GANH TỴ

GANH TỴ

 Dường như ganh tị xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, tuỳ theo lứa tuổi mà ganh tị biến đổi.  Nó biến đổi mà không phải là biến mất.  Nó lui vào hậu trường nằm chờ cơ hội để cho mối ganh tị khác chiếm hữu trên sân khấu cuộc đời.  Bằng chứng rõ ràng là có những ganh tị xảy ra lúc còn nhỏ, sau này thành người lớn nó lại xuất hiện, và ngay cả tuổi cao niên nó vẫn còn tái diễn, trình làng.  Nhiều vụ kiện cáo vì tranh nhau miếng cơm, manh áo.  Nhiều người ham quyền cố vị vì ganh nhau ăn trên, ngồi trên, có cơ hội đọc diễn văn, tuyên bố, phát ngôn.

Cuộc sống Đông Tây đều có những điểm giống nhau như lúc nhỏ hay ganh ăn.  Lớn hơn chút ganh chơi.  Tuổi thiếu niên ganh nói.  Tuổi thanh niên ganh xe mới.  Tuổi sắp sửa lập gia đình ganh bồ nhí.  Tuổi vào đời ganh nhà cao, cửa rộng, ganh chức tước, ganh tiền, hám danh.  Có đủ ăn mặc, ganh đi đây đó.  Khi về già ganh viện dưỡng lão, và khi chết ganh đám táng lớn, mồ cao, mả rộng.

Ganh về tâm lí phát xuất do tự kiêu.  Cho là mình hơn người mà không được trọng dụng.  Cờ không đến tay không được phất.  Chỉ trích, phê bình cho tài người xuống đề cao tài mình lên.  Ganh trong trường hợp đó thường hay có phản ứng ngược vì càng cố khoe tài càng vạch ra nhiều kẽ hở bất tài.

Về của cải vật chất ganh tị nói lên điều không hài lòng, còn thiếu.  Nếu hài lòng đã không ganh.  Ganh vì tự thấy còn thiếu, muốn có hơn, nhiều hơn.  Ganh vì lòng tham cũng có mà vì nghĩ về mình cũng nhiều.  Nhiều người vay công, mượn nợ để trang hoàng nhà cửa, trưng đeo trên người để tỏ ra mình cũng như người hoặc hơn người.

Ganh ăn chính là trường hợp của người công nhân phàn nàn với ông chủ sau khi đã thoả thuận tiền công nhật là một đồng.  Ông ta than phiền là phải vất vả nắng nôi suốt ngày.  Người thợ thuê giờ sau hết cũng chịu nắng nôi giữa chợ suốt ngày.  Cộng thêm cái lo lắng gia đình lấy của đâu ra cho bữa ăn tối.  Đang lúc anh tuyệt vọng thì ông chủ đến cứu vớt anh.  Không phải chỉ mình anh được ấm no, hạnh phúc mà cả gia đình anh, chung bữa cơm tối, được tụ họp xum vầy.  Điều này cho thấy thực thi bác ái cho người nào đó thì không phải mình người đó hưởng mà cả người thân được hưởng nhờ việc tốt lành.

Nhóm thợ thuê buổi sáng sớm còn được bàn thảo giá cả thuê mướn công nhật.  Nhóm thợ thuê vào giờ sau cùng không hề dám hé môi đặt vấn đề lương bổng.  Có người thuê là mừng rồi.  Còn đâu cơ hội để bàn định giá cả.  Làm nguyên ngày có bữa cơm ngon; làm nửa ngày mong chén cháo lỏng.  Dẫu thế, có vẫn hơn không.  Nhóm thợ đầu tiên biết tiền công nhật một đồng một ngày.  Nhóm thợ thứ hai nhận lời hứa được trả công xứng đáng.  Nhóm thợ thứ ba không được hứa gì cả chỉ biết thế nào cũng được trả công.  Ít nhiều hoàn toàn tuỳ thuộc vào lòng tốt của chủ vườn nho.  Chủ vườn nho thuê thợ không phải vì cần mà vì lòng thương họ bơ vơ, không công việc làm nuôi thân.  Chính ông xác định điều này.  Nếu cần thợ cho vườn nho có lẽ ông đã thuê sáng sớm.  Ông thuê vào giấc giữa trưa, gần tối vì thấy thợ chờ suốt ngày không ai thuê nên ông thuê.  Thuê vì thương hại hơn là nhu cầu.  Như thế việc ít, thợ nhiều.  Nếu tính lợi người ta đã chọn thợ giỏi, lành tay nghề.  Ông chủ vườn nho không tính lợi cho mình mà nghĩ đến an sinh của thợ nhiều hơn.  Làm như thế ông thiệt về tài chánh nhưng lợi về đàng nhân đức, đàng nhân lành.

Người thợ lên tiếng phàn nàn nếu có lòng thương người hẳn phải nhìn biết ông chủ là người tốt và mang lòng cám ơn.  Đàng này điều anh ước mong không thoả nên anh lên tiếng phàn nàn.  Anh thấy lòng tham của anh mà không thấy lòng tốt của ông chủ vườn nho.  Cách nhìn này khá thông dụng giữa các Kitô hữu.  Chúng ta hay than phiền về cuộc sống, về đau khổ, về bệnh tật, về rủi ro mà không nhìn thấy Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu.  Chúng ta cũng hay ghen với người này, bì với người khác mà không biết đem lòng cảm tạ những ơn Chúa ban.  Chúng ta không dùng khả năng phát triển tài năng Chúa ban mà phí phạm tài năng vào việc tìm tòi, để ý phê bình, ghen với người khác.  Người mình phê bình thường là người quen, người từng làm ơn hay là bạn chân tình.  Chúng ta thử áp dụng câu ông chủ vườn nho nói với chính mình.  Đặt mình vào chỗ người ghen tị với bạn bè, bà con để xét xem việc mình ganh tị xứng đáng hay mình đang chê trách lòng nhân từ của ông chủ.

Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?  Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao?  Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?

Lm Vũ Đình Tường

****************************** ***************

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

 Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

 Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

 Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
 

Rabbouni 

From Langthangchieutim

TÔI ĐI HỌC

From facbook:  Văn Lang‘s post
 
 
 
TÔI ĐI HỌC

Cha mất sớm, mẹ một mình quang gánh nuôi bốn đứa con thơ lúc tôi chưa đến tuổi đi học.

9 năm từ tiểu học đến hết trung học đệ nhất cấp, học sinh chỉ phải đóng một khoản tiền nhỏ gọi là “Niên Liễm”, riêng anh em tôi thì được miễn. 
Mẹ bận túi bụi vào việc cơm áo nên chẳng còn thời giờ bảo bạn gì, chuyện dạy dỗ chúng tôi giao hết cho nhà trường. 
Thời ấy, việc học thật nhẹ nhàng mà hiệu quả. Tôi còn thừa ối thời gian để đọc vô số tiểu thuyết (thứ mà tôi rất mê ngay từ năm lớp 4) trong thư viện trường. Lại còn thời gian để tự củng cố kiến thức thường xuyên, nên sự học rất chắc chắn. Suốt 9 năm, tôi chẳng tốn một đồng để “học thêm” ngày nào cả. 
Và tôi học giỏi, tôi không hư hỏng, tôi biết sống nhân nghĩa và không quá nhu nhược hay bàng quan trước những bất công xung quanh.

Đó là mảnh đất giáo dục của VNCH mà tôi may mắn được gieo trồng ngay từ những năm đầu quyết định nhân phẩm của một con người. 
Xin cảm ơn!

Tiết lộ của một Việt kiều về điều hay nhất của nước Mỹ

 From facebook:  Chanh Dang

Tiết lộ của một Việt kiều về điều hay nhất của nước Mỹ

Nước Mỹ không phải thiên đàng, nhưng cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ hay nhất thế giới ở chỗ chấp nhận những người đến đây làm việc, cố gắng, cần cù.

Thấy tôi du lịch khắp nơi, nhiều bạn tưởng tôi nhiều tiền. Sự thật tôi chỉ là một người Mỹ trung bình. Thời tuổi trẻ tôi làm việc hùng hục như người Mỹ. Làm việc nhiều, đóng thuế nhiều, để dành nhiều.

Ngày già, tôi cũng như nhiều người Mỹ thuộc giới trung lưu, có lợi tức khả quan, lãnh mỗi tháng đến chết. Những người Việt Nam không may mắn đến đây lúc tuổi già, lãnh tiền nhân đạo mỗi tháng 500-600 đô la đem về Việt Nam sống là vua rồi. Người Mỹ trung bình lương hưu trí nhiều hơn vậy nên cuộc sống đáng sống lắm.

Đầu tháng 5 năm 1975, chúng tôi đã đến New York, theo phái đoàn nhân viên ngân hàng Chase Sài Gòn. Lúc đó, báo chí Mỹ như tờ “The New York Times” đều đăng tin. Mỗi gia đình nhân viên Chase Sài Gòn được một gia đình chức sắc Chase New York nhận về giúp đỡ một thời gian. Lúc chúng tôi hiểu rõ hơn về đời sống ở Mỹ, và thoải mái phần nào với tiếng Mỹ, chúng tôi được ra riêng, dọn về khu phố nhiều người Việt Nam sống.

Ưu điểm của người Việt ở Mỹ là cần cù, cố gắng làm việc, tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, không so đo, cải cọ hay bực bội với sếp hay đồng nghiệp. (Ảnh minh họa)

Lúc chúng tôi ra riêng, ở khu tôi ở có một vài gia đình người Việt Nam cũng mới đến đây như tôi. Sống chung với đồng hương trong xóm cũng hay lắm. Thỉnh thoảng, ngày nghỉ đi chợ, nghe họ nói tiếng Việt với nhau, tôi thấy trong lòng vui quá, đỡ nhớ nhà.

Thời mới đến, tôi nhớ nhà nhiều lắm. Mỗi lần nghe John Denver ca bản “Country road take me home” (Đường làng ơi, hãy đưa tôi về nhà…) tôi lại khóc tức tưởi, rất buồn. Hoặc mỗi lần nghe Madonna ca bản “Don’t Cry For Me Argentina” (Argentina ơi, đừng khóc cho tôi…), tôi bắt đầu khóc.

Lúc ban đầu, trong xóm tôi ở chỉ có vài gia đình ngân hàng Chase. Nhân viên Chase Sài Gòn được chia làm hai nhóm định cư.

Nhóm có lợi tức cao, gia đình ít con, mướn nhà ở một khu khang trang bên Hoboken, tiểu bang New Jersey, bên kia sông Hudson.

Nhóm có lợi tức thấp, gia đình đông con, mướn nhà ở một khu rẻ tiền hơn ở quận Queens thành phố New York. Gia đình tôi ở khu này, vợ chồng và 4 con ở chen chúc trong căn hộ (apartment) 2 phòng ngủ.

Dần dà người Việt Nam từ từ dọn đến khu tôi ở, vừa rẻ, vừa có sẵn một nhóm Việt Nam, vui lắm. Người Việt tới đông quá, nên tôi thường gọi đây là Xóm Việt Nam. Lúc đó chúng tôi đối xử với nhau như người Việt Nam sống xa quê hương, không phân biệt Công Giáo, Phật Giáo, hay địa phương.

Hoàn cảnh lịch sử làm chúng tôi hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, đời sống tinh thần của chúng tôi phong phú hơn. Người Nam nấu ăn món Nam, xong mời bạn bè Bắc và Trung thưởng thức. Ngược lại, tôi cũng được các gia đình Trung và Bắc mời mọc, nên chúng tôi hiểu văn hóa của nhau nhiều hơn, chấp nhận nhau hơn lúc ở Sài Gòn.

Gia đình của tôi sau này là một nước Việt Nam nho nhỏ. Con rể của tôi là người Bắc Hà Nội di cư. Dâu của tôi người Huế, chưa bao giờ biết Sài Gòn. Đặc biệt gia đình bên dâu của tôi gốc người Hoa (người Việt gốc Hoa). Đúng như một người nào đó nói, Mỹ là một “melting pot (nồi lẩu), một nơi hóa giải mọi khác biệt màu da, chủng tộc, và địa phương.

Nhờ sống chung với nhau trong xóm, nên chúng tôi ủng hộ tinh thần lẫn nhau, mạnh dạn bắt đầu lại. Chúng tôi cùng chung hoàn cảnh, nên hiểu nhau, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nên mặc dầu sống dưới đáy xã hội, chúng tôi cũng chịu được. Ai cũng cố gắng tìm việc làm, ai cũng có gắng gởi thùng đồ về cho gia đình bên Việt Nam bán lại.

Sống trong xóm Việt Nam vui lắm. Lúc đó trong xóm có hai bà, một bà đui và một bà què. Bà đui cõng bà què đi chợ, nói chuyện tiếng Việt inh ỏi, ngồi uống cà phê ngó ra cửa sổ nhìn cảnh tượng này, tôi thấy thương người Việt Nam mình vô cùng.

Nhờ sống gần nhau, nên mỗi dịp cuối tuần, các bà bày ra nấu ăn món này món kia, thí nghiệm cách dùng “ingredient” (nguyên liệu) tìm được ở chợ Mỹ, để biến chế nấu nướng các món ăn Việt Nam. Đây là một kỹ năng quí giá, ai học được, hay nói đúng hơn khám phá ra được cách nấu, truyền thụ và chia sẻ với các bạn trong xóm, nên cuộc đời dễ chịu lắm. Ở Mỹ mà còn ăn được thức ăn Việt Nam, lúc đó quý lắm.

Gần xóm tôi ở có một nhà thờ Công giáo. Ở đây có một Cha người Việt từ Rome qua sống. Nhờ ông tổ chức thỉnh thoảng người Việt Nam gặp nhau, ăn cơm Việt, ca hát tiếng Việt. Tinh thần Việt Nam trong xóm nhờ vậy đỡ cô đơn, sống lây lất qua ngày mấy năm. Mỗi lần tổ chức như vậy, vợ tôi nấu nướng một số thức ăn đem tới, con tôi tham gia văn nghệ giúp vui, cuộc sống như vậy cũng bận rộn, nếu không muốn nói là vui.

Tôi bận rộn nhiều, vừa học vừa đi làm. Cuộc đời chỉ dễ thở khi tôi dứt khoác với quá khứ dạy học, viết văn, làm sách ở Sài Gòn, để học MBA chuyên môn về vi tính áp dụng trong thương mại. MBA là Master of Business Administration (Thạc sĩ quản trị kinh doanh). Hơn 35 năm trước, Phố Wall cần tự động hoá (automation), nên những người như tôi dễ kiếm việc làm lắm. Cuộc đời tôi thay đổi từ đó.

“Tôi thấy nhiều bạn hiểu sai về xã hội Mỹ. Nhiều bạn nói đến Mỹ không cần làm gì cả, cuối tháng Obama liệng tiền qua cửa sổ cho bạn xài” (Ảnh minh họa)

Các bạn trẻ muốn tới Mỹ học hoặc làm việc, các bạn có biết ưu điểm và điểm yếu của người Mỹ gốc Việt là gì không? Ưu điểm của chúng ta là cần cù, cố gắng làm việc, tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, không so đo, cãi cọ hay bực bội với sếp hay đồng nghiệp.

Ưu điểm của người Mỹ gốc Việt thế hệ tôi ra đi năm 1975, là chúng tôi đã có sẵn một mớ kiến thức đại học, nên dễ dàng học lại ở Mỹ. Học xong MBA, tôi còn học thêm nhiều “Advanced Certificate” về Tài Chánh (Finance) và Business Economics (Kinh tế học áp dụng trong quản trị xí nghiệp) v.v.., nên khả năng chuyên môn được quý trọng ở Phố Wall lúc đó.

Ở Mỹ nếu các bạn tìm được việc làm đúng khả năng, lương bổng ở đây thoải mái lắm. Làm việc ở Phố Wall vài năm, lần vui nhất là tôi được hãng Consultant (Cố vấn, chuyên viên) nơi tôi làm việc thưởng một chuyến du lịch Âu Châu cho vợ chồng. Lúc đó họ nói là tặng chúng tôi “A trip for two” (một chuyến du hành cho 2 người), hay lắm.

Từ đó cuộc đời tôi đã đổi khác. Thú vui du lịch, đi, thấy, và hiểu thế giới bao la ngoài Việt Nam và Mỹ, bắt đầu nảy nở từ chuyến đi này. Từ Mỹ tôi bay qua London thăm viếng thành phố này, sau đó đi Pháp, Bỉ, Tây Đức, Áo, Ý Đại Lợi, và Paris, sau đó bay trở về Mỹ. Thật là một chuyến du hành mở mang kiến thức về thế giới.

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy nước Mỹ không phải thiên đàng, nhưng cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ hay nhất thế giới ở chỗ chấp nhận những người đến đây làm việc, cố gắng, cần cù.

Đặc biệt, họ rất đãi ngộ những chuyên viên giúp đất nước này khá hơn. Các bạn nghe nói nhiều về một vài người Việt Nam thành công ở Mỹ, giàu có, tiếng tăm, quyền lực.

Tôi chỉ là một người Mỹ trung bình, không quyền lực, không tiếng tăm, không giàu có nhưng tôi cũng sống được tự do như mọi người. Đó là điểm son của xã hội Mỹ.

Đọc blog các bạn, tôi thấy nhiều bạn hiểu sai về xã hội Mỹ. Nhiều bạn nói đến Mỹ không cần làm gì cả, cuối tháng, Tổng thống Obama liệng tiền qua cửa sổ cho bạn xài. Cứ ở không tha hồ đi chơi, ở Mỹ ăn mì gói, để dành tiền về Việt Nam làm Vua.Thật tình ở Mỹ, nếu các bạn ở không các bạn cũng sống được, nhưng không huy hoàng và đáng sống bằng người cố gắng làm việc.

Người Mỹ trả lương theo khả năng. Nếu các bạn có bằng kỹ sư mà người Mỹ cần, họ có thể trả bạn trung bình $60,000 lúc mới ra trường, từ đó đi lên.

Ở đây các bạn không cần tham nhũng, ức hiếp dân lành, cũng đủ tiền sống cuộc đời đáng sống. Cháu tôi đang học đại học năm tới ra trường. Mùa hè vừa qua cháu làm việc, lương tương đương với một người $60,000 một năm.

Lê Thanh Hoàng Dân (người Việt sống ở Mỹ từ năm 1975 đến nay)

Theo tinnuocmy.com

VÒNG ÔM BAO DUNG

 VÒNG ÔM BAO DUNG

Hãy yêu thương nhau như Cha trên trời yêu thương các con.  Đức Giêsu muốn thử thách chúng ta qua câu nói này.  Có nhiều điều ẩn chứa trong câu nói này hơn chúng ta tưởng.  Thiên Chúa yêu thương như thế nào?

Đức Giêsu định nghĩa giúp chúng ta: Thiên Chúa để cho mặt trời chiếu tỏa trên người lành cũng như người dữ.  Chúa yêu thương không kỳ thị, đơn giản ôm vào lòng tất cả mọi sự.  Mặt trời không chiếu sáng một cách chọn lọc, tỏa nắng ấm trên hoa màu vì chúng tốt, không tỏa nắng ấm trên cỏ dại vì chúng xấu.  Mặt trời cứ chiếu sáng và mọi vật tùy theo điều kiện của mình mà hấp thụ nắng ấm.

Đó là sự thật đáng ngạc nhiên: Thiên Chúa yêu khi chúng ta tốt cũng như lúc chúng ta xấu.  Thiên Chúa yêu các thánh trên trời cũng như kẻ dữ ở hỏa ngục.  Họ chỉ đáp trả khác nhau mà thôi.  Người cha nhân từ yêu cả hai người con, người con hoang đàng và người anh cả, yêu cái yếu đuối của đứa này và tính đố kỵ của đứa kia.  Lòng bao dung của người cha không còn lệ thuộc vào việc chúng có hoán cải hay không.  Ông yêu chúng ngay cả khi chúng rời bỏ ông.

Và Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta yêu thương theo cách này.

Chúng ta làm điều đó bằng cách nào?  Trước hết, phải đặt câu hỏi này: Nếu Thiên Chúa yêu chúng ta lúc xấu cũng như lúc tốt, vậy tại sao phải trở nên tốt?  Đây là một câu hỏi rất hay, dù không sâu sắc lắm.  Đương nhiên được yêu thương không bao giờ được hiểu đó là phần thưởng vì mình tốt.  Thay vào đó, trở nên tốt, luôn luôn là kết quả của người được yêu.  Chúng ta không được yêu bởi vì chúng ta tốt, nhưng chúng ta hy vọng sẽ trở nên tốt vì chúng ta trải nghiệm được tình yêu.

Nhưng bằng cách nào để chúng ta dang tay ôm mọi người vào lòng một cách không kỳ thị như Chúa?  Bằng cách nào để tình yêu chúng ta tỏa ra với người tốt cũng như với người xấu, mà không cần phải giải thích sống cách nào, làm bất cứ gì là chuyện bình thường?  Bằng cách nào để chúng ta yêu thương như Thiên Chúa và vẫn giữ được con người thật và giá trị thật của mình?

Chúng ta làm điều đó bằng cách giữ vững lập trường và đạo đức của mình một cách đầy yêu thương và độ lượng.  Đức Giêsu có cho một ví dụ về điều này.  Ngài yêu thương mọi người, những người tội lỗi cũng như các thánh, và không bao giờ cho bên nào quan trọng hơn bên nào.  Quả thật, một lòng bao dung đầy yêu thương ôm lấy cả đối nghịch.

Lấy ví dụ: Thử tưởng tượng vào một dịp cuối tuần nào đó, đứa con gái đang học đại học của bạn đi với bạn trai về thăm nhà.  Mặc dù biết chúng đã sống với nhau, nhưng bạn vẫn lúng túng: Bạn có bắt chúng ngủ riêng khi chúng ở nhà không?  Câu trả lời của bạn là có và rõ ràng, bạn nói với con gái, từ tốn nhưng dứt khoát, rằng khi chưa lập gia đình và đang ở dưới mái nhà của bạn, chúng sẽ phải ngủ phòng riêng.  Con gái bạn sẽ phản đối: “Đạo đức giả, giá trị của con không giống ba mẹ, và con tin điều này chẳng có gì sai cả!”

Phản ứng của bạn là không kỳ thị, loại vòng ôm nhưng có phân biệt của Đức Giêsu: Bạn ôm con vào lòng và nói rằng bạn yêu nó, bạn biết hai đứa đã ngủ chung với nhau, nhưng hai đứa không thể làm điều đó trong nhà bạn, dưới mái nhà này.  Mọi chuyện diễn ra trong ngôn ngữ của vòng tay ôm bao dung, vòng tay ôm và con người bạn lúc đó, nói với con gái bạn hai điều rõ ràng sau: “Mẹ yêu con, con là con của mẹ, dù con thế nào chăng nữa, mẹ lúc nào cũng yêu con.  Tuy nhiên mẹ không đồng ý với con chuyện này.”

Vòng tay ôm của bạn không nói, “Mẹ đồng ý với con!”, nhưng đơn giản nói lên rằng, “Mẹ yêu con!” và khẳng định tình yêu của bạn, trong khi bạn vẫn giữ vững lập trường cá nhân và đạo đức của mình, có lẽ hơn bất cứ điều gì bạn trao tặng cho con, điều này sẽ giúp con bạn suy nghĩ nhiều hơn về lập trường đạo đức của bạn và lý do tại sao bạn giữ vững nó một cách sâu đậm.

Vòng tay ôm có sức tỏa ra yêu thương và thông hiểu rộng lớn ngay cả khi bạn cần giữ vững lập trường đạo đức của bạn; cách này là cách cần thiết không những đối với gia đình và cộng đoàn, nhưng còn ở các lãnh vực khác của cuộc sống – nhà thờ, đạo đức, tư tưởng, mỹ học.  Công Giáo Tin Lành, người thuộc phái Phúc Âm và người theo thuyết Nhất Thể, Ki-tô hữu và tín đồ Do-Thái, tín đồ Do-Thái và tín đồ Hồi giáo, tín đồ Ki-tô và tín đồ Hồi giáo, nhóm chống phá thai và nhóm ủng hộ phá thai, người tự do và bảo thủ, người bất đồng quan điểm về hôn nhân và giới tính, người theo thị hiếu cổ điển và theo thị hiếu phổ thông, tất cả phải tìm thấy yêu thương và đồng cảm đủ để có thể ôm nhau, biểu lộ yêu thương và thông hiểu ngay cả khi vòng ôm này không có ý muốn nói các khác biệt là không quan trọng.

Có một thời bảo vệ đức tin, có một thời nói tiên tri, có một thời vẽ trên cát, có một thời vạch ra các khác biệt và hệ quả của nó, có một thời đứng về phía đối lập gay gắt khi các giá trị và thế lực đe dọa những gì thân thiết đối với chúng ta.  Nhưng cũng có một thời để yêu thương qua các khác biệt, để nhận biết là chúng ta có thể yêu thương và tôn trọng nhau khi chúng ta không có chung giá trị, khi những điểm chung che khuất các khác biệt.

Có một thời để thương xót như Chúa thương xót, để mặt trời của chúng ta chiếu cả trên hoa màu và cỏ dại mà không từ chối ai với ai.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

“Cái bằng tiến sĩ”

“Cái bằng tiến sĩ”

    Năm 1976, chấm dứt chiến tranh, bác sĩ Tôn thất Tùng, một bác sĩ giỏi, học tại Pháp, kẹt trong kháng chiến, rồi phải phục vụ cho Việt cộng, đã mạnh dạn viết bài báo đề nghị bác sĩ Việt cộng được đào tạo trong chiến tranh, phải thi và học lại. Nếu không học lại hoặc học mà thi không đậu, thì không cho hành nghề vì không đủ tiêu chuẩn của một bác sĩ.

Tôn thất Tùng, một đảng viên cộng sản, cũng phải đợi gần 80 tuổi mới liều mạng nói một sự thật mà đã cắn răng chịu đựng gần hết cuộc đời. Bởi vì chính ông đã chứng kiến đã đào tạo những đảng viên trung kiên, dốt nát trong 6 tháng trở thành bác sĩ y khoa, đáng lẽ phải đào tạo từ 6 năm đến 15 năm sau khi tốt nghiệp trung học.

Tại sao không gọi y tá mà phải gọi bác sĩ. Đó là đặc điểm của ….

Dốt nhất, nghèo nhất, ít suy nghĩ nhất, ngu nhất, là những yếu tố căn bản của đảng viên trung kiên cộng sản.

Mac và Engels quan niệm, con người ngu nhất, nghèo nhất là con người trung thành nhất. Giai cấp bần cố nông, công nhân thấp nhất, là giai cấp tiên phong của đảng cộng sản, ngoài ra là những giai cấp phản động, muốn dùng chúng phải cải tạo chúng theo giai cấp tiên phong.

Từ ngày có đảng cộng sản Việt Nam, người có học bị xem là kẻ thiếu trung thành, kẻ phản bội, cho nên lãnh tụ Mao trạch Đông quá mặc cảm dốt nát đã nói thẳng thừng “Trí thức không bằng cục phân”. Câu nói đó trở thành một nguyên lý cho đám cán bộ lãnh đạo cộng sản. Câu nói của Mao trạch Đông đó làm cho người lãnh đạo cộng sản tự tin rằng mình có giá trị, có bản lĩnh, có đạo đức cách mạng vô sản, vì mình không phải là trí thức, tức mình hơn cục phân. Nhiều lần tôi đã nói, nếu Hồ chí Minh là một trí thức như cụ Phan châu Trinh, như Nguyễn thế Truyền,… thì không bao giờ được làm bí thư của đảng cộng sản Đông dương. Thiếu bằng cấp, dốt nát, là một lợi khí tốt để cho Hồ chí Minh bước lên nấc thang lãnh đạo đảng cộng sản.

Tôi, người viết bài này, đã chứng kiến trước mặt, cái cảnh thê thảm của người lỡ có bằng cấp, muốn được đảng tin không biết làm sao xóa bỏ cái lỡ hiểu biết của mình. Cố nhiên họ một mặt không dám đọc sách, nhất là sách ngoại ngữ, vì giai cấp bần cố nông, bọn ăn mày ăn xin ngoài chợ, không làm chuyện đó. Hình thức thì có phần dễ, họ ăn mặc rách rưới, để thân thể cho dơ dáy, ngồi cạnh họ phải có mùi hôi của dân lao động chân chấm tay bùn. Ngôn ngữ rất khó, họ sợ hai chữ lãng mạn của lớp tiểu tư sản. Ví dụ họ không dám nói “ trăng đẹp, hoa hồng đẹp, Tây Thi đẹp …” mà thường nói cho nhiều người nghe “ đống rơm của bác đẹp quá, các luống cày đẹp quá, hố ủ phân tuyệt đẹp. Bác (Hồ chí Minh )cầm cây cuốc đẹp quá, chú Đồng nhỗ cỏ đẹp quá…chị nuôi bản lĩnh quá, đẹp quá, chị du kích đứng gác đẹp quá v.v…Bởi vậy Chế Lan Viên mới viết “ Một lỗ hầm chông đẹp hơn vạn đoá hoa hồng”, Tế Hanh viết “ Năm nay anh trồng cây bưởi góc nhà”. Tôi chắc chắn trên 100% những người có học, không cần nhiều, cỡ lớp đệ tứ niên ngày xưa trở lên, nếu kẹt trong chế độ cộng sản từ 1945 đến 1975 đều ít nhiều phải đóng kịch như thế ( Các thầy Hoàng Tuỵ, Lê trí Viễn, Nguyễn thiện Tụng, Phan Thao ( con cụ Phan Khôi) Trần tế Hanh……đã qua thời kỳ cố lột xác như thế. Nếu không lột xác thì không được vào đảng) 

Sau năm 1975, hết chiến tranh, cộng sản về thành, nhất là thành phố Sài gòn. Đám cán bộ trung cấp và cao cấp từ Bắc vào, từ núi xuống, từ bưng biền ra, chới với trước nép sống có văn hóa của người dân miền Nam, chế độ cũ.Sự ngớ ngẩn dốt nát lố bịch của đám cán bộ đó đã làm cho dân chúng miền Nam khinh khi, và đã có nhiều chuyện tiếu lâm ngày nay vẫn còn truyền.

Từ chỗ học tập làm cho giống lớp bần cố nông để vào đảng, nay cũng những cán bộ đó học tập làm cho giống lớp tiểu tư sản, lớp có tiền, lớp trí thức.

Bắt chước cách ăn mặc của lớp tiểu tư sản thì dễ, chỉ cần trước hết, liệng ném cái nón cối, bỏ hẳn đôi dép đế xe hơi gọi là đôi dép bác Hồ (đế xe hơi làm đôi dép nguyên là của cu li kéo xe, người đổ thùng cầu tiêu,… họ quá nghèo, không có tiền mua đôi giày, nên lượm đế xe hơi bỏ làm giầy, và những người này là trung kiên của đảng cộng sản, là cán bộ lãnh đạo đảng cộng sản sau đó. Cụ Hồ bắt chước họ, cho giống họ, nên dùng đôi dép đó chứ Hồ chí Minh không sáng chế ra đôi dép đó, thế mà gọi là dép bác Hồ bác cũng nhận bừa, không cần đính chính, đó cũng là tính chất của…)…

Họ, cán bộ cộng sản, xa lánh ngay lớp bần cố nông nghèo đói. Ngày trước cán bộ cộng sản nếu kể lai lịch cha mẹ ông bà có người đói, người làm mướn, người ăn xin ăn mày, thậm chí có người chết đói, thì họ rất hãnh diện vì họ thuộc thành phần tốt nhất, vô sản nhất, lành mạnh nhất, trung kiên nhất. Ngày đó nếu cán bộ nào có cha mẹ, bà con, ông bà, là người khoa bảng, làm quan, thì xem như kẻ phản bội.

Bởi vậy dù cố gắng tới mức nào, Phạm Tuyên con quan thượng thư Phạm Quỳnh, Bùi Tín con cụ thượng thư Bùi bằng Đoàn, Hoàng Tụy con cháu tướng Hoàng Diệu , nhiều lắm là làm nhạc sĩ , làm báo, làm giáo sư khoa học, không bao giờ được vào hàng ngũ cán trung kiên của đảng.

Từ ngày họ bắt chước người tiểu tư sản người trí thức thì họ cố tập cho ra lớp người này. Về ăn mặc, nói năng, kiểu cách ăn chơi, tiêu tiền, lễ nghi v…v.. dù sao cũng dễ bắt chước nhất là bắt chước sự ăn chơi sa đọa thì rất dễ. Nhưng bắt chước có trình độ hiểu biết thì thật là khó, gần như vô vọng.

Để khắc phụ sự khó khăn đó, đảng chủ trương cho học tại chức, học không cần đến trường, học không cần đọc sách, học không cần làm bài, và một năm có thể ghi danh vài ba lớp. Phải cần 12 năm để học hết trung học, đảng cho học hai năm hết trung học. Bằng cử nhân bằng tiến sĩ cũng vậy cũng học tại chức.

Phe chiến thắng mà bị dân chúng chê dốt, đó là điều đau khổ nhất của Việt cộng. Đó là lý do bằng tiến sĩ mọc lên như nấm. Thêm vào đó, phong trào thi đua tham nhũng phát triển mạnh. ‘Ngành ngành tham nhũng, người người tham nhũng’, thì bằng cấp không cần ghi danh chờ thời gian nữa, mà có ngay, nếu có số tiền qui định.

Cán bộ cộng sản, nhà cửa có rồi, xe cộ có rồi, tỳ thiếp có rồi, bỏ nón cối, bỏ áo lãnh tụ, bỏ đôi dép Bác Hồ, ăn mặc kiểu tân tiến, kiểu Mỹ, tiệc tùng, uống rượu, cà phê, uống trà, nhảy đầm, theo kiểu bọn quí phái phong kiến ngày xưa….Nhưng còn thiếu trình độ học vấn để nông dân, dân lao động không khinh bỉ “dốt mà làm sang” nên phải có mảnh bằng. Đã mua thì chịu tốn mua thứ cao nhất tốt nhất, và do đó bằng tiến sĩ đảng bán đắt như tôm tươi.

Một đề nghị thực tế.

Tôi hoàn toàn đồng ý với đảng cộng sản ồ ạt sản xuất bằng cấp để đánh tan thành kiến “cộng sản là bần cố nông”.

Trước năm 1954, dân chúng ở Quảng ngãi có ý khinh thường đám cán bộ đảng thường nói “ bọn bcn, tức bọn bần cố nông”. Không riêng gì ở Việt nam ở Cuba, Bắc Hàn ngày nay tiến sĩ bác sĩ đầy đường đầy sá, không làm gì cho hết. Bởi vì học rút ngắn thời gian, hạ thấp chương trình, và ưu tiên cho đảng viên không có thì giờ đi học và không biết chữ, hoặc biết sơ sơ, nhưng cần có bằng tiến sĩ.

Để khỏi gây tác hại cho dân chúng, tôi đề nghị, đảng không nên khuyến khích đảng viên cán bộ đảng nhận bằng tiến sĩ về y học, khoa học. Vì hai loại này có thể đưa đến chỗ giết người vì không thực học.

Tôi còn nhớ rất rõ năm 1984, ra khỏi tù tôi về Saigon. Con tôi bị sốt tôi nghi là sốt xuất huyết tôi đem vào bịnh viện nhi đồng. Theo lời khuyên chân thành và khẩn cấp của dân chúng, tôi thức trắng đêm bên giường bịnh, để canh chừng bác sĩ. Lúc đó bịnh viện Sài gòn có hai loại bác sĩ, một loại của chế độ cũ còn lại, một loại tập kết mới về, loại bác sĩ Tùng đã cảnh báo cho dân chúng biết. Tôi canh chừng nếu bác sĩ tập kết về khám bịnh hoặc chích thuốc cho con tôi, thì lập tức tôi cản không cho, và tôi cũng canh chừng nếu đứa nhỏ không sống được tôi phải bảo vệ xác chết của nó cho được toàn vẹn, đó là lời khuyên của đồng bào miền Nam.

Cấp bằng tiến sĩ không gây tác hại cho dân chúng, nên chọn những loại như văn chương nghệ thuật, phong tục, v..v… càng viễn vông càng mơ hồ càng tốt. Tôi rất phục Tô Huy Rứa biết thân phận mình nên không chọn tiến sĩ y khoa hay tiến sĩ cầu cống, cũng không chọn tiến sĩ kinh tế, tiến sĩ luật, tiến sĩ giáo dục … vì những thứ này dễ lòi đuôi chuột khi đụng đến thực tế. Ông chọn tiến sĩ “ xây dựng đảng”, không làm hại người nào.

Đảng nên xem bằng tiến sĩ như phẩm hàm cửu phẩm bát phẩm ngày xưa triều đình cho các viên chức đúng tiêu chuẩn. Những chức này không làm hại người nào, chỉ để gọi danh xưng mà thôi. Người ta thường gọi tiến sĩ về ngành gì ví dụ ông Nguyễn văn A tiến sĩ kinh tế, ông Nguyễn văn B tiến sĩ toán học v..v….

Những tiến sĩ này vô hại nên phát cho đảng viên:

  • Tiến sĩ văn chương thơ Bác,
  • Tiến sĩ ca dao kháng chiến,
  • Tiến sĩ mưa phùn gió Bấc,
  • Tiến sĩ cá thài bai,
  • Tiến sĩ buổi chiều vàng,
  • Tiến sĩ đồng lúa chín…..

Tôi ví dụ như vậy để các ông tiến sĩ không làm cho dân chúng lo lắng. Bởi vậy khi tôi nghe đảng ra quyết tâm phấn đấu trong 10 năm nữa sẽ đào tạo 20 ngàn tiến sĩ, tôi tin tưởng việc này đảng làm được và làm hơn có thể đưa lên gấp 10 tức 200 ngàn tiến sĩ.

Nguyễn Liệu

 From: Cam Tuyet & Nguyen Kim Bang

Cựu Tổng Thống Nam Phi: Tha Thứ Cho Người Khác Là Cởi Trói Cho Chính Mình

From facebok:   Kimtrong Lam‘s post.
 
Image may contain: 2 people, crowd and outdoor
Kimtrong Lam to Lương Văn Can 75.

 

Cựu Tổng Thống Nam Phi: Tha Thứ Cho Người Khác Là Cởi Trói Cho Chính Mình

Sự khoan dung, độ lượng của ông Mandela và tinh thần lạc quan hướng về phía trước của ông đã làm cảm động sâu sắc đến tất cả mọi người. (Ảnh: Mashable)

Nelson Mandela, cha già dân tộc Nam Phi, không chỉ là chính khách nổi tiếng vì sự đấu tranh không mệt mỏi để loại bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, mà còn là một người có tấm lòng khoan dung, có thể tha thứ cho cả “kẻ thù” của mình.

Có thể nói, ông Nelson Mandela là nhân vật quan trọng trong giới chính trị quốc tế. Cả đời ông đều tận sức phản đối chính sách kỳ thị, phân biệt chủng tộc, đẩy mạnh đấu tranh vì dân chủ ở Nam Phi. Cũng bởi vì thế mà ông bị bắt giữ và bị cầm tù suốt 27 năm. Ngày 10/2/1990, ông Nelson Mandela được chính phủ Nam Phi phóng thích vô điều kiện.

72 tuổi với mái tóc hoa râm, ông Mandela bước ra khỏi nhà tù. Ngay ngày hôm sau, ông Mandela lại bước vào con đường mà ông đã chọn – đấu tranh giải phóng dân tộc. Tháng 12-1993, ông Mandela và Tổng thống Willem de Klerk được trao giải Nobel Hòa bình “vì những nỗ lực để chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc trong hòa bình, đồng thời đặt nền móng cho nền dân chủ Nam Phi mới”.

Năm tháng sau đó, lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, cử tri mọi chủng tộc nô nức đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử dân chủ. Kết quả, ông Mandela được bầu làm Tổng thống với số phiếu áp đảo, trở thành vị Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi sau hơn ba thập kỉ do người da trắng thống trị.

Trong lễ nhậm chức của ông Nelson Mandela có 50.000 người đã tham gia. Sau lễ nhậm chức, ông Mandela cũng tổ chức yến tiệc chiêu đãi đặc phái viên các nước và khách mời. Mandela đã mời cả các cai ngục ở đảo Robben và công tố viên đã đòi ông phải bị kết án tù chung thân tham dự lễ nhậm chức tổng thống của ông.

Trong yến tiệc, đầu tiên, ông hoan nghênh các vị quan khách đã dành thời gian tới tham dự. Ông nói, ông cảm thấy vô cùng vinh hạnh vì được tiếp đãi nhiều vị khách tôn quý như vậy. Nhưng điều khiến ông hài lòng nhất là sự xuất hiện của ba người quản ngục ở nhà tù Đảo Robben, nơi ông từng bị giam giữ.

Sau đó ông mời ba người quản ngục cũ này đứng lên và giới thiệu từng người một với tất cả mọi người. Khi Mandela đứng dậy cung kính chào 3 người này thì tất cả những người có mặt ở đó, thậm chí cả thế giới đều phải tĩnh lặng.

Những người có mặt tại buổi lễ đều vô cùng cảm động. Trong số những người tham dự này, có một người là thành viên phái đoàn đặc phái viên Mỹ, thân là đệ nhất phu nhân tổng thống – bà Hillary Clinton.

Bởi vì đang phải chịu tiếp nhận điều tra vụ Whitewater và thường xuyên bị báo giới công kích, bà Hillary đã hỏi ông Mandela rằng vì sao trong dòng chảy nguy hiểm, trong cuộc đấu tranh biến động liên tục như vậy mà ông vẫn bảo trì được một tấm lòng quảng đại, khoan dung và tha thứ?

Ông Mandela nhìn bà Hillary, rồi dùng tâm thái mà mình thu hoạch được trong ngày ra tù trả lời bà. Ông nói: “Khi tôi bước ra khỏi phòng giam của mình, đi qua cánh cổng nhà tù để được tự do, tôi đã hiểu rõ ràng rằng, nếu tôi không thể để nỗi đau và sự oán hận của mình ở lại đằng sau, thì thực sự chính là tôi vẫn còn đang ở trong tù”.

Ông Mandela cũng nói với bà Hillary rằng: “Lòng biết ơn và khoan dung thường có nguồn gốc từ sự đau khổ và hoạn nạn, chúng ta phải dùng nghị lực thật to lớn để huấn luyện. Bản thân tôi lúc còn trẻ tính tình rất nóng nảy, ở trong tù phải học cách kiểm soát, kiềm chế cảm xúc mới tồn tại được đến hôm nay.
Những năm tháng ở trong tù đã cho tôi thời gian và sự khích lệ, có thể thâm nhập được vào nội tâm của chính mình, học được cách xử lý những đau khổ mà bản thân gặp phải”.

Sự khoan dung, độ lượng của ông Mandela và tinh thần lạc quan hướng về phía trước của ông đã làm cảm động sâu sắc đến tất cả mọi người.

Trong cuộc sống, vui vẻ và thống khổ thường thường luân phiên xuất hiện và hoán đổi tác dụng. Cho nên, khi thống khổ đến, hãy làm giống như Mandela, bỏ lại thống khổ và oán hận ở đằng sau, vui vẻ bước về phía trước. Chúng ta làm điều đó, không phải vì người khác mà là vì chính bản thân mình.

Bởi vì, tâm con người, trái tim con người cũng được ví là một nhà tù, nếu như để oán hận chôn sâu trong đó, thì chúng ta sẽ trở thành tù nhân của chính mình. Lúc ấy, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, như thế mới là thống khổ nhất!

Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”
Khổng Tử nói: “Chính là chữ “Thứ”. Chữ “Thứ” này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng”
Một vị học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người. Người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người”.

Cho nên, tha thứ cho người khác chính là giải thoát cho chính mình, cũng là cách yêu thương chính mình!

Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi.

  Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi. Chỉ là hiện tại sức khỏe vẫn còn tốt, đầu óc vẫn còn minh mẫn nên ta cảm thấy mình hãy còn trẻ trung mà thôi. Nhưng tới khi thực sự già đi rồi, bạn biết trông mong vào ai đây?

  Nếu bạn có một tổ ấm, thì khi còn chưa nhắm mắt xuôi tay nhất định không được vứt bỏ nó. Nếu bạn có một người bạn đời, hãy bầu bạn và biết trân quý nhau. Nếu bạn có một sức khỏe tốt, hãy bảo trọng lấy mình.

Hãy thử ngẫm xem khi mình già đi, bạn nên làm gì trong chặng đường đời sau cùng ấy.

  Giai đoạn 60 – 70 tuổi: Hãy tự biết thu xếp 

Sau khi nghỉ hưu, từ 60 – 70 tuổi, sức khỏe của bạn vẫn còn khá tốt. Nếu có điều kiện, bạn thích ăn thứ gì thì hãy cứ nếm thử một chút, thích mặc thứ gì thì cứ mua về vài bộ, thích chơi thứ gì thì cứ thử xem sao (tất nhiên ngoại trừ những thứ xấu).

 Đừng quá hà khắc với bản thân bởi lẽ những ngày tháng như vậy không còn nhiều. Bạn hãy tranh thủ thời gian tận hưởng chúng. Bạn cũng cần học cách quán xuyến tiền bạc. Hãy giữ lại cho mình một căn phòng để ở, sắp xếp cho mình một con đường lui lại về sau.

 Con cái hiếu thuận là con cái ngoan. Nhưng dẫu sự nghiệp của con cái có khởi sắc thì tiền bạc vẫn là của con cái. Bạn không từ chối việc chúng hỗ trợ kinh tế, cũng không từ chối chúng hiếu kính với mình, nhưng vẫn phải dựa vào chính mình để tự thu xếp ổn thỏa cho phần đời còn lại.

 Giai đoạn 70 – 80 tuổi: Hãy giữ gìn sức khỏe

Sau tuổi 70, bạn vẫn có thể sống một cuộc đời bình yên, không tai ương hay bệnh tật. Đó là khoảng thời gian bạn vẫn có thể tự chăm sóc bản thân nên cũng chẳng có gì đáng lo ngại.

  Nhưng bạn nhất thiết phải biết rằng lúc này mình thực sự đã già, sức khỏe và tinh thần cũng dần suy kiệt, phản ứng cũng ngày càng chậm hơn.

Khi ấy bạn:

Ăn cơm phải nhai chậm để tránh bị nghẹn.

Đi đường phải bước chậm để tránh bị ngã.

Không được thể hiện bản thân mình nữa, phải biết tự lượng sức mình và chăm sóc bản thân.

 Hãy thôi lo lắng bao đồng việc nọ việc kia. Quả thực đây là tâm bệnh chung của những người già, có người còn lo lắng cho cả con cháu 3 đời. Bạn đã lo lắng cho người khác suốt cả cuộc đời rồi, giờ là lúc bạn cần nghỉ ngơi, học cách buông tay và thuận theo tự nhiên. Bạn chỉ cần chăm sóc cho bản thân mình thôi!

 Hãy làm mọi việc một cách thư thái. Không cần quá câu nệ rằng mọi ngóc ngách trong nhà đều phải tinh tươm, mọi chuyện đều phải hoàn hảo mà hãy để tâm hơn tới sức khỏe. Hãy kéo dài thêm thời gian tự chăm sóc mình, đừng nên làm lụng quá sức để phải đổ bệnh rồi lại chờ người khác đến chăm sóc mình.

 Đến tuổi này, nỗi khổ nào bạn cũng đã từng nếm trải nên chắc hẳn chặng đường cuối cùng trong đời cũng sẽ trôi đi êm đềm. Lúc này sức khỏe của bạn không còn tốt nữa và đã phải cầu cứu tới người khác.

Nhất định bạn phải chuẩn bị tâm lý trước. Đa số mọi người đều không tránh khỏi quan ải này. Bạn cần học cách điều chỉnh tốt tâm trạng của mình để có thể thích ứng nhanh nhất.

 Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện thường tình trong đời người, vậy hãy cứ thản nhiên mà đối mặt với nó. Đây chính là giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, không gì có thể khiến bạn sợ hãi cả. Chỉ cần bạn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, mọi chuyện rồi sẽ nhẹ nhàng qua đi mà thôi.

 Tùy thuộc vào điều kiện và sở thích, bạn có thể vào viện dưỡng lão, hoặc thuê người giúp việc chăm sóc ở nhà. Nhưng có một nguyên tắc là bạn không được dày vò con cái.

Bạn cũng đừng nên gây áp lực tâm lý, tạo thêm nhiều gánh nặng khác cho những đứa con của mình. Những gì có thể tự mình làm được thì bạn hãy cố gắng tự làm, đừng để con cái phải bận lòng.

 Giai đoạn sau tuổi 90: Hãy dựa vào chính mình

Lúc này có thể đầu óc bạn vẫn còn minh mẫn nhưng bệnh tật lại bám riết lấy mình. Bạn đã không thể tự chăm sóc bản thân được nữa. Khi ấy bạn sẽ có đôi chút hụt hẫng, cảm thấy cuộc sống thật bế tắc.

  Nhưng dù thế nào cũng vẫn phải dũng cảm đối mặt với cái chết. Hãy cứ coi như đó là sự khởi đầu một trang mới của kiếp người. Đây chỉ là kết thúc của một hành trình cũ, cũng là bước khởi đầu của một hành trình mới mà thôi.

  Chẳng phải một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn luôn xoay vần như vậy hay sao? Cứ thuận theo mệnh trời, không phải quá cưỡng cầu, mong đợi người nhà chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm cách chạy chữa cho bạn, đừng để người thân và bè bạn phải thêm nhọc lòng, phiền muộn vì bạn.

“Già rồi biết trông mong vào ai đây?”. Câu trả lời là: “Chính mình và vẫn là chính mình”.

 4 việc cần chuẩn bị trước khi già đi

Cứ mỗi một ngày qua đi cuộc sống của ta lại bị rút ngắn thêm 24 giờ. Có người nói, về già cần phải có 3 điều tránh và 1 điều muốn:

Tránh bị sét đánh, tránh bị cắm ống thở bình ô-xy, tránh phải phẫu thuật cắt ống khí quản. Và muốn chiếc quan tài.

Người xưa nói: “Biết quản lý tiền bạc thì không nghèo, có kế hoạch thì không loạn, giỏi chuẩn bị thì không bận”.

Là người cao tuổi, phải chăng chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn? Chỉ cần chuẩn bị trước, thì sau này bạn sẽ bớt phải lo lắng hơn. Nhưng cụ thể ta cần chuẩn bị những gì?

 Việc đầu tiên chính là già mà vẫn khỏe

Ba việc đơn giản, không phải đụng đến thuốc men mà vẫn đảm bảo sống khỏe chính là: Ăn đủ chất, chú ý giữ gìn sức khỏe và phải có sự tu dưỡng.

 Việc thứ hai cần chuẩn bị là một nơi ở khi về già

Nếu ở cùng con cháu mà phải sống một cuộc sống câm nín, nhẫn nhục để dung hòa sự khác biệt giữa các thế hệ chi bằng bạn hãy ra ở riêng, một mình hưởng thụ sự thanh thản, niềm vui đơn thân tuổi già.

Dẫu là nơi đô thành nhộn nhịp hay là vùng ngoại ô yên bình, hãy sống ở nơi bạn cảm thấy phù hợp nhất với mình. Nhưng phải nhớ là gần đó có nhà ăn mà bạn yêu thích, có một nơi thư thái để bạn dưỡng già!

 Việc thứ ba là kiếm tiền dưỡng già

Bạn đã nuôi con nên không còn tiền tiết kiệm để dưỡng già? Thực ra là cha là mẹ chúng ta cũng nên tự thân vận động, nên tự lo liệu cho mình lúc tuổi già.

 Bạn hãy tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích khi về già. Điều này cũng không có gì đáng xấu hổ cả. Ngược lại con cái chúng ta còn bớt đi một phần lo toan khi gánh nặng cơm áo gạo tiền vốn đã rất áp lực trong cuộc sống hiện đại này.

 Bạn đã nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng, cũng đã coi như làm tròn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ với con cái mình. Nên số tiền dưỡng già nhất định nên phải có một khoản cho mình. Khi chưa vào quan tài thì bạn cũng chưa cần phải phân chia cho ai cả.

 Việc thứ tư là tìm cho mình những người bạn già

Hãy mở rộng lòng mình, kết thêm nhiều thiện duyên hơn nữa. Đây cũng là một bí quyết hưởng thụ cuộc sống của những quý tộc đơn thân.

 Hình ảnh những đôi vợ chồng luôn yêu thương quấn quýt bên nhau từ thuở còn son tới khi đầu bạc răng long quả thực khiến rất nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhưng nếu cuộc hôn nhân không được mỹ mãn như bạn mong muốn thì hãy mỉm cười mà chấp nhận nó. Âu cũng là cái duyên cái nợ từ đời trước, con người cũng chỉ nên vâng mệnh trời mà thôi.

 Khi tâm hồn trống trải, ta mới cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu bạn có thể lấp đầy trái tim ấy bằng tình yêu cuộc sống, bằng sự biết ơn và quan trọng nhất là tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính cho tâm hồn nương tựa, bạn sẽ thấy hạnh phúc tới tận giây phút cuối đời.

 Có những điều lỗi thời, không hề đúng đắn nhưng vẫn khiến nhiều người dao động, nào là “Người ở thiên đường, tiền ở ngân hàng”, “Sống một mình rất cô đơn”, “Già rồi sẽ không có người chăm sóc”… Bạn phải nhận thức rõ rằng, tiền tài chỉ là vật ngoài thân, danh lợi chỉ là hư ảo trong chốc lát, trải nghiệm cuộc sống mới là toàn bộ kiếp người.

  Nếu buộc phải trải qua những tháng ngày cuối đời một mình, hãy làm một người “độc thân vui vẻ”. Chẳng phải có câu rằng, đời người hai lần trẻ con đó sao? Khi còn thơ bé chúng ta rất ngây ngô, trong sáng, chẳng truy cầu, chẳng phiền muộn. Tới khi bạc đầu, khi đã nhìn thấu sự đời, chúng ta lại học được cách buông bỏ, ít truy cầu, ít buồn khổ. Như vậy chẳng phải ta lại hồn nhiên như một đứa trẻ hay sao?

Cuối cùng, xin hãy nhớ kỹ! Trước khi bạn già hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, một khoản tiền, những ngày tháng rảnh rỗi, những người bạn tốt, một không gian dành riêng cho mình và một tín ngưỡng chân chính mang lại sự bình yên trong tâm hồn của bạn.

XÉT ÐOÁN

XÉT ÐOÁN

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J

Ðừng tự xét đoán, tự nó đã nói lên phần nào tính chất mơ hồ rồi.  Xét đoán được ghép bởi hai động từ khác nhau là xét và đoán.  Xét là tìm hiểu.  Ðoán là phỏng chừng.  Xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, phải kiếm nguyên nhân, phải phân tích để có dữ kiện rõ ràng.  Ðoán thì dễ hơn, chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy.  Ðộng từ đoán dựa trên những điều không đủ chắc, không rõ sự thật.  Khi nói xét đoán một người thì có phần xét và cũng có phần đoán.  Nhiều khi phần đoán lại nhiều hơn phần xét.  Sai lầm nẩy sinh từ đó.

Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh nói về vần đề xét đoán, tôi muốn nhìn xét đoán trong một yếu tố liên hệ giữa con người trên bình diện tự nhiên.  Yếu tố đó là: phức tạp của vấn đề trong việc xét đoán.  Có hai thứ phức tạp.  Phức tạp nơi đối tượng bị xét đoán, chẳng hạn như hoàn cảnh, lương tâm của khách thể.  Và phức tạp nơi chủ thể xét đoán, chẳng hạn như giới hạn tri thức của chủ thể, ảnh hưởng tình cảm của chủ thể khi xét đoán.

Phức tạp nơi đối tượng

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông.”  Dòng nước chảy.  Ðã đi.  Sẽ mất mãi.  Chẳng ai có được hai lần cái tâm tình lúc tuổi mười tám.  Hôm qua đứng bên dòng sông.  Hôm nay trở lại.  Dòng sông còn đó.  Tôi còn đây.  Nhưng không phải là tôi của ngày hôm qua.  Không phải là dòng sông hôm cũ. Nước hôm qua của dòng sông đã mất.  Mây trên bầu trời hôm qua đã tan loãng.  Ðâu rồi?  Và tôi, tâm tình cũng đã đổi thay.  Hôm qua gặp dòng sông thì tâm tình của tôi không thể là nhớ dòng sông được, vì đã xa cách đâu mà nhớ.  Hôm nay trở lại, vì có nhớ dòng sông tôi mới tìm đến.  Như vậy, trong tôi đã mang chất nhớ nhiều hơn hôm qua.  Tất cả đều biến chuyển.  Khi xét một vấn đề mà xét trong hoàn cảnh mọi sự đều thay đổi thì khó mà chính xác.  Trong tôi có thương, nhưng đồng thời cũng có giận.  Tôi ghét đó, nhưng tôi vẫn yêu.  Ðâu là ranh giới mà phương pháp khoa học có thể vẽ lằn mức rõ ràng?

Khi xét một vấn đề phải xét trong bối cảnh của nó.  Mà hoàn cảnh của mỗi người là một thế giới chằng chịt những phức tạp chi ly.  Tôi cũng chưa biết rõ về tôi đủ thì làm sao có thể biết rõ về người?  Càng phức tạp thì càng dễ có sai lầm.

Xét một vấn đề lại phải có tiêu chuẩn để xét, nếu không có tiêu chuẩn người ta không thể đi đến kết luận.  Hai cộng với hai không phải là ba.  Vì tôi đã có tiêu chuẩn hai cộng với hai là bốn.  Sống trong tập thể, con người tuân theo tiêu chuẩn của xã hội.  Nhưng tiêu chuẩn luân lý sâu thẳm vẫn do chính Chúa trong tiếng nói lương tâm.  Câu chuyện người đàn bà ngoại tình trong Phúc Âm nói lên rõ điều này.  Với tiêu chuẩn của tập thể mà xét đoán thì bà phải ném đá chết vì những hành động tội lỗi.  Nhưng tiêu chuẩn của Chúa lại khác.  Trước mặt xã hội bà bị kết án.  Trước mặt Chúa bà được thứ tha (Yn 8,1-11).  “Ngươi chỉ nhìn thấy trước mắt còn Yavê trông thấy điều ẩn náu trong lòng” (1Sam 7).  Chính điều “ẩn náu trong lòng” này là yếu tố quyết định tối hậu cho việc xét đoán thì tôi lại không bao giờ biết được.

Ðiều “ẩn náu trong lòng” là lương tâm.  Ðề cập đến lương tâm là đề cập đến vấn đề riêng tư nhất.  Ðã là riêng tư thì làm sao tôi biết.  Mà không biết thì làm sao tôi định lượng giá trị.  Tôi có kinh nghiệm của riêng đời tôi.  Lương tâm người khác thì tôi đành chịu.  Thí dụ, một người ăn trộm một trăm đồng.  Hành động ăn trộm chưa phải là tội.  Nếu họ bị khủng bố, cưỡng bách thì sao có thể là tội?  Tôi thấy hành động ly dị, ngoại tình.  Nhưng nguyên do đưa đến?  Mức độ ý chí lương tâm của họ ra sao?  Tôi không thể biết.  Khi không xét được, không biết đủ sự kiện thì tôi đoán chừng.  Có đoán chừng là có sai lạc.

Hành động phạm tội chưa phải là tội cho đến khi có mặt của ý chí và lý trí.  Mà mức độ ý chí, khả năng lý trí, lương tâm kẻ khác thì tôi không biết.  Như vậy, xét đoán của tôi có thể dựa trên hành động ngoại tại.  Mà hành động bên ngoài, tự nó chưa có giá trị quyết định, thì công việc xét đoán của tôi có giá trị không?  Làm sao có thể có một giá trị vững chắc khi mà giá trị đó xây dựng trên một nền tảng không có giá trị vững chắc?  “Ngươi là ai mà xét đoán gia nhân người khác?  Nó đứng hay nó ngã, mặc chủ nó, song nó sẽ đứng vững, vì Chúa có đủ quyền năng cho nó đứng vững” (Rom 14,4).

Phức tạp nơi chủ thể

Cái phức tạp rõ ràng nơi tôi là sự giới hạn tri thức của tôi.  Có điều hôm qua nhớ, hôm nay đã quên.  Trí tuệ và sự hiểu biết không hoàn hảo thì không bao giờ tôi có một xét đoán hoàn toàn trung thực.  Muốn xét đoán đúng, tôi phải biết rõ, thông suốt.  Ðiều này chỉ có Chúa mới đủ khả năng mà thôi.

Tôi đã có hình ảnh không đẹp về một linh mục.  Gần một năm trời tôi nhìn linh mục với hình ảnh như vậy.  Mùa hè năm đó, linh mục mua cây về trồng chung quanh nhà xứ.  Việc đào hố trồng cây đã không được tính toán kỹ, nên phải làm đi làm lại nhiều lần.  Số tiền trả nhân công quá tốn.  Tôi thấy linh mục làm việc không có chương trình, kế hoạch rõ ràng.  Số tiền ấy để làm được bao nhiêu việc quan trọng khác?  Mùa hè năm sau, trở lại giáo xứ cũ, Chúa đã cho tôi một ân sủng, một kinh nghiệm về xét đoán tha nhân.  Ðối với tôi, linh mục đã là người tiêu tiền của nhà xứ không tính toán.  Mùa hè lần này, trong lúc nói chuyện với cha già đã về hưu, tôi phàn nàn về việc cha xứ tiêu tiền như vậy.  Lúc đó, cha già cắt nghĩa cho tôi hiểu là trong giáo xứ có mấy gia đình nghèo quá không đủ gạo ăn.  Cha xứ thì tế nhị không muốn giúp đỡ họ bằng tiền bạc vì họ sẽ mang ơn.  Cha đã bày việc để gọi mấy đứa con của họ đến nhà xứ làm, hầu cha xứ lấy cớ trả công cho họ.  Hành động quá tế nhị đến nỗi họ không hề biết là cha xứ muốn giúp đỡ gia đình họ.  Cha muốn họ nghĩ là tiền lương do công của con họ làm để họ khỏi phải mang ơn ngài.

Nghe xong câu chuyện, tôi thấy như nắng chiều nhạt xuống.  Nặng nề trong hồn.  Ðó là hình ảnh quá đẹp của một linh mục sống đức tin.  Tôi thấy mình đã nhỏ nhoi và tầm thường.  Gần một năm trời tôi đã giữ hình ảnh không đẹp về linh mục đó.  Bây giờ tôi mới hiểu những việc rất thường mà tiền công thì cha trả rất nhiều.  Ðối với tôi, linh mục đã là người không biết tính toán để tốn tiền bạc.  Nhưng chính ngài đã tính toán rất cẩn thận để tìm lối giúp đỡ giáo dân của mình.  Tình thương bao giờ cũng có sáng kiến.

Nếu tôi đem câu chuyện linh mục tiêu phí tiền bạc của nhà xứ mà nói cho những người khác để họ cũng có hình ảnh xấu về linh mục như vậy thì tội nghiệp cho ngài biết bao.  Nếu tôi có nói xấu thì chắc ngài cũng không đính chính việc ngài làm.  Những tâm hồn cao thuợng là những tâm hồn dám âm thầm chấp nhận đau đớn cho một lý tưởng.  Những tâm hồn nhỏ nhen khi thấy người khác im lặng thường coi đó như một chiến thắng.  Những xét đoán sai lầm và nói cho người khác để rồi họ không hiểu đúng về một người, trước mặt Chúa có thể là lỗi rất nặng.  Phúc Âm thánh Yoan gọi những xét đoán đó là: “Các ngươi căn cứ vào xác thịt mà xét đoán” (Yn 8,15).

Tôi thiếu tri thức nhận diện dữ kiện để nhìn ra sự thật.  Tri thức nào có đủ khả năng để đi vào những chi ly, phức tạp như văn hóa, giáo dục, tập quán, gia đình, tâm lý, sức khỏe của cả chủ thể xét đoán và khách thể bị đoán xét?

Một nghịch cảnh thông thường, nhưng đáng sợ nằm ẩn kín trong tôi đó là tình cảm của mình.  Thương ai tôi muốn làm vừa lòng người đó.  Tôi nhớ.  Tôi mong.  Nếu nỗi nhớ càng sâu và nỗi mong càng cao thì những sai lầm mà tôi sẵn sàng làm để chiều lòng người đó càng nặng.  Tình cảm có sức ma thuật che mờ lý trí và đẩy ý chí vào hành động cuồng dại.  Nó quá nhẹ nhàng nên tôi không nghe tiếng động. Nó quá sắc nên tôi không thấy vết thương.  Xét đoán của tôi không sao tránh khỏi “căn cứ vào xác thịt mà xét đoán.”

Lạy Chúa, con không thể nhìn thấu suốt tâm hồn tha nhân được, vì thế xét đoán của con bao giờ cũng là xét đoán “căn cứ vào xác thịt.”  Căn cứ vào xác thịt thì có sai lầm.  Khi con xét đoán sai lầm là con gây bất công cho kẻ khác.  Xét đoán của con không làm tha nhân ra xấu thêm, nhưng hậu quả của nó là làm con mất bình an.  Tâm hồn con không còn thanh thản, tươi sáng nữa, mà vương vấn vì những ý nghĩ đen tối.  Con đã tự đem mảnh trời u ám mặc lấy hồn mình.

Từ ý nghĩ xấu về tha nhân sẽ làm con xa tha nhân.  Từ chỗ xa cho đến chỗ nói thêm về tha nhân những điều họ không có là một bước rất gần.  Từ đó, bức tường ngăn cách cứ thế mà xây cao.  Nghi kỵ loang ra như một vềt dầu, làm hoen ố tất cả hồ nước xinh đẹp của cuộc sống.  Khi con xây tường cũng ngăn cách chính mình.  Thí dụ, Phúc Âm đã thuật lại thái độ của Pharisiêu.  “Các người thu thuế cùng những kẻ tội lỗi thường lui tới bên Ngài để nghe Ngài.  Và Biệt Phái kêu trách.  Họ nói: ông ấy tiếp nhận quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15,1-2).  Thái độ của những người Pharisiêu luôn luôn là xét đoán.  Xét đoán đem đến đối nghịch.  Pharisiêu đã tự tách biệt họ ra, nhưng sự tách biệt này lại cô lập chính họ với ân sủng thiêng liêng là chính Chúa.

Phúc Âm dạy về xét đoán

Chỉ có Chúa mới thấu suốt tâm hồn mọi người, nên Chúa Cha đã dành quyền xét xử cho một mình Chúa mà thôi: “Mọi việc xử án ban cho Con” (Yn 5,22).  Như thế, khi con phán đoán để xét xử về một người là con giành quyền đó của Chúa.  Thánh Yacôbê cũng viết: “Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật.  Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ Luật, mà là Thẩm Phán.  Chỉ có một Ðấng lập Luật và là Thẩm Phán, Ðấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt.  Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại” (Yc 4,11-12).  Con lấy quyền không thuộc về con là con đã tái lập lại tội của Adong, Evà ngày xưa là “muốn trở nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (Kn 3,5).  Ý nghĩa sâu xa của tội xét đoán là ở đó, chứ không phải chỉ là gây bất công.

Với tiêu chuẩn của xã hội, khi thấy một người sa ngã, xã hội kết án ngay.  Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình.  Nhưng nguyên nhân của sa ngã có thể là do một người khác đã rải gai xuống lối đi của họ.  Biết đâu những gai đó đã do chính con gây ra.

Hoàn cảnh, lương tâm của một người là vùng đất vô cùng thánh, con không thể dẵm chân vào được, chỉ có Chúa mà thôi.

Chúa đã căn dặn con trong Phúc Âm thánh Yoan rất chi tiết: “Ta không xét xử ai, và nếu ta có xét xử, thì án của Ta chân thật, vì Ta không chỉ một mình nhưng có Ta và Ðấng đã sai Ta” (Yn 8,15-16).  Trong mọi biến cố, Chúa cầu nguyện với Chúa Cha, rồi thi hành ý của Chúa Cha.  Riêng việc xét xử, thì chẳng những Chúa xét xử theo ý Chúa Cha, hơn nữa, Chúa không xét xử một mình, mặc dù đã được Chúa Cha trao quyền, mà Chúa lại còn xin Chúa Cha xét xử cùng với mình.  Cách cư xử cẩn thận của Chúa làm con lo sợ vì đã bao lần con quá coi thường, xét xử tha nhân.

Thánh Phaolô cũng căn dặn con: “Chính điều ngươi xét đoán kẻ khác, ngươi kết án chính mình ngươi” (Rom 2,1).  Và khi con xét đoán người khác là con “khinh thường kho tàng phong phú là lòng nhân từ, kiên nhẫn và quảng đại của Chúa” (Rom 2,4).

– Nếu con cần lòng nhân từ của Chúa đối với con thì tại sao lại khinh thường lòng nhân từ của Chúa với người khác?

– Nếu con cần lòng kiên nhẫn của Chúa để con có thời gian làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao con lại khinh thường lòng kiên nhẫn của Chúa với người khác?

– Nếu con cần lòng quảng đại của Chúa đối với sa ngã của con thì tại sao con lại khinh thường lòng quảng đại của Chúa với người khác?

Lạy Chúa, con cần ơn Chúa rất nhiều để kìm hãm mình khi con muốn xét đoán kẻ khác, vì đây là lời mời gọi cám dỗ rất nguy hiểm, nó đã gây nên biết bao đổ vỡ, xa cách.  Một thứ cám dỗ rất nguy hiểm được bao bọc bằng những lý do hết sức tinh vi.

LM Nguyễn Tầm Thường, S.J

 Trích trong “Nước Mắt và Hạnh Phúc”

From langthangchieutim

Tên độc tài đã chết

From facebook: Trần Bang and Thomas Trung shared Lê Công Định‘s post.
Image may contain: 2 people
Image may contain: one or more people
Image may contain: one or more people and people sitting
Lê Công Định added 3 new photos.Follow

Trong Art Basel cuối tháng 3 vừa rồi ở Hong Kong, có trưng bày tác phẩm “Tên Độc Tài Đã Chết” (trước đó đặt ở bảo tàng Singapore), được người xem tại đấy đón nhận đầy phấn khích.

Một nhà sưu tập tranh người Việt ở nước ngoài đã nhận xét: “May cho tác giả không ở VN chứ không thì được mời vào Hỏa Lò sáng tác lâu rồi!”

Tác phẩm trông như thật! Mà nhiều khi cái tưởng thật cũng chỉ là sản phẩm chế tác như thế thôi.

https://www.google.com.vn/…/Dead-dictators-draw-Hong-Kong-a…

Chân Dung Một H.O. — “Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Sẳng”


Chân Dung Một H.O. — “Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Sẳng”
 

LTS. – Anh Chị Em cựu tù nhân chính trị sang định cư tại Hoa Kỳ theo các danh sách H.O. từ năm 1990 đến nay, người đầu tiên lâu nhất là gần mười lăm năm, người trễ nhất cũng đã đến đây được sáu bảy năm. Gia đình, công việc coi như đều đã ổn định, nhưng số phận đã đem mỗi con người đi theo những con đường khác nhau. Sang đây, tùy cuộc đời đưa đẩy, có người đi học lại có cấp bằng để gia nhập vào đời sống Mỹ một cách dễ dàng, có người chịu làm nghề tay chân để sống qua ngày, không ít bạn xoay sang các ngành nghề thương mãi, cũng có người xuống tóc xuất gia ngày đêm kinh kệ…Sau bao nhiêu năm lao tù, đói khát, nhọc nhằn, sang đến đây, sức tàn lực kiệt, đã có rất nhiều người hiện đang đang nằm trong nursing home hay đã qua đời. Chúng tôi hy vọng, trong khả năng hạn hẹp, sẽ tìm hiểu và vẽ lại chân dung đa dạng của những người anh em mà chúng ta tạm gọi là những người H.O.

 Đây là một tấm gương sáng không những chỉ cho những người đồng hoàn cảnh với Ông, mà cả đối với lớp trẻ, con cháu.

Nguyễn Ngọc Sẳng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Thuở nhỏ ông theo học trường làng, vào trung học mới về được trường Quận, cấp hai mới lên Saigon theo học tại trường Chu Văn An. Năm 1962, mới đậu xong tú tài phần 1, phận nhà nghèo, không thể tiếp tục đi học, ông thi vào trường Sư Phạm Saigon khóa hai năm, về dạy trường tiểu học ở Vũng Tàu, rồi lấy vợ tại đây. Ba năm sau, 1967, Nguyễn Ngọc Sẳng bị động viên khóa 24 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường ông đổi về phục vụ tại Tiêu Khu Long Khánh và giữ chức vụ Trung Đội Trưởng thuộc Đại Đội 624 tại Chi Khu Định Quán, Long Khánh. Năm 1969, Nguyễn Ngọc Sẳng cầm lệnh giải ngũ về lại quê vợ, đỗ xong Tú Tài phần 2 và được bổ nhiệm dạy học tại trường Trung Học Thắng Nhì.

Nhờ tinh thần hiếu học và cần cù, sáu năm sau, Nguyễn Ngọc Sẳng đã tốt nghiệp Cử Nhân Văn Chương tại Đại Học Văn Khoa Saigon, và từ một giáo viên tiểu học, ông đã được nhập ngạch giáo sư Trung Học Đệ Nhị Cấp, bổ nhiệm về dạy tại trường Trung Học Thị Xã Vũng Tàu. Chỉ ở trong quân đội hai năm, nhưng chế độ Cộng Sản xem chuyện biệt phái về ngành giáo dục của một sĩ quan là một trọng tội, do đó trung úy Nguyễn Ngọc Sẳng đã bị tập trung cải tạo đúng 5 năm rưỡi qua các trại Vũng Tàu, Long Khánh và Hàm Tân ở trại Z.30C.

Năm 1981, Nguyễn Ngọc Sẳng được ra tù và về sống tại quê vợ và cũng là nơi ông đã dạy học trong nhiều năm. Trong thời gian ấy, vùng biển Vũng Tàu cũng là nơi người ta chọn để vượt biên nhiều nhất, tuy vậy gia đình ông nhà giáo Sẳng quá nghèo, không kiếm đâu ra vài chỉ vàng để đóng góp với chủ tàu. Nghề nghiệp nuôi sống của một người đi tù “cải tạo” mới về ít vốn liếng như ông là đi bán vé số dạo trong các quán giải khát và ăn nhậu trên bãi biển Vũng Tàu trong gần hai năm trời, nghề mà ông không khỏi ngượng ngập khi phải gặp không ít những khuôn mặt quen thuộc tại địa phương hay buồn phiền khi cầm trên tay nắm vé số trong những chiều mưa ế ẩm.

Nghề bán vé số không khá, nhất là khi phải nài nỉ khách mua và phải đi lang thang suốt ngày. Sau đó, ông nhận một việc làm tưới cây kiểng cho một Hotel, nhưng chỉ trong một tuần đã bị chủ đuổi vì bắt gặp ông ngồi nhâm nhi bên ly cà phê, mặc đầu chưa tới giờ làm việc. Thấy ông có chút sức khỏe, một chủ khách sạn ở bãi sau đề nghị ông về làm cho họ với một số tiền hằng ngày ổn định hơn.

Công việc hằng ngày của ông là xách nước ngọt cho khách tắm biển tại các phòng tắm trên bãi của nhà hàng. Mỗi ngày, “ông thầy” Nguyễn Ngọc Sẳng phải xách hơn 150 thùng nước ngọt cho khách hàng từ chỗ nước máy ra các phòng tắm trên bãi, và vì ở ngoài bãi suốt ngày, da ông đen nhẽm, đám môn sinh Vũng Tàu cũng khó nhìn ra ông.

Tuy công việc khá cực nhọc, nhưng bù lại, với tiền công mỗi ngày ông mua được 6, 7 kg gạo, đủ ăn và chi dùng cho gia đình. Làm việc như thế ròng rã suốt hai năm cho tới một ngày nọ, ông may mắn gặp được một người phụ huynh học sinh có lòng tốt, thấy ông thầy giáo cũ quá vất vả, muôn giúp đỡ ông. Vị này có quen một người vừa trúng số độc đắc, đang mở một cửa hàng xe đạp, giới thiệu cho ông Sẳng về đó làm kế toán cho cửa hàng. Cuộc đời ông từ đó khá thêm một bậc, được ở trong bóng mát, đỡ phải vất vả lăn lộn ngoài bãi biển.

Dần dà ông dành dụm được tí vốn, và nhờ sự giúp đỡ của người chủ cũ, Nguyễn Ngọc Sẳng đã mở được một cửa hàng xe đạp nhỏ. Nhờ sinh vào thời buổi “toàn dân đi xe đạp”, gia đình ông cũng kiếm được chút tiền, vừa lúc chương trình H.O. tới, ông có đủ tiền để lên Saigon dịch vụ xuất cảnh, muốn đi sớm phải có “chỉ” và được xếp vào danh sách H.O.4. Tháng 11-1990, gia đình ông giáo Sẳng đã tới được đất Mỹ, thuộc diện “mồ côi”, do một nhà thờ bảo lãnh, về định cư tại thành phố Tucson, tiểu bang Arizona.

Cũng như các cựu tù nhân chính trị mới sang Mỹ, ông phải làm nhiều nghề để sinh tồn...Thoạt đầu, ông theo một người bạn làm nghề cắt cỏ, trong khi không có tay nghề, công việc của ông là cào lá, hốt cỏ, rác cho vào bao đem đi. Năm sau ông xin được một chân làm assembly trong một hãng nhỏ, sau đó hãng đem công việc sang Mễ, ông lại đổi nghề. Lần này ông làm công việc là đóng bao bì cho cho một hiệu sản xuất dụng cụ học sinh. Trong sáu năm cuối cùng, Nguyễn Ngọc Sẳng làm janitor quét dọn cho nhà thương Tucson Medical Center vào ban đêm.

Điều đáng nói là từ lúc sang Hoa kỳ, ban ngày đi làm kiếm sống, nhưng ban đêm ông lại tới trường để theo học các lớp ESL vì ông vốn là giáo sư dạy Việt Văn vốn liếng tiếng Anh không có bao nhiêu. Ròng rã như thế, trong 7 năm, vừa đi làm vừa đi học, Nguyễn Ngọc Sẳng lấy xong văn bằng Master of Education vào năm 1998 và từ đấy ông mới chính thức có công việc tại Khu Học Chánh Tucson. Có lẽ cá nhân ông Nguyễn Ngọc Sẳng chưa bao giờ cho mình là già, và tuy đã có viêc làm ổn định, ông vẫn còn đi học… Cuối năm 2004 vừa qua, vào ngày 18 tháng 12, ông giáo Nguyễn Ngọc Sẳng, mới ngày nào sang Mỹ ban đêm còn ngồi trong các lớp ESL, đã vinh dự nhận văn bằng Ph.D. của University of Arizona.

Số các cựu tù nhân chính trị đến Mỹ theo diện H.O. nhận văn bằng Ph.D. không nhiều, hầu hết đều đã có vốn liếng Anh Ngữ từ trước, Nguyễn Ngọc Sẳng là một trường hợp đặc biệt. Phải nói là ông đã nổ lực nhiều lần hơn những người đồng hoàn cảnh để vươn lên. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Ngọc Sẳng là “The Role of Cultural Factors Affecting the Academic Achievement of Vietnamese Immigrant/Refugee Students in the United States” (Những Yếu Tố Văn Hóa Ảnh Hưởng Đến Sự Thành Công Trong Học Vấn của Học Sinh Di Dân/ Tỵ Nạn Việt Nam trên đất Mỹ).

Mọi sự chưa bao giờ là chậm. Nguyễn Ngọc Sẳng đỗ bằng Ph.D. lúc ông đã 62 tuổi cũng chưa phải là già. Xin chào mừng người bạn tù H.O.4.

 Huy Phương 

www.vietthuc.org

Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”

 Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”

Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
Tác phẩm Trại súc vật (Ảnh qua Pinterest)

Trại súc vật bắt đầu bằng việc một bầy súc vật không chịu nổi sự “bóc lột” của con người mà vùng lên làm cách mạng tạo phản, cuối cùng đã đuổi được con người và thành lập một “Trại súc vật” do mình làm chủ.

Nhưng không lâu sau đó, con heo lãnh tụ, kẻ dẫn đầu bầy động vật tiến hành “cách mạng”, lại được hưởng đặc quyền, một mình hưởng thụ sữa bò và táo. Khi các loài động vật khác, những kẻ từng ôm giữ ý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” mà tham gia cách mạng, nghi ngờ con heo lãnh tụ, con heo phụ trách tuyên truyền đã giải thích rằng:

Chúng tôi ăn những thứ này mục đích duy nhất là phải giữ gìn sức khỏe cho chúng tôi. Toàn bộ việc quản lý và tổ chức công việc trong khu vườn đều dựa vào chúng tôi. Chúng tôi vì hạnh phúc của mọi người mà ngày đêm tận tâm tận lực. Do đó, điều này là vì các bạn, chúng tôi mới uống sữa bò và mới ăn táo. Các bạn có biết không, lỡ khi loài heo chúng ta mất chức, vậy chuyện gì sẽ xảy ra? Jones sẽ cuốn bụi mà quay trở lại! Đúng vậy Jones sẽ cuốn bụi mà quay trở lại! Quả thực, các đồng chí! Jones vốn là ông chủ của khu vườn, cũng là kẻ thống trị của ‘xã hội cũ’.

Một vài loài động vật cá biệt mơ hồ nhớ rằng khi Jones còn ở đây, tình hình cuộc sống của các loài động vật hầu như không kém hơn so với hiện tại. Nhưng theo sự tuyên truyền ngày qua ngày, nỗi sợ hãi Jones sẽ cuốn bụi mà quay trở lại đã ăn sâu vào đầu những loài động vật như một phản xạ có điều kiện. Vậy là lũ động vật không còn lời nào để nói về đặc quyền của heo. Rất nhanh, đặc quyền của heo càng ngày càng nhiều…

Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
Lũ động vật nghe tuyên truyền. (Ảnh qua Pinterest)

Mặt khác, làm thế nào để đề phòng việc Jones lại cuốn bụi quay trở lại, đặc biệt là sự câu kết giữa kẻ đồ tể và Jones, phá hoại trang trại mà lũ động vật vận hành, đã trở thành một nội dung quan trọng trong cuộc sống thường nhật của các loài động vật. Đối mặt với “đại sự hàng đầu”như vậy, những bất mãn và ý kiến bất đồng khác đã trở thành chuyện vặt vãnh không quan trọng. Hơn nữa, luôn luôn “đề cao cảnh giác”“chuẩn bị chiến đấu” đã trở thành một nội dung quan trọng bậc nhất vượt qua mọi điều trong cuộc sống xã hội. Bên cạnh đó, dưới sự điều động của con heo lãnh tụ, lũ động vật làm việc ngày càng chăm chỉ hơn, hứa hẹn cho một “cuộc sống tương lai dễ chịu”.

Cá biệt trong lũ động vật, có một con ngựa cần cù chăm chỉ, làm việc cho đến khi gục ngã. Thế là con heo lãnh tụ cử một chiếc xe kéo tới, nói là để đưa ngựa tới bệnh viện an dưỡng. Tuy nhiên, con lừa biết đọc lại phát hiện ra rằng đó là chiếc xe của một tay giết thịt. Vậy là con heo tuyên truyền phải vào cuộc, nói rằng chiếc xe đó đã được mua lại từ tay kẻ đồ tể, và rằng con ngựa sẽ được an dưỡng thích đáng.

Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
Con ngựa làm việc đến gục ngã. (Ảnh qua Pinterest)

Một thời gian sau, con heo tuyên truyền công bố rằng con ngựa đã ra đi hạnh phúc trong bệnh viện, và lũ heo tổ chức một ngày lễ để tôn vinh con ngựa, cùng trại súc vật vinh quang, và khuyến khích các con vật khác noi gương con ngựa…

Nhưng sự thật là con ngựa đã bị bán cho kẻ đồ tể, để lũ heo có tiền mua rượu whisky.

Nhiều năm sau đó, trại súc vật ngày càng hoạt động tốt hơn, và thu được nguồn lợi nhiều hơn. Nhưng những gì được hứa hẹn như đèn điện, hệ thống sưởi, nước uống đều bị quên lãng. Con heo lãnh tụ đã khiến lũ động vật tin rằng sống một cuộc sống giản dị là điều hạnh phúc nhất. Những con heo bắt đầu bắt chước lối sống của người, đi bằng hai chân, mang theo roi da, mặc quần áo. Lý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau” được thay thế bằng lý niệm “tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác”.

Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
“Tất cả các loài động vật đều bình đẳng như nhau, nhưng một số thì bình đẳng hơn những con khác” (Ảnh qua cageyfilms.com)

Khi con heo lãnh tụ mở một bữa tiệc và mời những người nông dân ở địa phương tới, lũ động vật trong trại nhìn từ heo sang người, và chợt nhận ra rằng, chúng không còn phân biệt được heo và người nữa…

Mặc dù Trại súc vật vẫn còn thể hiện rõ những luyến tiếc về quan niệm bình đẳng xã hội không tưởng của tác giả, nhưng quả thật George Orwell đã thành công trong việc khắc họa bản chất triết học đấu tranh của kẻ thống trị chuyên chế một cách giàu hình tượng và sâu sắc.

Trại súc vật của George Orwell: Biếm họa sâu cay về “các thế lực thù địch”
“Thế lực thù địch” vô hình… (Ảnh qua illustrators.ru)

Thông qua hình tượng kẻ địch vô hình được tạo ra và lưu giữ mọi thời khắc trong đầu óc lũ động vật, thông qua việc cường điệu sự nguy hiểm của kẻ địch mọi lúc, cường điệu tính tất yếu của việc “đoàn kết nhất trí”, kẻ thống trị đã khiến lũ động vật phải “tạm thời nhẫn nhịn” tất cả sự bạo ngược. Lũ động vật ngây thơ tin rằng hành vi bạo lực này xuất phát từ một nguyện vọng bình đẳng tốt đẹp, và cuối cùng sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Nhưng tất nhiên, người ta có nam có nữ, có giàu có nghèo, có sướng có khổ, có ngọt bùi có đắng cay, có chăm chỉ có lười biếng, có giỏi có kém, có cảm nhận khác nhau, có tính cách khác nhau, có hoàn cảnh khác nhau, vậy thì cuộc sống mới thật là phong phú và có hương vị. Cái gọi là nguyện vọng bình đẳng không tưởng bên trong nguồn tài nguyên có hạn là trái đất này, và thứ học thuyết đấu tranh luẩn quẩn kia, đều chỉ là ngụy biện mà thôi…

Blogger Thuận Nhân