số lý do về thuyết vô thần, cuối cùng ông hô to: “Tôi đã dùng kính viễn vọng quan sát vũ trụ hơn 20 năm nhưng chưa bao giờ trông thấy Thần, vì thế chắc chắn không có thần thánh”. Sau câu nói ông nhận được tràng pháo tay của số đông công chúng.
- Vị thứ hai là Tiến sĩ Y học, sau khi nói rất nhiều đạo lý cho rằng con người tuyệt nhiên không có linh hồn, ông kết luận: “Tôi từng giải phẫu hàng trăm thi thể, quan sát tỉ mỉ các bộ phận, thế nhưng không phát hiện có nơi nào để linh hồn gửi gắm. Trong tim à? Trong đầu à? Trong máu à? Tôi đều giải phẫu nhiều lần rồi nhưng không thấy gì, vì thế chắc chắn không có linh hồn”. Nói xong lại nhận được tràng pháo tay vang dội.
- Vị thứ ba là một nữ Tiến sĩ, một nhà luận lý học. Cô từ từ bước lên sân khấu rồi phát biểu: “Người chết giống như cái đèn bị tắt. Chết là hết, tuyệt đối không có cái gọi là Thiên đàng hay Địa ngục để phán xét. Tôi từng đọc qua các sách cổ kim đông tây nhưng không thấy ghi chép gì về chuyện này”.
✪ Sau khi ba vị tiến sĩ thuyết giảng xong, người chủ trì hướng về phía công chúng nói: “Nếu trong tất cả mọi người có ai không thỏa mãn, hoặc muốn tranh luận, đều có quyền lên thảo luận công khai”.
Sau một lúc lâu nhưng không có ai lên tiếng phản bác, buổi tuyên truyền chuẩn bị kết thúc trong sự đắc thắng. Bỗng một bà cụ bước lên sân khấu, nói với người chủ trì: “Tôi có thể hỏi thêm vài câu hỏi được không?”
Vị chủ trì nói: “Rất hoan ngênh cụ!”
✔️Thế rồi bà cụ nhìn vị tiến sĩ đầu tiên, hỏi: “Anh dùng kính viễn vọng nhìn được hơn 20 năm, thế anh có nhìn thấy gió không? Nó có hình dạng thế nào?”.
Vị tiến sĩ trả lời: “Kính viễn vọng sao có thể trông thấy gió được thưa cụ?”
Bà cụ nói: “Trên thế giới có gió không? Anh dùng kín viễn vọng nhìn không thấy gió, lẽ nào anh có thể dùng kính viễn vọng nhìn thấy Thần? Anh dùng kính viễn vọng nhìn không thấy Thần thì có nghĩa là không có Thần sao?”. Vị Tiến sĩ chỉ biết im lặng không thể nói lại được.
✔️Thế rồi bà cụ lại nhìn sang vị Tiến sĩ thứ hai, hỏi: “Anh có yêu vợ anh không?”
Vị Tiến sĩ kia thưa: “Dạ, có yêu thưa cụ”.
Bà cụ tiếp lời: “Vậy anh đưa con dao giải phẫu cho tôi, tôi thử mổ bụng anh xem thử cái gọi là ‘yêu’ đó nằm ở bộ phận nào? Trong gan? Trong dạ dày? Hay trong ruột?”. Bên dưới mọi người cười vang dội.
✔️Tiếp tục, bà cụ lại nhìn sang nữ Tiến sĩ hỏi: “Cô đã đọc quyển sách này chưa? Nó gọi là ‘Kinh thánh’. Chẳng phải rõ ràng quyển sách này có nói mọi người sau khi chết đều chịu phán quyết sao? Cô đừng tưởng chết là hết, phải biết rằng việc sau khi chết còn nhiều và dài hơn lúc còn sống rất nhiều!
Khi cô còn trong bụng mẹ, nếu có người nói với cô rằng ‘không lâu nữa cô sẽ có mặt trên trái đất, có trời trăng sơn thủy, phải ăn cơm mặc quần áo’, cô có tin không? Thế nhưng hôm nay cô không chỉ tin mà còn thực sự đã đang sống trong thế giới này. Thế giới vĩnh hằng cũng là như thế!”
…..(khoảng lặng dài)……
Theo ĐKN
Hãy Tìm Cách Biến Thù Thành Bạn
Hãy Tìm Cách Biến Thù Thành Bạn
Trong Cuộc Sống Hãy Tìm Cách Biến Thù Thành Bạn
Ngày xưa , có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau. Người thợ săn nuôi một đàn chó săn rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân bảo người hàng xóm của mình hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó đều bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm nhiều con trong đàn bị thương nặng.
Lúc này, người nông dân không thể chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ để báo quan. Vị quan phủ chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:
“Ta có thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại. Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì hơn: một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?”
Người nông dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị quan phủ nghe vậy bèn phán:
“Được, vậy ta sẽ bày cho anh một cách để vừa bảo vệ an toàn cho đàn cừu, vừa giữ được một người bạn”.
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ dẫn của vị quan phủ.
Vừa về đến nhà, người nông dân liền thử làm theo những gì vị quan phủ đã bày cho anh ta. Anh ta bắt ba con cừu tốt nhất của mình và đem tặng chúng cho ba cậu con trai nhỏ của người hàng xóm. Đám trẻ rất vui thích quấn quít chơi đùa bên mấy con cừu. Để bảo vệ cho đồ chơi mới của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi chắc chắn để nhốt đàn chó. Từ đó trở đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn cừu của người nông dân nữa.
Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với những đứa con của mình, người thợ săn thường mang chiến lợi phẩm mà anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thịt cừu và phô mai mà anh ta làm ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, hai người hàng xóm đã trở thành bạn tốt của nhau.
Có một câu ngạn ngữ thế này: “Một người chỉ có thể cảm hóa và thu phục người khác bằng lòng tốt và thiện tâm”.
Người Mỹ cũng có một câu thành ngữ tương tự như thế: “Người ta bắt được nhiều ruồi bằng mật hơn là bằng giấm” (“Mật ngọt chết ruồi”). “You can catch more flies with honey than with vinegar”