THÁNH MARIA GORETTI TRINH NỮ TỬ ĐẠO

THÁNH MARIA GORETTI TRINH NỮ TỬ ĐẠO

 Lm Đa-minh Thiệu O. Cist

Thánh Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Italia, và qua đời với tư cách là vị thánh Đồng Trinh Tử Đạo ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại Nettuno, Italia.  Khi mới lên 11 tuổi, thánh nữ đã trở thành nạn nhân của một vụ sát hại dã man vì thánh nữ quyết bảo vệ sự trinh trong của mình.  Vào năm 1950, Maria Goretti đã được Đức Pi-ô XII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.

1.Tiểu sử của thánh Maria Goretti:

Cha Mẹ của Maria Goretti là ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini.  Cả hai người đều có quê gốc tại Corinaldo, Italia, và là những nông dân thuần túy.  Họ có tất cả bảy người con, và Maria Goretti là người con thứ ba.  Cuộc sống của Maria Goretti, kể từ khi chào đời cho tới khi cô bị sát hại, đã diễn ra không khác gì cuộc sống của hầu hết các em bé vùng nông thôn Italia cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20: không được học hành tại trường, khả năng đọc sách rất kém, thậm chí còn không thuộc bảng chữ cái, phải làm việc trong nhà và trên các cánh đồng ngay từ khi tuổi đời còn rất nhỏ.  Khi Maria Goretti qua đời (lúc cô sắp mừng sinh nhật lần thứ 12), cô chỉ cao 1m38, thiếu cân, và đã có triệu chứng mắc bệnh sốt rét đang ngày một phát triển.

Vào năm 1897, gia đình ông Luigi Goretti chuyển nơi cư trú từ Corinaldo tới Agro Pontino, tức vùng đồng bằng Pontini.  Họ đến định cư tại làng Ferriere thuộc huyện Nettuno, và lại tiếp tục làm nghề canh tác ruộng vườn.  Agro Pontino là một vùng đồng bằng nằm tại khu vực Đông Nam Rô-ma, và hồi đó có tên là Paludi Pontine (tức đầm lầy Pontini), vì đó là một khu vực đầm lầy thường xuyên bị tấn công bởi bệnh sốt rét.  Mãi tới những năm 30 của thế kỷ 20, Mussolini mới ra lệnh phải tháo cạn nước khỏi khu vực đầm lầy đó.

Tại nơi ở mới, gia đình ông Luigi Goretti đã cùng với gia đình Serenelli điều hành một hợp tác xã nông nghiệp.  Nhưng chỉ một năm sau thôi thì ông Luigi Goretti, tức thân phục của Maria Goretti, đã qua đời vì bệnh sốt rét.  Vì thế, cô bé Maria đã phải cùng với mẹ mình chăm lo cho gia đình.  Mãi cho tới khi Maria lên 11 tuổi, cô mới được Xưng Tội Rước Lễ lần đầu.

Còn ông Serenelli, người cùng điều hành hợp tác xã nông nghiệp nói trên với gia đình Luigi Goretti, có một người con trai tên là Alexandro Serenelli, lớn hơn Maria Goretti 5 tuổi.  Cậu ta là người thanh niên hư hỏng, suốt ngày ăn chơi nêu lổng.  Khi Maria Goretti xuất hiện, cậu ta đã thường xuyên đeo đuổi và gạ gẫm cô.  Nhưng Maria luôn luôn cự tuyệt trước những lời gạ gẫm của cậu.  Vào ngày mồng 05 tháng 07 năm 1902, lúc đó Alexandro đã 16 tuổi, anh ta tìm mọi cách để cưỡng hiếp cô bé 11 tuổi này.  Khi anh ta xông vào cô bé, thì cô đã cố hô lên: “Không được, không được!  Làm vậy là có tội đấy anh Alexandro ạ, anh sẽ phải sa hỏa ngục đấy!”  Khi bị Maria nhất quyết từ chối và cự tuyệt, Alexandro cảm thấy nhục nhã và vô cùng tức giận, hắn đã vớ lấy chiếc đục gỗ và đâm cô bé tới 14 nhát.  Tuy nhiên, dù bị đâm tới 14 nhát, nhưng Maria vẫn còn thoi thóp.  Người ta đã mang cô vào bệnh việc Nettuno.  Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành giải phẫu khẩn cấp cho cô, nhưng cuộc giải phẫu đã không thành công.  Cô đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm sau, tức ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại bệnh viện nêu trên lúc sắp bước sang tuổi 12.  Khi Maria hấp hối, cô đã tha thứ cho kẻ giết mình với những lời sau đây: “Tôi tha thứ cho anh ta; tôi muốn có anh ta bên cạnh tôi trên Thiên Đàng.”

Về phần mình, Alexandro đã bị kết án lao động khổ sai 30 năm.  Theo lời kể của nhiều người, anh ta đã tỏ ra rất hối hận về hành vi của mình.  Anh ta đã trải qua nhiều thị kiến, và trong các cuộc thị kiến đó, Maria đã hiện ra với anh ta và còn mang hoa đến tặng cho anh ta nữa.  Vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1928, sau 27 năm lao động khổ sai, Alexandro đã được trả tự do trước thời hạn vì anh ta đã cải tạo rất tốt.  Ngay khi được phóng thích, anh ta đã tức tốc đến gặp bà Assunta Carlini – thân mẫu của Maria Goretti – để xin bà tha thứ cho hành vi của mình.  Và cũng ngay sau đó, anh ta đã gia nhập Dòng Thánh Phan-xi-cô, và quyết định sống ở bậc Hiến Sinh của Dòng này.  Thầy Alexandro qua đời trong Dòng Thánh Phan-xi-cô tại Tu Viện Macerata vào ngày mồng 06 tháng 05 năm 1970 lúc xấp xỉ 84 tuổi.

2.Thánh Maria Goretti Trinh Nữ Tử Đạo:

Còn về phía Maria Goretti, sau khi qua đời, cô đã được an táng trong nhà thờ Nettuno nằm ở phía Nam thành phố Rô-ma.  Sau khi cô được phong Thánh, nhà thờ này đã được đổi tên theo tên của cô, đó là Thánh Đường kính Thánh Maria Goretti.  Cả Đức Phao-lô VI lẫn Đức Gioan Phao-lô II đều đã đến viếng Thánh Đường này.  Trong nghệ thuật hội họa, cô được trình bày với hình ảnh một cô bé trong tay cầm bông huệ và cành lá cọ – biểu tượng của sự Đồng Trinh Tử Đạo.

Chẳng bao lâu sau khi Maria Goretti qua đời, nhiều người đơn thành, đặc biệt là các nông dân, đã bắt đầu tôn kính cô như một vị Thánh.  Lòng sùng kính dành cho cô càng ngày càng được nhân lên, và nở rộ dưới thời Phát-xít.  Trong thời chiến tranh, cả trong cuộc thế chiến thứ nhất lẫn thế chiến thứ hai, một vai trò mới của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã trở nên nổi bật, và vì thế, mẫu gương của Maria Goretti đã được Giáo hội sử dụng để tán dương hình ảnh của phụ nữ trong vai trò truyền thống của mình với tư cách là những người mẹ và những người nội trợ tận tâm.  Alexandro – kẻ sát hại Maria Goretti – đã làm chứng về cô với những lời như sau: “Tôi không biết bất cứ điều gì khác về cô ấy ngoài việc biết rằng, cô là một cô bé tốt lành, ngoan ngoãn, vâng lời cha mẹ, kính sợ Thiên Chúa, nghiêm trang, không nhẹ dạ nông nổi và không thất thường như những cô bé khác; trên đường đi, cô ấy luôn luôn khiêm tốn, nhã nhặn, và chỉ nghĩ về chuyện làm sao để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.”

Vào ngày 27 tháng 04 năm 1947, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Maria Goretti, “Tớ Nữ Đáng Kính của Thiên Chúa”, lên bậc Chân Phước.  Trong Thánh Lễ tôn phong Chân Phước cho Maria Goretti, Đức Piô XII đã giới thiệu cô như là một ý tưởng ngời sáng và là một mẫu gương của sự giữ mình.

Ngay sau khi Maria Goretti được tôn phong lên bậc Chân Phước, cô đã thực hiện hai phép lạ chữa lành.  Phép lạ thứ nhất được cô thực hiện cho Anna Grossi Musumarra vào ngày mồng 04 tháng 05 năm 1947, và phép lạ thứ hai đã được cô thực hiện cho công nhân Giuseppe Cupe vào ngày mồng 08 tháng 05 cùng năm.  Anna Grossi đã phải chịu đựng cơn bệnh sưng màng phổi rất nặng.  Một thành viên trong gia đình của cô đã lên đường đến nơi bảo quản các Thánh Tích của Chân Phước Maria Goretti.  Người này đã ngắt một ít lá trên những đóa hoa được đặt trên rương đựng các Thánh Tích của vị Chân Phước, và mang những chiếc lá đó về cho bệnh nhân.  Bệnh nhân đã tiếp nhận những chiếc lá đó, và chỉ 24 tiếng đồng hồ sau, cô đã được hoàn toàn khỏi bệnh.  Còn anh Giuseppe Cupi thì lại bị một tai nạn: Một tảng đá khá lớn đã rơi xuống chân anh khi anh đang làm việc, và vì thế, tất cả bàn chân của anh đều bị dập nát.  Anh đã phó thác sự việc cho Chân Phước Maria Goretti.  Ngay sau đó, sự đau đớn đã biến mất, và anh đã có thể quay trở lại nơi làm việc ngay trong ngày hôm đó.

Vào ngày 24 tháng 06 năm 1950, sau hơn ba năm được tôn phong lên bậc Chân Phước, Maria Goretti đã được Đức Thánh Cha Piô XII tôn phong lên bậc Hiển Thánh.  Thánh Lễ Tôn Phong Hiển Thánh này đã diễn ra tại quảng trường Thánh Phê-rô với sự tham dự của hàng triệu tín hữu.  Trong số đó có rất nhiều những người hành hương từ xa đến, vì năm 1950 là Năm Thánh.  Thân mẫu của vị Thánh, bà Assunta Carlini, lúc đó đã 85 tuổi, cũng đã hiện diện trong buổi Lễ Tôn Phong Hiển Thánh cho con mình, giống như bà đã tham dự Lễ tôn Phong Chân Phước của con bà.  Thánh Lễ này có một điều đặc biệt, đó là sự hiện diện của Thầy Alexandro Serinelli – người đã sát hại Maria Goretti 48 năm trước đó, nhưng giờ đây đã là Tu Sĩ của Dòng Thánh Phan-xi-cô.

Vào năm 1951, Thánh Nữ Maria Goretti đã được Giáo hội đặt làm Nữ Bổn Mạng của các Hội Đoàn Đức Maria.

Giáo hội mừng kính Thánh nữ Maria Goretti vào ngày mồng 06 tháng 07, tức ngày qua đời của Thánh Nữ, với bậc Lễ Nhớ không buộc.

Phần lớn các Thánh Tích của Thánh Maria Goretti hiện đang được bảo quản và tôn kính tại Corinaldo, Italia, nơi chôn nhau cắt rốn của Ngài.  Phần còn lại, gồm hộp sọ và xương tay chân của Ngài, hiện đang được bảo quản và tôn kính tại Nettuno, Italia, nơi Thánh Nữ trút hơi thở cuối cùng.

Lm Đa-minh Thiệu O. Cist

From: Langthangchieutim

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

Có lần đến mừng bổn mạng một vị Linh mục trọng tuổi.  Ngài nói đùa rằng: “Tội nghiệp hai Thánh Phêrô và Phaolô quá!  Những ông thánh bà thánh khác nhỏ hơn, thế mà lại được đứng tên một mình độc lập tự do hạnh phúc trong một ngày lễ.  Đàng này Phêrô và Phaolô tiếng là hai thánh lớn của cả Giáo hội, thế mà lại phải chen vai đứng chung với nhau chật chội trong một ngày lễ, dẫu đó là ngày lễ lớn.  Ngài cười và phát biểu tiếp: Thà làm lớn trong một ngày lễ nhỏ, còn hơn là Phêrô và Phaolô lại chịu làm nhỏ trong một ngày lễ lớn.”

Dĩ nhiên linh mục ấy chỉ nói đùa thôi.  Nhưng trong cái tưởng như đùa cợt mua vui giữa các linh mục với nhau biết đâu lại chẳng ẩn chứa một chút nghiêm túc, một thoáng lắng sâu gợi mở cho suy tư về ngày lễ, để rồi khi nhìn vào chân dung của Phêrô và Phaolô bỗng chợt nhận ra dụng ý của Giáo hội; mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô chung trong cùng một lễ là muốn nói lên tinh thần hiệp nhất, một tinh thần đã làm nên sự sống và mãi còn là sức sống của Giáo hội.

Phêrô và Phaolô: hai vị thánh có nhiều khác biệt

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt.  Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân: Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria.  Tác phong ngài bình dân, tính tình ngài bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí đến độ thô thiển mộc mạc.  Mặc dù có bề dày kinh nghiệm tuổi tác và ngành nghề, nhưng kiến thức về đời sống của ngài có chăng cũng không lớn hơn diện tích biển hồ.  Còn Phaolô, ngược lại, là con nhà trí thức được ăn học đàng hoàng, đã từng có dịp đi lại đó đây.  Kiến thức rộng, gốc gác Biệt phái nhiệt thành với truyền thống cha ông, đầy năng lực, tuổi trẻ tài cao và cũng không thiếu tham vọng cho tương lai, nên Phaolô mới nổi máu anh hùng “vấy máu ăn phần” trong việc bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu.

Về ơn gọi theo Chúa Giêsu: Phêrô thuộc hệ chính quy, là một trong những tên tuổi mau mắn đáp lời theo Chúa Giêsu từ những ngày đầu sứ vụ công khai của Người.  Nhanh nhẩu, mau mắn, hăng hái, ông thường thay mặt cho anh em để lên tiếng phát biểu.  Được đặt làm đầu Nhóm Mười Hai đặc tuyển tức là Thủ quân đội tuyển Tông đồ với một bề dầy thành tích đáng gờm.  Trong khi đó, Phaolô chỉ là đàn em, đã chẳng được theo trực tiếp Chúa Giêsu lại còn khét tiếng phản động đến nỗi trên đường đi Đamas để bố ráp tín hữu, tiếng từ trời đã phải can ngăn “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ.”  Nhưng đó cũng là khởi đầu của ơn gọi để Phaolô nghĩ lại sám hối mà đầu quân phục vụ Giáo hội.  Chính Phaolô đã có lần thú nhận chẳng giấu giếm chi “Tôi là dân sinh sau đẻ muộn.”  Không mặc cảm.

Về truyền giáo: Nếu Tông đồ là kẻ được sai đi truyền giáo, thì tuỳ theo khả năng cá nhân, mỗi người lại phục vụ theo cung cách của mình.  Phêrô chủ trương “đánh bắt tại chỗ,” phục vụ Kitô hữu đa phần gốc Do Thái trở lại, nên thiết lập toà Antiôkia để dễ dàng điều hành quy tụ là chuyện bình thường.  Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, các tín hữu nhận lấy danh xưng: “Kitô hữu.”  Còn Phaolô lại theo chủ trương “đánh bắt ngoài khơi,” ra khơi để truyền giáo với những chuyến hải trình không mệt mỏi.  Trẻ trung, khỏe mạnh, học rộng, biết nhiều đã trở thành lợi thế cho ngài hành trình về phía trước dân ngoại.

Chủ trương khác nhau nên có lúc không tránh hết được những va chạm.  Đã có to tiếng về vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo.  Đã có hiểu lầm ấm ức khi đối mặt giữa một bên là cầm cương nẩy mực đạo giáo và một bên là quan tâm đến những nhu cầu mục vụ chính đáng của tín hữu gốc lương tâm.  Tuy nhiên khi hiểu ra, hai đấng đã tay bắt mặt mừng trong một tinh thần hiệp nhất lạ lùng!

Phêrô và Phaolô: tượng đài hiệp nhất

Khởi đầu sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, nếu hai vị đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng thì cũng hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin trung thành minh chứng.

Cùng chết tại Rôma.  Cùng chịu tử đạo dù hình thức khác nhau trong những thời điểm khác nhau.  Cùng trở thành nền đắp xây toà nhà Hội thánh.  Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công giáo, để rồi hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 6 lại cùng được mừng chung trong một ngày lễ.  Chừng đó chữ “cùng” cũng đủ đề Phêrô gần gũi Phaolô, và để Phaolô đứng chung với Phêrô như hình với bóng.  Mình mới ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.  Mãi mãi Phêrô và Phaolô là tượng đài bất khuất và là bài ca không quên của tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.  Tinh thần ấy hôm nay chỉ ra rằng.

Hiệp nhất không phải là đồng nhất theo kiểu đồng bộ nhất loạt ai cũng phải như ai, giống đồng phục của một hội đoàn, hay như trong sản xuất hàng hoá đồng loạt.  Nếu máy cùng một đời thì cũng cùng kiều dáng và chất lượng như nhau.  Hiệp nhất là khởi đi từ những cái khác nhau, những cái dị biệt, để hiểu biết tôn trọng và gắn bó hợp tác chung xây.  Như thế mới phong phú đa chiều đa diện đa dạng, như những thành phần khác nhau làm nên một tổng hợp duy nhất hài hoà, như những chi thể khác nhau kết nên một thân mình, như những nốt nhạc cung bậc khác nhau làm thành một hòa âm tròn đầy.

Hiệp nhất cũng không phải là cầu toàn mười phân vẹn mười gọt giũa kỹ càng theo một hình mẫu, làm như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người mà không cần biết đến những biến số mang tính quyết định khác.  Xây dựng một công trình vật thể như nhà cửa phòng ốc không ưng ý, người ta có thể đập bỏ để làm lại một cái mới vừa ý hơn, nhưng xây dựng một công trình phi vật thể nhất là lại liên quan đến yếu tố nhân sự thì không thể một sớm một chiều mà phá huỷ hoặc làm lại được.  Nếu “duy ý chí” đã là một lực cản đáng buồn cho sự tiến bộ, thì ở đây xem ra lại còn đáng buồn và đáng ngại hơn.

Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự dẫn dắt linh động của ơn thánh và chí bền khát khao của mọi thế hệ.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Nhưng đa dạng cũng đi liền với đa đoan.  Không thể có hiệp nhất mà không vất vả.  Hiệp mà không nhất chỉ là khiên cưỡng ép duyên bất hạnh ngục tù.  Nhất mà không hiệp sẽ cứng cỏi lạnh lùng tự đủ thờ ơ.  Hiệp để trở nên nhất và nhất mà vẫn luôn cần chất keo tinh thần của hiệp, đó mới là giá trị làm nên nét đẹp Kitô giáo.  Nếu trong tình yêu hôn phối, những điều giống nhau là để hiểu nhau, còn những điểm khác nhau mới để yêu nhau, thì trong hiệp nhất Giáo hội cũng vậy, những điều giống nhau là nền tảng gặp gỡ, còn những điểm khác biệt lại là điều kiện tự nhiên để trở thành đa dạng, cho dẫu nhiều khi vì quá chú tâm đến những khác biệt người ta đã phải gạt lệ nhìn nhau xa cách.  Hai cực nam châm giống nhau sẽ đẩy nhau, nhưng hai cực khác nhau mới thu hút gắn bó với nhau.

Tóm lại, Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội.  Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác.  Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

From: Langthangchieutim

Những câu truyện mẹ Têrêxa Calcutta kể lại

httpv://www.youtube.com/watch?v=ifvhVFBtl7M

Những câu truyện mẹ Têrêxa Calcutta kể lại – tủ sách công giáo

Những câu truyện mẹ Têrêxa Calcutta kể lại Mẹ Têrêsa sinh ngày 26 tháng 09 năm 1910, với tên gọi Anjezë Gonxhe Bojaxhiu, trong một gia đình gốc Albania tại Skopje, một tỉnh thuộc đế quốc Ottoman lúc bấy giờ, ngày nay là thủ đô của nước Cộng hòa Macedonia .

Ngay từ bé mẹ đã bị cuốn hút bởi tiểu sử của các vị thừa sai và bị thuyết phục sẽ dâng hiến đời mình cho sứ vụ thừa sai phục vụ Giáo Hội. Năm 1929 mẹ đã gia nhập dòng các nữ tu Loreto ở Ân độ với tên gọi Teresa và đã ở trong dòng này gần 20 năm, tham gia vào việc giảng dạy trong vùng Calcutta.

Năm 1947 mẹ trở thành công dân Ấn độ. Tuy vậy, cuộc đời mẹ đã thay đổi trong một chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling vào năm 1946. Từ lâu mẹ đã quan tâm đến sự nghèo khổ cùng cực ở Calcutta.

Lúc này, thình lình mẹ cảm thấy như được gọi để phục vụ những người nghèo nhất của những người nghèo và sống cùng với họ để chăm sóc họ. Để phục vụ cho mục đích này, sau khi được huấn luyện căn bản về y khoa, mẹ đã mở trường học đầu tiên của mẹ vào năm 1949. Một năm sau, mẹ được Vatican cho phép lập một dòng mới vơi tên gọi “các thừa sai bác ái”.

Từ khởi đầu bé nhỏ như thế, các thừa sai bác ái đã phát triển thành một dòng với hơn 4000 nữ tu, điều hành và phục vụ trong các bệnh viện, nhà cư tru, trại mồ côi và trường học trên khắp thề giới. Mẹ Teresa đã không sợ đặt mình trong những cách thức nguy hiểm để phục vụ những người xung quanh mình.

Mẹ đã làm trung gian cho cuộc đình chiến tạm thời giữa quân đội Israel và các chiến binh Palestin trong cuộc bao vây Beirut vào năm 1982. Nhờ cuộc đình chiến này mà 37 trẻ em đang ở trong các bệnh viện nằm trong làn tên lửa đạn được cứu sống. Mẹ được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1979.

Mẹ đã nhận giải thưởng nhưng đề nghị không tổ chức bữa tiệc mừng, thay vào đó số tiền sẽ được dùng để giúp nhũng người nghèo ở Calcutta. Dù cho làm nhiều việc bác ái như thế, mẹ Teresa vẫn phải chiến đấu rất nhiều trong đời sống đức tin; mẹ cảm thấy như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa và không thể tìm thấy Người trong cuốc sống. Những người tham gia vào việc cổ võ cho việc phong thánh cho mẹ đã so sánh cuộc chiến nội tâm này của mẹ, điều mẹ gọi là “đêm tối”, với tiếng kêu của Chúa Giê su trên thập giá “Lạy Chúa của con, Chúa của con, sao Ngài bỏ con?” Ngay sau khi mẹ Têrêsa qua đời vào năm 1997, người ta đã bất đầu hồ sơ phong chân phước cho mẹ, điều mà lẽ ra chỉ được tiến hành 5 năm sau ngày qua đời.

Chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chuẩn chước quy luật này và phong chân phước cho mẹ sau khi nhìn nhận phép lạ mẹ đã thực hiện để chũa lành một người đàn ông người Ấn độ bị ung thư.

Sau khi nhìn nhận sự khỏi bệnh kỳ diệu của một người Brazil bị ung thư nhiều bộ phận, nhờ lời cầu khẩn mẹ Têrêsa của cha sở của anh,

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ phong thánh cho mẹ vào ngày 4 tháng 9 năm nay, là ngày kết thúc Năm thánh Lòng Thương xót cho những nhân viên và các thiện nguyện viên làm việc từ thiện. (RV 15/03/2016)

TÊRÊSA AVILA, TÂM HỒN NHẠY CẢM

TÊRÊSA AVILA, TÂM HỒN NHẠY CẢM

Trong kho tàng truyện kể về đời thánh nữ Têrêsa Avila, có một truyện được nhiều tác giả nhắc đến, vừa như một điển hình đời sống thiêng liêng, vừa như một tính cách rất riêng của thánh nữ.  Đó là truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn.”   Chắc nhiều người đã biết?  Truyện kể: Trong lần xuất thần, thánh nữ nhìn thấy tình trạng tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa ghê gớm quá, nặng nề quá.  Thế là thánh nữ buồn bã vật vã ba ngày liên tiếp không ăn uống gì.  Cuối ngày thứ ba, Chúa Giêsu hiện ra, dáng vẻ dịu hiền, an ủi bằng cách trao cho thánh nữ một miếng bánh và một ly nước.  Nhưng thánh nữ làm mặt giận chối từ.  Chúa Giêsu dỗ dành: “Con không biết rằng Cha thường đối xử với bạn bè bằng cách gửi cho họ Thánh giá sao?” Và thánh nữ trả lời: “Hèn chi Chúa có ít bạn.”   Vâng, chỉ với mẩu truyện đó thôi, có lẽ người ta cũng nhận ra tính cách của Têrêsa Avila.  Đó là sự nhạy cảm.

  1.  Nhạy cảm trước tình yêu bao la của Thiên Chúa.

Đọc Phúc Âm, ai trong chúng ta cũng biết định nghĩa nổi tiếng của thánh Gioan “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8), nhưng để cảm nghiệm thế nào là sức nặng của định nghĩa vắn gọn và tầm cỡ này, đó lại là chuyện không chỉ dừng lại trong ngôn từ sách vở một thời, mà còn cần đến cả một đời dấn bước kiếm tìm, thậm chí vào sinh ra tử nữa kìa.  Thánh Gioan Tông đồ được Chúa Giêsu yêu dấu, nên từ cảm nhận tới cảm nghiệm có thể là vắn gọn như chính định nghĩa về Thiên Chúa của ông, nhưng với Têrêsa Avila lại là cả một sự vật lộn giữa sóng gió cuộc đời vừa hoạt động để kiếm tìm, vừa chiêm niệm để chiêm ngưỡng.

Trên bức tượng “Ecce Homo – Này là Người” (Ga 19,5) trình bày Chúa Giêsu vì yêu thương loài người mà chịu khổ nạn, để nên tình yêu lớn nhất của người dám chết vì người mình yêu, Têrêsa đã gặp được “tiếng sét ái tình” vào năm 1545, để nghiệm ra rằng: nếu Chúa vì yêu con người mà phải chịu khổ, thì con người cũng phải làm sao đáp lại cho cân xứng, với tình yêu của Chúa dành cho mình.  Và thế là khởi đi từ sự nhạy cảm trong nhận thức ấy, thánh nữ đã tìm ra nẻo đi của riêng mình là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu,” và cứ thế, như ngọn lửa một khi đã bừng lên thì không gì có thể dập tắt được nữa, thánh nữ làm tất cả mọi sự do tình yêu thúc đẩy và dâng hiến tất cả cho tình yêu.

Chả thế mà người ta vẫn bảo: đường nên thánh của Têrêsa là con đường “bốc lửa”: lửa chiêm niệm tìm ra ý Chúa mãnh liệt đến độ thường xuyên xuất thần mỗi khi cầu nguyện, và lửa yêu thương tìm gặp gỡ Chúa khít khao như lòng với lòng, đến nỗi có cảm tưởng rằng cuộc đối thoại giữa thánh nữ với Chúa không khác chi những lời gần gũi giữa cánh bạn bè, của người bạn dành cho bạn mình.

  1.  Nhạy cảm trước tội lỗi của con người.

Một khi đã coi “phải làm sao cho xứng với tình yêu của Chúa” như một hướng sống, một hướng nên thánh, một hướng cải cách đời tu, thì tâm hồn Têrêsa Avila bỗng trở nên nhạy cảm vô cùng trước những gì được xem là không xứng với tình yêu ấy, trong đó tội lỗi là điều đáng buồn nhất, không phải vì nó xúc phạm tới Thiên Chúa tối cao cho bằng nó phản bội lại Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã làm tất cả vì con người và cho con người.

Phản bội trong chính trường được xem là mưu mô, phản bội trong thương trường được coi là mánh mung, nhưng phản bội trong tình trường, dù là tình Chúa hay tình người đi nữa, cũng vẫn là điều đáng buồn nhất.  Chính Chúa Giêsu đã buồn rầu hỏi Giuđa trong vườn Cây Dầu là “anh lấy cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48) vì Giuđa là kẻ phản bội.  Và trong truyện “Hèn chi Chúa có ít bạn” kể trên, Têrêsa buồn bã những ba ngày liền, không phải vì tội mình mà vì tội tình của người khác, đã cho thấy một con tim nhạy cảm, không rỗi hơi thương vay khóc mướn, mà chỉ vì tê tái quặn đau thấy người ta phản bội tình yêu của Chúa, còn mình trong tư cách là bạn tâm giao lại chẳng có cách nào mà can ngăn.

Rõ ràng, Têrêsa là một tâm hồn nhạy cảm.  Từ nhạy cảm ngây ngất trước tình thương xót khôn cùng của Chúa, một tình yêu dám từ bỏ “lá ngọc cành vàng” để đành đoạn ôm lấy “phận cỏ mình rơm” cho rặm bụng một đời cứu thế, Têrêsa tự nhiên nhạy cảm khổ đau trước sự khốn cùng của tội lỗi nhân sinh, tội bạc tình, một thứ tội làm tê dại cõi lòng.  Hoá ra, ai càng nhạy cảm với tình thương xót của tấm lòng Thiên Chúa, càng nhạy cảm hơn với sự khốn cùng của tội lỗi con người.

  1.  Nhạy cảm trước đường nên thánh là đường Thánh giá.

Đã có lần Chúa Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám thí mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13), để rồi từ đó trở thành quy luật của muôn đời cho những ai dám gán đời mình cho tình yêu Thiên Chúa hoặc mon men muốn nên bạn hữu của Ngài.  Vâng, “yêu ai yêu cả đường đi”, yêu Chúa cũng yêu cả con đường Chúa đi năm xưa là đường Thánh giá, không phải là “mười bốn chặng đường” ngắn ngủi êm ả dễ chịu trong giáo đường, mà là những cảnh đời thường lặp đi lặp lại mỗi ngày, ở đó ý Chúa như búa đập trên ý mình và ý mình như kình chống lại ý Chúa.

Nếu “yêu là chết ở trong lòng một ít”, thì yêu Chúa cũng là phải chết đi ít một trong ý riêng để ý Chúa được thể hiện từng ngày.  Như lương thực hằng ngày của “Kinh Lạy Cha” mà người theo Chúa phải làm quen dần dần từ những bước chập chững đầu tiên cho đến khi thuần thục nhuần nhị để có thể hiên ngang tiến tới trên đường trọn hảo.  Đó là đường tình yêu.  Mênh mông tình Chúa, mong manh tình người, nên cũng là đường Thánh giá, đường Thương khó.

Đó, “yêu Chúa” nói và hát thì dễ, nhưng khi dấn bước vào, người ta mới thấy những nỗi đa đoan vất vả không bao giờ hết, mà chỉ có những tâm hồn nhạy cảm mới có thể dự đoán và an tâm bước đều.  Chúa chúng ta kỳ lắm.  Người yêu những kẻ đóng đinh Người và tha thứ cho họ dễ dàng, nhưng Người lại đóng đinh những kẻ Người yêu và tặng những kẻ yêu Người Thánh giá, không chỉ một lần mà xem ra còn dai dẳng hoài hoài trong đời.  Bằng một tâm hồn nhạy cảm thánh đức, Têrêsa đã hiểu đó là lộ trình nên thánh cho bất cứ ai chọn đi theo Chúa.

Tóm lại, ba nét nhạy cảm: với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, với tội lỗi thấp hèn của nhân loại và với bước đường Thánh giá, hy vọng đã một phần nào phác vẽ lên cách đơn giản chân dung của một vị thánh lớn, thánh Têrêsa mẹ, vị anh thư cải cách dòng Cát Minh thế kỷ XVI tại Tây Ban Nha, vị tiến sĩ đã để lại cho Hội Thánh bí quyết chinh phục đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa, và cũng còn là vị thánh thân thương có một tâm hồn nhạy cảm phi thường muốn đem tình yêu Thiên Chúa nhân rộng đến hết mọi người.

Xin nhờ lời chuyển cầu của ngài, cho cộng đoàn Cát Minh và cho những ai chân thành yêu mến thánh nữ, được luôn nhạy cảm bền bỉ khơi lên ánh lửa yêu mến trước tình yêu Chúa, để đến khi Chúa muốn, Người sẽ cho biến thành những đám cháy kỳ diệu có khả năng thiêu huỷ tội lỗi, thanh tẩy tâm hồn và lôi cuốn người ta đến với tình yêu thánh hoá, cho dẫu trước mắt vẫn còn là ngổn ngang những Thánh giá của mùa xây dựng, nhưng trong lòng đã nóng bừng hy vọng.  Mong rằng câu nói “Hèn chi Chúa có ít bạn” không phải là một chân lý bất biến, nhưng là một câu nói đang chờ sự đáp ứng, để một khi mọi người đều nhạy cảm quan tâm trở nên bạn hữu của Chúa, thì thay vì ba ngày buồn bã, có lẽ Têrêsa Avila sẽ có nhiều lần ba ngày vui vẻ vì ngỡ ngàng thấy Chúa luôn có nhiều bạn mới.

Vũ Duy Thống, Gm

From: suyniemhangngay1 & NguyenNThu

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL, RAPHAEL 

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL, RAPHAEL 

 Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn vật hữu hình cùng vô hình.  Các thụ tạo vô hình ở đây chính là chư vị thiên thần.  Chư vị này sống gần bên Thiên Chúa để phục vụ Ngài và nhân loại.  Hơn nữa, các thiên thần là những người đã phục vụ Đức Giêsu Kitô, từ khi Ngài chào đời đến khi Ngài quang lâm.

Sứ thần Gabrien được Thiên Chúa sai đến với trinh nữ Maria để loan báo về sự hạ sinh của Đấng Cứu Độ (Lc 1, 26).  Ta nghe tiếng ngợi khen của muôn vàn thiên binh cùng với sứ thần trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh trên trái đất (Lc 2, 13).  Ta cũng thấy các thiên thần hiện ra để phục vụ Đức Giêsu (Mt 4, 11), sau khi Ngài chiến thắng những cám dỗ của quỷ dữ nơi hoang địa.  Khi Đức Giêsu bị xao xuyến trước cái chết sắp đến, một thiên thần từ trời đã đến tăng sức cho Ngài (Lc 22, 43).  Ngài đã không tránh né cái chết bằng cách xin Cha cấp cho mình mười hai đạo binh thiên thần (Mt 26, 53).

Tin Vui Phục sinh được loan báo bởi các thiên thần từ mộ trống (Lc 24, 6).  Vào ngày tận thế, các thiên thần của Đức Giêsu sẽ đi theo Ngài khi Ngài trở lại trong vinh quang để phán xét cả thế giới (Mt 16, 27).  Đức Giêsu nay ngự bên hữu Thiên Chúa trên trời, trổi vượt trên các thiên thần và được các thiên thần thờ lạy (Dt 1, 4. 6).

Câu cuối của bài Tin Mừng hôm nay cũng nói đến tương quan giữa Đức Giêsu và các thiên thần.  Trong lần gặp gỡ với Nathanaen và các bạn của ông Đức Giêsu đã long trọng hứa là họ sẽ thấy trời rộng mở, và “các thiên thần lên lên xuống xuống trên Con Người” (c. 51).

Trong một giấc mộng, Giacóp đã chiêm bao thấy “một chiếc thang dựng dưới đất, đầu thang chạm tới trời, trên đó có các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” (St 28, 12).

Đức Giêsu nhận mình chính là chiếc thang đó, là Đấng Trung Gian nối đất với trời, nối Thiên Chúa với nhân loại.  Các thiên thần cũng phải qua Ngài mà đến phục vụ con người.  Các thiên thần cũng là những đấng trung gian được sai đi, nhưng họ phải qua Đấng Trung Gian duy nhất và đích thực, vì Đấng đó vừa trọn vẹn là người, vừa trọn vẹn là Thiên Chúa.

Lên lên xuống xuống trên thang Giêsu là việc của các thiên thần.  Lên với Thiên Chúa để dâng cho Ngài nỗi thống khổ của nhân loại.  Xuống với nhân loại để mang cho họ ân lộc và sứ điệp từ trời.  Thiên thần vừa gần với con người, vừa gần với Thiên Chúa, vừa tựa trên đất, vừa đụng tới trời, nên kéo trời xuống đất và đưa đất lên trời.

Xin được quyền năng của Sứ thần Micae: Ai bằng Thiên Chúa.
Xin được sức mạnh của Sứ thần Gabrien: Thiên Chúa hùng dũng.
Xin được ơn lành mạnh của Sứ thần Raphaen: Thiên Chúa chữa lành.
Kitô hữu là người hạnh phúc vì biết mình được nâng đỡ chở che.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

**************************************

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Đấng con tôn thờ, xin giúp con quên mình hoàn toàn để ở lại trong Chúa, lặng lẽ và an bình như thể hồn con đã sống trong vĩnh cửu.  Lạy Đấng thường hằng bất biến, mong sao không gì có thể khuấy động sự bình an của con, hay làm cho con ra khỏi Chúa; nhưng ước chi mỗi phút lại đưa con tiến xa hơn vào chiều sâu của mầu nhiệm Chúa!  Xin làm cho hồn con bình an thanh thản, xin biến hồn con thành chốn trời cao, thành nơi cư ngụ dấu yêu của Chúa, nơi Chúa nghỉ ngơi. 
Ước chi con không bao giờ để Chúa ở đó một mình nhưng con luôn có mặt, với trọn cả con người, với thái độ nhạy bén trong đức tin, cung kính tôn thờ và phó mình cho Chúa sáng tạo. 

Lời nguyện của chân phước Elisabeth de Trinité

From: Langthangchieutim

Mẹ Têrêsa Calcutta

https://www.facebook.com/dongten/videos/1572890696186082/?t=39

https://www.facebook.com/dongten/videos/1572890696186082/?t=39

Dòng Tên Việt Nam

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ Têrêsa đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, một ơn gọi làm phát sinh ra gia đình Thừa Sai Bác Ái của các Sư Muội, Sư Huynh, Linh Mục và Cộng Tác Viên. Nội dung của ơn soi động này được thể hiện nơi mục đích và sứ vụ Mẹ phác họa cho cơ cấu mới của Mẹ, đó là “làm giản cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá vì yêu thương vì các linh hồn”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”. Vào ngày 7/10/1950, hội dòng mới Thừa Sai Bác Ái được chính thức thành lập như là một tổ chức tu trì đối với Tổng Giáo Phận Calcutta.

THÁNH GRÊGÔRIÔ CẢ GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (540-604)

THÁNH GRÊGÔRIÔ CẢ GIÁO HOÀNG, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (540-604)

Trong lịch sử, ít có người được mang danh Cả, và đáng được danh dự ấy một cách hoàn toàn như thánh Grêgôriô, Giáo Hoàng và tiến sĩ Hội Thánh.  Ngài sinh tại Roma, khoảng năm 540, là con của một nghị viên danh giá và giầu có, ông Gordianô.  Chúng ta không biết gì về thời thơ ấu của Ngài, nhưng ít ra là Ngài đã phải kinh nghiệm về những hậu quả do những cuộc chiến của vua Cothic với các tướng lãnh của hoàng đế Lussinianô, mà chính thức Roma đã bị cướp phá.

Thánh Grêgôriô đã thủ giữ một chức vụ trong xã hội.  Năm 573, Ngài được đặt làm tổng trấn thành phố, nhưng Ngài luôn nuôi lý tưởng tu trì.  Đó là lý do khiến Ngài không lập gia đình, và năm 574 Ngài đã rút lui khỏi đời sống công cộng để mặc áo tu sĩ.

Ông Gordianô từ trần, thánh Grêgôriô thừa kế gia tài, nhờ thế Ngài đã có thể thiết lập 6 tu viện tại Sicily và biến nhà trên đồi Copelia thành tu viện thứ 7 dâng kính thánh Andre.  Tại đây Ngài sống như một thầy đơn sơ.  Có lẽ bộ luật Ngài thiết lập chính là luật dòng Bênedicto.  Đây là những năm hạnh phúc nhất mà Ngài không bao giờ quên được, nhưng lại chẳng kéo dài được lâu.

Năm 578, Ngài được phong chức phó tế cai quản một trong bảy miền ở Romas.  Năm 579 Ngài được gởi đi Constantinopple làm đại diện Đức Giáo Hoàng.  Ngài mang theo một ít thày dòng và có rộng thì giờ để giảng cho họ về sách Giop, những bài giảng được thu góp lại thành cuốn luân lý.

Thánh Grêgôriô làm đại sứ trong khoảng 7 năm.  Sau đó trở về Roma, Ngài trở lại tu viện thánh Andrê làm viện trưởng (50 tuổi).  Năm 590 Pêlagiô II từ trần và thánh Grêgôriô được chọn lên kế vị.  Roma lúc ấy bị một cơn dịch tàn phá.  Vị Giáo Hoàng được chọn tổ chức những cuộc hành hương trong thành phố, Ngài thấy tổng lãnh thiên thần hiện ra ở một địa điểm nay gọi là Custel Saint Angele, đứng tuốt gươm ra, cơn dịch tự nhiên bị chặn lại và dân Roma chào mừng Đức Giáo Hoàng mới, như một người làm phép lạ.

Triều đại Đức Giáo Hoàng Grêgôriô kéo dài trong mười bốn năm, đòi hỏi trọn sức mạnh tinh thần và ý chí lẫn kinh nghiệm quản trị và ngoại giao của Ngài.  Đế quốc Roma đang suy sụp.  Dầu vậy hoàng đế ở Constantinople chỉ hiện diện tại Ý bởi một phó vương với một triều đình nhỏ, Ravenna có rất ít quyền lực về luân lý và vật chất.  Quân đội Bonabardô cướp phá bán đảo và Roma bị chiếm đóng năm 593.  Đức Grêgôriô thấy phải lập quân đội để bảo vệ Roma và đặt điều kiện với quân xâm lược.  Mọi việc thuộc đủ mọi phương diện trong quốc gia đang suy đồi đều đổ trên đức Giáo hoàng.

Trong khi đó đức Grêgôriô lo chấn chỉnh Giáo hội.  Các địa phận lộn xộn, Ngài ấn định lại ranh giới.  Các đất đai thuộc giáo hoàng được quản trị hữu hiệu.  Chính nhà ở của Đức Giáo Hoàng cũng cần phải tái thiết.  Nhưng không có gì đáng ghi nhớ hơn trong cách Đức Giáo Hoàng đương đầu với các vấn đề Giáo hội Đông và Tây, là việc Ngài nhấn mạnh đến quyền tối thượng của tòa thánh Roma.  Rất tôn trọng quyền của các Giám Mục trong các giáo phận, Ngài kiên quyết bênh vực nguyên tắc tối thượng của thánh Phêrô.  Đối với Hoàng Đế, Ngài rất tôn trọng uy quyền dân chính, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi mình và của các dòng trong Giáo Hội.

Thánh Grêgôriô canh tân phụng vụ rất nhiều.  Ít nhất là Ngài đã đặt các “điểm” hành hương.  Dầu qua nhiều lần tranh cãi, nhưng dưới ảnh hưởng của Ngài, ngày nay nhạc và nghi lễ Giáo hội vẫn còn mang danh Ngài: nhạc Grêgôriô, lễ Grêgôriô.

Thánh nhân còn là văn sĩ rất phong phú.  Ngoài cuốn luân lý Ngài còn viết hai cuốn gồm những bài giảng về sách Ezechiel, một cuốn khác về những bài Phúc âm trong ngày, 4 cuốn đối thoại và một cuốn sau tập các phép lạ do các thánh người Ý thực hiện.  Cuốn sách chăm lo mục vụ trình bày những điều mà cuộc sống một giám mục và một linh mục phải làm. S au cùng là một sưu tập thư tín.

Thánh Grêgôriô còn được gọi là tông đồ nước Anh.  Chính Ngài đã muốn đi truyền giáo để cải hóa luơng dân Saxon.  Nhưng không đi được, năm 596 Ngài đã trao phó nhiệm vụ cho các tu sĩ dòng thánh Andrê do thánh Augustinô Conterbury dẫn đầu.

Thánh Grêgôriô cả qua đời ngày 12 tháng 3 năm 604.  Ngài được mai táng trong đại giáo đường thánh Phêrô.  Nấm mộ đầu tiên của Ngài mang bản chữ Latinh tóm gọn đời Ngài, Ngài được gọi là “chánh án của Chúa.”  Các chánh án của Roma đã qua đi.  Chính đế quốc Roma đang hồi hấp hối nhưng thánh Grêgôriô là điểm nối giữa thời các giáo phụ với thời các giáo hoàng, giữa vinh quang của thành Roma lịch sử với vinh quang của kinh thành Thiên Chúa.

Nguồn http://conggiao.info/

 From: Langthangchieutim

PHÓ TẾ TỬ ĐẠO (+258)

 PHÓ TẾ TỬ ĐẠO (+258)

Thánh Laurensô là vị thánh tử đạo Roma được biết đến nhiều nhất. Từ thế kỷ thứ IV, một mình Ngài ngoài các thánh tông đồ, được kính nhớ với thánh lễ vọng. Sách nghi thức Đức giáo hoàng Lêô thế kỷ VI có không dưới 14 lễ kính Ngài. Sau Công Đồng Vatican vào thập niên 1960, phụng vụ được canh tân chỉ còn 3 bậc lễ: Lễ Trọng (solemnity), Lễ Kính (feast) và Lễ Nhớ (memorial), trong đó các Thánh Tông Đồ mới được ở bậc lễ kính, trừ 2 Thánh Sử Luca và Marco, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi Stephano, Thánh Mai Đệ Liên là tông đồ của các tông đồ, còn có lễ Thánh Phó Tế Tử Đạo Laurensô ở thế kỷ thứ 4 này. Ở vào thời Trung Cổ đã có ít là 34 thánh đường ở Roma dâng kính thánh nhân. Ngài là vị thánh bổn mạng thứ ba của thành Roma. 

Laurensô là ai mà được tôn kính cách đặc biệt như vậy? -Phải chăng là vì chủ trương độc đáo của ngài cho rằng người nghèo là tài sản của Giáo Hội, nhất là vì lòng ham ước được phúc tử đạo đến độ chịu tử đạo một cách khủng khiếp chưa từng có mà vẫn hiên ngang thách thức quyền bính thế gian, và vì ngài được dân Chúa đặc biệt sùng kính? Bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho thánh nhân rất thích hợp với vai trò phó tế tử đạo được hiển vinh của ngài: “Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó”.

Laurensô được cho là sinh tại Huesca – một thị trấn ở Aragon (nay thuộc Tây Ban Nha), gần chân dãy núi Pyrenees. Ngay từ khi còn trẻ, Laurensô đã được gửi đến Zaragoza để học văn hóa và thần học. Tại đây mang cơ duyên cho Laurensô gặp được Giáo hoàng tương lai là Xíttô II (Sixtus II), một người gốc Hy Lạp khi đó là một trong những giáo viên nổi tiếng nhất trong học viện. Khi trở thành Giáo hoàng Xíttô vào năm 257, ông đã truyền chức phó tế cho Laurensô, mặc dù Laurensô khi đó vẫn còn khá trẻ nhưng giáo hoàng đã bổ nhiệm đứng đầu trong số bảy phó tế phục vụ trong nhà thờ Giáo hoàng. Kể từ đó, Laurensô được gọi là “tổng trưởng phó tế thành Roma”. Đây là một vị trí rất được tin tưởng, chịu trách nhiệm giúp đỡ người nghèo túng và Ngài được giao cho trách nhiệm “quản lý tài sản của Giáo hội.  

Khi sự cấm đạo dưới thời Hoàng đế Valerianus bùng nổ, Giáo hoàng Xíttô II và 7 phó tế bị bắt. Giáo hoàng bị kết án tử hình cùng với sáu phó tế vào ngày 6 tháng 8 năm 258.  Khi Đức Giáo hoàng bị điệu ra pháp trường, Laurensô đi theo khóc lóc nức nở, ngài hỏi: “Cha ơi, cha đi đâu mà không cho nô bộc này theo?”. Ðức giáo hoàng trả lời: “Con ơi, ta không bỏ con đâu. Trong ba ngày nữa, con sẽ theo ta.” Nghe thấy thế, Laurensô thật vui mừng, ngài về phân phát hết tiền của trong kho cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục đắt tiền để có thêm của cải mà phân phát.

Sau đó, viên tổng trấn Roma yêu cầu phó tế trưởng Laurensô giao tất cả tài sản của giáo hội cho đế quốc trong 3 ngày. Tuy nhiên, nghe theo lệnh Giáo hoàng khi ngài ra pháp trường, Laurensô đã kịp phân phát hết tiền của, tài sản của giáo hội cho người nghèo, và còn bán cả các phẩm phục quý giá để có thêm tiền mà phân phát. 

 Viên tổng trấn nổi giận, buộc ngài phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, Laurensô phải chịu mọi cực hình, bị nướng trên sắt nung đỏ, khi bị nướng ngài còn nói với tổng trấn:”Một mặt đã chín thì nướng luôn mặt còn lại mà ăn đi.”. Ông mất ngày 10 tháng 8 năm 258 và được coi là tử vì đạo.  

Hết hạn Ngài dẫn họ tới trình với tổng trấn Valêrianô, như là tài sản của Giáo hội. Khi tổng trấn chất vấn về số tài sản ấy của giáo hội đang ở đâu thì Laurensô đã nói rằng người nghèo, người khuyết tật, người mù lòa và đau khổ là những ‘tài sản’ thực sự của giáo hội. Viên tổng trấn nổi giận, buộc thánh nhân phải dâng lễ tiến các thần minh. Từ khước, thánh nhân phải chịu mọi cực hình, đặc biệt là khi bị nướng ngài còn nói với viên tổng trấn:”Một mặt đã chín thì nướng luôn mặt còn lại mà ăn đi.”. Sau đó ngài cầu xin cho thành phố Rôma được trở lại với Ðức Kitô và cho Ðức Tin Công Giáo được lan tràn khắp thế giới. Ngài lãnh nhận triều thiên tử đạo vào năm 258, ngày 10 tháng 8.

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tổng hợp

Chân Phước Gregory Grassi và Các Bạn

8 Tháng Bảy

Chân Phước Gregory Grassi và Các Bạn
(k. 1900)

Các nhà thừa sai Kitô Giáo thường bị bắt trong các cuộc chiến chống với chính quốc gia của mình. Khi các chính phủ Anh, Ðức, Nga và Pháp buộc nhà cầm quyền Trung Hoa phải nhượng bộ đất đai vào năm 1898, cả một phong trào chống người ngoại quốc nổi dậy ở Trung Hoa.

Gregory Grassi sinh ở Ý năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và năm năm sau ngài được sai đến Trung Hoa Lục Ðịa. Sau đó Cha Gregory được tấn phong làm Giám Mục của giáo phận Bắc Shanxi. Vào năm 1900, trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ, cùng với 14 nhà truyền giáo Âu Châu và 14 tu sĩ Trung Hoa, ngài chịu tử đạo vào thời kỳ bách hại ngắn ngủi nhưng đẫm máu ấy.

Hai mươi sáu vị tử đạo bị bắt theo lệnh của Yu Hsien, quan đầu tỉnh Shanxi. Tất cả bị chết chém vào ngày 9 tháng Bảy 1900. Năm vị thuộc dòng Phanxicô Hèn Mọn; bảy vị thuộc tu hội Phanxicô Truyền Giáo của Ðức Maria — là các vị tử đạo tiên khởi của tu hội. Về phía người Trung Hoa có bảy chủng sinh và bốn giáo dân, tất cả đều thuộc dòng Ba Phanxicô. Ba giáo dân Trung Hoa khác bị giết ở Shanxi chỉ vì làm việc cho các tu sĩ Phanxicô và bị bắt cùng với các người khác. Ba tu sĩ Phanxicô người Ý cũng được tử đạo trong tuần đó ở tỉnh Hunan.

Tất cả các vị tử đạo được phong chân phước vào năm 1946.

Lời Bàn

Tử đạo là sự nguy hiểm nghề nghiệp của các nhà truyền giáo. Trong cuộc nổi dậy của các võ sĩ ở Trung Hoa Lục Ðịa, năm giám mục, 50 linh mục, hai trợ sĩ, 15 nữ tu và 40,000 Kitô Hữu Trung Hoa đã bị giết. Tuy nhiên, số giáo dân Công Giáo Trung Hoa vào năm 1906 là 146,575 đã tăng lên đến 303,760 vào năm 1924. Sự hy sinh lớn lao đã đem lại kết quả lớn lao.

Lời Trích

“Tử đạo là một phần của bản chất Giáo Hội, vì nó biểu lộ cái chết của Kitô Hữu trong hình thức tinh tuyền, là một cái chết vì đức tin không chịu kiềm chế. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội, thay vì thuần tuý vẫn chỉ có tính cách không tưởng, đã thể hiện một diễn đạt tỏ tường cần thiết nhờ ơn sủng của Thiên Chúa. Ngay từ thế kỷ thứ hai, người chấp nhận cái chết vì đức tin Kitô Giáo hoặc luân lý Kitô Giáo được coi là một ‘chứng nhân'” Danh từ này xuất phát từ Phúc Âm, vì Ðức Giêsu Kitô là ‘chứng nhân trung tín’ tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)” (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần Học, tập 2, trang 108-109).

  *    *   *    *

Sự Hiện Diện Của Con Dê

Ðể khuyên chúng ta chấp nhận cuộc sống, người Ðức thường kể câu chuyện sau đây:

Có một nhà hiền triết nọ chuyên cố vấn giúp đỡ cho những ai gặp buồn phiền, chán nản trong cuộc sống. Bất cá ai đến xin chỉ bảo cũng đều nhận được lời khuyên thiết thực… Một hôm, có một người thợ may mặt mày thiểu não chạy đến xin cầu cứu. Gia đình ông gồm có ông, vợ ông và bảy đứa con trai nhỏ. Tất cả chen chúc nhau trong một căn nhà gần như đổ nát. Người vợ phải la hét suốt ngày vì bị sự quấy phá của bảy đứa con. Xưởng may của ông lúc nào cũng lộn xộn, bẩn thỉu vì những nghịch ngợm của lũ con. Thêm vào đó là những tiếng la hét, khóc nhè suốt ngày, khiến người thợ may không thể chú tâm làm việc được.

Nghe xong câu chuyện, nhà hiền triết mới đề nghị với người thợ may như sau: “Anh hãy ra chợ mua cho kỳ được một con dê, rồi dắt nó về cột ngay trong xưởng may của anh”. Người đàn ông đàng thương không đoán được ẩn ý của nhà hiền triết, nhưng đặt tất cả tin tưởng vào ông, cho nên anh về thu gom hết tiền của trong nhà để ra chợ mua cho kỳ được con dê.

Chúng ta hãy tưởng tượng: sự hiện diện của con dê trong xưởng may sẽ giúp được gì cho anh ta? Con vật hôi hám ấy không những phóng uế nhơ bẩn lại suốt ngày còn kêu những tiếng không êm tai chút nào. Cái xưởng may chỉ trong một ngày đã biến thành một chuồng súc vật bẩn thỉu không thể chịu đựng được… Người thợ may lại đến than phiền với nhà hiền triết vì sự hiện diện của con dê. Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới bảo anh: “Anh hãy tức khắc mang nó ra chợ và bán lại cho người khác”. Người đàn ông cảm thấy như nhẹ nhõm cả người. Anh dắt con vật ra chợ. Trong khi đó, ở nhà, vợ anh mang nước vào tẩy uế cái xưởng may. Bảy đứa nhóc con của anh bắt đầu trở lại xưởng may và hò hét trở lại. Người đàn ông nhìn xuống xưởng may rồi mỉm cười nhìn mấy cậu con trai của anh đang chạy nhảy la hét. Anh tự nhủ: dù sao, tiếng la hét của mấy đứa con của anh, so với tiếng kêu của con vật dơ bẩn, vẫn dễ chịu hơn… Và chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc hơn ngày hôm đó.

Tâm lý thông thường, chúng ta dễ có thái độ “đứng núi này nhìn núi nọ”. Những cái quen thuộc, những cái trước mặt, những cái thường ngày, những cái nhỏ bé thường dễ bị khinh thường…

Mang lấy thân phận con người, sống trọn vẹn kiếp người, Chúa Giêsu mặc cho tất cả mọi thực tại của cuộc sống một ý nghĩa mới, một giá trị mới. Chỉ qua những thực tại từng ngày, chỉ qua các sinh hoạt hàng ngày con người mới có thể gặp gỡ được Thiên Chúa.

Giá trị của mỗi một phút giây hiện tại chính là mang nặng sự hiện diện của chính Chúa. Giá trị của cuộc sống chính là được dệt bằng những gặp gỡ triền miên giữa Thiên Chúa và con người…

Không ai trong chúng ta chọn lựa để được sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh. Có ngưòi đần độn… Mỗi người chúng ta đến trong cuộc đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng Ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như Thánh Phaolô: “Tất cả đều là ân sủng của Chúa”: tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.

Trích sách Lẽ Sống

From: hnkimnga & NguyenNThu

THÁNH NỮ MARIA GORETTI BÔNG HUỆ NHỎ NHUỐM MÁU


THÁNH NỮ MARIA GORETTI BÔNG HUỆ NHỎ NHUỐM MÁU

 

*Bông Huệ nhỏ tuyết trinh nơi đồng nội,

Vượt lên cao tràn ngập nắng hồng ân,

Gió mưa lay, không vương mắc bụi trần,

Đẹp lòng Chúa, đem về vườn Thiên quốc.

 

“Xin kính chào Vị Nữ Thánh khả ái!  Hỡi Vị Tử Đạo dưới đất và Thiên Thần trên trời!

 

Từ nơi vinh quang, xin ghé mắt nhìn xuống đoàn con đây, đang yêu mến, tung hô và chúc tụng Ngài.  Trên vầng trán Ngài ghi rõ danh tánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng.  Trên khuôn mặt tinh khiết Ngài tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh.  Ngài là Vị Hiền Thê dùng chính máu đào mình họa lại hình ảnh Chúa Kitô.  Hỡi vị Nữ Thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng lên Ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng tôi.  Tất cả đều ngưỡng phục lòng anh hùng của Ngài, nhất là muốn bắt chước Ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn phong hóa cao quí.

 

Từ nay các bậc làm cha mẹ chạy đến kêu cầu, xin Ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

 

Xin đặt vào vòng tay Ngài một trẻ thơ, cùng thanh thiếu nữ, hầu Ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui bước trên đường đời trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng.

 

Ước gì được như vậy.”

 

Đó là lời Đức Thánh Cha Piô 12 vào chiều thứ bảy 24/6/1950 trong khung cảnh Năm Thánh, khi tuyên phong Hiển Thánh cho thiếu nữ đồng quê 12 tuổi MARIA GORETTI, trước sự hân hoan nồng nhiệt của 500 ngàn khách hành hương từ khắp nơi đổ về, cùng sự hiện diện của thân mẫu và gia đình cô.

 

Maria Goretti sinh 16/10/1890 tại vùng đồi thơ mộng gần thành phố Corinaldo, nước Ý.  Nhưng vì sinh kế cả gia đình phải chuyển đến vùng thôn quê sình lầy Ferriere di Conca.  Là chị cả trong một gia đình 6 anh chị em, cô luôn noi gương cha mẹ là người đạo hạnh và cần mẫn.

 

Sống trong cảnh nghèo túng, Goretti không được đi học, nhưng có lòng sùng kính đặc biệt Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria Đồng Trinh.  Mồ côi cha từ năm lên 10, nhưng mỗi lần đi ngang mộ cha đều dừng lại cầu nguyện cho cha.

 

Gia đình sau khi cha mất trở nên túng quẫn hơn, cô luôn nâng đỡ tinh thần cho mẹ, xốc vác mọi việc trong nhà, đóng vai người mẹ thứ hai đối với các em, luôn săn sóc, dạy bảo và thúc giục các em cầu nguyện.  Mỗi lần đi dự lễ, cô phải đi bộ 2 giờ đồng hồ, luôn là người đến sớm nhất và về sau cùng.  Cô rẩt cẩn thận trong cách ăn mặc, nói năng hòa nhã khiêm tốn, tránh truyện trò thô tục… nổi bật nhất là nhân đức khiết tịnh như bông huệ tuyết trinh.

 

Từ ngày ba ngã bệnh rồi mất, để có người giúp đỡ công việc đồng áng và chia sẻ hoa lợi, gia đình cô phải đón nhận một gia đình khác gồm 2 bố con đến ở chung.  Người con trai 19 tuổi tên Alessandro, đầu óc tràn đầy ý tưởng xấu, nên luôn nhìn Goretti với con mắt dục vọng.  Cô luôn ở nhà săn sóc các em khi mẹ làm việc ngoài đồng.

 

Nên một hôm, Alessandro đến cám dỗ cô phạm tội, nhưng cô rất sợ hãi và từ chối rồi tìm cách tránh xa chàng.  Rồi 10 ngày sau, chàng ta lại dở trò cũ, cô khiếp sợ và nói: “Nếu anh làm điều đó, anh sẽ phải xuống hỏa ngục!”  Chàng ta túm lấy cô, nhưng cô dùng hết sức để vượt thoát và chàng đe dọa giết nếu tiết lộ với người khác.

 

Trưa ngày 5/7/1902, dưới nắng hè chói chang mọi người đang thu hoặch mùa đậu.  Chàng ngưng việc đi thẳng về nhà, thấy Goretti ngồi dưới chân cầu thang vá áo và trông chừng em ngủ.  Chàng ta mặt hầm hầm bước lên cầu thang vào phòng lấy một thanh sắt đã mài nhọn, quay xuống gọi: “Goretti vào đây nhờ một tí!”  Cô vẫn ngồi không nhúc nhích và không trả lời.  

 

Anh ta nhào tới nắm tay cô kéo vào trong nhà.  Cô la lên: “Nếu làm điều đó anh sẽ phải xuống hỏa ngục.  Buông tôi ra!”

 

Điên lên vì bị từ chối, anh ta một tay nắm chặt tay cô, một tay cầm dao đâm túi bụi vào thân hình liễu yếu của cô bé.  Cô gào to kêu cứu, nhưng không ai bên ngoài nghe thấy.  Máu chảy thành dòng, tràn trên sàn nhà và cô gục ngã.  Nhưng cô còn tỉnh, cố lết tấm thân nát nhừ ra gần cửa kêu cứu.  Nghe tiếng kêu anh ta vội chạy lại, túm cổ cô đâm thêm nhiều nhát chí tử.  Cô bé bất hạnh phều phào kêu:

 

       “Lạy Chúa tôi!  Lạy Chúa tôi!  Má ơi con chết mất!”  Rồi thiếp đi bất tỉnh…

 

Trong những giờ phút đau thương hấp hối, Goretti âm thầm cầu nguyện cùng Thánh Tâm Chúa và Mẹ Maria.  Cô sẵn sàng chờ đón giờ chết và tha thứ cho kẻ giết mình.  Khi Linh mục mang Mình Thánh Chúa đến, cô hớn hở đón nhận của ăn đàng trước khi về Thiên Quốc.  Ôm ghì Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ hôn kính rồi thiếp dần.  Những giây phút cuối đời, Goretti hơi thở bị tắt nghẽn vị bị ám ảnh những giây phút kinh hoàng phải đối phó với hành động xấu xa của Alessandro.  Cử chỉ vô cùng mệt nhọc chống cự với một người vô hình.  Sau cùng bằng sức tàn mong manh, cô vùng dậy như muốn trốn thoát, rồi trong giây lát lại buông mình nằm xuống bất động.  Linh hồn trinh trong và xinh đẹp của Goretti từ từ ra khỏi xác bay về Thiên Quốc.  Lúc đó là chiều Chúa nhật ngày 6/7/1902, một ngày sau khi cô bị đâm 14 nhát dao.

 

Sau khi qua đời, Maria Goretti đã làm nhiều phép lạ.  Nhưng phép lạ to lớn nhất là hoán cải được Alessandro, cô đã hiện về trong tù trao tặng chàng những bông huệ trắng tinh.  Từ ngày đó chàng sống khiêm nhường thống hối tội lỗi mình.  Chàng được phóng thích sau 30 năm tù và suốt đời sống độc thân.

 

Về sau chàng xin vào tu viện Dòng Phan Sinh Hèn Mọn Capuchin, miền bắc Ý, trở thành phần tử Dòng Ba, ngày ngày cần mẫn làm những việc hèn mọn cùng chay tịnh để đền tội đến trọn đời, hưởng thọ 89 tuổi.

 

Ngày 28/4/1947, ĐTC Piô 12 phong Chân Phước cho Maria Goretti.

Ngày 24/6/1950, Ngài lại nâng lên bậc Hiển Thánh.

Rồi đặt Thánh Nữ làm Quan Thày và gương mẫu cho giới trẻ.

Hiện diện trong Lễ Phong Thánh, thân mẫu Thánh đã ngoài 80 tuổi và các em.

Maria Goretti trở thành vị Thánh tử Đạo vì bảo vệ đức Trinh Khiết khi mới 12 tuổi.

Hàng năm Giáo Hội mừng kính thánh Nữ vào ngày 6 tháng 7.

 

Lời kinh Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 dâng kính Thánh Nữ:

 

“Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa!

 

Cô đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương, cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống.  Cô cũng biết thế nào là nghèo đói, mồ côi và đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn, ân cần.  Cô sống tốt lành không khoe khoang và yêu mến Tình Yêu Chúa trên mọi sự, đã đổ máu đào để khỏi phản bội Chúa và tha thứ cho người đã giết mình, cầu mong hạnh phúc Thiên đàng cho anh ta.

 

Xin hãy bầu cử cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, cùng biết thưa vâng theo chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi.

 

Hỡi Đấng là bạn hữu Thiên Chúa đang chiêm ngắm Chúa.  Xin cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi những ơn xin cùng Ngài.  Chúng tôi cảm tạ Ngài, hỡi Maria Goretti vì tình yêu Ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà Ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi- Amen.”

 

Đinh Văn Tiến Hùng

 

*Ghi chú: Dựa theo tài liệu của Raymond Thư, CMC

    Thánh Bernardino Realino

2 Tháng Bảy

    Thánh Bernardino Realino
    (1530-1616)

    Thánh Bernardino Realino sinh trong một gia đình quyền quý ở Capri, nước Ý. Sau khi được người mẹ chăm sóc, dạy bảo kỹ lưỡng về đạo giáo, lớn lên ngài theo học y khoa và học luật ở Ðại Học Bologna. Ngài lấy bằng tiến sĩ luật và làm thị trưởng Felizzano khi mới 26 tuổi. Ngài còn là chánh án của thành phố. Sau hai nhiệm kỳ, ngài được bổ nhiệm chức vụ trưởng ty quan thuế ở Alesandria, và sau đó làm thị trưởng của Cassine, và Castelleone.

    Năm 32 tuổi, ngài được triệu về Naples để giữ chức phó toàn quyền. Ở đây ngài tham dự cuộc tĩnh tâm 8 ngày của các linh mục dòng Tên và đã xin gia nhập dòng này khi 34 tuổi. Ba năm sau, ngài được chỉ định làm Giám Ðốc Ðệ Tử Viện ở Naples.

    Ngài làm việc cật lực ở Naples, tận tụy phục vụ người nghèo và giới trẻ. Sau đó, ngài được sai đến Lecce là nơi ngài sống bốn mươi năm cuối cùng của cuộc đời.

    Ngài nổi tiếng vì công cuộc tông đồ không ngừng nghỉ. Ngài là một cha giải tội gương mẫu, một vị thuyết giảng lôi cuốn, một thầy giáo cần cù của Ðức Tin cho người trẻ, một chủ chiên tận tụy cho các linh hồn, cũng như là Giám Ðốc trường Dòng Tên ở Lecce và là cha sở ở đây. Lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo và người đau yếu dường như vô bờ bến, và sự nhân hậu của ngài đã giúp chấm dứt các mối thù truyền kiếp của nhiều người trong thành phố.

    Sự trân quý của người dân Lecce đối với ngài quá lớn lao đến độ vào năm 1616, khi ngài đang hấp hối trên giường thì vị đại diện thành phố đã chính thức xin ngài bảo vệ cho người dân sau khi ngài từ trần. Không thể nói nên lời, Thánh Bernardino chỉ gật đầu chấp thuận. Ngài từ trần với lời cầu khẩn danh thánh Ðức Giêsu và Ðức Maria.

    Ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong thánh năm 1947.

    Trích từ NguoiTinHuu.com

……………………………………………………………………………………………………………….

 2 Tháng Bảy

Ðấng Cứu Thế Ðang Có Mặt

Ngày kia, có một đan viện phụ Công giáo tìm đến một vị tu sĩ Ấn Giáo tại chân núi Himalaya. Với tất cả ưu tư phiền muộn, vị đan viện phụ trình bày về tình trạng bi đát của tu viện do ông điều khiển. Trước kia, tu viện này là một trong những trung tâm Công giáo thu hút không biết bao nhiêu khách hành hương. Nhà nguyện lúc nào cũng vang lên tiếng ca hát của các tu sĩ và giáo dân đến từ khắp nơi. Các căn phòng lúc nào cũng có người ở… Nay tu viện gần như trở thành một ngôi chùa trống vắng. Làn sóng những người trẻ tìm đến tu viện hầu như tắt lịm. Nhà nguyện vắng kẻ ra người vào. Một số nhỏ tu sĩ còn lại sống trong uể oải, buông thả… Vị viện phụ muốn hỏi nhà tu sĩ Ấn Giáo: đâu là nguyên nhân đã đưa đến tình trạng này? Phải chăng vì một tội lỗi tày đình nào đó mà bàn tay Chúa đã đè nặng trên cộng đoàn?

Sau khi nghe đức viện phụ kể lể, vị tu sĩ Ấn Giáo mới ôn tồn nói: “Cái tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn: đó là tội vô tình”. Vị tu sĩ Ấn Giáo mới giải thích như sau: “Ðấng Cứu Thế đã cải trang thành một người giữa chư vị, nhưng chư vị đã vô tình không nhận ra Ngài”.

Nhận được lời giải thích của vị tu sĩ Ấn Giáo, đức viện phụ mới hối hả trở về tu viện, trong lòng ông không khỏi miên man đặt câu hỏi: “Ai là người được Ðấng Cứu Thế đang mượn hình dáng để trở lại với loài người?”. Cả tu viện chỉ có tất cả không đầy mười người. Ðấng Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết mình là một con người tội lỗi yếu hèn. Nhưng ông cũng biết rõ các tu sĩ khác trong tu viện: có người nào toàn vẹn để Ðấng Cứu Thế mượn lấy hình dáng? Thế nhưng, ông vẫn tin theo lời của vị tu sĩ Ấn Giáo để xác quyết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người nào đó trong cộng đoàn…

Với niềm xác tín ấy, ông quy tu tất cả các tu sĩ lại và loan báo cho mọi người biết rằng Ðấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Ðôi mắt của mỗi người mở to ra và ai cũng bắt đầu dò xét từng người trong nhà. Chỉ có điều chắc chắn là: bởi vì Ðấng Cứu Thế đã cải trang, cho nên, không ai có thể nhận ra Ngài được. Thành ra mỗi người trong nhà đều có thể là Ðấng Cứu Thế… Từ đó, ai ai cũng đối xử với nhau như đối xử với chính Ðấng Cứu Thế. Không mấy chốc, bầu khí yêu thương, huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Sự thánh thiện ấy không mấy chốc được đồn thổi đi khắp nơi. Các tín hữu từ khắp nơi trở lại tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ngưởi trẻ cũng đến gõ cửa Nhà Dòng…

Nếu người người, ai ai cũng nhìn nhau và đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa Giêsu, thì có lẽ hận thù, chiến tranh sẽ không bao giờ có lý do để tồn tại trên mặt đất này. Sự vắng bóng của Thiên Chúa trong xã hội, hay đúng hơn sự vô tình của con người để không nhận ra Thiên Chúa trong cuộc sống: đó là đầu mối của mọi thứ bất hòa, chiến tranh, xáo trộn trong xã hội.

Chối bỏ Thiên Chúa cũng có nghĩa là chối bỏ con người. Sự băng hoại của những xã hội xây dựng trên chủ thuyết vô thần là một bằng chứng hùng hồn về hậu quả của sự chối bỏ Thiên Chúa. Khi con người chối bỏ Thiên Chúa, con người cũng chà đạp con người…

Con người là hình ảnh cao quý của Thiên Chúa đến độ Ngài đã trở thành con người và tự đồng hóa với con người. Từ nay, con người chỉ có thể nhận ra Ngài trong mỗi người anh em của mình mà thôi. Thánh thiện hay tội lỗi, giàu sang hay nghèo hèn, bạn hữu hay thù địch: mỗi một con người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và chỉ có xuyên qua tình yêu đối với con người, con người mới có thể đến với Thiên Chúa…

Trích sách Lẽ Sống

From: hnkimnga & NguyenNThu

THÁNH THOMAS MORE

THÁNH THOMAS MORE

Thánh Thomas More sinh ngày 7/2/1478 tại London trong một gia đình trí thức quý tộc mà chính Ngài đã nói: “Không danh giá nhưng lại lương thiện.”

Ngay sau khi cha ông qua đời, mẹ ông gửi ông đến trường đại học danh tiếng là Oxford để theo học ngành luật.  Ông đạt kết quả xuất sắc và sớm trở thành nghị sĩ khi mới 22 tuổi.  Ông lập gia đình với bà Jane Colt và sinh được 4 người con.  Sự nghiệp của ông tiến nhanh vì ông không những là luật gia, triết gia mà còn là nhà trí thức bách khoa thời Phục Hưng ở Anh.  Ông được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Anh năm 1523 và sau đó lên tới chức Tể tướng từ năm 1529-1532.  Nhưng với đức tin Công giáo và tấm lòng vì Tổ quốc Anh, ông đã không đồng tình với những quyết định của vua Henry VIII nên ông đã bị đẩy vào đối tượng thù ghét của chính nhà vua.

Trước hết là khi vua Henry VIII muốn phế bỏ bà vợ hợp pháp của mình là Catherine ở Aragon để cưới cô Anna Boleyn vì bà Catherine không sinh được con cho vua.  Vua gửi đề nghị sang Giáo hoàng ở Roma nhưng không được chấp nhận.  Bà Catherine nguyên là vợ của ông Anthus –anh vua Henry VIII. Đức Giáo hoàng đã chuẩn cho vua Henry được cưới bà Catherine khi chồng bà qua đời.  Viện cớ phép chuẩn này không thành, vua hủy bỏ hôn ước và yêu cầu Tể tướng Thomas More tổ chức lễ cưới cho mình nhưng bị từ chối.  Vua Henry quyết định lập giáo hội Anh giáo tự trị, độc lập với Công giáo Roma và định phong cho Thomas More làm Giáo chủ.  Thomas More và Đức Giám mục John Fisher đã cực lực phản đối và xin từ chức.  Thomas More là người kiên quyết phản đối sự chia rẽ giáo hội nên ông cũng cực lực phản đối Tin lành Luther.  Thomas More viết cuốn sách nổi tiếng Utophia, nói về một hòn đảo hạnh phúc đầy tưởng tượng.  Ngài cũng viết cuốn “Dialogue concerning Heresies” (Đối thoại về các lạc thuyết).  Trong đó, ông phản đối chế độ quân chủ phong kiến mà muốn xác lập quyền tư hữu nhất là quyền tư hữu về ruộng đất.  

Thomas More bị kết tội phản quốc và bị bắt giam ở ngục London 15 tháng.  Vua hy vọng ông sẽ hối cải quan điểm của mình.  Nhưng ông nói với quan canh ngục rằng, ông vẫn luôn luôn trung thành với vua, nhưng ông cũng phải trước hết trung thành với Thiên Chúa nên không thể thay đổi lập trường được.  Ông bị vua ra lệnh xử chém đầu.  Ra pháp trường, ông vẫn vui vẻ chào các quan và hẹn họ gặp nhau ở chốn vĩnh hằng.  Ông moi túi lấy một đồng tiền vàng đưa cho người lính hành quyết và nói: Làm ơn nhắm cho trúng nhé vì cổ của tôi hơi ngắn.  Lính canh bịt mắt ông, ông nói không cần đâu.  Rồi ông bình tĩnh ngả đầu trên thớt, lấy tay vuốt ngược chòm râu lên kẻo bị đứt và hài hước bảo: Chòm râu của tôi có tội gì với vua đâu mà bị xử trảm.  Ông bị chém đầu ngày 6/7/1535 khi mới 57 tuổi.

Năm 1935, Đức Giáo hoàng Piô XI đã phong thánh cho Thomas More và đặt ông làm quan thày của các luật gia.  Ngày 27/11/2000, Đức Gioan Phaolô II lại đặt thánh nhân là đấng bảo trợ các chính trị gia trên thế giới.  Ngài nói: “Thánh Thomas More là người thông minh, sáng suốt và rất mộ đạo.  Thánh nhân đã biết dùng quyền hành trần thế để thể hiện lý tưởng Phúc âm.  Thomas More đã lên đến chức vụ rất cao là Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Anh, nhưng ngài sẵn sàng từ bỏ quyền lực, của cải và sinh mạng, kể cả việc tử đạo khi lương tâm Công giáo đòi buộc ngài phản đối những ý đồ sai trái của vua Henry VIII.”  

Vì thánh nhân có tính hài hước vui vẻ nên rất nhiều người kể cả Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng luôn cầu khẩn cho được tính hài hước như ngài.  Trong bài diễn văn trước Giáo triều cuối năm 2014, Đức Phanxicô cho biết mình cầu nguyện với Thánh tử đạo người Anh Thomas More mỗi ngày.  Ngài xin thánh nhân cho mình được ơn hài hước vui vẻ.  Một liều hài hước lành mạnh trong cuộc sống hàng ngày giúp chúng ta rất nhiều.

Kinh của thánh Thomas Moore xin ơn hài hước vui vẻ

Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội.  Xin cho con thân thể khỏe mạnh, và tính hài hước tốt đẹp cần thiết để giữ sức khỏe đó.  Xin cho con một linh hồn đơn sơ biết quý tất cả những gì tốt đẹp, đừng dễ dàng sợ hãi trước mặt sự dữ, nhưng biết tìm cách đặt lại mọi chuyện vào đúng chỗ của nó.

 Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: Con chính là Con.”  Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp.  Xin cho con ơn có thể nói một câu đùa để tìm được chút vui vẻ trong đời, và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác.’

Bích Hải

From: Langthangchieutim