ĐTC: Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất

 ĐTC: Lời cầu nguyện giúp đương đầu với những lúc khó khăn nhất


                                                                                          Linh Tiến Khải

8/8/2012                                                                  nguồn: Vietcatholic.net

Cần cầu nguyện với thân xác và tâm hồn để bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiên diện của Thiên Chúa. Vì lời cầu nguyện và tương quan cá nhân với Thiên Chúa giúp chúng ta đương đầu với cả những lúc khó khăn nhất trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với các tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 8-8-2012 trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã nhắc tới gương mặt của thánh Đaminh mà Giáo Hội mừng nhớ hôm qua. Thánh Đaminh Guzman là linh mục sáng lập dòng các Anh em thuyết giáo gọi là các tu sĩ Đaminh. Trong một bài giáo lý trước đây Đức Thánh Cha đã trình bày vai trò quan trọng của thánh nhân trong việc canh tân Giáo Hội thời người. Hôm qua ngài đã đề cập tới đời sống cầu nguyện của thánh Đaminh. Đức Thánh Cha nói:

Thánh Đaminh đã là con người của cầu nguyện. Say mê Thiên Chúa, người đã không có khát vọng nào khác hơn là sự cứu rỗi các linh hồn, đặc biệt các linh hồn đã rơi vào lưới của lạc giáo. Là người noi gương Chúa Kitô, thánh nhân nhập thể một cách triệt để ba lời khấn phúc âm, kết hiệp chứng tá cuộc sống khó nghèo với việc rao giảng Lời Chúa. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người tiến tới trên con đường trọn lành kitô. Trong mọi lúc lời cầu nguyện đã là sức mạnh ngày càng canh tân và khiến cho các công tác tông đồ của người được phong phú.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:
Chân phước Giordano thành Sassonia (+1237) người kế vị thánh Đaminh cai quản dòng Đaminh đã viết về thánh nhân như sau: “Ban ngày, không ai tỏ ra lịch thiệp hơn người, và ngược lại ban đêm không ai kiên trì trong việc canh thức cầu nguyện như người. Ban ngày người dành cho tha nhân, nhưng ban đêm người dành cho Thiên Chúa” (P. Filippini, S. Domenico visto dai suoi comtemporanei, Bologna 1982, tr. 133). Nơi thánh Đaminh chúng ta có thể trông thấy mẫu gương việc hội nhập hài hòa giữa việc chiêm niệm các mầu nhiệm của Thiên Chúa và hoạt động tông đồ. Theo các chứng tá của những người sống gần thánh nhân nhất, “thánh nhân luôn luôn nói chuyện với Thiên Chúa hay nói về Thiên Chúa”. Nhận xét này ám chỉ sự hiệp thông sâu xa của thánh nhân với Thiên Chúa, và đồng thời ám chỉ sự dấn thân liên lỉ dẫn đưa người khác tới sự hiệp thông ấy. Tuy đã không để lại các bút tích về lời cầu nguyện, truyền thống đaminh đã thu thập và truyền lại kinh nghiệm sống động của người trong tác phẩm tựa đề “Chín kiểu cầu nguyện của thánh Đaminh”. Được sáng tác giữa các năm 1260-1288  bởi một tu sĩ Đaminh, nó giúp chúng ta hiểu một chút về cuộc sống nội tâm của thánh nhân.

Mỗi một kiểu cầu nguyện, luôn luôn trước mặt Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh, diễn tả một thái độ của thân xác và tinh thần, được thấm nhập một cách thân tình chúng trợ giúp sự cầm trí và lòng sốt mến. Đức Thánh Cha giải thích chín kiểu cầu nguyện của thánh Đaminh như sau:

Bẩy kiểu đầu tiên theo một đường nét đi lên, như các bước đi của một con đường hướng tới sự hiệp thông thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Đaminh đứng cúi đầu cầu nguyện để diễn tả sự khiêm tốn, nằm dài dưới đất để xin ơn tha thứ các tội lỗi, qùy hãm mình để tham dự vào các khổ đau của Chúa, đôi tay giang ra nhìn lên Chúa Chịu Đóng Đanh để chiêm niệm Tình Yêu Tột Đỉnh, hướng nhìn về trời để cảm thấy bị lôi cuốn vào trong thế giới của Thiên Chúa.

Hai kiểu cuối cùng, trái lại, tương đương với hai thói quen đạo đức mà thánh nhân thường sống. Trước hết là suy niệm riêng trong đó lời cầu nguyện chiếm hữu đựơc một chiều kích thân tình, sốt mến và thanh bình hơn nữa.

Sau khi đọc Kinh Thần Vụ và sau khi dâng Thánh Lễ, thánh Đaminh kéo dài việc nói chuyện với Thiên Chúa, không giới hạn thời gian. Người ngồi yên tịnh, cầm trí trong thái độ lắng nghe, đọc một cuốn sách hay chăm chú nhìn lên Chúa Chịu Đóng Đanh. Người đã sống những lúc tương quan này với Thiên Chúa một cách sâu đậm như thế, và cả bên ngoài người ta cũng có thể nhận ra các phản ứng tươi vui hay tiếng khóc của người. Các chứng nhân kể lại rằng có lần ngưới xuất thần với gương mặt biến hình, nhưng ngay sau đó lại khiêm tốn trở về với các sinh hoạt thường ngày, được bồi dưỡng bởi sức mạnh đến từ Trên Cao. Thế rồi lời cầu nguyện trong các chuyến du hành từ tu viện này sang tu viện khác; người đọc Kinh Sáng, Kinh Giờ Ba, Kinh Chiều với các anh em khác, và khi đi qua các thung lũng và núi đồi người chiêm ngắm vẻ đẹp của tạo vật. Khi đó từ trái tim người vọt lên một bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ơn lành, nhất là vì sự tuyệt diệu lớn lao nhất là ơn cứu độ do công trình của Chúa Kitô.

Các bạn thân mến, thánh Đaminh nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng nguồn gốc chứng tá đức tin – mà mỗi kitô hữu phải làm trong gia đình, trong công ăn việc làm, trong dấn thân xã hội và cả trong những lúc nghỉ ngơi nữa – là nơi lời cầu nguyện, nơi sự tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa. Chỉ có sự tiếp xúc thực sự với Thiên Chúa trao ban cho chúng ta sự mạnh mẽ sống sâu đậm mỗi biến cố, đặc biết trong những lúc khổ đau nhất.

Rồi Đức Thánh Cha kết luận bài huấn dụ như sau: vị thánh này cũng nhắc nhớ cho chúng ta biết tầm quan trọng của các thái độ bề ngoài trong lúc cầu nguyện. Qùy gối, đứng trước mặt Chúa, chăm chú nhìn Chúa Chịu Đóng Đanh, dừng lại cầm trí trong thinh lặng, không phải là phụ thuộc, nhưng chúng giúp chúng ta đặt mình với tất cả con người vào trong tương quan với Thiên Chúa. Tôi muốn nhắc nhở một lần nữa sự cần thiết cho cuộc sống tinh thần của chúng ta, đó là hằng ngày phải tìm ra những lúc để cầu nguyện trong yên lặng. Chúng ta phải lấy cho mình thời giờ ấy đặc biệt trong mùa hè, có một chút thời giờ để nói chuyện với Thiên Chúa. Đó sẽ là một kiểu giúp những ai ở gần bước vào trong ánh sáng rạng ngời sự hiện diện của Thiên Chúa, đem lại an bình và tình yêu mà chúng ta cần có.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp ngài khuyến khích tín hữu noi gương thánh Đaminh trở thành những người say mê Thiên Chúa, noi gương Chúa Kitô, để trở thành những con người của lời cầu nguyện, nhựa sống cho các hành động và chứng tá của chúng ta.

Trong tiếng Anh ngài nhắn nhủ tín hữu biết noi gương thánh Đaminh hòa hợp lời cầu nguyện với các sinh hoạt hằng ngày, và tươi vui làm chứng cho Chúa.

Bằng tiếng Đức ngài nói khi cầu nguyện thân xác cũng cần có các thái độ cầm trí và môi trường thinh lặng chung quanh giúp bước vào tương quan với Thiên Chúa.

Bằng tiếng Tây Ban Nha ngài nhắc cho tín hữu biết rằng nguồn gốc của mọi chứng tá là lời cầu nguyện và tương quan liên lỉ với Chúa trao ban sức mạnh cho tín hữu.

Bằng tiếng Ba Lan Đức Thánh Cha khuyên tín hữu bắt chước thánh Đaminh năng nói chuyện với Chúa qua lời cầu nguyện liên lỉ, vì nó giúp tín hữu trưởng thành trong tinh thần.

Chào các tín hữu Slovac Đức Thánh Cha xin ánh sáng Lời Chúa soi chiếu mọi bước đường cuộc sống của họ.

Chào các tín hữu nói tiếng Ý ngài cám ơn sự hiện diện của họ và cầu chúc họ được tràn đầy các ơn của Chúa Thánh Thần để canh tân nhiệt huyết tông đồ và lòng sốt mến.

Sau cùng Đức Thánh Cha đã cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Một hành động của lòng nhân ái

Một hành động của lòng nhân ái


Trong suốt thời gian xảy ra nội chiến, Tổng thống Abraham Lincoln vẫn thường đến các bệnh viện để thăm hỏi và trò chuyện với những thương binh đang điều trị ở đó. Một lần, các bác sĩ dẫn Lincoln đến bên giường một người lính trẻ đang gần kề cái chết.

“Tôi có thể làm cho anh được điều gì ngay bây giờ không?” Tổng thống hỏi.

Người lính trẻ rõ ràng không nhận ra Lincoln. Anh cố thều thào: “Xin ông hãy giúp tôi viết một lá thư cho mẹ!”

Bút và giấy được mang tới, và vị Tổng thống bắt đầu nắn nót viết từng chữ mà người lính trẻ có thể đọc được bằng hơi sức yếu ớt còn lại của mình:

“Mẹ yêu quý! Con bị thương rất nặng trong khi đang thi hành nhiệm vụ. Con e rằng con không thể qua khỏi được. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng quá đau buồn vì con nhé. Xin hãy hôn em Mary và John giúp con. Xin ơn trên phù hộ cho bố mẹ.”

Người lính đã quá yếu sức và không thể tiếp tục được nữa, nên vị Tổng thống ký tên giùm anh vào cuối bức thư và thêm vào dòng chữ: “Viết thay cho con trai bà – Abraham Lincoln.”

Người lính trẻ nhìn vào bức thư, và anh thật sự ngạc nhiên khi đọc thấy tên người đã giúp anh thực hiện nguyện vọng cuối cùng của mình.

“Ngài chính là Tổng thống ư?” anh hỏi.

“Vâng, tôi đây!” Lincoln trả lời một cách bình thản, và lại tiếp tục hỏi rằng ông có thể làm thêm được gì cho anh.

“Xin ngài hãy nắm lấy tay tôi!” anh nói. “Điều đó sẽ giúp tôi rất nhiều khi phải đối mặt với cái chết!”

Và trong căn phòng tĩnh lặng, vị Tổng thống cao gầy nắm chặt tay anh lính trẻ trong bàn tay mình, nhẹ nhàng nói những lời an ủi, động viên cho đến khi anh ra đi trong thanh thản.

– The Best of Bits & Pieces

ST

Bí quyết trường sinh

Bí quyết trường sinh (Ga 6,41-51) 

Chúa nhật 19 thường niên, năm B

                                                                                                           Tác giả: Thiên Phúc

                                                                                                            nguồn: thanhlinh.net

Tần Thủy Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 2.000 dặm. Ðó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà các phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Theo tạp chí National Geographic, Tần Thủy Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng. Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Ðông, dân cư ở đấy đã khám phá ra bí quyết trường sinh.

Tần Thủy Hoàng liền phái một số tàu thuyền chất đầy châu báu lên đường, hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ.

Thế rồi ông lo xây nhà mồ như cung điện nguy nga rộng lớn, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thủy tinh làm sông Ngân Hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên năm mươi tuổi thì chết đi.

***

Trường sinh bất tử là ước mơ ngàn đời của con người. Cứ mỗi lần một người thân giã từ cõi thế, thì ước mơ được sống mãi lại càng dày vò con người dữ dội hơn. Nên không lạ gì khi Ðức Giêsu nói về cuộc sống trường sinh thì mọi người tuôn đến như đi tìm kho báu.

Nhưng mầu nhiệm về “Sự sống đời đời” lại rất xa tầm trí mọn của đám dân chúng. Ðức Giêsu không giúp họ thoát khỏi cái chết của thân xác, vì chính Người cũng vui lòng chết như mọi người. Nhưng Người cứu họ thoát khỏi cái chết của linh hồn: cái chết vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa và hoàn toàn ly biệt với tha nhân, cái chết đi vào trầm luân muôn kiếp, cái chết dẫn đến cõi tiêu diệt muôn đời.

Cuộc sống vĩnh cửu ấy, hôm nay Ðức Giêsu đã mạc khải: “Ta là Bánh ban Sự Sống… Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga.6,47). Vậy bí quyết trường sinh mà Tần Thủy Hoàng khó nhọc đi tìm kiếm tận các đảo thần tiên, lúc nào cũng hiện diện trước mặt chúng ta, trong mọi thánh đường Công giáo. Chính là Ðức Giêsu nguồn mạch trường sinh.

Người đang hiện diện với chúng ta bằng thần trí Người: “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Ta, Ta sẽ ở đó với họ” (Mt.18,20).

Người còn hiện diện với chúng ta qua Lời Chúa. Lời mà Người nói cách đây 2000 năm cũng chính là Lời Người đang nói với chúng ta trong tin mừng.

Người hiện diện với chúng ta qua các linh mục trong lúc giảng dạy và trong khi cử hành các Bí tích: “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc.10,16).

Ðặc biệt Người hiện diện thực sự với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể: “Ta là bánh hằng sống… Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời” (Ga.6,52).

Như vậy, “Sự sống đời đời” không phải là chuyện viễn vông xa vời, nhưng là một thực tại đang triển nở trong đời sống người tín hữu. Mỗi thánh lễ là một bàn tiệc nuôi dưỡng linh hồn đưa ta về chốn trường sinh.

***

Lạy Ðức Giêsu, như Tấm Bánh Thánh xin cho tâm hồn chúng con nên trong trắng, cố xa tránh những ô uế cho dù nhỏ mọn để luôn xứng đáng với Chúa.

Xin cho tâm hồn chúng con nên khiêm hạ nhỏ bé, nhưng luôn bày tỏ một tình yêu lớn lao.

Và cho tâm hồn chúng con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.

(Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)

Linh mục: Niềm tin – Hy vọng

Linh mục: Niềm tin – Hy vọng

                                                                                                     Phạm Thục

 

 WGPSG — “Đẹp thay bước chân những người loan báo Tin Mừng” (Rm10,15).

Liên tục trong những tháng vừa qua, các giáo phận, dòng tu đã diễn ra nhiều đợt phong chức linh mục. Vào lúc 10g00 ngày 04/08/2012, 13 thầy phó tế của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đã được tiến chức, do Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP chủ phong, tại Tu viện Albêtô – Ba Chuông trong niềm hân hoan.

Hầu hết các tân chức đều trẻ, trên dưới 30 tuổi, lứa tuổi tràn đầy sức sống, hẳn sẽ góp phần cho Giáo hội Việt Nam ngày càng trẻ trung, đáp ứng cho nhu cầu mục vụ hôm nay.

Ở đây, tôi xin được ghi nhận cảm tưởng của một vài thành phần dân Chúa về thiên chức linh mục

Những người trẻ kì vọng gì nơi các linh mục?

Tại Việt Nam hôm nay đang dần hình thành một xã hội tiêu thụ, trong đó người trẻ bị cuốn hút vào những giá trị “ảo” xa lạ. Những nền tảng đạo đức truyền thống bị coi là lỗi thời, sinh hoạt gia phong trong gia đình bị xáo trộn, nếp sống xứ đạo bị coi là “một thời đã xa”. Ngày hôm nay, cuộc sống của gia đình Việt Nam, cha mẹ con cái chung một bàn ăn, vừa dùng cơm vừa trao đổi, bàn luận về việc học, về công ăn việc làm, bàn luận về một bài báo, một bộ phim hay một cuốn sách xem ra rất hiếm. Đơn giản vì mỗi người gần như ai cũng có công việc riêng của mình, cha mẹ thì lo tìm kiếm thêm hầu có của ăn, của để; con cái người đã trưởng thành thì lao vào công việc, làm giàu hay tìm kiếm danh vọng; người còn đang đi học thì học lấy học để, học đủ mọi thứ, từ học kiến thức đến học cách giải trí như: chơi game, chat, mail, mode, hiphop…và coi đó là thước đo của một người có trình độ hiểu biết, nhân cách trưởng thành. Người trẻ nói chung có những cách suy nghĩ lạ đời, “tai tiếng” đi gần với “tăm tiếng”, với mục tiêu là thể hiện mình, mong có nhiều người biết đến, cho dù có trái ngược với những gì vẫn được coi là luân thường đạo lý.

Về phương diện tôn giáo, cụ thể là đạo Công giáo chúng ta, hầu như các sinh hoạt về niềm tin chỉ còn quy tụ được thiếu nhi từ 6 đến 14 tuổi, tức là lứa tuổi học sinh cấp I, II. Đây là thời gian mà gia đình nếu có quan tâm đến đời sống đạo thường đưa con đến nhà thờ, vào hội đoàn để qua đó được quý cha, quý thầy, quý soeur hay các anh chị giáo lý viên giúp dạy giáo lý hầu đón nhận bí tích Thánh Thể và Thêm Sức; sau đó là để con tự “bơi” trong dòng sông cuộc đời. Chính vì thế, bước vào tuổi thanh niên, từ 15 tuổi trở lên, người trẻ cảm thấy bơ vơ, dễ bị cám dỗ xa dần đời sống tâm linh. Trong giai đoạn này, nếu được nâng đỡ, huấn luyện về niềm tin, về nhân bản… thì người trẻ sẽ cảm thấy gắn bó với đạo của mình, và ngày càng trở nên xác tín hơn.

Do đó, “Mục vụ giới trẻ” được quan tâm đặc biệt. Các linh mục đã dấn thân, phục vụ đối tượng “tương lai của xã hội và Giáo hội”, một sứ vụ cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, với sức trẻ và bầu nhiệt huyết căng tràn cộng với sự năng động, vui tươi, các ngài đã và đang giúp các bạn trẻ sống viên mãn ơn gọi Kitô hữu trong tinh thần trẻ trung của Đức Kitô. Bởi vì, chính Người đã sống trọn đời trẻ của mình trên dương thế, đã bước vào đời rao giảng khi tròn 30 tuổi.

Bên cạnh đó, khi đồng hành với người trẻ, các linh mục đã nhận ra những ưu tư, khắc khoải của người trẻ để:

– Tìm ra những giải pháp, những lời giải đáp giúp người trẻ đi theo con đường của Đức Kitô.

– Tập cho người trẻ biết làm việc để mưu ích cho mọi người, vì đó là tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa; họ không trở thành xa lạ với chính mình, với anh em đồng loại.

– Truyền thông cho giới trẻ niềm vui, niềm hy vọng có cuộc sống vì mọi người, sống thanh cao, sống có ích; họ dám mạnh dạn đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô, không sống khiếp đảm như Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II căn dặn: “Hỡi các bạn trẻ, đừng sợ phải sống thánh thiện”.

Tâm tình của một anh em không tín ngưỡng:

Tôi đã theo dõi hoạt động của các linh mục, tôi thắc mắc linh mục là ai? Và tôi được biết rằng linh mục là hiện thân của Đức Kitô giữa trần đời. Một người như mọi người, nhưng đã thánh hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, Đấng các ngài tôn thờ. Tôi cảm phục linh mục: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, sống giữa thế gian mà không theo thói thế gian. Tôi thích thú nhìn chân dung người linh mục: ung dung tự tại, thênh thang giữa đất trời, chẳng màng danh lợi thú cho riêng mình, chỉ mong gieo “tin yêu vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng” cho người người an bình, hạnh phúc. Lạ một điều! Linh mục lại là đối tượng bị nhiều chỉ trích, chống đối, đàm tiếu, thị phi. Cảm thương thay cảnh “làm dâu trăm họ”…Lạ lùng quá! Dù trăm bề khó khăn thử thách, người người vẫn hiên ngang đáp lại tiếng gọi của trời cao, quả là một huyền nhiệm quá cao sâu của tình yêu dâng hiến.

Tôi yêu linh mục: Giữa một thế hệ gian tà sa đọa, các ngài đã chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời, chỉ đường dẫn lối cho mọi người tìm về Chân-Thiện-Mỹ.

Tôi cần linh mục: Niềm tin yêu – hy vọng – cứu cánh của tôi, của một xã hội đang băng hoại đạo đức và luân lý; giá trị con người bị đồng tiền đảo lộn chi phối. Các ngài có đó thì trật tự vãn hồi, hòa bình thiết lập, tình yêu lên ngôi cho cuộc đời này đáng yêu, đáng sống và sống dồi dào.

Vâng! Quả vậy, linh mục là ân ban của Thiên Chúa cho nhân loại! Trong khi hãnh diện về các ngài, chúng tôi không quên cầu nguyện cho các ngài, vì “Ơn Thánh chứa đựng trong bình sành, dễ vỡ”. Phải! Các ngài cũng là con người yếu đuối, cần sự nâng đỡ của Thiên Chúa, cần sự cảm thông, cộng tác của cộng đồng dân Chúa, để các ngài chu toàn trọng trách được giao phó, theo gương Vị Mục tử nhân lành tối cao là Chúa Giêsu: tận tâm, lo lắng cho đoàn chiên được “sống và sống dồi dào”.

Giờ đây, trần hoàn ơi hãy cùng chúng tôi hát vang ngợi khen, chúc tụng Thiên Chúa: Bài ca tạ ơn con dâng lên Chúa…Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đời biết bao kỳ công. Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đời biết bao hồng ân… qua tay các linh mục.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

DANH NGÔN THÁNH JOHN MARY VIANNEY (CHA SỞ XỨ ARS)

DANH NGÔN THÁNH JOHN MARY VIANNEY (CHA SỞ XỨ ARS)



 

Về Hỏa Ngục:

Nếu những người trầm luân khốn nạn có được thời giờ mà chúng ta đánh mất, chắc hẳn họ sẽ xử dụng chúng một cách tốt đẹp biết bao!  Nếu họ có được nữa giờ mà thôi, có lẽ nửa giờ ấy sẽ làm cho hỏa ngục vắng tanh.

Về sự tự hiến:

Hạnh phúc thay những tâm hồn có thể nói được với Chúa:  <<Lạy Chúa, con đã luôn luôn thuộc về Ngài!>>.  A!  trao hiến tuổi thanh xuân cho Thiên Chúa là điều tốt đẹp và cao cả biết bao! Đó thật là nguồn vui và nguồn hạnh phúc!

 

Về sự trong sạch:

Chúng ta như những tấm gương bé nhỏ mà Thiên Chúa ngắm mình trong đó. Các con muốn Thiên Chúa nhận ra Người trong một tâm hồn nhơ nhớp thế nào được?

Về sự kiêu căng:

Chúng ta thích những viêc làm của mình được người ta biết đến. Chúng ta vui khi người ta để ý đến các nhân đức của chúng ta; chúng ta buồn khi người ta nhận ra các khuyết điểm của chúng ta. 

Các thánh không như thế:  các ngài lấy làm khổ tâm khi người ta biết đến các nhân đức của mình và hài  lòng khi người ta nhìn thấy những khuyết điểm của mình.

Về đức khiêm nhượng:

Người ta hỏi một vị thánh:  nhân đức đầu tiên là gì, ngài trả lời:<< Đó là đức khiêm nhượng>> _  <<Và nhân đức thứ hai?>> – <<Đức khiêm nhượng>> <<Còn nhân đức thứ ba?>>  – <<Đức khiêm nhượng>>

Về sự chết:

Chúng ta giống như những ụ cát nhỏ mà gió dồn lại trên con đường:  chúng tụ lại trong chốc lát rồi tản mác liền ngay sau đó…  Các anh chị em chúng ta đã chết chỉ còn là một nắm tro tàn.

 Về sự đau khổ:

Thập giá là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho các bạn hữu của Người.

Về lòng từ bi của Thiên Chúa:

Lòng từ bi của Thiên Chúa giống như một thác nước chảy tràn lan:  khi đi qua, nó lôi cuốn theo các con tim…

 Về việc thánh hóa ngày Chúa Nhật:

Ngày Chúa Nhật là tài sản của Thiên Chúa; đó là ngày thuộc về Người, ngày của Chúa.  Người đã tạo dựng tất cả các con ngày trong tuần; Người có thể giữ lại tất cả, nhưng Người đã ban cho các con sáu ngày và chỉ giữ lại ngày thứ bảy.

 

Các con có quyền gì chạm đến cái không thuộc về các con?  Các con biết rằng của trộm cướp khong bao giờ sinh lợi.  Ngày mà các con lấy của Chúa cũng sẽ khong sinh lợi cho các con.  Cha biết hai phương thế rất chắc chắn để trở nên nghèo túng:  đó  là làm viêc ngày Chúa Nhật và lấy của kẻ khác.

CGM

nguồn: từ Maria Thanh Mai gởi

Lời Thầm: Cái Chết

Lời Thầm: Cái Chết

                                                                                LM. Vũ Xuân Huyên

1- Cái chết là một thất bại đối với những người đã chọn trần thế làm quê hương, nhưng là một chiến thắng đối với những người đã chọn quê trời làm quê hương.

2- Người ta sinh ra để chết ở đời này. Và chết ở đời này để sinh vào đời sau.

3- Ta thường nhìn cái chết như là tận cùng của cuộc đời này mà quên rằng sự chết cũng là khởi điểm của cuộc đời sau, nên sinh ra buồn rầu chán nản.

4- Sự sống vĩ đại, nhưng sự chết còn vĩ đại hơn, vì nó đưa ta đến sự sống.

5- Chết là đi vào “mùa Đông hy vọng” để đón chờ một “mùa Xuân phục sinh”.

6- Nhiều người tin rằng:  Chết là hết. Tin Mừng Phục sinh là câu trả lời của Chúa cho riêng họ: Không, chết chưa phải là hết, đúng hơn mới thực sự bắt đầu. Chúa Kitô sống lại trước, ta sẽ sống lại sau.

7- Người Kitô hữu có hai quê hương: quê hương đời này và quê hương đời sau. Họ có thể tạm chấp nhận sống vô quê hương đời này, nhưng không thể chết vô quê hương đời sau.

8- Chết không phải là kết thúc đời này, nhưng là hoàn tất đời này.

9-Ai không chuẩn bị chết, thì cái chết của họ, dù lúc nào đi nữa, cũng vẫn là cái chết “bất đắc kỳ tử”.

10- Tập chết mỗi ngày cũng là một cách sống tốt.

LM. Vũ Xuân Huyên

****************************************

Lạy Chúa,

Đứng trước cái chết, con cũng run sợ như ai

Vì con chưa thấy sẵn sàng để gặp Chúa.

Cả cuộc đời con, con đã lo toan rất nhiều,

Nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ ấy

Thì con lại chưa làm gì cả.

Con thật dại khờ khi nghĩ rằng con sẽ có đủ thời gian,

Con sẽ làm được điều đó bất cứ lúc nào con muốn.

Nhưng sự thật là con chưa bao giờ tự làm chủ được sự sống của mình

Làm sao con lại dám cho mình cái quyền làm chủ được sự chết?

Ngày nào đó con đến trước mặt Chúa

Không biết Chúa có nhận ra con hay không,

Hay là Chúa bảo “đi cho khuất mắt Ta, hỡi phường gian ác”

Lạy Chúa là Chúa Tạo Vật,

Con xin Chúa sự khôn ngoan

Để sống trọn vẹn giây phút hiện tại

Trong ân nghĩa của Chúa

Để rồi ngày nào đó con đi gặp Chúa,

Sẽ không như hai người xa lạ

Nhưng là hai người rất thân quen.

Lúc đó, Chúa sẽ gọi con bằng tên rất trìu mến

Và giang đôi tay đón con vào lòng.  Amen!

*******************

Nguồn http://www.ngocthach.com/lmvuxhuyen.html

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

KINH CẦU CHO GIA ÐÌNH

KINH CẦU CHO GIA ÐÌNH

  Lạy Chúa Giê-su, chúng con xác tín rằng, hôn nhân và gia đình là công trình sáng tạo của Thiên Chúa, công trình của yêu thương, khôn ngoan và thánh thiện.  Chúng con tin rằng, Chúa muốn và Chúa luôn ban ơn, để hôn nhân được hạnh phúc trong sự duy nhất và bền bỉ, trong việc truyền sinh và phát huy sự sống.

 Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương mà nâng hôn nhân lên hàng Bí tích.  Xin Chúa cho các đôi vợ chồng sống trung thành với nhau, cho cha mẹ biết ý thức trách nhiệm giáo dục con cái, cho con cái biết vâng phục và yêu mến cha mẹ.  Xin Chúa làm cho các thế hệ trẻ, tìm được nơi gia đình sự nâng đỡ chắc chắn cho giá trị làm người của họ, và được trưởng thành trong chân lý và tình thương.

 Lạy Thánh Gia Na-da-rét, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức,  trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình, thành mối an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình, đều được thăng tiến, để góp phần vào việc phát triển xã hội, và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội.

 Xin Ba Ðấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để khi trải qua mọi thăng trầm của cuộc sống, chúng con luôn luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Ba Ðấng trong Nước Trời.

  Amen.

Đơn giản và phức tạp

Đơn giản và phức tạp

http://25.media.tumblr.com/tumblr_m54h8cBrLR1qaordwo1_1280.jpg

Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp. 
Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp.
Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp.
Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác phức tạp.

Thật ra, thế giới này rất đơn gỉan chỉ có lòng người là phức tạp. 

Mà suy cho cùng thì lòng người cũng đơn giản, 

chỉ có lợi ích chi phối nên con người mới trở nên phức tạp. 

Đời người, đơn giản thì vui vẻ. Nhưng người vui vẻ được mấy người.
Đời người, phức tạp thì phiền não. Nhưng người phiền não thì quá nhiều.  

http://24.media.tumblr.com/tumblr_m4v7tvfapt1qaordwo1_1280.jpg

Trong cuộc đời mỗi người đều không thể tránh khỏi những lúc buồn phiền, lo lắng thậm chí là đau khổ. Người vui vẻ, không phải là người không có buồn phiền, mà là người không để cho những nỗi buồn và niềm đau ấy khống chế. Thật ra, đau khổ không hề đáng sợ, đáng sợ là ngay cả trái tim cũng phản bội bản thân mà đứng về phía đau khổ. 

Muốn quản lý tốt tâm trạng của bản thân thì cần phải quên đi những điều làm mình không vui, đừng coi trọng những mâu thuẫn, hiểu lầm phát sinh trong cuộc sống, mà hãy xem đó như là một yếu tố giúp chúng ta mài dũa đời sống tâm linh của mình vững chắc hơn. Chỉ có như thế thì nỗi đau khổ của mình như gió thoảng mây trôi mà thôi.

nguồn: Từ chị Nguyễn Kim Bằng gởi

LINH MỤC THIÊN PHONG BỬU DƯỠNG (1907-1987)

LINH MỤC THIÊN PHONG BỬU DƯỠNG (1907-1987)

 

                                                                        Tác giả Đỗ Tân Hưng

                                                                           nguồn: DungLac.org

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

Thuở nhỏ, tôi ở gần cầu Bến Ngự, bên kênh đào Phú Cam. Đối diện bên kia sông là nhà cụ Ưng Trình, thân sinh của linh mục Bửu Dưỡng. Tuy nhiên, tôi chưa lần nào được diện kiến cha Bửu Dưỡng vì vào thời điểm đó, cha ở Đà Lạt.
Người em út cùng cha khác mẹ của linh mục Bửu Dưỡng là Bửu Tôn, học chung với tôi lớp “septième” ở Trường Providence Huế, do các linh mục Thừa Sai Paris đảm trách. Xét về tuổi tác, Bửu Tôn rất cách xa cha Bửu Dưỡng vì hồi đó, Bửu Tôn chỉ trên mười tuổi, nhưng cha Bửu Dưỡng đã ngoại tứ tuần. Bửu Tôn không theo đạo Công giáo.
Tôi còn nhớ hồi đó, một bạn học của tôi đã hỏi Bửu Tôn: «Tại sao cha Bửu Dưỡng có đạo, còn mầy thì không». Bửu Tôn chỉ cười và nói: «Cũng không biết nữa». Sự « không biết» đó – hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là sự «vô minh» – đã đưa đẩy Bửu Tôn đi vào một ngã rẽ cuộc đời mang nhiều hệ lụy với cơn «biển động » ở miền Trung sau nầy. Kể từ năm 1963 trở đi, Bửu Tôn là một bộ mặt năng động trong phong trào đấu tranh Phật giáo của sinh viên Đại Học Huế.
Trong quyển “Từ Ánh sáng Mặt Trời Tình Yêu” Tập II, Lê Ngọc Bích và Nữ tu Mai Thành, đã sưu tập tài liệu để viết về cuộc đời cha BỬU DƯỠNG, dưới nhan đề “Từ Ác Cảm Đến Hiến Thân”, được lược tóm như dưới đây. 

TIẾT MỘT
THỜI NIÊN THIẾU
Dòng dõi hoàng tộc

Cậu ấm Bửu Dưỡng thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm của vua Minh Mạng. Thân phụ là cụ Ưng Trình, đại thần Cơ Mật viện và đại thần Tôn Nhơn Phủ (1936) và Thượng Thư. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Như Uyển, cũng dòng dõi quan lại cấp Thượng Thư..
Cậu Bửu Dưỡng là con trai thứ năm, sinh ngày 19/3/1907. Thiếu thời, cậu học trường Quốc Học Huế, rồi trường Cao Đẳng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về Huế làm thông phán sở Bưu Chính cho đến lúc “duyên Trời” ấn định.
Ác cảm với Đạo Công Giáo
Sinh trưởng trong gia đình hoàng tộc, tôn sùng đạo Phật, linh mục Bửu Dưỡng viết trong “Cuộc hành trình của đời tôi” như sau:
“Trước kia tôi rất ghét Kitô giáo và không muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một cuốn sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo. Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý, đến độ mỗi khi nhìn thấy chữ ‘Thiên Chúa’, tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sửa thành chữ ‘Trời’. Khi dạy học cho các trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ Thiên Chúa. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ.
Có những thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của đời sống, cái tâm trạng nầy kéo dài trong suốt ba năm liền…Những lần tôi không giải trí với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi chiều trống rỗng, sau khi nghe vài bản nhạc buồn…
Tất cả những tâm trạng ấy đưa tôi đến việc tự hỏi: ‘Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?’ Tôi phải theo? Thật là một điều ngoài trí tưởng tượng! Không bao giờ! Dù nó đúng nó trật, nó hay…nhưng ‘ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn’”.
Ác cảm do thành kiến
Nhưng dần dần thanh niên Bửu Dưỡng nhận thấy mình bất công đối với Kitô giáo và phải chăng Phật giáo có gốc Ấn Độ và Khổng Tử là người Trung Hoa, còn Chúa Giêsu đâu phải là gốc Âu châu mà là gốc Do Thái. Ác cảm của “Mệ Bửu Dưỡng” chẳng qua do thành kiến của người công tử hoàng gia của một nước bị Pháp đô hộ mà các nhà truyền giáo thời đó phần đông là người Pháp, còn rất xa lạ với phong tục và văn hóa Việt Nam.

TIẾT HAI
THỜI GIAN TÌM HIỂU
Người bạn thân tên S.

Trong bản tường thuật “Cuộc hành trình của dời tôi”, linh mục Bửu Dưỡng nhắc nhiều đến một người bạn thân tên S. trọ tại nhà mình vào năm cuối cùng bậc trung học. Hai người cùng học một lớp nhưng khác trường: cậu Bửu Dưỡng là học sinh trường Quốc Học còn anh S. thì học trường Pellerin của các thầy dòng Lasan, hiểu biết về đạo Công giáo, nhưng không phải là tín hữu Công giáo:
“Chúng tôi nói chuyện với nhau rất hợp qua các đề tài học hành và giải trí, nhưng khi vô tình đề cập đến vấn đề đức tin, chúng tôi không tránh được việc cãi cọ, nói là cãi cọ không đúng lắm, thường tôi hay đáp trả bằng những lời lẽ khá nặng nề…Một buổi tối, chúng tôi như những thanh thiếu niên nói chuyện trong lúc nhàn rỗi…Rồi chẳng biết từ đâu, vấn đề tôn giáo xen vào, bắt nguồn từ những người coi tử vi và bói toán mà chúng tôi đã tìm gặp để nhờ xem về kết quả kỳ thi cuối năm.”
Tôi mở đầu:
“Mặc dù nhà Phật được quảng bá sâu rộng, nhưng Đức Phật không phải là Đấng Sáng Tạo. Chúng ta tin rằng Trời đã dựng nên và nuôi dưỡng chúng ta, nhưng chúng ta lại không thờ Trời. Chúng ta chỉ dâng lễ vật lên bàn thờ Phật và rồi sống theo ý riêng mình. Chúng ta cũng kính thờ Khổng Tử và tin tưởng vào tử vi và bói toán. Con người thật lạ lùng.”
Anh S. phản ứng ngay:
“Người Kitô hữu không giống vậy. Họ tin Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng và Đấng Sáng Tạo. Họ không tin và thờ Thiên Chúa một cách vô lý như chúng ta. Giống như người Do Thái, nhưng người Do Thái vì giải thích Cựu Ước theo ý riêng của họ nên vẫn đang mong đợi Đấng Cứu Thế, trong khi người Kitô hữu tin Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế đã đến.
“Thật ra nhiều thế kỷ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh, các tiên tri trong thời Cựu Ước đã loan báo về thời gian và nơi chốn Ngài sẽ được sinh ra. Họ còn nói chi tiết hơn cả về đời sống khó nghèo, sự đau khổ và cái chết bi thảm của Ngài. Người Do Thái tin những lời tiên tri nầy, nhưng từ chối không tin vào con người Giêsu”.
Những lời lẽ nầy khiến tôi suy nghĩ nhiều.
Tiếp cận sách vở báo chí
Ngoài anh S., cậu Bửu Dưỡng còn được biết Kitô giáo qua một số bạn bè khác và qua những cuộc tiếp cận đây đó hoặc qua sách vở báo chí…đã vô tình gợi lên nơi cậu ước muốn tìm hiểu Chúa Kitô.
Nhân một ngày đẹp trời, sau khi đậu trung học, cậu thư sinh Bửu Dưỡng thích thú đến một tiệm sách mua hai cuốn “Le genie du Christianisme” (“Ưu tính của Kitô giáo”) của Chateaubriand và “Pensées” (“Tư Tưởng”) của Pascal. Cậu thư sinh mua không phải vì nội dung tư tưởng mà vì thích lối hành văn của hai tác giả nổi tiếng trong nền văn học Pháp.
Mua rồi quên lãng cho đến một hôm khi chuẩn bị hành trang ra Hà Nội học Cao Đẳng, cậu Bửu Dưỡng mới mở ra đọc cuốn “Pensées” của Pascal: “Tôi chú ý vì đoạn văn có nhiều ý nghĩa. Đồng thời, cùng lúc ấy có một sức mạnh lạ thường nào đó chen vào tâm hồn tôi, thế là tôi quyết định đem hai cuốn sách đó đi theo”.
Đọc những trang sách “Pensées” của Pascal, cậu Bửu Dưỡng không thể nào không khám phá ra chiều kích siêu việt và linh diệu của Kitô giáo…Tác phẩm nổi tiếng nầy là một tổng thể đồ sộ gồm những chủ đề cốt lõi, siêu linh, sâu sắc về tầm vóc vô biên của con người, về Thiên Chúa nhập thể, về bác ái và mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Tình Yêu, về Chân Lý của trái tim, với lời bất hủ của Pascal: “Trái tim có những lý lẽ mà lý trí không biết đến”…
Hẳn là qua những trang sách nầy, tâm hồn cậu Bửu Dưỡng đã cảm nghiệm đưọc một “sức mạnh lạ thường” thúc đầy cậu tiến xa hơn trên con đường tìm hiểu Kitô giáo….
“Càng ngày tôi càng tin tưởng hơn vào chân lý nơi Giáo Hội Công giáo, nhưng tôi không nghĩ đến việc sẽ rửa tội. Mỗi lần ý nghĩ rửa tội xuất hiện là tôi vội xua đuổi nó ngay. Mỗi lần tôi nhìn những người Công giáo Việt Nam, tôi có cảm tưởng họ đang theo một tôn giáo ngoại bang, nó xa lạ khác thường với phong tục tập quán dân tộc nhiều quá, nó có vẻ ‘Tây’ quá”.
Nhưng Ơn Chúa đã giúp cậu Bửu Dưỡng vượt qua những trở ngại bên ngoài đó để chạm đến cốt lõi Tình Yêu Thiên Chúa qua một cuộc gặp gỡ bất ngờ, đặc biệt là qua chứng từ của một nhà sư Phật giáo.

TIẾT BA
KHÚC RẼ CUỘC ĐỜI
Lên núi Phước Sơn

“Một ngày nọ, khi đến thăm ông nội tôi, tôi gặp một tu sĩ Phật giáo đang ở nhà ông tôi. Vị tu sĩ không ngớt lời ca ngợi những thầy tu dòng khổ hạnh truyền giáo Xitô (Cistercians) tại một ngôi nhà mới lập ở núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Trị. Sự tìm hiểu của tôi về đời sống của họ đưa tôi đến sự khâm phục và cuối cùng dẫn tôi đến quyết định gia nhập Giáo Hội Công giáo.”
Thượng tuần tháng 5/1928, cậu Bửu Dưỡng lên đường ra Quảng Trị, tìm lên vùng núi Phước Sơn, xin học giáo lý để nhận bí tích Rửa tội và…gia nhập dòng Xitô. Linh mục Bề Trên là Henri Denis (Cố Thuận) trực tiếp dạy giáo lý.
Lễ Rửa tội được cử hành ngày lễ Đức Mẹ lên trời, 15/8/1928. Tân tòng Bửu Dưỡng nhận thánh danh Bonifacius, có nghĩa là “Bộ mặt đẹp”. Bề Trên Dòng chủ lễ, bên cạnh là thầy phó tế Tađêô Lê Hữu Từ – một vị giám mục tương lai. Quan khách dự lễ rất đông vì hôm đó cũng là ngày kỷ niệm 10 năm dòng Xitô được thành lập ở Phước Sơn. Trong các vị quan khách có sự hiện diện của cụ Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài.
Sau lễ Rửa tội, linh mục Bề Trên Dòng cử hành nghi thức mặc áo thỉnh sinh để tân tòng Bonifacius nhập dòng Xitô với tên Théophane mà chính thầy Bửu Dưỡng dịch là Thiên Phong. Đây là tên thánh của một linh mục truyền giáo người Pháp Theophane Vénard bị xử trảm ngày 2/2/1861 thời vua Minh Mạng. Thầy Bửu Dưỡng rất mộ mến vị thừa sai trẻ tuổi dũng cảm chịu tử hình vì trung thành với Thiên Chúa.
Dòng Đa Minh chi nhánh Lyon
Sau một năm ở tập viện Xitô Phước Sơn, tu sinh Bửu Dưỡng vì sức khỏe yếu, đau bao tử, bị chứng tê thấp, lại bị mụt nhọt ở chân, được Bề Trên cho về nhà nghỉ dưỡng bệnh tại gia đình ở Huế. Trong thời gian nầy, thầy Bửu Dưỡng có nhiều quan hệ với Dòng Chúa Cứu Thế, với ý muốn nhập dòng nầy, nhưng không thành…
Trong khi dịch giùm cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế một số bài giảng, thầy được đọc sách của Thánh Tôma Aquinô, thầy say mê triết lý và thần học của vị tiến sĩ nổi tiếng thuộc Dòng Đa Minh và có ý muốn theo chân ngài trong một dòng tu chuyên nghiên cứu và thuyết giảng đạo lý Kitô giáo.
Linh mục Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế giới thiệu thầy với Dòng Đa Minh mới đến Hà Nội lập dòng và thầy được chấp nhận để thử một thời gian. Mọi sự đều êm xuôi. Thầy Bửu Dưỡng cảm thấy mình đi đúng hướng và được gởi đi du học tại Pháp ở Dòng Đa Minh chi nhánh Lyon.
Sau một năm tập viện, ngày 26/11/1936, tu sinh Bửu Dưỡng là người Việt Nam đầu tiên của tỉnh Dòng Đa Minh Lyon được tuyên khấn dòng. Mặc dù mụt nhọt ở chân trở nên trầm trọng, thầy Bửu Dưỡng phải chịu giải phẩu cưa một chân, gắn chân giả. Bề Trên Dòng vẫn nhận phong chức linh mục cho thầy vì khả năng trí tuệ đặc biệt của thầy.
Lễ phong chức được cử hành ngày 2/2/1940. Từ nay linh mục con dòng cháu giống của vua chúa triều Nguyễn không còn gì trăn trở băn khoăn mà thẳng đường trực chỉ dấn thân rao giảng Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu cho đến trọn đời.
Để vừa tạ ơn vừa tạ tội với vị tử đạo kiệt xuất Théophane Vénard – thánh quan thầy của mình – tân linh mục Bửu Dưỡng đã tìm về cái nôi sinh trưởng của ngài ở Saint Loup sur Thouet nước Pháp, dâng Thánh Lễ tạ ơn đất quê hương đã sinh ra thánh nhân và ngỏ lời xin lỗi cộng đoàn Công giáo nơi đây vì vua nước Việt Nam đã hành quyết một vị thánh trẻ tuổi hiến thân cho Thiên Chúa đến giọt máu cuối cùng.
Linh mục Bửu Dưỡng tiếp tục học thần học ở Pháp và năm 1945 lấy bằng tiến sĩ thần học. Năm 1947, cha hồi hương về Việt Nam và vào tháng 2/1951, nhậm chức Bề Trên Tu Viện Đa Minh Hà Nội.

TIẾT BỐN
NHỮNG NĂM THÁNG PHỤC VỤ
Hội cấp tế nạn nhân

Đã từng mục kích những đau thương do chiến tranh thế giới thứ hai gây ra ở Âu châu, linh mục Bửu Dưỡng về Việt Nam giữa lúc khói lửa chiến tranh ác liệt. Giáo dân người Nùng, Thái, Tài, Mường từ giáo phận Lạng Sơn chạy về Hà Nội tị nạn khá đông.
Linh mục Bửu Dưỡng tập họp những người thiện chí Công giáo cùng các tôn giáo bạn thành lập “Hội Cấp Tế Nạn Nhân Chiến Tranh” ra đời ngày 25/9/1949… Hội chỉ nhằm mục tiêu hỗ trợ cấp tốc nạn nhân chiến tranh, thăm viếng tù nhân ở các trại giam, can thiệp trả tự do và trợ cấp những gì cần thiết cho họ: giúp nhắn tin, chuyển thư từ, chuyển đồ tiếp tế của thân nhân gửi, thăm viếng, cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo, lập khu tạm trú cho đồng bào tản cư, lập nhà cho cô nhi quả phụ…
Những hoạt động của Hội vang dội ra nước ngoài. Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế sang Hà Nội thăm viếng. Đức cố Giáo Hoàng Piô XII mấy lần gởi tiền giúp Hội. Năm 1951, linh mục Bửu Dưỡng sang Roma, được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến và lắng nghe các hoạt động của Hội.
Giáo xứ Du Sinh
Sau hiệp định Genève, linh mục Bửu Dưỡng dẫn ba thầy trợ sĩ và ba sinh viên thỉnh tu vào Nam, tạm trú tại đường Pasteur Đà Lạt. Ngài lập một trại nhập cư mang tên là Du Sinh trên một vùng đồi diện tích rộng, gần thác Cam Ly, quy tụ những gia đình di cư ngày càng đông: 1000 người năm 1955 và 2500 người năm 1963…
Linh mục Bửu Dưỡng giúp họ ổn định cuộc sống, rồi khởi công xây cất nhà thờ, khánh thành vào lễ Giáng Sinh 1957. Cha có nhiều sáng kiến trong việc thiết kế tháp chuông và tường thành với những hoa văn theo kiến trúc Á Đông. Tên “Du Sinh” cũng do chính ngài phiên âm Việt hóa tên Thánh “Giuse”, vừa diễn tả nguồn gốc “du hành” của những giáo hữu di tản từ Bắc vào Nam.
Công tác mục vụ và giáo dục
Không chỉ có nhà thờ, cha Bửu Dưỡng còn mở trường tư thục Mai Khôi, một trường dạy nữ công gia chánh, một nhà nuôi trẻ mồ côi, xây bệnh xá, đặt hệ thống dẫn nước. Tiếc thay những công trình giáo dục và xã hội trên đây không còn tồn tại. Vừa đảm trách giáo xứ, cha vừa nhận dạy học tại Đại Học Đà Lạt, Saigon, Huế.
Ngày 27/8/1959, linh mục Bửu Dưỡng đi Roma yết kiến Đức Thánh Cha, qua Paris nghiên cứu các phương pháp giáo dục của Pháp rồi đi Mỹ tìm hiểu các dự án định cư người tị nạn chiến tranh, phát triển canh nông, các cơ sở văn hóa, xã hội để về quê hương xây dựng trại định cư mẫu mực hơn. Quả ngài là một mục tử vừa trí tuệ, vừa tận tụy lo lắng cho đoàn chiên cùng ngài “du hành” từ đất Bắc đến vùng cao nguyên Dalat.
Năm 1964, ngài được chuyển về xứ đạo An Hòa (Đức Trọng) thay cho linh mục Henri Nerdeux đổi về Cần Thơ. Linh mục Bửu Dưỡng vừa là chánh xứ An Hòa, vừa dạy triết ở trường trung học Adran của các sư huynh Lasan Dalat.
Đến năm 1969, ngài nhận phụ trách giáo xứ Tùng Nghĩa cũng là một xứ đạo nhập cư quy tụ các giáo dân người Thái, Nùng, Mán…Tại đây ngài hoàn chỉnh công trình của linh mục tiền nhiệm và triển khai một kiến trúc mới, gồm có tháp chuông, thành tường kiên cố, mua thêm đất nới rộng khuôn nhà thờ.
Năm 1970, chuyển về Saigon, cha Bửu Dưỡng hợp tác với hội Minh Trí thành lập Đại Học Minh Đức, với năm phân khoa: Triết Lý, Y Tế, Kinh tế, Thương Mại, Khoa Học Kỹ Thuật, Kỹ Thuật Canh Nông. Không có môn nào mà ngài không quan tâm.
Năm 1974, linh mục chịu đại tang cụ thân sinh Ưng Trình tạ thế. Mặc dù là linh mục, trong tang lễ, ngài vận khăn tang và mặc áo tang như mọi thành viên trong gia đình, với tinh thần tôn trọng nghi lễ phụng tự của truyền thống gia đình.

TIẾT NĂM
LÁ RỤNG VỀ CỘI
Nước Trời vĩnh cửu

Sau năm 1975, linh mục Bửu Dưỡng sống với cộng đoàn học viện Đa Minh ở Thủ Đức. Sức khỏe yếu dần, chân đi lại rất khó khăn nên ngài đến nghỉ tại “Gia Đình Na Gia” rồi chuyển đến một ngôi nhà giữa cánh đồng thoáng mát gần Bình Triệu. Mặc dù yếu mệt, ngài không ngừng tiếp khách, bàn luận, giảng giải với nhiều người đến thăm.
Ngày 1/5/1987, sau khi tiếp chuyện hơn một giờ với một linh mục, trao đổi về vấn đề Giáo Hội, ngài trở về phòng và chết gục trên bàn giấy. Ngài quả là linh mục trung kiên bàn luận và diễn giảng cho đến hơi thở cuối cùng. Ngài hưởng thọ 80 tuổi.
Thánh Lễ an táng được cử hành trọng thể tại nhà thờ Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, với sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, cha Nguyễn Văn Lập chánh xứ Bình Triệu, cha Ánh giám tỉnh Dòng Đa Minh là linh mục chủ tang, cha Lịch giảng, với sự hiện diện của Đức Cha Lãng, địa phận Xuân Lộc cùng với 80 linh mục, xung quanh rất nhiều cựu môn sinh, sinh viên, bạn bè thân hữu…Ngài được an nghỉ giữa anh em Đa Minh của ngài tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa, có khoảnh đất dành cho Dòng Đa Minh.
Di sản thiêng liêng và văn hóa
Ngoài công trình đa dạng của cố linh mục về mục vụ, nghệ thuật kiến trúc, nhất là về mặt giáo dục và giảng dạy, ngài còn để lại một di sản thiêng liêng và văn hóa khá dồi dào gồm nhiều tác phẩm:
–     Tôn giáo: Chúa Cứu thế: “Ngài là ai?” Ngài muốn gì? Ngài ở đâu?
–     Triết học quan: Các triết lý Đông, Tây, Kim, Cổ, gồm ba cuốn: Quan niệm triết học (Triết học nhập môn). Quan niệm người đời (siêu hình, tâm lý, luân lý). Quan niệm đời người (đạo đức, xã hội, chính trị).
–    Vấn đề đau khổ (đối chiếu các tư tưởng tôn giáo, triết học, văn nghệ và khoa học).
–    Tứ Thư Giải Luận (phiên âm, dịch nghĩa, giải thích và bình luận Tứ Thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.
–    Tùng Thiện Vương (tiểu sử và thi văn): viết chung với thân phụ là cụ Ưng Trình.
–    Sưu tập, giải thích ca dao, tục ngữ Việt Nam, sắp theo thứ tự A,B,C. Sưu tập nầy được thực hiện vào những năm cuối đời của ngài, nhưng còn dở dang…
Nhận định
Linh mục Bửu Dưỡng là một học giả hàn lâm của văn hóa Việt Nho và của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, đi từ ác cảm đến hiến thân trọn vẹn cho Chân Lý Tin Mừng của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thế.
Theo linh mục Hoàng Đắc Anh, cựu Bề Trên Dòng Đa Minh nhánh Lyon ở Việt Nam, linh mục Bửu Dưỡng đã sống trọn vẹn đến tận cùng đặc sủng của Dòng Đa Minh thuyết giáo, đã say mê chiêm niệm, nghiên cứu, chấp bút và giảng dạy để loan báo Tin Mừng trọn đời, không ngừng nghỉ.
Phải chăng linh mục Bửu Dưỡng là một tổng hợp Đức Tin và triết lý nhân bản, văn hoá Đông và Tây, Triết Lý nhân sinh và Thần Học siêu linh, khoa học và nghệ thuật, lý thuyết và thực hành…Suốt đời linh mục luôn hướng về thế giới siêu linh của Tin Mừng cứu độ phổ quát cho tất cả nhân loại mà không hề mất gốc Á Đông và Việt Nam mang dòng máu con Hồng cháu Lạc. Ngài vừa là một “Du Sinh” miệt mài rảo bước xây dựng Nước Trời ở trần thế, vừa là “Thiên Phong”, ngọn gió cao hướng về Nưóc Trời vĩnh cửu.

Tác giả Đỗ Tân Hưng

TRƯỚC THIÊN CHÚA

TRƯỚC THIÊN CHÚA

                                                tác giả:  CHU TẤT TIẾN

 

Trước Thiên Chúa,

Giá trị Con Người không bằng hạt cát biển kia

Cho dù có thiên tài hay vua chúa, đội mão, đi hia

Chỉ một cơn sóng lên, đã không còn hiển hiện

Dù là Roosevelt, Churchill,  Stalin, Hitler, các thiên tài hùng biện

Hay  Goebbels,  Mussolini, hoặc Francisco Franco

Những triết gia lừng danh Marx, Nietzsche, Socrates, Plato

Những khoa học gia Einstein, Pascal, Von Braun, Pasteur

Người chế bom Nguyên Tử: Robert Oppenheimer

Những anh hùng lẫm liệt Bonapart, Charlemagne, Afred the Great,

Hay Henri V, Joan of Arc, Tào Tháo, Justinian the Great

Và những người khai phá Darwin, Rousseau, Columbus..

Tất cả, tất cả đã đi vào một chỗ “MUST”

Đó là HƯ VÔ, ẢO ẢNH, VÔ THƯỜNG

Dáng dấp xưa được ca ngợi, nay chỉ còn xương

Hay đã thành bụi, chờ một cơn gió thổi qua, tan biến.

Trước Thiên Chúa,

Núi lửa cũng chỉ là một ánh đèn điện

Sóng thần cao ngút là sóng hồ bơi

Động đất 8 độ Richter: một lần Ngài thở hơi

Vì tất cả vũ trụ là đồ chơi của Thượng Đế.

Trước Thiên Chúa,

Hạnh phúc, khổ đau, vinh quang, khoe mẽ

Trống trận, kèn vang, các Tu Sĩ với lọng vàng

Từng đoàn hùng binh, tiếng hát vang vang

Cũng chỉ là một cơn mưa sa mạc

Ầm ĩ đấy, rồi phút sau tan tác

Xác người chồng lên như cỏ rạc đêm sương

Bao mộng mơ, ân oán, yêu thương

Một giây phút bỗng trở thành mộng ảo

Đã biết bao công trình kiêu ngạo

Vút tận trời rồi chốc lát thành tro

Titanic kiêu hùng hơn triệu giấc mơ

Tưởng vĩnh viễn, ai ngờ chìm đáy biển

Tòa tháp đôi, biểu trưng của thành công hiện diện

Nay còn đâu? Một khoảng trống thiên thu…

Trước Thiên Chúa,

Mắt nhân loại như đui mù

Không nhìn thấy tương lai toàn thế giới

Không nhìn thấy đời mình trong bước tới

Sẽ hụt chân? Vấp ngã? Chết như chơi…

Biết bao triệu người, khi chết vẫn mỉm cười

Vì phút trước, đang hân hoan, vui sướng

Mới mua xe, vừa cưới vợ, vinh thăng Tướng

Vừa đậu xong, mới trúng số, trúng đề

Bao tuổi xuân mà nhựa sống tràn trề

Cũng nhắm mắt cùng trưởng huynh lọm khọm

Trước Thiên Chúa,

Nếu con người không tự mình bé mọn

Không khiêm nhường, sống giản dị, tránh bon chen

Không biết chìa tay với kẻ đứng bên

Không chia xẻ với người già, yếu đuối

Không hiếu thảo, yêu thương, sám hối

Thì bất ngờ…. đời sẽ biết về đâu?

Một hôm nào, tóc bạc, yếu đau

Chân run rẩy, mong một nụ cười bên cạnh

Sẽ thấy… ôi! Cuộc đời sao ghẻ lạnh!

Chẳng ai thương, cho ly nước cầm hơi

Rồi lúc trái tim cảm thấy rã rời

Lo sợ, hãi hùng, thì… chao! Đã trễ..

Những kẻ ác tâm sẽ kinh hoàng muôn vẻ

Vì khi xưa từng nhạo báng loài người

Giờ thấy lừng lững Thần Chết đến nơi..

Muốn cúi lạy cũng không còn kịp giấc…

Vậy, trước Thiên Chúa

Xin chân thành lột xác

Chỉ biết Yêu Người, giúp đỡ tha nhân

Giúp người bần hàn, dù chẳng thiết thân

Những người đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ

Giúp quê hương được an vui ngày cũ

Để mai sau, thanh thản chốn quê nhà

Và yên vui những ngày cuối an hòa

Bên những nụ cười, đầy tình yêu chất ngất…

CHU TẤT TIẾN

Tháng 6, 2012

 

Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: chứng nhân tình yêu và hi vọng

 

 Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận: chứng nhân tình yêu và hi vọng

 July 20, 2012

                                                                                            Thiên Triệu giới thiệu

 

WHĐ (19.07.2012) – Hãng thông tấn Zenit đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Waldery Hilgeman, cáo thỉnh viên trong tiến trình phong chân phước cho Đức Cố hồng y Phanxicô Xaviê. Khi được hỏi về điều gì gây chú ý nhất trong cuộc đời của ngài, ông nói: “Điều đánh động tôi trong linh đạo của ngài là tình yêu liên lỉ đối với tha nhân. Ngài bị cầm tù và khi ở trong tù, ngài vẫn không ngừng yêu thương những người bách hại ngài, từ những viên chức cao nhất của chế độ đến anh lính canh thấp bé nhất”.

Đức hồng y Văn Thuận là Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn khi thành phố này bị cộng sản kiểm soát năm 1975. Không lâu sau đó, ngài bị giam giữ trong trại cải tạo suốt 13 năm. Theo tiến sĩ Hilgeman, ngài là một tù nhân phải chịu sự bất công, “theo nghĩa là đã không có sự tố cáo thực sự, cũng không có xử án, kể cả bản án. Do đó có thể nói rằng đối với chúng tôi, ngay cả việc ngài bị tố cáo về tội gì cũng là một vấn đề. Trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, có nhiều khía cạnh dẫn đến việc coi vị giám mục này là người nguy hiểm cho chế độ, một chế độ trống rỗng như chế độ cộng sản. Tuy nhiên đã không có sự tố cáo chính thức nào.”

Trong thời gian bị giam cầm, ngài đã bí mật viết những sứ điệp cho các tín hữu, nhiều năm sau này được gom góp lại và xuất bản. Trong những sứ điệp này, Đức hồng y Văn Thuận nhận ra ngay từ đầu rằng “Thiên Chúa đòi hỏi ngài hiến dâng tất cả cho Chúa, từ bỏ mọi sự và sống cho Chúa”. Hilgeman nói: “Vì Đức hồng y đã hiểu được rất mạnh mẽ điều này – đặc biệt trong giai đoạn bị cầm tù – là: công việc của Chúa là chính Chúa. Là tổng giám mục phó, ngài đã sống cho những công việc của Chúa. Và ngài nhận ra rằng khi bị cầm tù, Chúa đòi hỏi ngài rời bỏ công việc để chỉ sống cho Chúa mà thôi”.

Về những giai thoại trong thời gian Đức hồng y bị cầm tù, tiến sĩ Hilgeman nhắc lại sự hoán cải của nhiều lính cai tù. Ông nói: “Bằng tình yêu hoàn toàn cho họ, Đức hồng y đã cho thấy thế nào là tình yêu của Đức Kitô. Không được giảng, không thể trực tiếp nói với những người này về Đức Kitô, nhưng bằng mẫu gương của Đức Kitô nhập thể, ngài đã có thể hoán cải họ, đây là điều rất độc đáo”. Do bối cảnh chính trị của Việt Nam, thật khó để phỏng vấn những người lính canh này, nhưng vị cáo thỉnh viên cho biết chứng từ của những người này có thể được đưa vào tiến trình điều tra.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận được ra khỏi trại giam năm 1988 mặc dù vẫn bị quản thúc tại gia. Ngài được phép đi Rôma năm 1991 nhưng không được trở lại Việt Nam cho đến năm 2001 khi ngài được vinh thăng hồng y. Nói về những đóng góp của Đức hồng y trong tư cách là Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, tiến sĩ Hilgeman cho rằng Chúa đã chuẩn bị cho Đức hồng y vào tác vụ của ngài tại giáo triều Rôma. “Có thể nói rằng với việc ngài đến Rôma, chúng ta hiểu rõ hơn những biến cố trong đời ngài. Vai trò của Hội Đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình là vai trò cực kỳ nhạy cảm, vì phải quan tâm nhiều đến kinh tế, công lý, nạn đói trên thế giới, hòa bình, tình liên đới và những điều tương tự; nghĩa là bao hàm toàn bộ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Do đó, một giám mục đến từ một xã hội rất nghèo như Việt Nam lúc đó, và là người đã từng bị cầm tù, đã trải nghiệm nơi chính bản thân sự bất công của thế gian chỉ vì mình là người công giáo. Chắc chắn là Chúa Giêsu đã chuẩn bị cho Đức hồng y rất tốt để ngài làm nhiệm vụ tại Rôma”.

Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận đã qua đời tại Rôma vào tháng 9 năm 2002 vì bệnh ung thư. Nói về tiến trình phong chân phước, tiến sĩ Hilgeman cho biết đã phỏng vấn trên 130 nhân chứng, từ các hồng y và giám mục cho đến tu sĩ và giáo dân. Theo ông, tiến trình đang diễn ra rất tốt.

Về việc nhiều tín hữu đạo đức hi vọng Đức hồng y Nguyễn Văn Thuận sẽ được phong thánh, vị cáo thỉnh viên suy nghĩ những lời Đức hồng y nói về hi vọng: “Trong các tác phẩm và bài viết của ngài, có một từ mà ngài thường xuyên nhắc đến, và xem ra những chứng nhân cũng nói như thế khi đến trước Tòa án Rôma, đó là Hi Vọng, đừng đánh mất hi vọng vào Chúa. Và có lẽ ngài sẽ được gọi là vị thánh của hi vọng

nguồn: Từ Maria Thanh Mai gởi