Xưng tội, Rước Lễ lần đầu của cháu ngoại.

Xưng tội, Rước Lễ lần đầu của cháu ngoại

Tác giả: Phùng văn Phụng 

http://translate.google.com/translate?hl=en&sl=vi&tl=en&u=http%3A%2F%2Fkeditim.net

  

Colby xúng xính trong bộ đồng phục quần dài đen, áo sơ mi trắng, có thắt nơ đỏ ở cổ áo. Con gái mặc đầm, đội khăn lúp trên đầu. Các cháu vui vẻ, hân hoan, nói cười ríu rít, trong khi các cô giáo lăn xăn, sắp xếp chỗ ngồi cho các em. Các em thực tập đọc bài đọc 1 và 2 cũng như đọc lời cám ơn quý Cha, quý thầy cô và cha mẹ, ông bà. Năm nay khoảng một trăm bảy mươi em xưng tội, rước lễ lần đầu. 

Các cháu trai ngồi bên phải, các cháu gái ngồi bên trái. Nhìn các cháu tuởng chừng như những “thiên thần bé nhỏ”. Khi rước lễ, theo sự hướng dẫn của thầy cô, từ trong hàng ghế, thứ tự đi ra đứng hàng dọc, chầm chậm đi lên gần cung thánh để được rước lễ lần đầu.

 Colby năm nay vừa đã được 9 tuổi là tuổi xưng tội, rước lễ lần đầu. Mỗi tuần ông ngoại đều chở hai cháu ngoại đi nhà thờ vì hai ngày cuối tuần hai cháu ngoại ở với ông bà ngoại để đi học đàn Piano, học Giáo lý, Việt ngữ ở Giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập thể

Trọn ngày thứ bảy, khi các em tĩnh tâm từ 8 giờ sáng cho đến ba giờ chiều thì phụ huynh cũng được hướng dẫn đến hội trường để tìm hiểu cách xưng tội để giúp con em mình.

Năm nay các cháu phải học thuộc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh, Kinh 10 điều răn và Kinh ăn năn tội. Colby đọc thuộc lòng bằng tiếng Việt  Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Kinh 10 điều răn nhưng tới Kinh ăn năn tội thì Colby chỉ đọc thuộc lòng bằng tiếng Mỹ mà thôi.

Mỗi thứ bảy cháu về sống với ông bà ngoại. Ông ngoại tập dạy thêm cho Colby kinh 10 điều răn trước khi ngủ. Vậy mà hơn hai tháng cháu mới thuộc hết kinh 10 điều  răn. Còn Kinh ăn năn tội mặc dầu dạy cho Colby tiếng Việt nhưng Colby không thể đọc trọn câu kinh bằng tiếng Việt được. Colby được học cách:

 Xét mình

 Ăn năn tội  Dốc lòng chừa

 Xưng tội

 Đền tội.

Trong hội trường có nhiều phòng mỗi phòng có các Cha ngồi chờ các cháu vào xưng tội. Tất cả các em cùng lớp với Colby ngồi thứ tự theo hàng dọc, ngay ngắn trước phòng bên phải của hội trường chờ đợi xưng tội. Tôi đứng gần đó để chờ xem thái độ của Colby ra sao?

Sau khi xưng tội xong, Colby đi ra nắm tay ông ngoại kéo đến phòng Đền tội.

Phòng đền tội là một phòng tối ở bên phải của trường “Mẫu Tâm”. Cuối phòng có để bàn thờ Chúa chịu nạn, trên tường đèn thật sáng chiếu vào hình Chúa chịu nạn.

Colby quỳ xuống hai bàn tay chấp lại trước ngực, đọc kinh Lạy Cha. Ông ngoại cũng quỳ với cháu ngoại nghe cháu ngoại đọc kinh. Sau khi đọc kinh xong cháu đứng dậy cúi đầu và kéo ông ngoại ra khỏi phòng.

Xưng tội là làm hòa với Thiên Chúa thông qua Linh mục đại diện Chúa lắng nghe lời thú tội của hối nhân, để hướng dẫn, “advise” để con người trở lại thân thiết với Chúa, gần gủi Chúa hơn và cũng từ đó kết hợp với mọi người.

Cháu được rước lễ là được gặp gỡ Chúa trong mình Thánh Chúa để được thánh hóa, được ơn nghĩa Chúa trong đời này lẫn đời sau.

Cảm tưởng của ông bà, cha mẹ khi con cháu được rước lễ lần đầu thật vô cùng sung sướng và cảm động vì cháu đã lớn, đã biết phân biệt tội lỗi, được rước Mình Máu Thánh Chúa, được gần gũi Chúa, biết yêu mến Chúa và được Chúa yêu thương. Thiên Chúa sẽ hướng dẫn chăm lo cho đời sống hàng ngày của các cháu, cũng như các cháu biết tin tưởng  vào Thiên Chúa toàn năng. 

Bà nội(người thứ ba bên trái) kế là Michelle (chị của Colby) Colby (áo trắng, thắt nơ đỏ)

ở truớc nhà thờ Ngôi lời Nhập Thể

Xin cám ơn cô giáo Thảo, các thầy cô đã bỏ rất nhiều thì giờ công sức trong  nhiều năm qua để hướng dẫn dạy dỗ tiếng Việt và giáo lý cho các cháu để các cháu không quên cội nguồn là người Việt nam và biết kính Chúa, yêu người ngay từ thời còn nhỏ.

Phùng văn Phụng

 Ngày 05 tháng 06 năm 2010

Đối chất ma quỷ

Đối chất ma quỷ

                                                               TRẦM THIÊN THU

Đăng bởi pleikly lúc 1:33 Sáng 28/08/12

 

VRNs (28.08.2012) – virgin-mary  – Với những câu chuyện thật của những người và những ngôi nhà bị “ma ám”, cuốn “Exorcism: Encounters with the Paranormal and the Occult” (Trừ quỷ: Đọ sức với Siêu linh và Huyền bí) là sách mà bạn không thể bỏ xuống sau khi đọc vài trang. Nhưng khác với những cuốn tiểu thuyết tiêu biểu về ma quái, ma cà rồng, và những ngôi nhà ma ám, cuốn sách này hoàn toàn đáng tin vì là sách được viết bằng ngòi bút “sắc bén” của LM Jose Francisco C. Syquia, giám đốc Văn phòng Trừ quỷ của TGP Manila (Archdiocese of Manila Office of Exorcism), và được viết theo giáo lý Công giáo.

Tôi đã đọc cuốn sách này vài năm trước nhưng rồi để nó “ngủ yên” trên kệ sách. Tới một ngày cuối tháng Hai, lúc chúng tôi nghi là gia đình của con trai tôi là “đích nhắm” của ma quỷ. Tôi không an tâm. Đứa cháu nội yêu dấu của tôi là Juan Lorenzo bị “nhắm” tới. Là bà nội sẽ làm gì? Tôi cầu nguyện nhiều, dâng những việc hy sinh cho Chúa – và lấy sách của LM Syquia để được hướng dẫn.

Tôi bảo cháu viết ra những trải nghiệm của cháu và các chiến lược của ma quỷ, và tôi nghĩ nên viết về sách của LM Syquia làm sườn cho câu chuyện. Khi làm vậy, tôi nhận ra rằng tôi đang “khiêu chiến” với ma quỷ. Nhưng khi bạn phụng sự Thiên Chúa, bạn cứ tiến lên vì bạn cảm thấy Thiên Chúa đang thôi thúc bạn. Do đó, khi viết bản tóm lược này về cuốn sách của LM Syquia, tôi hy vọng sẽ làm cho bạn biết nhiều hơn về ma quỷ và sự hiện diện thật của ma quỷ (active presence) trên thế gian này.

MA QUỶ HIỆN HỮU!

Ai là các loại ma quỷ này? Theo LM Syquia giải thích, chúng là các thiên thần sa ngã vì kiêu ngạo và bị Tổng lãnh thiên thần Micae tống khứ khỏi Thiên đàng. Chúng ghét Thiên Chúa và chiến trường của chúng là thế gian, nơi chúng chiến đấu với các thiên thần của Thiên Chúa để giành lấy các linh hồn.

LM Syquia cũng cảnh báo chúng ta về tục lệ chữa bệnh mê tín (nhất là ở các vùng quê). Nhiều người trong chúng ta đã nghe nói về đủ loại thần linh ở chỗ này hay chỗ nọ. LM Syquia giải thích: “Đó chỉ là ma quỷ, chúng có sức mạnh như thiên thần và chúng vẫn hiện hữu sau khi sa ngã”.

Nói về việc ma quỷ tấn công một người nào đó, LM Syquia cho biết có 3 dạng. Dạng thứ nhất và phổ biến nhất là “chiếm hữu”, tức là ma quỷ kiểm soát thân xác của người đó – nhưng nó không thể kiểm soát linh hồn của người đó. Có 2 giai đoạn “câu thúc” của ma quỷ: ám ảnh và khống chế. Ám ảnh là bị ma quỷ kiềm chế thân xác nên có những ý tưởng quái gở trong ý nghĩ của người bị quỷ ám. Giai đoạn cao độ là lúc xuất hiện ý nghỉ muốn tự tử. Khống chế nghiêm trọng hơn ám ảnh. Có những “gánh nặng” hoặc nỗi thống khổ hành hạ người đó, có thể người đó cảm thấy đau nhức về thể lý, rối rắm về trí tuệ, bệnh tật về tâm lý (tâm bệnh), trầm cảm, nhìn thấy những cảnh kinh dị, và gặp ác mộng về ma quỷ. “Bị khống chế dữ dội” cũng giống như “bị ám ảnh” nhưng ma quỷ hoàn toàn kiểm soát nạn nhân.

LM Syquia liệt kê những cách mà ma quỷ có thể “ám” cả một gia đình. Ví dụ: Qua các chứng bệnh như bệnh tim, nhức đầu và đau bao tử; sự phân rẽ trong gia đình; bệnh về tâm lý và cảm xúc như tức giận và trầm cảmj; những cơn cám dỗ; kém lòng tin vào Thiên Chúa; thất bại trong công việc và các nỗ lực khác.

Trong chuyện trừ quỷ của cháu nội Juanlo của tôi, ma quỷ đã thể hiện qua các vết bầm tím trên cổ của cháu nội tôi, không thể giải thích về nguyên nhân của các vết bầm tím đó.

LM Syquia cũng cảnh báo về sự bành trướng của “Trào lưu Thời Đại Mới” (New Age Movement): “Sự ảnh hưởng huyền bí trong Thời Đại Mới có thể dễ dàng phát hiện bằng cách kiểm tra các tiêu đề sách. Có những cuốn sổ tay của ma thuật, tử vi và bói toán,… Giới trẻ đang bị thu hút vào các bộ phim như ‘Harry Potter’ và ‘Ma Thuật’, các trò chơi như ‘Dungeons and Dragons’ hoặc chương trình truyền hình như ‘Charmed’. Ngay cả trẻ em cũng không an toàn”.

LM Syquia liệt kê các cách áp dụng và các khí cụ của Trào lưu Thời Đại Mới mà người Công giáo nên tránh. Đó là những trò chơi ma thuật, bùa ngải, bói toán, cờ bạc, thôi miên, trầm mặc tiên nghiệm (transcendental meditation), phim ảnh và trò chơi khiêu dâm,… Nhiều người Công giáo đi lễ hằng ngày mà vẫn mua sách tử vi để “tham khảo”. Điều này chứng tỏ “miệng nam mô mà bụng một bồ dao găm”, chỉ tin Chúa bằng miệng!

VŨ KHÍ TÂM LINH

Thật vui khi Giáo hội đã cho chúng ta một số vũ khí mạnh mẽ để chống lại ma quỷ. Nhưng trước hết, chúng ta cần phân biệt 2 thuật ngữ: trừ quỷ và giải thoát. Chúng ta đã biết người trừ quỷ. Có thể chúng ta không biết rằng một linh mục phải có phép của đấng bản quyền (giám mục) mới được trừ quỷ. LM Syquia trích lời của Giáo luật: “Phép đó từ đấng bản quyền địa phương chỉ được ban cho một giáo sĩ có lòng đạo đức, hiểu biết, cẩn trọng và chính trực”.

Mặt khác, trong cuốn “Exorcist: A Spiritual Journey” (Người trừ quỷ: Hành trình tâm linh), LM Syquia định nghĩa “người giải cứu” (deliverance minister) là “linh mục, tu sĩ, hoặc giáo dân với đặc sủng giải thoát… Họ dùng các kinh nguyện giải thoát (không phải Nghi thức Rôma về Trừ quỷ) để xua đuổi ma quỷ khỏi người bị ám…”. Việc dùng kinh nguyện giải thoát được coi là trừ quỷ riêng tư.

Cũng trong cuốn sách nói trên, LM Syquia trích lời Thánh Alphong Liguori: “Việc trừ quỷ riêng tư là được phép đối với mọi Kitô hữu; việc trừ quỷ theo nghi thứ chỉ được phép đối với những người đã được chỉ định làm việc đó, và chỉ được phép của giám mục”.

Rất hiếm linh mục trừ quỷ, chúng ta có thể quy tụ nhóm để cầu nguyện giải thoát cho người bị quỷ ám, hoặc có thể cầu nguyện giải thoát chính mình (nếu bạn muốn có bản sao, xin nhắn tin về số +639178121362).

LM Syquia liệt kê một số “vũ khí” hiệu quả: Nước phép, ảnh tượng đã làm phép (đặc biệt là ảnh Thánh Bênêđictô), Áo Đức Bà và Ảnh Đức Mẹ Làm Phép Lạ, Chuỗi Mân Côi, nến phép, và sách kinh nguyện.

Đức Mẹ rất uy quyền. LM Syquia kể một câu chuyện mà ngài tin Đức Mẹ đã cứu ngài trừ quỷ rất khó khăn trong một bệnh viện nọ.

LM Syquia nhấn mạnh điều khác là các Kitô hữu phải “ở trong tình trạng ân sủng”. Tham dự Thánh lễ và rước lễ luôn là vũ khí cực mạnh chống lại ma quỷ. Như vậy, khi bị vây hãm, Kitô hữu nên cố gắng tham dự Thánh lễ thường xuyên.

CHỈ CÓ va LUÔN LÀ CHÚA GIÊSU

Trong cuốn sách về “những chuyện kinh dị”, tôi thích nhất chương “Only Jesus and Always Jesus” (Chỉ có và luôn là Chúa Giêsu). LM Syquia nói rằng, khi bị ma quỷ tấn công, người ta tập trung vào ma quỷ, như thời gian trôi qua, người trừ quỷ hoặc người giải thoát nhận biết Thiên Chúa quyền năng biết bao! Vì “Thiên Chúa luôn cùng chiến đấu với chúng ta và không bao giờ rời xa chúng ta”. Quan trọng nhất là “tiếp tục tiến tới sự thánh thiện”. Thật vậy, khi bạn cảm thấy bị ma quỷ bao vây, bạn không còn sự giải thoát nào khác ngoài Thiên Chúa.

Khi tôi đặt tựa đề “Đối chất ma quỷ” cho bài viết này, tôi nên giải thích thêm. Thực ra, chúng ta không thể và không nên “đối mặt ma quỷ”. Ma quỷ là các thiên thần sa ngã nên rất mạnh hơn chúng ta. Chúng ta phải luôn “nhân Danh Chúa Giêsu” mà chống lại ma quỷ. Như vậy, chiến thắng của chúng ta luôn là chiến thắng của Chúa Giêsu. Ngài là sức mạnh của chúng ta và là Đấng bảo vệ chúng ta. Xin chúc tụng Chúa Giêsu và Thánh Danh Ngài: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2:10).

Lourdes Policarpio

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)

_______________________________________________________________

Giáo Dục Bi Thảm

Giáo Dc Bi Thm

                                                                                      (09/03/2012)

                                                                              trích: Vietbao.com

Bạn thân,
Một thời chúng ta nhìn các thầy giáo, cô giáo như những vị thần linh… nhưng bây giờ thì không như thế nữa.

Một thời, chúng ta lắng nghe các thầy cô nói từng lời, nghiền ngẫm từng chữ… và không bao giờ chất vấn, nghi ngờ gì hết. Bởi vì, thầy cô nói bằng tấm lòng muốn trao truyền kiến thức, và muốn chúng ta giỏi, muốn chúng ta siêng năng, và muốn chúng ta thành công ngoàì đời.

Thầy cô là những người cho chúng ta chữ, cho chúng ta hiểu về cuộc đời, cho chúng ta hiểu về ẩn nghĩa của Truyện Kiều, khi nàng tuyệt sắc Thúy Kiều bị xã hội xô đẩy vào lầu xanh, cũng y hệt như những tinh hoa đẹp nhất của giới trí thức thời cụ Nguyễn Du bị lịch sử xô đẩy, trong đó có những người phảỉ bán đi sự lương thiện…

Bây giờ thì khác. Báo Tuần Việt Nam qua bài viết của tác giả Nguyễn Trọng Bình đã nêu vấn đề ngay ở tựa bài: “Giáo dục có đang… ‘vô cảm’?” Bài viết đầy những hình ảnh đau đớn của nền giáo dục, chuyện chạy trường, chạy bằng cấp, chạy việc… trích như sau:

“…Khoảng mươi năm trở lại đây trong ngôn ngữ tiếng Việt bỗng xuất hiện một từ mới: “Chạy trường”. Hiểu một cách nôm na “chạy trường” là cách mà các quý vị phu huynh của các em học sinh, sinh viên từ bậc học mẫu giáo cho đến đại học phải bỏ tiền ra để nhờ vả, chạy chọt cho con em họ có cơ hội vào học ở những ngôi trường phần nhiều được đánh giá là có “chất lượng tốt”.

Những trường này thường được  “bảo chứng” bằng những mỹ từ như: Trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên, trường điểm, hay trường quốc tế…. Hoặc có khi “chạy trường” với mong ước con em mình được học ở những ngôi trường gần nhà để nhằm tiện lợi cho việc chăm sóc và đưa đón con em lúc đến trường.

Có ai ngờ những đứa trẻ chỉ mới bắt đầu vào mẫu giáo mà cha mẹ của chúng phải tất tả ngược xuôi để tìm một chỗ xứng đáng. Để được người ta “ươm mầm” sự… giả dối trong sự đổi chác và thực dụng….

Vấn đề “chạy bằng cấp và chạy kiến thức” chủ yếu xảy ra từ cấp trung học phổ thông trở lên. Ở cấp học này chuyện “chạy bằng cấp và kiến thức” nhìn chung là do hậu quả của việc tổ chức thi cử “tưởng là nghiêm túc nhưng kì thực là rất lỏng lẽo” mà ra.

Cuộc khảo sát của 1 nhóm nghiên cứu về việc gian lận trong thi cử đối với 500 học sinh mới đây là 1 minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Có tới 400 em học sinh thừa nhận mình có gian dối trong thì cử với nhiều hình thức khác nhau…

Đối với những cấp bậc cao hơn như đại học, hay sau đại học thì việc chạy bằng cấp và kiến thức rõ ràng nhất là ở khâu thực hiện đề tài luận văn (cử nhân), luận án (thạc sĩ, tiến sĩ) tốt nghiệp.

Đây còn là 1 đại nạn, 1 thực trạng đáng xấu hổ nhất trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học ở nước ta hiện nay.

Xấu hổ là vì ngay chính bản thân những thầy cô giáo toàn những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, GS… nhưng có không ít người đã không ngần ngại nhận phong bì từ sinh viên, học viên của mình để rồi châm chước và cho qua những luận văn, luận án không xứng đáng mà mình hướng dẫn hay phản biện.

Đau đớn hơn có người còn ra giá với học trò của mình và nếu như học trò nào đó không biết “vâng lời” thì có khi phải nhận lấy những hậu quả xấu. Những việc làm này rõ ràng chỉ có thể nói đó là sự “mất nhân tính” của những con người vốn đang gánh trên vai trọng trách “trồng người” cho xã hội….

Và “chạy việc”

Một sinh viên để có thể cầm trên tay mảnh bằng đại học (ít nhất là 4 năm) phải đánh đổi không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc của gia đình. Đến khi ra trường các em phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của xã hội trong hành trình xin việc để tự lập, mưu sinh.

Thế nhưng vẫn có những người thầy không ngần ngại “ra giá” với các em về một chỗ làm nào đó nhờ sự quen biết của họ. Thử hỏi học trò mới ra trường thì làm gì có tiền (từ vài chục đến vài trăm triệu) để đưa cho thầy cô mong có được chỗ làm…”

Làm sao bây giờ? Làm sao tìm ra những người thầy thơ mộng nhiều thập niên trước… Chắc chắn vẫn còn đó, ở đâu đó, vẫn còn những thầy giáo, những cô giáo thật tâm quan tâm tới các em… Thật là may mắn, là đại cơ duyên cho những ai gặp các vị thầy đáng kính như những trang sách cổ.

Bụi phù hoa

Bụi phù hoa

tocngan k1

WGPSG — “Một cô gái tên Muối đã có tình nhân mà còn làm đám cưới với một anh Việt kiều Mỹ, định sau này sẽ ly dị chồng để rước người tình qua. Nhưng đến ngày đàng trai đến rước lại không thấy cô dâu đâu khiến cho công trình mồi chài bao ngày tháng trở thành công cốc. Nguyên nhân vì đâu? Tại sao cô lại không về làm cô dâu để thực hiện chương trình đánh lừa anh chàng Dick ngơ ngáo kia?

Số là tối hôm trước ngày rước dâu, sau khi nhậu nhẹt say sưa, nhảy nhót tưng bừng cho đến gần sáng, cô Muối cùng tình nhân thuê khách sạn ngủ, dự định sáng mai về cũng còn kịp chán. Muốn cho đêm tạm biệt thêm vui, họ phi một đợt xì ke (ma túy), sau đó họ lăn ra ngủ. Đến gần chiều hôm sau cả hai mới giật mình tỉnh dậy. Cô Muối hối hả lên xe, chạy về.

Xe hoa đã lên đường được hơn nửa giờ rồi.!”

“Có mấy em bé rất muốn làm thiên thần, Thượng Đế trao cho mỗi bé một cái chân đèn bằng đồng, và bảo chúng trong lúc chờ Ngài trở lại, hãy giữ cái chân đèn sao cho luôn được sáng bóng. Nhưng rồi một tuần đã trôi qua đi mà vẫn chưa thấy Thượng Đế trở lại, tất cả các em bé đã nản chí, không còn chùi bóng chân đèn của mình nữa.

Một hôm, Thượng Đế đột nhiên đến thăm, chân đèn của mỗi đứa bé lười nhác đều đã đóng một lớp bụi dày, chỉ duy có em bé mà thường ngày cả bọn vẫn kêu bằng thằng ngốc, dù cho Thượng Đế chưa thấy đến, hằng ngày bé vẫn nhớ lời dặn, lau chùi cái chân đèn sáng bóng.

Kết quả em bé ngốc này được trở thành thiên thần.”

Hai câu chuyện: một cô dâu gian dối bị vuột mất chàng rể và một em bé bị bạn bè xem là ngốc nhưng nhờ tính kiên trì đã đạt được ước mơ, là những minh họa điển hình cho Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay.

Nếu Kitô hữu chúng ta cứ suy nghĩ một cách chủ quan rằng mình đã giữ đạo tốt lắm rồi nên không lo chỉnh đốn cách sống đạo cho đẹp lòng Chúa, chúng tôi sẽ rơi vào trường hợp như cô dâu Muối. Trong ngày tái ngộ, Chúa sẽ nói với chúng ta rằng: “Ta chẳng biết các ngươi là ai”.

Giữa thời buổi yêu chuộng vật chất và duy tục như ngày nay, con người sống như thể rằng mình không bao giờ chết, nên để cho tâm hồn mình bị che phủ bởi bụi phù hoa. Chúng ta thà làm ’em bé ngốc’ lội ngược dòng để giữ được lòng trinh trong Chúa đã ban cho còn hơn để đời mình bị cuốn theo chiều gió hư vong.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con có mong ước tốt nhưng với bản tính yếu mềm của con người, không có Chúa giúp chúng con không làm gì được. Xin cho chúng con luôn hướng về trời là cùng đích của đời tín hữu, hầu có thể đón Chúa trở lại trong hân hoan.

Vậy anh em hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào (Mt 25,13).

 Maria Thanh Mai gởi

NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM

NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM

                                                                                                                HẠNH NGUYÊN

                                                                                                           trích Ephata: 525

 VTT ZZAUG 22  JPEG HTVY

             Huỳnh Thục Vy

             Trịnh Kim Tiến

“Trịnh Kim Tiến, tên em gắn liền với những biến cố vui buồn của đất nước trong gần một năm qua. Dòng nước mắt em khóc cha, ông Trịnh Xuân Tùng, bị công an đánh chết, làm bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước khóc theo. Nhìn tấm hình em khóc, tôi cảm thấy thương em vô cùng vì trong giọt nước mắt của em có bóng của đời mình.

Vài tuần sau, nhìn Kim Tiến mỉm cười cùng các bạn hiên ngang đi giữa lòng chế độ độc tài, lòng tôi chợt dâng lên niềm hãnh diện:

“Khi em xuống đường vì Hoàng Sa, Trường Sa

Đồng bào bước cùng em

Thanh niên, sinh viên, học sinh bước cùng em

Sài Gòn bước cùng em

Hà Nội bước cùng em

Trong nước bước cùng em

Ngoài nước bước cùng em”

( Trần Trung Đạo – Những cánh én của mùa xuân dân tộc )

Tôi cũng như bao người Việt Nam xa xứ nặng lòng với quê hương mang tâm trạng như nhà thơ Trần Trung Đạo, dõi theo những thăng trầm của vận mệnh dân tộc, buồn vui với non sông cùng bước chân những người yêu nước. Kim Tiến đã làm bao người khóc cùng em khi cha em bị đánh gần chết giữa công đường, hân hoan nhìn dáng đứng thướt tha hiên ngang trong tà áo dài truyền thống khi biểu tình bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa:

“Thấy áo em bay giữa cờ gió lộng
Xin nghiêng mình tặng Em nhành Nguyệt Quế
Viết bài ca tặng Em Người Con Gái Việt Nam !
Gửi đến Em ! Người Con Gái Da Vàng !
Gửi đến Em ! Người Con Gái Việt Nam !” 

( Nhạc và lời Dzuylynh – Người Con Gái Việt Nam ) 

Mới đây bao người uất ức cùng em khi biết bản án bất công của những người hành xử pháp luật ( xem ghi chú bên dưới ). Em đã trở thành người con của Chúa: Monica Trịnh Kim Tiến, sau nhiều đau thương mất mát. Hôm nay tôi chúc mừng hạnh phúc khi bên em có người bạn đời Phaolô Thành Nguyễn đồng hành đi tìm công lý. Kim Tiến chọn ngày thành hôn cũng gần ngày kính thánh Bổn Mạng Monica, vị thánh quan thầy giới hiền mẫu. Hiếm có những trường hợp trong gia đình cả hai mẹ-con cùng là Thánh, nhất là trong hoàn cảnh gia đình tưởng như tan nát tuyệt vọng lại biến thành hạnh phúc tuyệt vời góp phần cho Giáo Hội vị đại Thánh Augustinô.

Ai mà không đau lòng khi nhìn những giọt nước mắt nơi em ngày cha mất cách tức tưởi, tiếng khóc của em không hẳn chỉ cho cha mà còn là tiếng kêu thê lương của cả một dân tộc oằn oại bao năm dưới luật pháp kẻ bạo tàn, nhà báo Lê Diễn Đức đã xót xa:

“Tiếng khóc em thảm thiết cứa vào thịt da.

Em, người con gái mất cha !

Uất ức, đau thương trùm lên mặt phố !”

( Lê Diễn Đức – Em đi tìm công lý nơi nào ? )

Nếu trước đây tôi vui mừng khi chị Tạ Phong Tần trở về mái nhà Cha và hãnh diện danh hiệu “Nhà Báo Tự Do Công Giáo” khi chị mạnh dạn viết những bài đấu tranh cho Công Lý và Sự Thật. Hôm nay niềm vui trong tim gấp bội hơn khi biết tin Kim Tiến, Thục Vy cùng đón nhận Đức Tin Công Giáo. Việc trở về cùng Cha không bao giờ là một sự muộn màng: người đến trước ( giờ thứ nhất ) hoặc đến sau ( giờ thứ 25 ) rốt cuộc cũng chỉ hưởng công… một đồng. Sự trở về của các cô từ chính trong tâm hồn cảm nghiệm Chúa chắc hẳn hơn một số người theo Đạo dòng như tôi. Có câu danh ngôn nào đã nói: Cánh cửa này đóng sẽ mở cho ta cánh cửa khác, như ánh sáng cuối đường hầm, niềm tin chính là ân điển của Thiên Chúa luôn bao bọc và mời gọi chúng ta ở những thời điểm khác nhau.

Chị Tạ Phong Tần về với Chúa như Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại, trong thư gửi chúc mừng Kim Tiến, Thục Vy, Hoàng Vy chị đã viết: “Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống, đặc biệt chị muốn cám ơn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cầu nối để chúng ta đến được với Chúa. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta, chị tin như thế. Bốn chị em mình mỗi người được gặp Chúa theo nhiều kiểu khác nhau. Chị khác các em, chị bước ra từ vũng lầy của tuổi trẻ sai định hướng, chị đến với Chúa trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, tuổi xuân của chị có quá nhiều sai lầm mà ngày ấy chị ngỡ tưởng mình đúng hướng…” ( http://www. chuacuuthe. com/archives/34947 – Thư gửi Hoàng Vi, Thục Vi và Kim Tiến ).

Còn Kim Tiến, chị đã cảm nghiệm: “Không phải anh em chọn Thầy mà chính Thầy đã chọn anh em” ( Ga 15, 16 ), đúng vậy, chính Chúa đã chọn tôi làm con của Người. Câu nói này đến bây giờ, sau khi trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, tôi mới hiểu được hết ý nghĩa của nó. Thật là khó nói hết ra những điều kỳ diệu mà Chúa đã mang đến cho tôi, thật sự nó rất huyền bí” ( Kim Tiến – Chúa trong tôi ).

Phần Maria Thục Vy khi được hỏi về lý do trở nên người con Chúa, cô viết: “Con tin rằng cuộc đời con không phải do con người quyết định mà được. Lúc con bị bắt, con tự nhiên thấy mình luôn được chở che. Con chưa hiểu vì sao con lại có cảm giác ấy. Nhưng con hy vọng nếu có một Đấng cao vời mà con chưa từng biết thì con mong các cha giúp cho con một cơ hội để bước vào con đường nhận biết Ngài. Đó là những lời con nói thật lòng mình” ( Nữ Vương Công Lý ).

Ban đầu, khi đọc những bài viết của Huỳnh Thục Vy, biết cô còn rất trẻ nhưng tư tưởng nhận định rất lớn, tôi còn hơi chút hòai nghi, nhưng hôm nay niềm tin và sự ngưỡng vọng cô là một điều khẳng định không chỉ nơi tôi mà còn biết bao nhiêu người. Nhà báo Lê Diễn Đức đã từng nhận xét Huỳnh Thục Vy là “một cô gái trẻ mà hiểu biết rộng, thông minh, có nhân cách trong sáng, can đảm, mãnh liệt nhưng rất ôn hòa trong các bài viết xuất sắc về các giá trị dân chủ, quyền công dân hay xã hội dân sự, được sự mến mộ và cảm phục của đông đảo người Việt trên khắp thế giới…”, hay “Cái đẹp của Huỳnh Thục Vy không chỉ của một người, nhưng là cái đẹp của cả một non sông” ( Nguyễn Bá Chổi – Một bông hồng cho Thục Vy ), và “nhà thơ năm chữ” Thái Bá Tân đã phác họa thật tâm đắc:

“Cháu – Cô gái xinh đẹp,

Đẹp cả ngoài lẫn trong.

Nhìn cháu mà cứ nghĩ,

Cái đẹp của non sông.”

( Thái Bá Tân – Huỳnh Thục Vy )

Thượng Đế là nguồn chân thiện mỹ từ trong sâu thẳm của con người, dù bạn theo bất cứ tôn giáo nào, đạo đức tâm linh, nhân bản có những chuẩn mực căn bản rất gần nhau, tình đồng loại, nghĩa đồng bào, lòng yêu quê hương thể hiện rất gần gũi. Huỳnh Thục Vy mang một ước mơ cháy bỏng cho dân tộc, thể hiện qua nhiều bài viết: “Tôi thương dân tộc tôi – dân tộc anh hùng có bốn ngàn năm Văn hiến đã và đang phải gò lưng nuôi cả một chế độ độc tài bất công, không những thế lại bị tước hết các quyền tự do được sống như những con người chân chính và có ý chí. Trong tình yêu thương ấy, với nhiệt huyết trào dâng trong lòng một cô gái trẻ, tôi đang mơ một ngày cả nước Việt Nam từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sàigòn, tất cả chúng ta – những người Việt Nam không phân biệt già trẻ, nam nữ, Phật giáo đồ hay con Chúa… cùng xuống đường trong những khẩu hiệu chống độc tài, tham những, đòi quyền tự do dân chủ. Và rồi sẽ cùng nhau kiến tạo một Việt Nam với diện mạo mới”.

Chính tình thương vô biên nguồn Chân Thiện Mỹ của mọi tôn giáo chân chính, cộng với những đau thương từ gia đình thôi thúc trong cô lòng yêu nước hoài bão cho tương lai dân tộc. “Thục Vy sinh năm 1985 tại Tam Kỳ. Tình yêu quê hương và nỗi đau mười năm tuổi thơ là những ngày đi thăm cha trong tù, đã hun đúc tâm hồn của cô bé xinh đẹp, hồn nhiên lớn lên bên giòng sông Bàn Thạch, Quảng Nam thành một nhà lý luận chính trị vững vàng. Kiến thức Thục Vy dẫn chứng trong các bài viết vượt trội hơn tuổi tác và điều kiện trưởng thành thiếu thông tin bên ngoài mà em đã phải trải qua. Sinh ra và lớn lên trong một chế độ độc tài, một nền giáo dục ngu dân lạc hậu, cây bút Huỳnh Thục Vy nổi bật như một bông hoa hiếm hoi mọc lên giữa rừng gai nhọn. Có thể nhiều khi em cũng cảm thấy cô đơn, nhưng từ trong nỗi cô đơn đó đã sáng lên niềm kiêu hãnh… Huỳnh Thục Vy không chỉ là niềm vui của tuổi trẻ Việt Nam mà còn cho tất cả những ai đang nặng lòng với đất nước” ( Trần Trung Đạo – Những cánh én của mùa xuân dân tộc ).

“Dải đất Việt Nam 
Nằm co ro như một kẻ ăn mày 
Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố 
Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ 
Như chiếc lưng khòm Mẹ gánh cả trời thương.
Thuở Hùng Vương 
Đi chân đất dựng sơn hà 
Bao nhiêu máu đã âm thầm đổ xuống 
Khi Trưng Trắc trầm mình trên sông Hát 
Chỉ mong giữ tròn trinh tiết với giang san.” 

( Trần Trung Đạo – Thưa Mẹ Chúng Con Ði )

Điều khẳng định chắc chắn đau khổ của phụ nữ Việt Nam hơn bất cứ người phụ nữ nào trên thế giới, hai gánh quê hương gia đình luôn oằn trĩu đôi vai. Thân phận quê hương và gia đình đã quyện vào máu xương người phụ nữ Việt Nam. Có nơi đâu trên trái đất này con người phải trải qua hàng ngàn năm chinh chiến, nếu hình ảnh chinh phu oai hùng đi vào hùng sử thì bóng thầm lặng chinh phụ mòn mỏi chờ chồng dạ sắt son đã thành truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Cho tôi xin trân trọng gọi thầm mãi tiếng yêu thương lẫn tự hào đến bao Anh Thư Liệt Nữ nước Việt: Bà Trưng, Bà Triệu, Bùi Thị Xuân, Cô Bắc, Cô Giang… và hôm nay con cháu các vị anh hùng vẫn tiếp tục hy sinh vì đại nghĩa, dấn thân cho Việt Nam hôm nay hướng đến tương lai. Những cái tên hôm nay: Đặng Thị Kim Liêng, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Đỗ Thị Minh Hạnh, Hồ Thị Bích Khương, Bùi Thị Minh Hằng, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Thị Kim Tiến, Tạ Phong Tần… đã và mãi mãi đi vào lòng người, là những tấm gương cổ vũ sức mạnh tiềm tàng lòng yêu nước của dân tộc một thời gần như quên lãng:

“Cho con thầm lặng gọi tiếng: Mẹ ơi !

Mẹ của Lê Sơn, Mẹ của Tạ Phong Tần.

Như hạt cải mục ươm mầm dưới đất.

Để sớm mai cả dân tộc hồi sinh”.

( Tú Anh – Cho con thầm gọi )

Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình khẳng định rằng: “Các tấn kịch và bắt bớ chống lại các Kitô hữu sẽ không ngăn cản được việc làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa”. ( Linh Tiến Khải dịch – Bách hại không thể ngăn chặn chứng nhân Kitô hữu )

Bác ái là căn bản của đời sống mọi Kitô hữu, không thể chỉ kính mến Thiên Chúa trong Nhà Thờ bằng câu kinh tiếng kệ, điều quan trọng là bạn hãy làm chút gì đó cho những người anh em để thực thi công lý và tình thương. Ý chí nơi Kim Tiến thật đáng khâm phục, blogger Mẹ Nấm đã ghi lại cuộc trò chuyện với cô:

“Tôi cảm thấy công lý này cần tự mình giành lấy, và tôi sẽ đứng ra trước tòa để tranh luận công khai minh bạch trong phiên tòa sắp tới. Tôi sẽ nhìn thẳng vào các vị quan toà, những người đang nắm giữ trong tay cán cân công lý để khẳng định với họ một điều rằng: công lý không bao giờ chết, nó chỉ đang bị chèn ép…

Tôi tin rằng con đường tôi đi luôn có bạn bè và đồng bào tôi cùng đồng hành và chia sẻ. Thật sự đến giờ này, tôi chỉ biết cảm ơn mọi người. Mọi người đã cho tôi sức mạnh, đã cho tôi niềm tin. Niềm tin để cố gắng sống cho đúng nghĩa một con người, niềm tin rằng mỗi cá nhân, dù nhỏ bé đến đâu cũng có thể góp phần, góp sức, góp một viên gạch khiêm tốn nhưng cực kỳ cần thiết để xây dựng nhà Việt Nam thân yêu, không phải cho chúng ta mà cho thế hệ mai sau”. ( Mẹ Nấm – Chị có về được không ? )

Tôi viết bài này giữa lúc hôn lễ của Maria Kim Tiến và anh Paul Thành Nguyễn đuợc tổ chức tại Nhà Thờ Kỳ Đồng Sàigòn, Chúa Nhật 26.8.2012 và cũng được biết tin thêm là vào ngày 3.9.2012 đến đây, Maria Huỳnh Thục Vy và Lê Khánh Duy sẽ làm lễ thành hôn tại Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam. Mừng cho hai em có niềm tin, hạnh phúc bên những người chồng đồng chí hướng tương trợ, giúp đỡ, an ủi trong đời sống hôn nhân và hành trình đi tìm công lý cho cha, cho gia đình, cho dân tộc dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Thánh Phaolô, Thánh Monica… để rồi một ngày nào đó:

“Em ngày mai hái những cành hoa của tình yêu, công lý

Cắm lên mộ cha và lên mảnh đất này

Cho Hà Nội thu về tay ấm lại cầm tay ?

( Lê Diễn Đức – Em đi tìm công lý nơi nào ? )

Ghi Chú:

Phiên tòa sơ thẩm ngày 13.1.2012 tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội diễn ra rất nhanh chóng, sơ sài và bất công với tội danh ‘làm chết người trong khi thi hành công vụ’ với bản án chỉ 4 năm tù giam tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ninh, tất cả những người đồng phạm đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào Tòa Án robot’, ngày 14.5.2012, tại phiên tòa phúc thẩm trong một phiên xử kín, anh chị em ruột nạn nhân không được tham dự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự vì không triệu tập đầy đủ nhân chứng…, nên gia đình yêu cầu hoãn lại phiên tòa và đề nghị triệu tập đầy đủ những người liên quan. Trong phiên phúc thẩm ngày 17.7.2012, bạn Kim Tiến đã tự tham gia tranh luận trong phiên tòa, không luật sư. ( Hà Minh Thảo – Những Người Việt Công Giáo Mới ).

HẠNH NGUYÊN, Boston, 26.8.2012

 

 

 

 

SỰ THẬT

SỰ THẬT

                                                                             tác giả: PHÙNG VĂN HÓA

                                                 trích báo: Ephata 525

 Cư dân mạng hiện đang xôn xao bàn tán, có người còn tỏ ra choáng váng trước tin ông Từ Hoài Khiêm ( Xu Huaiqian ) 44 tuổi, tổng biên tập một tờ báo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, vừa nhảy lầu tự sát hôm 25.8.2012 vừa qua. Lý do cái chết này được cho biết là ông ta bị trầm cảm vì đã không thể nói ra được điều muốn nói: “Tôi đau đớn vì dám nghĩ nhưng lại không dám nói ra. Nếu dám nói thì lại không dám viết và nếu dám viết thì cũng chẳng có nơi nào chịu đăng bài tôi cả. Tôi ngưỡng mộ những cây bút tự do nhưng tôi không thể rời hệ thống vì nếu làm như vậy thì gia đình tôi sẽ chịu hậu quả” ( Nguồn BBC ngày 25.8.2012 ).

Hệ thống được nói tới là Đảng Cộng Sản, còn những cây bút tự do đó là những người viết trong các nước Dân Chủ. Sống mà không dám nói, dám viết ra những suy nghĩ, quan điểm lập trường của mình, điều ấy là một mối nguy chẳng những cho cá nhân ấy mà còn cho cả đất nước dân tộc. Tại sao ? bởi vì như vậy là không sống trong sự thật mà đã không sống sự thật thì tất cả chỉ là dối trá, lừa đảo để rồi đưa đến hậu quả diệt vong không thể tránh. Bằng chứng là Thủ Tướng Đức, bà Angela Markel người đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản Đông Đức, nhân dịp kỷ niệm ngày 20 năm bức tường Berlin sụp đổ, và ông Medeved cựu Tổng Thống Nga, người đã sinh ra, sống và được giáo dục bởi chế độ xô viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đệ Nhị Thế Chiến; cả hai đều tuyên bố đại ý rằng: “Chế độ Cộng Sản là một guồng máy tạo ra sự dối trá, lừa đảo bịp bợm và giết người, chẳng những giết chính dân tộc nó mà còn giết những dân tộc khác.” ( Nguồn Chu Chỉ Nam – Tại sao chế độ Cộng Sản lại là một guồng máy lừa đảo giết người lớn nhất trong lịch sử nhân loại ? ).

Con người cần phải sống sự thật, thế nhưng điều hết sức khó khăn, hơn nữa có thể nói là không thể phân biệt đâu là sự thật, đâu là dối trá. Trước tòa, Philatô hỏi Chúa Giêsu, vậy ngươi là vua sao ? Chúa đáp: “Đúng như ngươi nói, Ta là Vua. Cốt vì việc ấy mà Ta sanh ra, cũng cốt vì cớ ấy mà Ta đến thế gian để làm chứng cho sự thật. Hễ ai thuộc về sự thật thì đều nghe tiếng Ta”. Philatô hỏi Sự Thật là gì ? ( Ga 18, 37 – 38 ). Đức Kitô không trả lời câu hỏi của Philatô, bởi Ngài biết rõ dù có nói cũng vô ích, ông ta không thể hiểu. Chẳng những không riêng gì Philatô mà tất cả người thế gian cũng không thể hiểu.

I. Thế gian không có sự thật

Từ Hoài Khiêm nói rằng mình ngưỡng mộ những cây bút tự do bởi cho rằng những con người trong các nước Dân Chủ ấy dám viết và nêu lên sự thật. Thế nhưng có hẳn là báo chí trong những quốc gia ấy phản ảnh đúng sự thật hay không ? Để có câu trả lời thì cũng không khó, bởi dù sao đó cũng chỉ là một nghề để kiếm sống hoặc địa vị danh vọng gì đó. Một khi đã là nghề nghiệp thì cũng phải tuân thủ những luật tắc của nó và luật tắc ở đây chính là lợi nhuận. Báo có nhiều độc giả thì sống, trái lại thì… ngỏm. Nói chung, toàn thể người ở cõi thế gian này đều chỉ sống vì lợi nhuận và lợi nhuận ấy dù trong bất kỳ tính chất nào, trong sạch hay dơ bẩn thì cũng đều chỉ có một cứu cánh là để thỏa mãn cho “Cái Tôi” mà thôi.

Bao lâu còn vì “Cái Tôi” mà làm thì dù cho có là hành vi tôn giáo đi nữa cũng không thể có sự thật, mà đã không sống sự thật thì ắt sẽ sống trong giả dối. Hết thảy con người đều sống giả dối bởi chưng không ai lại không bị tội nguyên tổ làm cho hư hỏng. Nguyên tổ vì nghe theo sự lừa dối của rắn Satan nên đã ăn trái cây phân biệt mà Thiên Chúa đã cấm, thế nên bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng ( St 3, 24 ). Chính bởi vậy, Đức Kitô nói Satan là cha của sự nói dối: “Các ngươi ra từ cha các ngươi là ma quỷ và các ngươi muốn làm theo tư dục của cha các ngươi. Từ ban đầu nó là kẻ giết người chẳng đứng trong lẽ thật, vì trong nó không có lẽ thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói, vì nó vốn là kẻ nói dối cũng là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 ).

Từ ban đầu Satan là kẻ nói dối và sự dối trá ấy tinh vi đến độ y như là thật. Bà Eva còn đang lưỡng lự thì rắn quả quyết: “Hai người chẳng chết đâu, nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai người ăn trái đó thì mắt mình mở ra sẽ như Đức Chúa Trời biết điều thiện điều ác” ( St 3, 4 ). Có vẻ như Satan… không nói dối vì sau khi ăn cây phân biệt cả hai ông bà nguyên tổ chẳng những không chết mà mắt còn… mở ra. Tuy nhiên cái chết đây không phải là chết phần xác nhưng là chết tâm linh: “Đoạn mắt hai người liền mở ra, biết mình lõa lồ bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” ( St 3, 7 ). Khi mắt xác thịt mở ra thấy mình lõa lồ tức là cái thấy của sự phân biệt nam nữ, giầu nghèo, sang hèn, có không ( thị phi ) được mất v.v…

Chính cái thấy của sự phân biệt ấy là nguồn gốc tội ác đưa đến khổ đau cho con người. Bởi thấy có nam có nữ mà nảy sinh dục vọng luyến ái nọ kia. Bởi thấy có ngôn ngữ màu da khác biệt mà kỳ thị chủng tộc. Bởi thấy có giàu nghèo sang hèn mà nảy sinh tỵ hiềm ganh ghét đố kỵ…

Hết thảy những cái thấy mang tính phân biệt đều là lừa dối nhưng bởi là lừa dối của Satan nên con người khó thể nhận biết. Ở đây có thể kể ra hai cuộc lừa dối mang tính… toàn cầu vô tiền khoáng hậu cho cả hai phía Cộng Sản và Dân Chủ Tây Phương.

Chủ Nghĩa Cộng Sản lấy chiêu bài đấu tranh giai cấp để xây dựng thế giới đại đồng vô giai cấp. Nhưng đại đồng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy những chế độ độc tài đảng trị nối tiếp nhau. Bà Rosa Luxembourg, người bạn chiến đấu của Lénine, trước khi chết trong ngục tù chế độ ( 1919 ) đã viết một bức thư gửi cho ông ta: “Cái độc đảng và nhà nước độc tài mà anh lập ra anh bảo rằng nó phục vụ nhân dân và thợ thuyền. Nhưng trên thực tế nó chẳng phục vụ một ai cả, vì nó đã đi ngược lại với những nguyên tắc chính của Chủ Nghĩa Xã Hội, đó là tôn trọng tự do dân chủ” ( Nguồn: Chu Chỉ Nam – đã dẫn ).

Một người đã để cả đời tranh đấu cho lý tưởng Cộng Sản, ấy vậy mà cho đến lúc sắp chết trong lao tù vẫn còn ảo tưởng về nguyên tắc tự do dân chủ của Chủ Nghĩa Xã Hội thì thật khó mà hiểu, nếu không nhận ra đây chỉ là một trong vô vàn nạn nhân của Satan, cha đẻ của dối trá.

Mặt khác, ảo tưởng tự do dân chủ không phải chỉ có ở nơi người Cộng Sản mà còn là một cái gì đó… hấp dẫn cho cả những người theo đuổi lý tưởng dân chủ. Ảo tưởng ấy cách nay hơn một thế kỷ đã bị Đức Thánh Cha Pio IX vạch rõ: “Việc phổ thông đầu phiếu là một vết thương phá hỏng trật tự xã hội và đúng ra nó xứng đáng được gọi là “Sự nói dối phổ cập”. Ma quỷ chắc chắn có cùng ý kiến như nó đã để lộ cho thấy trong một cuộc trừ tà. Nó không giấu diếm ý dồ chính trị của nó… Nó tự tuyên bố là người Cộng Hòa nhiệt tình: Tự Do – Bình Đẳng – Huynh Đệ và Cộng Hòa Pháp. Chính ma quỷ dùng những lời lẽ ấy mà chào những khách đến thăm ( người bị quỷ nhập ). Một hôm ông Spies thị trưởng Selestat nói với hắn: “Ngu, mày không biết điều mày nói !” Nó liền đáp: “Tôi biết điều tôi nói, hoan hô Tự Do, Bình Đẳng, Huynh đệ. Lúc đó chúng tôi sẽ được việc lắm” ( Michel Servant – Ngày của Chúa ).

Tự Do – Bình Đẳng – Huynh Đệ ( Liberté – Égalité – Fraternité ) là ba lý tưởng căn bản được nêu lên trong Cách Mạng Pháp 1789 và rồi đã được các nướ c dân chủ Tây Phương lấy đó để làm mục tiêu hành động. Satan hoan hô tự do bình đẳng huynh đệ và đồng thời nó cũng biết rất rõ đó chỉ toàn là ảo tưởng. Nhưng với con người thì lại coi đây như là lý tưởng cần thực hiện để có được cuộc sống hạnh phúc.

Lý do khiến Satan biết rõ đó chỉ là ảo tưởng bởi vì trong ba yếu tố ấy loài người không thể thực hiện được điều thứ ba, tức tình huynh đệ. Trong những thể chế thực sự dân chủ, người ta có thể tương đối có tự do và bình đẳng, thế nhưng nếu không có tình huynh đệ coi hết mọi người như anh chị em một nhà thì rút cục cũng chẳng thể nào có tự do bình đẳng, nếu không muốn nói là hỗn loạn.

Một mặt Satan hoan hô nhưng mặt khác nó lại nói lúc đó chúng tôi sẽ được việc lắm. Cái gọi là… “được việc” ấy là khi người ta nói rằng mình tranh đấu cho tự do bình đẳng thì ngay khi ấy cũng là lúc mà ganh ghét hận thù nổi lên. Tất cả nguyên nhân khiến không thể có tự do bình đẳng là vì không có tình huynh đệ. Đức Kitô nói: từ ban đầu Satan là kẻ giết người chẳng đứng trong lẽ thật thì việc giết của nó chính là giết chết tình huynh đệ – đệ huynh ở nơi con người. Đức Kitô xuống thế hầu đem lại cho nhân loại Sự Thật và chỉ trong Sự Thật ấy nhân loại mới có thể tìm đến với nhau như anh em một nhà.

II. Con đường đưa tới sự thật

Để có thể đi tới bất cứ nơi nào thì cần phải biết đường, còn như không biết thì hỏi, người ta sẽ chỉ cho. Đối với đường đời đã vậy, còn đường đạo tức đường thực hiện tâm linh thì việc hỏi, thắc mắc lại còn quan hệ hơn gấp bội. Không hỏi không nghi thì không bao giờ có lời giải đáp. Tuy nhiên việc hỏi ấy có thể đưa đến kết quả khác nhau, chấp nhận hay không chấp nhận. Người Do Thái vây quanh Chúa Giêsu chất vấn: “Thầy để chúng tôi vơ vẩn đến chừng nào. Nếu thầy là Đấng Kitô thì hãy nói tỏ tường cho chúng tôi” ( Ga 10, 24 ).

Đối với câu hỏi này cũng như của Philatô hỏi sự thật là gì. Chúa không  trực tiếp trả lời, bởi biết họ không tin. Thế nhưng trường hợp các Tông Đồ thì khác, sau khi nghe Chúa nói mình đi để chịu chết thì Tôma hỏi: “Thưa Chúa chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu làm sao biết đường ?” Chúa Giêsu đáp: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 5 – 6 ).

Qua câu trả lời này, ta thấy Đức Kitô chẳng những rất ân cần với các Tông Đồ mà còn trở nên con đường để những ai theo Ngài có thể bước đi trên đó. Mặc dầu Chúa nói mình là đường, là sự thật, sự sống nhưng như thế không có nghĩa có thể dừng lại trên con đường này. Dừng như thế thì Đường Giêsu sẽ ắt thành… đường cụt. Lý do bởi vì có đường thì phải đi mà đã đi thì phải đến một nơi chốn nào đó chứ chẳng lẽ lại cứ đi vơ đi vẩn ? Đức Kitô đã nói một cách rõ ràng rằng không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Điều ấy chứng tỏ cứu cánh con đường Giêsu phải là Đấng Cha chứ không phải là Ngài.

Thời này là thời Tục Hóa tức Giải Thiêng ( désacralisation ) mà đã giải thiêng thì tất nhiên không thể còn cứu cánh là Đấng Cha nữa. Một khi đã không còn Đấng Cha như một cứu cánh thì cũng không thể có sự thật. Tại sao ? Bởi vì sự thật chỉ đến với con ngườii khi nào nó nhận biết được phẩm vị Con Thiên Chúa ở nơi chính mình.

Quả thật, con người được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 2, 26 ) tức Con của Ngài, nhưng do ảnh hưởng tội nguyên tổ mà chúng ta như đã hoàn toàn quên mất phẩm vị cao quý ấy. Cũng bởi vì quên nên con người mới sa đà vào đủ thứ giống tội nhưng lại chẳng cho đó là tội. Tội khiến làm cho che lấp Sự Thật tức phẩm vị Con Thiên Chúa nơi mình. Vì vậy Đức Kitô nói: “Nếu các ngươi cứ ở trong Đạo Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 – 32 ).

Chúa là Đấng Giải Thoát nhưng sự giải thoát ấy hoàn toàn không phải do phép mầu hay quyền năng nào mà nó chỉ đến với chúng ta khi nhận biết sự thật. Lý do nhận biết sự thật lại giải thoát là vì sự thật ấy vốn dĩ đã có ở nơi mỗi người, chỉ cần nhận ra là được.

Sự thật cần nhận biết ấy như đã nói đó chính là Hình Ảnh Thiên Chúa và cũng là Nước Trời mầu nhiệm mà Đức Kitô rao giảng: “Người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu về Nước Đức Chúa Trời chừng nào đến thì Ngài đáp: “Nước Đức Chúa Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không thể nói đây này hay đó kia, vì này, Nước Đức Chúa Trời ở trong lòng các ngươi” ( Lc 17, 20 – 21 ).

Nước Trời là nước vô cùng mầu nhiệm, ấy vậy mà nước ấy lại chẳng có ở đâu khác ngoài mình và đây mới chính là Sự Thật chúng ta cần hết lòng tìm kiếm. Tìm kiếm địa vị sang giàu ở thế gian là việc cũng chẳng phải dễ. Thế nhưng dù cho nó có được thì cũng chẳng ra gì nếu không muốn nói là chỉ chuốc vào mình lo âu phiền muộn. Đang khi đó con đường tâm linh đem lại cho ta Sự Thật, một Sự Thật vĩnh cửu chẳng bao giờ tàn, chẳng bao giờ phai.

Tuy nhiên để có được Sự Thật ấy thì ngoài con đường tín thác, cậy trông vào Chúa Giêsu chẳng còn con đường nào khác.

PHÙNG VĂN HÓA,

 9.2012

Thực thà với Chúa

Thực thà với Chúa

                                                           PM. CAO HUY HOÀNG

1:10 Sáng 1/09/12

 

VRNs(01.09.2012) – Suy Niệm Lời Chúa CN 22 TN B

Noi gương Ông Giosuê, bắt chước Thánh Phêrô, tuần trước, chúng ta cùng thưa với Chúa rằng: Chúng con quyết không bỏ Chúa, gia đình chúng con tôn thờ Thiên Chúa và trung tín với Chúa.

Tuần này, Lời Chúa dạy chúng ta cách tôn thờ Thiên Chúa thế nào cho đúng với ý Chúa muốn, và còn phải biết “dạy cho con cháu” cách sống đạo cho nên ( x. Đnl 4, 1-2. 6-8 ).

Tôi bỗng nhớ câu chuyện của mẹ tôi. Trước lúc cha tôi mất, Người chỉ để lại một di ngôn ngắn lắm: “Sống đẹp lòng Chúa”. Mẹ tôi ôm ấp di ngôn của cha và hay nhắc bảo anh em chúng tôi. Mười năm sau, trước lúc mẹ mất, di ngôn của mẹ có ba điều: “Các con hãy:

1. Đoàn kết thương yêu nhau.

2. Làm lành lánh dữ.

3. Giáo dục con cái biết thờ phượng Đức Chúa Trời cho nên”.

Vào những ngày Giỗ, Chạp, Tết nhất hay những lúc sum họp gia đình, anh em tôi thường lặp lại Di Ngôn của cha mẹ. Có lần, chú em tôi cảm động quá, khóc và thưa với mẹ rằng: “Cảm ơn mẹ đã chú giải di ngôn của cha, cho chúng con biết thế nào là sống đẹp lòng Chúa”.

Cô Út chợt nhận ra điều gì, nói: “Sau này, Chúa sẽ không hỏi em rằng em đã làm gì cho Chúa, nhưng chắc chắc Chúa sẽ hỏi em có tin tưởng, yêu mến và phó thác vào Chúa không ? Vậy mà có lần em cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, con tin tưởng, yêu mến, và phó thác hoàn toàn vào tay Chúa. Xin Chúa ban cho con thoát khỏi cảnh nợ nần, nghèo khổ hôm nay”. Em tự thấy mình có điều gì gian dối. Đã tin, yêu, cậy trông mà làm như Chúa hổng biết gì về mình vậy, còn thưa lảm nhảm hoài: con khổ quá Chúa ơi ! Như vậy “tin yêu mến” của em chắc là “đầu môi chót lưỡi” rồi. Đúng không ?

Cả nhà không ai dám giải thích gì. Vì có lẽ ai cũng không khác cô út bao nhiêu !

Sống thành thật với nhau đã là khó. Sống thành thật với Chúa còn khó biết bao. Người đời có thể lầm cách sống đạo của tôi, của bạn, nhưng chắc chắn Chúa không lầm. Chúa biết rõ chúng ta tin tưởng và yêu mến Chúa tới mức nào.

Ở đời, mà nhất là đời nay, thời buổi này, trong toàn cảnh Việt Nam hôm nay, thì sự dối trá càng rõ hơn. Dối khắp nơi, chỗ nào cũng dối. Dối từ trên xuống, từ dưới lên, từ trong ra, từ ngoài vào. Dối tứ phía. Tình gian dối. Tiền gian dối. Quyền lực gian dối. Tài sản gian dối. Ngay cả việc tôn kính lãnh tụ cũng chẳng có gì là thật lòng. Khóc gian dối. Cười gian dối. Và nếu chỗ nào cũng dối, người nào cũng cũng dối, thì có thể nói đó là một thách thức lớn cho Tin Mừng Sự Thật.

Thánh Giacôbê bảo: “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác”. Thiết nghĩ, thứ nhơ bẩn ấy chính là sự dối trá trong lòng.

Chúa Giêsu thì vạch mặt sự dối trá của những thầy thông luật, những kinh sư, những Pharisêu giả hình khi họ bắt bẻ các môn đệ Chúa không rửa tay trước khi ăn cho sạch sẽ theo tập tục cha ông của họ: “Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”.

Lời trách mắng của Chúa Giêsu cũng đang nhắm đến hầu như tất cả chúng ta. Gọi là “tất cả”, bởi vì, mỗi người trong chúng ta, không ai tránh khỏi ảnh hưởng sự dối trá, cách sống dối trá do hậu quả của tội nguyên tổ: Không tuân phục Thiên Chúa, lừa dối Thiên Chúa.

Trong khi Thánh Thần của Thiên Chúa luôn hướng dẫn chúng ta sống cuộc sống chân thành để chúng ta trưởng thành về mặt Đức Tin hơn, thì ma quỷ cùng thế lực chống Thiên Chúa lại xúi quẩy chúng ta sống giả dối, cách sống ấu trĩ của ma quỷ:

Chúng ta đang biến việc thờ phượng Thiên Chúa qua các lễ nghi phụng tự thành lễ hội. Hình thức tổ chức lễ có vẻ được quan tâm hơn là chuẩn bị tấm lòng yêu mến tôn kính cách chân thực.

Càng có nhiều lễ hội tôn giáo càng chứng tỏ ra rằng đất nước ấy tự do tôn giáo, một thứ tôn giáo hời hợt bên ngoài, thứ tôn giáo giả hình.

Từ lễ hội linh đình của các cấp Giáo Hội lớn, đến nhỏ hơn, và xuống đến nhỏ hơn nữa là gia đình, là cá nhân… ai cũng làm bộ có đạo, làm bộ đạo đức, mà quên rằng chúng ta đang thực sự lừa dối Thiên Chúa, cũng chẳng khác nào quân Pharisêu thờ kính Chúa ngoài môi miệng, bằng băng-rôn biểu ngữ, bằng rêu rao tự do, bằng xây cất cho hoành tráng, bằng lễ lớn lạc lớn, bằng tham gia đủ thứ hội đoàn, bằng chức danh ông kia bà nọ, bằng áo mão chỉnh tề, bằng xuất hiện công khai cách long trọng, bằng bảng vàng dâng cúng, bằng con số, bằng báo cáo thành tích, bằng toàn bộ hình thức bên ngoài và giả dối bên trong khi có thể.

Lời Chúa muốn cảnh tỉnh chúng ta phải trở về với nội tâm sâu xa của lòng yêu mến chân thành. Lòng yêu mến Chúa thúc đẩy chúng ta thực hiện lề luật của Chúa và truyền dạy cho con cháu thực hiện lề luật ấy cách chân thành.

Thánh Vịnh đáp ca chỉ rõ mấy việc cần làm ngay của người có đạo: “Sống thanh liêm và thực thi công chính”, “trong lòng suy nghĩ điều ngay, và lưỡi không bịa lời vu khống”, “không làm ác hại bạn đồng liêu, cũng không làm nhục cho ai lân cận”, “không xuất tiền đặt nợ thu lời, cũng không ăn hối lộ hại người hiền lương” ( x. Tv 14, 2 – 3ab . 3cd – 4ab . 4c – 5 ).

Phải sống thành thực, không sống giả dối, bởi vì, theo Thánh Giacôbê: “Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật”.

Ngài khuyên chúng ta tránh xa sự gian dối: “Anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình”.

Và đó là “lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền” (x. Gc 1, 17 – 18 . 21b – 22 . 27)

Lạy Chúa Giêsu, Đấng Thánh vì là Sự Thật của Thiên Chúa, nhờ Máu Chúa, chúng con đã được tẩy rửa sự gian ác trong lòng chúng con. Xin cho chúng con giữ được lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền ấy trước những cám dỗ dối trá của cuộc đời. Amen.

 

 PM. CAO HUY HOÀNG, 30.8.2012

Âm mưu thâm độc của Stalin

Âm mưu thâm độc của Stalin

 1:01 Sáng 2/09/12

 

VRNs (02.09.2012) – UCANews.com – Dựa trên việc nghiên cứu văn khố của Tòa thánh, một cuốn sách mới cho thấy chi tiết về mưu mô độc ác của Stalin muốn bỏ đói cả Soviet Ukraine tới chết.

Bầu trời u ám và ngày giờ ngắn của tháng 11 nhắc mọi người nhớ rằng đây là tháng cầu nguyện cho những người đã qua đời. Tháng này có vẻ thích hợp để giới thiệu các tài liệu mới về một trong các sự kiện bi thảm nhất — và thực sự chưa được biết — về thời hiện đại, Nạn đói của Ukraina.

Cuốn “The Holy See and the Holodomor: Documents from the Vatican Secret Archives on the Great Famine of 1932-1933 in Soviet Ukraine” (Tòa thánh và Cuộc bỏ đói: Tài liệu từ Văn khố mật của Tòa thánh về Nạn đói năm 1932-1933 tại Ukraina của Soviet) của LM Athanasiô McVay và GS Lubomyr Luciuk đã được giới thiệu ngày 26-10-2011 tại Trung tâm Đại kết Nga (Russian Ecumenical Center) ở Rôma. Cuốn sách này hiện có bản tiếng Anh ở các nhà sách Kashtan Press và Abe Books.

Từ ngữ Holodomor theo nghĩa đen là “giết bằng cách bỏ đói”, xảy ra trong những năm 1932-33 ở vùng đất phì nhiêu Ukraina của Liên xô. Số tử vong không biết chính xác vì thiếu tài liệu, nhưng ước tính có tới 2,4 tới 7,5 triệu người chết. Nạn đói này do con người tạo ra, họ muốn bỏ đói những người yêu nước Ukraina đến chết, đã được coi là tội ác diệt chủng của nhiều nước trên thế giới.

TRẦM THIÊN THU

Sống – chết vì sự thật

Sống – chết vì sự thật

                                                                                            tocngan k1

WGPSG — Bài phóng sự của Trường Long “Vết trượt của nam giảng viên ngữ văn hoạt ngôn” cho độc giả thấy kết cuộc đáng tiếc của bị can Vinh (cựu giảng viên lý luận văn học), người có tài ăn nói, quan hệ xã hội khá phức tạp cùng “khả năng kiếm tiền” vượt trội.

“Ông Vinh năm nay 53 tuổi, quê gốc ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh, người này được nhận vào làm giảng viên ở Đại học Đồng Tháp. Hơn 10 năm sau (1997), thạc sĩ Vinh xin chuyển về Đại học Vinh, công tác tại Khoa ngữ văn.

Đầu năm 2000, với khả năng hoạt ngôn, ông Vinh khoe quan hệ rộng với nhiều sếp ở Thanh Hóa nên có thể “chạy” nhận thầu san lấp mặt bằng, cung cấp vật liệu… tại dự án xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu ở Khu công nghiệp Nghi Sơn.

Tin lời vị giảng viên có tài ăn nói này, một nữ giám đốc ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) đã đưa trước 700 triệu đồng nhờ “tác động” để có được hợp đồng san lấp mặt bằng nhà máy và thi công con đường ở huyện Quảng Xương. Giao xong tiền, vị doanh nhân ngồi đếm hết cái hẹn này tới cái hẹn khác của ông Vinh mà vẫn không thấy có được hợp đồng nào. Biết bị lừa, nữ giám đốc tới công an tố cáo.

Cùng thời gian này tại quê nhà, ông Vinh khoe có khả năng đưa người đi nước ngoài, “chạy việc”, “chạy dự án”. Nhận tiền của nhiều người “nhờ vả”, vị giảng viên mua ôtô, chi tiêu phóng tay khiến nhiều đồng nghiệp ngỡ ngàng về tài làm ăn của thạc sĩ lý luận văn học này.

Khi bị bắt ông Vinh không nhớ hết danh tính của những nạn nhân đã bị ông ta lừa đảo “chạy việc”, “chạy dự án”, chiếm đoạt hơn 3 tỷ đồng, trong đó có nhiều nạn nhân là học trò cũ của ông ta.

Một vị giáo sư có tài lợi khẩu mà dùng sự khéo nói của mình để lường gạt thì thật đáng tiếc biết bao!

Hội thánh hôm nay kính nhớ đến một vị thánh được xưng tụng là cao trọng nhất trong nam giới, được nhớ đến trong ngày sinh nhật và cả ngày về với Chúa. Đó là thánh Gioan Tiền Hô, ngài bị vua bắt vào tù cũng vì lời nói, nhưng là lời nói thật.

Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài. (Mc 6,18)

Bực bội vì bị thánh nhân nói đúng tim đen, nhưng vua vẫn thích nghe ngài nói chuyện. Chỉ tiếc rằng vua lại nghe lời của bà vợ loạn luân đầy lòng thù hận, ra lệnh chém đầu thánh Gioan trong ngục vì lời hứa trong cơn say điệu vũ.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, thánh Gioan Tẩy Giả đã sống, đã chết vì tình yêu với Đấng là Sự Thật mà ngài loan báo. Xin cho chúng con biết noi gương thánh nhân, luôn sống cho, sống với và sống vì sự thật, nhất là luôn trung thành với Chúa cho đến cùng. Amen.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Sống để tìm cái gì?

Sống để tìm cái gì?

                                                             Tâm Thương

                                                    nguồn: Thanhlinh.net

Bạn thân mến, cuộc đời này là một hành trình đi tìm. Có người đi tìm cho mình một công việc thật nhiều tiền. Nhiều người đàn ông giàu có, thành đạt lại muốn tìm cho mình một người vợ sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Nhiều bạn trẻ lo tìm cho mình một trường dạy Anh văn thật nổi tiếng để hy vọng có một chỗ làm cho nhiều công ty nước ngoài thu nhập rất cao. Gần tới ngày tựu trường, nhiều sinh viên tất bật lo đi tìm cho mình một chỗ ở trọ như ý muốn v.v… Tựu trung lại, ai cũng muốn đi tìm hạnh phúc cho đời mình. Đó là hành trình đi tìm nhiều thứ. Thế nhưng, có bao giờ bạn và tôi thử đi tìm chính mình. Vậy, đi tìm chính mình nghĩa là gì? Phải chăng sống là đi tìm chính mình cũng là hành trình đi tìm người khác và đi tìm Thiên Chúa?

Đi tìm người khác

Trước tiên, đi tìm chính mình cần phải được cắm mốc trong mối tương quan với người khác. Vì thế, một linh mục nhạc sĩ đã viết: “Tôi chỉ thật sự là người nếu tôi sống với anh em tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo. Loài hoa này không có loài hoa lạc loài.” (Bài hát Không Ai Là Một Hòn Đảo – Linh mục Giuse Đào Trung Hiệu). Ngoài ra, một nhà tư tưởng trứ danh nào đó đã trải nghiệm: “Sống không bạn chết cô đơn.” Thật vậy, cuộc đời này sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi mỗi chúng ta đánh mất mối tương quan tốt đẹp với người khác. Không được người khác quan tâm, chúng ta sống trong cô đơn chán chường.

Không có tình yêu thương nơi người khác, cuộc đời này vô vị biết bao. Bởi thế, Thánh Phaolô đã viết những lời thật thấm thía: “Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài món nợ của tình thương.” Quả thật, đây là món nợ bám víu thân phận cuộc đời mỗi Kitô hữu chúng ta. Bởi vậy, có người bảo rằng: “Nợ tiền đem trả thì vơi. Nợ tình đem trả ai ơi càng đầy.”

Mấy ngày trước đây, cha tôi lên bệnh viện Đại học y dược Tp. Hồ Chí Minh khám bệnh. Cha đi từ ba giờ sáng. Đến chiều tối, mẹ tôi không thấy cha về. Cha đi không mang theo điện thoại. Vì phải đợi kết quả vào sáng hôm sau nên cha ở lại Sài Gòn một đêm. Mẹ tôi thấp thỏm lo âu trong nước mắt. Mọi người ai cũng tìm mọi cách để tìm cha tôi. Cuối cùng, cha tôi bình an.

Mọi người ai cũng thấy ấm áp vui mừng trong lòng. Vậy đó, cuộc sống luôn dệt nên bởi nhiều mối tương quan với tha nhân.

Tương quan giữa chồng với vợ. Tương quan giữa cha mẹ và con cái. Tương quan bạn bè anh em v.v… Khi đánh mất những mối tương quan ấy, con người ta sẽ cảm thấy hụt hẫng. Đánh mất tương quan với tha nhân làm ta đau khổ. Đánh mất chính mình cũng là đánh mất cả một cuộc đời. Vì vậy, chúng ta cần phải đi tìm chính mình như thế nào?

Đi tìm chính mình

Triết gia Socrate có câu nói trứ danh: “Hãy tự biết mình.” Quả thật, con người hôm nay hiểu biết rất nhiều thứ. Tuy nhiên, người ta thường không hiểu biết về chính mình. Nhiều người sống nhưng không tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống. Nhiều người không biết mình đang muốn cái gì, sống để làm gì? Vì thế, đi tìm chính mình nghĩa là trở về với sự thật sâu thẳm lòng mình. Dám nghĩ và dám sống thật với con người của mình. Đó là hành trình đi tìm chính mình. Danh ngôn có câu: “Biết người biết ta. Trăm trận trăm thắng.” Thế nên, biết rõ chính mình là một sự thành công lớn trong đời ta.

Thế nhưng, dòng chảy cuộc sống hôm nay luôn cuốn hút ta dính bén bởi nhiều thứ. Nào là những dính bén tình cảm. Nào là những dính bén quyền lực và tiền tài. Dính bén những thú vui thế thái nhân tình. Càng dính bén nhiều vào những thứ như thế, chúng ta càng dễ đánh mất chính mình. Bởi vậy, một tác giả đã cảm nghiệm như sau: “Dòng đời ngược xuôi, Chúa ơi con biết về đâu. Về đâu con đi tìm Ngài. Đi giữa cuộc đời con bơ vơ. Năm tháng cuộc đời con ngu ngơ.” Vậy, sống chỉ để tìm chính mình thôi vẫn chưa đủ. Con người cần đi tìm Thiên Chúa.

Đi tìm Thiên Chúa

Thiên Chúa là cội nguồn của vũ trụ. Ngài là ý nghĩa tối hậu cho vận mệnh con người. Thế nhưng, mỗi Kitô hữu chúng ta thường dễ để lạc mất sự hiện diện của Chúa trong đời. Ma quỷ, xác thịt và thế gian lôi kéo chúng ta ra khỏi mối tương quan với Thiên Chúa. Chúng ta lo tìm nhiều thứ không phải là Thiên Chúa. Cuối cùng, tâm hồn chúng ta cảm thấy trống rỗng.

Dù vậy, Chúa vẫn đi tìm chúng ta. Chúa yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Chúa vẫn chờ đợi chúng ta như người cha già đợi chờ đứa con út đi hoang trở về như một tác giả nào đó đã viết: “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn. Ngài bên con khi mà con không biết gì.”

Cuối cùng, có lẽ bạn và tôi đã biết mình sống trên đời để đi tìm cái gì cho đời mình. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để dấn thân cho lý tưởng tìm Chúa làm lẽ sống cho đời mình?

Nguồn: WGPSG

CẦN PHẢI KÊU VAN THIÊN CHÚA TRỢ GIÚP!

CẦN PHẢI KÊU VAN THIÊN CHÚA TRỢ GIÚP!

                                                           Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

 

… Tôi thay đổi. Dù muốn dù không, tôi thay đổi. Tôi thay đổi nơi hình dáng, cách cư xử và tư tưởng. Đúng thế, bởi vì cuộc sống có một điều kiện cơ bản chính xác, đó là mối quan hệ. Thật vậy, không thể nghĩ rằng tôi có thể sống mà không liên hệ với điều gì đó, với người nào đó sống chung quanh tôi. Mỗi một kiểu trao đổi nào đó ở bên ngoài, vẫn khiến tôi phải can dự bằng sự đáp trả, bằng tư tưởng và bằng thái độ tương ứng với con người của tôi. Vậy thì, nếu có thay đổi nào đó liên hệ đến tất cả mọi người thì đáng cho chúng ta phải dành thời giờ để suy tư. Nhưng có sự khác biệt: có những thay đổi đưa con người vào tình trạng khủng hoảng, chẳng hạn như: thay đổi việc làm, thay đổi xứ sở mình đang sống hoặc phải đặt lại vấn đề khi có một biến cố bất ngờ xảy ra. Tôi bị bó buộc phải cố gắng tối đa hầu có thể thích ứng với hoàn cảnh mới, cũng như tìm kiếm một quân bình mới cho chính tôi để đáp ứng với thế giới bên ngoài. Thế là tôi bị mất hướng, xem ra như thể các chắc chắn cổ xưa giờ đây trở thành suy yếu, không còn đáng tin nữa. Bị mất hướng nhưng tôi vẫn hy vọng có các điểm tựa mới hầu giúp tôi được ổn định.

Cách đây vài năm, nếu nhớ không lầm, tôi có đọc một bài báo trong đó có một câu làm tôi suy nghĩ mãi và không bao giờ quên:
– Không ai được cứu rỗi nếu không biết tha thứ!

Khi chúng ta bị rơi vào vòng vây của chính mình hay bị cuốn hút vào các biến cố, hoặc khi xảy đến cho chúng ta điều gì đó làm cho chúng ta bị bấn loạn đảo điên, thì có lẽ, bước đầu tiên chúng ta phải làm là: Tha Thứ!

Tôi muốn nói rằng: Không hẳn chúng ta đã phạm một lầm lỗi nào đó khiến chúng ta phải rơi vào tình trạng hoang mang hoảng sợ. Không phải như vậy. Tôi chỉ muốn nới rộng tư tưởng đi đến chỗ: Hãy thương xót chính chúng ta! Cứ chấp nhận coi như chúng ta bị thua và chúng ta cần trở về tìm kiếm mối quan hệ quân bình với chính mình và với thế giới chung quanh chúng ta.

Đừng từ chối xem như thể đó là những ”chuyện bên ngoài chúng ta”, nhưng phải nhận biết và tái nhận biết cái khủng hoảng khiến chúng ta bị treo lơ lửng trên hố thẳm. Nên chấp nhận là chúng ta cần được giúp đỡ. Vậy hãy xin giúp đỡ và tiếp nhận sự giúp đỡ.

Mỗi khi có một thay đổi làm lo âu bấn loạn thì việc đầu tiên phải làm là thân thưa cùng THIÊN CHÚA. Khiêm tốn nhìn nhận với chính mình rằng sức lực hạn hẹp không cho phép chúng ta có thể thoát ra khỏi những giai đoạn trầm trọng của cơn khủng hoảng. Cần phải kêu van THIÊN CHÚA trợ giúp. Ngài làm được mọi sự và luôn luôn cứu giúp mọi người, không trừ ai.

Không ai được cứu rỗi nếu không biết tha thứ!

Thật vậy! Tha Thứ là ngôn ngữ của THIÊN CHÚA, là phương tiện Ngài ban cho để nói với chúng ta và nói với người khác. Hãy tìm nương ẩn nơi niềm tin vào THIÊN CHÚA trong những lúc gặp gian nan thử thách, giống y như thể là chúng ta trở về Nhà Cha. Xin Chúa ban cho chúng ta thoáng trông thấy ánh sáng mà trước đó chúng ta không còn trông thấy nữa, mặc dầu ánh sáng luôn luôn ở đó. Ngay trong những hoàn cảnh thay đổi khốn khổ nhất, xem ra không còn có hy vọng nào nữa, vẫn có một chút ánh sáng mặt trời len lỏi vào. Chẳng hạn như một cử chỉ nhỏ nhặt, một đóa hoa, một nụ cười, một tư tưởng. Hoặc dưới bất cứ hình thức nào khác. Điều quan trọng là phải quyết định mở rộng cửa để cho ánh sáng tràn vào nhà. Nên luôn luôn ghi nhớ rằng chúng ta không hứng chịu một thay đổi nhưng là sống một thay đổi. Và phải luôn luôn tha thứ như chính THIÊN CHÚA luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

Chứng từ của nữ tu Maria Giacomina Stuani thuộc Đan Viện Agostiniano Thánh Nữ Rita thành Cascia (Trung Ý).

… Khi đến nơi gọi là ”Đồi Sọ”, họ đóng đinh Đức Chúa GIÊSU vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Chúa GIÊSU cầu nguyện rằng: “Lạy CHA, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,33-34) .. Được đầy ơn Thánh Thần, ông Têphanô đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang THIÊN CHÚA và thấy Đức Chúa GIÊSU bên hữu THIÊN CHÚA. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu THIÊN CHÚA”. Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông, rồi lôi ông ra ngoài thành mà ném đá. Họ ném đá ông Têphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Đức Chúa GIÊSU, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ (Công Vụ 7,55-60).
 
(”Dalle API alle ROSE”, Bimestrale Del Monastero Agostiniano Santa Rita Da Cascia, Gennaio-Febbraio 2012, Nr.1, trang 31-33)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt 

Nguồn : vietvatican.net

Maria Thanh Mai gởi

Hãy Buông Ra

Hãy Buông Ra

  

Một đứa trẻ đang chơi cạnh một cái bình quý.

Nó thò tay vào bình và không thể rút ra được. 

Bố nó đến giúp, nhưng vô ích. 

Họ đã nghĩ đến việc phải đập cái bình đi. 

Ông bố nói, “Con trai, hãy cố nốt lần này. Thả lỏng và duỗi thẳng các ngón tay như bố đây này, rồi rút tay ra.”

Trước sự ngạc nhiên của bố, thằng bé kêu lên, “Không được bố ơi. Con không thể làm như thế được, nếu thế con sẽ làm rơi đồng xu của con mất.”

Có thể bạn sẽ cười, nhưng, hàng nghìn người trong chúng ta cũng giống cậu bé đó, cứ cố nắm giữ thứ gì đó vô nghĩa dù phải hi sinh những điều quý giá, thậm chí cả sự tự do! Vì thế, “hãy buông nó ra”, tôi thực lòng khuyên bạn điều đó.

P/s:Nhiều người trong chúng ta có khi tốn cả cuộc đời để loay hoay trong những cái không quan trọng để rồi bỏ qua những điều thực sự quan trọng. Không nói về những chuyện to tát trong cuộc đời mà ngay cả trong việc giải quyết một công việc cũng vậy.

Biết từ bỏ, biết hy sinh những điều không cần thiết, không quan trọng để tập trung thời gian và công sức vào những điều cần thiết, những điều quan trọng là một trong những bí quyết để thành công.

(tổng hợp từ nhiều nguồn)

 nguồn: Maria Thanh Mai gởi