Thánh Gioan Thánh Giá

Thánh Gioan Thánh Giá

Chúc bạn ngày Thứ 3 bình an và cảm nhận được sự ấm áp của Chúa đang ôm ấp bạn nhé.

Cha Vương

Hôm nay 14/12, Giáo hội mừng kính thánh Gioan Thánh Giá, Linh mục, Tiến sĩ. Thánh Gioan Thánh Giá sinh tại Tây Ban Nha năm 1542. Ngài thừa hưởng tinh thần nghèo khó và hy sinh từ cha mẹ. Cha ngài đã từ bỏ địa vị quí tộc cao sang, tiện nghi và giàu có dể kết hôn với cô gái nghèo con của một người thợ dệt vải. Khi cha ngài qua đời mẹ ngài đã sống vất vả nghèo đói, quên mình để làm tất mọi công việc thấp kém hèn mọn để nuôi con. Thánh Gioan đã noi gương cha mẹ mình dấn thân vào một cuộc tình ái bao la rộng lớn hơn: yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Ðã có những lần Gioan phải nhịn đói vì thiếu ăn. Mới 14 tuổi Gioan đã phải đi làm lao công trong bệnh viện, nhìn thấy cảnh đau đớn khốn khổ của bệnh nhân nên Gioan nhận biết niềm vui và hạnh phúc thật không phải ở cuộc đời này mà chỉ có nơi Thiên Chúa.

Tuy vậy Gioan cũng cố gắng học hành và năm 21 tuổi, Gioan gia nhập Dòng Carmel, và đến năm 1567 thì dược lãnh nhận chức linh mục. Ðây là khúc quanh lớn lao trong cuộc đời, chính khi được gặp gỡ thánh Têrêxa Avila trong lúc Bà đang điều khiển Dòng nữ Carmel. Bà yêu cầu thánh Gioan giúp Bà cải tổ lại Nhà Dòng. Thánh Gioan đồng ý là nhà Dòng phải trở lại đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Nhưng có nhiều thầy tu không muốn cải tổ vì phải sống kỷ luật và khắc khổ nên đã đem thánh Gioan giam tù. Ngài bị nhốt vào một buồng giam chật hẹp và mỗi tuần bị các thầy tu khác vào đánh tội ba lần. Trong căn buồng chập hẹp lạnh lẽo tối tăm, thánh Gioan đã tìm thấy niềm tin yêu Thiên Chúa thiêu đốt và bừng cháy trong tâm hồn. Trên đời này thánh Gioan không còn gì nữa chỉ còn có một mình Chúa mà thôi. Trong hoàn cảnh bi đát này, Chúa đã mang lại cho Thánh Gioan một niềm vui vô tận.

Sau 9 tháng bị giam giữ, thánh Gioan trốn ra được lúc đêm tối mang theo tập thơ thần bí mà ngài đã viết trong buồng giam. Thánh Gioan đến ẩn náu trong một phòng thuốc của một tu viện và đem những bài thơ ra đọc cho các nữ tu nghe. Các bà yêu mến các bài thơ nên xin Thánh Gioan chia sẻ và hướng dẫn chiêm niệm trên con đường thánh thiện tu trì. Ðời sống nghèo khó và chịu đựng bất công đã hướng dẫn thánh Gioan đến lòng thương xót bí nhiệm và thánh Gioan tìm được chân lý là “đau khổ khốn khó là thử thách để được gần Chúa hơn và đem Tình yêu đến chỗ nào vắng bóng Tình Yêu thì Tình Yêu sẽ trở nên phong phú và viên mãn.”…

Thánh Gioan Thánh Giá là một nhà linh đạo thần bí, chịu đựng đau khổ hành hạ không phải do kẻ thù mà do chính anh em đồng đạo mình; nhưng chính nhờ vậy mà ngài đã có một cái nhìn thật sâu xa và huyền bí về Tình Yêu của Thiên Chúa. (Nguồn: Dân Chúa)

Sau đây là những câu danh ngôn của ngài. Mời bạn đọc và hình dung ra như ngài đang muốn nói vời bạn điều gì đó…:

1/ Tin bằng nào được bằng đó.

2/ Linh hồn người say yêu Thiên Chúa lúc nào cũng đắm đuối trong hoan lạc, lúc nào cũng mừng lễ và lúc nào cũng hứng khởi hát ca.

3/ Trong tinh thần siêu thoát, linh hồn tìm được sự tĩnh lặng và thảnh thơi vì không còn ham hố sự gì. Nó không mỏi mệt vì tự cao, cũng không chán chường vì ngã lòng, bởi vì nó đứng ở tâm điểm sự khiêm nhượng.

4/ Mỗi khi có điều gì bất mãn hoặc khó chịu xảy đến anh em hãy nhớ lại Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và hãy nín lặng.

5/ Ma quỷ sợ hãi linh hồn nào kết hiệp với Thiên Chúa bởi vì linh hồn ấy chính là nơi Thiên Chúa ngự.

6/ Lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về đức ái.

7/ Thập giá dẫn đến sự cứu chuộc, đau khổ dẫn đến sự ngất ngây, tăm tối dẫn đến sự sáng, khi từ bỏ là lúc làm sở hữu, hy sinh bản thân để kết hợp với Thiên Chúa.

Câu nào đánh động bạn nhất vậy? Đối với mình, câu số 4 & 6

Thánh Gioan Thánh Giá, cầu cho chúng con.

Thánh Lucia

Ngày thứ 2 “Hồng” thật bình an và tràn đầy niềm zui nhé! Hôm nay 13/12 Giáo Hội mừng kính Thánh nữ Luxia, Người Ý (- 304), Đồng Trinh tử đạo. Mừng Lễ Bổn Mạng đến những ai chọn Thánh nữ làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ, chỉ có 5 cô được vào dự tiệc. Luxia, nghĩa là “Sáng”. Cô cầm đèn cháy sáng đến chết, giờ đây cô đang dự tiệc trên trời.

Như nhiều vị tử đạo ban đầu tại Rôma, người ta không biết nhiều về cô Sáng, nhưng biết quê cô ở đảo Sicily, và cô tử đạo đời vua Diocletianô. Tên cô được ghi trong kinh nguyện Thánh Thể I, chứng tỏ giáo hội rất tôn kính cô.

Người ta kể, cô khấn không lấy chồng, để giữ mình đồng trinh cho Chúa Kitô. Khi anh chàng ham muốn kết hôn với cô khám phá ra rằng, cô là người Công giáo, hắn tố cáo và cô bị bắt, đánh đập, nhưng cô quyết trung thành với người yêu của mình là Chúa Giêsu .

Người ta truyền tụng rằng: Khi quân lính đến bắt cô, người cô nặng như đống đá dính chặt vào đất. Quân lính sợ hãi, đổ dầu lên người cô mà đốt nhưng lửa cũng không hề đụng đến người cô. Chúng ngạc nhiên hỏi cô làm sao mà có sự lạ lùng như vậy, cô cho biết là Chúa Giêsu che chở cô. Cuối cùng chúng dùng gươm đâm vào cổ cô. Chúa Giêsu, Ðấng cô hằng yêu quí suốt đời đã đến đón cô lên Thiên đàng. Từ đó có nhiều huyền thoại được thêu dệt để ca tụng lòng can đảm của thánh nữ.

Lễ kính nữ thánh Sáng cử hành vào mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa Giêsu là Ánh sáng muôn dân. Nơi quê hương người Scandinavian có lệ mừng lễ rất hay: một thiếu nữ mặc áo trắng, khăn quàng vai đỏ tượng trưng máu tử đạo, cô cầm cành lá dừa, đầu đội triều thiên có nhiều nến sáng. Tại Thuỵ điển, người con gái nhỏ nhất trong nhà mặc như thánh nữ Luxia xưa, đầu đội khay đèn dẫn đầu đám rước đi quanh nhà. Sau đó cả nhà quây quần vui vẻ ca hát, ăn bánh ngọt và uống cà phê. Tại Hungary, người ta trồng lúa mì trong một cái nồi nhỏ . Gần lễ Giáng Sinh, những mầm non trong nồi xuất hiện, nói lên sự sống sinh ra từ sự chết, sau đó nồi lúa mì được đem tới máng cỏ tượng trưng Chúa Kitô trong Thánh Thể. (Nguồn: Dân Chúa)

*** “Bây giờ tôi không còn gì để hy sinh, Tôi dâng hiến bản thân tôi làm của lễ sống động cho Thiên Chúa tối cao.” (Trích Hạnh thánh Lucia.)

Bạn có gì để dâng hiến Chúa hôm nay?

Thiết nghĩ làm một hy sinh nhỏ với hết con tim cũng đủ làm cho Chúa vui lắm đó.

Xin thánh nữ Lucia cầu bầu cho chúng con.

Thánh Phanxicô Xavie

Thánh Phanxicô Xavie

Hôm nay 3/12 Giáo Hội mừng kính Thánh Phanxicô Xavie Linh mục dòng Tên truyền giáo Tây-ba-nha (1506-1552). Ngài được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI. Mừng quan thầy đến những ai chọn thánh nhân làm quan thầy nhé.

Cha Vương

    1- Gia đình, quê quán: Phanxicô Xavier sinh ngày 7 tháng Tư năm 1506, tại Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc trong lãnh địa dòng Navarre . Cậu là em út của 6 anh chị lớn. Cha cậu là Juan de Jasso, cố vấn vua John III dòng Navarre. Khi Xavier lên 9 thì cha cậu chết. Lên 19 tuổi, Xavier đi học tại đại học Paris. Cậu lãnh Cử nhân văn chương. Tại đây anh chung phòng với Ignatiô Loyola . Ban đầu Phanxicô không thích Ignatiô, nhưng chính Ignatio nhận ra tài năng của Phanxicô: đó là con người nhiều tham vọng, có thể thành giáo sư giỏi, lãnh đạo tốt. Ignatio thay đổi cuộc đời Phanxicô khi nhắc lại lời Chúa Giêsu :” Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16, 26). Trong một thời gian lâu, chàng chiến đấu với tư tưởng: chọn danh vọng thú vui ở đời, hay chọn hi sinh. Cuối cùng (năm 1540) nhóm 7 người liên kết lập Tu hội Chúa Giêsu (Society of Jesus, viết tắt là S.J)  để phục vụ giáo hội. Phanxicô thụ phong linh mục năm 1537, khi anh được 31 tuổi.

    2- Làm linh mục và đi truyền giáo tại Ấn, Nhật: Ignatiô làm bề trên Tu hội, ông cử 2 người đi truyền giáo bên Ấn độ. Một trong hai đã ngã bệnh nặng, Phanxicô được cử đi thay. Trong 5 tháng vượt biển, Phanxicô luôn say sóng nằm mê man. Năm 1542, tại thành Goa nước Ấn, Phanxicô học tiếng để có thể dạy họ về giáo lý Chúa Kitô. Ngài dạy trẻ em trước rồi đến người nghèo, người bệnh, người bận rộn công việc, người trong tù.  Ông sống với người nghèo, chia sẻ đồ ăn, lều ở như họ. Ngài chinh phục được cả ngàn người trở lại đạo Chúa. Ông viết thư cho bề trên Ignatiô:

            ”Từ khi đến đây, tôi chẳng ngừng nghỉ lúc nào. Tôi rảo khắp các làng, rửa tội cho nhiều trẻ em…Khi tôi đến các làng ấy, trẻ em không để cho tôi đọc kinh nguyện, ăn uống, nghỉ ngơi, nếu tôi chưa dạy cho chúng một kinh cầu nguyện. Vì thế tôi hiểu tại sao nước trời lại là của những người giống như chúng”.

            Một lần kia Phanxicô Xavier rửa tội cho một em nhỏ gần chết, con của một người Ấn Độ nghèo nàn.  Khi em nhỏ chết, thánh nhân liền bật khóc trong nỗi hân hoan với lời tạ ơn Chúa. Lấy làm lạ, người ta hỏi tại sao khi thân nhân em bé đau đớn khóc than thì ngài lại khóc vì vui quá như vậy.  Thánh nhân đáp:

– Nay tôi đã được đền đáp đủ cho mọi cuộc hành trình gian khổ  từ ngày tôi đến xứ này tới giờ.  Tôi đã gởi về  trời thêm một con trẻ để tôn vinh Chúa!

            Năm 1548, Phanxicô vượt biển qua nước Nhật. Người Nhật giúp ngài làm nhà thờ, ngài dạy đạo và Rửa tội nhiều người trong đám họ.

            Chúng ta biết được nhiều điều về người Nhật, nhờ những thư ngài viết về cho bề trên Ignatiô và anh em dòng. Ngài bận rộn, cô đơn, khó khăn. Trên tất cả, Phanxicô vui trong niềm vui tinh thần. Ngài thích cầu với Chúa lời này:” Xin ban cho con các linh hồn”.

    3- Chết ở bờ biển nước Tàu: Mộng của ngài là tới Trung hoa, nước lớn nhất, để rao giảng Tin mừng. Sau những năm vất vả ở Nhật. Năm 1552, trên đường qua Trung hoa, ngài bị bệnh, thuỷ thủ cho ngài lên hòn đảo gần đấy để ngài có thể thấy được Trung hoa. Một người đánh cá gặp thấy ngài nằm gần chết trên bờ biển, đem ngài về lều.

            Ngày 3 tháng 12 năm 1552, Phanxicô qua đời vì bệnh sốt rét lúc 46 tuổi. Ngài được chôn nơi đất lạ quê người, nhưng rồi Chúa thưởng công lớn cho ngài.  Phanxicô Xavier được ĐTC Gregoriô 15 nâng lên hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622, cùng lúc với Bề trên Ignatio Loyola. Giáo hội coi thánh Xavier như Bổn mạng các xứ truyền giáo. Nhiều quốc gia và trường học do các linh mục Dòng Tên điều khiển kính thánh Phanxicô như Bổn mạng của mình. (Nguồn: Dân Chúa)

       Cha Barreto viết về Thánh Phanxicô Xaviê như sau: “Chân bước đi trên đất, miệng nói chuyện trên trời… hình như lúc nào cũng mỉm cười, nhưng lại cầm trí và thanh thoát đến nỗi có thể nói không bao giờ ngài cười.”

    Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô Xaviê, xin cho miệng con luôn nói những chuyện trên trời. Amen.

Mời bạn suy niệm những câu danh ngôn của ngài nhé:

❦ Càng là bạn tốt của nhau chừng nào, anh em càng nói thẳng với nhau chừng nấy… (Thánh Phanxicô Xavier)

❦ Tất cả đau khổ phiền muộn là nguồn vui sướng cho tôi. (Thánh Phanxicô Xavier)

❦ Nếu bạn đang gặp nguy hiểm, nếu trái tim bạn đang bối rối, chạy đến Mẹ Maria! (Thánh Phanxicô Xavier)

Câu nào đánh động bạn nhất? Tại sao?

Thánh Anrê (Andrew) tử đạo

Thánh Anrê (Andrew) tử đạo

Chúc bình an! Hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ thánh Anrê (Andrew). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 30/11/2021

Thánh Anrê là anh của Thánh Phêrô, và cả hai được Chúa Giêsu gọi cùng một lúc. “Khi Ðức Giêsu đi trên bờ biển Galilee, Ngài trông thấy hai anh em, ông Simon mà bây giờ gọi là Phêrô, và anh của ông là Anrê, đang quăng lưới xuống biển; họ là các ngư dân. Ngài nói với họ, ‘Hãy đến theo tôi, và tôi sẽ làm cho các anh trở thành kẻ lưới người.’ Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mt 4:18-20).

CHẾT VÌ TIN: Theo truyền thống hai (chứng minh Hy lạp là nơi nhà truyền giáo sống, nhất là miền Macadonia. Tại đây thánh nhân đổ máu đào làm chứng cho Thầy Chí Thánh.) tại Achaia, André chữa bệnh cho vợ quan toàn quyền Aegeates là bà Maximilla. Bà này khỏi bệnh tin theo Chúa. Việc trên gây căm phẫn cho quan. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi anh quan là Stratolles mời André chữa bệnh. Ông này trở thành tín hữu nhiệt thành. Không thể nhịn hơn được Aegeates ra lệnh bỏ tù André cho hả giận. Vợ và anh quan cảnh cáo ông giết người vô tội, người của Thiên Chúa. Thâm tâm quan Aegeates muốn tha và năn nỉ André bỏ Chúa để cứu mạng sống; trái lại André khuyên quan nên nhận đức tin để Chúa cứu linh hồn.

    Biết thầy gặp khổ nạn, anh quan là Stratolles dùng uy tín của mình giúp André vượt ngục trốn đi. André đã không đi còn khuyên Stratolles đừng làm trái ý quan. Trong tù André vẫn tiếp tục rao giảng và số người tin theo ngày một nhiều. Tin này đến tai quan và quan ra lệnh giết André cho khuất mắt. Ngày xử án kề bên André xin cho được chết giống như Thầy Chí Thánh Giêsu. Lời yêu cầu được quan chấp thuận. André vui mừng hát lên bài ca ca tụng thánh giá. Chúa Kitô dùng chính cái chết mình thánh hiến Thập giá châu báu.

/ Thập giá được tay chân Chúa trang điểm thay nữ trang.

/ Tôi đến với thánh giá với tâm tư hoan lạc, thanh thản.

/ Thập giá hãy giang tay đón nhận tấm thân này.

/ Thánh giá trở nên đẹp, tốt lành nhờ tứ chi Chúa Kitô.

/ Ta mến chuộng, chờ đợi, ước mong và tìm kiếm ngươi.

/ Ta tìm được ngươi và linh hồn ta trông đợi sẵn sàng.

/ Hãy giang tay đón nhận thân này,

/ nâng ta lên khỏi kẻ phàm nhân và dâng Thầy Chí Thánh,

/ Đấng sẽ cứu chuộc ta.

    Bài ca tụng thập giá thứ hai có cùng tâm tình ngợi ca, hiến dâng. André hát xong gọi các kẻ hành hình tiến lại thi hành lệnh quan. Quân lính tỏ vẻ ái ngại vì lòng ngưỡng mộ và quý mến. Họ đứng xa tỏ vẻ tiếc thương André giục họ thi hành lệnh quan.

   Theo yêu cầu của André họ không đóng đinh nhưng cột chân tay ngài vào hai cột chéo hình chũ X. Từ ngày đó thập giá này có tên là thập giá André. Để kéo dài cái chết trong đau khổ, quan ra lệnh cho chổng ngược đầu xuống đất. Toàn quyền Aegeates muốn André là nạn nhân của chó hoang chắc chắn sẽ xé xác. André đầu dộng đất vẫn tươi cười và không ngừng giảng đạo. Hai ngày sau ông vẫn tỉnh táo, đầu óc vẫn minh mẫn và lời thuyết giảng vẫn mạch lạc. André đói khát nhưng những người đứng đó được cho ăn no nê Lời Chúa. Kẻ mến ông kéo nhau đến phủ quan làm áp lực xin tha cho người vô tội, người của Thiên Chúa. Aegeates rời phủ, ra pháp trường chứng kiến tận mắt. Ông đến gần thập giá cởi trói cho André nhưng André khẩn van đừng tha vì từ lâu ông ước ao được vinh phúc tử đạo, sống muôn đời bên Chúa. Lời xin tha thiết mong được chết trên giường thập giá được chấp thuận. Vợ và anh quan là Maximilla và Stratola nhận xác an táng. Không biết chính xác năm André qua đời nhưng các học giả đồng ý vào cuối tháng 11 năm 69. (Lm Vũ đình Tường, VietCatholic News, 25/11/2006)

***Quả thật đức tin của mình còn kém cỏi quá phải không bạn? Tuyên xưng đức tin không thì chưa đủ, bạn phải sống đức tin nữa, để sống đức tin trọn vẹn đôi khi bạn phải chết cho đức tin.

Thánh Cecilia

Thánh Cecilia

Mến chào bình an! Hôm nay 22/11 Giáo Hội mừng kính Thánh Nữ Cecilia, đồng trinh tử đạo, bổn mạng của những ai yêu thích nhạc. Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé!

Cha Vương.

Trong thành Roma có một thiếu nữ đồng trinh rất xinh đẹp. Cha mẹ nàng gả cho một thanh niên con nhà giàu có danh vọng tên là Valerian. Dưới bộ áo quần xinh đẹp, nàng mang một bộ áo gai ngứa xót. Nàng thường ăn chay cầu nguyện xin các đấng thánh, các thiên thần, các thánh đồng trinh giữ gìn nàng được luôn trinh khiết.

Sau lễ cưới, nàng nói với chồng: “Em sẻ kể cho anh một bí mật nếu anh thề là không kể lại với ai.” Sau khi chồng thề hứa nàng nói tiếp: “Có một thiên thần gìn giữ em không cho phép ai được đụng tới người em.” Chồng nàng nói:”Nếu đúng như vậy thì em cho anh thấy thiên thần đó đi!” “Ðiều đó chỉ có thể xẩy ra nếu anh cũng tin vào Thiên Chúa và chịu phép rửa tội.”

Nàng đã nhờ Ðức Giáo Hoàng Urban rửa tội cho chồng và khi người chồng trở về nhà thì thấy vợ đang cầu kinh trong phòng và bên cạnh nàng có một thiên thần đang đứng, cánh rực như lửa, tay đang cầm hai vương niệm một bằng hoa hồng và một bằng hoa huệ sau đó đội lên đầu cho hai vợ chồng Cecilia và Valerian rồi biến mất. Một lúc sau Tibertius, em của Valerian bước vào ngửi thấy mùi hoa thơm dịu dàng và những bông hoa đẹp tuyệt vời, lấy làm lạ làm sao có thể có hoa đó trong mùa này.

Sau khi được nghe kể lại câu chuyện về vương niệm bằng hoa thì Tibertius xin được chịu phép rửa tội. Trong thời kỳ này các tín hữu bị bắt bớ và bị hành quyết rất dã man, hai anh em đã đi thâu lượm hài cốt các thánh tử đạo đem về chôn cất. Quan quân tìm bắt hai anh em và ra lệnh phải dâng hương quỳ lạy thần của họ nhưng hai anh em quyết liệt chối từ, nên chúng đã dùng gươm mà đâm chết các ngài.

Trong lúc đó thì Thánh Cecilia không ngừng rao giảng Tin Mừng, và hàng ngàn người đã xin gia nhập đạo Chúa. Cuối cùng thì thánh nhân cũng bị bắt và nhốt trong phòng tắm hơi nóng cho chết ngột, nhưng thánh nhân đã không chết, nên quan tổng trấn cho người đến chặt đầu. Tên đao phủ đã chặt đến ba nhát nhưng đầu vẫn chưa lìa khỏi cổ. Hoảng sợ hắn liền bỏ đi, và thánh nhân đã sống như vậy trong ba ngày. Dân chúng đem khăn vải đến tẩm máu của thánh nhân để tôn kính, trong lúc đó thánh nhân vẩn không ngừng rao giảng Lời Chúa cho họ.

Câu chuyện về thánh Cecilia đẹp như một bài tình ca cao thượng nên các nhạc sĩ chọn Cecilia làm bổn mạng và được trình bày như môt thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên chiếc đàn thụ cầm. (Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác)

Lạy thánh nữ Cecilia, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để mọi người chúng con được mạnh mẽ, can đảm làm chứng cho Chúa như thánh nhân đã chứng minh cho mọi người.

Thưa Thầy, Thầy đi đâu

Giáo xứ Cần Giờ – DCCT

Thưa Thầy, Thầy đi đâu

Cách đây chừng 20 năm, người ta đã dựa vào cốt truyện trong tác phẩm “Quo vadis?” (Thầy đi đâu?) của văn hào Công giáo Ba Lan Sienkiewez (1846-1916), giải Nobel 1905 để đóng một cuốn phim nổi tiếng khắp thế giới cũng mang tựa đề ấy.

Từ đâu có cốt truyện ấy ? Ai đã nói tiếng Thầy đi đâu ?

Theo truyền khẩu giáo dân thời Hội Thánh sơ khai người ta biết được rằng, vào các thế kỷ I-IV, các hoàng đế Roma đã ra công bách hại đạo Chúa hết sức hung hãn: nào là đâm chém, nào là đóng đinh thập tự, nào là cho thú dữ ăn thịt ở nơi hí trường Colisê để nhân dân thỏa thích thưởng ngoạn, nào là buộc vào cột trụ, tẩm dầu rồi đến đêm châm lửa đốt cháy vùn vụt như bó đuốc. Thật muôn phần khủng khiếp !

Phêrô, thủ lãnh của Hội Thánh, lúc ấy cũng bị truy nã gắt gao theo lệnh của hoàng đế Nêron. Vì thế người có ý định tạm lẩn trốn ra khỏi thành Roma một thời gian, cho qua cơn sóng dữ. Một đêm nọ, người ta trông thấy một bóng dáng đàn ông đang hồi hộp lần bước trên con đường Appia. Lúc gần đến cửa Capena, bỗng nhiên ông ta đứng khựng lại ! Từ xa một người đang tiến thẳng về phía ông. Ông dụi mắt rồi quá đỗi vui mừng, Phêrô ôm chầm lấy người ấy và hỏi:

– “Thưa Thầy, Thầy đi đâu ?

Thì ra người ấy là Chúa Giêsu, tội nhân bị xử mấy mươi năm về trước. Đáp lại câu hỏi của Phêrô, Người ôn tồn nói:

– Phêrô vì con sợ gian khổ, con định đào tẩu, nên Thầy phải vào thành Roma để chết thay cho con”.

Nói xong Chúa Giêsu biến mất… Phêrô hiểu ý Thầy bèn quay gót trở lại thành Roma, chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin của anh em giáo hữu, xông pha giữa muôn nghìn nguy hiểm cho đến năm 67 thì bị bắt và bị tống giam ở nhà ngục Tullianum. Theo lưu truyền, Phêrô đã cảm hoá được hai người lính canh ngục tên là Processô và Martinian, cả hai đều được rửa tội và được tử vì đạo. Rồi sau đó, thánh nhân cũng được diễm phúc đi lại con đường thập giá của Thầy, không phải đường lên Núi Sọ ở Giêrusalem mà là đường đến hí trường Caligula, trên đồi Vatican. Nhưng khi đến nơi, vì cảm thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy, nên ngài xin phép cho được đóng đinh ngược, đầu chúi xuống đất.

Để kỷ niệm nơi Chúa hiện ra cho Phêrô, giáo hữu đã xây cất ngay tại chỗ đó một nhà thờ mang tên: “Quo vadis, Domine?”

May be a meme of 2 people and text that says 'Thưa thầy, Thầy đi đâu? ałamy zlamy alamy'

Thánh Lêô I – Giáo Hoàng thứ 45

Nguyện xin sự bình an của Thiên Chúa luôn ở cùng bạn và gia đình. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Lêo Cả, Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh (390-461). Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Sinh năm 400 tại Tuscany, nước Ý. Ngài là đại phó tế và phụ tá của giáo đoàn Roma, một chức vụ quan trọng đại diện Đức Thánh Cha trong các công việc hành chánh… Ðược chọn làm Giáo Hoàng thứ 45 kế vị Thánh Phêrô vào ngày 29 tháng 9 năm 440, ngài làm việc không ngừng, hướng dẫn các giám mục dưới quyền như “những người ngang hàng về quyền bính cũng như sự yếu đuối con người.”

Thánh Lêô I nổi tiếng là một trong các giáo hoàng giỏi về quản trị trong thời Giáo Hội xưa. Sự nghiệp của ngài được chia ra làm bốn lãnh vực chính, chứng tỏ ngài có cái nhìn chính xác về trách nhiệm tổng quát của một giáo hoàng đối với đàn chiên của Ðức Kitô. Thứ nhất, ngài kiên trì chống với bè rối Pelagian, Manichae và các bè rối khác, ngoài ra ngài cũng áp đặt các quy luật để duy trì sự chân thực của đức tin Kitô Giáo. Lãnh vực thứ hai mà ngài lưu tâm là sự mâu thuẫn với Giáo Hội Ðông Phương về bản tính của Ðức Kitô mà ngài đã giải quyết bằng thư từ. Thứ ba, với đức tin mạnh mẽ, ngài còn lãnh đạo Rôma chống lại sự tấn công của quân man rợ, xứng đáng với vai trò bảo vệ hòa bình.

Ngài triệu tập Công Đồng Chung năm 541 tại Chalcedone với sự tham dự của hơn 630 Giám Mục để công bố về giáo lý song tính của Chúa Kitô [Đức Tin về mầu nhiệm Nhập Thể]

Sự  nghiệp của Thánh Lêô I luôn được đề cao trong ba lãnh vực này. Ngoài ra, sự thánh thiện của ngài dựa trên nền tảng tinh thần sâu xa mà qua đó ngài thi hành công tác mục vụ cho đoàn chiên là lãnh vực thứ tư mà ngài hằng lưu tâm. Ngài nổi tiếng về những bài giảng thật sâu xắc. Là một khí cụ mời gọi mọi người nên thánh, được thấm nhuần Phúc Âm và luôn ý thức đến Giáo Hội, Thánh Lêô I đã đáp ứng được những nhu cầu tinh thần của tín hữu thời ấy.

Ngài từ trần ngày 11 tháng 4 năm 461 tại Roma, để lại nhiều văn bản và thư từ có giá trị lịch sử. Cùng với Đức Gregory I, ngài được lịch sử gọi là Giáo Hoàng Cả vì có công lớn trong việc giữ gìn sự hợp nhất trong Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng Benedictus XIV đã tuyên xưng Thánh Giáo Hoàng Leo I là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 15 tháng 10 năm 1754. (Ns Người Tín Hữu online)

Mời bạn suy niệm những câu nói của ngài sau đây để sống xứng đáng là con của Chúa nhé:

❦  Chúa đã đặt gánh nặng cho con, xin Chúa gánh với con, xin Chúa hãy là người hướng dẫn và nâng đỡ con.

❦  Trên bia mộ của Ngài: “Tôi canh chừng kẻo lang sói luôn rình mò phá phách đoàn chiên”.

❦  Các con được thấm nhập vào Chúa.

❦ Trong tâm hồn mỗi tín hữu còn có cái trên trời mà người ta thán phục”.

❦ Nước Trời không đến với những người ngủ mê.

Câu nào đánh động bạn nhất?

Thánh Martinô Porres

Thánh Martinô Porres

Mến chào, hôm nay 3/11 Giáo hội mừng kính Thánh Martinô Porres—1579-1639 (St. Martin de Porres) Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy. 

Cha Vương

Thư 3: 03/11/2020

  Thánh Martin sinh ngày 09 tháng 12 năm 1579 tại Peru, Lima. Ngài là đứa con bất hợp pháp của một nhà quý tộc Tây Ban Nha ở Lima, Peru và một phụ nữ Panama. Martin giống mẹ nên có nước da ngăm ngăm, và điều này làm cha ngài khó chịu, do đó mãi tám năm sau ông mới chịu nhận Martin là con.

Sau khi sinh đứa thứ hai, ông bỏ rơi gia đình. Martin lớn lên trong cảnh nghèo nàn, thuộc giai cấp bần cùng của xã hội Lima. Lúc 12 tuổi, mẹ ngài cho theo học nghề cắt tóc và giải phẫu, nên ngoài việc cắt tóc, ngài còn biết cách lấy máu (sự chữa trị rất phổ thông thời ấy), biết chăm sóc vết thương và biết chích thuốc.

Sau vài năm hành nghề, Martin xin vào dòng Ða Minh làm “người giúp việc,” vì ngài cảm thấy không xứng đáng để làm thầy dòng. Sau chín năm, gương mẫu đời sống cầu nguyện và hãm mình, bác ái và khiêm nhường của ngài khiến cộng đoàn phải yêu cầu ngài khấn trọn.

Ngài cầu nguyện hằng đêm và sống khắc khổ; công việc hàng ngày của ngài là chăm sóc bệnh nhân và người nghèo. Ngài coi mọi người như nhau, bất kể mầu da, sắc tộc hay địa vị xã hội. Ngài là cột trụ trong việc thành lập cô nhi viện, chăm sóc người nô lệ từ Phi Châu và trông coi việc bố thí của nhà dòng. Ngài trở nên nổi tiếng trong nhà dòng cũng như ngoài thành phố, dù đó là vấn đề “chăn màn, quần áo, đèn nến, bánh kẹo, phép lạ hay lời cầu nguyện!” Khi nhà dòng bị nợ quá nhiều, ngài nói với cha bề trên, “Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của nhà dòng. Hãy bán con đi để trả nợ.”

     Ngoài những công việc hàng ngày như nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc bệnh nhân, Thiên Chúa còn ban cho ngài những ơn sủng đặc biệt: được xuất thần bay bổng trên không, căn phòng rực sáng khi ngài cầu nguyện, ơn lưỡng tại (ở hai nơi cùng một lúc), ơn hiểu biết cách lạ lùng, ơn chữa bệnh và chế ngự các thú vật cách tài tình. Lòng bác ái của ngài còn nới rộng đến các thú vật ở ngoài đồng hay chó mèo trong phố và ngay cả chuột bọ trong bếp.

      Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự coi mình là “người nô lệ nghèo hèn.” Ngài còn là bạn của Thánh Rosa ở Lima. Ngài qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1639. Tất cả dân chúng thành phố Lima, từ vị Phó vương đến những người ăn xin đều sững sốt và buồn bã khi nghe tin ngài từ trần. 

     Ngài được Đức Giáo Hoàng Pius IX tôn phong Chân Phúc năm 1873. Thủ tục phong thánh rất chậm chạp, mãi cho đến ngày 19 tháng 5 năm 1962 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII mới tuyên phong thầy Martin lên hàng hiển thánh và là vị thánh da đen đầu tiên của Châu Mỹ, quan thầy của những người tranh đấu cho công bình xã hội.

     Lạy Thánh Martino rất khiêm nhường, lòng thương yêu nồng nhiệt của Người chẳng những che chở các anh em túng nghèo, mà lại cả những thú vật ngoài đồng, thật là gương huy hoàng của đức bác ái, chúng tôi kính mừng và cầu khấn Người. Từ tòa cao Người ngự, xin đoái thương nhậm lời anh em túng nghèo kêu xin, để chúng tôi được bắt chước nhân đức Người mà yên vui trong địa vị Chúa đã đặt, và được mạnh mẽ, can đảm vác Thánh Giá theo chân Chúa Cứu Thế và Mẹ Sầu Bi, sau hết được về nước Thiên Ðàng. Vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng tôi – Amen.

(Kinh Thánh Martinô Porres)

Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa

Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa

Hôm nay 05/10, Giáo hội mừng kính Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa, ước mong bạn cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

***

Thánh Nữ Faustina Kowalska (05/10)

Khi vị thánh nữ này cất tiếng khóc chào đời tại Ba Lan ngày 25 tháng Tám năm 1905, thì song thân thánh nữ đã đặt tên cho ngài là Helen. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Helen đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là dạy cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Khi được 25 tuổi, Helen vào tu trong dòng Chị Em Con Đức Mẹ Thương Xót, và nhận tên là sơ Maria Faustina.

     Công việc của sơ Maria Faustina thật giản dị. Sơ nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chỉ có sự tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được những chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của sơ Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho sơ Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình.

     Trong một thị kiến mà sơ Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa Giêsu nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” Chúa Giêsu đã nói với sơ Maria Faustina rằng Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót.

      Sơ Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa Giêsu muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu nói với Maria Faustina rằng thánh nữ chính là thư ký nhỏ của Người. Chính công việc đặc biệt của thánh nữ Maria Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa.

     Chúa Giêsu hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Tận hiến cho Lòng Thương Xót Chúa bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

     Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, sơ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày mùng 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.

     Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không? Vậy hôm nay mời bạn dành thời gian lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa để đền tội mình và tội lỗi của toàn thế giới. Sau đây là câu nói của ngài:

❦ Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh! Bao nhiêu lần hít thở, bao nhiêu lần nhịp tim đập, bao nhiêu lần dòng máu luân chuyển trong cơ thể con là bấy nhiêu ngàn lần con muốn tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. (Thánh Faustina)

❦ Chúa Thánh Thần không nói với một linh hồn chia trí và lắm lời. Chúa Thánh Thần nói qua những soi động lặng lẽ của người với một linh hồn tịnh tâm, một linh hồn biết giữ thinh lặng. (Thánh Faustina)

Câu nào đánh động bạn nhất?

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mối tình mang tên Việt Nam

 Ngoc Bich

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mối tình mang tên Việt Nam

Trong căn nhà nhỏ đượm nét Pháp, khách hành hương ghé thăm chị Thánh Têrêsa có thể tìm bản hướng dẫn bằng Tiếng Việt. Tôi không rõ cô quản lý nhà biết rằng có nhiều đoàn Việt đến thăm quan hay không nhưng nếu được hỏi, người Công giáo Pháp đạo hạnh ấy sẽ thủ thỉ cho bạn đôi điều về mối tình của chị Thánh với đất nước Việt Nam.

An Duyên – TNV Vatican News

 Ước muốn đến Việt Nam

Ơn gọi của con là tình yêu’’, câu nói ấy của chị Thánh Têrêsa đã chạm vào lòng Hội Thánh. Một cô gái sống 24 năm trên cuộc đời nhưng lại là một vị đại thánh, Tiến sĩ của Hội Thánh nhờ những cánh hoa tốt lành nhỏ bé. Chị là một trong vị thánh nổi tiếng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Từ năm bốn tuổi, chị sống cùng gia đình tại Lisieux thuộc vùng Normandie nước Pháp. Vì thế mà người ta vẫn gọi chị là Thánh Têrêsa thành Lisieux ngoài cái tên kính trọng, Têrêsa Hài Đồng Giê-su và Nhan Thánh (1873-1897).

Lớn lên trong một gia đình thánh đức, cha mẹ chị là ông Louis Martin và bà Zélie-Marie Guérin đã được ĐTC Phanxicô tuyên thánh ngày 18/10/2015. Năm 16 tuổi, chị bắt đầu cuộc sống của mình tại tu viện dòng Kín Cát Minh. Từ những tháng ngày đó, chị bắt đầu viết cuộc đời nên thánh của mình bằng những hy sinh nhỏ nhặt của mình. Vào mùa Chay năm 1896, Têrêsa có triệu chứng ho ra máu. Từ đó, bệnh tật là một Thánh giá mà Têrêsa đeo trên mình. Và, Thánh giá ấy đã trổ hoa.

Trong cái đau của bệnh tật, chị ước ao trở thành linh mục, được bước chân đi truyền giáo. Trong sách “Histoire d’une ame” (Truyện một tâm hồn), chị đã ghi lại thao thức của mình: “… si la sainte Vierge me guérit, je desire répondre à l’appel de nos Mères d’Hanoi’’ (Nếu Thánh nữ Đồng trinh chữa con lành bệnh, con ước ao đáp lời mời gọi của Mẹ tại Hà Nội) – trích chương IX trong Truyện một tâm hồn.  Nguyên trang trên ghi lại những nguyện ước của chị Thánh nếu người được chữa khỏi bệnh. Nhưng, những ước ao ấy đã được Chúa cất giữ và cho chị ra đi vào năm 24 tuổi, để câu chuyện tình yêu ấy được viết tiếp bởi người em thiêng liêng, Marcel Văn. 

Truyện một tâm hồn – cuốn sách được xuất bản năm 1898 ngay sau chị Thánh qua đời. Hiện nay, sách được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ khác nhau. Ảnh: An Duyên

 Marcel Văn, người em thiêng liêng tại nước Việt

Nếu bạn may mắn gặp một người Công giáo Pháp, họ sẽ nhắc với bạn một cái tên mà người Pháp yêu mến: Marcel Văn. Sau những vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp năm 2015, một lời nguyện cho nước Pháp được “râm ran” hơn: “Lạy Chúa Giê-su, Người giàu lòng trắc ẩn với nước Pháp…”. Những lời nguyện này được thầy Marcel Văn, người Việt viết ra cho dù chưa một lần đặt chân đến nước Pháp. Đó là lời nguyện, là câu chuyện “tình thánh” giữa Têrêsa và Marcel Văn.

Thầy Marcel Văn có tên là Gioakim Nguyễn Tân Văn, sinh ra tại làng Ngăm Giáo, thuộc giáo phận Bắc Ninh, Việt Nam. Từ nhỏ, thầy đã có một ước ao mãnh liệt được trở thành linh mục và được nên thánh. Thầy đã được người mẹ đức hạnh Anna Maria Tế gửi vào nhà Chúa. Thầy đã từng sống tại giáo xứ Hữu Bằng (1935-1941) và sau đó theo học Tiểu chủng viện tại Lạng Sơn. Tại đây, câu chuyện “chị thiêng liêng” bắt đầu.

Trong giờ Chầu tại chủng viện, Văn bắt đầu tìm kiếm cuốn sách thiêng liêng về vị Thánh mà mình có thể theo bước. Và cuốn sách trong linh hứng của Chúa là Truyện một tâm hồn. Trong nhật ký của mình, thầy viết “… Con lại cả dám ước ao xin Mẹ một điều là chớ chi con được Mẹ yêu thương đùm gối như bông hoa trắng tuyết Têrêsa của Mẹ hồi xưa. Con cũng ao ước giá Mẹ ban cho con bà thánh ấy để làm thầy dạy dỗ con trên con đường nhỏ bé của Người thì Mẹ biết con sung sướng dường nào”. “Con vào nhà thờ, đến quỳ trước tượng thánh Têrêsa và chân thành nói với thánh nữ: Têrêsa, từ nay chị là chị của em” [1] [1] Marie-Chichel: Tình yêu không thể chết– Tr. 162-163. 

Nhóm thân hữu Marcel Văn đã xuất bản rất nhiều sách, truyện tranh thiếu nhi về cuộc đời của thầy Marcel Văn. Ảnh: Les amis de Van

Khi dòng người di cư vào Nam sau năm 1954, thầy Văn quyết định trở lại miền Bắc. Ngày 7/7/1955, thầy Marcel bị bắt, phải đi cải tạo trong nhà tù và chết tại đây năm 1959, khi thầy mới 31 tuổi. Thầy Marcel đã được nâng lên hàng tôi tớ Chúa nhờ con đường nên thánh nhỏ bé cùng chị Têrêsa. Hiện nay, quá trình phong thánh vẫn đang được tiến hành bởi nhóm thân hữu Marcel Văn “Les amis de Van” tại Pháp.

Mượn lời nguyện của thầy Marcel để tạm kết cho câu chuyện “tình yêu” của vị Thánh nữ Têrêsa qua chính ước nguyện tiếp tục được thực hiện trên đất Việt:

“Tôi không nhìn đâu xa

Cũng chẳng nhìn quanh quẩn…

Tôi chỉ ngắm nhìn Người tôi yêu…

Chính lúc lòng tôi yêu mến

Tôi tìm thấy hạnh phúc vô tận…

Tình yêu không thể chết”.

Văn

From: KimBằngNguyễn 

LÀM ĐIỀU NHỎ GẶT HÁI LỚN-MỪNG KÍNH THÁNH TERESA-LỄ NHỚ

MỪNG KÍNH THÁNH TERESA – LỄ NHỚ

LÀM ĐIỀU NHỎ GẶT HÁI LỚN

Tuyết Mai

Sống trên đời chúng ta thường chú trọng đến những chuyện lớn lao to tát mà bỏ qua những chuyện rất nhỏ nhưng rất cần thiết như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã sống làm gương cho đến chết. Chẳng những thế mà chị thánh đã được giáo hội nâng chị lên hàng tiến sĩ của hội thánh Chúa.

Chỉ vì chị thánh Teresa có một cuộc sống rất là đơn sơ, chân chất, chịu đựng trong yêu thương; trong một tâm hồn trẻ thơ là chị biết phó thác mọi sự việc lên cho Thiên Chúa cùng hằng ngày trò chuyện rất mật thiết với Chúa Giêsu. Đấng duy nhất mà chị có thể tìm được nguồn an ủi nhờ hằng đêm được tâm sự thoải mái với Người.

**

Như chúng ta được học biết là Chúa Giêsu rất yêu mến những ai sống có tâm hồn của một trẻ thơ. Vì trẻ thơ thì chúng không có làm gì nên tội và cuộc sống ngày qua ngày chỉ biết bám víu vào cha, mẹ của chúng cho những đòi hỏi rất căn bản mà thôi. Như con cái trần gian thì được cha mẹ tin tưởng để giao trách nhiệm và yêu thương đặc biệt nếu nó hiền lành, ngoan ngoãn và làm việc chăm chỉ.

Thì Thiên Chúa của chúng ta còn hợn vậy là Người luôn theo dõi, gìn giữ và định liệu cho tất cả những đứa con ngoan hiền, khờ khạo chẳng biết gì nhất là thường bị người đời ăn hiếp … (Là những đứa lớn khôn ranh, ỷ vào thế lực của cha mẹ chúng chuyên đi bắt nạt những đứa yếu đuối).

**

Rất nhiều người trong chúng ta được học biết thánh nữ Têrêsa ngài được vào sống trong tu viện ở tuổi rất nhỏ. Ngài hiền lành và bé nhất nên thường bị các chị lớn ăn hiếp và sau này ngay cả bị giao cho công việc là phải chăm sóc cho một sơ già bệnh tật rất khó tánh và rất khó chiều. Nhưng ngài không những chẳng có một lời than thở hay phiền trách ai cả mà hằng đêm về thánh nữ đã dâng tất cả những công việc hèn mọn trong ngày để biến chúng thành những cành hồng dâng lên cho Chúa.

Ai cũng biết những công việc rất hèn mọn thường ngày của thánh nữ Têrêsa là lượm rác, quét nhà, nấu nướng, giặt dũ, dọn dẹp cùng luôn phải nghe những lời chọc ghẹo, dèm pha, thọc méc, cười chê, mỉa mai của những người đồng tu trong dòng. Thánh nữ Têrêsa cũng cho chúng ta thấy rằng tuy dù sống ở nhà dòng nhưng cũng có những chia rẽ, ganh ghét và nịnh hót.

**

Để bắt chước học theo cách sống khiêm nhường của thánh nữ Teresa Hài Đồng Giêsu thì trước chúng ta phải kính Chúa yêu người như yêu chính mình. Kế đến là học yêu công yêu việc dù công việc đó là thấp kém nhất trong nhà dòng hay trong xã hội mà không kêu ca hay ỉ ôi than trách Thiên Chúa. Sau cùng là cần học cho nên bé nhỏ là con đường dễ cho linh hồn của chúng ta nhẹ nhàng mà bay thẳng lên Tòa Chúa tối cao.

**

Vì Thiên Đàng chỉ dành cho những ai có tâm hồn đơn sơ, nhỏ bé biết phó thác cho Chúa những công việc hy sinh ngày qua ngày, dù rất là rất nhỏ nhưng lại có thành quả to. Còn những ai sống luôn cậy dựa vào tiền bạc, tài năng rất hạn hẹp của mình hay luôn quen sống cậy dựa vào những ai có chức phận thì thưa rằng linh hồn đó sẽ luôn là nặng nề, khó có thể bay bổng được lên Tòa Chúa lắm.

Ước mong những ai có tên thánh là Têrêsa Hài Đồng Giêsu, nên học bắt chước tất cả những nhân đức của ngài từ những công việc thật nhỏ bé hằng ngày và biết phó dâng tất cả mọi sự buồn phiền lên cho Thiên Chúa – Đấng sẽ luôn lo liệu cho chúng ta thật đầy đủ vì con cái ở tuổi trẻ thơ thì luôn được Thiên Chúa là Cha, là Con và là Thánh Thần chăm lo cho tất cả và chẳng hề sợ bị thiếu thốn điều chi. Amen.

**

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

1 tháng 10, 2021

***

Xin bấm vào mã số dưới đây để cùng hát:

https://www.youtube.com/watch?v=y36zKHjXIfA

(Xin Nên Bé Nhỏ)

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu (1873-1897)

01/10/2021

1 Tháng Mười

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu
(1873-1897)

“Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.” Ðó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là “Bông Hoa Nhỏ,” người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.

 Ðời sống tu viện dòng kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài. Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là “để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục.” Và không lâu trước khi chết, ngài viết: “Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian.”

Vào ngày 19-10-1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh thần của những gì ngài viết.

Lời Bàn

Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái “tôi.” Chúng ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân mình, bị đau khổ khi nhận thức những nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện những gì không phải cho chính mình, và quên mình trong những hành động âm thầm của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ điển hình của sự mâu thuẫn trong phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời.

Sự bận rộn với bản thân đã tách biệt con người thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với bản thể. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn bao giờ hết.

Lời Trích

Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào, “Tôi không muốn bớt đau khổ.”

Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự–kể cả sự yếu đuối và bệnh tật–thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?

Trích từ NguoiTinHuu.com