Thánh An-giê-la Mê-ri-si, Trinh nữ-Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để mang chữ “NHÂN” vào những mảnh đời đang đau khổ. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh An-giê-la Mê-ri-si, Trinh nữ. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thánh nhân sinh ngày 21 tháng 3 năm 1474 tại Desenzano, xứ Lombardie, Ý Đại Lợi. An-giê-la mồ côi cha mẹ và ở với các anh và cậu. Vào lúc 56 tuổi, An-giê-la Mê-ri-si (Angela Merici) từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết Ðức Clementê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng An-giê-la biết công việc điều dưỡng không phải là điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.

Ngài mới từ Ðất Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời của Thiên Chúa.

Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu. An-giê-la là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa — và cũng qua thị kiến ấy ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.

Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài — dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục như ngày nay.

Ðể giúp đỡ các em, An-giê-la nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình, họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi An-giê-la được yêu cầu đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh ngạc, kể cả đức giáo hoàng.

Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của An-giê-la là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.

Thánh An-giê-la Mê-ri-si từ trần ngày 27 tháng 1 năm 1540 tại Brescia, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi. Mộ phần trở nên một nơi hành hương. Thánh tích còn tại thánh đường Thánh Afra, Brescia Ý Đại Lợi. Ngay sau khi qua đời, nữ tu Angela đã được dân chúng thành phố ca tụng như một đấng thánh. Họ đến kính viếng thi hài của chị thánh đông đảo đến độ phải hoãn lễ an táng đến 30 ngày sau.

Thánh nữ được tôn phong Chân Phước năm 1768 do Đức Giáo Hoàng Clement XIII và đến ngày 27 tháng 5 năm 1807 Đức Giáo Hoàng Pius VII đã ghi tên thánh nữ vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội. (Nguồn: Dòng Tên) Mời bạn suy niệm 2 câu nói của ngài hôm nay nhé:

1/ Chúng ta phải làm phúc bố thí. Đức bác ái chinh phục và lôi kéo các linh hồn đến với nhân đức.

2/ Hãy nhớ rằng ma quỷ không ngủ đâu nhưng luôn tìm đủ mọi cách để huỷ hại chúng ta.

3/ Hãy làm ngay bây giờ những gì mà bạn ao ước làm khi giờ lâm tử của bạn đến.

Câu nào đánh động bạn nhất? Theo mình thì câu 3

Lạy Thiên Chúa nhân từ, Chúa đã cho thánh An-giê-la trinh nữ nên gương bác ái và khôn ngoan; vì lời thánh nữ cầu thay nguyện giúp, xin cho chúng con cũng noi theo Người mà trung thành tuân giữ lời Chúa dậy, và tuyên xưng đức tin trong cuộc sống hằng ngày (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh nữ An-giê-la Mê-ri-si).

From: Đỗ Dzũng

Thánh Phanxicô De Sales-Cha Vương


Chúc Tết! Chúc Tết! Trong tâm tình của ngày mùng 3 Tết là ngày cầu xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm của bạn. Mời bạn hãy dâng lên Chúa tất cả những công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ bạn sẽ gặp:

* Xin Chúa giúp bạn có việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.

* Xin Chúa giúp bạn cảm thấy hạnh phúc trong công việc của mình.

* Xin Chúa mở rộng con tim của bạn để bạn biết chia sẻ cho những người túng thiếu.

* Nhất là, xin Chúa giúp bạn được nên thánh trong công việc hằng ngày—bằng cách khi làm việc, bạn không quên Chúa, nhưng luôn nhớ đến Chúa và cậy nhờ vào Ngài.

Cha Vương

Hôm nay 24/01 cũng là ngày Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô De Sales. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Phanxicô De Sales là quan thầy nhé.

Thứ 3: 24/01/2023

Thánh Phanxicô De Sales (Francis de Sales) sinh năm 1567 trong một vùng biên giới nước Pháp, là con ông chúa vùng Boisy, một gia đình thượng lưu quyền quý nhà Savoia. Sống giữa hai thế kỷ XVI-XVII. Thánh nhân quy tụ nơi mình cái tinh túy của các giáo huấn và các chinh phục văn hóa thời đó, bằng cách hòa giải gia tài của thuyết nhân bản với sự thúc đẩy hướng tới cái tuyệt đối của các trào lưu thần bí. Lối sống của Ngài được đặt trên nền tảng của Lời Chúa: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường thật.” (Mt 11:29) Vào lúc tột đỉnh của một cuộc thử thách, Phanxicô đến nhà thờ các cha dòng Đaminh ở Paris, rộng mở con tim cho Chúa và cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa là Đấng nắm giữ mọi sự trong tay, và các con đường của Ngài là công lý và sự thật, bất cứ sự gì xảy ra, bất cứ gì Chúa đã thiết định cho con… Chúa luôn luôn là thẩm phán công bằng và là Cha thương xót, con sẽ yêu Chúa, lạy Chúa… Con sẽ yêu Chúa ở đây và sẽ luôn luôn hy vọng nơi lòng thương xót Chúa và sẽ luôn luôn lập lại lời ca ngợi Chúa… Ôi lạy Chúa Giêsu, Chúa sẽ luôn mãi là niềm hy vọng và ơn cứu độ của con trên cõi đất của các kẻ sống” (I Proc. Canon., Vol I, art 4).

Để bày tỏ lòng kính mến thánh nhân, mời bạn hãy đọc đi đọc lại lời cầu nguyện của Thánh Phanxicô De Sales, noi gương thánh nhân để lại, và biết hết lòng phục vụ anh em, để làm chứng lòng yêu thương nhân hậu của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

Phanxicô De Sales, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng

Giáo Hội Hoa Kỳ mừng kính thánh Vinh-Sơn, Phó Tế, tử đạo

Chúc Mừng Năm Mới! Chúc Tết, chúc Tết—chúc bạn khôn ngoan và dẻo gai như mèo, thoát cảnh đói nghèo, giảm bớt kèo nhèo… Mùng Hai tết, người Việt Nam ta có truyền thống bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ còn sống và đã qua đời: Thắp nén hương và xin lễ cho ông bà tổ tiên; đến hoặc gọi điện mừng tuổi ông bà cha mẹ… Đó là những truyền thống tốt đẹp hợp với Lời Chúa dạy rất cần phải giữ và phát huy trong thời đại ngày nay. Hơn thế nữa, không chỉ nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ trong những ngày xuân hay những ngày kỷ niệm khác, mà còn phải thực hiện hành vi thảo kính mỗi ngày: tham dự thánh lễ cầu nguyện cho các ngài, quan tâm chăm sóc khi cha mẹ già yếu, bệnh tật,… Bằng không hãy coi chừng, sẽ bị khiển trách như Chúa Giêsu đã quở trách những người Pha-ri-sêu là “kẻ đạo đức giả” đó.  Hôm nay cũng là ngày Giáo Hội Hoa Kỳ mừng kính thánh Vinh-Sơn, Phó Tế, tử đạo. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng con.

Cha Vương

Ca nhập lễ, lễ thánh tử đạo có viết: “Vì lề luật Chúa. Vị thánh này đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, không sợ hãi lời đe dọa của người gian ác. Bởi Người được xây dựng trên tảng đá vững bền”. Thánh phó tế Vinh Sơn đã can đảm khi bị tù ngục, tra tấn, đánh đập dã man, Ngài đã hân hoan thốt lên:” Chúng tôi sẵn sàng chịu cực hình vì tình yêu Thiên Chúa”.

THÁNH VINH SƠN: Thánh sử Matthêu viết lại lời Chúa phán như sau:” Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mt 16, 24 ). Lời này quả rất thích hợp với con người của thánh phó tế Vinh-Sơn. Ngài sinh ra tại Huesca, nước Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ, thánh Vinh Sơn đã được hấp thụ một nền đạo đức vững chắc do Ðức cha Valêriô, giám mục Sagarosse hướng dẫn. Không những Ðức Cha Valêriô truyền đạt, hun đúc đời sống cho Vinh Sơn với tất cả nền đạo đức vững chắc mà Ngài còn dậy văn chương, chữ nghĩa cho Vinh Sơn. Ðược đào tạo, hun đúc trong bầu khí thánh thiện và tràn Thánh Thần của Chúa, thánh Vinh Sơn càng lúc càng trở nên con người tốt, trở nên mẫu mực và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Thấy Vinh Sơn có khả năng, lòng đạo đức, Ðức Cha Valêriô đã truyền chức phó tế cho Vinh Sơn để phụ giúp Ðức Cha trong việc loan báo Tin Mừng. Sóng gió của cơn bách hại đạo nổi dậy, nhưng thánh Vinh Sơn vẫn một mực tin cậy vào Chúa:” Ðiều đẹp ý Ngài, xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con. Xin thần khí tốt lành của Chúa, dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu”( Tv 142, 10 )” Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ”( Tv 30, 2 ). Cơn bách hại đạo càng ngày càng gia tăng khi Ðacianô được đề cử làm tỉnh trưởng Valence thời Hoàng đế Ðioclêtianô năm 300. Việc đầu tiên, Ðacianô làm là truyền bắt giam Ðức Cha Valêriô và phó tế Vinh-Sơn. Ðacianô ra lệnh tra tấn Ðức Cha Valêriô và phó tế Vinh- Sơn cách hết sức dã man và tàn nhẫn hầu dằn mặt và lung lạc tinh thần các Kitô hữu. Ðức Cha Valêriô và phó tế Vinh Sơn lúc nào cũng hân hoan vui sướng như lời thánh vịnh:” Ai ra đi trong nước mắt, sẽ về giữa vui mừng “

CHÚA YÊU THƯƠNG THÁNH VINH SƠN: Sau nhiều ngày bị giam cầm, đánh đập, tra tấn, căng xác tàn nhẫn, bỏ đói, bỏ khát, thánh nhân đã hân hoan trở về với Chúa vào ngày 22/01/304. Chúa đã trao cho Ngài mũ triều thiên tử đạo như lời Giáo Hội hát lên:” Ðây thực là vị tử đạo. Ðã đổ máu mình vì danh Ðức Kitô, không sợ hãi lời đe dọa của quan tòa và đã tiến vào thiên quốc “.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin tuôn đổ ơn Thánh Thần Chúa trên chúng con, để tâm hồn chúng con được thấm nhuần tình yêu can trường, cũng như thánh Vinh Sơn tử đạo đã nhờ tình yêu đó mà thắng mọi cực hình (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Vinh Sơn, phó tế, tử đạo).

(Nguồn: Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCC)

From: Đỗ Dzũng

Nhạc Thánh Ca | Cầu Cho Cha Mẹ 7 | Đoàn Văn Tú

Thánh Annê, trinh nữ tử đạo, Người Ý (-304)

Chuẩn bị đón giao thừa chưa? Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Annê (Agnes), trinh nữ tử đạo. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh nữ làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 21/01/23

Thánh Annê, trinh nữ tử đạo, Người Ý (-304)

  1. Đẹp nhưng thuộc về Chúa: Agnes là con một gia đình quý phái ở Roma, sống vào thời đang bắt đạo dữ dội. Chỉ mới 12 tuổi, cô đã chọn Chúa làm người yêu duy nhất và đem hết tâm tình yêu mến Chúa.

Tục truyền rằng Agnes rất xinh xắn, nên nhiều chàng trai muốn xin cưới, trong đó có một thanh niên ngoại giáo, con Tổng Trấn Roma xin cầu hôn. Lúc ấy ngài mới 13 tuổi.  Ngài trả lời :

-Tôi đã kết hôn với người trên trời, đã hiến trọn trái tim cho người, sống chết tôi cũng trung thành với người. Ngài chính là Chúa Giêsu vua cả, trời đất đều đáng khâm phục.

  1. Không nao núng trước cám dỗ, không sợ chết: Chàng thanh niên theo đuổi không được, nên đem lòng ghen tức, tố cáo cô là người Công Giáo. Giữa lúc cơn bắt đạo dữ dằn, thế là thánh nữ bị bắt và bị tra tấn. Agnes nhìn những dụng cụ tra tấn cách bình tĩnh.

Sau đó, tổng trấn cho dẫn cô tới nhà điếm để bị cám dỗ. Lạ lùng, tất cả những người đàn ông trong nhà đó trông thấy cô đều sợ hãi không dám lại gần. Một người nhìn cô với lòng ham muốn, liền bị mù ngay. Agnes cầu xin Chúa cho hắn, và hắn được khỏi mù. Tổng trấn thấy không chinh phục nổi cô bé, liền ra lệnh chém đầu. Thánh Ambrosio viết: “Agnes tiến ra pháp trường, còn vui hơn người ta đi ăn cưới”.

Hài cốt thánh nữ đã được an táng trong biệt thự của gia đình. Năm 321 công chúa của hoàng đế Constantinô được thánh nữ chữa lành bệnh, nên đã xây nhà thờ trên mộ thánh nữ. Thánh Ambrosio đã viết:”Hôm nay là ngày sinh nhật của trinh nữ, chúng ta hãy noi gương thánh nữ, quyết giữ hồn xác thanh sạch vì lòng mến Chúa, và dù có phải gian nan bắt bớ, chúng ta cũng hãy xin ơn trung thành bền đỗ tin yêu Chúa suốt đời”.

Người ta vẽ hình thánh nữ bế con chiên, vì tên Annê (Agnes) có nghĩa là chiên. (Nguồn: Dân Chúa)

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Annê tử đạo về trời, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Kitô Chúa chúng con. (Kinh Thần Vụ)

From: Đỗ Dzũng

Thánh Fabianô, Giáo hoàng tử đạo (250) – Cha Vương

Tạ ơn Chúa một ngày mới! Mới ngủ dậy mà mình đã nghe thấy tiếng mèo kêu ngoài cửa muốn đòi vào nhà rồi. Cọp vẫn còn trong nhà mà chú mèo ơi, rán đợi thêm 48 tiếng đồng hồ nữa nhé. Chúc mọi người một ngày an lành trong tâm tình chuẩn bị đón Xuân. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Fabianô, Giáo hoàng tử đạo (250). Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng con.

Cha Vương

Thứ 6: 20/01/2023

Thánh Fabianô là Giáo hoàng tử đạo năm 250. Đó là thời bắt đạo của vua Desius. Các văn gia tiên khởi đã viết rằng ngài là một con người vĩ đại lạ thường, nổi tiếng thánh thiện. Trong một lá thư ngắn được viết sau cái chết của Đức Fabianô, thánh Cyprianô đã giải thích cách thức Đức Fabianô được chọn làm Giáo hoàng: nhóm người họp lại chọn vị Giáo hoàng kế tiếp đã nhận được một dấu lạ là phải chọn Fabianô làm Giáo hoàng.

Theo sử gia Eusebius của Giáo Hội, bỗng dưng có một con chim bồ câu từ trần nhà bay xuống, nhưng không đậu trên “bất cứ ai nổi tiếng”. Theo Eusebius, bồ câu “đậu trên đầu Fabian giống hệt như Chúa Thánh Thần ngự trên Ðấng Cứu Thế dưới hình chim bồ câu.” Ðiều đó phải có một ý nghĩa gì liên quan đến sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, và mọi người đồng thanh tuyên bố Fabian “xứng đáng” là giáo hoàng và tuyển chọn ngài lên ngôi Giáo Hoàng thứ 20 kế vị Thánh Phêrô ngày 10 tháng 01 năm 236. Ðối với chúng ta, bồ câu tượng trưng cho sự hòa bình, và chim bồ câu ấy là điềm báo trước. Ngài là người giáo dân đầu tiên được làm Giám mục, Giáo hoàng.

Bắt đầu từ gần ngày Fabian được tuyển chọn, việc bách hại và đau khổ của  Giáo Hội cũng chấm dứt. Hoàng đế Philip, thân thiện với Kitô Hữu và không những ông ngừng bách hại mà còn chấp nhận các nghi lễ của Kitô Giáo.

Trong thời gian hòa bình, Ðức Fabian đã có thể xây dựng cơ cấu Giáo Hội Rôma, ngài đặc biệt lưu tâm đến giới nghèo. Ngài chỉ định bảy phó tế phụ tá, trao bảy khu vực trong đế quốc La Mã cho các vị trông coi và đồng thời ra chỉ thị cho các vị phải chăm sóc đặc biệt cho những người nghèo khó trong khu vực trách nhiệm của mình. Ngài cho thu thập các chứng thư tử đạo trong những năm gần đấy. Ngài cho canh tân nghi thứ phụng vụ ngày thứ năm Tuần Thánh. Trong thời ngài, cuộc xuất hành ra khỏi Roma để trốn tránh sự bách hại của Decius đã làm nảy sinh đời sống tu hành của các ẩn sĩ.

Nhưng như ở bất cứ thời gian nào, những người có quyền thường không vui khi thấy các kẻ lạ mặt gia tăng và phát đạt. Có nhiều lần người ngoại giáo đã tấn công Kitô Hữu, và khi hoàng đế Philip từ trần thì thời gian bình an cũng chấm dứt. Hoàng đế mới là Decius, ra lệnh cho mọi Kitô Hữu phải khước từ Ðức Kitô bằng cách thờ cúng tà thần, hoặc tham dự các nghi thức ngoại giáo khác.

Sau một vài năm bình an, Giáo Hội vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều người đã không đủ can đảm để tử đạo. Nhưng Ðức Fabian, một biểu tượng hoà bình nổi bật, đã đứng lên để can đảm làm gương cho mọi người trong đàn chiên. Ngài chịu tử đạo ngày 20 tháng 01 năm 250 và được chôn cất trong nghĩa trang Calixtus, là nơi chính ngài giúp tân trang.

Trong Nghĩa Trang Calixtus, ngày nay vẫn còn có một bia đá dùng để đậy mồ Thánh Fabian, bị vỡ làm bốn mảnh, có mang dòng chữ Hy Lạp, “Fabian, giám mục, tử đạo.” Những di tích của Đức Fabianô hiện đang được lưu giữ trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Sêbastianô. (Nguồn: ns Người Tín Hữu online, Cố Lm Hồng Phúc, CSsR)

From: Đỗ Dzũng

Thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV-Cha Vương

Thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV

Chúc bình an! Hôm nay 17/1 Giáo Hội mừng kính thánh An-tôn, Viện Phụ, Thế kỷ IV. Mời bạn đọc/đọc lại hành trình nên thánh của ngài nhé, lý thú lắm!

Cha Vương

Thứ 3: 17/01/2023

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ. Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh: “Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta” (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó.

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi “căn phòng” và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa.

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: – Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được. Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời: – Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện: -Ôi, lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con?

Tiếng Chúa trả lời: – Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: – Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau : – Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

– Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết? Thánh nhân trả lời: Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: – Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ: Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô.

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: – Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại. (Nguồn: Mạng Vui Học Thánh Kinh)

Chết là từ bỏ cái tôi cái ích kỷ để được sống tự do với Chúa. “Hãy sống như phải chết mỗi ngày.” Mời bạn hãy cố “chết” đi một tí hôm nay nhé.

Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh

Dù bạn đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, nơi nào, lúc nào, chúc bạn có được một cảm thức sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa đang nói với bạn: Ta biết con… It’s OK! Con đừng sợ, đã có Thầy đây…”

Cha Vương

Thứ 6: 13/01/2023

Hôm nay 13/1 Giáo Hội mừng kính Thánh Hi-la-ri-ô, giám mục, (315-368), tiến sĩ Hội Thánh. Ngài là đấng bầu cử cho những ai bị rắn cắn và bệnh thấp khớp. Thánh Hilariô được đánh động bằng một lời Cựu Ước: “Ta là Ðấng tự hữu”. Từ khi được Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động mạnh mẽ, thánh nhân đã quyết tâm tìm gặp Chúa và quyết đi theo Chúa.

MỘT CUỘC ÐỜI: Thánh nhân sinh tại Aquitaine nước Pháp vào năm 315 trong một gia đình thế giá và giầu có, danh tiếng. Thánh nhân đã được hấp thụ một nền giáo dục tốt và đầy đủ. Chính vì thế, Ngài đã có một đức tính cương trực, ngay thẳng và trong sạch. Thánh nhân ham mê và thích văn chương, triết lý ngay từ thuở thiếu thời. Mặc dầu ngoại giáo nhưng sự đắm chìm vào những suy tư sâu sắc, Hilariô đã sớm giác ngộ và tìm về chân lý. Ngài đã xin trở lại đạo và xin rửa tội làm con Chúa và con của Giáo Hội. Trở về với Chúa, thánh nhân đã nêu gương một đời sống thánh thiện và đạo đức. Nhờ tài ăn nói lưu loát, thánh nhân đã mau chóng trở thành chứng nhân của Chúa Giêsu. Vào năm 350, thánh nhân được chọn làm giám mục Poitiers. Ngài nhiệt thành với sứ vụ mới Chúa trao. Ngài hăng say chống lại bọn lạc giáo Ariô. Ngài đã triệu tập công đồng các giám mục để ra vạ tuyệt thông cho Ursace và Valens vì bọn lạc giáo được hoàng đế Constance che chở. Tuy nhiên, bọn lạc giáo đã cấu kết với nhau để đầy Ngài qua đảo Phrygie. Dù tù tội, thánh nhân không nao núng, Ngài đã viết bộ tổng luận 12 cuốn trình bầy về Thiên Chúa Ba Ngôi để chống lại bè rối Ariô. Bốn năm tù đầy, thánh nhân luôn hướng về địa phận của Ngài và viết nhiều thư luân lưu, động viên giáo dân của Ngài giữ vững niềm tin. Hoàng đế Constance đã cho triệu tập công đồng tại Séleucide, tại đây thánh Hilariô cũng được mời tham dự. Thánh nhân với tác động của Chúa Thánh Thần đã hăng say bênh vực Hội Thánh và thuyết phục được toàn bộ các giám mục tin vào Giáo Hội, tin vào giáo lý chân chính của Chúa Giêsu và các tông đồ. Tại công đồng Séleucide, bọn lạc giáo bị thất bại chua cay, nên đã bàn với hoàng đế Constance tha cho Ngài được hồi hương. Ngày trở về địa phận của thánh nhân đã làm cho mọi người hân hoan, vui mừng Chúa đã làm một phép lạ minh chứng quyền năng của Ngài qua bàn tay của thánh nhân: một em bé đã chết chưa kịp rửa tội, được Ngài làm cho sống lại.

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH NHÂN: Mặc dầu tuổi già, sức yếu, thánh Hilariô vẫn hăng say chu toàn sứ mạng mục tử và tiếp tục viết nhiều sách rất có giá trị. Thánh nhân được Chúa gọi về ngày 13/01/369. Tại Bordeaux, các giám mục đã thỉnh cầu Ðức Thánh Cha Piô IX ban cho thánh Hilariô tước vị tiến sĩ Hội Thánh ngày 10/01/1852.

Lạy thánh Hilariô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con luôn hăng say nhiệt thành loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng cứu độ của Chúa. (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

 

Mời bạn đọc chậm và suy niệm Kinh Tin Kính, nhất là đến câu: “Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô là con một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria Đồng Trinh…” “Như trong Kinh Tin Kính trong ngày lễ Giáng Sinh bạn quỳ gối để tôn thờ mầu nhiệm Nhập Thể này. Thiên Chúa đã trở nên xác phàm. Ngài đã trở thành thịt và máu: Ngài tự hạ mình đến nỗi trở thành như chúng ta, chịu nhục đến nỗi mang lấy những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và vì vậy, Ngài xin chúng ta hãy tìm kiếm Ngài, không phải bên ngoài cuộc sống và lịch sử mà trong mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em. Hãy tìm kiếm Chúa trong cuộc sống, trong lịch sử, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Và đây là con đường để gặp gỡ Thiên Chúa: là sống mối tương quan với Chúa Kitô và với anh chị em. (Lời huấn dụ của ĐTC Phanxicô)

From: Đỗ Dzũng       

Thánh Andre Bessette (1845-1937)

Chúc một ngày tươi vui khoẻ! Hôm nay 6/1 Giáo Hội mừng kính Thánh Andre Bessette (1845-1937). Đối với những ai đã từng đến thăm viếng Đền Thánh Giu-se ở Montréal (Quebec), Canada, thì họ không thể nào không nghe đến tên vị thánh đơn sơ nhỏ bé này. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng con.

Cha Vương

Alfred Bessette sinh ngày 09 tháng 8 năm 1845 tại Québec, là con thứ tám trong một gia đình 12 anh em. Mồ côi cha mẹ sớm, Alfred phải trải qua nhiều đói khổ và bệnh tật, làm bánh mì, làm thợ giày, thợ rèn, lại mắc bệnh yếu bao tử không làm được việc nặng mà Alfred phải mang suốt đời. Ðiều làm cho anh vượt thắng là sự cậy trông vào Chúa quan phòng và Thánh Cả Giuse.

Khi Alfred Bessette đến tu hội Các Thầy Thánh Giá vào năm 1870, anh mang theo tờ giấy giới thiệu của cha xứ viết rằng, “Tôi gửi đến các thầy một vị thánh.” Thật khó để các thầy dòng ở đây tin nổi. Bệnh đau bao tử kinh niên đã khiến Alfred không thể đảm nhận được công việc nào lâu dài, ngay từ khi còn nhỏ Alfred đã lang thang từ nông trại này sang nông trại khác, tiệm này sang tiệm khác, ở ngay trên quê hương Gia Nã Ðại hoặc ở đất Hoa Kỳ, mà chỉ được có vài hôm là chủ nhân phải sa thải vì anh không thể làm được việc nặng nhọc. Công việc của các thầy dòng Thánh Giá là dạy học và dù đã 25 tuổi, Alfred vẫn chưa biết đọc biết viết. Dường như anh đến nhà dòng vì sự tuyệt vọng hơn là vì ơn gọi đi tu.

Alfred thật tuyệt vọng, nhưng anh cũng là người siêng năng cầu nguyện và rất thành tâm với Thiên Chúa cũng như sùng kính Thánh Giuse. Có lẽ anh chẳng còn nơi nào để nương tựa, nhưng anh tin rằng đây là nơi anh phải sống trong suốt cuộc đời.

Nhà dòng nhận anh vào đệ tử nhưng sau đó không lâu họ thấy đúng như những gì trong quá khứ – dù Alfred, bây giờ là Thầy Andre, rất muốn làm việc, nhưng sức khỏe không cho phép. Họ yêu cầu thầy rời nhà dòng, nhưng trong sự tuyệt vọng, thầy đã xin đức giám mục sở tại can thiệp để được ở lại và được giao cho công việc khiêm tốn là gác cổng trường học Notre Dame ở Montreal, cùng với các nhiệm vụ phụ là dọn lễ, giặt giũ và đảm trách việc thư từ. Thầy Andre khôi hài rằng, “Khi tôi gia nhập cộng đoàn này, cha bề trên chỉ cho tôi cánh cửa ấy, và tôi ở đó suốt 40 năm.”

Trong căn phòng nhỏ bé của ngài ở gần cổng trường, hầu như suốt đêm ngài quỳ gối cầu nguyện. Trên thành cửa sổ, trông ra đồi Royal, là bức tượng Thánh Giuse nhỏ, là người mà thầy hằng sùng kính ngay từ khi còn nhỏ. Khi được hỏi về điều ấy thầy trả lời, “Một ngày nào đó, Thánh Giuse sẽ được tôn kính một cách đặc biệt trên đồi Royal!”

Khi biết có ai bị đau yếu, ngài đến thăm để cổ võ tinh thần cũng như để cầu nguyện với họ. Ngài cũng thường thoa lên bệnh nhân chút dầu lấy từ chiếc đèn luôn cháy sáng trước tượng Thánh Giuse trong nguyện đường của trường học. Từ đó tiếng đồn về sức mạnh chữa lành bắt đầu lan tràn.

Khi bệnh dịch bùng nổ từ một trường kế cận, Thầy Andre đã xung phong đến đó chăm sóc bệnh nhân. Không một ai bị thiệt mạng. Số người bệnh đến với thầy ngày càng gia tăng. Cha bề trên cảm thấy bối rối; giới thẩm quyền địa phận nghi ngờ; các bác sĩ gọi ngài là lang băm. Thầy thường lập đi lập lại rằng “Ðâu có phải tôi chữa mà là Thánh Giuse.” Sau cùng thầy phải cần đến bốn người thư ký để trả lời 80,000 lá thư ngài nhận được hàng năm.

Ðã nhiều năm Tu Hội Thánh Giá cố nài nỉ để mua lấy miếng đất trên ngọn đồi Royal nhưng không thành công. Thầy Andre và một vài người khác đã leo lên đó để đặt một tượng Thánh Giuse. Bỗng dưng, chủ đất đồng ý. Thầy Andre quyên góp được $200 để xây một nhà nguyện nhỏ và dùng làm nơi tiếp khách thập phương mà ở đó lúc nào thầy cũng tươi cười để thoa dầu Thánh Giuse trên bệnh nhân. Có người được khỏi bệnh, có người không. Số nạng, gậy chống cũng như xe lăn người ta bỏ lại để minh chứng cho sức mạnh chữa lành của Thánh Giuse ngày càng gia tăng.

Nguyện đường cũng cần được nới rộng thêm. Vào năm 1931, một thánh đường to lớn được khởi công xây cất, nhưng tài chánh bị thiếu hụt vì đó là thời kỳ đại suy thoái. “Hãy đặt tượng Thánh Giuse vào trong ấy. Nếu ngài muốn có mái che trên đầu thì ngài sẽ giúp cho.” Sau cùng, Vương Cung Thánh Ðường Thánh Giuse nguy nga trên đồi Royal đã hoàn thành sau 50 năm xây cất.

Nhưng Thầy Andre đã không được chứng kiến ngày huy hoàng đó, và đã từ trần ngày 06 tháng 01 năm 1937 khi thầy 92 tuổi. Mặc dầu trời giá lạnh tuyết băng, hơn một triệu người đã tham dự tang lễ của thầy. Mộ phần của thầy nằm sau bàn thờ chính trong nguyện đường Thánh Giuse tại Montreal, Canada.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã công nhận các nhân đức anh hùng của Đấng Đáng Kính Andre Bessette ngày 12 tháng 6 năm 1978 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân Phước cho thầy Andre Bessette ngày 23 tháng 5 năm 1982. Ngài được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nâng lên bậc hiển thánh vào ngày 17.10.2010. (Nguồn: Người Tín Hữu)

*****

Sau đây là những câu nói của ngài hy vọng nói đưa bạn đến gần với Chúa hơn qua lời chuyển cầu của Thánh Giu-se:

1/ Thầy André có một tình yêu đặc biệt đối Thánh Thể và khuyến khích mọi người rước lễ thường xuyên. Thầy nói với giọng buồn “Nếu bạn chỉ dùng một bữa một tuần, bạn có sống sót không? Linh hồn bạn cũng vậy”.

2/ Andre thường nói: “Bạn không được buồn”. “Thật là tốt để cười lớn một chút”.

3/ Hãy đặt bạn vào trong tay Chúa; Ngài không bỏ rơi ai cả.

4/ Chính cây cọ nhỏ bé đã giúp nghệ nhân hoàn thành bức họa tuyệt mỹ.

5/ Khi bạn cầu nguyện, Lạy Cha chúng con, thì tai của Chúa có ngay bên cạnh môi bạn rồi.

6/ Khoảng cách giữa trời và đất rất là gần, gần đến nỗi Chúa luôn nghe chúng ta, giống như là không có gì ngoài chỉ là một bức màn mỏng ngăn cách chúng ta với Chúa.

Câu nào gần gũi với bạn nhất? Đối với mình thì câu 2 và 4 (hằng ngày mình chỉ xin là một cây cọ nho nhỏ được đặt trong bàn tay của Chúa thôi bạn ạ)

From: Đỗ Dzũng

Phim cuộc đời thầy Andre                      

Chân phước Andre – Truyền thông dòng Tên

Thánh Gioan Neumann (1811-1860)

Tạ ơn Chúa, trời Houston hôm nay ấm áp, chúc bạn ngày thứ 5 an lành và thật khoẻ để chiến đấu với con vi rút cúm nhé.

Cha Vương

Hôm nay 5/1 Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Neumann (1811-1860). Gioan Nepomucene Neumann sinh ngày 28 tháng 3 năm 1811 tại Prachititz, Bohemia (Czech Republic). Vào năm 1835, ngài trông đợi để được thụ phong linh mục nhưng đức giám mục sở tại quyết định không phong chức thêm. Thật khó để ngày nay chúng ta tưởng tượng rằng Bohemia dư thừa linh mục, nhưng thực sự là như vậy. Gioan viết thư cho các giám mục khắp  u Châu, nhưng câu trả lời ở đâu đâu cũng giống nhau. Tin rằng mình có ơn thiên triệu nhưng mọi cơ hội dẫn đến sứ vụ ấy dường như đều đóng kín.

Không nản chí, và nhờ biết tiếng Anh khi làm việc trong xưởng thợ của người Anh, ngài viết thư cho các giám mục ở Mỹ Châu. Sau cùng, vị giám mục ở Nữu Ước đồng ý truyền chức linh mục cho ngài. Ðể theo tiếng Chúa gọi, ngài phải từ giã quê nhà vĩnh viễn và vượt đại dương ngàn trùng để đến một vùng đất thật mới mẻ và xa lạ.

Ở Nữu Ước, thầy John được thụ phong linh mục ngày 28 tháng 6 năm 1836. Cha Gioan là một trong 36 linh mục trông coi 200,000 người Công Giáo. Giáo xứ của ngài ở phía tây Nữu Ước, kéo dài từ Hồ Ontario đến Pennsylvania. Nhà thờ của ngài không có tháp chuông nhưng điều đó không quan trọng, vì hầu như lúc nào Cha Gioan cũng di chuyển, từ làng này sang làng khác, lúc thì lên núi để thăm bệnh nhân, lúc thì trong quán trọ hoặc gác xếp để giảng dạy, và cử hành Thánh Lễ ngay trên bàn ăn.

Vì sự nặng nhọc của công việc và vì sự đơn độc của giáo xứ, Cha Gioan khao khát có một cộng đoàn, và ngài đã gia nhập dòng Chúa Cứu Thế tại Pittsburgh, Pennsylvania năm 1840, là một tu hội chuyên giúp người nghèo và những người bị bỏ rơi.

Vào năm 1852, Cha Gioan được bổ nhiệm làm giám mục Philadelphia. Việc đầu tiên khi làm giám mục là ngài tổ chức trường Công Giáo trong giáo phận. Là một nhà tiên phong trong việc giáo dục, ngài nâng số trường Công Giáo từ con số đơn vị lên đến 100 trường.

Ðức Giám Mục Gioan không bao giờ lãng quên sự lưu tâm đến dân chúng — đó là điều làm giới trưởng giả ở Philadelphia khó chịu. Trong một chuyến thăm viếng giáo xứ ở thôn quê, cha xứ thấy ngài ngồi trên chiếc xe bò chở phân hôi hám. Ngất ngưởng ngồi trên mảnh ván bắc ngang trên xe, Ðức Gioan khôi hài, “Có bao giờ cha thấy đoàn tùy tùng của một giám mục như vậy chưa!”

Khả năng biết tiếng ngoại quốc đã đưa ngài đến Hoa Kỳ thì nay lại giúp Ðức Gioan học tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Ý, và Ðức để nghe giải tội bằng sáu thứ tiếng. Khi phong trào di dân người Ái Nhĩ Lan bắt đầu, ngài lại học tiếng Gaelic và sành sõi đến nỗi một bà Ái Nhĩ Lan cũng phải lầm, “Thật tuyệt là chừng nào khi chúng ta có được vị giám mục người đồng hương!”

Trong chuyến công tác mục vụ sang nước Ðức, đến nơi ngài ướt đẫm dưới cơn mưa tầm tã. Khi gia chủ đề nghị ngài thay đôi giầy sũng nước, ngài trả lời, “Tôi chỉ có cách đổi giầy từ chân trái sang chân phải thôi. Chứ có một đôi giầy thì làm gì được.”

Đức Gioan Neumann qua đời ngày 05 tháng 1 năm 1860 vì tai biến mạch máu nảo tại nhà số 13th và Vine Streets, Philadephia, Pennsylvania, USA, khi mới 48 tuổi. Ngài nổi tiếng về sự thánh thiện và sở học cũng như các trước tác tôn giáo và bài giảng.

Đức Giáo Hoàng Paul VI đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 13 tháng 10 năm 1963 rồi mười bốn năm sau chính Đức Thánh Cha đã nâng Đức Giám Mục John Neumann lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1977. Ngài là Giám Mục người Hoa Kỳ đầu tiên được phong thánh. (Nguồn: Người Tín Hữu)

*****

Để tưởng nhớ ngài mời bạn suy niệm câu nói của ngài để sống gần với Chúa hơn mỗi ngày:

❦ Trên thượng giới thì khác, còn dưới đây, sống là biến đổi, và nên hoàn thiện là phải biến đổi thường xuyên

❦ Những người ham muốn vinh dự – tôi có ý nói những danh giá cao sang – là ham muốn một điều thực sự không có thực chất chút nào.

Đỗ Dzũng

Tư tưởng của Thánh Gioan Newmann
st3
    • Sống là biến đổi và nên hoàn thiện là phải biến đổi thường xuyên
    • Những người ham muốn vinh dự, tôi có ý nói những danh giá cao sang, là ham muốn một điều không có thực chất chút nào.
    • Nếu Chúa biết thành công làm cho con ra viễn vông, vô ích, xin đừng cho con, xin vì cớ đó hãy cho phép con thất bại.

Chuyện Thánh Gioan Newmann

Phim hoạt hình Anh ngữ – Đài TV Gia đình Ki tô hữu 

Tiểu sử thánh Gioan Newmann

Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà

Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 – 1821) – Cha Vương

 Chúc buổi sáng tốt lành, thật sự tốt lành đủ để Chúa có thể mỉm cười được ấy nhé!

Cha Vương

Thứ 4: 04/01/2023

Hôm nay Giáo Hội mừng kính, Thánh Elizabeth Ann Seton (1774 – 1821), Mẹ Seton là một trong những rường cột của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài sáng lập tu hội đầu tiên dành cho phụ nữ Hoa Kỳ, Dòng Nữ Tu Bác Ái, mở trường học đầu tiên trong giáo xứ Hoa Kỳ và thiết lập cô nhi viện đầu tiên ở Hoa Kỳ. Tất cả những điều trên ngài thực hiện trong vòng 46 năm đồng thời vừa nuôi dưỡng năm người con.

Elizabeth Ann Bayley Seton quả thực là người của thế hệ Cách Mạng Hoa Kỳ, ngài sinh ngày 28 tháng Tám 1774, chỉ hai năm trước khi có bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập. Bởi dòng dõi và hôn nhân, ngài có liên hệ đến các thế hệ đầu tiên sống ở Nữu Ước và vui hưởng kết quả của một xã hội tiến bộ. Ðược nuôi nấng trong một gia đình nề nếp Anh Giáo, ngài biết được giá trị của sự cầu nguyện, Kinh Thánh và sự kiểm điểm lương tâm hàng đêm trước khi đi ngủ. Cha của ngài, Bác Sĩ Richard Bayley, không đóng góp nhiều cho nhà thờ nhưng ông là người rất nhân đạo, đã dạy được cho cô con gái bài học yêu thương và phục vụ tha nhân.

Sự chết sớm của người mẹ năm 1777 và của bà vú nuôi năm 1778 đã đem lại cho Elizabeth một cảm nhận về sự tạm bợ của trần gian và thúc giục ngài hướng về vĩnh cửu. Thay vì ủ rũ và chán chường, ngài đối diện với các biến cố mà ngài coi là sự “hủy hoại khủng khiếp” với một hy vọng đầy phấn khởi.

Vào năm 19 tuổi, Elizabeth là hoa khôi của Nữu Ước và kết hôn với một thương gia đẹp trai, giầu có là ông William Magee Seton. Họ được năm người con trước khi doanh nghiệp lụn bại và ông chết vì bệnh lao. Vào năm 30 tuổi, bà Elizabeth đã là một goá phụ, không một đồng xu và phải nuôi nấng năm đứa con.

Trong khi sống ở Ý, bà được chứng kiến phong trào Tông Ðồ Giáo Dân qua gia đình của những người bạn. Ba điểm căn bản sau đã đưa bà trở về đạo Công Giáo: tin tưởng sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, sùng kính Ðức Mẹ và tin rằng Giáo Hội Công Giáo là một giáo hội tông truyền do Ðức Kitô thành lập. Nhiều người trong chính gia đình bà cũng như bạn hữu đã tẩy chay bà khi trở lại Công Giáo vào tháng Ba 1805.

Ðể nuôi con, bà mở trường học ở Baltimore. Ngay từ ban đầu, nhóm giáo chức của bà đã theo khuôn khổ của một tu hội, mà sau đó được chính thức thành lập vào năm 1809.

Hàng ngàn lá thư của Mẹ Seton để lại cho thấy sự phát triển đời sống tâm linh của ngài, từ những việc tốt lành bình thường cho đến sự thánh thiện cách anh hùng. Ngài chịu đau khổ vì những thử thách như đau ốm, hiểu lầm, cái chết của những người thân yêu (chồng và hai con gái), cũng như sự lo lắng đến đứa con trai hoang đàng. Ngài từ trần ngày 4 tháng Giêng 1821, và vào ngày 17-3-1963, Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã tuyên xưng ngài là vị chân phước đầu tiên người Hoa Kỳ. Ngài được phong thánh ngày 24-9-1975. Sau đây là những câu nói của ngài:

❦ Tôi thiết nghĩ mục đích trước nhất trong công việc hàng ngày của chúng ta là thi hành thánh ý Thiên Chúa; thứ đến, thi hành điều ấy trong phương cách mà Ngài muốn; và thứ ba, thi hành điều ấy vì đó là ý Chúa.

❦ Niềm hy vọng của tôi là biến những khó khăn trong đời thành niềm an ủi cho người khác.

Đau khổ là những bậc thang để lên thiên đàng.

Cách đơn giản để sống nhất là sống đơn giản.

Câu nào đánh động bạn nhất?

From: Đỗ Dzũng

THÁNH MONICA, MỘT BÀ MẸ THÁNH KIÊN TRÌ VÀ CAN ĐẢM

THÁNH MONICA

Kính ngày 27-8, Bổn Mạng Các Bà Mẹ

Thánh nữ Monica chào đời năm 332 tại vùng Sucara, nước Phi Châu trong một gia đình đạo hạnh và luôn biết kính sợ Chúa. Nhờ vậy, Monica sớm trở thành cô bé đạo đức, thánh thiện và luôn kính Chúa yêu người. Với tâm hồn đơn sơ, kèm theo đức bác ái tuyệt vời, ngay từ nhỏ Monica đã biết dành một phần cơm mỗi bữa để giúp đỡ người nghèo, đồng thời những khi nhàn rỗi, Monica luôn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện và trò chuyện thân mật với Chúa.

Với đức vâng lời và lòng yêu thương cha mẹ, thánh nữ lúc lên 22 tuổi đã chấp nhận kết hôn với một chàng trai tên Patricius, con nhà giầu, quí phái nhưng tính tình lại ngang ngược, hung hăng, ngạo mạn, và tuổi lại gấp đôi thánh nữ. Tuy rất khổ tâm, nhưng thánh nữ vẫn vâng lời cha mẹ với ước nguyện sẽ cứu được một linh hồn trở về đàng ngay nẻo chính. Nhờ tâm hồn thánh thiện, lòng đạo đức sâu xa và nhờ lời cầu nguyện thánh nữ đã cải hoá được chồng của mình và sau đó sinh được 3 người con mà Augustinô là con đầu lòng.

Sống trong một gia đình hoàn toàn ngoại giáo, nhưng thánh nữ Monica luôn tỏ ra mình là con của Chúa, sống nghe lời Chúa, tuân theo lời của Chúa và luôn giáo dục con cái biết kính Chúa, yêu người. Augustinô càng lớn càng trở nên người con hư hỏng, dù mẹ cha yêu thương hết mực.

Augustinô có trí rất thông minh, nhưng càng thông minh, cậu càng ỉ lại đâm ra lười biếng và lơi là ăn chơi trác táng. Bị sửa phạt, Augustinô đâm ra lừa dối, lường gạt cha mẹ, thầy cô, đi vào con đường ăn chơi trác táng và trụy lạc. Càng đi học ở ra, sống giữa thành thị, Augustinô càng bị cuốn hút vào những trào lưu xấu và càng hư hỏng. Đau khổ hơn nữa cho thánh nữ Monica, con trai Augustinô của mình đi theo bè rối và chống lại đức tin. Rất khổ lòng nhưng thánh nữ Monica tin tưởng vào tình thương và sức mạnh của Chúa, bà tin tưởng kiên trì cầu nguyện, làm việc lành bác ái.

Lời cầu nguyện, tin tưởng, cậy trông phó thác nơi Chúa và những giọt nước mắt chân thành, tha thiết của bà,  ròng rã sau 17 năm trường,  đã được Chúa đoái thương nhậm lời. Augustinô sau những thất bại, cay đắng ê chề đã trở về với Chúa.

Augustinô giờ đây có thể nói như thánh Phaolô:  “…lao mình về phía trước”. Ngài đã đẩy lùi tội lỗi, đẩy lui những xấu xa để làm lại cuộc đời mới, làm lại một tương lai tốt đẹp, trong sáng. Chúa có cách nhìn và con đường của Chúa.

Vào chính đêm phục sinh năm 364, Augustinô đã được lãnh nhận bí tích rửa tội do thánh giám mục Ambrosiô cử hành. Hai mẹ con tràn đầy hạnh phúc: thánh nữ Monica sung sướng khôn lường, bà và Augustinô trở về Phi Châu trong cuộc hành trình dài ngày, nhưng ý Chúa nhiệm mầu, thánh nữ đã ra đi về với Chúa trong bình an vào năm 387. Thánh nhân được mai táng tại Otti. Đức Thánh Cha Martinô vào năm 1430 đã truyền đem xác thánh nữ về chôn cất tại nhà thờ thánh Augustinô ở Roma.

Cuộc đời của thánh nữ Monica là một cuộc đời đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Chúa. Thánh nữ cảm nghiệm thực sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ: ”Tôi có thể làm được tất cả mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi“ hay ”Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Giêsu, Chúa của tôi“ (Philip 3,8).

Thánh Monica đã ra đi về với Chúa, lòng toại nguyện vì người con yêu dấu đã quay trở về với Chúa. Bà an bình vì “Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta“ (Philip 3,20).

Thánh nhân là người mẹ gương mẫu, người mẹ đạo đức, thánh thiện và bây giờ nhiều nơi giới hiền mẫu đã chọn thánh Monica làm bổn mạng của giới mình.

Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Thánh nữ Monica, xin giúp các bà mẹ Công giáo luôn có tấm lòng quảng đại, kiên nhẫn và từ tâm để luôn mang lại nguồn yêu thương và bầu khí đạo đức thánh thiện trong gia đình của mình.

Phim truyện và điều cần biết về Thánh Nữ

Kính hai thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (329-379).

Chúc Bạn và gia đình một ngày thật an lành trong Chúa và Mẹ. Sau những ngày ăn uống linh đình, đừng quên vận động tay chân để đốt calories nhé! 🙂 Hôm nay Giáo Hội mừng kính hai thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (329-379). Mừng bổn mạng đến những ai chọn các ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương 

Thứ 2: 02/01/2023

Ngay trong ca nhập lễ các thánh Giám mục đã có viết: “Ta sẽ kiểm điểm đoàn chiên của Ta và đặt một mục tử chăn dắt chúng. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (lời Chúa phán). Thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian là các vị mục tử tốt lành Chúa đã đặt lên để chăn dắt đoàn chiên của Ngài.

(1) TÌNH NGHĨA SÁNG NGỜI

Hai thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian đều được sinh ra tại Cappadoce (một khu vực lịch sử ở Trung Anatolia, Thổ Nhĩ Kỳ), thuộc hai gia đình quí phái, danh tiếng, có địa vị vững chắc trong xã hội lúc đó. Hai vị thánh đều học cùng trường tại Athènes Hy Lạp, thành đạt trong việc học, hai Ngài đều cùng về quê hương và sống với nhau trong một mái nhà tu viện. Dù rằng tính khí mỗi người khác nhau, nhưng hai vị thánh đã sống nghĩa thiết chan hòa, sống theo gương mục tử nhân hậu hiền lành noi theo Chúa Giêsu. Thánh Basiliô có tài lãnh đạo, có óc tổ chức, chỉ huy, điều khiển. Thánh Grêgôriô Nazian lại thích chiêm niêm, sống âm thầm và là một tu sĩ sáng ngời các nhân đức. Cả hai vị thánh đều được chọn làm Giám mục của hai Giáo phận. Thánh Basiliô được đặt làm Giám mục năm 370 tại Césarée de Cappadoce. Thánh Giám mục Basiliô là một mục tử can trường, đầy dũng khí, hiên ngang. Nhờ lòng dũng cảm: lời giảng dậy, chữ viết và nhờ tài khéo léo, can thiệp trực tiếp của Ngài với Chính quyền, Ngài đã đem lại cho Hội Thánh một chỗ đứng vững chắc, tách quyền Giáo Hội ra khỏi thế quyền. Ngài giúp cho những người nghèo lấy lại phẩm giá của mình và bảo vệ đức tin của đoàn chiên cách sâu xa, vững chắc. Thánh Grêgôriô Nazian được tấn phong Giám mục Sasime năm 371, và vào năm 380, thánh nhân được cử làm Giám mục Constantinople giữa sóng gió do bè rối Ariô gây nên. Ngài có tài hùng biện, mọi người đều theo Ngài. Thánh nhân được đặt cho một cái tên hết sức thân thương:” Cha của những kẻ khốn cùng”.

Thánh Basiliô qua đời ngày 01/1/379 và thánh Grêgôriô Nazian tạ thế ngày 25/1/390.

(2) GIÁO HỘI TUNG HÔ CÁC NGÀI

Cả hai vị thánh đã sống hiền lành, khiêm nhượng theo gương Chúa Giêsu Cứu Thế. Cuộc sống của các Ngài đã họa lại bộ mặt đầy yêu thương của Chúa. Thánh Grêgôriô đã để lại câu nói bất hủ:” Nếu vì tôi mà bão táp này( bè rối Ariô) nổi dậy, hãy ném tôi xuống biển, để anh em khỏi bị khổ sở “.

Giáo Hội Chính Thống đã đặt ba vị thánh Basiliô cả, Grêgôriô Nazian và Gioan Kim Khẩu lên hàng đầu giữa các bậc tiến sĩ trong Giáo Hội Chúa Kitô. Vì những công nghiệp, tài đức và nhân đức của các Ngài, Hội Thánh còn gọi các Ngài bằng tên rất đẹp, ấn tượng và thân thương:” đuốc thiêng của Hội Thánh “.

[Thánh Basiliô nói: “Thực phẩm mà bạn không dùng là thực phẩm của người đói; quần áo bạn treo trong tủ là quần áo của người trần truồng; giầy dép bạn không dùng là giầy dép của người chân không; tiền bạc bạn cất giữ là tiền bạc của người nghèo; hành động bác ái mà bạn không thi hành là những bất công mà bạn đã phạm.” Thánh Basiliô ơi, câu nói của ngài làm con hổ thẹn với lương tâm quá đi thôi…]

(3) LỜI NGUYỆN

” Lạy Chúa, Chúa đã làm cho Giáo Hội nên rạng rỡ nhờ gương sáng và lời giảng dậy của hai thánh Basiliô cả và Grêgôriô Nazian. Xin cho chúng con biết khiêm nhường tìm hiểu chân lý của Chúa và hết lòng yêu mến đem ra thực hành” (Lời nguyện ca nhập lễ, lễ thánh Basiliô cả và Grêgoriô Nazian).

(Nguồn: Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT, simonhoadalat)

From: Đỗ Dzũng