Thánh Gioan Neumann (1811 – 1860)

5 Tháng Giêng

  Thánh Gioan Neumann (1811 – 1860)

 Thánh Gioan Neumann sinh trưởng ở Bohemia. Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp Âu Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.

Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.

    Ở Nữu Ước, Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.

 Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và đã ngài gia nhập dòng Chúa Cứu Thế, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.

    Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.

    Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên dân chúng — đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức Gioan khôi hài, “Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!”

    Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm, “Thật tuyệt chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục là người đồng hương!”

    Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời, “Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được.”

    Ðức Gioan từ trần ngày 5-1-1860 khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng, do đó ngài được phong chân phước ngày 13-10-1963, và ngày 19-6-1977 ngài được phong thánh.

    Lời Bàn

    Thánh Neumann coi trọng lời Chúa là “Hãy đi rao giảng cho muôn dân.” Từ Ðức Kitô, ngài nhận được các huấn lệnh và cũng nhờ Ðức Kitô mà ngài có thể thi hành sứ mệnh ấy. Vì Ðức Kitô không chỉ trao cho chúng ta sứ mệnh mà còn cung cấp phương tiện để hoàn thành. Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Thánh Gioan Neumann là biệt tài tổ chức của ngài để qua đó ngài loan truyền Tin Mừng.

    Giáo Hội ngày nay rất cần đến sự hy sinh của mọi người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng. Những trở ngại và những bất tiện thì có thật và tốn kém. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết chạy đến Ðức Kitô, Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta những khả năng cần thiết để đáp ứng với các nhu cầu ngày nay. Thần Khí Ðức Kitô tiếp tục hoạt động qua các trung gian là sự quảng đại của Kitô Hữu.

    Lời Trích

    “Vì mọi người thuộc bất cứ chủng tộc nào, điều kiện nào và thế hệ nào đều có phẩm giá của một con người, nên họ có quyền được giáo dục tùy theo số phận của họ và thích hợp với khả năng bẩm sinh, với phái tính, với văn hóa và di sản của tổ tiên họ để lại. Ðồng thời, việc giáo dục này phải dẫn đến tình huynh đệ với các dân tộc khác, để sự bình an và sự hợp nhất đích thực có thể thực hiện được ở trần gian. Vì sự giáo dục đích thực nhắm đến việc đào tạo con người đối với lợi ích của xã hội mà trong đó họ là một phần tử, và họ phải chia sẻ trách nhiệm của phần tử ấy như một người trưởng thành” (Tuyên Ngôn Về Giáo Dục Kitô Giáo, 1).

       Trích từ Nguoitinhuu

From: NguyenNThu

Thánh Elizabeth Ann Seton

Thánh Elizabeth Ann Seton

Chúc ngày thứ 2 đầu tuần thật an lành nhé! 

Cha Vương

Thứ 2: 04/01/2021

Hôm nay Giáo Hội mừng kính, Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 – 1821), Mẹ Seton là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.

          Elizabeth Ann Bayley Seton quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Ðược nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Richard Bayley, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân.

          Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho Elizabeth một cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ và chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự “hủy hoại khủng khiếp” với một hy vọng đầy phấn khởi.

          Vào năm 19 tuổi, Elizabeth là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông William Magee Seton. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elizabeth đã là một goá phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.

          Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Ðồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Ðức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Ðức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu đã tẩy chay bà khi trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.

          Ðể nuôi con, bà mở trường học ở Baltimore. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.

          Hàng ngàn lá thư của Mẹ Seton để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975. Sau đây là những câu nói của ngài:

*

Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hàng ngày của chúng ta là thi hành thánh ý Thiên Chúa; thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn; và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa.

*

Niềm hy vọng của tôi là biến những khó khăn trong đời thành niềm an ủi cho người khác.

*

Đau khổ là những bậc thang để lên thiên đàng.

*

Sống giản dị là cách đơn giản để sống.

Câu nào đánh động bạn nhất?

From: Anh Đỗ Dzũng gởi

Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ

Thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ

Chúc bạn ngày Thứ 2 đầu tuần bình an và cảm nhận được sự ấm áp của Chúa đang ôm ấp bạn nhé.

Cha Vương

Hôm nay 14/12, Giáo hội mừng kính thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ. Thánh Gioan Thánh Giá sinh tại Tây Ban Nha năm 1542. Ngài thừa hưởng tinh thần nghèo khó và hy sinh từ cha mẹ. Cha ngài đã từ bỏ địa vị quí tộc cao sang, tiện nghi và giàu có dể kết hôn với cô gái nghèo con của một người thợ dệt vải. Khi cha ngài qua đời mẹ ngài đã sống vất vả nghèo đói, quên mình để làm tất mọi công việc thấp kém hèn mọn để nuôi con. Thánh Gioan đã noi gương cha mẹ mình dấn thân vào một cuộc tình ái bao la rộng lớn hơn: yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Ðã có những lần Gioan phải nhịn đói vì thiếu ăn. Mới 14 tuổi Gioan đã phải đi làm lao công trong bệnh viện, nhìn thấy cảnh đau đớn khốn khổ của bệnh nhân nên Gioan nhận biết niềm vui và hạnh phúc thật không phải ở cuộc đời này mà chỉ có nơi Thiên Chúa.

Tuy vậy Gioan cũng cố gắng học hành và năm 21 tuổi, Gioan gia nhập Dòng Carmel, và đến năm 1567 thì dược lãnh nhận chức linh mục. Ðây là khúc quanh lớn lao trong cuộc đời, chính khi được gặp gỡ thánh Têrêxa Avila trong lúc Bà đang điều khiển Dòng nữ Carmel. Bà yêu cầu thánh Gioan giúp Bà cải tổ lại Nhà Dòng. Thánh Gioan đồng ý là nhà Dòng phải trở lại đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Nhưng có nhiều thầy tu không muốn cải tổ vì phải sống kỷ luật và khắc khổ nên đã đem thánh Gioan giam tù. Ngài bị nhốt vào một buồng giam chật hẹp và mỗi tuần bị các thầy tu khác vào đánh tội ba lần. Trong căn buồng chập hẹp lạnh lẽo tối tăm, thánh Gioan đã tìm thấy niềm tin yêu Thiên Chúa thiêu đốt và bừng cháy trong tâm hồn. Trên đời này thánh Gioan không còn gì nữa chỉ còn có một mình Chúa mà thôi. Trong hòan cảnh bi đát này, Chúa đã mang lại cho Thánh Gioan một niềm vui vô tận.

Sau 9 tháng bị giam giữ, thánh Gioan trốn ra dược lúc đêm tối mang theo tập thơ thần bí mà ngài đã viết trong buồng giam. Thánh Gioan đến ẩn náu trong một phòng thuốc của một tu viện và đem những bài thơ ra đọc cho các nữ tu nghe. Các bà yêu mến các bài thơ nên xin Thánh Gioan chia sẻ và hướng dẫn chiêm niệm trên con đường thánh thiện tu trì. Ðời sống nghèo khó và chịu đựng bất công đã hướng dẫn thánh Gioan đến lòng thương xót bí nhiệm và thánh Gioan tìm được chân lý là “đau khổ khốn khó là thử thách để được gần Chúa hơn và đem Tình yêu đến chỗ nào vắng bóng Tình Yêu thì Tình Yêu sẽ trở nên phong phú và viên mãn.”…

Thánh Gioan Thánh Giá là một nhà linh đạo thần bí, chịu đựng đau khổ hành hạ không phải do kẻ thù mà do chính anh em đồng đạo mình; nhưng chính nhờ vậy mà ngài đã có một cái nhìn thật sâu xa và huyền bí về Tình Yêu của Thiên Chúa. (Nguồn: Dân Chúa)

Sau đây là những câu danh ngôn của ngài mời bạn đọc và hình dung ra như ngài đang nói vời bạn điều gì đó…:

❦ Tin bằng nào được bằng đó.

❦ Linh hồn người say yêu Thiên Chúa lúc nào cũng đắm đuối trong hoan lạc, lúc nào cũng mừng lễ và lúc nào cũng hứng khởi hát ca.

❦ Trong tinh thần siêu thoát, linh hồn tìm được sự tĩnh lặng và thành thơi vì không còn ham hố sự gì. Nó không mỏi mệt vì tự cao, cũng không chán chường vì ngã lòng, bởi vì nó đứng ở tâm điểm sự khiêm nhượng.

❦ Mỗi khi có điều gì bất mãn hoặc khó chịu xảy đến anh em hãy nhớ lại Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và hãy nín lặng.

❦ Ma quỷ sợ hãi linh hồn nào kết hiệp với Thiên Chúa bởi vì linh hồn ấy chính là nơi Thiên Chúa ngự.

❦ Lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức ái.

❦ Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa.

Câu nào đánh động bạn nhất vậy?

Thánh Gioan Thánh Giá, cầu cho chúng con.

KHOA HỌC LÀM SÁNG TỎ CÁC BÍ MẬT CỦA ĐỨC BÀ GUADALUPE

Một bài khác về Đức Mẹ Guadalupe cũng rất đáng đọc. Kính mời bà con.

KHOA HỌC LÀM SÁNG TỎ CÁC BÍ MẬT

CỦA ĐỨC BÀ GUADALUPE

Philip Callahan

Hôm đẹp trời lạnh lẽo 12-12-1531 ấy, Juan Diego -một trong những người cải đạo sớm nhất ở Mêhicô- không thể mơ có một ngày trong tương lai xa xôi, ông lại được bất tử hóa và được đặt trên bàn thờ của Giáo Hội hoàn vũ.

Juan Diego đang trên đường tới nhà thờ sáng sớm hôm đó thì lại nghe tiếng nói ngọt ngào của Bà Đẹp vốn đã hiện hình trước mắt ông tại chân Đồi Tepeyac ở ngoại ô Thành phố Mêhicô hai hôm trước.

Bà Đẹp đã lặp lại ước muốn của mình là có một teocali (nhà nguyện) được xây nơi Bà đã hiện ra. Juan Diego nói với Bà rằng Đức Giám mục Juan Zumarraga đòi bằng chứng về tính xác thực của yêu cầu này. Đức Bà đã chấp thuận. Theo hướng dẫn của Người, Juan Diego đã hái một bó hoa hồng Castilian rồi chính Người xếp trên tilma của ông (áo choàng, ct: một loại poncho hai vạt trước và sau). Ông sẽ phải đưa bó hoa hồng đó cho ĐGM. Vâng, những đóa hồng Castilian lạ lùng nở vào mùa Đông!

Juan Diego vội vàng đến gặp ĐGM. Và khi ông trải áo choàng của mình ra thì lạ chưa, ĐGM và mọi người có mặt đều hết sức kinh ngạc khi thấy không những nhiều đóa hồng thơm ngát rơi xuống từ áo choàng của ông mà còn cả một bức ảnh (cao 143 cm) của một phụ nữ trẻ đẹp với nước da hơi sẫm.

Đó là câu chuyện hay về việc làm sao hình ảnh Đức Bà Guadalupe đã xuất hiện. Hình Mẹ được bao quanh bằng những tia sáng mặt trời và dưới chân Đức Trinh Nữ có một vầng trăng lưỡi liềm và một thiên thần nâng Người lên. Đức Bà mặc một áo choàng màu xanh dương lẫn xanh lục với những ngôi sao vàng, và bên trong là một áo dài hồng thêu những nụ hoa viền vàng. Một đai lưng màu tía sẫm thắt quanh eo Đức Trinh Nữ theo kiểu các thai phụ Aztec vẫn thường mang.

Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Người là coatloxopeuh mà trong tiếng Nahuatl, ngôn ngữ Aztec châu Mỹ, có nghĩa là “người đạp dẹp con rắn”. Trên phương diện lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec đương thời, vốn hàng năm dâng ít nhất 20.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em cho các thần của họ như tế vật. Nhờ Đức Bà Guadalupe hiện ra với Juan Diego, hàng triệu người đã trở lại Kitô giáo, như thế là đạp dẹp con rắn của việc thờ ngẫu tượng.

Áo choàng của Juan Diego được làm bằng sợi thô, cứng, một thứ vải hoàn toàn không thích hợp để vẽ. Cuộc nghiên cứu và nhiều thử nghiệm khoa học đã được thực hiện trên áo choàng đó từ năm 1666 bởi các họa sĩ, bác sĩ và khoa học gia. Những phát hiện của họ cho thấy như sau: các đặc điểm lạ lùng của hình ảnh vượt quá mọi hiểu biết khoa học; hình ảnh xem ra đã không được vẽ bởi bàn tay con người; các màu sắc xuất hiện như “tích hợp” vào thớ vải; và chất màu được sử dụng không có nguồn gốc từ động vật hay khoáng vật. Hơn nữa, áo choàng, được làm bằng sợi đặc biệt đó, là tấm khăn duy nhất cùng loại còn tồn tại sau 476 năm [ct: 2007, thời điểm tác giả viết bài này].

Renzo Allegri, trong bài viết trên báo Messenger of Saint Anthony (Sứ giả của Thánh Antôn), cho biết rằng hiện tượng đã đánh thức sự tò mò khoa học đối với hình ảnh Đức Bà Guadalupe, liên quan đến cái đã được khám phá trong đồng tử đôi mắt Đức Mẹ. Năm 1929, Alfonso Gonzales, một nhiếp ảnh gia của Vương cung Thánh đường Guadalupe, sau khi nghiên cứu âm bản (phim) của hình ảnh, đã tìm ra cái có vẻ là hình ảnh rõ nét của một người nam có râu phản chiếu ở mắt bên phải.

Hơn 20 năm sau, một nhiếp ảnh gia khác của Vương cung Thánh đường, Carlos Chavez, đã tuyên bố rằng ông thấy một hình người trong mắt bên trái cũng như mắt bên phải của Đức Bà Guadalupe. Từ năm 1956 tới 1958, Rafael Torija Lavoigner đã thực hiện 5 cuộc nghiên cứu sử dụng các thấu kính phóng đại và kính soi đáy mắt (ophthalmoscopes), ông xác nhận có nhiều hình người trong đôi mắt của Đức Trinh Nữ.

Các hiện tượng như thế trở nên giật gân hơn nữa khi đôi mắt Đức Bà được nghiên cứu có sử dụng kỹ thuật tinh vi hơn nối kết với các máy vi tính.

Năm 1979, Tiến sĩ Jose Aste Tousman, một kỹ sư xuất sắc chuyên về vi tính ở Hoa Kỳ, đã đến Mêhicô. Ông là một trong những nhà nghiên cứu có khả năng nhất về đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Allegri viết rằng công trình TS Tousman thực hiện trong 23 năm thật đáng kinh ngạc; ông đã sử dụng thiết bị cập nhật hay tinh vi nhất, giống các loại mà NASA vẫn dùng để giải mã các bức ảnh do vệ tinh chụp trong không gian. TS Tousman đã phóng to hình ảnh đôi mắt Đức Bà Guadalupe tới 2.500 lần, sử dụng 25.000 màu được chiếu sáng cho mỗi mm vuông.

Sau khi lọc và xử lý hình ảnh kỹ thuật số, TS Tousman khám phá ra một toàn cảnh được bắt hay được chụp trong đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Trong toàn cảnh, có khoảng 11 người. Có một người Mêhicô bản địa ngồi xếp hai chân và tóc dài tết thành đuôi ngựa. Kế ông là một cụ già, hói đầu, râu trắng, mũi thẳng, lông mày rậm và một giọt nước mắt chảy dài xuống má phải. Nhân vật này được xác định là ĐGM Juan Zumarraga. Bên trái ngài là tay phiên dịch của ngài, Juan Gonzales. Có bóng dáng một ông già để râu và ria, với một cái mũi to kiểu Rôma, xương gò má lồi lên, đôi mắt chìm sâu và đôi môi nửa khép nửa mở – rõ ràng là một thổ dân châu Mỹ – đang mở áo choàng của mình khi quay mặt về phía ông già đầu hói. Rõ ràng là Juan Diego, kẻ đem những đóa hồng trong áo choàng mình tới cho ĐGM. Cũng có nhiều kẻ không xác định được gồm một người cha, một người mẹ, hai ông bà già và 3 đứa trẻ.

Cảnh tượng được khám phá trong đôi mắt phóng đại của hình ảnh kỹ thuật số cho thấy rằng trong giây phút đầy xúc động ấy, khi Juan Diego trải áo choàng cho Đức Giám mục và khi tất cả những ai đang hiện diện trong căn phòng thấy hình ảnh Đức Bà được vẽ lên đó, thì Mẹ Thiên Chúa thực sự có mặt: như những caméra tinh vi nhất, đôi mắt của Người đã chụp cảnh tượng và đã bảo tồn nó cho các thế hệ tương lai. Cũng kỳ lạ ở chỗ: ý thức những giới hạn của khoa học và kỹ thuật thời đó, Đức Mẹ biết rằng điều này sẽ chỉ được khám phá vài trăm năm sau, khi các thiết bị tinh vi nhất được con người phát minh chế tạo.

Sứ điệp của Đức Bà Guadalupe có thể là gì qua các phát hiện ấy của khoa học? TS Aste Tousman đã đi đến những suy nghĩ như vậy. Sự hiện diện của những kẻ không xác định có thể là một sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. Vì hai người đàn ông da trắng và những thổ dân châu Mỹ được tìm thấy trong cảnh tượng, sự hiện diện của những chủng tộc pha trộn có thể là một cảnh báo chống kỳ thị chủng tộc và là một lời kêu gọi tình huynh đệ giữa con người. Việc khám phá cảnh tượng nhờ thiết bị hiện đại có thể là một lời mời gọi dùng kỹ thuật để loan truyền lời Chúa Kitô.

Juan Diego đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh tại Mêhicô. Thổ dân châu Mỹ khiêm nhường, đơn sơ này có thể đã không hình dung rằng Bà Đẹp Guadalupe mà ông đã nói chuyện với ở đồi Tepayac còn có nhiều bí mật khác được tiết lộ, được dành riêng cho các thế hệ tương lai. Trong trí óc đơn giản của mình, ông đã không thể nhận thức điều ấy. Chỉ cần nói rằng ông đã vâng lời và yêu mến Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng đã yêu mến ông vì tâm hồn đơn sơ và trong sạch của ông.

Xem ra lạ lùng đối với một khoa học gia khi nói lên điều ấy, nhưng với tôi là kẻ cảm thấy liên hệ, bức ảnh gốc thật kỳ diệu. Nghiên cứu hình ảnh này là kinh nghiệm cảm động nhất của đời tôi. Tiếp cận với nó, tôi có cùng cảm giác lạ lùng như những ai đã nghiên cứu Khăn liệm thành Turin (Italia). Tôi tin vào những cách giải thích lô-gích tới một điểm nào đó. Nhưng không có cách giải thích lô-gích cho cuộc sống. Bạn có thể bẻ sự sống thành các nguyên tử, nhưng cái gì đến sau đó? Ngay cả nhà bác học Einstein cũng chân nhận có Thiên Chúa mà!

(*) Giáo sư Philip Callahan là khoa học gia xuất chúng, ĐH Florida năm 1979.

Trích Francis Johnston, Sự kỳ diệu của Guadalupe.

Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi dịch từ nguyên bản Anh ngữ

Nguồn: http://www.all-about-the-virgin-mary.com/our-lady-of…

Mừng kính Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Mừng kính Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Xin Chúa sẽ che chở và ban nhiều ơn lành xuống cho bạn hôm nay và cả tuần sắp tới. Hãy gạt bỏ quá khứ, chào đón mỗi ngày với niềm vui và hy vọng. Sống hồn nhiên vui vẻ với những nụ cười thật to. Tuần mới thật vui nhé!

Cha Vương

Hôm nay 07/12, Giáo hội mừng kính Thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Thánh Am-rô-xi-ô chào đời ở Trê-vê-rô quãng năm 340 trong một gia đình người Rô-ma. Thánh nhân theo học ở Rô-ma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếc-mi-ô. Năm 374, lúc đang ở Mi-la-nô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái A-ri-ô. Người qua đời thứ Bảy Tuần Thánh, ngày 4 tháng 4 năm 397. Sau đây là những câu danh ngôn của ngài mời bạn đọc và hình dung ra như ngài đang nói vời bạn điều gì đó…:

❦ Chúng ta tránh né con mắt người đời, nhưng chúng ta lại phạm tội ngay trước mắt Thiên Chúa.

❦ Chính đức tin là tác nhân giải thoát, nhờ máu thánh Chúa Kitô.

❦ Hỡi những người giàu có, anh em muốn mở rộng tính tham lam của mình đến tận đâu? Anh em định làm những người duy nhất cư ngụ trên trái đất này sao? Vậy tại sao anh em lại xua đuổi những người cùng chia phần thiên nhiên và tự nhận nó là của riêng anh em? Trái đất này được tạo dựng cho mọi người, giàu cũng như nghèo, chung cho tất cả. Tại sao những người giàu có như anh em lại tự nhận nó làm độc quyền của mình?

❦ Nếu bạn có hai cái áo trong tủ, một cái là của bạn còn cái kia là của người nghèo không có áo mặc.

❦ Nhẫn nại chịu đựng là sự trọn lành của đức ái.

❦ Lòng nhân ái thật tốt lành vì làm cho người ta nên hoàn thiện, noi theo Chúa Cha là Đấng hoàn thiện. Không gì làm cho linh hồn người tín hữu nên khả ái cho bằng lòng nhân ái.

❦ Đối với người lành thánh, chết là một mối lợi. Người ngu dại sợ chết như điều dữ dằn kinh hãi nhất, còn người khôn ngoan mong mỏi cái chết như sự nghỉ ngơi sau bao nhiêu lao nhọc và chấm dứt những bệnh tật.

❦ Phúc cho ai dứt bỏ được thói tham lam là cội rễ của các tính mê…. Của cải thừa mứa trên thế gian này có ích gì, chúng không giúp được chúng ta sinh cũng chẳng cản được chúng ta tử? Chúng ta sinh vào thế gian này trần trụi, và chúng ta chết đi mà chẳng mang theo được một xu nào, chúng ta bị chôn táng mà không đem theo được sản nghiệp của mình.

❦ Không ai có thể tự chữa lành cho bản thân bằng cách đả thương người khác.

❦ Chúng ta đã yêu thương họ khi họ còn sống, vậy chúng ta cũng đừng lãng quên họ cho đến ngày chúng ta dẫn đưa họ – bằng lời cầu nguyện của chúng ta – vào đến nhà Chúa.

❦ Đời sống của Đức Maria là bài học cho tất cả mọi người… Bạn hãy đặt trước mắt bạn cuộc đời thánh khiết của Đức Trinh Nữ, Đấng đã phản chiếu, như một tấm gương, vẻ lộng lẫy, sự thánh khiết, và sức mạnh nhân đức.

Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

Lạy Thánh Am-rô-xi-ô, cầu cho chúng con.

Thánh Phanxicô Xavie

 Thánh Phanxicô Xavie

Hôm nay 3/12 Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô Xavie Linh mục dòng Tên truyền giáo Tây ban nha (1506-1552). Ngài được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI. Mừng quan thầy đến những ai chọn thánh nhân làm quan thầy nhé.

Cha Vương

1- Gia đình, quê quán: Phanxicô Xavier sinh ngày 7 tháng Tư năm 1506, tại Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc trong lãnh địa dòng Navarre . Cậu là em út của 6 anh chị lớn. Cha cậu là Juan de Jasso, cố vấn vua John III dòng Navarre. Khi Xavier lên 9 thì cha cậu chết. Lên 19 tuổi, Xavier đi học tại đại học Paris. Cậu lãnh Cử nhân văn chương. Tại đây anh chung phòng với Ignatiô Loyola . Ban đầu Phanxicô không thích Ignatiô, nhưng chính Ignatio nhận ra tài năng của Phanxicô: đó là con người nhiều tham vọng, có thể thành giáo sư giỏi, lãnh đạo tốt. Ignatio thay đổi cuộc đời Phanxicô khi nhắc lại lời Chúa Giêsu :” Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16, 26). Trong một thời gian lâu, chàng chiến đấu với tư tưởng: chọn danh vọng thú vui ở đời, hay chọn hi sinh. Cuối cùng (năm 1540) nhóm 7 người liên kết lập Tu hội Chúa Giêsu (Society of Jesus, viết tắt là S.J) để phục vụ giáo hội. Phanxicô thụ phong linh mục năm 1537, khi anh được 31 tuổi.

2- Làm linh mục và đi truyền giáo tại Ấn, Nhật: Ignatiô làm bề trên Tu hội, ông cử 2 người đi truyền giáo bên Ấn độ. Một trong hai đã ngã bệnh nặng, Phanxicô được cử đi thay. Trong 5 tháng vượt biển, Phanxicô luôn say sóng nằm mê man. Năm 1542, tại thành Goa nước Ấn, Phanxicô học tiếng để có thể dạy họ về giáo lý Chúa Kitô. Ngài dạy trẻ em trước rồi đến người nghèo, người bệnh, người bận rộn công việc, người trong tù. Ông sống với người nghèo, chia sẻ đồ ăn, lều ở như họ. Ngài chinh phục được cả ngàn người trở lại đạo Chúa. Ông viết thư cho bề trên Ignatiô:

”Từ khi đến đây, tôi chẳng ngừng nghỉ lúc nào. Tôi rảo khắp các làng, rửa tội cho nhiều trẻ em…Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nguyện, ăn uống, nghỉ ngơi, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh cầu nguyện. Vì thế tôi hiểu tại sao nước trời lại là của những người giống như chúng”.

Một lần kia Phanxicô Xavier rửa tội cho một em nhỏ gần chết, con của một người Ấn Độ nghèo nàn. Khi em nhỏ chết, thánh nhân liền bật khóc trong nỗi hân hoan với lời tạ ơn Chúa. Lấy làm lạ, người ta hỏi tại sao khi thân nhân em bé đau đớn khóc than thì ngài lại khóc vì vui quá như vậy. Thánh nhân đáp:

– Nay tôi đã được đền đáp đủ cho mọi cuộc hành trình gian khổ từ ngày tôi đến xứ này tới giờ. Tôi đã gởi về trời thêm một con trẻ để tôn vinh Chúa!

Năm 1548, Phanxicô vượt biển qua nước Nhật. Người Nhật giúp ngài làm nhà thờ, ngài dạy đạo và Rửa tội nhiều người trong đám họ.

Chúng ta biết được nhiều điều về người Nhật, nhờ những thư ngài viết về cho bề trên Ignatiô và anh em dòng. Ngài bận rộn, cô đơn, khó khăn. Trên tất cả, Phanxicô vui trong niềm vui tinh thần. Ngài thích cầu với Chúa lời này:” Xin ban cho con các linh hồn”.

3- Chết ở bờ biển nước Tàu: Mộng của ngài là tới Trung hoa, nước lớn nhất, để rao giảng Tin mừng. Sau những năm vất vả ở Nhật. Năm 1552, trên đường qua Trung hoa, ngài bị bệnh, thuỷ thủ cho ngài lên hòn đảo gần đấy để ngài có thể thấy được Trung hoa. Một người đánh cá gặp thấy ngài nằm gần chết trên bờ biển, đem ngài về lều.

Ngày 3 tháng 12 năm 1552, Phanxicô qua đời vì bệnh sốt rét lúc 46 tuổi. Ngài được chôn nơi đất lạ quê người, nhưng rồi Chúa thưởng công lớn cho ngài. Phanxicô Xavier được ĐTC Gregoriô 15 nâng lên hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622, cùng lúc với Bề trên Ignatio Loyola. Giáo hội coi thánh Xavier như Bổn mạng các xứ truyền giáo. Nhiều quốc gia và trường học do các linh mục Dòng Tên điều khiển kính thánh Phanxicô như Bổn mạng của mình. (Nguồn: Dân Chúa)

Cha Barreto viết về Thánh Phanxicô Xaviê như sau: “Chân bước đi trên đất, miệng nói chuyện trên trời… hình như lúc nào cũng mỉm cười, nhưng lại cầm trí và thanh thoát đến nỗi có thể nói không bao giờ ngài cười.”

Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho miệng con luôn nói những chuyện trên trời. Amen.

Mời bạn suy niệm những câu danh ngôn của ngài nhé:

❦ Càng là bạn tốt của nhau chừng nào, anh em càng nói thẳng với nhau chừng nấy… (Thánh Phanxicô Xavier)

❦ Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi. (Thánh Phanxicô Xavier)

❦ Nếu bạn đang gặp nguy hiểm, nếu trái tim bạn đang bối rối, chạy đến Mẹ Maria! (Thánh Phanxicô Xavier)

Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

Pin on thánh Phanxicô Xavier

Thánh MARTINÔ PORRES

Ngày 03-11

Thánh MARTINÔ PORRES
Tu Sĩ (1579 – 1639)

1579 là niên biểu ghi nhớ ngày sinh ra của Martinô ở Lima, Pêru con của một người mẹ da đen và của một người cha hiệp sĩ và 1639 là niên biểu ghi nhớ ngày qua đời của thánh nhân. Sáu mươi năm giữa hai niên biểu này là khoảng thời gian Martinô tiến tới miền ánh sáng, trong sự khiêm tốn và hiến mình trọn vẹn để phục vụ các bệnh nhân.

Cuộc tình của cha mẹ Ngài không suông sẻ lắm, vì màu da của mẹ Ngài đã đưa đến những hất hủi không những cho bà mẹ mà còn cho cả những đứa con xấu số của bà nữa. Nhưng hoàn cảnh đen tối ấy, Martinô lại coi như nén bạc trao tay để Ngài sinh lời, thành bông hoa khiêm tốn tuyệt vời.

Hồi còn là một thiếu niên, Martinô đã chứng tỏ lòng bác ái đầy khiêm tốn phục vụ của mình. Hôm ấy khi theo chị mang thức ăn cho gia đình, Ngài nghe thấy tiếng rên rỉ của một bà lão người da đỏ. Dừng lại Ngài kinh hãi khi thấy một người lính Tây Ban Nha đang hành hạ lão. Đầy thương cảm, cậu thiếu niên Martinô cúi xuống lão già người da đỏ. Nhưng ông thù ghét cự tuyệt: Thằng nô lệ… mày đen đủi. Bọn da đen tụi mày là kẻ thù của dân da đỏ.

Nhưng người thiếu niên da đen này đã không bỏ cậu đi. Cậu nói chuyện với lão già da đỏ cách dịu dàng đến nỗi lão đã thú nhận là ba ngày rồi không ăn thứ gì vào bụng lại chẳng có con cháu gì cả. Martinô đã khóc và đưa tất cả thực phẩm cả ngày đã mua được cho lão già.

Vào thời đó, chỉ cần học một chút nghề cạo gió, cắt lể như Martinô đã học thì đã được coi là đủ để chữa nhiều loại bệnh, như Martinô đã săn sóc các bệnh nhân. Và các con bệnh có thể là loài người hay loài vật, bởi vì mọi loài đau khổ đều có quyền được người bạn da đen này khiêm tốn tận tình săn sóc. Ngài đã chữa lành một con gà tây gẫy giò. Người ta còn nói rằng: Ngài đã làm cho nhiều con vật sống lại.

Vào tuổi 15, Ngài nhập dòng Daminh như một thày dòng ba. Thày thích làm những việc khiêm tốn đến độ đã được biệt danh là “thày chổi”. Tại nhà dòng Đức bà Mân Côi, Ngài vẫn tiếp tục nghề thuốc của mình với một đức ái nhẫn nại vô bờ, như là một y tá của nhà dòng. Ngài kín múc sức mạnh trong kinh nguyện và khổ hạnh, vừa dấu mình làm việc và lần hạt Mân côi, thức đêm để cầu nguyện rồi ngủ trên cái cáng dùng khiêng xác chết.

Trong dòng Ngài cũng vẫn tiếp tục lấy tình yêu để đáp lại những bất công. Một bệnh nhân giận dữ với Martinô, nhưng Ngài đã êm ái nói với họ: – Anh giận dữ phải lẽ lắm, nhưng cơn giận có thể gia tăng cơn bệnh của anh. Hãy dùng món ăn anh thích này đi và tôi thoa bóp chân cho anh.

Ngài không hề bất nhân, nhưng lại càng lo lắng săn sóc nhiều hơn cho những người tỏ ra độc ác bất công như Ngài.

Martinô đã từ chối không lãnh chức linh mục để có thể tiếp tục làm đày tớ mọi người. Để thưởng lòng trong trắng, đức bác ái và sự khiêm tốn, Thiên Chúa đã ban cho Ngài ơn chữa bệnh, nói tiên tri và làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời trong hương thơm thánh thiện năm 1639.

Cuộc điều tra phong thánh cho Ngài đã sớm khởi sự từ năm 1657, nhưng mãi 200 năm sau, năm 1837, Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI mới phong Ngài lên hàng chân phước và 100 năm sau nữa, ngày 6 tháng 5 năm 1962, Đức giáo hoàng Gioan XXIII phong Ngài lên bậc hiển thánh. Hương thơm thánh thiện của Ngài quả là không thể tan loãng theo thời gian.

Image of St. Martin de Porres

Nói về Chân Phước (Á Thánh) Acutis

Nói về Chân Phước (Á Thánh) Acutis

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Chân Phước Carlo Acutis sinh ngày 3 tháng 5 năm 1991, mất ngày 12 tháng 10 năm 2006 – là một cậu bé người Ý, vừa được phong chân phước tại Vương cung Thánh đường Giáo hoàng Thánh Phanxicô Assisi vào thứ Bảy, ngày 10 tháng 10 năm 2020 vừa qua. Buổi lễ quan trọng này đã bị dời một lần vì đại dịch Covid 19.

Đây là vị thánh đầu tiên của giáo hội Công Giáo mặc áo thun, quần jean và đi giày thể thao sneaker, trang phục rất “đời thường” trong thế kỷ thứ 21 hiện đại của chúng ta.

Nhà điêu khắc người Philippines đã nhận được rất nhiều đơn để tạc thành tượng vị Á Thánh người Ý này, và các hình ảnh của Carlo Acutis đã được loan tải khắp nơi với niềm yêu thương, ngưỡng mộ.

Carlo được biết đến vì ngoan đạo, đã rất hứng thú trong việc ghi lại các phép lạ về Thánh Thể trên khắp thế giới. Cậu đã tạo ra một trang mạng riêng trong những tháng trước khi qua đời vì bệnh bạch cầu. Carlo luôn vui vẻ, hăng say và có kỹ năng vi tính giỏi, giống như các thanh thiếu niên trẻ tuổi bây giờ. Điều khác biệt là Carlo đã dùng phương tiện vi tính để liệt kê tất cả các phép lạ về Mình Thánh Chúa, rao giảng Kinh Thánh một cách trẻ trung, hữu hiệu. Carlo còn dựng phim, dùng trang web để nối kết các thiện nguyện viên, giúp trẻ em học giáo lý…. thay vì vui thú bản thân, chơi games … Carlo thật khác với một số thanh thiếu niên trẻ dùng internet quá nhiều trong các mục đích vui chơi, lãng phí thời gian, không biết phân biệt tốt xấu. Carlo đã tận hiến rất nhiều thời gian và kỹ năng cho việc tốt lành. Trong thời gian đi học, cậu luôn đạt được thành tích tốt ở cấp trung học và làm các công tác thiện nguyện thật tốt đẹp. Acutis còn thổi được saxophone, chơi đá banh giỏi, và cũng giống như các bạn cùng tuổi khác, cậu thích chơi game, nhưng chơi trong giới hạn. Carlo được gọi là “thầy của những người trẻ thời đại internet”.

Tiếc thay, đến đầu tháng 10, 2006, Acutis bị ung thư máu với bệnh bạch cầu cấp tính. Acutis biết mình sắp chết và nói: “Xin hiến dâng những đau khổ mà mình phải chịu cho Đức Giáo Hoàng và Giáo hội, để bỏ qua cõi luyện ngục và đi thẳng lên thiên đàng”. Cậu qua đời lúc mới 15 tuổi, gia đình chôn cậu tại Assisi, thành phố của thánh Phanxicô. Thi hài của vị tân Chân Phước này không hề bị phân hủy, vẫn tươi tốt như một phép lạ.

calos.jpg

Bản thân tôi dù có thành kiến ít xài Facebook, nhưng lại cũng rất thích ôm cái phôn, dùng máy computer nhiều giờ trong ngày, nên rất ngưỡng mộ Carlo Acutis.

Sử dụng phương tiện hiện đại một cách hữu hiệu để phục vụ Đức Tin, con người và đời sống là chuyện không dễ, mà Carlo đã làm được với nhiều sáng kiến thu hút giới trẻ. Vào tháng 11 năm 2019, Bộ Phong Thánh đã công nhận giá trị của phép lạ mà Carlo đã làm, khi một em bé ở Brazil sắp chết nhờ cầu nguyện với Carlo mà được chữa lành, và đang tiến hành quá trình để có thể phong Carlo làm Thánh.

ca.jpeg

Nhìn lại cuộc đời dù chỉ 15 năm ngắn ngủi, Acutis đã chiến thắng những đam mê, tật xấu mà giới trẻ ngày nay đang gặp phải, và vươn lên đẹp đẽ như một bông hoa hiếm quý. Thật thế, trong khi nhiều người ngày nay đang bị các vấn đề cám dỗ, lừa đảo, mất thời gian quá nhiều khi dùng internet rồi trở nên lạc lối, thì bông hoa này lại càng nổi bật. Carlo đã học hỏi, làm việc không bỏ phí một giây phút nào và luôn nghĩ tới người khác, thật là một thanh niên đặc biệt mà ai cũng phải trân quý. Ngày Carlo Acutis được phong Thánh chắc chắn sẽ tới trong tương lai gần. Tôi nguyện cầu cùng vị Á Thánh trẻ này cho mình được ngày một thay đổi để bỏ bớt những tính hư tật xấu, sống thánh thiện tốt lành hơn theo gương của Chân Phước. Nghĩ thật xấu hổ, tôi tới tuổi này rồi mà vẫn còn lười đọc kinh hoặc học hỏi Kinh Thánh, trong khi Acutis còn rất trẻ mà lại siêng năng với chuỗi Mân Côi và Lời Chúa. Tôi thấy mình cần phải xét lại bản thân, cố gắng nhiều hơn nữa để chu toàn bổn phận, không hoang phí thời gian, sức lực Chúa đã trao cho. Tôi cùng ước ao câu chuyện cuộc đời của Á Thánh Carlo được giới trẻ ngày nay quan tâm học hỏi, và thấy gần gũi với mình. Thánh không phải là nhân vật ảo chỉ ở trên Trời với cánh trắng, tóc bay, có “power” quyền phép, Thánh có thể là người thường, là cậu bé 15 tuổi như Carlo, sống đời bình thường một cách phi thường. Thánh Nữ Theresa Hài Đồng cũng đã nên Thánh nhờ những việc bé nhỏ đơn sơ nhất.

Mới đây chắc ai cũng biết chuyện những người ở Việt Nam vì cứu lụt miền Trung đã bị tai nạn, thậm chí chết đuối trên đường cứu người. Hoặc những người lính cứu hỏa bị phỏng nặng thậm chí mất mạng vì lý tưởng nghề nghiệp, hay các y tá, bác sĩ, nhân viên bị lây nhiễm Covid khi giúp các bệnh nhân. Cũng có rất nhiều ma-sơ, ni cô, thiện nguyện viên vào làm việc tại trại cùi, các viện mồ côi, các trung tâm giúp người bệnh nặng, nhất là bệnh tâm thần khá nguy hiểm…. Thật là những hành động cao cả vượt trên sinh hoạt đời thường.

Quả vậy, tất cả chúng ta đều có thể nên Thánh, nên Phật, không phải là vị Thần trên trời nhưng là thánh thiện hơn, tốt lành hơn trong cuộc sống hằng ngày: Nhịn một câu nói cay cú, hy sinh tiêu dùng tích cực làm việc thiện, ăn ở trung thực ngay lành, chiến thắng sự ươn lười, rộng lòng tha thứ, sống vì người khác… cũng chính là những việc giúp mình gần với Thánh, với Phật. Như thế, xin cầu chúc bạn và con cháu, người thân luôn cùng nhau vươn lên, sống ý nghĩa hơn trong sinh hoạt mỗi ngày.

Nguyễn Ngọc Duy Hân

Các câu nói ý nghĩa của Carlo Acutis

1- Hoán cải không gì khác hơn là hướng cái nhìn từ thấp lên cao, một chuyển động của mắt là đủ. Carlo Acutis

2- Tìm Chúa và bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa đời mình. Carlo Acutis

3- Điều thật sự làm chúng ta đẹp lòng trước mắt Chúa là cách chúng ta yêu Ngài và cách chúng ta yêu người anh em. Carlo Acutis

4- Mình Thánh Chúa là xa lộ lên thiên đàng của tôi. Carlo Acutis

5- Thánh hóa không phải là bài toán cộng, nhưng là bài toán trừ: bớt “chỗ của tôi” để dành chỗ cho Chúa. Carlo Acutis

6- Luôn kết hiệp với Chúa, đó là chương trình sống của tôi. Carlo Acutis

7- Hạnh phúc là nhìn hướng về Chúa; buồn bã là nhìn hướng về mình. Carlo Acutis

8- Tôi chết trong hạnh phúc vì tôi không lãng phí thì giờ vào những chuyện không đẹp lòng Chúa. Carlo Acutis

9- Đời sống là món quà vì cho đến khi nào chúng ta còn ở trên hành tinh, chúng ta có thể gia tăng đức bác ái. Đức bác ái càng cao thì chúng ta càng hưởng đời sống vĩnh cửu của Chúa. Carlo Acutis

10- Mục đích của chúng ta phải là vô hạn, chứ không hữu hạn. Từ mãi mãi chúng ta mong chờ Nước Trời. Carlo Acutis

Thánh tử đạo Việt Nam Giuse Marchand Du

“Sau khi quân lính cắt 1 dao đầu tiên trên trán cha, cha đã kêu thét thất thanh lên vì đau đớn, và đến nhát dao thứ 7 thì cha tắt thở.

Sau đó xác của cha quân lính đem về băm nát ra rồi thả trôi sông. “

Đó là lời kể của những người tín hữu sống gần ngôi mộ của vị Thánh tử đạo Việt Nam Giuse Marchand Du cũng là nơi pháp trường chỗ cha bị xử bá đao 30.11.1835 tại Huế vì giữ đạo Chúa.

Cái chết của Cha Marchand nêu cao mẫu gương hết lòng vì giáo dân, và là nạn nhân để các tướng giặc trút lên ngài mọi tội phản nghịch lại quốc gia. Song từ quan cho đến dân đều xác nhận ngài phải chết vì không chịu bỏ đạo, mặc dù hình khổ bá đao dành cho những người phản nghịch.

Cha Giuse Marchand sinh ngày 17-8-1803 tại làng Passavant, tỉnh Doubs, nước Pháp. Cha mẹ ngài làm nghề nông, giầu lòng đạo đức. Ban đầu cậu Marchand đã ước muốn làm linh mục, hay bắt chước cha xứ đọc kinh, dâng hương và khuyên giảng. Năm 18 tuổi, 1821, cậu Marchand vào trường Orsans để học sửa soạn làm linh mục và tháng 11-1823 vào Ðại Chủng Viện Besancon. Bạn học làm chứng rằng Thầy Marchand chỉ ước ao gần gũi thân mật với Chúa và các Thiên Thần, còn ngoài ra rất mực khiêm nhường, hơi nóng tính một chút nhưng rất chân thành. Cậu tập hãm mình, mặc áo nhặm và ban đêm ngồi ghế để ngủ.

Sau khi chịu chức Phó Tế, Thầy Marchand muốn vào chủng viện truyền giáo, nhưng cha sở cố sức ngăn cản: “Thầy nên ở lại quê nhà lo liệu cho kẻ có tội và cứng lòng tin trở lại cùng Chúa trước đaõ”.

Thầy Marchand trả lời: “Nếu phải lo cho những người mất đức tin trong nước Pháp trước đã thì sẽ chẳng bao giờ có thể đi làm tông đồ giảng đạo. Có ai ăn ở như thiên thần đâu. Hơn nữa Ðức Thánh Cha đã dậy nhiều người phải đi xa để giảng đạo, thì không có lẽ chối vì muốn giảng đạo cho người xứ sở mà thôi?”

Tháng 11-1828, Thầy Phó Tế Marchand từ giã làng mạc lên chủng viện truyền giáo Paris học tập công việc tông đồ mới. Sau 5 tháng, thầy được chịu chức linh mục và sai đi truyền giáo ở viễn đông. Ngày 24-4-1829 Cha Marchand rời Paris và đến Macao 19-10-1829. Sau cùng vào đầu tháng 3-1830 Cha Marchand tới miền Nam được đức cha cho ở nhà trường Lái Thiêu để học tiếng Việt và lấy tên là Du.

Trước tiên Cha Du sang làm việc với người Việt ở Nam Vang, nhưng không hợp thủy thổ, đức cha chỉ cho người về dậy học ở trường Lái Thiêu và thăm các họ đạo chung quanh. Trong thời kỳ cấm cách các thừa sai ở nhiều dễ bị lộ, đức cha muốn cho Cha Du về Pháp để dậy trường truyền giáo, song cha yêu thích làm việc truyền giáo hơn dù có phải chết cũng cam. Ðức Cha Taberd giao cho ngài coi bổn đạo ở Bình Thuận. Cha Du viết về nhà như sau: “Ðịa sở của con hơn 7.000 bổn đạo, chia làm 25 họ nhỏ cách xa nhau nhiều lắm. Ðể làm hết bổn phận sẽ không còn giờ nào rảnh. Từ 5 giờ sáng cho tới 9 giờ tối không được nghỉ một chút nào. Chính vì con muốn sang đây để làm những việc này nên con rất hài lòng. Chỉ có một điều là con không thể có mặt nhiều nơi một lúc để có thể giúp cho bổn đạo. Phần lớn thời giờ con phải đi ghe nên cũng khó gặp được các bổn đạo hay lương dân để dẫn đưa họ về đạo thật….”

Ngày 6-1-1833 Vua Minh Mệnh ra lệnh bắt đạo toàn diện, các cha phải trốn chạy, nguyên địa phận Ðàng Trong có hơn 300 nhà thờ, 18 nhà dòng phải tháo gỡ. Số giáo dân địa phận Ðàng Trong là 60.000 người do Ðức Cha Taberd cai quản với 9 thừa sai và 17 cha Việt Nam. Ðức cha đang ở Biên Hòa được lệnh quan đã cùng với các cha khác trốn đi. Chỉ có Cha Delamotte trốn ở xứ Quảng, Cha Brigol ở Bình Thuận và Cha Marchand ở Vĩnh Long. Ba cha khác đã bị bắt là Cha Jaccard, Gagelin và Odorico. Cha Du lưu lạc hết Cái Nhum đến Cái Mơn, Bãi San, Rạch Rập. Quan đầu tỉnh Vĩnh Long biết có cụ đạo Tây trốn thì bắt một thầy bói tên là Oai Cú chỉ chỗ. Quan bắt được Cha Ðiền tra hỏi thì cha cứ một mực nhận là Cha Tây nhưng quan không tin.

Trong thời gian chạy trốn có nhiều lần ngài nói tiên tri như ngày nào có loạn, người nào sắp làm quan…. Dân chúng rất tin ngài. Ngày 5-3-1833 cha tới Mặc Bắc. Nhưng lý trưởng ở đây không chịu chứa, cha phải vào rừng để lẩn trốn. Ban đêm lên nhà ngủ, ban ngày chạy trốn, cứ thế trải qua cho đến khi giặc Lê Văn Khôi nổi loạn tháng 7-1833 bắt giáo dân tìm cho bằng được cố Tây về Sài Gòn. Trong thời gian này cha viết thư cho Cha Regéreau ở Nam Vang: “Bây giờ chỉ có mình tôi ở giữa con chiên. Tôi quyết chí bảo bọc họ dầu có phải chết. Có mình tôi là thừa sai ở giữa đàn chiên Chúa giao phó lẽ nào tôi cũng trốn chạy đi, để con chiên bị bách hại một mình. Ước chi tôi có thể đi khắp bốn phương trời mà làm cho đức tin họ thêm kiên cường”.

Các ông trùm định tâm đem ghe chở cha sang Xiêm để quan khỏi bắt được mà làm khốn cả làng. Thấy họ, cha chỉ mặt nói: “Kìa quân dữ đến bắt cha, đuổi nó đi”. Các ông trùm sợ hãi khóc lóc xin tha lỗi. Khi về họ nói với nhau: “Quái! Tính thầm với nhau sao mà cố biết được”. Từ cuối tháng 7, quân của Lê Văn Khôi đã kiểm soát toàn Nam Kỳ nên giáo dân được tự do đến gặp cha. Cha Du lăn xả vào việc giúp đỡ phần hồn cho giáo dân chịu thiếu thốn vì cơn bắt đạo. Giặc Khôi muốn có cha Tây trong thành để việc chiến tranh vững chắc, nên bắt cha sở họ chợ Quán là Cha Phước cùng với quan bộ Hộ mang về Mặc Bắc để bắt Cha Du. Hôm ấy cha đang ở nhà Tham Học, quân của Lê Văn Khôi ập đến mời cha về Gia Ðịnh. Cha nói: “Tôi đi giảng đạo mà thôi, việc chiến tranh tôi không biết chi. Nếu Chúa sai tôi đi đánh giặc thì một mình tôi một tỉnh tôi cũng không sợ”. Quan Ðội Miêng thưa: “Tướng Khôi chia Công Giáo làm ba vệ và tin tưởng người tâm phúc, nếu cha không về ông ta sẽ giận mà chém đầu hết những người có đạo, ở trong thành bây giờ có đạo đông lắm”.

Sau cùng cha chiều theo họ mà đi. Cha về ở họ Chợ Quán với Cha Phước. Quân của Lê Văn Khôi có đến nhờ viết thư sang Xiêm hay cầu cứu người Anh, cha đều từ chối hết. Khi có tin quân triều đình bao vây, cha xin giáo dân chở về Mặc Bắc, song họ nói mọi ngả đều bị vây không có cách nào đi khỏi. Quân của Lê Văn Khôi lại bắt Cha Du lên voi mà đem vào thành Phiên An (Gia Ðịnh). Ngài chỉ khóc mà nói: “Xưa quân dữ bắt Chúa Giêsu, nay nó cũng bắt cha”.

Ngày 24-9-1834, cha viết từ đồn Sài Gòn một lá thư gửi Ðức Cha Taberd nói đến tình cảnh bị bắt buộc ở chung với 4.000 lính Bình Thuận làm phản triều đình. Cha đã từ chối không vẽ mẫu cờ Constantinô để đạo thánh không bị mang tiếng vì quân phản nghịch. Cha khuyên đức cha ở nguyên bên Xiêm, để một mình cha lao đao chịu trận, gánh đỡ mọi sự khốn khó của cơn bắt đạo và giặc giã. Ngày 8-9-1835 tức là sau hai năm vây hãm, triều đình hạ được thành Phiên An bắt được 1940 người, trong đó chỉ có 64 người lính Công Giáo. Tất cả đã bị phân thây chôn ở Chí Hòa gọi là mả ngụy. Cha Du và 4 người bị ghép tội phản nghịch nên bị đóng cũi chờ lệnh.

Các tướng triều đình đóng quân ở Thổ Sơn cho điệu Cha Du đến tra hỏi: “Cha đã tới bao lâu, làm những gì, tại sao lại có mặt ở trong đồn giặc?” – “Tôi ở trong nước đã lâu để rao giảng đạo Thiên Chúa. Ban đầu tôi ở miền dưới song họ đem tôi về Chợ Quán và bắt tôi vào trong thành”. – “Cha có làm gì giúp giặc không?” – “Tôi chỉ giảng đạo và biết có việc giảng đạo mà thôi”. – “Ông có vợ con không, giảng đạo là làm gì?” – “Là đọc kinh, làm lễ và dậy dỗ bổn đạo”. – “Ông có biết làm thuốc mê dụ dỗ bọn ngụy cho nó theo không?” – “Tôi chỉ biết có một việc giảng đạo mà thôi”.

Tại Gia Ðịnh, cha bị tra hỏi ba lần mà cha đều chỉ thưa có vậy. Ngày 15-10, quân lính và tù binh về tới kinh đô trong tiếng reo hò chiến thắng. Các tù nhân bị nhốt trong cũi, xếp một hàng dài ở trại Võ Lâm. Ngày hôm sau các quan tòa tam pháp tra hỏi Cha Du: – “Ngươi có phải là Phú Hoài Nhân (tên vua đặt cho Ðức Cha Taberd) không?”

– “Không”.

– “Ông ấy bây giờ ở đâu?”

– “Tôi không biết”.

– “Ngươi có biết ông ấy không?”

– “Tôi biết lắm nhưng đã lâu không gặp”.

– “Ngươi ở trong nước được bao lâu?”

– “Năm năm”.

– “Ngươi ở những đâu?”

– “Trước hết tôi ở Lái Thiêu, sau này tôi ở nay đây mai đó trong nhà nhiều người mà nay họ chết cả rồi”.

– “Ngươi có giúp Khôi làm giặc không?”

– “Không, ông Khôi cho quân đi bắt tôi đem về Sài Gòn. Việc chiến tranh tôi không biết gì, chỉ làm một việc là cầu nguyện cùng Chúa và làm lễ”.

– “Có phải ngươi viết thơ xin quân Xiêm và giáo dân Ðồng Nai đến giúp ngụy nữa không?”

– “Ông Khôi có bắt tôi viết thơ song tôi không chịu, và nói cho ông ta rằng đạo cấm làm chuyện chính trị. Tôi cũng nói thà chịu chết chứ không làm như thế được. Dù vậy ông Khôi còn đem mấy thơ đến bắt tôi ký tên vào nhưng tôi đã lấy mà đốt đi trước mặt ông Khôi”.

Lần tra khảo này Cha Marchand không bị đánh đập. Ngày hôm sau nữa quan lại hỏi các tướng nghịch. Những người này sợ tội nên đã đổ lỗi hoàn toàn cho Khôi đã chết và cho Cha Du. Họ bịa đặt ra là có đức cha xúi làm loạn để đưa An Hòa, là con của Ðông Cung (hoàng tử Cảnh) lên ngôi. Mấy tướng nghịch cũng đổ tội cho công chúa Kiên An là em của Minh Mệnh xúi dục khởi ngụy, và cho Thái Công Triều, trước theo giặc nhưng đã phản Khôi về hàng triều đình.

Ngày 17-10, quan cho đòi Cha Du đến công đường có bày sẵn các hình cụ và bắt nhận lời như bọn tướng nghịch đã khai. Cha Du cực lực chối bỏ. Cha bị tra tấn thật dã man: hai đứa kềm hai bên, một đứa khác vén quần lên cao để lộ hai bắp vế, một tên khác lấy kìm nung đỏ kẹp vào đùi bên trái. Mọi người nghe tiếng kêu xèo xèo và mùi khét phải quay mặt ra phía ngoài. Lý hình giữ nguyên kẹp cho đến khi nguội hẳn. Cha Du thét lên và ngất xỉu. Cách chừng nửa giờ sau quan lại hỏi nữa và bị kẹp đùi bên phải, thảm cảnh man rợ tái diễn làm Cha Du ngã xuống đất lần thứ hai. Cha vẫn một mực không chịu nhận tội làm giặc mà các quan ép buộc. Quan nói: “Thôi, tên này lớn gan lắm, để thủng thẳng bữa khác sẽ hay. Hãy đem về cũi giam lại”.

Cha còn bị tra hỏi nhiều lần khác song không bị kìm kẹp. Ðứa con lên 7 tuổi của Khôi cũng bị tra hỏi, nó cứ thật mà khai là Cha Du không có can dự gì vào chiến tranh, cũng chẳng làm những điều ông Khôi ép buộc. Không ép buộc được Cha Du nhận tội, các quan bắt cha phải bỏ đạo. Quan nói: “Ngươi chối hoài là không làm gì theo giặc thì thôi, nhưng ngươi không thể chối đã đến đây giảng đạo mặc dù ngươi biết có lệnh vua cấm. Tội này cũng đáng hình khổ nặng lắm. Nhưng nếu ngươi đành lòng bỏ đạo bước qua thập giá thì ta tha cho mọi hình phạt”.

– “Quan lớn rộng lượng như thế thì xin cám ơn, nhưng xuất giáo thì không bao giờ. Tôi thà chịu mọi hình phạt quái gở chứ chẳng thà chối Chúa như vậy”.

Các quan mặc sức chế nhạo và vu khống cho đạo như là làm thuốc mê, gian dâm với đàn bà…. Cha cực lực chối cãi: “Cái việc ấy chỉ là do những người ghét đạo bày đặt ra. Nếu đạo có như vậy thì còn ai dám theo?”

Các quan làm tờ trình như sau: “Năm Minh Mệnh thứ 15, tháng 9, ngày 13, chúng tôi, các quan tòa tam pháp theo lệnh hoàng thượng như sau. Tháng 5, năm vừa qua, chúng tôi xét xử vụ khởi loạn của Khôi ở thành Phiên An, trong số đồng phạm có linh mục Âu Châu tên là Du, cũng gọi là Marchand, đã theo tầu Trung Hoa đến nước năm Minh Mệnh thứ 12 tại cửa Cần Giờ, và trốn tránh tại Vĩnh Long và Biên Hòa để lén lút giảng đạo Gia Tô. Từ đó theo Khôi khởi loạn, liên lạc với kẻ thù của chúng ta là nước Xiêm và tập họp người Công Giáo trong thành…, đã bị bắt và dẫn giải về kinh đô giao cho chúng tôi xét xử. Sau đó chúng tôi đã mở cuộc thẩm vấn và thấy các câu trả lời của tội nhân vi phạm luật lệ quốc gia một cách trầm trọng. Chính tội nhân đã nhận tội lỗi. Vì thế tên đạo trưởng Âu Châu Du hay Marchand có hai tội không những không chịu đạp ảnh mà thực sự có dính líu đến nghịch tặc. Chúng tôi luận phải xử bá đao và phải bêu đầu. Sau khi nhận được lệnh vua, chúng tôi sai hai quan Lang Trung và Chủ cùng với 40 lính thuộc trấn phủ dẫn tù nhân Âu Châu Marchand đến nơi gọi là Trương Ðông, làng Dương Xuân, huyện Hương Toà để hành quyết và chặt đầu bêu như đã chỉ thị”.

Thừa Sai Delamotte và Marette thuật lại vụ hành quyết với nhiều chi tiết hơn: Cha Marchand bị giam tại trại Võ Lâm một tháng rưỡi chờ ngày Vua Minh Mệnh ra lệnh hành hình. Sáng 30-11, lễ Thánh Anrê, 7 phát súng đại bác đánh thức kinh thành Huế dậy đi chứng kiến vụ hành quyết có một không hai trong lịch sử. Các quan đến trại giam dẫn Cha Du, ba tên tướng nghịch và con của Khôi đến cửa Ngọ Môn cho Minh Mệnh thấy mặt. Lính túm ngực tội nhân mà dẫn đi như cách thức dẫn giải một tên phản nghịch, nhấn đầu xuống đất để lạy vua 5 lần. Minh Mệnh nhìn mặt rồi ném quạt xuống đất ra hiệu đem đi mà giết. Cha Du được dẫn đến đại sảnh nơi đô sát viện. Họ cởi áo cha, chỉ để lại một miếng khố nhỏ và một tấm vải ở cổ viết tên: “Ma-Sang danh Du”. Sau đó các tội nhân bị cột vào cây thập giá do 4 người lính khiêng đi đến nơi hành quyết. Tới tòa tam pháp, lính đem Cha Du vào trong trước mặt quan lớn. Hai tên lính ôm chặt hai ống chân kéo thẳng ra, 5 tên khác mỗi đứa một cái kìm nung đỏ kẹp vào 5 chỗ ở chân bên trái. Vì đau đớn quá Cha Du kêu lên: “Ôi cha ơi!” Quan sai lính đứng đàng sau 5 tên lý hình để thúc dục lý hình không được thương hại mà nới tay. Sau khi rút kìm ra, quan hỏi: “Vì lý do gì bên đạo móc mắt người chết?” – “Không bao giờ tôi thấy như vậy”.

Năm tên lý hình lại được lệnh mang kìm nóng kẹp vào chân phải. Mùi thịt cháy khét lẹt làm nhiều người bủn rủn chân tay. Kìm nguội rồi quan lại hỏi: “Tại sao nam nữ trước khi kết hôn đến trước mặt linh mục làm gì?”

– “Họ đến trước mặt linh mục để xin công nhận và toàn thể giáo dân chứng giám, đồng thời xin Thiên Chúa chúc lành”.

Năm mũi kìm nóng lại thi nhau đốt cháy da thịt của vị anh hùng tử đạo. Khi mùi khét và khói ngưng bốc lên, quan lại hỏi: “Trong nhà thờ các linh mục cho bổn đạo ăn thứ bánh quái gở gì mà họ trung thành đến nỗi chết?”

Cha Du phải gượng gạo trong hơi thở yếu ớt trả lời: “Không phải là bánh thường nhưng là Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, trở nên lương thực nuôi hồn…”

Những lời tra hỏi về đạo này làm chứng rằng Cha Du chịu hành hạ dữ tợn như thế là vì đạo mà thôi. Quan sợ cha chết chưa kịp thọ án nên ngưng tra khảo, và cho các tù nhân ăn uống. Cha Du không ăn gì, chỉ để hết tâm hồn cầu nguyện xin ơn chịu đau khổ cho đến cùng.

Sau khi các tù nhân ăn xong họ bị trói trở lại vào thập tự, miệng phải ngậm đá sỏi và khóa lại bằng tre để khi chịu đau kêu không ra tiếng. Khoảng chừng 100 lính theo lý hình ra pháp trường ở họ Thợ Ðúc. Tại đây có sẵn 5 cọc, lý hình cởi trói Cha Du khỏi thập giá và buộc vào cọc thứ hai, hai bên có hai lý hình, một người cầm kẹp, một người cầm đao, hai tên khác đứng gần để đếm miếng thịt lắt ra và ghi vào sổ. Sau hồi trống lệnh, lý hình xẻo trán Cha Du để che trước mắt, sau đó lấy kẹp mà lôi hai vú ném xuống đất. Lần lượt lý hình kẹp lôi thịt ở hai bên hông mà cắt vất xuống đất. Lúc ấy Cha Du không còn sức nữa, gục đầu xuống và linh hồn về với Chúa. Thấy cha đã chết, tên cầm đao túm tóc kéo đầu lên và chém đứt cổ, bỏ đầu vào thúng vôi. Lý hình xô xác cha xuống đất và tiếp tục cắt thân thể ra từng trăm mảnh, hết bổ dọc đến bổ ngang như một khúc cây. Vì Cha Du khắc khổ, chịu hành hạ nhiều nên không còn máu chảy ra. Khi xong xuôi tất cả, lý hình gom các miếng thịt vụn lại vào mấy thúng, rồi đem giao cho quan để vất xuống sông, còn đầu bỏ vào thùng đem đi khắp nơi trên toàn lãnh thổ. Ðầu Cha Du tới Hà Nội ngày 2-1-1836. Ði đến đâu người ta đều nghe một hơi lạnh ớn xương sống. Sau cùng đầu Cha Du được đưa về Huế bỏ vào cối xay nát và ném xuống biển. Không ai giữ được một di tích nào của vị thánh này.

Gx. Cần Giờ, DCCT           

THÁNH GIOAN 23, GIÁO HOÀNG

THÁNH GIOAN 23, GIÁO HOÀNG

Đức Thánh Cha Gioan XXIII là người đã triệu tập Công Đồng Vatican II, mở cánh cửa Giáo Hội ra với thế giới bên ngoài, và đem một sinh khí mới vào đời sống của Giáo Hội.

Triệu tập Công đồng là một công việc vĩ đại, phát xuất từ nhiều lo lắng cho tương lai Giáo Hội với quá nhiều vấn đề khó khăn, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lại vẫn thường cầu nguyện rất đơn sơ nhẹ nhàng trước giờ đi ngủ: “Lạy Chúa, Giáo Hội là của Chúa, con chỉ là tôi tớ.  Giáo Hội mạnh yếu thành đạt là trách nhiệm của Chúa.  Con đã làm bổn phận của con, giờ này đến giờ con đi ngủ, xin Chúa ban phúc lành cho con.”  Nói thế rồi, Ngài đi vào giấc ngủ ngon.  Như vậy, dù thường xuyên suy tư trăn trở cho Giáo Hội, ngài lại rất thực tế sống tinh thần phó thác – giống như chỉ chuyên chăm hoàn tất bổn phận hằng ngày của mình với “Mười Điều Tâm Niệm” mà ngài đã đề ra cho mình:

  1. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống tích cực trọn vẹn, chứ không tìm cách giải quyết mọi vấn đề của đời mình.
    2. Ngày hôm nay, tôi sẽ chú ý đặc biệt đến dáng vẻ của mình: ăn mặc đơn sơ, không lớn tiếng, lịch sự trong cách ứng xử; tôi sẽ không phê phán ai; tôi cũng sẽ không đòi ai phải ứng xử hoặc kỷ luật ai, trừ ra chính con người của mình.
    3. Ngày hôm nay, tôi vui sướng tin chắc rằng tôi được tạo dựng để sống hạnh phúc, không chỉ cho đời sau mà ngay cả từ đời này.
    4. Ngày hôm nay, tôi sẽ sống theo hoàn cảnh của mình, mà không đòi hỏi hoàn cảnh phải phù hợp với những ước muốn của tôi.
    5. Ngày hôm nay, tôi sẽ dành 10 phút để đọc điều gì thật hữu ích, và luôn nhớ rằng lương thực cần cho cuộc sống như thế nào thì đọc điều hữu ích cũng cần thiết để nuôi dưỡng cho linh hồn mình như vậy.
    6. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm một điều tốt mà không kể cho ai nghe.
    7. Ngày hôm nay, tôi sẽ làm ít nhất một điều tôi không thích: và nếu tôi bị tổn thương, thì tôi cũng không cho ai biết điều này.
    8. Ngày hôm nay, tôi sẽ hoạch định một chương trình cho riêng tôi: tôi có thể không theo sát được từng chữ, nhưng tôi sẽ có một chương trình như thế.  Và tôi sẽ đề phòng hai điều tai hại: cẩu thả và lừng khừng, không dám quyết tâm.
    9. Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thưong tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.
    10. Ngày hôm nay, tôi sẽ không sợ hãi gì.  Tôi sẽ không ngần ngại thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và tin tưởng vào lòng nhân ái của con người và cuộc đời.

Thực thế, trong vòng 12 tiếng đồng hồ, tôi chắc chắn có thể làm tốt điều mà tôi nghĩ rằng sẽ thật kinh hoàng nếu phải làm nó suốt cả đời.

Đức Gioan XXIII cũng thường được gọi là “Giáo hoàng Gioan nhân hậu.”  Ngài coi mình là “con cái của Thánh Phanxicô” khi gia nhập Dòng Ba Phanxicô lúc còn là một chủng sinh.  Vị Giáo hoàng khiêm tốn này thường bắt chước lời của ông Giuse ở Ai Cập (Cựu Ước) chào hỏi các thành viên của Dòng Ba Phanxicô: “Tôi là Giuse, người anh em của quý vị.”

Vị Giáo hoàng thứ 261 này có tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, sinh tại làng Sotto il Monte, thuộc tỉnh Bergamo, vào ngày 25.11.1881, con trai đầu của ông Giovanni Battista Roncalli và bà Marianna Mazzola.  Ngay buổi chiều hôm đó, trẻ sơ sinh Angelo được rửa tội.  Người đỡ đầu là ông Zaverio Roncalli, một trong những người bác của ông bố Battista, rất đạo đức, ở độc thân, tự nhận lấy bổn phận dạy giáo lý cho nhiều đứa cháu.  Sau này, Đức Gioan XXIII đã cảm động nhớ lại nhiều kỷ niệm và biết ơn về những lo lắng chăm sóc của ông.

Ngay từ thời thơ ấu, đã có một khuynh hướng nghiêm chỉnh về đời sống Giáo hội, nên sau xong bậc tiểu học, cậu chuẩn bị vào chủng viện giáo phận nhờ sự trợ giúp học thêm tiếng Ý và tiếng Latinh của một số linh mục trong khi theo học tại một trường có uy tín của Celana.  Ngày 07-11-1892, cậu gia nhập chủng viện Bergamo.  Sau khi hoàn tất tốt đẹp năm thứ hai của thần học vào tháng Bảy năm 1900, thầy được gửi về Roma vào tháng Giêng năm sau để vào chủng viện Apollinare, nơi có một số học bổng cho hàng giáo sĩ thuộc giáo phận Bergamo.

Ngày 13 tháng 7 năm 1904, mới hai mươi tuổi rưỡi, thầy đậu tiến sĩ thần học.  Ngày 10 tháng 8 năm 1904, thầy được thụ phong linh mục trong nhà thờ Đức Maria di Monte Santo; ngài cử hành Thánh Lễ đầu tiên vào ngày hôm sau trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.  Dịp này, ngài quyết tâm tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô và hết lòng trung thành với Giáo hội.

Sau một thời gian ngắn về nghỉ tại quê nhà, vào tháng Mười, ngài bắt đầu theo học giáo luật tại Rôma, và rồi phải nghỉ học vào tháng Hai năm 1905, khi ngài được chọn làm thư ký của Giám mục mới của giáo phận Bergamo, Đức cha Giacomo Radini Tedeschi.

Ngoài nhiệm vụ thư ký, ngài còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác.  Từ năm 1906, ngài đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học trong chủng viện: Lịch sử giáo hội, Giáo phụ và Hộ giáo.  Từ năm 1910, ngài cũng phụ trách môn Thần học cơ bản.  Ngài nghiên cứu lịch sử địa phương, xuất bản tác phẩm viết về những chuyến viếng thăm mục vụ của thánh Carlo Bergamo (1575), một nỗ lực trong nhiều thập kỷ dài và tiếp tục cho đến những ngày trước cuộc bầu cử Giáo hoàng.  Ngài cũng là chủ nhiệm tờ báo định kỳ của giáo phận “La Vita Diocesana” và kể từ năm 1910, ngài làm trợ úy cho Liên hiệp những Phụ nữ Công giáo.

Khi Thế chiến thứ I bùng nổ, vào năm 1915 ngài làm tuyên úy hơn ba năm với cấp bậc trung sĩ, chăm sóc thương binh trong các bệnh viện ở Bergamo.  Vào tháng Bảy năm 1918, ngài dấn thân phục vụ cho những người lính bị bệnh lao.

Tiếp theo, ngài được giao phụ trách công việc của Bộ Truyền giáo tại Ý, đồng thời cũng làm linh hướng trong chủng viện.  Ngài đã thực hiện một chuyến đi lâu dài ra ngoại quốc để thi hành kế hoạch của Tòa Thánh nhằm mang về Roma những tổ chức khác nhau để hỗ trợ cho công cuộc truyền giáo và viếng thăm một số giáo phận Ý để quyên góp nguồn tài trợ và giải thích về công việc mà ngài đang phụ trách.

Vào năm 1925, với sự bổ nhiệm làm Visitatore Apostolico tại Bulgaria, ngài đã bắt đầu giai đoạn phục vụ cho ngành ngoại giao của Tòa Thánh cho đến năm 1952.  Sau lễ phong chức giám mục diễn ra tại Roma vào ngày 19 tháng 3 năm 1925, ngài khởi hành đi Bulgaria để giúp đỡ cho cộng đoàn Công giáo nhỏ bé và đang gặp nhiều khó khăn tại đó.  Trong hàng chục năm, Đức cha Roncalli đã đặt nền móng cho việc thiết lập một Tông tòa mà ngài đã được bổ nhiệm làm vị đại diện đầu tiên vào năm 1931.  Ngài phục hồi được mối quan hệ thân thiện với Chính phủ và Hoàng gia Bulgaria, mặc dù có đôi chút trở ngại vì đám cưới theo nghi lễ chính thống của vua Boris với công chúa Giovanna của hoàng gia Savoia, và đó cũng là dịp để khởi động những mối quan hệ đại kết đầu tiên với Giáo hội Chính thống Bulgaria.

Vào ngày 27-11-1934, ngài được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.  Các nước này chưa có quan hệ ngoại giao với Vatican.  Với tính nhạy bén và năng động của mình, ngài đã tổ chức được một số lần gặp gỡ chính thức với Đức Thượng phụ Constantinople sau nhiều thế kỷ tách biệt với Giáo hội Công giáo.

Trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, ngài đã thận trọng giữ được tính trung lập, giúp cho cả hàng ngàn người Do Thái khỏi thành nạn nhân diệt chủng, và giúp cho người Hy Lạp thoát khỏi nạn đói.

Ngài được bổ nhiệm về làm Khâm sứ tại Paris vào ngày 30 tháng 12 năm 1944.  Một hoàn cảnh khá phức tạp đang chờ đợi.  Chính phủ lâm thời buộc tội Giáo hội hợp tác với chính phủ Vichy và đòi Giáo hội phải thoái vị ba mươi giám mục.  Nhờ sự bình tĩnh và linh động của vị tân sứ thần, chỉ có ba vị bị bãi nhiệm.  Phẩm chất con người của ngài đã mang lại sự kính nể trong bối cảnh ngoại giao và chính trị tại Paris.

Sau khi lãnh tước vị hồng y, ngài được chuyển về Venice vào ngày 5 tháng 3 năm 1953 và hoàn thành nhiệm vụ giám mục tại đây cách tốt đẹp với những chuyến thăm viếng mục vụ, cử hành Công nghị giáo phận, thực hiện kế hoạch làm cho các tín hữu gần gũi với Kinh Thánh…

Ngày 28 tháng 10 năm1958, ngài được bầu chọn làm giáo hoàng.  Một vị Giáo hoàng nhận chức khi đã bảy mươi bảy tuổi khiến nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một triều đại chuyển tiếp.  Nhưng ngay từ đầu, Đức Gioan XXIII đã tỏ ra là một giáo hoàng của thời đại: khôi phục lại các hoạt động đúng đắn trong các cơ quan của giáo triều, viếng thăm các giáo xứ, bệnh viện và nhà tù của giáo phận Rôma, triệu tập Công nghị giáo phận…

Sự đóng góp lớn nhất của Đức Gioan XXIII là việc triệu tập Công đồng Vatican II, được loan báo trong Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô vào ngày 25 tháng 01 năm 1959.  Các mục tiêu ban đầu của Công đồng được nêu rõ trong bài phát biểu vào lễ khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962: không phải là để đưa ra những chân lý mới, nhưng để xác định lại các học thuyết truyền thống phù hợp hơn với sự nhạy cảm đương đại.  Đức Giáo hoàng Gioan XXIII mời gọi Giáo hội, thay vì lên án và công kích, hãy hướng về lòng thương xót và ủng hộ việc đối thoại với thế giới, trong một nhận thức mới về sứ mệnh của Giáo Hội là đón nhận tất cả mọi người.  Trong tinh thần cởi mở phổ quát ấy, các giáo hội Kitô khác cũng được mời tham dự vào Công đồng để khởi đầu một tiến trình xích lại gần nhau hơn.

Vào mùa xuân năm 1963, Đức Gioan XXIII được trao giải thưởng Balzan về hòa bình, xác nhận những nỗ lực của ngài đối với hòa bình qua việc ban hành Thông điệp Mater et Magistra (1961) và Pacem in Terris (1963), cũng như vai trò của ngài trong cuộc khủng hoảng tại Cuba vào mùa thu năm 1962. 

Ngài qua đời vào tối ngày 3 tháng 6 năm 1963 và được phong thánh vào ngày 27-4-2014 lúc 10g tại Vatican.

(Tổng hợp) – https://tgpsaigon.net

Giáo Hoàng Gioan 23.jpeg

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

THÁNH NỮ MARIA FAUSTINA KOWALSKA

Thánh Nữ Maria Faustina Kowalska ngày nay được khắp thế giới biết đến với tước hiệu “Tông Đồ Lòng Thương Xót Chúa” là một vị thánh được các nhà thần học kể vào số những nhà thần bí trỗi vượt trong Giáo Hội.

Chị là người thứ ba trong số mười người con của một gia đình nông dân nghèo khó nhưng đạo đức tại Glogow Iec, một làng quê nằm giữa đất nước Ba Lan.  Khi được rửa tội tại nhà thờ giáo xứ Swinice Warckie lân cận, chị đã được nhận tên “Helena.”  Ngày từ thời thơ ấu, Helena đã nổi bật với đời sống đạo hạnh, yêu thích cầu nguyện, chăm chỉ, vâng lời, và hết lòng thương cảm trước nỗi khổ đau của tha nhân.  Helena được đi học trong thời gian chưa đầy ba năm, và đến năm 14 tuổi, chị đã phải rời bỏ mái ấm gia đình để mưu kế sinh nhai, giúp đỡ cha mẹ bằng công việc phụ giúp việc nhà tại thành phố Aleksandrow và Lodz kế cận.

Khi mới lên bảy tuổi (hai năm trước khi rước lễ lần đầu), Helena đã cảm nhận trong tâm hồn lời mời gọi theo đuổi đời sống tu trì.  Sau đó, chị đã ngỏ ý muốn với cha mẹ, nhưng hai vị đều dứt khoát không đồng ý cho chị vào sống trong tu viện.  Trước hoàn cảnh như thế, Helena đã cố bóp nghẹt lời mời gọi trong tâm hồn.  Tuy nhiên, quá xao xuyến vì một thị kiến về Chúa Kitô tử nạn và những lời trách cứ của Người: “Cha còn phải chịu đựng con cho đến bao giờ, con còn phụ rẫy Cha cho đến bao giờ nữa đây?” (NK9 – Nhật Ký 9), Helena bắt đầu tìm cách để xin vào một tu viện.  Chị đã gõ cửa không ít tu viện, nhưng không được nơi nào đón nhận.  Cuối cùng, vào ngày 1 tháng 8 năm 1925, Helena đã được bước qua ngưỡng cửa của dòng Đức Mẹ Nhân Lành ở phố Zytnia tại Warsaw.  Trong Nhật ký, chị có viết: “Dường như tôi đã bước vào cuộc sống thiên đàng.  Một lời kinh đã trào dâng từ tâm hồn tôi, một lời kinh tạ ơn.” (NK17).

Tuy nhiên, vài tuần lễ sau đó, chị bị cám dỗ mãnh liệt, muốn chuyển sang một dòng khác để có nhiều thời giờ hơn cho việc cầu nguyện.  Chính lúc ấy, Chúa Giêsu đã tỏ cho chị thấy các thương tích và thánh nhan tử nạn của Người và phán: “Chính con gây cho Cha nỗi đau đớn này nếu như con rời bỏ tu viện.  Đây là nơi Cha đã gọi con, chứ không phải một nơi nào khác; và Cha đã dọn sẵn nhiều ơn thánh cho con” (NK19).

Khi vào dòng, Helena được nhận tên Maria Faustina.  Chị đã sống thời kỳ năm tập trại Cracow, và cũng tại đây, trước sự chứng kiến của đức giám mục Stanislaus Rospond, chị đã tuyên lời khấn tạm lần đầu, và năm năm sau, tuyên giữ trọn đời ba lời khấn thanh tịnh, khó nghèo và vâng phục.  Chị được cắt cử làm một số công tác tại các tu viện của dòng; hầu hết thời gian là ở Cracow, Plock, và Vilnius, với các công tác làm bếp, làm vườn, và coi cổng.

Tất cả những cái vẻ bên ngoài ấy không làm hiện lộ một cuộc sống thần hiệp phong phú ngoại thường nơi chị dòng Faustina.  Chị sốt sắng chu toàn các phận sự, trung thành giữ trọn luật dòng, sống đời sống nội tâm và giữ thinh lặng, trong khi đó vẫn sống trong sự tự nhiên, vui tươi, đầy nhân ái và yêu thương người chung quanh một cách vô vị lợi.

Chúa Giêsu đã uỷ thác cho chị nữ tu đơn sơ, kém học, nhưng can trường và tín thác vô hạn này một sứ mạng cao cả là rao truyền sứ điệp Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới, Người đã phán với chị, “Cha sai con đem tình thương của Cha đến cho toàn thế giới.  Cha không muốn đoán phạt, nhưng muốn chữa lành và ghì chặt nhân loại đau thương vào Trái Tim lân tuất của Cha.” (NK 1588).  “Con là thư ký của Lòng Thương Xót Cha.  Cha đã tuyển dụng con làm nhiệm vụ ấy trên đời này và ở đời sau” (NK 1605) … “Nhiệm vụ và công tác suốt đời con là tiếp tục làm cho các linh hồn được biết về Lòng Thương Xót lớn lao của Cha dành cho họ, và kêu gọi họ hãy tín thác vào Lòng Thương Xót vô tận của Cha.” (NK 1567).

Sứ Mạng Của Thánh Nữ Faustina

Sứ mạng chính yếu của chị thánh là nhắc nhở cho chúng ta về những chân lý đức tin ngàn đời nhưng dường như đã bị lãng quên về tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và truyền đạt cho chúng ta những hình thức mới mẻ của việc tôn sùng Lòng Thương Xót, ngõ hầu làm hồi sinh cuộc sống thiêng liêng trong tinh thần tin tưởng và nhân ái của Kitô giáo.

Bức Hình Chúa Giêsu Thương Xót.  Kiểu dáng bức hình được tỏ ra trong cuộc thị kiến của chị Faustina, ngày 22 tháng 2 năm 1931, trong phòng tư của chị tại tu viện Plock.  Chị ghi lại lời Chúa truyền trong Nhật ký, “Hãy vẽ một bức hình theo như mẫu con nhìn thấy, với hàng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa” (NK47).  “Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Hai luồng sáng là nét nổi bật trong bức hình Chúa Kitô.  Chính Chúa Giêsu khi được hỏi về ý nghĩa bức ảnh đã giải thích: “Luồng sáng màu lam nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính.  Luồng sáng màu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Phúc cho linh hồn nào cư ngụ trong nơi nương náu của họ” (NK 299).  Bí tích Thánh Tẩy và bí tích Hòa Giải thanh tẩy linh hồn, còn bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn được nên giàu có sung túc.  Như vậy, hai luồng sáng tượng trưng cho các bí tích thánh thiện ấy và tất cả những ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng trong Thánh kinh được biểu thị bằng nước, cũng như giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại trong bửu huyết Chúa Kitô.  Theo ý Chúa Kitô, bức hình phải mang dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa.”  Người còn tuyên bố, “Đó sẽ là một vật nhắc nhở về các yêu sách của Lòng Thương Xót Cha, bởi vì dù mạnh mẽ đến mấy, đức tin cũng chẳng ích gì nếu thiếu việc làm kèm theo” (NK 742)

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa.  Lễ này được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa được mạc khải cho thánh nữ Faustina.  Chúa Giêsu đã yêu cầu thiết lập lễ này lần đầu tiên tại Plock vào năm 1931, khi Người tỏ ý muốn về việc vẽ bức hình: “Cha ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Cha.  Cha muốn bức hình này, bức hình được con vẽ bằng một cây cọ, sẽ được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh, Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Cha” (NK 49).

Tầm mức cao quý của ngày lễ này được đo lường bằng mức độ những lời hứa trọng đại mà Chúa đã gắn liền với dịp lễ: Chúa Giêsu đã phán, “…bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300), và “Trong ngày hôm ấy, lượng thương xót dịu hiền thẳm sâu của Cha sẽ được khai mở.  Cha trào đổ cả một đại dương ân sủng xuống cho các linh hồn tìm đến với nguồn mạch xót thương của Cha.  Người nào xưng tội và chịu lễ sẽ được lãnh nhận hồng ân thứ tha mọi tội lỗi và hình phạt.  Ngày hôm ấy, mọi chốt ngăn những nguồn thác ân sủng đều được tháo mở.  Đừng linh hồn nào sợ đến bên Cha, cho dù tội lỗi họ có đỏ thắm như điều” (NK 699).

Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót Chúa.  Chuỗi kinh này Chúa Giêsu đã dạy cho Thánh Faustina tại Vilnius vào các ngày 13 và 14 tháng 9 năm 1935, như một lời kinh đền tạ hầu làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa (NK 474-476). 

Những ai đọc chuỗi kinh này sẽ dâng lên Thiên Chúa Cha “Mình và Máu Thánh, linh hồn và thần tính” của Chúa Giêsu Kitô để đền vì tội lỗi của mình, của người thân, và của toàn thế giới.  Bằng việc liên kết với hy tế của Chúa Giêsu, họ kêu nài tình yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha trên trời dành cho Con Một, và trong Người, dành cho toàn thể nhân loại. 

Không chỉ những người đọc chuỗi kinh này, mà cả những người hấp hối cũng được lãnh nhận các ơn này, khi có người khác đọc kinh nguyện này bên giường của họ.  Chúa đã hứa: “Khi chuỗi kinh này được đọc bên giường người hấp hối, cơn nghĩa nộ Thiên Chúa sẽ dịu xuống, lượng nhân từ vô biên sẽ bao phủ linh hồn ấy” (NK 811).  Lời hứa tổng quát là: “Cha vui lòng ban mọi điều họ nài xin Cha bằng việc lần chuỗi kinh ấy” (NK 1541). “…nếu những điều con xin phù hợp với thánh ý Cha” (NK 1731).

Trong một dịp khác, Chúa Giêsu đã phán: “…bằng việc đọc chuỗi kinh, con sẽ đem nhân loại đến gần Cha hơn” (NK 929) và: “Linh hồn nào đọc chuỗi kinh này sẽ được Lòng Thương Xót Cha ấp ủ trong suốt cuộc sống, và nhất là trong giờ chết’ (NK 754).

Giờ Thương Xót Vô Biên.  Trong những hoàn cảnh không được ghi lại đầy đủ trong Nhật ký, vào tháng 10 năm 1937, tại Cracow, Chúa Giêsu đã mời chị thánh hãy tôn vinh giờ chết của Người: “…mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Cha để thờ lạy và tôn vinh; con hãy kêu nài quyền toàn năng Lòng Thương Xót Cha cho toàn thế giới, nhất là cho các tội nhân đáng thương; vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn” (NK 1572).

Chúa Giêsu cũng xác định những lời nguyện này rất phù hợp với hình thức tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa: “… con hãy cố gắng hết sức – miễn là bổn phận cho phép – để suy ngắm Đàng Thánh Giá trong giờ ấy; nếu không thể suy ngắm Đàng Thánh Giá, ít là con hãy vào nhà nguyện một lúc để thờ lạy Thánh Thể, Trái Tim đầu lân tuất của Cha; và giả như cũng không thể vào nhà nguyện, con hãy dìm mình vào sự cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu trong một lúc ngắn ngủi” (NK 1572).

Linh mục Giáo sư Rozycki đã liệt kê ba điều kiện để lời cầu nguyện được dâng lên trong giờ phút ấy được Chúa nhậm lời:

1.Phải thưa lên với Chúa Giêsu

2.Phải được đọc vào lúc 3 giờ chiều.

3.Phải cậy nhờ đến giá trị và những công nghiệp cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã hứa: “Trong giờ ấy, con xin được mọi sự cho chính con và những linh hồn được con cầu nguyện: đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

Truyền bá việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa.  Khi bàn đến những yếu tố thiết yếu của việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa, cha Rozycki cũng coi việc truyền bá là một trong các yếu tố việc tôn sùng ấy, vì Chúa Kitô đã dành một số lời hứa cho việc này: “Linh hồn nào truyền bá việc sùng kính Lòng Thương Xót Cha, Cha sẽ bảo bọc họ suốt đời như mẹ hiền đối với con thơ, và đến giờ lâm tử của họ, Cha không phải là thẩm phán, nhưng là Đấng Cứu Chuộc đầy lân tuất với họ” (NK 1075).  Chúa Kitô muốn những ai thờ phượng Người hãy thực hiện mỗi ngày ít nhất một hành vi đức ái với người lân cận.

Việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa hướng đến mục tiêu canh tân đời sống đạo đức trong Giáo hội trong tinh thần tín thác và nhân ái của Kitô Giáo.  Sứ mạng của thánh nữ Faustina có một nền tảng vững chắc trong Thánh Kinh và giáo huấn Giáo hội; nhất là phù hợp một cách tuyệt vời với tông huấn Dives in misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Cracow, tháng 12 năm 1991

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM

Nữ tu M. Elizabeth Siepak, ZMBM

Divine Mercy 9.jpg

Những Vị Thánh Còn Nguyên Vẹn Thân Xác Sau Nhiều Năm Qua Đời.

👉 Những Vị Thánh Còn Nguyên Vẹn Thân Xác Sau Nhiều Năm Qua Đời.
1. Thánh Catherine Labouré (1806-1876)
2. Việc tuyên chân phước cho nữ thánh Bernadette (1844-1879)
3. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963)
4. Thánh Padre Pio (1887-1968)
5. Chân phước Anne-Marie Taigi (1769-1837)
6. Thánh nữ Madeleine-Sophie Barat (1779-1865)
7. Thánh Gioan-Maria Vianney (1786-1859)
8. Thánh Têrêsa Avila (1515-1582)

Image may contain: text
Image may contain: text
Image may contain: text that says '3. Đuc Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (1881-1963) được tuyên hien thánh ngày 27.4.2014, cùng lúc với Đuc Gioan Phaolô II. Xác ngài dược khai quật năm 2001 và không thay đoi gì sau gân 4 thập niên. Ngài được đặt trong một quan tài bắng pha lê, dưới bàn thờ nhà nguyện Saint-Jérôme, thuộc Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, với một mặt na bắng sáp, che mặt ngài.'
Image may contain: text that says '4. Thánh Padre Pio (1887-1968) (1887 Pio dược DTC Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 16.6.2002. Khi được đào lên, xác ngài xong hương thơm ngào ngat. Máu ngài chảy khi người ta rach một đường nhò trên thân thể ngài. Chỉ dung mao ngài dược phù một mặt na bắng silicon.'
No photo description available.
+4