Thánh Maria Magdalen (thế kỷ thứ 1) – Cha Vương

Thánh Maria Magdalen (thế kỷ thứ 1)

Hôm nay 22/07 Giáo Hội mừng kính Thánh Maria Magdalen (thế kỷ thứ 1). Mừng Bổn mạng đến những ai chọn thánh Nữ làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 22/7/2022

Ngày trước, người ta lẫn lộn giữa Maria Magdalen với ba người phụ nữ được Phúc Âm nói đến là:

– Người đàn bà tội lỗi vô danh đã đến đổ thuốc thơm trên chân Chúa và lấy tóc lau (Lc 7,37-50)

– Maria ở Bethania, em của Mattha và Lazarius. Cô cũng đã xức thuốc thơm nơi chân Chúa và lấy tóc lau (Gio 11,1;12,3)

– Maria ở Magdala (Magdala là một làng nhỏ bên bờ hồ Tiberiade) người được Chúa Giêsu đuổi trừ bảy quỷ (Lc 8,2) và đã có mặt dưới chân Thánh Giá khi Chúa chết cùng với Mẹ Maria và Gioan. Cô dự vào việc mai táng Chúa, trở ra mộ Chúa hai hôm sau để xức xác, nhìn thấy ngôi mộ trống. Maria là người đầu tiên nhìn thấy Chúa sống lại và đi báo tin cho các tông đồ. Thì chỉ Maria Magdalen này được ghi trong niên lịch Phụng Vụ sau vụ cải tổ lịch Phụng Vụ Roma mới.

Cũng do sự nhầm lẫn lâu đời giữa ba nhân vật nên Maria Magdalen mới được coi như là quan thầy những phụ nữ hoàn lương, những người bán nước hoa và buôn găng tay.

Cũng do sự nhầm lẫn lâu ấy mà có những tương truyền khác nhau như việc Maria Magdalen đã đến xứ Gaules (có từ thế kỷ thứ XI) người ta kính thánh tích của bà ở Vezelay, trên con đường hành hương đến Compostelle; cũng tại Provence, từ thế kỷ thứ XIII có những cuộc hành hương lôi cuốn nhiều người đến Sainte Marie de la Mere, nơi mà người ta cho rằng Maria Magdalen đã đổ bộ với em là Lazarius cùng nhiều phụ nữ khác, có cả người tớ gái là Sarah, quan thầy của những người phiêu bạt Gitans. Cũng như tại Saint Baume nơi có bọng đá mà người đã ở qua và tại Saint Maximin có phần mộ của người.

Tại Đông Phương, tương truyền rằng Maria Magdalen chết và được chôn ở Êphêsô. Năm 899, hoàng đế Leon VI đã chuyển thánh tích của người hay là được coi như vậy, về một tu viện ở Constantinople. Từ Đông phương, việc sùng kính đến Tây phương từ thế kỷ thứ X.

Vậy chúng ta chỉ biết về những gì Phúc Âm nói đến về vị thánh nữ đặc biệt ấy và ngày nay hình như chỉ có Maria Magdalen này mới có tên trong lịch Phụng Vụ mới.  (Nguồn: Nhóm Tinh Thần, hạnh các Thánh)

Đức Giáo hoàng Benedict XVI nói: “Câu chuyện của Maria thành Mácđala nhắc nhở tất cả chúng ta một sự thật hiện hữu”… “Thánh nữ là một trong những môn đệ của Chúa Kitô, trong kinh nghiệm yếu đuối của con người, ngài đã khiêm nhường cầu xin Chúa thương xót, và đã được Chúa tha thứ, để rồi tiếp tục đi theo Chúa mà trở thành một nhân chứng về điều này: tình thương xót của Chúa mạnh hơn tội lỗi và sự chết”.

Hôm nay Bạn hãy xin cho được ơn hoán cải nhé. Xin thánh Maria Magdalen, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619)- Cha Vương

Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619).

Chúc bình an. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619).

Cha Vương 

Thứ 5: 21/07/2022

Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức về tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Ngài sinh ngày 22 tháng 7 năm 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare Rossi, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.

Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.

Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.

Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác — đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt “thăng quan tiến chức”, ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.

Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta.

Vào năm 1956, Dòng Capuchin đã hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải. Một trong những bài giảng: “Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Ngài xuất phát từ tình yêu. Một khi Ngài muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Ngài ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Ngài. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra ngay cả nếu Adong không phạm tội” (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).

Thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip III. Cái nóng bức oi ả của mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 22 tháng 7 năm 1619 và được mai táng tại nghĩa trang của Dòng thánh Clare nghèo khó ở Villafranca.

Đức Giáo Hoàng Pius VI đã tôn phong Chân Phước cho ngài năm 1783 và Đức Giáo Hoàng Leone XIII đã nâng ngài lên hàng hiển thánh ngày 08 tháng 12 năm 1881. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 3 năm 1959 với tước hiệu “doctor apostolicus – tiến sĩ tông đồ”.

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)

Thánh Lawrence ở Brindisi, cầu cho chúng con.

Thánh Bonaventura (1221-1274) – Cha Vương

 Thánh Bonaventura (1221-1274)

Thân chào bình an đến Bạn và gia đình nhé. Hôm nay 15/7, Giáo hội mừng kính Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Mừng Bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 6: 15/7/2022

Thánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Commentaire sur les 4 livres des sentences” và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng. (Nguồn: Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt, Vietnamese Missionaries in Asia)

Sau đây là những câu nói của Thánh Bonaventura:

(1) Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa.

(2) Tất cả của Mẹ là của con và tất cả của con là của Mẹ.

(3) Hỡi linh hồn các tính hữu, anh chị em muốn chứng tỏ tình yêu thật đối với người đã qua đời không? Anh chị em muốn gửi cho họ món quà trợ giúp quý nhất và chìa khoá mở cửa Thiên đàng không? Hãy năng rước lễ cho các linh hồn được an nghỉ.

(4) Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc.

(5) Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới khác tốt đẹp hơn, nhưng không thể tạo dựng một người mẹ khác hoàn hảo hơn Mẹ Thiên Chúa được.

(6) Hạnh phúc cho những ai hiến dâng tâm hồn mình cho Mẹ! Hạnh phúc cho những ai thiết tình phụng sự Mẹ!

(7) Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Đối với mình thì câu số 3 và 4.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Maria Goretti (1890-1902) – Cha Vương

Thánh Maria Goretti (1890-1902)

Chúc bạn và gia đình một ngày an lành! Hôm nay 06/7, Giáo Hội mừng kính Thánh Maria Goretti, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng, xin cầu nguyện cho giới trẻ trong thời đại ngày nay nhé.

Cha Vương

Thánh Maria Goretti (1890-1902) sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn. Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Ancona, Ý Đại Lợi. Là con gái của ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini, một gia đình nghèo người Ý, ông Luigi Goretti chết sớm, chỉ còn người vợ tần tảo nuôi 6 con. Maria không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.

Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng thân thể cô đã phát triển. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro Serenelli, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn phạm tội. “Ðó là tội lỗi. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này.” Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria. Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi qua đời ngày 06 tháng 7 năm 1902.

Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.

Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ tôn phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1947, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Pius XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô.

Ba năm sau, vào ngày 24 tháng 6 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Maria Goretti lên hàng hiển thánh. Trong đám đông khoảng 500,000 người tham dự lễ phong thánh có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.

   Thánh tích Thánh Maria Goretti: Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp. (Trích “Gương Thánh Nhân” – ns Người Tín Hữu Online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican Saints và Santi-Beati-Testimoni)

Sau đây là Lời Kinh Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 dâng lên thánh nữ Maria Goretti: Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa, Bé đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Bé từng biết thế nào là nghèo đói và mồ côi. Bé đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn và ân cần. Bé sống tốt lành, không khoe khoang, và đã yêu mến Tình Yêu trên mọi sự. Bé đã đổ máu đào để khỏi phản bội Thiên Chúa. Bé đã tha thứ cho người đã giết Bé và cầu mong hạnh phúc Thiên Đàng cho anh ta. Xin Bé hãy bầu cử và cầu nguyện cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, hầu chúng tôi cũng biết thưa vâng đối với chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi. Hỡi Đấng là Bạn Hữu của Thiên Chúa, đang chiêm ngưỡng Chúa mặt giáp mặt, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi ơn xin cùng ngài… (thêm vào ý chỉ cầu nguyện) Chúng tôi cảm tạ ngài, hỡi Marietta, vì tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi. Amen.

Lạy Thánh Nữ Maria Goretti, xin cầu nguyện cho chúng con!

Thánh Germaine Cousin (1579-1601)

15 Tháng Sáu

Thánh Germaine Cousin (1579-1601)

Thánh Germaine là một thiếu nữ quê mùa ở làng Pibrac, gần Toulouse. ✝️Vì mẹ mất sớm nên ngài phải lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ vì bị người cha ghét bỏ và người mẹ ghẻ thật tàn nhẫn. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc trong khi ăn uống rất kham khổ. ✝️Ngay khi chín tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu. Bất kể những  lao nhọc và bất công trong đời sống, Germaine vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là cơ hội để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.

✝️ Germaine rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng.cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp dự lễ. Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống. Gd bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.Năm cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac.

🔶Bốn mươi ba năm sau, khi tân trang nhà thờ, các người thợ vô tình khai quật mộ của cô và người ta tìm thấy mộ của cô và người ta tìm thấy xác …

 From: NguyenNThu

Thánh Antôn Padua (1195-1231) – Cha Vương 

Thánh Antôn Padua (1195-1231)

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh An-tôn, mừng bổn mạng đến những ai nhận thánh Antôn làm quan thầy.

Cha Vương 

 Thứ 2: 13/06/2022

TIN MỪNG: Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. (Roma 12:1)

SUY NIỆM: Thánh Antôn Padua (1195-1231) người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở Lisboa, Bồ Đào Nha nhưng mất tại Padua, Ý. Với kiến thức chuyên sâu về Kinh Thánh, ông đã rao giảng mạnh mẽ về đức tin Kitô giáo cho người khác, chính vì thế, ông được phong thánh rất sớm sau khi qua đời và được Giáo hội Công giáo Rôma phong làm tiến sĩ Hội thánh vào ngày 16 tháng 1 năm 1946. Antôn là một người người làm việc không biết mệt mỏi. Ông thường được nhiều người ta gán cho tên “Hòm Bia giao ước” hoặc “Cái búa của bọn lạc giáo”. Người ta thường gọi thánh Antôn Padua là “ông thánh hay làm phép lạ”. Tuy ngay lúc sinh thời Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng Ngài một mực hạ mình khiêm nhu. Chính sự khiêm nhượng cùng với lòng mến Chúa yêu Ðức Mẹ say mê và thương người tha thiết của Ngài đã làm nên nhiều phép lạ…

Tại thành Tulu, nước Pháp, thầy Antôn tranh luận với nhóm rối đạo về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể. Sau khi nghe thầy trình bày những luận cứ vững vàng, thì một người rối đạo nói:

– “Đã hay lời Chúa Giêsu thì rõ ràng lắm, song nếu con mắt tôi không tỏ tường, thì tôi không tin”.

Thầy Antôn liền hỏi:

– Vậy anh muốn tôi làm phép lạ nào?

– Tôi có một con ngựa. Ngày thứ bốn tôi sẽ dắt ra đây cùng một bó cỏ non. Còn thầy, thầy sẽ đưa Thánh Thể ra trước mặt nó. Nếu nó bỏ cỏ không ăn mà quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin có Chúa Giêsu ngự thật trong đó.

Thầy Antôn nhận cuộc, rồi quay về tu viện ăn chay, cầu nguyện ba ngày ba đêm.

Đến ngày hẹn, từ sáng sớm, dân chúng đã tuôn đến đầy chợ. Ông chủ dắt ngựa đi trước, đầy tớ đội cỏ theo sau. Đồng thời, thầy Antôn cũng kiệu Mình Thánh Chúa đến và nói lớn: “Hỡi con vật vô tri, nhân danh Chúa Giêsu đã dựng nên mi, và đang ngự trước mặt mi, ta truyền cho mi phải quỳ gối thờ lạy Chúa, để thiên hạ biết rằng vạn vật trên trời, dưới đất phải thờ lạy Ngài”.

Đang khi thầy nói, thì đầy tớ vâng lời chủ vội đem sọt cỏ đặt ngay trước mõm ngựa, nhưng nó chẳng thèm để ý tới: chỉ vội vàng quỳ hai chân trước xuống thờ lạy Chúa; dù tên đầy tớ ra sức ấn cỏ vào mồm, nhưng ngựa vẫn không thèm ăn, cứ quỳ yên cho đến khi thầy Antôn kiệu Mình Thánh Chúa về mới đứng lên ăn. Phần người rối đạo nói trên cùng cả dòng họ thì đã trở lại đạo thật và sống đạo nên gương. Ông lại còn bỏ tiền của xây một đền thờ tôn kính thánh Phêrô tại thành Tulu, đến nay hãy còn.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì lời cầu bầu của thánh Antôn, xin nâng đỡ chúng con, vì chúng con yếu đuối và bé mọn, trong cơn đau đớn phần hồn và xác,… (thinh lặng nói lên ý cầu xin) xin giúp chúng con trung thành với Chúa đến cùng. Lạy thánh Antôn hay làm phép lạ, cầu cho chúng con.

LẮNG NGHE: Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (1 Phêrô 2:15-16)

THỰC HÀNH: Trong tuần này, thay vì chỉ đi lễ ngày Chủ Nhật,  Bạn hãy sắp xếp dành thời gian đi lễ ngày thường nữa. Nếu không thể được thì Bạn vào nhà thờ viếng Chúa 5/10 phút trước khi về nhà. Hay tâm sự với Chúa và để những khó khăn nơi công sở dưới chân Ngài thì Bạn về nhà sẽ được bình an hơn.

From: Đỗ Dzũng

THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ

THÁNH BARNABA TÔNG ĐỒ

Thánh Barnaba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái.  Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36).  Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Barnaba cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.  Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26).  Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37).  Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24).  Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).

 

Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Barnaba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô.  Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26).  Thánh Barnaba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á.  Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem.  Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất đưa ra quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cho cả người Do-thái lẫn người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Barnaba vì vấn đề liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy định của Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), cũng như vì vấn đề của Gio-an Mác-cô, em họ của Barnaba.  Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau.  Sau đó, Thánh Barnaba cùng với Thánh Mác-cô đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39).  Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, thì Thánh Barnaba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân.  Cũng theo truyền thuyết, Thánh Barnaba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I.  Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này.  Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài được phúc Tử Đạo với việc bị ném đá đến chết.

Một số chuyên gia đã coi Thánh Barnaba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại.  Có một bức thư mang tên Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng các sách Ngụy Thư.  Bức thư này muốn chứng minh những giáo thuyết của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi là thành phần của quy điển Tân Ước.  Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên nó không được công nhận là của Thánh Barnaba.  Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền.  Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn.  Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Barnaba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái.  Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.

Tương truyền về việc Thánh Barnaba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn.  Nếu đúng thế thì Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp).  Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết ngay trên ngôi mộ của Ngài.  Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó.  Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Barnaba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài.  Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy.  Khi khai quật ngôi mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, lúc Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài với một cách thức hết sức trang trọng.  Trên ngực của Thánh Barnaba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Barnaba chép lại.  Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật.  Với việc đó, vị Tổng Giám mục của Giáo hội Sýp đã thành công trong việc thuyết phục nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Barnaba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó.  Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay.  Nguồn suối ấy được cho là có khả năng chữa lành cũng như có nhiều khả năng kỳ diệu khác, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da.  Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Barnaba.

Các Thánh Tích của Thánh Barnaba đã được bảo quản và tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, cũng như tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).

Từ năm 1530, Hội Dòng do Thánh Anton Maria Zaccaria thành lập đã đến đóng đô tại Tu Viện Thánh Barnaba ở Mi-lan.  Người ta cũng gọi Hội Dòng này là Dòng Thánh Barnaba.

Vào năm 1521, người Pháp muốn đánh chiếm thành phố Logroño của Tây-ban-nha.  Nhưng sau hơn 6 tuần vây hãm, người Pháp vẫn không sao chiếm được thành phố ấy, nên đành phải rút quân.  Ngày lui binh của quân đội Pháp rơi đúng vào ngày 11 tháng 06 cùng năm.  Vì thế, ngay sau khi quân Pháp thoái triệt, Thánh Barnaba đã được thành phố Logroño nhận làm Bổn Mạng.  Trong ngày mừng Bổn Mạng của mình, người dân thành phố Logroño luôn sử dụng cá để làm món ăn chính, vì trong suốt hơn 6 tuần bị người Pháp vây đánh, dân chúng trong thành phố này đã sống sót nhờ vào việc ăn cá được bắt từ hồ Ebro.

Ngay từ thế kỷ thứ IX, Thánh Barnaba đã được Giáo hội Rô-ma mừng kính vào ngày 11 tháng 06 hàng năm, nhưng các Giáo hội Phương Đông thì lại cử hành Lễ kính Thánh Nhân vào ngày 11 tháng 04.

Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Anh giáo cũng cử hành Lễ Kính Thánh Barnaba vào ngày 11 tháng 06.

Còn các Giáo hội Chính thống thì cử hành hai ngày để kính Thánh Barnaba, đó là ngày mồng 04 tháng Giêng và ngày 11 tháng 06.

Riêng tại Giáo hội Armenia thì Thánh Barnaba được mừng kính tới 4 ngày, gồm: mồng 09 tháng 04, 11 tháng 06, 29 tháng 10, và thứ Năm sau Chúa Nhật Suy Tôn Thánh Giá.

Giáo hội Cóp-tít cử hành hai ngày Kính Thánh Barnaba: 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

Giáo hội Chính Thống Syria cử hành ba ngày kính Thánh Barnaba, gồm: 11 tháng 05, 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist

From: Langthangchieutim

Thánh Bênađinô Siêna (1380-1444)-Cha Vương

Thánh Bênađinô Siêna (1380-1444)

Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Bênađinô Siêna, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 20/05/2022

Thánh Bênađinô Siêna sinh năm 1380 tại một thị trấn gần thành phố Siêna, nước Ý. Ngài là con trai của một nhà chức sắc người Ý. Song thân Bênađinô qua đời khi ngài mới lên bảy. Những người bà con của Bênađinô quý mến ngài như con ruột của họ. Họ cũng cho Bênađinô ăn học đến nơi đến chốn. Bênađinô trưởng thành với dáng vẻ một cậu trai cao to đĩnh đạc. Bênađinô có tính pha trò nên các bạn bè của Bênađinô thích được ở bên ngài. Tuy nhiên, họ biết rằng không nên nói bất cứ lời thô tục nào khi có sự hiện diện của Bênađinô, vì ngài sẽ không khoan thứ cho điều ấy. Hai lần khi một gã thanh niên kia dụ dỗ Bênađinô phạm tội, cả hai lần Bênađinô đã tặng cho hắn một quả đấm và đuổi hắn đi.

        Thánh Bênađinô Siêna có một tình yêu đặc biệt nồng nàn đối với Đức Trinh Nữ Maria. Chính Đức Mẹ là Đấng gìn giữ tâm hồn ngài trong sạch. Ngay khi còn ở tuổi niên thiếu, Thánh Bênađinô Siêna đã đơn sơ cầu nguyện với Đức Mẹ y như một con trẻ thưa truyện với mẹ nó vậy.

        Bênađinô Siêna có tâm hồn nhạy cảm. Ngài rất thương mến những người nghèo khổ. Lần kia, người cô của Bênađinô Siêna không còn thức ăn cho thêm một người hành khất nữa, cậu bé liền la lớn tiếng: “Thà con chịu bỏ đói còn hơn là để cho người đàn ông đáng thương ấy phải ra đi mà chẳng được chút gì!” Năm 1400, khi cơn dịch tả tấn công thành phố, Thánh Bênađinô và các đồng bạn của ngài đã tình nguyện tới giúp bệnh viện. Họ ngày đêm săn sóc những người đau yếu và hấp hối suốt sáu tuần lễ cho tới khi cơn dịch chấm dứt.

        Khi lên hai mươi hai tuổi, Bênađinô Siêna gia nhập dòng Thánh Phanxicô khó khăn. Rồi Bênađinô Siêna làm linh mục. Sau nhiều năm phục vụ, thánh nhân được chỉ định tới các thị trấn và thành phố rao giảng. Thánh Bênađinô Siêna đã nhắc nhớ cho mọi người về lòng yêu thương của Đức Chúa Giêsu. Trong những ngày ấy, các thói xấu làm suy vi tinh thần đạo đức của cả người già lẫn con trẻ. “Làm sao con có thể tự mình cứu lấy những người này?” trong lời kinh, Bênađinô Siêna đã hỏi Thiên Chúa. “Con có thể dùng thứ vũ khí nào để chống lại ma quỷ?” và Thiên Chúa trả lời: “Thánh Danh Ta đủ cho con!” Vì thế, Bênađinô Siêna đã rao giảng lòng tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu. Ngài sử dụng Thánh Danh này rất nhiều lần trong mỗi bài giảng. Thánh nhân xin người ta in Thánh Danh Chúa Giêsu và dán trên các cổng ra vào của thành phố, trên khắp các cánh cửa… Nhờ việc tôn sùng Thánh Danh Chúa Giêsu và lòng sùng kính Mẹ Maria, Bênađinô Siêna đã đem hàng ngàn người trên khắp nước Ý trở về với Giáo hội.

        Thánh Bênađinô Siêna đã trải qua bốn mươi hai năm trong đời tu dòng Phanxicô. Thánh nhân qua đời ngày 20 tháng Năm năm 1444 tại Aquila, nước Ý, hưởng thọ sáu mươi tư tuổi. Chỉ sáu năm sau, năm 1450, Bênađinô Siêna được đức thánh cha Nicôla V tôn phong hiển thánh.

    Thánh Bênađinô Siêna đã thực sự quan tâm đến mọi người. Thánh nhân đã dùng tất cả nghị lực và niềm vui của mình để phục vụ Đức Chúa Giêsu và làm cho người ta yêu mến Thánh Danh Chúa. Chúng ta cũng hãy năng cầu xin “Thánh Danh Chúa Giêsu.”

(Nguồn: dongten)

From: Đỗ Dzũng

YouTube player

 Thánh Giáo Hoàng Gioan I (… – 18-05-526)-Cha Vương,

 Thánh Giáo Hoàng Gioan I (….. –  18-05-526)

Chúc bình an, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan I, (c. 526). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương,

Thứ 4: 18/5/2022

Thánh Giáo Hoàng Gioan I, sinh tại Populonia, xứ Tuscan, là tổng-phó-tế của hàng giáo sĩ Rôma, là vị Giáo Hoàng thứ 53 của Giáo Hội Công Giáo được chọn để kế vị Ðức Hormidas mà lúc bấy giờ ngài đã già yếu. Bất kể sự phản đối, ngài bị Theodoric — là vua của Ý, người hăng hái bảo vệ phe lạc giáo Arian — sai đi Constantinople để thuyết phục Hoàng Ðế Justin bớt khắt khe trong việc chống đối phe Arian mà một sắc lệnh của vua buộc phe này phải trao trả các nhà thờ cho người Công Giáo ở Ðông Phương. Theodoric đe dọa rằng nếu Ðức Gioan thất bại trong nhiệm vụ, thì người Công Giáo chính thống ở Tây Phương sẽ bị trả đũa.

Nhiệm vụ thật khó khăn nhưng chuyến đi thật vinh quang. Bất cứ đâu ngài đến đều được dân chúng vui mừng tiếp đón. Khi đến Constantinople, Hoàng Ðế Justin đã dành mọi vinh dự cho ngài. Vào Chúa Nhật Phục Sinh, 19-4-526, ngài đội vương miện tấn phong cho Hoàng Ðế Justin. Ngoài ra, các giám mục Ðông Phương cũng hăng say thề trung thành với Rôma.

Khi Ðức Gioan trở về Ravenna, thủ phủ của Theodoric, ngài khám phá rằng Theodoric đã giết chết người bạn tâm giao của ngài là triết gia vĩ đại Severinus Boethius, cũng như bố vợ của ông là Symmachus. Về phần Theodoric, vì nghi ngờ Ðức Gioan thông đồng với Hoàng Ðế Justin nên ngay khi ngài đặt chân lên đất Ý, Theodoric đã cho người bắt giam ngay lập tức.

Phần vì mệt mỏi sau cuộc hành trình, cộng thêm sự đau khổ vì đối xử tệ hại, ngài ở tù không lâu và đã từ trần ngày 18 tháng Năm 526. Ngài được chôn cất ở bên ngoài thành Ravenna, nhưng sau đó thi hài của ngài được đưa về Rôma và chôn cất trong Ðền Thánh Phêrô.

Lời Bàn: Chúng ta không thể chọn lựa những đau khổ mà chúng ta phải chịu. Thánh Giáo Hoàng Gioan I bị đau khổ vì một hoàng đế tham quyền. Ðức Giêsu đau khổ vì những nghi ngờ của những người cảm thấy bị đe dọa vì chân lý, vì sự thẳng thắn và vì sự bất lực của Ðức Giêsu. “Nếu thế gian ghét bỏ các con, hãy biết rằng thế gian đã ghét bỏ Thầy trước hết.”

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online)

From: Đỗ Dzũng

TÔI MUỐN CHẾT THAY CHO MỘT NGƯỜI (Cha Maximilian Kolbe)

Chau Nguyen Thi

TÔI MUỐN CHẾT THAY CHO MỘT NGƯỜI

Trong trại tù Đức Quốc Xã ở Ba Lan vào năm 1941, có 3 tù nhân vượt ngục ở khám 14. Karl Fritzsch, tên tổng giám thị trại tù lên tiếng:

– Những tên vượt ngục chưa tìm thấy. 10 người khác phải chết thay. Lần thứ hai sẽ phải là 20 người.

Sau đó y đưa tay chỉ:

– Tên này.

Lập tức Palitsch, cộng sự viên của y ghi số đó vào sổ tử, vì ở trại Oswiecim tù nhân được tiêu biểu bằng con số.

Mặt tái mét, các tù nhân lần lượt bước ra khỏi hàng.

Fritsch tiếp tục chọn:

– Tên này, tên kia, tên kia nữa…

Bây giờ đủ 10 người rồi, 10 tù nhân sẽ chết thay cho những kẻ vượt ngục. Trong số họ, có một người còn trẻ, lúc bước ra khỏi hàng đã thốt ra một câu làm cho những người chung quanh phải chú ý:

– Ôi! Vợ dại con thơ của tôi, từ đây tôi sẽ không được gặp lại bao giờ nữa!

Mười tử tội được lệnh tiến về khám tử, khám số 13. Giữa lúc không ngờ, một người rẽ đám đông đi ra. Mọi người bỡ ngỡ. Có tiếng xì xèo qua các hàng:

Cha Kolbe! Cha Maximilian Kolbe đấy!

Fritsch giật mình, y sờ khẩu súng lục đeo sau lưng, lùi lại một bước đề phòng và hô to:

– Đứng lại! Đồ con lợn Ba Lan!

Cha Kolbe không chuyển động, cha đứng đối diện với y, nét mặt bình tĩnh, đôi môi nhẹ nở nụ cười:

– Tôi muốn chết thay cho 1 trong 10 người này.

Bỡ ngỡ, Fritsch nhìn cha. Con người ấy giờ đây như bị thôi miên trước cái nhìn thấu suốt của cha Kolbe.

Fritsch hỏi:

– Tại sao?

Đấy là câu hỏi tò mò. Trong đầu cha chợt nảy ra một ý nghĩ để nắm lấy thắng lợi. Theo luật tập trung trong trại tù Đức Quốc Xã thì các người già yếu phải thanh toán trước, nên cha trả lời:

– Tôi già yếu, đời tôi vô dụng.

– Mày muốn chết cho ai?

– Cho người có vợ dại con thơ.

Vừa nói, cha vừa chỉ vào trung sĩ Francois Gajowniczek trẻ tuổi.

Trước cử chỉ anh hùng ấy, máu độc ác của Fritsch dịu đi nhường chỗ cho tính tò mò. Y muốn tìm hiểu cha Kolbe:

– Ông là ai?

– Tôi là linh mục Công giáo.

Cha không nói mình là một tu sĩ dòng Phanxicô, hay là vị sáng lập Đạo binh Đức Mẹ mà chỉ nói tôi là linh mục Công giáo. Cha thích danh hiệu đó vì linh mục là môi giới giữa trời và đất, vì linh mục nắm trong tay kho tàng quí báu: Đức tin KiTô, những ai trong lúc nguy nan sau cùng đều cần có linh mục giúp đỡ.

Cha Kolbe chờ đợi. Nét mặt cha tươi vui khác thường. Mặt trời đang lặn dần và tỏa ra màu vàng đỏ. Và cha là nhân vật duy nhất của giờ phút lịch sử ấy.

Sau cùng, Fritsch khàn khàn nói:

– Được, đi với chúng!

Từ giây phút ấy, người ta thấy Fritsch trầm lặng, không nguyền rủa và thóa mạ như trước nữa. Cha Kolbe nhẹ nhàng mấp máy môi cầu nguyện cho những người chịu chết với cha, cho những ai còn sống, nhất là cho Fritsch.

Palitsch cầm sổ lấy bút xóa một số và thay vào bằng con số khác, con số của cha Kolbe: 16.670. Chàng thanh niên mà tên vừa được xóa khỏi sổ tử tù, vui như điên. Anh có cảm tưởng mình vừa được sinh ra lần nữa.

Fritsch ra lệnh đưa cha Kolbe cùng 9 người khác trong hầm ngầm để răn đe việc trốn trại. Sau hai tuần bị bỏ đói bỏ khát, chỉ còn cha Kolbe sống sót. Chiều 14.8.1941, cha Kolbe bị tiêm liều Phenol kết liễu cuộc đời trong trại giam. Thi thể của cha được hỏa táng ngày 15.8.1941, nhằm ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời.

Ngày 10.10.1982, cha Maximilian Kolbe đã được phong Hiển thánh bởi Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và có sự hiện diện của trung sĩ Francois Gajwniczek, người được cứu sống bởi ngài.

Còn tổng giám thị Karl Fritzsch, để tránh bị trả thù nên đã tự sát ngày 2.5.1945 ở tầng hầm của căn nhà tại số 42 Sächsische Strasse ở Berlin.

Bài và ảnh: BÙI THỊNH (NKYN)

Bao Nguyen Quang ST

Thánh Pancratiô (c. 304), tử đạo trẻ tuổi

Chúc 1 ngày thật mạnh mẽ trong đức Tin, bền vững trong đức Cậy, dồi dào trong đức Mến nhé. Hãy cầu nguyện cho nhau. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Pancratiô (c. 304), tử đạo trẻ tuổi. Mừng bổn mạng đến những  ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương,

Thứ 5: 12/05/2022

Thánh Pancratiô là vị tử đạo thời tiên khởi mà chúng ta biết rất ít về ngài. Truyền thuyết nói rằng ngài sinh vào cuối thế kỷ thứ ba và được người chú ở Rôma nuôi dưỡng sau khi cha mẹ mất sớm. Sau đó, hai chú cháu theo Kitô Giáo. Trong thời gian cấm đạo của Hoàng Ðế Diocletian, vì không chịu tế thần nên đã Pancratiô bị chặt đầu năm 304, lúc ấy ngài mới 14 tuổi. Ngài chết vào lúc mới 14 tuổi trong năm 304. Pancras là một thiếu niên rất đẹp trai và khỏe mạnh, luôn thắng các thiếu niên khác trong những trận đô vật. Một hôm Pancratiô thắng một thiếu niên ngoại đạo, người này rất tự phụ tự đắc. Để trả thù, hắn đi tố với hoàng đế rằng Pancratiô là người Công giáo. Thời đó, đạo Công giáo bị luật Rôma cấm đoàn.

    Hoàng đế là bạn thân của cha Pancratiô (người cha này đã qua đời), nên muốn tha cho Pancratiô. Ông cố gắng làm mọi cách cho Pancratiô thay đổi ý . Hoàng đế nói:  Con chỉ cần dâng vài lời cầu nguyện với các thần của ta, và ta sẽ ban cho quyền bính trong đế quốc ta. Tuy Pancratiô sợ chết lắm, nhưng em không thể chối Chúa Giêsu. Pancratiô đáp lại: Nhờ phép rửa tội, tôi đã nên con Thiên Chúa. Tôi không bao giờ từ chối Chúa Giêsu, cho dù có được cả một đế quốc. Thế là Pancratiô đã bị xử tử hình.

    Ngài đã tỏ ra can đảm biết bao khi bị điệu qua các đường phố như một một tên trọng tội. Ngài đã không hề kêu la khi quân lính đánh đòn, và không hề đổi ý khi nghe dân chúng chế nhạo. Trái lại, Pancratiô đã nghĩ đến Chúa Giêsu đang bị điệu qua các ngả đường Giêrusalem đến nơi Ngài bị đóng đinh. Trước khi Pancratiô bị một lưõi gươm chém đầu, Ngài đọc lời kinh này chứng tỏ sự bình an trong tâm hồn và sức mạnh Ngài có : “Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa về đau khổ con sắp lãnh nhận. Con chấp nhận đau khổ này với lòng hân hoan, vì biết rằng cái chết của con sẽ đưa con về Thiên Đàng để ở với Chúa mãi mãi. Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ những kẻ sắp giết con!”

    Ngài được chôn trong một nghĩa địa mà sau này mang tên của ngài. Thánh Pancratiô được nước Anh đặc biệt sùng kính vì Thánh Augustine ở Canterbury đã dâng hiến một nhà thờ ở đây cho Thánh Pancratius, và thánh tích của ngài được tặng cho vua xứ Northumberland.

    “Chúng sẽ bắt bớ và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và nhà tù, và chúng sẽ điệu anh em đến trước mặt vua quan vì danh Thầy. Ðó là cơ hội để anh em làm chứng. Hãy nhớ rằng, đừng lo nghĩ cách bào chữa, vì chính Thầy sẽ cho anh em tài ăn nói khôn ngoan khiến tất cả các địch thủ không tài nào chống đối hay bắt bẻ được” (Lc 21:12-15).

Lạy Thánh Pancratiô, xin cầu bầu cho con biết luôn luôn kiên trì trong đức tin.

Thánh Đamien

Thánh Đamien

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội Hoa Kỳ mừng kính Thánh Đamien, vị anh hùng của người Hawaii. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương

Cha Đamien của hòn đảo Molokai, Hawaii, tên là Joseph De Veuster sinh tại Tremelo, Bỉ vào ngày 3 tháng 1 năm 1840. Khi anh của ngài vào tu dòng Thánh Tâm, cha của Ngài chuẩn bị để Ngài nối nghiệp buôn bán của gia đình. Tuy nhiên, Ngài quyết định hiến thân mình cho Chúa. Năm 1859, Ngài vào tu tại một chủng viện ở Louvain và lấy tên là Đamien.

    Năm 1863, anh của Ngài được sai đi truyền đạo ở quần đảo Hawaii nhưng không may bị bệnh rất nặng. Đamien xin bề trên và được phép đi thay cho anh của mình. Ngài đến Honolulu vào ngày 19 tháng 3 năm 1864 và được phong chức linh mục vào ngày 21 tháng 5 năm 1864. Ngài được sai đến Big Island để bắt đầu công việc của một vị linh mục.

    Vào thời gian đó, chính quyền Hawaii quyết định ngăn chặn sự lây lan của bịnh cùi bằng cách trục xuất những người bị nghi ngờ là mắc bệnh cùi tới Kalaupapa trên hòn đảo Molokai – một nơi rất xa xôi và hẻo lánh được bao quanh với núi và biển. Những người bị bỏ rơi này xin được có một bậc tu trì đến để giúp đỡ họ về những nhu cầu tinh thần. Đức Cha Louis Maigret nói cho các cha nghe về vấn đề này và có vài cha xung phong đi trong vòng vài tháng. Cha Đamien là người đầu tiên ra đi vào ngày 10 tháng 5 năm 1873. Với lời xin của Ngài và của những người cùi ở Kalaupapa, Ngài đã ở lại Molokai.

Ngài đã mang những tia hy vọng tới chốn địa ngục đầy thất vọng này. Ngài đã trở thành nguồn an ủi và sự khuyến khích cho đàn chiên của ngài bằng cách trở thành vị bác sĩ cho linh hồn và thể xác của họ không kể sắc tộc và màu da. Ngài đã trở thành tiếng nói của những người câm và xây dựng một cộng đoàn nơi những người cùi tìm ra những lý do mới để sống. Một nơi không luật pháp đã trở thành một nơi thống trị bởi luật yêu thương.

    Sau khi Ngài bị nhiễm bệnh cùi vào năm 1885, cha Đamien đã có thể cảm thông hoàn toàn với những bệnh nhân cùi. Ngài thường nói, “Chúng ta, những người cùi”. Cha Đamien trở thành một chứng nhân tình yêu của Chúa cho mọi người. Sức mạnh của Ngài đến từ Thánh Thể như chính Ngài đã viết: “Chính nơi chân bàn thờ là nơi chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh chúng ta cần khi bị bỏ rơi . . .” Chính nơi này Ngài đã tìm ra sức mạnh và sự khuyến khích để phục vụ anh chị em cùi. Vì những tia hy vọng và sự âm thầm phục vụ người là “vị truyền giáo hạnh phúc nhất trên thế gian”, và là một đầy tớ trung thành của Chúa và nhân loại.

    Cha Đamien đã qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1889 sau 16 năm sống và phục vụ giữa những bệnh nhân cùi. Xác Ngài đã được chuyển về Bỉ năm 1936 nơi người được chốn cất trong nhà dòng Thánh Tâm tại Louvain. Ngài đã được biết đến khắp thế giới. Năm 1938, quá trình xin phong cho Ngài làm Á Thánh được giới thiệu tại Malines, Bỉ. Đức Giáo Hoàng Phaolô thứ VI đã kí nghị định “anh hùng của sự trinh tiết và thương yêu” vào ngày 7 tháng 7 năm 1977.

    Qua Cha Đamien, Giáo Hội có một tâm gương cho những người tìm được ý nghĩa trong Kinh Thánh và cho những người mong ước đem Tin Mừng của Chúa đến cho người nghèo. Năm 1955, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Cha Đamien làm Á Thánh tại Burssels. Vào ngày 11 tháng 10 năm 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI phong thánh cho Ngài. Ngày mừng kính thánh Đamien là ngày 10 tháng 5 hằng năm.

    Hai Phép lạ đã được Tòa Thánh công nhận là do lời cầu xin của Chân Phước Damien:

(1) Ngày 13 tháng sáu, 1992, ĐGH Gioan Phaolô II công nhận Phép lạ xẩy ra năm 1895 cho một Nữ tu người Pháp, tên là Simplicia Hue, nằm chờ chết vì bịnh ruột. Nhờ làm tuần 9 ngày cầu xin Cha Damien cứu chữa, nên qua một đêm, liền hết bịnh.

(2) Phép lạ thứ hai xẩy đến cho một phụ nữ người Hawai’i bị ung thư, tên là Audrey Toguchi. Năm 1997, bà được Bác sĩ Walter Chang cho biết: chứng ung thư tế bào đã lan khắp chân, và phổi. Không thể chửa lành được. Và hồ sơ bệnh trạng được lưu trữ tại”Hawai’i medical Journal, October 2000”.  Toà Thánh đã công nhận là hai phép lạ thật, và cần thiết để ĐGH Benêđitô XVI tuyên bố Chân Phước Damien lên bậc Hiển Thánh.