Cách mạng vô sản hay vô học?

From facebook:  Trần Bang

Cách mạng vô sản hay vô học?

Cho đến năm 17 tuổi tôi vẫn hiểu về cái gọi là “Cách mạng tháng 10” theo sách vở tuyên truyền của chế độ cộng sản ở Việt Nam. Tuy nhiên sau đó nhận thức của tôi đã “tự diễn biến”.

Năm 17 tuổi, lần đầu tiên đọc tác phẩm “Bác sĩ Jhivago” của văn hào Boris Pasternak qua bản dịch Việt ngữ của dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, ấn hành tại Sài Gòn, tôi chợt nhận ra “Cách mạng tháng 10” thật ra chỉ là một cuộc bạo loạn đưa đám vô học lên cầm quyền.

Từ đó tôi tìm đọc thêm sách vở của các tác giả phương Tây và đặc biệt từ chính các trước tác của Lenin qua bộ “Lênin toàn tập” tiếng Việt do nhà cầm quyền Việt Nam phát hành. Càng ngày tôi càng xác quyết hơn nhận định rằng đó đơn thuần chỉ là cuộc bạo loạn của đám vô học mà thôi.

Vô học luôn đi kèm sự tàn bạo phi nhân tính vốn gây nên nhiều cuộc thảm sát đẫm máu nhân danh “giải phóng con người”. Căn bệnh đó đã lây lan khắp thế giới, nhất là những nơi vừa thoát khỏi thể chế quân chủ phong kiến, và trở thành thảm họa của nhân loại. Liên Sô, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Triều Tiên là những minh chứng.

Lenin được xưng tụng như lãnh tụ của giai cấp vô sản thật ra chỉ là một tay đao phủ đáng ghê tởm. Tượng đài của hắn tất nhiên về sau đã bị đập đổ không thương tiếc trong niềm hân hoan của dân chúng ở những quốc gia thoát khỏi gông cùm cộng sản.

Tháng 4/2010 ở trại giam Bộ Công An, tôi đã làm bài thơ về Lenin để lưu lại cảm giác về kẻ tội đồ của nhân loại mà hình ảnh gắn liền với cuộc “Cách mạng vô học” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử:

Viết nhăng, nói nhảm, tưởng cao minh,
Đao phủ quán quân giỏi trá hình.
Phẳng lấp tang thương đường cách mạng,
Ngập tràn cờ đỏ máu sinh linh.
Thỏa cơn loạn trí gieo nghèo đói,
Sùng thuyết vô luân đoạn nghĩa tình.
Nhân loại bàng hoàng vang cảnh tỉnh,
Khó nhòa bia miệng vạn đời khinh.

(Copy từ FB LS Lê Công Định )

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay