S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Loa & net 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Loa & net   

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

05/08/2022

Lịch sử cận đại của nước Việt vừa ghi nhận (thêm) hai lần… Nam Tiến nữa! Lần đầu – vào năm 1954 – gần một triệu người miền Bắc đã di cư vào Nam bằng tầu: tầu bay, tầu hoả, và tầu thủy… Họ mang theo nhiều thứ trông rất quen nhưng tên gọi thì hơi lạ: cái bàn là, cái bát, cái cốc, cái ô, cái môi, cái thìa …

Cuộc chung sống giữa cái bàn là với cái bàn ủi, cái bát với cái chén, cái cốc với cái ly, cái ô với cái dù, cái môi với cái vá, cái thìa với cái muỗm… tuy không toàn  hảo nhưng (tương đối) thuận thảo và tốt đẹp. Từ thành thị đến nông thôn – trong mọi ngõ ngách – trẻ con miền Nam đồng lòng đổi lời bản “Khúc Nhạc Đồng Quê” (của Thúc Đăng) từ “Quê hương tôi gió chiều về trong nắng vàng” thành … “Quê hương tôi cái mùng mà kêu cái màn,” cùng với tiếng cười khúc khích.

1954 – 1975: Hai mươi mốt năm tuy ngắn nhưng đủ thời gian để xoá nhoà mọi ngăn cách giữa cái mùng với cái màn. Rồi ra, ai cũng biết: cái mền với cái chăn là một, cái phong bì và cái bao thư cũng vậy, còn cái bao diêm chính là cái hộp quẹt, và cái hôn với cái hun đều cùng một nghĩa!

Đợt di cư thứ hai, khởi sự vào năm 1975, ồn ào và ồ ạt hơn trước. Những thứ được mang theo cũng rất khó coi, và gây ra rất nhiều phiền toái nơi vùng đất mới: nón cối, dép râu, tem phiếu, sổ gạo, sổ hộ khẩu, loa phóng thanh, tinh thần làm chủ tập thể, ảnh bác Hồ lộng kiếng …

Với thời gian, nón cối, dép râu, tem phiếu, sổ gạo, tinh thần làm chủ tập thể… đều lặng lẽ bị vứt vào sọt rác. Ảnh bác Hồ lộng kiếng, không ít kẻ, cũng liệng cống luôn. Rồi đến cái sổ hộ khẩu cũng đi vào dĩ vãng khiến “hàng triệu người dân vỡ oà sung sướng” – theo như nguyên văn của báo Lao Động, số ra ngày 5 tháng 11 năm 2017 :

“Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30.10.2017 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, với việc xóa bỏ nhiều thủ tục liên quan đến hộ khẩu, đã làm hàng triệu người dân ‘vỡ òa’ sung sướng.”

Trước đó không lâu, dân Việt cũng đã trải qua một niềm vui (“vỡ oà”) tương tự, ngay sau khi báo Thanh Niên – số ra ngày 14 tháng 1 năm 2017 – hớn hở loan tin: “Loa phường đã hoàn thành vai trò lịch sử!”

Ngoài việc tháo gỡ những chướng ngại vật đã gây ra đủ thứ rắc rối, khó khăn, nhũng nhiễu, phiền hà… cho dân chúng; Nhà Nước Cách Mạng còn đi rất xa trong tiến trình đổi mới. Báo chí tới tấp đi tin :

– Giúp Người Dân Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Tiếp Cận Internet

– Cuộc Sống Người Dân 40 Tỉnh Thay Đổi Ra Sao Nhờ Internet?

– Cơ Hội Cho Người Dân Nông Thôn Tiếp Cận Với Internet

– Máy tính cho cuộc sống với học sinh nông thôn

Hiệp Hội Doanh Nghiệp Điện Tử Việt Nam hân hoan cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Bộ TT-TT thực hiện giai đoạn hai Dự án thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam (BMGF-VN) tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng kinh phí hơn 50 triệu USD.”

Ủa, tiền ở đâu ra mà chính phủ (bỗng) hào phóng dữ vậy cà?

Tìm hiểu thêm chút xíu mới biết ra rằng BMGF là mấy chữ viết tắt của Bill & Melinda Gates Foundation của vợ chồng ông Bill Gates, có trụ sở tại Seattle, Washinton State. Theo trang Khoa Học Việt Nam : “Quỹ Bill & Melinda Gates viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD, Microsof tài trợ 3,6 triệu USD (để mua máy tính) và số còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.”

Thảo nào mà quan chức, cũng như báo giới VN, hào hứng và vui vẻ quá xá. “DỰ ÁN NÂNG CAO KHẢ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TRUY NHẬP INTERNET CÔNG CỘNG TẠI VIỆT NAM” được tán thưởng không tiếc lời :

– Lao Động: “Mỗi Công Dân Là Một Nhà Báo”

– Sài Gòn Giải Phóng: “Mỗi Công Dân Là Một Phóng Viên”

– Tuổi Trẻ: “Vinh Danh Nhà Báo Công Dân”

Được “vinh danh” nên các nhà báo công dân hiện diện khắp nơi. Ngay cả ở vùng xa, vùng sâu như xã Quảng Điền – huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk – mà hình ảnh một ông trưởng công an xã (đá tứ tung thúng mẹt rau cải, tôm cá … của bạn hàng) cũng được phổ biến khắp năm Châu, trong chớp mắt.

Trong một xã hội vốn khép kín mà bỗng dưng mỗi công dân trở thành một phóng viên thì hệ lụy thật khó lường. Bung là cái chắc. Thông Tấn Xã Vỉa Hè thay thế ngay vai trò truyền thống của Thông Tấn Xã VN, và “từng bước đưa đất nước thoát khỏi cái vòng kim cô mang cái tên ‘định hướng’ trên lĩnh vực tư tưởng-truyền thông” – theo như nhận xét của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh.

Bộ Thông Tin thất thủ. Truyền Thông vỡ trận. Chung qui cũng chỉ vì những con ngựa thành Troie, có tên gọi khác là máy vi tính, giữa lòng cách mạng!

Lúc sinh tiền, nhà văn Trần Đĩnh gọi internet là thằng … Thời Đại, và ông rất hả hê vì “luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi” trước cái “thằng” này. Nếu không vì nó thì mấy người dân Việt được nhìn thấy tận mắt phóng ảnh Công Hàm 1958 với chữ ký của Phạm Văn Đồng (hay Thư Xin Nhập Học Trường Thuộc Địa của sinh viên Nguyễn Tất Thành) và nói chắc cũng chả ai tin.

Buộc phải lùi thôi nhưng lùi hoài chắc chết, chết chắc. Phải làm một cái gì đó để cứu vãn tình thế, chứ không thể để tên tuổi của những vị lãnh đạo cấp cao (Lâm Dát VàngTrọng Mặt DầyNgân Mặt ThớtPhúc Maze …) bị bôi bác mãi. Thế là Bộ Công An bèn trình Quốc Hội cái gọi là “Dự Án Luật An Ninh Mạng.”

Công luận, tất nhiên, dậy sóng:

  • Trương Huy San: “Luật chống lại loài người.”
  • Lê Văn Luân: “Luật pháp ban hành ngày càng tệ và có xu hướng đi ngược lại tiến trình phát triển văn minh của nhân loại.”
  • Người Buôn Gió: “Công cụ đàn áp mới – luật an ninh mạng.”
  • Trịnh Hữu Long: “Dự luật an ninh mạng: hàng Việt Nam made in China?”
  • Nguyễn Thông: “Đó là thứ tư duy cộng sản man rợ.”
  • Nguyễn Ngọc Chu: “Chỉ có những chế độ độc tài vì muốn duy trì sự cai trị của mình, mới liều lĩnh khống chế thông tin.”
  • Trần Song Hào: “Đảng muốn có chi bộ trong máy chủ!”
  • Võ Văn Tạo: “Lại tiếp tục tư duy lỗi thời.”
  • Nguyễn Quang Lập: “Chỉ cần 1 năm vắng bóng Facebook và Google sẽ thấy đất nước này lạc hậu so với thế giới hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm.”
  • Trương Duy Nhất: “Với gần 100 triệu công dân Việt, đó là bức tường giam hãm tự do tư tưởng, biểu đạt và giao tiếp.”

Tất cả đều phẫn nộ hay buồn bực. Buồn tất cả. Chỉ cái loa là vui được tiếp tục vai trò lịch sử của mình. Với hệ thống loa phường thì an toàn là cái chắc. Không còn phải lo lắng đến sự phá hoại của những thế lực thù địch nước ngoài, và sự tự diễn biến/chuyển hoá của một bộ phận không nhỏ đảng viên nữa. Ban Tuyên Giáo lại độc quyền cầm loa nên chả việc gì phải “đối thoại” với bất cứ ai nữa.

Đất nước sẽ an bình và ổn định (Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc) như xưa, cứ y như là chưa bao giờ có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra ráo trọi. Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc dự đoán :

“Ngày ấy sẽ không xa! Học viện KHXH sẽ đóng cửa; chủ nhân các biệt phủ sẽ ăn ngon ngủ yên; các quan anh sẽ tha hồ có bồ nhí; các trạm BOT sẽ có mặt khắp hang cùng hẻm cụt; lãnh đạo sẽ tha hồ cho trái đâm ra từ rễ cây; đày tớ sẽ thoải mái đá xô chậu, chặn xe đám cưới thu tiền …”

Thằng chả đoán bậy bạ vậy mà không trật. Báo Thanh Niên, số ra ngày 26 tháng 07 năm 2022, vừa hân hoan chạy tít: “Hà Nội Lên Kế Hoạch Khôi Phục Loa Phường”!

TNT 2017 – 2022

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Sơn Nam

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Sơn Nam

Trong cuốn Một Mảnh Tình Riêng, do nhà Văn Nghệ (VN) xuất bản năm 2000, Sơn Nam tâm sự : “Mẹ tôi đi làm dâu nơi xa nhà hàng năm mươi cây số đường giao thông hồi đầu thế kỷ khó khăn, vượt rừng qua hai con sông đầy sóng gió… Lâu năm lắm mẹ tôi với về quê thăm xứ một lần, tình trạng này tôi thử hư cấu, qua truyện ngắn ‘Gả Thiếp Về Rừng’… Qua sông Cái Bé thì dễ, nhưng gian nan nhất là qua sông Cái Lớn.”

Muốn biết chuyện làm dâu nơi xa, hồi đầu thế kỷ trước, gian nan và khó khăn ra sao, xin đọc vài đoạn (chính) trong truyện ngắn này :

“Câu chuyện xảy ra tại rạch Bình Thủy, làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, đâu cũng vào khoảng năm 1939 … tháng chạp năm đĩ, nhà ông Cả treo bông kết tuội để gả con, giữa tiếng dị nghị của bao chàng trai tơ ở rạch Bình Thủy.

Cô Út về làm dâu đất Cạnh Đền.

Hai năm qua.

Ba năm qua…

Chuyến đầu, đôi vợ chồng về thăm ông Cả bà Cả, đèo theo một đứa con gái nhỏ… sổ sữa dễ thương.

Chuyến sau họ về, lại thêm một đứa gái và một đứa thứ ba nữa đang nằm trong bụng mẹ.

Hai ông bà quá đỗi vui mừng.

Nhưng liên tiếp mấy năm sau họ bặt tin, ngày Tết ngày giỗ cũng chẳng về. Lo ngại quá! Có chuyện gì xảy ra bất lành không?

Hai ông bà muốn xuống Cạnh Đền thăm con nhưng ngại mình già sức yếu, đường xa xôi, phải vượt qua sông Cái Lớn. Nằm đêm, lắm khi bà khóc lóc mà trách ông:

– Tôi nói muỗi rừng ăn thịt hai đứa nó rồi. Xứ gì mà muỗi kêu như sáo thổi. Không đau bịnh rét thì cũng chói nước lớn bụng mà chết… Hồi đó ông cãi tôi, nhớ không?

“Ông Cả vô cùng buồn bực. Nhứt là khi nghe con nít chòm xóm hát đưa em:

Má ơi đừng gả con xa,

Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu?

Suốt tháng ngày, ông chống gậy đi quanh quẩn bên gốc tre già ở mé sông, mắt mịn mỏi nhìn bóng dáng các ghe thương hồ qua lại.

Trời đất nào phụ kẻ có lòng như ông!

Mãi đến buổi trưa đó, có chiếc ghe chèo chậm chậm ngang bến. Chồng trước mũi hỏi vợ sau lái:

– Phải chỗ cây mù u này không? Cậu Quỳnh nói nhà bên vợ ở đâu đây.

Chị vợ đáp:

– Không chừng… Đúng quá, cách ngã ba, qua hai cây cầu khỉ, nhà ngói có vườn quít.

Anh chồng ngó tới ngó lui, cãi lại:

– Mình mới qua một cây cầu. Chèo tới trước chỗ cây cấu khỉ, đằng kia kìa, họa may…

Ông Cả cố gom tất cả sức già, la lớn:

– Ở đây nè, bà con ơi! Nhà vợ thằng Quỳnh ở đây nè…

Ghe đậu lại. Hai vợ chồng nọ được mời lên ăn cơm với thịt gà tại bộ ván gõ giữa nhà ông Hương cả. Trong đời, họ chưa bao giờ được hân hạnh lớn như vậy! Ông Cả, bà Cả, người lối xóm xúm lại hỏi nhiều câu quá. Họ bối rối, trả lời vắn tắt:

– Dạ, vợ chồng cậu Quỳnh mạnh khỏe. Nhờ trời sanh được sáu đứa con. Bốn đứa sau đều là con trai.

Bà Cả mừng quýnh:

– Úy! Bộ con Út đẻ năm một sao? Con nhỏ đó thiệt giỏi!

Khách trả lời:

– Dạ, đẻ năm một. Đứa ăn thôi nôi, đứa lôi đầy tháng. Mẹ tròn con vuông. Hồi tôi đi đây, cô Út gần nằm chỗ một lần nữa. Thưa ông bà, miệt dưới ai cũng vậy. Như vợ chồng cháu đây có tám đứa con.

– Sao vậy cà? Sao vậy cà? Ở dưới cỡ này ra sao mà thiên hạ “đẻ nhiều quá vậy?

Khách ngượng nghịu, chập sau mới nói:

– Dạ ở miệt dưới muỗi dữ lắm. Chạng vạng là cả nhà, vợ chồng con cái rút vơ mùng… nói chuyện. Ít ai đi đâu.

Ai nấy phá lên cười to. Đến lúc bấy giờ, ông Cả bà Cả mới hiểu thêm một sự bí mật quan trọng của tiếng ‘muỗi kêu như sáo thổi’ ở Cạnh Đền. Nó làm hại sức khỏe con người. Nhưng nó gắn bó mối tình chồng vợ hơn ở xứ không có muỗi.

Để đánh trống lảng, ông nói:

– Ừ! Phải vậy mới được. Xứ mình cần có dân đông để tạo lập thêm ruộng vườn, khai phá đất hoang.

Bà Cả nóng ruột:

– Anh chị đây có nghe vợ chồng nó nhắn chừng nào đem mấy đứa cháu ngoại của tôi về cho biết mặt?

Khách trả lời:

– Dạ không nghe. Con cái lũ khũ cả bầy, chắc vợ chồng cậu Quỳnh khó đi xa. Năm rồi mùa màng thất bát, ai cũng lo tay làm hàm nhai để nuôi con. Sông Cái Lớn mấy năm nay lại thêm sóng gió bất thường.

Bà thở dài, nói như rên siết:

– Nhớ mấy đứa nhỏ quá. Ông ơi! Hồi đó ông cãi tôi…

Ông Cả im lặng, nghĩ đến cái ngày gần đất xa trời của mình. Nó không còn bao xa nữa. Ngày đó, ai phị giá triệu, ai rinh quan tài? Nhìn bụi tre già dưới bến mà ông tủi thân: Măng non mọc kề bên gốc. Phận ông có khác; con gái, con rể và đám cháu ngoại ở chốn xa xôi kia làm sao được gần gũi để ông thấy mặt lần đầu – và cũng là lần chót – khi ông tàn hơi. Nước mắt muốn tươm ra, ông cố dằn lại. Ông hiểu đời ông chưa tới mức đen tối, còn chút ánh sáng lập lòe trong tương lai vô biên vô tận:

– Ờ… ở dưới nó có lập vườn chưa? Lát nữa, anh chị chịu khó chở về giùm cho vợ chồng con Út một gốc tre Mạnh Tông để làm giống. Chừng thấy măng non cận gốc già, mấy đứa cháu của tôi luôn luôn nhớ ông ngoại bà ngoại nó trên Bình Thủy.

Phật Trời thiêng liêng xin phù hộ chứng giám! Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, trên đất nước mình luống chịu cảnh sinh ly như ông Cả, như cô Út. Ðể cho nước mạnh dân còn” (*).

Truyện “Gả Thiếp Về Rừng” lấy bối cảnh rạch Bình Thủy, làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ, vào khoảng năm 1939 – 40, khi tôi chưa ra đời. Ba mươi năm sau, lúc tôi đủ lớn để đọc và yêu thích Sơn Nam thì ghe thuyền gắn máy (đuôi tôm) đã chạy ngang dọc tá lả khắp sông rạch miền Nam.

Thế hệ của chúng tôi khó mà hiểu được nỗi “gian truân” của một người con gái lấy chồng xa nhà (cỡ) … năm mươi cây số! Dù vậy, tôi vẫn cứ mến thương hết sức cái tình của Sơn Nam dành cho lớp người tiên phong, đi khai khẩn miền cực Nam của quê hương.

Cùng với Sơn Nam, nhà văn Bình Nguyên Lộc cũng ghi lại nhiều tình cảm sâu đậm của mình đối với những lưu dân. Trong truyện ngắn “Rừng Mắm” của ông, có đoạn đọc mà muốn ứa nước mắt:

“Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.

Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:

Ông với lại tía của con là cây mắm, chân giẫm trong bùn. Ðời con là tràm, chân vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xồi, mít, dừa, cau.

Ðời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngồi mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng”.

Đã bao nhiêu đời tràm, bao nhiêu đời mắm ngã rạp, bao nhiêu thế hệ phải chịu cảnh sinh ly như ông Cả, như cô Út … nhưng quê hương mỗi lúc một lụn bại hơn, chứ không giàu mạnh thêm – như kỳ vọng của Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc. Và vì nghèo đói, cảnh chia ly xẩy ra mỗi ngày một nhiều.

“Hiện nay, ở Nam Hàn, trên bất kỳ nhật báo nào cũng dễ dàng tìm thấy những lời quảng cáo:’Người già, người muốn tái hôn, người khuyết tật đều có thể kết hôn với những trinh nữ xinh đẹp ở Việt Nam … Thậm chí những quảng cáo này còn liệt kê ưu điểm của con gái VN như “xuất giá tòng phu”, “tôn trọng người già, thờ cúng tổ tiên đến bốn đời”, “dáng người đẹp nhất thế giới”, “giữ gìn trinh tiết và chung thủy với chồng” (Bán tuần báo Việt Luận, số 2063, phát hành từ Sydney ngày 28/04/2006).

Chuyện “lấy chồng xa” của phụ nữ VN đã trở thành kỹ nghệ, ở mức “đại trà” – theo như tin của nguyệt san Khởi Hành, số 134, phát hành từ California, tháng 4 năm 2006 :

“Cảnh sát Cam Bốt mới khám phá một tổ chức bán các bé gái Việt Nam tại một khu phố ở Nam Vang. Các em cho biết đã được chở từ quê nhà vùng nông thôn miền Nam qua biên giới trong những thùng sắt dùng trở hàng xuất cảng.

Những chuyện tủi nhục xót xa như thế đã xẩy ra (thường xuyên) từ mấy thập niên qua. Trong thời gian này, Sơn Nam vẫn cặm cụi cầm bút và vẫn in ấn đều đều. Tác phẩm mới nhất của nhà văn, có tên là Bình An, tập cuối trong bộ hồi ký của ông, và được giới thiệu là “cuốn sách đề cập đến những biến đổi lớn lao của Sài Gòn kể từ ngày giải phóng miền Nam 30/04/75 đến nay”.

Dù không phải là thầy bói, tôi vẫn biết chắc rằng, trong cả bốn tập hồi ký của Sơn Nam sẽ không có một dòng chữ nào – nửa dòng cũng không – viết về những em bé Việt Nam bị “gả” đi xa, “trong những thùng sắt dùng chở đồ xuất cảng” như thế.

Tập Hương Rừng Cà Mau, trong đó có truyện “Gả Thiếp Về Rừng”, được mở đầu bằng một bài thơ của (chính) Sơn Nam, có đoạn như sau:

Trong khói sông mênh mông,
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Ðiệu thơ Lục Vân Tiên
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả

Cái gì đã giết chết tinh thần “kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” nơi Sơn Nam như thế? Ông đâu có chức quyền gì như Huy Cận hay Tố Hữu để mà sợ mất? Ông đâu có đụng chuyện với “cách mạng”, vào thời “Nhân Văn Giai Phẩm” mà hoảng hốt đến độ bị bắt ăn bánh vẽ nhưng vẫn phải làm bộ khen ngon – như Chế Lan Viên? Ở tuổi 80, Sơn Nam còn ngại gì nữa mà không (dám) nói lên đôi lời phải/quấy với bọn giặp cướp – đang tụ họp ở làng Ba Đình, Hà Nội – trước khi nhắm mắt?

Trong một chế độ “không cho phép ai được có một thái độ thứ ba” thì sự im lặng của Sơn Nam cũng chỉ là chuyện … bình thường thôi sao? Thời phải thế, thế thời phải thế chăng ? Cả đống tu sĩ, nhân sĩ, văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, bác sĩ – ở trong nước cũng như hải ngoại – đều giữ thái độ tương tự, trước việc phụ nữ VN bị gả bán như nô lệ, chứ đâu có riêng chi nhà văn Sơn Nam. Với thời gian – rồi ra – cả dân tộc Việt sẽ quen dần hết với mọi chuyện xấu xa tồi tệ, và có thể chấp nhận tất cả những tội ác một cách thản nhiên thôi.

Nghĩ cho cùng, có lẽ, đây chỉ là chuyện nhỏ và là chuyện (riêng) của cá nhân tôi với Sơn Nam. Chỉ vì lúc thiếu thời tôi yêu thích, quí mến ông ấy quá nên mới đặt thành vấn đề và cứ băn khoăn mãi.

Cho đến sáng nay, qua Tuổi Trẻ Online, tôi tình cờ tìm ra được lý do khiến cho Sơn Nam đã bỏ rơi cái quan niệm sống “lộ kiến bất bình vung đao bạt tụy” – của Lục Vân Tiên – trong con người Nam Bộ của ông.

 “Ngày 7-3, tổng công ty du lịch Sài Gòn khánh thành tượng chân dung nhà văn Sơn Nam tại làng du lịch Bình Quới 1 (Thanh Đa), để ghi nhận đóng góp của ông đối với nền văn hóa phương Nam”

Úy trời đất, quỉ thần, thiên địa (mèng đéc) ơi, như vậy là Sơn Nam đã bị hóa đá rồi – chớ còn khỉ gì nữa! Hèn gì, ông không còn nghe được tiếng dân kêu ai oán ở rừng U Minh Hạ. Ông cũng không còn bận lòng gì nữa về số phận gian truân của những người đồng hương đi lấy chồng xa – dù là xa nhà đến năm ngàn (hoặc hơn) chứ không phải chỉ là năm mươi cây số – và sang sông (tập thể) bằng tầu chở hàng, trong thùng container, thay vì bằng một chuyến đò ngang hay đò dọc.

Khi bàn về số phận của một số những người cầm bút ở miền Nam – bị cấm viết sau tháng 4 năm 1975 – nhà văn Võ Phiến gọi họ là những “tài năng bị chôn sống”. Sơn Nam (của tôi) dù được cho phép tiếp tục cầm viết, vẫn bị chôn sống như thường – bằng một hình thức khác, nhẹ nhàng hơn, vậy thôi. Thôi, vĩnh biệt Sơn Nam!

Tưởng Năng Tiến – 2006

(*) Sách được in lại (và in lậu) tại hải ngoại, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm xuất bản. Nguyên tập truyện Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam có thể đọc được qua website Đặc Trưng. Riêng truyện “Gả Thiếp về Rừng”, nơi web site này, thiếu một đoạn cuối như sau: “Phật Trời thiêng liêng xin phù hộ chứng giám! Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, trên đất nước mình luống chịu cảnh sinh ly như ông Cả, như cô Út. Để cho nước mạnh dân còn.”

Nhân cơ hội này, người viết cũng xin được ngỏ lời ghi ân nhóm chủ trương Đặc Trưng vì đã sử dụng tài liệu trong thư viện nhỏ (“trên không”) của quí bạn nhiều lần.

Thư Cho Con – Sổ tay thường dân – Tưởng Năng Tiến

Thư Cho Con – Sổ tay thường dân – Tưởng Năng Tiến

Tôi không thân thiết chi với Bùi Bảo Trúc và cũng chả mặn mà gì với chuyện văn nghệ/văn gừng nên mãi tới bữa rồi mới (tình cờ) được biết thêm rằng ông không chỉ là một nhà báo, nhà văn mà còn là một nhà thơ hơi nặng tình đất nước:

  • Tôi cũng như ông đời biệt xứ
    Trẻ ra đi già vẫn tha hương
    Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
    Tôi đọc thơ ông nát cả hồn …  (“Xa Nhà Đọc Thơ Hạ Tri Trương”)
  • Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
    Mấy bức thư đọng lại những năm qua
    Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
    Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa …  (“Gửi Căn Nhà Cũ”)

Ngoài khuynh hướng hoài hương, Bùi Bảo Trúc còn là một người hoài cổ. Trong hàng chục ngàn Thư Gửi Bạn Ta mà ông viết đều đặn hằng ngày, ròng rã qua mấy thập niên – có hôm – tác giả đã tỏ ý tiếc nuối những Lá Thư đã cũ của Từ Linh & Đoàn Chuẩn:

Nhớ tới mùa thu năm xưa gửi nhau
Phong thư ngào ngạt hương
Nét bút đa tình lả lơi …

Tôi sinh sau đẻ muộn nên chưa hề gửi đi (hay nhận được) một phong thư nào lãng mạn và trang trọng tới cỡ đó. Những lá thư nắn nót trên “giấy trắng mực thường” cũng khỏi có luôn:

  • Có gì đâu một lá thư
    Giấy trắng như giấy, mực như mực thường
    Cũng chưa một chữ rằng thương
    Mà tôi đọc suốt đêm trường sang mai
    Không nhớ nữa ngắn hay dài
    Hình như tôi đã đọc ngoài trang thơ
    .

    (“Có Gì Đâu” – Trần Ninh Hồ)
  • Thư thì mỏng như suối đời mộng ảo
    Tình thì buồn như tất cả chia ly
    Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo
    Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi
    .
  • (“Tình Thư Thứ Nhất” – Xuân Diệu)

Tôi bước vào tuổi dậy thì cùng lúc với Bridgestone, Kawasaki, Suzuki, Honda … đang tràn ngập khắp miền Nam. Đám choai choai chúng tôi như được chắp cánh, bay lượn tá lả bùng binh, đâu có đứa nào rảnh để thư từ (vớ vẩn) nói chi đến cái dzụ “viết lại trăm lần.” Nghe mà phát mệt!

Khi đời về chiều thì nhịp sống còn hối hả và bận rộn hơn nữa. Sau máy fax, thiên hạ email, rồi inbox, và text (liền liền) cho nó lẹ. Chả còn ai đủ bình tâm hay kiên nhẫn ngồi bên bàn viết, hoặc bàn phím để thư từ gì nữa. Ấy thế mà trong những ngày qua, tôi vẫn đọc được đôi ba bức thư (mỗi chữ đều như róc/ từ xương thịt cuộc đời/ từ bi thương phẫn uất …) của mấy ông bố trẻ gửi cho những đứa con thơ.

Bức thư thứ nhất của ông Nguyễn Lân Thắng, viết hôm 30 tháng 7 năm 2014, gừi cho con gái vừa 2 tuổi – mới được lan truyền rộng rãi trên mạng – sau khi nhân vật bất đồng chính kiến này bị bắt giữ vào hôm 5 tháng 7 vừa qua. Xin ghi lại đôi ba đoạn ngắn:

Con thương yêu của bố…

Bố có thể có nhiều lựa chọn. Nếu chấp nhận cuộc sống giả dối, tung hô những điều dối trá, tận dụng những quan hệ và lợi thế sẵn có thì sẽ chả thiếu thứ gì. Rồi khi mai này đất nước tan hoang, ta có thể ra nước ngoài sinh sống không cần biết nước Việt ra sao. Rồi con sẽ được sống trong môi trường bình yên với những điều kiện giáo dục, y tế, văn hóa tốt nhất.

Nhưng con ơi, không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Bố yêu con như thế nào thì bố cũng yêu mảnh đất này như thế. Bố không thể chấp nhận làm kẻ bỏ chạy mà phải chiến đấu bằng được để giữ mái nhà tổ quốc này cho con.

Bố không thể nhởn nhơ sống cho riêng mình khi xung quanh toàn khổ đau và nước mắt. Đối với bố đó không phải là hạnh phúc. Bố ước gì con được sống trong một tương lai tốt đẹp hơn bố. Con được sống trong tình thân ái, trong niềm tin, niềm hân hoan và những thứ mà một con người đáng được hưởng.

Có thể bố sẽ thất bại. Có thể bố sẽ không được ở bên con ba mươi năm còn lại như dự tính. Nhưng dù thế nào bố cũng đã quyết định thế rồi, và nếu cuộc đời con gặp những khó khăn vì bố gây ra thì xin con hãy nhớ về một ông bố đã tuyệt vọng chiến đấu để con có cuộc sống hạnh phúc đích thực mà tha thứ cho bố.Bố yêu con rất nhiều, bé Đậu tuyệt vời của bố!

Bức thư thứ hai của nhà giáo Bùi Văn Thuận, viết hôm 5 tháng 1 năm 2017 (cho con gái đầu lòng mới mở mắt chào đời) và cũng chỉ vừa được phổ biến, sau khi ông bị bắt giữ vào hôm 30/8/2021:

Con gái à, hôm nay con đã được 3 tháng 18 ngày, con chưa thể đọc những dòng chữ ba viết cho con, nhưng ba vẫn viết ra đây để sau này con có thể đọc, con có thể cho bạn bè con đọc… 

Khi con ngủ (tối qua con ngủ khá ngoan, con gái ạ), ba mẹ nấu cơm và ăn cơm tối lúc hơn 12h đêm. Mẹ con đói lắm vì con bú nhiều, một lần nữa ba lại muốn khóc. Khi ăn ba và mẹ con đã nói rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện khi đi “làm việc” với an ninh, nhỡ ba không về với hai mẹ con nữa thì sao?

Ba rất khó lựa chọn, thật sự rất khó con gái ơi! Nếu ba chấp nhận sống vì hai mẹ con con, cúi đầu im lặng để có thể chạy vạy lo toan cho hai mẹ con, thì đến thế hệ con, không biết các con làm sao mà sống được?

Nhưng nếu ba lựa chọn lên tiếng, lựa chọn đấu tranh cho những quyền và nhu cầu căn bản của con người, thì ba lại là người vô trách nhiệm với hai mẹ con. Nếu ba vì lên tiếng mà bị bắt, bị những kẻ xấu bỏ tù thì hai mẹ con con sẽ sống ra sao?

Đó là một sự lựa chọn rất khó khăn cho ba con gái ơi! Sau khi bàn bạc với mẹ con, ba mẹ đã quyết định: Bình thản đón nhận những gì sẽ đến…

Quyết định “bình thản” của ông Bùi Văn Thuận khiến tôi nhớ đến thái độ và sự lựa chọn của một tù nhân lương tâm khác, Lê Anh Hùng – theo tường thuật của một nhà báo nước ngoài:

Every time Le Anh Hung starts to write he thinks of his three young children. The 38-year-old has already been imprisoned twice for blogging about human rights and corruption from his home in Hanoi and lives half-expecting another fateful knock at the door. And yet “I’m not scared,” he says, “I know what I choose to do is risky but I accept the fight. Cứ mỗi lần cầm bút là Lê Anh Hùng nghĩ đến ba đứa con thơ. Người đàn ông 38 tuổi này đã hai lần vào tù, vì viết blog về nhân quyền và nạn hối lộ, hiện đang sống phấp phỏng trong căn nhà của ông ở Hà Nội. Tuy thế, ông nói, ‘Tôi biết điều mình lựa chọn là nguy hiểm nhưng tôi chấp nhận cuộc đấu tranh này.” (Charlie Campbell. “Internet Censorship Is Taking Root in Southeast Asia.” Time 18 Jul 2013).

Thái độ quyết liệt và sự lựa chọn can trường của Lê Anh Hùng, cũng như của những tù nhân lương tâm đồng hành, khiến cho vợ con cùng thân nhân của họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi và phiền toái. Nhưng nếu không có sự hy sinh cao cả như thế thì dân Việt biết trông vào đâu để vẫn còn có thể giữ được chút niềm tin về tương lai của dân tộc, và đất nước này!

Tưởng Năng Tiến
7/2022

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Dép Râu

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Dép Râu

Ảnh của tuongnangtien

tuongnangtien

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe rằng: “Giầy dép cũng đều có số, nói chi đến con người.”

Quả là có thế!

Chả thế mà tiếng Việt không thiếu những hạn từ liên quan đến vận mạng, định mệnh, số kiếp, số mạng, số phận, vận số, mệnh số, phần số: số xui, số hên, số đen, số đỏ, số mạt, số nghèo, số giầu, số làm quan, số làm đĩ, số ăn mày, số xa nhà, số đi tu, số ở tù …

Tuy thế, loại dép râu (hay còn gọi là dép lốp, dép cao su, dép Bình Trị Thiên) thì chả có số má gì ráo trọi. Mẫu mã cũng không luôn. Đôi nào ngó cũng vậy. Cứ nhắm vừa chân ai là người đó xỏ đại vô – one size fit all – già trẻ, lớn bé, gái trai đều giống như nhau.

Thô kệch, trần trụi vậy thôi nhưng đôi dép lốp đã từng được thi hào Tố Hữu cho “lên tầu vũ trụ” và có tên trong Wikipedia, phiên bản tiếng Anh: 

“The Ho Chi Minh sandals (Vietnamese dép lốp ‘tire sandal’) are a form of sandal made from discarded tires. Along with the khăn rằn scarf, they were a distinctive clothing of Viet Cong soldiers. These shoes were often called ‘Ho Chi Minh sandals’ or ‘Ho Chis” by Americans.”

Vỏn vẹn có đôi ba câu ngắn ngủi (chỉ gồm 48 từ) như vậy thì e chưa đủ liều lượng để ba hoa thiên tướng nên Wikipedia – phiên bản nội hóa – tự động chêm vào vài ba đề mục nữa (Đôi Dép – Dép Lốp – Đôi Dép Bác Hồ) tổng cộng là ba ngàn bốn trăm từ, với không ít hình ảnh, và toàn là những lời có cánh:

  • Đôi dép ấy rất đỗi bình dị, mộc mạc đơn sơ, nhưng thật nhiều ý nghĩa như chính cuộc đời Bác kính yêu. Bởi đôi dép cao su đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng vì dân, vì nước của Bác. Ngày nay, đôi dép ấy đã trở thành kỉ vật thiêng liêng và vô giá của dân tộc ta.
  • Đôi dép này được xem như là một trong những biểu tượng về “cuộc đời cách mạng” của Hồ Chí Minh, được đề cập trong nhiều bài báo cũng như một số bài hát, bài thơ.

Tự điển bách khoa toàn thư của người ta mà Ban Tuyên Giáo vẫn thản nhiên nhẩy xổ vào thêm thắt/thêu dệt trắng trợn tới cỡ đó thì thiệt là quá đáng, và quá quắt! PTT Vũ Đức Đam, Chủ Tịch Hội Đồng Chỉ Đạo Biên Soạn Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam, đã từng tuyên bố (không ngượng miệng) rằng:

“Bộ Bách khoa toàn thư phải là tri thức cơ bản về Việt Nam đặc biệt là tri thức ứng dụng cho đất nước, phải đúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.”

Tạm thời, khi chưa có bộ sách này thì cứ nhào nặn Wikikipedia tiếng Anh thành ra tiếng Việt (luôn) cho nó khoẻ. Mẹ nó, sợ gì ?

Tuy không có gì đáng sợ nhưng cũng chả có hiệu quả chi. Bên cạnh những lời lẽ thương râu nhớ dép hết sức thiết tha của đám văn nghệ sỹ cung đình (Hà Nội) vẫn có những câu thơ truyền miệng, phổ biến trong văn hóa dân gian: Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ/ Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai.

Nghe vậy tưởng đã quá tệ nhưng blogger Trương Nhân Tuấn còn diễn giải sự việc một cách tệ hại hơn vậy nữa: “Nón cối hay nón tai bèo, cùng đôi dép râu, đã ‘viết nên trang sử’, trên lý thuyết là đưa cả nước lên ‘xã hội chủ nghĩa’. Mà thực tế là đưa tất cả ‘xuống hàng chó ngựa’, như hai câu ‘thơ’ thời thế : ‘Đôi dép râu dẫm nát đời son trẻ, Chiếc nón tai bèo phủ kín nẻo tương lai.”  

Thế mới biết dép râu tuy không có số má chi nhưng kẻ xỏ chân thì đều có cả. Tuy tuyệt đại đa số đều “xuống hàng chó ngựa” nhưng lại có kẻ được cơ hội xưng vương, và xưng tụng như thần:

“Vào năm 1970, một năm sau ngày Bác đi xa, nhà thơ Nam Yên đã viết một bài thơ lời lẽ dung dị nhưng rất mực thắm thiết, gợi lên cảm xúc thương mến Bác vô bờ. Bài thơ được nhạc sĩ Vân An phổ nhạc: Dép Bác, đôi dép cao su/ Bác đi từ ở chiến khu Bác về/ Phố phường trận địa/ Nhà máy đồng quê/ Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi…

Bác Hồ là biểu trưng của tất cả những gì dung dị, mang một bản sắc dân tộc Việt Nam nhuần nhị, sâu xa nhất. Ngay cả quần áo, đồ dùng tiện nghi của Bác cũng đơn sơ, mộc mạc trong đó đôi dép của Bác trở thành một hình tượng thân quen, thắm thiết đối với chúng ta…” (Trung  Đức. “Đôi Dép Bác Hồ Đôi Dép Cao Su.” Việt Nam Mới).

Nào có riêng gì “với chúng ta!” Người nước ngoài cũng thế, cũng mê mẩn chết bỏ:

“Chuyện là, khi Bác tiếp các quan chức cấp cao trong Chính phủ Ấn Độ, họ đều chú ý nhìn vào đôi dép dưới chân Người, họ luôn liếc nhìn với vẻ lạ lùng và rất đỗi trân trọng. Báo chí nước ngoài khi đó thì nói về đôi dép cao su của Bác như một chuyện lạ, một huyền thoại về một con người tuyệt vời của thế kỷ lúc bấy giờ. 

Người dân Ấn Độ đã tỏ rõ lòng ngưỡng mộ đến lạ kỳ về đôi dép cao su. Khi Bác tới thăm một ngôi đền lớn và cổ kính của Ấn Độ, lúc Bác bước vào trong đền, để lại đôi dép bên ngoài thì bất ngờ có hàng trăm phóng viên báo chí, nhiếp ảnh, quay phim ập đến vây kín đôi dép cao su của Bác. Họ như phục sẵn từ rất lâu rồi, một số phóng viên còn cúi xuống dùng tay sờ, nắn đôi dép tỏ vẻ lạ lùng và trịnh trọng.” (Huyền Chi. “Huyền Thoại Hồ Chí Minh Trong Trái Tim Các Nhà Báo Quốc Tế.” Công An Nhân Dân).

Sự “ngưỡng mộ” mà bạn bè quốc tế đã dành cho đôi dép của Bác – thực ra – chả là cái đinh gì, nếu so với lòng sùng kính của người dân bản địa (nơi vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng) ở Việt Nam:

 “Không dối lòng đâu, mỗi lần đi ‘dép Bác Hồ’ là thấy bụng không nghĩ điều trái, chân không đi hai đường. Chẳng riêng mình, cả làng này ai cũng vậy. Chiến tranh khỏi nói, hòa bình rồi có biết bao chuyện khó… Bông Rẫy hồi chiến tranh chỉ có 50 hộ, bây giờ đã lớn lên gần 120 hộ mà không còn ai đói, chỉ còn 10 hộ nghèo. Ai cũng có xe máy, hơn một nửa đã làm được nhà xây.

 Không ai nghe lời kẻ xấu vượt biên trái phép… Không nhờ phép lạ ‘dép Bác Hồ’ sao được thế? Có ‘dép Bác Hồ’ là thắng tất! Đinh Ngút cất lên một tràng cười sảng khoái. Ông nâng niu đôi dép mòn vẹt trên tay nói tiếp:

– Bông Rẫy bây giờ hãy còn gần hai chục người giữ được ‘dép Bác Hồ’ năm sáu chín như mình. Năm ngoái huyện đội vào xin mấy đôi, nói để làm bảo tàng, dân làng mới cho…” (Lê Quang Hồi. “Làng Bông Rẫy Mang Dép Bác Hồ.” Quân đội Nhân dân).

Trời ơi! Tưởng gì? Chớ dép lốp thì cần chi phải đi xin để bỏ vô viện bảo tàng. Thiếu mẹ gì đây nè, theo như những bản tin nhan nhản hàng ngày qua báo chí:

Cuộc chiến đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, xương cốt của đám con bỏ xác dọc Đường Trường Sơn đã trở thành mùn đất (các bà mẹ tìm con nay cũng đều đã khuất) nhưng những chiếc dép cao su thì hẳn vẫn còn nguyên, và còn nhiều lắm:

  • Nhà văn Xuân Vũ: “ Để vun bồi ‘uy tín’ (hão) cho một người hoặc một vài người trên dãy Trường Sơn này, núi rừng đã phải nhận hàng vạn bộ xương khô, hằng vạn nấm mồ, không có nấm, không có bia.”  
  • S. Nguyễn Văn Lục: “Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là TNXP, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống. Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận.”
  • Nhà báo Rajiv Chandrasekaran cũng ghi nhận con số tương tự: “Chừng 300 ngàn người lính miền Bắc chết trong chiến tranh mà di hài của họ vẫn chưa tìm được – và chắc sẽ không bao giờ tìm ra cả. About 300,000 North Vietnamese soldiers killed in the war whose remains have not yet been located – and likely never will be. (“Vietnamese Families Seek Their MIAs.” Washington Post 3 April 2000: A01).

Nhà đương cuộc Hà Nội chỉ muốn mọi người biết đến và tôn thờ một đôi dép râu duy nhất của Hồ Chí Minh thôi nhưng dân Việt sẽ không bao giờ quên số phận thảm thương của hằng triệu sinh linh (chả may) buộc phải xỏ chân vào cái thứ dép oan nghiệt này.

Tưởng Năng Tiến

 STTD Tưởng Năng Tiến – Gia Tài Của Đảng

 STTD Tưởng Năng Tiến – Gia Tài Của Đảng

Tôi vừa được biết thêm (chút xíu) về sinh hoạt của giới thanh niên/sinh viên hiện nay, qua trang mạng của HaNoi University of Industry:

“Trong các ngày từ 22/4 đến 24/4/2022, đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tham quan, dâng hương tại các ‘địa chỉ đỏ’ – địa danh lịch sử cách mạng tại dải đất miền Trung …  Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của Đại học Công nghiệp Hà Nội trong những ngày tháng tư lịch sử.

Đến với các ‘địa chỉ đỏ’ trong những ngày này, các thế hệ cán bộ, viên chức được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước.”

Sao mà phải ra tới tuốt miền Trung, xa xôi dữ vậy kìa? Ngay tại Sài Gòn, “những địa chỉ đỏ” cũng đâu có ít. Báo Thanh Niên cho biết:

Bên phải góc đường Hai Bà Trưng – Lý Chính Thắng (TP.HCM) có một “địa chỉ đỏ” của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mu Thân 1968. Đó là quán phở Bình nổi tiếng của vợ chồng ông Ngô Toại (Ngô Duy Ái).

Vì có vị trí chiến lược nên ngôi nhà số 7 Yên Đỗ (Lý Chính Thắng hiện nay) từ năm 1967 đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6, tập kết các chiến sĩ biệt động để trực tiếp tham gia chiến đấu…

Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại, nhớ lại: “Khi đó tôi mới 12 tuổi. Từ 20 tháng chạp năm 1968, mỗi khi có ai đến ăn phở đáp đúng mật khẩu theo quy định là tôi đưa họ lên tầng 2 cho các chú cấp cao …

Ngày 16.11.1998, ngôi nhà số 7 Lý Chính Thắng (quán phở Bình) được Bộ Văn hóa trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, trở thành niềm vinh dự cho gia đình ông Ngô Toại…Mang mấy tập hồ sơ dày cộp ra bàn, ông Ngô Văn Lập đưa chúng tôi xem bằng khoán điền thổ, trong tờ lược giải ngày 4.8.1967 có ghi rõ việc sang nhượng của chủ cũ cho ông bà Ngô Toại – Trần Thị Mỵ với giá tiền tương đương 3.600 lượng vàng.

Sau này, cả ba anh em tôi đều đi bộ đội, tham gia chiến trường Campuchia. Giải ngũ, tụi tôi về tiếp quản tiệm phở Bình buôn bán cho đến giờ kiếm sống mà không được hưởng chế độ gì. Bao năm qua vất vả, ba hộ gia đình chúng tôi gồm 16 người sinh sống trong khuôn viên quá chật hẹp do dành hết 1 tầng làm khu trưng bày di tích, phải cải tạo bếp ăn cũ ngày xưa để làm nơi trú ngụ.

Tôi bị bệnh nan y không có tiền chạy chữa, mà nhà cửa là di tích quốc gia nên không làm giấy tờ sở hữu hợp pháp để cầm cố ngân hàng vay mượn được. Mỗi khi tôi mang hồ sơ lên phường xin hợp thức hóa đều bị bác vì lý do “nhà đã xếp hạng di tích”, ông Lập bức xúc.

Ông Lập, tất nhiên, không phải là người đầu tiên hay duy nhất “bức xúc” như vậy. Quanh ông thiếu gì những kẻ đồng cảnh ngộ. Cách Phở Bình không xa là một “địa chỉ đỏ” khác – quán Thanh Bò Tơ, của Mẹ Việt Nam Anh Hùng Đỗ Thị Bê, ở Hốc Môn – cũng đang lâm vào trường hợp oái oăm tương tự.

Quán vắng tanh. Hình chụp ghế úp vào bàn (chắc cho đỡ bụi) nhưng vì đây là “di tích quốc gia” nên không sang nhượng được. Trước tình trạng sống dở (chết dở) của chủ nhân, nhà báo Uyên Vũ góp ý:

“Ông Lập cứ xé quách cái quyết định di tích lịch sử đi, đồng thời đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai, rồi cho thuê mặt tiền để người khác kinh doanh những thứ bổ ích và sinh lợi. Chắc chắn ông sẽ có tiền chữa bệnh, có tiền thuê một chỗ khác sống cho thoải mái cuộc đời. Giữ mãi cái vòng kim cô làm gì!”

Rồi ra – có lẽ – cũng sẽ đến lúc chủ nhân của những cái địa chỉ đỏ trên toàn quốc buộc phải hành sử thế thôi (“đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống aiđi” – mẹ nó, sợ gì?) chứ cứ dính mãi với gia tài của Đảng thì chắc chết, chết chắc.

Tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị thượng dẫn nhưng vẫn còn rất băn khoăn về tình cảnh (thê thảm và bi đát hơn nhiều) của vô số những nạn nhân khác, nhất là phụ nữ. Tuy không có bất động sản bị in dấu (sao vàng) nhưng xác thân của chính họ thì đã mang đủ thứ thương tật về thể lý, cũng như tâm lý, không thể xóa nhòa.

Xin nghe qua mẩu chuyện nhỏ sau, về một cựu thanh niên xung phong – quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá – đã từng “tình nguyện” phục vụ tại đường mòn Hồ Chí Minh:

Mỏi chân, chúng tôi rẽ vào một khu biệt thự kín cồng cao tường, vườn cây um tùm rồi ngồi xuống một chiếc ghế dài granito trông sang một vườn hoa nho nhỏ. Mất điện, tiếng máy nổ ầm ì ở trong mỗi biệt thự.

Như có trời xui, cách chúng tôi hai ba mét một phụ nữ ve chai ngồi tựa vào hông chiếc ghế dài trống không. Tôi bảo ngồi lên ghế thì lắc: “Cháu không quen ngồi vào thứ sang”. Cụ bạn bèn đến bên:

– Bây giờ được ở trong các nhà thế này cô có quen không?
– Không ạ!
– Cô thấy nó đẹp không?
– Đẹp… Nhưng cháu chỉ muốn Mỹ nó lại thả bom cho tan hết…

Chúng tôi trố mắt. Không ngờ tới câu trả lời dứt khoát, đanh thép này chút nào.

Người phụ nữ nói tiếp: “Thế hồi đánh nhau đâu có như thế này? Chả là đều nghèo như nhau cả thôi. Bây giờ đấy, đứa ăn chẳng có mà đứa thì sướng quá vua. Biết trước là ra một trời một vực thế này thì chả đi hy sinh làm gì.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II, Westminster, CA: Người Việt, 2014).

François Guillemot còn viết cả một thiên tiểu luận (Trực Diện Với Cái Chết Và Nỗi Đau: Vấn Đề Thanh Niên Xung Phong Trong Chiến Tranh Việt Nam (1950-1975)) về “hàng vạn thân thể phụ nữ bị hủy hoại, tàn phai, tật nguyền, và chao đảo mãi mãi.” Công trình nghiên cứu này đã được Phương Hoà chuyển ngữ, và đăng thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas (*).

Chúng tôi xin phép ghi lại đôi câu để rộng đường dư luận, cùng với ước mong cũng được xem đây như một lời tri ân để gửi đến tác giả và dịch giả:

  • “Họ là những người đi trước mà về sau. Trước những trận đánh, họ luôn luôn đi trước để mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu, cuối cùng, họ lại chính là những người về sau thu dọn chiến trường, tải thương, chôn cất liệt sĩ.”
  • “Đối với những cựu TNXP tuổi đời chỉ khoảng 20, việc quay về đời sống dân sự ở quê nhà là rất phức tạp. Sự hy sinh, khắc kỷ, dũng cảm trong những năm tháng chiến tranh tương ứng với thương tật, đớn đau và rối loạn tinh thần trong thời gian hòa bình… Những người này trở thành 5 không, sau khi cha mẹ mất đi: ‘không chồng, không con, không nhà, không chế độ, và độc thân.

Thực là một “gia tài đồ sộ” mà “đến đời con chắc chắn chưa trả được” – theo như nhận nguyên văn lời của nhà báo và nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng, trước khi ông bị bắt giữ vào hôm 05 tháng 7 vừa qua: “Người ta đã phản bội tất cả những gì đã hứa với dân để vun vén cho quần thần, cho gia tộc của họ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức băng hoại, tài nguyên kiệt quệ, công nhân làm đĩ, nông dân ăn mày, trí thức hạ mình, tổ quốc lâm nguy, nợ nước ngoài đến đời con chắc chắn chưa trả được”

TNT

(*) Chú thích của talawas: François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines, Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Văn Vàng Bis

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Nguyễn Văn Vàng Bis

Trong những trang sổ tay trước, tôi đã có dịp ghi lại đôi điều về cuộc đời hoạt động của linh mục Nguyễn Văn Vàng (N.V.V) và những ngày tháng cuối cùng của ngài nơi trại kiên giam A 20. Tuần qua, có độc giả nêu câu hỏi: Cha Vàng đã “đột tử” ra sao trong trại tù Xuân Phước, nơi đã từng được mệnh danh là Thung Lũng Chết?

Thực sự, người tù N.V.V không lìa đời một cách đột ngột. Cái chết của ông đã được nhà nước hiện hành “định sẵn,” ngay từ khi ông vừa bị bắt:

“Khoảng tháng 8-1977, Mặt Trận Liên Tôn tức Mặt Trận Quốc Gia Giải Phóng 2 do Linh-mục Nguyễn Văn Vàng lãnh đạo bị bể. Cha Vàng và người em là Thiếu-tá Nguyễn Văn Viên cùng tất cả bộ phận đầu não và những người tham gia tổ chức bị bắt gần 100 người. Thiếu-tá Nguyễn Văn Viên là một trong những người Tiểu Đoàn Trưởng kỳ cựu của Lữ Đoàn Dù VNCH. Cha Vàng bị giam ở xà lim 25 khu C-1 và ông Viên giam ở xà lim 11 khu C-2 tại Phan Đăng Lưu.

 “Thời gian hỏi cung, Cha Vàng và ông Viên được đối xử rất đặc biệt làm ngạc nhiên tất cả tù ở khu C-1 và C-2. Chúng tôi ăn tiêu chuẩn mỗi ngày một khúc khoai mì buổi trưa và 1 chén cơm với nước muối vào buổi chiều, thì Cha Vàng và ông Viên được một tô cơm với thịt hoặc cá và một trái chuối tráng miệng, mỗi ngày trại trưởng đều xuống tận xà lim hỏi han sức khỏe…

 “Sự biệt đãi hai anh em Cha Vàng kéo dài hơn hai tháng cho đến khi kết thúc hỏi cung. Vụ án ra tòa, ông Nguyễn Văn Viên bị tử hình, Cha Vàng và ông Nguyễn Quốc Bảo, Ủy-viên Quân Sự của tổ chức bị kết án chung thân, những người khác trong Bộ Tham Mưu lãnh án 20 năm. Những người không ra tòa bị đưa đi tập trung cải tạo lao động.

“Năm 1982, gặp Cha Vàng ở trại Xuân Phước, tôi hỏi Cha vì sao Cha và ông Viên được “ưu đãi”, Cha Vàng giải thích đó là một thủ đoạn dụ cung rẻ tiền của chấp pháp…” (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).

Thay vì bị tử hình như bào đệ Nguyễn Văn Viên, nhờ vào chức danh tu sỹ và uy tín cá nhân đối với giáo dân nên linh mục N.V.V chỉ bị kết án chung thân. Tuy thế, cái chết của ông thì đã được Cục Quản Lý Trại Giam “sắp sẵn” rồi – theo lời của người bạn chung tù (và cùng chung xà lim biệt giam) cho biết:

“Tết Nguyên Ðán năm 1984, chúng tôi lại trải qua một cuộc “xóa bài làm lại” trong khu biệt giam của Phân trại E thuộc A-20 Xuân Phước, nghĩa là phải thay đổi chỗ ở sau một màn tất cả lần lượt “bị” lùa ra giếng nước ngay bên cạnh ao thả cá rô phi sau khu biệt giam. Trời Tháng Giêng ở thung lũng tử thần lạnh như có ai cầm dao cắt vào da, nhất là khi trời vào tiết Xuân, gió hiu hiu làm lay động hàng dừa trong sân trại.

 “Cái lạnh thiên nhiên cộng với việc thiếu đường và chất béo từ 9 năm qua khiến cho buổi sáng ngày 30 Tết Nguyên Ðán năm 1984 trở thành buổi sáng không thể nào quên được trong đời. Chân tay anh em chúng tôi gần như tê liệt. Linh Mục Nguyễn Văn Vàng đứng như trời trồng trước cửa biệt giam số 5 khi ngài được trật tự mở còng cho đi tắm và làm tổng vệ sinh buồng giam.

“Một tu sĩ Công Giáo nhỏ con, lanh lẹ như một con sóc, nổi tiếng hùng biện và can trường như ngài mà chỉ mới hơn 3 năm bị cùm trong xà lim, thân xác không khác gì người tù Do Thái trong các trại tập trung của Ðức Quốc Xã hồi Thế Chiến Thứ Hai.

“Linh Mục Vàng đứng lên được nhưng không thể nào bước đi được… Tôi được tháo cùm sau Linh Mục Vàng, hai đầu gối tê cứng, thân mình xiêu đổ khi đứng lên và cũng được hai tù hình sự dìu ra giếng nước. Một trong hai tù hình sự đứng kéo nước từ giếng lên để xối cho chúng tôi biết ông Vàng là linh mục nên nói: “Cha ngồi xuống dựa vào bức tường chắn cho đỡ lạnh. Anh cũng vậy. Em kéo nước lên sẽ dội ra ngoài để che mắt bọn nó. Cả hai người yếu quá rồi chỉ nên thay quần áo chứ không thôi thì ở dơ không chết mà chết vì cảm lạnh đấy.” Chúng tôi thấy người tù hình sự này nói có lý nên làm theo.

“Cả hai chúng tôi ngồi cho đến hết giờ tắm để lại được dìu ra khỏi giếng nước đến ngồi ở bờ hè bên bức tường hông nhà bếp nơi có thùng nước nóng mà tù cải tạo đội nhà bếp xin mang ra để phát cho những tù nhân biệt giam ra tắm. Tôi cho ca nước của mình múc một ca, uống hết một nửa, một nửa đưa cho Linh Mục Vàng.

 “Ngài uống hết rồi múc thêm một nửa ca nữa. Tôi hỏi ngài: “Bố vẫn còn khát hả” Ngài trả lời: “Uống phòng xa.” Ðộng từ “phòng xa” anh em chúng tôi dùng để chỉ thời kỳ bị nhục hình bằng chính sách hai muỗng cơm, hai muỗng nước, hai muỗng muối khi chúng tôi bị nhận chìm vào cơn khát của những người đi trong sa mạc nên mỗi khi bị gọi ra “làm việc” phải xin uống cho thật nhiều nước trước lúc bị dẫn trở lại buồng giam rồi đái ra để uống cho đỡ khát.” (Vũ Ánh. Thung Lũng Tử Thần. Westminster, CA: Người Việt Books, 2014).

Tôi cũng đã đi qua đôi ba nhà tù, và cũng có dịp tìm biết qua sách báo/phim ảnh về nhiều loại trại giam ở khá nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi đâu (kể cả những trại tập trung của Đức Quốc Xã) mà tù nhân phải uống nước thải để sinh tồn cả. Với “chính sách hai muỗng cơm, hai muỗng nước, hai muỗng muối” mỗi ngày (và tình trạng thường xuyên “bị nhận chìm vào cơn khát của những người đi trong sa mạc”) mà tù nhân vẫn còn có thể sống sót thì mới là chuyện lạ.

Linh mục Nguyễn Văn Vàng lìa đời trong xà lim, tại Trại Kiên Giam A20 vào tháng 4 năm 1985, qua lời tường thuật (và cảm thán) của một người đồng cảnh –  nhà báo Vũ Ánh:

“Cha Vàng lâm bệnh vào lúc sức khỏe của ngài đã quá yếu. Có lẽ ngài đã kiệt sức, sốt cao rồi đi vào hôn mê. Tôi đập cửa kêu cấp cứu suốt ngày, nhưng lúc tên trực trại chịu mở cửa để cho một y sĩ vào khám bệnh, thì mọi việc có vẻ quá muộn…

 “Trước đó, dù yếu và bệnh, ngài đã bàn với tôi là làm sao có được bánh thánh lúc ngài làm lễ nửa đêm trong Noel 1985 mà con chiên duy nhất trước ngài lúc đó lại là một Phật tử như tôi. Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ.

 “Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.”

Có bao nhiêu tu sỹ (Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo) và bao nhiêu người dân Việt Nam đã bị “giết nguội” trong nhà giam một cách dã man và tàn độc như thế – gần thế kỷ qua – trong chế độ hiện hành?

Trao đổi với với BBC, luật sư Phạm Công Út, trưởng văn phòng luật Phạm Nghiêm phát biểu:

“Một khi kết quả giám định pháp y những vụ này không được công khai và vẫn được xem là ‘bí mật nhà nước’ thì người dân càng hoang mang và hoài nghi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi mình hoặc người thân được mời đến đồn công an.”

Không có nhà nước nào tồn tại mãi, những “bí mật” của mọi chế độ cũng thế. Rồi ra – chắc chắn – sẽ phải có những phiên tòa “muộn” về những cái chết oan khuất và thảm khốc của linh mục Nguyễn Văn Vinh (1971), thượng tọa Thích Thiện Minh (1978), linh mục NVV… Quá khứ cần phải được thanh thỏa để hậu thế có thể an tâm sống với hiện tại, và tránh bớt những lỗi lầm (cùng tội ác) cho mai sau.

Sổ tay thường dân -Tưởng Năng Tiến – Trần Khuê

Trần Khuê – Sổ tay thường dân -Tưởng Năng Tiến

“Một ngày phiên chợ, u tôi mua về đôi gà nhỏ. Hai con gà: một trống, một mái, dáng còn bé tí teo, như vừa mới lìa đàn. Suốt ngày chúng cứ rúc vào một góc sân và kêu chim chíp bằng một giọng thảm thương, ai oán!”

Những câu trên được trích dẫn từ tập truyện O Chuột mà tôi đã được cô giáo đọc cho nghe, khi còn thơ ấu. Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng tôi vẫn tin rằng mình vừa ghi lại “gần” đúng nguyên văn, theo trí nhớ. Sao tôi cứ thương mãi đôi gà côi cút đó, và có cảm tình hoài với tác giả của đoạn văn dẫn thượng.

Tô Hoài chắc chắn sẽ rất sung sướng khi biết có một người đọc đã nhớ nằm lòng cả một đoạn văn của mình, và (có lẽ) sẽ bớt sướng đi nhiều, nếu biết thêm rằng tôi chưa bao giờ đọc thêm một trang sách nào khác của ông.

Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà trẻ con không đeo khăn quàng đỏ, không thi đua lập chiến công, cũng không có kế hoạch (lớn – nhỏ) nào phải hoàn thành. Chúng tôi chỉ có việc học với chơi, và chơi mới là chuyện chính. Tôi quá mãi chơi nên không rảnh để đọc sách vở của bất cứ ai.

Mãi cho đến khi cuộc chiến Bắc/Nam chấm dứt tôi mới bắt đầu để ý đến sách báo. Cũng như nhiều người dân miền Nam khác, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi  bỗng hoá ra rất rảnh, và rất … đói!

Tác phẩm duy nhất mà tôi tâm đắc, vào thời điểm đó, là Hồ Chí Minh Toàn Tập. Đây là bộ cuốn sách đồ sộ, giấy in cực tốt nhưng giá rất bèo nên được những bà và những cô bán hàng rong vô cùng ưa thích. Họ cần giấy để gói (hoặc để chùi) còn tôi thì cần một phần ăn nhiều hơn số tiền túi mình có thể mua.

Do đó, dù có đói thảm thiết tôi cũng chả bao giờ xà ngay xuống mẹt xôi hay mẹt bánh. Tôi chịu khó đi (lòng vòng) mua sách, rồi mới mang đổi lấy thức ăn, cho đỡ khổ cái dạ dầy!

Nói tình ngay, lỡ có thấy những tác phẩm của Tô Hoài – trong hoàn cảnh ấy – tôi chắc mình cũng sẽ ngó lơ thôi. Mắt tôi lúc nào cũng chỉ dáo dác, liếc nhìn ra biển, tìm một đường chui.

May mắn là tôi chui lọt.

Lưu lạc mãi, có hôm, tôi tình cờ gặp lại Tô Hoài trong tác phẩm (Cây Bút, Đời Người, nxb Phương Nam 2002) của nhà phê bình xã hội & văn học Vương Trí Nhàn:

“Ngay từ năm 1940, khi bắt tay làm quen với giới sáng tác đương thời, thì đồng thời tác giả Dế Mèn cũng bước vào hoạt động cách mạng…  Mặt khác, ngay trong giới cầm bút, ông cũng luôn luôn có hoạt động xã hội của mình, khi là Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn, khi chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, từ đó đẻ ra cơ man nào là đầu việc, là họp hành, mà người ta gọi chung là công tác.” (sđd 264).

Tiểu sử Tô Hoài (như thế) có vẻ lung tung lang tang, ngổn ngang cả đống chức vụ, nhưng không để lại một ấn tượng đậm nét nào về đời người và cây bút của ông. Tô Hoài như luôn bị nhấn chìm vào những đoàn đội hay đoàn thể (vớ vẩn) gì đó, “với cơ man nào là đầu việc”. Toàn là những công việc chán ngán và nhạt nhẽo, tôi đoán thế.

Được thế thì đã phúc!

Cuộc đời của Tô Hoài chán ngán (hẳn) có thừa nhưng nhạt nhẽo thì chưa chắc, và đắng chát với tủi nhục (xem ra) không thiếu – vẫn theo như ghi nhận của Vuơng Trí Nhàn: “Đại khái có thể hình dung như cái cảnh đứa bé bị qùy, thì cũng quỳ đấy, song mắt vẫn liếc về phía mọi người đùa bỡn. Xá gì chuyện này, qùy cho xong nợ, tí nữa lại tha hồ tung tẩy.” (sđd 266).

Tôi thực muốn ứa nước mắt xót xa cho “cây bút” và “đời người” của Tô Hoài khi biết rằng (đôi lúc) ông vẫn phải qùi như thế. Tôi còn e rằng Vuơng Trí Nhàn chỉ khéo miệng mà nói thế (để đỡ tủi cho nhau) chứ chuyện “đùa bỡn” và “tha hồ tung tẩy” làm sao tìm được trong “cây bút” và “đời người” (chật hẹp) của Tô Hoài!

Đến như Nguyễn Tuân – dù vốn tính bất tuân – khi phải mặc đồng phục, trông cũng rúm ró và thảm hại chả kém gì cái hình ảnh Tô Hoài cả. Ở vào hoàn cảnh đó, mới hiểu và thông cảm cho sự cuống cuồng của một người – vốn tính đồng bóng và yếu bóng vía – như Xuân Diệu:

“Xuân Diệu sợ chúng tôi say sưa quá, bốc đồng quá tử vì đạo, rồi không giữ được ngòi bút của mình. Hơn ai hết, ông hiểu về những lưỡi gươm Damoclès thường xuyên treo trên đầu người làm văn nghệ. Khi nói chuyện này đột nhiên giọng ông đột nhiên nhỏ hẳn đi, khe khẽ thì thào. Rồi ông lắc đầu, ông le lưỡi, ý bảo rằng sợ lắm, mà cỡ các cậu thì càng phải nên biết sợ ngay thì vừa, nên nhớ là sau có hối cũng không kịp nữa” (sđd 295).

Xuân Diệu đã chết. Cái cung cách và thái độ ‘đột nhiên giọng nhỏ hẳn đi’, ‘khe khẽ thì thào”, “lắc đầu”, “le lưỡi” cũng … chết luôn. Thế hệ của những người cầm bút kế tiếp, không có vẻ gì là hào hứng và sẵn sàng tiếp nhận sự khiếp đảm mà Xuân Diệu muốn truyền đạt cho họ.

Trần Khuê là một trong những người này.

Ông đòi đổi tên Nước, tên Đảng, đòi hủy bỏ điều 4 hiến pháp, đòi Trường Chinh phải xin lỗi Kim Ngọc (bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú, tác giả của Khoán 10), đòi Tố Hữu phải xin lỗi những văn nghệ sĩ trong nhóm Nhân Văn, đòi Lê Đức Thọ phải xin lỗi những người trong “vụ án xét lại”, đòi lập Hội Chống Tham Nhũng …

Nói tóm lại là Trần Khuê không để yên cho bất – cứ – cái – gì và bất – cứ – ai, kể cả những nhân vật được coi là untouchable:

“Chúng ta đề nghị Tổng cục thống kê và Bộ tài chính thử tính sổ xem 30 năm qua ta đã tiêu tốn vào lăng Người tổng số là bao nhiêu tiền của… Và thử xem riêng ngân sách dụ chi cho năm 2000 xem có thể xây được bao nhiêu trường học cho một ngàn xã hãy còn trắng về giáo dục ở miền cao. Có thể xây bao nhiêu căn nhà để nuôi trẻ mồ côi … Có thể xây bao căn nhà dưỡng lão cho người già lão cô đơn, không nơi nương tựa. Có thê xây bao nhiêu nhà thương làm phúc chữa bệnh cho người nghèo …” (Trần Khuê – Ng. T. Thanh Xuân, Đối Thoại Năm 2000).

Đến cỡ như bác Hồ (dù đã mồ yên mả đẹp) mà còn bị hạch hỏi đủ điều như thế thì có ai khác mà được không bị … làm phiền. Mọi kẻ có chức quyền, từ Tổng Bí Thư trở xuống – kể cả ông TBT Giang Trạch Dân của nuớc bạn Trung Hoa vĩ đại – đều bị mang ra hỏi tội và chửi mắng (xối xả) vì sự ngu dốt, cũng như tội gian tham – của từng người một!

Thảo nào mà đã có lúc Trần Khuê được mô tả như một Sao Khôi hoặc Sao Khuê. Vì sao này (tiếc thay) lại “khi tỏ khi mờ,” theo nhận xét của một vị thức giả cùng thời – nhà văn Phạm Đình Trọng:

Trần Khuê thấy được giữ lại thi thể Hồ Chí Minh trong hòm kính dù đặt trong nhà hầm vẫn là tênh hênh trên mặt đất, là không thuận ý nguyện cuối cùng, ý nguyện thiêng liêng nhất của người chết, không thuận qui luật tự nhiên, là đày đọa thân xác người quá cố và tạo ra cái thùng không đáy ngốn tiền mồ hôi nước mắt dân. Nhận ra những cái có hại sờ sờ như vậy, Trần Khuê đòi đốt xác Hồ Chí Minh nhưng hồn vía Trần Khuê vẫn thuộc về Hồ Chí Minh.

Sắt son với con người rước họa cộng sản về đày đọa người dân Việt Nam, thờ phụng con người mất gốc không còn hồn Việt Nam là khoảng mờ rất đáng tiếc của ngôi sao Khuê họ Trần.

Kể cũng “hơi” tiếc thật nhưng vẫn hơn rất nhiều vị thức giả (cùng thời) chỉ sống cả đời trong cái khoảng mờ!

Tưởng Năng Tiến
7/2022

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Chết Không Nhắm Mắt

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Chết Không Nhắm Mắt

                                        Tôi tình cờ “nhặt” trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông “chớp” được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ. Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của face booker Nguyễn Hoàng : “Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi.”

Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.

Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc/Nam đã được “nối vòng tay lớn” – theo như cách nói của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất “toả khói trắng hai bên đường,” những đám “trẻ thơ đi hát đồng dao” khắp ngõ, và “mọi người ra phố mời rao nụ cười.”

Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người cùng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày “Nam/Bắc hoà lời ca” thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt. Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về:

“Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ… ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là … họ được quy là công thần gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác.” (Vi Đức Hồi – Đối Mặt, Chương II).

Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao?

“Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường.” (Tô Hoài. Chiều Chiều. Phương Nam, Hà Nội: 2014).

Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại mà trải chiếu “đéo nhau huỳnh huỵch” thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang “nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng.”

Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh (“từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn VN, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học”) đến cuối đời cũng đành chép miệng : “Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút Đời Người. Phương Nam, Hà Nội: 2002).

Vâng, đúng thế. Còn sống là “may mắn hơn khối người” rồi!

Theo thống kê (chắc không khả tín) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm:

“Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng.”

Có bà bị lọt sổ vì không đủ “kiên trinh” nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online:

“Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên. Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)… Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi” – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi” – bà kể. Ngày 21-2-2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng do đã… tái giá.”

Phải chi cái hồi giao “công tác cách mạng” cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở LĐ -TB&XH TP.HCM và đã được cứu xét (rồi) từ chối!

Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ “chui rúc” ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế:

“Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Địa Dư không bao giờ có địa danh ‘Đèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn… Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…

Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam.

Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày.

Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời.

Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về giấu ở gần căn lều của bà cụ. Được vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi:

– Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đứa kia thì hoà bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu.” (Hoàng Khởi Phong. “Bên Kia Đèo Bá Thở.” Cây Tùng Trước Bão. Thời Văn, Hoa Kỳ: 2001).

Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.

Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!

– Tưởng Năng Tiến

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Lính Miền Nam

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến – Lính Miền Nam

18/06/2022

Tưởng Năng Tiến

Bạn tôi, phần lớn, đều là lính ráo. Chúng tôi không chỉ có chung những năm cầm súng, và một quãng đời tù mà còn chia chung rất nhiều… cố tật! Hễ gặp nhau là uống, và câu chuyện trên bàn rượu trước sau gì rồi cũng xoay quanh kỷ niệm về đám chiến hữu hồi còn chinh chiến: những thằng đã chết, những đứa đang vất vưởng ở quê nhà, hay lưu lạc (đâu đó) nơi đất lạ xứ người. Thỉnh thoảng, khi (quá) vui, chúng tôi cũng hay mang những vị thượng cấp cũ ra làm đề tài giễu cợt. Hai ông huynh trưởng thường bị nhắc tới để cười chơi là Trần Hoài Thư, và Phan Nhật Nam. Lý do: cả hai vị vẫn nhất định chưa chịu giải ngũ, dù cuộc chiến đã tàn tự lâu rồi!

Trung Úy Trần Hoài Thư vẫn thản nhiên đưa quân Qua Sông Mùa Mận Chín. Đại Úy Phan Nhật Nam vẫn la hét um sùm qua máy truyền tin (giữa Mùa Hè Đỏ Lửa) cứ như thể là cái mùa Hè năm 1972 đó vẫn còn kéo dài đến bây giờ, dù 50 năm đã lặng lẽ trôi, với cả đống nước sông – nước suối, nước mưa, nước mắt… – đã ào ạt chẩy qua cầu và qua cống.

Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy mấy ly cạn (và sau màn trình diễn “một ngàn bài Bolero”) tôi hay xin “trân trọng tuyên bố cùng toàn thể các chiến hữu các cấp” rằng:

– Ai viết cái gì tôi cũng đọc tuốt luốt, trừ hai vị thẩm quyền (nhí) này thì khỏi!

Sao vậy cà?

Bởi vì thơ với văn của hai ổng có nhiều câu mà “lỡ” đọc một là nó bị kẹt luôn trong đầu, gỡ không ra, nên tui không dám đọc thêm nữa:

 Trên đầu ta mũ rừng nhẹ hẫng
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Để thấy miền Nam lính hiền ghê gớm

Ta lính miền Nam hề, vận nước ngửa nghiêng
Ta cũng lênh đênh cùng cơn mạt kiếp
Ta trèo lên cây hỏi rừng cho biết
một nơi nào hơn ở Việt Nam?
Có người lính nào bi tráng hơn lính miền Nam?

(Trần Hoài Thư, “Ta Lính Miền Nam”)

Không chỉ bi tráng, bi hùng, hay bi phẫn mà (đôi khi) người lính miền Nam còn phải đối diện với lắm nỗi bi thương:

“Tôi đi vào ngôi nhà đang âm ỉ cháy, những chiếc cột lớn lỏng chỏng hỗn độn bốc khói xám… Một người đàn bà áo trắng quần đen tay ôm chiếc lẵng mây trước ngực ngồi im trên nền gạch đôi mắt nhìn thẳng ngơ ngác. Thấy chúng tôi đi vào chị ta đứng dậy, đứng thẳng người như pho tượng, như thân cây chết với đôi mắt không cảm giác. Thằng bé theo tôi cùng cùng tên hiệu thính viên lẻn ngay vào bếp kiếm thức ăn. Tôi đi đến trước chị đàn bà…

 – Làm gì chị ngồi đây, không biết đang đánh nhau sao?

 Im lặng, đôi mắt ngơ ngác lóe lên tia nhìn sợ hãi. Bỗng nhiên chị ta đưa thẳng chiếc lẵng mây vào mặt tôi, động tác nhanh và gọn như một người tập thể dục. Sau thoáng ngạc nhiên tôi đưa tay đón lấy… Hai bộ áo quần, chiếc khăn trùm đầu, gói giấy nhỏ buộc chặt bằng dây cao su. Mở gói, hai sợi giây chuyền vàng, một đôi bông tai.

 – Của chị đây hả? – Vẫn im lặng. Nỗi im lặng ngột ngạt, lạ lùng.

 – Con mẹ này điên rồi thiếu uý, chắc sợ quá hóa điên…

 Tên lính xua tay đuổi người đàn bà đi chỗ khác. Lạnh lùng, chị ta xoay người bước đi như xác chết nhập tràng.

 – Chị kia quay lại đây tôi trả cái này…  Tôi nói vọng theo.

 Người đàn bà xoay lại, cũng với những bước chân im lặng, trở về đứng trước mặt tôi nhưng đôi mắt bây giờ vỡ bùng sợ hãi, vẻ hốt hỏang thảm hại làm răn rúm khuôn mặt và run đôi môi… Chị ta còn trẻ lắm, khỏang trên dưới hai bảy, hai tám tuổi, da trắng mát tự nhiên, một ít tóc xõa xuống trán làm nét mặt thêm thanh tú.

 Tôi đưa trả chiếc lẵng mây, chị đàn bà đưa tay đón lấy, cánh tay run rẩy như tiếng khóc bị dồn xuống. Chiếc lẳng rơi xuống đất, hai cánh tay buông xuôi mệt nhọc song song thân người. Dòng nước mắt chảy dài trên má. Tôi hươi mũi súng trước mặt chị ta:

 – Ngồi đây! Tôi chỉ nòng súng vào bực tam cấp. Khi nào tụi tôi đi thì chị đi theo… Tại sao khóc, nhặt vàng lên đi chứ…  Im lặng, chỉ có nỗi im lặng kỳ quái, thân thể người đàn bà cứ run lên bần bật, nước mắt ràn rụa… Từ từ chị đưa bàn tay lên hàng nút áo trước ngực…

 Không! Không thể như thế được, tôi muốn nắm bàn tay kia để ngăn những ngón tay run rẩy đang mở dần những hàng nút bóp để phơi dưới nắng một phần ngực trắng hồng! Không phải như thế chị ơi… Người đàn bà đã hiểu lầm tôi…

 Chị ta không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị ta tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này.

 Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ nhận tủi hổ này…”

(Phan Nhật Nam. Dấu Binh Lửa. Sài Gòn: Hiện Đại, 1969).

Ở thời điểm này, có lẽ, Phan Nhật Nam không hề biết rằng “sự ngộ nhận đớn đau tủi hổ” của dân chúng với những người lính miền Nam chả phải là “ngẫu nhiên” đâu. Nó đã được đối phương chuẩn bị rất kỹ, và tuyên truyền rất công phu – theo như nhận xét (gần đây) của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:

Ngày xưa ở miền Bắc VN, tôi đoán người ta tuyên truyền nói xấu về chế độ miền Nam VN dữ lắm. Bộ máy tuyên truyền ngoài đó đã thành công gieo được vào đầu óc của người dân thường rằng chế độ Mĩ Nguỵ rất ác ôn; lính Nguỵ chỉ đánh thuê, rất ác ôn đến nỗi họ ăn gan uống máu người…

Và đây cũng chả phải chỉ là chuyện “ngày xưa ở miền Bắc” đâu. Sau khi thắng cuộc “bộ máy tuyên truyền” vẫn tiếp tục bôi bẩn và xỉ nhục những người lính miền Nam, như thể họ vẫn còn là những kẻ thù ác độc và nguy hiểm.

Rảnh, thử xem qua vài đoạn trong một truyện ngắn (“Chuyện Vui Điện Ảnh”) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bà viết viết về “tai nạn nghề nghiệp” xẩy đến cho một tài tử nghiệp dư, chỉ vì lỡ thủ vai một thằng lính miền Nam:

“Chú Sa diễn vai thiếu úy Cón (nghe cái tên thôi cũng thấy ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn…

Khi chú mặc bộ đồ rằn ri vô mình rồi, ông đạo diễn không chê vào đâu được. Long Xưởng hô máy một cái là nét mặt chú Sa lạnh như người chết, con mắt trắng dã, lừ đừ, nụ cười bí hiểm. Lúc quay cận cảnh khuôn mặt chú còn ghê nữa, da sần sùi, u uẩn như da cóc, tay chân đầy lông lá, cái răng cửa gãy chìa ra một nụ cười chết chóc với lỗ trống sâu hun hút.

 Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó coi oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi, chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ một cán bộ Đảng mình đang mang thai.

 Tới chừng biết đứa bé kia không phải con mình, hắn xé đứa nhỏ làm hai ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng đã giết chị ta. Phim bạo liệt, trần trụi. Thằng Cón chết, nó cũng không chết bình thường như người ta, nó chết trong dằn vặt. 

 Cái mặt lạnh tanh gớm ghiếc của nó co giật méo xệch, bọt mép sùi sụt. Nó cắn vô mấy thằng lính đứng quanh nó. Điên dại tới lúc bị bắn chết. Mọi người theo dõi thằng Cón chết, vừa hể hả vừa ghê tởm…

 Chú Sa vẫn tiếp tục đi về trên con hẻm hẹp te mà nghe trống vắng thênh thang. Tụi con nít nghe tiếng xe đạp chú tè tè lọc cọc thì chắc mẩm đứa nào đứa nấy mặt xanh mặt tím chạy vô nhà trốn. Tụi nó hỏi nhau: ‘ổng đi chưa?’, cũng tại má tụi nó nhát hoài, lì lợm, không ăn cơm là bị chú Sa ăn thịt. Rõ ràng là ấn tượng về thằng thiếu úy Cón mạnh mẽ quá sức tưởng tượng, rõ ràng là người ta bị giật mình bởi tội ác.

 Bà con ngại ngần ác cảm giạt xa chú … Chú Sa thấy đây đúng là một tai nạn …”

Cái “tai nạn” riêng của chú Sa chỉ xẩy ra trong phạm vi của một con hẻm nhỏ và sẽ không kéo dài lâu. Còn hàng triệu thằng lính miền Nam thật –  cùng vợ con, thân nhân của chúng – không chỉ phải chịu đựng sự “ngại ngần ác cảm” của đám đông mà còn bị Nhà Nước Cách Mạng kỳ thị (và miệt thị) không biết đến bao giờ!

Thời gian, may thay, đã không đứng về phe thắng cuộc, và đã dần hé mở dần chân dung của những người lính miền Nam:

Cho tôi thắp một nén nhang
Khóc người đồng chí
Mà bấy lâu nay tôi cứ đinh ninh là ngụy
Tha thứ cho tôi một thế hệ bị lừa!
Năm tháng đi qua
Gần hết cuộc đời tôi mới ngộ ra
Không giọt máu Việt Nam nào là ngụy
Trừ những thằng bán nước – đi đêm

– Tưởng Năng Tiến

Giữa Rắn & Người -­ Tưởng Năng Tiến

Giữa Rắn & Người -­ Tưởng Năng Tiến 

Báo Tiền Phong vừa ái ngại loan tin: “Đang ngủ, bé gái 4 tuổi bị rắn cạp nia bò vào nhà cắn tử vong… Trưa ngày 22/5, trao đổi trên báo Công an Nhân dân, ông Sô Minh Chiến, Chủ tịch UBND xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết, 5 ngày sau khi bị rắn cạp nia cắn, cháu Sô Thị Như N., dân tộc Chăm (SN 2018, trú ở buôn Ma Y, xã Phước Tân) đã tử vong rạng sáng 22/5.

Bác sĩ Phạm Văn Minh, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Phú Yên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 2h30 sáng 16/5, các y bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu tiến hành cho bệnh nhân thở máy. Tuy nhiên, cơ sở y tế này không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia nên phải liên hệ một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh vẫn không có. Do diễn biến bệnh trạng thêm nặng nên sau 5 ngày cấp cứu tại bệnh viện, gia đình đã đưa cháu N. về nhà trong đêm 21/5, đến rạng sáng 22/5 thì nạn nhân tử vong…

Bỉnh bút Du Uyên (Trẻ Magazine, Dallas, TX) cảm thán:

Tôi đã rơi nước mắt khi đọc bản tin trên, vì tức (hộc máu). Không biết nếu sự việc xảy ra ở các nước khác, Bộ y tế VN, giám đốc phụ trách bệnh viện trên có bị gia đình em bé kiện trọc đầu hay không? Nhưng ở VN, vụ kiện này sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Không giám đốc bệnh viện VN nào bị khởi tố vì tưởng mấy ông giám đốc bệnh viện khác có loại dược liệu đó. Không ông Bộ trưởng y tế VN nào cúi đầu xin lỗi gia đình bệnh nhân chết vì rắn cắn cả – lỗi do con rắn mà.

Thì rõ ràng là thế (“lỗi do con rắn mà”) nhưng báo Tuổi Trẻ vẫn đặt vấn đề: “Bệnh nhi tử vong do rắn cắn: Vì sao bệnh viện không có huyết thanh?” Trưởng khoa bệnh nhiệt đới bệnh viện Chợ Rẫy, TS.BS Lê Quốc Hùng, cho biết: “Không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ một năm nay. Loại huyết thanh này được nhập từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyết thanh kháng cạp nia chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được, do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.”

Hóa ra, ngoài chính phạm là con rắn cạp nia; còn có đồng phạm là con Covid 19 nữa đấy. Hai sinh vật nguy hiểm (chết người) này – tuy thế – vẫn có thể “khắc phục” được bằng tiền, nếu có! Gia đình nạn nhân, tiếc thay, không có. Họ vốn là người dân bản địa khốn khó (ở miền núi Sơn Hòa – Phú Yên) nên đành phải bó tay.

Họ nghèo, quá nghèo, và cũng không biết “thủ tục đầu tiên” của cư dân ở miền xuôi khi nhập viện. Hà Nội và Sài Gòn đều không có huyết thanh, chứ Bangkok thì thiếu (mẹ) gì và rẻ rề hà. Mà khoảng cách giữa Việt Nam với Thái Lan chỉ hơn một giờ bay thôi, trong khi bé N. nằm ở nhà thương đến …  ngày thứ năm mới lìa đời. Giá bố mẹ em có khả năng dấm dúi đôi ba cái phong bì thì đâu đến nỗi!

Ở hay! Ở đâu mà người nghèo không chết, chứ nào có riêng chi xứ Việt?

Đành thế nhưng vẫn có sự dị biệt đáng nói là ở nước ta thì dù có tiền (đôi khi) vẫn chết, nếu mua nhằm thuốc giả đang tràn lan trên thị trường – theo thông tin của giới truyền thông nhà nước:

Tuy cấp phép cho 838.100 hộp thuốc giả, và ký giấy cho nhập gần chục tấn chất tạo nạc (Salbutamol) độc hại nhưng ông Cường chỉ bị lãnh một bản án rất tượng trưng (bốn năm tù) khiến dư luận hết sức bất an.

Bỉnh bút Nguyễn Hoàng (Diễn Đàn Doanh Nghiệp) băn khoăn: “Liệu công lý có qua xa vời? Bởi khi và chỉ khi công lý được thực thi bằng lẽ phải và sự công bằng khiến người dân tin tưởng, thì khi đó công lý mới đích thực của dân do dân và vì dân. Công lý nào cho bệnh nhân ung thư dùng thuốc giả của VN Pharma!”

Vụ VN Pharma, thực ra, chỉ là chuyện nhỏ (cỡ con thỏ là cùng) nếu so với vụ Việt Á – theo nhận định của nhiều vị thức giả:

  • Nhà bình luận thời sự Trương Nhân Tuấn :“Vụ Việt Á là một đại án giết người có tổ chức.”
  • Nhà thơ Thái Hạo: “Tôi cho rằng chính cách gọi tên là ‘Vụ án Việt Á’ đã gây hiểu lầm và hiểu sai về quy mô cũng như tính chất của vụ đại án này. Nó cần một cái tên gọi khác để phản ánh đúng về một liên minh ma quỷ mà trong đó công ty Việt Á chỉ một mắt xích, cái mắt xích dường như không hề có vai trò quyết định trong việc đạo diễn vở đại bi kịch này trên đất nước ta.”
  • T.S Phạm Quý Thọ: “Vì sao một doanh nghiệp ‘tép riu’ khiến cả guồng máy trục lợi và hệ thống quan chức suy thoái?”
  • Họa sỹ Đỗ Duy Ngọc: Trong vụ án đốn mạt này còn có ai nữa chưa bị lộ mặt. Kẻ gọi là “Trùm cuối” là ai? Nếu chủ trương không có vùng cấm, không có ngoại lệ thì xin đề nghị hãy làm đến tận hang ổ cuối cùng.
  • Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: “Đại dịch cho thấy một hệ thống truyền thông dối trá, bịp bợm; một hệ thống tham nhũng thối nát từ trên xuống dưới, ăn không từ một thứ gì xuất hiện và liên quan đến đại dịch; sự vi phạm quyền con người trắng trợn dưới nhiều hình thức; hệ thống quan chức ngu dốt; cuối cùng là một hệ thống nhóm lợi ích siêu quyền lực đã tạo ra cả hệ thống chính sách để trục lợi, một sự lũng đoạn nhà nước quy mô khủng khiếp…”

Mức độ “khủng khiếp” này được một người cầm viết khác, Bùi Thanh Hiếu, ghi nhận như sau:

“Bao nhiêu người dân nghèo, người công nhân ở mọi miền đất nước phải móc tiền ra để trả cho cái gọi là xét nghiệm covid, cái thứ được làm không biết ở đâu, trong cái cơ sở chỉ vài chục mét vuông với giá cắt cổ, để rồi phần lớn số tiền đó vào tay bọn quan lại tham nhũng. Ăn như thế là ăn thẳng từ máu, nước mắt, mồ hôi của dân. Ăn đất, ăn dự án, ăn nọ kia , cướp của nhau chưa đủ. Giờ còn thẳng thừng cướp trực tiếp vào máu toàn nhân dân. Tội của bọn này còn đáng chết ngàn vạn lần tội của kẻ khác.”

Thực cũng khó mà kết luận (hay bình luận) ai “đáng chết” hơn ai. Những câu chữ thống thiết thượng dẫn chỉ khiến tôi nhớ đến đến lời của một nhân viên ở trại rắn Đồng Tâm – huyện Châu Thành – đọc được trên báo Tuổi Trẻ hôm 24 tháng 5 năm 2022:

“Từ ngày 1-5 đến nay, trại rắn này đã tiếp nhận 139 ca bị rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ cắn. Trung bình mỗi ngày trại tiếp nhận từ 6-7 ca bị rắn cắn từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An… chuyển đến. Nguyên nhân do vào mùa mưa nên số ca bị rắn cắn tăng.”

Dù là đang vào mùa mưa (và dù là một xứ sở thuộc vùng khí hậu nhiệt đới) số người dân Việt chết vì rắn rít thật không đáng kể, chỉ vài ba mạng mỗi ngày. Đây là một con số nhỏ  – rất nhỏ – nếu so với số lượng tử vong gây ra bởi sự nhẫn tâm (hay nói chính xác hơn là ác tâm) của đám quan chức lãnh đạo ở đất nước này.

Tưởng Năng Tiến
6/2022

Nguyễn Văn Vàng – STTD Tưởng Năng Tiến

Nguyễn Văn Vàng – STTD Tưởng Năng Tiến

Trang Việt Nam Thời Báo vừa đăng tải một bài viết (“Tu Sĩ Giả, Linh Mục Dỏm”) tuy không nặng ký nhưng khá nặng lời, của tác giả Hoàng Lan Mộc Châu, về giới tăng lữ ở VN:

“Từ trước đến nay người ta phát hiện vô số tu sĩ, là giả, là dỏm. Thường thì bọn dỏm giả hay mang hình thức tu sĩ của các tôn giáo lớn, tổ chức lỏng lẻo, khó kiểm soát như Phật giáo, bây giờ đã có trường hợp linh mục công giáo giả, dỏm gây khó chịu cho người công giáo.”

Tuy không phải là kẻ vô thần nhưng tôi là người vô đạo, và chưa bao giờ có bất cứ kỳ vọng gì vào những kẻ khoác áo nhà tu nên không hề thất vọng chi về cái đám giả danh hay giả hình này. Chả những thế, trên đường đời – thảng hoặc – tôi còn may mắn gặp được đôi ba vị chân tu.

Đầu năm 1980, tôi bò đến được bờ biển Thái Lan nhưng bầm dập/te tua/ tơi tả cả xác lẫn hồn. Nơi đây, dưới một mái lều tranh (được dùng như nhà thờ tạm) trong trại tị nạn Songkhla, tôi gặp cha Joe Devlin – một tu sĩ Dòng Tên.

Dù không có nhu cầu học tiếng Anh ở trình độ vỡ lòng, tôi vẫn ngồi yên lặng nghe vị linh mục này giảng dậy rất nhiều buổi chiều – từ tháng này sang tháng nọ – chỉ vì giọng nói hiền hoà, ánh mắt nhân từ, và những cử chỉ bao dung thân ái của ông.

Cuối năm 1980, ở trại tị nạn Galang (Nam Dương) tôi lại gặp được một vị tu sĩ Dòng Tên khác: cha Gildo Dominici – tên Việt là Đỗ Minh Trí. Có thể nói mà không sợ quá lời là trong suốt thập niên 1980, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhiều người Việt tị nạn tại nơi đây (cũng như tại trại Bataan, Phi Luật Tân) tương đối khả kham là nhờ vào sự tận tụy của cá nhân ông. 

Đến cuối đời, tôi lại còn được biết thêm nhiều vị tu sĩ can trường và khả kính khác nữa. Họ không chỉ hy sinh, cống hiến mà còn sẵn sàng chấp nhận cái chết một cách thung dung với đức tin mãnh liệt vào tôn giáo của mình.

“Sống chung với một số Thượng-tọa, Đại-đức, học được thái độ an nhiên tự tại, tôi khám phá ra đó là phương thức sống hay nhất trong nhà tù cộng sản và sau này suốt thời gian dài hơn, khổ hơn, nhục hơn ở các trại cải tạo lao động, càng thấy điều đó rất đúng. Cắt được mọi ray rứt, ân hận, tiếc nuối, mong ước, giữ cho tinh thần thật thảnh thơi càng có sức để chống lại âm mưu hủy diệt của cộng sản bằng những thủ đoạn bỏ đói, bỏ khát, cùm kẹp trong xà lim…

Tôi cũng đã gặp một số các Thượng-tọa, Đại-đức như thầy Quảng Độ, Huyền Quang, Thông Bửu, các thầy bị bắt trong vụ Việt Cộng tiếp thu Cô Nhi Viện Quách Thị Trang… Thái độ chịu đựng những ngày đói khổ ở xà lim, tác phong đúng đắn, tư cách bình tĩnh của các thầy làm nhiều người rất kính phục. (Nguyễn Chí Thiệp. Trại Kiên Giam. Los Angeles, CA: Sông Thu, 1992).

Ở cùng trại, và chung vụ (vụ báo Hợp Đoàn) với tác giả Nguyễn Chí Thiệp là nhà báo Vũ Ánh. Trong Hồi ký Thung Lũng Tử Thần – Người Việt Books, 2014 – ông dành ra nhiều trang để viết về linh mục Nguyễn Văn Vàng. Tôi không có khả năng tóm gọn mối giao tình giữa hai ông nên xin phép được ghi lại đôi dòng, qua ngòi bút của nhà văn Phan Nhật Nam

“Anh bị cắt khẩu phần ăn xuống chỉ còn một nửa so với thành phần lao động bên ngoài, nghĩa là chỉ còn 150 grams cho mỗi bữa ăn gồm khoản 5 lát khoai mì khô luộc và một muỗng cơm, tất cả chan đẫm nước muối và được phát cho nửa ca nước một ngày.

Ăn mặn mà uống nước ít, người rất dễ bị phù sẽ ảnh hưởng tới thận. Cho nên đói ăn lúc đó đã trở thành ít quan trọng hơn dù người tù kiên giam đang là con ma đói. Cái khát triền miên đã che lấp đi cái đói. Nếu muốn ăn được những lát sắn kia phải dùng ít nhất nửa phần nước để rửa bớt độ mặn của nước muối được chan vào cơm và khoai mì.

Anh không dám hy sinh những muỗng nước quý như vàng lúc đó để rửa phần khoai. Thế nên chỉ còn cách nhịn ăn, nhưng do càng đói lả thì mồ hôi càng ra như tắm. Và cuối cùng tình trạng kiệt sức ắt sẽ xẩy ra với cái chết chắc chắn. Chết vì đói. Chết vì khát.

Linh Mục Nguyễn Văn Vàng ra tay giải cứu. Ngài nói: ‘Anh không thể nhịn ăn mãi như thế. Nếu Chúa che chở cho mình, thì dẫu bị phù cũng không chết. Bố sẽ hy sinh nửa phần nước để anh rửa khoai mì cho bớt mặn’. Alpha khước từ: ‘Bố (tất cả người tù miền Nam đều gọi các tu sĩ của các đạo giáo là bố) lớn tuổi sức chịu đựng yếu rồi, nhịn khát như con không được đâu’.Ông cười: ‘Sao biết không được, đã thử đâu mà biết không được.

Giải pháp của Cha Vàng đã khiến cho một tuần, hai tuần, ba tuần qua đi nhanh và vô hiệu hóa được sự trừng phạt…. Vào tuần lễ thứ tư, như một phép lạ cuộc trừng phạt tự nhiên chấm dứt với viên cán bộ phát cơm nhà kỷ luật không phải là tên trực trại như thường lệ mà là một anh chàng lạ hoắc. Cuối tháng 11, cả hai được mở cùm cho ra đi tắm. Lần được tắm đầu tiên sau ba năm biệt giam.

Nhưng khi hai người ra đến bờ giếng là muốn trở lại ngay xà lim vì trời vào đông vùng miền núi miền Trung gờn gợn rét sắc. Cha Vàng run bần bật vì gió lạnh do chỉ mặc một chiếc áo len mỏng bên trong bộ đồ tù. Alpha cởi chiếc áo trấn thủ tự chế bằng tấm chăn trước khi đến trại nầy thay thế chiếc áo len mỏng của cha. Cả hai ngồi vào chỗ kín gió xong trở lại phòng biệt giam với chiến lợi phẩm là 10 viên B1 và hai bi thuốc lào do các bạn tù nơi trại nhà bếp và ông L.S, tỷ phú người Hoa đi tù do bị nhà nước đánh tư bản sau 1975 cung cấp.

Vào đến xà lim, hai người đồng thấy ra điều  thất vọng: Lửa ở đâu mà hút thuốc lào! Cha Vàng đưa ý kiến, lấy lửa bằng phương pháp của thời kỳ đồ đá. Ông giảng giải: “Nền văn minh ngày nay đến từ việc phát minh ra lửa. Lửa chế ngự đời sống con người khi họ thoát ra thời kỳ ăn lông ở lỗ… Con người thời kỳ đồ đá đã biết dùng đá chọi vào nhau cho đến khi xẹt lửa” Cha Vàng kết luận: “Chỉ cần một thanh vỏ tre và miếng vải áo mục sẽ tạo ra lửa”, Alpha tạo kế xin từ nhà bếp một thanh tre để cạo lưỡi, và Linh Mục Vàng xé mảnh áo làm con cúi chuẩn tạo nên lửa để hút thuốc lào trong một dịp trọng đại.

Noel năm 1984, Alpha và Cha Vàng thay phiên nhau kéo thanh tre xuyên qua lỗ chiếc dép lốp, từ 9 giờ sáng cho đến hơn 11 giờ thì “phép lạ” xẩy đến. Đầu con cúi bắt đầu ngún và có khói, có nghĩa là bột tre nóng quá độ đã khiến cho lớp bông nhẹ trên con cúi bén lửa. Một lát sau khi thấy xuất hiện những đốm hồng, Cha Vàng thổi nhẹ nhẹ, vết lửa lan ra…

Đúng vào tối 24-12-1984, trước khi Cha Vàng cử hành thánh lễ nửa đêm trong xà lim số 6, hai người đã hút mỗi người một điếu thuốc lào. Hút bằng một miếng giấy cuộn tròn như loa kèn và miệng ngậm búng nước. Vào đúng lúc nửa đêm, cả hai đều cảm nhận được Thánh Lễ Giáng Sinh thực sự đang trở lại thung lũng Xuân Phước qua tiếng chuông của một nhà thờ dường như ở cách nhà giam xa lắm vọng về trong đêm lạnh giá u tịch.”

Không lâu sau, linh mục Nguyễn Văn Vàng qua đời trong xà lim trong xà lim số 6 (Trại Kiên Giam A-20, Xuân Phước) vào tháng 4 năm 1985. Tôi chưa từng biết ai khẳng khái trước việc nước như ngài, và cũng chưa từng thấy ai bình thản chấp nhận khổ nạn một cách thung dung như thế cả.

Chả thế mà cái chết của ông đã khiến cho người bạn đồng tù, nhà báo Vũ Ánh, thảng thốt:

“Nhưng mơ ước của Ngài không thành, kể cả việc lớn trước đó là lập lực lượng võ trang để mong lật ngược lại tình thế của một đất nước vừa chìm đắm trong luồng sóng đỏ. Nhưng dù ngài đã mất đi, trong suy nghĩ của tôi cho đến bây giờ, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng vẫn là một ngọn lửa, âm thầm cháy như con cúi vải ngày nào bỗng bùng lên soi sáng cái không gian tăm tối của tất cả những xà lim đang hiện diện trên đất nước Việt Nam.”

Tưởng Năng Tiến
6/2022

Du Lịch Tâm Linh – Tưởng Năng Tiến

Du Lịch Tâm Linh – Tưởng Năng Tiến

Nhà thơ Inra Sara cho biết người Cham không cắm hoa trong bình và cũng chẳng thích ngắt bông hay chưng hoa hòe, hoa sói gì ráo trọi. Họ cứ để “cho nó giữa bao la hay xó kẹt thiên nhiên” thôi.

Dân Việt thì khác. Mặc dù đã sống trong xã hội mới (Xã Hội Chủ Nghĩa) từ nhiều thập niên qua nhưng “tinh thần làm chủ tập thể” của họ, xem chừng, vẫn còn rất thấp. Cái gì người Việt cũng nhất định phải vơ về làm của riêng mới chịu (kể cả bông hoa) khiến báo chí nhà nước than phiền quá xá:

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn càm ràm: “Những bồn hoa tết tại Hà Nội chỉ sau một đêm là mất sạch!” Trời đất! Tưởng gì?  Chớ bị trộm có mấy chậu hoa giấy hay mấy bồn hoa tết (chuyện nhỏ như con thỏ) thôi mà cũng nói này nói nọ làm chi, cho má nó khi.

Nước ta còn nhiều vụ trộm hoành tráng và ngoạn mục hơn nhiều, theo tường thuật  của FB Đỗ Duy Ngọc:

Thời nay ở xứ Việt, người ta không chỉ vào rừng lấy gỗ về làm những ngôi nhà đồ sộ tốn hàng trăm mét khối, không chỉ đốn cây rừng về làm bàn ghế, tủ giường chạm khắc lởm chởm để chứng tỏ mình giàu, mình là giới quý tộc. Những trọc phú thời nay còn đốn nguyên cả cây rừng cổ thụ về trồng ở sân nhà mình. Đem cây rừng về nhà người ta gọi là “di thực”. Rừng tan hoang vì thuỷ điện, rừng không còn vì những thú sở hữu của những kẻ lắm tiền.

Di thực, nói nào ngay, không phải là một hiện tượng phổ biến. Núi rừng tan hoang/điêu tàn cũng không phải chỉ do đám làm thủy điện, đám lâm tặc, hay đám trọc phú mà còn có sự tiếp tay không ngừng của đám sư tăng (thuộc GHPGVN) trong việc khai thác du lịch tâm linh nữa.

Bỉnh bút Văn Tâm (Tạp Chí Luật Khoa) cho biết: Bốn mươi năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hơn 20 năm xẻ núi xây chùa …

Năm 2003, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình được xây dựng trên một sườn núi với tổng diện tích 539 ha. Chùa rộng đến mức nhà chùa phải chi 10 tỷ đồng mỗi năm để thắp sáng. Năm 2021, khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử tỉnh Bắc Giang vừa đón khách vừa tiếp tục được xây dựng. Khu du lịch sẽ giúp du khách khám phá cuộc đời của vua Trần Nhân Tông. Để có trải nghiệm khám phá này, phải đánh đổi 136 ha đất sườn núi.

Ở Ninh Bình, chùa Bái Đính không dừng lại ở 539,2 ha được cấp ban đầu. Năm 2010, sau hơn hai năm khánh thành, ngôi chùa này được mở rộng thêm 424,8 ha đất. Ở Nghệ An, chính quyền huyện Diễn Châu bắt đầu xây dựng quần thể văn hóa tâm linh đền Cuông rộng 130 ha vào năm 2018. Năm 2020, một ngôi chùa trong quần thể bị phát hiện là được xây dựng trên 4,8 ha đất rừng phòng hộ…

Cuộc đua bất tận đó không chỉ tốn những quả đồi. Chùa Bái Đính đã dùng 900 mét khối gỗ tứ thiết để dựng cột cho Điện thờ Phật Bà Quan Âm. Tam quan và hành lang ngôi chùa dài đến ba cây số (dài nhất Việt Nam) được dựng toàn bộ bằng cột gỗ. Chùa tốn đến 3 tỷ đồng/ năm chỉ để chống mối mọt cho hàng nghìn chiếc cột, cửa bằng gỗ.

Xem thế mới biết là ngoài cái “tập quán” trộm hoa ngoài lộ mang về nhà chơi, bứng cây trong rừng đem về nhà trồng, dân Việt còn thích bỏ Phật/Chúa/ Thánh/ Thần vào những điện thờ hay chùa chiền hoành tráng để thờ cúng nữa. Thị hiếu này quả là có hơi bất bình thường, và (ngó bộ) không được “minh triết” gì cho lắm:

  • Đức Đạt Lai Lạt Ma: “The purpose of all the major religious traditions is not to construct big temples on the outside, but to create temples of goodness and compassion inside, in our hearts. Mục đích chính yếu của tất cả các truyền thống tôn giáo không phải là để xây dựng những điện thờ nguy nga bên ngoài mà để tạo ra các thánh điện của lòng nhân hậu và từ bi bên trong, trong lòng của chúng ta.” (Translated by T.T Thích Nguyên Tạng).
  • Triết gia Baruch Spinoza: “Stop going into those dark, cold temples that you built yourself and saying they are my house. My house is in the mountains, in the woods, rivers, lakes, beaches. That’s where I live and there I express my love for you. Đừng bước chân vào những ngôi đền tối tăm lạnh lẽo mà chính các con xây nên rồi bảo đấy là nhà của ta. Nhà của ta là ở trên núi, trong rừng, trên sông, hồ, bãi biển. Đấy mới là nơi ta sống và đấy là nơi mà ta bầy tỏ lòng thương yêu của ta với các con. (Translated by Nguyễn Bá Trạc).

Tự ngàn xưa, dân bản địa ở VN cũng đã quan niệm thế rồi:

Yàng tập trung trên các đỉnh núi. Vì vậy mà người Tây Nguyên gọi những Yàng ấy là Yàng Núi, thần Núi, nên phải luôn cúng núi. Cho dù bây giờ là thời hiện đại, con người có thể biết chuyện toàn thế giới trong một cái nhấp chuột trên Internet thì sự linh thiêng của một ngọn núi ở một quê xứ cứ sừng sững trong lòng bất kỳ ai. Đỉnh Ngok Linh, người Sê Đăng, Giẻ Triêng tuyệt đối không để trời cao giận dữ, không tự tiện mở đường, xẻ núi…

Không chỉ người bản địa Tây Nguyên, người Chăm ở miền duyên hải cũng kiêng nể thần núi… Chỉ có những người bất chấp tâm linh mới hành động mà không cần điểm tựa của trời đất, chân lý, quá khứ. Càng “phi tâm linh” càng hung dữ, càng không kiêng nể cái gì, cho dù là trời xanh hay núi cao, sẵn sàng tàn phá và tàn ác với thiên nhiên. Và khi con người ta có đủ độ tàn bạo để cạo sạch thảm thực vật trên một ngọn núi thì quả người ấy chẳng coi thần thánh ra cái thể thống gì. (Nguyễn Hàng Tình.“Mây Gió Tâm Linh.” Thanh Niên Online 28 Jan. 1993).

Chính vì bản chất vô thần, và “tàn ác với thiên nhiên” nên đám sư tăng quốc doanh, và bọn cán bộ nhà nước – hiện nay – đang chung tay “khai thác thánh thần” để trục lợi (qua những dịch vụ du lịch tâm linh) ở khắp mọi nơi:

Nhà báo Nhật Lệ đặt câu hỏi:

Thử tưởng tượng ở một đất nước với 9.000 lễ hội lớn nhỏ trong một năm, điều gì đang xảy ra? Có điều gì bất bình thường khi con người hiện đại ngày càng xa rời giá trị tinh thần để đến với thế giới vật chất, lại bấu víu nơi lằn ranh chánh tín và mê tín để tìm cho mình một lối thoát? Vì sao đi lễ chùa phải cầu xin lợi lộc, tiền tài, địa vị và cả sự bình an sau khi tranh đoạt quyền lợi với người khác? Vì sao phải xì xụp khấn vái với mâm cúng thật to để mong cầu giá trị vật chất, mà quay lưng với đạo đức và chữ hiếu? Nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, ném tiền xuống hồ, hay mang tiền rải khắp nơi để làm gì? Giá trị lễ hội có giúp con người hiện đại thay đổi, hay lại càng rơi vào mê lầm, tiếp tay cho một lớp người dám buôn thần bán thánh, kinh doanh tín ngưỡng?

Sâu xa hơn, nhiều người cho rằng đây là cuộc khủng hoảng niềm tin, mà lễ hội ra đời càng nhiều chính là sự bù đắp thiếu hụt kinh khủng đó.

Ngày nào mà cái nhà nước hiện hành ở VN còn tồn tại, và cái Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ còn “quản lý tín ngưỡng tôn giáo ” thì “khủng hoảng niềm tin” là điều không thể tránh khỏi ở đất nước này.

Tưởng Năng Tiến
6/2022