Căn tính truyền giáo của Hội Thánh trong kinh nghiệm của sứ vụ Jarai
Đăng bởi lúc 2:27 Sáng 11/10/13
VRNs (11.10.2013) – Gia Lai – 1- Trong những ngày tháng cuối cùng của Năm Đức Tin này, chúng ta hãy đọc lại một vài đoạn liên quan đến Truyền Giáo của Công Đồng Vatican II (bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Piô X) như ý nguyện của Hội Thánh qua Tự Sắc “Cánh Cửa Đức Tin” của Đức Bênêđiktô XVI.
Ad Gentes (Sắc Lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Hội Thánh),
Chương I, 6:
“Ðược gọi chung là “việc truyền giáo” tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội 14* đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Âm, và “trồng” Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô; những công cuộc này được hoàn thành nhờ hoạt động truyền giáo, và phần nhiều được thực hiện trong những địa hạt nhất định mà Tòa Thánh đã công nhận. Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Âm (evangelizatio) và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ 34. Như thế, do hạt giống lời Chúa (bản dịch chính thức bằng tiếng Pháp: nées de la Parole de Dieu), các Giáo Ðoàn địa phương một khi đã được thiết lập đầy đủ khắp nơi trên thế giới, phải lớn lên, và, một khi thực sự tự mình có đủ sức sống và trưởng thành, nghĩa là đã được thiết lập Hàng Giáo Phẩm riêng, phải hiệp nhất với dân trung thành; đồng thời có những phương tiện hầu như tương ứng để sống đầy đủ đời sống Kitô giáo, các Giáo Ðoàn đó phải góp phần vào lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Phương tiện chính để gieo trồng các Giáo Ðoàn này là việc rao giảng Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô; chính vì vậy mà Chúa đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng Phúc Âm, để sau khi con người đã được tái sinh do lời Thiên Chúa (coi 1Phêrô 1,23) sẽ nhờ phép Rửa mà gia nhập Giáo Hội, một Giáo Hội, với tư cách là thân xác của Ngôi Lời nhập thể, được nuôi dưỡng và sống động bằng lời Chúa và bánh thánh thể (coi Cv 2,42).”
Lumen Gentium – Hiến Chế về Hội Thánh – chương 2 số 17:
17. Tính cách truyền giáo của Giáo Hội. Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Ðồ như vậy (x. Gio 20,21) khi Người phán: “Vậy các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà Chúa Kitô long trọng truyền rao giảng chân lý cứu rỗi, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông Ðồ để chu toàn khắp cõi đất (x. CvTđ 1,8). Vì thế, Giáo Hội xem lời sau đây của Thánh Tông Ðồ như lời của mình: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cor 9,16), và vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Phúc Âm cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc Âm (opus evangelizandi). Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thánh Tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhập họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn. Thực ra, những gì (bản tiếng Pháp: germes de bien) thiện hảo trong tâm hồn và tư tưởng của loài người, hoặc trong nghi lễ và văn hóa riêng của các dân tộc, hoạt động của Giáo Hội không nhằm tiêu diệt chúng, nhưng lành mạnh hóa, nâng cao và hoàn thành chúng, hầu làm vinh danh Thiên Chúa, đánh bại ma quỉ và mưu cầu hạnh phúc cho con người. Mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần truyền bá đức tin 21. Tuy bất cứ ai cũng có thể ban phép Thánh Tẩy cho những kẻ tin, nhưng chỉ có linh mục mới hoàn tất, xây dựng Nhiệm Thể bằng hy lễ tạ ơn, làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: “Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ được lừng lẫy khắp muôn dân; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính Danh Ta” (Mal 1,11) 22. Như thế Giáo Hội vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thể vũ trụ biến thành Dân Thiên Chúa, Thân Thể Chúa Kitô và Ðền Thờ Chúa Thánh Thần, và trong Chúa Kitô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng lên Chúa Cha Ðấng Tạo Thành vũ trụ. (Bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Pio X).
2- Làm rõ một vài từ
VIỆC TRUYỀN GIÁO: Từ chính thức của HT là MISSIO do bởi động từ MITTERE có nghĩa là gửi đi, sai đi. Ý nghĩa này được nói rõ trong chính bản văn Công Đồng: “Như Chúa Cha sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông Ðồ như vậy (x. Gio 20,21)… vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Phúc Âm.” Việt Nam quen dùng từ TRUYỀN GIÁO (thiếu ý “được sai”, “được gửi đi” rất căn bản trong căn tính thừa sai của HT). Có người nói là SỨ MẠNG và SỨ VỤ. Từ sau Công đồng Vatican II, Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin (Congregatio pro Propaganda Fidei) được đổi là Thánh Bộ Phúc Âm Hóa (Congregatio Evangelisationis): Không còn “truyền bá” như trong ý “truyền giáo” của Việt Nam, mà là “phúc âm hóa”.
PHÚC ÂM HÓA – dịch từ EVANGELIZATIO. EVANGELIUM trước đây chúng ta gọi là PHÚC ÂM, nay chúng ta quen gọi là TIN MỪNG. Muốn có một động từ Việt cho EVANGELIUM, chúng ta bắt buộc phải dùng từ PHÚC ÂM HÓA (hán việt), không dùng được từ TIN MỪNG HÓA (vì lẫn cả hán cả việt). Trong bản văn trên, khi gặp từ EVANGELIZATIO, dịch giả đã dịch là rao giảng Phúc Âm. Rõ ràng dịch như thế là chưa lột hết ý của EVANGELIZATIO. Vậy ta có thể đồng ý chăng EVANGELIZATIO là làm cho tất cả thành PHÚC ÂM, thành TIN MỪNG? Và chúng ta cũng hãy khẳng định ngay với nhau: TIN MỪNG hay PHÚC ÂM là CHÍNH CHÚA YÊSU KITÔ.
3- Những yếu tố làm thành căn tính truyền giáo (thừa sai – nature missionnaire – missionary nature) của Hội Thánh qua hai bản văn trên đây: HẠT GIỐNG LỜI CHÚA – KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA – PHÚC ÂM và PHÚC ÂM HÓA – CẦU NGUYỆN – CHÚA THÁNH THẦN – GIÁO ĐOÀN – GIÁO HỘI – TRỒNG GIÁO ĐOÀN, TRỒNG GIÁO HỘI SỐNG BẰNG LỜI CHÚA và THÁNH THỂ, TRƯỞNG THÀNH VÀ TIẾP TỤC PHÚC ÂM HÓA VỚI HỘI NHẬP VĂN HÓA.
4- SỨ VỤ JRAI
Từ 1969 đến 1988: Chia sẻ cuộc sống làm Jrai với Jrai. Học sống, học làm, học nói… với Jrai. Giai đoạn Nazareth. Theo Yêsu Nazareth.
Từ 1988 đến 2005: Khi người Jrai xin nhập Đạo, chúng tôi chỉ có cuốn Tân Ước Jrai. Chúng tôi cùng người Jrai đọc và cầu nguyện theo Lời Chúa (Xin thể hiện cho tôi theo như Lời của Ngài). Lời Chúa được coi như Bí Tích – Lc 11, 9-13. Tiêu chuẩn để nhận ra lòng tin của người dự tòng là khi họ bắt đầu biết cầu nguyện (như Ông Kpă Hui-Ama Bloach, Bà Yă Nay H’Pip, Con Ama Tit…). Đánh máy một câu Lời Chúa cho mỗi ngày: trong gia đình ai biết đọc thì đọc cho mọi người cầu nguyện theo. Dần dần lập những nhóm cấu nguyện trong các làng. Nên di chuyển từ nhà này qua nhà khác. Đặc biệt chú ý tới những gia đình có người đau yếu, già cả, gặp khó khăn… Lời Chúa – Cầu Nguyện – Làm Chứng (về ơn ban). Mỗi tuần có một ngày cho nam giới, một ngày cho nữ giới, một ngày cho giới trẻ, một ngày cho những người phục vụ Lời, qui tụ về Nhà Trung Tâm, đọc Lời Chúa – Cầu Nguyện – Làm Chứng (về ơn ban). Lời Chúa lan tràn. Lời cầu nguyện lan tràn. Ơn Chúa lan tràn. Nhiều người trở lại. Người ta kêu anh chị em dự tòng Như Plei Tao Klah), tân tòng (như Plei Buch Sor) đi loan báo Lời Chúa và cầu nguyện. Một sứ vụ cầu nguyện (ĐTC Phanxicô: Đi vào sứ vụ bằng hai đầu gối). Một sứ vụ như thế phù hợp với những người hèn mọn. – Và đối với dự tòng là đọc theo Kêrygma – Lời Khởi Giảng – KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA. Vị giảng thuyết của Nhà Giáo Hoàng, Cha Raniero Cantalamessa, trong bài giảng thứ nhất Mùa Vọng, thứ sáu 07.12.12, tại Vatican trước sự hiện diện của Đức Bênêđictô XVI và giáo triều Rôma:
“Thời đầu HT, có sự phân biệt giữa kêrygma (khởi giảng) và điđakhê (huấn giáo). Trong kêrygma, mà Phaolô cũng gọi là « Tin Mừng », có liên quan đến hoạt động của TCh trong Đức Kitô Yêsu, đến mầu nhiệm vượt qua chết sống lại, diễn đạt bằng những mệnh đề ngắn về đức tin, như mệnh đề trong lời lẽ của Phêrô vào ngày Ngũ Tuần : «Các ông đã thủ tiêu Ngài bằng cách đóng đinh Ngài vào thập giá, Thiên Chúa đã cho Ngài chỗi dậy và tôn Ngài làm Chúa» (coi Cv 2, 23-36), hay câu : «Nếu bạn tuyên xưng nơi miệng bạn : Đức Yêsu là Chúa và nếu bạn tin trong lòng bạn : Thiên Chúa đã cho Ngài chỗi dậy từ cõi chết, bạn được cứu » (Rm 10,9).”
“Điđakhê, trái lại, chỉ giáo huấn ban cho những người đã đón nhận đức tin, sự triển khai, đào tạo toàn diện của tín hữu. Người ta xác tín (nhất là Thánh Phaolô) rằng đức tin đích thật, chỉ xuất hiện với kêrygma. Kêrygma không phải chỉ là tóm kết của đức tin hay là một phần của đức tin, nhưng là mầm giống từ đó xuất hiện mọi thứ còn lại. Bốn tin mừng cũng được viết ra sau, chính là để quảng diễn kêrygma…. Và ngày hôm nay, chính chúng ta – trước tiên là các giám mục, các nhà giảng thuyết, các giáo lý viên – phải làm nổi bật cái tính cách « đặc biệt » của kêrygma như là thời điểm nẩy mầm của đức tin.” Tất cả Tân Ước được viết theo khuôn mẫu Kêrygma. Tất cả Phụng Vụ và các Bí Tích của Hội Thánh được xây dựng theo khuôn mẫu Kêrygma. Đỉnh điểm mà đón nhận và tuyên xưng Đức Kitô là Chúa để Ngài đổ tràn Thần Khí cho (Cv 2, 32-36), để Chúa Thánh Thần thánh hóa (thần hóa, linh hóa) để làm con của Cha (Gal 4, 6), “sống bởi Thần Khí, thì cũng theo Thần Khí mà tiến bước” (Gal 5,25). Thần Khí luôn luôn làm chứng và lôi kéo chúng ta làm chứng với Ngài (Ga 15, 26-27). Ngài luôn xuất phát như trong ngày Hiện Xuống. Ngài là linh hồn của Hội Thánh Thừa Sai.
“Đừng sợ hãi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và rộng mở con tim cho các sự mới mẻ của Thiên Chúa”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hơn 250.000 thành viên các phong trào, và hội đoàn giáo dân trong thánh lễ cử hành lúc 10 giờ rưỡi sáng 19 tháng 5, là lễ Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Đức Thánh Cha nêu bật ba yếu tố gắn liền với hoạt động của Chúa Thánh Thần: đó là sự mới mẻ, hòa hợp và sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Ngài nói:
Sự mới mẻ ở đây không phải là vấn đề phải có cái mới, không phải là việc tìm kiếm cái mới để vượt thắng sự nhàm chán, như thường xảy ra trong thời đại chúng ta. Sự mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến trong đời ta là điều gì đó thật sự mang lại sự viên mãn, niềm vui đích thực, sự thanh thản đúng nghĩa, bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chỉ muốn thiện ích cho chúng ta.
Đề cập tới sự hòa hợp là hoa trái hoạt động của Chúa Thánh Thần Đức Thánh Cha nói:
Bề ngoài xem ra Chúa Thánh Thần tạo ra sự mất trật tự trong Giáo Hội, bởi vì Người đem tới sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Người tất cả điều này, trái lại, là nguồn mạch to lớn cho sự phong phú, vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất; sự hiệp nhất không có nghĩa là sự đồng nhất, nhưng dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Trong Giáo Hội Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa.
Điểm sau cùng là sứ mệnh rao truyền Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói:
“Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta mở cửa để ra ngoài, để loan báo và làm chứng cho cuộc sống mới của Tin Mừng, để thông truyền niềm vui của đức tin, của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mệnh loan báo Tin Mừng. Điều đã xảy ra tại Giêrusalem cách đây 2000 năm không phải là một sự kiện xa xăm với chúng ta, nhưng là một sự kiện ảnh hưởng tới chúng ta, và là một kinh nghiệm sống động trong chúng ta”.
Đức Thánh Cha đã cảm ơn các tất cả các phong trào, cộng đoàn, đoàn thể, hiệp hội. Ngài nói: “Anh chị em là một ân sủng, và là sự phong phú cho Giáo Hội. Chính anh chị em là sự giầu có của Giáo Hội.”
Cũng trong những ngày ấy, có người hỏi Đức Thánh Cha:
HT mời gọi chúng con vào «tân phúc âm hóa». Con nghĩ rằng tất cả chúng ta ở đây đều nghiệm thấy mạnh mẽ thách đố ở ngay trung tâm những trải nghiệm của chúng ta. Vì thế, thưa Đức Thánh Cha, con xin ĐTC giúp con và giúp tất cả chúng con hiểu và sống thách đố này của thời đại chúng ta. Theo ĐTC, điều gì là quan trọng nhất mà chúng con phải nhìn vào để tiến hành phần vụ mà chúng con được kêu gọi thực thi? Câu trả lời của ĐTC Phanxicô:
Cha sẽ chỉ nói ba từ.
Từ thứ nhất là Yêsu. Điều gì quan trọng nhất ? Đó là Yêsu. Nếu chúng ta dựa vào tổ chức, vào những điều khác, những điều tốt lành, mà không có Yêsu, chúng ta chẳng tiến lên được, chẳng đi tới đâu. Yêsu là quan trọng nhất. Bây giờ, Cha muốn trách chúng con một tí, nhưng một cách huynh đệ, giữa chúng ta với nhau. Anh chị em đã hô lên trong quảng trường : « Phanxicô, Phanxicô, ĐGH Phanxicô ». Nhưng Yêsu, Ngài đâu rồi ? Cha muốn chúng con kêu lên : « Yêsu, Yêsu là Chúa, và Ngài thực sự ở giữa chúng ta ». Từ giờ, không « Phanxicô » nữa, nhưng là « Yêsu » !
Từ thứ hai là: Cầu nguyện. Nhìn vào khuôn mặt của ĐCT, nhưng nhất là, và điều này liên hệ với điều Cha đã nói trước, nghiệm thấy được Chúa nhìn mình. Chúa nhìn chúng ta, Ngài nhìn chúng ta trước. Đó là điều mà Cha nghiệm thấy khi ở trước sagrario (Nhà Tạm) khi Cha đi cầu nguyện, buổi tối, trước Chúa. Vài lần Cha có thiếp ngủ chút ít ; thật sự, vì mệt nhọc suốt ngày, bạn cũng thiếp ngủ chút chút. Nhưng Ngài thì Ngài hiểu Cha. Cha cảm thấy cả một niềm an ủi khi Cha nghĩ là Ngài nhìn Cha. Chúng ta nghĩ là chúng ta phải cầu nguyện, nói, nói, nói… Không ! Bạn hãy để cho Chúa nhìn bạn. Khi Ngài nhìn bạn, Ngài ban cho bạn sức mạnh và giúp bạn làm chứng về Ngài – bởi vì vấn đề là chứng từ đức tin, phải không ? Trước là « Yêsu », rồi « cầu nguyện » – chúng ta cảm thấy ĐCT nắm lấy tay chúng ta. Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc này là : để cho Ngài dẫn đưa ta. Đây là điều quan trong hơn bất cứ tính toán nào. Chúng ta là những người loan báo Tin Mừng đích thực khi chúng ta để cho Ngài dẫn ta. Chúng ta hãy nghĩ tới Phêrô ; có lẽ ngài đã ngủ trưa, sau bữa ăn, và ngài có một thị kiến, thị kiến về tấm khăn với mọi thứ sinh vật, và ngài đã nghe Chúa Yêsu nói điều gì đó mà ngài không hiểu. Lúc đó, có nhiều người không phải là do thái đến tìm ngài để đến một căn nhà, và ngài đã thấy CTT ở đó. Phêrô đã để cho Chúa Yêsu dẫn để đi tới việc phúc âm hóa đầu tiên cho Muôn Dân, không phải là người Do Thái : đó là một điều không thể tưởng được vào thời đó (coi Cv 10, 9-33). Và tất cả lịch sử là như thế, tất cả lịch sử ! Để cho Yêsu dẫn. Ngài đích thật là lãnh đạo, vị lãnh đạo của chúng ta, là Yêsu.
Và từ thứ ba, làm chứng. Yêsu, cầu nguyện – cầu nguyện: để cho Chúa dẫn dắt – và tiếp đến là làm chứng. Nhưng Cha muôn thêm. Để cho Chúa Yêsu dẫn dắt đưa ta tới những bất ngờ của Chúa Yêsu. Người ta có thể nghĩ rằng phúc âm hóa, là chúng ta phải lên chương trình xung quanh một cái bàn, nghĩ rằng phải có những chiến lược, phải có những dự án. Điều quan trọng là Yêsu và để cho Ngài dẫn dắt. Sau đó chúng ta có thể soạn những chiến lược, nhưng đó là thứ yếu.
Cuối cùng là, làm chứng. Thông truyền đức tin chỉ có thể thực hiện bằng làm chứng và đó là yêu mến. Chứ không phải bằng những ý tưởng của chúng ta, nhưng là bằng tin mừng được sống trong hiện sinh của chúng ta và mà CTT làm cho sống trong chúng ta. Đó như là hiệp lực giữa chúng ta và CTT, và điều đó dẫn tới việc làm chứng. Như Đức GP II và Bênêđictô XVI đã nói, thế giới ngày nay rất cần tới những chứng nhân. Chứ không nhất thiết là những vị thầy, nhưng là những chứng nhân. ACE đừng có nói nhiều quá, nhưng hãy nói bằng tất cả cuộc sống của ACE : sống gắn kết, đúng rồi, một đời đời sống gắn kết! Một đời sống gắn kết ở chỗ sống đạo Kitô như là một sự gặp gỡ với Chúa Yêsu dẫn ta đến với tha nhân, chứ không phải sống như một hiện tượng xã hội. Về mặt xã hội, chúng ta là như thế, chúng ta là những kitô hữu, khép lại trên chính mình. Không, không phải như thế ! Mà là làm chứng !
Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR