Joseph Ratzinger: Nhà Thần học và Đức Giáo Hoàng

Joseph Ratzinger: Nhà Thần học và Đức Giáo Hoàng
 
 
            Như một sự trọng kính ĐTC Benedict XVI vào sinh nhật thứ 85 của Ngài và kỷ niệm lần thứ 7 với ngôi vị kế thừa Thánh Phê-rô của Ngài, nhật báo “Il Sole 24 Ore” và “L’Osservatore Romano” đã chuẩn bị một cuốn sách 88 trang tựa đề, “Joseph Ratzinger teologo e pontefice.” Công việc xuất bản được bao gồm cả miễn phí trong ấn bản hàng ngày của nhật báo Milan vào ngày 24 tháng Tư, ngày Nhiệm kỳ Giáo Hoàng của ĐTC Benedict được tấn phong trọng thể cách đây bẩy năm. Tường thuật kỹ thuật số sẽ được chuyển tiếp trên website của “Il Sole 24 Ore,” được bổ sung bằng nhiều phương tiện truyền thông nội dung bằng tiếng Anh và Tây Ban Nha. Ngôn ngữ cuối cùng, cuốn sách sẽ được xuất bản vào ngày 26 tháng tư bằng tiếng Tây Ban Nha bởi “La Razón,” như một sự đính kèm trên website ấn bản hàng ngày. Tổng biên tập viết lời bạt của cuốn sách.
Vào ngày 19 tháng Tư năm 2005 Giu-se Ratzinger được bầu chọn Giáo Hoàng – gần một ngày bởi Hội đồng Hồng y thiêng liêng nhất trong lịch sử – nhiều người ngạc nhiên. Vì một lý do, chủ yếu bởi vì nghi thức xã giao ôn hòa bền bỉ, vì đa phần người Đức, vì thời gian gian 23 năm đáng kể mà Ngài với tước hiệu chính thức nguyên Văn phòng Tòa Thánh và hầu như bất cứ điều gì quan trọng Ngài đóng một vai trò trọng đại trong việc thừa hành Đức Gio-an Phao-lô II, người mà đã gọi mời Ngài tới Roma mà Giu-se đã cộng tác mật thiết.
 
Đã có những dự đoán và mong đợi khác xa những sự kiện, giống như hình ảnh rập khuôn, dàn trải phi thực tế bởi nhiều điều vô căn cứ. Hiển nhiên, vị Hồng y ấy, đã được Hội đồng Hồng y bầu chọn Giáo Hoàng, người mà đã có một thời gian ham mê ẩn dật nơi quê hương Bavaria của mình để trở lại với toàn bộ thời gian nghiên cứu. Không làm bất cứ việc gì cho đến khi được bầu chọn. Đó là điểm mấu chốt quan trọng có thể làm đảo lộn tất cả mà không được tìm thấy, do vậy, giống như một con người vào năm 1977 đã để lại dấu ấn của nhà thần học tuổi 50 lẫy lừng này. – người mà hơn 15 năm trước đã đến Roma tham dự Hội nghị Công đồng Vaticano II với tư cách là một cố vấn duy nhất của những thành viên lỗi lạc Hội đồng Giám mục Đức – sự chỉ định tổng Giám mục và ngay sau đó được ĐTC Phao-lô VI tấn phong Hồng y.
 
DÀnh cho kỳ niệm mừng sinh nhật lần thứ 85 của ĐTC Benedict XVI, và dành cho khởi đầu năm thứ tám của ngôi vị Giáo Hoàng, ý tưởng này được kết hợp và cập nhật trong một cuốn sách nhỏ một số những công việc được biết đến ít ỏi so với công việc của ngài: trong một ánh sáng nhưng không phải là một cuộc đốithoại thiển cận giữa một con chuột (Armando Massarenti) và một con voi (Giuliano Ferrara) về người thế tục và tôn giáo, vì sự đề nghị đọc những tác phẩm của Ratzinger – không chuyên môn hóa cũng không hệ thống hóa, mà chỉ là trí năng và nhận thức – được đề nghị bởi một sử gia (Lucetta Scaraffia), và cuối cùng là bảng tóm tắt niên đại cuộc đời của một nhà thần học bước lên ngôi vị Giáo Hoàng.
 
Khả năng bắt đầu công việc này được hai nhật báo khuyến khích – Il Sole 24 Ore và L’Osservatore Romano – chủ yếu truy tìm để giới thiệu một con người và sau đó là những tác phẩm của một bậc tài trí đã cống hiến và cống hiến đời mình cho công trình nghiên cứu bất tận và truy tìm chân lý vô tận cho một cuộc đối thoại không ngừng giữa đức tin và suy lý, với một tài hung biện để nói với tất cả.
 
Nhân dịp trọng đại này với niềm hy vọng của Nghi lễ Đế quốc La mã Đông phương eis ete polla có thể được áp dụng, bằng tiếng La tinh cô đọng cầu chúc ad multos annos với những lời mộc mạc, kính chúc Đức Thánh Cha một Sinh Nhật Hạnh Phúc.
 
 Jos. Tú Nạc, NMS

Một Chỗ Khủng Khiếp

Một Chỗ Khủng Khiếp

Câu chuyện xảy ra tại một nhà giam bên Liên Xô. Một cựu tù nhân, bà Arsenjeff, thuật lại một kinh nghiệm mắt thấy tai nghe diễn ra tại đó, nơi bà gọi là “Một chỗ khủng khiếp” như sau: Một buổi chiều kia, một cô gái trẻ cùng bị giam với chúng tôi kề miệng vào tai tôi khẽ nói: chị biết mai là ngày gì không? Rồi không đợi tôi trả lời, cô ta nói tiếp: “Mai là ngày lễ Phục Sinh”.

Nghe thế, tôi tự hỏi: “Lễ Phục Sinh đã đến rồi sao, lễ của niềm vui và hy vọng? Nhưng trong tù, niềm vui của chúng tôi đã héo úa và khô cằn. Còn niềm hy vọng?…”. Tôi đi lại trong phòng và không dám suy nghĩ tiếp. Bỗng một tiếng reo vang nổi lên phá tan bầu không khí nặng nề: “Đức Kitô đã sống lại thật”.

Quá sức sửng sốt, các nhân viên trở nên bất động như những tượng gỗ. Có lẽ trong tâm trí, họ giận dữ lên án một diễn tiến không bao giờ xảy ra tại đây. Sau một lúc yên lặng, tôi nghe tiếng giày nặng nề tiến đến gần phòng giam của chúng tôi. Rồi cửa phòng được mở tung. Hai nhân viên giận dữ hỏi ai đã xướng câu mê tín dị đoan và hùng hổ túm lấy cô gái, lôi cô ta sền sệt ra khỏi phòng.

Một tuần lễ sau, cô ta được thả về phòng giam, mặt cô ta xanh xao, người gầy đi thấy rõ. Qua tuần lễ Phục Sinh, người ta đã biệt giam cô vào một phòng không có lò sưởi, để cái lạnh thấu xương và cơn đói hành hạ thân thể một con người họ cho là cuồng tín. Sau khi nằm yên tại một góc phòng hồi lâu, cô ta vẫy tay gọi tôi lại thều thào: “Dù sao tôi cũng đã tuyên xưng niềm tin vào sự Phục Sinh trong trại giam. Những cái khác không quan trọng gì cho lắm”. Nói xong cô cố gắng mỉm cười và tôi thấy ánh mắt cô vẫn lóe sáng lên như dạo nào.

Được dịp tuyên xưng niềm tin Phục Sinh cách đặc biệt như cô gái trên thật hiếm hoi. Nhưng mẫu gương can đảm của cô phải nhắc nhở chúng ta cố gắng thực thi lời nguyện chúng ta luôn cùng nhau xướng lên sau những lời truyền phép: “Chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến”.

Tuyên xưng việc Chúa sống lại bằng cách hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của sự chết, của những đau khổ, của những vấn đề khó khăn. Cuộc sống của chúng ta không chỉ đóng khung và chấm cùng tại đó. Nhưng người mang niềm tin Phục Sinh phải chiến đấu để vượt qua, để lướt thắng những khó khăn, hạn chế những đau khổ, những sự dữ, những tội lỗi, để phát huy cuộc sống mới của những tạo vật được tái sinh nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

Trích Lẽ Sống

ĐẠI HỌC SỰ CHẾT

   ĐẠI HỌC SỰ CHẾT

Hôm thứ Hai ngày 16/4/2007, một sinh viên và là hung thủ đã nổ súng gây tử thương cho 32 người tại đại học Virginia Tech đã làm chấn động dư luận Mỹ và trên thế giới. Đây là cuộc thảm sát tệ hại nhất lịch sử Hoa Kỳ. Hung thủ tên là Cho Seung-Hui, một thanh niên 23 tuổi người Nam Hàn, được mô tả là người cô đơn, bất thường và bạo động. Cho đang theo học ngành Anh văn và sống trong nội trú của trường Đại học Virginia Tech. Cho đã để lại các bức thư chống phụ nữ và con cái nhà giàu một cách dữ dội.

Chân dung lạnh lẽo của Cho Seung-Hui, đã xuất hiện trên báo chí và truyền hình một ngày sau vụ tàn sát tại trường Ðại Học Virginia Tech. Mùa Thu năm ngoái, Cho đã cung cấp những kịch bản chứa đựng đầy những hình ảnh đồi trụy và bạo lực mà Cho đã viết trong khi anh ta theo học lớp viết kịch bản cùng thời gian với lớp Anh ngữ. Một kịch bản nói về một trận cãi vã giữa con riêng và cha kế trong đó gồm cả hành động ném búa và tấn công với cưa máy. Kịch bản thứ hai nói về những học sinh tưởng tượng một cuộc tấn công và giết người thầy giáo đã sờ mó họ.

Cho đã tự sát sau vụ nổ súng và vì anh có lối sống cô độc nên không ai biết rõ chính xác nguyên nhân nào khiến anh đã hành động như vậy. Theo tin tức mới nhất thì anh có mối thù ghét các con nhà giàu với lối sống đồi truỵ.

Sau 2 ngày xảy ra vụ Cho nổ súng với con số thương vong tệ hại nhất trong lịch sử Hoa kỳ thì tại Irắc cũng sảy ra 4 vụ nổ bom gây tử thương cho trên 170 người. Đây cũng là vụ sát hại tệ hại nhất trong một ngày của lịch sử chiến tranh khủng bố ở Irắc. Những tên khủng bố quốc tế gọi chiến trường Irắc hôm nay là “Đại học khủng bố” (University of Terror) mà qua đó các sinh viên đang thực hành việc ôm bom. Khủng bố ngày càng tinh vi hơn trong các chiến thuật giết người. Chúng dùng “bom người” và tất cả những vũ khí có thể được để giết người bất kể người đó là ai thường dân hay binh lính, và chết càng nhiều càng tốt.

THẾ GIỚI SỰ CHẾT

Những vụ bạo động, khủng bố xảy ra trên khắp thế giới đang đưa nhân loại vào đêm đen tăm tối. Con người đã trở nên mối đe dọa của chính con người. Con người đã trở nên vũ khí giết con người. Con người đã làm cho con người trở nên bất an. Nhân loại đang sống trong những ngày tháng lo sợ, không có bình an. Bước ra khỏi nhà, lên xe buýt, đi lửa, ngồi trên máy bay con tim đều phập phồng. Trường học, nhà thờ không còn là nơi an toàn. Sự ác đang lan tràn khắp thế giới. Thế giới đang bị sự ác, khủng bố làm áp đảo và chiếm đoạt.

Trong khi đó những ảnh hưởng của môi sinh do các nhà máy hóa học, khí đốt sa thải bừa bãi đang làm cho khí hậu điạ cầu trở nên nóng hơn, ngột ngạt, độc hại hơn. Những tảng băng vĩ đại ở Bắc Cựu đang tan dần thành nước. Nước biển trở nên nóng hơn và sẽ giết chết nhiều loài hải sản. Những rừng san hô dưới lòng biển cung cấp chỗ ở, sinh sản cho các loài tôm cá đang biến thành những sa mạc san hô chìm dưới mặt nước. Người ta tiên đoán trong 50 năm nữa, hải sản sẽ trở nên khan hiếm, cạn kiệt. Con người sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm thức ăn nghiêm trọng.

Một hậu quả nữa là sự ô nhiễm khí quyển vì hiện tượng suy giảm (thủng) tầng khi ozon. Chất độc CFC do các nhà máy chế biến công nghiệp xa thải chính là “kẻ khủng bố” tầng khí ozon. Sau khi chịu tác động của khí CFC và một số loại chất độc hại khác thì tầng ozon sẽ bị thủng, không còn làm tròn trách nhiệm của một tấm lá chắn bảo vệ mặt đất khỏi bức xạ tia cực tím UV-B, làm cho lượng bức xạ UV-B tăng lên, gây hậu quả xấu cho sức khoẻ của con người và các sinh vật sống trên mặt đất, mà cụ thể là ung thư da.

Về y tế những bệnh AIDS, ung thư cũng lan tràn, nhưng giết người nhiều nhất vẫn là những vụ phái thai, mà trong đó Việt Nam đứng trong bảng danh sách hàng đầu các nước về số thai nhi bị giết.

CÔ ĐƠN VÀ SỰ CHẾT

Adong là nhân chứng đầu tiên rằng con người không thể sống cô đơn một mình mà có hạnh phúc. Adong được Thiên Chúa tạo dựng nên là người đầu tiên, một mình một cõi, làm chủ mọi loài, không ai phiền hà, quấy rầy thế mà Adong không cảm thấy vui. Một mình thì không thể có tình yêu mà chỉ có cô đơn. Anh Cho đã sống những chuỗi ngày cô độc vì tình yêu của anh không có để cho đi, hay anh chưa nhận ra một Tình Yêu ở trên cao.

Nhạc sĩ Đài Phương Trang đã viết bài nhạc tình yêu cô đơn như sau:

Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang
Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi
………

Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn
Dù ai đẹp đôi nhưng riêng tôi vẫn lạnh lùng
Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây?….

Vâng, đời Cho “cô đơn” bao năm qua vẫn cô đơn, dù ai đẹp đôi nhưng riêng Cho vẫn “lạnh lùng”. Đơn độc có tình yêu rất khác với cô đơn không tình yêu. Cho cô đơn không tình yêu nên anh đã nghét những người phụ nữ, ghét con nhà giàu. Cho vẫn lạnh lùng nên khi cầm trong tay khẩu súng anh đã rất lạnh lùng nhả đạn. Sự chết và tội lỗi rất thích làm bạn với những kẻ cô đơn không tình yêu. Giuđa ở giữa tình yêu anh em và Thầy mình, nhưng Giuđa đã tự tách khỏi đường tình yêu để đi trong cô đơn đêm tối và sau cùng treo cổ chết trong cô đơn, lạnh lùng.

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

Thánh Gioan định nghĩa rất chí lý: “Thiên Chúa là tình yêu”. Và Ngài lại nói thêm: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:8). Rồi Ngài nói thêm: “Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết (1Ga 3:14)”.

Khi xem tin tức về vụ nổ súng ở trường đại học Virginia Tech, hay vụ đánh bom ở Irắc bạn và tôi đều suy nghĩ về sự ác và cái chết. Một người ác thì luôn muốn cho người khác chết, còn kẻ yêu thương thì luôn muốn cho người khác sống. Sự nghịch lý này không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã xảy ra ngay từ buổi sơ khai của con người. Tội phạm đầu tiên giữa con người với con người là giết người. Ca-in đã giết Aben em mình. Tội phạm lớn lao nhất của con người là giết Thiên Chúa.

Trong hỏa ngục không có tình yêu và vì không có tình yêu nên cũng không Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu vĩnh cửu, tình yêu chân thật. Không có tình yêu của Thiên Chúa, con người vẫn có tình yêu nhưng tình yêu ấy là tình yêu nhất thời, tình yêu ích kỷ, tình yêu xác thịt, tình yêu mù quáng.

Bạn thân mến,

Khi xảy ra vụ thảm sát, người ta bắt đầu chỉ trích chính sách “Gun Control” (Kiểm soát súng ống) của chính phủ Mỹ. Các tay buôn vũ khí có áp lực và chạy hành lang quá mạnh nên luật Gun Control chẳng có cơ hội thông qua. Buồn thay Gun Control không thông qua (not passed) mà việc loại Thiên Chúa ra khỏi trường học, đời sống lại passed (thông qua). Thế giới hôm nay cần God be in control (Chúa làm chủ) đời sống, xã hội hơn là Gun control thì mới có hòa bình thực sự. Ngày nào con người không còn có Thiên Chúa trong cuộc đời thì có sống cũng như chết, có yêu mà chẳng được yêu. Súng để tự vệ, bảo vệ con người nhưng súng đã trở thành vũ khí để giết người. Ở đời có nhiều cái để bảo vệ mình như súng ống, tiền bạc, điạ vị… lại trở thành cái giết mình. Chỉ có sự bảo vệ của Thiên Chúa mới bảo đảm cho con người đời này và đời sau. Bạn hãy chọn Thiên Chúa làm chủ đời sống (Let God be in control of your life) hôm nay, đó là sự chọn lựa đúng nhất, khôn nhất và giá trị nhất. Hãy trở về tìm lại nguồn bình an và sự bảo vệ đích thực ở nơi Thiên Chúa hôm nay.

Có Thiên Chúa là có tình yêu đích thực. Mẹ Têrêsa đơn độc nhưng nơi Mẹ lại chảy ra suối tình yêu của Thiên Chúa đến với những người nghèo khó. Sự giàu có của người khác không thể sánh với sự giàu có tình thương của mẹ. Khác với Cho ghanh tỵ với con nhà giàu, Mẹ Têrêsa không ghanh tỵ với người giàu, vì mẹ biết cho dù họ giàu có vật chất đến đâu đi nữa mà không có tình yêu đối với anh em đồng loại thì họ cũng chỉ là kẻ nghèo khó rất đáng thương.
Nguồn: từ Maria Mai gởi

Đỉnh Cao

                                           Đỉnh Cao

 Đỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.

Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề “Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên”. Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu “Ông ta chết trong lúc đang leo”.

Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Điều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: “ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai”.

Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.

Trích từ Lẽ Sống

Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì

Kẻ Ăn Cắp Một Ổ Bánh Mì

 Người ta thường kể về một trong những ông thị trưởng đầu tiên của thành phố New York bên Hoa Kỳ giai thoại như sau: một ngày mùa đông lạnh buốt nọ, ông thị trưởng phải chủ tọa các phiên tòa. Người ta điệu đến trước mặt ông một ông lão quần áo tả tơi. Người đàn ông này bị tố cáo là đã ăn cắp một mẩu bánh mì. Lời tự biện hộ duy nhất mà người đàn ông khốn khổ đưa ra là: “Gia đình tôi đang chết đói”.

Nghe xong lời cáo buộc của cử tọa cũng như lời biẹn bạch của ông lão, viên thị trưởng đưa ra phán quyết như sau: “Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp là ông phải đóng 10 đô la”. Vừa công bố bản án, ông thỉntưởng rút trong túi của mình ra 10 đô la và trao cho ngwòi đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp: “Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải đóng 50 xu tiền phạt vì sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp”. Nói xong, ông ra lệnh cho viên biện lý đi thu tiền vảtao tất cả cho ông lão.

Khi chiếc mũ đã được truyền một vòng tòa án và trở về tay mình, ông lão đếm được tất cả 47 đô la 50 xu.

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 1991, Đức thánh Cha Gioan Phaolô II mời gọi chúng ta hãy đọc và suy ngẫm về bài dụ ngôn người giàu có và Lazarô.

Mới nghe qua, chúng ta có cảm tưởng người giàu có trong bài dụ ngôn đã không làm điều gian ác nào để đến độ phải bị trầm luân. Chúa Giêsu đã không nói: ông đã trộm cướp, hay biển lận hoặc gian xảo trong việc làm ăn. Ngài cũng không kết án việc ông ngày ngày yến tiệc linh đình.

Vậy thì đâu là tội của người phú hộ? Thưa đó là tội dửng dưng trước nỗi khổ của người khác. Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện ngày qua ngày của một người khốn khổ trước cửa nhà ông để cho chúng ta thấy sự đang tâm làm ngơ của người giàu có… Máu chảy, ruột mềm. Trước cảnh khốn khổ của người đồng loại, mà người giàu có ấy vẫn không biểu lộ một chút xúc động hoặc làm như không nhìn thấy, thì quả thật không gì đáng trách bằng, bởi vì người giàu có đã làm cho trái tim của mình khô cứng.

Dửng dưng trước nỗi khổ của người khác không là một thái độ vô thưởng vô phạt, mà là một hành động tội ác. Ông thị trưởng thành phố New York trong câu chuyện trên đây quả thực đã thấy được tội ác của chính ông và của thị dân của ông đối với lão ông ăn cắp bánh mì.

Trich từ Lẽ Sống

Tỉnh thức trong tình hình mới

Tỉnh thức trong tình hình mới

                                                                                           Gm Gioan B. Bùi Tuần

 1. Đất Nước Việt Nam đang đi vào một tình hình mới. Quốc Hội mới, Chính phủ mới và hệ thống chính trị mới là những nhân tố mới thuộc cơ chế.

Ngoài cơ chế còn có nhiều cái mới, như những phong trào mới, những tư tưởng mới, những sản phẩm kinh tế, văn hoá, nghệ thuật mới, những lối sống mới, những nhóm quyền lực mới. Nhiều cái mới rất khó kiểm soát. Lòng người thay đổi càng không dễ khắc phục.

Tất cả những cái mới đang làm nên một tình hình mới. Mọi cái mới trong tình hình mới đều ảnh hưởng đến con người sống trên Đất Nước Việt Nam. Ảnh hưởng mà tôi để ý nhất là về lĩnh vực tâm lý, lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực đạo đức và lĩnh vực đức tin.

Theo hy vọng, chúng ta mong tình hình mới sẽ có nhiều ảnh hưởng tốt đến chúng ta. Nhưng theo cảnh giác, chúng ta cũng nên thấy trước những nguy cơ. Ở đây, tôi xin đề cập đến việc cảnh giác. Với những “nếu”.

            2. Trong lĩnh vực tâm lý, hầu hết người Việt Nam đều khát khao sự bình an. Họ coi sự bình an là yếu tố căn bản của hạnh phúc. Bình an thường được ví như căn nhà bền vững, trong đó con người được chở che yên ổn, tránh được những lo sợ. Sự bình an như thế sẽ không được giải quyết do chỉ có được những cái tốt, mà còn nhờ gặp được những tấm lòng tốt. Hơn nữa bình an cũng tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh gần xa. Sau cùng bình an còn tuỳ thuộc rất nhiều vào chính lòng mỗi người.

Tình hình mới chắc sẽ không tránh được nhiều phức tạp khó khắc phục. Nếu điều đó xảy ra, thì tâm lý con người ước mơ bình an sẽ bất ổn, có thể sẽ bất bình, bất mãn. Con người bất an bất bình bất mãn thường sinh ra nhiều chứng bệnh tâm lý dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức nổi loạn.

            3. Trong lĩnh vực tâm linh, hầu hết người Việt Nam đều có một niềm tin tự nhiên vào những gì là linh thiêng, là bất tử. Những niềm tin đó nằm sâu trong vô thức. Nó làm nên những sợi dây vô hình nối kết người đang sống với người đã chết, đời này với cõi đời sau.

Tình hình mới không chủ yếu bảo vệ và phát triển tâm linh, nhưng sẽ nghiêng về hướng đón nhận và đi tìm những sáng kiến làm cho cuộc sống được sung sướng hơn. Hướng đó khi phát triển quá tự do sẽ vô tình làm suy yếu những giá trị tâm linh. Hồn thiêng của Văn Hoá Việt Nam sẽ bị lãng quên dần. Những người có trách nhiệm dễ thấy điều đó, nhưng không dễ kiểm soát và khống chế được làn sóng phá hoại. Nếu tình hình tới lúc đó, tại hại sẽ khôn lường.

            4. Trong lĩnh vực đạo đức, người Việt Nam hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức. Đạo đức là biết chọn lựa hợp đạo lý. Đạo lý bởi Trời và do Trời chứng giám. Câu hỏi sẽ đặt ra là mọi người có đủ sáng suốt và can đảm chọn lựa theo đạo đức không? Sáng suốt và can đảm sẽ tìm được ở đời sống nội tâm. Nhưng nếu tình hình mới sẽ quá bận rộn với những hoạt động bề ngoài, lại trốn tránh đời sống nội tâm, thì nguy cơ đó đáng báo động. Mà dù có báo động, thì chẳng mấy ai nghe. Thế mới đáng sợ.

Hiện nay người ta thường chọn cái mình ưa thích, chứ không chọn cái đạo lý dạy. Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng đang là những làn sóng mạnh tràn vào xã hội Việt Nam. Tội ác xem ra không giảm, mà còn có chiều hướng gia tăng. Đạo đức suy giảm sẽ đe doạ đến hưng thịnh tồn vong của Dân tộc, và trước hết sẽ gây hại lớn cho chính con người. Điều đáng lo ngại, là những người đứng ra chấn chỉnh đạo đức lại nhiều khi phải cô đơn.

Nói chung, theo tôi, nếu cứ đà này, thì tình hình mới sẽ khó tránh được một cuộc khủng hoảng nặng nề về đạo đức, trong đó có khủng hoảng về niềm tin. Ngay trong gia đình, người ta cũng không còn tin nhau như trước. Phương chi trong xã hội. Giáo Hội Việt Nam xem ra cũng không tránh được khủng hoảng về niềm tin. Không còn tin nhau, đó là một thảm kịch

            5. Trong lĩnh vực đức tin, ngoài những ảnh hưởng chung dành cho bất cứ ai, tình hình mới cũng còn có ảnh hưởng riêng đến những người sống đức tin.

Một ảnh hưởng, mà tôi cho là quan trọng, đó là những phức tạp mới đòi chúng tôi phải có những chọn lựa thích hợp, để diễn tả đức tin và giới thiệu đức tin.

Xin phép cho tôi được nói về chọn lựa của tôi. Chọn lựa của tôi luôn dựa trên Lời Chúa Giêsu và đời sống Chúa Giêsu. Lời Chúa Giêsu và đời sống Chúa Giêsu là nguồn ánh sáng. Trong ánh sáng đó, để diễn tả đức tin và giới thiệu đức tin, tôi chọn lối sống này:

* Cầu nguyện, sống mật thiết với Chúa Giêsu (x. Ga 15,5).

* Từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa (x. Mt 16,29).

* Bác ái như Chúa dạy (x. Lc 10,29-37).

Trên thực tế, khi thực thi ba yếu tố trên đây, tôi phải có một đức tin sống động. Lúc đó, tin là gặp gỡ Chúa, là đón nhận Chúa, là lắng nghe Chúa, là để Chúa dẫn đưa.

Kết quả là sự gặp gỡ Chúa giúp tôi gặp gỡ người khác. Người khác là đồng bào tôi, là Đất Nước tôi. Tôi cảm thấy một tình yêu dạt dào trong tôi. Mến Chúa thì yêu thương người khác. Yêu thương người khác thì nhờ mến Chúa và vì mến Chúa.

Cảm nghiệm trên đây cho phép tôi xác tín rằng: Tình hình mới tuy có nhiều phức tạp, nhưng sẽ khắc phục được. Các khó khăn rồi sẽ vượt qua. Nhờ tình yêu. Không phải chỉ một tình yêu của tôi, mà còn vô số tình yêu của hàng triệu đồng bào. Nhất là nhờ tình yêu Chúa.

Tất nhiên, tình yêu của mỗi người nói ở đây là tình yêu dấn thân, đòi nhiều phấn đấu, chấp nhận mọi hy sinh, mà đỉnh cao là thánh giá. Đây cũng là tình yêu luôn nhận mình yếu đuối hèn mọn tội lỗi, và coi sự nhận biết đó chính là chân lý quan trọng cần hiện diện trong mọi quan hệ với mọi người, nhất là với Chúa.

Công cuộc khắc phục sẽ không dễ dàng. Trước mọi khó khăn, người công giáo chúng ta luôn phải là những chứng nhân của niềm hy vọng.

            6. Tới đây, tôi xin được phép gởi tới anh chị em yêu quý một mong muốn cần thực hiện tốt, để sống Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng trong tình hình mới, đó là hãy tăng cường tinh thần trách nhiệm đối với gia đình mình.

Gia đình sẽ bị thử thách nhiều trong tình hình mới. Hãy chăm lo cho nhau về mọi mặt, nhất là về mặt đạo đức. Đạo đức gia đình đang bị lung lay, do nhiều khái niệm sai về các giá trị. Một phần trách nhiệm là từ gia đình. Gia đình trong tình hình mới sẽ phải tất bật để lo cho cuộc sống cạnh tranh. Vì thế rất cần có những hồi tâm cho đạo đức gia đình. Gia đình mất đạo đức sẽ không thể có hạnh phúc.

Khi làm tông đồ cho người khác, chúng ta không được quên làm tông đồ cho chính gia đình mình.

Đạo đức gia đình xuống dốc, đó là một sự dữ cực kỳ nguy hiểm.

 “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Nhờ Chúa rộng lòng thương cứu giúp, chúng con sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi, và được an toàn khỏi mọi biến loạn” (Nghi thức Hiệp lễ).

nguồn: Từ Maria Mai gởi

Thà Chết Mà Được Sống Đời

Thà Chết Mà Được Sống Đời
 
                                                                               Tuyết Mai
 
 

Nghe lời tựa ai trong chúng ta cũng muốn phát khiếp sợ, vì chết ai mà không sợ thưa có phải?.   Nhưng con người của chúng ta thường luôn tỏ ra khôn mà lại chẳng có ngoan tí ti nào!?.   Dẫu biết rằng cái chết thường đến bất thình lình hay bất đắc kỳ tử, nhưng chúng ta thường dối lòng mình, và cố tình thờ ơ để mặc cho cái chết nó đến bất cứ lúc nào, nên không chịu chuẩn bị hay phòng ngừa.

Tôi không biết cuộc sống bên VN ra sao, nhưng trên nước Mỹ này thì ai cũng muốn được có Bảo Hiểm cả!.   Thường những người giầu có hay minh tinh màn bạc, họ đều có mua Bảo Hiểm để bảo toàn thân thể của họ.   Rồi thì đóng phim họ cũng có được bảo hiểm cho những chuyện rủi ro của nghề nghiệp.   Rồi đến những thường dân như chúng ta đây chẳng hạn!.   Đi làm cũng phải đóng góp tiền cùng với hãng để có được bảo hiểm cho sức khỏe.   Bình thường thì ai cũng rên siết vì tiền mua bảo hiểm không phải là rẻ, nhưng khi đụng chuyện cần phải vào nhà thương, thì lúc bấy giờ anh chị em đó và cả nhà mới thở cái phào, vì nhờ có bảo hiểm sức khỏe mà anh chị em đó chỉ cần đóng số phần trăm chi phí cho nhà thương mà thôi!. 

Về vấn đề sức khỏe thì chẳng những ở bên VN hay ngoại quốc, ai khi có bệnh nặng cũng đều sợ như nhau mà thôi!.   Vì có tiền thì chúng ta còn có cơ hội để chữa trị và còn có sức khỏe, chứ không tiền thì khổ lắm ai ơi!.   Kế đến khi chúng ta có làm chủ được chiếc xe dù là xe gắn máy cho đến xe hơi, xe tải, v.v…. Chúng ta hết thảy đều bị bắt phải mua bảo hiểm xe, để bảo toàn cho chiếc xe và nhân mạng của đôi bên, khi có tai nạn xẩy ra tùy theo nhẹ hay nặng, và có thể gây chết người.

Nhưng thưa anh chị em, sống trên trần gian này, thân thể và nhân mạng của con người không quan trọng lắm hay sao, cho nên khi chúng ta có thể, thì ai cũng muốn được bảo hiểm để bảo toàn mọi thứ, để cho thân xác và tinh thần của chúng ta có được thoải mái và không cần nghĩ ngợi.   Nếu không có gì cả thì chúng ta cứ cảm thấy bất an và do đó càng làm cho chúng ta bị bệnh thêm vì lo lắng.   Người giầu có thì họ có đủ loại bảo hiểm thưa anh chị em!    Bảo hiểm sức khỏe là điều trước tiên.   Kế đến là bảo hiểm nhân thọ.   Rồi thì bảo hiểm cho bao nhiêu căn nhà họ ở và cho thuê.   Bảo hiểm xe và bảo hiểm cho sự an toàn của căn nhà họ đang ở, nhất là về đêm thường có trộm cướp đột nhập vào nhà.

À thế nhưng hầu hết chúng ta quên mua một bảo hiểm rất cần thiết cho linh hồn sống đời đời của chúng ta!.   Có phải vì trần gian là nơi mà chúng ta thích và muốn sống đời?.   Và điều lợi hại nhất là chẳng một ai trong chúng ta lại muốn cái chết đến với mình.   Ai ai cũng muốn trốn chạy cái chết.  Ai ai cũng muốn phủ nhận rằng ai đâu đó chết, chứ chẳng phải là mình.   Đó cũng là điều xẩy ra rất thường tình của con người vì chúng ta hết thảy đều yếu đuối, hay thích phạm tội, nhưng lại rất muốn được sống đời trên cái trần gian tạm bợ này!.   Điều chúng ta thấy rõ ràng nhất là từ nơi các ông, càng già thì các ông lại càng thích lấy được vợ trẻ.   Càng nhiều bà lại càng tốt để khoe cái đuôi con công của mình.   Đó cũng là điều rất dễ hiểu và không ai phủ nhận điều đó.   Vì các ông dù có gần đất xa trời thì cái tánh “đàn ông”, “man” cũng vẫn không mất.

Thế nếu chúng ta cứ phớt lờ, do dự, hoặc không tự lo cho linh hồn của mình ngay từ bây giờ, thì khi nào chúng ta mới nghĩ tới??.   Chúng ta chỉ cần nhìn chung quanh thử xem, có phải cái chết nó đến bất kỳ ở tuổi nào.   Mới sinh ra cũng đã chết.   Chưa được 10 tuổi cũng đã chết.   Chết non, chết trẻ, chết vì tai nạn, chết vì bệnh tật hay tuổi già, chết vì uất ức, chết vì chính do lỗi bất cẩn của mình, v.v…. Thế chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không lè lẹ để đi mua bảo hiểm cho linh hồn của chúng ta?.   Anh chị em có để ý không, theo thời gian và theo tuổi tác, hiện giờ có rất nhiều người sống ở Mỹ còn đang ở tuổi ngũ tuần cũng đã biết tự tìm và mua cho mình một miếng đất, và ma chay.   Cho nên thời buổi bây giờ một miếng đất mua chôn cũng cả trên 10 ngàn đô la chứ chẳng phải là ít.   Càng chần chờ thì càng phải mua mắc anh chị em ạ!. 

Nhưng đó chẳng phải là bảo hiểm cho linh hồn, mà mới chỉ là kiếm mua cho được miếng đất để có nơi có chỗ cho tấm thân thối tha rữa nát và chôn trong ấy mà thôi!.   Bảo hiểm cho linh hồn đời đời của một con người tôi muốn nói đây là cách sống của mình đối với người anh chị em của chúng ta.   “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách, hay lá rách đùm lá tả tơi”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, v.v…..

Sống trên cõi đời thì không gì qua đồng tiền thưa có phải?.   Nhưng đồng tiền do mồ hôi nước mắt của chúng ta làm ra, khi giúp người hoạn nạn mới rõ thật quý làm sao!.   Chứ không phải do đồng tiền khát máu của những tay băng đảng đi cướp của người ta.  Chúng ta gọi thành phần này là quân cướp ngày.   Giúp người thì có nhiều cách lắm tùy theo khả năng của chúng ta muốn góp phần vào việc xây dựng Nước Chúa nơi trần gian này!.   Có một đồng thì ta cho một đồng, mà đừng nên xóc mắc họ xài cho việc gì, khi họ ăn bận chẳng giống một người homeless.   Ai xin khi ta có thì ta cứ cho vì Chúa dậy chúng ta làm vậy!.   Ai mượn thì chớ có hỏi đòi và hãy nghĩ rằng tiền ấy sẽ không bao giờ được thấy lại.   Chúa biết tất cả chúng ta ai giầu ai nghèo, Ngài biết chúng ta ai rộng rãi ai keo kiệt, như Ngài bình phẩm những ai bỏ tiền nhiều nhất vào trong hòm tiền của nhà thờ, và Chúa đã khen thưởng một bà già góa nghèo đã bỏ vào hòm tiền tất cả những gì bà có.

Chúng ta phải công nhận rằng thời buổi tân tiến với kỹ thuật của ngày hôm nay, chúng ta lại càng phải lo sợ về phần hồn của chúng ta nhiều hơn là cái thân xác hay chết và hay phạm tội này!.   Nhờ đọc biết nhiều trên Internet, chúng ta mới thấy rằng thế giới có thể sẽ bị hủy diệt vì Bom Nguyên Tử trong những ngày rất gần.   Nên ai có nhiều tiền thì dùng tiền ấy để đóng góp và giúp đỡ những ai đang cần đến sự chia sẻ của chúng ta.   Ai có sức và có thời giờ thì đóng góp theo sức và thời giờ của mình.   Ai có khả năng và thiên tài Chúa ban, hãy cố gắng đóng góp hết sức vào chương trình của Chúa trên trần gian này.    Quả thật “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.   

Sau cùng nhưng cũng rất quan trọng là xin hết thảy chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho những linh hồn anh chị em chúng ta hiện còn đang sầu khổ, trông đợi, và rất cần đến sự giúp đỡ của chúng ta ở lửa Luyện Ngục, qua các việc lành và hãm mình chúng ta cố gắng làm hằng ngày.  Có phải Chúa dậy chúng ta rằng hãy kéo nhiều thêm anh chị em lên Trời với mình vì Nơi ấy còn có rất nhiều chỗ ở.   Amen.

** Xin bấm vào mã số dưới đây để hát theo:

     http://www.youtube.com/watch?v=AkYHN6mQoTs
     (Chúa Gọi Con Về)

     http://www.youtube.com/watch?v=-XOR9nrrZMk
     (Trở Về Nhà Chúa)        

    
Y Tá của Chúa,
Tuyết Mai
(04-19-12)                  nguồn: Từ Maria Mai gởi

Chân dung cuộc sống…

Chân dung cuộc sống…

  Cuộc sống là một cơ hội – Hãy nắm lấy.

Cuộc sống là một vẻ đẹp – Hãy chiêm ngưỡng.

Cuộc sống là một giấc mơ – Hãy nhận ra.

Cuộc sống là một thử thách – Hãy đương đầu.

Cuộc sống là một bổn phận – Hãy hoàn thành.

Cuộc sống là một trò chơi – Hãy tận hưởng.

Cuộc sống  là một lời hứa – Hãy thực hiện.

Cuộc sống là một nỗi buồn – Hãy vượt qua.

Cuộc sống là một bản nhạc – Hãy hát lên.

Cuộc sống là một trận đấu – Hãy chấp nhận.

Cuộc sống là một thảm kịch – Hãy đối đầu.

Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu – Hãy can đảm dấn thân.

Cuộc sống là một niềm may mắn – Hãy nắm lấy.

Cuộc sống là sự sống – Hãy tranh đấu vì nó.

Cuộc sống vô cùng quý giá – Đừng hủy hoại nó.

Mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng (Câu chuyện của Steve Jobs)

Mỗi ngày như thể là ngày cuối cùng

(Câu chuyện của Steve Jobs)

Trong bài nói chuyện trước hàng ngàn sinh viên của trường đại học danh tiếng Stanford vào ngày tốt nghiệp 12.6.2005, vị khách mời Steve Jobs đã kể rằng: “Tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, tôi có muốn làm trong hôm nay những gì mà tôi dự định không? Và bất cứ khi nào câu trả lời “Không” xuất hiện liên tục trong quá nhiều ngày, tôi biết tôi cần phải thay đổi thứ gì đó”.

Steve Jobs kể rằng ông đã nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi như thế từ khi ông đọc được đâu đó vào năm 17 tuổi câu nói: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của mình, một ngày nào đó bạn chắc chắn sẽ ổn”, và việc ghi nhớ rằng mình sẽ chết được Steve Jobs nhìn nhận như là “một công cụ lợi hại nhất mình tình cờ có được”, và công cụ đó đã giúp ông đưa ra những chọn lựa quan trọng nhất trong đời.

Đó là câu chuyện thứ ba – câu chuyện về cái chết –  một trong ba câu chuyện đời mà Steve Jobs mang đến kể trước các tân khoa Stanford, sau câu chuyện về việc kết nối các điểm mốc của cuộc đời, và câu chuyện về tình yêu và sự mất mát.

Cuộc đời Steve Jobs đã được tạo ra một cách sống động bằng cách nghĩ đến cái chết của mình mỗi ngày. Dường như việc nhìn đến tận điểm cuối của cuộc đời đã giúp Steve Jobs có cái nhìn toàn cảnh hơn, nhận thức rõ ràng những gì thực sự quan trọng để theo đuổi, và có động lực để đeo đuổi một cách nhiệt huyết nhất, như cách ông đã theo đuổi việc chế tạo những chiếc máy làm thay đổi nhân loại trong bốn thập kỷ qua. Là Apple, là Macintosh, là iPod, iPhone, Ipad, v.v.

Biết nhìn đến tận điểm cuối của cuộc đời từ hàng chục năm trước khi cuộc đời đó kết thúc, đã giúp Steve Jobs vượt qua những lẽ thường của nó. “Vì hầu như mọi thứ – tất cả những kỳ vọng bề ngoài, tất cả sự tự hào, tất cả nỗi lo sợ bị thất bại hay ngượng ngùng – những thứ đó sẽ biết mất trước mặt cái chết, để lại duy nhất thứ thực sự quan trọng”, Steve Jobs nói trước các tân khoa trường Stanford.

Khi Steve Jobs tham dự buổi lễ tốt nghiệp của trường Đại học Stanford vào ngày 12.6.2005, có một chiếc máy bay đã lượn qua đó kéo theo một băng rôn có dòng chữ “Steve — Don’t be a mini- player — recycle all e-waste” (Steve — Đừng là một chiếc máy chơi nhạc nhỏ bé — hãy tái chế tất cả rác thải điện tử). Đó là ứng xử của Steve Jobs sau vụ việc xảy ra trước đó hai tháng, khi ông mắng mỏ những người ủng hộ việc bảo vệ môi trường ngay tại một cuộc gặp gỡ thường niên của Apple ở Cupertino, vì họ chỉ trích quy trình tái chế rác điện tử yếu kém của Apple. Rồi Apple mở rộng chương trình tái chế,  loại bỏ các thành phần không thân thiện môi trường trong mọi sản phẩm.

Steve Jobs và Apple đã dẹp bỏ được những ứng xử theo kiểu chối cãi thông thường trước những chỉ trích của những nhà bảo về môi trường. Vì trước cái chết tất cả sẽ biến mất chỉ còn lại những thứ thực sự quan trọng?

Một năm trước khi đứng phát biểu trước hàng ngàn sinh viên trường Stanford, tức là vào giữa năm 2004, Steve Jobs đã được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy. Thời điểm mà Steve Jobs gọi là lúc “nhận thức rõ bản thân cận kề với cái chết” lại trở thành một điểm mốc của cuộc đời Steve Jobs, mang đến một kết nối mới, suy nghĩ tích cực mới về cái chết. “Cái chết dẹp sạch cái cũ để dọn đường cho cái mới”, Jobs nói với các tân khoa.

Ông và Apple sau đó đã tiếp tục làm thay đổi thế giới bằng những cái mới không ngừng được sáng tạo. Năm 2007, Apple gia nhập thị trường điện thoại di động với sản phẩm iPhone có màn hình cảm ứng và chạy trên hệ điều hành. Tháng 1.2010, Apple tung ra chiếc máy tính bảng iPad tạo ra một làn sóng máy tính bảng trên toàn thế giới.

Câu chuyện thứ ba của Steve Jobs kết thúc với những lời khuyến khích:“Thời gian của các bạn có hạn, vì vậy đừng lãng phí nó để sống cuộc đời của ai khác. Đừng để những ồn ào từ ý kiến của những người khác dìm mất tiếng nói trong chính bạn. Và điều quan trọng nhất, hãy can đảm đi theo trái tim và trực giác của bạn. Chúng biết rõ bạn thực sự muốn trở thành như thế nào. Mọi thứ khác là thứ yếu”.

Đó là những điều Steve Jobs không chỉ nói mà đã làm đúng như vậy. Ông đã sống cuộc đời của ông, cuộc đời của một đứa con nuôi xót tiền của cha mẹ nuôi nên bỏ ngang đại học, cuộc đời có những ngày như thể hôm nay là ngày cuối đời nên phải làm mọi điều mình muốn, cuộc đời tận hưởng mọi điểm mốc, mọi tình yêu, và mọi tổn thất.

Trong chuỗi ngày như thể là ngày cuối cùng của đời mình, Steve Jobs có lẽ đã mãn nguyện khi thấy một sản phẩm mới – chiếc iPhone 4S mà ông đã cùng với đế chế Apple của mình tạo ra được trình làng vào hôm 4.10, trước khi ông nhắm mắt xuôi tay ở tuổi 56 vào chiều ngày 5.10, ngày cuối cùng của đời ông.

Nguyễn Hồng Ngân

Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ

    Thắp Lên Ngọn Ðèn Cũ

        Trong một cuộc phỏng vấn, Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã thuật lại một sự kiện như sau: Ở Úc Châu có một người thổ dân Aborigines kia sống trong một hoàn cảnh thật thảm thương. Ông cũng đã khá cao niên rồi, sống trong một túp lều xiêu vẹo. Khởi đầu câu chuyện tôi nói với ông:

    – Ðể tôi dọn dẹp nhà và sửa soạn giường ngủ cho ông. Ông ta trả lời một cách hững hờ:

     – Tôi đã quen sống như vậy rồi.

     – Nhưng ông cũng cảm thấy dễ chịu hơn với căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp. Sau cùng ông ta bằng lòng để tôi dọn dẹp nhà cửa lại cho ông. Trong khi quét dọn tôi thấy một cái đèn cũ đẹp nhưng phủ đầy bụi bặm và bồ hóng. Tôi hỏi ông:

     – Có bao giờ ông thắp đèn này chưa? Ông ta trả lời một cách cộc lốc:

  – Nhưng thắp đèn cho ai? Có ai bước chân vào nhà này bao giờ đâu. Tôi sống ở đây đã từ lâu không hề trông thấy một người nào cả. Tôi hỏi ông:

     – Nếu như các nữ tu đến thăm ông thường xuyên, ông có vui lòng thắp đèn lên không?

    – Dĩ nhiên rồi.

     Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé qua nhà ông. Từ đó ông ta bắt đầu thắp đèn và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa. Trước khi chết ông nhờ các nữ tu ghé thăm nhắn tin cho tôi:

     – Xin nhắn với Mẹ Têrêxa, bạn tôi rằng, ngọn đèn mà Mẹ đã thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng. Ðó chỉ là một việc nhỏ mọn, nhưng trong bóng tối cô đơn của đời tôi, một tia sáng đã thắp lên và vẫn còn tiếp tục chiếu sáng mãi.

    Chúng ta đều cảm nghiệm được niềm vui sướng vì được yêu thương, được chính Chúa thương yêu. Và chúng ta cũng hiểu được giới răn của Chúa: “Hãy thương yêu nhau, như Thầy yêu thương các con”.

nguồn: Từ Maria Mai gởi

Kẻ Không Biết Sám Hối

     Kẻ Không Biết Sám Hối

     Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.

     Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ vàtại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở… Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối…

     Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải… Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.

     Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại… Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra… Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.

     Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng… Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.

nguồn: từ Maria Mai gởi

Không quá muộn để nên Thánh

 Không quá muộn để nên Thánh

                                                                                           Tác giả Veritas

  Người Nhật Bản có câu chuyện như sau: Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.

Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.
Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.    Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.
Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.
Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:
“Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi”.
Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.
Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai.
Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng.
Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:
“Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?”
Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:
Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ “.
Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.  Bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được.   Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.