STTD Tưởng Năng Tiến- Nguyễn Duy Kiên

Nguyễn Duy Kiên

Tưởng Năng Tiến

Vài hôm trước, trước khi “toàn dân nô nức” kỷ niệm Ngày Giải Phóng Thủ Đô  (lần thứ 68) nhà thơ Hoàng Hưng đã viết một câu ngăn ngắn (và hơi khó hiểu) trên trang FB của ông: “Sắp đến ngày 10/10 ! Biết bao người con tinh hoa của Hà Nội vui mừng đón ngày ấy rồi tan nát cả đời sau ngày ấy huhu…”

Mà chả riêng gì ông nhà thơ mà còn nhiều “nhà” khác (nhà báo, nhà văn, nhà bình luận thời sự… ) cũng đã từng trải qua cái tâm tư “huhu” tương tự :

  • Lê Phú Khải : “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, không khí hồ hởi vui tươi sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau hòa bình lập lại 1954 ở Hà Nội cũng như toàn miền Bắc mau chóng nhường chỗ cho những ngày ảm đạm, u ám của những cuộc ‘đấu tranh giai cấp’, của cải cách ruộng đất, dư cải tạo tư sản, đấu tố bọn “Nhân văn Giai phẩm.”
  • Nguyễn Văn Luận: “ Đỗ Mười về tiếp thu Hải phòng nói rằng các nhà tư sản vẫn được làm ăn bình thường. Một tháng sau, cha tôi bị tịch thu tài sản. Trở về Hà Nội, trắng tay, cả nhà sống trong túp lều ở ngoại ô, cha tôi đi đánh giậm, vớt tôm tép trong các ao hồ, rau cháo nuôi vợ con.”
  • Nguyễn Khải: “Một nửa nước được độc lập nhưng lòng người tan nát tài sản một đời chắt chiu của họ bị nhà nước tịch thu hoặc trưng thu khiến họ trở thành những người vô sản bất đắc dĩ. Tầng lớp trí thức chẳng có tài sản gì ngoài cái đầu được tư duy tự do, thì cái đầu cũng bị nhà nước trưng thu luôn.
  • Trần Đĩnh: “Chú họ tôi ở ngã năm Nguyễn Du – Bà Triệu, một công chức lưu dụng… Tin yêu Cụ Hồ, chú ở lại cùng công nhân viên bảo vệ Sở điện nên được lưu dụng… Thình lình cắt tiêu chuẩn lưu dụng, lương tụt một nhát ngỡ như chính bản thân chú bị sập hầm.”

Riêng với “nhà nhiếp ảnh” thì còn bị nhà nước cách mạng đối xử cách riêng (khắt khe và tàn tệ  hơn nhiều) theo như ghi nhận của tác giả Nguyễn Quỳnh Hương :

Chủ nhân của những bức hình tuyệt đẹp về Hà Nội lại có một số phận nhiều buồn thương… Đam mê nhiếp ảnh từ thời trai trẻ, Nguyễn Duy Kiên là bạn ảnh cùng thời với Lê Đình Chữ, Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Đỗ Huân… Ông chơi ảnh rất công phu: sắm buồng tối tại nhà, tự tay in phóng ảnh, mày mò tìm ra các kỹ xảo.

Rời hiệu thuốc là ông lại lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để ghi lại từng vẻ đẹp phong cảnh và con người, những biến chuyển thời cuộc in dấu lên từng con phố mà ông thân quen từ thơ bé.

Nguyễn Duy Kiên chụp ảnh cho Hà Nội của chính ông. Những khuôn hình nghiêm cẩn, kỹ càng  và chan chứa tình. Sau này, khi di sản tinh thần của ông đến tay những nhà chuyên môn, họ đã choáng váng vì những bức ảnh quá đẹp. Quan trọng hơn – di sản ấy còn là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940-1960.

Với 5 đứa con, người vợ đảm đang hết mực tin yêu chồng, Nguyễn Duy Kiên yên ổn với cuộc sống của mình – chỉ cần ông còn được chụp ảnh. Nhưng tai nạn đã ập đến với họ bất ngờ, để rồi tổ ấm của họ phải sẻ đàn tan nghé.

 Đó là một ngày của năm 1967, Nguyễn Duy Kiên có lệnh khám nhà. Người ta tìm thấy trong kho ảnh của ông có 1 tấm hình khỏa thân. Sau này bạn bè ông nói đó là tấm ảnh một người đến phóng nhờ buồng tối rồi để quên lại, cũng có người nói ông chụp để gửi dự thi quốc tế, vì BTC yêu cầu hồ sơ bộ ảnh phải đủ tĩnh vật- phong cảnh- chân dung và ảnh khỏa thân. Không ai biết chính xác “lý lịch”  tấm ảnh định mệnh ấy, còn Nguyễn Duy Kiên thì chỉ im lặng.  Bị kết tội chụp ảnh suy đồi cái tội đủ để làm tan nát danh dự một gia tộc.

Quá khứ đã qua, nhưng ám ảnh kinh hoàng vẫn đọng trong lời kể của bà Kiên: “Chồng tôi đau đớn lắm, nhưng ông biết thời thế, biết phận mình phải như thế. Oan khuất biết kêu ai? Nên bố cháu chỉ im lặng.

Ông bị xử điển hình, kết án 11 năm tù. Chồng tôi cải tạo tận Lào Cai- xứ rừng thiêng nước độc. Cứ nửa năm tôi và cháu lớn lại được lên thăm bố cháu một lần, đường rừng toàn đá tai mèo nhọn sắc, hai mẹ con đi bộ hàng chục cây số máu rỏ dọc đường. Mỗi lần thăm  bố cháu lại tiều tụy hơn”.

Ông bị bệnh thận, bà Miễn viết đơn xin giảm án cho chồng, Nguyễn Duy Kiên đựơc trở về với gia đình sau 8 năm thụ án. Ông về, nhớ nghề ảnh thì mang máy ra chụp loanh quanh trong nhà, ông không dám ra ngoài, bạn bè cũng e ngại không còn ai lui tới.

Đoàn tụ của họ lặng lẽ và ngậm ngùi, chẳng nỡ làm nhau đau hơn – ông không kể những ngày trên trại, bà không kể những năm tháng một mình tủi cực nuôi con. Năm 1979, ở với vợ con đựoc 4 năm thì ông mất vì sức khỏe suy kiệt. Bà Kiên vẫn rơm rớm nước mắt khi nhớ lại: “Khi bố cháu mất, danh dự vẫn chưa được rửa, ông ấy xuôi tay mà không nhắm được mắt…”

Gần nửa thế kỷ đã qua (kể từ khi Nguyễn Duy Kiên nhắm mắt xuôi tay) nhưng nỗi oan khuất của ông và tâm cảm u uẩn của bà chưa bao giờ thực sự được quan tâm hay chia sẻ bởi bất cứ ai, ngoài những lời lẽ đãi bôi của giới truyền thông nhà nước :

Báo Tiền Phong: “Trải qua bao nỗi gian truân, may mắn thay, ngần ấy năm trời, bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên vẫn lưu giữ lành lặn được hơn 200 tác phẩm của chồng. Ấy cũng là nề nếp gia phong, nghĩa tình chung thủy của người Hà Nội xưa”.

Báo Vnexpress: “Nguyễn Duy Kiên từng là nghệ sĩ nổi tiếng trong giới nhiếp ảnh Hà Nội, cùng thời với Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Nguyễn Cao Đàm… nhưng hầu như đã bị hậu thế lãng quên.”

Báo Nhịp Sống Hà Nội: Số phận đã không cho Nguyễn Duy Kiên may mắn được chụp, trưng bày và xuất bản nhiều nhưng di sản mà ông để lại là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940-1960. Đây là món quà quý giá mà ông gửi lại cho Hà Nội của chúng ta hôm nay.

Báo Nông Nghiệp: “Tiếp lửa tình yêu nghệ thuật, lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử vô giá cho những người đang sống hôm nay, nhưng NSNA Nguyễn Duy Kiên dường như bị quên lãng. Hà Nội đã tôn vinh nhiều cá nhân, vậy mà cái tên Nguyễn Duy Kiên đến nay vẫn chưa được trân trọng đánh giá đúng với những gì ông xứng đáng được vinh danh.”

Vấn đề e không giản dị thế đâu!

Hà Nội không thể ngang nhiên mang một nghệ sỹ đi chôn sống, rồi lại thản nhiên “vinh danh” nạn nhân bằng cách in lại tác phẩm của đương sự (bằng tiền tài trợ của một công ty nước ngoài) và coi “đây là món quà quý giá mà ông gửi lại cho Hà Nội của chúng ta hôm nay.”

Hà Nội không thể chà đạp lên cuộc đời của một người dân cho đến mức bầm dập te tua rồi đổ thừa (“số phận đã không cho tác phẩm Nguyễn Duy Kiên may mắn được chụp, trưng bày và xuất bản”) tỉnh rụi như vậy được.

Hà Nội cũng không ai có thể giày xéo lên số phận của cả một gia đình, buộc một người phụ nữ đơn chiếc phải tần tảo nuôi mấy đứa con thơ, rồi xưng tụng đó là nhờ vào “nề nếp gia phong, nghĩa tình chung thủy của người Hà Nội xưa.”

Tội ác đâu có dễ lấp liếm hay che dấu như thế!

Tưởng Năng Tiến
10/2022

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bóng hồng cửu vạn

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bóng hồng cửu vạn

  • S Tương Lai: “Liệu làm con đà điểu rúc đầu vào cát thì có khiến cho những thảm trạng u tối đang trùm lấp cuộc sống được không nhỉ?
  • FB Nguyễn Thịnh: “Không phải tin tốt hay tin xấu mà từ góc nhìn, cách đưa tin, tức là văn hóa người viết, người duyệt bài và cả người thẩm (đọc) bài. Bộ nhất định không thể làm thay hay yêu cầu. Báo chí không thể chỉ có một tổng biên tập.”

Tôi e rằng quan niệm của nhị vị thức giả thượng dẫn có phần hơi khe khắt. Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra con số định mức (“chỉ 10/% tin xấu”) quá thấp vì đương sự  mới nhận việc nên chưa biết rằng bộ thông tin còn có vai trò, và khả năng, định hướng nữa cơ. Nhiều tin xấu sẽ đỡ xấu xí đi (chút đỉnh) sau khi được xào xáo ngôn từ, kiểu như :

  • Cướp đất = giải phóng mặt bằng
  • Biểu tình = tụ tập đông người
  • Thuốc giả = thuốc không có khả năng trị bệnh
  • Tát = gạt tay trúng má hay nhỡ tay vung vào mặt
  • Đá = dơ chân quá cao
  • Đạp = Lấy chân tác động vào ngực
  • Ngập = tụ nước
  • Lụt = thế nước đang lên
  • Chuyến bay bị hủy hay bị chậm = bay chưa đúng giờ

Ngoài những tiểu xảo lặt vặt (vừa kể) đội ngũ của những người cầm bút ở VN hiện nay còn có “thủ thuật” biến đổi cuộc sống lam lũ, cơ cực, bần hàn của đám dân đen thành những mảnh đời … tươi sáng :

Trời! Kiếm tiền ở Việt Nam sao mà dễ ợt, vậy cà? Rảnh, xem qua cuộc “sống tốt” và cách “kiếm bạc triệu mỗi đêm” của Lực Lượng Cửu Vạn Nữ Nổi Tiếng Hà Thành” (qua ngòi bút “nhà báo” Anh Tuấn) coi sao :

Cùng với chợ Long Biên, Đồng Xuân là một trong những nơi có nhiều chị em hành nghề khuân vác hàng thuê nhất ở thủ đô. Mỗi ngày một phụ nữ phải vác hàng tấn trên vai kiếm sống. Khu vực bãi xe chợ Đồng Xuân (mặt phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm) luôn tấp nập xe chuyển hàng đến và đi từ 3h30 sáng tới 16h chiều hàng ngày, bất kể mưa nắng.

Chợ là trung tâm đầu mối các mặt hàng vải vóc, thời trang, phụ kiện may mặc lớn nhất phía Bắc. Khu vực này đặc biệt nóng khi vào đợt hàng mới trước dịp chuyển mùa nhằm phục vụ nhu cầu rất lớn tới từ các tỉnh. Đặc biệt, chợ Đồng Xuân xuất hiện nhiều nữ cửu vạn đã hơn chục năm nay. Họ khỏe và làm việc hăng say không kém các đấng mày râu. Các nữ khuân vác chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ hai đến năm người hỗ trợ giúp đỡ nhau làm việc.

 Đôi vai của họ khỏe như lực sĩ, có thể vác hàng chục kg. Trong bao tải cồng kềnh kia chủ yếu là vải vóc, sợi bông nên khá êm. “Làm nhiều năm nên quen, đôi chân tôi cũng linh hoạt, khéo léo hơn để di chuyển len lỏi giữa chợ đông”, chị Thanh, quê Thái Bình nói.

Có những bao tải nặng cả tạ, vai chưa đủ khỏe, các chị phải dùng tay chống ở hông cho đủ lực. Nhiều người đàn ông nhìn thấy cũng phải nể phục. Hầu hết các chị em ở đây đến từ các tỉnh Nam Định, Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên…

Có người thâm niên đã hơn 10 năm. Chỉ nghỉ về quê vào dịp mùa vụ, cấy hái chăm lo đồng ruộng, xong xuôi lại vội vã lên Hà Nội mưu sinh. Mỗi một lần vác nặng từ xe đến điểm tập kết hàng như thế này các chị được trả công từ 10.000 – 20.000 đồng. Chuyển từ xe vào chợ, từ ki ốt ra xe đi tỉnh và nhặt nhạnh các chuyến nhỏ cho khách lẻ.

Các chị chia sẻ, may mắn là hầu như chẳng bao giờ đau ốm, cùng lắm chỉ sụt sùi, cảm nhẹ một ngày là khỏi. “Chỉ cần đau yếu hoặc nghỉ làm mấy ngày, khi quay lại công việc sẽ vô cùng khó nhọc, đau nhức người và quan trọng là mất đi một khoản thu nhập”, một chị nói.

Chị em luôn có một cuốn sổ nhỏ ghi chép các chuyến hàng cho từng ki ốt khác nhau để cuối ngày thanh toán. Ngày nào nhiều việc, có người kiếm được 500.000 đồng đến 700.000 đồng, ngày ít chỉ được hơn 100.000 đồng. “Văn phòng” làm việc cũng như chỗ nghỉ ngơi khi rảnh rang của họ chính là hành lang cầu thang lên xuống tại cổng chợ.

Mỗi chị em trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt hay ăn uống hàng ngày, tằn tiện cũng để ra được từ 5 đến 7 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng, người nào ít thì chỉ được 3 đến 4 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Thập làm phu vác ở chợ Đồng Xuân đã được gần 10 năm. Người phu nữ đến từ Hưng Yên có gia đình và hai con nhỏ ở quê nhà, tuy nhiên phải đôi ba tháng chị mới về một lần. Những lúc nhàn rỗi chờ việc chị lại mang kim chỉ ra thêu thùa tranh và khăn dành tặng cho chồng con ở nhà.

Thiệt là lãng mạn hết biết luôn. Thảo nào mà gần đây trong ngôn từ của báo chí nước nhà mới có thêm cụm từ rất thơ mộng là bóng hồng cửu vạn. Ngó mấy cái “bóng hồng” này đang gồng gánh, khiêng vác “những bao tải nặng cả tạ” trên hè phố Hà Nội hay Sài Gòn khiến tôi thốt nhớ đến hình ảnh của những bông hoa nở giữa chiến trườngnhững  bông hoa trên tuyến lửa (và những đoá hoa lan trong rừng cháy) trên Đường Trường Sơn – hồi giữa thế kỷ trước – khi cuộc chiến chưa tàn.

Thay những danh xưng hoa hoè hoa sói (vừa kể ) thì họ có tên gọi trần trụi, và chính xác, là Lực Lượng Nữ Dân Công Hoả Tuyến (*). Chính lực lượng này đã đảm nhiệm phần lớn việc chuyển tải lương thực, quân cụ, vũ khí để giải phóng miền Nam.

Hơn bốn mươi năm sau, sau khi vùng đất này được hoàn toàn giải phóng (và đất nước sạch bóng quân thù) thì đám con cháu của những bông hoa trên tuyến lửa, hay những đoá hoa lan trong rừng cháy trở thành những bóng hồng cửu vạn giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại và Hòn Ngọc Viễn Đông!

Với truyền thống định hướng bằng hoa ngôn xảo ngữ của bộ TT&TT của xứ ta thì Tân Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chả phải lo xa đến chuyện định mức bao nhiêu phần trăm tin tốt hay tin xấu. Ở đất nước CHXNCNVN (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) thì có tin tức và hình ảnh nào mà xấu được mà lo, cha nội!

——————-

 (*) Có thể xem thêm thiên tiểu luận Death and Suffering at First Hand: Youth Shock Brigades during the Vietnam War (1950–1975) [Trực Diện Với Cái Chết Và Nỗi Đau: Vấn Đề Thanh Niên Xung Phong Trong Chiến Tranh Việt Nam (1950-1975) ] của François Guillemot – do Phương Hoà chuyển ngữ – đã đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas, vào năm 2010.

Quảng Bình- STTD Tưởng năng Tiến

Quảng Bình

Tưởng năng Tiến

Gần nửa thế kỷ qua, tôi sống loanh quanh trong lòng Vùng Vịnh (The Bay Area) nơi có những thành phố nổi tiếng được nhiều người biết đến hay tìm đến: Berkeley, Oakland, Palo Alto, San Jose, San Francisco (S.F) …  Vùng này khí hậu ôn hoà, việc làm tương đối dễ kiếm, và chả ai bị kỳ thị cả vì không sắc tộc nào được coi là đa số – kể cả đám dân da trắng.

Chỉ có điều hơi rầy rà là Vịnh S.F – cái eo thông ra Thái Bình Dương – được nối bởi một cái cầu treo kỳ vỹ (khánh thành từ năm 1937) khiến lắm kẻ hiếu kỳ, muốn đến ngó qua một chút, và chụp năm ba tấm ảnh để … khoe chơi! Chính vì thế nên Golden Gate Bridge đã gây ra lắm chuyện phiền hà, cho không ít cư dân địa phương – nhất là những người tị nạn!

Phiền nhất là cứ đang ngon giấc thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây là giọng của ông (hay bà) đồng hương lạ hoắc, hớn hở gọi từ một nơi xa lắc/xa lơ nào đó :

  • A lô …
  • May quá cứ sợ là bác không có nhà, đang còn ở Miên, bên Miến hay bên Lào gì  chứ?
  • Xin lỗi ….
  • Ối Giời! Thế bác quên chúng em rồi à? Mấy năm trước, có lần bác đã ghé qua nhà và uống rượu với chồng em đến tận sáng luôn đấy. Nhớ không?

Có mấy đêm mà tôi không ngồi tì tì cho đến khi gần sáng, kể cả khi chỉ uống mình ên. Đã thế, tôi lại còn có thói hay đi giang hồ (vặt) nên làm sao nhớ được hết những ân nhân đã rộng lòng cho mình ăn nhờ ở đậu – đôi ngày. Ân tình này làm sao mà quên được nên tôi liền vội vàng và vồn vã, dù vẫn “chưa nhớ” tên họ của người đối thoại :

  • Dạ … nhớ, nhớ quá đi chứ!
  • Chả là thế này nhá. Gia đình em sắp ghé S.F, đã đặt khách sạn rồi đấy nhưng xe cộ thì không có mà đường xá cũng chưa quen nên nếu rỗi thì xin bác cho chúng em đi thăm thú đôi nơi nhá?

Thiên hạ ai mà chả biết tôi là một thằng rách việc, thất nghiệp dài dài, có chuyện mẹ gì làm đâu mà không rảnh (quanh năm) nên vô phương thoái thác :

  • Vâng ạ!

Tôi “ạ̣/vâng” rất nhẹ và rất khẽ, nghe cứ như một tiếng thở dài (cố nén) nên không mấy ai đủ tinh tế để nhận ra cái nỗi khổ tâm của một người di tản (buồn) sống trong Vùng Vịnh. Khỏi hỏi thì cũng biết nơi khách tự phương xa muốn đến “tham quan” là Golden Gate Bridge (Kim Môn Kiều) chớ còn đâu nữa.

Bất kể khí hậu/ thời tiết (mưa gió – bão bùng – sấm chớp – giông tố) ra sao, không sớm thì muộn, thế nào người bạn viễn phương cũng thỏ thẻ ngỏ lời :

  • Bác bấm cho mấy bô hình nhá…
  • Giời ơi! Sương mù dầy đặc thế này mà ….
  • Kệ! Mù thế chứ mù hơn nữa cũng mặc, chả lẽ đã đến được tận đây mà lại không chụp cái ảnh nào thì nói ai tin!

Tôi chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ (*)! Sau hàng trăm lần chết đi (sống lại) như thế, tôi đâm ra có ác cảm với cái cầu treo, rồi ghét lây luôn cả Cựu Kim Sơn – dù biết rằng bao nhiêu triệu người đã để lại trái tim nơi thành phố mù sương và dễ thương này :  

I left my heart in San Francisco
High on a hill, it calls to me
To be where little cable cars climb halfway to the stars
The morning fog may chill the air, I don’t care
My love waits there in San Francisco …

Tôi chả có mối tình lớn/nhỏ nào ở S.F cả nên dù đã nghe bản nhạc (cả trăm lần) rồi nhưng không thấy chút “effect” hay cảm xúc nào ráo trọi. Thay vì mê mệt giọng ca bạc triệu (I left my heart in San Francisco ..) của Tony Bennett hay Frank Sinatra, tôi lại chỉ mết (và kết) tiế́ng hát của Thái Thanh thôi :

Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói
Có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi
Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy

Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi
Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy… (Phạm Duy – Quê Nghèo)

Theo nhà phê bình văn học Đặng Tiến, tác phẩm này được viết tại Quảng Bình (Q.B) vào năm 1948. Tuy khá lâu sau tôi mới cất tiếng khóc chào đời nhưng Quê Nghèo qua giọng ca như ru của mẹ – dường như – đã in mãi hình ảnh của những buổi chiều rơi thoi thóp, những ông già rách vai cuốc đất bên đàn trẻ gầy (cùng với tiếng thở dài của o nghèo giữa đêm khuya thanh vắng) vào trí óc của đứa bé thơ, từ thuở nằm nôi.

Tôi hoàn toàn chia sẻ với Carl Jung về ý niệm vô thức cộng thông (collective unconcious) hay còn gọi là vô thức tập thể. Tôi cũng thành thực tin rằng nỗi bi thương và sự khốn khó của Q.B đã ẩn sẵn trong tiềm thức và máu huyết của mình (ngay khi còn trong bụng mẹ) nên trái tim tôi đã để ở Q.B lúc mới lọt lòng – dù chưa bao giờ có cơ may được đặt chân đến mảnh đất gầy này.

Mãi đến gần giữa đời, tôi mới lò dò tới S.F. Thành phố này, nói nào ngay, cũng là nơi đáng sống và đáng yêu (nhất là những sáng mù sương, chả khác chi Đà Lạt sương mù cả) nhưng tôi chả có duyên nợ gì với nó cả vì đã lỡ để tim mình ở một nơi xa xôi khác mất rồi!

Q.B không chỉ nổi tiếng vì nghèo mà còn được biết đến như là một vùng đất của lắm huyền thoại nữa, theo như tin tức của giới truyền thông thuộc nhà nước hiện hành :

  Quảng Bình niềm tin chiến thắng  

  Bến phà Xuân Sơn Quảng Bình – nơi ghi dấu lịch sử oai hùng

Tuy chuyện chi cũng sẵn sàng “hy sinh,” và cũng đều “giỏi” tuốt nhưng cuộc sống của người dân Q.B chưa bao giờ được an bình và no đủ cả – vào bất cứ thời nào :

Tin tức và hình ảnh mới nhất về Q.B vừa được ghi lại bởi FB Thận Nhiên, vào hôm 21 tháng 9 năm 2022, sau một chuyến thăm quê :

Từ làng của nhà ngoại, đi chừng 3 cây số là đến nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cách đó cũng không xa, là nhà của tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đến viếng nhà ông Giáp, nhưng thấy tôi cầm máy ảnh thì người bảo vệ làm khó, tôi trở ra, không vào. Chừng vài trăm mét, tôi gặp một người đàn bà lặn hụp mò ốc dưới ao… Sao sau bao nhiêu xương máu đổ xuống nơi này mà tương lai vẫn nằm ở phía sau lưng?

Tôi cũng đã từng nhìn thấy “tương lai nằm ở phía sau lưng” của người mình tại Biển Hồ, bên nước láng giềng Cam Bốt. Khí hậu biến đổi, cùng vô số những con đập ở thượng nguồn trên sông Mê Kông, đã khiến cho Tonle Sap Lake đang dần cạn nước. Cá tôm cũng mất dần theo nên đám dân Việt, trôi sông lạc chợ ở nơi đây, cũng đang phải xoay ra bắt ốc để sống qua ngày.

Họ sống thêm được bao lâu nữa thì chỉ có Trời mới biết. Và chắc ngay cả đến Trời cũng không thể trả lời câu hỏi (thượng dẫn) của nhà văn Thận Nhiên: Sao sau bao nhiêu xương máu đổ xuống nơi này mà người dân Q.B vẫn phải lặn hụp mò ốc (dưới ao) cứ như thể là họ vẫn còn đang sống trong cảnh tối tăm, giữa Đêm Trường Trung Cổ vậy?

TNT

 (*) “Tôi chết được chứ chả bỡn đâu, Giời ạ!” Tôi không nhớ rõ là mình đã “lượm” được cái câu này ở đâu nữa. Có lẽ trong cuốn Bắt Trẻ Đồng Xanh. Nguyên tác The Catcher in the Rye (J.D Salinger) bản tiếng Việt của Phùng Khánh, Thanh Hiên xuất bản vào năm 1967.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một bông hồng cho giới luật sư

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Một bông hồng cho giới luật sư

 

Tuần rồi – bên bàn nhậu – tôi (lại) phải nghe một câu chuyện vui đã cũ, về giới luật sư:

Hàng rào phân cách giữa địa ngục và thiên đàng bị sụp. Thánh  Phê Rô đề nghị với Satan mỗi bên chịu một nửa chi phí để dựng lại nhưng “đối tác” lắc đầu quầy quậy. Ông thánh doạ:

– Vậy sẽ đưa ra toà.

Satan cười khẩy:

– Trên đó làm gì có luật sư? Họ ở cả dưới này mà.

Câu chuyện vừa kể có xuất xứ từ phương Tây. Dân Việt ưa chế riễu thầy bói, thầy bùa, thầy cúng, thầy đồ, thầy pháp, thầy mo, thầy tu, thầy địa lý, thầy phong thủy … nhưng thầy cãi thì không. Ở Việt Nam, luật sư là một nghề còn khá mới và chưa gây ra điều tiếng như những nơi khác. Đã thế, trong giới người này, không ít vị còn giữ được trọn vẹn tiết tháo khi đối mặt với cường quyền và bạo lực.

Đại Học Đông Dương khai giảng lần đầu vào năm 1907. Tác giả Trần Thị Phương Hoa (Institute for European Studies) cho biết thêm:

“Lần khai giảng thứ hai năm 1917 mở ra một hình thức mới cho trường – đó là mô hình bách khoa với nhiều trường kỹ thuật. Giai đoạn thứ ba từ 1932 đến 1945 khẳng định diện mạo của trường với ba thành tố: Trường Y, trường Luật và trường Khoa học.”

“Mặc dù trường đại học hạn chế số lượng thành viên, uy tín chuyên môn của Đại học Đông Dương tăng dần. Kể từ năm 1932, trường Y và trường Luật trở thành một phân hiệu của trường Y và Luật Paris.”

Không chỉ muộn màng, ngành luật học ở Việt Nam còn gặp rất nhiều trắc trở:

“Ngày 17-11-1950, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán toà án nhân dân huyện lên toà án nhân dân tỉnh…Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, USA: 2012).

Muốn biết nó ảnh hưởng đến “nền tư pháp Việt Nam ra sao,” xin đọc thêm một đoạn văn khác – của một tác giả khác:

“Giữa trưa, Tiến, anh trung tá an ninh bây giờ thay Chí Hùng, đến báo tôi rằng Chính vừa bị bắt. Tôi nhăn mặt kêu lên: Sao đảng thích bắt người thế?

….

Hôm xử Chính tôi không ra đứng ở cổng toà mà đến Hồng Ngọc tối trước. Đang trò chuyện thì ông luật sư K. gia đình mời bào chữa cho Chính đi vào. Một cái bóng lúp xúp. Cụp vai, cúi đầu thì thào dăm ba câu, cái dáng sợ bị nghe trộm, nhòm trộm. Tuy nhớn nhác nhưng ông trung thực, trước sau chỉ khe khẽ chối (nhưng lại gắt): Tôi không cãi được… ý gia đình như thế thì không cãi được đâu. Hà, con gái cả Chính kêu lên: Thế thì im hả bác? Lúng túng giây lát ông luật sư lại gắt giọng nhưng vẫn thì thào: Không cãi được mà. Tôĩ hỏi thế nghĩa là gia đình nhận tội thì cãi được? Ông nói: Đã nhận thì cần gì cãi. Rồi lúp xúp đi ra. Ông biết trong bóng tối quanh đây đầy những con mắt lúc này đang theo đõi chặt. Rồi máy ghi âm. Có khi chụp ảnh nữa. Qua tư thế ọp ẹp, ông cố để lộ rõ ông đầu hàng Nhà nước.  (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Giới luật sư ở miền Nam không thế. Họ không “nhớn nhác,” “lúp xúp,” “cụp vai” hay “thì thào” mà nói rất to (“bằng loa phóng thanh”) đàng hoàng để mọi người cùng nghe cho nó rõ:

“Vào ngày 23 tháng 4 năm 1977 Luật sư San đã dùng loa phóng thanh tuyên đọc bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Những Người Việt Nam Khốn Cùng’ ngay trước bậc thềm Nhà Thờ Ðức Bà – nơi có Công trường Kennedy ngay giữa trung tâm thành phố Sài Gòn.

Sự kiện này đã gây cho nhà nước cộng sản nổi giận điên cuồng đến độ họ đã ra tay truy bắt toàn bộ nhóm luật sư vào trại giam để thẩm vấn với những đòn trả thù đánh đập hành hạ đê tiện. Người lớn tuổi nhất trong nhóm, thì phải kể đến Luật Sư Vũ Ðăng Dung, nguyên thủ lãnh Luật sư Ðoàn Tòa Thượng Thẩm Huế, rồi đến các luật sư có tên tuổi khác như Triệu Bá Thiệp, Nguyễn Hữu Giao, v.v

Theo nhiều nhân chứng là các cựu tù nhân chính trị sống cùng trại giam như Ðỗ Thái Nhiên, Vũ Ánh, Hồ Thành Ðức cho biết, thì anh San đã bị đánh đập tra khảo dữ dội nhất – nhưng anh San vẫn giữ được thái độ hiên ngang kiên cường trước mặt đám người đã nặng tay hành hạ đối với bản thân mình. Và anh San đã bị giam giữ đến trên 10 năm trong nhiều trại tù khắc nghiệt nhất – cụ thể như trại giam số 4 Phan Ðăng Lưu (tức Khám Lớn, Gia Ðịnh cũ), trại A20 ở Xuân Phước, Tuy Hòa.” [“Thương Tiếc Luật Sư Trần Danh San (1937 -2013)” – Đoàn Thanh Liêm].

Nguồn phóng ảnh: pham-v-thanh.blogspot

Bạn đồng tù với Trần Danh San, tác giả Phạm Đức Nhì cho biết thêm:

“Sau khi cùng luật sư Triệu Bá Thiệp soạn thảo bản ‘Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng’, cả hai đã hẹn nhau đem loa phóng thanh đến Vương Cung Thánh Đường trịnh trọng tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rồi tươi cười bước lên xe công an, đến số 4 Phan Đăng Lưu…ngồi tù… anh nhỏ nhẹ nói: “Phải cho thế hệ sau biết để các em, các cháu có thêm nghị lực, dũng khí đi tiếp con đường chúng ta đi.”

Tôi tin là Trần Danh San và Triệu Bá Thiệp đã gửi được thông điệp của họ cho thế hệ kế tiếp. Bước vào Thế Kỷ XXI, Việt Nam đã xuất hiện nhiều vị luật sư trẻ tuổi, tài năng, và dũng cảm: “ Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Võ An Đôn, Huỳnh Văn Đông, Lê Trần Luật, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, Nguyễn Bắc Truyển …”

Cường quyền và bạo lực, tuy thế, đã không trấn áp được lương tri. Sau khi Ban Chủ Nhiệm Đoàn Luật Sư Phú Yên xóa tên luật sư Võ An Đôn, “đã có hơn 100 luật sư ký tên phản đối vụ kỷ luật LS Võ An Đôn” (*). Về sự kiện này, trang Thông Tin Đức Quốc có lời bình luận: “Một hiện tượng hiếm hoi trong xã hội Việt Nam hôm nay.”

Sự thực thì “hiện tượng” vừa nêu cũng không hiếm hoi gì lắm. Khi mặt trận truyền thông của chính phủ hiện hành chưa vỡ thì thông tin được bịt kín, thế thôi. L.S Nguyễn Hữu Thống vừa cho biết thêm:

“Sau khi Cộng Sản cướp chính quyền tại Miền Nam để thiết lập chế độc tài đảng trị, trong vòng 2 năm, từ 1975 đến 1977 có ít nhất 14 luật sư đã tuẫn tiết hay bị giam giữ. Luật Sư Trần Chánh Thành đã quyên sinh không chịu khuất phục bạo quyền, Các vị khác đã đứng lên tố cáo Nhà Cầm Quyền Hà Nội vi phạm nhân quyền và những quyền tự do căn bản của người dân.

Cuối năm 1975, trong vụ án Vinh Sơn, Luật Sư Nguyễn Khắc Chính bị kết án tù chung thân về tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân’.

Qua năm 1976, Luật Sư Trần Văn Tuyên, Thủ Lãnh Luật Sư Đoàn Saigon đã tuẫn tiết tại trại cải tạo Hà Tây. Sau đó, 3 người con trai Trần Vọng Quốc, Trần Tử Thanh và Luật Sư Trần Tử Huyền đã bị kết án 12 năm, 5 năm và 3 năm về tội ‘tuyên truyền chống chế độ’. Đồng thời Luật Sư Thủ Lãnh Lý Văn Hiệp đã bị kết án 12 năm tù cũng về tội này. Ngoài ra, các Luật Sư Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Hữu Doãn cũng bị giam 18 tháng về tội giả tạo nói trên…”

Thảo nào mà ở Việt Nam người ta ưa chế riễu thầy bói, thầy cúng, thầy đồ, thầy pháp, thầy mo, thầy tu, thầy địa lý, thầy phong thủy …, và cả thầy thuốc nữa nhưng thầy cãi thì không. Ở đất nước này giới luật sư được tôn trọng, và họ quả xứng đáng.

Tưởng Năng Tiến

————————

(*) DANH SÁCH LUẬT SƯ KÝ TÊN, ỦNG HỘ “KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT ĐỐI VỚI LUẬT SƯ VÕ AN ĐÔN” ĐỀ NGÀY 10/12/2017 GỬI BAN THƯỜNG VỤ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM:

  1. LS Trịnh Vĩnh Phúc – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    2. LS Trần Quang Thắng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    3. LS Đặng Trọng Dũng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
  2. LS Trần Bá Học – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    5. LS Nguyễn Văn Miếng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    6. LS Phạm Tất Thắng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    7. LS Đặng Đình Mạnh – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    8. LS Trần Hồng Phong – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
  3. LS Nguyễn Thị Dạ Thảo – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    10. LS Đồng Hữu Pháp – Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế
    11. LS Lê Văn Luân – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    12. LS Ngô Anh Tuấn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    13. LS Nguyễn Hà Luân – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    14. LS Lưu Vũ Anh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    15. LS Lê Văn Hòa – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    16. LS Hoàng Ngọc Giao – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    17. LS Trần Vũ Hải – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    18. LS Phan Thị Lan Anh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    19. LS Nguyễn Hoàng Trung – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    20. LS Hà Huy Sơn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    21. LS Ngô Ngọc Trai – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    22. LS Trần Anh Tùng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    23. LS Nguyễn Phan Long – Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ
    24. LS Nguyễn Hòa – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    25. LS Trần Văn Sỹ – Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long
    26. LS Trương Công Cường – Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang
    27. LS Nguyễn Khả Thành – Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên
    28. LS Phạm Văn Tuyên – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    29. LS Nguyễn Văn Kỷ – Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế
    30. LS Lê Mạnh Hùng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    31. LS Nguyễn Thạch Thảo – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    32. LS Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    33. LS Nguyễn Văn Từ – Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh
    34. LS Trần Hà Xuân Phong – Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Tháp
    35. LS Lê Quang Hiến – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
    36. LS Trần Văn Đức – Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng
    37. LS Khương Đình Tiến – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    38. LS Nguyễn Hữu Trung – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    39. LS Lê Xuân Hậu – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương
    40. LS Nguyễn Minh Anh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    41. LS Nguyễn Trần Chiêu Dương – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    42. LS Lê Quang Vũ – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    43. LS Trần Đăng Sỹ – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    44. LS Nguyễn Ngọc Tuấn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    45. LS Trần Trung Thuận – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    46. LS Man Đức Vương – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    47. LS Hồ Minh Kính – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định
    48. LS Nguyễn Tiến Dũng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    49. LS Trần Dũng – Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau
    50. LS Nguyễn Văn Đồng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    51. LS Phạm Dũng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    52. LS Dương Vĩnh Tuyến – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước
    53. LS Đinh Quốc Dũng – Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai
    54. LS Đỗ Xuân Hiệu – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    55. LS Cao Tiến Đạt – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    56. LS Phạm Xuân Thọ – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    57. LS Lê Văn Hồi – ĐoànLuật sư TP. Hà Nội
    58. LS Phan Thị Sánh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    59. LS Nguyễn Vượng Hải – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    60. LS Nguyễn Hữu Phúc – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    61. LS Bùi Thanh Bình – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    62. LS Ngụy Thành Thắng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    63. LS Phạm Thùy Dung – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    64. LS Trần Thùy Chi – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    65. LS Nguyễn Thị Mỹ Uyên – Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
    66. LS Văn Minh Nam – Đoàn Luật sư tỉnh Lào Cai
    67. LS Trần Văn Đạt – Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận
    68. LS Nguyễn Anh Vân – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    69. LS Lê Thanh Tuấn – Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An
    70. LS Đỗ Phú Kim – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    71. LS Đào Thị Lan Anh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    72. LS Lê Ngọc Luân – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    73. LS Hoàng Xuân Sơn – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    74. LS Nguyễn Văn Thành – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    75. LS Nguyễn Văn Kiệm – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    76. LS Trần Đình Dũng – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    77. LS Đỗ Thành Nhân – Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng
    78. LS Lương Tống Thi – Đoàn Luật sư tỉnh An Giang
    79. LS Trần Việt Hùng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    80. LS Nguyễn Duy Bình – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    81. LS Phạm Văn Tuấn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    82. LS Trần Hữu Kiển – Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre
    83. LS Nguyễn Thanh Sơn – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    84. LS Nguyễn Ngọc Bảo Chi – Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk
    85. LS Trần Đình Đại – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    86. LS Phạm Văn Thọ – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    87. LS Phạm Thanh Tùng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    88. LS Ngô Đình Thuần – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    89. LS Bùi Minh Bằng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    90. LS Nguyễn Thị Ninh Hòa – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    91. LS Lê Minh Châu – Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau
    92. LS Giã Hoàng Nhựt – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    93. LS Hoàng Cao Sang – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    94. LS Trần Công Ly Tao – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    95. LS Đinh Văn Thảo – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    96. LS Hoàng Nguyên Bình – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
    97. LS Nguyễn Hồng Lĩnh – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    98. LS Lê Văn Hoan – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    99. LS Nguyễn Minh Thuận – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    100. LS Phạm Công Út – Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh
    (Gồm 100 luật sư tham gia ký tên và ủng hộ – Đợt 1)

Nguồn: TS Nguyễn Xuân Diện

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tương lai của bé Lucas

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tương lai của bé Lucas

Chiều nay tôi thấy anh chủ nhà hàng xóm là Tiến sĩ vật lý ở Viện Vật lý địa cầu (nơi bác Nguyễn Thanh Giang từng làm việc) có mặt ở nhà mới sang nói chuyện: – anh Cường ơi em nói cái này, em thấy cái camera nhà anh quay hướng thẳng vào cửa nhà em như vậy không ổn chút nào…

Anh ta cười ruồi: – àh, như em cũng biết đấy, việc này nó liên quan tới cái chung…

Mặt tôi đơ ra đợi anh ta ngừng nói để hỏi lại cho rõ. Dường như hiểu suy nghĩ của tôi nên anh ta đổi giọng luôn: – anh em mình ở đây đã quá hiểu nhau nên anh nói thế mà em không hiểu thì anh không nói chuyện với em nữa, em đi ra khỏi chỗ nhà anh ngay (tấn công phủ đầu).

Dù sao cũng là hàng xóm với nhau, hơn nữa anh ta lại nhiều tuổi hơn nên dù hiểu tình thế tôi vẫn cố thiện ý: – quả thực là em chưa hiểu ý anh nên muốn hỏi lại cho rõ: – anh nói liên quan tới cái chung nghĩa là sao?

– Àh, thì họ lắp để giám sát chung ấy mà.

– Ok. Hoá ra là họ chứ không phải nhà anh lắp à? Thôi, em chỉ cần biết vậy thôi, cũng không cần nói chuyện thêm với anh nữa. Tôi quay mặt bước đi.

Anh ta bỗng gầm lên: – nhà tao tao muốn lắp chiếu sang đâu là việc của tao, mày đừng giở cái giọng ấy ra. Họ ở đây là những người thợ. Tao thách đứa nào bước qua đây mà phá phách, mày muốn không bị nhòm sang thì che cổng nhà mày lại.
Tôi đáp lại câu cuối: – chẳng ai nói gì đến phá hay không phá cả. Nhưng anh nói như vậy không đúng đâu, hãy nghĩ kỹ lại đi.

Chế độ độc tài Việt cộng tồn tại là nhờ những con nô lệ như thế này. Ban đầu họ cũng chỉ là nạn nhân, nhưng đến thời điểm cần phải lựa chọn giữ cho mình được lương thiện thanh thản, hoặc tuyệt hơn là đứng về phía đám nô lệ yếu thế đang kêu đòi tự do, thì họ lại quyết định đứng về phía chủ nô, góp công góp sức đàn áp đám nô lệ khốn khổ kia và cho rằng đó là khôn ngoan.

Câu chuyện thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến vài đoạn văn, ngăn ngắn, trong tác phẩm cuối cùng (Hậu Chuyện Kể Năm 2000) của Bùi Ngọc Tấn:

Người ta vận động bà tổ trưởng ngay đầu ngõ liền bên theo dõi, người ta tìm cách giao nhiệm vụ cho những người sống trong các ngôi nhà mới mọc lên ngay cạnh nhà tôi, có thể quan sát được từng cử động của tôi…

Nhà tôi là “điểm nóng.” Tên tôi được ghi trong sổ đen. Loại sổ chỉ ghi thêm chứ không gạt bớt và chỉ gạt bớt khi đương sự đã chết. Nó được truyền từ đời ông bí thư này sang đời ông bí thư khác, từ ông chủ tịch trước đến ông chủ tịch sau, từ thế hệ an ninh này sang thế hệ an ninh khác như một cuộc chạy tiếp sức đường trường mà điểm kết thúc là nấm mồ của đối tượng.

Tôi thấy rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo tôi. Họ đã già đi. Ðã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Ðời này sang đời khác.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Bốn mươi năm sau, Ngô Duy Quyền mở mắt chào đời. Thời gian vừa vặn hai thế hệ người, và đủ dài để Việt Nam thực hiện được nhiều tiến bộ rất đáng kể (và đáng nể) trong … lãnh vực “trị an.”

Người nhận nhiệm vụ theo dõi những phần tử (tình nghi) phản động hay bất hảo – nay – không còn là bà tổ trưởng dân phố thất học, hay chị hội trưởng phụ nữ i tờ như xưa nữa. Thay vào đó là một ông có học vị đàng hoàng và được cung cấp những thiết bị (“tác nghiệp”) rất tân kỳ.

Thế nước, rõ ràng, đang lên. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, nói nào ngay thì VN vẫn chưa “lên” được ngang tầm thời đại – nếu so với những tiến bộ kỹ thuật vượt bực nước bạn Trung Hoa Vỹ Đại.

Hôm 10 tháng 10 năm ngoái, BBC ái ngại cho hay:

“Trung Hoa đang thiết lập cái mà họ gọi là ‘hệ thống giám sát lớn nhất thế giới.’ Toàn quốc đã có 170 triệu CCTV cameras và ước lượng sẽ có thêm 400 triệu cái nữa sẽ được lắp đặt trong ba năm tới.” (China has been building what it calls “the world’s biggest camera surveillance network”. Across the country, 170 million CCTV cameras are already in place and an estimated 400 million new ones will be installed in the next three years.)

Nói cách khác là chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi là mỗi gia đình trung bình hai (hoặc ba) người, ở nước Tầu, sẽ được theo dõi và giám sát bởi một cái camera.

Thiệt là quá đã, và quá đáng!

Qua năm nay, trang Vnexpress lại vừa có bài viết khá thú vị và rất chi tiết (“Trung Quốc – Xã Hội Không Góc Khuất”) về những chuyện (“quá đã, và quá đáng”) này. Xin trích dẫn đôi/ba đoạn ngắn:

 Hàng trăm triệu camera trên khắp cả nước giúp chính phủ Trung Quốc kiểm soát hơn 1,4 tỷ công dân, đánh giá mỗi người dựa trên “tín nhiệm xã hội”.

Một viễn cảnh giống như ở thì tương lai đang diễn ra tại Trung Quốc, phá vỡ cuộc sống thông thường. Chính quyền Trung Quốc gọi đó là “tín nhiệm xã hội” và nói rằng hệ thống này sẽ hoạt động một cách hoàn thiện vào năm 2020.

Tín nhiệm xã hội giống như một phiếu ghi điểm cá nhân cho mỗi công dân của quốc gia có 1,4 tỷ người này. Trong một chương trình thí điểm, mỗi công dân được chỉ định số điểm trong khoảng 800. Ở một chương trình khác là 900…

Những người ở nhóm điểm thấp phía dưới có thể bị đẩy ra ngoài vòng xã hội, bằng những cách như cấm đi du lịch, cấm vay vốn hoặc làm các công việc thuộc chính phủ. Liu Hu là một trong số họ.

Là một nhà báo điều tra, Hu đã mất nhiều điểm tín nhiệm xã hội của mình khi bị buộc tội vì các phát biểu cá nhân. Hiện ông bị đẩy ra ngoài vòng xã hội do điểm số quá thấp của mình.

Vào năm 2015, Hu được cho là đã mắc tội phỉ báng sau khi cáo buộc một quan chức tội ăn hối lộ. Ông được đề nghị phải xin lỗi và trả tiền phạt. Nhưng khi tòa án yêu cầu nộp thêm một khoản phí bổ sung, ông đã từ chối.

Năm ngoái, người đàn ông 43 tuổi này nhận ra mình bị đưa vào danh sách đen vì đã “không trung thực”, theo chương trình đánh giá điểm tín nhiệm xã hội thí điểm…

ABC News còn cho biết thêm: “Chinese journalist Liu Hu lost his social credit and is effectively confined to house arrest.”  Nói theo tiếng Việt (và nói một cách bỗ bã) là thằng chả đang bị nhốt tại nhà. Hay nói một cách văn hoa hơn là tù tại gia, hoặc tù tại chỗ.

Thế mới biết là Ngô Duy Quyền … may thật! May là nhà đương cuộc Hà Nội chưa được nước bạn giúp cho những thiết bị hiện đại để ghi điểm cho từng công dân, nếu không thì tư thất của đương sự đã trở thành lao thất mất rồi.

Sự may mắn này (chắc chắn) sẽ không kéo dài cho mãi đến thế hệ của Lucas – ái nữ của Ngô Duy Quyền và Lê Thị Công Nhân, vừa tròn 7 tuổi. Nếu cha mẹ –  cũng như ông bà và chú bác – của Lucas vẫn cứ im lặng cam chịu và chấp nhận chế độ hiện hành thì trong tương lai gần con bé sẽ được giám sát bởi đôi ba cái camera, chứ (e) không phải một.

Thiệt, nghe sao y như chuyện trong tiểu thuyết viễn tưởng Nineteen Eighty-Four, xuất bản từ năm 1949 lận. Cứ tưởng là Gerogre Orwell viết bậy bạ cho vui, chớ ai dè lại không trật một xíu nào ráo trọi!

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Biệt phủ & biệt thự

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Biệt phủ & biệt thự

Sau khi xem qua giá vé, tôi đổi ý liền, tới mấy ngàn Mỹ kim lận. Ở quê tôi không ít người phải bán thân (hay bán thận) mà chỉ được vài trăm đô la thôi nên tôi đâu có điên mà… vứt tiền qua cửa sổ như vậy.

Đã vậy, tôi cũng hơi ngại ngần rằng cái thứ thường dân tị nạn như mình mà giả dạng làm du khách e cũng khó coi. Tôi còn sợ là mình sẽ vô cùng lúng túng khi được những tiếp viên hàng không tiếp đãi trang trọng quá.

Cách đây chưa lâu tôi cũng đã có đôi chút kinh nghiệm (rất phiền) khi bầy đặt làm sang, liều mạng thuê một cái phòng ngủ hơi mắc tiền ở Rangoon – Miến Điện. Vừa bước xuống taxi, nhân viên khách sạn túa ra chào đón khiến tôi hết hồn hết vía.

Họ đưa tôi vào một cái phòng rộng thênh thang có bàn ăn, bàn viết, bàn phấn, tủ lạnh, sofa tiếp khách to đùng, và cả hoa tươi trên table de nuit. Mình ên tui mà tới hai cái giường ngủ lận, cái lớn/cái nhỏ, ra nệm trắng tinh. Trên mặt gối còn có đặt mấy búp sen hồng tươi thắm và thơm ngát nữa.

Tôi chỉ dám nằm ké né chút xíu xiu ở mí giường thôi, và nằm thao thức cho tới gần sáng luôn vì không quen ngủ ở một nơi sang trọng. Đợi mặt trời vừa lú là tôi cút ngay vì ngại cái cảnh nhân viên khách sạn (lại) chắp tay xá chào khi từ biệt.

Tôi trở lại với mấy cái nhà trọ rẻ tiền quen thuộc, chi phí chỉ vài Mỹ kim một ngày thôi – breakfast included. Tuy phải nằm giường hai tầng, và ngủ chung phòng với mấy cô/cậu Tây ba lô (xốc xếch) nhưng tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều. Tưởng chừng như mình là một con cá hồi, vừa tìm lại được đúng dòng sông cũ vậy!

Hoá ra Oscar Lewis cũng không sai lắm. Nhà nhân chủng học này đưa ra cái khái niệm culture of poverty (văn hoá nghèo) và tin rằng một kẻ sinh trưởng và nuôi nấng từ một gia đình – và đất nước nghèo khó – như tôi rất khó thích ứng với những sinh hoạt của nếp sống phú túc nên cứ … nghèo hoài, cho tới chết luôn!

Tui cũng sắp chết tới nơi rồi nên không có gì để phiền hà ráo trọi nhưng khi còn sống thì nhất định không để cái văn hoá nghèo biến mình trở thành một kẻ nghèo văn hóa.

Chỉ cần ngồi nhà – không phải tiêu dùng một đồng nào ráo trọi – xem một bộ phim tài liệu (Amazing Hotels: Life Beyond the Lobby) dài sáu tiếng, cũng đủ giúp tôi học hỏi rất nhiều điều kỳ thú về những khách sạn lạ lùng và sang trọng vòng quanh thế giới: Marina Bay Sands (Singapore), Giraffe Manor (Kenya), Royal Mansour (Morocco), Fogo Island Inn (Newfoundland), Icehotel (Sweden) …

 

Riêng Mashpi Lodge thì tôi coi đi coi lại tới vài lần. Mashpi được coi là “Five Star Ecohotel.” Có tên trong danh sách những khách sạn độc đáo của thế giới do National Geographic tuyển chọn, dù Mashpi chỉ chiếm một diện tích rất khiêm tốn, và nằm ẩn mình trong khu rừng mây (cloudy forest) xa khuất thuộc rặng núi Andean ở Nam Mỹ.

Chủ nhân là Roque Sevilla (cựu thị trưởng Quito, thủ đô của Ecuador) người trở thành triệu phú nhờ vào dịch vụ bảo hiểm và truyền thông, đã mua 1.200 mẫu Tây đất rừng với giá 350, 000 USA dollars, và bỏ thêm 10 triệu Mỹ Kim nữa để xây dựng quán trọ Mashpi Lodge. Ông tâm sự: “Mọi người đều nghĩ rằng tôi điên. Everybody thinks I’m crazy.”

Với số vốn lớn lao này mà khách sạn chỉ có 22 phòng thì quả là “khùng” thiệt nhưng mục đích của Roque Sevilla không phải là đầu tư sinh lợi. Ông muốn cứu vãn, và bảo vệ, một phần rừng nguyên sinh đang bị mất dần vì sự khai thác quá tải của những công ty cung cấp gỗ.

Phần lớn nhân viên của Mashpi Lodge vốn là thợ làm rừng hay thợ săn. Nay họ đều trở thành những chuyên viên bảo vệ thiên nhiên. Kết quả là nhiều chủng loại (chim chóc cũng như động vật hoang dã) mất dạng từ hơn nửa thế kỷ đã có mặt trở lại trong khu rừng mây của Mashpi Lodge – theo ghi nhận bởi camera traps của nhà sinh vật học thường trú Carlos Morochz.

Tôi cứ nhìn cái khách sạn thiết kế toàn bằng kiếng (để du khách đứng ở góc nào cũng có thể tiếp xúc với thiên nhiên) với thư viện, phòng thí nghiệm, đài quan sát … của ông thị trưởng Quito mà không khỏi ngẩn ngơ và chạnh lòng nghĩ đến giới quan chức ở đất nước mình.

Thay vì bảo vệ thì những kẻ này chính là thủ phạm đã phá nát rừng núi ở Việt Nam để khai thác gỗ kiếm tiền, và xây những biệt thự hay biệt phủ :

– Biệt phủ Yên Bái và tài sản bất minh

– Bất ngờ biệt phủ gỗ quý của lãnh đạo kiểm lâm

– Biệt phủ xây bằng 2.000 m3 gỗ quý của đại gia xứ Nghệ

– Hoa mắt trước biệt phủ rộng thênh thang bằng gỗ quý của ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị

– Vì sao quan chức lại có dinh thự, “biệt phủ” xa hoa đến vậy?

– Hình ảnh khu “biệt thự quan chức” ồn ào ở Lào Cai

– Biệt thự quan chức: Những dinh thự, biệt phủ “ồn ào” dư luận thời

– Biệt thự Sơn La là của em trai Chủ nhiệm UB Kiểm tra tỉnh

– Con gái nguyên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đứng tên “biệt phủ”

– 137 biệt thự trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà: “Tối mật” hay mặt tối của một toan tính

– Biệt phủ vẫn sừng sững sau những ồn ào

Bà Nguyễn Hải Vân, một chuyên viên về môi trường cho hay :

“Rừng phòng hộ ở Việt Nam đang suy giảm mạnh cả về diện tích và chất lượng. Chỉ tính từ 2004-2014, diện tích rừng phòng hộ đã giảm 1,7 triệu hécta, tương đương tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm.”

Nhà báo Trương Châu Hữu Danh nhận xét :

“Trên khắp dải đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những căn nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân. Những căn nhà này, trớ trêu thay, lại là của cán bộ. Sau lệnh đóng cửa rừng, các món đồ gỗ, nhà gỗ này càng trở nên vô giá.

Một thực tế là nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những căn nhà xa hoa này được đánh đổi bằng mạng dân. Các vị ngủ có ngon không khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?”

Theo tôi thì “các vị cán bộ” này đều vẫn ngủ rất ngon vì họ được bảo vệ rất kỹ trong những căn “nhà gỗ triệu đô” bởi chế độ hiện hành. Qua lệnh xử phạt “500 triệu đồng và cho tồn tại ‘biệt phủ’ của gia đình ông Phạm Sỹ Quý” ở Yên Bái, mọi người đều thấy được cái tâm, cũng như cái tầm, của những người hiện đang nắm quyền bính ở Việt Nam. Đất nước này tuy không nằm trên đường xích đạo như Ecuador nhưng số phận thì e đen đủi hơn nhiều.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trường Chinh

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trường Chinh

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

“Từ năm 1954 đến 1975, đúng là ‘ta’ đã chiến thắng được ‘hai đế quốc to’ cùng với được hơn chục nước trên thế giới đã đi theo con đường mà Lê nin đã chọn, tức theo CNCS, từ đó các Cụ nhà mềnh thấy CNCS ‘oách’ quá, cứ đà này cả thế giới gần 200 nước sẽ theo CNCS hết sạch, dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác Lê nin sẽ đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác rồi tiến lên giải phóng cả Hoa Kỳ, Ý, Đức, Anh, Pháp …abc… thoát khỏi ách bóc lột của CNTB …hu hu…!!!

Từ những nguyên nhân trên các Cụ lớn nhà mềnh mới sinh ra thói ‘Kiêu ngạo cộng sản’ tuy không tốt nhưng có cái để …kiêu ngạo, nhưng các cụ nối ngôi sau này chẳng có cái gì lận lưng để mà ‘kiêu ngạo’ cả. Chỉ là ăn theo thôi! Nên đúng là… ‘kiêu ngạo vì những cái không phải của mình’ hay còn gọi là ‘kiêu ngạo cộng sản!’ Sau Cụ Trường Chinh, nếu có thì chỉ là ‘kiêu ngạo nhận vơ!’ mà thôi!”

Nhận xét thượng dẫn về “Cụ Trường Chinh” khiến tôi chợt nhớ đến công trình biên soạn rất công phu (Bên Thắng Cuộc) của nhà báo Huy Đức. Tác giả đã dành nguyên một chương (chương 10, tập I) cho ông Trường Chinh, nhân vật được coi là đã đặt nền móng cho chính sách “đổi mới” và được mô tả như một vị thánh tử vì đạo:
“Trong những thời khắc khó khăn nhất của lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trường Chinh đều đã có mặt: có khi là để lãnh đạo Việt Minh cướp chính quyền như hồi năm 1945, có khi đứng ra chịu trách nhiệm cá nhân về sai lầm của Đảng trong cải cách ruộng đất năm 1956, và trong thập niên 1980 là tự thức tỉnh và dẫn dắt Đảng thoát ra khỏi sự bế tắc bởi chính những đường lối của mình.”

Cách nhìn của những người ngoại đạo, hay đã bỏ đạo (cộng sản) lại hoàn toàn khác:
– Nguyễn Minh Cần:

“Sau khi Lê Duẩn chết, Trường Chinh lên làm TBT. Ông vốn là một ‘lãnh tụ’ nổi tiếng ‘giáo điều.’ Ngay cái biệt hiệu của ông cũng nói lên đầu óc sùng bái họ Mao… Cũng trên cương vị TBTĐCSVN, hồi những năm 50, Trường Chinh đã lãnh đạo cuộc cải cách ruộng đất CCRĐ và chỉnh đốn tổ chức (CĐTC) Ở NÔNG THÔN MIỀN Bắc rập khuôn theo hình mẫu trung quốc đã đem lại vô vàn tai hoạ cho nhân dân.” (Nguyễn Minh Cần. Đảng Cộng Sản Việt Nam. Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2016).

– Vũ Thư Hiên:

“Về sau này, khoảng đầu thập niên 50, tôi tình cờ vớ được cuốn Chủ Nghĩa Mác Và Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp (*) của Roger Garaudy. Ðọc xong tôi mới ngã ngửa ra rằng ông Trường Chinh đáng kính của tôi đã làm một bản sao tuyệt vời của cuốn này trong trước tác Chủ Nghĩa Mác và Vấn Ðề Văn Hóa Việt Nam, được ca tụng như một văn kiện có tính chất cương lĩnh. Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Mác, Engels, và cả Jean Fréville.

Tiếp đó là sự phát hiện đáng buồn của tôi về cuốn Trường Kỳ Kháng Chiến Nhất Ðịnh Thắng Lợi. Nó quá giống cuốn Trì Cửu Chiến Luận (Bàn về đánh lâu dài) của Mao Trạch-đông, trừ đoạn mở đầu rất đẹp, là một áng văn rất hay …” (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. 2sd ed. Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997).

Riêng trong lãnh vực thi ca thì Trường Chinh hoàn toàn không bị tai tiếng gì ráo trọi. Ông sáng tác mình ên, không “mượn” câu chữ nào – nửa chữ cũng không – bất kể là của Tây hoặc của Tầu. Thơ của Trường Chinh, với bút hiệu Sóng Hồng, chỉ có chút khuynh hướng (và hơi hướng) Mạc Tư Khoa thôi:

Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.

(Ngoại thành Hà Nội, tháng 6-1942)

Hơn 40 năm sau, sau khi kêu gọi giới thi sĩ “cùng công nông vun xới cuộc tương lai,” đến năm 1986 (vào lúc cuối đời, chả hiểu sao) bỗng Anh Cả Trường Chinh đổi ý. Ông Tổng Bí Thư đến già mới chợt tỉnh, theo như cách nói của nhà báo Tống Văn Công:

“Hoàng Ước, thư ký của Trường Chinh bảo tôi là một hôm Trường Chinh nói với mấy người giúp việc rằng ta trả cho người lao động đồng lương bóc lột. Hoàng Ước bèn nói lương chúng tôi chỉ đủ sống mười ngày.

Trường Chinh cau mày khó tin – bóc lột thì có nhưng sao lại có thể ác nghiệt hơn cả đế quốc đến thế – nhưng hôm sau ông bảo Hoàng Ước: Tôi đã hỏi nhà tôi, nhà tôi nói không có chế độ cung cấp đặc biệt thì lương ông cũng chỉ đủ cho nhà này ăn mười ngày. Sau đó Trường Chinh đến nhà máy thuốc lá Thăng Long nói: Phải cứu giai cấp công nhân!” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Tiếc rằng ông không “tỉnh” được lâu. Chỉ hai năm sau, năm 1988, Trường Chinh đột ngột từ trần. Thôi thế cũng xong. Cuối cùng, rồi ông cũng thoát. Thoát khỏi cái XHCN do chính ông đã dụng công xây đắp nhưng giai cấp công nhân thì không. Họ kẹt: kẹt lớn, kẹt lắm, và (chắc chắn) sẽ kẹt luôn – nếu chế độ hiện hành vẫn tiếp tục tồn tại.

Báo Vietnamnet ái ngại cho hay: “Lương tối thiểu mới đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu tối thiểu.” Và đó là mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, chớ giới công nhân thì còn tệ hơn thế nữa!

Thế họ sống làm sao?

Thưa họ “ăn thịt mình để sống” – như nguyên văn lời Phó Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, PGS-TS Lê Bạch Mai:

“Những khảo sát của viện năm đó cho thấy chất lượng bữa ăn của công nhân không khác gì hai chữ “tồi tệ” khi trong khẩu phần ăn chỉ có 12% protein (chất đạm), 16% chất béo…

“Khi năng lượng khẩu phần ăn không đủ thì (cơ thể) phải sử dụng nguồn năng lượng dự trữ của mình. Khi đó khối cơ của người lao động bị bào mòn, bị lấy đi hằng ngày… và họ rơi vào thực trạng ‘như ăn thịt mình …’ Họ chưa chết đói. Nhưng sẽ đói đến lúc chết”.

Bản thân ông Trường Chinh (đôi khi) cũng đói, theo như lời của trưởng nam Đặng Xuân Kỳ – nguyên Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương:

“Ông cụ tôi ra ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (T. Đĩnh, trang 208).

Chung cuộc, may thay, ông Trường Chinh cũng đã cứu được chính mình. Ông qua đời vì tai nạn chứ không phải vì bị đầu độc – như rất nhiều đồng chí khác.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi đang không rảnh (lắm) và cũng chả thấy có chút hứng thú gì khi phải đụng chạm gì đến một người… đã chết. Vấn đề, chả qua, vì chẳng đặng đừng – như “lời trăng trối” của triết gia (ngoại đạo) Trần Đức Thảo:

Ta chỉ có thể thanh toán những điều xấu của quá khứ bằng cách thẳng thắn lôi nó ra ánh sáng của hiện tại, để cùng nhau nhận diện nó, để vĩnh viễn không cho phép nó tái diễn. Mà quá khứ cách mạng của ta thì đã tích tụ quá nặng nề những di sản xấu ấy.

Nạn cộng sản sẽ qua, và sắp qua. Chúng ta khó mà có thể tái thiết đất nước và xây dựng một tương lai ổn định nếu không nhìn cho thật rõ về quá khứ.

—————

(*) Vì thấy nhà văn Vũ Thư Hiên đánh dấu hỏi (?) sau chú thích về cuốn sách của Roger Garaudy nên chúng tôi tìm hiểu thêm, và được biết tên chính xác của tác phẩm là Le communisme et la renaissance de la culture française –Paris, Éditions sociales, 1945 – chứ không phải là Le Marxisme et la Renaissance de la culture Française. Trong cuốn Những Lời Trăng Trối (trang 309) Trần Đức Thảo cho biết là ông được giao trách nhiệm “dịch ngược” tác phẩm Đề Cương Văn Hoá Văn Nghệ Cách Mạng ra Pháp ngữ, và được chính Trường Chinh mời gặp để “bắt tay” cùng với lời cảm ơn.

Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại – Tưởng Năng Tiến

 Những Người Đàn Bà Còn Ở Lại

Tưởng Năng Tiến

Bao giờ các anh sẽ thôi tán phét trong các quán nhậu?
Bao giờ các anh quyết định thôi sống hèn?
Nguyễn Thị Từ Huy

Ở tù về chiều hôm trước, sáng hôm sau ông công an khu vực đã ghé “thăm” và nhắc nhở đôi điều cần thiết:

– Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên tôi sẽ phải đi kinh tế mới.
– Trong khi chờ đợi, bắt đầu từ ngày mai phải sắm “một cuốn sổ đi lại.” Khi đi đâu phải ghi ngày giờ khởi hành với chữ ký xác nhận của tổ trưởng dân phố, và đến đâu cũng phải có sự xác minh của người ở nơi đó.
– Mỗi tuần phải mang sổ lên phường để kiểm tra.
– …
– …

Nghe xong, mẹ tôi lặng lẽ móc túi đưa cho thằng con hai đồng cùng lời dặn:

– Mua cái bút nữa con ạ. Đi đâu, đến đâu cũng phải nhờ người ký thì giắt viết theo luôn cho nó tiện …

– Dạ.

Tôi cầm tiền bước ra khỏi nhà, ghé vào một cái quán nhỏ mua một ly rượu trắng và mấy điếu Vàm Cỏ. Ực xong ly rượu, tôi châm điếu thuốc rồi lủi thủi đi và đi luôn cho đến bây giờ.

Năm ấy, tôi hai mươi sáu tuổi.

Hai năm sau tôi bò đến được một trại tị nạn ở Thái Lan (tả tơi, ủ dột, eo xèo, và bèo nhèo như một cái mền Sakymen ngấm nước) vào đúng ngày sinh nhật của mình.

Hôm nay tôi hăm tám
Sáng tôi cầm gương soi
Tôi nhìn tôi bối rối
Tôi tưởng mình bốn mươi

Bây giờ thì tôi đã ngoài sáu mươi, đã sống gần hết đời (và tàn đời trong ngõ hẹp) ở xứ người nhưng chưa bao giờ bước chân trở lại chốn xưa – dù đôi lúc cũng nhớ nhà và nhớ quê muốn ứa nước mắt luôn. Bố mẹ tôi đều tự an ủi rằng vì “thằng con có số xa nhà” nên cả hai đành lặng lẽ từ trần trong cô quạnh!

Kiếp sống chung thân biệt xứ của tôi, xem ra, chả có gì là thú vị. Tuy thế, theo blogger Song Chi:

“Dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại. Chỉ trong một ngày, chat với người quen, bạn bè qua facebook, viber… cả 3 câu chuyện đều cùng một chủ đề: ra đi khỏi Việt Nam.

Nhưng họ muốn ra đi trước hết vì môi trường sống ở VN ngày càng tệ khiến con người luôn ở trong cảm giác bất an, lo lắng. Từ thực phẩm không an toàn, cho tới nguồn nước, không khí, biển… nhiều nơi bị ô nhiễm/nhiễm độc nặng nề; đạo đức xã hội xuống cấp, những vụ án cướp giết hiếp ngày nào cũng xảy ra với mức độ ngày càng dã man, con người dễ dàng bức hại nhau, lừa lọc nhau, giết nhau chỉ vì một lý do vặt vãnh; chế độ an sinh xã hội không có để bảo đảm cho người dân một sư hỗ trợ khi cần thiết, lúc ốm đau, tai nạn, thương vong; pháp luật không bảo đảm cho con người được xét xử công bằng, công lý được thực thi, những quyền lợi tối thiểu về tự do, dân chủ, nhân quyền không có, không được tôn trọng v.v…

Quan trọng hơn, họ ra đi vì không tin rằng chế độ này, nhà nước này sẽ tốt đẹp hơn hoặc sẽ đưa đất nước, dân tộc đến một tương lai sáng sủa-thời gian đảng cộng sản cầm quyền đã quá lâu đủ để chứng minh điều đó.

Đây không phải là lần đầu, ngược lại, rất nhiều lần, tôi chứng kiến những người quen, bạn bè, họ hàng chuẩn bị rời bỏ VN. Nhưng có vẻ như càng ngày số người tính chuyện ra đi càng nhiều hơn, thành phần đa dạng hơn, tạo cảm giác đất nước như một con thuyền đang đắm!”

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai gợi ra ý niệm “tị nạn niềm tin,” và blogger Lam Thủy gọi đây là “một cuộc di cư đau lòng.” Dù “đau” nhưng nhà văn Dương Thu Hương vẫn khẳng định: “Trong thâm tâm, ai cũng mong ‘Thoát Việt!’, ra khỏi mảnh đất bùn lầy tối tăm này bằng mọi giá.”

Sự thực, cũng không hẳn thế. Không phải “ai cũng muốn thoát khỏi mảnh đất bùn lầy tôi tăm này”. Vẫn có những người quyết định, và quyết liệt, với một thái độ sống (hoàn toàn) khác: Dù thế nào cũng ở lại đây!

Tranh: Tuấn Khanh

Cái giá của sự lựa chọn dũng cảm này, tất nhiên, không rẻ. Ngày 10 tháng 10 vừa qua, Mạng Lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) cho biết:

“Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – tức Mẹ Nấm đã bị công an bắt khẩn cấp trái phép với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 bộ luật hình sự.

Blogger Mẹ Nấm là người hoạt động tranh đấu cho nhân quyền, cải thiện dân sinh, chủ quyền biển đảo trong nhiều năm qua và là người được tổ chức Civil Rights Defenders trao giải thưởng Người Bảo Vệ Nhân Quyền 2015.

Trong suốt thời gian gần đây, blogger Mẹ Nấm đã tập trung nỗ lực tranh đấu của mình vào việc bảo vệ môi sinh, tố cáo Formosa và những dự án có ảnh hưởng nguy hại đến môi trường. Đây là những hoạt động dẫn đến việc công an bắt giam khẩn cấp blogger Mẹ Nấm.”

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người mới nhất, chứ không phải là duy nhất, vừa bị bắt giữ tại Việt Nam. Ba tuần lễ trước đó, một phụ nữ khác cũng đã bị mang ra xét xử với với cáo buộc gây rối trật tự công cộng – theo tin của BBC:

“Tòa án Nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, tuyên phạt bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam trong lúc một số người ủng hộ bà bị câu lưu.

Bà Cấn Thị Thêu, người từng bị bắt vì đấu tranh giữ đất trong vụ ‘dân oan Dương Nội’, lại bị công an bắt tháng 6/2016 do ‘gây rối trật tự công cộng’ ở Hà Nội.
Hôm 20/9, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều người giăng biểu ngữ đòi trả tự do cho bà Thêu bên ngoài phiên tòa.”

Ảnh: Trịnh Bá Phương

Nếu “dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại” thì những kẻ lựa chọn ở lại, và sẵn sàng đối mặt với cường quyền (như bà Cấn Thị Thêu và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) cũng chưa bao giờ ngưng nghỉ. Bởi vậy, biên tập viên Mặc Lâm nêu ra câu hỏi:

– Sau Mẹ Nấm là ai?

Trong một xã hội mà tất cả các thành viên đều là “tù nhân dự khuyết” thì kẻ kế tiếp có thể là bất cứ ai. Tuy thế, sự “rủi ro” này đã được tiên liệu và chấp nhận một cách bình thản nhiên – như lời của blogger Phạm Thanh Nghiên:

“Từ lúc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, số lần tôi nhận những tin nhắn đe doạ bị bắt, bị đánh gia tăng một cách đột biến.

Dạ xin kính thưa các loại đe doạ. Tôi biết, tôi biết là tôi hay bất cứ cựu TNLT nào cũng có thể trở lại nhà tù lần 2, thậm chí lần 3.

Điều này tôi đã xác định được ngay khi bước chân khỏi nhà tù Trại 5 Thanh Hoá rồi. Nói thẳng là tôi thích ở ngoài hơn, không thích đi tù. Nhưng nếu phải trả giá cho ước nguyện tự do, công bằng và dân chủ mà phải trở lại nhà tù một lần nữa, xin sẵn lòng.”

Dù “đất nước như một con thuyền đang đắm” nhưng bao giờ ở Việt Nam vẫn còn những vị nữ lưu vì “tự do, công bằng và dân chủ” mà “sẵn lòng… trả giá cho ước nguyện tự do, công bằng và dân chủ thì dân Việt hy vọng vẫn còn đường thoát.

Mảnh đất này, tất nhiên, cũng có những công dân nam giới. Tuy nhiên, vì bài viết đã khá dài; vả lại, tui cũng sắp có độ nhậu (đang nóng như hơ) nên xin tạm ngưng ở nơi đây – kẻo trễ hẹn!

Tưởng Năng Tiến

Xứ Sở Hận Thù – Tưởng Năng Tiến

Xứ Sở Hận Thù

 Tưởng Năng Tiến

Tuy là một nhà văn danh tiếng nhưng Bá Dương, xem chừng, không được đồng bào/đồng chủng quí mến (hay yêu thích) gì cho lắm. Chả những thế, ông còn bị nhà nước Trung Hoa Dân Quốc bắt giam gần cả chục năm luôn!

Lâu dữ vậy sao ?

Chớ sao! Bởi ổng có cái tật hay cạnh khóe quý vị lãnh đạo cấp cao, và cũng thường chê bai cái đám đồng hương/đồng khói với mình, bằng nhiều lời lẽ chua cay (nghe) rất mất lòng – kiểu như: “Tôi nghi rằng để có thể móc trong mồm một người TQ ra cái câu cám ơn ông e rằng nếu không dùng đến cái cào cỏ năm răng của ông bạn Trư Bát Giới của chúng ta thì không thể được.” (Bo Yang. The Ugly Chinaman and The Crisis of Chinese CultureTrans Nguyễn Hồi ThủNgười Trung Quốc Xấu Xí. Westminster, CA: Văn Nghệ, 1999).

Nếu đúng vậy thì Tầu quả là tệ thiệt (và tệ lắm) nhưng có lẽ vẫn chưa đến nỗi nào, nếu so sánh với Ta. Dân Việt chả những đã ngại cảm ơn mà còn phủi ơn, hoặc tỏ ra vô ơn, ra mặt nữa kìa – theo như lời than phiền (mới nhất) vừa đọc được trên trang RFA của blogger Tuấn Khanh:

Tháng 8-2022, Lính thủy trên tàu bệnh viện Mercy của Hải quân Hoa Kỳ vừa khánh thành công trình phúc lợi là một trường học cho trẻ em ở Phú Yên. Toàn bộ chi phí được phía Mỹ tài trợ và sức lao động của lính thủy Mỹ nhằm ghi dấu cho một công trình mang tính hữu nghị và giáo dục.…

Nhìn hình ảnh ngày khánh thành trường mà chỉ loe hoe một vài người đại diện phía chính quyền Việt Nam ngồi cho có, còn bao nhiêu là những người đã dựng lên phía trường, và thầy cô của trường. Thấy mà ngại…

Nhưng những chuyện nói trên cũng không quan trọng bằng chuyện một chương trình giao lưu và hoàn toàn thiện nguyện từ một quốc gia khác, mà không hiểu sao phía truyền thông dư luận viên pro (ủng hộ) nhà nước tổ chức rất công phu những ngôn luận phủ nhận những hoạt động này, và nói rằng đây chỉ là những thứ mua chuộc để phá hoại Việt Nam, hay là giả dối để âm thầm tổ chức diễn biến hòa bình …

Tuấn Khanh khiến tôi nhớ đến một sự việc khác, xẩy ra đã khá lâu, hồi vài ba năm trước. Có bữa, từ San Francisco, tôi bay cái vù xuống phi trường Suvarnabhumi rồi phóc lên một toa tầu điện (BTS – Bangkok Skytrain) để về nhà trọ.

Trên tất cả những màn hình nhỏ trong xe, ngoài đủ thứ quảng cáo thương mại như thường lệ – lạ thay – lại còn xuất hiện rất nhiều hình ảnh và những hàng chữ rất trang trọng (và cảm động) viết bằng cả tiếng Thái lẫn tiếng Anh:

  • An entire country in one in heartfelt thanks. Lời cảm ơn từ tận đáy lòng của cả nước Thái.
  • Without national boundaries, working in unity. Thank you (from) the people of Thailand. (Không biên giới quốc gia, hành động hợp nhất. Lòng tri ân (từ) dân chúng Thái Lan).

Ủa! Chuyện gì vậy ta?

Nhật báo Nation (số ra ngày 15 tháng 7 năm 2018) cho biết: “Chính phủ Thái đã phát hành một video bầy tỏ sự tri ân với toàn thể nhân loại – về sự đồng cảm và hỗ trợ của tất cả mọi người – trong công việc giải cứu đội banh Wild Boars trong một hang động ngập nước, ở huyện lỵ Chiang Rai. Đoạn phim ngắn ngủi này vừa được khởi chiếu trên CNN, và được chia sẻ rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông.”

Asean News Today cũng có bài tường thuật (“The world is one: Thailand says thank you from the heart”) của John Le Fevre, với hình ảnh của người đứng đầu chính phủ Thái – Thủ Tướng Prayut Chan-o-cha – mừng phát khóc, sau khi được biết rằng các nạn nhân đều còn sống sót. Tác giả bài báo, cũng không quên ghi lại lời tri ân từ tận đáy lòng (“heartfelt thank you”) của Nhà Vua và ông Bộ Trưởng Ngoại Giao đã gửi đến tất cả những ai đã tham gia vào việc cứu nguy cho hàng chục công dân của xứ sở này.

Quan sát dân chúng Thái chăm chú lắng nghe từng câu/từng tiếng (“cảm ơn”) chân thành và trân trọng của giới cầm quyền ở xứ sở này – lập đi lập lại nhiều lần, trên màn ảnh nhỏ, trong mấy toa xe điện – khiến tôi đột nhiên “ngộ” ra cái lý do khiến cho người Việt hôm nay không ai có thể thốt lên được đôi lời (“tri ân”) tử tế như đa phần nhân loại.

Chớ các “đồng chí lãnh đạo ở ta” có bao giờ nói đến khoan dung, tha thứ, yêu thương hay ơn nghĩa … đâu! Chế độ hiện hành được dựng lên và duy trì nhờ vào lòng căm thù cùng sự oán hận mà, và thù hận không bỏ sót một ai – kể cả những nông dân chân lấm tay bùn:

  • Giết ! Giết nữa ! bàn tay không chút nghỉ/ Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
  • Lôi cổ bọn nó ra đây/ Bắt quỳ gục xuống đọa đày chết thôi!

Nhà báo Uyên Vũ cho biết: “Trong sách giáo khoa lẫn trên bục giảng, từ một trẻ nhỏ chập chững bước vào trường tiểu học cho đến một tân khoa cử nhân đều phải học những bài học lịch sử được viết lại cho thuận ý nhà cầm quyền. Những bài học lịch sử bịa đặt, thêm thắt và tràn ngập những căm thù.”

Ngoài “những bài học lịch sử bịa đặt, thêm thắt và tràn ngập những căm thù,” bia căm thù (một đặc sản của chế độ hiện hành tại VN) còn được “tu bổ”, “tôn tạo” và “nâng cấp” thường xuyên – ở khắp mọi nơi:

Blogger Nguyễn Lân Thắng nhận xét: “Có lẽ, sau cuộc chiến, chưa có cuộc chiến tranh nào trên thế giới này lại có nhiều bia căm thù như cuộc chiến tranh Nam Bắc ở Việt Nam.”

G.S Nguyễn Văn Tuấn kết luận: “Những tấm bia căm thù đó chẳng làm cho người Việt mạnh hơn chút nào; ngược lại, nó nói cho người nước ngoài biết rằng người Việt vẫn còn sợ hãi.”

Cách đây khá lâu, tôi đã nghe một nhà văn than thở: “Người ta chỉ cần một hai thập niên để vực dậy một nền kinh tế sa sút nhưng để xây dựng lại niềm tin cho cả dân tộc, cụ thể như dân tộc tôi, nay chỉ còn cầu phép lạ gieo xuống thửa đất hoang hoá này những hạt giống mới để bắt đầu lại.” (Bùi Bích Hà. “Nhìn Lại Quê Hương.” Thế Kỷ 21, Sep. 2003).

Phép lạ – nếu có – e cũng khó nẩy mầm, nếu “gieo xuống” cái mảnh đất chất chứa (và chất ngất) hận thù như ở VN!

Trong những ngày tháng lang thang nơi xứ Thái, tôi cứ nhìn những dòng “loằng ngoằng” khắp nơi mà trộm nghĩ là đất nước này sẽ hòa nhập với thế giới nhanh chóng hơn nữa, nếu ngôn ngữ của họ được biểu đạt bằng mẫu tự abc – alphabétique – như đa phần nhân loại.

Sau khi xem phim Thirteen Lives và thấy thiên hạ (ở khắp mọi nơi trên trái đất) đổ dồn đến hang động Tham Luang, để giải cứu đội banh Wild Boars, tôi mới biết thêm rằng: không có gì tệ hại hơn trong việc cô lập một xứ sở bằng chủ trương ngu xuẩn (và thái độ ti tiện, đốn mạt) của bọn cầm quyền.

Tưởng Năng Tiến
9/2022

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Buồn vào hồn không tên (Trúc Phương)

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Buồn vào hồn không tên (Trúc Phương)

Có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:

-Tiến hả?

-Dạ…

-Vũ Ðức Nghiêm đây…

-Dạ…

-Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?

-Dạ… cũng được!

Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?

Vũ Đức Nghiêm. Ảnh:honque.com.

Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi… ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!

Vũ Ðức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa Xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chẩy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.

Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:

Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…

-Hình như là nhạc Vũ Ðức Nghiêm… Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.

-Em nói nghe cái gì?

-Anh thử nghe nhạc coi…

-Nhạc của ai?

Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:

-Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ông… sướng nha!

Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Ðúng lúc, chủ quán bước đến:

-Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?

-Dạ không, không có gì đâu. Never mind!

Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Ðức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Ðức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và… ngơ ngác!

Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi 20 – dù trong hay ngoài nước – còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Ðức Nghiêm nữa. Thời gian, như một dòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.

Vũ Ðức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bảy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.

Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:

“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, ra chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…”

Tháng Tư, 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được Trung Tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:.

“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, ‘bèo dạt hoa trôi’… Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no… Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được… đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắt, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám ‘chứa’ tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ… Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng… thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta… thế là mình lấy 1 đồng về…. như là tiền thế chân… Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết chín tháng… Mà nói anh thương… khổ lắm… Hôm nào mà có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng 5 giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè,’ thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát… mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn … Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này…”

Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:

“Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”

“Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn 30 ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘Cộng Hòa’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình. Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.”

Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn – trên báo Pháp Luật, phát hành từ trong nước:

“Ngày 31 Tháng Giêng, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức… Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục ‘lạ mắt’ này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau…

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, phó chủ tịch phường kiêm chủ tịch công đoàn phường,… bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ…’”

Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà quý vị cán bộ Cộng Sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn… đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Ðức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.

Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng (thổ tả) của những người cộng sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tội ác!

Tưởng Năng Tiến

Bữa Cơm Chiều 29

Bữa Cơm Chiều 29

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến

26/01/2022

https://vietbao.com/a310949/s-t-t-d-tuong-nang-tien-bua-com-chieu-29

Tưởng Năng Tiến

Dường như tôi không hợp lắm với không khí gia đình, nhất là cảnh gia đình xum họp hay đầm ấm. Ngay lúc thiếu thời, vào những chiều giáp Tết, thay vì quanh quẩn ở nhà – phụ cha lau chùi lư hương; giúp mẹ bầy biện mâm cơm cúng cuối năm – tôi hay lặng lẽ tìm lên một ngọn đồi cao nào đó (lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang) với tâm cảm của một … kẻ giang hồ, đang trên bước đường phiêu bạt.

Ôi! Tưởng gì chứ chuyện “phiêu bạt” thì nào có khó chi, khi sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh và ly loạn. Muốn là được liền thôi. Trời – đôi khi – cũng chiều lòng người, và chiều tới nơi tới chốn!

Những tháng ngày niên thiếu vụt qua như một cánh chim. Tôi bước vào tuổi đôi mươi, đúng vào Mùa Hè Đỏ Lửa, cùng với lệnh Tổng Động Viên. Thế là tôi “xếp bút nghiên để theo việc đao cung.” Hay nói một cách ít kiểu cọ hơn là tôi đi lính.

Sau lính đến tù, với tội danh (nghe) hơi nặng là “cầm súng chống lại nhân dân.” Ra tù, vừa lếch thếch về đến nhà chiều hôm trước, ngay sáng sớm hôm sau ông công an khu vực đã vội vã ghé “thăm” và “nhắc nhở” đôi điều cần thiết:

— Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên tôi sẽ phải đi kinh tế mới.

— Trong khi chờ đợi, bắt đầu từ ngày mai, tôi phải sắm “một cuốn sổ đi lại.” Khi đi đâu phải ghi ngày giờ khởi hành với chữ ký xác nhận của tổ trưởng dân phố, và đến đâu gặp ai cũng phải có sự xác minh của viên chức chính quyền ở nơi đó.

— Mỗi tuần phải mang sổ lên phường để công an kiểm tra.

— Mỗi tháng phải đọc kiểm điểm trước tổ dân phố để nhân dân nhận xét và phê bình ưu/khuyết điểm.

Nghe xong, mẹ tôi lặng lẽ móc túi đưa cho thằng con mấy tờ giấy bạc cùng lời căn dặn:

— Thế thì mua luôn cái bút nữa con ạ. Đi đâu, đến đâu cũng phải nhờ người ký thì dắt viết theo luôn cho nó đỡ phiền.

— Dạ.

Tôi cầm tiền bước ra khỏi nhà, ghé vào cái quán nhỏ bên đường mua một ly rượu trắng và mấy điếu thuốc lẻ. Ực xong ly rượu, tôi châm thuốc hút rồi lủi thủi bước đi, vừa đi vừa lầm bầm mấy câu thơ của Thâm Tâm (Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say) và đi luôn cho tới bây giờ.

Mấy chục năm qua, không ít lúc, tôi cũng nhớ nhà mà chả rõ nhớ ai. Bố mẹ đã từ trần từ lâu. Anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán cả rồi. Tôi nhớ quê chứ không phải nhớ nhà, chắc vậy.

Tôi nhớ Đà Lạt cùng tiếng mưa đêm rầm rì, thầm thì qua mái ngói. Nhớ những bữa cơm chiều và món con cá nục hấp (chiên vàng rồi mới kho chung với tóp mỡ) cùng những lát ớt đỏ tươi. Nhớ những buổi sáng sớm tuy vẫn còn nằm trong chăn ấm (lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói) nhưng biết được rằng cơn bão rớt đã qua, hôm nay trời sẽ nắng tươi vàng.

Đôi khi, tôi cũng nhớ Rạch Giá vào những ngày biển động. Trời sụt sùi mưa, mây mù thấp xám, sóng dạt bờ kè tung tóe. Tôi lần dò đến thành phố này với hy vọng tìm được đường chui, dù chả quen biết một ai và cũng không một đồng xu dính túi.

Ban đêm, tôi thường nằm quấn mình trong một tấm vải nhựa ở chân cầu Đúc. Ngày thì hay đi loanh quanh trong chợ Nhà Lồng. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang nhưng mắt vẫn không rời những chiếc bàn ăn với ước mong có thể kiếm được chút gì còn sót lại trong tô hay trên dĩa. Niềm mong ước rất mỏng manh vì vào thời gian này (những năm cuối của thập niên 1970 – khi phong trào vượt biên đang lên tới đỉnh) thì gần như mọi người đều đói cả, chứ chả mấy kẻ no.

Rạch Giá có một tiệm ăn nổi tiếng (Tây Hồ) ở số 6 đường Nguyễn Du. Tôi thường   thập thò trước cửa nhưng không mấy khi chạy vội vào bên trong, ngay khi thực khách vừa buông đũa. Tôi ngượng, đã đành; điều khó đành hơn là ánh mắt thèm thuồng của mấy đứa bé bẩn thỉu, gầy gò đứng cạnh bên. Chúng cũng đang chầu chực “khẩn trương” chả khác chi mình.

Cả đám – chắn chắn – đã không đến nỗi này, nếu tôi không phải là một kẻ bại trận trong cuộc chiến vừa qua. Tôi vẫn nghĩ thế nên cái mặc cảm của kẻ có lỗi đã luôn giữ chân tôi lại, với không ít buồn rầu!

Có lẽ nhờ chút sĩ diện (còn sót) này mà tôi đã được những người chạy bàn “đối đãi cách riêng.” Họ cho tôi cái đặc ân quí giá là được sớt vô lon guigoz ít thức ăn thừa, vào giờ đóng cửa.

Nhờ thế mà tôi biết canh chua cá chẻm của quán Tây Hồ ngon lắm, canh chua cá lóc còn ngon hơn nữa, còn cá rô kho tộ (có lần tôi được hưởng gần cả nguyên con) thì ngon hết biết luôn. Nó ngon đến độ khiến tôi suýt hóc xương chỉ vì nhai vội quá!

Nhiều người nói là ở Mỹ muốn ăn thứ gì cũng có – bất kể là món của Tây, Tầu, Cận Đông, Trung Đông, Viễn Đông hoặc Phi Châu lục địa. Tôi đã lê la qua hàng ngàn quán ăn ở đất nước này nhưng không tìm đâu ra được canh chua cá lóc và cá rô kho cả.

Từ California, muốn tìm lại được hai thức ăn này, phải mất đến hơn 20 giờ bay lận! Xin ghi địa chỉ đây cho người đồng điệu, khi cần: Nhà Hàng Ngon (Preah Sihanouk Blvd 274, Tonle Bassac) Phnom Penh – Cambodia.

Tôi mới ghé đây chiều qua, chiều 29 Tết. Không thể đến vào ngày mai vì 30 quán đóng. Tôi đã bỏ cái thói quen thập thò trước tiệm ăn tự lâu rồi. Bây giờ tôi đàng hoàng thong thả bước vào bên trong, cười đùa thân thiện với những nhân viên (đứng chào khách ngay  tận cửa) và không quên đút nhẹ vào túi trên của họ mấy tờ giấy bạc lì xì.

Dù chỉ có mặt xuân thu nhị kỳ, tôi không phải là khách lạ vì khó ai quên được một ông già Á Châu nhưng không nói được tiếng Tầu (tiếng Thái hay tiếng Miên cũng nỏ) luôn vui vẻ đùa cợt, và lúc nào cũng chỉ gọi một thứ thức ăn duy nhất: cá rô kho.

Tôi luôn được tiếp đón hơi quá nồng hậu vì có thói quen over tiping, không bỏ sót một cô hay cậu chạy bàn nào đang có mặt, và cũng không quên người đứng bếp. Chắc các em nghĩ là tôi giầu có và hào phóng, chứ đâu có biết rằng tôi buộc phải trả thêm tiền cho những gô cơm (ngon tuyệt vời) mà mình vẫn còn thiếu nợ ở quán Tây Hồ, từ mấy mươi năm trước.

Phải mất gần nửa tiếng món ăn ruột của tôi mới được dọn ra. Mấy chú cá rô bé bỏng chỉ bằng ba ngón tay thôi, tiêu đen rắc lấm tấm trông giống như mè, thơm phức. Cơm trắng cũng ngạt ngào hương gạo mới nhưng tôi không cảm thấy đói, dù đã uống “khai vị” hơi nhiều.

Ơ cá chiều nay – không dưng – khiến tôi hơi nghèn nghẹn, dù tuổi già hạt lệ như sương. Lại nhớ nhà chăng? Tôi không nhớ nồi cá nục kho vào những chiều mưa Đà Lạt khi mình còn thơ ấu (và còn được sống trong yên ấm) nhưng nhớ những ngày biển động ở Rạch Giá, và lũ trẻ thơ bất hạnh năm nào.

Đứa bé nhất thì nay cũng đã đến tuổi ngũ tuần rồi. Cũng sắp xong một kiếp người đen đủi. Đúng như ước mơ của thời niên thiếu, nửa thế kỷ rồi, tôi “được giang hồ phiêu bạt” qua rất nhiều nơi (những vùng đất văn minh phú túc, cùng những xứ sở lạc hậu nghèo nàn) nhưng chưa thấy đâu mà kiếp nhân sinh lại nhọc nhằn, cay đắng, cơ cực và tủi nhục như ở cái phần quê hương khốn khổ khốn nạn của mình.

Tưởng Năng Tiến  

Mũ Tai Bèo – STTD- Tưởng Năng Tiến

Mũ Tai Bèo – STTD- Tưởng Năng Tiến

Tôi đã trót có dăm ba lời về nón cốimũ cối, và dép râu nên (lỡ trớn) cũng xin được thưa luôn – đôi câu – về cái nón tai bèo.

 “Theo một tài liệu, chiếc mũ tai bèo đầu tiên xuất hiện ở một đơn vị võ trang ta trong đêm Đồng Khởi (17-1-1960) ở Bến Tre. Dần dần chiếc mũ vải mềm, màu xanh, vành tròn, có làn sóng giống như những cánh bèo trên sông nước, càng được đông đảo các chiến sĩ giải phóng quân sử dụng.

Đến những năm 1966-1967, chiếc mũ tai bèo “dễ thương như một bàn tay nhỏ”, với nhiều tiện lợi ở một xứ sở nhiệt đới nắng lắm mưa nhiều, trong hoàn cảnh chiến trận cần cơ động, gọn nhẹ, đã được đưa vào hành trang của anh bộ đội Giải phóng. Nó chính thức nằm trong trang phục của Quân giải phóng miền Nam. Và từ đó, chiếc mũ tai bèo cùng đôi dép cao su cũng hiện lên trong thơ, văn, nghệ thuật, gần gũi, giản dị mà đầy tự hào, cao vợi.” (Đàm Chu Văn. “Nhớ Chiếc Mũ Tai Bèo.” Đồng Nai Online 13.11.2019).

Trí nhớ của tác giả đoạn văn thượng dẫn e có vấn đề, chứ thực sự thì cái mũ bèo nhèo này chưa từng bao giờ được ca tụng (“tự hào, cao vợi”) như nón cối hay dép râu cả. Lý do dễ hiểu vì nó không thuộc về lực lượng chính quy mà chỉ là trang phục dành cho đám binh lính Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (M.T.G.P.M.N) thôi. Chả những thế, cái mặt trận này đã chết. Vì chút “nhậy cảm chính trị” (hay cũng có thể là do “tế nhị”) nên không mấy ai muốn nhắc nhở (xa gần) gì đến sợi giây thừng trong một căn nhà đã có người bị treo cổ!

Thảng hoặc, mới thấy một vị quan chức cấp địa phương có cố gắng “nâng cấp” cái mũ tai bèo nhưng nỗ lực này – xem ra – cũng chả đến đâu. Ký giả Đoàn Nguyễn (Sài Gòn Tiếp Thị Online) tường thuật:

“Tại một hồ nước trên cánh đồng thuộc xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) có một pho tượng cô du kích đầu đội mũ tai bèo, vai mang súng. Bức tượng khi xây có thể là thạch cao trắng, nhưng bây giờ, người ta thấy đã loang lổ nhiều mảng đen.

Trong hồ nước, nông dân làm chuồng nuôi vịt. Qua mấy ngày mưa lũ, đàn vịt không còn, chỉ còn lại cái chuồng xiêu vẹo tả tơi. Một bác nông dân vác cuốc đi ngang dừng lại góp chuyện: “Mấy tháng trước, hồ nước sạch sẽ lắm, không ai dám thả vịt, thả cá, nước trong vắt. Nhưng từ khi thay Phật bà bằng cô du kích thì ra như ri đây”. Phật Quan Âm? Tôi ngạc nhiên và nhìn kỹ thì thấy có điều lạ là cô du kích này đứng trên… toà sen.

Trước đó, tuy cô du kích chưa bao giờ có chỗ đứng “ngang hàng” với Phật Quan Âm nhưng cũng chiếm được vị trí tương đối khá trang trọng trong tranh ảnh cổ động và sách báo của nhà đương cuộc Hà Nội. Cùng với những thành viên của lực lượng Dân Công Hỏa Tuyến hay Thanh Niên Xung Phong, họ luôn được xưng tụng là những bông hoa nở giữa chiến trườngbông hoa trên tuyến lửahoa lan trong rừng cháy …  

Sau khi chiến trường đã ngưng tiếng súng thì mọi hy vọng về một cuộc sống an lành (“đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa”) cũng đều biến thành ảo vọng. Những bông hoa từng nở trên tuyến lửa đều héo úa trong các “xóm không chồng” giữa thời bình. Họ trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!

Họ chỉ được hưởng trợ cấp mỗi một lần thôi nhưng rất tượng trưng, và cũng rất muộn màng. Quyết định 290/2005/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ – Về Chế Độ, Chính Sách Đối Với Một Số Đối Tượng Trực Tiếp Tham Gia Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước nhưng chưa được Hưởng Chính Sách Của Đảng và Nhà Nước – ký ngày 8 tháng 11 năm 2005, quy định như sau:

Dân quân tập trung ở miền Bắc từ ngày 27 tháng 01 năm 1973 trở về trước, du kích tập trung ở miền Nam (bao gồm cả lực lượng mật) từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước do cấp có thẩm quyền quản lý đã về gia đình phải được hưởng trợ cấp một lần theo số năm thực tế tham gia dân quân, du kích tập trung, cứ mỗi năm được hưởng 400.000 đồng. Mức chi trả trợ cấp một lần thấp nhất bằng 800.000 đồng.

Những con số bạc bẽo và thảm hại này hoàn toàn tương phản với tâm tình chứa chan của những kẻ đã từng chiến đấu bên nhau, dù họ không hẳn đã là đồng đội cùng chung lực lượng hay đơn vị. Một cựu chiến binh tâm sự:

Sáng ngày 30-4-1975, sau khi Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) đánh chiếm xong một số mục tiêu đã định, ông Việt khi đó là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Tiểu đội xe, thuộc Phòng hậu cần Sư đoàn 10, lái chiếc zeép (chiến lợi phẩm) có gắn máy thông tin 2W và rơ-moóc, đưa đồng chí Võ Khắc Phụng-Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 10 cùng một số sĩ quan chỉ huy tổ chức đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Trên xe có một thiếu nữ độ 20 tuổi, gương mặt tươi sáng, đội mũ tai bèo, luôn luôn mang khẩu tiểu liên AK bên mình. Đó là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Nết (biệt hiệu: Nguyễn Thị Trung Kiên, nguyên mẫu nhân vật Cô Nhíp trong bộ phim truyện cùng tên – bộ phim đầu tiên của điện ảnh miền Nam sau ngày giải phóng).

Theo sự dẫn đường thông minh, chủ động và linh hoạt của cô Nết, đội hình tấn công vừa vận động, vừa chiến đấu, vượt qua mọi trở ngại, thần tốc xốc tới…

Đã 40 năm trôi qua. Ông Việt và những người bạn chiến đấu ngày ấy … vẫn thường xuyên liên lạc, thông báo cho nhau chuyện vui, buồn. Những lúc như thế, các ông thường nhắc tới cô Nết, mong biết tin tức về người nữ biệt động xinh đẹp, gan dạ, mưu trí, dũng cảm và thông minh ấy… (Phạm Xưởng. “Cô Nhíp Đang Ở Đâu.” TIẾNG NÓI CỦA CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM – 01.06.2015).

Câu hỏi trên đã nhận được hồi đáp, qua một status ngắn của FB Văn Toàn, vào hôm 13 tháng 4 năm 2016:

Sáng ngày 29-4-1975, xe tăng của bộ đội Bắc Việt tiến vào cửa ngõ Sài Gòn theo hướng Tây bắc. Trên xe có một thiếu nữ độ 20 tuổi, gương mặt xinh đẹp, đội mũ tai bèo, luôn luôn mang khẩu tiểu liên AK bên mình dẫn đường cho bộ đội.

Đó là nữ chiến sĩ biệt động Sài Gòn Cao Thị Nhíp (tên hoạt động là Nguyễn Thị Trung Kiên,). Vốn thông thuộc đường xá, Cô Nhíp đã ngồi trên xe chỉ huy để hướng dẫn toàn đơn vị của Thiếu tá Bùi Quan Bùi Quang Đấng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Sau này, đạo diễn Nguyễn Trí Việt của Hãng phim Giải Phóng đã dựa vào hình tượng này để dựng thành bộ phim “Cô Nhíp” khá nổi tiếng. Hiện nay bà Nhíp đã sang định cư tại thành phố Garden Grove, Nam California, Hoa Kỳ từ lâu và mang quốc tịch Mỹ với tên họ khác…  

Bên dưới thông tin thượng dẫn có không ít những lời lẽ vô cùng cay nghiệt:

  • Tung Thu Tran: Bà nầy ăn cơm quốc gia thờ ma cs!
  • Hoang Nam: Mẹ kiếp sao bà không chết cho rồi?
  • Kim Oanh Tran: Loài ký sinh trùng dơ bẩn ai biết bà ta ở đâu làm ơn thông báo để đồng bào tránh xa
  • Anh Nguyen Hung: Bên thắng cuộc mà cũng đu càng à, LOÀI VÔ SỈ.
  • Quyền Toàn Lâm: Thiên đường ko ở qua đó làm j chòi.

Bà Nhíp không phải là người duy nhất đã rời khỏi Việt Nam, và đã thay tên cùng quố́c tịch. Hơn nửa thế kỷ qua đã có vài triệu người bỏ đi như thế, và dòng người này chưa bao giờ ngừng lại cả. T.S  Phương Mai gọi đây là cuộc “tị nạn niềm tin.”

Cũng như bao nhiêu kẻ khác, khi niềm tin đã mất, bà Nhíp có toàn quyền thay đổi chính kiến và đổi thay nơi cư trú để tìm đến một nơi có cuộc sống an toàn và khả kham hơn. Chỉ có điều đáng tiếc (và đáng nói) là số nạn nhân của những cái nón tai bèo thì quá nhiều mà kẻ may mắn, có cơ hội làm lại cuộc đời, lại quá hiếm hoi – và dường như chỉ có mỗi một thôi!

Tưởng Năng Tiến
9/2022